TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ HOA NGHIÊM(0274-0307)

SỐ 283 -KINH BỒ-TÁT THẬP TRỤ HÀNH ĐẠO PHẨM

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ.


Bồ-tát Đàm-muội-ma-đề, nương oai thần của Phật, ở trước Phật nhập định A-nan-ba-du-ca, nên được thấy chư Phật ở mười phương nhiều như số bụi trong ngàn cõi Phật; cứ một hạt bụi là một cõi Phật, trong một cõi Phật như vậy đều thấy các Đức Phật trong mười phương bốn hướng, đều nói:

–Lành thay! Lành thay! Bồ-tát Đàm-muội-mađề! Mười phương chư Phật đều ban trí tuệ, bảo với Bồ-tát Đàm-muội-ma-đề: Đó là bản nguyện đời trước của Đức Phật Thích-ca đã kết thành công đức và oai thần, đem lại lợi ích nhiều như vậy. Kinh pháp và oai thần của Phật, là thâm nhập nơi kinh Phật, để chỉ dạy cho chúng sinh trong mười phương; các pháp như hư không, tâm không đắm trước để khi nhập vào không bị tối tăm chướng ngại, nhập vào trong đạo lớn, mau chóng đến gần Phật; biết các kinh pháp, biết rõ các học thuyết tư tưởng của những người trong mười phương, biết sự giảng nói các kinh có trong mười phương, biết để học, để ứng dụng. Vì thế, nên nói mười pháp trụ của Bồ-tát cho các chúng Bồ-tát, để được thọ trì oai thần của Phật mà có thể thuyết giảng được.

Lúc ấy, Bồ-tát Đàm-muội-ma-đề bắt đầu giảng thuyết, lời giảng thông suốt không chướng ngại, không có gì là khó khăn, không cùng tận, không ai lường được, không có chỗ dừng, không ai sánh kịp, không ai tìm được chỗ hay dở, không bao giờ quên, luôn được sáng suốt, bình đẳng không sai khác, không lúc nào biếng nhác, kiêu mạn, trong chúng không ai bằng, giữ được Tam-muội. Chư Phật trong mười phương đều đưa tay phải xoa đầu Bồtát Đàm-muội-ma-đề và để Bồ-tát được giác ngộ trong Tam-muội. Chư Phật bảo Bồ-tát:

–Các Phật tử, hãy lắng nghe! Nhà Bồ-tát rất lớn, như khư không. Dựa vào nhân nào mà nhà Bồtát rất lớn? Vì chư Phật trong quá khứ đều sinh từ đó, chư Phật vị lai, hiện tại cũng đều sinh từ đó. Vì nhân duyên nào mà Bồ-tát thâm nhập đạo lớn? Nhân duyên nào mà được như vậy? Bồ-tát nhập đạo lớn, nguyên nhân chánh là: Bồ-tát có mười pháp trụ, để có thể phân biệt biết chỗ giảng thuyết của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Mười pháp trụ của Bồ-tát là gì? Đó là:

1. Ba-lam-kỳ-đâu-ba.

2. A-xà-phù.

3. Du-a-xà.

4. Xa-ma-kỳ.

5. Ba-du-tam-bát.

6. A-kỳ-tam-bát.

7. A-duy-việt-trí.

8. Cưu-ma-la-phù-đồng-nam.

9. Du-la-xà.

10. Nhất sinh bổ xứ.

1/ Pháp trụ của Bồ-tát Ba-lam-kỳ-đâu-ba là gì? Trên đầu thấy có Phật, đẹp đẽ không ai bằng, sắc mặt nhìn không chán, không ai sánh kịp; tôn quý không ai hơn, bay đi không ai hơn; truyền dạy không ai hơn. Là Bồ-tát, được thấy oai thần nghi pháp của Phật như vậy, dần dần vào đạo của Phật, chuyển mở và dạy bảo chúng sinh, hóa độ theo tâm ý chúng sinh, thương yêu những người đau khổ, làm cho chúng sinh dần dần hiểu lời Phật, tin tưởng mà hướng về. Những người mới phát tâm học Phật đạo đều muốn hiểu được và đạt được mười sự khó của trí Phật. Mười sự khó đó là gì? Đó là mười lực của Phật. Pháp dạy của Bồ-tát Ba-lam-kỳ-đâu-ba có mười việc. Đó là: 1. Nên cúng dường Phật và Bồ-tát. 2. Dạy dỗ theo sở thích. 3. Chỗ sinh ra đều được tôn kính và quý trọng. 4. Khắp trời người không một ai sánh bằng. 5. Đạt được trí Phật. 6. Đời đời được gặp vô số Phật. 7. Hiểu được sâu xa pháp Thiền định của Phật. 8. Sau khi chết không sinh ở nơi biên địa. 9. Không bao lâu được giải thoát. 10. Độ thoát chúng sinh trong mười phương. Vì sao? Vì đó là lợi ích khi thâm nhập Phật pháp.

