SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ VI

Phẩm 10: Chứng khuyến
(QUYỂN 571)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 571

Phẩm 10: Chứng khuyến

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, vô số đại kiếp trong quá khứ không thể nghĩ bàn có Đức Phật tên là Công Đức Bảo Vương, đầy đủ mười hiệu. Nước ấy tên là Bảo nghiêm, kiếp số tên là Thiện quán. Cõi ấy sung túc vui vẻ không có bệnh tật khổ não. Trời, người qua lại chẳng cách ngại nhau. Đất đai bằng phẳng như bàn tay, không có núi gò, sỏi đá, chông gai. Cỏ nhung mọc khắp, mềm mại xanh biếc như lông chim khổng tước, cao chừng bốn ngón tay, nếu đặt chân xuống thì cỏ liền nằm rạp xuống, cất bước lên thì cỏ liền trở lại như cũ. Hoa chiêm-bátca, hoa duyệt ý... và các thứ cỏ mềm mọc đều khắp rất trang nghiêm. Thời tiết chẳng nóng chẳng lạnh, bốn mùa điều hòa. Đất bằng ngọc báu phệ-lưu-ly. Tâm tánh của các hữu tình khi ấy ôn hòa hiền thiện. Ba độc phiền não bị chế phục nên chẳng hiện hành. Đệ tử Thanh văn của chư Phật Thế Tôn ấy tới số một vạn hai ngàn muôn ức, đệ tử Bồ-tát sáu mươi hai ức. Con người lúc đó sống lâu đến ba mươi sáu muôn năm, không có chết yểu. Có một thành đô tên Vô cấu trang nghiêm. Thành ấy từ Nam đến Bắc dài một trăm hai mươi tám do-tuần, từ Đông sang Tây tám mươi do-tuần, thành dày mười sáu do-tuần. Tường, cửa, lầu đều do bảy báu tạo thành, mười ngàn khu vườn được trang trí trang nghiêm. Mười ngàn thành nhỏ bao vây chung quanh, có bốn khu vườn có hoa xinh đẹp với phong cảnh rất vừa ý, có chim khổng tước dạo chơi đùa giỡn suốt bốn mùa. Có bốn ao lớn, bờ bằng bảy báu, ngang rộng đều bằng nửa do-tuần, đường đi và lề đường đều bằng vàng ròng, khắp đáy ao rải toàn cát vàng rất đẹp. Trong ao có nước đủ tám công đức, mùi thơm hoa báu xen lẫn. Trong đó có các vịt trời, chim nhạn, chim uyên ương tập trung nhảy nhót vui vẻ, bờ ao có nhiều cây: Bạch đàn, xích đàn, thi-lợi-sa... Trên cây có chim oanh vũ, xá-lợi bay nhảy vui chơi. Có vua Chuyển luân tên là Trị Thế, đầy đủ bảy báu, làm vua bốn đại châu, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật. Ở chỗ chư Phật gieo trồng căn lành, thành tâm đại Bồ-đề không thoái chuyển. Quyến thuộc nội cung bảy mươi ngàn người, thân hình xinh đẹp để phục vụ Bảo nữ, đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột. Vua Chuyển luân ấy có đủ ngàn con, sức lực dũng mãnh tráng kiện, có thể chinh phục oán địch, đủ hai mươi tám tướng Đại trượng phu cũng phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột.

Bấy giờ, Công Đức Bảo Vương Như Lai đem các Thanh văn và chúng Bồ-tát, cùng với vô lượng Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-đồ, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, Nhân phi nhân… lần lượt trước sau đi vào thành Vô cấu trang nghiêm. Khi ấy, vua Chuyển luân với xe bảy báu dẫn đầu cùng với một ngàn người con và quyến thuộc trong nội cung ra thành nghinh rước, kính lễ thỉnh vào, thiết bày các thứ tuyệt diệu cúng dường.

