TẠNG KINH
BỘ HOA NGHIÊM(0274-0307)
SỐ 307 - KINH TRANG NGHIÊM TÂM BỒ-ĐỀ
Hán dịch: Đời Dao Tần, Tam tạng Cưu-ma-la-thập.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật trú nơi núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương xá cùng với đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm vị, mười ngàn Bồ-tát. Tên của các vị là: Bồ-tát Trí Quang, Bồ-tát Pháp Quang, Bồ-tát Nguyệt Quang, Bồ-tát Nhật Quang, Bồ-tát Vô Biên Quang, Bồ-tát Bạt-đà-la.
Có mười sáu vị Chánh sĩ như Văn-thù-sư-lợi vốn tu hành từ pháp này, lại có sáu mươi Bồ-tát như Bồ-tát Di-lặc cũng tu hành từ pháp ấy, cùng tất cả các Đại Bồ-tát tu hành trong Hiền kiếp này.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn cùng với vô số đại chúng vây quanh, vì họ giảng nói pháp. Lúc ấy, trong chúng hội có Bồ-tát tên Tư Vô Lượng Nghĩa, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo bày vai bên phải, đầu gối bên phải quỳ sát đất, dùng các thứ hoa báu rải lên Đức Phật. Cúng dường Phật xong, chắp tay bạch Đức Phật:
–Thưa Đức Thế Tôn! Con có ý muốn hỏi, xin Thế Tôn thương xót mà cho pháp.
Đức Phật dạy Bồ-tát Tư Vô Lượng Nghĩa:
–Ông cứ tùy ý hỏi.
Bồ-tát Tư Vô Lượng Nghĩa bạch Phật:
–Thưa Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát tu tâm Bồđề? Thế nào là tâm Bồ-đề?
Đức Phật dạy Bồ-tát Tư Vô Lượng Nghĩa:
–Bồ-tát tu tâm Bồ-đề chẳng phải là đối với chúng sinh. Tâm Bồ-đề là không thể nắm bắt được, tâm này chẳng có hình sắc, chẳng có thể thấy, pháp cũng không thể nắm bắt được. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh vốn không.
Bồ-tát Tư Vô Lượng Nghĩa bạch Phật:
–Thưa Thế Tôn! Pháp tướng như vậy là rất sâu xa, Bồ-tát nên tu hành như thế nào?
Đức Phật dạy Bồ-tát Tư Vô Lượng Nghĩa:
–Này thiện nam! Tâm Bồ-đề không có hình tướng, chẳng phải có, chẳng phải tạo ra, lìa văn tự. Bồ-đề tức là tâm, tâm tức là chúng sinh. Nếu hiểu rõ được như vậy mới gọi là Bồ-tát tu tâm Bồ-đề.
Bồ-đề vốn không có quá khứ, vị lai, hiện tại. Tâm Bồ-đề như vậy thì thì chúng sinh cũng vốn không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Nếu có thể hiểu rõ như vậy thì gọi là Bồ-tát. Nhưng ở trong đó thật không chỗ thủ đắc, do không chỗ thủ đắc nên mới là chứng đắc. Nếu đối với tất cả pháp không hề có chỗ thủ đắc nên gọi là đạt được Bồ-đề. Vì chúng sinh mới tu hành nên phương tiện nói có Bồ-đề, như A-la-hán chứng quả. Nhưng ở nơi pháp thật không có chỗ thủ đắc, chỉ tạm dùng ngôn từ thế tục nên nói là có Bồ-đề, nhưng Bồ-đề thật sự là không thể chứng được. Nếu đối với hết thảy pháp mà không hề có chỗ thủ đắc thì gọi là Bồ-đề.
Nhưng ở trong đó không có tâm, cũng không có người tạo ra tâm, cũng không có Bồ-đề, cũng không có người tạo ra Bồ-đề, cũng không có chúng sinh, cũng không có người tạo ra chúng sinh, cũng không có Thanh văn, cũng không có người phát tâm hành Thanh văn, cũng không có Bích-chiphật, cũng không có người phát tâm tu Bích-chiphật, cũng không có Bồ-tát, cũng không có người phát tâm Bồ-tát, cũng không có Phật, cũng không có người thành Phật, cũng không có hữu vi, cũng không có người tạo pháp hữu vi, cũng không có vô vi, cũng không có người tạo vô vi. Trong những pháp trên mà cho là đã chứng đắc, đang đắc và sẽ chứng đắc thì đều là không thể được.
