SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ X

Phẩm Lý thú của Bát-nhã
(QUYỂN 578)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 578

Phẩm Lý thú của Bát-nhã

Tôi nghe như vầy:

Một lúc nọ, Đức Bạc-già-phạm, Bậc đã thành tựu hoàn hảo tất cả các loại công đức hy hữu thù thắng, đạt được tánh trí bình đẳng của Như Lai, giữ tâm an trụ vững chắc như kim cương, đã hoàn toàn đạt được tất cả mão báu quán đảnh của Như Lai, vượt qua ba cõi, đã hoàn toàn đạt được tất cả trí Kim cang của Như Lai, quán sát cùng khắp một cách tự tại, đã viên mãn tất cả ấn trí vi diệu, quyết định các pháp của Như Lai, đã chứng hoàn toàn tất cả ấn bình đẳng, tánh hoàn toàn vắng lặng của Như Lai, đã thành tựu tốt đẹp tất cả các việc cần làm, có thể thỏa mãn đầy đủ tất cả các ước nguyện lành mạnh của các hữu tình, đã khéo giữ vững hành vi, ngôn ngữ, tâm tánh chiếu soi cùng khắp không có gián đoạn một cách bình đẳng trong ba đời. Các vị Như Lai không lay động, không hư hoại, giống như kim cang.

Đấng Bạc-già-phạm cư trú trong cung của trời Tha hóa tự tại ở đỉnh cõi Dục, đó là nơi tất cả các vị Như Lai thường ở đó và đều khen là cung điện xinh đẹp, quý báu. Cung điện này được làm bằng châu báu vô giá, được trang trí bằng đủ loại trân châu kỳ lạ, đủ các màu sắc giao nhau phát ánh sáng rực rỡ; chuông báu, linh vàng được treo ở khắp nơi, gió thổi nhè nhẹ làm chúng phát ra âm thanh hòa nhã. Nơi ấy còn được trang trí bằng đủ các thứ như: lọng thêu, cờ hiệu bằng lụa, cờ hoa, phất trần làm bằng tơ năm màu, chuỗi anh lạc bằng châu báu, hình mặt trăng hoặc vành bán nguyệt… được chư Thiên, Hiền thánh yêu thích.

Đấng Bạc-già-phạm cư trú ở trong đó cùng với tám mươi ức vị Đại Bồ-tát. Tất cả đều đầy đủ pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, có biện tài vô ngại và vô lượng công đức như vậy, dù ca ngợi suốt nhiều kiếp cũng không thể hết. Tên của các vị ấy là: Đại Bồ-tát Kim Cang Thủ, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại, Đại Bồ-tát Hư Không Tạng, Đại Bồ-tát Kim Cang Quyền, Đại Bồ-tát Diệu Kiết Tường, Đại Bồ-tát Đại Không Tạng, Đại Bồ-tát Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân, Đại Bồ-tát Tồi Phục Nhất Thiết Ma Oán. Các bậc Thượng thủ này có tám vạn chúng Đại Bồ-tát vây xung quanh, giảng nói pháp đầu-giữa-cuối đều thiện, văn nghĩa thiện xảo, thuần nhất, viên mãn, phạm hạnh trong sạch.

Lúc ấy, vì các Bồ-tát, Thế Tôn nói pháp môn Bát-nhã rất thanh tịnh, lý thú sâu xa, vi diệu so với tất cả pháp khác. Pháp môn này chính là ý nghĩa của Bồ-tát.

Thế nào là ý nghĩa của Bồ-tát?

