SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ V

Phẩm 11: Việc ma
(QUYỂN 560)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 560

Phẩm 11: Việc ma

Bấy giờ Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Thế Tôn dạy các thiện nam trụ Bồ-tát thừa là khi tu thiện pháp có các việc ma xảy ra. Thế nào là việc ma của Bồ-tát?

Phật bảo Thiện Hiện:

–Nếu các Bồ-tát muốn diễn nói pháp yếu, nhưng biện luận lâu mới phát sinh thì Bồ-tát nên biết, đó là việc ma; hoặc vừa diễn nói pháp yếu, biện luận sinh liền, Bồ-tát nên biết đó là việc ma; hoặc nói pháp yếu, biện luận sinh quá mức, Bồ-tát nên biết đó là việc ma; hoặc điều muốn nói chưa hết liền ngưng, Bồ-tát nên biết đó là việc ma; hoặc nói pháp yếu ngôn từ lẫn lộn, Bồ-tát nên biết đó là việc ma; hoặc nói pháp yếu ngôn từ gián đoạn, Bồtát nên biết đó là việc ma; hoặc khi nói pháp, các việc chống trái khởi lên, làm cho điều muốn nói chẳng được vừa lòng, Bồ-tát nên biết đó là việc ma. Này Thiện Hiện, nếu các Bồ-tát khi biên chép... kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì hoặc uốn mình, ợ ngáp; hoặc cười giỡn với nhau; hoặc khinh chê lẫn nhau; hoặc thân tâm dao động; hoặc thất niệm tán loạn; hoặc văn cú đảo ngược; hoặc lầm lẫn nghĩa lý; hoặc tâm chẳng được thấm nhuần vị ngon chất bổ nên sinh nhàm chán, xả bỏ; hoặc việc ngang trái chợt phát sinh; hoặc trái chống lẫn nhau... Do những việc như thế, việc làm chẳng thành tựu, Bồ-tát nên biết đó là việc ma.

Này Thiện Hiện, nếu các Bồ-tát khi nghe thuyết kinh tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc nghĩ: “Ta ở trong đó chẳng được nhận thọ ký thì nghe làm gì?” Hoặc nghĩ: “Trong đó chẳng nói đến tên của chúng ta thì nghe làm gì?” Hoặc nghĩ: “Trong đó chẳng nói thành ấp, xóm làng, nơi sinh quán của chúng ta thì nghe làm gì?” Do những duyên này, tâm không thanh tịnh, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, nhàm chán bỏ đi, không có lòng quyến luyến, đoái tưởng. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện nên biết, nếu các Bồ-tát khi nghe thuyết kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mậtđa, tâm không thanh tịnh, nhàm chán bỏ đi, thì theo chỗ người kia đã khởi tâm không thanh tịnh nhàm chán bỏ kinh này, cất bước chân đi nhiều hay ít, bèn giảm chừng ấy kiếp số công đức, bị chừng ấy kiếp số tội chướng ngại Bồ-đề. Chịu tội kia xong, phải trở lại chừng ấy thời gian phát tâm siêng năng tinh tấn tu hạnh Bồ-tát mới có thể phục hồi lại như xưa, thế nên gọi đó là việc ma của Bồ-tát.

Thiện Hiện, nếu các Bồ-tát xả bỏ kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, để có thể đưa đến trí Nhất thiết trí; rồi trở lại học các kinh điển khác, tùy thuận Nhị thừa, thì chẳng thể đưa đến trí Nhất thiết trí, vì xả bỏ cội gốc, vin theo nhánh lá, nên biết, đó là việc ma. Vì sao? Vì kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có thể phát sinh công đức thù thắng thế gian, xuất thế gian của Bồ-tát. Do đó có thể đưa đến trí Nhất thiết trí. Nếu học kinh điển tương ưng Bát-nhã bala-mật-đa, thì chính là học công đức thù thắng thế gian, xuất thế gian của Bồ-tát, mau có thể đưa đến trí Nhất thiết trí.

Thiện Hiện nên biết, như con chó đói ngu ngốc bỏ chủ nuôi, lại đi theo kẻ tôi tớ mà cầu kiếm ăn. Cũng thế, tương lai sẽ có các Bồ-tát bỏ Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa. Hạng ngu si này bỏ gốc tìm ngọn, chẳng bao giờ có thể đắc trí Nhất thiết trí.

