CHƠN LÝ 19: HỌC CHƠN LÝ


Cổ nhân xưa là thú tiến hóa ra. Thú thì không biết làm đặng nuôi mạng sống chỉ biết làm hang ổ để che mưa nắng, cùng trong khi sanh sản thôi. Thú sanh từ nơi nước đất cỏ cây và chỉ biết ở, sống với nước đất cỏ cây, chớ không biết chi hơn nữa.

Bởi không biết phép dưỡng sinh nên sanh nhiều mà sống sót lại rất ít, và chẳng sống dai. Cái sống mà ai cũng tham muốn, vì đó cổ nhân xưa mới tập cuốc đất cấy cày, gieo giống trồng hột, cất nhà may áo, nếm thuốc trị bịnh. Cái tham muốn, cho rằng lúc nào cũng khổ và vì khổ mới siêng làm. Việc làm lấy nước đất cỏ cây thú người mà làm. Càng làm càng mở mang trí thức, sáng láng khéo hay, chế biến tìm tòi nơi cái có, cái sống là vật chất. Quanh quẩn trong cái ấy, muôn đời ngàn kiếp chịu khổ nhọc không công. Ở trong ấy có khác nào trong khám ngục, không đường ánh sáng, nơi trong ấy hết làm rồi nghỉ, hết khổ rồi vui, như sự an ủi để hành phạt mãi mãi. Người ta rất dốt là không biết mình ở đâu, và lẽ thật ra sao đối với không gian cùng thời gian trong võ trụ.

Bởi có sắc thân mới sanh thọ cảm, bởi có thọ cảm mới sanh tư tưởng, bởi có tư tưởng mới sanh hành vi, bởi có hành vi mới sanh thức trí. Loài người có học là học mưu sống, học nơi vật chất để tô đắp cho sắc thân, chớ không cần biết đầu đuôi sau trước, thật giả ra sao. Tuy nuôi thân mà chẳng đặng sống lâu là bởi loài người lúc nhỏ không có đủ trí, cùng phải lắm sự thái quá bất cập cho nên thân ấy chẳng bền dai. Lắm khi tranh ăn vì ham vui sướng, mà họ lại giết hại với nhau, dữ hơn ác thú. Do đó người ta mới bày ra đạo lý, thiện ác phân biệt và tập sống bằng tinh thần, không không của linh hồn, để cho được khoái lạc nhẹ nhàng hơn. Và bắt đầu từ đây người ta cho rằng thiện để sống là cần, vì có sống rồi mới có ăn được. Như thế nghĩa là người ta học thiện, học nơi tinh thần lý trí, mà người ta dứt bỏ cái học trước kia, cái học ác, học nơi vật chất, nơi sự của thân. Tức là người ta đã đến cái học thứ hai vậy. Người ta cho rằng: nuôi tinh thần cũng như nuôi hột giống, là đúng hơn.

Trước kia loài người học nuôi sắc thân đối với vật chất như thế nào, thì bây giờ loài người học nuôi tinh thần lý trí cũng y như vậy. Họ so sánh cách tương đối đó, mà họ sống và thật hành. Bên vật chất có bao nhiêu phương pháp thì bên tinh thần cũng có bao nhiêu phương pháp. Mà loài người lại cho là: Đời sống, việc làm, theo lý trí tinh thần là thanh nhẹ khỏe sướng hơn, và là ở trên cao bay khỏi mặt đất địa ngục rồi vậy. Hai hạng này đều ở trong giáo lý, phương pháp của thiện ác, có không, thân trí, vật chất tinh thần chớ chưa biết chi là lẽ thật, chơn lý của sự đời. Thiện và ác là sự phải và trái, hai bờ lề hai bên của sự thái quá và bất cập. Tuy nhiên, hai bờ lề thiện ác là ở hai bên chớ chưa phải là đạo tuyệt đối nơi chính giữa, nhưng bờ lề ấy cũng cặp hai bên đường, và chạy đi xa dài theo đường kêu là tiểu đạo (đường nhỏ). Và nếu không có đường nhỏ hai bên ấy, thì con đường lớn đại đạo nơi chánh giữa, cũng không sao có được. Vậy nên thiện và ác là đời, còn đạo là ở giữa nơi thiện ác sống chết, vui khổ, thiên đường, địa ngục.