Sự thanh tịnh hết sức an lạc là nghĩa của Bồtát. Sự thanh tịnh do các kiến chấp được dứt trừ vĩnh viễn là nghĩa của Bồ-tát. Sự vui thích vi diệu thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát. Sự thanh tịnh do khát ái được dứt trừ vĩnh viễn là nghĩa của Bồ-tát. Sự thanh tịnh siêu việt của thai tạng là nghĩa của Bồ-tát. Các đức trang nghiêm thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát. Ý hết sức tốt đẹp thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát. Được ánh sáng lớn thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát. Thân hoàn toàn an lạc thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát. Ngôn ngữ hoàn toàn an lạc thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát. Ý hoàn toàn an lạc thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Sắc uẩn vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồtát; thọ, tưởng, hành, thức uẩn vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Nhãn xứ hoàn toàn vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Sắc xứ vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ- tát; thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Nhãn giới vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Sắc giới vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồtát; thanh, hương, vị, xúc, pháp giới vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Nhãn thức giới vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Nhãn xúc vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồtát; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Các thọ do nhãn xúc làm duyên sinh ra vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sinh ra vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Địa giới vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồtát; thủy, hỏa, phong, không, thức giới vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Thánh đế khổ vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; Thánh đế nói về nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ, con đường diệt khổ vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Nhân duyên vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Vô minh vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồtát; hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Bố thí ba-la-mật-đa vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Chân như vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồtát; pháp giới, pháp tánh, tánh không hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sinh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới không thể nghĩ bàn vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Bốn Tĩnh lự vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Bốn Niệm trụ vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy chi Đẳng giác, tám chi Thánh đạo vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Pháp môn giải thoát Không vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; pháp môn giải thoát Vô tướng, Vô nguyện vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Tám Giải thoát vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; tám Thắng xứ, chín Định thứ đệ, mười Biến xứ vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Bậc Cực hỷ vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Bậc Tịnh quán vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; bậc Chủng tánh, bậc Đệ bát, bậc Cụ kiến, bậc Bạc, bậc Ly dục, bậc Dĩ biện, bậc Độc giác, bậc Bồ-tát, bậc Như Lai vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Tất cả pháp môn Đà-la-ni vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; tất cả pháp môn Tam-ma-địa vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Năm loại mắt vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; sáu phép thần thông vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Mười lực của Như Lai vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; bốn bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười tám pháp Phật bất cộng vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Ba mươi hai tướng tốt vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; tám mươi vẻ đẹp vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Pháp không quên mất vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; tánh luôn luôn xả vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; tất cả hạnh của Đại Bồ-tát vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Quả vị Giác ngộ cao tột vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát; tất cả pháp của phàm phu vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Tất cả pháp của Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, Ala-hán, Độc giác, Bồ-tát, Như Lai vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Tất cả pháp thiện ác vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Tất cả các pháp hữu ký, vô ký, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, thế gian, xuất thế gian vắng lặng thanh tịnh là nghĩa của Bồ-tát.

Vì sao vậy? Do tự tánh của tất cả các pháp rỗng không nên tự tánh xa lìa. Do xa lìa nên tự tánh vắng lặng. Do vắng lặng nên tự tánh thanh tịnh. Do thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa rốt ráo thanh tịnh. Như vậy nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa là nghĩa của Bồ-tát. Các chúng Bồ-tát đều phải tu học pháp này.

Sau khi nói pháp môn Bát-nhã thanh tịnh lý thú là nghĩa của Bồ-tát, Đức Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ rằng:

–Nếu người nào nghe pháp môn Bát-nhã thanh tịnh lý thú sâu xa vi diệu so với tất cả pháp này mà tin tưởng, thọ trì thì cho đến khi được ngồi tòa Bồđề vi diệu; tất cả sự chướng ngại đều không thể làm nhiễm ô người ấy; nghĩa là phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng tuy tích tập rất nhiều nhưng không thể làm nhiễm ô người ấy. Tuy tạo những nghiệp ác rất nặng nhưng dễ tiêu diệt và không đọa đường ác. Nếu có thể thọ trì hàng ngày, siêng năng đọc tụng không gián đoạn, tư duy đúng lý thì ngay trong đời này người ấy chắc chắn sẽ đạt được định Kim cang, có tánh bình đẳng đối với tất cả các pháp, được tự tại đối với tất cả các pháp, thường hưởng thọ tất cả các thú vui thù thắng, trải qua mười sáu đời làm Đại Bồ-tát, chắc chắn sẽ đạt được tánh Kim cang của Như Lai và mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy, Thế Tôn lại dựa vào tướng chiếu sáng cùng khắp của Như Lai, vì các Bồ-tát mà giảng nói Bát-nhã-ba-la-mật-đa có pháp tánh vắng lặng, lý thú sâu xa của tất cả Như Lai để hiện bày Đẳng giác:

–Vì đại Bồ-đề chắc thật khó hư hoại như kim cang nên biểu hiện Đẳng giác bằng tánh bình đẳng như kim cang.

Vì đại Bồ-đề chỉ có một nghĩa nên biểu hiện Đẳng giác bằng tánh bình đẳng của nghĩa.

Vì đại Bồ-đề có tự tánh thanh tịnh nên biểu hiện Đẳng giác bằng tánh bình đẳng của pháp.

Vì đại Bồ-đề không phân biệt đối với tất cả pháp nên biểu hiện Đẳng giác bằng tánh bình đẳng của tất cả pháp.

Sau khi nói pháp Bát-nhã có pháp tánh lý thú vắng lặng để hiện bày cửa Đẳng giác xong, Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ rằng:

–Nếu người nào nghe bốn cách hiện bày Đẳng giác của pháp Bát-nhã lý thú này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì cho đến khi được ngồi tòa Bồ-đề vi diệu, tuy tạo tất cả nghiệp ác rất nặng nhưng có thể vượt qua tất cả đường ác, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy Thế Tôn nương vào tướng Năng nhân Tịch mặc điều phục tất cả các pháp ác của Như Lai để giảng cho các Bồ-tát nghe pháp Bát-nhã ba-lamật-đa, pháp môn tối thắng bao gồm tất cả pháp có tánh bình đẳng, lý thú sâu xa. Đó là:

Do tánh tham dục không hý luận nên tánh sân hận cũng không lý luận.

