SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ IV

Phẩm 7: Địa ngục
(QUYỂN 544)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 544

Phẩm 7: Địa ngục

Bấy giờ, Xá-lợi Tử thưa Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn, phải biết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là tánh của trí Nhất thiết, có thể thành tựu hoàn toàn trí Nhất thiết trí ư?

Đức Phật bảo Xá-lợi Tử:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói!

Lúc ấy, Xá-lợi Tử lại thưa:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có thể chiếu sáng tất cả, nên phải kính lễ; không bị các pháp thế gian làm nhiễm ô; có thể trừ hết tối tăm; phát được ánh sáng rực rỡ; thường đem lại sự lợi lạc an vui cao tột, làm cho những kẻ mù lòa được mắt sáng, làm ngọn đuốc sáng cho kẻ bộ hành trong tối, đưa kẻ lạc đường quay về nẻo chánh; hiện rõ tánh các pháp tức là Niết-bàn; chứng tỏ tất cả pháp là không sinh, không diệt và là mẹ các Đại Bồ-tát; là chỗ nương tựa che chở cho những kẻ không chỗ nương tựa chở che; trừ được tất cả khổ não của sinh tử; khai thị các pháp, không tánh là tánh; có thể làm cho chư Phật chuyển bánh xe pháp vô thượng đủ ba lần với mười hai hành tướng...

–Bạch Thế Tôn, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát nên trụ thế nào?

Bấy giờ, Phật bảo Xá-lợi Tử:

–Đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát nên như Phật mà trụ, suy nghĩ kính thờ Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa như suy nghĩ kính thờ Phật.

Khi ấy, Thiên đế Thích thầm nghĩ: “Do duyên cớ gì hôm nay Xá-lợi Tử lại hỏi Phật về việc này?” Nghĩ rồi liền hỏi Xá-lợi Tử:

–Vì duyên cớ gì mà hỏi việc này?

Xá-lợi Tử bảo Đế Thích:

–Trước đây, Đức Phật Thế Tôn đã nói: Các chúng Đại Bồ-tát được phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hộ trì, nên đã khởi lên sự tùy hỷ hồi hướng tương ưng với các việc phước nghiệp và mau chứng được trí Nhất thiết trí hơn hẳn các Bồ-tát tu Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã và các căn lành có sở đắc. Do duyên cớ đấy, nên hỏi việc này.

Này Kiều-thi-ca, như hàng trăm, hàng ngàn kẻ mù lòa bẩm sinh; nếu không có người mắt sáng, dùng phương tiện dắt dẫn, thì dù có tới gần đi nữa cũng không thể đi đúng đường, huống chi ở xa làm sao có thể đi đến được thành lớn giàu có an vui. Cũng vậy, năm pháp Ba-la-mật-đa trước như những kẻ mù bẩm sinh, nếu không có Bát-nhã bala-mật-đa tức người sáng mắt dẫn đường thì không thể đạt tới chánh đạo của Bồ-tát, huống hồ là có thể chứng nhập thành Niết-bàn!

Này Kiều-thi-ca, năm pháp Ba-la-mật-đa như Bố thí... phải dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, gọi là người có mắt. Lại nhờ sự hộ trì của Bát-nhã ba-lamật-đa mới gọi là đến bờ kia.

Khi ấy, Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát phát khởi Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế nào?

Phật bảo Xá-lợi Tử:

–Các Đại Bồ-tát phát khởi Bát-nhã ba-la-mậtđa như phát khởi sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Này Xá-lợi Tử, như năm thủ uẩn không thể phát khởi. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng nên biết như vậy. Xá-lợi Tử, như năm thủ uẩn chẳng phát khởi mà gọi là phát khởi. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng lại như vậy, không phát khởi mà gọi là phát khởi.

Xá-lợi Tử lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát phát khởi Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy thì thành tựu pháp gì?

