TẠNG KINH
BỘ HOA NGHIÊM(0274-0307)
SỐ 300 - KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM NÓI VỀ CẢNH GIỚI KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN CỦA PHẬT
Hán dịch: Đại Đường, Vu điền, Pháp sư Đề-vân Bát-nhã.
Tôi nghe như vầy:
–Một thời Đức Bạc-già-phạm, tại nước Makiệt-đà, dưới gốc cây Bồ-đề, thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Khi thành Đẳng chánh giác, thì rễ cây Bồ-đề kia bám rất sâu, đứng vững trên mặt đất như trụ cột cây chiên-đàn, thân cây mọc thẳng, góc không cành lá, vững chắc tròn trịa, gọi là A-thấp-ba-tha. Các loài chim không thể bay qua, vỏ cây tế nhuyễn như lụa mỏng có đường nét hoa văn đẹp, rất nhiều cành nhỏ mọc xen kẽ, lá nó ẩn hiện, xanh biếc trang nghiêm, đường gân trên lá hiện rõ như sắc xanh da trời. Cành lá buông xuống bao phủ khắp cùng. Hoa kia nở rộ rất đáng ưa thích. Ánh sáng chiếu soi, mùi hương thơm phức. Những rễ cây kia hiện rõ hình sắc, đầy đủ tốt đẹp như núi Diệu cao. Quanh gốc cây, cảnh trí như vừa hoan hỷ. Ánh sáng và mùi thơm lan xa khoảng một dotuần. Ba đêm đèn đuốc sáng rực một vùng. Bốn bên gốc cay đất đai bằng thẳng, trong đó cỏ mọc mềm mại tốt tươi, sáng sạch như lông chim khổng tước, có mùi hương vi diệu, khiến tâm ưa thích, rất nhiều cây cỏ mọc xen vòng quanh. Cây Bồ-đề Thọ vương trang nghiêm thù thắng vi diệu, trừ cây Balợi-giá-đức-ca và cây Tỳ-đà-la, ngoài ra không còn cây nào có thể dùng làm ví dụ hoặc so sánh được.
Đức Phật an tọa dưới gốc cây, đại chúng vây quanh, đoan nghiêm như trăng sáng giữa muôn sao trên nền trời trong.
Khi ấy có chư Phật ở trong mười phương cõi nước cực vi, mỗi mỗi đèu từ cõi nước của mình đi đến đạo tràng này. Vì muốn trang nghiêm cho Đức Tỳ-lô-giá-na, vì đại hội, chư Phật thị hiện làm thân Bồ-tát, tên của các vị Đại Bồ-tát ấy là Đại Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi, Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Hư Không Tạng, Kim Cang Tạng, Bồ-tát Vô Cấu Xưng, Bồ-tát Thiện Oai Đức, Bồtát Năng Khí Chư Cái, Bồ-tát Bảo Thủ, Bồ-tát Đại Tuệ, Đại Bồ-tát Phổ Hiền. Các vị Bồ-tát này đều là bậc dẫn đầu cùng với đại chúng Bồ-tát đều đến nhóm họp.
Lại có vô lượng ngàn muôn các chúng Bồ-tát thị hiện làm thân hình Thanh văn cũng đến nhóm họp. Các vị ấy là Xá-lợi-phất-đa-la, Tô-bổ-để, Một-đặt-già, Lương-diễn-na, La-hỗ-la, Kiều-trầnnhư, Ma-ha Ca-diếp-ba, Ưu-ba-ly, A-nê-luật-đà, Hiệt-phệ-phược-đa, A-nan-đà, Đề-bà-đạt-đa, Bạtnan-đà, đều là những bậc dẫn đầu. Tất cả đều đã từng tu tập sáu pháp Ba-la-mật, hay thân cận Bồđề, vì muốn tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh nên ở trong cõi tạp nhiễm này thị hiện thân Thanh văn.
Lại có vô lượng ngàn Tỳ-kheo-ni: Ma-ha Bátthích-xà-bát-để Kiều-đáp-di làm thượng thủ, vì muốn điều phục hành hữu tình thấp kém, tuy nhiên thân nữ nhưng đủ phước nghiệp của bậc trượng phu.
Lại có Đế Thích, Phạm thiên, Hộ thế, Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-đạt-bà, A-tố-la, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, Nhân và phi nhân nhưng tất cả không phải hạng phàm phu mà đều là Bồ-tát, cùng nhóm họp. Vì sao? Do các Đức Phật ấy có pháp bí mật thần biến, oai đức thần thông Tam-ma-địa. Vì sao các Bồ-tát có thể biết rõ được các oai đức thần thông của Phật có năng lực không cùng tận? Vì quán thấy hết thảy pháp đều không nên có năng lực chuyển biến.
Các loài hữu tình làm sao biết rõ? Như người trong mộng thấy các sự việc, khi đã tĩnh giấc đều không còn thấy. Các tư tưởng cũng như trong mộng.