Do tánh sân hận không hý luận nên tánh ngu si cũng không hý luận.

Do tánh ngu si không hý luận nên tánh do dự cũng không lý luận.

Do tánh do dự không hý luận nên tánh các kiến chấp cũng không lý luận.

Do tánh các kiến chấp không hý luận nên tánh kiêu mạn cũng không lý luận.

Do tánh kiêu mạn không hý luận nên tánh trói buộc cũng không lý luận.

Do tánh trói buộc không hý luận nên tánh cấu bẩn phiền não cũng không lý luận.

Do tánh cấu bẩn phiền não không hý luận nên tánh các nghiệp ác cũng không lý luận.

Do tánh các nghiệp ác không hý luận nên tánh các quả báo cũng không lý luận.

Do tánh các quả báo không hý luận nên tánh các pháp tạp nhiễm cũng không lý luận.

Do tánh các pháp tạp nhiễm không hý luận nên tánh các pháp thanh tịnh cũng không lý luận.

Do tánh các pháp thanh tịnh không hý luận nên tánh tất cả các pháp cũng không lý luận.

Do tánh tất cả các pháp không hý luận nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không lý luận.

Sau khi nói pháp môn Bát-nhã lý thú, tối thắng, điều phục các ác xong, Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:

–Nếu người nào được nghe pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa lý thú sâu xa này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì giả sử người ấy có giết hại tất cả hữu tình trong ba cõi cũng không do đó mà đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Do có thể điều phục tất cả phiền não, tùy phiền não và nghiệp ác nên người ấy thường sinh đường lành, thọ thú vui thù thắng, tu các hạnh Đại Bồ-tát và mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy Thế Tôn lại dùng tướng Như Lai thanh tịnh đặc biệt để giảng nói cho các Bồ-tát nghe Bátnhã ba-la-mật-đa là pháp môn thanh tịnh lý thú sâu xa, có ấn Diệu trí, có thể quán sát tánh bình đẳng của các pháp một cách tự tại, nghĩa là:

Do tất cả tham dục vốn có tánh thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh sự sân hận của thế gian.

Tất cả sự sân hận vốn có tánh thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh sự ngu si của thế gian.

Tất cả sự ngu si vốn có tánh thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh sự nghi ngờ của thế gian.

Tất cả sự nghi ngờ, vốn có tánh thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh kiến chấp của thế gian.

Tất cả kiến chấp vốn có tánh thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh sự kiêu mạn của thế gian.

Tất cả sự kiêu mạn vốn có tánh thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh sự trói buộc của kết sử ở thế gian.

Tất cả sự trói buộc của kết sử vốn có tánh thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh sự dơ bẩn của thế gian.

Tất cả sự dơ bẩn vốn có tánh thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh các pháp ác của thế gian.

Tất cả các pháp ác vốn có tánh thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh sự sinh tử của thế gian.

Tất cả sự sinh tử vốn có tánh thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh các pháp của thế gian.

Tất cả các pháp vốn có tánh thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh các hữu tình ở thế gian.

Tất cả các hữu tình vốn có thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm thanh tịnh trí Nhất thiết của thế gian.

Do trí Nhất thiết vốn có thanh tịnh, chiếu sáng cùng khắp nên có thể làm cho Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa hết sức thanh tịnh.

Sau khi giảng pháp Bát-nhã lý thú thanh tịnh có ấn trí bình đẳng như vậy, Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ rằng:

–Nếu người nào được nghe Bát-nhã ba-la-mậtđa thanh tịnh lý thú này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì tuy ở trong đống khách trần phiền não dơ bẩn là tham, sân, si nhưng vị ấy cũng như hoa sen, không bị tất cả lầm lỗi dơ bẩn ở bên ngoài làm nhiễm ô, thường tu tập hạnh Bồ-tát, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy Thế Tôn lại nương vào tướng làm chủ tối cao của tất cả ba cõi mà giảng nói cho các Bồtát nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa là pháp môn trí tạng lý thú sâu xa, hòa hợp, quán đảnh của tất cả Như Lai, nghĩa là:

Do đem bố thí ngôi vị Quán đảnh của thế gian nên được quả vị Vua pháp ở ba cõi.

Do bố thí nghĩa Vô thượng xuất thế gian nên được đầy đủ tất cả các ước nguyện.

Do bố thí pháp Vô thượng xuất thế gian nên được tự tại đối với tất cả các pháp.

Do bố thí của cải, thức ăn của thế gian nên được tất cả sự an vui nơi thân, miệng, ý.

Do bố thí các loại tài, pháp nên Bố thí ba-lamật-đa sớm được viên mãn.

