SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ V

Phẩm 16: Không lui sụt
(QUYỂN 562)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 562

Phẩm 16: Không lui sụt

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

–Chúng con sẽ dùng hành trạng tướng nào, để biết đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển?

Phật bảo Thiện Hiện:

–Nếu các Bồ-tát có thể biết như thật, địa vị phàm phu, Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát và Như Lai, thì mặc dù nói có sai khác nhưng ở trong tánh chân như của các pháp, không thay đổi, không sai khác, hoàn toàn không hai, không hai phần. Các Bồ-tát này mặc dù thật sự ngộ nhập chân như các pháp, nhưng đối với chân như không có sự phân biệt. Mặc dù nghe chân như cùng tất cả pháp không hai, không sai khác, nhưng không ngăn ngại. Mặc dù nghe các pháp nhiều thứ tướng sai khác, nhưng ở trong đó không chấp trước. Các Bồ-tát này, không bao giờ phát ngôn khinh suất, nói ra những lời gì đều đưa đến lợi ích; hoàn toàn chẳng để ý đến những điều tốt xấu, hay dở của người khác. Thương yêu, bình đẳng mà thuyết pháp cho họ. Nếu các Bồ-tát thành tựu các hành trạng tướng như thế thì nhất định chẳng còn thoái lui nơi quả vị Giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện, các Bồ-tát này chẳng xem xét lời nói, hình tướng của các Phạm chí, Sa-môn ngoại đạo; nghĩa là người đó thấy đúng, biết đúng pháp, hoặc có thể trình bày pháp môn chánh kiến, điều đó không thể có. Vì hoàn toàn không thể lễ kính Thiên thần ngoại đạo, cũng chẳng cúng dường để cầu phước báo thù thắng.

Thiện Hiện, các Bồ-tát này chẳng đọa nẻo ác, chẳng thọ thân nữ, cũng chẳng sinh trong dòng họ ti tiện; ngoại trừ vì muốn độ thoát loài hữu tình kia, nên thị hiện sinh đồng loại để tìm cách giúp đỡ.

Thiện Hiện, các Bồ-tát này thường ưa thích thực hành mười nẻo nghiệp thiện, cũng hay tìm cách khuyến khích người khác thọ nhận và thực hành, cho đến trong mộng cũng không trái phạm.

Thiện Hiện, các Bồ-tát này đối với sự thọ trì, tư duy, đọc tụng vô số kinh điển làm cho thông suốt hoàn toàn là vì lợi lạc cho tất cả hữu tình, nên thường nghĩ: “Ta đem pháp này giảng thuyết, chỉ dạy cho các hữu tình, nguyện sao cho tất cả pháp có được đầy đủ. Lại đem căn lành pháp thí như thế, bình đẳng trao cho các hữu tình cùng có như nhau, để hồi hướng về sở cầu trí Nhất thiết trí.

Thiện Hiện, các Bồ-tát này đối với pháp môn sâu xa mà Phật đã thuyết; nhất định chẳng nghi ngờ, do dự, cũng chẳng mê mờ hoang mang, mà hoan hỷ tin nhận. Những lời nói ra đều vì lợi ích, biết chừng mực mà nói, lời nói nhỏ nhẹ, êm ái; ít ngủ nghỉ, không xuất hiện phiền não; ra, vào, qua, lại tâm chẳng mê lầm, thường luôn an trụ chánh niệm chánh tri; đi đứng oai nghi cũng đều như thế.

Dạo bước đến đâu, cũng đều quán sát nơi ấy, an tường buộc niệm, nhìn thẳng mà đi. Nói năng, cử động thường không gấp gáp, vụt chạc. Các đồ dùng về ngọa cụ, y phục luôn sạch sẽ, thơm tho, không có các mùi hôi hám, không cáu bẩn và cũng không có các loài trùng như rận, rệp... Thường ưa thanh nhàn, nên không tật bệnh; trong thân không có tám vạn loại trùng. Vì sao? Vì căn lành của Bồ-tát này tăng trưởng vượt khỏi thế gian. Căn lành như thế cứ dần dần tăng trưởng và như thế như thế nên thân tâm thanh tịnh.

Thiện Hiện bạch Phật:

–Tâm Bồ-tát này vì sao thanh tịnh?

