SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ V
Phẩm 10: Không nghỉ bàn
(QUYỂN 559 - 560)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Thiên đế Thích nghĩ: “Nếu có người chỉ nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì nên biết người đó đã từng cúng dường chư Phật và phát thệ nguyện rộng lớn; huống là người có thể thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng thuyết cho người khác đúng như lời dạy để tu hành, thì nên biết người này đã từng ở chỗ vô lượng Phật quá khứ, gần gũi cúng dường, trồng nhiều căn lành, từng được nghe Bát-nhã bala-mật-đa. Nghe xong thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng thuyết cho người khác đúng như lời dạy để tu hành, hoặc đối với kinh này thường hỏi, thường đáp, nhờ năng lực phước của đời trước nên nay thành tựu được việc này. Nếu các hữu tình đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, công đức đã thuần tịnh thì nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tâm người đó chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng khiếp.”
Khi ấy, Xá-lợi Tử biết tâm niệm của Thiên đế Thích nên bạch Phật:
–Nếu các Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa có thể tin hiểu thì nên biết người này giống như các Đại Bồ-tát không thoái chuyển. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy với nghĩa lý sâu xa, rất là khó tin hiểu. Nếu người ở đời trước, chẳng tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa dài lâu, chẳng ở trước Phật để thưa hỏi, lắng nghe, lãnh thọ; chẳng ở chỗ Phật trồng nhiều căn lành thì đâu có thể mới vừa được nghe, liền có thể tin hiểu. Hoặc có người nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà hủy báng, chống đối, thì nên biết người này đời trước đã hủy báng, chống đối Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa. Vì sao? Vì người ngu như như thế ít có căn lành, nên đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chẳng sinh lòng tin thanh tịnh; chưa từng thưa hỏi Phật và các đệ tử về nghĩa sâu xa chẳng sinh lòng tin thanh tịnh; chưa từng thưa hỏi Phật và các đệ tử về nghĩa sâu xa, nên nghe thuyết nghĩa thú Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa liền hủy báng chống đối.
Thiên đế Thích nói với Xá-lợi Tử:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, đúng là lý thú sâu xa, rất khó tin hiểu! Có những người tin ưa, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như ngưng chưa dài lâu, nên khi nghe thuyết về nghĩa thú sâu xa trong ấy thì không tin hiểu, loại này chưa phải là hiếm có. Nếu người lễ kính Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tức là lễ kính trí Nhất thiết trí.
Xá-lợi Tử bảo:
–Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói! Vì sao? Kiều-thi-ca, vì sự đắc trí Nhất thiết trí của Như Lai là đều từ Bát-nhã ba-la-mật-đa mà sinh ra. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lại nhờ trí Nhất thiết trí của Như Lai mà có được.
Kiều-thi-ca, các chúng Bồ-tát nên hành như thế, nên trụ như thế, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thế.
Thiên đế Thích bạch Phật:
–Các chúng Bồ-tát làm cách nào để gọi là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, để gọi là trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, để gọi là học Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa?
Bấy giờ Phật khen Thiên đế Thích:
–Lành thay, lành thay! Ông nương nơi uy lực của Phật nên mới có thể hỏi Như Lai nghĩa sâu xa như thế.
Này Kiều-thi-ca, các chúng Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu không trụ sắc thì cũng không trụ đây là sắc; như vậy là học sắc. Nếu không trụ thọ, tưởng, hành, thức thì cũng không trụ đây là thọ, tưởng, hành, thức; như vậy là học, tưởng, hành, thức.
Kiều-thi-ca, các chúng Bồ-tát hành Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, nếu không học sắc thì cũng không học đây là sắc; như vậy là không trụ sắc. Nếu không học thọ, tưởng, hành, thức thì cũng không học đây là thọ, tưởng, hành thức; như vậy là không trụ thọ, tưởng, hành, thức.
Kiều-thi-ca, như vậy gọi là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cũng gọi là trụ Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế rất là sâu xa, khó có thể đo lường, khó có thể nắm bắt, không có giới hạn.
Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói!
Xá-lợi Tử, các chúng Bồ-tát hành Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa; nếu không trụ tánh sâu xa của sắc, thì cũng không trụ đây là tánh sâu xa của sắc; như vậy là học tánh sâu xa của sắc. Nếu không trụ tánh sâu xa của thọ, tưởng, hành, thức; thì cũng không trụ đây là tánh sâu xa của thọ, tưởng, hành, thức; như vậy là học tánh sâu xa của thọ, tưởng, hành, thức.
Này, Xá-lợi Tử, các chúng Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; nếu không học tánh sâu xa của sắc, thì cũng không học đây là tánh sâu xa của sắc; như vậy là không trụ tánh sâu xa của sắc. Nếu không học tánh sâu xa của thọ, tưởng, hành, thức thì cũng không học đây là tánh sâu xa của thọ, tưởng, hành, thức; như vậy là không trụ tánh sâu xa của thọ, tưởng, hành, thức.
Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế rất là sâu xa, khó có thể đo lường, khó có thể nắm bắt, không có giới hạn, thì khó tin hiểu. Chỉ nên thuyết cho các Bồ-tát ở địa vị không thoái chuyển kia. Bồ-tát ấy đối với pháp này không nghi, không ngờ, không mê mờ, không hoang mang.
Thiên đế Thích hỏi Xá-lợi Tử:
–Nếu thuyết cho các Bồ-tát chưa được thọ ký sẽ có lỗi gì?
Xá-lợi Tử thưa:
–Người kia nghe, sẽ kinh sợ hoặc sinh hủy báng. Do nhân duyên này chịu khổ lớn lâu dài, khó đắc quả vị Giác ngộ cao tột.
Thiên đế Thích thưa:
–Có Bồ-tát nào chưa được thọ ký, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà chẳng sợ hãi, chẳng hủy báng, rất tin hiểu chăng?
Xá-lợi Tử thưa:
–Có Bồ-tát nào như thế, đã từ lâu phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, đã từ lâu tu hạnh Đại Bồtát, nên mặc dù chưa được thọ ký Đại Bồ-tát, chẳng qua lại chỗ một Đức Phật, hoặc hai Đức Phật, nhưng nhất định sẽ được thọ ký Đại Bồ-đề.
Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói! Xá-lợi Tử, nếu các Bồ-tát chưa được thọ ký, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa rất tin hiểu, chẳng kinh sợ, thì nên biết Bồ-tát đó từ lâu đã phát tâm đại Bồ-đề, trồng nhiều căn lành, theo nhiều bạn lành.
Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, con muốn nói một vài thí dụ, kính xin Thế Tôn cho phép.
Bấy giờ Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Tùy ý ông nói.
Khi ấy Xá-lợi Tử bạch:
–Kính bạch Thế Tôn, như thiện nam trụ Bồ-tát thừa… trong giấc mộng, thấy mình ngồi tòa Bồ-đề vi diệu, nên biết người này gần chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Nếu có người được nghe Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, tâm không sợ hãi, hết lòng tin hiểu, thì cũng như thế, nên biết người này từ lâu đã phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, căn lành đã thành thục hoặc đã được thọ ký đại Bồ-đề, hoặc sẽ gần được thọ ký đại Bồ-đề, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.
Kính bạch Thế Tôn, ví như có người dạo chơi trong đồng hoang vu, ngang qua đường hiểm một trăm do-tuần, hoặc hai, ba cho đền năm trăm; thấy tướng các thành ấp, vương đô ở phía trước; nghĩa là thấy người thả trâu, vườn, rừng, đồng ruộng… thấy tướng như thế xong, liền nghĩ: “Thành ấp, vương đô cách đây không xa” và sau khi nghĩ như thế, thân tâm thư thới, chẳng sợ thú dữ, giặc dữ và đói khát. Cũng như thế, Bồ-tát được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, hết lòng kính tin, nên biết không lâu sẽ được thọ ký Bồ-đề, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột, không còn sợ rơi ở địa vị Thanh văn, Độc giác. Vì sao? Vì đã được thấy, nghe, cung kính tin thọ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, là tướng trước của quả vị Giác ngộ cao tột.