2/ Pháp trụ của Bồ-tát A-xà-phù là gì? Có mười ý khi nghĩ đến chúng sinh trong mười phương. Đó là: 1. Nghĩ đến thế gian đều là người lành. 2. Tâm thanh bạch. 3. Tâm an ổn. 4. Tâm nhu hòa mềm dịu. 5. Bình đẳng thương yêu. 6. Luôn thích bố thí cho người. 7. Tâm luôn được bảo vệ. 8. Luôn nghĩ thân mình và người không khác. 9. Luôn nghĩ chúng sinh trong mười phương phải xem như thầy. 10. Luôn nghĩ chúng sinh trong mười phương như là Phật hiện.

Pháp của Bồ-tát A-xà-phù, là pháp nên học nhiều kinh, đã học nhiều nên phải ở một chỗ, đã ở một chỗ nên chăm sóc thiền sư, đã chăm sóc thiền sư thì phải ở bên cạnh, đã ở bên cạnh nên hầu hạ đúng thời, đã hầu hạ đúng thời nên làm việc, đã làm việc nên siêng năng, đã siêng năng nên học hỏi thâm nhập trí tuệ, đã học hỏi thâm nhập trí tuệ thì nên thọ trì pháp, đã thọ thì phải giữ không thể quên, nên ở nơi an ổn. Vì sao? Vì đó là lợi ích thương tưởng chúng sinh trong mười phương.

3/ Pháp trụ của Bồ-tát Du-a-xà là gì? Có mười việc thâm nhập vào trong pháp. Đó là: 1. Các vật sở hữu đều vô thường. 2. Các vật sở hữu đều khổ đau. 3. Các vật sở hữu đều trống không. 4. Các vật sở hữu đều chẳng phải ngã sở. 5. Các vật sở hữu đều không tồn tại. 6. Các vật sở hữu đều không lợi ích. 7. Các vật sở hữu đều không chỗ dừng. 8. Các vật sở hữu đều không thật có. 9. Các vật sở hữu đều không thể đắm trước. 10. Các vật sở hữu đều vô sở hữu. Đã thâm nhập các pháp ấy thì không còn trở lại. Giáo pháp của Bồ-tát Du-a-xà là: Phải nghĩ đến chúng sinh trong mười phương thì phải nghĩ đến pháp xứ; đã nghĩ đến pháp xứ là phải nghĩ đến cõi Phật, đã nghĩ đến cõi Phật, tất nghĩ đến pháp địa; đã nghĩ đến pháp địa, là phải nghĩ đến pháp thủy; đã nghĩ đến pháp thủy thì phải nghĩ đến pháp hỏa; đã nghĩ đến pháp hỏa thì phải nghĩ đến pháp phong; đã nghĩ đến pháp phong thì phải nghĩ đến pháp dục; đã nghĩ đến pháp dục thì phải nghĩ đến pháp sắc; đã nghĩ đến pháp sắc, thì phải nghĩ đến không có xứ của pháp sắc dục; đã nghĩ không có chỗ cho pháp sắc dục thì tâm không chỗ tham. Vì sao? Vì nhờ đó mà được sáng suốt trong pháp.