Phật bảo Xá-lợi Tử:

–Các Đại Bồ-tát phát khởi Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa như vậy thì hoàn toàn không có sự thành tựu đối với tất cả pháp. Vì không có sự thành tựu đối với tất cả pháp mới gọi là Bát-nhã ba-la-mậtđa.

Khi ấy, Thiên đế Thích bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, chẳng lẽ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể thành trí Nhất thiết trí sao?

Phật bảo Thiên đế Thích:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng không thể thành trí Nhất thiết trí. Vì sao? Này Kiều-thi-ca, vì như thế là có sở đắc nên không thể thành được. Như thế là có danh tưởng nên không thể thành được. Như thế là có khởi tạo tác nên không thể thành được.

Thiên đế Thích lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, vậy tại sao nói Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa thành trí Nhất thiết trí?

Phật bảo Thiên đế Thích:

–Đối với sự phát khởi trí Nhất thiết trí, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có sự thành tựu nên mới gọi là thành.

Thiên đế Thích lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, thật kỳ lạ! Bạch Thiện Thệ, thật hiếm có! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không vì sự sinh diệt tất cả pháp mà hiện ra thế gian; không vì sự thành hoại tất cả pháp mà xuất hiện ở thế gian, nhưng lại cùng với thế gian làm lợi ích lớn lao.

Bấy giờ, Cụ thọ Thiện Hiện thưa với Đức Phật: –Bạch Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát khởi lên tư tưởng thế này: “Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với tất cả pháp, hoặc sinh, hoặc diệt, hoặc thành, hoặc hoại, Đại Bồ-tát này phải liền xa rời Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.” Phật bảo:

–Thiện Hiện, đúng vậy, đúng vậy! Đúng là có nguyên nhân mà các Đại Bồ-tát xa rời Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa như vậy. Nghĩa là khởi lên tư tưởng thế này: “Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không sở hữu, chẳng phải chân thật, không bền chắc, không tự tại. Đại Bồ-tát này liền phải xa rời Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa.” Vì sao? Vì Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa chẳng phải có, chẳng phải không; chẳng phải hư, chẳng phải thật; chẳng phải bền chắc, chẳng phải không bền chắc; chẳng phải tự tại, chẳng phải không tự tại; đối với tất cả pháp không có sự phân biệt.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa bạch Phật:

–Phật nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy là để hiện rõ pháp nào?

Phật bảo:

–Này Thiện Hiện, ta nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế là hoàn toàn không có pháp để hiện rõ. Vì sao? Vì trong giáo pháp của Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa này, chẳng hiển bày sắc, cũng chẳng hiển bày thọ, tưởng, hành, thức; chẳng hiển bày quả Dự lưu, cũng chẳng hiển bày quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề; cũng chẳng hiển bày tất cả hạnh của Đại Bồ-tát và quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là Ba-la-mậtđa rộng lớn?

Phật hỏi Thiện Hiện:

–Do nguyên nhân nào mà ông có ý nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là Ba-la-mật-đa rộng lớn như vậy?

Thiện Hiện đáp:

–Đối với sắc, Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng làm cho lớn, chẳng làm cho nhỏ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng làm cho lớn, chẳng làm cho nhỏ. Đối với sắc chẳng làm cho tập hợp, chẳng làm cho tan rã. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng làm cho tập hợp, chẳng làm cho tan rã. Đối với sắc chẳng làm cho có sức, chẳng làm cho không có sức. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng làm cho có sức, chẳng làm cho không có sức. Như vậy cho đến đối với các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng không làm cho lớn, chẳng làm cho nhỏ. Đối với sự chứng đắc trí Nhất thiết trí của Phật cũng không làm cho lớn chẳng làm cho nhỏ. Đối với các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng làm cho tập hợp, chẳng làm cho tan rã. Đối với sự chứng đắc trí Nhất thiết trí của Phật cũng chẳng làm cho tập hợp, chẳng làm cho tan rã. Đối với các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng chẳng làm cho có sức, chẳng làm cho không có sức. Đối với sự chứng đắc trí Nhất thiết trí của Phật cũng chẳng làm cho có sức, chẳng làm cho không có sức. Vì sao? Vì năm uẩn cho đến trí Nhất thiết trí chẳng phải lớn, chẳng phải nhỏ, chẳng phải tập hợp, chẳng phải tan rã, chẳng phải có sức, chẳng phải không có sức.

