TẠNG KINH
BỘ HOA NGHIÊM(0274-0307)
SỐ 277 - PHẬT NÓI KINH QUÁN PHỔ HIỀN BỒ-TÁT HÀNH PHÁP
Hán dịch: Đàm Vô Mật-đa ở Dương Châu.
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ngự trên giảng đường Trùng các, tinh xá Đại lâm, nước Tỳ-xá-ly, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Này các Tỳ-kheo! Sau ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn.
Tôn giả A-nan liền đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay đi nhiễu quanh Phật ba vòng, lạy Phật, quỳ gối chắp tay chăm chú nhìn Phật, mắt không tạm rời. Trưởng lão Ma-ha Ca-diếp và Đại Bồ-tát Di-lặc cũng đứng dậy, chắp tay lạy Phật và chiêm ngưỡng dung nhan Phật. Ba Đại sĩ đồng bạch Phật: –Bạch Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, chúng sinh làm thế nào để phát tâm Bồ-tát tu hành kinh điển Đại thừa Phương đẳng, chánh niệm suy nghĩ cảnh giới Nhất thật? Làm thế nào không mất tâm Vô thượng bồ-đề? Làm sao không cần dứt bỏ phiền não, lìa năm thứ dục lạc mà thanh tịnh được các căn, diệt trừ các tội, đôi mắt thường thanh tịnh do cha mẹ sinh ra không cần dứt bỏ năm thứ lạc mà vẫn thấy được những việc chướng ngại bên ngoài?
Phật bảo A-nan:
–Này A-nan, hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Xưa kia ở núi Kỳ-xà-quật và những nơi khác, Như Lai đã giải thích rộng về đạo Nhất thật. Giờ đây, tại nơi này, Như Lai sẽ vì những chúng sinh đời vị lai người nào muốn thực hành pháp Đại thừa vô thượng, muốn học và thực hành hạnh Phổ Hiền thì giờ đây ta sẽ nói pháp hãy nghĩ nhớ, nếu thấy hay không thấy được Bồ-tát Phổ Hiền, đều trừ được các tội lỗi. Giờ đây ta sẽ giải thích rộng cho các ông biết.
Này A-nan! Bồ-tát Phổ Hiền sinh tại cõi nước Tịnh diệu ở phương Đông. Hình tướng cõi nước ấy đã nói rộng trong kinh Pháp Hoa, ở đây Như Lai chỉ nói lược.
Này A-nan! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưubà-tắc, Ưu-bà-di, tám bộ, Trời, Rồng và tất cả chúng sinh nào tụng kinh Đại thừa, tu pháp Đại thừa, phát tâm Đại thừa, thích thấy sắc thân Bồtát Phổ Hiền, thích thấy tháp Phật Đa Bảo, thích thấy Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và các Đức Phật phân thân, cũng như muốn được sáu căn thanh tịnh thì phải học pháp quán này. Công đức của pháp quán này trừ được các chướng ngại, thấy được sắc tốt đẹp, không cần nhập Tam-muội, chỉ nhờ đọc tụng, chuyên tâm tu tập liên tục, không rời pháp Đại thừa, từ một ngày đến hai mươi mốt ngày thấy được Bồ-tát Phổ Hiền. Những người nghiệp nặng hơn thì qua bốn mươi chín ngày sẽ được thấy, lại có người nghiệp nặng một đời, hai đời, ba đời… sẽ được thấy. Vì các loại nghiệp báo như thế không đồng nên Như Lai nói khác nhau. Vì người ở cõi Diêm-phù-đề có ba chướng nặng, mà thân tướng, âm thanh, sắc tượng của Bồ-tát Phổ Hiền lại vô biên, nên muốn đến nước này, Bồ-tát phải nhập thần thông tự tại, làm cho thân hình nhỏ đi và dùng sức trí tuệ hóa hiện cõi voi trắng.
Con voi ấy có sáu ngà, bảy chi chống đất, dưới bảy chi có mọc bảy hoa sen. Sắc voi trắng tinh dù núi tuyết pha lê cũng không sánh kịp. Thân voi dài bốn trăm năm mươi do-tuần, cao bốn trăm do-tuần. Ở đầu sáu ngà có sáu ao tắm, trong mỗi ao tắm có bốn mươi hoa sen to bằng cái ao. Hoa ấy nở ra giống như hoa cây Thiên thọ vương. Trên mỗi hoa có một ngọc nữ nhan sắc rực rỡ hơn thiên nữ. Trong tay mỗi ngọc nữ tự nhiên hóa ra năm cây đàn không hầu, mỗi cây có năm trăm nhạc cụ kèm theo. Giữa những lá hoa có năm trăm con chim màu sắc đẹp đẽ như: chim nhạn, con cứu, chim uyên ương đầu có nhiều màu sắc quý báu. Vòi voi có hoa, thân đỏ như trân châu, các hoa màu vàng thì còn búp chưa nở.
Thấy thế, hành giả lại càng sám hối, dốc lòng quán sát và suy nghĩ kỹ và tư duy pháp Đại thừa, tâm không ngừng nghỉ thì thấy hoa nở màu sắc vàng, ánh sáng vàng. Đài hoa làm bằng chất báu chân thúc-ca, nhụy hoa bằng ma-ni diệu phạm, tua hoa bằng châu báu kim cương, Đức hóa Phật ngồi trên đài hoa, rất đông các Bồ-tát ngồi trên tua hoa. Giữa hai đầu chân mày của Đức hóa Phật cũng phát ra ánh sáng vàng đi vào vòi voi, từ vòi voi chiếu ra đi vào mắt voi, từ mắt voi chiếu ra đi vào tai voi, từ tai voi chiếu ra đi lên đầu voi, hóa thành đài vàng. Trên đầu voi có ba vị hóa nhân, một người cầm bánh xe vàng, một người cầm hạt châu ma-ni, một người cầm chày Kim cang và đưa chày lên điều khiển voi. Khi voi đi, chân không sát đất, cách đất bảy thước, lướt nhẹ trên không, nhưng lại có dấu in trên mặt đất. Trong mỗi dấu in có vành bánh xe ngàn căm, giữa mỗi vành xe có một hoa sen lớn. Trên mỗi hoa sen có một con voi hóa hiện cũng có bảy chi và đi theo voi lớn. Con voi ấy giở chân, hạ chân lại hóa sinh bảy ngàn con voi làm quyến thuộc cũng đi theo voi lớn, mũi voi màu hoa sen hồng. Trên hoa sen đỏ ở vòi voi có Đức hóa Phật phát ánh sáng từ giữa hai đầu chân mày. Ánh sáng ấy màu vàng chiếu vào vòi voi như trước, từ vòi voi chiếu ra đi vào mắt voi, từ mắt voi chiếu ra đi vào tai voi, từ tai voi chiếu ra đi vào cổ voi, dần dần chiếu đến lưng voi hóa thành yên vàng trang bị đầy đủ bảy chất báu. Bốn mặt yên có bảy cột báu, các thứ trang sức bằng báu hợp thành đài báu. Trong đài có một hoa sen bảy báu, tua hoa do trăm thứ báu hợp thành, đài hoa bằng ma-ni lớn, có một vị Bồ-tát ngồi kiết già trên đó, tên là Phổ Hiền.
