SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ VI
Phẩm 13: Đà-La-Ni
(QUYỂN 572)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ chân Phật, đắp y che vai trái, gối phải sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:
–Bạch Thế Tôn, Như Lai đã nói: Các Đại Bồtát nếu được các pháp chẳng nhập và tất cả pháp môn Đà-la-ni thì thành tựu vô lượng, vô biên công đức.
Phật bảo Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi rằng:
–Thiện nam, công đức như thế, giả sử Như Lai nói trăm, ngàn năm cũng chưa hết được.
Bấy giờ, trong chúng có một vị Bồ-tát tên là Tịch Tĩnh Tuệ liền thưa với Đại Bồ-tát Mạn-thùthất-lợi rằng:
–Nếu Đại Bồ-tát chứng được tất cả pháp môn Đà-la-ni như vậy sẽ được Đức Phật Thế Tôn khen ngợi. Bồ-tát như vậy được lợi ích lớn, tự hành hóa, đều chẳng uổng công.
Khi ấy, Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi bảo Bồ-tát Tịch Tĩnh Tuệ rằng:
–Thiện nam, trong Thắng nghĩa đế không pháp nào đáng khen vì không sắc không tướng. Cái không sắc tướng thì có gì đáng khen? Vì không gì đáng khen nên có cái gì để vui mừng.
Khi ấy, Tịch Tĩnh Tuệ lại nói rằng:
–Tôi nghe trong Khế kinh, Như Lai nói: “Tự tánh các pháp không có ngã, ngã sở, không thể làm cho vui cũng không thể làm cho giận. Pháp bình đẳng này các Bồ-tát cần nên học. Thí như đại địa nhờ vào sự luân chuyển của nước, nếu đào ao giếng thì được nước để dùng. Những kẻ không đào không do đâu mà có. Cảnh pháp Thánh trí bình đẳng như vậy biến khắp tất cả pháp, nếu có sự siêng năng tu Bát-nhã liền được chứng đắc, còn người chẳng tu làm sao chứng được. Thế nên Bồ-tát mong cầu quả vị Giác ngộ cao tột chẳng nên biếng nhác. Nếu siêng năng tinh tấn như đây đã nói thì cảnh bình đẳng của pháp sẽ hiện ra trước mắt. Như người mù bẩm sinh không thể thấy sắc. Như vậy phiền não đã làm cho hữu tình mù nên đối với pháp bình đẳng không thể thấy được. Như người có mắt nếu không có ánh sáng bên ngoài thì không thể thấy hoàn toàn sắc tượng đã có.
Như vậy người tu hành tuy có trí tuệ nhưng không có bạn tốt thì không thể thấy pháp. Còn như người có Thiên nhãn không nhờ ánh sáng ngoài, tự họ vẫn thấy được sắc. Cũng vậy, Bồ-tát nào dự vào dòng pháp thì tự nhiên thắng tiến. Ví như trong thế gian thai tạng dần dần tăng trưởng mà chẳng tự thấy. Như vậy, những Bồ-tát siêng năng tinh tấn thì các hạnh tăng trưởng dần, dù chẳng tự thấy mà được thành tựu tất cả Phật pháp. Như trong núi Tuyết có cây thuốc ra quả mà thân cây, cành nhánh chẳng khô chẳng gãy.
Cũng vậy, Bồ-tát siêng tu tinh tấn được bao nhiêu thắng hạnh chẳng lui chẳng mất. Như vua Chuyển luân xuất hiện ở đời với đủ bảy báu. Cũng vậy, Bồ-tát phát tâm Bồ-đề đủ bảy Pháp bảo, được gọi là Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã, Phương tiện thiện xảo. Như vua Chuyển luân dạo đi khắp bốn châu, đối với loài hữu tình tâm đều bình đẳng.
Cũng vậy, Bồ-tát đem bốn Nhiếp sự làm lợi ích cho hữu tình với tâm luôn bình đẳng. Như vua Chuyển luân dù ở chỗ nào cũng không có sự tranh cãi, kiện tụng. Cũng vậy Bồ-tát thuyết pháp như thật cũng không có sự tranh luận. Ví như thế giới ba lần ngàn lúc mới tạo thành liền có núi chúa Diệu cao và biển lớn. Cũng vậy, Bồ-tát khi mới phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột liền có Bát-nhã và tâm đại Bi. Thí như lúc mặt trời mọc, những chỗ núi cao được ánh sáng chiếu trước. Bồ-tát cũng thế, nếu được đuốc Bát-nhã thì các Bồ-tát có hạnh cao tột, các căn thuần thục sẽ được nhờ ánh sáng chiếu trước. Ví như đại địa có thể gánh vác tất cả cỏ, cây, hoa quả, thuốc thang thảy đều bình đẳng. Bồ-tát cũng vậy, chứng được tất cả pháp môn Đà-la-ni này đối với các hữu tình tâm đều bình đẳng.
