SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ IV
Phẩm 17: Tướng không thoái
(QUYỂN 549)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Bấy giờ Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Chúng con nên dùng tướng trạng nào để biết Đại Bồ-tát không lui sụt?
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Nếu Đại Bồ-tát có thể biết như thật hoặc địa vị phàm phu, địa vị Thanh văn, địa vị Độc giác, địa vị Bồ-tát, địa vị Như Lai. Các địa vị như vậy tuy nói có khác, nhưng trong tánh chân như của các pháp; không đổi khác, không phân biệt, đều không có hai, không hai phần. Đại Bồ-tát đó tuy thật ngộ nhập chân như của các pháp, cũng thật an trú chân như của các pháp nhưng không có sự phân biệt, vì lấy vô sở đắc làm phương tiện. Đại Bồ-tát này đã thật ngộ nhập chân như của các pháp, mặc dầu nghe chân như cùng tất cả pháp không hai, không khác, mà không nghi ngờ, vướng mắc. Đại Bồ-tát đó đã thật an trú vào chân như của các pháp. Ra khỏi chân như rồi, tuy nghe các pháp có nhiều tướng loại khác nhau nhưng ở trong đấy không có sự chấp trước, cũng không nghi ngờ vướng mắc và không nghĩ rằng: “Việc này như thật, việc này không như thật. Mặc dầu không nghĩ Như Lai như vậy nhưng đối với các pháp có thể biết như thật. Đại Bồ-tát này không bao giờ phát ra lời nói vu vơ. Tất cả những gì họ nói đều đưa đến lợi ích, nếu không có lợi ích thì họ không bao giờ nói. Đại Bồtát này không bao giờ xét thấy sự hay, dở, tốt, xấu của người khác, thuyết pháp cho họ một cách bình đẳng, thương xót. Nếu Đại Bồ-tát thành tựu các tướng trạng như vậy thì nhất định đối với quả vị Giác ngộ cao tột không trở lại quay lui.”
Này Thiện Hiện, tất cả các Đại Bồ-tát không thoái chuyển, không bao giờ muốn thấy hình tướng, ngôn từ của những ngoại đạo, Sa-môn, Bàla-môn... Các Sa-môn, Bà-la-môn... đó đối với pháp sở tri thật biết, thật thấy, hoặc có thể trình bày pháp môn chánh kiến, điều này không thể xảy ra. Đại Bồ-tát này không bao giờ lễ kính các Thiên thần khác, như các ngoại đạo của thế gian đã thờ phụng; cũng không bao giờ đem các vòng hoa, các thứ hương bột, y phục, ngọc báu, cờ phướn, lọng báu, âm nhạc, đèn sáng... để cúng dường Thiên thần và các ngoại đạo. Đại Bồ-tát nào thành tựu những tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả Đại Bồ-tát không thoái chuyển, không rơi vào nẻo ác, không làm thân người nữ, cũng không sinh nơi dòng họ thấp hèn; ngoại trừ vì muốn độ thoát những loài hữu tình đó, nên hiện sinh cùng loài để tìm cách hóa độ. Đại Bồ-tát này, thường ưa thọ mười nẻo nghiệp thiện, tự thân xa lìa sự sát hại chúng sinh cho đến tà kiến và khuyên người khác xa lìa sự sát hại chúng sinh cho đến tà kiến. Tự thọ và hành mười nẻo nghiệp thiện và khuyên người khác thọ, hành mười nẻo nghiệp thiện. Chỉ bày, thể hiện, khuyến khích, ngợi khen, vui mừng, giáo hóa hữu tình, làm cho họ được vững bền. Đại Bồ-tát này, cho đến trong mộng cũng không làm mười ác nghiệp đạo, cũng không hiện khởi tâm ác bất thiện; cho đến trong mộng cũng thường thọ học mười nẻo nghiệp thiện.
Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả Đại Bồ-tát không thoái chuyển, đối với những sự thọ trì, tư duy, đọc tụng các kinh điển đều muốn được vô cùng thông lợi, đều vì lợi lạc tất cả hữu tình, thường suy nghĩ: “Ta đem pháp này vì các hữu tình giảng nói, chỉ bày, nguyện sẽ làm cho tất cả pháp được viên mãn và đem căn lành pháp thí này cho các hữu tình một cách bình đẳng, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả Đại Bồ-tát không thoái chuyển, đối với pháp môn sâu xa mà Đức Phật đã dạy; không bao giờ sinh tâm nghi ngờ, do dự; cũng không mê muội mà hoan hỷ tin thọ. Những điều nói ra đều vì lợi ích, biết lượng mà nói những ngôn từ hòa nhã, ngủ nghỉ ít hơi, không phát sinh phiền não. Ra, vào, đến, đi, tâm luôn tỉnh thức, luôn luôn an trú nơi chánh niệm, chánh tri. Đi, đứng, nằm, ngồi với những hành động có oai nghi; dở chân, bước chân cũng như vậy. Dạo đi các nơi đều xem dưới đất, an nhiên chánh niệm nhìn thẳng mà đi. Cử động, nói năng thường không thô bạo. Những sự thọ dụng như y phục, đồ nằm đều thường thơm sạch, không có những hôi dơ; cũng không hôi hám, rận rệp, các thứ trùng. Thường ưa sạch sẽ, thường không bệnh tật. Trong thân không có tám vạn hộ trùng. Vì sao? Vì các Bồ-tát này căn lành tăng thượng, vượt khỏi thế gian. Căn lành cứ như dần dần tăng trưởng. Như vậy, như vậy thân tâm thanh tịnh. Nhờ nhân duyên này, thân tâm của các Bồ-tát kiên cố giống như kim cang, không bị nghịch duyên làm thương tổn. Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không lui sụt trở lại.
Khi ấy Thiện Hiện bạch Phật:
–Thế nào là các Đại Bồ-tát nên biết tâm thường thanh tịnh?
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Đại Bồ-tát ấy căn lành như như dần dần tăng trưởng. Trong tâm cứ như vậy, như vậy; tất cả những quanh co, dối trá đều không bao giờ hiện hành. Nhờ nhân duyên này, bao nhiêu phiền não và pháp bất thiện khác đều vĩnh viễn dập tắt; cũng vượt khỏi Thanh văn và Độc giác địa, nhanh chóng tiến đến quả vị Giác ngộ cao tột. Thế nên phải biết đó là tâm thường thanh tịnh.
Này Thiện Hiện, tất cả Đại Bồ-tát không thoái chuyển, không trọng lợi dưỡng, chẳng màng tiếng khen, tâm xa lìa ganh ghét, tham lam, thân không lầm lỗi. Đối với các thực phẩm, y phục, đồ nằm, thuốc bệnh, tài sản, của cải... không say đắm. Nghe pháp sâu xa, tâm không mê lầm, trí tuệ sâu bền, cung kính tin thọ. Tùy sự nghe nhận, mà hội nhập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Những sự nghiệp tạo tác ở thế gian, cũng nương vào phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa để hội nhập pháp tánh; không thấy một sự kiện nào ra khỏi pháp tánh. Giả sử có cái không cùng tương ưng với pháp tánh thì cũng tìm cách hội nhập nghĩa lý của Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa. Do đó cho nên, không thấy ra khỏi pháp tánh. Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả các Đại Bồ-tát không thoái chuyển; giả sử có ác ma, hóa hiện ra làm tám địa ngục lớn; ở trong mỗi một địa ngục lớn đó, hóa ra vô lượng trăm ngàn Bồ-tát đều bị lửa dữ xen nhau đốt cháy, bị những đau đớn chua xót, độc hại, khổ sở vô cùng. Ác ma hóa ra như vậy xong, bảo các Bồ-tát không thoái chuyển: “Các Bồ-tát này đều được thọ ký quả vị Giác ngộ cao tột không thoái chuyển, nên bị đọa trong địa ngục lớn như vậy, thường chịu những đau khổ dữ dội như thế này. Bồ-tát các ngươi đã nhận thọ ký quả vị Giác ngộ cao tột không thoái chuyển, cũng sẽ đọa trong địa ngục lớn này và chịu những đau khổ dữ dội. Phật thọ ký cho các ngươi chịu khổ cùng cực trong địa ngục lớn, chứ chẳng phải thọ ký cho các ngươi quả vị Giác ngộ cao tột không thoái chuyển. Thế nên các ngươi hãy mau vất bỏ tâm đại Bồ-đề, may ra được thoát khỏi nỗi khổ địa ngục này. Tương lai sinh lên cõi trời hoặc sinh trong loài người, hưởng thụ những vui sướng tuyệt vời.”