Thiện Hiện, ví như có người muốn xem vóc dáng lớn nhỏ, hình loại tốt xấu của hương tượng, gặp được hương tượng chẳng xem, lại tìm dấu chân của nó, nên biết, loại người như thế rất là ngu si.

Cũng vậy, tương lai có các Bồ-tát bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tìm học kinh điển tương ưng với Nhị thừa, hạng ngu si này bỏ gốc tìm ngọn, chẳng bao giờ có thể đắc trí Nhất thiết trí.

Thiện Hiện, ví như có người muốn có ngọc báu nên tìm tới biển lớn. Đến được bờ biển, không vào biển lớn, lại xem xét dấu chân trâu, nghĩ rằng: “Lượng sâu rộng của nước trong biển cả đâu bằng đây! Trong đấy chắc cũng có các ngọc báu.” Nên biết, hạng người như thế rất là ngu si.

Cũng vậy, tương lai có các Bồ-tát bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tìm học kinh điển tương ưng với Nhị thừa, hạng ngu si này bỏ gốc tìm ngọn, chẳng bao giờ có thể đắc trí Nhất thiết trí.

Thiện Hiện, như có thợ khéo, hoặc học trò của ông ta, muốn tạo cung điện lớn như cung điện thù thắng của Thiên đế Thích. Thấy cung điện kia xong, nhưng lại làm theo mô hình cung điện Nhật nguyệt. Nên biết, hạng người như thế rất là ngu si. Cũng vậy, tương lai có các Bồ-tát bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tìm học kinh điển tương ưng với Nhị thừa, hạng ngu si này bỏ lớn tìm nhỏ, chẳng bao giờ có thể đắc trí Nhất thiết trí.

Thiện Hiện, như có người muốn thấy Chuyển luân thánh vương, thấy rồi chẳng nhận biết, bỏ đi nơi khác. Thấy vua nước nhỏ, xem xét hình tướng của vua đó và nghĩ: “Hình tướng, uy đức của Chuyển luân thánh vương đâu hơn người này.” Nên biết, người đó rất là ngu si.

Cũng vậy, tương lai có các Bồ-tát bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tìm học kinh điển tương ưng với Nhị thừa, hạng ngu si này bỏ hơn tìm kém, chẳng bao giờ có thể đắc trí Nhất thiết trí.

Thiện Hiện, như có người đói được bữa ăn ngon có trăm vị, lại bỏ để đi tìm cầu cơm của loại lúa sáu mươi ngày. Nên biết, người kia rất là ngu si.

Cũng vậy, tương lai có các Bồ-tát bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tìm học kinh điển tương ưng với Nhị thừa; hạng ngu si này bỏ hơn cầu kém, chẳng bao giờ có thể đắc trí Nhất thiết trí.

Thiện Hiện, như có người nghèo được ngọc báu vô giá, bỏ đi không lấy, mà trở lại lấy thủy tinh. Nên biết, người đó rất là ngu si.

Cũng vậy, tương lai có các Bồ-tát bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tìm học kinh điển tương ưng với Nhị thừa; người ngu si đó bỏ hơn lấy kém, chẳng bao giờ có thể đắc trí Nhất thiết trí.

Thiện Hiện, có các Bồ-tát ngay trong khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có nhiều biện luận bỗng phát sinh, ưa nói vô số pháp môn sai khác, làm cho việc biên chép... không được hoàn tất; Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể biên chép được chăng?

Thế Tôn bảo Thiện Hiện:

–Chẳng được! Nếu thiện nam trụ Bồ-tát thừa, khi biên chép... kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa, nghĩ: “Ta dùng văn tự biên chép Bátnhã ba-la-mật-đa, văn tự như thế chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa”, hoặc nương văn tự chấp có Bát-nhã ba-la-mật-đa; Bồ-tát nên biết đó là việc ma. Bấy giờ nên dạy Bồ-tát kia rằng: “Ông không nên chấp có văn tự, có thể biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu chấp như thế thì đó là việc ma. Nếu bỏ chấp này thì liền bỏ việc ma.”