Thân Bồ-tát màu ngọc trắng, phát ra năm mươi thứ ánh sáng. Năm mươi màu sắc đó tạo thành ánh sáng quanh đầu. Các lỗ chân lông trên thân Bồ-tát đều phát ra ánh sáng vàng. Trên đầu ánh sáng ấy có vô lượng hóa Phật, các hóa Bồ-tát làm quyến thuộc, bước đi khoan thai, trời mưa hoa báu lớn đến trước mặt hành giả. Con voi ấy há miệng, có các ngọc nữ trong ao tắm trên ngà voi trổi nhạc ca hát, âm thanh réo rắt, khen ngợi đạo Nhất thật Đại thừa.
Hành giả thấy vậy vui mừng, cung kính đảnh lễ, lại đọc tụng kinh điển sâu xa, đảnh lễ vô lượng Đức Phật ở khắp mười phương, đảnh lễ tháp Phật Đa Bảo và Đức Thích-ca Mâu-ni, đảnh lễ Bồ-tát Phổ Hiền và các Đại Bồ-tát, phát thệ nguyện:
–Nếu con có phước đức đời trước, con sẽ được thấy Bồ-tát Phổ Hiền, xin Ngài ban sự an lành, cho con thấy được sắc thân.
Phát nguyện xong, ngày đêm sáu thời, hành giả lạy mười phương Phật, tu pháp sám hối, đọc tụng kinh Đại thừa, suy nghĩ nghĩa lý Đại thừa, nhớ việc Đại thừa, cung kính cúng dường người trì kinh Đại thừa, xem mọi người như Phật, nghĩ chúng sinh như cha mẹ. Nghĩ xong, Bồ-tát Phổ Hiền liền từ giữa chặn mày phóng ánh sáng trắng tướng Đại nhân. Khi ánh sáng ấy xuất hiện, thân tướng Bồ-tát Phổ Hiền đoan nghiêm đẹp đẽ như núi vàng ròng, có đủ ba mươi hai tướng tốt (cũng xuất hiện). Các lỗ chân lông trên thân Bồ-tát phóng ra ánh sáng chiếu rọi trên voi lớn biến thành màu vàng, các con voi biến hóa cũng thành màu vàng, các hóa Bồ-tát cũng có màu vàng, ánh sáng đó chiếu đến vô lượng cõi ở phương Đông đều biến chúng thành màu vàng. Các cõi nước ở phương Tây, Nam, Bắc, bốn phía, trên, dưới cũng như vậy.
Bấy giờ mỗi phương trong mười phương có một Bồ-tát cỡi voi trắng đầu đàn sáu ngà như ngài Phổ Hiền không khác và có vô lượng, vô biên voi biến hóa tràn ngập trong mười phương như thế, nhờ năng lực thần thông của Bồ-tát Phổ Hiền giúp cho người trì kinh thảy đều được thấy. Bấy giờ hành giả thấy các Bồ-tát nên thân tâm vui mừng, bèn đảnh lễ, bạch:
–Xin Đấng Đại Từ Bi thương xót con, nói pháp cho con!
Nói xong các vị Bồ-tát đồng thanh nói kinh pháp Đại thừa thanh tịnh, làm các bài kệ khen ngợi hành giả. Đó là pháp quán ban đầu về cảnh giới đầu tiên của Bồ-tát Phổ Hiền.
Thấy thế, ngày đêm hành giả luôn nghĩ đến pháp Đại thừa. Trong giấc ngủ, hành giả thấy Bồtát Phổ Hiền nói pháp và an ủi mình như lúc trước rằng: “Kinh điển mà người tụng đó, thiếu câu này, quên bài kệ này.” Lúc đó hành giả nghe nghĩa lý sâu xa mà Bồ-tát Phổ Hiền nói. Ngày ngày như thế, ghi nhớ không quên tâm tánh dần dần sáng suốt, Bồ-tát Phổ Hiền dạy hành giả nhớ nghĩ đến các Đức Phật mười phương. Theo lời dạy của Bồ-tát, hành giả chánh định tâm ý, dần dần dùng mắt tâm thấy được một Đức Phật ở phương Đông, thân màu vàng ròng, trang nghiêm tuấn tú, thấy được một Đức Phật, lại thấy được một Đức Phật nữa, cứ như thế dần dần thấy được tất cả các Đức Phật ở phương Đông. Nhờ tâm tưởng sáng suốt, hành giả thấy hết các Đức Phật ở mười phương.