Do thọ trì các loại giới cấm hoàn toàn thanh tịnh nên làm cho Tịnh giới ba-la-mật-đa mau được viên mãn.

Do tu học an nhẫn đối với mọi việc nên làm cho An nhẫn ba-la-mật-đa mau được viên mãn.

Do tinh tấn tu tập trong mọi lúc nên có thể làm cho Tinh tấn ba-la-mật-đa mau được viên mãn.

Do tu hành thiền định trong mọi hoàn cảnh nên làm cho Tĩnh lự ba-la-mật-đa mau được viên mãn. Do thường tu tập trí tuệ vi diệu đối với tất cả các pháp nên làm cho Bát-nhã ba-la-mật-đa mau được viên mãn.

Sau khi nói pháp môn Bát-nhã quán đảnh, pháp môn Trí tạng lý thú xong, Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ rằng:

–Nếu có người nào được nghe pháp môn Trí tạng quán đảnh, lý thú sâu xa này mà tin hiểu, thọ trí, đọc tụng, tu tập thì sẽ sớm đầy đủ các hạnh Bồtát, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy Thế Tôn lại dựa vào tướng nắm giữ tất cả pháp môn bí mật của Phật và ấn trí của tất cả Như Lai để giảng cho các Bồ-tát nghe Bát-nhã bala-mật-đa, pháp môn Kim cang lý thú sâu xa có ấn trí mà tất cả Như Lai nắm giữ, nghĩa là:

Nếu giữ gìn đầy đủ ấn thân kim cang của tất cả Như Lai thì sẽ chứng pháp thân của tất cả Như Lai. Nếu giữ gìn đầy đủ ấn ngôn ngữ kim cang của tất cả Như Lai thì sẽ được tự tại đối với tất cả các pháp.

Nếu giữ gìn đầy đủ ấn tâm kim cang của tất cả Như Lai thì sẽ được tự tại đối với tất cả các tầng định.

Nếu giữ gìn đầy đủ ấn trí kim cang của tất cả Như Lai thì có thể đạt được thân, miệng, ý vi diệu bậc nhất, không bị lay động, không hư hoại, giống như kim cang.

Sau khi nói pháp Kim cang Bát-nhã lý thú có ấn trí của Như Lai xong, Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ rằng:

–Nếu có người nào nghe pháp môn kim cang lý thú sâu xa có ấn trí này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì có thể thành tựu mọi sự nghiệp, thường hòa hợp với tất cả các việc thù thắng. Tất cả thắng trí và thắng phước mà vị ấy mong tu hành đạt được đều sớm viên mãn; sẽ đạt được thân, ngữ, ý thanh tịnh bậc nhất, không thể bị pháp hoại, giống như kim cang và mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy, Thế Tôn dựa vào tướng tất cả pháp không hý luận của Như Lai để giảng cho các Bồtát nghe pháp Bát-nhã ba-la-ma-đa, pháp môn Luân chuyển lý thú sâu xa, nghĩa là:

Tất cả các pháp rỗng, vì không có tự tánh.

Tất cả các pháp không có tướng, vì lìa các tướng.

Tất cả các pháp không có nguyện, vì không có điều ước nguyện.

Tất cả các pháp xa lìa, vì không có chỗ dính mắc.

Tất cả các pháp vắng lặng, vì vĩnh viễn tịch diệt.

Tất cả các pháp vô thường, vì tánh thường rỗng không.

Tất cả các pháp không vui, vì chẳng thể vui.

Tất cả các pháp vô ngã, vì không được tự tại.

Tất cả các pháp không sạch, vì lìa tướng sạch.

Tất cả các pháp chẳng thể nắm bắt được, vì không thể tìm được tánh của chúng.

Tất cả các pháp không thể nghĩ bàn, vì tánh nó không thực có.

Tất cả các pháp không thực có, vì do các duyên hòa hợp mà giả đặt ra.

Tất cả các pháp không hý luận, vì bản tánh vắng lặng, lìa lời nói.

Tất cả các pháp bàn tánh thanh tịnh, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có bản tánh thanh tịnh.

Sau khi giảng pháp Bát-nhã luân chuyển lý thú, không có các hý luận này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì đạt được trí vô ngại đối với tất cả các pháp, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy, Thế Tôn lại dựa vào tướng luân chuyển, thu phục của tất cả Như Lai mà giảng cho các Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa có tánh bình đẳng lý thú sâu xa, luân chuyển rộng khắp, nghĩa là:

Nhập vào tánh bình đẳng kim-cương, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả Như Lai.

Nhập vào tánh bình đẳng của nghĩa, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả Bồ-tát.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp.

Nhập vào tánh bình đẳng của uẩn, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả uẩn.

Nhập vào tánh bình đẳng của xứ, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả xứ.

Nhập vào tánh bình đẳng của giới, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả giới.

