SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ V

Phẩm 18: Chị em gái
(QUYỂN 563)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 563

Phẩm 18: Chị em gái

Bấy giờ trong hội có một Thiên nữ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, phủ vai bên trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, cung kính bạch Phật: –Kính bạch Thế Tôn, con ở trong đấy cũng không sợ hãi, nguyện đời tương lai sẽ được thành Phật, cũng vì hữu tình thuyết pháp như thế.

Thưa như vậy xong, nàng lấy hoa vàng tươi đẹp, cung kính chí thành, dâng cúng Như Lai. Nhờ thần lực của Phật nên khiến hoa vàng ấy rực rỡ bay lên trụ trên hư không.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn mỉm cười, từ nơi mặt phát ra ánh sáng sắc vàng chiếu khắp mười phương, rồi trở lại nhập vào nơi đỉnh đầu.

A-nan-đà thấy nghe việc như thế xong, chắp tay cung kính bạch:

–Kính bạch Thế Tôn, do nhân do duyên gì mà Ngài mỉm cười như thế? Chư Phật mỉm cười chẳng phải là không có nhân duyên.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Khánh Hỷ:

–Thiên nữ này, ở đời vị lai sẽ thành Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, kiếp tên Tinh dụ, Phật hiệu Kim Hoa.

Khánh Hỷ nên biết, Thiên nữ này chính là thân nữ cuối cùng của nàng. Xả thân này xong, liền thọ thân nam, cùng tận đời vị lai không còn thọ lại thân nữ. Từ đây mạng chung, sinh đến quốc độ của Phật Bất Động ở phương Đông, siêng tu phạm hạnh. Người nữ này ở cõi kia tên là Kim Hoa, từ thế giới Phật Bất Động mạng chung, lại sinh ở thế giới của Phật phương khác. Bất cứ sinh chỗ nào, cũng thường không xa lìa Phật. Như vua Chuyển luân, từ điện đài này đến điện đài khác, sung sướng hưởng lạc cho đến chết, chân không chạm đất... Người nữ này cũng thế, từ nước Phật này đến nước Phật khác tùy theo sinh chỗ nào cũng thường chẳng xa lìa chư Phật Thế Tôn, thường tu phạm hạnh cho đến giác ngộ.

Khi ấy, A-nan-đà thầm nghĩ: “Người chị em này, khi thành Phật, cũng sẽ giống như chúng hội Bồ-tát hôm nay.” Phật biết ý nghĩ đó, bảo Khánh Hỷ:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như điều ông nghĩ! Bồ-tát Kim Hoa khi thành Phật cũng sẽ tuyên thuyết cho chúng hội Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế. Số Bồ-tát ở trong hội nhiều hay ít cũng như chúng hội Bồ-tát của ta ngày nay. Số đệ tử Thanh văn khó biết, chỉ có thể nói tổng quát là vô lượng, vô số. Thế giới của Đức Phật ấy hoàn toàn không có thú dữ, giặc ác, đói khát, bệnh tật... Cũng không có các sự phiền não, sợ hãi khác.

Bấy giờ, Khánh Hỷ bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, người chị em này trước đây ở chỗ Phật nào, phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột đầu tiên, trồng các căn lành, hồi hướng phát nguyện?

Phật bảo Khánh Hỷ:

–Người nữ này, quá khứ ở chỗ Phật Nhiên Đăng, đầu tiên phát đại tâm, cũng dùng hoa vàng dâng lên Đức Phật kia, hồi hướng phát nguyện nên nay được gặp Ta.

Khánh Hỷ nên biết, thời quá khứ, Ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng, dùng năm cành hoa dâng lên Đức Phật, hồi hướng phát nguyện. Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, biết Ta các căn đã thuần thục, thọ ký cho Ta: “Ông đời sau sẽ được thành Phật hiệu là Năng Tịch, cõi tên Kham nhẫn, kiếp hiệu là Hiền.”