Phật bảo Thiện Hiện:

–Các Bồ-tát này có căn lành như thế cứ dần dần tăng trưởng và như vậy, như vậy... trong tâm vĩnh viễn không còn tất cả những việc nịnh hót, quanh co, kiêu căng, lừa dối... Do nhân duyên ấy, tất cả phiền não và bất thiện khác đều vĩnh viễn dứt hết, lại vượt qua địa vị Thanh văn và Độc giác, mau thẳng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Do vậy nên biết, tâm thường thanh tịnh.

Thiện Hiện, các Bồ-tát này không trọng lợi dưỡng, không màng tiếng khen, tâm xa lìa keo kiệt, ghen ghét; thân không lỗi lầm, nghe pháp sâu xa tâm không hề nhầm lẫn, trí tuệ càng bền vững, cung kính tin nhận. Tùy theo sự lắng nghe, đều có thể hội nhập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Việc tạo tác các sự nghiệp ở thế gian cũng nương phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa mà hội nhập pháp tánh; không thấy có một việc nào ra khỏi pháp tánh. Giả sử có thì không tương ưng với pháp tánh, cũng thường tìm cách hội nhập lý thú sâu xa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Do vậy mà không thấy ra khỏi pháp tánh.

Này Thiện Hiện, các Bồ-tát này giả sử có ác ma hiện đến trước, hóa làm tám địa ngục lớn, trong mỗi địa ngục hóa làm vô lượng trăm ngàn Bồ-tát, đều bị lửa dữ xen nhau đốt cháy, rồi bảo Bồ-tát rằng: “Các Bồ-tát này đều do được thọ ký và đắc không thoái chuyển nên đọa trong địa ngục lớn như thế, thường chịu khổ lớn dữ dội như thế. Các bạn đã được thọ ký không thoái chuyển, sẽ như hạng này, cũng chịu khổ lớn như vậy. Thế nên các bạn hãy mau chóng rời bỏ tâm đại Bồ-đề, mới có thể thoát khỏi chỗ này, sẽ được sinh lên trời hoặc sinh trong loài người, giàu sang phú quý, tự do thọ lãnh các thú vui.”

Các Bồ-tát thấy nghe việc này, tâm Bồ-tát chẳng lay động, cũng chẳng kinh sợ, chỉ nghĩ: “Nếu các Bồ-tát đã được thọ ký không thoái chuyển Bồ-đề mà lại đọa nẻo ác, chịu các khổ não như phàm phu ngu si thì chắc chắn không có lẽ đó. Việc thấy nghe này, nhất định là do ác ma tạo ra, nói ra, đều chẳng phải có thật.”

Thiện Hiện, các Bồ-tát này giả sử có ác ma giả làm Sa-môn, đi đến nói thế này: “Bạn trước đây, đã nghe và thọ trì, đọc tụng kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đều là tà thuyết. Nên mau xả bỏ, chớ cho là chân thật. Các bạn nếu có thể mau xả bỏ thì ta sẽ dạy các bạn Phật pháp chân tịnh, làm cho các bạn mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Những gì bạn đã nghe trước đây chẳng phải thật là lời của Phật dạy. Những văn tụng như thế chỉ biên chép luống dối. Những điều ta nói mới đúng là lời Phật dạy.”

Thiện Hiện nên biết, nếu các Bồ-tát nghe lời như thế mà tâm dao động, kinh sợ, nghi ngờ, thì nên biết Bồ-tát đó chưa được thọ ký không thoái chuyển. Nếu các Bồ-tát nghe lời như vậy, tâm chẳng sợ hãi, nghi ngờ; chỉ theo pháp tánh không tác, không tướng, không sinh mà an trú; thì nên biết Bồ-tát này đã được thọ ký không thoái chuyển. Các Bồ-tát này dù có làm việc gì, cũng chẳng tin lời người khác, chẳng theo sự chỉ dạy của người khác để phải bị chuyển theo; như A-la-hán, làm việc gì chẳng tin lời người khác, luôn chứng pháp tánh, để không nghi, không lầm; tất cả ác ma chẳng thể lay động. Bồ-tát không thoái chuyển cũng thế, tất cả Thanh văn, Độc giác, ngoại đạo, các ác ma... chẳng thể phá hoại làm cho thoái lui Bồ-đề.