Nhập vào tánh bình đẳng của sự chân thật, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả sự chân thật.

Nhập vào tánh bình đẳng của duyên khởi, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả duyên khởi.

Nhập vào tánh bình đẳng của châu báu, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả châu báu.

Nhập vào tánh bình đẳng của thức ăn, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả thức ăn.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp lành, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp lành.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp ác, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp ác.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp hữu ký, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp hữu ký.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp vô ký, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp vô ký.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp hữu lậu, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp hữu lậu.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp vô lậu, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp vô lậu.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp hữu vi, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp hữu vi.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp vô vi, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp vô vi.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp thế gian, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp thế gian.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp xuất thế gian, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp xuất thế gian.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp chúng sinh, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp chúng sinh.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp Thanh văn, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp Thanh văn.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp Độc giác, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp Độc giác.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp Bồ-tát, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp Bồtát.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp Như Lai, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp Như Lai.

Nhập vào tánh bình đẳng của pháp hữu tình, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả pháp hữu tình.

Nhập vào tánh bình đẳng của tất cả, do có thể nhập vào bánh xe tánh của tất cả.

Sau khi nói pháp Bát-nhã có tánh bình đẳng, lý thú, luân chuyển rộng khắp này, Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ rằng:

–Nếu ai nghe pháp môn có tánh bình đẳng, luân chuyển, lý thú sâu xa này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì có thể giác ngộ hoàn toàn các tánh bình đẳng, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy, Thế Tôn lại dựa vào tướng ruộng phước chân thật thọ nhận sự cúng dường của tất cả để giảng cho các Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mậtđa, pháp môn Vô thượng lý thú sâu xa, tất cả đều cúng dường, nghĩa là:

Phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Giữ gìn chánh pháp để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Tu hành tất cả các Ba-la-mật-đa để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Tu hành tất cả các pháp phần Bồ-đề để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Tu hành tất cả tổng trì, đẳng trì để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Tu hành tất cả năm loại mắt, sáu pháp thần thông để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Tu hành tất cả các tĩnh lự, giải thoát để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Tu hành tất cả Từ, Bi, Hỷ, Xả để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Tu hành tất cả pháp bất cộng của Phật để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Quán sát tất cả pháp hoặc thường, hoặc vô thường, đều chẳng thể nắm bắt được, để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Quán sát tất cả pháp hoặc vui, hoặc khổ, đều chẳng thể nắm bắt được, để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Quán sát tất cả pháp hoặc ngã, hoặc vô ngã, đều chẳng thể nắm bắt được, để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Quán sát tất cả pháp hoặc tịnh, hoặc bất tịnh, đều chẳng thể nắm bắt được, để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Quán sát tất cả pháp hoặc không, hoặc có, đều chẳng thể nắm bắt được, để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Quán sát tất cả pháp hoặc có tướng, hoặc không tướng, đều chẳng thể nắm bắt được, để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Quán sát tất cả pháp hoặc có nguyện, hoặc không nguyện, đều chẳng thể nắm bắt được, để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Quán sát tất cả pháp hoặc xa lìa, hoặc không xa lìa, đều chẳng thể nắm bắt được, để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Quán sát tất cả pháp hoặc vắng lặng, hoặc không vắng lặng, đều chẳng thể nắm bắt được, để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Biên chép, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, giảng nói rộng rãi cho các hữu tình, hoặc tự cúng dường, hoặc chuyển cho người khác để cúng dường rộng rãi đối với các vị Như Lai.

Sau khi nói pháp Vô thượng lý thú sâu xa chân thật cúng dường như vậy, Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ rằng:

–Nếu ai được nghe pháp môn Bát-nhã lý thú, vô thượng, chân thật cúng dường như vậy mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì sớm được viên mãn các hành Bồ-tát, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy, Thế Tôn lại dựa vào tướng khéo điều phục tất cả của Như Lai để giảng cho các Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, pháp môn trí tạng lý thú sâu xa, giữ gìn trí tuệ, điều phục các hữu tình, nghĩa là:

Tất cả hữu tình có tánh bình đẳng, tức là tánh bình đẳng của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh điều phục, tức là tánh điều phục của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh chân pháp, tức là tánh chân pháp của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh chân như, tức là tánh chân như của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh pháp giới, tức là tánh pháp giới của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh ly sinh, tức là tánh ly sinh của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh thật tế, tức là tánh thật tế của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh rỗng không, tức là tánh rỗng không của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh vô tướng, tức là tánh vô tướng của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh vô nguyện, tức là tánh vô nguyện của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh xa lìa, tức là tánh xa lìa của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh vắng lặng, tức là tánh vắng lặng của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh chẳng thể nắm bắt được, tức là tánh chẳng thể nắm bắt được của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh không sở hữu, tức là tánh không sở hữu của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh khó nghĩ bàn, tức là tánh khó nghĩ bàn của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh không hý luận, tức là tánh không hý luận của phẫn nộ.

