SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ IV

Phẩm 2: Đế Thích
(QUYỂN 539)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 539

Phẩm 2: Đế Thích

Bấy giờ, Thiên đế Thích cùng với bốn vạn Thiên tử ở cõi trời Ba mươi ba, đồng đến dự hội. Bốn Thiên vương hộ đời cùng hai vạn Thiên tử trời Tứ đại Thiên vương đồng đến dự hội. Đại phạm Thiên vương, chủ cõi Sách-ha cùng một vạn phạm chúng đồng đến dự hội.

Như vậy cho đến trời Ngũ Tịnh cư đều cùng vô lượng trăm ngàn Thiên tử đồng đến dự hội tịnh nghiệp của các Thiên chúng này chiêu cảm quả báo nên ánh sáng nơi thân tuy có thể chiếu soi, nhưng vì oai lực ánh sáng nơi thân của Như Lai lấn át nên không thấy ánh sáng của họ.

Khi ấy, Thiên đế Thích thưa Thiện Hiện:

–Nay có vô lượng Thiên chúng trong thế giới ba lần ngàn đồng đến dự hội, muốn nghe Đại đức giảng thuyết khai thị Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dạy bảo, trao truyền các Đại Bồ-tát làm cho đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa mau được rốt ráo. Cúi xin Đại đức thương xót chỉ dạy: Các Đại Bồ-tát trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế nào? Các Đại Bồ-tát học được Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế nào?

Bấy giờ Thiện Hiện bảo Thiên đế Thích:

–Tôi sẽ nương sức oai thần của Phật, thuận theo ý Như Lai giảng thuyết khai thị Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa cho chúng Đại Bồ-tát. Như vậy, chúng Đại Bồ-tát có thể ở trong ấy nên trụ như thế, nên học như thế. Thiên chúng các ông đều nên lắng nghe, suy nghĩ kỹ.

Này Kiều-thi-ca, chúng trời các ông, người nào chưa phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, nay nên phát tâm. Những người đã chứng nhập Chánh tánh ly sinh của Thanh văn, Độc giác thì không có thể phát tâm đại Bồ-đề. Vì sao? Này Kiều-thi-ca, vì những người kia đối với dòng sinh tử, đã tạo ra sự ngăn cách, nên ở trong ấy, nếu có người có thể phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột thì tôi cũng tùy hỷ. Vì sao? Vì có các người thù thắng nên cầu pháp thù thắng. Tôi không bao giờ làm trở ngại sự thắng thiện của họ.

Bấy giờ Thế Tôn khen Thiện Hiện:

–Hay thay, hay thay! Nay ông đã khéo giảng thuyết khai thị Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho chúng Đại Bồ-tát, cũng có thể khuyên bảo khích lệ các Đại Bồ-tát, làm cho họ vô cùng vui mừng, siêng tu Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, con đã biết ân, lẽ nào không đền trả! Vì sao? Vì chư Phật và các đệ tử đời quá khứ đã giảng thuyết Bố thí cho đến Bát-nhã ba-lamật-đa cho chúng Đại Bồ-tát, dạy bảo, trao truyền, dẫn dắt hộ niệm. Bấy giờ, Thế Tôn cũng ở trong ấy học phạm hạnh thanh tịnh, nay chứng quả vị Giác ngộ cao tột, vận chuyển pháp luân vi diệu, làm lợi ích cho chúng con. Nên ngày nay con theo lời Phật dạy, giảng thuyết Bố thí cho đến Bát-nhã ba-lamật-đa cho chúng Đại Bồ-tát, dạy bảo, trao truyền, dẫn dắt hộ niệm, làm cho siêng năng tu học phạm hạnh thanh tịnh, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột, ở tận đời vị lai làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình. Đó gọi là đền trả ân đức chư Phật.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo Đế Thích:

–Ông hỏi, các Đại Bồ-tát nên trụ, nên học Bát- nhã ba-la-mật-đa như thế nào? Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Tôi sẽ vì ông mà nói về các Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa trụ đúng chỗ trụ và học đúng hướng phải học.