Đúng vậy! Đúng vậy! Do ngu si mơ mộng cho nên pháp thể từ tư tưởng sinh khởi. Chư Phật giác ngộ, không có chỗ thấy cho nên dùng các pháp sâu xa không chướng ngại, vì lợi ích tất cả hữu tình, giải thoát cho họ các nghiệp vi tế, đều được thành tựu viên mãn.
Dưới gốc cây Bồ-đề, Đức Bạc-già-phạm thân ngồi đoan nghiêm vào trong chánh định, gọi là cảnh giới không thể nghĩ bàn của Phật. Cảnh giới Tam-ma-địa này rất thù thắng, rộng lớn. Do được Tam-ma-địa này, mà chư Phật Thế Tôn thường ở trong định. Khi nói pháp, khi thọ trai, khi đi kinh hành, cho đến khi vào cảnh giới Niết-bàn, đều dùng định này trang nghiêm.
Đức Phật Bạc-già-phạm như núi chúa Diệu cao, như dưới cây Ba-lợi-giá-đức-ca treo ngọc châu Như ý. Ba mươi hai tứong đại trượng phu của Đức Bạc-già-phạm thanh tịnh. Tất cả cõi Phật của Đức Bạc-già-phạm như tấm gương tròn sáng đều hiện rõ trong mỗi mỗi tướng tốt của thân hình. Khi còn làm Bồ-tát tu hành như thế nào, các hành động đó đều hiển hiện rõ. Từ lúc ban đầu với Đức Quang Chiếu Vương làm nhân duyên, cho đến lúc được thành tựu rốt ráo gặp Đức Định Quang Như Lai, mỗi mỗi các việc tu hành khổ hạnh như là: hay xả bỏ đầu, mắt, tay, chân, mỗi mỗi thân phần, vợ con nam nữ, nô tỳ, người sai sử, hoặc tự làm người sai sử, bỏ cả vương vị, cung điện…
Khi ấy có vị Đại Bồ-tát tên là Đức Tạng, đã ra công tu hành mà chưa thành Chánh giác, thưa hỏi Đức Bồ-tát Phổ Hiền:
–Thưa Phật tử! Đức Như Lai đang trú trong Tam-ma-địa đó là Tam-ma-địa gì?
Thưa Phật tử! Vì sao tự nhiên trong mười phương cõi Phật, các ngài độ thoát hữu tình, thị hiện Phật sự? Thưa Phật tử! Tam-ma-địa tên ấy là gì?
Thưa Phật tử! Tam-ma-địa này làm sao chứng đắc?
Bồ-tát Phổ Hiền dạy:
–Này thiện nam! Hãy lắng nghe, nay tôi sẽ vì ông mà nói việc này.
Khi ấy, các Bồ-tát khởi tâm tôn trọng, chiêm ngưỡng tôn nhan, an trú chánh niệm, đồng thanh xướng:
–Lành thay! Lành thay! Này Đức Tạng! Như ông đã hỏi, ý ấy rất hay, nhưng ở đây các tôn giả đều có thể hiểu biết tất cả.
Lúc bấy giờ, quả đất có sáu thứ chấn động, đó là:
–Chuyển động, chuyển động khắp và các cách chuyển động; lay động, lay động khắp và các cách lay động; gầm thét, gầm thét khắp và các cách gầm thét.
Kích động, kích động khắp và các cách kích động; xoay trở, xoay trở khắp và các cách xoay trở. Đất nứt ra, khép lại trừ trên xuống dưới, các nơi đều nứt ra khép lại từ trên xuống dưới, đường nứt khép từ trên xuống dưới, phía Đông xuất hiện, phía Tây ẩn mất, cho đến chính giữa và xung quanh cũng lại như vậy.
Đương khi ấy tất cả chúng sinh có các khổ não tạm thời dừng dứt, hoa trời rơi xuống như mưa. Khi ấy Bồ-tát Phổ Hiền bảo Bồ-tát Đức Tạng:
–Này Phật tử! Tam-ma-địa này là chỗ giác ngộ của chư Phật. Này Phật tử! Tam-ma-địa này cũng gọi là cảnh giới không thể nghĩ bàn của chư Phật, chư Phật thường trụ ở trong pháp đó. Từ khi Thế Tôn được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký. Đức Thế Tôn liền vào Tam-ma-địa, từ đó đến bay giờ an trú mà không cần dụng công, như ở trước đầu một mảy lông có vô lượng cõi Phật, cho đến tất cả cõi Phật có những vật rất nhỏ, mà trong đó cõi nước của chư Phật thảy đều hiện rõ. Hoặc thị hiện sinh lên cõi trời Đổ-sử-đa, từ đây sinh xuống nhân gian, thị hiện vào trong bào thai, trú thai và ra khỏi thai mẹ liền đi bảy bước mà tuyên bố: “Ta phải vĩnh viễn xa lìa sinh, già, bệnh, chết, việc làm đã xong”. Hoặc hiện sinh trong cung vua, hoặc hiện xuất gia tu hành khổ hạnh để được thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hàng phục các ma, chuyển bánh xe diễn nói chánh pháp, hoặc thị hiện sinh ra ở đời, sóng lâu vô lượng kiếp