Tất cả hữu tình có tánh như kim cang, tức là tánh như kim cang của phẫn nộ.

Vì sao vậy? Tánh điều phục chân thật của tất cả hữu tình tức là quả vị Giác ngộ cao tột, cũng là Bátnhã ba-la-mật-đa, cũng là trí Nhất thiết trí của chư Phật.

Sau khi giảng nói pháp môn Trí tạng lý thú sâu xa có thể khéo điều phục như vậy, Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ rằng:

–Người nào được nghe pháp môn Trí tạng Bátnhã lý thú khéo điều phục này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì có thể tự điều phục lỗi sân hận của mình, cũng có thể điều phục tất cả hữu tình, thường sinh đường lành, hưởng các thú vui vi diệu, phát sinh lòng Từ bi đối với những kẻ thù địch hiện đời, khéo tu hành các hạnh Bồ-tát và sớm chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy, Thế Tôn lại dựa vào tướng pháp bình đẳng có thể khéo kiến lập của Như Lai để giảng cho các Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, pháp môn tối thắng lý thú sâu xa bao gồm tất cả pháp tánh, nghĩa là:

Do tất cả hữu tình có tánh bình đẳng, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng có tánh bình đẳng.

Do tất cả các pháp có tánh bình đẳng, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng có tánh bình đẳng.

Do tất cả hữu tình có tánh điều phục, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng có tánh điều phục.

Do tất cả các pháp có tánh điều phục, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng có tánh điều phục.

Do tất cả hữu tình có nghĩa chân thật, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng có nghĩa chân thật.

Do tất cả các pháp có nghĩa chân thật, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng có nghĩa chân thật.

Do tất cả hữu tình tức là chân như, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là chân như.

Do tất cả các pháp tức là chân như, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là chân như.

Do tất cả hữu tình tức là pháp giới, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là pháp giới.

Do tất cả các pháp tức là pháp giới, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là pháp giới.

Do tất cả hữu tình tức là pháp tánh, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là pháp tánh.

Do tất cả các pháp tức là pháp tánh, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là pháp tánh.

Do tất cả hữu tình tức là thật tế, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là thật tế.

Do tất cả các pháp tức là thật tế, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là thật tế.

Do tất cả hữu tình vốn rỗng không, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vốn rỗng không.

Do tất cả các pháp vốn rỗng không, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa vốn rỗng không.

Do tất cả hữu tình tức là vô tướng, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là vô tướng.

Do tất cả các pháp tức là vô tướng, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là vô tướng.

Do tất cả hữu tình tức là vô nguyện, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là vô nguyện.

Do tất cả các pháp tức là vô nguyện, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là vô nguyện.

Do tất cả hữu tình tức là xa lìa, nên Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa tức là xa lìa.

Do tất cả các pháp tức là xa lìa, nên Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa tức là xa lìa.

Do tất cả hữu tình tức là vắng lặng, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là vắng lặng.

Do tất cả các pháp tức là vắng lặng, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa tức là vắng lặng.

Do tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chẳng thể nắm bắt được.

Do tất cả các pháp chẳng thể nắm bắt được, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chẳng thể nắm bắt được.

Do tất cả hữu tình không thật có, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không sở hữu.

Do tất cả các pháp không thật có, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không sở hữu.

Do tất cả hữu tình không thể nghĩ bàn, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể nghĩ bàn.

Do tất cả các pháp không thể nghĩ bàn, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể nghĩ bàn.

Do tất cả hữu tình không hý luận, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không hý luận.

Do tất cả các pháp không hý luận, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không hý luận.

Do tất cả hữu tình không có giới hạn, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa không có giới hạn.

Do tất cả các pháp không có giới hạn, nên Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa không có giới hạn.

Do tất cả hữu tình có nghiệp dụng, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có nghiệp dụng.

Do tất cả các pháp có nghiệp dụng, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có nghiệp dụng.

Sau khi nói pháp tối thắng lý thú sâu xa có tánh bình đẳng như vậy, Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:

–Người nào nghe pháp Bát-nhã tối thắng lý thú bình đẳng như vậy mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì có thể thông đạt Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có pháp tánh bình đẳng, tâm không bị ngăn ngại đối với các hữu tình và mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy, Thế Tôn lại nương theo tướng nắm giữ tất cả pháp tạng của Như Lai mà giảng nói cho các Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, pháp môn Thắng tạng, lý thú sâu xa rộng khắp, nắm giữ tất cả hữu tình, nghĩa là:

Tất cả hữu tình đều có Như Lai tạng do tự thể của Bồ-tát Phổ Hiền biến ra.

Tất cả hữu tình đều có Kim cang tạng, do được Kim cang tạng tưới ướp.