Đạo là chơn lý, vì loài người sanh sau, nên không hiểu chơn lý lẽ thật của đuôi đầu, họ chỉ nhắm mắt đánh liều, lần mò bước đi theo hiện tại, vì thế mà loài người chỉ chấp theo giáo lý. Từ giáo lý ác khổ trược đến được giáo lý thiện vui thanh, đủ cho họ ăn hưởng no ngon hạnh phúc rồi, vì là miễn cho được yên sướng, chớ họ không muốn tìm chơn lý lẽ đạo chi cả. Loài người rất mê tín, lúc đầu thì mê tín nơi sắc thân vật chất, cái ác, cái chết khổ, vì bởi mới được sanh ra từ trong tứ đại. Về sau khi đã chán sợ cái thấp dơ nguy hiểm, bèn đến sự mê tín nơi lý trí tinh thần cái sống cái thiện, cái vui của trên cao nhẹ sạch. Nhưng rồi chẳng bao lâu, họ cũng nhàm chán mỏi mệt mà té xuống trở lại thấp, rồi từ dưới thấp lại bước trở lên cao. Cũng như một kẻ kia từ hố sâu đi lên chót núi, lại từ chót núi lội xuống hố sâu, mãi mãi như thế, do sự thích ưa và nhàm chán của cái ý, bị trói trăn trong tình dục tương đối, mãi mãi khổ nhọc mà không rồi đâu đến đâu cả.

Nhưng cũng nhờ sự mê tín, khổ sở, thất bại của hai giáo lý bên lề ấy mà đến lần được giác ngộ chơn lý lẽ thật, là đạo của võ trụ chúng sanh. Và sau khi thấu lý đạo rồi, thì không còn nương theo giáo lý thấp cao của sự tới lui hai bên bờ lề kia nữa, mà được nghỉ yên một chỗ, nắm giữ gặp được mực trung là đạo, kêu là đắc đạo. Rồi từ đó ở yên nơi đường giữa, mà đi tới theo lẽ thật chơn lý để được sự kết quả quý báu diệu mầu, nên gọi là đắc quả vậy.

Sau khi thật hành theo chơn lý trung đạo đã được kết quả, và con đường đã khai vạch đi đó còn để lại dấu vết về sau, chúng sanh đều được thấy gặp để đi theo đến nơi Cực lạc, con đường ấy càng ngày càng rộng lớn tỏ rõ, trở nên con đường cái của chúng sanh, chừng ấy tức là thành đạo hay là đạo đã hoàn thành vững chắc rồi. Từ giáo lý đến chơn lý tuyệt đối, hay là từ pháp lý đến đạo lý tuyệt đối, tức là từ tương đối đến tuyệt đối. Vì giáo lý pháp lý là tương đối có hai bên, mà hễ có hai bên là chúng sanh hay nhảy qua nhảy lại, khổ sở cho cái ta không định. Vậy nên chỉ có chơn lý lẽ đạo tuyệt đối có một, mới là chỗ yên vui đứng vững lâu dài, mới là con đường của người giác ngộ.

Muốn đến với chơn lý phải do hai cách:

1. Từ ác đến thiện và giác ngộ.

2. Nhờ sự dứt bỏ ác thiện bằng cách tĩnh tâm yên lặng, quán xét mà nhận thấy. Đây là cách đi tắt, khỏi dùng nấc thang thiện hay là ngón tay chỉ là sự thiện; vì hết làm thiện mệt mỏi đến nghỉ ngơi yên lặng, tự nhiên là chơn lý. Vậy nên gọi là chơn lý sau pháp thiện. Hay cũng nói: Chơn lý là lẽ thật yên lặng tự nhiên của buổi đầu, là nguồn gốc của sự phát sanh ra vạn vật chúng sanh và các pháp, lại cũng là chỗ đến của vạn vật chúng sanh và các pháp.

Chơn lý không phải nói vắn tắt, là cái lẽ thật yên lặng tự nhiên ấy mà hiểu được. Mà cần phải biết lẽ thật, nguyên nhân nguồn gốc của chúng sanh vạn vật và các pháp, từ trong cái yên lặng tự nhiên sanh có ra bằng cách nào? Cách đi tới ra sao và sẽ đến đâu? Cái yên lặng tự nhiên trước là sao và cái yên lặng tự nhiên sau này là sao? Có hiểu như thế, chúng sanh mới đi trúng đường và đến nơi kết quả được.