Vì tất cả pháp tự tánh đều là không, nếu Đại Bồ-tát khởi lên tư tưởng như vậy thì chẳng phải là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì những tư tưởng như thế chẳng phải là quả Đẳng lưu của Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có tư tưởng như vầy: “Ta phải cứu thoát một số hữu tình vào cảnh giới Vô dư y Niết-bàn.” Nếu có tư tưởng này thời gọi là có sở đắc lớn; chẳng có sở đắc mới có thể thành tựu được. Vì sao? Vì hữu tình không sinh, nên biết Bát-nhã ba-lamật-đa cũng không sinh. Vì hữu tình không tự tánh, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không có tự tánh. Vì hữu tình xa lìa, nên biết Bát-nhã ba-lamật-đa cũng xa lìa. Vì hữu tình không thể nghĩ bàn, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không thể nghĩ bàn. Vì hữu tình không có pháp hoại, nên biết Bátnhã ba-la-mật-đa cũng không có pháp hoại. Vì hữu tình không giác tri, nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không giác tri. Vì hữu tình đúng như nghĩa, không có sự chứng ngộ; nên biết Bát-nhã ba-lamật-đa cũng đúng như nghĩa, cũng không có sự chứng ngộ. Vì năng lực của hữu tình chẳng thành tựu, nên biết năng lực Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng chẳng thành tựu.

Bạch Thế Tôn, con duyên theo ý này mà nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là Bát-nhã ba-lamật-đa rộng lớn. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đem lại những thành tựu đại sự.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, Đại Bồ-tát nào có thể tin hiểu sâu xa, không có sự ngăn ngại, không nghi ngờ, cũng chẳng nhầm lẫn. Đại Bồ-tát này qua đời từ chỗ nào mà sinh tới nơi đây, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã bao lâu, đối với nghĩa sâu xa của pháp có thể tùy theo đó mà hiểu rõ?

Phật bảo:

–Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát này từ mười phương thế giới, đã phụng sự chư Phật; ở trong pháp hội qua đời, sinh đến nơi đây. Đại Bồ-tát này đã hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa trải qua vô lượng, vô số đại kiếp; đối với nghĩa sâu xa của pháp có thể theo đó hiểu rõ. Vì sao? Nếu Đại Bồ-tát từ thế giới phương khác, đã phụng sự Đức Phật, ở trong pháp hội đó qua đời, sinh đến nơi đây, thì Đại Bồ-tát này đã gần gũi nhiều chư Phật Thế Tôn, đã từng hỏi pháp nghĩa sâu xa trong đấy, đối với Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa hoặc thấy hoặc nghe, liền nghĩ rằng: “Hôm nay ta được thấy Phật, được nghe những điều Phật nói.” Do yếu tố này, nếu nghe thuyết giảng về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dùng tai lắng nghe cung kính lãnh thọ, chấm dứt sự nghi ngờ đối với pháp nghĩa sâu xa.

Xá-lợi Tử, Đại Bồ-tát này đã từng cúng dường vô số chư Phật, đã nhiều kiếp hành Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa như vậy nên đời này mới có thể thành tựu được việc như vậy.

Bấy giờ, Thiện Hiện liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể lắng nghe, có thể quan sát được, có thể phát khởi, có thể nhớ nghĩ, có thể thị hiện cái này, cái kia, có thể hiện rõ nơi chốn, thời gian khác nhau, có thể thuyết giảng và biểu hiện các tướng trạng và chỉ rõ ý nghĩa sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa không?