Thiện Hiện, các Bồ-tát này giả sử có ác ma đi đến chỗ họ, lừa dối làm bạn thân, rồi nói thế này: “Việc các bạn thực hành là pháp sinh tử, chẳng phải là hạnh Bồ-đề. Các bạn nay nên tu đạo dứt khổ, mau dứt các khổ, được Bát-niết-bàn, thân khổ hiện tại còn nhàm chán, nên xả bỏ, huống chi lại ưa chịu thân khổ ở đương lai? Nên suy xét kỹ, bỏ đi sự tin tưởng trước đây.”

Các Bồ-tát này, khi nghe lời ấy tâm chẳng kinh sợ, nghi ngờ, chỉ nghĩ: “Nói như thế, nhất định là ác ma”.

Khi ấy, ác ma lại bảo Bồ-tát: “Muốn nghe hạnh vô ích của Bồ-tát chăng? Nghĩa là các Bồ-tát trải qua số đại kiếp như cát sông Hằng, đem vô lượng các thứ tốt đẹp nhất cúng dường chư Phật đầy đủ. Lại ở chỗ chư Phật nhiều như cát sông Hằng, tu vô lượng phạm hạnh khó thực hành, gần gũi phụng thờ chư Phật Thế Tôn nhiều như cát sông Hằng. Thưa hỏi vô lượng, vô biên Bồ-tát việc nên tu học, nên an trú thế nào, nên hành thế nào, nên học thế nào, các đạo của Bồ-tát? Chư Phật Thế Tôn nhiều như cát sông Hằng, dựa vào điều được thưa hỏi, mà thứ tự giải đáp. Các Bồ-tát kia như lời dạy mà an trú, như lời dạy mà thực hành, như lời dạy mà học tập, trải qua vô lượng kiếp còn chẳng thể chứng sở cầu là quả vị Giác ngộ cao tột, huống nay các bạn làm sao có thể chứng đắc?”

Bấy giờ Bồ-tát nghe nói như thế, nhưng tâm chẳng lay động, cũng chẳng nghi ngờ. Các ác ma ở ngay chỗ ấy lại hóa làm vô lượng hình tượng Bísô, bảo Bồ-tát rằng: “Các Bí-sô này ở quá khứ, trải qua vô số kiếp, tu vô lượng pháp hạnh khó thực hành, nhưng không thể đắc quả vị Giác ngộ cao tột, nay đều thoái lui, trụ quả A-la-hán, thì làm sao các bạn có thể chứng Bồ-đề?”

Các Bồ-tát này thấy, nghe việc như vậy xong, liền nghĩ: “Nhất định đây là ác ma vì muốn quấy rối ta, nên làm những việc như thế. Nhất định không có Bồ-tát tu hạnh Bát-nhã ba-la-mật-đa đạt đến địa vị viên mãn mà chẳng chứng quả vị Giác ngộ cao tột, lui trụ địa vị Thanh văn, Độc giác...”

Lại nghĩ: “Nếu các Bồ-tát như lời Phật đã dạy, tu hạnh Bồ-đề mà chẳng chứng quả vị Giác ngộ cao tột thì chắc chắn không có lẽ đó. Nên biết, những điều thấy, nghe của ngày hôm nay nhất định là của ma làm ra, nói ra.”

Này Thiện Hiện, các Bồ-tát này giả sử có ác ma làm ra hình tượng Bí-sô đi đến chỗ ấy nói thế này: “Trí Nhất thiết trí cùng hư không là ngang nhau, lấy không tánh làm tánh, tự tướng vốn không. Các pháp cũng như thế, hoàn toàn không sở hữu; trong đây, không có pháp nào có thể gọi là người chứng; cũng không có pháp nào có thể gọi là sự chứng, nơi chốn chứng, thời gian chứng và do đấy mà chứng, đều không thể đắc. Tất cả pháp cùng hư không đã đồng nhau, lấy không tánh làm tánh, tự tướng vốn không, thì các bạn vì lẽ gì cam chịu khổ nhọc, cầu chứng quả vị Giác ngộ cao tột? Trước đây bạn đã nghe các chúng Bồ-tát, ưng cầu quả vị Giác ngộ cao tột, đều là ma nói, chẳng phải thật là lời của Phật dạy. Các bạn nên bỏ tâm đại Bồ-đề, chớ dối là vì người khác mà luống chịu khổ nhọc.”