Đức Phật dạy:
–Này thiện nam! Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ chín chắn, những điều đang nói hay ta sẽ nói:
Bồ-tát phát tâm Bồ-đề có mười pháp.
Những gì là mười pháp?
1. Phát tâm thành tựu nguồn gốc của tất cả pháp lành, ví như núi Tu-di dùng các thứ báu để trang nghiêm.
2. Phát tâm thực hành Bố thí ba-la-mật, ví như mặt đại địa nuôi lớn các pháp lành.
3. Phát tâm thực hành Trì giới ba-la-mật, ví như sư tử chúa có thể hành phục các loài thú, diệt trừ tà kiến.
4. Phát tâm thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật, ví như Na-la-diên bền chắc, không thể bị hủy hoại mà có khả năng phá trừ phiền não.
5. Phát tâm thực hành Tinh tấn ba-la-mật, hiện đang tu hành các pháp lành, như hoa trời như ý phát ra lời pháp như ý.
6. Phát tâm thực hành Thiền ba-la-mật, ví như mặt trời chiếu sáng, diệt trừ tối tăm.
7. Phát tâm thực hành Trí tuệ ba-la-mật, các tâm nguyện đều được thành tựu đầy đủ, ví như người đi buôn bán phương xa không gặp các hoạn nạn.
8. Phát tâm thực hành Phương tiện ba-la-mật, diệt trừ các chướng ngại, ví như mặt trăng tròn đầy, trong suốt không nhơ.
9. Phát tâm muốn thực hành đầy đủ bản nguyện du hóa nơi các cõi Phật, ưa nghe pháp thâm diệu, diệt trừ nạn đói nghèo của tâm trí.
10. Phát tâm rộng lớn như hư không, trí tuệ của vị này không cùng tận, ví như Chuyển luân thánh vương, thành tựu Nhất thiết chủng trí.
Này thiện nam! Nếu người nào có thể phát được mười thứ tâm trên thì mới gọi là Bồ-tát, cũng gọi là Đại Bồ-tát, cũng gọi là chúng sinh được vô vi, cũng gọi là chúng sinh không còn bị chướng ngại, cũng gọi là chúng sinh đã được độ thoát, cũng gọi là chúng sinh không thể nghĩ bàn, nhưng ở trong ấy cũng không có tâm, cũng không có Bồ-đề. Lại nữa, này thiện nam! Có mười pháp Tammuội hộ trì tâm Bồ-đề. Mười pháp đó là gì?
1. Phát tâm thực hành Tam-muội pháp bảo để hộ trì tâm Bồ-đề.
2. Phát tâm hành Tam-muội Kiên cố để hộ trì.
3. Phát tâm nhập Tam-muội Bất động để hộ trì.
4. Phát tâm hành Tâm muội Bất thoái để hộ trì.
5. Phát tâm thực hành Tam-muội Bảo hoa để hộ trì.
6. Phát tâm thực hành Tam-muội Nhật quang để hộ trì.
7. Phát tâm thấu đạt Tam-muội Nhất thiết nghĩa để hộ trì.
8. Phát tâm vận dụng Tam-muội Trí chiếu để hộ trì.
9. Phát tâm tu hành Tam-muội Chư Phật hiện tại tiền để hộ trì.
10. Phát tâm thể nhập Tam-muội Thủ-lăngnghiêm để hộ trì.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nơi tướng của Sơ địa có thể thấy ba ngàn cõi Phật, trong ấy có đủ muôn ngàn vô số châu báu được ẩn chứa.