Kính bạch Thế Tôn, ví như có người muốn xem biển lớn, lâu hồi tìm đến biển, trải qua nhiều thời gian, khi không còn thấy núi rừng liền nghĩ: “Nay thấy tướng này thì biển lớn không còn xa. Vì sao? Vì gần biển lớn, đất chắc chắn thấp dần, không có các núi rừng.” Người kia lúc ấy mặc dù chưa thấy biển nhưng thấy tướng gần biển nên vui mừng hớn hở. Cũng như thế, Bồ-tát được nghe Bát nha ba-lamật-đa hết lòng kính tin, nên biết không lâu sẽ được thọ ký Bồ-đề, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Vì đã được thấy, nghe Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, là tướng trước của quả vị Giác ngộ cao tột.
Kính bạch Thế Tôn, ví như mùa xuân chờ đợi hoa quả… của cây cối, lúc này lá già đã rụng, cành nhánh tươi nhuận, mọi người thấy đều nghĩ: “Hoa, quả, lá non không lâu sẽ sinh ra. Vì sao? Vì các cây cối… có hoa quả, thì lá non là hiện tướng trước vậy.” Cũng như thế, Bồ-tát được nghe Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa hết lòng kính tin, nên biết không bao lâu sẽ được thọ ký Bồ-đề, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.
Khi ấy, trong chúng hội có các Thiên tử thấy những việc như vậy xong, hoan hỷ nghĩ: “Đời trước, các Bồ-tát đã đắc tướng này rồi, không lâu sẽ được thọ ký đại Bồ-đề. Nay các Bồ-tát này cũng được tướng này thì không lâu sẽ được thọ ký đại Bồ-đề.”
Kính bạch Thế Tôn, ví như người con gái mang thai đã lâu, thân thể càng nặng nề, làm việc hay nghĩ ngơi, không được yên ổn, ít ăn uống ngủ nghỉ, chẳng thích nói nhiều, nhàm chán những công việc làm hằng ngày, vì bị đau đớn, mệt mỏi, nên dẹp hết các công việc. Bà mẹ chồng thấy tướng như vậy, biết nàng dâu không lâu sẽ sinh. Cũng như thế, Bồtát được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, hết lòng kính tin, nên biết không lâu sẽ được thọ ký Bồ-đề, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột, có thể làm lợi ích an vui cho tất cả cùng tận đời vị lai.
Bấy giờ, Phật khen Xá-lợi Tử:
–Lành thay, lành thay! Ông nói ví dụ về Bồ-tát rất đúng, đều là nhờ năng lực uy thần của Như Lai.
Bấy giờ Thiện Hiện bạch Phật:
–Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn, Ngài khéo phó chúc, khéo hộ niệm cho các Bồ-tát.
Phật bảo Thiện Hiện:
–Đúng vậy, đúng vậy! Vì sao? Vì các chúng Bồ-tát muốn luôn luôn làm lợi ích an vui cho nhiều đời, thương xót các chúng sinh ở thế gian, muốn làm cho trời, người đạt được sự lợi ích an vui lớn, nên cầu chứng quả vị Giác ngộ cao tột, để tuyên thuyết pháp yếu cho các hữu tình.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, các chúng Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, làm sao tu tập Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa để cho mau viên mãn?
Phật bảo Thiện Hiện:
–Nếu các Bồ-tát nương Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; chẳng thấy sắc tăng, chẳng thấy sắc giảm mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức tăng, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức giảm mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng thấy pháp đúng, chẳng thấy pháp sai mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì các Bồ-tát này tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa mau được viên mãn.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, điều Như Lai dạy chẳng thể nghĩ bàn.
