TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ NIẾT BÀN (374 - 392)

SỐ 380 - KINH ĐẠI BI

Hán dịch: Đời Cao Tề, Tam tạng Na Liên Đề Na Xá, người nước Thiên Trúc.

MỤC LỤC:

QUYỂN 1

Phẩm 1: PHẠM THIÊN

Phẩm 2: THƯƠNG CHỦ

Phẩm 3: ĐẾ THÍCH

QUYỂN 2

Phẩm 4: LA HẦU LA

Phẩm 5: CA DIẾP

Phẩm 6: GIỮ GÌN CHÁNH PHÁP

Phẩm 7: XÁ LỢI

QUYỂN 3

Phẩm 8: LỄ BÁI

Phẩm 9: THIỆN CĂN

Phẩm 10: PHƯỚC ĐỨC CỦA SỰ BỐ THÍ

Phẩm 11: TRỒNG CĂN LÀNH

QUYỂN 4

Phẩm 12: DÙNG CÁC THÍ DỤ ĐỂ PHÓ CHÚC CHÁNH PHÁP

QUYỂN 5

Phẩm 13: TRỒNG CĂN LÀNH

Phẩm 14: HỎI – ĐÁP


QUYỂN 1

Phẩm 1: PHẠM THIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn an tọa ở giữa hai cây Ta-la, nơi đất của Lực sĩ sinh, thuộc thành Câu-thina, chuẩn bị vào Niết-bàn. Bấy giờ, Phật bảo Tuệ mạng A-nan:

– Ông nên trải tọa cụ giữa hai cây Ta-la, sau đêm nay, Ta sẽ vào Niết-bàn nằm nghiêng hông bên phải như sư tử vương. Này A-nan! Ta đã đạt cứu cánh Niết-bàn, đoạn trừ tất cả lời nói hữu vi. Ta đã làm Phật sự viên mãn, pháp cam lồ nhuần thấm khắp nơi, tịch diệt và sâu xa vi diệu, khó thấy, khó biết, khó có thể suy lường, trí sáng suốt biết được các pháp Hiền Thánh. Ta đã ba lần chuyển pháp luân vô thượng, hoặc nếu có Sa-môn, Bà-lamôn, hoặc Trời, Ma, Phạm, Người cùng với pháp thế gian, không ai có thể chuyển được pháp luân vô thượng. Ta đã đánh trống pháp, thổi loa pháp, dựng cờ pháp, đóng thuyền pháp, xây cầu pháp, rưới mưa pháp, đã chiếu sáng khắp ba ngàn đại thiên thế giới, diệt trừ vô minh hắc ám, chỉ bày cho chúng sinh con đường Chánh đạo giải thoát, đầy đủ sự lợi ích cho hàng trời, người, những người đáng độ đều đã được độ. Ta đã hàng phục tất cả ngoại đạo và các phái Dị luận, làm động cung điện ma, quật gãy thế lực ma, gầm lên tiếng sư tử, làm các Phật sự, thiết lập sự nghiệp trượng phu, làm viên mãn thệ nguyện xưa, hộ trì pháp nhãn, dạy đại Thanh văn, thọ ký Bồ-tát, làm cho Phật nhãn đời vị lai không bị đoạn mất. A-nan! Sau đêm nay, Ta không còn làm điều gì nữa, chỉ có việc vào Niếtbàn.

Khi nghe như vậy, A-nan cảm thấy đau buồn, sầu thảm, rơi lệ, như bị mũi tên ưu phiền bắn trúng, bạch Phật:

– Thưa Đức Bà-già-bà! Sao Ngài Niết-bàn nhanh quá vậy! Thưa Tu-già-đà! Sao Ngài Niếtbàn nhanh quá vậy! Từ đây con mắt của thế gian bị diệt mất, thế gian cô độc, thế gian từ đây không còn ai cứu hộ, không còn ai dẫn đường.

Lúc đó, Phật bảo Tuệ mạng A-nan:

– Thôi, ông chớ có đau buồn, pháp sinh, pháp hữu, pháp hữu vi, pháp hoại, nếu không diệt thì điều này không thể có. Trước kia, Ta có dạy ông: Tất cả việc mà mình yêu thích, xứng ý thì nhất định sẽ ly biệt, sẽ tan rã. Này A-nan! Ông đã dùng tâm từ, tâm không hai, tâm thiện và thân nghiệp hiếu thuận, phụng dưỡng, hầu hạ Ta không có hạn lượng. Này A-nan! Nếu hàng trời, người, A-tu-la v.v... cung cấp hầu hạ cúng dường Thanh văn, Duyên giác cho đến giảm một kiếp, hoặc mãn một kiếp, so với cung cấp cúng dường hầu hạ Như Lai chỉ trong một niệm, thì phước đức này nhiều hơn phước đức trước. Ông đã cúng dường Phật đại thần thông, cho đến lúc Ngài nhập Niết-bàn thì sẽ được phước lớn, công đức vô lượng vô biên, như cam lồ bậc nhất trong các cam lồ, cam lồ tuyệt đỉnh, Niếtbàn rốt ráo. A-nan, vì vậy ông chớ có buồn rầu, bi ai.

Khi đó, A-nan buồn rầu gạt lệ trải tọa cụ ở giữa hai cây Ta-la, Như Lai nằm nghiêng hông bên phải như sư tử; tức thời các rừng rậm, cây cỏ lớn nhỏ ở trong ba ngàn đại thiên thế giới đều hướng về chỗ Như Lai sắp Niết-bàn. Có cây muốn ngã, có cây ủ rũ, có cây muốn nằm rạp trên đất, có cây ngã nhào trên đất. Các dòng sông, suối, ao, hồ lớn nhỏ trong ba ngàn đại thiên thế giới do thần lực của Phật nên nước đứng yên, không chảy. Các loài cầm thú ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực Phật nên đứng yên lặng, không kêu, không ăn. Mặt trời, mặt trăng, tinh tú, ánh sáng minh châu cho đến ánh sáng đom đóm trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực Phật nên tất cả đều ẩn mất, không ánh sáng nào có thể chiếu sáng. Lửa dữ ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực Phật nên không cháy, không nóng, không thể thiêu nướng. Tất cả lửa dữ địa ngục ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực Phật nên đều mát mẻ. Các chúng sinh ở trong địa ngục đó, vì nhờ thần lực Phật nên trong sát-na đều được an lạc. Các súc sinh ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực Phật nên tất cả đều khởi tâm từ, tâm bi, không còn sân hận, não hại và giết chóc lẫn nhau, tất cả ngạ quỷ đều không còn đói khát. Do thần lực của Phật nên tất cả chúng sinh, thân tâm vui mừng, phấn khởi, lìa được sự khổ, đầy đủ sự vui thích an lạc bậc nhất. Khi Đức Thế Tôn nằm nghiêng hông bên phải thì núi chúa Tu-di, núi đại Thiết-vi, núi Mục-chân-lân-đà, núi Hương, núi Tuyết và các núi Đen, đại địa, biển cả ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, tất cả đều chấn động đủ sáu cách: rung động, nhô lên, vọt cao, chấn động, vang rền, không ai không biết. Tất cả gió xoáy ở trong ba ngàn đại thiên thế giới đều đứng yên không lay động. Trong sát-na, tất cả chúng sinh xả bỏ các hành nghiệp, được sống an vui, lìa sự ngủ nghỉ, tâm không tán loạn, mọi hoạt động đều chấm dứt, im lặng không một tiếng động. Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Mahầu-la-già, Phạm thiên, Thích thiên, Hộ thế vương v.v... ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực

Phật nên thấy cung điện, giường nằm, chỗ ngồi, vườn cây, tất cả đều tối tăm không còn chút ánh sáng, không đáng ưa thích. Quyến thuộc của họ buồn rầu, phiền não không vui. Phạm Thiên vương làm chủ ngàn thế giới, Đại Phạm Thiên vương làm chủ ba ngàn đại thiên thế giới, tâm cao ngạo tự thị, hiểu thế này: Thế giới và các chúng sinh đây, do ta tạo ra, chính ta biến hóa ra. Do thần lực Phật nên Đại Phạm Thiên vương chủ ba ngàn đại thiên thế giới thấy cung điện, giường nằm, chỗ ngồi v.v... u ám đen tối, không có ánh sáng, không đáng ưa thích. Cõi trời Ma-hê-thủ-la Tịnh Cư... cũng đen tối như vậy. Bấy giờ, Đại Phạm Thiên vương, chủ ba ngàn đại thiên thế giới suy nghĩ: Do thần lực của ai mà hiện ra tướng này, khiến ta không thích cung điện, giường, ghế v.v... Khi đó, Đại Phạm thiên vương quán khắp trong ba ngàn đại thiên thế giới, thấy chủ Đại Tự Tại tạo ra sự giàu có, phú quý; chính là Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, sau đêm nay sẽ vào Niết-bàn, vì thế mà hiện thần lực, biến hóa ra việc không thể nghĩ bàn, chưa từng có. Thần lực này chính là hiện tượng Như Lai sắp vào Niết-bàn. Quán như vậy rồi, Đại Phạm vương ưu sầu không vui, rởn tóc gáy, cùng Phạm chúng vây quanh đi đến chỗ Phật. Các Phạm thiên đó, ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, đều đã từng tin thọ thánh pháp, an trụ Thánh pháp.

Bấy giờ, Đại Phạm Thiên vương, chủ ba ngàn đại thiên thế giới, đến chỗ Đức Phật đảnh lễ và bạch:

– Cúi xin Thế Tôn dạy cho con trụ như thế nào? Tu như thế nào? Thưa như vậy xong, Như Lai liền hỏi Đại Phạm vương:

– Này Phạm thiên! Ông nay có thật nghĩ thế này, ta là Đại Phạm thiên, ta có khả năng hơn mọi người, người khác không bằng ta, ta là bậc trí, ta là chủ đại tự tại trong ba ngàn đại thiên thế giới, ta tạo ra chúng sinh, hóa hiện ra chúng sinh, tạo ra thế giới, hóa hiện ra thế giới, có phải vậy không?

Đại Phạm thiên thưa:

– Đúng vậy, thưa Đức Bà-già-bà! Thật đúng vậy, thưa Đức Tu- già-đà!

Phật nói:

– Này Phạm thiên! Ông vì ai mà tạo ra các thứ đó, ông vì ai mà biến hóa ra các thứ đó?

Lúc đó, Phạm thiên đứng yên, im lặng.

Phật thấy Phạm thiên im lặng, đứng yên, lại hỏi tiếp:

– Này Phạm thiên! Có lúc ba ngàn đại thiên thế giới bị kiếp hỏa thiêu cháy tàn lụi. Ý ông nghĩ sao? Việc này chính ông tạo ra, chính ông biến hóa ra chăng?

Khi đó, Đại Phạm Thiên vương thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn! Phật nói:

– Này Phạm thiên! Như đại địa này nương nước mà tồn tại, nước nương gió mà tồn tại, gió nương hư không. Như vậy, đại địa này dày sáu trăm tám mươi vạn do-tuần không bị nứt rạn, không tan rã. Phạm thiên, ý ông nghĩ sao? Việc đó chính ông tạo ra, chính ông biến hóa ra chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật nói:

– Này Phạm thiên! Ba ngàn đại thiên thế giới đây, lúc trăm ức mặt trời, mặt trăng lưu chuyển. Ý ông nghĩ sao? Việc này chính ông hóa hiện ra chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật nói:

– Này Phạm thiên! Có lúc Nhật Nguyệt Thiên tử không ở trong cung điện, cung điện trống không. Phạm thiên, ý ông nghĩ sao? Việc này chính ông tạo ra, chính ông hóa hiện, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật nói:

– Này Phạm thiên! Thời tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa thay đổi. Ý ông nghĩ sao? Việc này chính ông tạo ra, chính ông biến hóa, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật nói:

Này Phạm thiên! Nước, gương, sữa, dầu, mani, pha lê và những vật trong sáng khác phản chiếu các sắc, tượng như: đất, sông, núi, cây, cỏ, vườn hoa, cung điện, nhà cửa, xóm làng, thành ấp, lạc đà, lừa, voi, ngựa, hươu, chim, thú, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Như Lai, Thích, Phạm, Hộ thế, nhân, phi nhân v.v... các loại hình tượng màu sắc. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Những việc này chính ông tạo ra, chính ông biến hóa, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Các âm vang phát ra từ đồi núi, khe sâu, tiếng lớn, nhỏ của trống, ca, múa, đùa giỡn v.v... tiếng kêu của chim, thú, hươu, người, phi nhân v.v... Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Những điều này chính ông tạo ra, chính ông biến hóa, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Như các chúng sinh đang trong giấc mộng thấy các hình sắc, nghe các âm thanh, ngửi các mùi hương, nếm các vị, cảm thụ các loại xúc chạm, biết các pháp hoạt động, đùa giỡn, khóc lóc, rên rỉ, sợ sệt, cảm thọ khổ, vui v.v... Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Như có bốn hạng người là đoan chánh, xấu xí; nghèo khổ, giàu có phước đức nhiều ít; giới thiện, giới ác; tuệ thiện, tuệ ác. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông hóa hiện ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Tất cả chúng sinh có sợ sệt, thống khổ, não hại, như là sợ nước, lửa, dao, gió, mé núi, thuốc độc, ác thú, nhân, phi nhân và thêm nhiều loại nguy hại làm cho kẻ khác thường phải khiếp sợ. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Các loại bệnh tật của chúng sinh: bệnh gió, nóng, lạnh và các bệnh khác, thời tiết thay đổi bốn đại chóng trái. Hoặc do nghiệp báo đời trước hoặc do kẻ khác tạo ra như: bệnh mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Hoặc lại có đủ loại sự thống khổ nhiệt não về tâm ý của chúng sinh. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Có các nạn như: nước, lửa, trộm cướp, đồng trống nguy hiểm, hoặc trong kiếp đao binh, bệnh dịch cho đến mất mùa đói khát của chúng sinh. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Chúng sinh có khổ ái biệt ly, nghĩa là: sự khổ bị chia lìa cha mẹ, anh em, chị em, bạn bè thân thuộc. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Các loại nghiệp ác của chúng sinh tạo ra như sinh sống đổi chác, buôn bán bằng những nghề: bán rượu, men rượu, đá quý, cầm đồ, gian lận đủ cách hoặc vào biển lớn, đồng trống, chỗ hiểm nguy, đến các phương xa, hoặc chế thuốc tiên và các việc bói toán. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

Này Phạm thiên! Chúng sinh tạo ra các loại nghiệp, vì nghiệp nhân này mà phải thọ quả báo ở địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, người, trời. Thân, miệng, ý của chúng sinh rạo ra hoặc thiện hoặc ác và thế gian có mười nghiệp ác. Tất cả chúng sinh đều không có tâm từ thương xót, tạo ra các việc khổ não không lợi ích, là nhân duyên đọa vào đường ác. Hành động ấy là: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói lời thêu dệt, tham, sân, tà kiến. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Có các loại khổ của chúng sinh như bị chặt đầu, bị cắt đứt tay chân, bị xẻo tai, mũi v.v... bị rót dầu nóng, bị đốt lửa, chiên, nấu; bị dao, kiếm, mâu, giáo đâm chém; bị đánh, trói, nhốt trong lao ngục; bị tranh cãi, cấu xé. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Chúng sinh làm việc dâm dục tà hạnh, như: dâm mẹ, chị, em gái, người trì giới trong sạch và làm các nghiệp ác khác. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Các việc làm sát hại của chúng sinh như: dùng thuốc độc, dùng bùa chú, dùng chú thuật sai khiến thây chết hại người, chế thuốc làm mê hoặc người và tạo các loại phương tiện ác nghiệp đoạn mạng sống khác. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Trong thế gian có sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não, pháp vô thường, pháp tận, pháp biến dịch. Có bốn hạng người không dễ gì quên được tất cả những cái hay khiến họ tham đắm, không chán các vật bại hoại, ly tán. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Các loại chướng tham, sân, si, kiết sử, triền phược và các thứ khổ não trói buộc khác của chúng sinh, do nhân duyên ấy khiến tâm của các chúng sinh mê hoặc, sân hận, chấp chặt, tạo ra vô lượng các loại hành nghiệp. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Có ba đường ác là địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Nơi đó, chúng sinh làm các việc, thọ các khổ não. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Tất cả cây cỏ, dược thảo do hạt giống sinh hoặc không phải do hạt giống sinh, có những cây hoặc mọc dưới nước hoặc mọc trên bờ có hoa, quả, mùi hương. Các loại mùi vị thù thắng như: ngọt, đắng, mặn, cay, chua, chát, tùy theo các chúng sinh ưa thích hay không ưa thích mà làm cho mùi vị đó có tăng giảm. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Trong năm đường sinh tử thành hoại lưu chuyển, chúng sinh bị vô minh che đậy cùng tương ưng với ái, kiết lưu chuyển mãi xưa nay khó biết, đời vị lai sinh tử lưu chuyển không dứt. Trong ấy, hoặc trời, người, quỷ, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn ở thế gian chằng chịt như tơ rối, thường lưu chuyển mãi mãi qua lại đó đây. Các chúng sinh này ở trong sự lưu chuyển không biết đường ra. Phạm thiên! Ý ông nghĩ sao? Chính ông tạo ra điều này, chính ông biến hóa ra, chính ông làm tăng trưởng thêm chăng?

Phạm thiên thưa:

– Không phải, thưa Thế Tôn. Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Do đâu mà ông suy nghĩ: Các chúng sinh này chính tôi tạo ra, chính tôi biến hóa, chính tôi làm tăng trưởng thêm. Các thế giới này chính tôi tạo ra, chính tôi biến hóa, chính tôi làm tăng trưởng thêm.

Phạm thiên thưa:

– Con vì vô minh tà kiến, chưa đoạn được tâm điên đảo, thường ở chỗ Như Lai nói pháp mà không lắng nghe thọ trì. Con trước đây đã từng thấy sai lầm, nói lời sai lầm: Các chúng sinh đây chính con tạo ra, chính con biến hóa ra; các thế giới đây chính con tạo ra, chính con biến hóa ra. Thưa Thế Tôn! Con nay xin được hỏi: Các thế giới do ai tạo ra? Do ai biến hóa ra? Tất cả chúng sinh do ai tạo ra? Do ai biến hóa ra? Do ai làm cho tăng trưởng thêm? Do năng lực của ai sinh ra?

Phật bảo:

– Này Phạm thiên! Các thế giới do nghiệp tạo ra, do nghiệp biến hóa ra. Tất cả chúng sinh do nghiệp tạo ra, do nghiệp biến hóa ra, do năng lực của nghiệp sinh ra. Vì sao? Này Phạm thiên! Vì vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu, bi, khổ, não. Do vậy mà có khổ lớn tụ tập. Này Phạm thiên! Vô minh diệt cho đến ưu bi khổ não diệt, trong đó không có tác giả, không có ai an trí tạo ra điều đó, chỉ có nghiệp và pháp, do nhân duyên hòa hợp nên có chúng sinh. Nếu có người thường hay xa lìa sự hòa hợp của nghiệp và pháp thì nên biết người đó hay xa lìa sinh tử luân hồi lưu chuyển. Này Phạm thiên! Như vậy nghiệp thế gian hết thì phiền não hết, khổ hết, khổ chấm dứt. Xuất ly như vậy gọi là đắc Niết-bàn tịch tĩnh. Phạm thiên, nếu ở đó ai đắc Niết-bàn thì nghiệp đã dứt, xa lìa phiền não và hoàn toàn thoát khỏi khổ đau. Các pháp như vậy là do thần lực chư Phật, do chư Phật gia trì mà có. Vì sao? Này Phạm thiên! Vì nếu chẳng phải chư Phật xuất hiện ở đời hiển bày chỉ dạy thì không ai nghe pháp như vậy. Phạm thiên, nếu khi chư Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời, hiển bày, chỉ dạy pháp môn quang minh sâu xa tịch tĩnh khó hiểu như vậy, các chúng sinh được nghe pháp sinh rồi từ pháp sinh mà được giải thoát; được nghe pháp già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não, rồi từ pháp già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não mà được giải thoát. Này Phạm thiên! Vì vậy, việc làm của chư Phật là biểu hiện sự gia trì. Phạm thiên, việc làm của chư Phật là khai thị hiển bày. Điều đó có nghĩa: các hành giống như ảo ảnh, vô thường chuyển động không bền chắc, không rốt ráo, là pháp tận, pháp biến dịch. Giả sử sau khi chư Phật diệt độ, chánh pháp diệt mất thì điều đó cũng như vậy. Thị hiện sự gia trì nghĩa là, các hành giống như ảo ảnh. Nếu Phật không thị hiện, tất cả các hành trong khoảng sát-na giống như ảo ảnh thì nên nói tất cả các hành giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang. Này Phạm thiên! Vì chư Phật biết tất cả các hành giống như ảo ảnh, như mộng, như tiếng vang, vô thường chuyển động là pháp tận, pháp biến dịch, cho nên nói các hành giống như ảo ảnh, như mộng, như tiếng vang. Sau khi quán tướng ấy rồi, người trí dựa vào tướng ấy, dựa vào nghĩa nhân duyên ấy mà biết được các hành vô thường chuyển động, là pháp tận, pháp biến dịch phá hoại ly tán. Thời tiết thay đổi trong khoảng sát-na, cho đến trong một ngày đêm, nửa tháng, một tháng, một năm, trăm năm, một kiếp cho đến trăm kiếp, tất cả đều hoại diệt cùng tận. Có ngọn lửa lớn cháy rồi cũng phải tắt; có dòng nước lớn chảy siết rồi cũng phải ngừng; có gió thổi mạnh rồi cũng phải dứt; thế giới đại địa có rồi cũng thành không; có các núi lớn, như: núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu-di và các núi Đen v.v... có rồi cũng thành không. Mặt trời, mặt trăng, tinh tú và các hành tinh khác có rồi cũng thành không, không sáng, không chiếu mà lại rơi rụng. Các cung điện của chư Thiên có rồi cũng thành không. Có các cung vua, thành ấp, tụ lạc, cây cối, vườn tược, ao hồ, sự việc ưa thích phát sinh rồi nó cũng phải diệt mất. Các hàng trời, người sinh rồi cũng phải diệt, diệt rồi lại sinh. Các người trí thấy tướng ấy rồi liền sinh tâm nhàm chán xa lìa. Vì thấy các hành này là vô thường, ly tán, hoại diệt, thay đổi, dứt tận nên họ đem lòng tin bình đẳng, bỏ nhà xuất gia. Biết được các hành giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang và thấy nó giống như bóng của mặt trời, mặt trăng, tinh tú v.v... ở trong nước, thấy các ảo ảnh rồi liền dựa vào tướng nhân duyên đó nên đắc được Bồ-đề. Có các kẻ trí nhờ Phật chỉ dạy và cầu bậc thiện hữu dạy dỗ, hoặc tự tư duy biết được các hành giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang mà sinh lòng tin xả tục xuất gia hoặc chứng đắc được quả Tu-đà-hoàn, quả Tưđà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán. Nếu người Đại thừa thì đắc Sơ nhẫn, hoặc đắc Đệ nhị, Đệ tam nhẫn và có thể đạt đến Bồ-đề vô thượng. Giả sử sau khi chư Phật diệt độ, ở trong thế gian cũng phải theo đây mà thuyết pháp lưu hành như vậy. Nếu có các chúng sinh được nghe pháp rồi thì đối với tam Thừa sẽ được độ thoát như là Thanh văn thừa, Phật-bích-chi thừa và Nhất thiết chủng trí vô thượng Đại thừa. Phạm thiên, ông nên biết thứ lớp của pháp này cũng là sự gia trì của chư Phật. Vì vậy, người trí thấy tướng ấy rồi, sinh lòng nhàm chán, xa lìa, hay biết các hành là vô thường, khổ, chuyển động không bền chắc, là pháp tận, pháp biến dịch, giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang. Phạm thiên, những thứ này cũng là cảnh giới của chư Phật và là sự gia trì của chư Phật. Có các chúng sinh đã từng tu hành, do đấy mà thành tựu, được nghe âm thanh chánh pháp như vậy rồi nên đối với Như Lai thì đều nhớ nghĩ, cung kính, tin tất cả các hành là vô thường, hoại diệt giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang. Có các chúng sinh đối với chư Phật, họ đã từng tu phạm hạnh, hoặc ở tại gia thọ năm giới, vì nhân duyên này nên hiểu biết được như thật tất cả các hành là vô thường, hoại diệt giống như ảo ảnh, như mộng, như âm vang, biết rồi liền sinh lòng tin, xả tục xuất gia. Chư Phật Thế Tôn tuy chưa xuất hiện ở đời, nhưng vì có sự gia trì của chư Phật như vậy, và do các căn lành đã trồng ở nơi chư Phật nên họ được Bồ-đề. Này Phạm thiên! Nên biết những thứ này đều là cảnh giới của chư Phật, là sự gia trì của chư Phật. Phạm thiên, ba ngàn đại thiên thế giới đây chẳng phải là quốc độ của Phạm, cũng chẳng phải là quốc độ của lục sư ngoại đạo, mà là quốc độ của chư Phật chúng ta. Này Phạm thiên! Ngày xưa tại nơi đây, Ta tu hạnh Bồ-tát trong vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp, ở chỗ các Đức Như Lai vô lượng a-tăng-kỳ đã gieo trồng vô lượng atăng-kỳ thiện căn, giữ giới cấm thanh tịnh, hoặc tu phạm hạnh và hành vô lượng trăm ngàn ức na-dotha khổ hạnh khó hành, thâu giữ cõi Phật đây sửa sang sắp đặt làm cho trong sạch. Giống như các thiện căn mà chúng sinh đã tu, tùy theo thiện căn thâm sâu mà nơi đó được thanh tịnh, tùy theo đức độ tu hành mà được độ thoát. Ta đã ở trong nhiều kiếp dùng bốn nhiếp sự thu nhận chúng sinh, nghĩa là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Do sức thệ nguyện của Ta nên các chúng sinh đó được sinh về cõi Phật này, nghe Ta giảng nói pháp liền có thể tin hiểu, lại không tin theo Phạm, Thích, Hộ thế và các Thiên vương Phạm thiên, nên biết như vầy: Đây là cõi Phật, chẳng phải là quốc độ của Phạm, Thích, Hộ thế, cũng chẳng phải là quốc độ của Lục sư ngoại đạo.

Lúc đó, chủ thế giới Ta-bà Đại Phạm Thiên vương và trăm ngàn Phạm chúng đều hiện tướng ưu sầu, thưa:

– Chư Phật Thế Tôn thông đạt pháp thắng diệu hiếm có! Đại Phạm Thiên vương chủ ba ngàn đại thiên thế giới ở chỗ Như Lai hiếm khi sinh tâm kính tín, nhưng vì chư Phật hy hữu và có vô lượng, vô tận cảnh giới không thể nghĩ bàn nên Đại Phạm Thiên vương liền quy y làm đệ tử Phật, ở trước Đức Thế Tôn thỉnh cầu lời dạy như thế này: Kính thưa Bà-già-bà là Đại sư của con, Tu-già-đà là Đại sư của con. Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy cho con: An trụ như thế nào? Tu hành như thế nào?

Phật bảo Phạm thiên:

– Ba ngàn đại thiên thế giới là cõi Phật của Ta, nay Ta đem nó phó chúc cho ông, ông nên thuận theo Ta chớ để cho thiện nhãn chân đạo bị đoạn mất, vô thượng Phật nhãn, Pháp nhãn, Tăng nhãn bị đoạn tuyệt, sau cùng chớ làm cho pháp nhân bị diệt. Này Phạm thiên! Sẽ có Trưởng tử Đồng chân Di-lặc Đại Bồ-tát từ miệng Phật sinh, từ pháp hóa sinh, tâm đại bi thương xót sẽ tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh được an vui yên ổn. Di-lặc cũng được bổ xứ như pháp ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, như Ta ở đây không có sai khác. Hiện nay, ông đã tùy thuận lời dạy của Ta thì cũng nên thuận theo Di-lặc, chớ làm cho chân đạo, pháp mẫu, Phật nhãn, Pháp nhãn, Tăng nhãn như thật bị đoạn mất. Vì sao? Này Phạm thiên! Vì trong khoảng thời gian pháp mẫu như thật không bị đoạn mất thì tùy theo đó mà Phật nhãn, Pháp nhãn, Tăng nhãn cũng không bị đoạn mất. Thiên nhãn của Thích, Phạm; nhân nhãn, giải thoát nhãn, cho đến Niết-bàn nhãn cũng không bị đoạn tuyệt. Vì vậy, này Phạm thiên! Nay Ta phó chúc cho ông ba ngàn đại thiên thế giới cõi Phật đây của Ta. Phạm thiên, như Ta đã chỉ dạy, ông phải nên tùy thuận chớ làm cho pháp nhân sau này bị diệt mất. Lúc ấy, tất cả Phạm thiên, Đại Phạm thiên trong ba ngàn đại thiên thế giới ở trước Thánh pháp đều được lòng tin chân chánh. Đại Phạm Thiên vương chủ ba ngàn đại thiên thế giới ở trong Thánh pháp được chánh tín thâm sâu.

Phẩm 2: THƯƠNG CHỦ

Thời bấy giờ, con của ma tên là Thương Chủ, có lòng kính tín sâu xa đối với Phật. Khi nghe Phật Niết-bàn, ma ôm lòng buồn rầu, sầu não, sợ rởn tóc gáy, nhanh chóng đến chỗ Phật, đảnh lễ, lui đứng một bên, bạch Phật:

– Cúi xin Thế Tôn thương xót chúng sinh, làm an lạc chúng sinh, cứu hộ thế gian. Vì thương xót làm lợi ích cho hàng trời, người nên trụ thêm ở đời một kiếp, chớ vào Niết-bàn. Con cũng thương xót các hàng trời, người nên kính thỉnh Thế Tôn như vậy. Thế Tôn chớ làm cho con mắt của chúng sinh mù tối quá sớm, chúng sinh không còn ai chỉ dạy, không còn ai dẫn đường, không còn ai cứu hộ, không còn nơi nương tựa, không còn hướng nương về.

Sau khi Thương Chủ thưa như vậy rồi, Phật liền bảo:

Này Thương Chủ! Cha của ông là ma Ba- tuần, trước đã thỉnh Ta nhập Niết-bàn, nói thế này: Bà-già-bà nhập Niết-bàn, Tu-già-đà nhập Niếtbàn, Bà-già-bà nay đã đúng lúc nên nhập Niết-bàn. Này Thương Chủ! Ma Ba-tuần cha của ông đã thỉnh Ta như vậy, Ta tùy thuận ý ông ấy nên đã hứa nhập Niết-bàn. Thương Chủ, vì nhân duyên này, nay đã đến lúc thực hiện điều hứa ấy, nên Ta nhập Niết-bàn.

Thương Chủ lại thưa:

– Bạch Thế Tôn! Ma Ba-tuần chẳng phải là cha của con, chẳng phải là bậc thiện hữu của con. Hắn thường tìm cầu sự sát hại, là oán gia đại tri thức ác của con, thường muốn làm cho con không nghe được chuyện hòa hợp, an vui, yên ổn, chỉ làm việc hủy hoại, không muốn làm lợi ích. Thưa Thế Tôn! Đối với con, ma ấy là kẻ hết sức tàn ác, hủy hoại hàng trời, người, là đại oán thù, thường muốn dập tắt ngọn đuốc trí tuệ, ánh sáng trí tuệ và trí lớn sáng suốt. Thưa Thế Tôn! Nếu có người nói lời ngay thẳng chân thật như thế này: Trong các cõi trời, người có một người hết sức cực ác xuất hiện ở đời thì nên biết đó là ma Ba-tuần. Thưa Thế Tôn! Nếu có người nói lời ngay thẳng chân thật như thế này: Có người không làm lợi ích cho bản thân, không làm lợi ích cho kẻ khác, không làm lợi ích cho các chúng sinh mà phát tâm thì nên biết, đó chính là ma Ba-tuần. Thưa Thế Tôn! Nếu có người nói lời ngay thẳng chân thật như thế này: Có người không làm lợi ích, thương xót cho hàng trời, người, ma, Phạm, A-tu-la, Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả thế gian, và không muốn làm hòa hợp yên ổn, an lạc, chỉ muốn thoái lui, đọa lạc thọ các khổ não mà phát tâm, thì nên biết đó chính là ma Ba-tuần. Thưa Thế Tôn! Chính con được nghe Thế Tôn nói thế này: Có hai loại người: Một là như pháp, hai là phi pháp. Nên biết việc Thế Tôn đã hứa với ma Ba-tuần nhập Niết-bàn là không như pháp. Cúi xin Thế Tôn chớ có giữ chặt lời hứa đó. Vì tạo lợi ích, thương xót, an lạc cho các hàng trời, người, tất cả chúng sinh nên xả bỏ lời hứa đó, trụ thêm ở đời một kiếp. Nếu Phật trụ dài lâu ở đời thì hàng trời, người được lợi ích, an lạc. Vì vậy, Thế Tôn chớ có vào Niết-bàn quá sớm.