Bấy giờ, Đức Phật khen ngợi Tịch Tĩnh Tuệ rằng:
–Hay thay, hay thay! Như lời ông nói, các Đại Bồ-tát nếu được Đà-la-ni như vậy thì có nói ra lời gì dù một câu một chữ cũng đều là lời của Phật. Những lời đã nói ra này đều xa lìa sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì sao? Vì pháp được nói ra đây chẳng phải thế tục, nên vô cùng vô tận, có thể làm cho tất cả thân tâm nhẹ nhàng thoải mái. Giả sử được nói trước trăm ngàn Đức Phật cũng chẳng khiếp nhược. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này được Phật gia trì, tâm không có sự chấp đắm nghĩa là chẳng đắm ngã, chẳng đắm hữu tình, chẳng đắm các pháp. Do đó, chứng được chân như thanh tịnh, pháp giới thanh tịnh, thật tế thanh tịnh, được pháp vô tận, văn tự vô tận, biện tài vô tận. Ngay khi ấy phát sinh sự hoan hỷ thù thắng vì được diệu tuệ, được diệu trí và không còn lưới nghi.
Lúc Phật nói môn Tổng trì này, tám ngàn Bồtát đều được đầy đủ các pháp không nhập vào tất cả pháp môn Đà-la-ni như vậy. Lại có một vạn hai ngàn Bồ-tát được không thoái chuyển, năm ngàn Bồ-tát được Vô sinh nhẫn. Một vạn sáu ngàn chúng Thiên tử xa lìa trần cấu, sinh mắt pháp thanh tịnh, vô lượng, vô biên các loài hữu tình đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột.
Bấy giờ, Phật bảo Tịch Tĩnh Tuệ rằng:
–Đà-la-ni này có thể chinh phục các ma, đánh dẹp ngoại đạo, phá hoại người ghét pháp, đốt đèn Bát-nhã, diệt lửa phiền não, ủng hộ người thuyết pháp đưa họ đến Niết-bàn, điều phục nội tâm, khéo léo giáo hóa chúng sinh, dung nghi nghiêm chỉnh, người thấy vui mừng. Vì người chánh hạnh, bình đẳng thuyết pháp, quán sát như thật căn tánh hữu tình, truyền pháp đúng lúc chẳng phải trước, chẳng phải sau.
Khi Phật nói các công đức như thế, trong thế giới ba lần ngàn, tất cả biển cả, núi chúa Diệu cao, đất liền, các núi khác... đều chấn động. Bấy giờ, trời rưới hoa Vi diệu âm, hoa Đại vi diệu âm, hoa Diệu linh thụy, hoa Đại diệu linh thụy, hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, hoa ca-mạt-la. Trong không trung, chư Thiên trổi các kỹ nhạc.
Đức Thế Tôn lại bảo Tịch Tĩnh Tuệ rằng:
–Thiện nam, vô lượng, vô biên, vô số kiếp quá khứ không thể nghĩ bàn, có Đức Phật ra đời tên là Bảo Nguyệt, đầy đủ mười hiệu, cõi nước tên Vô hủy, kiếp tên là Hủy tán. Đệ tử Thanh văn ba mươi hai ức, đệ tử Bồ-tát vô lượng, vô biên. Nhưng Đức Như Lai ấy trước đó không có khổ hạnh và hàng phục các ma mà chứng Bồ-đề.
Khi ấy, trong chúng kia có một Bồ-tát tên Bảo Công Đức đủ biện tài kỳ diệu, có thể vì hữu tình nói nhiều loại pháp. Khi đó, các chúng thỉnh cầu Đức Như Lai ấy đừng vào Niết-bàn, trụ lâu ở đời. Bảo Công Đức bảo đại chúng rằng:
–Chư Phật Thế Tôn không sinh, không diệt, cần gì khuyến thỉnh chớ vào Niết-bàn. Nếu hư không ấy vào Niết-bàn thì Như Lai mới có thể vào Đại Niết-bàn. Nếu có chân như, pháp giới, thật tế, cảnh giới chẳng nghĩ bàn vào Niết-bàn thì Như Lai mới có thể vào Đại Niết-bàn. Vì sao? Vì pháp của Như Lai không thành không hoại, không nhiễm, không tịnh, chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn. Giả sử một miệng mà có mười lưỡi, mỗi mỗi lưỡi này lại sinh ra một trăm lưỡi, mỗi lưỡi này lại sinh ra ngàn lưỡi cũng không thể nói Như Lai thành hay hoại, cho đến không thể nói có thường hay đoạn. Vì sao đại chúng lại thỉnh cầu Như Lai chớ vào Niết-bàn để trụ lâu ở đời?
