SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ VI

Phẩm 9: Vô sở đắt
(QUYỂN 571)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 571

Phẩm 9: Vô sở đắt

Bấy giờ trong hội có vị Đại Bồ-tát tên là Thiện Tư hỏi Tối Thắng rằng:

–Đức Phật đã thọ ký quả Bồ-đề cho Thiên vương chăng?

Tối Thắng đáp rằng:

–Tôi tuy được thọ ký mà như trong mộng vậy. Bấy giờ Thiện Tư hỏi lại Tối Thắng:

–Thiên vương được thọ ký là được cái gì vậy?

Tối Thắng đáp:

–Tôi tuy được thọ ký mà không được gì cả.

Thiện Tư lại hỏi:

–Không được ấy là không được pháp nào?

Tối Thắng trả lời:

–Không được ấy là chẳng được ngã, chẳng được người thấy biết hữu tình, cho đến chẳng được sự thấy biết, chẳng được các uẩn và các xứ, giới, hoặc thiện hay chẳng phải thiện, hoặc tạp nhiễm, hoặc thanh tịnh, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc thế gian, hoặc xuất thế gian, hoặc hữu vi, hoặc vô vi, hoặc sinh tử, hoặc Niết-bàn, đối với tất cả như vậy đều không được gì.

Thiện Tư lại hỏi:

–Nếu không được gì thì dùng thọ ký làm gì?

Tối Thắng đáp:

–Vì không được gì nên đạt được sự thọ ký.

Thiện Tư lại hỏi:

–Nếu như nghĩa mà Thiên vương nói thì có hai trí: Một là không được gì; hai là được thọ ký.

Tối Thắng đáp rằng:

–Nếu có hai trí thì không có được sự thọ ký. Vì sao? Vì trí Phật không hai. Chư Phật Thế Tôn dùng trí không hai để thọ ký cho Bồ-tát.

Thiện Tư lại hỏi:

–Nếu trí chẳng có hai thì làm sao có thọ ký và được thọ ký?

Tối Thắng đáp:

–Thọ ký và được thọ ký, khoảng đó không có hai?

Thiện Tư lại hỏi:

–Không có hai khoảng ấy thì làm sao có sự thọ ký?

Tối Thắng đáp:

–Nếu hiểu được không có hai khoảng ấy, tức là có sự thọ ký.

Thiện Tư lại hỏi:

–Hôm nay Thiên vương trụ trong khoảng nào mà đạt được sự thọ ký vậy?

Tối Thắng đáp:

–Tôi trụ bờ ngã, trụ bờ hữu tình cho đến trong bờ của sự thấy, sự biết mà nhận được sự thọ ký.

Thiện Tư lại hỏi:

–Bờ ngã... này phải cầu ở đây?

Tối Thắng đáp:

–Phải cầu ở bờ của chư Phật giải thoát.

Thiện Tư lại hỏi:

–Bờ giải thoát của Phật lại cầu ở đâu?

Tối Thắng đáp:

–Phải cầu ở bờ vô minh, hữu, ái. Thiện Tư hỏi tới:

–Vô minh, hữu, ái lại cầu ở đâu?

Tối Thắng đáp rằng:

–Phải cầu ở bờ rốt ráo không sinh!

Thiện Tư hỏi tiếp:

–Bờ không sinh này cầu ở đâu?

Tối Thắng đáp:

–Bờ này phải cầu ở bờ vô tri!

Thiện Tư hỏi lại:

–Bờ vô tri ấy tức là không có sự hiểu biết thì làm sao bờ này phải cầu bờ kia?

Tối Thắng đáp rằng:

–Nếu có sự hiểu biết mà cầu thì không thể được, vì vô tri nên mới cầu nơi bờ kia.

Thiện Tư lại hỏi:

–Bờ này lìa sự nói năng làm sao có thể cầu?

Tối Thắng đáp:

–Bởi chấm dứt ngôn ngữ nên có thể cầu được.

Thiện Tư lại hỏi:

–Ngôn ngữ ấy vì sao chấm dứt?

Tối Thắng đáp:

–Các pháp nương vào nghĩa lý, chẳng nương vào lời lẽ.