Thiện Hiện, nếu khi các Bồ-tát đang biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà nghĩ đến cõi nước, thành ấp, vương đô, phương hướng, nơi chốn, thầy bạn; hoặc nghĩ đến cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, bè bạn, vua tôi; hoặc nghĩ đến trộm cướp, các cầm thú hung dữ, người ác, quỷ ác; hoặc nghĩ nhiều người hội họp, múa hát, dạo chơi, đền ân trả oán; hoặc nghĩ đến cơm ăn, áo mặc, giường nằm và những của cải riêng tư khác; hoặc nghĩ làm ra tụng văn, thơ, luận; hoặc nghĩ thời tiết nóng lạnh, mùa màng được mất; hoặc nghĩ voi ngựa, các việc nước lửa...; hoặc nghĩ các sự nghiệp khác đã tạo... thì Bồ-tát nên biết, đó đều là việc ma. Thiện Hiện, nếu các Bồ-tát khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà được nhiều danh lợi và sự cung kính cúng dường, người đó do nhân duyên này mà bỏ sự nghiệp đã làm. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, nếu các Bồ-tát khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà có ác ma tìm cách đem các thứ sách luận nghị thế tục, hoặc là kinh điển tương ưng với Nhị thừa, trao cho Bồ-tát đó và nói thế này: “Kinh điển biên chép này nghĩa lý thâm áo, nên siêng năng tu học, bỏ các thứ kinh đã học kia đi.” Nếu Bồ-tát này có phương thiện thiện xảo thì không nên nhận, vì kinh sách kia chẳng thể đưa đến trí Nhất thiết trí. Nếu Bồ-tát này nhận kinh sách ác ma đã trao, bỏ kinh đang học thì Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, người nghe pháp, muốn nghe Bátnhã ba-la-mật-đa; người nói pháp, ưa thích lười biếng, không muốn nói; hoặc người ngược lại, hai bên vì vậy không hòa hợp, chẳng đạt được giảng thuyết và lãnh thọ. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, người nghe pháp có đủ khả năng nhớ hiểu, ưa nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa. Người thuyết pháp muốn đi đến phương khác, không muốn nói cho người đó, hoặc ngược lại, như vậy hai bên không hòa hợp, không đạt được việc giảng thuyết và lãnh thọ. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, người thuyết pháp ưa chuộng danh lợi, người nghe pháp không muốn ban cho, hoặc ngược lại; hai bên không hòa hợp, không đạt được việc giảng thuyết và lãnh thọ. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, người nghe pháp có tâm tin ưa, muốn nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa; người thuyết pháp học tụng không thông suốt, không thể thuyết; hoặc người thuyết pháp đọc tụng thông suốt, ưa thuyết cho người nghe. Người nghe pháp nghi không thông suốt, không muốn lắng nghe, lãnh thọ. Hai bên không hòa hợp, không đạt được việc thuyết giảng và lắng nghe, Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, người thuyết pháp ưa thuyết Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa cho người. Người nghe pháp không muốn nghe và lãnh thọ, hoặc ngược lại; hai bên không hòa hợp, không đạt được thuyết và nghe. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, người nghe pháp ưa nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, người nói pháp thân thể quá mỏi mệt, bị buồn ngủ che lấp, không thể thuyết, hoặc ngược lại; như vậy là hai bên không hòa hợp, không đạt được việc thuyết và nghe. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, nếu các Bồ-tát khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà có người đến nói các thứ việc khổ nơi ba nẻo ác, khuyên bỏ Bồ-đề; hoặc có người đến nói các thứ việc vui ở nẻo trời, người; đều là vô thường, khổ, không, vô ngã, khuyên vào Niết-bàn... Người kia do lời nói này, nên việc biên chép... không được rốt ráo, trong lòng buồn khổ. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, người thuyết pháp ưa thống lãnh đồ chúng, thích lo toan việc của người, không lo việc của mình. Người nghe pháp một đời không hệ lụy, chuyên sửa việc mình, chẳng lo việc của người, hoặc ngược lại; hai bên như vậy là không hòa hợp, không đạt được việc thuyết và nghe. Bồtát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, người thuyết pháp ưa thích chỗ huyên náo tạp nhạp; người nghe pháp không ưa thích chỗ huyên náo tạp nhạp, hoặc ngược lại; hai bên như vậy là không hòa hợp, không đạt được việc thuyết và nghe. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma. Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn đi đến phương khác, kể cả chỗ nguy hại đến thân mạng; người nghe pháp sợ mất thân mạng, không muốn cùng đi; hoặc ngược lại; hai bên như vậy là không hòa hợp, không đạt được việc thuyết và nghe. Bồtát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn đi đến phương khác, nơi quốc độ có nhiều giặc cướp, bệnh tật, đói khát. Người nghe pháp lo sợ khó khăn gian khổ kia, không chịu cùng đi, hoặc ngược lại; hai bên như vậy là không hòa hợp, không đạt được việc nói và nghe. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, người thuyết pháp muốn đi đến phương khác, đường sá đi qua toàn là, đồng vắng hoang vu hiểm trở, có nhiều giặc cướp, những kẻ rất xấu xí và ác thú, thợ săn, rắn độc... đáng sợ. Người nghe pháp muốn đi theo người đó. Người nói pháp tìm cách nói thử rằng: “Ngươi nay vì lẽ gì, vô cớ theo ta muốn đi đến các chỗ hiểm nạn như thế? Nên suy nghĩ kỹ, chớ để sau lo buồn, hối hận.” Người nghe pháp nghe xong, nghĩ: “Thầy đúng là không muốn cho ta đi theo. Giả sử ta cố đi theo, chắc gì được nghe pháp!” Do nhân duyên này, nên không đi theo thầy, hai bên không hòa hợp, không đạt được việc thuyết và nghe. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, người thuyết pháp có nhiều thí chủ, thường theo tiễn đưa, đón rước nhau. Người nghe pháp đến xin thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc xin biên chép, thọ trì, đọc tụng... đúng như lời dạy để tu hành. Người kia vì nhiều sự duyên làm trở ngại nên không rảnh để chỉ dạy cho, người nghe pháp sinh lòng giận hờn. Về sau tuy được chỉ dạy cho, nhưng không nghe nhận; hai bên như vậy cũng không hòa hợp, không đạt được việc dạy trao, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập... Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, có các ác ma biến làm các thứ hình tượng, đến chỗ Bồ-tát, tìm cách phá hoại làm cho kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không được biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy và giảng thuyết cho người.