Tất cả hữu tình đều có Chánh pháp tạng, do tất cả đều chuyển vận theo Chánh ngữ.

Tất cả hữu tình đều có Diệu nghiệp tạng vì tất cả sự nghiệp gia hạnh đều nương tựa vào.

Sau khi giảng pháp Thắng tạng lý thú sâu xa năm giữ tất cả hữu tình như vậy, Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ:

–Nếu người nào được nghe pháp môn Thắng tạng Bát-nhã lý thú sâu xa rộng khắp này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì có thể thông đạt pháp tánh Thắng tạng, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy, Thế Tôn lại dựa vào tướng rốt ráo không có giới hạn của Như Lai để giảng cho các Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa, pháp môn Kim cang bình đẳng nắm giữ rốt ráo pháp nghĩa, nghĩa là:

Do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vô biên nên tất cả Như Lai cũng vô biên.

Do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có giới hạn nên tất cả Như Lai cũng không có giới hạn.

Do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chỉ có một vị nên tất cả pháp chỉ có một vị.

Do Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là cứu cánh nên tất cả các pháp cũng là cứu cánh.

Sau khi nói pháp Kim cang lý thú rốt ráo không có giới hạn như vậy, Phật bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ rằng:

–Nếu người nào được nghe pháp môn Kim cang Bát-nhã lý thú rốt ráo như vậy mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu tập thì tất cả các pháp chướng ngại đều bị tiêu diệt, chắc chắn sẽ được nắm giữ tánh Kim cang cúng dường của Như Lai và mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy, Thế Tôn lại dựa vào tướng chiếu khắp của Như Lai để giảng nói cho các Bồ-tát nghe pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, pháp môn Vô thượng lý thú sâu xa đạt được pháp tánh bí mật của các vị Như Lai, đạt được tánh không hý luận của tất cả các pháp và tánh kim-cang vui tột có thần chú Kim cang, có các địa vị đầu, giữa, cuối cao tột, nghĩa là: Do ý muốn lớn phát triển cùng tột nên niềm vui lớn của Đại Bồ-tát cũng thành tựu cùng tột.

Do niềm vui lớn thành tựu cùng tột nên sự giác ngộ lớn của Đại Bồ-tát và tất cả Như Lai cũng thành hoàn hảo.

Do sự giác ngộ lớn của tất cả Như Lai thành tựu hoàn hảo nên sự chế phục tất cả quân ma lớn của Đại Bồ-tát cũng thành tựu hoàn hảo.

Do sự tự chủ khắp ba cõi của Đại Bồ-tát thành tựu hoàn hảo nên việc cứu vớt hữu tình, làm an lạc lợi ích hữu tình, làm cho tất cả hữu tình đều rất an vui cũng thành tựu hoàn hảo.

Vì sao vậy? Cho đến có bậc thắng trí an trụ trong sinh tử thường dùng pháp không gì sánh bằng làm lợi ích hữu tình, chứ không nhập Niếtbàn tịch diệt.

Lại dùng phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-lamật-đa để thành lập thắng trí, khéo hoàn tất tất cả các sự nghiệp thanh tịnh, làm cho các cõi đều được thanh tịnh, lại dùng tham… để điều phục thế gian một cách thường xuyên, rộng khắp, cho đến khi các cõi đều thanh tịnh và được điều phục một cách tự nhiên.

Lại như hoa sen có hình sắc xinh đẹp, sạch sẽ, không bị tất cả vật dơ bẩn làm ô nhiễm; cũng vậy, vị ấy dùng ý muốn ô nhiễm, cũng vậy, vị ấy dùng ý muốn để lợi lạc thế gian, nhưng không bi các lầm lỗi làm nhiễm ô.

Lại làm cho ý muốn lớn trở nên thanh tịnh, an vui, có nhiều của cải, làm chủ ba cõi, thường làm lợi ích các hữu tình một cách chắc chắn.

Lúc ấy, Như Lai liền nói thần chú:

–Nạp mộ bạc già phạt đế (1) bát thứ hoại, ba la nhị đa duệ (2) bạc để phiệt thát la duệ (3) yểm bả lý nhị đa cũ noa duệ (4) tát phược đát tha yết đa bả lý bố thị đa duệ (5) tát phược đát tha yết đa nô hoại đa nô hoại đa bật hoại đa duệ (6) đát diệt tha (7) bát thứ nhế bát thứ nhế (8) mạc ha bát thứ nhế (9) bát thứ hoại bà bà yết lệ (10) bát thứ hoại lộ ca yết lệ (11) án đà ca la tỳ đàm mạc nê (12) tất đệ (13) tô tất đệ (14) tất điện đô mạn bạc già phiệt để (15) tát phòng già tôn đạt lệ (16) bạt để phiệt thát lệ (17) bát thứ sa lý đa hát tất đế (18) tham ma thấp phược bà yết lệ (19) bột đà bột đà (20) tất đà tất đa (21) kiếm ba kiếm ba (22) thiết la thiết la (23) hạt la phược, hạt la phược (24) a yết xa, a yết xa (25) bạc già phiệt để (26) ma tỳ lạm bà (27) tá ha (28).