Phật bảo Thiện Hiện:
–Đúng vậy, đúng vậy! Sắc chẳng thể nghĩ bàn; thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng thể nghĩ bàn. Nếu các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì đối với sắc không phát sinh tưởng, chẳng nghĩ bàn mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng không phát sinh tưởng, chẳng nghĩ bàn mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì các Bồ-tát này tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa mau được viên mãn.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, nghĩa thú quá sâu xa, ai có thể tin hiểu?
Phật bảo Thiện Hiện:
–Nếu các Bồ-tát tu thắng hạnh lâu xa, thì đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể tin hiểu.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là các chúng Bồtát tu thắng hạnh lâu xa?
Phật bảo Thiện Hiện:
–Nếu các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì không phân biệt mười lực của Như Lai, không phân biệt bốn điều không sợ, không phân biệt mười tám pháp Phật bất cộng, không phân biệt trí Nhất thiết. Vì sao? Vì mười lực của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, cho đến trí Nhất thiết cũng chẳng thể nghĩ bàn. Sắc cũng chẳng thể nghĩ bàn; thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng thể nghĩ bàn; tất cả pháp cũng chẳng thể nghĩ bàn. Nếu các Bồ-tát hành như thế thì hoàn toàn không chỗ hành, tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Các Bồ-tát như thế mới được gọi là tu thắng hạnh lâu xa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là đống ngọc báu, là khối thanh tịnh, như hư không thanh tịnh lìa các mây khói... Lạ thay! Bát-nhã bala-mật-đa nghĩa thú sâu xa, nhiều các chướng nạn mà nay giảng nói rộng, các chướng nạn lại chẳng sinh!
Phật dạy Thiện Hiện:
–Đúng vậy, đúng vậy! Nhờ thần lực của Phật nên chướng nạn không sinh. Thế nên, nếu thiện nam nào trụ Đại thừa đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết... thì cho đến một năm phải xong hết. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là ngọc thần báu lớn, có nhiều các chướng ngại.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, lạ thay! Ác ma thường muốn làm trở ngại ngọc thần báu lớn Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa như thế!
Phật bảo Thiện Hiện:
–Tất cả ác ma, mặc dù đối với Bát-nhã ba-lamật-đa, thường muốn làm trở ngại, làm cho sự tu tập của các Bồ-tát chẳng thành tựu, nhưng chúng chẳng toại nguyện.
Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Thần lực của ai làm cho ác ma kia không thể làm trở ngại Bát-nhã sâu xa?
Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đó là thần lực của Phật, cũng là thần lực của chư Phật ở tất cả thế giới trong mười phương.
Xá-lợi Tử, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều cùng hộ niệm cho các chúng Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, khiến cho các ác ma không thể làm trở ngại. Vì sao? Xá-lợi Tử, vì nếu các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì tự nhiên đều được tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở vô lượng, vô biên thế giới trong mười phương cùng chung hộ niệm. Nếu người tự nhiên được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hộ niệm, thì ác ma không thể làm trở ngại.
Lại nữa Xá-lợi Tử, nếu có thiện nam nào với lòng tin thanh tịnh, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết Bát-nhã sâu xa mà không bị trở ngại, nên nghĩ: “Ta biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết... Bát-nhã ba-lamật-đa đều là nhờ thần lực của chư Phật Thế Tôn ở tất cả thế giới trong mười phương hộ niệm, làm cho được thành tựu.”
Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Nếu thiện nam nào trụ Bồ-tát thừa biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết... Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì đều được thần lực của chư Phật ở mười phương từ bi hộ niệm, làm cho sự tu tập nghiệp lành thù thắng của người đó không bị tất cả ác ma làm trở ngại.
Bấy giờ Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói!
Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, nếu thiện nam nào trụ Bồ-tát thừa, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết... Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa; thì được chư Phật Thế Tôn ở thế giới trong mười phương cùng biết rõ, hoan hỷ, hộ niệm. Có phải chư Phật Thế Tôn ở thế giới trong mười phương, thường dùng Phật nhãn cùng xem thấy, từ bi hộ niệm, làm cho sự tu tập của người kia thành tựu hoàn toàn?