Thiện Tư lại hỏi:

–Tại sao dựa vào nghĩa lý?

Tối Thắng đáp:

–Vì chẳng thấy tướng nghĩa.

Thiện Tư lại hỏi:

–Vì sao chẳng thấy?

Tối Thắng đáp:

–Vì chẳng khởi lên sự phân biệt, nghĩa là chỗ sở y, ngã là sự năng y, không có hai việc này nên gọi là chẳng thấy.

Thiện Tư lại hỏi:

–Nếu chẳng thấy nghĩa này thì đây cầu chỗ nào?

Tối Thắng đáp:

–Không thấy, không chấp nên gọi là cầu.

Thiện Tư hỏi lại:

–Pháp có thể cầu ấy tức là hữu cầu?

Tối Thắng đáp:

–Nghĩa này chẳng phải. Pháp chưa cầu ấy là thật không có chỗ để cầu. Vì sao? Nếu thật có thể cầu tức là phi pháp.

Thiện Tư lại hỏi:

–Pháp là những gì?

Tối Thắng đáp rằng:

–Pháp không văn tự, cũng lìa ngôn ngữ.

Thiện Tư lại hỏi:

–Trong sự lìa văn tự ngôn ngữ thì cái nào là pháp?

Tối Thắng đáp:

–Tánh lìa văn tự diệt chỗ tâm hành đó, gọi là pháp. Tánh của tất cả pháp đều không thể nói chỗ không thể nói ấy cũng không thể nói được. Nếu có chỗ nói ra tức là hư dối, trong pháp hư dối hoàn toàn không có pháp thật.

Thiện Tư lại hỏi:

–Chư Phật Bồ-tát thường có lời nói, vậy đều là hư dối sao?

Tối Thắng đáp:

–Chư Phật Bồ-tát từ đầu đến cuối chẳng nói một chữ, làm sao hư dối?

Thiện Tư lại hỏi:

–Nếu có nói ra sẽ mắc lỗi gì?

Tối Thắng đáp:

–Có lỗi về lời nói.

Thiện Tư lại hỏi:

–Ngôn ngữ có lỗi gì?

Tối Thắng đáp:

–Có lỗi về nghĩ bàn.

Thiện Tư lại hỏi:

–Pháp nào không lỗi.

Tối Thắng đáp:

–Có nói, không nói chẳng thấy hai tướng thì không có lỗi.

Thiện Tư lại hỏi:

–Lỗi lấy gì làm gốc?

Tối Thắng đáp rằng:

–Lấy chấp trước làm gốc.

Thiện Tư lại hỏi:

–Chấp trước lấy gì làm gốc?

Tối Thắng đáp:

–Lấy tâm chấp trước làm gốc.

Thiện Tư lại hỏi:

–Cái gì làm gốc của chấp trước?

Tối Thắng đáp rằng:

–Hư vọng phân biệt là gốc.

Thiện Tư lại hỏi:

–Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc?

Tối Thắng đáp rằng:

–Vin vào duyên làm gốc.

Thiện Tư lại hỏi:

–Duyên theo chỗ nào?

Tối Thắng đáp:

–Duyên theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Thiện Tư lại hỏi:

–Làm thế nào để không duyên theo?

Tối Thắng đáp rằng:

–Nếu xa lìa ái, thủ thì không còn chỗ để duyên. Vì nghĩa này nên Như Lai thường nói các pháp bình đẳng không thể duyên theo được. Khi nói pháp này, năm ngàn Bí-sô xa lìa trần cấu sinh Pháp nhãn tịnh. Lại có một vạn hai ngàn Bồ-tát được Vô sinh nhẫn, vô lượng, vô biên hữu tình đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột.

Bấy giờ, Tối Thắng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, mặc y che vai trái, gối phải sát đất chắp tay cung kính bạch Phật rằng:

–Những thiện nam, thiện nữ nghe Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, tại sao những người chưa phát tâm Bồ-đề liền có thể phát tâm, tất cả đều thành tựu và đạt được không thoái chuyển, sự tu hành thường tiến tới mà không lui lại?