Đức Phật khi xưa, ngồi dưới gốc cây Bồ-đề chánh giác, sưu tầm nguồn gốc của chúng sanh vạn vật và các pháp, mà thấu đạt được cái thật của sự đời. Ngài biết được từ đầu nguyên nhân đến nơi cuối rốt, và do đó Ngài mới nói chỉ ra muôn ngàn pháp, để đi tới cho trúng mục đích. Chư Tăng đệ tử Ngài cũng y như thế, các vị ấy cố nhập định vào trong cái yên lặng, để tĩnh trí mà tham thiền, thẩm xét lẽ đầu đuôi và tự tạo ra phương pháp để đi cho trúng cách, được mau đến chỗ nghỉ yên. Bởi thế ta mới thấy trong lịch sử có đoạn này: Một vị Tỳ-khưu nhập định bay lên các cõi Trời, tìm các vua Trời và vị Ngọc hoàng Thượng đế mà hỏi nguyên nhân của tứ đại từ đâu, và sẽ đến đâu. Chơn lý ấy như thế nào? Làm cho không ai trả lời được cả. Vì lẽ các bậc Trời người là còn ở trong pháp, trong giáo lý, chớ chưa giác ngộ chơn lý. Các bậc ấy cũng sanh ra từ nơi tứ đại thì làm sao mà biết được tứ đại từ đâu và đến đâu, hay như thế nào? Sau rốt vị sư ấy đi hỏi Phật, Đức Phật dạy rằng: cũng như sau khi ngươi xả định, là tứ đại, chúng sanh vạn vật và các pháp từ đó sanh ra, và cũng như ngươi nhập định trở lại, là chỗ trở về, chỗ đến của tứ đại, vạn vật, chúng sanh và các pháp kia vậy. Câu nói vắn tắt ấy thật là hoàn toàn đúng chơn lý. Câu nói ấy chỉ rõ võ trụ, không gian và thời gian, bao trùm cả tứ đại, vạn vật chúng sanh và các pháp ở bên trong. Câu nói ấy chỉ rõ lẽ sanh diệt của những địa cầu tứ đại, và từ nơi tứ đại mà sanh ra vạn vật, vạn vật sanh chúng sanh, chúng sanh sanh các pháp, các pháp sanh võ trụ chơn lý, võ trụ chơn lý sanh ra tứ đại vọng sự xoay tròn…

Khi xưa chỉ có các vị Tỳ-khưu ấy là bậc tu thiền định, mới tìm xét chơn lý võ trụ, mà đi hỏi Phật như thế, và sau một lời nói của Phật là vị ấy được giác ngộ thấy biết rõ ràng, không còn hoài nghi phóng tâm gì nữa cả, như chai nước đã đựng đầy không còn lưng thiếu vọng động. Cũng y như thế, thấu chơn lý thì đắc đạo, là đắc chánh định và kết quả của bậc giác ngộ thượng trí. Người giác ngộ chơn lý cũng như kẻ đau, mà được biết rõ nguyên nhân của chứng bịnh mình, biết rõ các bộ phận trong thân thể, biết rõ các món thuốc và biết rõ tánh vị thuốc tất cả nên chẳng đợi mượn cầu ai, tự mình lấy uống vào thì hết bịnh liền. Bậc thượng trí cũng y như thế, có khác hơn là kẻ ngây si, chẳng biết thân mình tạng thể ra sao nên thường bị hư hại. Chẳng biết nguyên nhân của chứng bịnh mình nên thường bị trúng độc. Chẳng biết mình bịnh gì nên chữa trị không lành. Chẳng biết rõ các vị thuốc nên hay dùng lộn, bịnh càng thêm nặng. Chẳng biết tánh thuốc nên mới pha trộn món kỵ, khi uống vào thì chết. Kẻ ấy phải nhờ người khác chỉ bảo, chăm nom lo sóc, tánh mạng mình giao cho người khác may nhờ rủi chịu, sống chết đều ở nơi tay người, sợ nỗi người ghét hại, đến đỗi phải chiều chuộng lạy bái dâng của nạp tiền, để cầu cho người thương mà ban ơn nhỏ phước cứu tử huờn sanh, thờ người hơn cha mẹ, và ai ai cũng là cha mẹ của mình hết, bảo sao nghe vậy, mê tin theo người bày chỉ, nhắm mắt đánh liều tới đâu hay đó, chớ nào có biết việc chi đâu.