Khi nghe người kia nói, các Đại Bồ-tát này có thể biết như thật đó là việc của ác ma, muốn làm thoái thất tâm đại Bồ-đề của ta. Ta phải nên bền vững tâm chí, chẳng nên tin lời ác ma nói.

Này Thiện Hiện, các Bồ-tát này nếu muốn điều tâm, nhập bốn Tĩnh lự, tùy ý có thể nhập, an trú tự tại; vì độ hữu tình nên sinh trở lại cõi Dục, tuy sinh lại cõi Dục nhưng chẳng nhiễm dục, cũng chẳng thoái mất sự tu tĩnh lự.

Lại nữa Thiện Hiện, các Bồ-tát này chẳng quý danh tiếng, chẳng đắm khen ngợi; đối với các loài hữu tình không có tâm sân giận, thường muốn làm cho hữu tình được lợi ích, an vui, thù thắng; qua lại vào ra tâm không tán loạn, đi đứng tới lui oai nghi, thường trụ chánh niệm; vì hữu tình nên tuy ở tại nhà nhưng chẳng sinh tham đắm nơi đó; mặc dù trước mắt được hưởng dục lạc nhưng thường chán sợ, như đi qua đường nguy hiểm tâm luôn kinh sợ, dù có sự ăn uống nhưng lo sợ chẳng yên, chỉ nghĩ: “Khi nào mới ra khỏi chỗ hiểm nạn này!” Tuy trước mắt được nhận vào dùng các thứ của báu nhưng chẳng sinh tham ái, chẳng dùng tà mạng phi pháp để nuôi sống. Thà tự vẫn mà chết, không tổn hại người. Vì sao? Vì Bồ-tát này hành Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, là tôn quý trong loài người, là thiện sĩ trong loài người, là rồng voi trong loài người, là hoa sen trong loài người, là điều ngự trong loài người, là dũng kiện trong loài người; vốn vì lợi ích an vui cho tất cả hữu tình, dù hiện ở tại nhà cũng tìm cách làm lợi ích, đâu vì việc tự nuôi sống mà làm tổn hại người. Vì sao? Vì các Bồ-tát này, được năng lực phương tiện thiện xảo của Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa hộ trì vậy.

Này Thiện Hiện, các Bồ-tát này có chủ thần Dược-xoa cầm chày Kim cang thường theo hai bên âm thầm bảo vệ, không để cho tất cả oai lực tà mị của Nhân phi nhân... làm tổn hại thân tâm. Do nhân duyên này, các Bồ-tát này mới đến quả vị Giác ngộ cao tột, thân ý thư thái, thường không cuồng loạn, đủ tướng trượng phu, các căn viên mãn, tâm hành điều thiện, thường tu tịnh mạng, chẳng hành huyễn thuật, xem tướng tốt xấu, chú cấm quỷ thần, hòa hợp thuốc thang, dối dụ tôi tớ, kết thân người giàu sang, chẳng dám khinh lờn lời lẽ sâu xa của Thánh hiền, gần gũi nam nữ, chẳng vì danh lợi mà khen mình chê người, chẳng đem tâm nhiễm nhìn ngắm, cười giỡn, giới kiến thanh tịnh, chí tánh thuần chất. Thiện Hiện, các Bồ-tát này đối với văn chương, kỹ nghệ của thế gian tuy giỏi giang, khéo léo, nhưng chẳng ưa đắm; vì thấu đạt tất cả pháp đều chẳng thể nắm bắt vậy; đều xa lìa sự thu nhiếp của lời tạp uế, tà mạng. Đối với các sách luận của thế tục ngoại đạo, tuy cũng khéo biết nhưng chẳng ưa đắm, vì thông đạt tất cả pháp bản tánh là không. Vả lại các sách luận của thế tục, ngoại đạo lý sự thuyết ra có nhiều tăng giảm, chẳng phải tùy thuận đạo Bồ-tát vậy.