để độ tất cả khổ não cho các chúng sinh, cho đến thị hiện vào Niết-bàn. Ở trong một niệm có thể thị hiện khắp các cõi nước của chư Phật, làm các sự nghiệp như đã nói ở trên. Ở trong một niệm nhiếp hết thảy kiếp mà đều không thấy có dụng công không tăng giảm. Cho đến đối với tất cả hữu tình trong các thế giới chưa được giải thoát, ở trong mỗi mỗi sát-na, ở khắp mọi nơi làm các Phật sự. Ở đây trong một cõi nước của chư Phật, ở trên đầu một mảy lông thị hiện vô lượng cõi nước của chư Phật. Như vậy, Đức Phật kia có các oai nghi, nhưng các oai nghi ấy biến khắp hư không, không có chỗ đầu mảy lông nào mà không có cõi nước của chư Phật, cũng không có một chõ nào bằng đầu mảy lông mà không ở trong đó. Mỗi niệm mỗi niệm thị hiện chứng đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tất cả chư Phật đản sinh hiện thành Chánh giác, cho đến vào Niết-bàn, ở trong vật cực vi cũng đều khắp hiện tất cả những cõi Phật cực vi. Các cõi nước của chư Phật quá khứ nhiều vô lượng, vô biên. Các Đức Bạc-già-phạm thị hiện ở cung trời Đâu-suất-đà, hành dụng hạnh Phật, thị hiện độ thoát tất cả chúng sinh. Cõi Phật không gì nhỏ bằng, không gì lớn bằng. Vì sao? Do tất cả pháp không có tánh cố định, như huyễn hóa, như bóng nắng, cho đến rốt ráo khắp cõi hư không. Như vậy, vô lượng sự nghiệp của Phật, trong từng sát-na đối với các hữu tình thường làm lợi ích, không có tạm ngừng. Cũng như các Đại Bồ-tát từ mười vi trần cõi Phật trở về pháp hội, số lượng không ít, ở nước Ma-kiệt-đà, trong địa phận chỉ có mười hai du thiện na lần lượt an trú, không có ngăn ngại.
Như vậy, đúng như vậy, ở trong vật rất nhỏ, có thể dung nhận vô lượng, vô số cõi nước của chư Phật, có các cõi Phật hoặc mỗi mỗi cùng hướng với nhau, hoặc có cõi ở trái hướng nhau, hoặc có cõi ở hai bên, hoặc có cõi sắp nhập với nhau, lần lượt chuyển đối với nhau như vậy mà không có chướng ngại. Như người đang ở một nơi trong giấc mộng, nằm ở đấy mà thấy tất cả sự việc. Tuy chỗ thấy không chân thật nhưng không có ngăn ngại nhau.
Như vậy, các cõi Phật này đều do tâm lượng mà biến hiện ra. Hoặc có thế giới thấy đang bị kiếp hỏa thiêu đốt, hoặc đã thiêu đốt hết, hoặc thấy phong tai khởi lên, hoặc có cõi thanh tịnh, hoặc có cõi tạp nhiễm, hoặc trong cõi thiện không có Phật. Các loại chúng sinh tùy theo nghiệp của họ mà có chỗ thấy không đồng nhau.
Đúng như vậy, có vô lượng chuyển biến sai khác, cũng như loài ngạ quỷ bị đói khát bức bách, đứng bên dòng sông Hằng, hoặc có quỷ thần là nước, hoặc có con khác thấy là tro, than, hoặc có quỷ thấy toàn là máu huyết, hoặc có con khác thấy toàn là phân nhơ không sạch dẫy đầy.
Thật vậy, các hữu tình tự mình ở trong cõi Phật, hoặc thấy tạp nhiễm, hoặc thấy thanh tịnh, hoặc thấy có Phật, hoặc thấy Phật vào Niết-bàn, hoặc thấy đại chúng ở trong pháp hội nghe Phật nói pháp, hoặc có nghe được pháp bậc nhất nghĩa, hoặc nghe Phật rộng nói Bố thí ba-la-mật, hoặc thấy Phật đi du hành, hoặc thấy Phật dừng trú, hoặc thấy Phật an tọa, hoặc thấy Phật thọ thực, Phật cao khoảng hai trượng, khoảng bảy trượng, Phật cách một du-thiện-na, cách khoảng trăm du-thiện-na, hoặc thấy cách khoảng ngàn du-thiện-na, hoặc thấy thân Phật ánh sáng chiếu soi rực rỡ như mặt trời vừa mới xuất hiện, hoặc thấy diện mạo của Phật như ánh trăng tròn sáng giữa hư không. Tùy hành nghiệp cuẩ mỗi chúng sinh mà thấy có khác nhau. Hoặc có người thấy Phật đã vào Niết-bàn lâu xa rồi, hoặc có người không nghe được hồng danh của chư Phật. Cũng ví như loài ngạ quỷ ở bên dòng nước mà nó thấy toàn lửa dữ, hoặc thấy các việc khác nhau, hoặc thấy đúng là nước vậy.