4/ Pháp trụ của Bồ-tát Xa-ma-kỳ là gì? Có mười việc luôn nguyện được sinh vào cõi Phật. Đó là: 1. Không còn trở lại. 2. Thâm nhập tâm từ của Phật. 3. Suy xét sâu về pháp. 4. Nhìn chúng sinh trong mười phương bằng tâm. 5. Suy xét hiểu rõ mười phương là không thật có. 6. Cõi Phật nơi mười phương là trống không. 7. Biết nghiệp kiếp trước là không thật có. 8. Các vật sở hữu đều trống không như huyễn hóa. 9. Các vật sở hữu đều là khổ đau không thật. 10. Niết-bàn trống không chẳng thật. Nhờ vậy, mới được sinh trong Phật pháp. Đó là giáo pháp của Bồ-tát Xa-ma-kỳ. Chư Phật trong quá khứ trống không chẳng có thật, chư Phật ở trong vị lai, hiện tại cũng trống không chẳng có thật; pháp của chư Phật trong quá khứ, không thật có; pháp chư Phật ở vị lai, hiện tại cũng vậy. Bồtát suy nghĩ, pháp của Phật trong quá khứ, từ đâu phát sinh mà cuối cùng hiểu ra là không thật có; pháp của Phật ở vị lai, hiện tại cũng vậy: Từ đâu phát sinh mà cuối cùng hiểu ra là không thật có. Tất cả pháp của chư Phật cũng phải hiểu là không thật có. Vì sao? Vì pháp trong ba đời xét cho cùng đều không thật có.

5/ Pháp trụ của Bồ-tát Ba-du-tam-bát là gì? Có mười việc, tạo ra phước đức là vì cứu độ chúng sinh. Đó là: 1. Bảo vệ chúng sinh trong mười phương. 2. Khiến cho chúng sinh trong mười phương làm điều lành. 3. Luôn nghĩ đến sự an ổn của đời sống chúng sinh trong mười phương. 4. Yêu quý chúng sinh trong mười phương. 5. Thương xót chúng sinh trong mười phương. 6. Dạy chúng sinh trong mười phương không làm ác. 7. Hướng dẫn chúng sinh đắm trong đạo của Bồ-tát. 8. Làm cho chúng sinh trong mười phương đều thanh tịnh. 9. Cứu độ chúng sinh trong mười phương. 10. Đưa chúng sinh trong mười phương vào chỗ an vui Niết-bàn nhưng không đếm số chúng sinh, không tính kể, không bàn luận, không kêu gọi, không so lường và cũng không thể giảng nói rành mạch. Chúng sinh trong mười phương là gì? Vô số chúng sinh trong mười phương đó là những người đều trống không, những người không có ngã sở, những người không sở hữu, không thuộc người khác. Vì sao? Vì tâm không chấp giữ.

6/ Pháp trụ của Bồ-tát A-kỳ-tam-bát là gì? Có mười pháp để thâm nhập vào tâm từ ái. Đó là: 1. Dù nghe nói thiện hay ác của Phật, tâm vẫn không thay đổi. 2. Nghe nói pháp tốt, nói pháp xấu, tâm vẫn không thay đổi. 3. Nghe nói Bồ-tát tốt, Bồ-tát xấu, tâm vẫn không thay đổi. 4. Người cầu đạo Bồtát nghe nói đạo tốt, xấu, tâm vẫn không thay đổi. 5. Dù có người nói chúng sinh trong mười phương nhiều hay ít, tâm vẫn không thay đổi. 6. Dù nghe chúng sinh trong mười phương tu đạo tốt hay xấu, tâm vẫn không thay đổi. 7. Dù có người nói chúng sinh trong mười phương, dễ độ thoát hay khó độ thoát, tâm vẫn không thay đổi. 8. Thuyết pháp nhiều hay ít, tâm vẫn không thay đổi. 9. Thuyết pháp hoại diệt hay không hoại diệt, tâm vẫn không thay đổi. 10. Dù có pháp xứ hay không có pháp xứ, tâm vẫn không thay đổi. Bồ-tát nên học và biết các pháp là không thật có. Lại có mười việc. Đó là: 1. Các pháp là không thật có. 2. Các pháp là không thể thấy được. 3. Học các pháp như tạo tác biến hóa. 4. Các pháp đều trống không. 5. Bao nhiêu chủng loại pháp cũng đều trống không. 6. Các pháp không chướng ngại, tận cùng đều trống không. 7.