Thiện Hiện, các Bồ-tát này có các hành trạng tướng khác. Ta sẽ phân biệt, chỉ dạy cho ông. Đó là, Bồ-tát kia hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đạt các pháp đều không, nên chẳng muốn xem xét, luận nói các việc, như là việc vua, việc giặc, việc quân, việc chiến tranh; thành ấp, xóm làng, voi ngựa, xe cộ, y phục, ăn uống, giường nệm, hương hoa, nam nữ tốt xấu, vườn rừng, ao, hào, núi, biển...; chẳng ưa quan sát, luận nói các việc của Quỷ thần, Dược-xoa, La-sát-bà...; chẳng ưa quan sát, luận nói các việc ở ngã tư đường, chợ búa, hàng quán, lầu gác, cửa hàng buôn bán...; chẳng ưa quan sát, luận nói các việc ca múa, hát xướng, đùa giỡn kiểu phường chèo...; chẳng ưa quan sát, luận nói các việc đảo lớn, đảo nhỏ, thuyền bè, cầu cống, châu báu...; chẳng ưa quan sát, luận nói các việc ngày giờ, sao hạn, gió mưa, lạnh nóng, tốt xấu...; chẳng ưa quan sát, luận nói vô số các việc nghĩa pháp, văn tụng trái nhau...; chẳng ưa quan sát, luận nói các việc tương ưng với phàm phu, Độc giác, Thanh văn; chỉ ưa quán sát, luận nói các việc tương ưng với Bát-nhã bala-mật-đa.

Các Bồ-tát này, thường chẳng xa lìa tác ý tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thường chẳng xa lìa tâm trí Nhất thiết; chẳng ưa trái chống, ưa giảng hòa việc tranh tụng; thường mong cầu chánh pháp, chẳng ưa phi pháp; thường hâm mộ bạn tốt, chẳng ưa bạn xấu; ưa nói pháp, xa lìa chuyện phi pháp; vui được thấy Như Lai, mừng được gặp chúng xuất gia. Cõi nước nào trong mười phương có Phật Thế Tôn tuyên thuyết pháp yếu, thì nguyện được sinh đến đó, để gần gũi cúng dường, lắng nghe chánh pháp. Các Bồ-tát này, phần nhiều từ cõi trời Dục giới, Sắc giới sinh đến nẻo người trong cõi châu Thiệm-bộ, giỏi về kỹ nghệ, chú thuật, kinh thơ, địa lý, thiên văn và nghĩa lý các pháp; hoặc sinh ở biên giới của thành lớn, nước lớn, làm lợi ích lớn cho các hữu tình.

Này Thiện Hiện, các Bồ-tát này hoàn toàn chẳng tự nghi: Ta thoái chuyển hay là không thoái chuyển. Đối với pháp, ở địa vị của mình, cũng chẳng sinh nghi ngờ là có hay là không có. Đối với các việc ma, có thể hiểu rõ hoàn toàn. Như Dự lưu, đối với pháp, ở địa vị của mình, hoàn toàn chẳng nghi ngờ. Giả sử có ác ma, dùng đủ cách mê loạn cũng chẳng thể làm lay động. Như đã có tạo tác nghiệp vô gián, thì tâm vô gián kia thường theo đuổi luôn cho đến chết, chẳng thể rời bỏ. Giả sử khởi lên tâm khác cũng chẳng thể ngăn chận được. Các Bồ-tát này cũng như thế. Tâm không thoái chuyển, thường kiên trì, an trú địa vị của Bồ-tát không thoái chuyển. Trời, Người, A-tố-lạc... trong thế gian chẳng thể lay động, phá hoại pháp của mình đã đắc. Đối với các nghiệp ma, có thể biết rõ hoàn toàn, trong sự chứng pháp thường chẳng nghi ngờ. Tuy sinh đời khác, cũng chẳng phát sinh tâm tương ưng với Thanh văn, Độc giác. Cũng chẳng tự nghi: Ta ở tương lai, có thể chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Chẳng an trụ ở địa vị của mình, chẳng theo duyên khác. Đối với pháp, ở địa vị của mình chẳng thể phá hoại. Vì sao? Vì các Bồ-tát này thành tựu trí không động, thì không thoái chuyển; nên tất cả duyên xấu chẳng thể lay động. Tâm người đó bền vững giống như Kim cang.