Phật bảo Thương Chủ:

– Lành thay! Lành thay! Vì muốn chúng sinh được lợi ích thì đúng là phải làm như vậy. Này Thương Chủ! Nếu có người cung cấp cho đại vương quán đảnh đăng vị Sát-lợi, hoặc cung cấp cho vương tử, đại thần, hoặc cung cấp cho những người bảo vệ đất nước, thành ấp, làng xóm v.v... thì người này ở chỗ Sát-lợi vương được hưởng phước lộc, chức tước lớn và Sát-lợi vương cũng thường ban phước lộc, che chở phòng hộ cho con, cháu, họ hàng quyến thuộc của người đó. Này Thương Chủ! Ông nay ở chỗ Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vô thượng pháp vương, sinh lòng tin trong sạch. Vì ông tin trong sạch nên được Như Lai vỗ về và ban phước báo. Ta nay vỗ về ông là vì ông trồng thiện căn, sinh lòng tin trong sạch ở chỗ Phật. Thương Chủ, nên biết như vầy: Nhờ niềm tin thiện căn trong sạch này nên ở đời vị lai sau khi Ta diệt độ, ông sẽ làm Phật-bích-chi hiệu là Bi Mẫn. Này Thương Chủ! Sau khi Ta Niết-bàn, chánh pháp diệt rồi, chính ma Ba-tuần sẽ rất vui mừng. Vì vui mừng nên đọa vào trong cung ma, đọa trong đại địa ngục A-tỳ thọ đủ vô lượng, vô số khổ não. Vì sao? Vì ma Ba-tuần sinh vui mừng phấn khởi khi ngọn đuốc tuệ, ánh sáng trí tuệ thù thắng diệt mất. Này Thương Chủ! Nếu có người nói lời ngay thẳng chân thật như thế này: Có người tự làm hại mình, tự phá họa mình, tự mình làm ác mà phát tâm thì nên biết đó chính là ma Ba-tuần. Vì sao? Này Thương Chủ! Vì sau khi Ta diệt độ, chánh pháp còn trụ ở đời, trong thời gian đó ma Ba-tuần được ở cung ma. Nhưng khi pháp Ta diệt rồi, chính vì ma hết lòng vui mừng, phấn khởi ưng ý nên trong sát-na đó bị đọa vào cung ma, trong địa ngục A-tỳ. Thương Chủ, thí như có người ở trên cây to lớn, cây đó hoa quả sum sê đủ để dùng, người đó ở trên cây thụ hưởng hoa quả một cách khoái khẩu ưng ý, đã thọ dụng rồi liền trở lại chặt phá cành nhánh chỗ mình ở. Thương Chủ, ý ông nghĩ sao? Lúc ấy, người này có còn ở được trên cây đó nữa không? Ở trên cây thọ hưởng an vui rồi, lại chặt gãy cành cây đó, có thể gọi là người trí không?

Thương Chủ thưa:

– Không, thưa Bà-già-bà! Không, thưa Tu-giàđà! Phật bảo:

Này Thương Chủ! Ma cũng như vậy, thường mong Như Lai Ứng Chánh Biến Tri nhập Niết-bàn, cũng thường vui khi chánh pháp Tỳ-ni của Như Lai bị diệt. Thương Chủ, trong thời gian chánh pháp còn trụ ở đời, trong khoảng thời gian này ma Batuần được an trụ trong cung ma. Nhưng khi pháp của Ta diệt thì ma Ba-tuần sinh vui mừng, hết lòng phấn khởi ưng ý nên bị giam trong cung ma, đọa vào địa ngục A-tỳ. Này Thương Chủ! Ví như người kia ở trên cây vì tự hại nên siêng làm việc phá hoại. Ma cũng như vậy, tự làm hại mình, làm hại kẻ khác mà chuyên cần phát tâm. Thương Chủ, sau khi ma đọa trong địa ngục A-tỳ chịu nhiều thống khổ đau đớn như cái khổ bị cướp đoạt mạng sống, bị khổ xúc chạm xong sẽ nhớ đến Ta và nói thế này: “Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri là người nói lời chân chánh, nói lời chân thật, lời nói không hư dối, nói lời lành như thật. Cao quý thay! Thân luật nghi. Cao quý thay! Khẩu luật nghi. Cao quý thay! Ý luật nghi. Khi thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện thì đạt được quả báo an vui, như ý, từ ái, ưng ý. Còn thân làm ác, nói lời ác, ý nghĩ ác thì thu được quả báo không an vui, không ưng ý, không ưa thích ưng ý. Trước kia, thân ta hành động tương ưng điều ác, miệng nói ra tương ưng điều ác, ý nghĩ tương ưng điều ác. Vì nghiệp báo này nên nay ta bị đọa vào địa ngục, nhận chịu các thống khổ đau đớn cực não như vậy, như cái khổ của người sắp chết, hết sức đau đớn không thể chịu nổi”. Khi ma Ba-tuần nhớ lời nói của Ta nên sinh được lòng tin trong sạch. Được lòng tin trong sạch rồi, ma liền mạng chung ở địa ngục, sinh về cõi trời Ba Mươi Ba. Vì sao? Thương Chủ, vì nếu đem tâm ác, làm các điều sai trái đối với Như Lai thì khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào địa ngục lớn. Nếu đem tâm từ cúng dường Như Lai, không tìm cầu việc ác thì khi thân hoại mạng chung liền được sinh trong cõi lành của hàng trời, người. Nhờ căn lành này mà được gặp chư Phật, gặp chư Phật rồi lại trồng thiện căn, trồng thiện căn rồi tuần tự sẽ được vô lậu Niếtbàn. Thương Chủ, ông đối với Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri sinh lòng tin trong sạch, nhờ thiện căn này ông sẽ được gặp Phật Di-lặc xuất hiện ở đời. Gặp Di-lặc rồi, ông có thể làm thức tỉnh các chúng sinh đang thùy miên, phóng dật v.v... bằng cách nói thế này: Chúng sinh các ngươi, phải nên dũng mãnh chuyên cần làm các việc lành. Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri thị hiện ở đời rất hiếm có, cũng như hoa Ưu-đàm đúng thời mới nở, Như Lai cũng vậy, đúng thời mới xuất hiện. Có lúc Phật dạy: Không nơi nào là không có Niết-bàn, thân người khó được, tám nạn khó tránh, gặp được Phật và sinh ra đời ở giữa quốc gia cũng lại rất khó. Vì vậy, các ông cẩn thận chớ có phóng dật, nên chuyên cần tu hành để sau này chớ có hối tiếc. Này Thương Chủ! Ông phải nên vâng lời và lãnh thọ giáo pháp của Phật Di-lặc. Ông phải thường đem tâm từ, tâm bi, tâm không oán thù, tâm thương xót, tâm an vui, tâm quảng đại, tâm hộ trì dưỡng dục mà thu phục dân chúng và quốc độ của Di-lặc vô thượng pháp vương. Ông dùng thiện căn này ở chỗ cung điện ma, theo thứ lớp làm cho nơi đó được bổ ích, đầy đủ giàu sang và được làm chủ tự tại. Thương Chủ, nếu có chúng sinh ở chỗ Như Lai trồng các căn lành cho đến chỉ phát một tâm niệm trong sạch thì những chúng sinh đó vì căn lành đây mà được gần gũi cam lộ, cam lộ bậc nhất, cam lộ tối thắng. Thương Chủ, nhờ căn lành nên ông ở nơi đó hưởng được nhiều phước báo của hàng trời, người, sau cùng trải qua tám mươi kiếp, ông được làm Phật-bích-chi hiệu là Bi Mẫn. Vì sao? Này Thương Chủ! Vì sau khi nghe Ta Niết-bàn, ông sinh lòng tin trong sạch đối với Ta và khởi lòng thương từ bi đối với chúng sinh, vì muốn làm cho các chúng sinh được an vui nên ông cầu thỉnh Ta trụ ở đời chẳng nên nhập Niết-bàn. Ông lại ở trong giáo pháp Di-lặc thương xót chúng sinh, giác tỉnh cho các chúng sinh đang thùy miên phóng dật, dùng pháp thiện dạy bảo làm cho họ nhớ lại mà không còn phóng dật. Nhờ nhân duyên này nên ông được thọ ký làm Phật-bích-chi. Thương Chủ, Ta sẽ ban cho ông quả báo lành như vậy, chắc hẳn là ông hết sức vui mừng ưng ý. Thương Chủ, những phước báo này là do nhân duyên thiện căn của ông khuyến thỉnh Như Lai. Như Lai sẽ dùng pháp thí để bảo hộ phước báo thiện căn cho ông.

Khi đó, Thương Chủ lại bạch Phật:

– Thưa Thế Tôn! Nếu Thế Tôn không chấp thuận lời khuyến thỉnh của con mà nhập Niết-bàn, thì con nguyện từ nay cho đến thời pháp trụ, lìa bỏ năm dục, luôn giữ đạo hiếu, không thích rong chơi, không mặc áo khác, không dùng tràng hoa, hương xoa, hương bột và không thọ dụng quả báo thù thắng của chư Thiên. Vì sao? Chính vì Thế Tôn là vật báu sáng suốt của chúng sinh đang xa lìa con để đi nơi khác, không còn hội hợp, không còn quay lại, trọn không còn thấy Thế Tôn. Thưa Thế Tôn! Làm sao con vui được, làm sao tươi cười được, làm sao có thể thích, làm sao ưng ý được, khi đấng đuốc tuệ lớn, đèn tuệ lớn, đại trí quang minh diệt độ, con có gì mà vui mừng, phấn khởi, ưng ý. Thế Tôn là mặt trời đại trí có vô lượng trăm ngàn ánh sáng quyến thuộc, diệt trừ vô minh tối tăm ám muội, là đấng đại trí sáng suốt diệt độ thì con có gì mà vui mừng, ưng ý. Có gì đáng vui, có gì đáng cười, khi con đang xa lìa vật báu của chúng sinh. Thế Tôn là chúng sinh không thể đo lường, là chúng sinh chẳng khuyết giảm, là chúng sinh sáng suốt, là chúng sinh vô tội, là chúng sinh không si mê, là chúng sinh vô thượng, là chúng sinh tối thượng, là chúng sinh không ai giống, là chúng sinh không ai sánh bằng, là chúng sinh cao tột trong tất cả chúng sinh, là chúng sinh đáng được tất cả chúng sinh cúng dường, là chúng sinh có thể dìu dắt tất cả chúng sinh, có thể cứu vớt tất cả chúng sinh, là chúng sinh vi diệu trong tất cả chúng sinh, là đấng điều phục chúng sinh, là đấng thương xót chúng sinh, là đấng nói lời chân chánh, là đấng nói lời chân thật, là đấng nói đúng thời, là đấng nói hợp thời, là đấng nói không sai khác, là đấng tu hành như lời nói, là đấng trụ đại từ bi, là đấng có tâm vô ngại đối với các chúng sinh, là đấng có tâm bình đẳng đối với các chúng sinh, là đấng không hý luận, là đấng vô ngã, ngã sở, là đấng không tích tụ, là đấng không nhà cửa, là đấng không nương dựa ai, là đấng không hóc hiểm, là đấng vô cấu, là đấng cứu giúp, là đấng dẫn đường, là đấng hóa độ, là đấng biết đủ, là đấng cởi trói, là đấng dưỡng dục, là đấng khiến chúng sinh nhớ nghĩ, là đấng khiến chúng sinh tỉnh ngộ, là đấng dạy bảo, là đấng đắc thắng trong chiến đấu, là đấng nhổ mũi nhọn, là đấng y vương trị tâm bệnh, là đấng bố thí nhiều thuốc bổ, là đấng cứu khổ rốt ráo, là đấng thuyết pháp, là đấng giúp Thương Chủ sắp khởi hành đốn, là đấng chỉ chỗ nông cạn, là đấng cầm bánh lái, là đấng cầm đuốc, là đấng phát minh, là đấng tạo ánh sáng, là đấng chiếu sáng, là đấng bố thí nhãn quang, là đấng chỉ đường, là đấng giúp chúng sinh đến cõi nước an ổn, là đấng xa lìa tất cả trần cấu hóc hiểm gai góc, là đấng không khát ái, là đấng xa lìa các kiết sử, là đấng lìa các ràng buộc, là đấng lìa tham, sân, si, là đấng lìa các phiền não, là đấng lìa giận hờn, kiêu mạn. Đúng thật là đại trượng phu, trượng phu giỏi, trượng phu bậc nhất, trượng phu khỏe, trượng phu dũng mãnh, trượng phu liên hoa, trượng phu phân-đà-lợi, trượng phu rồng, trượng phu thầy rồng, trượng phu sư tử, trượng phu thượng thủ, trượng phu chúa tể, trượng phu mạnh, trượng phu voi, trượng phu vô thượng, trượng phu vô thượng điều ngự, đấng đầy đủ các thừa, đấng đủ tất cả các lực, đấng đủ mười lực, đấng đắc bốn vô sở úy, đấng đủ mười tám pháp bất cộng, đấng đắc đại phước trí lực, đấng đầy đủ vô lượng pháp tạng, đấng không ganh ghét, đấng làm đẹp lòng tất cả chúng sinh, đấng đại thí chủ vô thượng, thí chủ tối thắng, tâm không hiềm hận, đấng đắc đại thiền định, đấng đắc cảnh giới các thiền Tam-muội, tam ma bát đề; đấng tuệ vô lượng, đấng tuệ vô chướng, đấng đắc cảnh giới vô đẳng tuệ, đấng bẻ gãy cờ ma, đấng vượt qua bùn nhơ, đấng qua đến bờ kia, đấng trụ ở bờ kia, đấng đến chỗ vô úy, đấng trừ sợ hãi cho tất cả chúng sinh, đấng an ủi tất cả chúng sinh, đấng kiên cố đối với tất cả chúng sinh; sau đêm nay, Thế Tôn sẽ biệt ly, con không còn thấy nữa. Thưa Thế Tôn! Như Lai thường ở giữa các đại chúng cất tiếng sư tử, nhưng từ nay con không còn nghe thì có gì mà vui, có gì mà ưng ý. Thưa Thế Tôn! Ví như có người ở chỗ vua quán đảnh Sát-lợi được phước lộc, sau khi vua băng hà thì người đó sinh lòng ưu sầu buồn khổ, biết ân dưỡng của vua, nhớ ân dưỡng của vua mà mình đã từng thọ hưởng. Các chúng sinh đó vì vua ấy nên chuyên nhất gìn giữ đạo hiếu trong một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, hoặc nửa tháng cho đến một tháng nhớ vua mà rơi lệ. Thưa Thế Tôn! Con cũng như vậy. Sau khi Như Lai diệt độ cho đến lúc chánh pháp trụ thế, trong thời gian đó con xả bỏ năm dục, chuyên nhất gìn giữ đạo hiếu, không thích vui đùa, không mặc áo khác, không dùng tràng hoa, hương bột, hương xoa và không thọ dụng phước báo thù thắng của chư Thiên.

Phẩm 3: ĐẾ THÍCH

Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi lui đứng một bên, bạch Phật:

Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy cho con tu hành như thế nào? Thưa Thế Tôn! Trước kia có một thời, Tứ đại A-tu-la vương mặc áo giáp lát đồng, thắng xe, cùng với quyến thuộc tiến đến cõi trời Ba Mươi Ba khiêu chiến đánh nhau. Lúc chư Thiên và A-tu-la giao chiến thì Thánh giả Mục-liên còn trụ tại thế. Thánh giả Mục-liên đến chỗ tứ A-tu-la, dùng pháp đúng như thật điều phục họ. Nhờ vậy, chư Thiên và các A-tu-la đều được yên ổn, không còn tranh chấp với nhau, phỉ báng chống trái nhau. Thưa Thế Tôn! Đại Mục-liên đã diệt độ rồi, ngày nay Như Lai cũng nhập Niết-bàn. Nếu vậy, sau này mỗi khi chúng con tranh chấp, chống trái nhau, ai sẽ hòa giải? Xin Thế Tôn chỉ dạy, nếu khi bốn A-tu-la vương cùng con tranh chấp nhau thì con dùng phương kế gì để đối trị họ?

Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhân:

– Này Kiều-thi-ca! Thôi chớ có ưu bi, chớ có buồn rầu, chớ có lo lắng. Nếu ông giữ giới thì sở nguyện ắt được thành tựu. Chỉ có người giữ tịnh giới mới thành tựu, chứ chẳng phải người không giữ tịnh giới mà được. Người giữ phạm hạnh chứ chẳng phải người không giữ phạm hạnh, người lìa dục chứ chẳng phải người không lìa dục, người lìa sân chứ chẳng phải người không lìa sân, người lìa si chứ chẳng phải người không lìa si, người trí tuệ chứ chẳng phải người không trí tuệ mà được thành tựu. Này Kiều-thi-ca! Từ nay về sau, Ta sẽ bảo hộ ông cho đến lúc chánh pháp của Ta chưa diệt. Nếu khi chư Thiên cùng A-tu-la đánh nhau, ngay lúc đó ông xưng danh hiệu của Ta thì chư Thiên sẽ đắc thắng.

Lúc đó, bốn đại A-tu-la vương nghe Phật nói việc gia hộ, sợ rợn tóc gáy, trong lòng tức giận đến ngay chỗ Phật, đến rồi đảnh lễ lui đứng một bên thưa Phật:

– Thưa Thế Tôn! Vì duyên cớ gì mà Như Lai nói lời gia hộ như vậy.

Phật bảo bốn đại A-tu-la:

– Các ông chớ có buồn rầu, chớ có lo sợ. Có lúc các ông sẽ được đại tự tại hơn cõi trời Ba Mươi Ba, lại không còn đánh nhau, không còn tranh cãi, không còn cạnh tranh, không còn chống trái. Do vậy các ông phải thận trọng chớ có đánh nhau, chớ phỉ báng nhau, chớ tranh luận nhau, chớ có tâm chống trái, nên khởi tâm từ, tâm thương yêu thì sẽ được như ý muốn. Này các nhân giả! Mạng sống không bao lâu, bậc chủ tự tại cũng phải thuận theo sự vô thường. Này các nhân giả! Thế gian có đầy đủ sự hội hợp ắt có sự ly tán. Này các nhân giả! Nên quán triệt để vô thường tế Như Lai dạy, không oán thù các chúng sinh, không chống trái, không tranh giành, thường tạo sự hòa hợp. Hết thảy chúng sinh còn phát tâm bình đẳng, huống gì các ông có chút ít thiện căn mà lại vui thích đấu tranh, xâm lấn nhau sao. Này các nhân giả! Nếu khởi tâm não hại kẻ khác thì người này sẽ bị não hại trở lại trong nhiều kiếp. Các nhân giả! Nếu có người ưa thích sát hại thì người này sẽ bị quả báo thọ mạng ngắn ngủi; nếu thích đấu tranh thì người này thường bị quả báo sợ chết, không có bà con quyến thuộc, không có thế lực mạnh. Này các nhân giả! Hai nghiệp thiện và ác trọn không tan mất. Vì vậy, từ nay về sau, các ông phải luôn luôn trụ tâm từ, trụ thân nghiệp từ, khẩu nghiệp từ, ý nghiệp từ, chớ có đấu tranh, chớ tranh giành, chớ phỉ báng nhau. Nhờ nhân duyên này nên các ông đạt được lợi ích an vui trong nhiều kiếp, sau này không có hối tiếc.

Phật nói lời này rồi, bốn đại A-tu-la vương bạch Phật:

– Thật đúng như vậy, thưa Thế Tôn! Thật đúng như vậy, thưa Thiện Thệ! Chúng con xin y theo lời Như Lai dạy, tu như vậy, trụ như vậy. Thưa Thế Tôn! Từ nay về sau con xả bỏ tất cả sự chiến đấu, nhất nhất tu tâm từ bi.

Nghe Phật Niết-bàn, Thích-đề-hoàn-nhân như bị mũi tên ưu sầu bắn trúng, lòng sầu não cực độ, xót thương khóc lóc, rơi lệ bạch Phật:

– Thưa Thế Tôn! Từ nay cho đến lúc pháp trụ, con không còn hưởng thọ năm dục, không vào nội cung, không mặc y phục khác. Đại đức Bà-già-bà giống như bậc gia trưởng qua đời. Là người tri thức được ân dưỡng thì tâm sinh khổ não khi nhớ nghĩ ân xưa, vì nhớ nghĩ ân dưỡng ấy nên đau lòng rơi lệ, chuyên nhất gìn giữ đạo hiếu. Thưa Thế Tôn! Con cũng như vậy. Từ nay cho đến thời pháp trụ, suốt thời gian đó con đau lòng rơi lệ, chuyên trì gìn giữ đạo hiếu, không thọ hưởng năm dục, không vào nội cung, không mặc y phục khác. Vì sao? Vì đấng Đạo sư sáng suốt vô thượng đang cùng con xa lìa, không còn được gặp, không còn hội hợp. Thích-đề-hoàn-nhân thưa như vậy rồi, đứng đó cúi mặt than khóc.

QUYỂN 2

Phẩm 4: LA HẦU LA

Bấy giờ, Đại đức La-hầu-la nghĩ như vầy: Nay ta có gì vui, có gì thích ý, có gì phấn khởi, có gì hào hứng mà kham nhẫn diện kiến Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn. Nghĩ như vậy rồi, La-hầu-la hướng về phương Đông bắc cách cõi Phật này mười quốc độ, có thế giới tên là Ma-ly-chi, Đức Phật của thế giới ấy hiệu là Nan Thắng Như Lai Ứng Chánh Biến Tri. Tuệ mạng La-hầu-la ở chỗ Lực sĩ, thành Câu-thi, biến mất, hướng về phương Đông bắc, chỗ Đức Nan Thắng Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, đến nơi rồi cúi đầu đảnh lễ, lui đứng một bên ưu sầu không vui.

Khi đó, Đức Như Lai Nan Thắng bảo La-hầula:

– Này La-hầu-la! Ông chớ có ưu sầu bi thảm. La-hầu-la, tất cả những điều yêu mến, các việc ưng ý, hữu vi hòa hợp ắt đều ly tán. La-hầu-la, chư Phật Thế Tôn làm Phật sự xong đều vào Niết-bàn, việc này phải vậy thôi. Này La-hầu-la! Nay ông nên trở về với Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri đang nằm nghiêng hông bên phải như sư tử vương, dưới hai cây Ta-la chỗ Lực sĩ sinh, sau đêm nay, Như Lai sẽ nhập vào Niết-bàn trong cảnh giới Niết-bàn vô dư. La-hầu-la, ông phải nên đến đó, nếu Phật Như Lai nhập Niết-bàn thì sau này chắc ông ưu buồn, hối tiếc.

Đức Nan Thắng vừa dứt lời, La-hầu-la bạch:

– Thưa Thế Tôn! Con không chịu đựng nổi khi nghe Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ưng Chánh Biến Tri nhập Niết-bàn, huống chi là nhẫn tâm thấy cảnh Phật Thế Tôn đó nhập Niết-bàn. Vì vậy con không kham nhẫn đến đó. Sau khi La-hầu-la thưa như vậy rồi, liền biến mất đi đến phương trên, vượt qua chín mươi chín thế giới, đến thế giới thứ một trăm. Tại thế giới này, có Như Lai Ứng Chánh Biến Tri hiệu là Thương Chủ. Sau khi đến đấy, La-hầula đảnh lễ rồi buồn khóc, ưu sầu lui đứng một bên. Phật Thương Chủ bảo La-hầu-la:

– Thôi La-hầu-la! Ông chớ có ưu buồn. Này La-hầu-la! Tất cả các pháp sinh mà không sinh, già mà không già, bệnh mà không bệnh, chết mà không chết, tận mà không tận, thì điều này không có. Này La-hầu-la! Thời quá khứ, chư Phật, Thanh văn, Duyên giác lìa tịch diệt, nhập Niết-bàn. Thời vị lai, chư Phật, Thanh văn, Duyên giác lìa tịch diệt, nhập Niết-bàn. Thời hiện tại, chư Phật, Thanh văn,

Duyên giác lìa tịch diệt, nhập Niết-bàn. Này Lahầu-la! Giả sử Như Lai trụ thế một kiếp hoặc trăm kiếp thì cũng phải nhập Niết-bàn như vậy. Này Lahầu-la! Chư Phật Thế Tôn không có pháp nào khác ngoài Niết-bàn tịch diệt rốt ráo. Này La-hầu-la! Cứu cánh tịch diệt là định rốt ráo, mát mẻ rốt ráo, diệt tận rốt ráo, an lạc rốt ráo, yên ổn rốt ráo. Điều đó có nghĩa: Không chỗ nào là không phải cảnh giới của Niết-bàn. Này La-hầu-la! Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ân ái biệt ly, oán ghét gặp nhau, ước muốn không được, gánh nặng ngũ ấm, tất cả đều là khổ. Này La-hầu-la! Chỉ có Niết-bàn là an vui. Này La-hầu-la! Ông cũng không lâu sẽ nhập Niết-bàn. Này La-hầu-la! Ông và Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết-bàn một chỗ, không sinh, không già, không bệnh, không chết, không ái biệt ly, không oán tắng hội, không điều gì là không thích. Này La-hầu-la! Ông chớ thương luyến, chớ có ưu buồn, chớ có sầu não. Này La-hầu-la! Ông nên tư duy: Ai sinh, ai già, ai chết, ai lưu chuyển, ai tái sinh. Này La-hầu-la! Tất cả đều là chấp giữ điên đảo hư vọng. Vì những phàm phu chưa nghe Thánh pháp, chưa thấy các Thánh, chưa tin Thánh pháp, chưa học Thánh pháp, chưa hiểu Thánh pháp, chưa biết Thánh pháp, chưa trụ Thánh pháp nên tâm điên đảo, tưởng điên đảo, kiến điên đảo. Do điên đảo nên dẫn đến sinh, sinh dẫn đến già, già dẫn đến chết, chết sinh trở lại, lưu chuyển mãi mãi, cháy khô hư hoại, ái luyến ưu sầu, gào khóc xé ruột. Này La-hầu-la! Tất cả Thánh nhân chỉ lấy pháp Tỳ-ni để dứt tất cả các hành ở trên, không còn tạo tác. Này La-hầu-la! Việc làm của Đạo sư như vậy đã xong, đã độ xong các đệ tử Thanh văn, không còn gì để làm nữa. Này La-hầu-la! Ông chớ có bi luyến, chớ có ưu buồn, chớ có sầu não. Này La-hầu-la! Trong dòng họ Thích, Phật Thích Ca Mâu Ni là đấng Pháp Vương vô thượng tôn quý, ông nên nhanh chóng đến đó cung kính lễ bái cúng dường. Nếu Phật Niết-bàn thì sau này chắc ông ưu buồn hối tiếc. Này La-hầu-la! Nay tại chỗ đất Lực sĩ, giữa hai cây Ta-la, Phật Thích Ca Mâu Ni nằm nghiêng hông bên phải như sư tử vương, đang suy nghĩ muốn gặp ông. Này La-hầu-la! Vậy ông nên đến đó nhanh.

Phật Thương Chủ nói như vậy rồi, Tuệ mạng La-hầu-la bạch:

– Thưa Thế Tôn! Con không chịu đựng nổi khi nghe Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri nhập Niết-bàn, huống chi là nhẫn tâm thấy cảnh Phật Thế Tôn nhập Niết-bàn. Nói như vậy rồi, thân tâm của La-hầu-la buồn bã tuyệt vọng, không còn tự chủ, lại nói thế này: Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Pháp Vương vô thượng là đấng tôn quý trong dòng họ Thích, là đấng Pháp Vương vô thượng, là bảo báu của chúng sinh. Con nay sao có thể nhẫn tâm thấy cảnh Phật nhập Niết-bàn. Đức

Thế Tôn từ bi thương yêu tất cả thế gian, là đấng mà tất cả hình tướng của thế gian không thể sánh được, là đấng làm đèn sáng cho tất cả thế gian, là đấng làm mắt sáng cho tất cả thế gian, là đấng làm ngọn đuốc tuệ cho tất cả thế gian, là đấng chiếu diệu tất cả thế gian, như mặt trời sáng bị tan mất thì sẽ không còn xuất hiện nữa.

La-hầu-la vừa dứt lời, Thương Chủ Như Lai bảo:

– Thôi La-hầu-la! Ông đừng ưu sầu bi cảm nữa. Này La-hầu-la! Ông không nghe Phật Thế Tôn đó nói pháp như vầy: Tất cả hành vô thường, tất cả hành là khổ, tất cả pháp vô ngã, Niết-bàn vắng lặng sao. Này La-hầu-la! Phật Thế Tôn đó nói kệ thế này:

Các hành vô thường
Là pháp sinh diệt
Sinh diệt, diệt rồi
Tịch diệt là vui.

La-hầu-la thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Đức Phật bảo Lahầu-la:

– Phật Thế Tôn đó, xưa kia không thể không nói thế này: “Hết thảy việc yêu mến, cho đến mọi điều ưng ý, chắc chắn sẽ bị tiêu diệt, ly tán trong thời gian không lâu. Giả sử, có tụ hội lâu thì cũng có ngày ly tán”.

La-hầu-la thưa:

– Đúng vậy, Bà-già-bà! Đúng vậy, Tu-già-đà! Đức Phật nói:

– Này La-hầu-la! Các pháp hữu vi, pháp sinh, pháp hữu, pháp giác tri, pháp khởi phân biệt, tất cả đều từ nhân duyên sinh, nếu không diệt thì điều này không có.

Lúc ấy, La-hầu-la nhớ Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, rồi rơi lệ thưa:

– Ngày mai đây, con không còn thấy Phật nói pháp cho các chúng Tỳ-kheo vây quanh. Như trong biển lớn núi Tu-di là chúa, các tướng trang nghiêm phát ánh sáng chiếu khắp. Như trăng tròn các sao vây quanh. Như biển sâu rộng là nơi tích tụ vô lượng các loại bảo báu. Như Chuyển luân vương có vô lượng quyến thuộc vây quanh. Như núi Tuyết có nguồn sức cảm biết chỗ muôn hoa đua nở. Như núi Thiết-vi tất cả gió dữ chẳng thể lay động. Thế Tôn cũng vậy, tất cả các ngọn gió nghị luận của ngoại đạo không thể làm khuynh động, như hoa sen ở trong bùn không bị pháp thế gian làm ô nhiễm, như Đại Phạm đầy đủ quyến thuộc Phạm, như Đế thích có ngàn mắt, như chỗ sư tử vương ngồi không có gì sợ sệt, thường xa lìa các sợ hãi hay gầm tiếng sư tử. Ngày mai, con không còn được gặp Phật. La-hầu-la nói lời này rồi, đứng im lặng suy nghĩ, buồn khóc.

Khi đó, Thương Chủ Như Lai bảo La-hầu-la:

– Nay ông hãy nhanh chóng đến chỗ Phật đó, Phật Như Lai ấy đang suy nghĩ muốn gặp ông. Lahầu-la, ông nên đi nhanh chớ có hỏi nữa, ông lưu lại nơi đó thận trọng chớ làm phiền, quấy nhiễu Phật Thế Tôn. La-hầu-la, ông quyết phải về nhanh. Vì sao? La-hầu-la! Vì pháp thường của chư Phật là như vậy. Phật vì từ bi suy nghĩ muốn thấy ông nên chưa nhập Niết-bàn.