Bấy giờ Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói! Nếu các thiện nam... trụ Bồ-tát thừa, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, thì thường được Phật nhãn của chư Phật Thế Tôn ở tất cả thế giới trong mười phương xem thấy, biết rõ, hộ niệm, khiến cho các ác ma không thể làm rối loạn được, sự tu nghiệp lành vì vậy mà mau được thành tựu.
Nếu thiện nam nào trụ Bồ-tát thừa thường biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên biết người đó đã gần quả vị Giác ngộ cao tột, quyến thuộc của ác ma không thể làm trở ngại.
Nếu thiện nam nào trụ Bồ-tát thừa thường biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa, trang trí thật oai nghiêm bằng các thứ báu, thọ trì, đọc tụng, cung kính cúng dường, thì thường được chư Phật hộ niệm. Do nhân duyên này mà đạt được nhiều lợi ích lớn.
Này Xá-lợi Tử, kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, sau khi Phật Niết-bàn lưu hành đến phương Nam, sẽ hưng thạnh dần. Sau đó từ phương Nam lưu hành đến phương Bắc sẽ hưng thạnh dần. Chẳng phải Tỳ-nại-da chánh pháp vô thượng là pháp Phật chứng đắc, có tướng diệt mất; Tỳ-nại-da chánh pháp vô thượng mà Như Lai chứng đắc chính là kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Kinh điển như thế, nếu các thiện nam trụ Bồ-tát thừa biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết, cung kính cúng dường thì được tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thường dùng Phật nhãn xem thấy, hộ niệm, khen ngợi, tán thán, làm cho không buồn khổ.
Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, kinh điển Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa như thế, phần sau của đời sau sẽ truyền bá rộng rãi ở phương Đông bắc?
Bấy giờ Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Đúng vậy, đúng vậy! Xá-lợi Tử, phần sau của đời sau, thiện nam trụ Bồ-tát thừa ở phương Đông bắc kia, nghe kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, nếu có thể tin ưa, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết, cung kính cúng dường, nên biết người đó từ lâu đã phát tâm quả vị Giác ngộ cao tột, từ lâu đã tu hạnh Đại Bồ-tát.
Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, phần sau của đời sau ở phương Đông bắc kia sẽ có bao nhiêu thiện nam trụ Bồ-tát thừa, được nghe kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có thể tin ưa, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết, cung kính cúng dường? Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Phần sau của đời sau, ở phương Đông bắc kia, tuy có vô lượng thiện nam trụ Bồ-tát thừa, nhưng ít có người được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, để hết lòng tin ưa, biên chép, thọ trì, đọc tụng, cúng dường; hoặc có vô lượng thiện nam trụ Bồ-tát thừa, nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, hết lòng tin ưa, biên chép, thọ trì, đọc tụng, cúng dường, nhưng đa phần ít tu tập tư duy. Nếu người nào có thể tuyên thuyết, chỉ dạy nghĩa thú sâu xa cho những người này thì rất khó đạt được.
Xá-lợi Tử, nếu thiện nam nào trụ Bồ-tát thừa, nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, tâm không chìm đắm, không kinh, không sợ, hết lòng tin ưa, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói, thì nên biết người này đã từng được gần gũi, cung kính cúng dường vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các Bồ-tát, thưa hỏi nghĩa thú sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa. Các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này, nhất định sẽ viên mãn các hạnh Bồ-tát, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột, làm lợi ích lớn cho các hữu tình. Vì sao? Xá-lợi Tử, vì Ta thường thuyết pháp tương ưng với trí Nhất thiết cho các thiện nam trụ Bồ-tát thừa kia. Người này chuyển thân thường luôn tu tập các hạnh Bồ-tát, nên mau thẳng đến quả vị Giác ngộ cao tột, để tuyên thuyết pháp vi diệu cho các hữu tình, làm cho thẳng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này, thân tâm yên định; các ma vương và quyến thuộc của chúng chẳng thể phá hoại được tâm cầu hướng tới quả vị Giác ngộ cao tột, huống chi các kẻ chỉ ưa làm những việc ác khác.