Bấy giờ, Thiên nữ nghe Phật kia thọ ký cho Ta đại Bồ-đề, vui mừng hớn hở, liền dùng hoa trời dâng lên Đức Phật kia, hồi hướng phát nguyện rằng: “Khiến cho con đời sau, khi Bồ-tát này được thành Phật; cũng như hôm nay, Phật hiện tiền đã thọ ký đại Bồ-đề, cũng thọ ký cho con như thế”; nên nay Ta thọ ký cho nàng.

Bấy giờ Khánh Hỷ nghe Phật dạy, vui mừng hớn hở, bạch:

–Kính bạch Thế Tôn, người chị em này từ lâu đã tu tập tâm đại Bồ-đề, hồi hướng phát nguyện, nay được thành thục.

Phật bảo Khánh Hỷ:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói!

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Bồ-tát làm sao hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hiện nhập không định?

Phật bảo Thiện Hiện:

–Nếu các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quán các sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không; khi quán như thế không làm cho tâm rối loạn. Nếu tâm không loạn thì như thật thấy pháp, tuy như thật thấy pháp nhưng không chứng đắc.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Bồ-tát làm sao tuy thấy pháp là không, mà không chứng đắc?

Phật bảo Thiện Hiện:

–Các Bồ-tát này, khi quán pháp không, trước hết nghĩ: “Ta nên quán tướng các pháp đều không, mà ở trong đó chẳng nên chứng đắc. Ta vì học nên quán các pháp không, chẳng vì chứng mà quán các pháp không. Nay là thời gian học, chẳng phải thời gian chứng.” Các Bồ-tát này, chưa nhập vào ngôi vị định, nhiếp tâm ở cảnh chẳng phải cảnh khi nhập định. Bồ-tát bấy giờ, tuy chẳng lui mất pháp phần Bồ-đề mà chẳng sạch các lậu. Vì sao? Vì các Bồtát này đã thành tựu căn lành, trí tuệ rộng lớn, có thể tự nghĩ kỹ: “Ta đối với pháp không, bây giờ là thời gian học, chẳng phải thời gian đắc. Ta nên giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quán các pháp không, để viên mãn tất cả pháp phần Bồ-đề. Nên không chứng Niết-bàn, không vào địa vị Nhị thừa, không đắc Bồ-đề.”

Giống như có người lực lưỡng, dũng mãnh, đứng đi vững chắc, hình dáng đoan nghiêm, sáu mươi bốn tài năng đều đầy đủ. Đối với các kỹ thuật khác, học đến chỗ rốt ráo; đầy đủ nhiều công đức vi diệu tối thắng, thông minh trí tuệ, nói năng khéo léo, thường giỏi đối đáp, đủ từ đủ nghĩa; có thế lực lớn, làm bất cứ điều gì đều có thể thành tựu sự nghiệp tốt đẹp, nên công ít lợi nhiều; do đó mọi người đều kính mến. Người ấy có nhân duyên, nên đem cha mẹ, vợ con, quyến thuộc đi đến nơi khác. Giữa đường, ngang qua đồng hoang, hiểm nạn, trong đó có nhiều thú dữ, oán tặc; thân thuộc lớn bé đều rất kinh hoàng. Người đó cậy vào nhiều kỹ thuật, sức mạnh, sự dũng mãnh, nên thân ý thơ thới, an ủi cha mẹ, vợ con, quyến thuộc: “Chớ có lo buồn, chắc chắn con làm cho thoát khổ, mau vượt qua đồng hoang, đến chỗ an ổn.”

Bấy giờ, người kia hóa làm các thứ binh trượng tinh nhuệ, gặp các oán địch làm cho bọn họ trông thấy, tự nhiên giải tán, nên tráng sĩ kia ở giữa đồng hoang, ác thú, oán tặc không có thể làm tổn hại, nhờ phương tiện khéo dùng nên đã đem các quyến thuộc nhanh chóng vượt qua đồng hoang, đến chỗ an vui.