Thần chú này chư Phật ba đời đều giảng nói, đều hộ trì. Người nào thọ trì thần chú này thì tất cả chướng ngại đều bị tiêu diệt, mong muốn bất cứ việc gì cũng đều thành tựu, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy, Như Lai lại nói thần chú:

–Nạp mộ bạc già phiệt đế (1) bát thứ hoại ba la nhị đa du (2) đát điệt tha (3) mâu ni đạt kế (4) tăng yết lạc ha đạt kế (5) át nô yết lạc ha đạt kế (6) tỳ mục để, đạt kế (7) tát đà nô yết lạc ha đạt kế (8) phệ thất lạc mạc noa đạt kế (9) tham mạn đa nô bả lý phiệt thứ đát na đạt kế (10) cũ noa tăng yết lạc ha đạt kế (11) tát phược ca la bả lý ba thứ na đạt kế (12) tá ha (13).

Thần chú này là mẹ của chư Phật. Người nào có thể đọc tụng thì tất cả các tội đều tiêu diệt, thường gặp chư Phật, đạt được Túc trụ trí (Túc mạng minh), mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Lúc ấy, Như Lai lại nói thần chú:

–Nạp mô bạc già phiệt đế (1) bát thứ hoại ba la nhị đa du (2) đát điệt tha (3) thất lệ duệ (4) thất lệ duệ (5) thất lệ duệ (6) thất lệ duệ (7) tá ha (8).

Thần chú này đầy đủ oai lực lớn. Người nào thọ trì thì nghiệp chướng sẽ tiêu trừ; chánh pháp hễ nghe qua liền nhớ hết không quên, mau chứng quả vị Giác ngộ cao tột.

Sau khi nói thần chú này xong, Thế Tôn bảo Bồ-tát Kim Cang Thủ rằng:

–Nếu các hữu tình nào mỗi ngày đêm chí tâm lắng nghe, đọc tụng pháp môn Bát-nhã ba-la-mậtđa tối thắng, nghĩa lý sâu xa không có gián đoạn thì các nghiệp chướng ác đều được tiêu diệt, các thú vui thì thắng thường hiện tiền. Hiện đời sẽ đạt được thần chú Đại lạc Kim cang bất không, thành tựu hoàn toàn thần chú Kim cang của tất cả Như Lai, không bao lâu nữa sẽ đạt được tánh của Như Lai và đại chấp Kim cang.

Nếu hữu tình nào chưa trồng căn lành và phát đại nguyện nơi nhiều vị Phật thì không thể lắng nghe, biên chép, đọc tụng, cúng dường, cung kính, tư duy, tu tập pháp môn Bát-nhã ba-la-mậtđa tối thắng, lý thú sâu xa này. Phải trồng căn lành và phát đại nguyện nơi nhiều vị Phật mới có thể lắng nghe một câu một chữ của pháp môn tối thắng, lý thú sâu xa này; huống gì là có thể đọc tụng, thọ trì đầy đủ.

Nếu hữu tình nào cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen tám mươi hằng hà sa ức, trăm ức chư Phật thì mới có thể được nghe đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật-đa lý thú sâu xa này.

Địa phương nào có lưu hành kinh này thì tất cả Trời, Người, A-tố-lạc… đều cúng dường như cúng dường tháp Phật.

Ai để kinh này trong thân, hoặc trên tay thì chư Tiên nhân đều phải lễ lạy.

Hữu tình nào thọ trì kinh này nhiều ức kiếp thì sẽ được trí Túc trụ, thường siêng năng tinh tấn tu các pháp lành; ác ma, ngoại đạo không thể làm hại, bốn Đại thiên vương và Thiên chúng khác luôn theo ủng hộ, trọn đời không bị chết bất đắc kỳ tử, không bị hoạn nạn một cách oan uổng, thường được chư Phật, Bồ-tát cùng nhau hộ trì làm cho thiện tắng ác diệt. Trong mọi lúc tùy theo ước nguyện mà sinh về các cõi Phật, cho đến khi chứng quả Bồ-đề không bị đọa vào đường ác nữa.

Các loài hữu tình thọ trì kinh này chắc chắn sẽ thu được vô số công đức thù thắng.

Nay Ta chỉ nói tóm tắt sơ lược như vậy.

Khi Bạc-già-phạm nói kinh này xong, các Đại Bồ-tát như Kim Cang Thủ và Thiên chúng khác nghe Phật giảng dạy đều hết sức hoan hỷ, ghi nhớ và hành trì.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]