Khi đó, La-hầu-la đầu mặt đảnh lễ Phật Thương Chủ và biến mất khỏi nơi đó, đến thành Câu-thi nơi đất Lực sĩ sinh giữa hai cây Ta-la. Chỉ trong nháy mắt La-hầu-la đến chỗ Như Lai cũng như vậy, đầu mặt đảnh lễ Phật và đi nhiễu ba vòng, lui đứng một bên ưu sầu buồn khóc, chấp tay, rơi lệ. Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo La-hầu-la:

– Thôi La-hầu-la! Ông chớ có bi luyến, ưu sầu, khóc lóc, tâm sinh phiền não bứt rứt. Này La-hầula! Ông đã hoàn tất việc hầu hạ Ta. Cũng vậy, Ta đã hoàn tất việc nuôi dạy ông. Này La-hầu-la! Ông chớ có sinh lòng luyến ái, sầu bi hối tiếc. La-hầula, Ta cùng các ông vì muốn làm cho tất cả chúng sinh không còn sợ hãi nên đã không gây oán thù, không làm não hại, chuyên cần tinh tấn, phát khởi tinh tấn dũng mãnh. La-hầu-la, nay Ta nhập Niếtbàn rồi, không còn làm cha cho kẻ khác nữa. Lahầu-la, ông cũng sẽ nhập Niết-bàn, không còn làm con cho người khác. La-hầu-la, Ta và ông, cả hai không làm não loạn, không gây oán thù.

Khi đó, La-hầu-la bạch Phật:

– Thưa Thế Tôn! Bà-già-bà chớ nhập Niết-bàn, Tu-già-đà chớ nhập Niết-bàn! Cúi xin Thế Tôn trụ thêm ở đời một kiếp nữa để làm cho các chúng sinh thêm nhiều lợi lạc và vì thương xót thế gian, vì tạo lợi ích an lạc cho hàng trời, người.

La-hầu-la thưa như vậy rồi, Phật bảo:

– Này La-hầu-la! Như Lai Ứng Chánh Biến Tri biết hết các pháp, nên ở trong thế gian được gọi là Phật. La-hầu-la, nhưng pháp Phật đó không tiêu không mất, không sinh không diệt, không đến không đi, không thành không hoại, không ngồi không nằm, không hợp không tan. Vì sao? La-hầula! Vì pháp trụ là như vậy, rốt ráo không sinh, rốt ráo không diệt, tự tánh không, tịch tĩnh Niết-bàn không thuộc vào chúng số, không nơi chốn, không thể nói, chẳng phải là đạo để nói. Còn các pháp của Ta nói ở đây có nghĩa: Trụ rốt ráo, diệt rốt ráo, tịch diệt rốt ráo, xa lìa rốt ráo, lìa dục rốt ráo, không hòa hợp rốt ráo, không làm rốt ráo, dứt tận rốt ráo. La-hầu-la, Ta tùy nghi nói pháp này, giả sử chư Phật nếu có xuất hiện ở đời, hoặc không xuất hiện ở đời thì các pháp vẫn trụ như vậy. Vì pháp thường của các pháp là như vậy, pháp không biến dịch, pháp lìa dục, pháp tự tánh không. La-hầu-la, vì vậy Như Lai chẳng mang giới tụ nhập Niết-bàn, chẳng mang định tụ, tuệ tụ, giải thoát tụ, giải thoát tri kiến tụ nhập Niết-bàn. Này La-hầu-la! Ông chớ có bi luyến, chớ có ưu buồn, chớ có sầu cảm. La-hầu-la, tất cả các hành vô thường không cố định, không có chỗ hy vọng, là pháp vô thường biến đổi diệt tận. La-hầu-la, vì vậy phải chấm dứt, xả bỏ không dính mắc các hành, chỉ cầu giải thoát. La-hầu-la, đây là giáo pháp của Ta.

Phật vì La-hầu-la giảng nói phẩm “Kiến thật đế” này thì có sáu mươi Đại đức tâm đều dứt sạch các lậu và được giải thoát, hai mươi lăm Tỳ-kheoni tâm cũng dứt sạch các lậu và được giải thoát, vô lượng hàng trời, người xa lìa trần cấu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh, sáu vạn tám ngàn các vị Bồtát đắc pháp nhẫn Vô sinh. Tất cả đều vui mừng phấn khởi khen: Pháp Phật thật không thể nghĩ bàn. Đại chúng đều lấy hoa Ưu-ba-la, hoa Ba-đầuma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Phân-đà-lợi tán rải trên Phật, mỗi người tự nói:

– Ở đời vị lai, con cũng sẽ làm thầy của hàng trời, người như vậy, xuất hiện ở thế gian nói: Pháp thế gian vô thượng, Niết-bàn vô tướng như vậy, dùng đại Niết-bàn như vậy mà nhập Niết-bàn.

Sau khi thưa nguyện, các Bồ-tát đó mặc nhiên an trụ.

Phẩm 5: CA DIẾP

Bấy giờ, bên chỗ Phật nằm, A-nan buồn rầu, rơi lệ, tuyệt vọng lăn lộn trên đất như cây đại thọ bị chặt ngã bên sườn núi, thưa Phật:

– Sao Bà-già-bà Niết-bàn nhanh quá vậy! Tugià-đà Niết-bàn nhanh quá vậy! Đấng đại từ bi, bảo báu của chúng sinh diệt độ nhanh quá, ngọn đèn lớn của thế gian, ngọn đuốc lớn của thế gian, bậc tối thượng trong hàng trời, người diệt độ nhanh quá. Phân-đà-lợi của chúng sinh ở trong thế gian rơi rụng nhanh quá. Bậc Long tượng của chúng sinh khéo tự điều phục, lại hay điều phục chúng sinh, người chưa điều phục khiến được điều phục, diệt độ nhanh quá. Đấng Đạo sư vô thượng, thường hay chỉ bảo thế gian đạo an ổn, diệt độ nhanh quá. Tuệ nhãn cực sáng chiếu khắp thế gian, thường hay dạy bảo thế gian, diệt độ nhanh quá. Từ đây, thế gian mù tối không người dẫn đường. Bậc cha mẹ của chúng sinh ở trong thế gian lâm chung nhanh quá, thế gian cô độc không chỗ cậy nhờ. Tại sao, ngày mai tôi không còn thấy bảo báu của chúng sinh nữa, mà chỉ còn nghe danh.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo A-nan:

– Thôi A-nan! Ông chớ có ưu buồn bi não, Ta đã từng dạy ông: Tất cả những việc yêu thích, ưng ý, pháp hòa hợp ắt có ly tán. Này A-nan! Các pháp hữu vi, pháp sinh, pháp hữu, pháp giác tri, pháp nhân duyên, pháp hoại diệt, nếu không tan hoại, thì điều này không có. Các pháp đó nếu trụ được thì điêu này cũng không thể có. A-nan, giả sử pháp có tồn tại lâu thì ắt cũng sẽ ly tán như vậy. Vì vậy ông chớ có ưu buồn bi não.

Khi đó, A-nan nhìn chăm chăm, chiêm ngưỡng tôn nhan Như Lai, quán tưởng vậy rồi cũng lại ngã xuống, như cây đại thọ bị chặt ngã bên sườn núi. Phật lại bảo A-nan:

– Thôi! Ông chớ có ưu buồn, bi não, không vì ông ưu buồn mà làm cho Ta trụ thêm ở đời được. A-nan, Ta đã từng dạy ông: Tất cả các việc yêu thích, ưng ý, hữu vi hòa hợp chắc chắn sẽ ly biệt. Giả sử có tồn tại, tụ hội lâu đi nữa thì cũng sẽ hoại diệt. Các hành là như vậy. Này A-nan! Ông dùng thân, khẩu hiền hòa hiếu thuận Như Lai, tâm không có hai, vô lượng an lạc, không sân, không hận, không có oán thù.

Lúc đó, A-nan đứng dậy lau nước mắt, thưa:

– Bạch Thế Tôn! Con sao không sầu, không bi não được. Con cùng với đấng đại từ bi, bậc ra khỏi tất cả thế gian, bậc thương xót tất cả thế gian, bậc được tất cả thế gian yêu mến, bậc được tất cả thế gian hướng về, bậc dẫn đường cho tất cả thế gian, bậc làm lợi ích cho tất cả thế gian, bậc làm an lạc cho tất cả thế gian, bậc đại bảo sáng suốt của chúng sinh như vậy đang ly biệt.

A-nan khóc lóc thảm thiết, lau nước mắt, thưa: – Lạ thay! Lạ thay! Các hành là thây chết mà có thể chi phối, có thể làm cho ngọn đèn lớn, ngọn đuốc lớn, mặt trời lớn chiếu vô lượng ánh sáng rực rỡ, sức nóng lan rộng khắp trăm ngàn ức na-do-tha; đại bảo của chúng sinh hiện khắp làm cho thế gian thấy biết cảnh giới niệm tuệ, diệt độ nhanh quá. Đấng đại trí tuệ, đấng đại quang minh, nay ở thế gian diệt độ nhanh quá. Đấng bảo hộ che chở những người cô độc ở thế gian, diệt độ nhanh quá. Như Lai đầy đủ thần thông biến hóa, nay ở thế gian diệt độ nhanh quá. Thưa Thế Tôn! Con làm sao không ưu sầu, không bi não được. Thưa Thế Tôn! Nay con lấy làm lạ, tâm con sao không bị phá nứt ra làm trăm mảnh. Con cũng lấy làm lạ, sao không mạng chung ở trước Phật. Việc như vậy, chắc là do thần lực Thế Tôn gia hộ cho con, nhờ vậy nên con chưa mạng chung. Vì sao? Vì con gần gũi Phật nên được ghi nhận, thọ trì không quên tám vạn bốn ngàn các pháp bảo tạng, nhưng chưa lưu hành rộng khắp cho các cõi trời, người trong mười phương. Thưa Thế Tôn! Nhờ thần lực Như Lai gia hộ nên con chưa mạng chung. Con làm sao không ưu sầu, làm sao không bi não. Thưa Thế Tôn! Con đến thành Ca-tỳ-la nơi Thế Tôn sinh, khi dòng họ Thích tập hợp, con nên nói những gì? Có thể con nói ngày Phật Thích Ca Mâu Ni Pháp Vương vô thượng tôn quý trong dòng họ Thích nhập Niết-bàn rồi chăng? Con đến thành Vương-xá chỗ vua A- xà-thế con của Tỳ-đề-hy, nên nói những gì? Con có thể nói ngày Phật Đại Sư Y Vương có khả năng nhổ mũi tên nghiệp vô gián cho thế gian diệt độ rồi chăng? Con đến rừng Kỳ Đà, trưởng giả Cấp Cô Độc hỏi: Khi nào Như Lai đến khu vườn rừng Kỳ Đà - Cấp Cô Độc? Con nên đáp thế nào? Con đến thành Tỳ-xá-ly, trước mặt các Ly-xa-tử, nên nói những gì? Con có thể nói Tôn sư hết lòng thương xót thế gian diệt độ rồi chăng? Thiện nam, thiện nữ ở các phương cũng đến hỏi nghĩa này, con nên đáp làm sao? Con có thể nói đấng đại trí thế gian, bậc trí tuệ đoạn trừ tất cả nghi diệt độ rồi chăng? Các chúng Tỳ-kheo ở khắp mọi phương, vì muốn thấy Phật để cúng dường, lễ bái, vì bố-tát nên có người đến hỏi thăm Thế Tôn, có người đến hỏi pháp, có người đến hỏi nghĩa, nhưng con không thấy, không nghe họ nói đắc pháp thượng nhân. Sau khi Thế Tôn diệt độ, người tu phạm hạnh ở đời có các thần thông biến hóa cũng diệt độ. Con làm sao không ưu sầu, làm sao không bi não!

A-nan thưa như vậy rồi, Phật lại bảo:

– Thôi A-nan! Ông đừng ưu sầu nữa, phạm hạnh của Ta sẽ lưu hành rộng khắp, trụ lâu dài ở thế gian, tạo lợi ích cho hàng trời người. A-nan, sau khi Ta diệt độ hơn bốn trăm năm, Ca-diếp cùng ông và các đệ tử lần lượt thừa kế phát triển mở rộng thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh tạo lợi ích cho hàng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, chánh pháp của Ta sẽ lưu hành rộng khắp, trường tồn ở thế gian làm lợi ích cho hàng trời, người. Anan, sau khi Ta Niết-bàn, Tỳ-kheo Ca-diếp cùng ông phát tâm tập hợp pháp Bồ-đề vô thượng của Ta, trải qua a-tăng-kỳ ức na-do-tha kiếp làm tăng ích các pháp lành, khiến không đoạn mất. Vì sao? A-nan, vì Tỳ-kheo Ca-diếp thiểu dục, tri túc, tinh tấn, viễn ly, không thích vọng niệm, không thích hý luận, định tuệ hiện tiền. A-nan, Tỳ-kheo Cadiếp đối với đại chúng thường hay chỉ bày giáo pháp tạo lợi ích an vui, đối với các bạn đồng tu thuyết pháp không mỏi mệt, giống như cha mẹ. Này A-nan! Sự hiểu biết của Tỳ-kheo Ca-diếp hơn hẳn bốn chúng, thương xót thế gian, vì muốn các hàng trời, người, chúng sinh được lợi ích an lạc nên phát tâm như vậy.

A-nan bạch Phật:

– Thưa Thế Tôn! Tỳ-kheo Ca-diếp làm lợi ích an lạc cho bao nhiêu chúng trời, người?

Phật bảo A-nan:

– Tỳ-kheo Ca-diếp khi nhập Niết-bàn, thệ nguyện: Sau khi diệt độ, con nguyện dùng thần lực gia trì làm cho thân thể, y áo, tóc lông, màu da, các căn, chân tay v.v... không biến hoại. Đến khi Dilặc Như Lai Ứng Chánh Biến Tri xuất hiện ở đời, thì thân ấy của con thấy Đức Thế Tôn đó cùng chúng hội đầu tiên của Ngài. Cũng vậy, ở chúng hội lớn thứ hai, thứ ba, vì nguyện lực gia trì nên con sẽ khiến cho hằng trăm chúng sinh, hằng ngàn chúng sinh, hằng ngàn vạn chúng sinh, hằng trăm ngàn ức na-do-tha chúng sinh đắc quả Thánh đạo. Hoặc Phật Di-lặc thấy thân thể, y áo của con không biến hoại và cả Thanh văn ba hội cũng thấy thân con, các căn, chi tiết, ca-sa v.v... không biến hoại. Sau đó, con ở giữa không trung tự hỏa táng thân mình, thân hỏa táng rồi mà không có tro, than. Anan, đó là Ca-diếp phát tâm làm lợi ích an lạc cho chúng sinh. A-nan, Tỳ-kheo Ca-diếp vì nguyện lực gia trì như vậy, nên thành thục được các chúng sinh như vậy, rồi mới nhập Niết-bàn. A-nan, Tỳ-kheo Ca-diếp nhập Niết-bàn rồi, sẽ có bốn núi đá đến chỗ Ca-diếp, hợp lại thành một phủ che thân ấy. Anan, chính thân Ca-diếp ở trong bốn núi đá đó không bị biến hoại cho đến lúc Phật Di-lặc xuất hiện ở đời, thân Tỳ-kheo Ca-diếp trụ không hoại và y ca-sa cũng trụ không hoại. Vì sao? A-nan, vì người trì giới thanh tịnh, người tu phạm hạnh, người có trí tuệ nên sở nguyện được thành tựu. Chẳng phải người không trì giới thanh tịnh, không tu phạm hạnh, không có trí tuệ mà có thể thành tựu được ước nguyện. A-nan, Tỳ-kheo Ca-diếp, trước vì nguyện lực gia trì nên nhập Niết-bàn, sau khi

Niết-bàn, tóc, lông, máu, thịt, các căn, tay chân v.v... của thân Ca-diếp không bị biến hoại, cho đến y áo cũng không biến hoại, và thân ấy cũng không có mùi hôi thối, cho đến lúc Di-lặc xuất hiện ở đời. A-nan, khi Phật Di-lặc xuất hiện ở đời, cùng với chín mươi sáu ức Tỳ-kheo trong hội thứ nhất đến chỗ Ca-diếp. A-nan, chính Phật Di-lặc chỉ thân Cadiếp cho chín mươi sáu ức Tỳ-kheo và nói như vầy: Này các Tỳ-kheo! Đây là Tỳ-kheo Ca-diếp ở trong pháp Thích Ca Mâu Ni Như Lai, làm đại Thanh văn trụ hạnh Đầu-đà tối thắng, thiểu dục, tri túc, tinh tấn, viễn ly, không thích vọng niệm, không thích hý luận, định tuệ hiện tiền, đối với chúng sinh thường hay chỉ dạy giáo pháp tạo lợi ích an vui, đối với các bạn đồng tu thuyết pháp không mỏi mệt như cha mẹ. Này các Tỳ-kheo! Sự hiểu biết của Tỳ-kheo Ca-diếp sâu xa hơn hẳn bốn chúng, tùy thuận các chúng sinh, dứt sạch các nghi. Này chư Tỳ-kheo! Các ông quán xem Ca-diếp, vì thương xót thế gian, vì muốn làm an lạc lợi ích cho các chúng trời, người nên đã phát tâm như vậy. A-nan, Di-lặc Như Lai Ứng Chánh Biến Tri cùng hội thứ hai, chín mươi bốn ức Tỳ-kheo đến chỗ Ca-diếp. Cho đến hội thứ ba, chín mươi hai ức Thanh văn cùng Di-lặc đến chỗ Ca-diếp. A-nan, khi đó Phật Di-lặc chỉ cho chúng Tỳ-kheo chín mươi hai ức, và nói: Tỳ-kheo Ca-diếp này, ở trong pháp Thích Ca Mâu Ni Như Lai, là bậc Thanh văn tối đại, trụ hạnh

Đầu-đà tối thắng, thiểu dục, tri túc cho đến phát tâm vì muốn làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng trời, người. A-nan, lúc đó Di-lặc Như Lai ung dung thư thái dùng cánh tay phải sắc vàng rờ trên đảnh đầu Ca-diếp, quán sát các Tỳ-kheo và nói: Này các Tỳ-kheo, sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ, Tỳ-kheo Ca-diếp này đã gìn giữ truyền bá rộng rãi chánh pháp. Còn sau khi Ta diệt độ, ở trong chúng đây không có một ai có thể gìn giữ và truyền bá rộng chánh pháp của Ta như Tỳ-kheo Ca-diếp. Anan, chính Tỳ-kheo Ca-diếp đối với hội lớn thứ ba đó, vì nguyện gia trì xưa nên sẽ trụ giữa hư không hiện các loại thần thông, biến hóa vô số, rồi tự hỏa táng thân mình, hỏa táng thân xong mà không có tro, than. Lúc Phật Di-lặc còn đang ở đó, Ca-diếp phát khởi vậy rồi, vì các chúng Tỳ-kheo chín mươi hai ức nên nói vô số pháp làm cho hằng trăm, hằng ngàn, hằng ức na-do-tha trăm ngàn trời, người đắc quả thánh đạo. A-nan, Tỳ-kheo Ca-diếp phát tâm làm lợi ích cho nhiều chúng sinh như vậy, ông cũng phát tâm làm lợi ích, an lạc nhiều cho chúng sinh như vậy. Tỳ-kheo Ca-diếp cùng ông phát tâm gìn giữ chánh pháp của Ta, dùng thần thông biến hóa đủ loại, tu hành phạm hạnh, thường hay làm lợi ích các chúng trời, người, trải qua bốn trăm năm.

Phẩm 6: GIỮ GÌN CHÁNH PHÁP

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

– Ông chớ có ưu buồn, bi não! Phạm hạnh của Ta sẽ lưu hành cùng khắp, đều có thể làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời, người. Này A-nan! Sau khi Ta diệt độ, tại núi Ưu-lâu-mạn-trà, thành Ma-thâu-la, có Tăng-già-lam tên là Na-trì-ca. Tại đó, sẽ có Tỳ-kheo tên là Tỳ-đề-xa, thần thông quảng đại, đủ đại oai lực, đắc đạo chánh trí, đa văn vô úy, trì kinh, trì luật, trì luận, khai thị, diễn nói giáo pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. Tỳkheo ấy, cũng sẽ phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh, truyền bá chánh pháp của Ta rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời người. A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não! Sau khi ta diệt độ, cũng tại núi Ưu-lâu-mạn-trà, trong Tăng- già-lam Na-trì-ca có Tỳ-kheo tên Đề-trì-ca, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, thuyết pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt và thường làm cho pháp của Ta lưu hành rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Sau khi ta diệt độ, ở bên cạnh núi Ưu-lâu-mạn-trà có núi tên là Ưu-thi-la. Tại đó, có bốn vạn Tỳ-kheo hội hợp, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, tất cả đều có khả năng đắc đạo chánh trí, đa văn vô úy, trì kinh, trì luật, trì luận.

Họ đều có khả năng chỉ dạy lợi ích, an vui, thuyết pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. Các Tỳkheo tại đó, có thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh khiến cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, đều có thể làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Sau khi Ta diệt độ, lại ở bên cạnh núi Ưu-lâumạn-trà sẽ có Tỳ-kheo tên là Ưu-ba-cúc-đa, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, cho đến cũng hay phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời, người. Ở đó, sẽ có ngàn vị A-la-hán tập hợp, các chúng Tỳkheo tám vạn tám ngàn người cùng nhau bố-tát yết-ma một hội, tâm không khi dối, thọ ký cho nhau. Các Tỳ-kheo đó đều hay phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, có khả năng làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Chính Ưu-ba-cúc-đa và các đệ tử, mỗi mỗi đều hay làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, thường hay hiển bày chánh pháp cho các hàng trời, người. A-nan, ông chớ ưu buồn bi nào! Sau khi Ta diệt độ, tại thành Ba-ly-phất có Tăng-già-lam tên là Bạt-đa-ni. Nơi đó, có Tỳ-kheo tên là A-thâu-bà-cúc-đa đầy đủ ba minh, sáu thông và tám giải thoát, có hai phần thiền, trí giải thoát tự tại, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực. Tỳ-kheo đó cũng hay phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, đem lại lợi ích cho hàng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não! Sau khi Ta diệt độ, lại ở thành Ba-ly có Tăng-già-lam tên là Cưu-cưu-tra. Nơi đó, có Tỳkheo tên là Uất-đa-la, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, cho đến cũng có khả năng phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, đem lại lợi ích cho hàng trời người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Phạm hạnh của Ta sẽ lưu hành rộng khắp, thường hay làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời người. A-nan, sau khi Ta diệt độ, tại nước Ương-già sẽ có các Thanh văn đệ tử của Ta mở hội Bát-già-bạt-sắc-già. Ở đó, sẽ có hơn một vạn ba ngàn A-la-hán hội hợp. Tất cả những vị này đều có thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có khả năng thuyết pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. Trong hội đó, có Thượng tọa tên là Thiết-đà-sa-trà thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có khả năng thuyết pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. Những người đó cũng có khả năng phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh, làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp và làm tăng thêm lợi ích cho các chúng trời, người. A-nan, ông chớ có ưu phiền, bi não! Sau khi Ta diệt độ, tại thành Kim-bát-tất-đà sẽ có hai Tỳ-kheo trong dòng Bàla-môn đi xuất gia. Một vị tên là Tỳ-đầu-la, vị kia tên là San-xà-gia. Hai vị đó đều có thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có nhiều năng lực, thường hay phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh, làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời, người. Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, tại thành Bàkê-đa có Tỳ-kheo tên Đại Tinh Tấn, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, cũng hay phát khởi thần thông biến hóa, tu hành phạm hạnh, làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. A-nan, ông chớ cơ ưu buồn, bi não! Sau khi Ta diệt độ, sẽ có Tỳ-kheo Mạc-điền-đề đầy đủ ba minh, sáu thông, tám giải thoát, hai phần thiền, trí giải thoát, tự tại, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, cho đến thường hay nói pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. Trong sông Kế Tân, phía Bắc nước Thiên Trúc có vô lượng các rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà v.v... thân to khỏe mạnh, sống tại sông đó. Chính Tỳ-kheo Mạc-điền-đề đến con sông đó, chiến đấu với bọn rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà v.v... Mạc-điền-đề dùng thần thông biến hóa, đem pháp hàng phục các rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà v.v... khiến cho chúng kính tín. Sau khi chúng đã kính tín, Mạc-điền-đề cho dân chúng đến ở sông Kế Tân đó và dựng lập các Tăng-già-lam có nhiều Thanh văn, hàng trăm, hàng ngàn chúng Thanh văn tụ hội. Chính Tỳ-kheo Mạc-điền-đề làm cho trú xứ đó được đầy đủ các việc lành trong tất cả thời. A-nan, nếu Ta tán dương, rộng nói đầy đủ công đức của Mạc-điền-đề thì không thể cùng tận. A-nan, chính Tỳ-kheo Mạc-điền-đề được đầy đủ các công đức, có khả năng làm cho pháp Tỳ-ni, thần thông, phạm hạnh của Ta lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Sau khi Ta diệt độ, tại nước Càn-đà-la phía Bắc nước Thiên Trúc sẽ có Tỳ-kheo tên là Ca-diếp thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có nhiều khả năng, đắc đạo chánh trí, đa văn vô úy, trì kinh, trì luật, trì luận, cho đến cũng hay làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Sau khi Ta diệt độ, tại thành Đắc-xoa-thila phía Bắc nước Thiên Trúc, có trưởng giả tên là Xà-tri-ca giàu sang, quyền thế, uy danh chấn động khắp nơi, tiền của bảo báu rất nhiều, tương xứng với công đức, trí tuệ đầy đủ, tướng hảo đoan nghiêm bậc nhất. Trưởng giả Xà-tri-ca đó có lòng tin thâm sâu, cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường Ta và các Thanh văn, tích tụ căn lành Bồ đề theo thứ lớp. Ở đời vị lại mãn ngàn kiếp rồi, trưởng giả đó sẽ đắc Bồ-đề vô thượng, thành Phật hiệu là Phổ Quang, kiếp tên là Tạo Hiền, thế giới tên là Cụ Đai Trang Nghiêm. A-nan, trưởng giả Xà-tri-ca đó sẽ lưu hành chánh pháp của Ta trong các cõi trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não! Sau khi

Ta diệt độ, ở phía Bắc nước Thiên Trúc có vương đô tên là Phú-ca-la-bạt-đế, đời sống muôn dân phong phú hưng thịnh, an vui yên ổn. Nơi đó, có rất nhiều Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ hành trì thuận theo kinh điển, có lòng tin sâu sắc, cung kính, tôn trọng ngợi khen, cúng dường Ta và các Thanh văn. Ở đó, có vô lượng đệ tử Thanh văn, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có nhiều khả năng. A-nan, ở đó có nhiều trưởng giả, cư sĩ đắc đạo chánh trí, đa văn vô úy, đủ đại trí tuệ. A-nan, vương đô Phú-ca-la-bạt-đế đó có các bạch y tại gia sau khi mạng chung liền sinh lên cõi trời Đâu-suất, còn những người xuất gia đều đọa vào địa ngục. Vì sao? Vì họ không trụ giới, không trụ luật nghi. Này A-nan! Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ v.v... ở vương đô Phú-ca-la-bạt-đế sẽ nghĩ thế này: Chánh pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni chắc sẽ diệt mất. Vì sao? Vì các Tỳ-kheo tham cầu mọi thứ lợi dưỡng lòng không biết chán, hủy phạm nhiều giới cấm, tâm tán loạn, không thích chốn núi rừng thanh vắng, bỏ mất niềm vui thiền định. Trong bốn chúng, có một số người thường cùng phá giới trái đạo. Họ cùng với các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ v.v... kết thân, gần gũi, không còn kính trọng, qua lại biếu tặng đồ quý, bày tiệc ăn uống, chẳng sống theo luật nghi, không có hổ thẹn, hành dâm với vợ, con của những người đó. Các bà là môn, trưởng giả, cư sĩ v.v... thấy, nghe những Tỳ-kheo đó làm việc phi pháp thì hết lòng sợ sệt, buồn rầu ưu não, nói thế này: Chánh pháp Phật có thể chìm mất chăng! Cũng tại vương đô Phú-ca-la-bạt-đế đó, có một Ưu-bà-tắc tên là Pháp Tăng, thần thông quảng đại, đầy đủ oai lực, có phước đức lớn, đắc đạo chánh trí, đa văn vô úy, trì kinh, trì luận, dùng phương tiện khéo léo. Chính Ưu-bà-tắc đó, vì muốn làm cho Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ v.v... sinh lòng kính tín, nên bay lên không trung chỉ dạy giáo pháp lợi ích an vui thế này: Tất cả mọi người hãy bình tĩnh, chớ có sợ hãi, chớ có nghi ngờ, chớ có lo buồn. Chánh pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn còn tồn tại ở đời, các ngươi hãy phát khởi tinh tấn, chuyên cần tạo các nghiệp lành. Ai chưa đắc thì sẽ được đắc, ai chưa chứng thì sẽ được chứng, ai chưa đạt thì sẽ được đạt. Thánh pháp nay ở đây, các ngươi hãy nên nhanh chóng tìm cầu. Tức thời Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ v.v... tâm đều vui mừng hành bố thí, tạo các công đức. Đối với xá-lợi của Ta họ trang sức, cung kính, gìn giữ. Đối với các Thanh văn, họ chuyên cần cúng dường, lắng nghe, ghi nhận, đọc tụng và truyền đạt giáo pháp lại cho kẻ khác, thọ trì giới cấm, siêng tu thiền định. Các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ v.v... được pháp Tăng đó chỉ dạy giáo pháp lợi ích, an vui nên tất cả đều hướng về đường lành và đường Niết-bàn. A-nan, Ưu-bà-tắc đó cũng hay làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời người. Này A-nan! Sau khi Ta diệt độ, cũng có nhiều người thế tục ở trong pháp của Ta được lòng kính tín sâu sắc. Trong đời quá khứ, họ đã từng trồng nhiều căn lành, cúng dường hằng trăm, hằng ngàn, vô lượng chư Phật. Đối với xálợi của Ta, họ chuyên cần bảo dưỡng trang nghiêm, đối với các Thanh văn, họ cúng dường, cung kính, tôn trọng ngợi khen. A-nan, những người đó cũng làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp, làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời, người. A-nan, sau khi Ta diệt độ, trong đời vị lai, phía Bắc nước Thiên Trúc sẽ có Tỳ-kheo tên là Kỳ-bà-ca xuất hiện ở đời. Tỳ-kheo này trong đời quá khứ đã từng trồng nhiều căn lành, cung kính cúng dường, tín tâm sâu sắc, an trụ Đại thừa đầy đủ, ở chỗ vô lượng trăm Đức Phật. Vì thương xót, muốn tạo lợi ích an lạc cho các chúng sinh, nên vị đó đã phát tâm như vậy, đa văn trì Bồ-tát tạng, tán dương Đại thừa, phát khởi Đại thừa. Tỳ-kheo đó thấy xá-lợi và hình tượng của Ta bị người phá hoại, liền dùng vàng tu sửa, phục sức trang nghiêm, dựng lập cờ phướn, lọng báu, treo phong linh bao quanh phát ra âm thanh vi diệu, tạo ra vô lượng hình tượng Như Lai và các tháp miếu. Các tháp miếu đó được trang hoàng bằng bán nguyệt sư tử, nên khiến cho các chúng trời, người sinh tâm tin vui. Tỳ-kheo đó, vì muốn viên mãn căn lành Bồ-đề, vì thương xót chúng sinh, vì hộ trì dưỡng dục, vì hấp thụ giáo pháp của Ta, vì muốn làm cho người chưa có lòng kính tín được tăng lòng kính tín, tu hành. Vì muốn làm cho nhiều người gieo trồng căn lành, nên sẽ mở hội Bát- già-bạt-sắc-ca. A-nan, bấy giờ, sẽ có nhiều Tỳ-kheo không giữ giới, hình tướng tợ như Sa-môn, làm nhiều chuyện phi pháp, không vui thích chốn rừng núi thanh vắng, xả bỏ niềm vui thiền định, phá giới trái đạo, kiện tụng qua lại, tham tiếc cất chứa, chiếm riêng một phòng cùng các người thế tục qua lại với nhau, xả bỏ pháp Phật, chẳng kính trọng các bậc phạm hạnh. Cũng tại thời bấy giờ, ít có Tỳ-kheo chuyên cần tinh tấn, xa lìa ồn ào mê loạn, nhất tâm buộc niệm, định tuệ hiện tiền, an trú pháp lành, thiểu dục tri túc, thích hạnh khất thực, an trụ dòng thánh, đa văn vô úy, trì kinh, trì luật, trì luận. Bấy giờ, Tỳ-kheo Kỳ-bà-ca khiến các Tỳ-kheo mặc ca-sa có tâm mềm mỏng, các căn không khuyết, đầy đủ lòng tin sâu sắc, kính trọng bậc nhất. Tại đó, có vị đắp ca-sa khởi tưởng trì giới, khởi tưởng tạo phước điền, hành bố thí, tu các căn lành. Sau khi Tỳ-kheo Kỳ-bà-ca đó tu tập vô lượng các loại căn lành Bồ-đề tối thắng rồi, liền thủ mạng chúng sinh về nước Vô Lượng Thọ ở thế giới Tây phương, có hơn ức trăm ngàn chư Phật. Tại thế giới này, Tỳ-kheo đó trồng các căn lành ở chỗ Phật và tu phạm hạnh trải qua tám mươi ức các Đức Như Lai. Nhờ căn lành này nên sau chín mươi chín ức kiếp trong đời vị lai, Tỳ-kheo đó thành Chánh giác, Phật hiệu là Vô Cấu Quang, thế giới đó tên là Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm. A-nan, chính Tỳkheo Kỳ-bà-ca làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn, bi não, phạm hạnh của Ta sẽ lưu hành rộng khắp làm cho hàng trời, người tin vui. A-nan, sau khi Ta diệt độ, trong đời vị lai sẽ có cõi nước tên là Xá-ma, nơi đó có quốc vương tên là Đại Thí, đối với pháp của Ta sinh lòng tin trong sạch, đối với xá-lợi của Ta và các Thanh văn, vua chuyên cần tu tập, cúng dường, tán dương khen ngợi. A-nan, tại nước Xá-ma, vua Đại Thí tập hợp các chúng Tỳ-kheo Thanh văn của Ta, rồi tôn trọng cúng dường. Trong chúng đó, có hơn ba ngàn A-la-hán đều có oai lực, thần thông, công đức, thuyết pháp cho các bạn đồng tu không mỏi mệt. A-nan, những vị đó cũng hay làm cho chánh pháp của Ta lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não! Sau khi Ta diệt độ, ở phía Bắc nước Thiên Trúc có thành tên là Hưng-cừ-mạc-đản-na, tại đó có tinh xá được xá-lợi của Ta, họ đem vòng hoa, hương xoa, hương bột, âm thanh, kỹ nhạc, cờ phướn, lọng báu, y phục, ngọa cụ, vàng bạc, bảo báu, cúng dường cung kính nghiêm trang. A-nan, tại tinh xá đó có nhiều người đem lòng tin xuất gia, thọ trì giới cấm, tu hành pháp lành. Những người thế tục tu hành pháp lành cũng lại vô lượng. A-nan, họ có trì giới, trí tuệ, đa văn, có lòng tin trong sạch sâu sắc đối với pháp của Ta, đối với Thanh văn và xá-lợi của Ta, họ chuyên cần tu tập, cung kính cúng dường, trang sức bảo dưỡng. Đối với Phật, Pháp, Tăng, họ cúng dường, gìn giữ bảo hộ. Nhờ căn lành này, nên sau khi họ thọ hưởng phước báo ở cõi trời, người, thì có người đắc Bồ-đề vô thượng, có người đắc Duyên giác thừa, có người đắc Thanh văn thừa rồi nhập Niết-bàn. A-nan, vì họ cúng dường vô lượng các loại như vậy, nên đạt được thần thông oai lực như vậy. A-nan, chính những người đó chỉ bày, diễn nói chánh pháp của Ta-làm cho được lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não! Chánh pháp của Ta sẽ lưu hành rộng khắp làm tăng thêm lợi ích cho hàng trời, người. A-nan, xá-lợi và hình tượng của Ta biến khắp cõi Diêm-phù-đề, cớ chi ngươi lại không thấy. Nghĩa là hình tượng của Ta được tạo ra trong các cung điện trời, rồng, Dạ-xoa, La-sát, Càn-thátbà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Cưu-bàn-trà v.v... A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não! Pháp Tỳ-ni của Ta sẽ lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người.