Xá-lợi Tử, những thiện nam trụ Bồ-tát thừa nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thân tâm rất thanh tịnh, vui mừng, rộng mở, thì cũng có thể an lập vô lượng hữu tình ở trong pháp lành tương ưng với quả vị Giác ngộ cao tột.
Xá-lợi Tử, các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này, hôm nay ở chỗ Ta đã phát thệ nguyện rộng lớn, quyết định sẽ an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình, làm cho họ phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, tu hạnh Bồ-tát; chỉ rõ, khuyến khích, dẫn dắt, khen ngợi, khích lệ, chúc mừng; khiến cho họ được thọ ký không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột. Đối với những thiện nam ấy, Ta càng sinh tùy hỷ. Vì sao? Xá-lợi Tử, vì Ta thấy họ đã phát nguyện rộng lớn, ý nghĩ và lời nói tương xứng nhau. Những thiện nam ấy ở đời sau, nhất định có thể an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình, làm cho phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, tu hạnh Bồ-tát; chỉ rõ, dẫn dắt, khuyến khích, khen ngợi, khích lệ, chúc mừng, khiến cho được thọ ký quả vị không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột.
Các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này, cũng ở chỗ vô lượng chư Phật trong quá khứ mà phát nguyện như thế. Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong quá khứ đối với nguyện của những người ấy cũng rất tùy hỷ; quán xét ý nghĩ và lời nói của những người ấy nhất định tương xứng vậy.
Các thiện nam trụ Bồ-tát thừa này, tin hiểu rộng lớn; tu hạnh rộng lớn, nguyện sinh về cõi nước của chư Phật ở phương khác, nơi đang có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết pháp Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa. Những người ấy nghe pháp Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa xong, là có thể an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình trong cõi Phật kia, làm cho phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, tu hạnh Bồ-tát; chỉ dạy, khuyến khích, dẫn dắt, khen ngợi, khích lệ, chúc mừng, khiến cho được không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột.
Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Kỳ diệu thay, kính bạch Thế Tôn! Phật đối với các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại và tâm hành sai khác của các hữu tình. Chư Phật, Bồ-tát đều chứng biết, đều hiểu rõ.
Kính bạch Thế Tôn, nếu các Bồ-tát có thể chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, biên chép, giảng thuyết, làm cho được lưu bố rộng rãi, các Bồtát này ở đời vị lai sẽ siêng năng tìm cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không dừng nghỉ, thì người đó đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa có lúc nào đạt được, có lúc chẳng đạt được không?
Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Các Bồ-tát này thường tìm cầu Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa không dừng nghỉ, thì tất cả mọi lúc đều đạt được, không có lúc nào không được. Hoặc có lúc không cầu nhưng cũng tự nhiên đạt được, vì chư Phật, Bồ-tát thường hộ niệm vậy.
Xá-lợi Tử bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, các Bồ-tát này đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa, tất cả mọi lúc đều đạt được, không có lúc nào không đạt được, hay là đối với kinh điển tương ưng với sáu pháp Ba-la-mật-đa mới có thể thường đạt được?
Phật bảo Xá-lợi Tử:
–Nếu các Bồ-tát thường đối với kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa mà dũng mãnh tin cầu, chẳng đoái nghĩ đến thân mạng mà có lúc chẳng đạt được các kinh điển khác, thì không có lẽ ấy. Vì sao? Xá-lợi Tử, các Bồ-tát này vì hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, mà chỉ dạy, khuyến khích, dắt dìu, khen ngợi, khích lệ, chúc mừng các loài hữu tình, làm cho thọ trì, đọc tụng kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa và kinh điển khác, thì cũng chính mình có ở trong đó, siêng năng tu học, nhờ năng lực của phước này nên tùy theo sinh ra ở chỗ nào, tự nhiên thường gặp kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và các kinh điển khác tương ưng với sáu pháp Ba-lamật-đa, thường không xả bỏ.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]