Các pháp biến hóa như huyễn. 8. Các pháp có như trong cảnh mộng. 9. Các pháp không thể đếm được. 10. Các pháp là không thật, không thể hiện ra được. Vì sao? Vì càng thâm nhập vào Phật pháp thì lợi ích đó không ai hơn được.

7/ Pháp trụ của Bồ-tát A-duy-việt-trí là gì? Bồtát nghe mười việc vẫn không lay tâm. Đó là: 1. Dù có Phật hay không Phật thì tâm vẫn không lay động. 2. Dù nói có pháp hay không có pháp thì tâm vẫn không lay động. 3. Dù có Bồ-tát hay không có Bồ-tát, thì tâm vẫn không lay động. 4. Dù có người cầu đạo Bồ-tát hay không có người cầu đạo Bồ-tát, thì tâm vẫn không lay động. 5. Dù thọ trì pháp này sẽ đắc đạo, pháp kia sẽ không đắc đạo, thì tâm vẫn không lay động. 6. Dù có chư Phật đời quá khứ hay không có chư Phật ở quá khứ, thì tâm vẫn không lay động. 7. Dù có chư Phật đời vị lai hay không có chư Phật đời vị lai, thì tâm vẫn không lay động. 8. Dù có chư Phật đời hiện tại hay có không chư Phật đời hiện tại, thì tâm vẫn không lay động. 9. Dù trí tuệ của Phật cùng tận hay không cùng tận, thì tâm vẫn không lay động. 10. Dù những việc của thế gian ở quá khứ, vị lai hay hiện tại có nhiều hay ít, thì tâm vẫn không lay động. Bồ-tát nên dạy mọi người học mười việc sau đây: 1. Từ một trí tuệ thâm nhập nhiều trí tuệ. 2. Giữ nhiều trí tuệ mà đi vào một trí tuệ. 3. Từ một trí tuệ mà thâm nhập nhiều việc. 4. Từ nhiều việc mà đi vào một trí tuệ.

5. Đưa chúng sinh trong mười phương thâm nhập vào pháp trống không. 6. Đem pháp không nhập vào mười phương chúng sinh. 7. Đưa tư tưởng nhập vào nơi không dao động. 8. Đưa sự không dao động nhập vào trong tư tưởng. 9. Đem sự trống không vào trong tư tưởng. 10. Đưa tư tưởng nhập vào nơi trống không. Vì sao? Vì công đức các pháp đều nằm trọn trong đó nên sử dụng pháp đó thì không dao động.

8/ Pháp trụ của Bồ-tát Cưu-ma-la-phù-đồngnam là gì? Bồ-tát phải trụ trong mười việc. Đó là: 1. Thanh tịnh thân, khẩu, ý nghiệp. 2. Không ai tìm được chỗ hay chỗ dở. 3. Muốn sinh ở đâu thì trở lại sinh ở đó. 4. Biết chúng sinh trong mười phương ai là người có tâm từ. 5. Biết tâm tin của chúng sinh trong mười phương. 6. Biết tất cả chủng loại chúng sinh có trong mười phương. 7. Biết hết những việc làm của chúng sinh trong mười phương. 8. Biết hết những thành bại của các cõi nước. 9. Muốn bay đến đâu thì có thần túc bay đến đó. 10. Học các pháp thanh tịnh. Bồ-tát lại phải học mười việc. Đó là: 1. Phải học để biết hết các cõi Phật. 2. Phải học cảm động đến các cõi Phật. 3. Phải học sự tự tại làm việc bằng oai thần. 4. Phải học để thấy rõ các cõi Phật. 5. Phải học từ một cõi Phật này đến được một cõi Phật khác. 6. Phải học đi đến vô số các cõi Phật. 7. Phải học và hỏi để biết vô số pháp. 8. Phải học sự biến hóa để tự tại tạo được như biến hóa. 9. Phải học tiếng vang âm thanh của Phật. 10. Phải học trong một niệm có thể đếm được vô số Phật để cúng dường. Vì sao? Vì đưa hết các pháp vào trong một pháp.