Mà sự thật cũng phải như vậy. Đức Phật là bậc cao siêu thượng trí, và chư đệ tử đích đáng của Ngài cũng là cao siêu thượng trí, mới chịu tham thiền thấu chơn lý mà đắc đạo mầu. Chớ đối với chúng sanh thì có được đâu, phần đông là kẻ chỉ ưa thích sự khổ vui đâu cần biết học. Mảng lo ăn uống cái tham lam, để cho sân giận sình nổi, sanh ra đủ chứng si mê, hư thúi trong tạng phủ của mình, mê sảng điên cuồng hoặc đuối hơi hấp hối, không còn cử động trí hóa chi chi…, cho nên dầu đối với đức Phật đại tài kia đi nữa, cũng không có thể trì huỡn, ở đó giảng giải nói rành với bịnh mê sảng gần chết. Thôi thì cứ đưa cho thuốc uống mau mau, đợi khi bịnh bớt nhẹ rồi, mới phải lúc ân cần dạy dỗ chỉ bảo cho họ giác ngộ, hoặc sau khi hết đau rồi là họ sẽ tự giác ngộ lấy họ.

Phải như vậy, đối với chúng sanh si mê như thế thì đức Phật dạy bảo liền làm sao cho được, mà không phải là: làm phù thủy, làm thiên thần, họa phù, đọc chú bắt ấn, để làm thuốc cho họ uống, để làm cho họ mê tin như sự bắt hồn, rồi sau đó sẽ lần lần giảng dạy, y theo chơn lý mới được. Những kẻ ấy họ tin Phật như thần, như thánh linh thiêng, là một hạng mê tin theo việc làm.

Còn hạng mê tin thứ hai, theo lời nói của Phật mà cho rằng lời nào cũng hay hết, cũng dùng được hết, lời nói nào cũng nghe theo, nghe bằng cách xáo lộn một màu, xô đùa một thứ. Không biết rằng pháp Phật là lời phương tiện, tùy duyên giáo hóa cho đủ các bậc thấp cao tật bịnh, không nhứt định, chẳng chấp một lớp một mực nào. Cứ hiểu lầm rằng: Kinh nào, pháp nào của Phật nói ra là cũng dùng chung cho một hạng. Khác nào một người bịnh này mà uống tất cả các thứ thuốc trị muôn ngàn chứng bịnh khác. Mê tin mà tưởng lầm rằng: thuốc dầu chẳng hay trị chứng này, cũng hay trị chứng khác, cứ uống cả vào tất sẽ lành chứng bệnh của mình, thế là kẻ ấy lậm thuốc!

Cũng như có kẻ quá mê tin, tin quàng xiên vào các kinh sách đủ thứ, cùng tất cả những lời nói của các bậc danh nhân (dầu là thánh hiền tiên Phật), kẻ ấy rồi sẽ phải đảo điên trí óc. Kẻ mê tin nơi sự linh nghiệm thần thông, và nơi pháp lý trí huệ của Phật cũng y như thế. Ít có ai là người biết mình bịnh nhẹ, tỉnh táo, biết hỏi ông Thầy, nguyên quán sự học của ông Thầy, hỏi xem nguyên căn của bịnh mình, hỏi xem trong tạng phủ, hỏi học tánh thuốc của bao nhiêu thứ thuốc, hỏi trước rồi sẽ uống và trị bịnh mình sau, để cho được sự biết rõ chánh tín giác ngộ, rồi sẽ thật hành. Người mê tín thì không bao giờ được thấu chơn lý và giải thoát. Kẻ mê tín mà được thiện là rất ít, phần nhiều hễ mê tín thì tham sân si tội ác chứa đủ điều, đã tham sân si thì đâu có chịu sự quán xét phân biệt, mà chẳng nuôi lòng ngã ái, để tự mình đi xuống và mãi thụt lùi.