Phật dạy:

–Thiên vương! Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe và suy nghĩ thật kỹ. Ta sẽ nói cho ông.

Tối Thắng thưa rằng:

–Lành thay! Đại Thánh! Cúi xin Ngài nói cho, chúng con muốn nghe.

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, nếu các thiện nam, thiện nữ nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đem ý thuần tịnh phát tâm Bồ-đề, đầy đủ chánh tín, gần gũi Thánh hiền, ưa nghe chánh pháp, xa lìa sự đố kỵ, bỏn sẻn, thường tu tịch tĩnh, ưa hành bố thí, tâm không hạn ngại, lìa các uế trược, chánh tín nghiệp quả, tâm chẳng do dự, biết rõ như thật nghiệp quả đen trắng. Dù vì thân mạng quyết chẳng làm ác. Những thiện nam, thiện nữ này tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy thì có thể xa lìa mười nghiệp ác, tâm thường nhớ nghĩ về mười nẻo nghiệp thiện. Những thiện nam, thiện nữ này hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, nếu gặp các Sa-môn, Bà-la-môn... tinh tấn tu hành chân chánh, giới phẩm trong sạch, nghe nhiều hiểu nghĩa thì thường khởi lên chánh niệm, tâm tánh điều hòa nhu nhuyến, tịch tĩnh không loạn, thường ái ngữ, siêng tu các điều thiện, xa lìa các điều ác; chẳng đề cao thân mình, chẳng khinh thường người khác; xa lìa lời thô ác, bỏ lời nói vô nghĩa, chẳng bỏ niệm trụ, giữ tâm điều trực, thường dứt hung bạo, khéo nhổ tên độc. Vứt bỏ hoàn toàn các gánh nặng, ra khỏi tám nạn xứ, không còn thọ thân sau. Những thiện nam, thiện nữ này tu hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa nếu gặp Bồ-tát này thì phải nương gần để làm bạn tốt.

Khi ấy, Bồ-tát này dùng phương tiện thiện xảo tùy theo sự thích nghi, vì họ mà thuyết pháp: “Các ông nên biết, người thường bố thí sẽ được giàu vui. Thọ trì tịnh giới thì được tôn quý sinh lên trời. Lắng nghe chánh pháp được trí tuệ lớn.” Lại bảo rằng:

Đây là Bố thí, đây là quả của bố thí.

Đây là keo bẩn, đây là quả của keo bẩn.

Đây là Tịnh giới, đây là quả của tịnh giới.

Đây là phạm giới, đây là quả của sự phạm giới.

Đây là An nhẫn, đây là quả của an nhẫn.

Đây là tức giận, đây là quả của sự tức giận.

Đây là Tinh tấn, đây là quả của sự tinh tấn.

Đây là biếng nhác, đây là quả của sự biếng nhác.

Đây là Tĩnh lự, đây là quả của tĩnh lự.

Đây là tán loạn, đây là quả của sự tán loạn.

Đây là Diệu tuệ, đây là quả của diệu tuệ.

Đây là ngu si, đây là quả của sự ngu si.

Đây là nghiệp lành của thân, đây là quả của nghiệp lành nơi thân.

Đây là nghiệp ác của thân, đây là quả của nghiệp ác nơi thân.

Đây là nghiệp lành của lời nói, đây là quả của nghiệp lành nơi lời nói. Đây là nghiệp ác của lời nói, đây là quả của nghiệp ác nơi lời nói.

Đây là nghiệp lành của ý, đây là quả của nghiệp lành nơi ý.

Đây là nghiệp ác của ý, đây là quả nghiệp ác của ý.

Đây là pháp nên làm, đây là pháp chẳng nên làm.