Khi ấy, các Đại Bồ-tát không thoái chuyển, nghe thấy những sự việc như vậy, tâm họ vẫn không lay động, không nghi ngờ, sợ hãi, mà chỉ suy nghĩ: “Đại Bồ-tát được thọ ký không thoái chuyển, nếu đọa vào cảnh giới ác, chịu các khổ não không thể thoát ra, nhất định việc này không thể có. Những điều nghe thấy hôm nay, chắc là ác ma làm ra; những điều ác ma nói, hoàn toàn không có thật.” Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả các Đại Bồ-tát không thoái chuyển, giả sử có ác ma, hóa làm hình tướng Sa-môn, đi đến chỗ Bồ-tát, nói: “Trước kia các ngươi đã nghe, thọ trì, đọc tụng kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đều là tà thuyết. Hãy mau vất bỏ, chớ nghĩ đó là chân thật. Nếu các ngươi có thể vất bỏ nhanh chóng, ta sẽ dạy cho các ngươi pháp Phật chân tịnh, làm cho các ngươi mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Những gì các ngươi đã nghe trước đây, không đúng là lời của Phật. Đó là văn tụng dối trá do người soạn tập. Những lời ta nói mới đúng là lời Phật.”
Thiện Hiện nên biết, nếu Đại Bồ-tát nghe nói như vậy mà tâm dao động, nghi ngờ, sợ hãi; phải biết Bồ-tát đó chưa được thọ ký không thoái chuyển.
Đại Bồ-tát nào nghe nói như vậy, mà tâm không dao động, không nghi ngờ sợ hãi; chỉ an trú theo pháp tánh không tác, không tướng, không sinh, Đại Bồ-tát này có làm việc gì, cũng không tin lời người khác, không theo lời dạy của họ mà bị lay chuyển. Như A-la-hán, có làm việc gì cũng không tin lời người khác, trước mắt chứng được pháp tánh không nghi, không lầm; tất cả ác ma không thể khuynh đảo được. Đại Bồ-tát không thoái chuyển này, không bị tất cả Thanh văn, Độc giác, ngoại đạo, các ác ma... có thể phá hoại, làm cho lui sụt tâm Bồ-đề. Đại Bồ-tát nào, thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả Đại Bồ-tát không thoái chuyển, giả sử có ác ma đi đến chỗ Bồ-tát, giả hiện là bạn thân, nói: “Sở hành của các ngươi là pháp sinh tử, chẳng phải hạnh Bồ-tát. Nay các ngươi nên tu đạo hết khổ, mau hết các khổ, đắc Niết-bàn an vui.”
Lúc đó, ác ma liền nói đạo pháp tương tự đọa sinh tử cho các Bồ-tát và bảo: “Đây là chân đạo. Ngươi tu đạo này sớm chấm dứt tất cả sinh, già, bệnh, chết, được vào Niết-bàn. Thân khổ hiện tại phải nên chán bỏ, huống lại cầu thọ thân khổ nơi đời sau. Hãy tự nghĩ kỹ, để bỏ những gì đã tin từ trước.”
Khi Đại Bồ-tát nghe người đó nói, tâm không dao động, không nghi ngờ sợ hãi, mà chỉ suy nghĩ: “Người nói lời như vậy, chính là ác ma.”
Khi ấy, ác ma kia bảo Bồ-tát: “Ngươi muốn nghe hạnh vô ích của Bồ-tát à? Nghĩa là các Bồ-tát trải qua hằng hà sa số đại kiếp, đem vô lượng thứ đồ cúng tốt đẹp nhất, để cúng dường chư Phật, lại ở hằng hà sa số chỗ Phật tu vô lượng hạnh khổ khó hành, thân cận vâng thờ hằng hà sa số chư Phật Thế Tôn, thỉnh hỏi đạo nên tu, nơi vô lượng, vô biên Bồ-tát và hằng hà sa số chư Phật Thế Tôn, sự thỉnh hỏi ấy được giảng nói có thứ tự. Các chúng Đại Bồ-tát đó, như lời Phật dạy, tinh tấn tu học trải qua vô lượng kiếp còn không thể chứng sự cầu quả vị Giác ngộ cao tột, huống gì hôm nay các ngươi có thể chứng được.”