Phẩm 7: XÁ LỢI

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

– Sau khi Ta diệt độ, nếu có người nam, người nữ, hoặc tại gia, hoặc xuất gia khiêm tốn hạ mình, cung kính, tôn trọng cúng dường xá-lợi của Ta, cho đến chỉ cúng dường một vật nhỏ như hạt cải, thì Ta nói những người đó nhờ căn lành này, hết thảy đều đắc quả Niết-bàn, hoàn toàn an trụ cõi Niết-bàn. Anan, sau khi Ta diệt độ, nếu có thiện nam thiện nữ nào sinh lòng kính tín, vì Ta mà tạo lập hình tượng chùa tháp thì phải có lòng tin sâu sắc, thận trọng chớ nghi hoặc. Ta nói những người đó, nhờ căn lành này, tất cả đều sẽ đắc quả Niết-bàn, hoàn toàn an trú cõi Niết-bàn. A-nan, giả sử hiện tại có người cúng dường Ta, giả sử sau khi Ta diệt độ có người cúng dường xá-lợi của Ta một vật nhỏ như hạt cải, giả sử có người vì Ta mà tạo lập hình tượng và chùa tháp, hoặc có người có tín tâm niệm công đức của Phật, cho đến có người chỉ dùng một bông hoa rải cúng trong không trung, Ta nói những người đó nhờ căn lành này, tất cả đều sẽ đắc Niết-bàn, hoàn toàn an trú cõi Niết-bàn. A-nan, nếu lại có người thấy thần thông oai lực của Phật Thế Tôn, rồi cúng dường, cho đến chỉ dùng một bông hoa rải cúng trong không trung, còn có thể đắc quả Niết-bàn, huống nữa là người thân cận phụng sự cúng dường Như Lai và sau khi Ta diệt độ lại cúng dường xálợi. A-nan, cảnh giới chư Phật không thể nghĩ bàn, nếu lại có người hay cúng dường thì phước đức hưởng được cũng không thể nghĩ bàn. A-nan, hoặc có người niệm Phật, hoặc cho đến có người chỉ đem một bông hoa rải trong không trung để cúng dường, Ta dùng trí Phật thấy biết người đó sẽ hưởng quả báo không thể nghĩ bàn, huống nữa là trong đời vị lai có Phật tử sinh tâm kính tín sâu sắc, tư duy công đức của Phật, tìm cầu trí Phật. A-nan, ông phải nên tin như vậy.

Lúc đó, A-nan nghe Phật nói rồi, sinh lòng phấn khởi, hết sức vui mừng, bạch Phật:

– Thật hiếm có thay, thưa Bà-già-bà! Thật hiếm có thay, thưa Tu- già-đà! Nay chính là lúc, cúi xin Thế Tôn nói về quả báo thu được của người niệm Phật, cho đến có người chỉ đem một bông hoa rải trong không trung để cúng dường. Nhờ đó mà các Tỳ-kheo từ chỗ Phật nghe được pháp này, rồi đọc tụng thọ trì, thương xót thế gian, làm lợi ích an lạc cho các hàng trời, người. Ở đời hiện tại và đời vị lai, có chúng sinh nghe được pháp này từ các Tỳkheo, sẽ đắc được vô số các loại căn lành, sinh lòng kính tín, vui mừng ưng ý. Họ nghĩ thế này: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong dòng họ Thích, là đấng đại từ bi vô thượng pháp vương, là người thương xót thế gian, là người khuyên bảo làm cho chúng ta nhớ nghĩ, phát sinh tinh tấn dũng mãnh.

A-nan vừa dứt lời, Phật lại bảo:

– Ông hãy lắng nghe, khéo léo suy nghĩ, Ta sẽ vì ông phân biệt, giảng nói quả báo thu được của những người đó.

A-nan thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Con rất thích nghe. Phật bảo A-nan:

– Nếu có chúng sinh vì niệm Phật, cho đến chỉ đem một bông hoa rải cúng trong không trung, thì quả báo thu được nhờ phước đức đó không thể cùng tận. A-nan, chúng sinh từ xưa đến nay, sinh tử lưu chuyển số kiếp lâu dài không thể biết được. Ở cuối đời vị lai cũng như vậy, nếu có chúng sinh thành tâm niệm công đức của Phật, cho đến cúng một bông hoa rải trong không trung thì trong đời vị lai sẽ được làm Thích Thiên vương, Phạm Thiên vương, Chuyển luân Thánh vương, phước báo đó cũng không cùng tận. Nhờ căn lành từ phước báo đó nên chắc chắn được nhập Niết-bàn. Vì sao? Anan, vì phước điền cúng Phật chẳng phải là quả báo hữu vi, nơi chốn có thể cùng tận. Do đó, Ta nói người này chắc chắn sẽ được quả Niết-bàn, hoàn toàn an trú cõi Niết-bàn. A-nan, giả sử có người thân cận phụng sự, cúng dường Như Lai, giả sử có người cúng dường xá-lợi của Như Lai nhỏ như hạt cải, giả sử có người vì Như Lai mà tạo lập hình tượng và các chùa, tháp để cúng dường, giả sử có người niệm Phật, cho đến cúng dường một bông hoa rải trong không trung; nếu lại có người ở tại trong nhà mà niệm Phật, cho đến cúng dường một bông hoa rải trong không trung, Ta nói những người này sẽ được quả Niết-bàn, được Niết-bàn đệ nhất, hoàn toàn an trụ cõi Niết-bàn, Niết-bàn tối thắng, Niết-bàn vi diệu, Niết-bàn thanh tịnh, Niếtbàn an trụ. A-nan, do nhân duyên này nên trong các phước điền, Phật là tối thắng, Phật là vua. Vì sao? Vì người cúng dường vào ruộng phước của Phật thì chẳng gọi là quả báo thế gian, quả báo có cùng tận. Vì nhân duyên này nên nói phước điền của Phật là tối thắng đệ nhất. A-nan, chư Phật Như Lai luôn thuận chánh đạo, thường hay tạo phước điền rốt ráo vô thượng. Người nào cúng dường vào ruộng phước của Phật thì chắc chắn được Niết-bàn cùng tận, Niết-bàn bậc nhất. A-nan, không những chỉ có đem hoa tán Phật thu được công đức như vậy, mà còn có người nếu chỉ một đời sinh tâm kính tín niệm Phật thì Ta nói người này cũng sẽ được quả Niết-bàn, tận Niết-bàn tế. A-nan, không những chỉ có loài người niệm công đức của Phật, nếu lại có loài súc sinh đối với Phật Thế Tôn có thể sinh niệm như vậy thì ta cũng nói nhờ căn lành phước báo ấy mà chúng sẽ được quả Niết-bàn, hoàn toàn an trú cõi Niết-bàn. A-nan, nay ông đang quán chư Phật Thế Tôn làm cho các chúng sinh tạo được phước điền, hay khiến cho chúng sinh sẽ được thần thông oai lực như vậy, vì thế ông chớ có ưu buồn bi não. A-nan, nếu có người nam, người nữ cho đến loài súc sinh, các chúng sinh sinh lòng tin đối với Phật thì sẽ được quả báo thần thông công đức quảng đại như vậy, giống như cam lồ, cam lồ đệ nhất, tận cùng cam lồ. A-nan, ông dùng thân, khẩu hiền từ hiếu thảo, phụng sự Như Lai, vô lượng an lạc tâm không có hai, không sân, không hận, không có oán thù. A-nan, giả sử trong ba ngàn đại thiên thế giới có đầy ắp Tu-đà-hoàn, Tư-đàhàm, A-na-hàm, A-la-hán, nhiều như mía, như măng tre, như gai, như cỏ, nếu có người nam, người nữ, hoặc một kiếp, hoặc giảm một kiếp đem đủ tất cả các thứ ưng ý ưa thích mà hạ mình cung kính, tôn trọng cúng dường. A-nan, ý ông nghĩ sao? Người nam, người nữ này phước đức thu được nhiều lắm phải không?

A-nan bạch:

– Rất nhiều, thưa Bà-già-ba! Rất nhiều, thưa Tu-già-đà! Phật nói:

– A-nan, nếu lại có người ở chỗ chư Phật chỉ một lần chấp tay, một lần xưng danh hiệu Phật. Đem phước đức trước so với phước đức này thì trăm phần chẳng bằng một, ngàn phần chẳng bằng một, trăm ngàn ức phần chẳng bằng một, vô số phần chẳng bằng một, ca la phần chẳng bằng một. Vì sao? Vì trong các phước điền, Phật Như Lai là tối thắng vô thượng. Do vậy, cúng dường Phật thì được công đức thần thông oai lực lớn. A-nan, không những chỉ có Thanh văn, A-la-hán trong ba ngàn đại thiên thế giới, mà còn có Phật-bích-chi nhiều như mía, như măng tre, như gai, như cỏ, đầy ắp trong ba ngàn đại thiên thế giới. Nếu có thiện nam, thiện nữ hoặc một kiếp, hoặc giảm một kiếp đem đủ tất cả các loại ưng ý, ưa thích mà khiêm tốn hạ mình, cung kính cúng dường Phật-bích-chi đó; hoặc sau khi Phật-bích-chi diệt độ thì người này xây tháp bảy báu; hoặc lại có thiện nam, thiện nữ trọn đời luôn dùng các thứ hương hoa, hương bột, hương xoa, y phục, đồ nằm, cờ phướn, lọng báu, cung kính tôn trọng khiêm tốn cúng dường Phật-bích-chi đó, A-nan, ý ông nghĩ sao? Phước đức mà người này hưởng được ở nơi đó, chắc là nhiều lắm phải không?

A-nan bạch:

– Rất nhiều, thưa Bà-già-bà! Rất nhiều, thưa Tu-già-đà! Phật nói:

– A-nan, nếu lại có người đối với Như Lai, khởi một lòng tin trong sạch, suy nghĩ tin hiểu, nói như thế này: Trí tuệ của chư Phật không thể nghĩ bàn. Đem công đức của thiện căn tin hiểu đây so với công đức thu được do cúng dường Phật-bích-chi thì ca-la phần chẳng bằng một, cho đến ưu-bà-nidiệu-đà phần chẳng bằng một. Vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn vô lượng đại từ, vô lượng đại bi, vô lượng giới, vô lượng định, vô lượng tuệ, vô lượng giải thoát, vô lượng giải thoát tri kiến, vô lượng tu tập, vô lượng chứng đạt. A-nan, trí tuệ của chư Phật không thể nghĩ bàn, cảnh giới chư Phật cũng không thể nghĩ bàn. Nếu có người cúng dường không thể nghĩ bàn thì sẽ được phước đức không thể nghĩ bàn. A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não, ông sẽ được thần thông công đức lợi ích lớn. Vì sao? Anan, vì ông đem thân, khẩu, ý hiền từ cúng dường Như Lai đã hơn hai mươi năm, và thọ trì đủ tám vạn bốn ngàn các pháp bảo của Như Lai. Trong các bậc đa văn, ông là người đứng đầu, thông minh hơn hết trong vấn đề vấn đáp, biện luận đắc đạo chánh trí đa văn vô úy, trì kinh, trì luật, trì luận, thuyết pháp cho bốn chúng không mỏi mệt. A-nan, sau khi Ta diệt độ, ông cùng Đại đức Ma-ha Ca-diếp sẽ là vị thầy dẫn đường tối thắng đệ nhất, làm các Phật sự trọng đại. A-nan, ông chớ có ưu buồn bi não, ông sẽ đắc được thần thông công đức lợi ích lớn.

QUYỂN 3

Phẩm 8: LỄ BÁI

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

– Nếu có chúng sinh nghe danh hiệu Phật thì Ta nói người này chắc chắn sẽ được nhập Niết-bàn.

A-nan, nếu có người xưng niệm Nam-mô Phật, câu này có ý nghĩa gì?

A-nan thưa:

– Phật là gốc của tất cả các pháp, Phật là con mắt sáng có khả năng dẫn đường, Phật là người diễn nói tất cả pháp. Cao cả thay! Thưa Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn vì các Tỳ-kheo mà giải thích nghĩa đó, con nay thân cận gần gũi, được nghe thọ trì.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo A-nan:

– Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Khéo ghi nhớ kỹ, Ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói.

A-nan nghe Phật dạy như thế, liền thưa:

– Con rất muốn nghe. Phật bảo:

– Này A-nan! Người xưng niệm Nam-mô Phật, âm thanh này chắc chắn là danh hiệu của chư Phật Thế Tôn. A-nan, vì âm thanh này quyết định là danh hiệu của chư Phật nên phải xưng niệm Nammô chư Phật. A-nan, vì nghĩa này nên Ta nói thí dụ khiến cho các chúng sinh ở trong pháp này được tăng thêm tín tâm, lại khiến cho tất cả các người thiện nam, người thiện nữ nghe âm thanh danh hiệu Phật Thế Tôn được kính tín sâu sắc.

Này A-nan! Trong đời quá khứ, từng có đại thương chủ dẫn các thương nhân vào trong biển lớn. Đến biển kia rồi, thuyền của họ chợt bị cá Makiệt lớn muốn đến nuốt chửng. A-nan, lúc đó thương chủ và các thương nhân sợ rợn tóc gáy, ưu buồn sầu não chẳng vui, sợ mạng sống chẳng còn, sợ không ai cứu giúp, không ai cứu hộ; sợ không quay về được cũng không đi tiếp được. Tất cả bọn họ đều khóc lóc thảm thiết, ưu sầu hối hận, đau buồn rên rỉ, gào khóc than thở đủ điều. Ở Diêmphù-đề, trong hoàn cảnh đó mà có thể vui thì thật là hy hữu, thân người thế gian thật là khó được. Bọn họ đau buồn khóc lóc thảm thiết, ta nay sẽ biệt ly xa cách cha mẹ, vợ con, anh, chị, em, bạn hữu thân thích. Ta không còn thấy họ nữa, cũng không được thấy Phật, pháp, chúng Tăng. Tất cả bọn họ đều cầu thỉnh các vị thiên thần cứu nạn. A-nan, lúc đó thương chủ chánh kiến sáng suốt có lòng tin trong sạch đối với Phật, Pháp, Tăng, không tin việc thờ các thần tiên khác. Khi đó, thương chủ bảo các thương nhân: “Các ngươi nên biết, giả sử chúng ta không được thoát khỏi nạn này thì cũng được sinh về cõi lành, hoặc muốn được cứu sống và được giải thoát thì các ông phải nên cùng lúc đồng thanh nói theo tôi”. Các thương nhân nghe nói vậy rồi, đều nói với thương chủ: “Chúng tôi sẽ nghe theo, xin hãy nói mau”. Này A-nan! Khi đó thương chủ trịch áo bày vai phải quỳ gối ở trên thuyền, chấp tay lễ bái, nhất tâm niệm Phật, miệng xướng to: Nam-mô chư Phật, đấng đắc đại vô úy, đấng đại từ bi, đấng thương xót tất cả chúng sinh. Thương chủ xướng lên như vậy ba lần, liền đó các thương nhân cũng lại đồng thời chấp tay lễ bái, miệng đồng thanh xướng theo: Nam-mô chư Phật, đấng hay thí vô úy, đấng đại từ bi, đấng thương xót tất cả chúng sinh. Họ đều xướng lên như vậy ba lần. Lúc đó, cá Makiệt nghe âm thanh lễ bái danh hiệu Phật, liền sinh lòng kính mến cao độ, đạt được tâm bất sát, ngậm miệng lại. A-nan, lúc đó thương chủ và các thương nhân đều được an ổn thoát khỏi nạn cá. Điều nguyện được thành, thuyền và các thương nhân được an ổn trở về Diêm-phù-đề. Khi cá Ma-kiệt nghe âm thanh niệm Phật thì tâm sinh hỷ lạc, không còn ăn thịt các chúng sinh khác, đến lúc mạng chung, liền bỏ được thân cá, sinh trong loài người. Sinh trong loài người được ở chỗ Phật nghe pháp, luật, có lòng tin trong sạch kiên cố, lìa nhà để xuất gia. Xuất gia rồi, được gần gũi thiện tri thức, khiêm tốn cúng dường, đắc được quả A-lahán, đầy đủ sáu thông, ở trong cảnh giới Niết-bàn vô dư mà nhập Niết-bàn. A-nan, ông quán xem cá kia ở trong loài súc sinh được nghe danh hiệu Phật, nghe danh hiệu Phật rồi được sinh trong loài người, nhờ sinh trong loài người lại được xuất gia, xuất gia rồi liền chứng đắc quả A-la-hán, đắc A-la-hán rồi liền nhập Niết-bàn. A-nan, ông xem thần lực của chư Phật như vậy, cá kia nghe rồi được thần thông. Xưng khen danh hiệu Phật ích lợi như vậy, huống nữa là có người được nghe danh hiệu Phật, được nghe chánh pháp, thân cận ở chỗ Phật trồng các căn lành mà chẳng quyết định được lợi ích sao! A-nan, như trước kia Ta đã nói: Tạo ít căn lành thì hưởng được ít phần quả báo, tạo căn lành tròn đầy thì hưởng được quả báo lành tròn đầy. A-nan, nói ít phần thiện căn nghĩa là người này vì muốn nhanh chóng thành tựu nên gieo chủng tử Thanh văn, tạo tác Thanh văn thừa. Vì căn lành này nên đắc được địa vị Thanh văn viên mãn. Người gieo chủng tử Duyên giác, tạo tác Duyên giác thừa, vì căn lành này nên đắc được địa vị Duyên giác viên mãn. Anan, vì nhân duyên này nên Ta nói là thiểu phần hạnh. A-nan, nói mãn phần hạnh nghĩa là, người này từ vô thỉ đến nay ở chỗ chư Phật gieo chủng tử Phật, tu hành tất cả thiện căn lâu xa. Vì sức nhân duyên thiện căn này nên được gặp chư Phật. Gặp chư Phật rồi, làm cho các căn lành Bồ-đề được tích tập đầy đủ. Các căn lành Bồ-đề đầy đủ rồi thì đắc thành Phật quả. Các điều Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri làm chấn động ở đời gọi là mãn phần hạnh. A-nan, hạnh viên mãn này, như các kinh trước đây Ta đã nói rộng. Ông phải nên biết thứ lớp như vậy. Nếu tạo phần hạnh nhỏ thì được phần quả báo nhỏ, nếu tạo phần hạnh viên mãn thì được phần quả báo viên mãn.

Này A-nan! Như trong kinh Ta đã dạy: Cho đến thọ trì bốn câu kệ, nói như vậy nghĩa là, Ta vì các chúng sinh trí kém, căn độn, đức mỏng nên tùy theo họ mà nói như vậy. A-nan, Ta vì tất cả chúng sinh không biết hướng quay về mà chỉ cho hướng quay về. Ta vì chúng sinh không nhà mà làm nhà cho họ. Ta vì chúng sinh không ai cứu hộ mà làm người cứu hộ. Ta vì chúng sinh vô minh mà làm đèn sáng. Ta vì người mắt mù mà làm cho mắt sáng. A-nan, tất cả ngoại đạo si mê vô trí chẳng thể tự cứu mình, làm sao cứu kẻ khác mà chỉ hướng cho họ trở về. A-nan, Ta làm thầy dạy tất cả hàng trời, người, thương xót tất cả chúng sinh. Ở đời vị lai khi pháp sắp muốn diệt, sẽ có Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, sau khi xuất gia ở trong giáo pháp của Ta, cầm tay trẻ con dắt đi lang thang từ tiệm rượu này đến tiệm rượu khác, sống trong pháp Ta làm trái phạm hạnh. Những người đó, tuy là vì nhân duyên dùng rượu nhưng trong Hiền kiếp này tất cả đều đắc Niết-bàn. A-nan, vì sao gọi là Hiền kiếp? Vì ba ngàn đại thiên thế giới này, khi đến thời kỳ kiếp diệt thì dục giới biến thành một biển nước. Lúc đó, trời Tịnh Cư dùng thiên nhãn xem thấy thế giới đây chỉ là một biển nước, thấy có ngàn cành hoa sen vi diệu, mỗi một hoa sen đều có ngàn cánh màu vàng, ánh sáng vàng chiếu rực rỡ cùng khắp, mùi hương xông lên rất đáng ưa thích. Sau khi thấy vậy, trời Tịnh Cư đó sinh tâm vui mừng, phấn khởi hết sức, khen ngợi: Lạ thay! Lạ thay! Thật hiếm có! Thật hiếm có! Trong kiếp này sẽ có ngàn Phật xuất hiện ở đời. Vì nhân duyên này nên gọi kiếp đó hiệu là hiền. A-nan, sau khi Ta diệt độ, trong Hiền kiếp đó sẽ có chín trăm chín mươi sáu Đức Phật xuất hiện ở đời. Đứng đầu là Câu-lưu-tôn Như Lai, thứ tư là Ta, sau đó là Di-lặc sẽ thay thế Ta cho đến cuối cùng là Lô-giá-na Như Lai. Thứ lớp như vậy ông phải nên biết. Này A-nan! Giả sử ở trong pháp của Ta có người tánh là Sa-môn, làm ô nhiễm hạnh Samôn mà tự xưng là Sa-môn, hình giống Sa-môn, đắp y ca-sa. Trong Hiền kiếp này, Di-lặc đứng đầu cho đến cuối cùng là Lô-giá-na Như Lai, các Samôn đó ở chỗ Phật Lô-giá-na, đối với cảnh giới Niết-bàn vô dư theo thứ lớp sẽ được nhập Niết-bàn, không sót một ai. Vì sao? A-nan, vì trong tất cả các Sa-môn đó, cho đến chỉ một lần xưng danh hiệu Phật, chỉ một lần sinh lòng tin thì công đức được tạo ra trọn chẳng hư mất. A-nan, Ta dùng Phật trí đo lường biết khắp pháp giới, chứ chẳng phải không đo lường mà biết. A-nan, ai tạo nghiệp trắng thì được quả báo trắng, tạo nghiệp đen thì được quả báo đen. A-nan, nếu có các chúng sinh tâm trong sạch, xưng niệm Nam-mô Phật thì người đó nhờ căn lành này chắc chắn sẽ được Niết-bàn, được gần Niết-bàn, trôi chảy tương tục nhập Niết-bàn; huống nữa là người ở đời gặp Phật, gần gũi hầu cận cung kính khiêm tốn, nghinh đón đưa tiễn, tôn trọng cúng dường và sau khi Phật diệt độ thì cúng dường xá-lợi. A-nan, Sa-môn kia tánh ô nhiễm làm nhục Sa-môn, tự xưng là Sa-môn, hình giống Samôn chỉ có một lần xưng danh hiệu Phật mà còn đạt được Niết-bàn, huống nữa là người khác, tâm hay sinh kính tín trồng các căn lành. A-nan, vì nghĩa này nên Ta nói kệ như vầy:

Chư Phật đúng là chẳng nghĩ bàn
Chánh pháp của Phật cũng như vậy
Nếu hay kính tín chẳng nghĩ bàn
Quả báo chắc chắn cũng như vậy.
Tất cả các Như Lai quá khứ
Hay làm bậc sáng suốt xót thương
Cũng từng cúng dường đại thế Phật
Ngộ thắng Bồ-đề số không lường.
Xưa, Ta thường mở đàn bố thí
Thương xót cứu độ các chúng sinh
Tín căn trong sạch siêng tinh tấn
Vì siêng tinh tấn độ tất cả.
Thương yêu chúng sinh như cha mẹ
Như anh em bạn hữu ruột thịt
Không sân hận đối với người thân
Ngộ Bồ-đề tối thắng vô lượng.
Khi Ta cầu Bồ-đề an lạc
Hành bố thí trong vô lượng kiếp
Tâm từ bi thương xót chúng sinh
Xả bỏ đầu, mắt, da, thịt, máu.
Bỏ luôn vô lượng ngôi vua báu
Cùng nam, nữ thê thiếp đáng yêu
Và vô lượng ngựa xe, voi quý
Chỉ vì cầu Bồ-đề tối thắng.
Trong vô lượng ngàn vạn ức kiếp
Lúc nào cũng hết sức tin cần
Tâm tịnh, hành bố thí vô lượng
Vì cầu Bồ-đề tối thắng này.
Nhẫn chịu vô lượng các khổ não
Lạnh, rét, nóng, độc cùng đói khát
Chuyên cần tinh tấn chết không bỏ
Vì cầu Bồ-đề tối thắng này.
Giả sử trăm năm đến một kiếp
Ta nói hành tướng ấy chẳng hết
Vì thương xót tất cả chúng sinh
Vì cầu Bồ-đề thắng an lạc.
Thường trực ngộ sinh tử luân hồi
Chỗ trăm ngàn ức Đức Như Lai
Các Như Lai đó uy lực lớn
Ta thường đem hoa vàng dâng cúng.
Các thức ăn uống và y phục
Hương xoa, hương bột các vòng hoa
Nhiều ức cờ phướn, lọng báu đẹp
Cúng dường các Như Lai như vậy.
Vô lượng nhiều ức các chúng sinh
Sinh tử luân hồi không biên vực
Ta thường đến đó để an ủi
Bố thí rộng khắp, ích chúng sinh.
Tu trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn
Thiền định, Tam-muội, tuệ phương tiện
Tứ niệm xứ và tứ chánh cần
Khéo tu tập hành tứ thần túc.
Cũng tu năm căn và năm lực
Bảy Bồ-đề phần, bát thánh đạo
Ta tu tập tất cả trợ đạo
Chỉ mong cầu Bồ-đề tối thắng.
Ta dùng chánh trí tu các nghiệp
Không có điều chi là chẳng lành
Thường tu các hành, không phóng dật
Chưa từng làm ác một mảy may.

Phẩm 9: THIỆN CĂN

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

– Nếu có chúng sinh ở chỗ các Đức Phật khởi một lòng tin thì căn lành như vậy trọn không tan mất, huống nữa là tạo các căn lành khác.

Này A-nan! Ta vì muốn chúng sinh biết được nghĩa đó nên nêu thí dụ để cho các người trí nhờ thí dụ này mà được hiểu. A-nan, ví như có người chẻ một sợi lông làm thành trăm phần, lấy một phần chấm trong giọt nước rồi đem đến chỗ Ta và nói thế này: Thưa Cù-đàm! Con đem giọt nước này gửi cho Ngài. Ngài chớ làm cho giọt nước đây có tăng giảm, chớ để cho gió thổi lay động, chớ để mặt trời hấp thụ làm cho khô cạn nước này, chớ để cho chim thú uống hết, thận trọng chớ để nước khác hòa lẫn vào, giữ nó bằng đồ đựng, chớ để nó trên đất. Như Lai liền nhận giọt nước đó, nhận rồi đặt trong sông Hằng, chẳng để cho vào dòng nước xoáy, cũng lại chẳng để vật khác đột nhiên đụng vào. Như vậy, giọt nước đó ở trong sông lớn theo dòng mà chảy, chẳng bị vào dòng xoáy, lại không có vật gì ngăn ngại, các chim, thú cũng không uống hết. Như thế, giọt nước đó chẳng tăng cũng chẳng giảm, bình đẳng như cũ, cùng dòng nước lớn chảy vào biển cả. Khi thế giới chứa giọt nước đó bị gió Tỳ-lam khởi lên làm hư hoại. Giả sử, người đó trụ ở đời một kiếp thì Ta cũng trụ được ở đời một kiếp. Bấy giờ khi đến kiếp tận, người đó đến chỗ Ta nói thế này: Thưa Đức Cù-đàm! Xưa kia con gửi giọt nước cho Ngài, nay nó còn không? A-nan, lúc đó Như Lai biết giọt nước kia ở trong biển lớn, thấy biết vị trí của nó không hòa lẫn với nước khác, chẳng tăng, chẳng giảm, bình đẳng như cũ, liền đem trả lại cho người đó. Này A-nan! Như Lai Ứng Chánh Biến Tri có thần thông quảng đại, có oai lực lớn, có khả năng lớn, có rất nhiều trí lớn thanh tịnh, trí thấy biết vô ngại chẳng thể lường. Trí tuệ như vậy, thấu suốt các việc không chướng ngại. Trong số những người nhận đồ gửi, Như Lai là tối tôn, tối thắng. A-nan, nếu ở chỗ Phật nhận giữ giọt nước vi tế như vậy, trải qua thời gian lâu xa mà không hao mòn, nên biết sự việc đó có ý nghĩa thế này: Đầu sợi lông vi tế là dụ cho tâm, ý, thức, sông Hằng là dụ cho dòng sinh tử, một giọt nước là dụ cho phát khởi một căn lành quá ít, biển lớn là dụ cho Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, người gửi là dụ cho lòng tin trong sạch của Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, trụ một kiếp là dụ cho Phật Như Lai nhận giọt nước gửi đó không hao mòn, cũng như người đó gửi giọt nước trải qua thời gian lâu dài mà chẳng bị hao mất một mảy may. Cũng vậy A-nan, nếu người nào ở chỗ Phật phát một thiện căn tín tâm thì chẳng có mất, huống nữa là trồng các căn lành thắng diệu khác. Ta nói tất cả những người đó đều hướng đến quả Niết-bàn, cho đến hoàn toàn an trụ ở cõi Niết-bàn.