Nếu tu như thế thì cảm nhận được niềm vui lâu dài. Nếu không tu hành như thế thì phải nhận lấy cái khổ dài lâu. Những thiện nam, thiện nữ này tu hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa, gần gũi bạn lành, được nghe thuyết pháp tuần tự như vầy:

Khi Bồ-tát này biết là Pháp khí thì vì họ tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nghĩa là không, vô tướng, vô nguyện, không tạo tác, không sinh, không diệt, không ngã, không hữu tình, nói rộng cho đến cái biết, cái thấy. Lại vì họ mà tuyên thuyết pháp duyên khởi sâu xa, nghĩa là vì pháp này mà có pháp kia, khi pháp này diệt thì pháp kia cũng diệt theo. Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, sầu bi khổ ưu não. Nếu vô minh diệt thời hành diệt, cho đến sinh diệt thời lão tử, sầu bi khổ ưu não diệt.

Khi Bồ-tát này hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lại nói thế này:

–Trong lý chân thật không có một pháp nào có thể sinh có thể diệt. Vì sao? Vì pháp thế gian đều do nhân duyên sinh, không có ngã, hữu tình, người tạo ra, người lãnh thọ. Nhân duyên hòa hợp thì nói các pháp sinh. Nhân duyên ly tán thì nói các pháp diệt. Không một pháp nào thật có để lãnh thọ sự sinh diệt, hư vọng phân biệt trong ba cõi chỉ là giả danh, tùy theo nghiệp chướng phiền não mà thọ quả báo dị thục. Nếu dùng Bát-nhã ba-la-mật-đa quán sát như thật thì tất cả pháp không sinh, không diệt, không tạo, không nhận. Nếu pháp không tạo cũng là pháp không hành, thì đối với các pháp, tâm không có sự chấp trước. Nghĩa là chẳng đắm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng đắm nhãn xứ cho đến ý xứ, chẳng đắm sắc xứ cho đến pháp xứ, chẳng đắm nhãn giới cho đến ý giới, chẳng đắm sắc giới cho đến pháp giới, chẳng đắm nhãn thức giới cho đến ý thức giới.

Khi ấy Bồ-tát lại nói thế này:

–Tự tánh các pháp đều rốt ráo không, vắng lặng xa lìa, không giữ, không đắm. Các thiện nam, thiện nữ nghe nói lời như vậy, sự tu hành càng tiến tới chứ không thoái lui.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa muốn gặp chư Phật, ưa nghe chánh pháp, chẳng rơi vào dòng họ ti tiện. Dù sinh ở nơi nào cũng được gặp Phật, được nghe chánh pháp và cúng dường chúng Tăng. Thường gặp chư Phật, dũng mãnh tinh tấn, chí cầu chánh pháp, chẳng chấp đắm vợ con, tôi tớ. Đối với của cải cung cấp cho sự sống cũng chẳng tham đắm, chẳng nhiễm các dục. Thường nương chánh giáo tu tập pháp Phật, bỏ tục xuất gia như giáo lý tu hành, vì người nói pháp. Tuy nói cho người khác nhưng chẳng cầu đền đáp. Thấy chúng hội nghe pháp thường khởi pháp đại Từ, đối với loài hữu tình thường khởi đại Bi, học rộng nghe nhiều chẳng tiếc thân mạng. Thường ưa hạnh xa lìa, ít muốn, vui đủ, chỉ tìm cầu nghĩa lý, chẳng vướng mắc lời nói. Thuyết pháp tu hành không chỉ vì mình, vì loài hữu tình sẽ được nguồn vui Vô thượng, nghĩa là Bồ-đề của Phật, là cảnh giới đại Niết-bàn.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát tu hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tu hành như vậy sẽ xa lìa sự buông lung, dũng mãnh tinh tấn, hộ trì các căn. Nếu mắt thấy sắc chẳng đắm tướng của sắc, quán sát như thật tội lỗi của sắc này. Tai tiếng, mũi hương, lưỡi vị, thân xúc, ý pháp cũng thế. Nếu buông thả các căn gọi là buông lung, nếu thường hộ trì gọi là chẳng buông lung. Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa bằng phương tiện thiện xảo, điều phục tự tâm, giúp người giữ ý gọi là chẳng buông lung, xa lìa tham dục, tâm thuận pháp lành, tầm tứ, sân si chẳng phải là gốc của căn lành. Nghiệp thân, ngữ, ý cùng hai tà mạng, tất cả nghiệp chẳng lành đều phải xa lìa gọi là chẳng buông lung. Khi Đại Bồtát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tâm thường chánh niệm gọi là chẳng buông lung. Đại Bồ-tát này biết tất cả pháp, lấy đức tin làm đầu. Người nào chánh tín sẽ không đọa cảnh giới ác, tâm chẳng làm ác, được Thánh hiền khen ngợi.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tu hành đúng pháp, dù sinh chỗ nào thường được gặp Phật, xa lìa Nhị thừa, an trú Chánh đạo, được đại tự tại, thành tựu việc lớn gọi là Chánh trí giải thoát của các Như Lai. Đại Bồ-tát này hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, muốn cầu an lạc, thường siêng tùy thuận đạo trí Nhất thiết.