Khi ấy, Bồ-tát tuy nghe nói như vậy nhưng tâm không dao động, không sợ hãi, nghi ngờ; các ác ma kia vội đến một nơi, để hóa làm vô lượng hình tượng Bí-sô, rồi bảo Bồ-tát: “Các Bí-sô này, ở thời quá khứ, trải qua vô số kiếp, tu vô lượng những hạnh khổ khó hành mà vẫn không thể đắc quả vị Giác ngộ cao tột, nay đều lui trú nơi quả vị A-lahán. Làm sao các ngươi có thể chứng được Bồđề?”
Các Bồ-tát nghe thấy như vậy rồi, suy nghĩ: “Nhất định là ác ma, vì muốn khuấy rối ta nên làm những việc như vậy. Chắc chắn không có Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đến quả vị viên mãn mà không chứng quả vị Giác ngộ cao tột, mà trở lại lui trú nơi địa vị Thanh văn, Độc giác...”
Bồ-tát lại suy nghĩ: “Nếu các Bồ-tát như lời Phật dạy, tu hạnh Bồ-tát mà không chứng quả vị Giác ngộ cao tột, việc này chắc chắn không thể xảy ra. Nên biết, những điều đã thấy, đã nghe hôm nay; nhất định là do ác ma đã làm, đã nói.”
Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả Đại Bồ-tát không thoái chuyển, nếu có ác ma giả hình tướng Bí-sô đến nơi Bồ-tát, muốn làm cho các Bồ-tát chán bỏ quả vị Giác ngộ cao tột, nên nói: “Trí Nhất thiết trí ngang bằng hư không, lấy không tánh làm tánh, tự tướng vốn không. Các pháp cũng vậy, ngang bằng hư không, không có tánh làm tánh. Trong tự tướng không, không có một pháp có thể gọi là năng chứng, không có một pháp có thể gọi là sở chứng. Nơi chứng, lúc chứng và do đấy mà chứng đều chẳng thể nắm bắt được. Tất cả pháp đã ngang bằng hư không, không tánh làm tánh, tự tướng vốn không; tại sao các ngươi lại phải chịu khổ nhọc một cách uổng phí, để cầu chứng quả vị Giác ngộ cao tột? Trước kia, ngươi đã nghe các chúng Bồ-tát nên cầu quả vị Giác ngộ cao tột, đều là ma nói chứ không phải lời chân thật của Phật. Các ngươi nên bỏ tâm mong cầu chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Chớ nên vì các hữu tình mà ngày đêm tự chịu gian khổ. Mặc dầu làm vô số những việc khổ khó làm, mong cầu giác ngộ vẫn không bao giờ đạt đến.”