Như các vị Đại Bồ-tát ở trong pháp hội này, mỗi mỗi đều ở trong cõi Phật của mình, có các Đức Phật Bạc-già-phạm hiện làm thân hình Bồ-tát; hoặc Bồ-tát thấy có trong một cõi Phật kiếp lửa thiêu đốt, hoặc thiêu đã hết, hoặc thấy trong cõi Phật này chúng sinh ở cõi ấy nghiệp sắp hết, Đức Phật thị hiện để làm việc lợi ích. Hoặc thấy có Đức Bạc-già-phạm dùng các cõi Phật nhập vào trong một cõi Phật làm cho sự thị hiện cũng như vậy. Như người bệnh mắt, do nhân duyên mắt bệnh cho nên không biết rõ có các sắc tướng.
Đúng như vậy, cái biết ấy là do nhân duyên (nghiệp cảm) cho nên không tỏ rõ được tướng.
Khi ấy Bồ-tát Phổ Hiền bảo Đức Tạng:
–Này Phật tử! Nay tôi sẽ vì Ngài mà lược nói pháp Tam-ma-địa này. Trong một sát-na, ở khắp tất cả nơi chốn, cho đến khắp cùng hư không và cảnh giới của chúng sinh thì vô lượng, vô biên cõi Phật trên đầu một sợi lông. Ở trong một mảy trần rất nhỏ có pháp giới rất nhỏ cõi nước chư Phật. Mỗi mỗi cõi nước của Phật đều hiện đủ các oai nghi. Như trong thời gian một sát-na, vì tạo lợi ích cho chúng sinh mà có mười vi trần cõi Phật. Như vậy ở trong mỗi niệm đều hiện tất cả chỗ, cho đến tất cả chúng sinh chưa được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, việc làm lợi ích này thường không gián đoạn. Như vậy các oai nghi thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm cho đến mười phương chư Phật có vô lượng, vô biên oai đức uy lực cũng như vậy. Lúc bấy giờ, Bồ-tát Đức Tạng nghe như vậy nên đối với Tam-ma-địa này đã thông suốt rõ ràng, vào được cảnh giới không thể nghĩ bàn của chư Phật, biết được tất cả thần thông, oai lực của Phật Thế Tôn. Ngay lúc ấy, ông dùng các oai lực mà khéo léo điều phục tất cả chúng sinh. Có các Bồtát nhiều như số cát của trăm ngàn sông Hằng, đối với pháp tam ma đại này được giác ngộ khác nhau, hoặc có Ngài chứng Nhẫn vị, hoặc chứng đắc các địa của Bồ-tát.
Ở trong chúng hội, có các Đại Bồ-tát như Quán Thế Âm cũng như bình nước đã đầy để dưới cơn mưa thì không nhận thêm một giọt nước nào.
Cũng vậy các vị Bồ-tát trong hàng Thập địa, diệu hạnh của các ngài đã được viên mãn, thường ở trong Tam-ma-địa này hiện các Phật sự. Ở trong một sát-na dung nạp vô lượng kiếp, ở trong một mảy trần rất nhỏ có thể dung nạp vô lượng cõi nước. Tức là ở trong một niệm biến khắp các cõi Phật, tùy duyên độ thoát vô lượng chúng sinh.
Lúc bấy giờ, Đức Bạc-già-phạm an trú trong Tam-ma-địa, ở giữa chặng mày phóng một đạo hào quang gọi là năng phát khởi, hào quang này chiếu soi đến các công hạnh của Bồ-tát ở hàng Thập địa. Tuy chưa giác ngộ hoàn toàn, do tiếp xúc với ánh sáng này có khả năng thấy được tất cả cõi nước của chư Phật đều nương trên đầu một mảy lông. Vô lượng cõi Phật liền khi đó biến khắp hư không, vô lượng, vô biên cõi Phật đều hiển hiện. Ví như trong bình lưu ly chứa đầy hạt cải.
Như vậy, đúng như vậy, ở nơi một mảy cực vi trần thấy rõ cõi nước của chư Phật Bạc-già-phạm. Ở trong thân của một Đức Như Lai có đủ tất cả các sắc thân của Như Lai hiển hiện mà mỗi mỗi Như Lai đều có vô lượng danh hiệu. Trong khoảng một sát-na ở nơi mỗi mỗi cõi nước của Phật, vì lợi ích cho tất cả hữu tình liền thị hiện chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như hạt châu Như ý treo ở trên cao, tùy theo ý muốn của chúng sinh, tự nhiên mưa xuống tất cả hồ vật báu trân quý.
Đúng như vậy, tất cả Đức Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vô lượng chúng sinh tự nhiên được giải thoát. Vì sao? Do tất cả chúng sinh trong các cõi không bèn chắc, như huyễn hóa, như bóng nắng. Như vậy, ở trong cõi nước của chư Phật các hữu tình sống trong đó mà không chướng ngại nhau. Như có người hiện thần thông, đối với núi, sông, vách đá thì không có ngăn ngại gì cả.
