TẠNG
KINH
BỘ NIẾT BÀN (374 - 392)
SỐ 394 - KINH PHẬT NHẬP NIẾT BÀN MẬT TÍCH KIM CANG LỰC SĨ AI LUYẾN
Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào Dịch phẩm đời Tần.
Giữa rừng Ta-la, thuộc thành Câu-thi-na, lúc nhập Niết-bàn, Đức Thế Tôn Mâu Ni nằm quay đầu về phương Bắc.
Thấy Đức Phật nhập diệt, Lực sĩ Mật Tích Kim Cang vô cùng sầu não, thưa:
– Đức Thế Tôn thành tựu mười lực vô thượng tối thắng, vì sao nay khí lực vô thường suy yếu đến như vậy? Như Lai đã bỏ chúng con để nhập Niếtbàn, từ nay chúng con không ai để nương tựa, che chở! Buồn đau như tai họa bỗng nhiên ập đến, sầu não ngày càng chứa nhóm như bị mũi tên độc cắm sâu vào tim.
Mật Tích Kim Cang bày tỏ nỗi bi thương đối với Đức Thế Tôn, cảm thấy như bị ngọn lửa sầu thảm thiêu đốt nát cả gan ruột, liền ngã lăn ra chết ngất, ví như núi lở lăn xuống đất, hồi lâu mới tỉnh dậy, nghẹn ngào nói: “Thật là kỳ quái! Thần chết thật ác, cả khối công đức Ba-la-mật vô lượng mà bị tử thần hủy hoại cả. Cúi xin đấng cứu độ nhận lời thỉnh cầu của con mà sống lại, con thật bạc phước không biết nương tựa vào ai. Tại sao Đức Thế Tôn bỏ chúng con mà nhập Niết-bàn một mình? Từ đây về sau, chúng con sẽ mãi mãi xa cách dung nhan của Đức Thế Tôn.
Thân khẩu ý của Đức Thế Tôn đã tịch tĩnh, con không còn được gặp lại và cũng không còn được chiêm ngưỡng vì Đức Thế Tôn đã vào cảnh giới của mình. Xưa kia khi Đức Thế Tôn nhập chánh định, ánh sáng của oai đức hiển hiện thù thắng vi diệu, sắc mặt rạng rỡ còn hơn cả hoa sen mới nở, như mặt trời hiện rõ lúc bình minh. Dung nhan thù thắng như vậy, chúng con không còn được gặp lại. Ở giữa đại chúng, Như Lai nói bằng âm thanh vi diệu như tiếng sấm lớn, chúng con cũng không còn được nghe. Lời nói thành thật, không hai - xa lìa lời tội lỗi, không nói lời giả dối, nói lời rõ ràng dễ hiểu, lời nói mọi người yêu thích. Trong thế giới nhằm diệt trừ các điều xấu ác dẫn đến thành Niếtbàn không gì hơn pháp Phật.
Than ôi! Đấng Hóa độ thế gian đã vĩnh viễn vào Niết-bàn khiến cho chúng sinh không có người cứu giúp. Trong đêm tối sinh tử mênh mông lại không có mắt sáng, không người hướng dẫn thì lấy ai để chỉ đường. Như Lai như đám mây dày thường tuôn mưa cam lồ, nay bị ngọn gió vô thường thổi tan mất. Chúng sinh luôn bị ngọn lửa ái dục thiêu đốt, mà nay Đức Phật nhập Niết-bàn thì ai sẽ tuôn mưa chánh pháp để dập tắt lửa ái đó? Diệt trừ pháp hữu vi, Như Lai chứng đắc đạo vô thượng, làm vị đại y vương, vì các chúng sinh chữa trị bao thứ khổ đau của căn bệnh phiền não cho cả thế giới. Nay Đức Phật nhập Niết-bàn, ai sẽ thương xót đem chánh đạo giáo hóa để chữa lành bệnh kiết sử cho muôn loài. Như Lai được tôn xưng là bậc biết ơn và nhớ ơn. Từ khi ở trong thai cho đến nay, con theo Như Lai như bóng theo hình, hòa kính, phụng hành chưa từng thiếu sót, sao Như Lai không đoái hoài lòng chí thành của con? Con cảm thấy mình như bị bỏ rơi.
