SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ IV
Phẩm 9: Khen ngợi
(QUYỂN 545)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Bấy giờ, Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa này chỉ có danh tự. Danh tự như vậy cũng chẳng thể nắm bắt được, chỉ dựa vào lời nói vay mượn thi thiết mà có. Thế nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không sở hữu, thật chẳng thể nắm bắt được danh tự Bát-nhã ba-la-mật-đa. Hai pháp này lần lượt tương tợ, đồng không sở hữu đều chẳng thể nắm bắt được. Do đâu Phật nói khi Bồ-tát Từ Thị chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột thì lấy danh hiệu này? Cũng ở chỗ này tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Phật bảo Thiện Hiện:
–Bồ-tát Từ Thị sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, khi ấy chẳng chứng sắc không; chẳng chứng thọ, tưởng, hành, thức không; chẳng chứng sắc trói buộc; chẳng chứng thọ, tưởng, hành, thức trói buộc; chẳng chứng sắc cởi mở; chẳng chứng thọ, tưởng, hành, thức cởi mở; tức là lấy các hành tướng như vậy mà nói. Bồ-tát Từ Thị sẽ chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột liền lấy tên này, cùng ở tại nơi đây thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa rất là thanh tịnh?
Phật dạy:
–Thiện Hiện, vì sắc thanh tịnh, nên Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa rất là thanh tịnh. Vì thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa rất là thanh tịnh. Vì hư không thanh tịnh, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa rất là thanh tịnh. Vì sắc không ô nhiễm, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa rất là thanh tịnh. Vì thọ, tưởng, hành, thức không ô nhiễm, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa rất là thanh tịnh. Vì hư không không ô nhiễm, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa rất là thanh tịnh. Vì tất cả pháp có nhiễm và không nhiễm đều chẳng thể nắm bắt được, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa rất là thanh tịnh.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, nếu các thiện nam, thiện nữ chỉ nghe danh hiệu, công đức của Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa này mà được lợi ích hoàn hảo, rộng lớn; huống gì thọ trì, đọc tụng, tu tập, biên chép, thuyết giảng, truyền bá rộng rãi. Các thiện nam, thiện nữ này, không chết bất ngờ cũng không bệnh đột ngột và cũng không bị các tai họa xảy đến, thường được vô lượng trăm ngàn Thiên thần, cung kính vây quanh, đi theo hộ trì. Vào ngày mồng tám, ngày thứ mười bốn, ngày thứ mười lăm của tháng có trăng và tháng không có trăng, nếu các thiện nam, thiện nữ, dù an trụ hay đi đến bất cứ một chỗ nào mà đọc tụng, thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì sẽ được vô biên công đức, lợi ích thù thắng.
Phật bảo:
–Thiện Hiện, đúng vậy, đúng vậy, đúng như ông nói! Các thiện nam, thiện nữ này đọc tụng, tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên vô lượng Thiên thần thường đến cung kính vây quanh hộ trì. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là ngọc báu vô thượng của các Trời, Người, A-tố-lạc. Do nguyên nhân này, các thiện nam, thiện nữ này sẽ được vô biên công đức và ích lợi.
Lại nữa Thiện Hiện, khi lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, biên chép cúng dường, tu học, tuyên thuyết... Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thời có nhiều tà ma làm cản trở. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là ngọc báu lớn đối với các oán thù và trộm cướp. Thí như ở thế gian có ngọc quý báu, dù để chỗ nào cũng có nhiều oán thù, trộm cướp.
Thiện Hiện nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là của báu không gì hơn, thường làm cho thế gian an vui lợi ích.
Này Thiện Hiện, đối với tất cả pháp, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng thành, chẳng hoại, chẳng hướng tới, chẳng quay lui, chẳng kéo theo, chẳng đuổi đi, chẳng lấy, chẳng bỏ, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng gần chẳng xa. Vì sao? Vì tất cả pháp hoàn toàn không sở hữu và đều chẳng thể nắm bắt được.
Thiện Hiện nên biết, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có sự chứng đắc đối với tất cả pháp, nên chẳng phải nhiễm ô cũng chẳng phải bị nhiễm ô. Vì sao? Vì không có pháp nên không thể bị nhiễm ô không có pháp.