Giả sử có ác ma làm hình tượng Phật, đi đến chỗ các Bồ-tát đó bảo rằng: “Bạn nên cầu quả Ala-hán, dứt sạch các lậu, nhập Niết-bàn, bạn chưa thể nhận thọ ký đại Bồ-đề, cũng chưa chứng đắc Vô sinh pháp nhẫn; bạn chưa có các hành trạng tướng của địa vị không thoái chuyển. Như Lai chẳng thể thọ ký cho bạn Vô thượng đại Bồ-đề.” Khi các Bồ-tát này nghe lời ấy, tâm không biến động, cũng chẳng thoái thất, không kinh, không sợ; chỉ nghĩ: “Đây nhất định là ma hoặc quyến thuộc của ma hóa làm hình tượng Phật đi đến chỗ ta nói như thế. Nếu thật là lời Phật nói thì không thể có sai khác.”

Nếu khi các Bồ-tát nghe lời kia, thì nên quán sát, nhớ nghĩ như vầy: “Đây nhất định là ác ma hóa làm hình tượng Phật, làm cho ta xa lìa Bát-nhã sâu xa, làm cho ta rời bỏ quả vị Giác ngộ cao tột. Vì thế, ta không nên nghe theo lời nói kia.” Khi ấy, ác ma kinh sợ, liền ẩn mất; thì các Bồ-tát này nhất định đã được an trụ địa vị không thoái chuyển. Chư Phật quá khứ từ lâu đã thọ ký đại Bồ-đề cho người kia rồi. Vì sao? Vì các Bồ-tát này đầy đủ các hành trạng tướng của địa vị không thoái chuyển, nên có thể biết rõ việc làm của ác ma, làm cho ma ẩn mất, không còn xuất hiện.

Này Thiện Hiện, các Bồ-tát này hộ trì chánh pháp không tiếc thân mạng, huống là của báu, bạn bè, quyến thuộc khác; vì hộ trì chánh pháp nên tinh tấn, dũng mãnh, thường nghĩ: “Chánh pháp này chính là pháp thân thanh tịnh của chư Phật, tất cả Như Lai cung kính cúng dường. Ta hộ trì chánh pháp này chính là hộ trì pháp thân chư Phật.”

Lại nghĩ: “Chánh pháp như vậy thuộc về chư Phật Thế Tôn ba đời. Ta cũng dự vào số Phật ở đời vị lai. Phật đã thọ ký cho ta đại Bồ-đề. Chánh pháp của chư Phật chính ta đã có. Ta nay hộ trì chính là hộ trì chánh pháp của mình. Trong tương lai, khi được thành Phật, ta cũng tuyên thuyết pháp này cho hữu tình.” Các Bồ-tát này thấy lợi ích như thế, nên hộ trì chánh pháp Như Lai đã thuyết, không tiếc thân mạng, quyến thuộc, của báu, tài vật cho đến đạt được Bồ-đề không hề biết mỏi mệt.

Này Thiện Hiện, các Bồ-tát này nghe thuyết pháp Phật không nghi, không ngờ. Nghe xong, luôn luôn thọ trì không quên.

Thiện Hiện bạch Phật:

–Các Bồ-tát này chỉ nghe lời Phật dạy không nghi, không ngờ, luôn không quên; hay là nghe chánh pháp của Bồ-tát và Thanh văn cũng có thể như thế?

Phật bảo Thiện Hiện:

–Các Bồ-tát này nghe ngôn ngữ, âm thanh, văn tự, nghĩa lý của khắp tất cả hữu tình đều có thể thông đạt, không nghi, không ngờ, không hề quên mất. Vì sao? Vì các Bồ-tát này, ở trong các pháp đắc Vô sinh nhẫn, đã thông suốt hoàn toàn thật tánh các pháp, nghe đều thuận tai và không nghi ngờ. Lại đắc văn trì Đà-la-ni, là thường hay nhớ nghĩ nên hoàn toàn không quên mất.

Thiện Hiện nên biết, đấy là các hành trạng tướng của Đại Bồ-tát ở địa vị không thoái chuyển.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]