Phật dạy:

–Không thể. Thiện Hiện nên biết, Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa về tự tánh chẳng có gì khác nhau cùng uẩn, xứ, giới mà có thể chỉ rõ được. Vì sao?

Vì tất cả pháp rốt ráo xa lìa. Chẳng phải pháp xa lìa là có thể chỉ rõ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Thiện Hiện nên biết, lìa uẩn, xứ, giới cũng không thể giác ngộ được Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Vì ngay nơi uẩn, xứ, giới có thể hiểu được các pháp rốt ráo xa lìa, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mậtđa. Thế nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cùng với uẩn, xứ, giới không hai không khác.

Thiện Hiện nên biết, tất cả pháp là rốt ráo không, là xa lìa tánh, là vĩnh viễn vắng lặng nên gọi là chẳng thể nắm bắt được. Vì ta chẳng thể nắm bắt được nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Thiện Hiện nên biết, lúc nào không còn tưởng, cũng không có lời nói để thi thiết về các tưởng, khi đó gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát phải tích chứa công hạnh lâu như vậy mới có thể siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?

Phật bảo Thiện Hiện:

–Ở đây nên phân biệt, vì căn cơ của các Bồ-tát khác nhau. Thiện Hiện nên biết, có Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm, đã gặp thiện hữu chân chánh, dùng phương tiện giúp đỡ, nên có thể tu học Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa ngay. Đại Bồ-tát này, có phương tiện thiện xảo nên chẳng hủy báng Chánh pháp; chẳng thấy các pháp có tăng, có giảm; thường không xa lìa chánh hạnh của Bồ-tát; thường không xa lìa chư Phật Bồ-tát; thường gieo trồng căn lành để thân tâm thanh tịnh; nghiêm đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, để mau chứng được trí Nhất thiết trí. Có những thiện nam, trụ Bồ-tát thừa, dù đã từng được gặp trăm ngàn Đức Phật, được ở chỗ các Đức Phật mà tu hành phạm hạnh, nhưng lấy hữu sở đắc làm phương tiện, nên không thể tu học Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa. Nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, chẳng sinh lòng tin hiểu, nên liền bỏ đi. Vì sao? Vì những thiện nam trụ Bồ-tát thừa này, ở chỗ Đức Phật quá khứ, đã từng nghe thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chẳng sinh cung kính. Vì không cung kính nên không thường lắng nghe. Vì chẳng thường lắng nghe nên không thể thân gần được. Vì không gần gũi nên không thể thỉnh hỏi. Vì chẳng thỉnh hỏi nên không thể tin hiểu. Vì không tin hiểu nên bỏ chúng mà đi. Do nguyên nhân này, làm cho nghiệp thiếu chánh pháp càng tăng trưởng. Do sức mạnh của thói quen từ đời trước, nay nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này lại bỏ đi nữa, chẳng sinh cung kính, nên không thể tin nhận. Vì không tin nhận, nên hoặc thân, hoặc tâm đều chẳng hòa hợp. Vì không hòa hợp, nên không thể hiểu rõ nghĩa lý sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa này. Đối với nghĩa lý sâu xa của Bátnhã ba-la-mật-đa, người ấy không thể tin nhận được, chẳng lắng nghe được, chẳng hiểu rõ được, chẳng quán sát được, nên làm cho nghiệp thiếu chánh pháp tăng trưởng. Do nghiệp này, nên nghiệp tội về ác tuệ tăng trưởng. Bởi nghiệp này nên khi nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa liền nhàm chán, hủy báng, vứt bỏ.