Đại Bồ-tát này, khi nghe nói những lời can ngăn, quở trách như vậy, quán sát kỹ những việc này là của ác ma muốn làm lụn bại tâm Bồ-đề lớn của ta. Nay ta không nên tin nhận lời chúng nói mà đánh mất tâm Bồ-đề lớn đã phát nguyện. Ta phải kiên trì hơn, quyết không lay chuyển. Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả Đại Bồ-tát không thoái chuyển, muốn vào Sơ tĩnh lự cho đến Tĩnh lự thứ tư, tức có thể vào tùy ý. Đại Bồ-tát này tuy vào Tĩnh lự thứ tư nhưng không thọ quả đó. Vì muốn lợi lạc cho các chúng hữu tình nên tùy sự giáo hóa mà thọ thân, tức tùy theo sở nguyện mà có thể thọ lãnh. Đã làm những việc cần làm rồi, có thể xả bỏ ngay. Thế nên, tuy có thể vào các tĩnh lự nhưng không theo thế lực đó để thọ sinh. Vì hóa độ cho các hữu tình nên sinh trở lại cõi Dục. Tuy sinh nơi cõi Dục nhưng không bị nhiễm Dục. Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả Đại Bồ-tát không thoái chuyển; không quý danh tiếng; không đắm trước tiếng khen; đối với các loài hữu tình tâm không sân hận, thường muốn làm cho họ được lợi ích an vui; đến, đi, ra, vào tâm không tán loạn; cử chỉ oai nghi, hành động thường ở trong chánh niệm. Bồ-tát vì hữu tình, nên mặc dầu ở tại nhà nhưng trong đó tâm không tham đắm. Tuy đang thọ dục nhưng tâm chán sợ, như qua đường nguy hiểm tâm thường sợ hãi. Tuy có sự ăn uống mà lòng lo sợ không yên, chỉ nghĩ không biết lúc nào ra khỏi đường hiểm nạn này. Tuy đang thọ dụng các thứ của cải nhưng ở nơi đó không sinh tham ái; không tự nuôi sống bằng việc phi pháp, bất chánh; thà tự hy sinh chứ không làm tổn hại người khác. Vì sao? Vì các Bồtát thực hành sâu xa Bát-nhã ba-la-mật-đa là bậc tôn trưởng trong loài người, thiện sĩ trong loài người, quý tộc trong loài người, trâu chúa trong loài người, hoa sen trong loài người, voi chúa trong loài người, sư tử trong loài người, hùng mạnh trong loài người, điều ngự trong loài người, anh kiệt trong loài người; vốn vì lợi lạc tất cả hữu tình nên hiện ở nơi nhà để tìm cách làm cho lợi ích, chớ không vì đời sống của chính mình mà xâm phạm, có hại cho người. Vì sao? Các Bồ-tát này đã nắm giữ phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả Đại Bồ-tát không thoái chuyển luôn có thần vương Dược-xoa cầm Kim cang theo hộ vệ nghiêm mật hai bên, không để cho các hàng người và phi nhân... dùng oai lực tà mị làm tổn hại thân tâm. Nhờ nhân duyên đó nên các Bồ-tát cho đến quả vị Giác ngộ cao tột thân tâm được thư thái, thường không rối loạn, đủ tướng trượng phu, các căn trọn vẹn, tâm hành theo thiện, thường tu tịnh mạng; không làm huyễn thuật, xem tướng tốt xấu, chú cấm quỷ thần; pha chế thuốc thang, dụ gạt người thấp hèn; kết thân với người giàu sang, khinh ngạo Thánh hiền, thân cận nam nữ; không vì danh lợi mà khen mình chê người; không vì tâm nhiễm ô mà liếc ngó, giỡn cười; giữ giới thanh tịnh, chí tánh thuần hậu, ngay thẳng. Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả Đại Bồ-tát không thoái chuyển, đối với văn chương, tài năng, nghề nghiệp của các thế gian, tuy được tài ba, lỗi lạc, nhưng không tham đắm. Vì đã thông suốt tất cả pháp là chẳng thể nắm bắt được, những thứ đó đều hàm chứa lời tạp uế, là tà mạng vậy. Đối với những sách luận bàn về thế tục, ngoại đạo; tuy cũng biết giỏi nhưng không say đắm, vì đã thông suốt được bản tánh không của tất cả pháp. Các sách luận của ngoại đạo, thế tục, khi bàn nói nhiều sự lý có thêm bớt; còn đạo của Bồ-tát không tùy thuận như vậy. Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, tất cả Đại Bồ-tát không thoái chuyển còn có các tướng trạng khác nữa, Ta sẽ phân tích, giảng nói cho ông rõ. Nghĩa là Bồ-tát đó, thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thông suốt các pháp không, nên không ưa quán sát luận bàn các việc như: việc vua, việc giặc, việc quân lính, việc chiến đấu, thành, ấp, xóm làng, các loại xe, ngựa, voi, y phục, thực phẩm, đồ nằm, hương hoa, nam nữ, xấu đẹp, vườn rừng, ao hồ, núi biển...