Này A-nan! Giả sử lại có người ở chỗ Như Lai sinh được một tâm kính tín, nhưng vì nghiệp chướng bất thiện khác, do trước kia họ đã tạo ra nên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Tự mình làm thì tự mình chịu. Nếu khi chư Phật Thế Tôn đại từ bi xuất hiện ở đời, dùng trí vô chướng ngại biết chúng sinh đó vốn đã tạo căn lành, nhưng vì chướng nghiệp bất thiện khác nên đọa ở địa ngục. Phật biết vậy rồi, liền cứu họ ra khỏi địa ngục, đưa đến chỗ bờ cao không có sợ hãi. An trí rồi, Phật khiến chúng sinh đó nhớ lại chỗ tạo nghiệp lành xưa kia, mà dạy: Này thiện nam! Các ông phải nên nhớ lại căn lành đã trồng trước kia tại thời gian đó, tại thế giới đó, ở chỗ Phật đó tu hành gieo trồng căn lành. Những người đó nương thần lực Phật liền được nhớ lại, nhớ lại rồi nói thế này: Đúng vậy, thưa Bà-già-bà! Đúng vậy, thưa Tu-giàđà! Phật lại bảo: Này thiện nam! Các ông xưa kia ở chỗ các Đức Như Lai trồng ít căn lành, chẳng mòn, chẳng mất, ở đó được lợi. Nghĩa là ở đó dứt tất cả khổ, được tất cả vui. Này thiện nam! Ông được đến đây là cảnh giới Phật, trong nhiều kiếp ông đã lưu chuyển ở nơi chẳng phải là cảnh giới. Từ vô thỉ đến nay ông trôi lăn trong sinh tử, nhưng chút ít căn lành ông trồng ở chỗ Phật thì trọn không hao mất. Ví như con vua hoặc đại thần của vua, giả sử có lỗi lầm bị nhốt trong lao ngục, vua nói sự việc nhân duyên trước đây khiến người ấy ăn năn hối cải mà được thả tự do. Cũng vậy A-nan, các chúng sinh đó vốn trồng căn lành ở chỗ Như Lai. Giả sử chúng sinh đó tạo nghiệp ác, bất thiện khác nên bị đọa trong các đường ác địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Nếu khi chư Phật Thế Tôn đại từ bi xuất hiện ở đời, vì trước kia phát tâm gia trì người gieo nhân lành, nên Phật đều thấy biết mà cứu vớt họ ra khỏi địa ngục, đem đặt ở bờ cao Niết-bàn mát mẻ không có sợ sệt. Đặt chỗ bình an rồi Phật Thế Tôn khiến người đó nhớ lại và dạy: Này thiện nam! Ông nên nhớ lại trước đây ông đã trồng nhân duyên căn lành nên được quả báo lành như vậy. Các chúng sinh đó thưa thế này: Đúng vậy, thưa Bà-già- bà! Đúng vậy, thưa Tu-già-đà! Chúng con nhờ nương thần lực của Phật gia trì nên đã nhớ biết như vậy.

Phẩm 10: PHƯỚC ĐỨC CỦA SỰ BỐ THÍ

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

– Ông phải nên biết họ gieo căn lành như vậy trọn không hư khuyết, cho đến chỉ phát tâm, sinh một niệm tin. Ta nói những người đó đều đắc Niếtbàn, hoàn toàn an trụ cõi Niết-bàn. Vì nghĩa này nên ta ví dụ khiến cho các người nam, người nữ được lòng tin sâu sắc thanh tịnh, đời đời kính trọng, hết lòng vui thích, phấn khởi hân hoan. A-nan, như người câu cá vì muốn được cá nên tại ao nước lớn cắm cần câu có móc mồi, khiến cá nuốt mồi. Cá nuốt mồi rồi tuy ở trong nước nhưng sẽ chẳng thoát được. Vì sao vậy? Vì những con cá đó bị mắc vào lưỡi câu được cột bởi sợi dây bền chắc. Tuy là ở trong nước nhưng sẽ biết chắc chắn cá sẽ phải ở trên bờ. Vì sao vậy? Vì sợi dây có lưỡi câu đó được buộc vào thân cây bên bờ. Khi người bắt cá đến chỗ đó tức biết được cá, liền kéo dây câu đặt ở trên bờ, tùy ý sử dụng. Cũng vậy A-nan, tất cả các chúng sinh ở chỗ chư Phật sinh được lòng kính tín, trồng các căn lành, tu hạnh bố thí, cho đến có người chỉ phát được một tâm niệm kính tín, tuy là bị các nghiệp ác, bất thiện khác che đậy, đọa trong địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và các nạn xứ khác. Nếu khi chư Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời, dùng Phật nhãn quán thấy các chúng sinh này hành Bồ-tát thừa, hoặc Duyên giác thừa, hoặc Thanh văn thừa, các chúng sinh này trồng các căn lành, các chúng sinh này đoạn mất căn lành, các chúng sinh này đọa cảnh giới xấu, các chúng sinh này ở cảnh giới tốt, các chúng sinh này gieo các hạt giống vào đất Hiền Thánh. Đối với phước điền của Phật, có chúng sinh cho đến chỉ phát một tâm kính tín, tu hạnh bố thí, vì duyên lành này, chư Phật Thế Tôn sẽ dùng Phật nhãn, quán thấy chúng sinh đó phát tâm thù thắng nên cứu họ ra khỏi địa ngục, đem đặt lên bờ Niết-bàn. Đặt ở bờ Niết-bàn rồi, khiến chúng sinh đó nhớ lại trước đây ở chỗ Phật đó trồng các căn lành. Sau khi nhớ lại, chúng sinh đó nói thế này: Đúng vậy, thưa Bà-già-bà! Đúng vậy, thưa Tu-già-đà! Phật nói: Này thiện nam! Các ông nhờ căn lành đó nên được quả báo lớn, được lợi ích lớn, do các ông ở chỗ Phật trồng căn lành tu hạnh bố thí. Này thiện nam! Người trồng căn lành như vậy trọn không hao mất. Giả sử lâu xa cho đến trăm ngàn ức na-do-tha kiếp, người trồng một căn lành chắc chắn sẽ được Niết-bàn, hoàn toàn an trú cõi Niết-bàn. A-nan, cá được nói ở đây là dụ cho các phàm phu, ao nước là dụ cho biển sinh tử, lưỡi câu là dụ ở chỗ Phật trồng một căn lành, sợi dây là dụ cho bốn nhiếp pháp, người bắt cá là dụ Phật Như Lai, tùy ý dùng cá là dụ các Đức Như Lai đặt chúng sinh nơi quả vị Niết-bàn. A-nan, thứ lớp như vậy ông phải nên biết. Nếu cúng dường ruộng Phật, giả sử trải qua thời gian lâu dài trọn không có tan mất, trọn không cùng tận, không có biên vực, chắc chắn sẽ hưởng quả Niết-bàn. A-nan, nay Ta sẽ nêu thí dụ. Nếu cúng dường ruộng Phật thì được Niết-bàn đệ nhất, an trụ cõi Niết-bàn. A-nan, nếu có chúng sinh tham quả báo thế gian, làm hạnh thế gian, yêu thích hạnh thế gian, chỉ mong cầu quả báo thế gian mà ở chỗ chư Phật tu hạnh bố thí, đem căn lành này chỉ mong hướng về cõi lành trời người. Lại có chúng sinh ở chỗ chư Phật trồng các căn lành, nói thế này: Vì căn lành đây con nguyện đời đời chẳng nhập Niết-bàn. A-nan những chúng sinh đó vì căn lành đây mà chẳng nhập Niết-bàn thì điều này không có. Vì sao? A-nan, vì ruộng phước vô thượng của chư Phật không phải là loại ruộng hoang phế cấu uế, cũng không có gai gốc gồ ghề, là ruộng lìa các dục nhơ nhớp, thuần khiết thanh tịnh. Ở trong ruộng như vậy gieo ít hạt giống căn lành phước đức thì có nhiều khả năng phát triển, còn ở trong ruộng khác thì chẳng sinh trưởng được. Có ba loại Bồ-đề là, Bồ-đề vô thượng, Duyên giác Bồ-đề và Thanh văn Bồ-đề. Nếu gieo chủng tử vào đó thì căn lành trọn không sai mất. Nhờ bố thí, tâm sinh kính tín, nhân duyên tăng thượng nên được pháp thanh tịnh và hướng đến cõi lành ắt nhập Niết-bàn. A-nan, ví như trưởng giả khi làm ruộng chọn đất không hoang phế, cấu uế, gai gốc cho đến không có gạch, ngói, sỏi, đá; rồi khai khẩn sửa sang làm đất mềm nhuyễn, bón phân bắc đã hoại có chất lượng cao, dùng hạt giống tốt chứa trong thùng không mục, không nát, đúng thời tiết gieo trồng vào trong ruộng. Trong tất cả thời, trưởng giả thường vui vẻ gìn giữ chăm bón, tùy theo thời tiết mà tưới nước, xới gốc, làm cỏ v.v... A-nan, trong một lúc khác, trưởng giả đến chỗ ruộng đó, đứng trên bờ ruộng quát tháo to: Này hạt giống! Mi không được nảy mầm, không được sinh, không được tăng trưởng. Ta chẳng cầu lợi, cũng chẳng cầu quả báo lợi. A-nan, ý ông nghĩ sao? Có phải người làm ruộng nói như vậy mà hạt giống không sinh, không đơm hoa kết trái?

A-nan thưa:

– Không phải, thưa Bà-già-bà! Không phải, thưa Tu-già-đà! Nó chắc chắn tạo quả, chẳng phải là không có quả.

Phật nói:

– Đúng vậy, đúng vậy! Này A-nan! nếu có chúng sinh vui thích, yêu mến, đắm đuối quả sinh tử trong ba cõi, nhưng lại trồng căn lành vào ruộng phước của Phật và nói thế này: Vì căn lành đây, con nguyện chẳng vào Niết-bàn. A-nan, người này nếu chẳng nhập Niết-bàn thì điều đó không có. Anan người này tuy không vui thích cầu Niết-bàn nhưng đã trồng các căn lành ở chỗ Phật thì Ta nói người này chắc chắn được Niết-bàn, hoàn toàn an trụ cõi Niết-bàn. Cho đến ở chỗ Phật, nếu có người trồng căn lành chỉ khởi phát một tâm kính tín thì tất cả đều sẽ đắc Niết-bàn, an trú cõi Niết-bàn. Anan, đời vị lai sẽ có vua ở cõi biên địa. Vua đó tuy không hiểu công đức của Phật pháp, nhưng thấy tinh xá và hình tượng Phật thì sinh lòng kính tín. Vì xưa kia, Ta đã từng thọ sinh khắp nơi trong năm đường. Lúc tu hành tất cả hạnh Bồ-tát, Ta đem bốn nhiếp pháp - bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự-thâu phục vua biên địa đó. A-nan, vua biên địa đó thấy tinh xá và hình tượng của Ta thì sinh lòng kính tín, nhờ căn lành này chắc chắn sẽ đắc Niết-bàn và an trú cõi Niết-bàn. A-nan, vua biên địa đó sẽ có quần thần gồm các vương tử, đại thần phụ tá, là những người ruột thịt cốt nhục và các bầu bạn. Sau khi Ta đã diệt độ, những người này thấy tinh xá và hình tượng của Ta. Tuy không hiểu biết công đức của Phật và chánh pháp Phật, nhưng họ vẫn trồng căn lành, sinh được tín tâm. Vì khi xưa, Ta tu hành hạnh Bồ-tát cũng đem bốn nhiếp pháp, thâu nhận bọn họ. Nhờ sự gia trì của căn lành này nên họ sẽ đắc Niết-bàn và an trú cõi Niết-bàn. A-nan, trong vô số kiếp Ta thương xót chúng sinh, dùng bốn nhiếp pháp thu phục, đem các pháp Phật lợi ích nuôi dưỡng chúng sinh. A-nan, ông xem khi Như Lai đi đường hay kiến cho đại địa chỗ cao thành thấp, chỗ thấp thành cao, các chỗ thấp cao đều được bằng phẳng. Sau khi Như Lai đi qua, đất liền trở lại như cũ. Tất cả cây cối đều nghiêng về phía Phật, thọ thần cũng hiện thân cúi đầu lễ bái. Sau khi Như Lai đi qua, cây cối liền trở lại như cũ. Gò đồi đất trũng, nhà xí cấu uế hôi thối, bụi rậm rừng cây, ngói sỏi đất đá v.v... tất cả đều được quét dọn sửa sang bằng phẳng trong sạch, mùi hương thơm ngát phảng phất khắp nơi, rất đáng ưa thích, các loại hoa rải trên đất, phong cảnh trang nghiêm sáng đẹp lộng lẫy để Như Lai từng bước đi qua. A-nan, lúc ấy đoạn đường Như Lai đi, tại nơi đó, trước đây Ta đã tu các công đức thiện lành, nên không có chúng sinh nào mà không hướng về cúi đầu lễ bái. Các vật vô tình như: đất đá, núi đồi, rừng rậm, cỏ cây, tại chỗ Phật đi không vật nào mà không cúi mình. Vì sao vậy A-nan? Vì trước đây khi tu hành hạnh Bồ-tát, Ta hướng về lễ bái các vị thầy, cũng hướng về hết lòng tôn kính lễ bái cha mẹ, không lúc nào là không hướng về người già, người trung niên, trẻ con ruột thịt cốt nhục trong thân tộc. Tại chỗ ở của Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức, Thanh văn, Duyên giác, cho đến ngoại đạo, chư tiên ngũ thông, Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả đều thọ nhận sự cúng dường của Ta. Không lúc nào mà Ta không hướng về, khiêm tốn kính lễ chư Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức, Thanh văn, Duyên giác, ngoại đạo, chư tiên, Sa-môn, Bà-la-môn, cha mẹ anh em thân hữu cốt nhục và người già, trung niên, thiếu niên, bạn lữ v.v... cùng thầy. A-nan, nhờ nghiệp lành như vậy nên đối với quả vị Bồ-đề vô thượng Ta được thành Phật. Do đó, khi Như Lai đi qua, các sự vật hữu tình vô tình, không vật nào mà không hướng về cúi đầu lễ bái. A-nan, thuở xưa, Ta từng hết lòng chí thành tự tay đem tài sản ưng ý, vi diệu thanh tịnh, dâng cúng các sư trưởng và chúng sinh khác. Anan, vì nghiệp quả này nên khi Như Lai đi thì đại địa bằng thẳng, quét dọn rưới nước, sửa sang trang nghiêm thanh tịnh, không còn bùn đất sỏi gạch. Anan, Ta ở chỗ vô lượng các Đức Như Lai, Bồ-tát, tri thức, Thanh văn, Duyên giác, ngoại đạo chư tiên. Tại con đường các ngài đi qua, khi xưa Ta từng quét dọn sửa sang, tu bổ phòng xá. Tại tinh xá Phật, trong lúc đi, đứng, Ta từng dùng tâm từ, tâm bình đẳng, tâm không cao thấp, tâm không xúc xiểm, tâm thanh tịnh mà quét dọn sửa sang làm cho trong sạch. Trong tất cả thời, Ta thường cầu Bồ-đề vô thượng, vì tất cả chúng sinh, vì an lạc tất cả chúng sinh, vì thương xót tất cả chúng sinh, vì tạo lợi ích an lạc cho hàng trời người. A-nan, vì căn lành này nên Phật Như Lai ở bất cứ nơi nào, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc suy nghĩ muốn đi đến đâu thì tự nhiên phố xá, ngỏ hẻm đó mặt đất bằng phẳng thanh tịnh như bàn tay. A-nan, Như Lai có công đức thân nghiệp thù thắng khó biết, chẳng thể giới hạn được. A-nan, nay Ta muốn nghĩa đây viên mãn, vì sẽ có người thiện nam, người thiện nữ ở chỗ Như Lai được lòng kính tín thâm sâu chưa từng có. A-nan, núi chúa Tu-di cao tám vạn bốn ngàn do-tuần, nó ở trong biển lớn cũng cao tám vạn bốn ngàn do-tuần. A-nan, giả sử khi Ta diệt độ, núi chúa cao lớn kiên cố hùng vĩ như vậy còn nghiêng hướng về, huống nữa là các núi đen, cây cỏ, rừng rậm khác. Nếu những vật đó không hướng về thì điều này không có. A-nan, không những chỉ có núi chúa Tu-di kiên cố mà còn có núi Thiết vi cao mười sáu vạn tám ngàn do-tuần cứng chắc như kim cương, khi Phật Niết-bàn, những núi đó không thể không nghiêng hướng về cúi đầu kính lễ. Những núi đó nếu muốn xa lánh, không nghiêng hướng về thì điều này không có. Vì sao vậy? A-nan, vì khi xưa Ta tu hành hạnh Bồ-tát, tạo dựng sự nghiệp ở chỗ tất cả chúng sinh, trọn không chia rẽ. Nếu có chúng sinh sân giận, ngang ngược thì Ta làm cho hòa hợp, họ trước đây bất hòa thì nay làm cho hòa thuận, an trụ vững chắc đầy đủ không chia rẽ, tất cả đều sinh tâm từ, tâm thương xót. A-nan, vì sức nhân duyên căn lành này nên Như Lai được thân không hoại, cũng khiến quyến thuộc kiên cố không hoại. A-nan, Như Lai lại được pháp quyến thuộc kiên cố bất hoại, đó là: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy Bồ-đề phần, tám thánh đạo phần. A-nan, ba mươi bảy pháp trợ Bồ-đề này là đại quyến thuộc của Như Lai. Trong ấy, có chư Phật, Thanh văn, Duyên giác an trụ, là chỗ mà tất cả thế gian, các chúng trời người chẳng thể phá hoại được. Vì sao? A-nan, vì Phật dùng pháp này nên tất cả thế gian, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bàla-môn và các quyến thuộc của trời, người, A-tula, cùng núi Tu-di, núi Đại Thiết vi, đại địa, cỏ cây... khi Phật Niết-bàn không thể không cúi đầu hướng về thì làm sao có thể phá hoại. Nếu có người phá hoại thì điều này không có. Vì sao vậy? A-nan, vì thân Như Lai thì không thể phá hoại, và xá-lợi của Phật cũng chẳng thể hoại. A-nan, Như Lai thương xót tất cả chúng sinh, vì nguyện xưa nên đập vụn xá-lợi này nghiền nhỏ như hạt cải, làm cho pháp Phật được tăng trưởng và lưu hành chúng rộng khắp. A-nan, khi xưa Như Lai tu hạnh Bồ-tát phát nguyện như vầy: Đối với Tuệ Giác Vô Thượng, Ta thành Chánh giác rồi. Sau khi Ta nhập Niết-bàn, nguyện xá-lợi của Ta được lưu hành khắp cùng. A-nan, vì nguyện xưa nên sau khi Ta Niết-bàn, xá-lợi này sẽ lưu hành cùng khắp. Các chúng sinh đó thấy Phật Như Lai nhập Niết-bàn nên đắc quả thánh đạo. Phật vì thương xót các chúng sinh đó nên phân chia xá-lợi khiến chúng thành như hạt cải. A-nan, khi Như Lai Ứng Chánh Biến Tri sắp Niết-bàn, vì thương xót các chúng sinh ở thế gian nên nhập Tam-muội như vậy, phân chia xá-lợi khiến chúng thành như hạt cải, nhưng thân Như Lai chẳng thọ thống khổ. Khi biết tất cả chi tiết của thân phân tán thành xá-lợi giống như hạt cải, Phật Như Lai không có thống khổ. Như vậy, Phật vì thương xót thâu nhận các chúng sinh đó và nhiếp cả các chúng sinh vị lai, nên khiến các cõi được an ổn. Nhờ vậy, họ cúng dường xá-lợi, tôn trọng cung kính đón đưa trang nghiêm, khiêm tốn cúng dường đủ loại hương hoa, hương thơm, hương bột, y phục, cờ phướn, lọng báu và các loại âm nhạc ca múa. A-nan, Ta nói những người đó sẽ đắc quả Niết-bàn cho đến an trụ cõi Niết-bàn. Anan, Ta diệt độ rồi, một trăm năm sau ở thành Baly-phất sẽ có quốc vương tên là A-thâu-ca sinh trong dòng khổng tước, dùng pháp trị đời. Vua đó đối với pháp của Ta sẽ được kính tín, được kính tín rồi khiến cho xá-lợi của Ta lưu hành trùm khắp; trong một ngày, một giờ xây dựng tám vạn bốn ngàn bảo tháp thờ xá-lợi của Ta. A-nan, ông chớ ưu sầu, xá-lợi của Ta sẽ lưu hành rộng khắp trong cõi trời, người. A-nan, trong hiện tại, không những chỉ có người cúng dường Như Lai và sau khi Như Lai diệt độ cúng dường xá-lợi nhỏ như hạt cải, mà còn có người nếu trong mộng thấy tinh xá Phật, sinh lòng kính tín thì Ta nói người đó nhờ căn lành này sẽ đắc Niết-bàn, đắc đệ nhất Niết-bàn và hoàn toàn an trụ ở cõi Niết-bàn. A-nan, trong đời vị lai có chư Phật xuất hiện ở thế gian, các Đức Như Lai đó không thể không xưng tán công đức, công hạnh của Ta. Cũng như nay Ta xưng tán công đức chư Phật quá khứ. Đời vị lai, chư Phật xưng danh tự của Ta cũng như vậy. A-nan, lúc Ta nói pháp, tất cả chúng sinh xa lìa trần cấu đắc được pháp nhãn. A-nan, các chúng sinh đó, khi xưa ta tu hành hạnh Bồ-tát, tất cả đều đã thành thục trước rồi. A-nan, nếu cúng dường vào ruộng phước của tăng thì công đức có tận cùng. Cúng dường bốn phương Tăng, công đức cũng cùng tận. Cúng dường Phật-bíchchi, công đức tạo được chẳng thể cùng tận. Nếu cúng dường Phật thì được công đức chẳng thể cùng tận. Lại nữa, này A-nan! Như trước Ta đã nói, tạo công đức vào các ruộng phước thì đều sẽ đắc quả Niết-bàn và hoàn toàn an trụ ở cõi Niết-bàn. A-nan, không những chỉ có người gần gũi cung phụng cúng dường Ta và sau khi Ta diệt độ người ấy cúng dường xá-lợi. A-nan, nếu có người niệm Phật cho đến cúng một bông hoa rải trong không trung, Ta dùng Phật trí thấy căn lành đó chẳng thể nghĩ lường, chẳng thể nói hết. Này A-nan! Những chúng sinh đó tạo các căn lành, dùng tâm niệm Phật, cho đến đem một bông hoa rải trong không trung, cuối kiếp vị lai đây, trong thời gian luân hồi lưu chuyển từ đầu đến cuối chẳng thể biết, ở chỗ Như Lai dâng cúng một bông hoa thì hưởng được phước báo chẳng thể xưng nói, hoặc làm Phạm Thiên vương, Thích Thiên vương, Chuyển luân Thánh vương. Do căn lành đó chẳng thể cùng tận nên chắc chắn được Niết-bàn và hoàn toàn an trụ ở cõi Niết-bàn. Vì sao? A-nan, vì chư Phật thần thông quảng đại như vậy, nên ai dâng cúng một bông hoa thì được phước báo vô lượng, lợi ích rộng lớn, đầy đủ công đức chẳng thể đo lường, không có ranh giới, chắc chắn sẽ hướng cảnh giới Niếtbàn. A-nan, nếu ở chỗ Phật tạo công đức thì sẽ được phước báo vô biên, chẳng thể đo lường, chẳng thể nói hết. Cho đến ở chỗ Phật, có người phát được một tâm, khởi một niệm tin thì Ta nói người đó phạm hạnh rốt ráo, an ổn rốt ráo, cùng tận rốt ráo. Vì vậy A-nan, nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn cầu làm Phạm Thiên vương, Chuyển luân Thánh vương, Hộ Thế Tứ Thiên vương, Tam Thập Tam thiên, Dạ-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa Lạc thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên và chư Thiên khác, các rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Calâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân v.v... muốn làm chủ tất cả thế gian được tự tại thì phải nên tôn trọng nghinh rước, tiễn đưa, cung kính cúng dường chư Phật Thế Tôn. Hoặc người muốn mong cầu địa vị Thanh văn, Phật-bích-chi và cầu Tuệ Giác Vô Thượng thì thiện nam, thiện nữ đó cũng phải cung kính tôn trọng khiêm tốn cúng dường chư Phật Thế Tôn như vậy. A-nan, khi xưa Ta vì cầu Tuệ Giác Vô Thượng nên ở chỗ vô lượng Phật, vô lượng trăm Phật, vô lượng trăm ngàn Phật, cho đến vô lượng ức na-do-tha trăm ngàn Phật; cung kính tôn trọng khiêm tốn cúng dường quần áo, thức uống, thức ăn, giường, ghế, nệm, cung cấp thuốc thang đầy đủ. Hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm Ta đem các vòng hoa, hương xoa, hương bột, nước hoa, cờ phướn, lọng báu cúng dường Đức Phật đó. Sau khi Phật đó diệt độ, Ta xây dựng chùa tháp, trang trí đủ loại, dùng hương hoa, hương xoa, hương bột, trăm ngàn kỹ nhạc vui mừng ca múa, cung kính tôn trọng, khiêm tốn cúng dường. A-nan, vì thương xót tất cả chúng sinh ở thế gian, vì lợi ích an lạc các trời, người, vì muốn độ người chưa được độ, vì người chưa giải thoát khiến được giải thoát, vì người chưa an ổn khiến được an ổn, vì người chưa Niết-bàn khiến được Niết-bàn, nên Ta dùng năm cành hoa Ưu-ba-la rải cúng Phật Nhiên Đăng, ngay đó liền ngộ pháp nhẫn Vô sinh. Căn lành như vậy là phước báo nhỏ. A-nan, ông có muốn biết phước báo của Ta rải cúng năm cành hoa dâng lên Đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh

Biến Tri, và căn lành phước báo thiểu phần khác không?

A-nan bạch:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Con ưa muốn nghe. Đúng vậy, thưa Bà-già-bà! Đúng vậy, thưa Tu-giàđà! Nay chính là lúc cúi xin Thế Tôn phân biệt chỉ bày, ở chỗ Phật Nhiên Đăng trồng ít căn lành mà được phước báo.

Lúc đó, Đức Thế Tôn ung dung đưa cánh tay phải màu vàng, dùng ngón tay út chỉ lên trời, tức thời hương hoa Ưu-ba-la đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới chư Phật, trăm ức mặt trời, mặt trăng di động đổi chỗ châu biến cùng khắp. Đức Thế Tôn ở trong các cõi trời, người a-tu-la, hiện tướng lạ lùng đặc biệt chưa từng có này là để chỉ bày ở chỗ chư Phật trồng ít căn lành, thu được phước báo không hư, không mất. Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Chư Phật chẳng nghĩ bàn
Pháp Như Lai cũng vậy
Khéo tin chẳng nghĩ bàn
Ắt được quả cũng vậy.
Tưởng, không tưởng vân vân
Tất cả các chúng sinh
Vô lượng trăm ức kiếp
Hết thảy đều cúng dường.
Cho đức Phật-bích-chi
A-la-hán vô lậu
Số kiếp chẳng nghĩ bàn
Cúng dường tất cả Phật.
Đấng Chánh Giác trụ thế
Hoặc sau Phật Niết-bàn
Cho đến chỉ chấp tay
Giới Phật không khuyết giảm.
Thắng phước đây ở trước
Đắc Tam-muội tự tại
Với pháp không nghi hoặc
Phật nhãn nhìn thấu suốt.

Hoặc ngày, hoặc đêm, thời gian ngắn
Nếu đối Thiện Thệ, tu tâm từ
Cúng dường như vậy phước vô lượng
Ba cõi không bằng, không thể sánh.
A-tăng-kỳ kiếp trong quá khứ
Làm đạo sư trong các thế gian
Làm ánh sáng trong chúng trời, người
Tu các nghiệp lành nhiều vô kể.
Lúc lưu chuyển a-tăng-kỳ kiếp
Thọ phước báo ấy chẳng tận cùng
Ta lấy phước đó làm nhân duyên
Được Bồ-đề thù thắng như vậy.
Xưa, Ta vì thương xót chúng sinh
Chỗ vô lượng trăm ngàn ức Phật
Đời đời thường cúng dường, tu tập
Phật chẳng thọ ký riêng cho Ta.
Trong loài người, Phật đó đứng đầu
Biết căn lành Ta chưa thuần thục
Tuy làm việc lành chưa được ký
Nhưng Ta vẫn kiên nhẫn làm lành.
Ta lại thấy Phật Nhiên Đăng đó
Rải cúng năm cành Ưu-ba-la
Trải tóc lấp bùn để Phật qua
Ta liền ngộ pháp nhẫn Vô sinh.
Khi đó, Phật Nhiên Đăng Đạo Sư
Liền thăng hư không thọ ký Ta
Đời vị lai, A-tăng-kỳ kiếp
Ông sẽ thành Phật, hiệu Thích Ca.
Từ đây sinh tử lưu chuyển mãi
Tu hành vô lượng các nghiệp lành
Vì thương chúng sinh, thọ các khổ
Như vậy, vì cầu thắng Bồ-đề.
Ta thấy thế gian khổ, cô độc
Thường bố thí, thương xót, vỗ về
Phước đó vô hạn không số lượng
Đạo sư nói rộng chẳng tận cùng.
Khi Ta tu hành hạnh Bồ-tát
Đối các Phật Thiện Thệ, Thế Hùng
Ngày đêm, Ta cúng dường, xưng danh
Vô lượng ức kiếp chẳng thể kể.
Một, hai, ba, bốn, năm đến mười
Hai mươi, ba mươi lần xưng danh
Vì thương chúng sinh nên tu hành
Xưa chỗ Phật, cúng dường tối thắng.
Như trước đây Ta tu khổ hạnh
Vô lượng các khổ, Ta nhẫn chịu
Đời đời chẳng bỏ tâm Bồ-đề
Tất cả chư Phật không thể sánh.
Kiếp kiếp trong lúc Ta lưu chuyển
Xả bỏ trăm ngàn vạn ức đầu
Bỏ cả quốc độ, ngôi vua báu
Vì muốn cầu nghe pháp cực lành.
Lúc Ta vì chánh pháp vô thượng
Hết lòng vui cầu chẳng thể lường
Bố thí, trì giới cùng nhẫn nhục
Tinh tấn giác ngộ thắng Bồ-đề.
Thế lực chư Phật chẳng nghĩ bàn
Nơi kiến lập dùng các công đức
Chánh pháp Phật nói chẳng nghĩ bàn
Thường hiển bày Bồ-đề tối thắng.