Chúng sanh ai cũng vậy, sự lành mạnh bình an như thường là quý báu hơn hết mà nào họ có biết đến đâu? Sự lành mạnh bình an như thường là lẽ chánh hơn hết, của thân cũng như của tâm, thế mà người ta không chịu hiểu, để chỉ cần tìm lo sự vui cùng khổ là lẽ ngoài phụ thuộc. Họ chỉ tìm mãi cái cực nhọc, trói buộc của vui và khổ, hết vui khổ ác nơi vật chất sắc thân, rồi lại đến lo vui khổ thiện nơi tinh thần lý trí. Họ là những kẻ bị trói buộc, tự mình tạo sự trói buộc lấy mình mãi mãi, như kẻ bị ở tù trong khám tối, mà chẳng bao giờ chịu giữ sự tốt đẹp của lành mạnh bình an như thường, là hay hơn hết thảy các pháp. Họ không biết rằng chơn lý sanh ra các pháp, và các pháp là chỉ gom về chơn lý có một. Cũng như mặt trời sanh ra các ánh sáng và các ánh sáng là chỉ gom về mặt trời có một. Mà các pháp là để chỉ cho chúng sanh thấy chơn lý. Cũng như ánh sáng là để chỉ cho chúng sanh thấy mặt trời. Và tại sao chúng sanh không đến với mặt trời, chơn lý để làm Phật, mà chỉ giữ nắm lấy ngón tay, pháp, ánh sáng và ở mãi đó làm chi. Những kẻ quá mê tin vì pháp là không hiểu được lời dạy của Phật. Phật dạy người ta phải thấu chơn lý, phải đến ở với chơn lý. Phải làm Phật y như Ngài, chớ Ngài nào có bảo chúng sanh phải mê tín tôn Ngài độc nhất, tin Ngài độc đoán? Phật nào bảo lạy bái hoặc tôn thờ, hay giữ gìn pháp lý lời nói phương tiện của Ngài, một cách khư khư mờ quáng? Sự mê tín cũng có thể làm cho kẻ ác được thiện, cho kẻ quá nặng nề thấp thỏi của bước đầu. Chớ kẻ mê tín thì không bao giờ được giác ngộ trong đời hiện tại. Bởi thế nên bậc thượng trí muốn giác ngộ thì phải lìa xa mê tín, không còn bị nhốt trói trong thiện ác phước tội thì mới ngộ đạo và thoát khổ.

Vậy chúng ta nên phải biết rằng: Mỗi một câu pháp lý là một ngón tay của Phật, đưa ra để chỉ cho ta thấy chơn lý lẽ thật, đặng đến với chơn lý lẽ thật. Cũng như chiếc bè là để đưa ta qua biển đến bờ bên kia, chớ không phải ta đứng giữ mãi chiếc bè để chịu chết khổ giữa biển, còn thiệt hại hơn là ở bên bờ bên này nữa vậy. Thế nên chúng ta thờ Phật là để theo Phật, theo Phật là để thành Phật, y như Phật, mà đừng mãi mãi xin theo hầu bên Ngài, ắt Ngài chẳng vừa lòng. Nghĩa là nhờ một pháp để tìm chơn lý và phải đến với chơn lý mà bỏ pháp ấy, chớ đừng giữ pháp làm kẻ mê tín chấp lầm. Và cũng không phải là đi học hoài, cho đủ hết các pháp của chư Phật đã nói ra, để tổn phí thì giờ và điên đảo rối loạn. Mà phải do nhờ một lời nói phương tiện xứng hạp, làm chìa khóa mở cửa kho tàng bảo vật từ xưa, tức là nhờ lời nói ấy mà tỏ ngộ chơn lý, rồi từ trong chơn lý sanh nảy ra biết bao pháp lý không tận không cùng.

Nghe pháp là để cho biết Phật, biết Phật là biết chơn lý. Người biết chơn lý là biết hết thảy chư Phật. Vậy chúng ta ai ai nên cần phải biết chơn lý hơn là sự mê tin, tin vái cầu Phật, cho rằng Phật pháp là báu, mà chẳng biết cái báu tại đâu và ra sao! Sự thật chơn lý là lẽ thật tự nhiên như vậy, chớ tự nó không có gì là báu! Có thật quý báu chăng nữa là bởi tại chúng sanh quá thiệt hại, theo đường lầm lạc sái quấy mà phải bị đau sầu, hôm nay mới gặp thấy cho là quý báu đó thôi; vì trong đời thảy đều là tai hại sái quấy cả, các pháp thiện ác có rồi đâu?