Bấy giờ Thế Tôn và các quyến thuộc thọ cúng dường rồi muốn về lại chỗ cũ. Luân vương Trị Thế cùng bảy báu... xuất thành cung kính đưa tiễn rồi trở về cung. Lúc ấy, bỗng nhiên vua Chuyển luân tự than rằng:

–Thân người vô thường, giàu sang như chiêm bao. May được các căn chẳng khuyết mà chánh tín còn khó khăn vậy, huống chi gặp được Như Lai, được nghe giáo pháp nhiệm màu, chẳng phải là hiếm có, như hoa Ưu-đàm. Khi ấy, ngàn con của vua biết ý vua cha ngưỡng mộ Đức Thế Tôn, muốn nghe chánh pháp liền dựng lên diệu đài rộng lớn bằng gỗ Ngưu đầu chiên-đàn, trang nghiêm bằng bảy báu. Gỗ chiên-đàn ấy một lượng trị giá bằng cả châu Thiệm-bộ. Đài này từ Nam đến Bắc dài mười ba do-tuần, từ Đông sang Tây rộng mười dotuần. Trụ lớn bốn góc trang nghiêm bằng các thứ báu, phía dưới đài có ngàn bánh xe báu. Hoàn tất rồi dâng lên vua cha, lúc vua nhận rồi, ban lời khen rằng:

–Hay thay, hay thay! Rất hiểu ý ta. Ta muốn đến chỗ Phật để nghe nhận chánh pháp.

Bấy giờ, ngàn con lại dựng tòa Sư tử ở trong đài ấy, an trí để vua cha ngự, sao cho các cung nhân đều vây quanh phục vụ sau trước. Chung quanh đài có các chuông vàng rất đẹp thòng xuống, rèm treo, phan lọng, che lưới bằng bảy báu, lại rải các thứ hương hoa quý lạ, đốt hương vô giá, xoa dầu thơm. Khi ấy, ngàn vị vương tử, mỗi vị bưng một bánh xe, giống thiên nga chúa bay bổng lên không đến chỗ Phật, nhẹ nhàng để xuống đất và đi đến chỗ Như Lai. Đến nơi đảnh lễ chân Thế Tôn, nhiễu bên phải bảy vòng rồi lui đứng một bên. Khi ấy, các quyến thuộc trong nội cung của vua Chuyển luân kia nối theo phía dưới đài, vua cất mão ngọc và các quyến thuộc nội cung đều cởi giày dép ngọc đến trước chỗ Phật đảnh lễ sát chân Phật, đi bảy vòng bên phải, lui ngồi một phía.

Bấy giờ, Công Đức Bảo Vương Như Lai bảo Trị Thế rằng:

–Đại vương! Hôm nay vì nghe chánh pháp mà Ngài đến đây ư?

Khi ấy, vua Chuyển luân liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục thưa rằng:

–Bạch Thế Tôn, những gì gọi là được nghe chánh pháp?

Phật khen vua rằng:

–Hay thay, hay thay! Hôm nay ngài mới có thể làm cho chúng trời, người được lợi ích an vui nên hãy lắng nghe chánh pháp thâm sâu. Hãy lắng nghe cho kỹ, suy nghĩ thật rốt ráo. Ta sẽ phân biệt giải nói cho Đại vương.

Trị Thế bạch Phật:

–Xin ngài cứ nói, con rất muốn nghe!

Bấy giờ, Thế Tôn bảo vua rằng:

–Đại vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã đạt được pháp tánh bình đẳng của tất cả pháp, gọi là Chánh pháp. Bao gồm bốn Niệm trụ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo, Không, Vô tướng, Vô nguyện... tất cả pháp tánh bình đẳng đã đạt được gọi là Chánh pháp.

Bấy giờ, Trị Thế lại bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, vì sao các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, ở trong Đại thừa thường được thắng tiến chẳng có thoái lui?

Phật bảo Trị Thế:

–Đại vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nhờ sức chánh tín mà được thắng tiến. Chánh tín là gì? Nghĩa là biết các pháp bản tánh vắng lặng chẳng sinh chẳng diệt. Thường được thân gần với những người tu hành chân chánh. Pháp nào không nên làm kiên quyết không làm. Tâm lìa tán loạn, nghe nhận chánh pháp, chẳng thấy người kia nói, chẳng thấy ta nghe, siêng năng tu tập chánh hạnh, mau được thần thông. Những loài hữu tình nào kham lãnh được, thì ta có thể giáo hóa, nhưng trọn chẳng thấy ta có thần thông có thể giáo hóa hữu tình và hữu tình kia đã nhận sự giáo hóa của ta. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát khi hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hoàn toàn chẳng thấy ta, chẳng thấy hữu tình, hai bên bình đẳng thì được thắng tiến chẳng có thoái lui.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hộ trì các căn, chẳng để chấp trước, đối với vật chất giúp cho sự sống thì luôn khởi tưởng vô thường, biết các pháp vắng lặng, thân mạng như mượn tạm.