Phẩm 11: TRỒNG CĂN LÀNH

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

– Từ chỗ Đức Phật Nhiên Đăng, sau đó Ta đến gặp Đức Phật Liên Hoa Thượng, dùng hoa vàng rải cúng Phật đó, vì cầu Tuệ Giác Vô Thượng. Thứ đến gặp Phật hiệu là Nhất Thiết Thế Gian Tối Thắng Tự Tại, Ta dùng hoa bạc rải cúng Phật, vì cầu nhất thiết chủng trí. Thứ đến gặp Phật hiệu là Cực Cao Hạnh, Ta đem tiền vàng dâng cúng Phật, vì cầu trí bất khả tri. Thứ đến gặp Phật hiệu là Thượng Dự, Ta đem các bảo báu dâng cúng Phật, vì cầu trí vô chướng ngại. Thứ đến gặp Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Ta dùng các loại hoa rải cúng trên thân Phật, vì cầu Bồ-đề vô thượng. Thứ đến gặp Phật hiệu là Đế-sa, Ta dùng bột xoa chiên-đàn đỏ rải cúng Phật, cũng lại vì cầu trí vô chướng ngại. Thứ đến gặp Phật hiệu là Phật-sa, Ta đặt hết niềm tin vào Phật, bảy ngày bảy đêm chăm chăm nhìn, mắt không rời và dùng vô lượng kệ tán thán Thế Tôn đó. Thứ đến gặp Phật hiệu là Tỳ-bà-thi, Ta lại dùng đậu rải cúng Thế Tôn đó. Thứ đến gặp Đức Phật hiệu là Thi-khí, Ta dùng y báu vô giá dâng lên Phật. Thứ đến gặp Đức Phật hiệu là Tỳ- xá-phù, Ta dùng thức ăn, thức uống thượng vị cúng dường Phật. A-nan, đầu Hiền kiếp đây có Đức Phật hiệu là Câu-lưu-tôn, Ta ở nơi đó tịnh tu phạm hạnh, vì cầu trí tự nhiên. Thứ đến gặp Phật hiệu là Câu-nahàm-mâu-ni, Ta tu hành phạm hạnh ở chỗ Phật. Thứ đến có Đức Phật hiệu là Ca-diếp, Ta cũng tu phạm hạnh ở đó. Ta ở chỗ tất cả các Đức Phật như vậy, vì cầu Tuệ Giác Vô Thượng, vì tự độ cũng vì độ người chưa được độ, vì muốn được giải thoát cũng vì người chưa giải thoát khiến được giải thoát, vì muốn đắc Niết-bàn cũng vì người chưa Niết-bàn khiến được Niết-bàn. Nay ông xem Ta cúng dường vô lượng a-tăng-kỳ chư Phật Thế Tôn như vậy. Ta cung kính tôn trọng khiêm tốn cúng dường đầy đủ vô lượng các công đức lành, vì cầu

Tuệ Giác Vô Thượng. A-nan, thứ lớp như vậy ông phải nên biết. Tuy ở chỗ Phật trồng ít căn lành nhưng sẽ được thần thông, công đức, lợi ích rộng lớn, A-nan, Ta ở chỗ Phật gieo trồng căn lành Bồđề chẳng thể nghĩ bàn thì nay được phước báo chẳng thể nghĩ bàn, không gì sánh bằng, không có ranh giới. Điều này như vậy ông phải nên tin.

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói lại bằng bài kệ:

Ta ở Nhiên Đăng Lưỡng Túc Tôn
Gặp Phật, Ta tu hạnh Bồ-tát
Rải cúng Phật năm hoa sen xanh
Liền ký cho Ta đạo vô thượng.
Lại có Đức Phật Liên Hoa Thượng
Khi ấy Ta cũng được gặp Phật
Dùng hoa vàng quý rải cúng Phật
Vì cầu quả tối thắng Bồ-đề.
Lại có chư Phật đại đạo sư
Đấng tối tự tại ở thế gian
Cực Cao Thượng Hạnh và Thượng Dự
Phật Thích-ca, Đế-sa, Phất-sa.
Tỳ-bà, Thi-khí, Tỳ-xá-phù
Phật Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm
Cùng Phật Ca-diếp, Ta đều cúng
Vì cầu tuệ giác thắng tối thượng.
Chư Phật đây và Phật quá khứ
Ta đều tu hành cúng dường trọn
Vì thương xót tất cả chúng sinh
Vì cầu tuệ giác thắng vô thượng.
Ta cúng dường ngàn ức Phật đó
Căn lành tích trữ đã tròn đủ
Hàng phục thế lực dòng họ ma
Đắc được đạo vô ưu an ổn.
Ta chuyển pháp luân lớn vô thượng
Hiển bày chánh pháp vì chúng sinh
Trời, người, rồng, tất cả chúng sinh
Thích quả Bồ-đề, Ta độ hết.
Ta đã chỉ bày đạo yên ổn
Chư Phật, Thanh văn đời vị lai
Nếu muốn cứu độ chúng sinh khổ
Phải nên tu tập đức hạnh Ta.

QUYỂN 4

Phẩm 12: DÙNG CÁC THÍ DỤ ĐỂ PHÓ CHÚC CHÁNH PHÁP

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Tuệ mạng Anan:

– Thôi, không nói đến tuệ giác, công đức, lợi ích của ta đạt được hôm nay, mà chỉ nói công đức, lợi ích trước đây, khi Ta hành trì Bồ-tát đạo thì Duyên giác còn không có, huống nữa là Thanh văn và chúng sinh khác. A-nan, lúc Ta làm Bồ-tát, trong thời gian dài tu khổ hạnh: xả bỏ ngôi vua, vợ con, cùng các cung phi mỹ nữ, thân mạng, chân tay, đầu, mắt, tai, mũi, thịt, máu, xương, tủy và nhận chịu vô lượng các loại đau khổ. Tất cả những thứ đó, Ta lãnh thọ đều vì các ông, vì muốn cầu Tuệ Giác Vô Thượng. A-nan, những gì khó bỏ Ta đều đã bỏ, vì chúng sinh mà nhận chịu các khổ. Anan, những công đức đó, nếu Ta nói rộng thì chẳng thể cùng tận. Nếu có người nghe được việc này thì chắc chắn tâm họ mê muội huống nữa là có nói việc ấy. A-nan, nếu có chúng sinh khởi một tâm niệm thương xót, nói thế này: Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, thuở xưa làm Bồtát tu khổ hạnh, vì chúng ta nên chịu đủ vô lượng các loại đau khổ, làm việc khó làm. A-nan, Ta nói những ai có phát khởi một niệm tâm như vậy thì quyết định sẽ đắc Niết-bàn tối hậu, huống nữa là người trồng các căn lành ở chỗ Ta. A-nan, cũng có người ngu chấp thủ không tin là khi xưa Ta làm Bồ-tát có tu khổ hạnh như thế, cho đến chẳng khởi sinh một niệm thương tâm, còn nói Như Lai không đạt lợi ích và cũng không kính tín đó nữa. Vì vậy, người có hạnh thù thắng thì hay đắc Niết-bàn. Anan, công đức lợi ích thắng pháp như vậy, Duyên giác còn không có huống nữa là tất cả Thanh văn và phàm phu có khả năng đạt được. A-nan, có những bậc tu hành hạnh Bồ-tát đạt được lòng thương lớn, cũng chẳng phải Duyên giác có khả năng đạt được. A-nan, nếu có người tu hạnh Bồ-tát đạt được lòng thương lớn như Ta. Đạt được lòng thương lớn rồi, chắc chắn họ sẽ đắc được Tuệ Giác Vô Thượng. Vì pháp đây là chỗ thâu giữ tâm đại từ, đại bi. Chính vì nhân duyên này hàng Duyên giác không có, nên không đắc được quả vị Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, không đủ mười lực, bốn vô sở úy, đại từ, đại bi. A-nan, khi xưa, Ta tu hạnh Bồ-tát biết tìm cầu pháp lành, đối với sinh tử tâm thường lo sợ, tu tâm đại bi đối với chúng sinh. Một hôm trong mộng, Ta thấy chỗ sụp lỡ của đại Thiết Vi, chính giữa thế giới là địa ngục lớn. Tại đó, có các chúng sinh đang bị ngục tốt bức bách, hành hạ, thân thể tan hoại, xung quanh lửa hừng hực giống như biển lửa, họ chịu đau khổ cùng cực như cái khổ bị đoạt mạng. Ta đến nơi ấy, các chúng sinh đó chấp tay lễ bái và thưa: Thưa Nhân giả! Nay Nhân giả được an vui, còn chúng tôi thì phải chịu cái khổ đau đớn, khó nhẫn của địa ngục, như cái khổ bị đoạt mạng. Chúng tôi không được ai cứu giúp, không ai che chở, không nơi nương tựa, không chỗ hướng về. Thưa Đại Trượng phu! Nếu Đại Trượng phu muốn cứu chúng tôi khỏi chỗ khổ này thì chắc chắn rất có thể được. A-nan, lúc Ta khởi lòng thương lớn các chúng sinh tại địa ngục đó, liền ở trong mộng khóc thương lệ tràn như nước sông Hằng, Ta an ủi chúng sinh đó: Này các Nhân giả chớ có sợ hãi, Ta làm cho các ông thoát khỏi khổ lớn này. A-nan, khi ấy Ta liền khiến các chúng tại địa ngục đó tụ lại một chỗ, rồi dùng bàn tay phải xoa khắp đảnh đầu của họ và bảo: Này các nhân giả chớ có sợ hãi, Ta quyết định cứu độ các ông. Ta vừa dứt lời thì lửa lớn địa ngục diệt mất, chỉ trong sát-na các chúng sinh đó thọ hưởng an lạc. A-nan, lúc Ta từ trong mộng tỉnh dậy thì áo ướt đầy nước mắt, đem vắt đầy đồ đựng. Này Anan! Khi xưa Ta tu hạnh Bồ-tát đã đầy đủ pháp đại bi như vậy, huống nữa là nay đã đắc được Tuệ Giác Vô Thượng. A-nan, pháp như vậy ông phải nên biết, chẳng phải hàng Duyên giác có được, huống là Thanh văn và những các hàng phàm phu. A-nan, nếu người nào tu pháp đây là tu hạnh Bồ-tát. Anan, ông quán xem, Như Lai khi xưa tu hạnh Bồtát, đã đầy đủ tâm đại bi, tâm thương xót, lợi ích cho các chúng sinh như vậy. Công đức đó, nếu Ta dùng khẩu nghiệp tuyên nói đầy đủ thì chẳng thể cùng tận. A-nan, trong đời quá khứ có đại thương chủ vì đi lấy của báu nên cùng các thương nhân vào trong biển lớn. Thuyền của họ chở đầy ắp đủ loại bảo báu, về đến giữa biển thuyền bị tan vỡ, các thương nhân ôm lòng sợ hãi, sầu não, tuyệt vọng. Trong đó, có người được miếng ván thuyền, hoặc có người nổi hoặc có người chết chìm. A-nan, lúc đó thương chủ ở giữa biển lớn đang ôm phao được nổi yên ổn mà vượt biển thì có năm người kêu: Thương chủ! Cúi xin ông ban cho chúng tôi chỗ không sợ hãi. Khi đó, thương chủ liền bảo: Này các trượng phu chớ có sợ hãi, ta sẽ làm cho các ông vượt thoát yên ổn khỏi biển lớn này. A-nan, khi đó thương chủ thân đeo kiếm bén, nghĩ thế này: Pháp của biển lớn không chứa thây chết. Như vậy, nay ta tự xả bỏ thân mạng thì các thương nhân chắc chắn sẽ được thoát nạn. Nghĩ vậy rồi, thương chủ liền gọi các thương nhân và bảo: Các ông ôm giữ thân tôi cho chặt. Các thương nhân đó có người cưỡi trên lưng, có người ôm vai, có người nắm đùi. Lúc đó, thương chủ vì muốn bố thí cho họ sự không sợ hãi nên tự kích động thân tâm, phát khởi lòng đại bi dũng mãnh, dùng kiếm bén đoạn mạng căn mình chết ngay tức khắc. Ngay sau đó, biển lớn liền đẩy thây chết ấy lên bờ. Nhờ vậy mà năm thương nhân được vào bờ yên ổn, an lành, trở về cõi Diêm-phù-đề. A-nan, thương chủ thời đó đâu phải ai xa lạ, chính thân Ta vậy. Năm người thương nhân nay là năm Tỳ-kheo. Năm Tỳ-kheo này, khi xưa ở trong biển lớn được Ta cứu thoát, nay lại ở trong biển sinh tử cũng được Ta độ thoát, đặt ở bên kia bờ Niết-bàn không còn sợ hãi. A-nan, ông nay quán xem thế nào là tu khổ hạnh đầy đủ? Thế nào là Đại Bồ-tát được vô lượng công đức? A-nan, phải nên biết thứ lớp công đức như vậy, cũng chẳng phải Duyên giác có được. A-nan, các Bồ-tát có công đức như vậy, các Phật-bích-chi thì không có pháp này, nên chẳng được làm Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, chẳng đắc được Tuệ Giác Vô Thượng. A-nan, vì hay tu các khổ hạnh như vậy nên được làm Bồ-tát với tâm đại bi thương xót vỗ về tất cả chúng sinh. A-nan, lại có người ngu ở chỗ Phật, chẳng sinh kính tín. Vì nhân duyên này nên chẳng gieo được chủng tử Tuệ Giác Vô Thượng, cũng chẳng chứng được Niết-bàn Vô thượng. Nếu họ đối với Ta, tâm sinh kính tín thì liền gieo được chủng tử Bồ-đề, có thể chứng Niết-bàn. A-nan, tu thiểu phần hạnh thì được thiểu phần công đức, tu hạnh viên mãn thì được công đức viên mãn. A-nan,

Ta sẽ nói thêm hạnh quyết định khác. Nếu có chúng sinh, cho đến chỉ phát khởi một niệm kính tín, nhờ căn lành này nên gây được chủng tử, huống nữa là trồng căn lành thù thắng tối thượng. A-nan, nếu có người ở chỗ Phật trồng căn lành, cho đến nhất niệm, phát tâm niệm Phật. Ta nói những người đó giống như được cam lộ tối thượng trong các cam lộ. A-nan, hành giả nên niệm Như Lai bằng đủ mọi cách. Nghĩa là niệm chỗ Như Lai niệm, niệm căn lành của Như Lai, niệm tánh nhật của Như Lai. Tánh này chẳng giống tánh khác, vì nó được sinh từ dòng Cam Giá Vô Thượng. Tánh nhật là: lìa các tối tăm, tạo ra ánh sáng. A-nan, Ta sinh từ dòng họ Thích nên có chủng tánh thanh tịnh. A-nan, nên niệm Như Lai sinh, niệm chủng tộc Như Lai, niệm tánh Như Lai, niệm đầy đủ tài bảo Như Lai trữ, niệm đoan chánh của Như Lai, niệm cõi nước nơi Như Lai sinh, niệm tướng của Như Lai, niệm tướng hảo của Như Lai, niệm mười lực của Như Lai, niệm bốn vô sở úy của Như Lai, niệm mười tám pháp bất cộng của Như Lai, niệm đầy đủ chỗ Như Lai sinh, niệm những việc tốt đẹp của Như Lai, niệm cái không ngu si của Như Lai, niệm đầy đủ hạnh xưa của Như Lai, niệm đầy đủ nguyện của Như Lai, niệm đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của Như Lai, niệm từ bi hỷ xả của Như Lai, niệm đầy đủ oai nghi của Như Lai. A-nan, nếu có người tùy theo chỗ niệm

Phật đó, nhờ công đức niệm Phật mà đắc được đại thần thông, đại lợi ích, công đức rộng lớn, giống như cam lộ đệ nhất, cam lộ tối thượng trong các cam lộ. A-nan, khi xưa, Ta làm Bồ-tát thực hành bố thí Ba-la-mật. Ta dùng Phật trí quán thấy công đức đó chẳng có biên vực, huống nữa là tu trì giới Ba-la-mật, nhẫn nhục Ba-la-mật, tinh tấn Ba-lamật, thiền định Ba-la-mật, trí tuệ Ba-la-mật và các công đức khác. Như Bồ-tát đó có công đức chưa được thọ ký, dùng trí Phật quán sát còn không có ranh giới, huống là công đức đó đã được thọ ký, cho đến thành Phật thì tất cả công đức hơn trăm ngàn ức na-do-tha kiếp. A-nan, vì sao Ta tuyên bố công đức chẳng có ranh giới cùng tận? Vì Như Lai Ứng Chánh Biến Tri công đức vô lượng. A-nan, Ta dùng thật trí quán thấy lợi ích như thế, nên nói như vậy. Nếu có người sinh tâm kính tín, nhớ nghĩ công đức lợi ích của Ta khi còn làm Bồ-tát, nhờ căn lành này, đều sẽ đắc được Niết-bàn tối hậu. Vì vậy Anan, ông chớ có ưu buồn bi não. Ta làm cho ông cùng các trời người tạo lợi ích lớn, thâu nhận tất cả, rồi nói đạo pháp khiến cho chúng sinh được hướng đến Niết-bàn tối hậu, yên ổn vô thượng. Các ông ở đây, siêng tu phương tiện, chớ có phóng dật. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Sau đêm nay, Ta sẽ nhập Niết-bàn. Nay là lần cuối cùng các ông thấy Ta, lần cuối cùng nhận sự giáo hóa của Ta, lần cuối cùng hợp mặt với Ta. Từ nay, các ông không còn thấy Ta và Ta cũng không còn thấy các ông nữa. Này các Tỳ-kheo! Thôi chớ ưu bi, tất cả vật ưng ý, yêu mến đều sẽ xa lìa tan hoại. Này các Tỳ-kheo! Pháp sinh, pháp hữu pháp hữu vi, pháp sai biệt, pháp giác tri, tất cả đều do nhân duyên sinh, là pháp tan hoại, nếu không hoại thì điều này không có. Này các Tỳ-kheo! Giả sử các pháp có tụ hội lâu đi nữa, cũng sẽ phải xa lìa. Này các Tỳ-kheo! Phàm có sinh thì không thể không có chết, tất cả các hành không thường định, không rốt ráo bất biến. Này các Tỳ-kheo! Sinh tử là khổ, Niết-bàn là vui. Nếu các ông, muốn làm cho người chưa đắc được đắc, người chưa đạt được đạt, người chưa chứng được chứng thì phải nên cần cầu pháp đó. Này các Tỳ-kheo! Nên siêng tu phương tiện, chớ có phóng dật. Chư Phật Thế Tôn vì không phóng dật nên đắc được Bồ-đề vô thượng và tất cả pháp lành trợ đạo khác. Vì vậy, các ông nên thọ trì lời dạy của Ta.

Bấy giờ, đại chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưubà-tắc, Ưu-bà-di, trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Thích thiên, Phạm thiên, Tứ Thiên vương v.v... sau khi nghe lời dạy cuối cùng của Phật, liền sầu khổ không vui, khóc lóc rơi lệ như bị trúng tên ưu buồn. Họ kêu khóc thảm thiết, thưa như thế này:

– Bà-già-bà nhập Niết-bàn sao mà nhanh quá! Tu-già-đà nhập Niết-bàn sao mà nhanh quá! Con mắt thế gian bị diệt, thế gian mù tối sao mà nhanh quá! Tại sao nay con cùng bảo báu của chúng sinh ly biệt nhau nhanh quá!

Bấy giờ, A-nan nghe như vậy rồi, chiêm ngưỡng Như Lai, mắt nhìn chăm chăm không nháy, suy nghĩ bi não, gào khóc té ngã trên đất, như cây lớn bên sườn núi bị ngã. Khi đó, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

– Thôi! Chớ có ưu sầu bi não. Trước kia, Ta lẽ nào không dạy ông: Tất cả sự việc yêu thích, ưng ý đều sẽ ly biệt, pháp sinh, pháp hữu, pháp hữu vi, pháp sai biệt, pháp giác tri do nhân duyên sinh, là pháp tan hoại, nếu không hoại diệt thì điều này là không có.

Tuệ mạng A-nan nghe như vậy rồi, bạch Phật:

– Thưa Bà-già-bà! Làm sao con không ưu sầu cho được! Thưa Tu- già-đà! Làm sao con không bi não cho được! Phật là bảo báu của chúng sinh, Phật chở hết chúng sinh. Phật là đạo sư của chúng sinh, Phật là chỗ chúng sinh cầu cứu, Phật là chỗ chúng sinh nương về, Phật là Đại sư của hàng trời người đang cùng con ly biệt. Vì vậy, thưa Bà- già-bà! Làm sao con không ưu sầu cho được! Thưa Tu-giàđà! Làm sao con không bi não cho được! Thưa Thế Tôn! Thế Tôn là đấng đại bi thương xót tất cả thân hữu, chúng sinh, thế gian, là con mắt quý báu chiếu sáng tất cả thế gian đang cùng con ly biệt, mà con tự thấy lạ, sao tâm con chẳng bị tan vỡ thành trăm phần. Thưa Thế Tôn! Con lại tự thấy lạ, sao con vẫn còn đứng đây mà không bị mạng chung. Thưa Thế Tôn! Con lại tự thấy lạ, sao thân chẳng bị tan hoại như men rượu. Thưa Thế Tôn! Con tự nghĩ, nay con không chết như vậy, là do thần lực gia trì của Như Lai. Thưa Bà-già-bà! Làm sao con không ưu sầu cho được! Thưa Tu-già-đà! Làm sao con không bi não cho được, như ánh sáng đã tắt, nay con không còn thấy người chở hết chúng sinh, người thương xót thế gian, đạo sư của thế gian.

Khi đó, Phật bảo Tuệ mạng A-nan:

– Ông thương Ta chăng? A-nan thưa:

– Dạ! Con rất thương Bà-già-bà, rất thương Tugià-đà. Phật hỏi:

– Ông thương Ta như thế nào? A-nan thưa:

– Con thương Đức Thế Tôn, chẳng thể dùng khẩu nghiệp nói hết được, cũng chẳng thể dùng thí dụ mà so sánh cùng tận. Con thương Bà- già-bà như vậy, thương Tu-già-đà như vậy. Thưa Thế Tôn! Vì Như Lai con xả bỏ thân mạng cũng không hối tiếc. Thưa Bà-già-bà! Con thương Ngài như vậy. Thưa Tu-già-đà! Con thương Như Lai như vậy. Thưa Thế Tôn! Con thương Như Lai chỉ có Phật chứng biết. Thưa Bà-già-bà! Con thương Như Lai như vậy. Thưa Tu-già-đà! Con thương Như Lai như vậy!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

– Nếu ông thương Ta thì đưa tay phải ra.

Khi đó, A-nan, liền đưa cánh tay phải, Đức Thế Tôn liền dùng bàn tay phải mềm mại màu vàng của mình cầm tay A-nan, nói:

– A-nan, nếu ông thương Ta, phải nên vì Ta làm việc yêu thương. Vì Ta mà làm việc yêu thương như thế nào? Trong vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp, Ta đã tu tập Tuệ Giác Vô Thượng. Ta đem đại pháp bảo tạng này phó chúc cho ông. Như Ta đã truyền, ông nên thuận theo, truyền thừa mãi mãi, khiến nó được rộng khắp, không bị đoạn mất, chớ để nửa chừng pháp nhân bị diệt. Nay Ta vì ông là người hộ trì khiến cho chánh pháp Tỳ-ni của Phật được tăng trưởng, chẳng bị thoái giảm, chẳng bị diệt mất, nên Ta thí dụ, những người trí nương đây được hiểu. Ví như trưởng giả dòng quý tộc giàu có, của cải đầy ắp cất chứa rất nhiều kho, vật cần dùng chẳng thiếu thứ chi, lúc nào cũng đầy đủ, tài bảo như vậy chỉ riêng mình có, dòng họ đông đủ, kiến thức sâu rộng, nhân duyên sinh ra cũng đầy đủ. Trưởng giả này sinh được một đứa con, khi con khôn lớn, ông thường dạy cho học các môn lịch sử, toán số, thơ văn, in ấn và các loại nghề tinh xảo, trí tuệ thâm sâu. Sau khi con mình đã học hết, trưởng giả dạy rằng: Ta nay đã dạy cho con đầy đủ tất cả, con đã học được đầy đủ lịch sử, toán số, thơ văn, in ấn, các nghề tinh xảo, trí tuệ thâm sâu. Hôm nay, là ngày dạy cuối cùng của Ta, tất cả tài sản, bảo vật của Ta, nay thuộc về con, Ta giao phó chúng cho con. Từ nay, con nên học ba việc để có thể giữ được sự nghiệp trước đây của dòng tộc chúng ta. Những gì là ba? Một là dục, hai là tinh tấn, ba là không phóng dật. Trưởng giả giàu có quyền quý đó, khéo dạy bảo con mình như vậy, nhưng đứa con đó si cuồng phóng dật, tiêu xài phung phí tài sản của cha mẹ hết sạch. A-nan, ý ông nghĩ sao? Con của trưởng giả đó có nghe lời cha dạy không?

A-nan đáp:

– Không, thưa Bà-già-bà! Không, thưa Tu-giàđà! Phật nói:

– A-nan, trưởng giả đó có truyền dạy sự nghiệp của mình cho con không?

A-nan đáp:

– Dạ có, thưa Bà-già-bà! Dạ có, thưa Tu-giàđà! Phật nói:

– A-nan, Như Lai làm cha của thế gian, ông là một trong những đứa con. Ngày nay là lần cuối cùng, Ta dạy bảo khuyên nhủ, phó chúc cho ông, kho tàng pháp bảo vô thượng của Ta tu tập trong trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp. Nay các ông cũng phải học ba việc. Những gì là ba? Một là dục, hai là tinh tấn, ba là không phóng dật. Các ông nếu giữ ba việc như vậy, thì kho tàng pháp bảo vô thượng của Ta tu tập trong a-tăng-kỳ kiếp, được tồn tại lâu dài. Vì người chưa đạt pháp lành khiến được thông đạt, đã thông đạt rồi, khiến chẳng thoái mất. Do vậy, các ông phải nên gìn giữ chắc chắn kho tàng pháp bảo Tuệ Giác Vô Thượng của Ta tu tập trong a-tăng-kỳ kiếp. Người chưa trụ ba việc thì khiến trụ ba việc, người chưa đạt pháp lành thì khiến cho thông đạt, đã thông đạt rồi, khiến chẳng thoái mất. Vì sao vậy? Ta vì lòng từ bi thương xót, vì lợi ích tất cả thế gian, vì muốn làm cho họ được an lạc. A-nan, Ta đã làm cha thế gian, việc dạy bảo xem như đã xong. Đối với các ông, việc cần làm ta đã làm. Lại nữa A-nan, trong a-tăng-kỳ kiếp, Ta tu tập pháp Tuệ Giác Vô Thượng, có ba nhân duyên sẽ làm nó bị khuất lấp. Những gì là ba? Một là không tin, hai là chẳng trụ hạnh quyết định, ba là không sám hối. Vì vậy A-nan, nay ông hộ trì chánh pháp bảo tạng, phải thật sâu sắc vào lòng tin, quyết định, sám hối. Phải làm ba việc phương tiện: mong cầu, tinh tấn, không phóng dật. Như vậy, các ông đối với pháp của Ta, cũng như người cha tôn quý của thế gian giao việc cho con, việc cần làm nó đã làm xong. A-nan, vì nghĩa này nên Ta nói thí dụ, khiến cho chánh pháp bảo tạng vô thượng được trao truyền, tăng thượng, thành tựu. Nhờ thí dụ này, những người trí nghe rồi được hiểu, lại được tăng trưởng lòng ái kính sâu xa, suy nghĩ rằng: Đức

Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến

Tri, vì chúng ta nên lúc sắp Niết-bàn, dùng tay phải của mình cầm tay A-nan, phó chúc cho pháp Tuệ Giác Vô Thượng của Phật đã tu tập trong a-tăngkỳ kiếp. A-nan, ví như thương chủ đi đường xa, việc cần làm đều đã làm xong. A-nan, ý ông nghĩ sao? Thương chủ đó xong việc sẽ trở về nhà, hay ở ngoài đường.

A-nan đáp:

– Thưa Thế Tôn! Thương chủ đó trở về nhà, không ở ngoài đường.

– Này A-nan! Cũng vậy, Như Lai là cha mẹ của thế gian, là thân hữu của thế gian, là đạo sư của thế gian, là đại thương chủ dùng trí Bồ-đề vô thượng biết việc cần làm đều đã làm xong, không còn Phật sự có thể làm. Tất cả chúng sinh đáng được độ, đều đã độ hết, những người cần được độ, đều đã được điều phục. A-nan, có ba việc chưa đạt được viên mãn thì Như Lai Ứng Chánh Biến Tri chẳng nhập Niết-bàn. Ba việc đó là gì? Đó là Đại Bồ-tát chưa chứng đắc, trụ pháp bất thoái chuyển. Nếu khi chánh pháp vô thượng của Như Lai diệt mất, hoặc trải qua một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn kiếp, hoặc trăm ngàn ức na-do-tha kiếp, Đại Bồ-tát chưa chứng đắc Tuệ Giác Vô Thượng thì chư Phật Thế Tôn tuy đến giờ Niết-bàn nhưng thấy Bồ-tát đó căn lành chưa thuần thục, vì muốn cho được thành thục, trụ bất thoái chuyển nên chư Phật dùng sức thần thông gia trì thân thể của mình trụ thêm ở đời mà không diệt độ. Đợi đến lúc Bồ-tát đó chứng đắc bất thoái rồi, Như Lai liền thọ ký cho Tuệ Giác Vô Thượng và bổ xứ làm Phật theo thứ lớp. Sau đó, Như Lai mới nhập vào Niết-bàn vô dư. Vì vậy, nay Ta thọ ký cho Di-lặc và vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha Đại Bồ-tát được Tuệ Giác Vô Thượng, khiến cho những Bồ-tát đó trụ ở A-tỳ-bạt-chí. Đây là chư Phật thương xót chúng sinh, việc cần làm đã làm. Lại nữa A-nan, nếu có chúng sinh cần được Như Lai độ thoát nhưng chưa được độ, thì Như Lai trọn không nhập Niết-bàn. Hoặc Phật Thế Tôn biết vô lượng trăm ngàn ức kiếp các vị Phật Thế Tôn khác chưa xuất hiện ở đời, tại thế giới này hoặc ở thế giới khác, đối với chúng sinh ở trong năm đường, trải qua một năm, trăm năm, ngàn năm, hoặc trăm ngàn năm, hoặc trăm ngàn ức na-do-tha năm, cho đến một kiếp hoặc hơn một kiếp; những chúng sinh này cần được Ta độ thoát thì đối với tất cả Thanh văn, Duyên giác chẳng độ thoát được. Phật dùng trí tuệ biết rõ như vậy. Phật Thế Tôn đó tuy đến giờ Niết-bàn, nhưng vì thương xót chúng sinh đó, nên dùng sức thần thông gia trì thân mình trụ thêm ở đời mà không diệt độ. Đợi đến lúc, khiến chúng sinh đó được thành thục rồi, sau đó mới độ thoát. A-nan, đây là việc thứ hai, chư Phật Thế Tôn, điều cần làm đã làm, sau đó mới vào Niết-bàn vô dư.