Sau khi thấy các Đức Phật, hành giả sinh tâm vui mừng, nói: Nhờ pháp Đại thừa mà thấy được Đại sĩ, nhờ năng lực của Đại sĩ mà thấy được các Đức Phật. Tuy thấy được các Đức Phật nhưng chưa được rõ ràng, lúc nhắm mắt thì thấy, mở mắt lại mất. Nói xong, hành giả gieo năm vóc sát đất, lễ tất cả các Đức Phật trong mười phương. Lạy xong, quỳ thẳng chắp tay thưa:
–Các Đức Phật, Thế Tôn có mười Lực, Vô úy, mười tám pháp Bất cộng, đại Từ, đại Bi, ba niệm xứ, sắc thân Phật trên hết trong thế gian, con có tội gì mà không thấy được. Nói xong, hành giả lại sám hối. Sám hối thanh tịnh rồi, Bồ-tát Phổ Hiền lại hiện ra trước hành giả, dù đi, đứng, nằm, ngồi Bồtát luôn luôn ở bên cạnh, cả trong giấc mộng cũng thường nói pháp cho hành giả nghe. Lúc thức dậy, hành giả được pháp hỷ lạc. Cứ như thế qua hết hai mươi mốt ngày thì được truyền Đà-la-ni. Nhờ được pháp Đà-la-ni nên hành giả nhớ mãi pháp nhiệm mầu mà các Đức Phật, Bồ-tát đã nói, cũng thường mộng thấy bảy Đức Phật đời quá khứ, chỉ có Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói pháp cho hành giả nghe, các Đức Thế Tôn đều khen ngợi kinh điển Đại thừa.
Bấy giờ, hành giả lại sám hối, đảnh lễ các Đức Phật ở mười phương. Lạy xong, Bồ-tát Phổ Hiền hiện ra trước mặt hành giả nói tất cả nghiệp duyên đời trước của hành giả và dạy hành giả hướng về các Đức Phật tự nói ra tội ác đen tối. Bày tỏ xong, lập tức được Tam-muội hiện tiền của các Đức Phật. Được Tam-muội rồi, hành giả thấy rõ Đức Phật A-súc và cõi nước Diệu hỷ ở phương Đông. Cứ thế, hành giả thấy được cõi nước vi diệu của các Đức Phật ở mười phương. Sau đó, hành giả mộng thấy một người bằng Kim cang ở trên đầu voi cầm chày Kim cang an định sáu căn. An định sáu căn xong, Bồ-tát Phổ Hiền nói pháp sám hối, sáu căn thanh tịnh cho hành giả nghe. Sám hối như thế từ một ngày cho đến bảy ngày, nhờ năng lực Tam-muội hiện tiền của các Đức Phật và nhờ Bồ-tát Phổ Hiền nói pháp trang nghiêm nên tai hành giả dần dần nghe được âm thanh chướng ngại bên ngoài, mắt dần dần thấy được những việc chướng ngại bên ngoài, mũi dần dần ngửi được mùi hương chướng ngại bên ngoài… nói rộng như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Người được sáu căn thanh tịnh thì thân tâm vui mừng, không còn các tướng xấu, tâm thuần là chánh pháp, tương ứng với chánh pháp, lại được trăm ngàn muôn ức tuyền Đà-la-ni và thấy được trăm ngàn muôn ức vô lượng các Đức Phật. Các Đức Phật Thế Tôn ấy đều đưa cánh tay phải xoa đầu hành giả, nói:
–Hay thay, hay thay! Người hành pháp Đại thừa, người phát tâm đại trang nghiêm, người nhớ nghĩ pháp Đại thừa. Ngày xưa, khi phát tâm Bồđề, ta cũng ân cần không khác gì người. Đời trước nhờ thực hành pháp Đại thừa nên nay chứng được thân Chánh biến tri thanh tịnh. Giờ đây, người cũng siêng năng tu tập không biếng nhác. Kinh điển Đại thừa này là kho tạng quý báu của các Đức Phật, là con mắt của các Đức Phật trong mười phương ba đời, là hạt giống sinh ra các Đức Phật ba đời. Người trì kinh này là người giữ gìn thân Phật, làm việc Phật, nên biết người này là sứ giả của các Đức Phật, được các Đức Phật trùm y cho, là Pháp tử chân thật của các Đức Phật, Như Lai. Người hành pháp Đại thừa thì hạt giống pháp không mất, người hãy quan sát kỹ các Đức Phật ở phương Đông.
Khi nghe các Đức Phật nói lời ấy, hành giả liền thấy được tất cả vô lượng thế giới ở phương Đông, đất đai bằng phẳng như lòng bàn tay, không có các hầm hố gò đống, gai góc, mặt đất bằng lưu ly lại xen lẫn vàng ròng. Các cõi nước ở mười phương cũng giống như thế. Kế đó, hành giả lại thấy được các cây báu tốt đẹp, cao năm ngàn do-tuần. Cây thường sinh ra bảy chất báu trang nghiêm như vàng, bạc…, dưới cây tự nhiên có tòa Sư tử báu. Tòa ấy cao hai mươi do-tuần, trên tòa cũng phát ra ánh sáng của trăm thứ chất báu. Những cây báu và tòa báu khác cũng như vậy. Mỗi tòa báu đều có năm trăm voi trắng tự nhiên, trên lưng mỗi con voi đều có Bồ-tát Phổ Hiền.
Bấy giờ, hành giả lạy các đức Phổ Hiền và thưa:
–Vì tội gì mà con chỉ thấy đất báu, tòa báu và cây báu, chứ không thấy được các Đức Phật?
Nói xong, trên mỗi tòa báu đều có một Đức hóa Phật khôi ngô đẹp đẽ đang ngồi. Thấy được các vị hóa Phật, hành giả rất vui mừng lại tụng tập kinh điển Đại thừa. Nhờ năng lực của pháp Đại thừa, nên trong hư không có tiếng khen:
–Hay thay, thiện nam! Nhờ nhân duyên công đức thực hành pháp Đại thừa này mà người thấy được các Đức Phật. Nay đây tuy thấy được các Đức Phật Thế Tôn nhưng người chưa thấy được phân thân của Đức Thích-ca Mâu-ni và tháp Phật Đa Bảo.