Bồ-tát không ưa quán sát luận bàn việc của Dược-xoa, La-sát bà..., các việc của quỷ thần; không ưa quán sát luận bàn việc đường sá, chợ quán, lầu gác, buôn bán; không ưa quán sát luận bàn việc múa hát, âm nhạc, điệu bộ, giỡn cười...; không ưa quán sát luận bàn việc hòn đảo, cầu cống, thuyền bè, vàng ngọc...; không ưa quán sát luận bàn việc trăng sao, mưa gió, lạnh nóng, lành dữ...; không ưa quán sát luận bàn việc những loại pháp nghĩa trái nhau, văn tụng...; không ưa quán sát luận bàn việc tương ưng phàm phu, Thanh văn, Độc giác, mà chỉ ưa quán sát luận bàn việc tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thiện Hiện nên biết, Đại Bồ-tát đó thường không xa lìa tác ý tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; thường không xa lìa tâm trí Nhất thiết; không ưa chống trái hòa vui với sự tranh tụng; thường mong chánh pháp, không thích phi pháp; thường mến mộ bạn lành, không ưa bạn ác; thích phát ra lời pháp, xa lìa lời phi pháp. Muốn thấy Đức Như Lai, vui mừng thấy chúng xuất gia. Trong cõi nước mười phương có Đức Phật Thế Tôn giảng nói pháp chính yếu; Bồ-tát nguyện sinh sang thế giới đó để gần gũi, cúng dường, lắng nghe chánh pháp.
Thiện Hiện nên biết, Đại Bồ-tát này đa phần từ trời cõi Dục, cõi Sắc chết đi sinh vào loài người, ở vùng có văn hóa, thuộc châu Thiệm-bộ, giỏi các môn kỹ nghệ, chú thuật, kinh thư, địa lý, thiên văn và các pháp nghĩa. Hoặc sinh vào vùng đất gần nơi thành lớn, nước lớn, làm những việc lợi ích lớn cho các hữu tình.
Thiện Hiện nên biết, Đại Bồ-tát này không bao giờ nghi rằng: Ta bị lui sụt hay không lui sụt. Đối với pháp Tự địa, cũng không sinh nghi là có hay không. Đối với các việc ma, biết một cách chính xác, rõ ràng. Như kẻ Dự lưu đối với pháp Tự địa không bao giờ sinh nghi. Giả sử có ác ma, làm những việc rối loạn, mê hoặc, vẫn không thể làm khuynh động được. Đại Bồ-tát không thoái chuyển, này đối với pháp Tự địa, chắc chắn không sinh nghi; biết rõ việc ma, không theo ma lực. Như có người tạo tác nghiệp không gián đoạn, tâm tạo nghiệp liên tục này mãi mãi đi theo như bóng theo hình, cho đến lúc qua đời không thể rời xa; nếu sinh tâm khác, không thể ngăn dẹp. Các Bồ-tát này cũng như vậy; tâm không lui sụt, mãi mãi đi theo, an trú nơi địa không thoái chuyển của Bồ-tát. Trời, Người, A-tố-lạc... của thế gian, không thể làm lay động, phá hoại pháp tự sở đắc. Đối với các nghiệp ma khéo biết rõ ràng; đối với pháp đã chứng, thường không nghi hoặc. Tuy sinh đời khác, cũng không phát khởi tâm tương ưng Thanh văn, Độc giác và không tự nghi: Ta ở đời sau có thể chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột chăng? Không an trú Tự địa, không theo duyên khác, đối với pháp Tự địa không thể hủy hoại. Vì sao? Các Bồ-tát này thành tựu trí không dao động, không lui sụt; tất cả ác duyên không thể khuynh động. Tâm ấy kiên cố hơn cả kim cang.
Giả sử có ác ma giả hình tướng Phật, đến chỗ Bồ-tát nói:
–Nay ngươi nên cầu quả A-la-hán, chấm dứt các lậu, vào Bát-niết-bàn. Ngươi chưa kham nhận thọ ký đại Bồ-đề, cũng chưa chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn. Nay ngươi chưa có các tướng trạng không thoái chuyển địa, nên Như Lai không thể thọ ký quả vị Giác ngộ cao tột cho ngươi.