Thiên vương nên biết, hôm nay đại chúng này đây được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy là đã từng ở trong vô lượng đại kiếp quá khứ cúng dường chư Phật, tu tập căn lành, vì vậy cần phải siêng năng tinh tấn hơn, đừng để lui mất. Nếu các trời, người thường chế phục các căn, chẳng đắm năm dục lạc, xa lìa thế gian, thường tu xuất thế, thanh tịnh ba nghiệp, tu tập pháp trợ đạo gọi là chẳng buông lung. Các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đầy đủ chánh tín, tâm chẳng buông lung, siêng tu tinh tấn, khiến được thắng pháp, gọi là chẳng buông lung. Các Đại Bồ-tát muốn đủ chánh tín, tâm chẳng buông lung, tinh tấn chánh niệm, phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nhờ trí niệm này nên mau chứng được quả vị Giác ngộ cao tột đã mong cầu. Các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa, đầy đủ chánh tín, tâm chẳng buông lung, siêng tu tinh tấn liền được chánh niệm, dùng trí niệm này biết có, biết không.

Thế nào là có, là không? Nếu tu chánh hạnh được chánh giải thoát, đây gọi là có. Nếu tu tà hạnh được chánh giải thoát, đây gọi là không.

Sáu căn: mắt... Sáu cảnh: sắc... Thế tục là có, Thắng nghĩa là không.

Bồ-tát tinh tấn chứng được Bồ-đề, đây gọi là có. Bồ-tát biếng nhác chứng được Bồ-đề, đây gọi là không.

Nói năm thủ uẩn đều từ hư dối phân biệt mà sinh, đây gọi là có. Nói pháp thế tục chẳng phải do nhân duyên, tự nhiên mà khởi, đây gọi là không.

Nói sắc vô thường là pháp khổ bại hoại, đây gọi là có. Nếu nói thường vui chẳng phải pháp bại hoại, đây gọi là không. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Vô minh duyên hành, đây gọi là có. Nếu lìa vô minh mà hành phát sinh, đây gọi là không. Cho đến sinh duyên lão tử, sầu bi khổ ưu não cũng lại như vậy.

Bố thí được phước lớn, đây gọi là có, kẻ bị bần cùng thì gọi là không. Thọ trì tịnh giới được sinh cõi lành, đây gọi là có, sinh vào cõi ác thì gọi là không. Cho đến tu tuệ được thành Thánh, đây gọi là có, làm kẻ ngu si thì gọi là không.

Nếu tu tập nghe nhiều sẽ được trí lớn, đây gọi là có, kẻ bị ngu si thì gọi là không.

Nếu tu chánh niệm, thường được xuất ly, đây gọi là có, không được gọi là không.

Nếu hành tà niệm chẳng được xuất ly, đây gọi là có, thường được xuất ly là không.

Nếu lìa ngã và ngã sở thường được giải thoát, đây gọi là có. Chấp ngã và ngã sở mà có thể được giải thoát, đây gọi là không.

Nếu nói hư không ở khắp tất cả mọi nơi, đây gọi là có. Nói trong năm uẩn có ngã chân thật, đây gọi là không.

Như thật tu trí thường được giải thoát, đây gọi là có, nếu mắc vào tà trí mà được giải thoát, đây gọi là không.