Các Bồ-tát thấy oai đức của Phật nên tự thân mỗi mỗi ở nơi tất cả cõi Phật, trước mỗi Đức Thế Tôn, trong một sát-na, trước mỗi Đức Như Lai, trong một kiếp mà cúng dường, hoặc hai kiếp, hoặc ba kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc chỉ một sát-na, hoặc một Mâu-hô-lật-đa, mỗi mỗi cúng dường trước Đức Như Lai để nghe Như Lai dạy về pháp Ba-la-mật, hoặc nghe pháp Đà-la-ni, hoặc nghe dạy cảnh giới của các bậc Bồ-tát, thấy thần thông biến hóa của các Đức Như Lai, đem tất cả kiếp vào trong một sát-na, sinh khởi tư tưởng khó gặp.
Vì sao Đức Như Lai có được oai đức ở trong một niệm hiện vô lượng kiếp? Chỉ vì muốn cho chúng con phát sinh căn lành cho nên mới rộng phô diễn cảnh giới Tam-ma-địa không thể nghĩ bàn của Phật và chỗ làm công đức trong vô lượng kiếp, nên mới giác ngộ như vậy, có oai lực và oai đức như vậy.
Khi ấy, Bồ-tát Đức Tạng hỏi Bồ-tát Phổ Hiền:
–Thưa tôn giả! Tạo những công đức gì mà chứng được Tam-ma-địa này? Làm sao để tu tập Bát-nhã? Làm sao để thực hành Bố thí? Làm sao để Trì giới?
Khi ấy Bồ-tát Phổ Hiền dạy:
–Này Phật tử! Với mười phương tất cả cõi Phật thanh tịnh viên mãn và các loài chúng sinh, đó là nơi để thị hiện vô lượng Phật sự. Các vị Bồ-tát đã tích tập vô vàn phước đức căn lành nên cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng, hiếu dưỡng cha mẹ, thường làm không gián đoạn. Tất cả các hạng nghèo cùng đói khổ, cô độc, xin ăn… Bồ-tát đều nên phải thương xót, thâu nhận, cứu giúp họ, cho đến máu huyết của tự thân, tùy nhu cầu cần thiết cũng hy sinh, không sinh tâm nối tiếc. Vì sao? Do cúng dường Đức Phật được phước rất nhiều. Tất cả hữu tình như vậy, thường được an vui thù thắng, tốt đẹp, mau được chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người cúng dường pháp được phát sinh các căn lành, trí tuệ tăng trưởng, sẽ được giác ngộ pháp và được tự tại; Đối với tất cả giáo pháp có thể biết rõ chân chánh. Người cúng dường chúng Tăng là gieo trồng căn lành mà tất cả tư lương giác ngộ của họ luôn được tăng trưởng. Do đây mà người tu hạnh Bồ-tát mới mau thành Phật. Vì có hiếu dưỡng cha mẹ hoặc tôn trọng Bản sư, hoặc còn ở trong sinh tử, có chỗ ân nghĩa, nên càng tìm cách báo ân gấp bội lần. Vì sao? Do các loài hữu tình biết ân và báo ân, dẫu khi còn tạo tội nghiệp ở trong sinh tử thì thiện căn của họ cũng không tan mất. Cho nên các Đức Như Lai thường tán dương việc báo ân, quở trách tất cả hạng người không biết tri ân.
Vì sao Bồ-tát thành tựu các căn lành rất vững chắc? Nghĩa là có các chúng sinh bần cùng, cô độc, thì đối với họ nên tăng trưởng tâm thương xót rộng lớn, dùng pháp nhiếp hóa cứu giúp họ. Người có phước đức, có biết tri ân, có tâm thương xót, là Bồtát tu đạo Bồ-đề thì hiện tại phải có ba thứ phước điền này. Đức Như Lai đã giảng dạy cho các vị Bồtát tạo sự nghiệp tu hành nên sớm giác ngộ, nơi mỗi mỗi ruộng phước phải gieo các căn lành rộng lớn, thù thắng để được thành tựu viên mãn.
Lại nữa, Đức Tạng! Các vị Bồ-tát cần phải gieo trồng các hạt giống rộng lớn, khiến mầm thiện căn lần lần tăng trưởng. Tam-ma-địa này làm chủ chốt cho sự giác ngộ, nên trước tiên phải gieo hạt giống lành ở trước Đức Phật hoặc nơi có hình tượng Phật, ngoài ra còn dùng tràng hoa, hương đốt, hương xoa, hương bột, ca múa, âm nhạc, phẩm vật cúng dường như vậy dùng để cúng dường, cần phải tư duy như vậy. Như trước đã nói, ở tất cả chỗ, các Đức Phật Thế Tôn hiện trong vật rất nhỏ chưng đầu mảy lông mà đều có thể thấy oai đức của chư Phật, các Bồ-tát và tất cả đại chúng vân tập Ta ở trong chỗ ấy dùng tâm thanh tịnh, nhớ nghĩ bình đẳng mà làm việc cúng dường. Vì rằng tánh của một Đức Như Lai tức là pháp tánh của tất cả Đức Như Lai. Nếu con cúng dường một Đức Như Lai, là tất cả Như Lai đã cúng. Ở trong vô lượng kiếp, mỗi mỗi Đức Như Lai cũng đều cúng dường như vậy. Cho đến nhiều trong kiếp rút ngắn lại trong một sát-na. Nhờ thần lực của Phật, và sự tin hiểu sâu xa mà các Bồ-tát ấy gieo trồng hạt giống để được thành tựu cảnh giới Tam-ma-địa rộng lớn không thể nghĩ bàn của Phật.