Thế nên này Thiện Hiện, thiện nam trụ Bồ-tát thừa, khi biên chép, thọ trì... Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu có sự trở ngại; Bồ-tát nên biết, đó đều là việc ma.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, do duyên gì ác ma biến làm các hình tượng đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại, làm cho kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-lamật-đa không được biên chép cho đến giảng thuyết...?

Phật bảo Thiện Hiện:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sinh trí Nhất thiết trí của Như Lai, trí Nhất thiết trí của Như Lai có thể sinh ra Phật giáo, Phật giáo có thể sinh ra Diệu tuệ của hữu tình, Diệu tuệ của hữu tình có thể chứng vô biên các sự dứt trừ phiền não; phiền não dứt thì tất cả ác ma không làm gì được. Các ác ma kia không làm gì được nên sinh buồn khổ như bị tên găm vào tim. Chúng nghĩ: “Ta chớ để cho Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này làm trống khuyết cảnh giới của ta”, cho nên ác ma biến làm các hình tượng, đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại, làm cho kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa không được biên chép cho đến diễn thuyết.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, ác ma biến làm các hình tượng, đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại như thế nào?

Phật bảo Thiện Hiện:

–Các ác ma biến làm đủ thứ các hình tượng, đến chỗ Bồ-tát tìm cách phá hoại, làm cho người đó nhàm chán, hủy bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nghĩa là nói thế này: “Ông đã tụng tập kinh điển không tướng, chẳng phải chân thật Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ta đã tụng học kinh điển hữu tướng là chân thật Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Khi ma nói lời ấy, có các Bồ-tát chưa được thọ ký, liền sinh tâm nghi ngờ kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Do nghi ngờ, nên sinh nhàm chán, hủy báng kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa. Do nhàm chán, hủy báng nên không biên chép cho đến diễn thuyết... Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện, các ác ma biến làm các thứ hình tượng, đến chỗ Bồ-tát, thưa Bồ-tát rằng: “Các chúng Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ chứng Niết-bàn, được quả Thanh văn, hoặc chứng đắc Độc giác Bồ-đề, nhưng chắc chắn không thể chứng đắc Phật quả, thì có lý do gì mà bày ra những việc nhọc nhằn này?” Bồ-tát nên biết, đó là việc ma.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]