Đại vương nên biết, các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, ở trong Đại thừa tâm chẳng buông lung.

Đại vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đến trong giấc mộng còn chẳng quên mất tâm Bồ-đề giáo hóa các hữu tình khiến họ tu Phật đạo, đem các căn lành ban cho loài hữu tình để hồi hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột, thấy được thần lực của Phật, vui mừng khen ngợi.

Đại vương nên biết, Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy sẽ mau chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột. Thế nên Đại vương phải siêng năng tinh tấn trụ ở ngôi vị tôn quý, chớ sinh buông lung. Đại Bồ-tát nào muốn cầu chánh pháp thì chớ đắm năm dục. Vì sao? Vì tất cả phàm phu không có sự nhàm chán dục lạc còn bậc đạt Thánh trí thì có thể bỏ được. Thân người vô thường, thọ mạng ngắn ngủi.

Đại vương, ngày nay nên hiểu cho rốt ráo, chán bỏ thế gian để cầu đạo xuất thế. Đại vương nên cúng dường Như Lai, được căn lành, để hồi hướng cho bốn việc: Một là, tự tại vô tận. Hai là, chánh pháp vô tận. Ba là, diệu trí vô tận. Bốn là, biện tài vô tận.

Bốn việc hồi hướng này cùng Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa đồng đều vô tận. Đại vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa nên tu trì giới thân, ngữ, ý một cách thanh tịnh. Vì sao? Vì muốn hướng đến văn, tư, tu. Dùng sức phương tiện giáo hóa các hữu tình, dùng sức Bát-nhã phá dẹp các ma, thành tựu nguyện lực, hành động không trái lời nói.

Khi vua Chuyển luân nghe Phật thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, vui mừng hớn hở như được điều chưa từng có, liền lấy mão ngọc tự mở chuỗi anh lạc, quỳ thẳng dâng lên cúng dường Như Lai, xả bốn đại châu dâng hết cúng Phật, nguyện đem phước này thường tu phạm hạnh, học Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, đem tâm quyết định vì loài hữu tình hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột. Những người cung nữ của vua nghe Phật thuyết pháp đều sinh vui mừng phát tâm Bồ-đề, đều cởi áo báu và chuỗi ngọc anh lạc dâng lên cúng cho Công Đức Bảo Vương Như Lai. Vua đem đài báu và tòa Sư tử dâng lên Phật mà cầu xuất gia. Lúc đó Đức Như Lai khen ngợi Trị Thế rằng:

–Vua được như vậy thật là hay thay. Sở hành hôm nay chẳng trái nguyện xưa, nên siêng tu tập Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bátnhã. Chư Phật quá khứ vì tu pháp này chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Chư Phật vị lai lại cũng như thế.

Bấy giờ, Trị Thế lại bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát tu hành bố thí cùng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là khác hay chẳng khác?

Phật bảo:

–Trị Thế, nếu Bố thí không có Bát-nhã ba-lamật-đa thì chỉ được gọi tên là Bố thí, chẳng phải đến bờ kia. Phải do Bát-nhã ba-la-mật-đa mới được gọi là Bố thí đến bờ bên kia. Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã cũng như vậy. Vì sao? Vì tánh bình đẳng của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vậy.

Khi Đức Phật ấy thuyết pháp thậm thâm này, vua liền chứng được Vô sinh pháp nhẫn.

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, phải như vua kia siêng cầu chánh pháp. Vua Chuyển luân khi ấy là Phật Nhiên Đăng, còn ngàn con ấy chính là ngàn Phật thời hiền kiếp.

Bấy giờ, Tối Thắng bèn bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, làm thế nào mà các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tu hành mau thành đạo đại Bồ-đề?