Các chúng Bồ-tát cũng như thế. Thương xót các loài hữu tình bị khổ sinh tử, nên luôn luôn an trụ Từ, Bi, Hỷ, Xả; bảo vệ căn lành thù thắng của Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng phương tiện thiện xảo như Phật đã cho, đem các công đức, hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Tuy tu hoàn bị pháp không, mà chẳng chứng đắc, hết lòng thương xót, nghĩ đến tất cả hữu tình, đối với các hữu tình luôn muốn ban cho họ sự an lạc.

Các Bồ-tát này vượt các loại phiền não, cũng vượt các loại ma và địa vị Nhị thừa. Tuy trụ không định mà chẳng hết các lậu, tuy khéo học tập không mà chẳng chứng đắc. Bấy giờ Bồ-tát trụ trong không định, tuy chẳng chấp tướng mà chẳng chứng vô tướng. Như chim có cánh khỏe, bay lượn giữa hư không, nhào liệng tự tại, lâu mà không bị rơi xuống. Tuy nương hư không đùa giỡn mà chẳng trụ hư không, cũng chẳng bị hư không làm trở ngại. Các chúng Bồ-tát này cũng như thế, tuy học pháp môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện nhưng chẳng trụ Không, Vô tướng, Vô nguyện. Cho đến khi Phật pháp chưa được viên mãn cùng cực thì hoàn toàn không nương nơi đó, dứt hẳn các lậu.

Như có người khỏe mạnh, thông thạo nghệ thuật bắn cung, muốn biểu diễn tài nghệ của mình, ngửa mặt bắn lên hư không, vì muốn mũi tên ở trên không, không rơi xuống đất nên lại lấy mũi tên sau bắn đuôi mũi tên trước... lần lượt như thế, trải qua nhiều giờ, mũi tên trước, mũi tên sau nương nhau không rơi xuống đất. Nếu muốn cho rơi xuống thì ngưng bắn mũi tên sau, bấy giờ các mũi tên mới rơi xuống.

Các Bồ-tát này cũng như thế. Hành Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, giữ gìn phương tiện thiện xảo thù thắng, cho đến khi căn lành chưa cùng cực thuần thục, nửa đường hoàn toàn chẳng chứng Niết-bàn. Nếu khi căn lành đã rất thuần thục, liền chứng Niết-bàn, đắc đại Bồ-đề.

Thế nên, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, phương tiện thiện xảo đều nên như thế, quán sát kỹ pháp tánh sâu xa. Nếu chưa cùng cực viên mãn pháp của chư Phật thì chẳng nên chứng đắc.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

–Thật kỳ lạ, kính bạch Thế Tôn! Thật hy hữu, kính Bạch Thiện Thệ! Các Bồ-tát này thường làm việc khó làm, tuy học pháp sâu xa nhưng không chứng đắc.

Phật bảo Thiện Hiện:

–Đúng vậy, đúng vậy! Các Bồ-tát này, thề không xả bỏ tất cả hữu tình nên có thể làm xong việc như thế. Nghĩa là các Bồ-tát phát tâm rộng lớn, vì giải thoát khổ sinh tử cho hữu tình, nên dù có luôn phát khởi ba pháp môn giải thoát mà ở nửa đường cũng chẳng chứng Niết-bàn. Vì sao? Vì muốn độ thoát họ nên chẳng thể bỏ họ vậy. Vả lại được phương tiện thiện xảo hộ trì nên nửa đường chẳng chứng Niết-bàn.