Lìa ngã, kiến... được không trí, đây gọi là có. Đắm vào ngã kiến... thường được không trí, đây gọi là không.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát tu hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, biết rõ sự có, không của thế gian, thường tu bình đẳng, hiểu rõ các pháp từ nhân duyên sinh, vì thế tục nên có, chẳng khởi thường kiến, biết pháp nhân duyên bản tánh đều là không, chẳng sinh đoạn kiến. Đối với giáo pháp của chư Phật thông suốt như thật.

Thiên vương nên biết, Phật vì Bồ-tát lược nói bốn pháp nghĩa là thế gian, Sa-môn, Bà-la-môn... và trời Trường thọ khởi nhiều về thường kiến, vì muốn phá chấp của họ mà nói hành vô thường. Có những trời, người nhiều tham đắm dục lạc vì phá đem sự tham đắm của họ nên nói tất cả là khổ. Tà kiến ngoại đạo chấp thân có ngã, vì phá chấp kia nên nói thân vô ngã. Kẻ tăng thượng mạn hủy báng Niết-bàn chân chánh, cho nên nói Niết-bàn vắng lặng, nói vô thường để họ chí tâm cầu pháp rốt ráo, vì người nói khổ để họ xa lìa sự nguyện cầu đối với sinh tử. Nói vô ngã là để làm hiển rõ pháp môn Không để họ thông suốt, nói tịch tĩnh là để làm cho họ hiểu rõ Vô tướng, để xa lìa sự chấp tướng.

Thiên vương nên biết, các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tu học như vậy, đối với các pháp lành quyết không thoái lui, mau thành quả vị Giác ngộ cao tột. Bấy giờ, Tối Thắng lại bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tu những hạnh nào để hộ trì chánh pháp?

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thực hành không trái lời và tôn trọng Sư trưởng, thuận theo chánh pháp, tâm hành điều hòa nhu nhuyến, chí tánh thuần chất, các căn vắng lặng, xa lìa tất cả pháp ác bất thiện, tu căn lành thù thắng gọi là hộ trì chánh pháp.

Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, tu ba nghiệp thân, ngữ, ý từ bi, chẳng màng danh lợi, giữ giới thanh tịnh, xa lìa các kiến chấp gọi là hộ trì chánh pháp.

Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa, tâm hành chẳng theo thương, giận, sợ, si, gọi là hộ trì chánh pháp. Tu tập tàm, quý gọi là hộ trì chánh pháp. Thuyết pháp tu hành đều đúng như những điều đã nghe gọi là hộ trì chánh pháp.

Thiên vương nên biết, chư Phật ba đời vì hộ trì chánh pháp mà thuyết Đà-la-ni ủng hộ Thiên vương và Nhân vương... để hộ trì chánh pháp được tồn tại lâu dài trên thế gian, cùng các hữu tình làm lợi ích lớn nên nói Đà-la-ni rằng:

- Đát điệt tha, a hổ lạc, quật lạc phạt để, hổ thích noa toa lũ trà giả giá, giả giá chiết, ni a bôn, nhã sát đa, sát đa diên đa, sát dã tóa ha, thiểm mạt ni, yết lạc, ô lỗ ô lỗ phạt, để ca, la bạt để ca, a bê xa để ni tóa thích ni, khư xà, khư xà mạt để, a phạt thủy ni, phạt thi phạt đa, phạt đa nô bà lý ni, bộ đa nô tất một lật để, đề phạt đa nô tất một lật để, tóa ha.

Thiên vương nên biết, Đại thần chú này có thể làm cho tất cả Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạtphược, A-tố-lạc, Yết-lộ-đồ, Khẩn-nại-lạc, Mạchô-lạc-già, Nhân phi nhân... tất cả hữu tình đều được an vui. Chư Phật ba đời nói đại thần chú này vì hộ trì chánh pháp và ủng hộ Thiên vương, Nhân vương... làm cho được an lạc nên dùng sức phương tiện mà tuyên thuyết. Thế nên Thiên vương và Nhân vương vì làm cho chánh pháp được tồn tại dài lâu trên thế gian nên chính họ và quyến thuộc đều được an vui. Hữu tình và quốc độ không có tai nạn, mỗi mỗi đều phải tinh tấn siêng năng chí thành tụng niệm, như vậy thì làm cho các oán địch, nạn tai, việc ma và chướng ngại pháp... thảy đều tiêu diệt. Do đó chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian cùng các hữu tình làm lợi ích lớn. Khi thuyết Đại thần chú Bát-nhã ba-la-mật-đa này, các cung điện trời, núi, biển, đất liền... đều chấn động. Có tám mươi ngàn loài hữu tình đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột.