Lại nữa, này A-nan! Những điều Như Lai nói: hoặc Tu-đa-la, hoặc Tỳ-ni, hoặc Ma-đắc-lặc-ca có nghĩa thâm sâu, chẳng phải các hàng đại chúng Thanh văn, hữu học, vô học cùng bàn luận mà có thể hiểu biết. Ở trong chúng ấy, giả sử có Tỳ-kheo sinh nghi muốn hỏi, nhưng vì kính trọng Phật nên lo sợ bối rối, chẳng dám hỏi. Chính Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri dùng trí Phật biết như vậy, liền hóa thành một Tỳ-kheo đến chỗ Như Lai hỏi: Thưa Thế Tôn! Việc này phải làm như thế nào? Phật liền bảo Tỳ-kheo biến hóa đó: Này Tỳkheo, việc đó cần phải làm như vậy. A-nan, ba việc như vậy, chư Phật Thế Tôn chắc chắn phải làm, việc đó chưa viên mãn thì không nhập Niết-bàn. Tất cả những việc đó, Ta đã làm viên mãn, không còn điều gì để làm hoặc để nói. A-nan, nay vì các Thanh văn mà Ta bảo: Tu học Tỳ-ni-ba-la-đề-mộcxoa, vì dứt khổ mà chỉ bày chánh đạo, nói hạnh quyết định chính là làm việc này. Do vậy A-nan, từ nay Ta không nói nữa, các ông phải thận trọng trong khi nói, những điều Ta đã nói chớ làm cho đoạn tuyệt. A-nan, những điều Ta dạy cần phải học như vậy, cần phải làm như vậy, thận trọng chớ có phóng dật, không phóng dật thì đắc đạo quả. Vì nghĩa này mà Ta dạy các ông chớ có ưu buồn bi não. A-nan, sau đêm nay, Ta sẽ nhập Niết-bàn, Ta sẽ xả bỏ thế giới, quốc độ này, lại không còn đến thế giới này nữa, cũng chẳng đến thế giới khác. Các ông từ nay không còn thấy Ta và Ta cũng không còn thấy các ông. A-nan, Ta sẽ nhập vào Niết-bàn vô dư, Niết-bàn như vậy vắng lặng, mát mẻ, dứt tất cả khổ, xả bỏ tất cả nhà cửa, không sinh, không già, không bệnh, không chết, không ưu, không sầu, không khổ, không não, không điều gì là không ưng ý, không có những hối hận, không oán tắng hội, không ái biệt ly. Chư Phật Thế Tôn cùng tất cả Thanh văn, Duyên giác nhiều như cát sông Hằng, tất cả đều đã đi, nay đi và sẽ đi. A-nan, nay ông thấy Ta còn thích Niết-bàn vô dư, chỉ có những người phàm phu ngu si mới không thích Niết-bàn an lạc vắng lặng, thù thắng vi diệu; lại cũng chẳng khởi một niệm phát tâm tùy thuận giải thoát. Nếu người hay phát tâm, khởi một niệm giải thoát, nhờ nhân duyên này làm chủng tử nên sẽ đắc Niết-bàn. A-nan, tất cả phàm phu sao có lực này, tất cả phàm phu yếu kém, không có năng lực. Anan, Ta xem tất cả phàm phu ngu si giống như men rượu. Vì vậy A-nan, phàm phu ngu si, sao có được năng lực, sao có được an lạc, có người chẳng thể khởi một niệm phát tâm tùy thuận giải thoát, nếu người hay phát tâm thì quyết định gây được chủng tử Niết-bàn. A-nan, tất cả người phàm phu ngu si không có giới lực, định lực, tuệ lực. A-nan, Ta đã đầy đủ vô lượng Phật lực, đầy đủ a-tăng-kỳ chẳng thể nghĩ bàn, vô lượng, tột đỉnh giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến lực, tàm lực, quý lực, lực tích trữ từ lâu, trí lực, xả lực, phước lực, tuệ lực, căn lực, gia lực, đầy đủ cả mười lực mà còn ưa thích Niết-bàn vô dư. A-nan, có các phàm phu ám độn vô trí, biết pháp quá ít, ưa đắm trước trói buộc trong lao ngục sinh tử, cho đến chẳng thể khởi một niệm phát tâm tùy thuận giải thoát, ông nên khiến những chúng sinh đó gây được chủng tử căn bản Niết-bàn. A-nan, những điều Như Lai khen, những điều Như Lai nói trong các kinh lưu lại đời vị lai, nếu sau khi Phật diệt độ, trong đời vị lai có người được nghe, nghe rồi phát tâm thì liền được nhập Chánh Pháp Bảo Tạng, cảnh giới Niết-bàn vô dư. A-nan, Ta sẽ nói thí dụ khiến ông hiểu được nghĩa ấy sâu xa hơn. A-nan, ví như thương chủ cùng các thương nhân đi qua con đường hiểm hoang vắng rộng lớn, họ thoát được nạn giặc, đến thành vô úy. Trong đoàn ấy, có người bị lạc đi ở phía sau. Người này trong lòng sợ hãi, chạy đuổi, tìm kiếm các thương nhân hết sức khổ não vượt qua con đường hiểm gặp được các người bạn. Cũng vậy A-nan, Như Lai chứng đắc Tuệ Giác Vô Thượng rồi, diễn nói các kinh như vậy lưu lại đời vị lai. Sau khi Phật diệt độ, có thiện nam, thiện nữ... nếu được nghe pháp, nghe rồi phát tâm đến bảo thành chánh pháp của Ta lưu giữ, nhập vào cảnh giới Niết-bàn vô dư. Sau khi đến thành chánh pháp, họ suy nghĩ nhớ lại và hộ trì diễn nói pháp bảo tạng của Ta. A-nan, vì một người mà Ta còn giao phó chánh pháp vô thượng đây cho ông giữ gìn, huống nữa là còn vô lượng trăm ngàn chúng sinh. Do vậy, nay Ta đem Chánh Pháp Bảo Tạng Tuệ Giác Vô Thượng này của Ta tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp, phó chúc cho ông. Các ông phải nên khéo đọc tụng, gìn giữ, vì các tịnh tín, bốn bộ đại chúng mà khai thị phân minh, chớ làm cho pháp nhân giữa chừng diệt mất. A-nan, trong đời đương lai có các chúng sinh không được nghe thật nghĩa của kinh, nên sinh sự thoái mất. Vì vậy A-nan, Ta sẽ nói thí dụ. Ví như trưởng giả giàu có quyền quý, kho chứa tài bảo rất nhiều, đầy ắp; đời sống vật chất sung túc đầy đủ, nhưng chỉ có một đứa con ở phương xa. Khi trưởng giả đó thân bị bệnh nặng rất là đau đớn. Lúc sắp mạng chung, ông đem hết tài sản bảo vật mani, trân châu, lưu ly, ngọc quý, vàng bạc, tiền của, giao gửi cho một trưởng giả khác và nói thế này: Anh nên biết cho, nay thân tôi bệnh nặng sắp mạng chung, nhưng con tôi ở phương xa. Tôi vì con, nay đem vô lượng kho tàng pháp bảo này giao gửi cho anh. Khi con tôi ở phương xa trở về, anh vì tôi mà dạy nó chớ có phóng dật, khiến nó không được buông lung, nhiên hậu mới trao kho tàng bảo vật này. Lúc trao bảo vật, anh nên dạy nó: Này đồng tử! Khi cha con qua đời, trước lúc mạng chung, đã vì con mà đem bảo vật này giao gửi cho ta, nay ta hoàn lại cho con. Kỷ vật này, con nên lãnh thọ, gìn giữ, phòng hộ cẩn thận, chớ có phóng dật làm cho hao mất. Trưởng giả giàu có quyền quý nói vậy rồi, liền đem tất cả bảo vật giao gửi cho trưởng giả kia, trưởng giả kia tức thời lãnh nhận. Không bao lâu, người con của trưởng giả gửi vật, từ phương xa trở về, trưởng giả kia đã nhận vật gửi nhưng không chuyển lại. A-nan, ý ông nghĩ sao? Ai là người có lỗi?

Tuệ mạng A-nan bạch Phật:

– Thưa Thế Tôn! Lỗi ở người nhận giữ vật, chẳng phải ai khác. Vì sao vậy? Vì người nhận vật gửi là tự thân thọ nhận rất nhiều bảo vật, từ trưởng giả quyền quý đó, nhưng lại không hoàn trả cho con ông trưởng giả đó.

Phật bảo A-nan:

– Trưởng giả hào quý là dụ cho Như Lai gần nhập Niết-bàn. Nói một đứa con là dụ cho những người tịnh tín, thiện nam, thiện nữ trong đời vị lai. Đi ở phương xa là dụ cho lưu chuyển trong năm đường. Kho bảo báu lớn là dụ cho kho pháp bảo lớn vô thượng của Như Lai tu tập trong ức na-dotha a-tăng-kỳ kiếp. Trưởng giả nhận vật gửi là dụ cho các ông, các đại Thanh văn, Đại Bồ-tát, người hộ trì chánh pháp. A-nan, vì các thiện nam, thiện nữ trong đời vị lai mà Ta giao phó cho ông, Đại Ca-diếp, Di-lặc cùng các Đại Bồ-tát, kho pháp bảo lớn vô thượng của Ta tu tập trong ức na-do-tha atăng-kỳ kiếp. Nếu các ông hay thuận theo sự phó chúc của Ta, trong đời vị lai có giáo hóa cho Phật tử tịnh tín thì phải dùng pháp bảo giảng dạy. Vì sao vậy? A-nan, vì khi xưa Ta làm Bồ-tát, có các chúng sinh đã thành thục, nhưng vì còn ác nghiệp nên đọa trong địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Sau khi Như Lai diệt độ, các chúng sinh đó được ra khỏi cõi ác, sinh trong loài người, có các căn tăng trưởng, thành thục, đối với giáo pháp của Ta mà gieo ít nhiều nhân duyên, phát sinh lòng kính tín. Trong ấy, hoặc có người được xuất gia, nghe các kinh Ta nói sẽ phát khởi hạnh thù thắng, hoặc có người đối với Thanh văn thừa, đối với Duyên giác thừa, đối với Đại thừa mà Bát-niết-bàn. A-nan, Ta vì các người thiện nam, thiện nữ trong đời vị lai mà phó chúc cho ông kho pháp bảo lớn vô thượng đây của Ta tu tập trong trăm ngàn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp. Vì sao vậy? vì các chúng sinh đó, nếu không được nghe chánh pháp chân đạo này thì sẽ thoái mất. Do vậy, nay Ta vì người thiện nam... trong đời vị lai mà phó chúc cho ông kho pháp bảo vĩ đại này. Nếu họ được nghe pháp đây thì không thoái mất. Vì nhân duyên này nên Ta nói thí dụ. A-nan, ví như Chuyển luân vương mở rộng kho chứa lớn, ra lệnh cho các vị trượng phu chủ quản: Các ông thường phải nên cúng dường cho tất cả Sa-môn, Bà-lamôn, bố thí cho người bần cùng xin ăn và cho các người đi đường. Tùy theo chỗ cần dùng của họ mà chu cấp: cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần xe cho xe, đem đủ các loại tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, đồ nằm, phòng nhà thanh tịnh, cúng dường, bố thí những thứ cần dùng cho sự sống. Các vị chủ quản coi kho đã được Chuyển luân vương dạy như vậy, nhưng họ không thi hành. A-nan, ý ông nghĩ sao, ai là người có lỗi? A-nan bạch: Thưa Đại đức Bà-già-bà! Các vị giữ kho có lỗi, chẳng phải Chuyển luân vương. Phật nói: Anan, đúng vậy, đúng vậy. Ta làm Pháp vương, trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp đã tích tập kho tàng pháp bảo vĩ đại như vậy. Tự mình đã giác ngộ, lại muốn khai thị hiển nói pháp ấy làm cho lưu truyền rộng khắp trong các cõi trời người, nên Ta mới khai thị cho ông. Vì tất cả các Sa-môn, Bà-lamôn, phàm phu kính tín muốn cầu pháp nghĩa, đều khiến cho họ được nghe, cho nên A-nan, nay Ta đem tạng pháp bảo vĩ đại đã rộng mở hiển nói này, phó chúc cho ông. Nếu ông không phân biệt, nói rộng pháp nghĩa ấy vì các Sa-môn, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, tịnh tín và các phàm phu vui thích pháp nghĩa thì ông sẽ có lỗi với Như Lai. Vì sao vậy? A-nan, vì Ta làm Vô thượng pháp Chuyển luân vương, có nhiều kho tàng pháp bảo công đức, nhiều loại trợ đạo, thất giác, pháp tài, mười lực vô úy đều đã đầy đủ. Ta ở trong các pháp được tự tại nên gọi là pháp vương. Ông giữ tám vạn bốn ngàn chánh pháp bảo tạng đây của ta, vì các Sa-môn, Bàla-môn, trưởng giả, cư sĩ, phàm phu tịnh tín và các pháp sư muốn cầu pháp nghĩa thì ông phải diễn nói đầy đủ, chớ sinh tâm khác biệt, chớ để cho pháp nhân giữa chừng diệt mất. Do vậy A-nan, nếu ông đem pháp bảo Bồ-đề vô thượng của Ta tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp, thường vì bốn chúng diễn nói thì không có các lỗi đối với Như Lai. Nếu không nói thì ông có lỗi lớn vậy.

Lại nữa A-nan, nếu Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận, chứng đạo vô vi mà chẳng có khả năng vì kẻ khác phân biệt hiển nói thì người này chẳng có ích lợi đối với Như Lai đạo sư, cũng chẳng hộ trì được chánh pháp của Ta. Do đó, nay Ta phó chúc pháp cho ông. Vì sao vậy? A-nan, ví như có người tay cầm ngọn đuốc cỏ qua chỗ tối mịt được trở về nhà. Lại có nhiều người muốn qua chỗ tối, nhưng người cầm đuốc ấy nương ánh sáng của đuốc vượt qua chỗ tối mịt trờ về nhà mình, đến nhà rồi dập tắc ngọn đuốc không cho kẻ khác mượn. A-nan, ý ông nghĩ sao? Người này đã biết đuốc chưa tắt và biết còn nhiều người muốn qua chỗ tối, nhưng đã dùng đuốc rồi mà không cho kẻ khác mượn thì có thể gọi là người tốt không?

A-nan thưa:

– Không tốt, thưa Bà-già-bà. Không tốt, thưa Tu-già-đà. Phật nói:

– Đúng vậy, đúng vậy. A-nan, nếu có Tỳ-kheo đắc quả A-la-hán, đã chứng vô vi pháp, cũng biết nhiều người qua biển sinh tử mù mịt, mà lại không vì họ phân biệt hiển nói thì Tỳ-kheo này chẳng gọi là người dẫn đường lợi ích, chẳng gọi là người gìn giữ chánh pháp của Ta, vì trong a-tăng-kỳ kiếp, Ta tu tập pháp bảo muốn làm cho tăng trưởng rộng khắp. Do vậy A-nan, nay Ta đem pháp bảo của Ta tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp này phó chúc cho ông. Ông hãy giữ gìn kỹ lưỡng và vì kẻ khác giảng nói, chân đạo như vậy chớ để nó đoạn bị mất, chớ làm cho pháp nhân sau cùng bị diệt mất. A-nan, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bàtắc, Ưu-bà-di đối với pháp bảo đây, tự thân được an trụ, chắc chắn họ có thể vì người khác mà phân biệt hiển nói pháp bảo của ta tu tập trong ức na-dotha a-tăng-kỳ kiếp. Ông phải nên trao phần pháp ấy cho những người đó. Vì vậy A-nan, pháp lành của Ta tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp này, một lần nữa Ta phó chúc cho ông, vì các chúng sinh đời vị lai. Ông chớ làm cho các chúng sinh đó thoái mất vì họ không được nghe lại giáo pháp.

Lại nữa A-nan, ví như trưởng giả giàu lớn quyền quý, có các kho chứa ma-ni, trân châu, san hô, ngọc bối, đời sống vật chất sung túc đầy đủ. Trưởng giả này lại có những người oán và thân hữu của người oán ấy ở chỗ trưởng giả thường thích làm những điều không lợi ích. Có người không an vui thì trưởng giả làm cho an vui, có người không yên ổn thì trưởng giả làm cho yên ổn. Vậy mà một hôm, có oan gia thiêu đốt kho báu ấy, những oan gia như vậy thấy lửa dữ thiêu đốt kho báu, thời bỏ lơ, mặc nhiên không dập tắt lửa. Trưởng giả đó có lòng thân thiện thường muốn thương xót, muốn làm lợi ích cho người, muốn làm cho người được yên ổn. Vậy mà bọn họ thấy kho bị cháy, bỏ lơ không muốn dập tắt. A-nan, ý ông nghĩ sao? Người thân như vậy, có thể gọi là phù hợp với lẻ phải không?

A-nan bạch:

– Không, thưa Bà-già-bà. Không, thưa Tu-giàđà. Phật nói:

– A-nan, những người thân đó thấy lửa dữ thiêu đốt kho báu, bỏ lơ không cứu chữa, lại gia tăng thêm lửa muốn thiêu rụi tất cả kho báu, phải vậy không A-nan?

A-nan thưa:

– Đúng vậy, thưa Bà-già-bà, Đúng vậy, thưa Tu-già-đà. Phật nói:

– Đúng vậy, đúng vậy. Này A-nan, khi pháp bảo thiện căn vô thượng của Ta tu tập trong ức nado-tha a-tăng-kỳ kiếp bị hoại diệt, thì có các Tỳkheo tâm không kính tín, hủy phá tịnh giới, làm các pháp ác, ở chỗ ca múa cho là bậc nhất, không thích ly dục để tu hạnh thiền định, tâm luôn tán loạn, dãi đãi biếng nhác, ít lắng nghe pháp, không thích đọc tụng, làm sao có thể vì người khác mà phân biệt hiển nói khiến cho họ được nghe, gìn giữ pháp bảo. Lại nữa A-nan, ví như quán đảnh Sát-lợi đại vương có một người con đi ở phương xa. Sát-lợi vương đó thân bị bệnh nặng, vì bệnh nặng khó qua khỏi nên Sát-lợi vương đem các kho bảo vật trao gửi cho đại thần trưởng giả và nói thế này: Khi con của ta trở về, ông nên trang trí vương vị thỉnh nó lên làm vua và đem các kho báu trao cho nó. Các đại thần trưởng giả, mỗi người đều nhận vật vua gửi. Trao gửi vật xong, vua liền mạng chung. Sau khi vua mạng chung người con trở về liền lên ngôi vua. Thái tử lên ngôi được đầy đủ tự tại, mà các đại thần trưởng giả không trả lại kho tàng bảo vật và thưa thế này: Đại vương vạn tuế, cha của ngài đem bảo vật đây tặng cho chúng tôi. A-nan, ý ông nghĩ sao? Đại thần trưởng giả nhận giữ bảo vật của vua ấy, đối với vua họ có lỗi chăng?

A-nan thưa:

– Đúng vậy, thưa Bà-già-bà. Đúng vậy, thưa Tu-già-đà. Họ có lỗi. Phật bảo A-nan:

– Đi ở phương xa là dụ cho năm cõi của chúng sinh, bệnh là dụ cho Phật muốn nhập Niết-bàn, nhiều kho bảo vật là dụ cho ba mươi bảy trợ đạo thiện pháp, đại thần trưởng giả là dụ cho các A-lahán, trao gửi bảo vật là dụ Ta đem pháp bảo của Ta tu tập trong ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp phó chúc cho ông và cho các đệ tử đời vị lai. A-nan, đời vị lai có các chúng sinh xưa kia ở chỗ Ta đã thành thục, nhưng vì nghiệp ác nên đọa trong địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Sau khi Ta diệt độ, những chúng sinh đó ở nơi ấy mạng chung, sinh trong loài người có các căn thành thục tăng trưởng, ở trong pháp ta tâm sinh kính tín, có người được xuất gia, có người tại gia, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến có người đắc quả A-la-hán; có người ở học địa mà mạng chung, có người đối với Phật địa mà khởi lòng tin sâu sắc, có người gieo các căn lành cõi trời, người. A-nan, họ sẽ được đầy đủ lợi ích như vậy. A-nan, có người được tâm kính tín, nói thế này: Đức Từ Phụ của thế gian khéo phó chúc cho chúng ta, làm cho chúng ta tăng trưởng thêm lòng kính tín. A-nan, Ta vì những chúng sinh đó nên đem pháp bảo này phó chúc cho ông, ông nên làm cho những chúng sinh đó được nghe tạng pháp bảo đây vậy. Do đó A-nan, ông nên đem tạng pháp bảo vĩ đại của Ta làm cho những người thiện nam, thiện nữ tịnh tín... được nghe pháp vậy. A-nan, nếu ông không làm cho những chúng sinh đó được nghe pháp thì ông sẽ có lỗi với Như Lai. Vì sao vậy? Anan, vì những người thiện nam, thiện nữ đó nếu được nghe tạng pháp bảo vĩ đại này thì có người được thành tựu hạnh thù thắng, hoặc có người hết lòng vui thích, hoặc có người nghe thường rơi lệ, xúc động toàn thân. A-nan, nếu có người nghe pháp môn này, niệm công đức của Phật vui mừng rơi lệ, xúc động toàn thân thì Ta thọ ký những chúng sinh đó, vì căn lành đây đều đắc Niết-bàn.

QUYỂN 5

Phẩm 13: TRỒNG CĂN LÀNH

Lại nữa, này A-nan! Nếu có Tỳ-kheo thọ trì các pháp môn này rồi, có các tịnh tín thiện nam, thiện nữ muốn được thính pháp nên đến nghe, Tỳ-kheo đó lại không diễn nói. A-nan, Tỳ-kheo đó là oán thù của Như Lai. Vì sao vậy? Vì những người này cần làm pháp khí, muốn nghe pháp mà Tỳ-kheo này không vì họ diễn nói, nên họ không được nghe. Vì không được nghe nên căn lành của họ thoái mất, cũng làm cho căn lành của nhiều người khác thoái mất. Tại sao như vậy? Tại vì Tỳ-kheo đó không biết là có nên nói hay không nên nói. A-nan, Ta vì muốn làm cho nghĩa này sáng tỏ nên nói thí dụ. Ví như thương nhân mang nhiều bảo vật đi bán. Đến giữa con đường hiểm hoang vắng rộng lớn, thương nhân bày các bảo vật trên đất, rao gọi quân cướp: Bảo vật đây của ta hiếm có, khó được, ông trả được giá, ta sẽ bán cho. A-nan, lúc đó quân cướp trong khu đồng vắng liền cầm đao, gậy đánh các thương nhân và cướp lấy bảo vật của họ. A-nan, ý ông nghĩ sao? Các thương nhân đó, có thể ở nơi hoang vắng bày các bảo vật, rao gọi quân cướp mua bảo vật của mình không?

A-nan thưa:

– Các thương nhân đó còn không nên ở chỗ hoang vắng nguy hiểm mở các bảo vật, huống nữa là kêu gọi bọn cướp.

Thưa Thế Tôn! Đúng ra, thương nhân đó phải bỏ các vật chân bảo trong thùng kín chắc chắn, thân mặc áo giáp, tay cầm đao gậy để tự phòng vệ đi qua chỗ hoang vắng cho được an ổn. Việc này phải làm như vậy.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

– Lại có thương nhân cũng mang các chân bảo từ phương xa lại, đến các thành ấp, phố chợ đông người. Đến nơi, thương nhân này bày các bảo vật ra trên đất. Nơi đó, có người đến mua bảo vật, các thương nhân ở phương xa này tay cầm đao, gậy đánh người mua bảo vật. A-nan, ý ông nghĩ sao? các thương nhân này có được gọi là sáng suốt không?

A-nan thưa:

– Không, thưa Thế Tôn! Không, thưa Bà-giàbà! Thưa Thế Tôn! Các thương nhân cần phải nói thế này: Thưa vật đây của tôi hiếm có, khó được, ông trả được giá, tôi sẽ bán cho. Thưa Đức Thế Tôn: Các thương nhân này cần phải làm như vậy, chớ chẳng phải bày các bảo vật xong, mặc áo giáp, tay cầm đao, gậy đánh lại người mua.

Phật nói:

– Này A-nan! Có các Tỳ-kheo thọ trì thông suốt các tạng pháp bảo, nghĩa là thông suốt: tu-đa-la, kỳ-dạ, già-đà, tỳ-gia-ca-la-na, ưu-đà-na, ni-đà-na, a-ba-na, y-đế-tỳ-lợi-đa-ca, sà-đa-ca, tỳ-phất-lượca- phù-đà-đạt-ma, ưu-ba-đề-xá, vậy mà, đối với những người cần làm pháp khí, Tỳ-kheo đó chẳng vì họ diễn nói nên họ không được nghe. Vì không được nghe nên tâm thiện của họ không sinh. Vì tâm thiện không sinh nên họ chẳng được gieo các căn lành, tu hạnh thù thắng và Bát-niết-bàn. Còn những người không phải là pháp khí thì Tỳ-kheo đó lại diễn nói cho họ. Họ nghe rồi, nhưng không sinh được tâm thiện, tâm ưa muốn, tín tâm. Vì tâm thiện không sinh nên chẳng được giải thoát, người này liền trở lại sinh tâm hủy báng, nói điều không tốt; tạo các ác nghiệp, đọa trong ba đường ác. A-nan, giống như thương nhân ngu si kia, chỗ cần mở bảo vật thì không mở, chỗ không cần thì liền mở bày, chỗ cần cho lại không cho, chỗ không nên cho thì lại đem cho. A-nan, như có người tịnh tín thiện nam, thiện nữ tâm lành thanh tịnh thích nghe pháp. Đó là bậc pháp khí đến nghe pháp, cần phải nói cho họ thì lại không nói. Ngược lại, với người không phải là pháp khí thì đem nói cho họ. Do vậy A-nan, nếu có người có thể làm bậc pháp khí lòng tin thâm sâu, muốn cầu Niết-bàn thì phải nên vì họ mà giảng nói. Nếu có người không có khả năng làm bậc pháp khí, không có lòng tin, làm hạnh ác, phá giới, soi mói lỗi người, không muốn cầu người khác chỉ lỗi cho mình, muốn làm trái đạo, không thuận theo chánh pháp Phật nhãn thì không nên giảng nói cho họ. Vì sao vậy? Vì chớ làm cho những người ngu si đó nghe pháp này mà tội báo thêm lớn. Do đó Anan, ông phải nên học như vậy. Nếu có người thiện nam, thiện nữ cần làm bậc pháp khí thích nghe pháp thì phải hết lòng nói pháp cho họ, những người nghe pháp cũng phải thâu giữ tâm, chuyên nhất lắng nghe. A-nan, như vậy cả hai đều có khả năng sinh được khối công đức rộng lớn vô lượng a-tăng-kỳ. A-nan, ý ông nghĩ sao? Cõi đất và cõi chúng sinh, cõi nào nhiều hơn?

A-nan thưa:

– Như con hiểu nghĩa Phật nói thì cõi chúng sinh nhiều, chẳng phải cõi đất.

Phật nói:

– A-nan, đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói, cõi chúng sinh nhiều, chẳng phải cõi đất, cũng chẳng phải cõi nước, lửa. A-nan, cho đến có chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới khác, có người biết, có người không biết, có người thấy nghe, có người không thể thấy nghe. Giả sử trong một sátna, một la-bà, một ma-hầu-đa khoảnh, tất cả những chúng sinh này cùng lúc đều được làm thân người.

Trong một sát-na, một la-bà, một ma-hầu-đa khoảnh tất cả đều thành thân nam, chứng đắc quả Duyên giác Bồ-đề. A-nan, cho đến vô lượng, vô biên trong các thế giới có đất. Các hạt đất này nhiều chẳng thể biết, hạt đất như vậy đều là vi trần. Giả sử các vi trần đó đều được làm thân người, thành thân người nam. Thành thân nam rồi, trong một sát-na, một la-bà, một ma-hầu-đa khoảnh; tất cả đều đắc thành Duyên giác Bồ-đề. Lại nữa A-nan, vô lượng vô biên trong các thế giới có núi Tu-di, núi Thiết vi, núi đại Thiết vi, núi Tuyết, núi Hương và núi đen khác, cho đến cỏ cây, rừng rậm trong ba ngàn đại thiên thế giới đều làm vi trần, có người biết, có người không biết, có người thấy nghe, có người không thể thấy nghe. Tất cả vi trần đố đều được làm thân người, thành thân nam. Trong một sát-na, một la-bà, một ma-hầu-đa khoảnh; giả sử, cùng một lúc họ đều đắc thành Duyên giác Bồ-đề. A-nan, giả sử các Duyên giác đó, thọ mạng từ đời quá khứ đến cuối đời vị lai, thọ mạng trụ thế chẳng thể biết được. Trong chúng sinh chứng Duyên giác đó, có một người không chứng đắc Duyên giác Bồđề. Nhưng người này làm đại trưởng giả cũng từ quá khứ đến cuối đời vị lai, tuổi thọ trong thời gian đó chẳng thể biết được. Trưởng giả đó cũng tùy theo thời gian thọ mạng của mình mà cúng dường vô số các Phật-bích-chi: đồ ăn, thức uống, y phục, giường ghế, đồ nằm, thuốc thang. Tự thân dâng đầy đủ tất cả sự ưng ý, an vui; cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường Phật-bích-chi. Nếu Phậtbích-chi nhập Niết-bàn thì người đó xây tháp bảy báu, dùng các cờ phướn, lọng báu của trời, người; các loại tràng hoa, hương xoa, hương bột cho đến hương đốt, y phục, âm thanh, kỹ nhạc, ca múa tối thượng bậc nhất trong cõi trời, người; cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường đầy đủ. A-nan, ý ông nghĩ sao? Ông đại trưởng giả đó được phước nhiều không?

A-nan thưa:

– Như con hiểu nghĩa Phật nói; nếu hay cung kính, tôn trọng, cúng dường một Phật-bích-chi thì được phước đức nhiều vô lượng, chẳng thể tính đếm, không gì bằng, không có giới hạn, không thể nghĩ bàn; huống nữa là người ấy cúng dường vô số các Phật-bích-chi tùy theo tuổi thọ của mình, cho đến Đức Phật-bích-chi diệt độ thì ông ấy xây tháp, cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

– Ta nay dùng sự thật bảo ông, như Phật-bíchchi đầy đủ cả giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, thọ nhận đủ loại sự cúng dường của trưởng giả đó. Cũng có một vị Như Lai Ứng Chánh Biến Tri xuất hiện ở đời, chẳng thuyết pháp cũng chẳng thọ nhận sự cúng dường: quần áo, đồ ăn, thức uống, giường ghế, đồ nằm, thuốc thang của trưởng giả đó. Nhưng trưởng giả đó, chỉ thấy Như Lai Ứng Chánh Biến Tri thị hiện ở đời, với các oai nghi bình thường. A-nan, cúng dường Phật-bích-chi đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến thì thu được phước đức nhiều gấp bội trăm ngàn ức nado-tha, nhưng không bằng phước đức của trưởng giả, thấy Phật Như Lai với các oai nghi bình thường, thị hiện ở đời. Vì sao vậy? Vì Phật Như Lai đầy đủ vô lượng a-tăng-kỳ công đức lớn, chẳng thể nghĩ bàn. A-nan, chư Phật Như Lai, chỉ dùng oai nghi mà phước đức căn lành còn không cùng tận biên tế, huống gì là các công đức lành vô lượng của Như Lai. A-nan, nếu ở chỗ Phật-bích-chi, tu hành cúng dường thì thu được phước đức vô lượng a-tăng-kỳ. Nếu ở chỗ Phật, tu hành cúng dường cũng được phước đức vô lượng không có giới hạn. Như vậy, có gì sai khác. A-nan, sự cúng dường đó, chẳng phải là không sai khác. A-nan, ví như có người vì tìm cầu tài lợi nên đi ở phương khác, được lợi rồi liền trở về nhà. A-nan, nếu cúng dường Phật-bích-chi, thu được phước đức so với Phật Như Lai cũng như vậy. A-nan, nếu lại có người ở chỗ chư Phật, tu hạnh cúng dường thì được phước đức chẳng thể ví. Vì sao vậy? A-nan, vì nếu ở chỗ Phật, tu hành cúng dường thì được phước đức vô lượng a-tăng-kỳ, chẳng thể nghĩ bàn, không gì bằng, không gì sánh, không có ranh giới, chẳng thể cùng tận. A-nan, nếu ở chỗ Phật, tu hành cúng dường thu được phước đức. Ta sẽ vì ông mà nói thí dụ. Những người trí nhờ thí dụ này mà được hiểu. A-nan, thí như có họa sĩ vẽ rất đẹp, nhưng trong ấy còn có một vài chỗ thô, vụng, không sắc sảo. Lại có họa sĩ khác cũng vẽ như vậy, nhưng nét vẽ tinh tế, sắc sảo hơn trước. Cũng vậy A-nan, nếu ở chỗ Phật-bích-chi, tu hạnh cúng dường thì phước đức thu được, so với ở chỗ Phật, tu hạnh cúng dường, phước đức thu được cũng như vậy. Vì sao vậy? Anan, vì trí của Ngài như vậy, nên gọi là Phật-bíchchi. Trí của Phật-bích-chi đều sinh từ trí tuệ của Như Lai. Nhất thiết chủng trí của chư Phật Như Lai siêu việt hơn trí trước. Vì vậy A-nan, nếu ở chỗ Phật, cho đến trọn đời cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường quần áo, đồ ăn, thức uống, giường ghế, đồ nằm, thuốc thang; thu được phước đức nhiều lắm phải không?

A-nan thưa:

– Đúng vậy, thưa Bà-già-bà. Đúng vậy, thưa Tu-già-đà. Nếu ở chỗ Phật, cho đến trọn đời cung kính cúng dường, thu được phước đức rất nhiều vô lượng. Thưa Thế Tôn! Nếu ở chỗ Phật, cho đến chỉ phát một tâm kính tín, thu dược phước đức còn nhiều vô lượng, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tính đếm; huống nữa là có người ở chỗ Như Lai, cho đến trọn đời cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường.