Này Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát mặc áo giáp đại công đức nên dùng tướng không an trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa; không nên trụ sắc, không nên trụ thọ, tưởng, hành, thức; không nên trụ quả Dự lưu, không nên trụ quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán; không nên trụ Độc giác Bồ-đề; không nên trụ quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật; không nên trụ đây là sắc; không nên trụ đây là thọ, tưởng, hành, thức; không nên trụ đây là quả Dự lưu; không nên trụ đây là quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán; không nên trụ đây là Độc giác Bồ-đề; không nên trụ đây là quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật; không nên trụ sắc hoặc thường hoặc vô thường; không nên trụ thọ, tưởng, hành, thức hoặc thường hoặc vô thường; không nên trụ khổ hoặc vui của sắc hoặc thường, hoặc vô thường; không nên trụ khổ hoặc vui của thọ, tưởng, hành, thức hoặc thường, hoặc vô thường; không nên trụ ngã hoặc vô ngã của sắc hoặc thường hoặc vô thường; không nên trụ ngã hoặc vô ngã của thọ, tưởng, hành, thức hoặc thường, hoặc vô thường; không nên trụ tịnh hoặc bất tịnh của sắc hoặc thường, hoặc vô thường; không nên trụ tịnh hoặc bất tịnh của thọ, tưởng, hành, thức hoặc thường hoặc vô thường; không nên trụ không hoặc bất không của sắc hoặc thường hoặc vô thường; không nên trụ không hoặc bất không của thọ, tưởng, hành, thức hoặc thường, hoặc vô thường.

Không nên trụ quả Dự lưu là do vô vi hiển bày; không nên trụ vào quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán là do vô vi hiển bày; không nên trụ Độc giác Bồđề là do vô vi hiển bày; không nên trụ quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật là do vô vi hiển bày; không nên trụ quả Dự lưu là chân ruộng phước đáng thọ sự cúng dường; không nên trụ vào quả Dự lưu còn bảy lần sinh trở lại nhất định vào Niết-bàn; không nên trụ vào quả Nhất lai là chân ruộng phước đáng thọ sự cúng dường; không nên trụ vào quả Nhất lai chưa được rốt ráo, còn một lần trở lại cõi thế gian này, chịu khổ lần cuối; không nên trụ vào quả Bất hoàn là chân ruộng phước đáng thọ sự cúng dường; không nên trụ vào quả Bất hoàn sau khi diệt độ không còn sinh trở lại; không nên trụ vào quả A-la-hán là chân ruộng phước đáng thọ sự cúng dường; không nên trụ vào quả A-la-hán nhất định đời này nhập Vô dư Niết-bàn; không nên trụ Độc giác là chân ruộng phước đáng thọ sự cúng dường; không nên trụ Độc giác vượt hơn địa Thanh văn, không đến vị Phật mà nhập Niết-bàn; không nên trụ quả Phật là chân ruộng phước đáng thọ sự cúng dường; không nên trụ quả Phật vượt qua địa phàm phu, vượt qua địa Thanh văn, vượt qua địa Độc giác, vượt qua địa Bồ-tát, an trụ địa Phật, làm lợi ích an vui cho vô lượng, vô số, vô biên hữu tình khiến được nhập vào cõi Vô dư Bát-niết-bàn; không nên trụ quả Phật độ thoát vô lượng, vô số, vô biên hữu tình khiến cho đối với Ba thừa đều được quyết định, làm các Phật sự như thế rồi nhập vào cõi Vô dư y Bát-niết-bàn.

