CHƠN LÝ 31: HỘT GIỐNG


1. Trần thế tứ đại (đất, nước, lửa, gió) cũng như một thân hình cây, cỏ cây như nhánh lá, thú ví bông hoa, người là vỏ trái, Trời là ruột trái (hay thịt cơm, mùi vị), Phật là hột giống để đời mãi mãi.

2. Người cũng như trái non, Trời là trái già, Phật là trái chín, nên kêu là đắc quả thành đạo.

3. Trần thế tứ đại vật chất là mặt đất, các pháp giáo như hột giống. Các pháp giáo là nguyên nhân sanh ra thân trí tâm, thân trí tâm tức gọi chúng sanh. Thế thì, chúng sanh là những cái cây mọc trên trần bụi. Cây ấy có nhiều thứ: thứ tốt, thứ xấu, thứ ích lợi, thứ vô dụng. Tánh chất của nó tùy theo hột giống pháp giáo cả. Thế nên sự lựa giống tức là lựa pháp giáo để tu học gieo trồng, đặng có kết quả tốt đẹp cho đời, là điều mà ai cũng mong muốn như vậy.

4. Trần thế cũng như miếng ruộng to, mỗi xác thân cũng như một mẫu ruộng nhỏ. Mỗi phút qua, xác thân như mỗi cục đất, trí ta như lưỡi cuốc, tâm ta như hột giống gieo vào. Còn thời gian không hạn lượng là sự mênh mông bao quát, vô lượng, vô biên của miếng đất. Mỗi khi chết lại sanh như sự nối liền các mẫu ruộng, cái chết đó là bờ mẫu chấm ranh, còn cái ta là ông chủ ruộng.

5. Lại vầy nữa, xác thân vật trần tứ đại của ta ví như một đống hột, vì trong ấy biến sanh ra đủ thứ giống, nào là giống Phật, giống Trời, giống người, giống thần, giống thú, giống ma, giống đất… Nó cũng là một đống đất biến sanh ra tất cả muôn hình vạn trạng, thay đổi ứng hóa mãi mãi…

6. Người ta cũng nói rằng thân là vỏ hột, khẩu là ruột thịt cơm của hột, ý là ngòi mộng của hột; gồm cả ba phần thân khẩu ý lại là tâm, hột giống.

7. Cũng có thể nói: thân như cây lá, trí như hoa nhụy, tâm như trái hột. Hoặc nói rằng thân là vỏ trái, trí là thịt cơm ruột trái, tâm là hột trái cũng được…

Triết lý luận sao nghe cũng phải cả, có điều là chúng ta nhận thấy bao nhiêu thứ món vật chi, có hình tướng, dầu gọi cho bao nhiêu tên đi nữa, rốt lại một ngày kia, cũng chỉ còn là một nắm đất xám đen, bụi nhỏ mà thôi, không còn tướng danh chi cả. Như vậy thì cái chi cũng là đất, cũng là danh tướng của địa ngục hết. Nghĩa là cây là hột có chứa hột, hột là cây có chứa cây; hoa trái là hột cây có chứa hột cây, hột cây là hoa trái có chứa hoa trái; vỏ lá là tất cả có chứa tất cả, tất cả là vỏ lá có chứa vỏ lá… nhưng cả thảy đều là đất, đất là tất cả có chứa tất cả; tất cả là đất có chứa đất; tứ đại là vạn vật, vạn vật là tứ đại. Nếu nói hẹp lại thì một món một tên, bằng gọi rộng ra là nhiều món nhiều tên khác nhau, để mở mang trí học hay là để rối rắm phiền não, là tùy theo người đã giác ngộ hay chưa giác ngộ vậy.