Nghe thế, hành giả lại siêng năng tụng tập kinh điển Đại thừa. Nhờ tụng kinh Đại thừa Phương đẳng, nên trong giấc ngủ, hành giả thấy được Đức Thích-ca Mâu-ni đang nói kinh Pháp-hoa và diễn giải thật nghĩa cho đại chúng trên núi Kỳ-xà-quật nghe. Thức dậy, hành giả sám hối và khao khát được thấy. Hành giả chắp tay quỳ gối hướng về núi Kỳ-xà-quật thưa:
–Như Lai là Đấng Thế Hùng thường ở thế gian, xin thương xót con mà hiện bày chân tướng. Nói xong, hành giả thấy được vô số đại chúng Tỳkheo Thanh văn, thấy núi Kỳ-xà-quật làm bằng bảy chất báu, cây báu xếp thành hàng, đất báu bằng phẳng, bảy tòa Sư tử báu, Đức Thích-ca Mâu-ni phát ra ánh sáng giữa hai đầu chân mày. Ánh sáng đó chiếu khắp các cõi nước ở mười phương, lại qua khỏi vô lượng cõi nước ở mười phương, những nơi ánh sáng này chiếu đến, các Đức Phật phân thân của Đức Thích-ca Mâu-ni đều cùng một lúc nhóm họp lại, nói rộng như trong kinh Pháp Hoa. Mỗi Đức Phật phân thân ngồi trên tòa Sư tử đều có thân màu vàng ròng, cao lớn không lường, có trăm ức vô lượng các Đại Bồ-tát theo hầu, mỗi Bồ-tát đều tu hành như đức Phổ Hiền. Các Đức Phật và Bồ-tát trong mười phương đều cũng như vậy. Đại chúng nhóm họp xong, thấy đức Thích-ca Mâu-ni phát ra ánh sáng vàng từ các lỗ chân lông trên thân. Trong mỗi lằn ánh sáng có trăm ức Đức hóa Phật, các Đức hóa Phật phân thân cũng phát ra ánh sáng tướng Đại nhân từ lông trắng giữa hai đầu chân mày. Ánh sáng ấy nhập vào trên đỉnh đầu Đức Thích-ca Mâu-ni. Lúc thấy tướng ấy, từ tất cả các lỗ chân lông của các Đức Phật phân thân cũng phát ra ánh sáng vàng. Trong mỗi lằn ánh sáng lại có các Đức hóa Phật nhiều như số cát sông Hằng.
Bấy giờ, Bồ-tát Phổ Hiền lại phát ra ánh sáng tướng Đại nhân từ giữa hai đầu chân mày rọi vào tâm hành giả. Nhờ thế, hành giả nhớ được kinh điển Đại thừa mà vô số trăm ngàn các Đức Phật đời quá khứ đã thọ trì đọc tụng, đồng thời tự thấy rõ thân tướng cũ của mình một cách rõ ràng như người đạt Túc mạng thông không khác, tâm trí bừng ngộ, hành giả lại đạt được trăm ngàn muôn ức các môn Đà-la-ni. Khi xuất định, hành giả tận mặt thấy tất cả các Đức Phật phân thân ngồi tòa Sư tử dưới cây bảy các chất báu, lại thấy đất bằng lưu ly và khóm hoa sen từ hư không phương dưới mọc ra, trong mỗi hoa sen có số Bồ-tát nhiều như bụi nhỏ ngồi kiết già, lại thấy các Bồ-tát phân thân của Đức Phổ Hiền khen ngợi kinh điển Đại thừa trước đại chúng.
Khi ấy, các Bồ-tát khác miệng đồng lời đều dạy hành giả làm thanh tịnh sáu căn. Có vị dạy: hãy niệm Phật; có vị dạy: niệm Pháp; có vị dạy: niệm Tăng; niệm Giới; niệm Thí; niệm Thiên. Sáu pháp này là tâm Bồ-đề là pháp sinh ra Bồ-tát, giờ đây người hãy nói ra tội ác đã làm ở trước cửa Phật rồi chí thành sám hối. Trong vô lượng đời, do nhãn căn tham đắm các sắc, vì tham đắm các sắc nên đắm đuối pháp trần, vì đắm đuối các trần nên phải làm thân gái, đời đời sinh ra nơi nào thường tham đắm các sắc, các sắc phá hoại nhãn căn người, làm nô lệ cho ân ái, khiến người trôi lăn trong ba cõi, vì sự che đậy này khiến người mù tối không thấy được. Giờ đây, tụng kinh điển Đại thừa Phương đẳng, trong kinh này dạy: Sắc thân của các Đức Phật trong mười phương không hoại diệt, nay người được thấy, nên xét lại thật có như thế hay không? Nhãn căn xấu ác đó gây hại người đã nhiều, người hãy theo lời ta dạy mà quy hướng các Đức Phật. Đức Thích-ca Mâu-ni nói: “Tội lỗi do nhãn căn gây ra, chỉ có nước pháp Tuệ nhãn của các Đức Phật, Bồ-tát mới rửa sạch, xin các Đức Phật rửa sạch để con được thanh tịnh.”
Nói xong, hành giả đảnh lễ các Đức Phật khắp mười phương, hướng về kinh điển Đại thừa của Đức Thích-ca Mâu-ni thưa:
–Con xin sám hối những tội chướng nặng nề che lấp uế trược của nhãn căn khiến mắt không thấy gì, xin Phật đại từ thương xót che chở, Bồtát Phổ Hiền chèo thuyền pháp lớn, độ khắp tất cả, vô lượng chúng bạn Bồ-tát ở mười phương, xin thương xót nghe lời con sám hối nghiệp chướng xấu ác của nhãn căn. Nói như thế ba lần, hành giả gieo năm vóc sát đất, chánh niệm pháp Đại thừa, tâm không quên bỏ. Đó là pháp sám hối tội lỗi của nhãn căn. Người xưng danh hiệu các Đức Phật, đốt hương, rải hoa, treo phan lọng lụa, phát tâm Đại thừa, sám hối tội lỗi của nhãn căn thì hiện đời thấy được Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và vô lượng các Đức Phật phân thân, trải qua atăng-kỳ kiếp không rơi vào đường ác. Nhờ năng lực Đại thừa, nguyện lực Đại thừa hành giả thường được làm bà con với tất cả các Bồ-tát Đàla-ni. Nghĩ như thế là chánh niệm, còn nghĩ khác là tà niệm. Đó là tướng cảnh giới đầu tiên của nhãn căn.
Nhãn căn thanh tịnh rồi, hành giả lại tụng kinh điển Đại thừa, ngày đêm sáu thời, quỳ gối sám hối, thưa:
–Vì sao hiện nay con chỉ thấy Đức Phật Thíchca Mâu-ni và các Phật phân thân, mà không thấy được tháp Phật Đa Bảo? Toàn thân xá-lợi trong tháp Phật Đa Bảo thường hằng không hoại vì nhãn căn nhơ uế nên không thấy được.