Người hiểu chơn lý là người không phải bịnh nặng, không phải bị ai đầu độc, bảo chi nghe nấy. Người tìm học chơn lý, không phải là kẻ quá ác hay quá mê si đần độn, hoặc chết gấp bây giờ. Người biết được chơn lý thì nắm được chủ quyền trên thiên hạ, khỏi phải lòn cúi nơi ai ai cả, mà tất cả phải như nhau thôi. Kẻ ấy mạnh hơn hết, và chư Phật sẽ khỏi mất công vì kẻ ấy nữa!

Người biết chơn lý cũng như người thợ làm bánh, tự họ biết đó là bao nhiêu thứ bột gì, bao nhiêu thứ đường gì, cách thức làm bánh ra sao? Họ tin chắc, biết chắc tự làm mà ăn, không dùng các thứ bánh khác.

Người giác ngộ chơn lý, không tin ai hết cũng chẳng tin lấy mình, mà là chỉ tin theo chơn lý thôi. Người đã giác ngộ chơn lý rồi thì khỏi cần tha độ, mà là tự độ và độ tha.

Chúng ta phải tìm học chơn lý và trong khi học pháp, nghe pháp là phải cho hiểu chơn lý. Kẻ nghe pháp của Phật mà không hiểu được ý nghĩa Phật dạy, hoặc như đem pháp ấy nói ra vào một trường hợp khác biệt, để cho sái lạc xa ý nghĩa, như vậy là hủy mạ giáo pháp Phật; bởi để người ta hiểu lầm mà khinh chê Phật.

Vậy nên mỗi người tự tìm học thẩm xét, và bằng có nghe pháp học pháp là để thật hành kinh nghiệm đến với chơn lý, nắm chơn lý mà đắc đạo.

Đừng chấp pháp, hãy liệng bỏ pháp lại sau lưng cho kẻ khác đi sau được học, mà mình thì không chứa giữ một pháp nào cả.

Chúng ta phải qua khỏi cái học ác buổi đầu, để đến với cái học thiện thứ hai và lần lên cái học chơn lý thứ ba rốt ráo. Ở trong lớp ác chúng ta dốt với cái thiện. Ở trong lớp thiện chúng ta dốt với chơn lý. Vậy chúng ta phải đến với sự học chơn lý; người biết chơn lý là sẽ biết rõ tất cả thiện ác, vì người biết chơn lý là đã ở ngoài vòng giả dối của thiện ác, nên chi dòm ngó vào trong là sẽ được thấy biết rõ ràng.

Đức Phật xưa thấu chơn lý mới đắc đạo, có được danh hiệu là Sĩ Trung Thắng, là Thế Gian Giải, là Thiên Nhơn Sư, là Vô Thượng Sĩ, là Thiên Thượng Tôn…, là bởi Ngài đã thấu chơn lý, biết khắp trong đời, không một vấn đề nào mà Ngài không giải quyết được!

Chơn lý là lẽ thật, không phải thấp cao gì cả. Nhưng chúng sanh thì thật khó hiểu, khó hiểu chớ chẳng phải cao xa. Vì mảng bị hoặc nghiệp che án, vọng động liền liền, còn đâu có được giờ phút rảnh rang yên tịnh phủi sạch nợ duyên, hòng nhớ hiểu xét ra chơn lý? Mãi quanh quẩn trong trần, họ không còn biết chi hơn khác được, thoạt mới nghe đến chơn lý cho là huyễn hoặc, sanh dạ hoài nghi, lắm khi ngơ ngác, chẳng hiểu một tí gì cả!

Nếu như có một người kia, nhận thấy sự biến ảo của đời biết là giả dối và định ý sẽ tìm cái thật, muốn hiểu lẽ thật lần lần của tất cả sự vật, kẻ ấy quay về con đường lẽ thật, ắt sẽ đến chơn lý ngay không còn bợ ngợ.