Thiện Hiện nên biết, vì sắc không nhiễm ô nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không nhiễm ô. Thọ, tưởng, hành, thức không nhiễm ô, nên Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa cũng không nhiễm ô. Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa không nhiễm ô nên các pháp, sắc... cũng không nhiễm ô. Nếu đối với nhau như vậy mà không có sự phân biệt là hành Bát-nhã bala-mật-đa.
Thiện Hiện nên biết, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có sự phân biệt, nên đối với tất cả pháp không lấy, không bỏ, không nói, không chỉ, không kéo theo, không đuổi đi.
Khi ấy, có vô lượng trăm ngàn Thiên tử ở giữa hư không, vui mừng hớn hở, đồng thanh xướng rằng:
–Hôm nay, ở châu Thiệm-bộ này chúng con được thấy Đức Phật chuyển bánh xe diệu pháp lần thứ hai.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thiện Hiện:
–Xe pháp này chẳng phải chuyển lần thứ nhất, cũng chẳng phải chuyển lần thứ hai. Vì sao? Vì đối với tất cả pháp, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chẳng vì sự chuyển đi hay sự hoàn lại mà xuất hiện ở thế gian; chỉ vì không tánh tự tánh không, nên xuất hiện ở thế gian. Nếu Đại Bồ-tát biết được như vậy, không bị sự phân biệt tức là hành Bát-nhã ba-lamật-đa.
Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là Ba-la-mật-đa rộng lớn, vì hiểu rõ tất cả pháp tự tánh là không. Tuy hiểu rõ các pháp tự tánh đều là không, nhưng các Đại Bồ-tát vẫn dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để không ràng buộc, không đắm trước tất cả pháp, mà chứng được quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển xe diệu pháp, cứu độ chúng hữu tình. Tuy chứng Bồ-đề nhưng không thấy sự chứng đắc. Vì chứng hay chẳng chứng đều chẳng thể nắm bắt được. Dù chuyển xe pháp mà không thấy có gì để chuyển, vì pháp có chuyển đi hay hoàn lại đều chẳng thể nắm bắt được. Mặc dù cứu độ hữu tình mà không thấy có gì được độ; vì pháp được thấy hay chẳng được thấy đều chẳng thể nắm bắt được.
Bạch Thế Tôn, trong giáo pháp thâm sâu của Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa này, việc chuyển xe pháp hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì trong ấy không có pháp để hiện rõ, không có pháp để chỉ bày, không có pháp để chứng đắc, không có pháp lưu chuyển, không có pháp hoàn diệt. Vì sao? Vì tất cả pháp rốt ráo không sinh, cũng chẳng diệt; vì chẳng sinh, diệt nên không chuyển đi không hoàn lại.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thiện Hiện:
–Đúng vậy, đúng vậy! Vì sao? Vì chẳng phải trong pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện có thể có pháp chuyển đi và pháp hoàn lại, vì tánh của pháp chuyển đi và hoàn lại là chẳng thể nắm bắt được. Nếu thường tuyên thuyết khai thị như vậy thì gọi là sự tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa khéo léo, thanh tịnh. Trong đấy, hoàn toàn không có người thuyết, người nhận, pháp được nói và pháp lãnh thọ. Đã không có người thuyết, người nghe và pháp thuyết, thì những người có thể chứng được cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì không có người chứng, cũng không có người đạt được Niết-bàn, cũng không có người thuyết pháp làm phước điền; vì phước điền không có nên tánh phước điền cũng không có. Sự biểu thị danh ngôn đều chẳng thể nắm bắt được nên gọi là Ba-la-mật-đa rộng lớn.
Bấy giờ, Thiện Hiện lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chính là Ba-la-mật-đa vô biên, như hư không, rộng lớn không bờ không bến vậy.
Đấy là Ba-la-mật-đa không gì sánh bằng vì tất cả pháp đều chẳng thể nắm bắt được.
Đấy là Ba-la-mật-đa xa lìa vì rốt ráo không.
Đấy là Ba-la-mật-đa khó chinh phục vì tướng tánh các pháp chẳng thể nắm bắt được.
Đấy là Ba-la-mật-đa không để dấu vết vì không qua, không lại, không hình thể.
Đấy là Ba-la-mật-đa không tánh vì không qua lại.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô hành vì tất cả pháp không thể chuyển động.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô đoạt, vì tất cả pháp không thể giữ lấy.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô tận cùng với pháp vô tận hằng tương ưng.