Vào hai địa có thể thấy ba ngàn cõi Phật an nhiên bình tịnh, dùng các hoa báu sáng đẹp để trang nghiêm. Vào ba địa sẽ thấy các lực sĩ hàng phục oán địch. Vài bốn địa có thể thấy từ bốn phương, các ngọn phong luân thổi đến, có các thứ hoa vi diệu rải khắp mặt đất. Vào năm địa có thể thấy các Thiên nữ dùng các chuỗi báu anh lạc trang nghiêm thân, trên đầu đội mão Thiên hoa Ưu-bátla, hoặc mão Thiên hoa Chiêm-bặc, hoặc mão Thiên hoa Bà-sư-ca, hoặc mão bằng Thiên hoa Ađề-mục-đa-già để trang nghiêm hình tướng. Vào sáu địa thấy các ao báu với nước tám công đức trong lặng tràn đầy. Ao ấy có đường đi xung quanh, bậc cấp bằng bảy báu, đáy ao lót bằng cát vàng, tự thấy thân mình ở trong ao đó vui chơi thích thú. Vào bảy địa thấy hai bên có các địa ngục, tự mình đi qua cảnh ấy mà không thấy khó khăn. Vào tám địa tự thấy trên hai vai có sư tử chúa hình dạng rất đoan nghiêm, trên đầu cắm cờ hiệu, có oai lực lớn, hàng phục các loài thú. Vào chín địa thấy Chuyển luân thánh vương, trăm ngàn đại thần, Sát-lợi, cư sĩ đều đến vây quanh, dùng chánh pháp giáo hóa vô lượng chúng sinh, thấy trong hư không có các lọng báu che phủ ở trên. Vào mười Địa thấy sắc thân của Phật, thân sắc vàng ròng phóng ra ánh sáng lớn, có đại chúng vây quanh, vì họ giảng nói pháp.
Này thiện nam! Nếu khéo phân biệt mười loại tương ưng như vậy thì sẽ thành tựu được mười Địa, do diệu lực của Tam-muội.
Lại nữa, này thiện nam! Vào Địa thứ nhất sẽ sinh Đà-la-ni Thắng tấn, vào Địa thứ hai sinh Đàla-ni Bất hoại, vào Địa thứ ba sinh khởi Đà-la-ni an ổn, vào Địa thứ tư sinh khởi Đà-la-ni khó có thể hủy hoại, vào Địa thứ năm sinh khởi Đà-la-ni công đức với vô số trang nghiêm, vào Địa thứ sáu sinh khởi Đà-la-ni trí tuệ viên minh, vào Địa thứ bảy sẽ sinh Đà-la-ni Tăng ích, vào Địa thứ tám; sinh không Đà-la-ni phân biệt là thượng thủ và tám vạn bốn ngàn Đà-la-ni cùng sinh khởi, vào Địa thứ chín sinh Đà-la-ni vô biên là thượng thủ cùng với sáu mươi hai ức vô số Đà-la-ni đồng sinh khởi, vào Địa thứ mười sinh Đà-la-ni Vô tận là thượng thủ và ngàn ức hằng hà sa Đà-la-ni cùng sinh khởi.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát vào Địa thứ nhất thực hành Bố thí ba-la-mật, vào Địa thứ hai hành Trì giới ba-la-mật, vào Địa thứ ba hành Nhẫn nhục ba-la-mật, vào Địa thứ bốn hành Tinh tấn ba-lamật, vào Địa thứ năm hành Thiền định ba-la-mật, vào Địa thứ sáu hành Bát-nhã ba-la-mật, vào Địa thứ bảy hành Phương tiện ba-la-mật, vào Địa thứ tám hành Trí tuệ ba-la-mật, vào Địa thứ chín hành dụng giúp chúng sinh thành tựu đầy đủ Ba-la-mật, vào Địa thứ mười hành các nguyện đầy đủ Ba-lamật.
Như vậy, các Ba-la-mật này trong sự hành trì mười Địa đều đã thành tựu.
Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật có mười thứ. Mười loại ấy là gì?
1. Tín căn.
2. Định căn.
3. Tâm Từ rộng lớn.
4. Tâm Bi rộng lớn.
5. Ta được an vui.
6. Người khác cũng an vui.
7. Phát tất cả hạnh nguyện.
8. Hộ trì tất cả chúng sinh.
9. Dùng bốn Nhiếp pháp.
10. Thân gần giáo pháp của chư Phật.
Đây gọi là mười thứ pháp thành tựu Bố thí bala-mật.
Lại nữa, này thiện nam! Người hành Trì giới ba-la-mật có mười pháp. Mười pháp ấy là gì?
1. Xa lìa tám nạn.
2. Thành tựu công đức của Phật.
3. Lìa địa vị Thanh văn.
4. Lìa địa vị Bích-chi-phật.
5. Thân được thanh tịnh.
6. Miệng được thanh tịnh.
7. Ý được thanh tịnh.