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tu tâm Từ..., đối với các hữu tình chẳng làm tổn giảm siêng hành tất cả Ba-la-mật-đa và bốn Nhiếp sự, bốn Vô lượng tâm và pháp phần Bồ-đề, tu học phương tiện thiện xảo của thần thông, tất cả pháp lành đều tu viên mãn. Nếu các Bồ-tát tu hành như vậy thì có thể mau thành đạo đại Bồ-đề. Đạo Bồ-đề ấy là tín tâm có tin là tâm thanh tịnh, tâm xa lìa sự dối gạt, tâm tu hành bình đẳng, tâm thí vô úy, làm cho các hữu tình đều gần gũi, siêng tu hành bố thí thì quả báo sẽ vô tận. Thọ trì tịnh giới nhưng không có sự chướng ngại, tu hành an nhẫn xa lìa các sự giận dữ, siêng năng tinh tấn thêm thì sự tu hành dễ thành tựu, có tĩnh lự thù thắng chẳng khởi tán loạn, đầy đủ Bát-nhã thì sẽ thông suốt hoàn toàn. Có đại Từ nên hữu tình được lợi ích. Có đại Bi nên rốt cùng không thoái chuyển. Có đại Hỷ nên thường làm vui lòng người khác. Có đại Xả nên chẳng khởi lên sự phân biệt. Không có ba độc nên lìa các chông gai. Chẳng đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, cho nên diệt trừ các sự hý luận. Không có phiền não nên xa lìa sự oán thù. Xả bỏ niệm của Nhị thừa nên tâm rộng lớn. Đủ trí Nhất thiết nên thường lưu xuất nhiều thứ báu. Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tu hành như vậy thì có thể mau thành tựu đạo đại Bồ-đề.

Bấy giờ, Tối Thắng lại bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hiện ra hình tướng nào để giáo hóa loài hữu tình?

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã hiện ra hình tướng không nhất định. Vì sao? Vì tùy theo tâm của các hữu tình ưa muốn điều gì, Bồ-tát liền hiện ra hình tướng như vậy. Hoặc hiện ra sắc vàng, hoặc hiện ra sắc bạc, hoặc hiện ra sắc gương pha lê, hoặc hiện ra sắc phệ-lưuly, hoặc hiện sắc thạch tàng, hoặc hiện sắc xử tàng, hoặc hiện sắc trân châu, hoặc hiện sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hoặc hiện màu sắc ngọn lửa, mặt trời, mặt trăng, hoặc hiện sắc Đế Thích, hoặc hiện sắc Phạm vương, hoặc hiện sắc sương tuyết, hoặc hiện sắc thư hoàng, hoặc hiện sắc đan châu, hoặc hiện sắc mưa hoa, hoặc hiện sắc hoa chiêm-bác-ca, hoặc hiện sắc hoa tô-mạt-na, hoặc hiện sắc hoa sen xanh, hoặc hiện sắc hoa sen vàng, hoặc hiện sắc hoa sen đỏ, hoặc hiện sắc hoa sen trắng, hoặc hiện sắc trời công đức, hoặc hiện sắc con thiên nga, con công, hoặc hiện sắc ngọc san hô, hoặc hiện sắc Như ý châu, hoặc hiện sắc cõi hư không, tùy theo sắc của trời, người đều hiện ra theo loại ấy.