Đấy là Ba-la-mật-đa không sinh, vì tất cả pháp không thể sinh.
Đấy là Ba-la-mật-đa không tác, vì các tác giả đều chẳng thể nắm bắt được.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô tri, vì không có sự biết đối với tất cả pháp.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô kiến, vì không có sự thấy đối với tất cả pháp.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô chuyển, vì những kẻ sống chết đều chẳng thể nắm bắt được.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô hoại, vì khoảng trước, sau và giữa đều chẳng thể nắm bắt được.
Đấy là Ba-la-mật-đa như huyễn, vì các pháp không sinh, không biểu thị được.
Đấy là Ba-la-mật-đa như mộng, vì tánh các ý thức là bình đẳng.
Đấy là Ba-la-mật-đa không tạp nhiễm, vì tham, sân, si không tự tánh.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô sở đắc, vì chỗ nương tựa chẳng thể nắm bắt được.
Đấy là Ba-la-mật-đa không hý luận, vì tất cả pháp vượt khỏi sự nghĩ bàn.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô tư lự, vì tất cả pháp không làm dao động.
Đấy là Ba-la-mật-đa không chuyển động, vì trụ vào pháp giới.
Đấy là Ba-la-mật-đa lìa nhiễm, vì tất cả pháp chẳng hư vọng.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô đẳng khởi, vì tất cả pháp không có sự phân biệt.
Đấy là Ba-la-mật-đa tịch tĩnh, vì tất cả pháp tướng đều chẳng thể nắm bắt được.
Đấy là Ba-la-mật-đa lầm lỗi, vì tu các công đức để đến bờ kia.
Đấy là Ba-la-mật-đa không hữu tình, vì chứng thật tế.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô đoạn, vì tất cả pháp không khởi lên một cách bình đẳng.
Đấy là Ba-la-mật-đa như thật, vì không phân biệt.
Đấy là Ba-la-mật-đa không hai bên, vì không chấp trước đối với tất cả pháp.
Đấy là Ba-la-mật-đa không tạp hoại, vì tất cả pháp chẳng hòa hợp.
Đấy là Ba-la-mật-đa không chấp giữ, vì vượt các bậc Thanh văn và Độc giác.
Đấy là Ba-la-mật-đa không tầm tứ, vì đạt đến tánh bình đẳng của pháp tầm tứ.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô lượng, vì vô lượng pháp.
Đấy là Ba-la-mật-đa không khởi, vì lìa ngã pháp.
Đấy là Ba-la-mật-đa không phân biệt, vì tánh các sự phân biệt là bình đẳng.
Đấy là Ba-la-mật-đa chẳng thể nắm bắt được, vì đạt đến tánh chân thật của tất cả pháp.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô trước, vì không chấp trước đối với tất cả pháp.
Đấy là Ba-la-mật-đa không nương tựa, vì không chỗ nương tựa.
Đấy là Ba-la-mật-đa chẳng sinh, vì tất cả pháp hoàn toàn chẳng sinh.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô thường, vì tất cả pháp thường không có tánh.
Đây gọi là Ba-la-mật-đa khổ, vì làm bức bách phiền não tánh bình đẳng.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô ngã, vì đối với tất cả pháp không có sự chấp trước.
Đây gọi là Ba-la-mật-đa rỗng không, vì tất cả pháp chẳng thể nắm bắt được.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô tướng, vì lìa các tướng của tất cả pháp.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô nguyện, vì không có sự thành.
Đây gọi là Ba-la-mật-đa sức lực, vì không chịu khuất phục tất cả pháp.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô lượng Phật pháp, vì quá số lượng.
Đấy là Ba-la-mật-đa vô sở úy, vì nơi tâm rốt ráo không có sự sợ hãi.
Đấy là Ba-la-mật-đa chân như, vì tánh của tất cả pháp này không có biến đổi.
Đấy là Ba-la-mật-đa tự nhiên, vì tất cả pháp không có tự tánh.
Đấy là Ba-la-mật-đa trí Nhất thiết trí, vì biết tất cả pháp không tự tánh.
Phật dạy Thiện Hiện:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như điều ông nói!
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]