Này các thiện nam tín nữ! Mỗi ngày nên làm việc cúng dường như vậy. Đối với trước tất cả Phật Bạc-già-phạm cho đến chỉ có chắp tay cũng gieo hạt giống Tam-ma-địa được lớn mạnh tốt tươi và nên dùng giới, trí, tuệ, diệu nguyện mà tưới tẩm.
Lại nữa, các Bồ-tát nên như vậy mà bố thí, không được lựa chọn, phân biệt người trì giới, kẻ phá giới, hoặc thương, hoặc ghét, hoặc nghèo, hoặc giàu. Những hạng người giàu kia tuy không có nhu càu, mà người hay bố thí vẫn tự được lợi ích. Nên phát khởi tâm thề nguyện thù thắng: “Ta quyết sẽ được làm Phật, độ thoát tất cả chúng sinh, ở trong mỗi sát-na, trong tất cả chỗ nhỏ, bằng chừng mảy lông, trong đó có tất cả cõi Phật, ta sẽ thành tựu nơi mỗi mỗi chỗ cho đến tất cả cõi Phật rất nhỏ. Trong chỗ nhỏ nhiệm ấy có cõi nước nào, cho đến tất cả cõi Phật rất nhỏ, ở trong các cõi kia chuyển vận bánh xe chánh pháp, như nay Đức Thế Tôn Tỳ-lôgiá-na Như Lai ở trong một sát-na hay dung nạp tất cả kiếp số. Tùy theo ở mỗi mỗi cõi Phật, ta sẽ thị hiện vô lượng oai nghi, các hữu tình như vậy được giải thoát các khổ nhiều như cát sông Hằng, cho đến cùng tận hư không giới, chúng sinh giới”.
Lại nữa, các Bồ-tát nên thanh tịnh trì giới, đối với các hữu tình phá giới, sinh khởi Bi tâm để cứu hộ, không nên đối với họ mà sinh tâm chán bỏ.
Khi ấy Bồ-tát Phổ Hiền nói với Ngài Đức Tạng: –Này Phật tử! Như trước Ngài hỏi: làm sao để tu tập Bát-nhã? Nay hãy lắng nghe, tôi sẽ vì Ngài mà nói.
Nếu có người ưu mong cầu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, muốn chứng đắc Tam-ma-địa này, nên phải xa lìa các nghiệp hư vọng, các lời nói thô và tâm ý ô nhiễm. Phát khởi tâm thanh tịnh, có tâm đại Bi thâu nhận, nên đi đến tinh xá, thấy được tượng Phật vi diệu rất là hy hữu, tâm an trú không động, rồi dùng vàng dát mỏng thếp lên để trang nghiêm thân Phật, hoặc dùng vàng ròng mà đúc tượng Phật, các tướng tốt đều đầy đủ, các chi tiết đều hoàn hảo. Ở trong ánh sáng tròn đầy ấy có cô lượng Đức Phật, ngồi kiết già thành hành trang nghiêm, nhập Tamma-địa. Ở trước tượng liền cung kính lễ bái và suy nghĩ thế này: “Con nghe mười phương hiện tại các Đức Phật Thế Tôn là vô biên vô lượng: Nhất thiết nghĩa thành Như Lai, Vô Lượng Thọ Như Lai, Bảo Tràng Như Lai, A-súc-bệ Như Lai, Tỳ-lô-giá Như Lai, Bảo Nguyệt Như Lai, Bảo Nhật Như Lai đối với các Đức Phật kia con phát tâm rộng lớn, có tâm tin ưa, tôn trọng”.
Lại nên sinh khởi tư tưởng: Đây là Đức Như Lai, nên phát sinh tâm rất tôn trọng, cho đến tự nhiên hiện tiền thấy, đối với tất cả chỗ, nên quán sát sâu xa. Suy nghĩ như vậy, rồi đi đến chỗ vắng lặng, tâm nhớ nghĩ chân chánh, gần gũi, thâu giữ, gần nhất khoảng một cánh tay, chuyên chú nhớ nghĩ, không để quên mất. Nếu có lãng quên thì lại càng quán sát khi quán sát như vậy nên sinh khởi tâm tôn trọng, tưởng Phật đang hiện tiền, không nên tưởng ra hình tượng ở nưi ấy; như vậy tự nhiên mà thấy được chư Phật. Nên đối với chỗ ấy, dùng hương xoa, hương bột, hương đốt, tràng hoa, nhiễu quanh bên phải, đem các phẩm vật cúng dường như vậy mà dâng lên cúng dường. Do đó tất cả tâm như vậy mà được thâu giữ, Đức Phật Bạc-già-phạm tự nhiên hiện tiền, có thể thấy tất cả, nghe tất cả, tất cả tâm ý… đều có thể rõ thấu, tất cả quyết định dựa vào hình tướng cụ thể.