Khi Bảo Công Đức ấy thuyết pháp này, tám vạn sáu ngàn các chúng Bồ-tát được không thoái chuyển, bảy ngàn chúng Đại Bồ-tát đều được tất cả pháp môn Đà-la-ni Vô biên công đức, Đà-la-ni Duyệt ý, Đà-la-ni Vô ngại, Đà-la-ni Hoan hỷ, Đàla-ni Đại bi, Đà-la-ni Nguyệt ái, Đà-la-ni Nguyệt quang, Đà-la-ni Nhật ái, Đà-la-ni Nhật quang, Đàla-ni Núi chúa Diệu cao, Đà-la-ni Biển cả sâu rộng, Đà-la-ni Công đức bảo vương. Ba vạn sáu ngàn trời, người đại chúng xa lìa trần cấu, sinh mắt pháp thanh tịnh.
Thế Tôn lại bảo Tịch Tĩnh Tuệ rằng:
–Bảo Công Đức ngày xưa nay chính là ông. Do nguyên nhân này ông có thể nói được các loại công đức của tất cả pháp môn Đà-la-ni này.
Khi ấy, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi nói bài tụng rằng:
Tổng trì như thuốc hay Chữa được các bệnh mê Cũng như cam lồ thiên Ai uống thường an vui.
Khi ấy, Đại Bồ-tát Công Đức Hoa Vương lại nói bài tụng rằng:
Tổng trì không văn tự
Văn tự hiển tổng trì Nhờ Bát-nhã đại Bi Ly ngôn làm ngôn thuyết.
Bấy giờ, San-đổ-sử-đa Thiên vương liền từ tòa đứng dậy, đảnh lễ chân Phật mặc y che vai trái, gối phải chấm đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: –Công đức của chư Phật không thể nghĩ bàn, những điều Phật nói không thể nghĩ bàn. Các Đại Bồ-tát đã hành thắng hạnh, đã thuyết diệu pháp không thể nghĩ bàn, chúng ta nhờ đời trước đã trồng căn lành sâu dày, được gặp Như Lai nghe thuyết diệu pháp thâm sâu như vậy, liền đem vô lượng hương hoa tốt đẹp của trời rải dâng lên Như Lai để cúng dường.
Bấy giờ, Phật bảo Thiên vương kia rằng:
–Thiên vương nên biết, các cõi cúng dường Phật Thế Tôn phải tu ba pháp: Một là phát tâm Bồđề; hai là hộ trì Chánh pháp; ba là như pháp tu hành.
Thiên vương nên biết, nếu người nào có thể tu học ba pháp này mới được gọi là chân thật cúng dường Phật. Giả sử Như Lai trụ đời một kiếp nói về công đức do sự cúng dường này thu được cũng không thể hết. Vì thế Thiên vương, nếu ai muốn cúng dường Đức Phật Thế Tôn mà đủ ba pháp ấy gọi là chân thật cúng dường.
Thiên vương nên biết, nếu có ủng hộ Đức Phật dù chỉ là một bài tụng bốn câu thời là ủng hộ quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đã chứng. Vì sao? Vì quả vị Giác ngộ cao tột mà chư Phật Thế Tôn đã chứng là từ pháp sinh. Người cúng dường pháp gọi là chân cúng dường là sự cúng dường đệ nhất, hơn hết trong các sự cúng dường, sự cúng dường của cải chẳng thể sánh bằng.
Thiên vương nên biết, Ta nhớ về quá khứ vô lượng, vô số kiếp không thể nghĩ bàn, lúc tinh tấn siêng năng tu học đạo Bồ-tát, nghe chư Thiên trong hư không nói bài kệ rằng:
Hai người xa lìa vua các giặc,
Kho báu lớn không bị xâm nhập Trăm ngàn vạn kiếp khó nghe pháp, Được nghe không giữ, chẳng giảng dạy Tâm đại Bồ-đề hộ chánh pháp.
Như pháp tu hành tâm vắng lặng Tự lợi, lợi tha tâm bình đẳng,
Đây mới gọi chân cúng dường Phật.
Thiên vương nên biết, ở quá khứ khi mới nghe bài tụng này Ta liền vì người nói. Khi ấy, có tám ngàn các loài hữu tình đồng phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột. Thế nên Thiên vương dùng pháp cúng dường là tối thắng đệ nhất. Vì sao? Vì quả vị Giác ngộ cao tột của chư Phật do pháp mà xuất sinh vậy.
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]