Khi ấy Xá-lợi Tử suy nghĩ: “Nếu Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì không nên trụ vào quả Phật an trụ cõi Phật làm lợi ích an vui cho vô lượng, vô số, vô biên hữu tình làm cho nhập vào cõi Vô dư y Bát-niết-bàn, không nên trụ quả Phật độ thoát vô lượng, vô biên hữu tình, làm cho đối Ba thừa đều được quyết định, làm các Phật sự như thế rồi nhập vào cõi Vô dư y Bát-niết-bàn; cũng không nên trụ vào các pháp khác, chúng Đại Bồtát này phải trụ ở đâu?”

Cụ thọ Thiện Hiện nhờ oai thần của Phật, biết tâm niệm của Xá-lợi Tử, liền bảo:

–Ý Tôn giả thế nào? Tâm của các Đức Như Lai nên an trụ chỗ nào?

Khi đó, Xá-lợi Tử nói với Thiện Hiện:

–Tâm của các Đức Như Lai hoàn toàn không chỗ trụ. Vì sao? Vì tâm không chỗ trụ nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác; nghĩa là không trụ cõi hữu vi, cũng không trụ cõi vô vi; cũng chẳng phải không trụ.

Khi ấy, Cụ thọ Thiện Hiện nói với Xá-lợi Tử:

–Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng lại như vậy; như các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với tất cả pháp, tâm không chỗ trụ, cũng chẳng phải không trụ.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử, các Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác dùng vô sở đắc làm phương tiện, nên trụ như thế, nên học như thế.

Bấy giờ, trong chúng có các Thiên tử suy nghĩ: “Những ngôn từ thần chú của Dược-xoa... nhiều loại khác nhau, tuy là ẩn mật, nhưng chúng ta còn có thể hiểu được. Đại đức Thiện Hiện đối với Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa tuy đã dùng nhiều lời lẽ để chỉ bày, nhưng tất cả chúng ta vẫn không thể hiểu được gì cả.”

Cụ thọ Thiện Hiện biết tâm niệm của các Thiên tử liền bảo:

–Này các Thiên tử, những lời tôi nói, các ông không hiểu được sao?

Các Thiên tử thưa:

–Đúng vậy, đúng vậy! Đối với ý nghĩa sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa mà Đại đức đã nói, chúng tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo:

–Tôi đã từng đối với ý nghĩa tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không nói, không chỉ bày, các ông cũng không nghe thì hiểu cái gì? Vì sao? Này các Thiên tử, vì trong ý nghĩa tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đều lìa văn tự, lời nói.

Khi ấy, các Thiên tử lại nghĩ: “Đại đức Thiện Hiện đối với nghĩa sâu xa của Bát-nhã ba-la-mậtđa này tuy lại dùng đủ các thứ phương tiện để nói rõ, muốn làm cho dễ hiểu, nhưng ý nghĩa ấy đã sâu lại càng quá sâu xa đã vi tế hơn lại càng vi tế hơn, khó có thể so lường.”

Cụ thọ Thiện Hiện biết tâm niệm của các Thiên tử, liền bảo:

–Thiên tử nên biết, sắc chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế. Quả Dự lưu chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế. Quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế. Quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế. Vì sao? Này các Thiên tử, vì tất cả pháp vi tế sâu xa, người nói người nghe đều chẳng thể nắm bắt được. Bởi vậy các ông đối với các pháp, nên theo những điều đã nói tu hạnh nhẫn bền chắc.

Thiên tử nên biết, những người nào muốn chứng, muốn trụ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, cần phải nương vào sự nhẫn này mới có thể chứng, trụ được.

Khi đó các Thiên tử suy nghĩ: “Nay Đại đức Thiện Hiện muốn vì hữu tình nào, thuyết những pháp nào?”

Cụ thọ Thiện Hiện biết tâm niệm của các Thiên tử liền bảo:

–Thiên tử nên biết, nay tôi muốn vì hữu tình như huyễn, như hóa, như mộng; cũng lại giảng thuyết pháp như huyễn, như hóa, như mộng. Vì sao? Này các Thiên tử, vì như vậy người nghe pháp đã được nói, không nghe, không hiểu, không chỗ chứng.