Thiên vương nên biết, Đại Bồ-tát này tùy theo hình tướng sai khác của tất cả hữu tình trong hằng hà sa số thế giới khắp mười phương đều có thể thị hiện. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này hành phương thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể nhiếp hóa khắp tất cả hữu tình, cho đến chẳng rời bỏ tất cả hữu tình. Vì sao? Vì tâm hành của tất cả hữu tình khác nhau. Thế nên Bồ-tát thị hiện vô vàn hình tướng sai biệt. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này ở đời quá khứ có nguyện lực lớn, tùy theo các hữu tình ưa thấy hoặc chịu nhận sự giáo hóa thì các Ngài liền vì họ mà thị hiện thân muốn thấy, như trong gương sáng vốn không có ảnh tượng nhưng tùy theo thể chất tốt xấu đều hiện ra các thứ. Nhưng gương sáng này cũng không có phân biệt rằng: “Thể chất của ta sáng sạch có thể hiện được cái sắc.” Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy mà chẳng có sự dụng công chỉ tùy theo sự ưa muốn mà thị hiện, cũng chẳng phân biệt ta có thể thị hiện được.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tùy theo thính chúng ở trong chỗ ngồi, tâm họ ưa thích thấy thân nào thuyết pháp, Bồ-tát liền hiện ngay thân ấy vì họ thuyết pháp. Nghĩa là hoặc thấy Phật, hoặc thấy Bồ-tát, hoặc thấy Độc giác, hoặc thấy Thanh văn, hoặc thấy Phạm vương, hoặc thấy Đế Thích, hoặc thấy Đại Tự Tại, hoặc thấy Tỳ-sắc-noa, hoặc thấy Hộ Thế, hoặc thấy Luân vương, hoặc thấy Sa-môn, hoặc thấy Dị đạo, hoặc thấy Bà-la-môn, hoặc thấy Sát-đế-lợi, hoặc thấy Phệ-xá, hoặc thấy Miệt-đạt-la, hoặc thấy Trưởng giả, hoặc thấy Cư sĩ, hoặc thấy ngồi trong bảo đài, hoặc thấy ngồi trên hoa sen, hoặc thấy tại đất, hoặc thấy trên hư không, hoặc thấy thuyết pháp, hoặc thấy thiền định.

Thiên vương nên biết, Đại Bồ-tát này tu hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vì cứu độ hữu tình nên không một kiểu hình nào và không một oai nghi nào mà không thể hiện được. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa giống như hư không, không hình, không tướng, khắp mười phương thế giới không chỗ nào không có.

Lại như hư không lìa các hý luận. Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa cũng lại như vậy, vượt các ngôn ngữ.

Lại như hư không được đời thọ dụng, với Bát- nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tất cả thánh phàm đều cùng chung thọ dụng.

Lại như hư không xa lìa các sự phân biệt. Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng lại như vậy không có tâm phân biệt.

Lại như hư không dung chứa các sắc. Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng dung chứa được tất cả Phật pháp.

Lại như hư không thường hiện các sắc. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng thường hiện ra tất cả Phật pháp.

Lại như trong hư không tất cả cỏ cây, thuốc thang, hoa quả đều nương vào đó mà tăng trưởng. Tất cả căn lành đều dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tăng trưởng.

Lại như hư không chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, chẳng phải pháp để nói năng. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng lại như vậy, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, lìa các ngôn ngữ. Thế gian Sa-môn, Bà-la-môn... cho đến Đế Thích, Phạm thiên chẳng thể nghĩ lường Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa được.

Thiên vương nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có một pháp nào có thể làm ví dụ được. Nếu các thiện nam, thiện nữ tín thọ Bát-nhã ba-la-mật-đa thì công đức thu được không thể nghĩ bàn. Nếu công đức này có hình sắc thì cõi hư không chẳng chứa hết được. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa sinh ra tất cả thiện pháp thế gian và xuất thế gian. Tất cả chúng trời, người, hoặc vua trời, người, bốn hướng, bốn quả và các Độc giác, Bồ-tát, mười bậc Ba-la-mật-đa, quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật, Nhất thiết chủng trí, lực, vô sở úy và mười tám pháp Phật bất cộng... đều hoàn toàn dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thành tựu.

Khi thuyết pháp này, năm vạn Bồ-tát chứng được không thoái chuyển, một vạn năm ngàn chúng Thiên tử được Vô sinh pháp nhẫn, một vạn hai ngàn chúng trời, người xa lìa trần cấu sinh mắt pháp thanh tịnh. Hằng hà sa số loài hữu tình phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột. Trên hư không, chư Thiên trổi các kỹ nhạc và rải các thứ hương hoa đẹp của cõi trời để cúng dường Như Lai và Bát-nhã thâm sâu này. Lại có vô lượng Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-đồ, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, Nhân phi nhân... cũng rải các thứ hoa và những vật báu cúng dường Như Lai và Bát-nhã thậm thâm. Khi đó, trời rồng và những chúng khác chắp tay cung kính đồng thanh cất tiếng khen ngợi Phật rằng:

–Hay thay, hay thay! Cúi xin Đức Thế Tôn hãy mau thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]