Lại đến chõ an nhàn vắng lặng, tâm niệm chuyên nhất. Nếu người có phước đức, nội trong hai mươi mốt ngày siêng năng tu tập, ngay trong hiện tại thấy được chư Phật. Như đời trước có tạo nghiệp, nếu người như vậy sẽ không được thấy. Nếu muốn thấy phải siêng năng tinh tấn, dũng mãnh tu hành, quyết định sẽ được thấy Phật. Vì sao? Do tâm ở nơi cảnh, mà khiến cho tâm được điều phục, gắng sức chuyên tinh, tư lương sự giác ngộ làm sao không thành tựu. Nếu tâm trầm trệ, biếng nhác, buông lung, người như vậy tự nhiên sẽ không dược giải thoát, huống nữa là giải thoát cho tất cả chúng sinh những thứ khổ não. Cũng như mặt đất thật sự có khả năng gánh vác, nếu người được như vậy sẽ đi đến chân đạo giác ngộ, cũng không cần phải khổ nhọc tu tập. Cũng như có người ở trong biển lớn, uống một hớp nước, tức là uống tất cả nước biển trong cõi Nam Thiệm bộ châu.
Như vậy, nếu ở trong biển giác ngộ mà tu tập thì tất cả cảnh giới Tam-ma-địa, các pháp nhãn, các địa, các pháp Đà-la-ni đều đã tu tập.
Vì vậy thường nên siêng năng dũng mãnh, xa lìa buông lung. Nếu tư duy như vậy, tự nhiên hiện tiền, có thể thấy được các Đức Phật. Nếu đã được thấy thì liền nên suy nghĩ như thế này: Vị mà đang thấy đây tức là Đức Như Lai, là hình tượng của Như Lai ư? Nếu biết rõ Như Lai hiện tiền này thì liền ở nơi chỗ Phật quỳ gối chắp tay, cần nên nhớ nghĩ oai Đức Phật, như trước đã nói. Phật có oai đức lớn và có tâm Từ bi rộng lớn, nay ở chỗ ta, Phật đang hiện tiền, nếu có thưa hỏi tức nên thưa thỉnh: “Xin nguyện Đức Thế Tôn vì con diễn nói cảnh giới chư Phật không thể nghĩ bàn, là pháp đại Tam-ma-địa”. Ở trong đó chớ sinh tâm nghi hoặc. Nếu Phật dạy thì nên sinh khởi tâm quyết định, nếu được nghe thì ngay nơi ấy liền được thành tựu viên mãn. Hoặc vì nghiệp chướng đời trước mà không thể thân hành thưa thỉnh thì nên quán sát mỗi mỗi như vầy: Tất cả các pháp như sương móc, như nhặm mắt thấy, như huyễn hóa, như bóng nắng, như cảnh tượng trong gương. Như vậy, các Đức Phật cũng như hư không, tự tánh bình đẳng, chẳng phải huyễn, chẳng phải mộng. Nhưng tất cả pháp như huyễn, như mộng cần nên biết rõ. Do trí tuệ, Từ bi mà Đức Thế Tôn thị hiện nay phải vì con mà phóng ra ánh sáng Từ bi rộng lớn, khiến cho khổ não của con thảy đều tiêu diệt. Lại nên tư duy quán sát tánh không vi diệu như vậy.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn từ tướng lông trắng giữa chặng mày, phóng ra ánh sáng lớn, ánh sáng này gọi là Thanh diễm, chiếu đến trên đỉnh đầu của chúng sinh, khiến các khổ não của họ thảy đều tiêu diệt, liền ở chỗ ấy chứng được pháp gọi là Tỳ-lôgiá-na pháp nhẫn và các Tam-ma-địa khác đều hay giác ngộ. Ở trong bảy ngày đêm, có Đức Bạc-giàphạm hiện ra trong mộng, cũng vì chúng ta thọ ký quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu như chỗ thấy biết hình tượng này như vậy thì nên suy nghĩ: “Hết thảy Như Lai và tất cả chúng sinh, như hình tượng thấy được, là không thật có”.
Thật vậy! Hết thảy hình tướng về Như Lai đều như huyễn, như hóa, như mộng, như bóng nắng, tự nhiên như vậy. Tận mắt thấy Như Lai cũng như thấy trong mộng, đều không thật có.