Khi ấy, các Thiên tử hỏi Thiện Hiện:

–Người nói, người nghe và pháp được nói ra đều như huyễn như hóa, như mộng đã thấy chăng? Thiện Hiện đáp:

–Đúng vậy, đúng vậy! Hữu tình như huyễn, vì người như huyễn, nói pháp như huyễn. Hữu tình như hóa vì người như hóa, nói pháp như hóa. Hữu tình như mộng, vì người như mộng, nói pháp như mộng. Tất cả hữu tình và tất cả pháp đều như cảnh huyễn, hóa, mộng, vì tất cả pháp, tất cả hữu tình cùng với huyễn, hóa, mộng không hai không khác. Thiên tử nên biết, những bậc Dự lưu và quả Dự lưu, hoặc bậc Nhất lai và quả Nhất lai, hoặc bậc Bất hoàn và quả Bất hoàn, hoặc A-la-hán và quả A-la-hán, hoặc các Độc giác và Độc giác Bồ-đề, hoặc các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật đều như cảnh huyễn, hóa, mộng.

Khi ấy, các Thiên tử hỏi Thiện Hiện:

–Lẽ nào các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và quả vị Giác ngộ cao tột của Phật cũng như huyễn, hóa, mộng đã thấy sao?

Thiện Hiện đáp:

–Đúng vậy, đúng vậy! Cho đến Niết-bàn, ta cũng nói là như huyễn, hóa, như mộng đã thấy.

Khi ấy, các Thiên tử hỏi Thiện Hiện:

–Không lẽ Niết-bàn cũng như cảnh huyễn, hóa, mộng đã thấy?

Thiện Hiện đáp:

–Giả sử có pháp nào hơn Niết-bàn, tôi cũng nói là như huyễn như hóa, như mộng đã thấy. Vì sao? Vì cảnh huyễn hóa mộng cùng tất cả pháp cho đến Niết-bàn không hai, không khác, đều chẳng thể nắm bắt được, chẳng thể diễn bày.

Bấy giờ Xá-lợi Tử, Chấp Đại Tạng, Mãn Từ Tử, Đại Ẩm Quang... cùng hỏi Thiện Hiện:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa đã nói sâu xa như thế, người nào có thể tín thọ?

Cụ thọ Khánh Hỷ thưa với đại Thanh văn Xálợi Tử:

–Có Đại Bồ-tát không thoái chuyển đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này có thể tin hiểu sâu xa.

Lại có vô lượng Đại A-la-hán đầy đủ chánh kiến, đoạn tận các lậu, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này cũng có thể tín thọ.

Cụ thọ Thiện Hiện nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã nói như thế, không ai có thể tín thọ. Vì sao? Vì trong đây không có pháp có thể hiển bày có thể chỉ rõ và có thể thành lập. Đã thật sự không có pháp có thể hiển bày, có thể chỉ rõ và có thể thành lập nên người tín thọ cũng không thể có.

Khi ấy, Thiên đế Thích suy nghĩ: “Đại đức Thiện Hiện rưới trận mưa pháp lớn, ta nên hóa ra các đóa hoa vi diệu dâng rải cúng dường.” Suy nghĩ như vậy rồi, liền hóa ra các đóa hoa vi diệu rải lên Thiện Hiện.

Cụ thọ Thiện Hiện suy nghĩ: “Những thứ hoa này chưa từng thấy có ở chỗ chư Thiên. Hoa vi diệu này nhất định chẳng phải do đất nước, cỏ cây sinh ra, mà do tâm chư Thiên hóa sinh.”

Khi ấy, Thiên đế Thích biết tâm niệm của Thiện Hiện, liền nói:

–Hoa đã rải này thật chẳng phải do đất nước, cỏ cây sinh ra; cũng chẳng phải do tâm chư Thiên hóa sinh. Vì sao? Vì hoa đã rải này tánh vốn không sinh.