Chơn lý ở nơi vọng sự cũng như cái thật ở nơi mỗi cái giả, cái trúng phải ở nơi mỗi cái trật quấy, thật là mênh mông không bờ bến của sự học, dầu người ta có lập ra bao nhiêu trường để học dạy cũng không hết bài học.

Người thấu hiểu chơn lý nào phải là người mầu nhiệm khác lạ chi chi…? Chính là một người tầm thường, một người như bao nhiêu người khác, nhưng nhờ đứng ra ngoài sự giả dối, được ở trong cảnh thật mà biết rõ cái thật, và khi nhìn ngó vào trong cảnh giả, người thấy ai ai lầm lạc mê muội là chỉ bảo dắt giùm. Lời nói của người thiên hạ tin nghe, và thấy ích lợi nên mới cho là Pháp bảo quý giá vô cùng.

Chơn lý không có lạ đối với người ở trong cái thật, và hành vi đã được đúng theo sự thật ấy. Học chơn lý cũng y như các khoa học của thế gian, nhưng chỉ đi ngay vào cái thật, cái trước mắt rõ rệt, cái trường tồn vĩnh viễn, chớ không ôm đeo theo cái bọt bào huyễn ảnh giả dối vô ích, cái không công.

Cũng như người thợ cất nhà, trước dựng giàn trò, rồi sau đến cất nhà, cất nhà là việc làm kết quả, còn giàn trò phải dỡ bỏ tan hoang. Cho nên cái học bước đầu thiện ác trong trần thế, cũng như học cất giàn trò, và đến với học chơn lý mới là đúng phép cất nhà kia vậy.

Thế thì sự học phải đi tới, học để mở trí đặng bước tới, học cho hiểu chút ít một đôi pháp rồi đi ngay tới chơn lý rốt ráo, chớ chẳng phải là sự đủ rồi, đứng một chỗ hay học mãi lòng vòng như con kiến bò quanh quẩn mãi theo vành xe, nó đến nghỉ tạm nơi từng mắt của căm xe, mà chẳng chịu đi theo một cây căm, để vào tuốt trong trụ cốt ổ hang là nhà của nó. Nó đi lạc là bởi sự ham vui chuyền níu ngó tới mãi, mà chẳng chịu dòm ngang, lay hoay giỏi hay nơi đó mà quên cửa nhà xứ sở.

Chơn lý như mặt trời, pháp lý như đèn sao, thế sự như hang tối. Vậy nên cái học của chúng ta là học chơn lý, thấu chơn lý mới gọi là thật học. Học trường đời là như sự học mới tập của bước đầu, cái học lo nuôi sống sắc thân, tạo tác giả vật, chấp giữ cõi đời, sự việc hữu tình hiện tại. Lối học ấy chưa phải lối học cứu cánh giải thoát kiếp khổ cho loài người.

Khi xưa, dưới gốc cây Bồ-đề chánh giác, đức Phật nói lý Hoa Nghiêm làm cho bậc Trời người ngơ ngác, chẳng hiểu chi cả. Kinh Hoa Nghiêm là chơn lý của Phật giác ngộ, là lẽ thật rất thường, thế mà khi đem cái thường thật ấy nói ra thì không ai hiểu. Ấy bởi chúng sanh quá say đắm, lạc lầm, chấp lấy cái thấy nghe nơi tội lỗi làm quen tâm trí, cho đó là thật của mình, là chánh phải trúng hay thì nào có nghe được lời chơn thật ngay thẳng của Phật. Vì vậy, Phật Ngài mới phân ra ba thừa giáo lý, hạ pháp thấp xuống, chiều chuộng nâng đỡ, dìu dắt chúng sanh đi lên từ nấc cho đến đất bằng chơn lý hay Phật thừa, vì bởi chúng sanh càng nặng, càng lún, càng sâu và quen rồi với cảnh sâu ấy. Lại ít kẻ biết ra là mình đã quá tội lỗi thâm sâu, đối với công lý đất bằng hay chơn lý lẽ thật. Và có kẻ biết rõ, thì lại bởi xét mình quá thấp sâu dơ nặng, mà nhìn lên thấy Phật càng cao, cao mãi càng sợ, sợ hoài. Nào có ai chịu nghĩ rằng: mình và Phật như nhau, ai cũng là người cả, ai cũng là Phật cả, ai cũng ở trong cái thật, mạnh giỏi bình an như thường như nhau, cũng đứng đi trên đường mặt đất, nào phải khác lạ gì? Họa chăng có khác nhau, là bởi chúng sanh hay tìm vọng những cái phi thường, để đến nỗi lạc loài khốn họa, nên phải trở lại kêu cứu cùng Phật. Thấy Phật tự nhiên mà lại quý báu hơn mình, còn mình đã quen tánh khổ lao chao, một khi muốn yên lặng trở lại, không biết phải làm sao nên kiên tâm trì chí, khổ tâm rèn tập lần lần trở lại.