Than ôi! Kỳ lạ thay! Đau khổ thay! Chày kim cang này sẽ dùng để bảo vệ ai đây? Thôi vứt bỏ cho rồi, từ nay trở đi còn hộ vệ ai nữa! Ai sẽ xót thương ân cần bảo ban những lời răn dạy cho con? Bao giờ gặp lại tôn nhan của Như Lai?
Vua trời Hộ Thế vì muốn pháp cam lồ được hiển bày nên mới sai con theo hầu Đức Phật. Như vậy sao nay Đức Phật đột nhiên bỏ chúng con mà nhập Niết-bàn? Thân mạng này của con là do nương nơi Đức Phật mà tồn tại, hôm nay Ngài bỏ đi, chúng con biết dựa vào ai để thân mạng này tồn tại?
Than ôi! Như Lai xót thương tất cả nên giảng nói pháp vi diệu, mở trí sáng cho những người ngu tối, sao đột nhiên nay Ngài không còn nói nữa? Sự hiểu biết của Như Lai chính là Nhất thiết chủng trí, vượt hơn tất cả. Đối với những chúng sinh hữu duyên, Như Lai thường suy nghĩ tạo lợi ích cho họ, thế hôm nay Như Lai bỏ đi đâu mà im lìm như vậy, lại không chịu cứu giúp cho chúng con là những người đáng được giáo hóa? Thấy Đức Phật nhập diệt, Ma vương và những người xấu ác đều rất vui mừng. Trong biển sinh tử, Như Lai luôn là vị đại thuyền trưởng mà nay vĩnh viễn không còn cứu độ nữa? Những chúng sinh đó từ vô lượng kiếp đến nay mãi trôi theo dòng sinh tử, chỉ mỗi Như Lai mới có thể đem chánh đạo giảng dạy khiến cho muôn loài vượt nẻo sinh tử tiến tới giải thoát. Như Lai vĩnh viễn đoạn trừ phiền não, làm ánh sáng lớn, phá tan tăm tối cho chúng sinh, nay Như Lai nhập Niết-bàn, thế gian càng thêm u ám vì bị vô minh che lấp.
Mật Tích Kim Cang xót thương than khóc lại nói:
– Như Lai đầy đủ ba mươi hai tướng và trăm phước lớn của bậc Đại nhân, làm sao mà hoại diệt được? Con không thể nào tin có sự việc đó xảy ra! Than ôi! Bậc phá trừ các ma. Than ôi! Bậc chuyển pháp luân.
Than ôi! Bậc dập tắt ánh sáng đôm đốm của hàng ngoại đạo. Than ôi! Bậc có thể hủy hoại thân hữu vi sinh tử.
Than ôi! Những thành quách trí tuệ.
Than ôi! Ngọn đèn pháp bị gió vô thường thổi tắt. Than ôi! Mặt trăng pháp bị thần La Hầu nuốt chửng. Lại thở than:
– Bậc Tịch Tĩnh, Cứu Độ xin nói cho chúng con biết: Hôm nay Thế Tôn đi đâu, đến phương nào, nước nào? Tới Xá-vệ, thành Vương-xá? Catỳ-la, Ba-la-nại, nơi các nước đó Thế Tôn ở nước nào? Hay là ở rừng nào? Rừng Trúc Ca-lan-đà, rừng Am-bà-la hay rừng Kỳ-đà? Trong các khu rừng đó Thế Tôn trụ ở đâu? Núi nào Thế Tôn dừng nghỉ? Tại-tự-thiện, Tỳ-đề-hê hay Kỳ-xà-quật, nơi các núi đó Thế Tôn dừng chân núi nào? Cho con được biết thật sự là Thế Tôn đang ở đâu?