Như thế thì Phật, Trời, người, thần, thú, ma, đất… cũng là một món một tên, nhưng sự biến hóa mỗi lúc là khác danh khác tướng, để cho chúng ta đừng mê chấp. Cái ta không còn mê chấp rối loạn tức là định, thì không còn có chi nữa hết. Cũng như giấc chiêm bao, như tuồng hát, bao nhiêu lâu, bao nhiêu danh tướng, thảy đều không có chi hết. Chỉ có cái ngủ yên, cái nghỉ khỏe mới là có, có cho mỗi lúc, có lúc về sau cho cái ta vậy. Thế nên gọi cái ta là chơn như, chơn như là ta của người giác ngộ. Thật vậy, cái ta không có, không thấy, nhưng lúc nào chơn như tự nhiên yên lặng thì như có, như thấy, như gặp; còn lúc nào vọng động bên ngoài thì như mất, như tan. Bởi thế cho nên gọi cái ta là ở bên trong, nó ở bên trong cái chơn như ngủ nghỉ ấy. Cái ta ấy khỏe khoắn, thanh nhàn, yên tịnh lắm, không còn khổ não theo cái vô thường. Bấy giờ của cải của cái ta sẽ là sự giác ngộ, chớ không còn lầm lạc nơi danh tướng vọng tưởng nữa, tức là cái chánh trí của như như vậy. Cái ta ấy mới gọi thật là Phật. Thấy gặp nắm giữ mãi tức gọi là làm Phật, và sẽ thành Phật. Cái ta ấy mới thật là có, là hột giống chín khô, cứng chắc để đời mãi mãi.

Xưa kia có một con chim bạch hạc, từ nhỏ đến lớn bay đi khắp cùng thiên hạ, núi non, sông suối, cỏ cây, người thú, tỉnh châu, làng quận, thành trì cả thảy… đâu đâu nó cũng biết cả. Một khi nọ, nó đã già, không còn bay được, nó nằm nhắm mắt ngủ nghỉ, yên lặng tự nhiên trên một hòn đá giữa biển to. Nó ôn lại hết những sự thấy nghe từ bao thuở nhỏ, nó không thích ưa loại nào, chốn nào cả, và nó cũng không còn muốn nhìn xem mỏi mệt những cảnh ấy nữa. Nó chỉ muốn yên lặng và yên lặng mãi thôi. Mỗi khi nó nhớ lại cuộc đời thì trí nó suy nghĩ rằng: Ôi là vô thường! Ôi là khổ não! Ôi là không có chi hết! Thế rồi nó lại ngủ nghỉ yên lặng nữa cho đến không biết bao lâu.

Về sau có một đám người chài lưới bị gió bão, ghe tấp vào hòn. Những người ấy trèo lên hòn đá, gặp một bộ xương rũ nát của một con chim to, chết đã ngoài trăm năm nơi đó. Họ tranh cãi, bàn tán với nhau làm cho tâm trí chim giựt mình xem lại, thì mới hay là mình đã chết bỏ xác lâu năm rồi. Chừng đó chim mới thấy ra cái ta hột giống để đời. Và việc trần thế bên ngoài như vỏ hột sen khô đen cứng, cái chánh trí kinh nghiệm giác ngộ là ruột thịt cơm của hột sen khô, và cái chơn như như ngòi mộng bên trong ẩn kín, còn cái ta là hột giống để đời. Con chim đây tức là những bậc thượng trí, họ sống đời bằng cái ta như thế, thật là trong sạch. Con chim ấy tức là hột giống của tứ đại.

Chẳng biết bao lâu về xưa kia, có một nhà vua công bình chơn chánh, thông minh lắm, xem dân như em ruột, trong xứ được bình yên thạnh vượng, mùa màng sung túc, dân dã thảnh thơi. Vua vì quá cực nhọc lo cho dân nên quên mình lao khổ. Một ngày kia vua bịnh, xe giá đi dạo nơi bãi biển. Đến gốc cây, Ngài ngự nghỉ tại đó mà nhìn xem cảnh vật mênh mông của biển dã, xem ngắm núi non, nhìn sâu trong rừng bụi, suy gẫm đến đền đài, xét nghĩ đến loài người. Ngài nhắm mắt lại, tưởng nhớ đến hành vi của mình, Ngài thấy mệt, thấy chán, thấy buồn ngủ. Ngài ngủ quên và chiêm bao. Ngài thấy núi non bị sụp, biển cả cạn khô, rừng cây bị đốt, đền đài tan sập, loài người chết hết, mọi vật tan lìa, công cán người đổ theo dòng nước…