Bấy giờ Thiện Hiện bảo Đế Thích:

–Hoa này chẳng sinh, tức chẳng phải hoa.

Khi ấy, Thiên đế Thích thầm nghĩ: “Trí tuệ của Đại đức Thiện Hiện thật là sâu xa, chẳng hoại giả danh mà nói thật nghĩa.” Nghĩ như vậy rồi, liền thưa Thiện Hiện:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như Tôn giả đã dạy! Các Đại Bồ-tát đối với các pháp đều nên theo lời dạy của Tôn giả mà học.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo Đế Thích:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói! Các Đại Bồ-tát đối với các pháp nên theo lời trình bày của tôi mà học như vậy.

Này Kiều-thi-ca, khi các Đại Bồ-tát học như vậy, chẳng học sắc, chẳng học thọ, tưởng, hành, thức, chẳng học quả Dự lưu, chẳng học quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, chẳng học Độc giác Bồ-đề, chẳng học quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật. Nếu chẳng theo các quả vị này mà học, thì gọi là học trí Nhất thiết trí của Phật. Nếu có thể học trí Nhất thiết trí của Phật thì học vô lượng, vô biên các pháp Phật. Nếu học vô lượng, vô biên các pháp Phật thì chẳng học sắc có tăng có giảm, cũng chẳng học thọ, tưởng, hành, thức có tăng có giảm. Nếu chẳng học sắc có tăng có giảm, cũng chẳng học thọ, tưởng, hành, thức có tăng có giảm thì chẳng học sắc có lấy có bỏ, cũng chẳng học thọ, tưởng, hành, thức có lấy có bỏ. Nếu chẳng học sắc có lấy có bỏ, cũng chẳng học thọ, tưởng, hành, thức có lấy có bỏ thì chẳng học tất cả pháp có lấy có bỏ. Nếu chẳng học tất cả pháp có lấy có bỏ thì chẳng học các pháp có thể giữ gìn, có thể hoại diệt. Nếu chẳng học các pháp có thể giữ gìn, có thể hoại diệt thì chẳng học trí Nhất thiết trí có thể giữ gìn, có thể hoại diệt.

Khi các Đại Bồ-tát học như thế gọi là học trí Nhất thiết trí một cách chân chánh, có thể mau chứng đắc trí Nhất thiết trí.

Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

–Đại Bồ-tát nào không học các pháp có thể giữ gìn có thể hoại diệt, cũng không học trí Nhất thiết trí có thể giữ gìn có thể hoại diệt, khi Đại Bồ-tát này học như thế thì gọi là học trí Nhất thiết trí một cách chân chánh, có thể mau chứng đắc trí Nhất thiết trí chăng?

Thiện Hiện đáp:

–Đúng vậy, đúng vậy! Đại Bồ-tát nào không học các pháp có thể giữ gìn có thể hoại diệt, cũng không học trí Nhất thiết trí có thể giữ gìn có thể hoại diệt, thì khi Đại Bồ-tát này học như thế gọi là học trí Nhất thiết trí một cách chân chánh, có thể mau chứng đắc trí Nhất thiết trí, vì dùng vô sở đắc làm phương tiện.

Bấy giờ Thiên đế Thích hỏi Xá-lợi Tử:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa mà các Đại Bồ-tát học cầu ở đâu?

Xá-lợi Tử đáp;

–Bát-nhã ba-la-mật-đa mà các Đại Bồ-tát học, nên y theo lời lẽ của Thiện Hiện đã nói mà cầu.

Thiên đế Thích hỏi Xá-lợi Tử:

–Nhờ thần lực của ai hỗ trợ mà cho Tôn giả nói lời như thế?

Xá-lợi Tử đáp:

–Nhờ thần lực của Như Lai hỗ trợ nên tôi nói lời này.

Khi ấy, Thiên đế Thích hỏi Cụ thọ Xá-lợi Tử:

–Nhờ thần lực ai hỗ trợ nên Tôn giả Thiện Hiện có thể nói Bát-nhã ba-la-mật-đa?