Khi ấy, Tối Thắng Thiên vương vui mừng hớn hở, giăng che trên Phật bằng lưới bảy báu, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:

–Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tu những pháp nào mà tâm chẳng dao động đối với quả quả vị Giác ngộ cao tột?

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, Đại Bồ-tát nào hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tinh tấn siêng năng tu tập, không ngại đại Từ, không chán đại Bi, thành tựu việc lớn, gia tăng tinh tấn, học Đẳng trì không, cũng thường tinh tấn siêng tu trí bình đẳng, phương tiện thiện xảo hiểu rõ như thật đại trí thanh tịnh, thông suốt diệu lý bình đẳng của ba đời, không còn chướng ngại, đi theo con đường chư Phật ba đời đã đi.

Thiên vương nên biết, Đại Bồ-tát này hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa tu pháp như thế thì tâm chẳng dao động đối với quả vị Giác ngộ cao tột.

Bấy giờ, Tối Thắng lại bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tu những pháp nào mà nghe việc chẳng nghĩ bàn của các Như Lai mà tâm chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng ưu, chẳng não?

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát tu hành diệu tuệ, diệu trí đầy đủ, gần gũi bạn lành, ưa nghe pháp sâu kín, hiểu rõ các pháp đều như huyễn..., ngộ đời là vô thường, sinh thì phải diệt, tâm không dính mắc giống như hư không.

Thiên vương nên biết, Đại Bồ-tát này hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa tu pháp như vậy nên nghe việc chẳng nghĩ bàn của các Như Lai mà tâm chẳng kinh, chẳng sợ, cũng chẳng ưu não.

Bấy giờ, Tối Thắng lại bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tu những pháp nào mà thường được tự tại dù bất cứ chỗ nào?

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tu năm Thần thông đầy đủ không ngại, các môn giải thoát, tĩnh lự, vô lượng phương tiện Bát-nhã ba-la-mật-đa thường được tự tại dù bất cứ nơi nào.

Bấy giờ, Tối Thắng bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chứng được những môn nào?

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chứng được môn Diệu trí thì thường ngộ nhập các căn lợi độn của tất cả hữu tình. Đã được môn Diệu tuệ thời có thể phân biệt cú nghĩa của các pháp; được môn Tổng trì hiểu rõ tất cả âm thanh và lời nói; được môn vô ngại có thể nói các pháp rốt ráo vô tận.

Thiên vương nên biết, Đại Bồ-tát này hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa sẽ chứng được các môn như vậy.

Bấy giờ, Tối Thắng lại bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chứng được những lực gì?

Phật bảo Tối Thắng:

–Thiên vương nên biết, nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sẽ được năng lực tịch tĩnh nên thành tựu đại Bi; được năng lực tinh tấn nên thành tựu không thoái chuyển; được năng lực nghe nhiều nên thành tựu đại trí; được năng lực tin ưa nên thành tựu giải thoát; được năng lực tu hành nên thành tựu xuất ly; được năng lực an nhẫn nên thương giúp hữu tình; được năng lực Bồ-đề tâm nên đoạn trừ ngã kiến; được năng lực đại Bi nên giáo hóa hữu tình; được năng lực không sinh nhẫn nên thành tựu mười lực.

Thiên vương nên biết, Đại Bồ-tát này hành Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa được các năng lực thù thắng như vậy.

Khi thuyết pháp này, năm trăm Bồ-tát được không sinh nhẫn. Tám ngàn Thiên tử được không thoái chuyển, một vạn hai ngàn các chúng Thiên tử xa lìa trần cấu phát sinh Pháp nhãn thanh tịnh. Bốn vạn trời, người đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]