Thiện Hiện, nếu các Bồ-tát, đối với chỗ sâu xa, muốn dùng Bát-nhã ba-la-mật-đa quán sát kỹ, đó là cách thức tu hành ba pháp môn giải thoát Đẳng trì là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Các Bồ-tát này nên nghĩ: “Hữu tình luôn luôn phát khởi tưởng hữu tình, chấp có sở đắc, dễ đưa đến các nẻo tà kiến xấu, luân hồi sinh tử, chịu khổ không cùng. Ta vì dứt trừ nẻo tà kiến xấu kia, nên cầu quả vị Giác ngộ cao tột, nên vì các hữu tình thuyết pháp sâu xa, làm cho họ dứt trừ chấp kia để ra khỏi khổ sinh tử. Thế nên tuy học pháp môn giải thoát Không, mà chẳng chứng Niết-bàn nửa đường.”

Các Bồ-tát này, do phát khởi niệm phương tiện thiện xảo, tuy ở nửa đường chẳng chứng Niết-bàn mà chẳng lui mất bốn pháp Thắng định là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Vì sao? Vì các Bồ-tát này được phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hộ trì, nên càng tăng bạch pháp, các căn lanh lợi dần, các chi, lực, giác, đạo càng thêm tăng trưởng.

Thiện Hiện, các Đại Bồ-tát này thường hay nghĩ: “Hữu tình từ lâu, ở trong các tướng, phát khởi các loại chấp trước, do đây luân hồi chịu khổ không cùng. Ta vì dứt các tướng chấp kia, nên cầu quả vị Giác ngộ cao tột, thuyết pháp không tướng cho các hữu tình, khiến cho họ dứt tướng chấp, để ra khỏi khổ sinh tử.” Do đấy thường nhập Đẳng trì vô tướng. Các Bồ-tát này, do trước đây để thành tựu phương tiện thiện xảo và đã phát sinh tác ý, nên tuy luôn hiện nhập Đẳng trì vô tướng mà nửa đường chẳng chứng Niết-bàn; tuy nửa đường chẳng chứng Niết-bàn, nhưng chẳng lui mất bốn định vô lượng. Vì sao? Vì các Bồ-tát này, được phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hộ trì, nên càng tăng bạch pháp, các căn bén dần, các chi, lực, giác, đạo càng thêm tăng trưởng. Thiện Hiện, các Bồ-tát này thường hay nghĩ: “Hữu tình từ lâu, tâm của chúng thường phát khởi tưởng thường, tưởng lạc, tưởng ngã, tưởng tịnh, do đó phát sinh chấp trước điên đảo, luân hồi sinh tử, chịu khổ không cùng. Ta vì muốn dứt bốn điên đảo, nên cầu quả vị Giác ngộ cao tột, thuyết pháp không điên đảo cho các hữu tình. Nghĩa là nói sinh tử không thường, không lạc, không ngã, không tịnh, chỉ có Niết-bàn là vắng lặng, nhiệm mầu, đầy đủ các thứ công đức chân thật.” Do đó thường nhập đẳng trì Vô nguyện. Các Bồ-tát này do trước đây thành tựu phương tiện thiện xảo và phát khởi tác ý, nên tuy thường hiện nhập Vô nguyện đẳng trì, nhưng các Phật pháp chưa rốt ráo viên mãn, thì hoàn toàn chẳng nửa đường chứng Niết-bàn, mà chẳng thoái thất bốn định vô lượng. Vì sao? Vì các Bồ-tát này, được phương tiện thiện xảo của Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa hộ trì, nên càng tăng bạch pháp, các căn bén dần, các chi, lực, giác, đạo càng thêm tăng trưởng.

Thiện Hiện, các Bồ-tát này thường hay nghĩ: “Hữu tình trước đây đã luôn luôn hành có sở đắc, nay cũng hành có sở đắc trước đã hành có tướng, nay cũng hành có tướng; trước đã hành điên đảo, nay cũng hành điên đảo; trước đã hành tưởng hòa hợp, nay cũng hành tưởng hòa hợp; trước đã hành tưởng hư vọng, nay cũng hành tưởng hư vọng; trước đã hành tà kiến, nay cũng hành tà kiến. Do đây mà luân hồi chịu khổ không cùng. Ta vì muốn dứt trừ tội lỗi như thế cho hữu tình nên cầu quả vị Giác ngộ cao tột, thuyết pháp sâu xa cho họ, làm cho lỗi lầm của họ đều dứt trừ hẳn, chẳng còn luân hồi chịu khổ sinh tử, mau chứng Niết-bàn thường lạc chân tịnh.”