8. Tâm được trang nghiêm.
9. Đoạn trừ sự chẳng duyên dựa nơi địa ngục.
10. Tu hành các hạnh được thành tựu như ý.
Đủ mười pháp này tức là thành tựu Trì giới bala-mật.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát hành Nhẫn nhục ba-la-mật có mười pháp. Mười pháp ấy là gì?
1. Có sức nhẫn nhục.
2. Phấn chấn, dũng mãnh.
3. Thành tựu chúng sinh.
4. Đối với pháp sâu xa có thể thọ nhận.
5. Không có tâm đây kia.
6. Đoạn được sân hận.
7. Không tham tiếc sắc thân.
8. Không tiếc thọ mạng.
9. Xả bỏ si mê.
10. Quán Pháp thân bình đẳng.
Như vậy là mười pháp thành tựu Nhẫn nhục bala-mật.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát hành Tinh tấn ba-la-mật có mười pháp. Mười pháp ấy là gì?
1. Tinh tấn căn.
2. Tinh tấn lực.
3. Chánh cần.
4. Chánh niệm.
5. Đem thân trợ giúp chúng sinh.
6. Dùng tâm và lời nói tùy thuận chúng sinh.
7. Tu hành không thoái chuyển.
8. Trừ hết biếng nhác.
9. Hàng phục được ác tri thức.
10. Tích tập Nhất thiết trí.
Đây gọi là mười pháp thành tựu Tinh tấn ba-lamật.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát hành Thiền ba-la-mật có mười pháp. Mười pháp ấy là gì?
1. Định căn.
2. Định lực.
3. Định bình đẳng.
4. Hiện bày diệu dụng nơi cảnh giới thiền.
5. Được Tam-muội.
6. Được quả báo Tam-muội.
7. Không hủy hoại các pháp lành.
8. Trừ diệt được phiền não oán kết.
9. Đối với chánh pháp cũng còn phải xả bỏ.
10. Định được tích tụ.
Như vậy là mười pháp thành tựu Thiền ba-lamật.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát hành Bátnhã ba-la-mật có mười pháp. Mười pháp ấy là những gì?
1. Tuệ căn.
2. Tuệ lực.
3. Chánh kiến.
4. Chánh niệm.
5. Dùng phương tiện sâu xa.
6. Phân biệt mười tám giới.
7. Quán các Thánh đế.
8. Trí không chướng ngại.
9. Xa hẳn tà kiến.
10. Hành Vô sinh pháp nhẫn.
Như vậy là mười pháp được thành tựu Bát-nhã ba-la-mật.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát hành Phương tiện ba-la-mật có mười pháp. Mười pháp ấy là gì?
1. Đồng sự với chúng sinh.
2. Hộ trì chúng sinh.
3. Phát tâm Từ bi rộng lớn.
4. Tâm không chán bỏ.
5. Lìa hạnh Thanh văn và Bích-chi-phật.
6. Nhập Ba-la-mật.
7. Phân biệt đúng như thật về sự vật.
8. Hộ trì cho tâm hiền thiện.
9. Vào quả vị không thoái chuyển.
10. Hàng phục các ma chướng.
Đây gọi là mười pháp thành tựu Phương tiện ba-la-mật.
Lại nữa, này thiện nam! Thế nào gọi là Nghĩa ba-la-mật?
Tu hành công đức thù thắng đến nơi viên mãn, là nghĩa của Ba-la-mật. Thành tựu trí tuệ bậc nhất là nghĩa Ba-la-mật. Không ở hữu vi, cũng không ở vô vi, là nghĩa Ba-la-mật. Sinh tử là nỗi lo lớn, nếu khéo hiểu biết là nghĩa Ba-la-mật. Chỗ chưa giác ngộ nay đã biết rõ, là nghĩa Ba-la-mật. Pháp tạng không cùng tận, nếu có thể chỉ bày rõ ràng rộng khắp là nghĩa Ba-la-mật. Khéo diệt trừ các chướng ngại là nghĩa Ba-la-mật. Hành các hạnh Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, Phương tiện mà không mong quả báo, là nghĩa Bala-mật. Hiểu rõ tất cả thế giới của chúng sinh là nghĩa Ba-la-mật. Đầy đủ Vô sinh pháp nhẫn, là nghĩa Ba-la-mật. Thành tựu pháp tu không còn thoái chuyển, là nghĩa Ba-la-mật. Tu hành thanh tịnh làm trang nghiêm cõi Phật, là nghĩa Ba-la-mật. Thành tựu đầy đủ cho các chúng sinh, là nghĩa Bala-mật.