Tám bộ chúng: Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thátbà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, những chúng ấy do thấy con thường theo hầu Thế Tôn, giả sử họ hỏi con rằng Đức Phật ở đâu thì con biết nói sao với họ? Ngày xưa Thế Tôn giáo hóa chúng sinh, nếu hơi mỏi mệt cần nghỉ ngơi trong chốc lát thì Thế Tôn buộc tâm vào ánh sáng để tạo lợi ích cho họ. Vì sao hôm nay Thế Tôn từ bỏ tất cả hữu tình, vĩnh viễn vào Niết-bàn không còn tạo lợi ích nữa? Chúng con xin đấng cứu độ hãy tỉnh dậy, ngọn lửa phiền muộn đang thiêu đốt tâm con đau đớn vô cùng, chắc mạng sống của chúng con không thể toàn vẹn. Xin Thế Tôn ban cho con dù chỉ một lời, cũng như rưới nước mát để dập tắt lửa nóng. Con nay đang bị nọc của loài rắn độc buồn khổ hành hạ, xin Thế Tôn ban pháp dược A-già-đà để trừ khử nọc độc cho chúng con. Mũi tên độc hại ưu sầu đang cắm sâu vào tim con, cúi xin Thế Tôn ban cho con cái kìm là lời nói để nhổ sạch chúng. Như Lai thường thuyết giảng các pháp để diệt trừ cái khổ “Ái biệt ly” cho tất cả chúng sinh, vì sao riêng con Thế Tôn không thương xót vì con mà diệt trừ những cái khổ ấy?
Chúng con hôm nay bị vô minh che lấp không thể tìm ra chân lý để tự mình giải trừ cơn bệnh ưu sầu trong tâm. Tại sao chúng con không được Thế Tôn an ủi? Chúng con luôn kính thuận Thế Tôn, không hề biết mệt mỏi, luôn vui thích chiêm ngưỡng tôn nhan của Thế Tôn không hề chán đủ. Chúng con nguyện một lòng thành kính chiêm ngưỡng, tại sao Thế Tôn không thương xót chúng con, nỡ cắt đứt sợi dây nối kết chúng con với bậc Ngưu vương, không đưa chúng con vào Niết-bàn, bỏ chúng con bơ vơ một mình. Chúng con mất Như Lai nên đau khổ vô cùng, lại không thấy được chân lý, tại sao Thế Tôn bỏ chúng con mà vào Niết-bàn? Khổ thay! Lạ thay! Như Lai yên giấc không trở dậy chăng? Như Lai đã đi rồi không còn trở lại sao? Giống như ngọn đèn tắt không còn sáng nữa, như lầu cao sụp đổ không dựng lên được, như kho báu bị lấp rồi không thể xuất hiện.
Mật Tích Kim Cang giơ cao tay khóc lớn tiếng, bi thảm, như cây cờ của Đế thích bị đứt đầu mối ngã xuống đất không dựng lại được. Tiếng kêu khóc như vò xé tim gan, làm cho cổ họng, môi lưỡi đều khô nứt, đến nỗi hôn mê ngã lăn ra đất hồi lâu mới tỉnh dậy. Do quá thương tiếc Pháp thân công đức của Như Lai nên Mật Tích Kim Cang bèn đưa tay cầm nắm lấy bàn chân có tướng bánh xe ngàn tăm ôm vào lòng, không muốn buông thả. Lại nói: “Chân của Như Lai như hoa sen, như mặt trời mới mọc, sạch sẽ, mềm mại. Chân Như Lai như bánh xe ngàn tăm hiện bày rất tinh xảo, không thể vẽ lại được”.
Chuyển luân Thánh vương tuy có tướng tốt ấy nhưng không rõ ràng. Tướng bánh xe của Như Lai hiện bày rõ cả căm và vành. Ngón tay, ngón chân nhỏ, dài và khít, xếp chồng lên nhau, không dày cũng không thưa. Móng tay hồng thắm như đồng đỏ. Giữa những ngón tay, ngón chân đều có màn lưới đan liền giống như loài thiên nga. Thân thể Như Lai tròn đầy, da mịn, không một nếp nhăn. Vua nơi cõi trời, cõi người, quỷ thần cho đến vua loài rồng đều y phục chỉnh tề, cung kính đảnh lễ nơi chân Phật. Như Lai giáo hóa cho những loài hữu duyên, tướng bánh xe ngàn tăm nơi bàn chân Ngài đi khắp thế giới, nhưng nay đôi chân đó không còn dùng nữa. Khi xưa, tâm chúng con luôn vui vẻ an lạc, bỗng dưng nay Như Lai vào Niếtbàn, lòng chúng con không còn vui vẻ như trước.