Nói xong, hành giả lại sám hối, qua bảy ngày, tháp Phật Đa Bảo từ dưới đất vọt lên, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni dùng tay phải mở cửa tháp, hành giả thấy được Phật Đa Bảo đang nhập Tam-muội Phổ hiện sắc thân. Từ mỗi lỗ chân lông phát ra những luồng ánh sáng nhiều như số cát sông Hằng. Mỗi một ánh sáng có trăm ngàn muốn ức hóa Phật. Khi tướng này xuất hiện, hành giả vui mừng, dùng kệ khen ngợi, nhiễu quanh tháp bảy vòng. Đức Phật Đa Bảo nói ra tiếng lớn, khen:
–Này Pháp tử! Nay ngươi thật có khả năng thực hành pháp Đại thừa, tùy thuận Bồ-tát Phổ Hiền mà sám hối nhãn căn, nhờ nhân duyên này ta đến chỗ ngươi, chứng minh cho ngươi.
Nói xong khen:
–Hay thay! Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói các pháp Đại thừa, làm mưa pháp lớn, thành tựu các chúng sinh trong cõi đời ác trược.
Bây giờ hành giả thấy được tháp Phật Đa Bảo, lại đến chỗ Bồ-tát Phổ Hiền, chắp tay kính lễ, bạch:
–Cúi mong Đại sư dạy con sám hối tội lỗi.
Bồ-tát Phổ Hiền lại nói:
–Trong nhiều kiếp, nhĩ căn của người vì theo đuổi âm thanh bên ngoài, khi nghe tiếng hay tâm sinh tham đắm, lúc nghe tiếng dở lại khởi tám trăm thứ giặc phiền não gây hại. Do nhĩ căn xấu ác này mà chịu lấy việc ác, thường nghe tiếng ác nên sinh tâm duyên theo nghe nhân điên đảo, sẽ rơi vào đường ác và những nơi biên địa tà kiến, không nghe Phật pháp. Ngày nay, nhờ công đức tụng trì kinh Đại thừa mà người thấy được các Đức Phật ở mười phương, tháp Phật Đa Bảo xuất hiện để chứng minh cho người, người nên tự nói lỗi mình và sám hối các tội lỗi.
Nghe thế hành giả chắp tay gieo năm vóc sát đất:
–Bạch Thế Tôn Chánh Biến Tri! Xin vì con chứng minh kinh điển Phương đẳng là Từ bi chủ, xin hãy xét cho con, nghe lời con nói, con từ nhiều kiếp cho đến thân này do nhĩ căn nghe tiếng mê đắm, như keo dính cỏ, khi nghe tiếng xấu thì sinh khởi phiền não độc ác, chỗ nào cũng dính mắc không lúc nào ngừng nghỉ, vì nhĩ căn làm cho thần thức của con lao nhọc, đọa lạc trong ba đường, giờ đây mới biết, xin hướng về các Đức Thế Tôn tỏ bày sám hối.
Sám hối xong, hành giả thấy Phật Đa Bảo phát ra ánh sáng rực rỡ, ánh sáng ấy màu vàng chiếu khắp các cõi nước ở phương Đông và các thế giới trong mười phương, vô lượng các Đức Phật thân màu vàng ròng. Từ trong hư không ở phương Đông có tiếng nói:
–Đức Phật Thế Tôn này tên là Thiện Đức, cũng có vô số các Đức Phật phân thân, ngồi kiết già trên tòa Sư tử dưới cây báu. Các Đức Thế Tôn ấy đều nhập Tam-muội Phổ hiện sắc thân, đều khen: “Hay thay, hay thay, này thiện nam! Kinh điển Đại thừa mà người đang đọc tụng chính là cảnh giới Phật.”
Nói xong, Bồ-tát Phổ Hiền lại dạy cách sám hối:
–Trong vô lượng kiếp trước, vì tham đắm mùi thơm, các thức phân biệt, chỗ nào cũng tham đắm, nên người bị rơi vào sinh tử. Giờ đây, người hãy quán sát nhân Đại thừa. Nhân Đại thừa là thật tướng của các pháp.
Nghe thế, hành giả gieo năm vóc sát đất, lại sám hối. Sám hối xong, thưa:
–Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật.
–Nam-mô Đa Bảo Phật tháp.
–Nam-mô Thập phương Thích-ca Mâu-ni Phật phân thân chư Phật.
Kế đó, đảnh lễ các Đức Phật ở mười phương:
–Nam-mô Đông phương Thiện Đức Phật và phân thân chư Phật.
Như những điều mắt thấy, hành giả phải nhất tâm kính lễ, cúng dường hương hoa lên các Đức Phật. Cúng dường xong, hành giả quỳ gối chắp tay dùng các bài kệ khen ngợi chư Phật. Sau đó, nói mười ác nghiệp, sám hối các tội, thưa:
–Trong vô lượng kiếp đời trước, vì tham đắm hương thơm, vị ngon, sự xúc chạm gây tạo ra các nghiệp ác, cho nên từ vô lượng kiếp đến nay thường phải chịu các thân bất thiện trong địa ngục, quỷ đói, súc sinh, biên địa, tà kiến, nay xin nói ra các nghiệp ác này, xin quy hướng các Đức Phật, là bậc Tự tại đối với chánh pháp, xin nói tội mà sám hối.
Sám hối rồi, thân tâm tinh tấn, lại đọc tụng kinh điển Đại thừa. Nhờ oai lực của pháp Đại thừa trong hư không có tiếng nói:
–Này Pháp tử! Giờ đây người nên hướng về các Đức Phật trong mười phương mà khen ngợi pháp Đại thừa, tự nói lỗi mình ở trước các Đức Phật. Các Đức Phật là cha lành của người, người nên tự nói những nghiệp ác bất thiện do thiệt căn gây ra.
Thiệt căn này gây ra các nghiệp ác: nói dối, nói thêu dệt, nói ác, nói hai lưỡi, phỉ báng nói dối, khen ngợi tà kiến, nói lời vô ích… các nghiệp ác nhiều như thế, lại còn tranh chấp gây loạn, chánh pháp nói chẳng phải chánh pháp… những tội ác ấy giờ đây xin sám hối tất cả.