Đối với chơn lý lẽ thật, hay kinh Hoa Nghiêm thì không có chi là sự học cả, vì cái thật nó đã sẵn có trước mặt ta rồi. Cái thật ở nơi mọi chỗ, thế mà chúng sanh nào có thấy chi đâu, từ ác đến thiện, từ nhỏ đến lớn, họ chỉ thấy cái ta là sự vật thôi, dầu thần nhãn, thiên nhãn cũng không thấy được chơn lý, huống chi là nhục nhãn mắt phàm tăm tối.

Tất cả các pháp là để đến với Hoa Nghiêm.

Tất cả giáo lý là để đến với Chơn Như.

Tất cả sự học là để đến với Chơn Lý.

Vậy chúng ta nên học chơn lý! Chơn lý tức là trường đại học của bậc thượng trí! Mà muốn học, ắt chúng ta phải giải thoát những buộc ràng, lìa nhà cửa thế tục, xa cha mẹ trần gian, thân phải trong sạch, tâm được yên lặng, thì trí mới huệ sáng, nghĩa là phải xuất gia giải thoát làm Khất sĩ, nhập đạo tràng Giáo hội, vừa học vừa tu, học tu tuy cực nhọc hơn buổi ăn chơi, chớ thật là trung dung mạnh khỏe, và một kiếp tu hành, ngàn đời rảnh khổ, một thời ngộ đạo, vạn thuở an vui.

Đúng chơn lý, ai cũng là Khất sĩ xin học. Và đi xin ăn, học chơn lý là quý báu hơn cả.

Chơn lý là thật học, trường học là Giáo Hội Du Tăng Khất Sĩ đi học cùng khắp xứ, chớ không phải lớp học ở một chỗ, một bài, mà được toàn học. Trường học là chơn lý, nơi đây có nghĩa là học dài học mãi, học không chán, không lui, là sự học có đầu có đuôi, có khoảng giữa, có mục đích, có ích lợi, cái học không bao giờ gián đoạn, học đến đâu cũng không hết không rồi, nên gọi là trường học chớ không phải cái nhà, cái bàn, một lớp, nơi một chỗ một.

Chơn lý là trường học chung của tất cả, chơn lý không phải là đời hay đạo. Chơn lý không phải là tông giáo hay đảng phái, chủ nghĩa, giáo phái nào? Chơn lý không phải là một vị Phật, một vị Trời nào! Chơn lý không phải là tên chơn lý lẽ thật gì cả mà chỉ mượn tạm danh từ để gọi, phân biệt, nên kêu là chơn lý thôi! Cũng như tiếng Phật, nghĩa tạm phân biệt là sự giác ngộ vậy. Chơn lý là võ trụ, là đại đồng của tất cả chúng sanh. Trong chơn lý không có sự mê tín nơi duy vật, duy thức, hoặc duy tâm. Không có sự mê tín nơi người, nơi giáo lý, nơi linh nghiệm, nơi sự vật chi chi…, và cũng không vất bỏ một cái gì cả. Đúng chơn lý là tự nhiên, cái tự nhiên sống mãi đời đời. Cái chơn lý tự nhiên ấy là trường học của tất cả chúng ta vậy!

Thế nên, tất cả chúng ta phải đi học. Có ra khỏi nhà đi học mới được chánh tín, hầu đạt kết quả chánh định. Chơn lý tức là giải thoát, thoát khỏi nhà đời, bước qua trường đạo. Cõi Phật là võ trụ đại đồng, nơi ấy chứa đựng biết bao pháp lý, mặc sức cho người xin học. Chúng ta phải ráng lên lớp ấy để học hết.

 


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][