Như vậy, tất cả Như Lai chẳng phải sinh tức là sinh, chẳng phải diệt tức là diệt, khác với các hành. Pháp tánh sâu xa, chẳng nói mà nói, chẳng đi mà đi, chẳng lại mà lại, chẳng biết mà biết, chẳng tưởng có ngã, chẳng tưởng có thọ mạng, chẳng có tưởng hữu tình, chẳng có tưởng người nuôi dưỡng, chẳng tưởng Bổ-đặc-già-la, chẳng có tưởng về ăn, chẳng có uẩn, chẳng phải không uẩn, có tướng tựa như uẩn, mười tám giới, mười hai xứ, rốt ráo đều không, cũng chẳng phải khácvậy. Do tất cả Phật và hết thảy các pháp đều bình đẳng, đều về một lý, như bóng nắng. Hết thảy chúng sinh và các Đức Như Lai trong tất cả cõi Phật đều không lìa tưởng, lúc tưởng hiện hành, nhw vậy thì thức vin theo hình sắc. Như vậy, tự tánh thì vốn không sinh diệt Như Lai thì đã diệt thức, cho nên khác với sắc. Quán sát như vậy thì nên biết: tất cả pháp không lìa nơi vọng tưởng mà có, tức chư Như Lai với trên đầu một nảy lông cũng không hề sai khác, cũng như hư không bình đẳng nơi sự bình đẳng. Nếu ta phân biệt, tức
Phật hiện tiền, nếu không phân biệt, đều không thể thấy. Từ tưởng có thể đi đến Phật quả, lìa tưởng thì không có Phật. Như vậy, ba cõi tất cả các pháp đều không lìa tâm. Nếu có thể biết rõ tất cả chư Phật và các pháp tánh đều từ tâm lượng mà có thì sẽ được pháp nhẫn tùy thuận, hoặc chứng đắc Hoan hỷ địa, xả thân qua đời khác thì sẽ nhanh chóng sinh lên thế giới Diệu hỷ, hoặc sinh vào cõi Cực lạc thanh tịnh của Phật, thường thấy Đức Như Lai, thân thường thừa sự cúng dường.
Khi ấy Bồ-tát Đức Tạng bạch với Đại Bồ-tát Phổ Hiền:
–Thưa Phật tử! Nếu có chúng sinh nghe được pháp môn này mà thọ trì đọc tụng, viết in thành sách, rộng giảng nói, được bao nhiêu phước?
Khi ấy Bồ-tát Phổ Hiền nói với Đức Tạng:
–Này Phật tử! Hãy lắng nghe! Chỗ sinh phước này cũng như nếu so lưỡng việc nhiếp hóa hết thảy chúng sinh ba cõi, khiến cho họ đều giải thoát sinh tử, được đạo quả A-la-hán. Lại thường sống trong cảnh ấy thanh tịnh an vui, tâm không nhiệt não, trải qua trăm kiếp dùng y phục, đồ ăn, tọa cụ, thuốc thang các thứ mà vì họ cúng dường. Khi các vị ấy đã vào Niết-bàn, mà xây tháp bảy báu, cung kính cúng dường thì phước ấy rất nhiều.
Nếu có chúng sinh nghe pháp môn này mà sinh khởi niềm tin rất tôn trọng, cũng không hề phỉ báng, lại trải qua trăm kiếp siêng năng tinh tấn, trăm kiếp tu thiền, là chỗ sinh khởi và quy tụ phước đức không thể lường được.
Nếu lại có người nghe pháp môn này mà sinh khởi niềm tin rất tôn trọng, có thể chân chánh thọ trì thì sẽ mau thành Phật và phước đức này hơn phước đã nói ở trên.
Khi ấy, trong mười phương tất cả cõi Phật, Đức Bạc-già-phạm thảy đều hiện thân, tán thán Bồ-tát Phổ Hiền:
–Lành thay! Lành thay! Này Phật tử! Thật đúng như lời ông đã nói.
Liền khi đó Đức Thích-ca Như Lai, từ nơi diện môn phóng ra vô số ánh sáng đầy màu sắc, chiếu soi khắp ba cõi, mưa các thứ hoa đẹp, các thứ âm nhạc không tấu mà tự kêu, phát ra các âm thanh vi diệu, khiến cho tâm đại chúng đều hân hoan vui vẻ. Khi ấy mặt đất chấn động nhẹ, từ trong ánh sáng ấy phát ra nhiều bài kệ rằng:
Nếu nghe pháp này tâm thanh tịnh
Được các Địa, Định, Đà-la-ni
Và nhẫn, tự tại, diệu thần thông
Mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.
Đời sau chuyển vận bánh xe pháp
Lại như Tiên nhân đời quá khứ
Trong một sát-na thâu nhiều kiếp
Trên một mảy trần hiện các cõi.
Vô lượng chúng sinh đầy ba cõi
Ở đây buông lung chịu các khổ
Ác kiến trói buộc mất đạo chánh
Niệm niệm độ thoát liền vượt qua.
Bồ-tát Phổ Hiền khi nói pháp môn này, hành vạn trời, người có các khổ não đều được giải thoát, đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không còn bị thoái chuyển. Đại Bồ-tát Phổ Hiền với pháp môn này đã khéo thông đạt, hiện tiền được chứng đắc.
Khi giảng nói kinh này xong thì Đại Bồ-tát Đức Tạng và các vị Bồ-tát, Trời, Người, Kiền-đạt-bà, A-tố-la… tất cả chúng sinh trong thế gian được nghe Đức Phật chỉ dạy đều rất hoan hỷ, tin nhận phụng hành.
[Mục lục bộ Hoa Nghiêm][274][275][276][277][278.1][278.2][279.1][279.2][280][281][282][283][284][285][286][287][288][289][290][291][292][293.1][293.2][294][295][296][297][298][299][300][301][302][303][304][305][306][307]