Ở trước các Đấng Thế Hùng nói như vậy rồi, hành giả gieo năm vóc sát đất, lạy khắp các Đức Phật trong mười phương, chắp tay quỳ thẳng thưa:
–Tội lỗi của thiệt căn vô lượng, vô biên, các gai nghiệp ác đều từ thiệt căn sinh ra, phá vỡ bánh xe chánh pháp cũng từ thiệt căn, thiệt căn sinh xấu ác này làm chết hạt giống công đức, lại nói nhiều điều phi nghĩa, khen ngợi tà kiến như lửa thêm củi, giống, như lửa dữ thiêu hại chúng sinh, như người uống thuốc độc không ung nhọt mà chết. Với tội báo xấu xa tà vạy này, sẽ đọa vào ba đường ác trong trăm kiếp ngàn kiếp. Vì nói dối nên đọa vào địa ngục lớn, nay con xin hướng về các Đức Phật ở phương Nam mà nói tội sám hối những nghiệp ác.
Lúc nói thế, trong hư không có tiếng bảo:
–Ở phương Nam có Đức Phật tên là Chiên-đàn Đức, Đức Phật ấy cũng có vô lượng phân thân. Tất cả các Đức Phật đều nói pháp Đại thừa diệt trừ tội ác. Các tội ác này, giờ đây con xin hướng về vô lượng các Đức Phật đại Bi Thế Tôn ở mười phương mà nói ra nghiệp ác thành tâm sám hối.
Nói xong, hành giả gieo năm vóc sát đất đảnh lễ các Đức Phật. Lúc ấy, các Đức Phật phát ra ánh sáng chiếu vào thân hành giả làm cho thân tâm tự nhiên vui mừng, phát đại Từ bi, nghĩ nhớ tất cả.
Bấy giờ, các Đức Phật đều nói rộng về pháp Từ, Bi, Hỷ, Xả, ái ngữ và sáu pháp hòa kính cho hành giả nghe. Khi ấy, hành giả nghe lời dạy tâm sinh vui mừng, lại tụng đọc không hề lười nghỉ. Trong hư không lại phát ra tiếng nhiệm mầu: Bây giờ người nên sám hối cả thân tâm. Thân có sát sinh, trộm cướp, dâm dục; tâm nghĩ các điều xấu, gây ra mười nghiệp ác và năm tội vô gián như con vượn bị vướng dính keo, bất cứ thứ gì cũng tham đắm, tràn ngập cả sáu căn. Nghiệp của sáu căn này như cành, nhánh, hoa, lá đầy cả ba cõi, hai mươi lăm hữu, tất cả chỗ sinh, lại cũng làm tăng trưởng mười hai việc khổ: vô minh, già, chết,… đủ tám tà kiến, tám tai nạn, đều phải trải qua, người nên sám hối các nghiệp ác bất thiện này.
Nghe thế, hành giả hỏi tiếng nói trong hư không:
–Tôi nên thực hành pháp sám hối ở đâu?
Tiếng nói trong hư không bảo:
–Đức Thích-ca Mâu-ni gọi Đức Tỳ-lô-giá-na là ở khắp mọi nơi, cảnh giới của Đức Phật ấy an trụ là Thường tịch quang, nơi thành tựu bởi Thường ba-la-mật, nơi được an lập bởi Ngã bala-mật, nơi không có tướng hữu vi bởi Tịnh bala-mật, nơi không trụ thân tướng bởi Lạc ba-lamật, nơi không thấy tướng của các pháp hữu vô, lại Ba-la-mật bất trụ thân tướng xứ, bất kiến hữu vô các pháp tướng xứ, như tịch diệt, giải thoát… cho đến Bát-nhã ba-la-mật, sắc này là pháp thường trụ,… người nên quán sát các Đức Phật trong mười phương như thế.
Khi ấy, các Đức Phật trong mười phương đều đưa cánh tay phải xoa đầu hành giả, khen:
–Hay thay, hay thay, này thiện nam! Nhờ tụng kinh điển Đại thừa mà các Đức Phật trong mười phương nói pháp sám hối, là pháp mà các Bồ-tát tu hành, không dứt bỏ kết sử, không sống trong biển kết sử, quán tâm không tâm, do tưởng điên đảo mà sinh, tâm tưởng này do vọng tưởng sinh, như gió trong hư không, không có chỗ nương tựa. Pháp tướng không sinh, không diệt đó, cái gì là tội, cái gì là phước? Tâm ta tự trống rỗng, tội phước không có chủ tể, tất cả các pháp đều như thế, không tồn tại, không hư hoại. Sám hối như thế, quán tâm không tâm, pháp không trụ trong pháp, các pháp giải thoát diệt đế vắng lặng. Gọi tâm tưởng ấy là đại sám hối, là trang nghiêm sám hối, là vô tội tướng sám hối, là phá hoại tâm thức sám hối. Người tu pháp sám hối này thân tâm thanh tịnh, không trụ trong pháp, giống như nước chảy. Trong mỗi niệm đều thấy được Bồ-tát Phổ Hiền và các Đức Phật trong mười phương.
Bấy giờ, các Đức Phật dùng ánh sáng đại Bi nói pháp vô tướng cho hành giả nghe. Hành giả, nghe pháp Đệ nhất nghĩa “không” tâm không kinh sợ, lập tức nhập vào chánh vị Bồ-tát.
Phật bảo A-nan:
–Tu tập như thế là sám hối. Pháp sám hối này là pháp sám hối của các Đức Phật, các vị Đại Bồtát trong mười phương.