Các Bồ-tát này, nhờ rất thương xót và luôn nghĩ đến tất cả hữu tình, nên mới thành tựu phương tiện thiện xảo thù thắng, được Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hộ trì nên thường ưa quán sát pháp tánh sâu xa, đó là không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, không sinh, không diệt, không tánh, Niết-bàn.

Các Bồ-tát này đã thành tựu tri kiến thù thắng như thế; nếu rơi vào pháp không có tướng, không có tạo tác; hoặc trụ ba cõi thì hoàn toàn không có lẽ đó.

Các Bồ-tát này đã thành tựu công đức thù thắng như thế, mà xả bỏ hữu tình để thẳng đến viên tịch, chứng quả vị Giác ngộ cao tột, chẳng đem lợi ích gì cho hữu tình, cũng không có lẽ đó.

Thiện Hiện, nếu các Bồ-tát muốn đắc quả vị Giác ngộ cao tột thì cần nên thưa hỏi các Bồ-tát khác rằng: “Bồ-tát làm sao tu tập tất cả pháp phần Bồ-đề? Phát khởi tâm nào để có thể làm cho Bồtát học không, vô tướng, vô nguyện, không tác, không sinh, không diệt, không tánh, Niết-bàn mà chẳng chứng đắc nhưng vẫn tu Bát-nhã ba-la-mậtđa?”

Nếu các Bồ-tát khác khi được hỏi như thế mà trả lời: “Các chúng Bồ-tát chỉ nên tư duy về không, vô tướng...”, chứ chẳng dạy: “Cần phải ghi nhớ, không từ bỏ tất cả hữu tình và cứu độ bằng phương tiện thiện xảo thù thắng”, nên biết, Bồ-tát đó trước đây chưa từng được chư Phật thọ ký không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột. Vì sao? Vì các Bồ-tát đó chưa có thể chỉ dạy và phân biệt rõ ràng về địa vị không thoái chuyển và pháp tướng Bất cộng của các chúng Bồ-tát, chẳng biết rõ ràng điều người ta thưa hỏi về các hành trạng tướng của địa vị không thoái chuyển nên cũng chẳng thể trả lời được.

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

–Kính bạch Thế Tôn, có nhân duyên nào để biết được đó là các Bồ-tát không thoái chuyển không?

Phật bảo Thiện Hiện:

–Cũng có nhân duyên để biết các Bồ-tát đó là không thoái chuyển. Nghĩa là có các Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hoặc nghe, hoặc chẳng nghe cũng có thể trả lời đúng những điều người ta thưa hỏi trước đây và có thể thực hành đúng các hạnh của Bồ-tát ở địa vị không thoái chuyển. Do nhân duyên đó nên biết, Bồ-tát đó là không thoái chuyển.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

–Vì nguyên nhân gì có nhiều Bồ-tát hành hạnh Bồ-đề, mà lại ít có vị có thể trả lời đúng được?

Phật bảo Thiện Hiện:

–Mặc dù có nhiều Bồ-tát hành hạnh Bồ-đề, nhưng có ít Bồ-tát được thọ ký đắc trí tuệ vi diệu ở địa vị không thoái chuyển như thế. Nếu có vị nào được thọ ký như thế thì vị ấy có thể trả lời đúng.

Thiện Hiện nên biết, các Bồ-tát này căn lành trong sáng, trí tuệ rộng sâu. Trời, Người, A-tố-lạc... trong thế gian không thể phá hoại tâm đại Bồ-đề.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]