Sự vô thường này thật quá ác độc, có thể hủy hoại sắc tướng với vô lượng công đức không thể tính kể. Oai lực của Phật khiến cho ai gặp Ngài đều sinh tâm hoan hỷ. Thân tướng của Như Lai có vô lượng phước đức nhưng sức mạnh của vô thường thật là lớn lao có thể làm cho Như Lai phải đi vào nơi tử biệt. Thân Như Lai với sức nuôi dưỡng của cha mẹ, với diệu lực của thiền định, của trí tuệ, của thần thông, cũng không thoát khỏi sức mạnh của vô thường.
Ngày trước Tôn giả A-nan khuyến thỉnh Phật trụ thế thêm một kiếp nữa, vì sao Như Lai không nhận lời thỉnh cầu ấy? Bậc cứu độ thế gian đã từng ở trong ba a-tăng-kỳ kiếp thực hành trăm ngàn khổ hạnh, có thể xả bỏ được những sự việc khó bỏ, trải qua vô số kiếp làm thị giả các Đức Như Lai, phụng sự cúng dường để cầu đạt Nhất thiết trí, nhằm cứu độ chúng sinh, vậy mà ngày nay, chỉ trong thời gian ngắn, chưa độ được bao nhiêu đã vội vào Niếtbàn!
Ngày xưa, khi còn làm Bồ-tát, Như Lai giáo hóa chúng sinh còn không mệt mỏi, thế mà ngày nay lại mệt nhọc sao? Chúng sinh đang còn nơi cảnh giới ô trược như nghé mới sinh ra được mười hai tuần, cớ sao dứt sữa mà bỏ nó ra đi? Xin hãy vì con ban sữa cam lồ đầy đủ cho muôn loài như nghé con cần sữa mẹ!
Bấy giờ, Đế thích và vô số chư Thiên đến thưa hỏi:
– Tại sao Đức Thế Tôn không giải thích cho họ?
Vị chủ của ngàn thế giới là Phạm thiên vương, đã từng chấp tay thỉnh cầu chánh pháp, sao nay Đức Thế Tôn không giảng nói những pháp cốt yếu để cho chúng con được đầy đủ sở nguyện?
Tuần tự, Thiên vương Tỳ-sa-môn với ngàn vạn Dạ-xoa, Thiên vương Đề-đầu-lại-trá với chúng Càn-thát-bà, Thiên vương Tỳ-lưu-lặc- xoa với chúng Cưu-bàn-trà, Thiên vương Tỳ-lưu-bác-xoa với chúng rồng trước sau vây quanh. Các chúng đó đều muốn được uống dòng nước pháp ngọt ngào mà đến đây. Sao Như Lai không làm vị thầy thuốc giỏi để chữa lành bệnh cho họ? Chúng ngoại đạo đã hủy báng pháp Phật, sao Như Lai không nhanh chóng bẻ gãy những thứ tà luận đó? Khắp nơi trong cõi dục đã hủy hoại làm loạn lạc, sao Như Lai không hàng phục họ? Chúng Thanh văn của Như Lai trí tuệ có giới hạn, không siêng năng tu tập, chán ghét việc học rộng, sao Như Lai không mau ngồi dậy để thuyết giảng những điều cần thiết, khiến họ hiểu rõ về chánh đạo? Tôn giả A-nan là người gần gũi Thế Tôn, nhưng vẫn chưa đoạn hết căn bản phiền não, sao Như Lai không dạy bảo khiến Tôn giả đoạn sạch hết kiết sử ấy?
Than ôi! Thật quá lạ lùng!