Khi Đại Bồ-tát đó nghe những lời như vậy, tâm không biến động, không lui, không mất, không sợ, không hãi, chỉ suy nghĩ: “Đây nhất định là ác ma hoặc quyến thuộc của chúng, hóa làm hình tướng Phật để đến chỗ ta nói những lời như vậy. Nếu đúng là Phật nói thì không thể có sự khác nhau như vậy.
Thiện Hiện nên biết, nếu lúc Đại Bồ-tát nghe kẻ đó nói, mà có thể quán sát nhớ nghĩ thế này: “Chắc chắn đây là ác ma hóa làm hình tướng Phật, làm cho ta xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, làm cho ta buông bỏ sự mong cầu quả vị Giác ngộ cao tột. Vì thế không nên nghe theo lời kẻ đó nói.” Lúc đó ma kinh sợ biến mất ngay. Đại Bồ-tát này nhất định đã an trú nơi địa vị không thoái chuyển, từ lâu đã được chư Phật ở quá khứ thọ ký cho đại Bồ-đề. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này, thành tựu đầy đủ các tướng trạng không thoái chuyển; có thể biết rõ việc làm của ác ma, làm cho chúng bị mai một, không thể hiện lại được. Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột, không bị lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, có các Đại Bồ-tát không thoái chuyển, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, bảo vệ chánh pháp, không tiếc cả thân mạng, huống gì những của cải, bạn bè, bà con. Vì bảo vệ chánh pháp, nên dũng mãnh, tinh tấn, thường nghĩ thế này: “Chánh pháp này, tức là pháp thân thanh tịnh của chư Phật, tất cả Như Lai cung kính cúng dường. Nay ta ủng hộ pháp Phật quá khứ, vị lai và hiện tại, tức là ủng hộ pháp thân thanh tịnh chư Phật ba đời. Vậy nay ta không nên tiếc thân mạng, của cải, bạn bè để ủng hộ chánh pháp.” Và suy nghĩ tiếp: “Chánh pháp này thông thuộc chư Phật Thế Tôn ba đời, ta cũng rơi vào số Phật tương lai. Đức Phật đã thọ ký đạo quả giác ngộ cho ta. Do nhân duyên đó, chánh pháp chư Phật tức là pháp của ta, ta nên bảo vệ không tiếc thân mạng, của cải, bạn bè. Vào thời tương lai ta được làm Phật, cũng vì hữu tình giảng nói pháp này.”
Đại Bồ-tát thấy việc lợi ích như vậy, nên ủng hộ chánh pháp Như Lai đã dạy, không tiếc thân mạng cho đến Bồ-đề thường không lười mỏi. Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị lui sụt trở lại.
Này Thiện Hiện, có các Đại Bồ-tát không thoái chuyển, nghe các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thuyết chánh pháp, không nghi, không ngờ; nghe rồi thọ trì không quên mất, cho đến quả vị Giác ngộ cao tột, đó là những Bồ-tát đã đạt Văn trì Đà-la-ni.
Khi ấy Thiện Hiện bạch Phật:
–Đại Bồ-tát này, chỉ nghe Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thuyết chánh pháp mà không nghi, không ngờ, cho đến Bồ-đề thường không quên mất, hay nghe Bồ-tát và các Thanh văn, Thiên, Long, Dược-xoa, Nhân phi nhân... thuyết chánh pháp đối với họ cũng có thể không nghi, không ngờ cho đến Bồ-đề cũng thường không quên mất?
Đức Phật bảo Thiện Hiện:
–Đại Bồ-tát này nghe khắp tất cả âm thanh, ngôn ngữ của hữu tình, có thể thông đạt văn tự, nghĩa lý, không nghi, không ngờ, thường không quên mất. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này ở trong các pháp đã đắc Vô sinh pháp nhẫn, đã khéo thông suốt thật tánh các pháp; nên nghe pháp đều tùy thuận và không nghi, không ngờ; lại đạt được Văn trì Đà-lani, nên thường có khả năng nhớ nghĩ không bao giờ quên mất. Đại Bồ-tát nào thành tựu các tướng trạng như vậy, chắc chắn đối với quả vị Giác ngộ cao tột không bị lui sụt trở lại.
Thiện Hiện nên biết, đây là các tướng trạng của Đại Bồ-tát không thoái chuyển.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]