9/ Pháp trụ của Bồ-tát Du-a-la-xà là gì? Bồ-tát phải làm mười việc. Đó là: 1. Biết hết sự thọ sinh của chúng sinh trong mười phương. 2. Biết hết chúng sinh đều bị trói buộc trong vòng ân ái. 3. Biết chúng sinh trong mười phương từ đâu mà có. 4. Biết nơi thọ sinh của nghiệp báo thiện ác đời trước của chúng sinh trong mười phương. 5. Biết hết chủng loại của các pháp. 6. Biết hết những suy nghĩ, những biến hóa đủ loại của chúng sinh trong mười phương. 7. Biết sự tốt xấu hư hoại của các cõi Phật. 8. Biết hết vô số những sự việc ở thế gian trong quá khứ, vị lai, hiện tại. 9. Biết hết những sự bình đẳng, không bình đẳng của chúng sinh trong mười phương. 10. Chỉ dạy cho chúng sinh trong mười phương biết là pháp trống không. Còn có mười điều mà Bồ-tát phải học để biết. Đó là: 1. Nên học nhà Phật pháp. 2. Nên học xây nhà Phật pháp. 3. Nên học những gì có trong nhà Phật. 4. Nên học những gì nhà Phật dạy dỗ. 5. Nên học sự ra vào nhà Phật. 6. Nên học nhà Pháp. 7. Nên học nhà vua pháp. 8. Nên học sự răn dạy của pháp. 9. Nên học sự an ổn thực hành vua pháp. 10. Nên học làm theo sự răn dạy đã có trong vua pháp. Vì sao? Vì nhờ đó, dần dần nhập vào đạo lớn của Phật, tự thực hành và dạy dỗ pháp đã nghe.

10/ Pháp trụ của Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ là gì? Bồ-tát phải thâm nhập vào mười trí để phân biệt biết rõ. Đó là: 1. Do nhân gì mà cảm động vô số cõi Phật. 2. Phải biết rõ hết mọi việc trong vô số cõi Phật. 3. Hằng ngày, ta nên đưa các Bồ-tát vào trong vô số cõi Phật. 4. Hằng ngày, ta phải độ vô số người trong vô số cõi Phật. 5. Ta phải làm an ổn chúng sinh trong vô số cõi Phật. 6. Ta phải làm cho chúng sinh trong mười phương đều nghe tiếng mình. 7. Biết hết các chúng sinh trong mười phương. 8. Những tư tưởng thiện ác của chúng sinh trong mười phương ta đều phải biết. 9. Làm cho của chúng sinh trong mười phương sống trong Phật đạo. 10. Ta đều độ thoát hết chúng sinh trong mười phương. Bồ-tát Du-la-xà không biết được thân, khẩu, ý nghiệp của Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ; không hiểu được việc làm của Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ; không thể biết suy nghĩ, thần túc, không biết bay, cũng không biết được những việc làm ở quá khứ, vị lai, hiện tại của Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ; không thể quay lại suy nghĩ để biết được các cõi Phật; cũng không thể biết hành tướng của ý nghĩ, của tâm là dùng trí tuệ làm mười việc. Bồ-tát Du-la-xà không biết được việc làm của Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ. Vì Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ đã thâm nhập vào trong mười trí của Phật. Đó là: 1. Trải qua ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, theo học hỏi Phật. 2. Theo Phật học hỏi đầy đủ các pháp của Phật. 3. Theo Phật học hỏi các pháp ở mọi nơi, không bị chướng ngại. 4. Theo Phật học hỏi các pháp, không nề hà cao thấp, không bờ bến. 5. Theo Phật học hỏi oai thần công đức là để hộ trì ở tất cả các cõi nước. 6. Theo Phật học hỏi để biết rõ vô số cõi nước là không ngằn mé, không thể tính kể được. 7. Theo Phật học hỏi sự an ổn ở vô số cõi Phật trong mười phương. 8. Theo Phật học hỏi để biết vô số việc làm của chúng sinh trong mười phương. 10. Theo Phật học hỏi để biết được trí tuệ của Phật. Vì sao? Vì tất cả đều biết đủ, biết hết trí tuệ của Phật, hoàn toàn không theo ai học đạo. Đó là mười pháp mà Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ hành trì.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Hoa Nghiêm][274][275][276][277][278.1][278.2][279.1][279.2][280][281][282][283][284][285][286][287][288][289][290][291][292][293.1][293.2][294][295][296][297][298][299][300][301][302][303][304][305][306][307]


[Mục lục tổng quát]