Phật lại bảo:

– Không những có người, trọn đời cúng dường đầy đủ vật dụng ưng ý cho một Phật Như Lai, mà còn cúng dường cho hai, ba, bốn, năm, cho đến mười Đức Phật, hoặc hai mươi, ba mươi, cho đến trăm Đức Phật, ngàn Đức Phật, trăm ngàn Đức Phật, ức Đức Phật, trăm ức Đức Phật, ức na-dotha, trăm ức na-do-tha, ngàn ức na-do-tha, trăm ngàn ức na-do-tha Đức Phật, cho đến vô lượng Như Lai Ứng Chành Biến Tri trong Diêm-phù-đề. Cùng khắp trong bốn đại châu, ngàn thế giới, hai ngàn thế giới, ba ngàn đại thiên thế giới, có trăm ức mặt trời, mặt trăng; trăm ức núi Tu-di, trăm ức núi Thiết vi, trăm ức biển lớn, trăm ức cõi Diêmphù-đề, trăm ức cõi Uất-đan-việt, trăm ức cõi Phấtbà-đề, trăm ức cõi Cù-đà-ni, tám vạn Châu chữ cùng các quyến thuộc, trăm ức tứ thiên hạ, trăm ức trời Tứ Thiên vương, trăm ức trời Ba mươi ba, trăm ức trời Tu-dạ-ma, trăm ức trời Đâu-suất-đà, trăm ức trời Hóa lạc, trăm ức trời Tha hóa tự tại, trăm ức trời Phạm, cho đến trời A-ca-nị-tra. Đây là những địa danh trong ba ngàn đại thiên thế giới. Những địa danh đó, đều đầy ắp chư Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, nhiều như mía, như trúc, như cỏ lau, như rừng Khư-đà-lợi, như rừng Ca-sa. Các Đức Như Lai đó, thọ mạng lâu dài hằng hà sa kiếp. Bấy giờ, có trưởng giả, thọ mạng cũng như vậy. Ông trọn đời luôn cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường quần áo, đồ ăn, thức uống giường ghế, đồ nằm, thuốc thang cho các Đức Như Lai đó. Sau khi các Đức Phật diệt độ, trưởng giả xây tháp bảy báu, cung kính tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường đầy đủ mọi thứ tuyệt hảo như: cờ phướn, lọng báu vi diệu của chư Thiên, các loại hương hoa, hương xoa, hương bột, các loại tràng hoa, hoa sen vi diệu, hoa Ưu-ba-la, hoa Câu-mưu-đầu, hoa Phân-đà-lợi, đầy đủ các loại âm nhạc, ca múa. A-nan, ý ông nghĩ sao? Đại trưởng giả đó, thu được phước đức nhiều lắm phải không?

A-nan thưa:

– Đúng vậy, thưa Bà-già-bà! Đúng vậy, thưa Tu-già-đà. Đại trưởng giả đó, đối với một Đức Như Lai, dùng các đồ ăn, thức uống thơm ngon cúng dường thu được phước đức còn nhiều vô lượng, không thể tính đếm, huống nữa là ở chỗ chư Phật, trụ hằng hà sa kiếp như vậy, mà thiết đãi đầy đủ, cung kính tôn trọng, khiêm tốn cúng dường. Cho đến các Đức Phật đó diệt độ thì ông xây tháp bảy báu, cúng dường đủ loại; thu được phước đức chẳng gì sánh bằng.

Phật lại bảo:

– Nay Ta dùng sự thật dạy ông. Nếu trưởng giả đó ở chỗ chư Phật, tùy theo tuổi thọ của mình mà cung kính, tôn trọng khiêm tốn cúng dường, cho đến lúc Phật đó diệt độ thì xây tháp bảy báu, cúng dường các loại thắng diệu, thu được phước đức. Anan, nếu có người thiện nam, thiện nữ; trong lúc các Đức Như Lai phân biệt diễn nói đạo Bồ-đề, mà ưa thích tin hiểu, tin sâu đầy đủ pháp là lời lành, tăng là người tu hành phát tâm lành, tin hiểu các hành đều là vô thường, đều là khổ, đều là không; tất cả pháp vô ngã, Niết-bàn vắng lặng. A-nan, đem phước đức thu được nhờ sự tin hiểu này, so với phước đức trước thì hơn hẳn. A-nan, nếu lại có người tin hiểu các pháp bảo tạng như vậy, rồi vì người khác diễn nói thì thu được phước đức rộng lớn như vậy, vô lượng như vậy, a-tăng-kỳ như vậy, chẳng thể nghĩ bàn như vậy, không gì bằng như vậy, không có giới hạn như vậy. Vì sao? A-nan, vì pháp bảo như vậy, pháp tạng vô thượng đầu, giữa, cuối đều thiện. Nếu có người tu hạnh bố thí như vậy thì thu được phước đức so với pháp tạng này giống như cỏ, rác. A-nan, phải biết như vậy. Vì sao? A-nan, vì thế gian bố thí như vậy là pháp hữu lậu sinh tử. A-nan, trong vô lượng a-tăng-kỳ ức nado-tha kiếp, đoạn trừ sinh tử, lìa các tạp thực lưu chuyển, Ta mới được tập pháp tạng này. A-nan, nếu có chúng sinh nghe pháp tạng đây, từ pháp sinh này mà được giải thoát, cho đến được giải thoát pháp già, chết, ưu bi, khổ não. A-nan, Ta quán nghĩa đây nên nói như vầy: Có hai loại người được phước đức lớn. Một là người hết lòng ân cần vì người khác diễn nói, hai là người chí tâm lắng nghe.

Phật nói vậy rồi, Tuệ mạng A-nan bạch:

– Thưa Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ đầy đủ sự thâm tín, tu hạnh như thật, ưa thích, tin hiểu, phân biệt các pháp: pháp là lời lành, tăng là người tu hành phát tâm lành, tin hiểu tất cả các hành là vô thường, khổ, không, tất cả pháp vô ngã, Niết-bàn vắng lặng. Người tư duy, chánh niệm thâm sâu như vậy thì được bao nhiêu phước?

Phật bảo:

– A-nan, nếu có người chỉ biết pháp là lời lành, tăng là người tu hành phát tâm lành; người thiện nam, thiện nữ này thâu giữ tâm lắng nghe, suy nghĩ chân chánh thâm sâu, cho đến trong khoảng khảy móng tay, được nghe pháp rồi, suy nghĩ chân chánh thâm sâu: pháp là lời lành, tăng là người tu hành phát tâm lành thì ngay lúc đó, người này được phước vô lượng vô biên. Huống nữa là người thiện nam, thiện nữ thâu giữ tâm lắng nghe, suy nghĩ chân chánh thâm sâu, lắng nghe pháp rồi cho đến trong khoảng khảy móng tay, tu hành như thật, hiểu biết tất cả các hành là vô thường, khổ, không, các pháp là vô ngã, Niết-bàn vắng lặng. A-nan, nếu vô lượng vô biên trong các thế giới, có tất cả các cõi chúng sinh, trong một sát-na, một la-bà, một ma-hầu-đa; giả sử một lúc đều làm thân người. Được thân người rồi, trong một sát-na, một la-bà, một ma hầu đa; giả sử cùng lúc họ đối với quả vị

Tuệ Giác Vô Thượng, chứng đắc Đẳng Chánh Giác. Các Đức Như Lai đó, giả sử thọ mạng từ đời quá khứ chẳng thể biết được, ở đời vị lai cũng như vậy. A-nan, giả sử trong các chúng sinh này, chỉ có một người đối với quả vị Tuệ Giác Vô Thượng, chẳng thành Chánh Giác, nhưng người này làm đại trưởng giả, tuổi thọ cũng từ đời quá khứ chẳng thể biết, ở đời vị lai cũng như vậy. Bấy giờ, trưởng giả cho đến trọn đời, dùng đủ các thứ vui, y phục, đồ ăn, thức uống, giường ghế, đồ nằm, thuốc thang; cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường các Như Lai đó. Sau khi các Đức Như Lai nhập Niếtbàn thì ông xây tháp bảy báu, trọn đời luôn cung kính, tôn trọng, khiêm tốn cúng dường cờ phướn, lọng báu, tất cả tràng hoa, hương xoa, hương bột. A-nan, ý ông nghĩ sao? Trưởng giả đó thu được phước đức nhiều lắm phải không?

A-nan thưa:

– Nếu trưởng giả đó cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường một Phật Như Lai thì thu được phước đức vô lượng, chẳng thể tính đếm, chẳng thể nghĩ bàn, không gì bằng, không giới hạn. Huống nữa là ở chỗ chư Phật như vậy, trưởng giả đó tùy theo tuổi thọ của mình mà cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường thì thu được phước đức chẳng thể nghĩ lường.

Phật nói:

– A-nan! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Đúng là trưởng giả thu được phước đức chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy A-nan, nay Ta dùng sự thật bảo ông. Nếu trưởng giả đó ở chỗ chư Phật, tùy theo tuổi thọ của mình mà cung kính, tôn trọng, khiêm tốn, cúng dường, thu được phước đức. Nếu lại có người thâu giữ tâm lắng nghe pháp, suy nghĩ chân chánh thâm sâu, cho đến trong khoảng khảy móng tay, ưa thích tin hiểu pháp là lời lành, tăng là người tu hành phát tâm lành, tin hiểu tất cả các hành là vô thường, khổ, không; tất cả các pháp là vô ngã, Niết-bàn vắng lặng thì thu được phước đức không thể so sánh, không thể biết được. A-nan, như trước Ta đã nói, có hai loại người được phước rất nhiều. Một là người hết lòng vì người khác giảng nói, hai là người chuyên cần chí tâm lắng nghe.

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói kệ:

Vì hai loại nghĩa này
Cần nghe lời Phật dạy
Các lậu, hành đều dứt
Gần thánh, thành Bồ-đề
Nếu có người nói pháp
Và nghe chánh pháp Phật
Cả hai được nhiều phước
Khéo dựng cờ chánh pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:

– Có hai hạng người cùng ma Ba-tuần chiến đấu quyết liệt. Đó là hai hạng người nào? Một là người hết lòng vì người khác giảng nói, hai là người chuyên cần chí tâm lắng nghe. Vì sao vậy? A-nan, vì người như vậy, phạm hạnh tròn đầy. Đó là thiện tri thức và các bạn của thiện tri thức, tâm lành gieo khắp. Vì sao vậy? A-nan, vì nếu có chúng sinh gặp thiện tri thức, gặp tri thức rồi, từ “sinh” được giải thoát, cho đến được giải thoát pháp già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não. A-nan, việc này trước đây, Ta đã nói cho các Thanh văn. Có hai nhân duyên năng sinh chánh kiến: một là nghe pháp từ người khác, hai là nội chánh tư duy. Nghe từ người khác nghĩa là, nên biết nghe từ Phật. Nội chánh tư duy cũng là biết từ Phật. Vì sao vậy? A-nan, vì khi Phật chưa xuất hiện ở đời, các phàm phu tự mình không thể nội chánh tư duy. Khi Phật xuất hiện ở đời, dạy cho các phàm phu làm việc như vậy. Anan, Ta quán nghĩa này nên nói là: nội chánh tư duy cũng từ Phật sinh ra.

Khi đó, Đức Thế Tôn nói kệ:

Lành thay bậc trượng phu
Gặp được thêm trí tuệ
Nếu có người dứt nghi
Làm cho tuệ được sáng
Gặp thánh giả được vui
Ở chung lại vui hơn
Như người thường an lạc
Chẳng thấy các phàm ngu?

Vì vậy A-nan, Ta vì nghĩa này nên tùy nghi diễn nói, người phạm hạnh tròn đầy là Thiện tri thức và các bạn lành, hay sinh tâm thiện tiếp nối không dứt. Vì sao vậy? A-nan, vì nếu có chúng sinh gặp Thiện tri thức, được sinh tâm lành, sinh tâm lành rồi thì được lòng tin. Được lòng tin rồi thì việc làm đều lành, làm việc lành rồi thì được pháp lành, được pháp lành rồi, an trụ pháp lành; an trụ pháp lành rồi, hết lòng kính trọng đối với Phật Thế Tôn, cũng hết lòng kính trọng đối với pháp và tăng thì sẽ được giới của bậc thánh ưa thích, giới tự tại, giới được bậc trí khen, giới đưa đến Niết-bàn. Anan, giống như mưa từ mây rơi xuống, trước là đầy ao nhỏ, ao nhỏ tràn đầy rồi thì đầy ao lớn. Ao lớn tràn đầy rồi thì đầy sông nhỏ. Sông nhỏ tràn đầy rồi thì đầy sông lớn. Sông lớn tràn đầy rồi thì đầy biển cả. Như vậy A-nan, nếu có người thiện nam, thiện nữ ở chỗ chư Phật, nghe Phật thuyết pháp rồi, được lực thiện căn. Có lực thiện căn rồi thì được làm bạn với người thiện. Được làm bạn với những người thiện thì ý niệm thiện luôn phát sinh. Ý niệm thiện phát sinh rồi thì được thiện tối thắng. Được thiện tối thắng rồi thì được tâm thiện. Được tâm thiện rồi, cho đến phát tâm tu hành thuận pháp, như pháp, tuyệt đối thay đổi, tuyệt đối trong sạch, tuyệt đối phạm hạnh, tuyệt đối tối hậu. A-nan, ông xem tất cả ngoại vật đồng thời sinh trưởng như vậy, khi thành hoa quả không có hư rụng; huống là việc thiện các ông làm lẽ đâu có hư mất. Nếu nó hư mất thì điều này không có. Vì vậy A-nan, các ông phải nên tu hành các hạnh lành. không có chúng sinh nào tu các hạnh lành mà không được quả, bị hư mất. A-nan, Ta cũng từng tu tất cả hạnh lành không có hư mất. A-nan, khi xưa Ta tu hành hạnh Bồ-tát, tu tất cả các công đức lành, được tất cả các quả báo không có hư mất. A-nan, ông xem đoạn đường Như Lai đi. Nơi đó, có gò đồi, hầm hố; chỗ cao thấp biến thành bằng phẳng, chỗ có hố xí hôi thối biến thành trong sạch, hương thơm tinh khiết; chỗ có gốc cây, bụi rậm, lùm cỏ gai xấu, uế tạp đều ẩn mất, biến thành tốt đẹp, đều nghiêng mình cúi đầu. Thọ thần hiện thân nghiêng mình lễ bái. Đường lớn, hẻm nhỏ trong thành ấp, có các chúng sinh thấy Phật Như Lai, liền đi theo. Sau khi Như Lai đi qua, mọi vật nơi đó đều trở lại như cũ. A-nan, ông quán Như Lai trong đời quá khứ, ở chỗ chư Phật, Bồ-tát, Thiện tri thức, Thanh văn, Duyên giác, sư tăng, cha mẹ, người già, người lớn, Samôn, Bà-la-môn; Ta đều nghiêng mình cúi đầu, nên được quả báo thù thắng như vậy. Tất cả ngoại vật thấy chư Phật rồi, phải nên cúi đầu thì liền cúi đầu, chỗ cao khiến thành thấp, chỗ thấp khiến thành cao, các chỗ thấp cao đều bằng phẳng. Anan, ông xem tất cả các phàm phu ngu si đối với các bậc tôn trưởng, không hạ mình cung kính, cũng chẳng lễ bái, kiêu mạn tự thị. Vì kiêu mạn nên bị hại, vì kiêu mạn nên bị ràng buộc. A-nan, ông xem bàn tay, bàn chân của Như Lai có màng da mềm mỏng như lụa, tất cả đều do hạnh lành mà được. Anan, ông xem Như Lai, khi xưa tu hạnh lành, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự; dùng căn lành này thâu giữ chúng sinh chẳng có phân biệt, đây là cha Ta, đây là mẹ Ta, anh em Ta, chị em Ta, bạn bè thân thích của Ta. A-nan, Ta đối với chúng sinh chỉ có một vị bình đẳng, tâm không phân biệt sai khác. A-nan, từ lâu Ta đối với tất cả chúng sinh, không một ai mà không được Ta thâu nhận bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Thâu giữ phàm phu ngu si như vậy, nhưng họ không biết, trước đây Ta đã vì căn lành nhân duyên phước đức mà thọ các quả báo sinh tử. A-nan, đối với chúng sinh, Ta bố thí căn lành của mình nên được phước vui, tự thân quá nhiều lần tu các nghiệp lành mới được quả báo. Anan, những vui thú của tất cả thế gian, đều là pháp biến dịch vô thường. Như thú vui đây là vô thường vậy. Khi xưa, Ta tu hành hạnh Bồ-tát, vì muốn các phàm phu thành thục Phật đạo, khiến được cái vui vô lậu, vô vi của bậc thánh. Chính niềm vui vô lậu là thường hằng không biến đổi, không bị bại hoại. Vì vậy A-nan, nên tu các nghiệp thánh trí như vậy. Người tu các nghiệp thánh trí này, gọi là chánh nghiệp. Như vậy A-nan, khi xưa Ta cũng từng tu các nghiệp thiện thánh trí này. A-nan, Ta nói các hạnh khác: Nếu có chúng sinh vì Niết-bàn, cho đến chỉ phát tâm tạo ít căn lành, gieo các chủng tử, nghe Phật Như Lai nói những diệu pháp, hiểu nghĩa thâm sâu nhớ nghĩ Như Lai, có người tâm sinh ái kính, rơi chảy nước mắt; có người thở dài, có người lông dựng đứng. Nếu những người này đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, thì điều này không có. Nếu người này đối với quả Bồ-đề mà chẳng được rốt ráo, thì điều này cũng không có. A-nan, lại có chúng sinh nhớ nghĩ Như Lai, đối với pháp giác ngộ có người rơi lệ, có người lông dựng đứng, có người than thở. A-nan, chớ cho là quái lạ, những chúng sinh đó nếu đọa trong đường ác, địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ thì điều đó không có. Do vậy Anan, ông chớ có phóng dật, phải nên chuyên cần tu các nghiệp thiện phương tiện. A-nan, chư Phật Thế Tôn vì không phóng dật nên chứng đắc Bồ-đề, cũng vì không phóng dật nên đắc được pháp trợ đạo. A-nan, nếu có người khéo ghi nhận lời day như vậy, có người cầu lợi ích, người cầu an lạc, người cầu thương xót thì phải nên khởi tâm từ bi, phải làm như vậy. Điều cần làm, Ta đã làm xong. Nay các ông cũng phải nên làm, chớ để cho chân đạo như vậy bị đoạn tuyệt, cũng chớ để cho chánh pháp Phật nhãn bị đoạn mất. A-nan, ông phải làm cho pháp nhãn của Phật được an trụ lâu dài, lưu hành rộng khắp trong các cõi trời, người. A-nan, nay Ta đem Chánh Pháp Bảo Tạng này phó chúc cho ông, ông chớ để diệt mất, phải làm như vậy.

Đó là lời dạy của Ta.

Phẩm 14: HỎI – ĐÁP

Bấy giờ, Tuệ mạng A-nan bạch Phật:

– Thưa Thế Tôn! Nay con tu hành pháp nhãn như thế nào? Nếu con tu hành Phật chánh pháp nhãn, con làm thế nào để truyền bá chánh pháp được rộng khắp, lâu dài trong các cõi trời, người? Thưa Thế Tôn! Con phải kiết tập pháp nhãn như thế nào? Hiển nói thế nào?

A-nan thưa như vậy rồi, Phật bảo:

– A-nan! Sau khi Ta diệt độ, lúc các Đại đức, các chúng Tỳ-kheo kiết tập pháp Tỳ-ni, thì Đại đức Ma-ha Ca-diếp làm vị thượng thủ. A-nan, Đại đức đó cùng các chúng Tỳ-kheo sẽ hỏi ông như vầy: Đức Thế Tôn nói Đại sư Bà-đà-na ở đâu? Phật nói Ma-ha ni-đà-na ở chỗ nào? Phật nói Đại tập pháp ở chỗ nào? Trời Đế thích hỏi pháp ở chỗ nào? Chư Thiên giáng trần chỗ nào? Phật nói kinh Phạm võng chỗ nào? Thứ lớp như vậy, các Tỳ-kheo đó sẽ hỏi ông: A-nan, Phật nói Tu-đa-la chỗ nào? Nói Kỳ-dạ chỗ nào? Nói Tỳ-gia-ca-la-na chỗ nào? Nói Già-đà chỗ nào? Nói Ưu-đà-na chỗ nào? Nói Niđà-na chỗ nào? Nói Y-đế-tỳ-lợi-đa-ca chỗ nào? Nói Xà-đa-ca chỗ nào? Nói Tỳ-phất-lược chỗ nào?

Nói A-ba-đà-na chỗ nào? Nói A-phù-đà-đạt-ma chỗ nào? Nói Ưu-ba-đề-xá chỗ nào? A-nan, Phật nói tạng Thanh văn tại đâu? Phật nói tạng Duyên giác tại đâu? Phật nói tạng Bồ-tát tại đâu? A-nan, lúc Tỳ-kheo đó hỏi như vậy rồi, ông nên đáp thế này: Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật thành Chánh giác dưới cây Bồ-đề, tại nước Ma-già-đà. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại thành Già-da. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở chỗ tu khổ hạnh, dưới cây A-xà-ba-la-ni-câu-đà, nước Ma-già-đà. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở trong vườn nai, trú xứ của tiên nhân thành Ba-lanại. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại núi Tỳ-phú-la. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại núi Bính-đề-ha, nước Ma-già-đà. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại Đại hắc phương thạch, trong núi tiên nhân thành Vươngxá. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà - Cấp Cô Độc, thuộc nước Xávệ. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại vườn cây Yêm-la, thành Tỳ-xá-ly. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại Trùng các giảng đường của Tinh xá Trúc lâm bên bờ hồ Di-hầu, thành Tỳ-xály. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở bên hồ Kiệt-già, thành Chiêm-ba. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở trên đỉnh núi Già-da. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di, Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại vườn A-du-đà, rừng Ca-la-ca, thành Ba-chỉđa, Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại vườn Ni-câu-đà, thành Ca-tỳ-la thuộc trú xứ của dòng họ Thích. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại vườn Câu-lưu-tra, thành Ba-ly- phất. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở trong rừng Tần-đà, thành Ma-du-la. Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở giữa hai cây Ta-la, bên sông A-lợi-la-bạt-đề, thuộc đất Lực Sĩ sinh, thành Câu-thi-na. A-nan, vì Phật nói pháp khắp nơi, khắp chốn, thứ lớp như vậy, nên đại chúng cũng tùy theo đó mà tập hội. Ta tùy theo thời tiết, tùy theo cú nghĩa, tùy theo nhân duyên, tùy theo nhân duyên phát khởi hỏi đáp, tùy theo người, tùy theo sự việc; vì muốn phân biệt, hiển bày trí tuệ của họ. Ta tùy theo danh, vị, cú, nghĩa, mà diễn nói đủ loại theo thứ lớp. Tùy theo đầu mối nhân duyên, Ta vì người mà nói rộng thiện nghĩa, thiện vị. Phật nói kinh rồi, tất cả đại chúng đều rất hoan hỷ, vâng giữ phụng hành. Này A-nan, ông phải kiết tập pháp nhãn như vậy, phân biệt hiển nói đủ loại như vậy, Như Lai Ứng Chánh Biến Tri nói lời như vậy. Tôi nghe như vầy, một thời đại địa chấn động sáu cách dữ dội, làm cho loài người run sợ, rợn tóc gáy. Đang lúc ấy, ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách, hiện bày mười tám tướng. Sáu cách chấn động là: Đông vọt lên, Tây chìm xuống; Tây vọt lên, Đông chìm xuống; Nam vọt lên, Bắc chìm xuống; Bắc vọt lên, Nam chìm xuống; chính giữa vọt lên, bốn bên chìm xuống, bốn bên vọt lên, chính giữa chìm xuống. Mười tám tướng là: động biến động, đẳng biến động; dũng biến dũng, đẳng biến dũng; chấn biến chấn, đẳng biến chấn; hống biến hống, đẳng biến hống; khởi biến khởi, đẳng biến khởi; giác biến giác, đẳng biến giác. Trong lúc đó, có vô lượng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-nala, Ma-hầu-la-già, Thích, Phạm, Hộ thế, nhân, phi nhân v.v... khóc thương rơi lệ, thưa: Bà-già-bà, sao mà Niết-bàn nhanh quá vậy! Tu-già-đà, sao mà Niết-bàn nhanh quá vậy! Con mắt của thế gian ẩn mất nhanh quá, thế gian mù tối không có mắt nhanh quá.

Tuệ mạng A-nan cũng khóc thương rơi lệ, thưa: – Bà-già-bà, sao mà Niết-bàn nhanh quá vậy! Tu-già-đà, sao mà Niết-bàn nhanh quá vậy! Con mắt của thế gian chìm mất nhanh quá, thế gian mù tối không có mắt nhanh quá.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lại bảo:

– Này A-nan, ông đừng ưu bi nữa, tất cả hữu vi, pháp sinh, pháp hữu, pháp phân biệt, pháp giác tri, pháp nhân duyên sinh, pháp hoại diệt, nếu không tan hoại thì điều này không có. A-nan, ông trong nhiều kiếp đã dùng thân, khẩu, ý hiếu thuận

Như Lai, tâm không có hai, vô lượng an lạc, không sân, không giận, không có oán hiềm. Do hiếu thuận như vậy, nên ông sẽ được đại thần thông, đại công đức như cam giá đệ nhất, cam giá vô tận. Do vậy A-nan, ông đối với bậc phạm hạnh cũng phải nên đem thân, khẩu, ý cung kính cúng dường, như cúng dường Ta vậy. Vì sao? A-nan, vì sau khi Ta diệt độ năm trăm năm, trong đời vị lai lúc pháp muốn diệt, những người trì giới, những người truyền bá chánh pháp gần như mất hết. Bọn phá giới, phi pháp hưng thịnh, hủy báng giáo pháp làm cho chánh pháp thọ mạng ngắn ngủi. Thời kỳ chúng sinh hoại diệt, thời kỳ pháp hoại diệt, thời kỳ Tỳ-kheo tăng hoại diệt; A-nan, trong thời gian lo sợ cực não đó, có các Tỳkheo không tu thân, không tu tâm, không tu giới, không tu tuệ. Bọn họ không tu thân, giới, tâm, tuệ thì tham đắm sáu thứ. Một là tham bát, hai là tham y, ba la tham đắm vật thực, bốn là tham đắm giường, ghế; năm là tham đắm nhà cửa, sáu là tham đắm thuốc thang vì bệnh gầy ốm. Bọn họ vì tham cầu y, bát thắng diệu, cho đến tham các vị thuốc thượng hảo nên cùng nhau đấu tranh, giành giựt, kiện tụng qua lại, miệng như đao kiếm, đưa đến cửa quan, phỉ báng oán ghét nhau. Họ vì y, bát, đồ ăn, thức uống, giường, ghế, nhà cửa, thuốc thang mà ganh ghét nhau, tâm không thuần thục, đối xử nhau bằng tâm xấu xa. Vì vậy A-nan, đối với bậc phạm hạnh thân, khẩu, ý hiền hòa, ông nên cung cấp cúng dường đầy đủ các vật. Tự thân các bậc phạm hạnh chẳng bị não loạn bởi thấy, nghe, hoặc thô, hoặc tế, hoặc tín, hoặc hành. Ông phải nên bắt chước như vậy. Vì sao vậy? A-nan, vì trong thời gian hết sức lo sợ - mạng trược, kiếp trược, chúng sinh trược, kiến trược, phiền não trược - người đời lúc đó chịu các khổ, bị khổ ràng buộc, bị khổ não phiền, bị mất mùa đói kém, bị bệnh dịch, bị nạn giặc, nước, lửa, hạn hán não hại, bị các trùng, sâu não hại đủ cách. A-nan, trưởng giả, Bà-la-môn, cư sĩ đó tuy bị khổ não, bị hại bức bách như vậy, mà còn có lòng tin trong sạch, cung kính tôn trọng Phật, Pháp, Tăng; luôn luôn được sinh lòng tin thâm sâu đầy đủ. Nhờ nhân duyên tin Phật, Pháp, Tăng, cho nên đối với một vị Tỳ-kheo, họ cũng sinh lòng tin sâu sắc, tu hạnh bố thí, tạo các công đức, thọ trì đọc tụng giới luật và vì người khác giảng nói. Người nghe được pháp rồi sinh tâm ái kính, hoan hỷ phấn khởi, như pháp tu hành, trồng các căn lành. Nhờ căn lành này nên khi thân hoại mạng chung, liền được sinh trong các cõi lành trời, người. A-nan, ông xem các Tỳ-kheo ác đem tín tâm xả tục xuất gia, được xuất gia rồi tham đắm y, bát, vì sáu nhân duyên này nên đọa trong ba đường ác. Người thế tục tại gia, bị khổ làm não loạn mà còn sinh kính tín, do lòng thiện căn kính tín nên được sinh thiện đạo. Vì vậy A-nan, thân, miệng, ý phải giữ luật nghi, nên nghĩ thế này: Ta nguyện lòng kính tín sớm được đầy đủ, ta nguyện được đầy đủ thâm tâm ngay thẳng, ta nguyện thân tâm được đầy đủ thiện tư duy. Vì sao vậy? A-nan, vì thân, miệng, ý chẳng thiện tư duy thì có năm lỗi. Một là vọng ngữ, hai là lưỡng thiệt, ba là lời nói thêu dệt, bốn là tham dục, năm là khi thân hoại mạng chung, đọa vào ba đường ác, sinh trong địa ngục. A-nan, người thiện tư duy thì sẽ được năm loại công đức lợi ích. Một là không vọng ngữ, hai là không lưỡng thiệt, ba là không nói lời thêu dệt, bốn là không tham dục, năm là khi thân hoại mạng chung được sinh trong các cõi lành trời, người. Lại nữa A-nan, nếu cùng tranh đấu, quyền rủa, kình cãi, tranh giành với người khác; tâm không điều hòa mềm mỏng, tâm xấu xa hại người thì có năm lỗi. Một là vọng ngữ, hai là lưỡng thiệt, ba là đối với những bậc trì giới không sinh kính tín, bốn là ngày đêm sống trong đau buồn, lo khổ vì ác ý, năm là khi thân hoại mạng chung đọa vào ba đường ác, sinh trong địa ngục. A-nan, nếu lại có người tâm luôn hiền từ, sẽ được mười một loại công đức lợi ích. Một là giấc ngủ được yên ổn, khi thức tâm luôn vui vẻ; hai là không thấy ác mộng, ba là được người và phi nhân thương mến, bốn là được chư Thiên bảo hộ, năm là ác độc chẳng hại được, sáu là không bị tổn thương bởi đao, tên; bảy là không bị thiêu đốt, tám là không bị chết chìm, chín là được y phục tốt, đồ ăn, thức uống, giường ghế, nệm lót, thuốc thang thắng diệu; mười là được pháp thượng nhân, mười một là thân hoại mạng chung được sinh lên cõi Phạm thiên. Này A-nan, trụ tâm hiền từ, được mười một công đức lợi ích như vậy. Vì vậy A-nan, Ta còn hiện tại hoặc sau khi Ta Niết-bàn, ông tự đốt đèn pháp, tự nương vào pháp, chớ có cầu đèn khác, chớ có nương vào pháp khác. A-nan, thế nào là Tỳ-kheo tự mình thắp đèn pháp, tự mình nương vào pháp, chẳng cầu đèn khác, chẳng nương pháp khác. A-nan, nếu có Tỳ-kheo quán nội thân, chuyên cần, tinh tấn quán chiếu thân, nhất tâm buộc niệm dứt trừ tham ưu ở đời, thì nên quán nội thân như vậy. Quán thân, quán nội thọ, nội tâm, nội pháp; chuyên cần, tinh tấn nhất tâm buộc niệm dứt trừ tham ưu ở đời. A-nan, đó là Tỳ-kheo tự mình thắp đèn pháp, tự mình nương vào pháp, chẳng cầu đèn khác, chẳng nương pháp khác. Vì vậy A-nan, Ta chỉ là vị thầy dẫn đường cho các Thanh văn, điều cần làm Ta đã làm xong. Ngày nay, các ông cũng phải làm như vậy. Đây là giáo pháp của Ta. Này A-nan! Phải nên ở chỗ A-lan-nhã, giữa nghĩa địa, dưới gốc cây, nhà trống, đất trống, phải nên nhất tâm siêng tu chỉ quán, tư duy diệt trừ gốc khổ, chớ có phóng dật. Nếu ông buông lung thì sau này chắc đau buồn, hối tiếc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ta đã nói chánh pháp
Nhổ các mũi tên si
Nay ông phải siêng tu
Giáo pháp chư Phật nói
Làm thanh tịnh thấy, biết
Trừ sạch nẻo luân hồi
Cắt đứt các trói buộc
Người tu được giải thoát
Người khéo tu hạnh này
Đúng như lời Phật dạy
Độ được tất cả khổ
Chư Phật được mãn nguyện.

Khi Đức Thế Tôn giảng nói kinh này rồi, Tuệ mạng A-nan, chư Tỳ-kheo, toàn thể đại chúng, trời, người, A-tu-la, Càn-thát-bà, tất cả thế gian nghe Phật giảng nói rồi, tùy thuận cảm động, lấy tay vỗ đầu, đấm ngực kêu khóc, cảm thương rơi lệ, vâng giữ phụng hành.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Niết Bàn][374][375][376][377][378][379][380][381][382][383][384][385][386][387][388][389][390][391][392][393][394][395][396]


[Mục lục tổng quát]