Xá-lợi Tử đáp:

–Nhờ thần lực của Như Lai hỗ trợ nên Tôn giả Thiện Hiện có thể nói Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Bấy giờ Thiện Hiện bảo Đế Thích:

–Ông hỏi là nhờ thần lực ai hỗ trợ làm cho tôi có thể nói Bát-nhã ba-la-mật-đa? Này Kiều-thi-ca, ông nên biết, nhất định là nhờ thần lực của Như Lai hỗ trợ nên Thiện Hiện tôi có thể nói Bát-nhã ba-lamật-đa.

Này Kiều-thi-ca, ông đã hỏi, Bát-nhã ba-lamật-đa mà Bồ-tát học, phải cầu ở đâu? Này Kiềuthi-ca, Bát-nhã ba-la-mật-đa mà Bồ-tát học không nên cầu ở sắc, cũng không nên lìa sắc mà cầu; không nên cầu ở thọ, tưởng, hành, thức, cũng không nên lìa thọ, tưởng, hành, thức mà cầu. Vì sao? Vì sắc chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng chẳng lìa sắc mà có Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng phải Bát-nhã ba-lamật-đa, cũng chẳng lìa thọ, tưởng, hành, thức mà có Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Khi ấy, Thiên đế Thích thưa Thiện Hiện:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa mà các Đại Bồ-tát học là Ba-la-mật-đa lớn, là Ba-la-mật-đa vô lượng, là Ba-la-mật-đa vô biên?

Thiện Hiện đáp:

–Đúng vậy, đúng vậy! Này Kiều-thi-ca, Bátnhã ba-la-mật-đa mà các Đại Bồ-tát học là Ba-lamật-đa lớn, là Ba-la-mật-đa vô lượng, là Ba-lamật-đa vô biên.

Vì sao? Này Kiều-thi-ca, vì sắc lớn nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lớn. Vì thọ, tưởng, hành, thức lớn, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lớn.

Này Kiều-thi-ca, vì sắc vô lượng nên biết Bátnhã ba-la-mật-đa cũng vô lượng. Vì thọ, tưởng, hành, thức vô lượng nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô lượng.

Này Kiều-thi-ca, vì sắc vô biên nên biết Bátnhã ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì thọ, tưởng, hành, thức vô biên, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca, sở duyên vô biên nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.

Này Kiều-thi-ca, sở duyên vô biên nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên là như thế nào? Nghĩa là khoảng trước, sau, giữa của tất cả pháp đều chẳng thể nắm bắt được, nên gọi là vô biên. Vì pháp vô biên nên sở duyên cũng vô biên. Do đó Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì vậy tôi nói sở duyên vô biên, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca, tất cả pháp vô biên, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.

Này Kiều-thi-ca, tất cả pháp vô biên nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên là thế nào? Nghĩa là biên giới của tất cả pháp chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì biên giới trước, sau, giữa của tất cả sắc đều chẳng thể nắm bắt được; biên giới trước, sau, giữa của tất cả thọ, tưởng, hành, thức đều chẳng thể nắm bắt được. Do đó biên giới trước, sau, giữa của Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì vậy tôi nói tất cả pháp vô biên, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca, tất cả hữu tình vô biên, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì sao? Vì biên giới của tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được. Vì vậy tôi nói tất cả hữu tình vô biên, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.

Khi ấy, Thiên đế Thích hỏi Thiện Hiện:

–Bạch Đại đức, tất cả hữu tình vô biên nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên là thế nào?

Thiện Hiện đáp:

–Này Kiều-thi-ca, số lượng của loại hữu tình rất nhiều, chẳng thể tính đếm giới hạn của nó chẳng thể nắm bắt được. vì vậy tôi nói tất cả hữu tình vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.

Thiên đế Thích thưa:

–Vì nghĩa gì nên nói như thế?