Này A-nan! Sau khi Như Lai diệt độ trong hàng đệ tử Phật, nếu ai muốn sám hối nghiệp ác bất thiện thì nên đọc tụng kinh điển Đại thừa. Kinh Phương đẳng này là mắt của các Đức Phật. Các Đức Phật nhờ kinh này được đầy đủ năm thứ mắt. Ba thân Phật cũng từ kinh Phương đẳng sinh ra, đó là pháp ấn lớn in và biển Niết-bàn. Trong biển này có công năng phát sinh ba thân Phật thanh tịnh. Ba thân này là ruộng phước của trời, người, trên hết trong hàng Ứng cúng. Nếu người nào đọc tụng kinh Đại Phương đẳng thì nên biết người ấy có đầy đủ công đức của Phật, các nghiệp ác dứt hẳn, người ấy từ trí tuệ Phật sinh ra.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:
Người nhãn căn xấu ác
Gây nghiệp chướng bất tịnh
Chỉ nên tụng Đại thừa
Nghĩ nhớ nghĩa bậc nhất
Đó gọi sám hối mắt
Diệt các nghiệp bất thiện
Nhĩ căn nghe tiếng ác
Rối loạn nghĩa hòa hợp
Do đó sinh cuồng loạn
Như khỉ vượn ngu si
Chỉ nên tụng Đại thừa
Quán pháp Không, Vô tướng
Diệt hẳn các điều ác
Thiên nhĩ nghe mười phương
Tỷ căn đắm mùi thơm
Sinh các xúc theo nhiễm
Tỷ căn cuồng hoặc này
Sinh các trần theo nhiễm
Nếu tụng kinh Đại thừa
Quán tướng thật các pháp
Lìa hẳn các nghiệp ác
Đời sau không còn sinh
Thiệt căn sinh năm thứ
Nghiệp ác khẩu, bất thiện
Nếu muốn tự điều phục
Nên siêng tu tâm từ
Nghĩ nghĩa chân tịnh pháp
Không các tướng phân biệt
Tâm tưởng như khỉ vượn
Không có lúc ngừng nghỉ
Nếu muốn điều phục được
Nên siêng tụng Đại thừa
Nghĩ thân Phật Đại giác
Do sức vô úy thành
Thân là cơ quan chính
Như bụi bay theo gió
Nơi sáu giặc vui chơi
Tự tại không ngăn ngại
Nếu muốn diệt ác này
Diệt hẳn các phiền não
Thường ở thành Niết-bàn
An vui tâm đạm bạc
Nên tụng kinh Đại thừa
Nghĩ mẹ các Bồ-tát
Vô lượng phương tiện mầu
Nhờ nghĩ được thật tướng
Cả sáu pháp như thế,
Được gọi là sáu căn,
Tất cả biển nghiệp chướng
Đều từ vọng tưởng sinh
Người muốn sám hối tội
Ngồi thẳng nghĩ thật tướng
Các tội như sương móc
Mặt trời tuệ làm tan
Bởi thế nên dốc lòng
Sám hối cả sáu căn.
Nói kệ xong, Phật bảo A-nan:
–Nay ông hãy giải thích nói rõ pháp sám hối sáu căn quán Bồ-tát Phổ Hiền này, cho trời, người trong mười phương nghe. Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử Phật, nếu ai muốn thọ trì đọc tụng giải thích kinh điển Phương đẳng thì nên ở chỗ vắng lặng như: nghĩa địa, hoặc trong rừng cây, A-lan-nhã, đọc tụng kinh điển Phương đẳng, suy nghĩ nghĩa Đại thừa, nhờ niệm lực mạnh mẽ nên được thấy thân ta và tháp Phật Đa Bảo, vô lượng các Đức Phật phân thân trong mười phương; Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Dược Thượng, vì cung kính Pháp nên đem các hoa đẹp và trụ trong hư không khen ngợi người cung kính hành trì Pháp. Nhờ tụng kinh Đại thừa Phương đẳng mà các Đức Phật, Bồ-tát ngày đêm cúng dường người hành trì Pháp ấy.
Phật bảo ngài A-nan:
–Ta cùng các vị Bồ-tát trong kiếp Hiền và các Đức Phật trong mười phương nhờ suy nghĩ nghĩa chân thật của pháp Đại thừa mà diệt trừ được tội sinh tử trong trăm muôn ức kiếp số a-tăng-kỳ. Nhờ pháp sám hối cao quý này mà nay mỗi vị đều được thành Phật ở một phương trong mười phương. Nếu người nào muốn mau thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, muốn được thấy các Đức Phật ở mười phương và Bồ-tát Phổ Hiền thì nên tắm gội, mặc áo mới sạch, đốt các hương thơm, ở chỗ thanh tịnh tụng đọc kinh điển Đại thừa, suy nghĩ nghĩa Đại thừa.
Phật bảo A-nan:
–Nếu có chúng sinh nào muốn quán Bồ-tát Phổ Hiền nên quán như thế. Nếu quán như thế là chánh quán, còn quán khác gọi là tà quán. Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử Phật, người nào thuận theo lời Phật dạy thực hành sám hối, nên biết người này thực hành hạnh Phổ Hiền. Người thực hành hạnh Phổ Hiền không gặp tướng ác và nghiệp báo xấu. Nếu có chúng sinh nào ngày đêm sáu thời đảnh lễ các Đức Phật trong mười phương, tụng kinh Đại thừa, suy nghĩ nghĩa bậc nhất và pháp
“không” sâu xa thì trong khoảnh khắc sẽ dứt trừ được tội sinh tử trong trăm muôn ức a-tăng-kỳ kiếp. Người tu hạnh này thật là đệ tử Phật, từ các Đức Phật sinh ra. Các Đức Phật và các Bồ-tát ở mười phương làm Hòa thượng cho người này, đó là người đầy đủ giới Bồ-tát, không cần Yết-ma mà tự nhiên thành tựu. Người này đáng được tất cả trời, người cúng dường.