Ở nơi đạo tràng giác ngộ về Nhất thiết trí, là nghĩa Ba-la-mật. Hàng phục các ma oán, là nghĩa Ba-la-mật. Thành tựu được Nhất thiết chủng trí của chư Phật là nghĩa Ba-la-mật. Phá được các dị kiến, là nghĩa Ba-la-mật. Mười Lực, bốn Vô úy, mười tám pháp Bất cộng đều thành tựu đầy đủ, là nghĩa Ba-la-mật. Thành tựu chuyển pháp luân mười hai hành, là nghĩa Ba-la-mật.
Như vậy, này thiện nam! Ý nghĩa của pháp Bala-mật rất sâu xa vô lượng. Ta nay chỉ nương tựa vào đây vì các vị lược nói vậy thôi.
Bấy giờ, trong hội có một vị Thiên tử tên là Sư Tử Phấn Tấn Quang liền từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay bạch Phật:
–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn đã dạy ở trên thì công đức của chư Phật rất sâu xa ít có, cũng như vị cam lồ làm cho tất cả mọi người đều được đầy đủ.
Đức Phật dạy Thiên tử:
–Lành thay! Lành thay! Như ông đã nói, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, các chúng Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân và phi nhân cùng các vị Đại Bồ-tát được nghe kinh điển này, thì các vị ấy đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không còn thoái chuyển. Vì sao? Này Thiên tử! Nếu có thiện nam tín nữ nào đời trước đã từng gieo trồng gốc công đức thì mới được nghe kinh này, không phải là người có chút ít phước đức mà nghe được.
Nếu có người vừa được nghe kinh này liền phát tâm đọc tụng, biên chép, khi xả báo thân, thường thấy được chư Phật. Đã thấy chư Phật rồi, thì ở chỗ Phật chuyển vận bánh xe diệu pháp liền chứng được vô tận Đà-la-ni ấn, cũng đạt được Đà-la-ni biết rõ tất cả tâm hành của chúng sinh Đà-la-ni, cũng được Đà-la-ni như mặt trời soi chiếu, cũng được Đà-la-ni thanh tịnh vô cấu, cũng được Đà-lani tất cả các pháp bất động, cũng được Đà-la-ni như Kim cang không bị hư hoại, cũng được Đà-la-ni diễn nói kho tàng nghĩa thâm diệu, cũng được Đàla-ni khéo hiểu rõ lời nói của tất cả chúng sinh, cũng được Đà-la-ni hư không vô cấu hiện bày diệu dụng vô tận, cũng được Đà-la-ni như Phật hóa thân. Huống gì là được nghe xong lại còn tu hành đúng như pháp.
Này thiện nam! Nếu có Bồ-tát chứng được pháp này thì có thể đi đến khắp các cõi nước của chư Phật trong mười phương, hóa hiện thân Phật, vì chúng sinh mà diễn nói diệu pháp, nhưng đối với tướng của các pháp thì luôn bất động, cũng không có tướng đến đi. Tuy thành tựu chúng sinh mà không thấy có chúng sinh nào có thể gọi là được thành tựu. Thường vì chúng sinh giảng nói pháp, mà không thấy có chỗ nói, thường thị hiện thọ sinh mà vẫn không sinh diệt. Tuy thị hiện có đến đi mà không có tướng đến đi.
Lúc Đức Thế Tôn giảng nói pháp này thì có ba ngàn vị Bồ-tát được pháp Vô sinh nhẫn, vô lượng chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bồ-tát Tư Vô Lượng Nghĩa cùng tám chúng
Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Nhân và phi nhân nghe Đức Phật giảng dạy đều hoan hỷ phụng hành.
[Mục lục bộ Hoa Nghiêm][274][275][276][277][278.1][278.2][279.1][279.2][280][281][282][283][284][285][286][287][288][289][290][291][292][293.1][293.2][294][295][296][297][298][299][300][301][302][303][304][305][306][307]