Người phước đức lớn lao chắc thật như thế, bỗng dưng cũng bị hoại diệt do sự vô thường này, như voi giữ gìn tài sản đã từng tàn hại vô số, voi ấy thân cao to như núi, xưa kia Đức Thế Tôn đã có thể điều phục voi lớn như vậy, sao bây giờ lại bị vô thường chi phối cho đến tận diệt? Như loài rồng Abà-la có thể hủy hoại nước Ma-kiệt-đề, nổi lên trận mây lớn, tạo sấm sét dữ dội, tuôn ra những trận mưa đá tàn phá cây cối. Đức Như Lai có năng lực điều phục được sức mạnh của loài rồng đó, mà nay lại bị vô thường chế ngự. Như Ương-quật-ma là kẻ bạo ngược, tàn hại, cũng có thể điều phục được sức mạnh của kẻ ác. Đức Thế Tôn đã điều phục được kẻ không thể điều phục, mà nay lại bị vô thường làm tổn hoại, như quỷ ác Khoáng Dã đã tàn sát hết thảy khiến cho cả nước trống vắng, thế mà Phật đã có thể điều phục khiến nó thọ trì giới cấm, mà nay bị rơi vào lưới vô thường! Như Ưu-lâu-tần-loa Cadiếp trước chấp ngã chìm đắm trong rừng rậm tà kiến khó có thể ra được, Đức Như Lai đã rủ lòng thương xót hiện mười tám pháp thần thông biến hóa để thu phục, nay lại bị vô thường làm đảo lộn, tất cả chúng sinh do phước mỏng nên biển trí tuệ đã bị mặt trời vô thường làm cho khô cạn, núi chánh trí Tu-di cũng bị chày kim cang vô thường đập nát. Cây công đức của Phật với hoa giác ý vi diệu, trái đạo quả tròn đầy rồi cũng bị cái búa vô thường đốn ngã. Ánh sáng trí tuệ rộng lớn với tiếng khen ngợi khắp nơi có thể thiêu đốt củi nghiệp sinh tử của tất cả chúng sinh nay cũng bị dòng nước vô thường cuốn trôi.
Sức mạnh nơi vô thường không có pháp gì trị được, không bị bậc trí cản ngăn, chẳng phải cậy vào uy lực, danh tiếng sự nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ dũng mãnh để có thể thoát khỏi.
Than ôi! Sự vô thường tàn khốc đến thế! Bất luận tốt xấu có đức hay không đức, hết thảy đều bị hủy hoại.
Khi Mật Tích Kim Cang nói đến lời đó thì cả đại địa chấn động, đỉnh núi cao bị sụp đổ, sao trời rơi rụng, lửa cháy khắp phía, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú đều không còn nữa, tất cả hàng trời, người thảy đều buồn bã!
Nay con không tự kìm chế được, như muốn vùi sâu vào lòng đất, tâm ý loạn động, mắt nhìn như có hoa đốm đủ màu, quên hết mọi thứ, môi lưỡi khô cứng, nói lời lầm lẫn, âm thanh đứt đoạn, gần kề cái chết, mạng sống hầu như không còn, chắc phải theo Phật rồi.
Lực sĩ Mật Tích Kim Cang với vô số những lời ai oán, áo não thương tiếc mến mộ như thế. Trời Đế thích nói:
– Thôi đủ rồi! Hôm nay ông thật không còn nhớ một chút nào lời dạy của Đức Thế Tôn. Đức Thế
Tôn đã bảo các Tỳ-kheo: “Các hành là vô thường, không thể trụ mãi, không thể hoàn toàn tin cậy, không thể biến đổi. Mọi sự tập hợp đều quy về tan hoại, cao quá ắt phải đổ, có tụ hội ắt có ly tán, có sinh ắt có tử. Tất cả các hành đó cũng như cây bên bờ sông sắp ngã, giống như vẽ trên nước, vừa vẽ liền tan mất theo tay, như bọt nước, như giọt sương mai trên cành, như thành Càn-thát-bà mắt chỉ thấy trong chốc lát. Mạng sống của con người qua nhanh như tên bắn, cuộc sống chuyển biến mau như ánh mặt trời, mặt trăng, sự hủy hoại của vô thường phải nên hiểu rõ. Đối với Phật sự, chỉ khi nào thành tựu trọn vẹn thì mới nhập Niết-bàn, nên đem giáo pháp của Phật phó chúc cho hàng trời, người, đem trọng trách này giao phó cho hàng đệ tử Thanh văn, hướng đến chốn tịch diệt vô úy, các khổ của sinh tử đã dứt hết không còn thọ sinh, các Tỳ-kheo không nên sinh tâm ưu bi sầu não”.
[Mục lục bộ Niết Bàn][374][375][376][377][378][379][380][381][382][383][384][385][386][387][388][389][390][391][392][393][394][395][396]