Thiện Hiện đáp:

–Này Kiều-thi-ca, nay tôi hỏi ông, tùy ý ông đáp. Ý ông nghĩ sao? Nói về hữu tình, thì hữu tình là khái niệm về pháp gì? Thiên đế Thích thưa:

–Nói về hữu tình, thì hữu tình chẳng phải là khái niệm về pháp, cũng chẳng phải không khái niệm về pháp. Chỉ là giả lập, thuộc về tên vay mượn, thuộc về tên không có sự việc, thuộc về tên không có chủ, thuộc về tên không có quan hệ.

Thiện Hiện bảo:

–Này Kiều-thi-ca, ý ông nghĩ sao? Ở trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, vì hiển bày thật có hữu tình chăng?

Thiên đế Thích thưa:

–Bạch Đại đức, không!

Thiện Hiện bảo:

–Trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này đã không hiển bày thật có hữu tình nên nói vô biên, vì trong ấy biên giới cũng chẳng thể nắm bắt được. Này Kiều-thi-ca, ý ông nghĩ sao? Nếu các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trải qua hằng hà sa số đại kiếp, dùng vô biên tiếng nói vô lượng danh tự loại hữu tình, thì trong ấy thật có hữu tình có sinh có diệt chăng?

Thiên đế Thích thưa:

–Bạch Đại đức, không! Vì sao? Vì các bản tánh hữu tình thanh tịnh, vì từ xưa nay không có, chẳng phải không có mà có thể có sinh diệt.

Thiện Hiện bảo:

–Do nghĩa này nên tôi nói là tất cả hữu tình vô biên, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.

Này Kiều-thi-ca, do đó nên biết Bát-nhã ba-lamật-đa mà các Đại Bồ-tát học được gọi là lớn, vô lượng, vô biên.

Bấy giờ, trong hội Thiên đế Thích, chư Thiên Phạm thiên vương cõi Dục, chư Thiên cõi Sắc và Thần tiên, Thiên nữ cõi Đại tự tại vô cùng hoan hỷ, đồng thời ba lần nói lớn:

–Hay thay, hay thay! Vì có Phật ra đời nên Tôn giả Thiện Hiện nhờ oai thần của Phật giảng thuyết, khai thị pháp tánh vi diệu cho chúng tôi. Đó là pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa làm cho Trời, Người, A-tốlạc... đều được lợi ích lớn. Nếu Đại Bồ-tát có thể đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế như thuyết tu hành, luôn không xa lìa, thì chúng tôi đối với các vị ấy sẽ cung kính cúng dường như Phật Thế Tôn.

Bấy giờ Phật bảo chư Thiên:

–Đúng vậy, đúng vậy! Nếu Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này dùng vô sở đắc làm phương tiện, có thể như thuyết tu hành, luôn không xa lìa, thì chư Thiên các ngươi đều nên cúng dường như chư Phật Thế Tôn.

Chư Thiên nên biết, xưa kia, Ta đối với Phật Nhiên Đăng, lúc ấy ở nơi ngã tư thuộc vương đô Liên hoa, Ta gặp Đức Phật Nhiên Đăng, liền dâng năm cành hoa, trải tóc che bùn, cần cầu nghe chánh pháp, dùng vô sở đắc làm phương tiện, luôn không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và vô lượng, vô biên Phật pháp khác.

Lúc ấy, Phật Nhiên Đăng liền thọ ký cho Ta quả vị Giác ngộ cao tột, nói rằng: “Này thiện nam, ở đời sau, trải qua vô số kiếp, trong thế giới Hiền kiếp này, ông sẽ được làm Phật hiệu là Năng Tịch Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nói rộng cho đến Phật Thế Tôn, giảng thuyết kinh điển Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa độ vô lượng chúng.”

Khi ấy, chư Thiên đồng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này thật là hy hữu, làm cho chúng Đại Bồ-tát có thể mau đưa đến trí Nhất thiết trí, ở tận đời vị lai làm lợi ích an vui cho hữu tình.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]