Thiện Hiện nên biết, các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này, mà đã nhàm chán hủy báng, vứt bỏ Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì nên biết tức là nhàm chán, hủy báng, vứt bỏ trí Nhất thiết trí của chư Phật ba đời. Do nguyên nhân này làm cho ác nghiệp tăng trưởng, rất nặng. Từ nghiệp này nên bị đọa vào địa ngục lớn, trải qua thời gian lâu dài chịu lấy khổ cực. Nghĩa là ác nghiệp và thói hư từ đời trước nặng nề, nên căn lành của sự giác ngộ trí tuệ yếu ớt, phước đức cạn mỏng nên tổn mình hao người. Đối với Phật, Pháp, Tăng, tuy có được chút phần tin, ưa, nhưng vì ngu si nên không thể phân biệt chỗ cạn sâu của chánh pháp. Đối với Đại thừa, tự hủy báng nhàm chán, xả bỏ; khiến cho các hữu tình mới học chánh pháp cũng hủy báng, chán bỏ đối với Đại thừa, còn bảo rằng: “Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa chẳng phải thật lời Phật, chẳng nên tu học.” Họ đã làm cho người khác hủy báng Bátnhã, tự thân họ đối với Bát-nhã càng hủy báng hơn. Họ đã hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì đối với trí Nhất thiết cũng hủy báng sâu nặng. Do năng lực hủy báng trí Nhất thiết một cách sâu nặng, nên đối với Phật, Pháp, Tăng cũng hủy báng sâu nặng. Từ việc tạo ra nghiệp ác quá nặng này, nhân duyên các ác nghiệp tăng trưởng nên đọa vào địa ngục lớn, lãnh chịu khổ cực dữ dội, hàng trăm ngàn năm chẳng được giải thoát. Họ do tội nặng ấy nên trong thế giới này, phải ở địa ngục lớn này đến địa ngục lớn khác, cho đến khi kiếp hỏa, kiếp thủy, kiếp phong chưa xuất hiện đều lãnh chịu những cực khổ dữ dội. Nếu ở thế giới này, tùy theo thời gian, ba kiếp thủy, hỏa, phong khởi lên, mà do nghiệp ác nặng nề của họ vẫn chưa hết thì sau khi qua đời, thọ sinh ở thế giới khác, vẫn bị đọa vào địa ngục lớn giống như trước, để chịu khổ cực nặng nề suốt trăm ngàn năm. Vì người kia tội nặng, nên ở thế giới phương khác, vẫn ở hết địa ngục lớn này đến địa ngục lớn khác, cho đến khi kiếp hỏa, kiếp thủy, kiếp phong chưa xuất hiện thì vẫn lãnh chịu những khổ cực nặng nề.

Nếu ở thế giới phương khác, ba kiếp thủy, hỏa, phong tùy lúc khởi lên; họ vì ác nghiệp nặng nề chưa hết được, nên sau khi qua đời, thọ sinh ở thế giới phương khác nữa, cũng đọa vào địa ngục như trước, lãnh chịu cực khổ nặng nề hơn trăm ngàn năm. Vì tội nặng, nên dù ở thế giới phương khác, vẫn đọa hết địa ngục lớn này, đến địa ngục lớn khác; cho đến lúc ba kiếp hỏa, thủy, phong chưa xuất hiện, vẫn lãnh chịu khổ cực nặng nề. Cứ như thế chuyển đi mãi, lần lượt khắp các địa ngục lớn trong mười phương, chịu các thứ khổ cực nặng nề. Nếu các thế giới khắp mười phương kia, khi kiếp hỏa, kiếp thủy, kiếp phong khởi lên, vì nghiệp ác nặng nề vẫn chưa dứt, nên sau khi qua đời, lại sinh trở lại vào địa ngục lớn của thế giới Kham nhẫn này, từ địa ngục lớn này đến địa ngục lớn khác, cho đến kiếp hỏa, kiếp thủy, kiếp phong chưa khởi lên, lãnh chịu khổ cực nặng nề. Nếu trong thế giới này, ba kiếp hỏa, thủy, phong tùy lúc khởi lên; vì nghiệp ác của họ sâu nặng chưa dứt, nên sau khi qua đời, sinh trở lại thế giới phương khác nữa, trải qua khắp các địa ngục lớn chịu cực khổ nặng nề. Cứ luân hồi mãi như vậy, trải qua vô số kiếp, cho đến khi năng lực của nghiệp tội hủy báng chánh pháp yếu dần đi, vừa được ra khỏi địa ngục lại đọa làm loài bàng sinh, xoay chuyển như vậy đến hết cõi này tới phương khác, nhiều kiếp loanh quanh chịu các thứ khổ. Khi năng lực của nghiệp tội phỉ báng chánh pháp yếu dần, họ mới thoát khỏi loài bàng sinh, nhưng lại đọa vào loài quỷ, hết cõi này đến phương khác, xoay chuyển lần hồi, trải qua vô số kiếp, chịu đủ mọi thống khổ.