Lúc bấy giờ, nếu hành giả muốn đầy đủ giới Bồ-tát thì nên ở chỗ vắng, chắp tay lạy khắp các Đức Phật trong mười phương, sám hối tội lỗi của mình, sau đó ở chỗ vắng bạch các Đức Phật ấy:
–Các Đức Phật Thế Tôn thường ở trong đời, vì nghiệp chướng nên tuy kính tin kinh Phương đẳng nhưng con thấy Phật không rõ ràng, giờ đây con quy y Phật, cúi xin Đức Thích-ca Mâu-ni Chánh Biến Tri làm Hòa thượng cho con; Bồ-tát Văn-thù là người có trí tuệ rộng lớn, xin hãy dùng trí tuệ trao pháp thanh tịnh của các Bồ-tát cho con; Bồ-tát Di-lặc là mặt trời đại Từ sáng rực hơn cả xin thương xót và cho con được thọ pháp Bồ-tát, xin các Đức Phật trong mười phương làm tôn chứng cho con, các vị Đại Bồ-tát đều xưng danh hiệu con, là bậc Đại sĩ cao quý, che chở chúng sinh, giúp đỡ chúng con. Hôm nay con thọ trì kinh điển Phương đẳng, cho đến trọn đời, giả sử bị đọa vào địa ngục chịu vô lượng khổ cũng không bao giờ hủy báng chánh pháp của các Đức Phật. Nhờ năng lực nhân duyên công đức này, nên nay Đức Phật Thích-ca Mâu-ni làm Hòa thượng cho con, Bồ-tát Văn-thù là A-xà-lê, Bồ-tát Di-lặc xin trao pháp này cho con, các Đức Phật trong mười phương chứng biết cho con, các Đại đức Bồ-tát làm bạn với con, con y theo diệu nghĩa sâu xa của kinh Đại thừa quy y Phật, Pháp, Tăng. (nói như thế ba lần)
Quy y Tam bảo xong, xin tự thệ thọ sáu trọng pháp, thọ rồi phải siêng tu phạm hạnh vô ngại, phát tâm cứu giúp rộng lớn, thọ tám trọng pháp. Phát nguyện xong, ở chỗ vắng lặng, đốt các thứ hương danh tiếng, rải các thứ hoa cúng dường tất cả các Đức Phật và các Bồ-tát cùng kinh điển Đại thừa Phương đẳng, bạch:
–Hôm nay con phát tâm Bồ-đề, đem công đức này cứu độ tất cả.
Kế đó, hành giả lại đảnh lễ các Đức Phật, Bồtát, suy nghĩ nghĩa Phương đẳng, từ một ngày đến hai mươi mốt ngày, dù xuất gia hay tại gia, không cần Hòa thượng, không cần các vị Tôn chứng sư, không bạch Yết-ma, nhưng nhờ năng lực thọ trì đọc tụng kinh điển Đại thừa, nhờ hạnh khuyến phát của Bồ-tát Phổ Hiền là con mắt chánh pháp của các Đức Phật trong mười phương, nên hành giả tự nhiên đầy đủ năm phần Pháp thân: Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến. Các Đức Phật, Như Lai từ pháp này sinh ra, nhờ kinh Đại thừa mà được thọ ký. Vì thế người trí, như hàng Thanh văn hủy phá Tam quy, năm giới, tám giới, giới Tỳkheo, giới Tỳ-kheo-ni, giới Sa-di, Sa-di-ni, giới Thức-xoa-ma-ni và các oai nghi, do tâm ngu si, bất thiện, xấu ác, người phạm nhiều các giới và pháp oai nghi mà muốn diệt trừ tội lỗi, trở lại thành Tỳkheo có pháp Sa-môn thì nên siêng năng đọc tụng kinh điển Phương đẳng, suy nghĩ nghĩa bậc nhất, khiến cho không tuệ này tương ứng với tâm, nên biết người này trong khoảnh khắc tất cả tội cấu đều dứt bỏ hết không còn sót, được gọi là người đầy đủ pháp Sa-môn, đầy đủ các oai nghi, đáng được tất cả trời, người cúng dường.
Nếu Ưu-bà-tắc phạm các oai nghi làm việc chẳng lành (việc chẳng lành là nói lỗi của pháp Phật, rêu rao những lỗi xấu mà bốn chúng phạm phải, trộm cướp dâm dật không biết hổ thẹn) mà muốn sám hối diệt trừ tội lỗi thì nên siêng năng đọc tụng kinh điển Phương đẳng, suy nghĩ nghĩa bậc nhất. Hoặc những hàng vua quan, Bà-la-môn, cư sĩ, trưởng giả, tể quan vì tham cầu không thỏa mãn nên gây ra năm tội nghịch, hủy báng kinh Phương đẳng, làm đủ mười nghiệp ác, ác báo lớn đó sẽ đọa vào đường ác nhanh hơn mưa lớn, chắc chắn đọa vào địa ngục A-tỳ, ai muốn diệt nghiệp chướng này thì nên sinh tâm hổ thẹn, sám hối các tội lỗi.
Thế nào gọi là pháp sám hối của hàng cư sĩ Sátlợi?
Đó là chỉ cần chánh tâm, không hủy báng Tam bảo, không ngăn cản người xuất gia, không gây khó dễ cho người phạm hạnh, nên chuyên tâm tu pháp sáu niệm và nên cung cấp cúng dường người trì kinh Đại thừa, không cần lễ bái, chỉ nên nghĩ nhớ nghĩa không bậc nhất của kinh pháp sâu xa. Ai suy nghĩ pháp này gọi là Sát-lợi cư sĩ tu sám hối thứ nhất.
Pháp sám hối thứ hai là hiếu dưỡng Cha mẹ, cung kính Sư trưởng, đó gọi là tu pháp sám hối thứ hai.
Pháp sám hối thứ ba là cai trị đất nước bằng chánh pháp không làm cho nhân dân tà vạy. Đó gọi là tu sám hối thứ ba.
Pháp sám hối thứ tư là ra lệnh mọi nơi trong nước không được giết hại trong sáu ngày trai. Đó gọi là tu sám hối thứ tư.
Pháp sám hối thứ năm là tin sâu nhân quả, tin đạo Nhất thật, biết Phật không hoại diệt. Đó gọi là tu sám hối thứ năm.
Phật lại bảo A-nan:
–Ở đời vị lai, nếu có người nào tu tập pháp sám hối này, nên biết người ấy mặc áo hổ thẹn, được các Đức Phật giúp đỡ, không bao lâu sẽ thành tựu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc Phật dạy lời này có mười ngàn vị trời được mắt pháp thanh tịnh. Các vị Đại Bồ-tát như Bồ-tát Di-lặc... Cùng ngài A-nan nghe lời Phật dạy vui mừng vâng làm.
[Mục lục bộ Hoa Nghiêm][274][275][276][277][278.1][278.2][279.1][279.2][280][281][282][283][284][285][286][287][288][289][290][291][292][293.1][293.2][294][295][296][297][298][299][300][301][302][303][304][305][306][307]