Cuối cùng, khi thế lực của nghiệp phỉ báng pháp sắp hết, họ mới ra khỏi quỷ giới, được sinh vào cõi người. Tuy được làm người, nhưng ở nơi hạ tiện, mù, điếc, câm, ngọng, nhiều bệnh tật, nghèo cùng, xấu xí, ngu si, bị mọi người khinh chê. Dù sinh đến chỗ nào cũng khổ nhiều vui ít, không được nghe đến danh hiệu Phật, Pháp, Tăng. Vì sao? Vì các ác nghiệp phỉ báng Tam bảo nên họ phải chuốc lấy đầy đủ các loại quả khổ như vậy.

Bấy giờ, Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, tội hủy báng pháp và nghiệp vô gián, hai hành động ác này là tương tợ chăng?

Phật bảo Xá-lợi Tử:

–Chớ bảo rằng tội này tương tợ nghiệp vô gián. Vì sao? Năm nghiệp vô gián tuy đưa đến quả khổ nặng nề, nhưng không thể sánh với tội hủy báng chánh pháp. Nghĩa là tội kia khi nghe thuyết Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, hủy báng chống nghịch, nói rằng Bát-nhã ba-la-mật-đa này chẳng phải thật lời Phật nói, không nên tu học, chẳng phải pháp, chẳng phải luật, chẳng phải lời Đại sư dạy. Do nguyên nhân này nên tội kia rất nặng.

Xá-lợi Tử, người hủy báng pháp này là tự hủy báng chánh pháp còn dạy người hủy báng. Tự hoại thân mình, còn dạy người khác hoại. Tự uống thuốc độc còn khiến người khác uống theo. Tự mất quả vui được sinh thiện và quả giải thoát, còn làm cho người khác mất luôn. Tự đưa thân mình vào địa ngục lửa, còn làm cho người khác bị như vậy. Bản thân chẳng tin hiểu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa còn dạy người khác, khiến họ không tin hiểu, u mê điên đảo, tự chìm trong biển khổ, cũng lôi người chìm theo.

Xá-lợi Tử, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, Ta còn không muốn để cho kẻ phỉ báng chánh pháp kia nghe đến danh tự huống hồ vì họ mà thuyết.

Xá-lợi Tử, kẻ hủy báng chánh pháp kia, Ta còn không cho các thiện nam trụ Bồ-tát thừa nghe đến tên, huống là mắt thấy, sao lại cho ở chung được?

Xá-lợi Tử, đối với kẻ hủy báng chánh pháp kia, Ta còn chẳng cho mặc áo ca-sa huống hồ nhận sự cúng dường. Vì sao? Xá-lợi Tử, những kẻ hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì phải biết đó là kẻ phá hoại chánh pháp, đọa vào loài đen tối như ốc sên dơ bẩn, dơ mình bẩn người như đống phân thối. Những kẻ nào tin dùng lời của kẻ phá hoại pháp, cũng chuốc lấy khổ lớn như đã nói ở trước.

Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, do duyên cớ gì mà Như Lai chẳng nói về hình dạng thân thể lớn nhỏ mà kẻ hủy báng chánh pháp này phải lãnh chịu khi đọa vào ác thú?

Phật bảo:

–Xá-lợi Tử, thôi, chẳng nên nói về hình dạng thân thể mà kẻ phá hoại chánh pháp phải lãnh thọ vào đời sau. Vì sao? Nếu Ta nói đầy đủ hình dạng cảnh giới ấy thì kẻ kia nghe được rất kinh sợ, phải thổ huyết cho đến mất mạng hoặc đau khổ đến chết, tâm quá buồn lo như trúng tên độc, thân khô héo dần như mạ đứt gốc. Vì sợ kẻ kia nghe nói về kẻ hủy báng chánh pháp, phải thọ thân quá xấu xí khổ sở như vậy, luôn tự kinh hoàng tan thân mất mạng. Ta thương xót kẻ kia nên không thể vì ông mà nói.

Xá-lợi Tử lại thỉnh lần thứ hai, lần thứ ba, xin Như Lai nói về hình thể kia để làm sự răn dạy sáng suốt cho đời sau, biết được tội hủy báng chánh pháp, thân chịu khổ cực nặng nề mà không gây ra tội này nữa.

Phật bảo Xá-lợi Tử:

–Trước Ta đã nói về tội của kẻ hủy hoại chánh pháp, lãnh chịu cảnh giới khổ sở, đủ làm sự răn dạy sáng suốt cho đồng loại ở đời sau. Các thiện nam... nghe ta nói về quả báo tội hủy báng chánh pháp như trước, thà bỏ thân mạng quyết không hủy báng chánh pháp, đừng để tự thân phải chịu khổ cực ở đời sau.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, có những thiện nam thông minh, nghe Đức Phật nói: “Người hủy báng chánh pháp, đời sau phải chịu khổ lớn lâu dài”, nên khéo giữ gìn nghiệp thân, miệng, ý. Vì sao? Đừng để tự thân phải vì các nghiệp ác ấy mà làm người trong cảnh giới ác, chịu khổ lâu dài.

Bạch Thế Tôn, sự tạo tác, làm cho nghiệp hủy hoại chánh pháp tăng trưởng há chẳng phải do các nghiệp ác huân tập từ đời trước ư?

Phật bảo:

–Thiện Hiện, đúng vậy, đúng vậy! Trong chánh pháp và Tỳ-nại-da của Ta sẽ có những kẻ xuất gia ngu si. Tuy họ gọi Ta là Bậc Đại Sư nhưng lại hủy báng chống nghịch những gì Ta nói về Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa.

Thiện Hiện nên biết, nếu hủy báng Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa tức là hủy báng quả vị Giác ngộ cao tột. Nếu hủy báng quả vị Giác ngộ cao tột, tức là hủy báng trí Nhất thiết trí. Nếu có hủy báng trí Nhất thiết trí tức là hủy báng Phật, Pháp, Tăng bảo. Nếu có hủy báng Phật, Pháp, Tăng bảo thì liền nhận lấy vô biên nghiệp tội. Nếu đã nhận lấy vô biên nghiệp tội thì liền chuốc lấy vô biên khổ báo. Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Người ngu si kia, do bao nhiêu nguyên nhân mà hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này?

Phật bảo:

–Thiện Hiện, do bốn nguyên nhân. Những gì là bốn? Một là bị các tà ma lừa gạt. Hai là không tin hiểu pháp thâm sâu. Ba là không siêng năng tinh tấn, say đắm năm uẩn nên bị các ác tri thức khống chế. Bốn là ôm nhiều sân giận, ưa làm việc ác, thích đề cao mình, khinh chê người khác.

Người ngu si do có đủ bốn nguyên nhân này, nên hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì vậy nên đời sau phải cực khổ gian nan.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]