Giựt mình tỉnh dậy, giác ngộ vô thường, thế sự như bao vỏ, đạo đức là ruột cơm, ý nghĩ lặng ngừng như mộng ngòi của hột. Ngài như một hột giống của tứ đại nhơn duyên, mọi vật bám níu bên ngoài như cát bụi. Đời là đống đất mà Ngài là hột giống sáng trong như viên ngọc đang ở trong ấy, và chúng sanh sẽ tìm kiếm bươi moi, đem về cất kỹ để lên cao. Ngài như một trái chín thơm ngon, như một ngọn đèn sáng, Ngài phải cần lo lấy Ngài, giữ lấy mình Ngài, đó là tâm của Ngài. Thiên hạ sẽ nương nhờ Ngài mà chính tự Ngài là phải giữ cái ta, cái tâm, cái mình, cái hột giống của trái ấy mới được. Thế là Ngài yên lặng tu tịnh và không trở về đền vua, để lo việc không rồi kia nữa. Và từ đó, ai ai cũng noi gương theo Ngài mà không còn tham muốn chi hết. Vị vua ấy khi xưa tức là đức Phật Thích-ca Mưu-ni vậy. Sự thấy rõ cảnh Niết-bàn dưỡng an cái ta hột giống là phải như thế. Đó là cảnh sống mãi của Ngài. Và Ngài là hột giống tứ đại không còn dời đổi nữa, nên kêu là Phật, là đắc đạo, là thành công đạt mục đích rồi, là yên nghỉ vào trong cái định, và định mãi. Cái định là hộp kín che phủ bên ngoài yên lặng, không không, vắng bặt.

Một người thương khách kia, ngồi trên chiếc xe chở đầy hàng hóa, người giơ roi đánh thúc bò đi, bánh xe kêu cót két lăn cán trên đường, để lại dấu bánh ghi sâu trên cát bụi, kéo lê dài nơi truông vắng. Người thấy ra trên khoảng không gian vô tận, bánh xe sanh tử luân hồi nặng nhọc lăn xoay, đeo mang cát bụi; ý mê muội như hai con bò khờ dại nghinh ngang; thùng xe là lòng tham lam chất chứa; danh lợi như món của chất đầy xe; trí người như dây cương roi gậy; tâm người là chủ xe ấy. Người tưởng tượng xe ấy sẽ bị lật xuống hố sâu, người vật của cải lâu năm biến thành đất hết, dấu xe kia sẽ bị phủ xóa không còn hình, cái tên tuổi việc làm nọ cũng không còn thấy nghe kiếm gặp. Người lạnh mình sợ sệt mà mong ước rằng: chớ chi thùng xe tôi chứa đầy pháp lý, trí tôi là thùng xe, sự tinh tấn như cương roi, ý niệm lành như cặp bò, tâm tôi được định làm chủ mãi mãi, pháp luân như bánh xe, dấu xe như điều luật, để đạo luật lại cho đời sau. Như thế tức là người không có chết, không thất bại, không lo sợ, không có mất. Người sẽ là hột giống của không gian cát bụi, chắc là sẽ lợi hơn lắm. Nhờ niệm tưởng như thế mà người xóa bỏ đi tu, đi khắp nơi, đi mãi, lấy thế sự làm vỏ bao ngoài dưới đất, pháp lý trí tuệ làm của cải bên trong phía trên, và tâm chơn như thì ngồi trên món pháp lợi ấy. Bấy giờ người là hột giống của thời gian trôi khắp, người sống mãi trên kho tàng pháp bảo, để đạo lý lại cho trên mặt đất cõi đời sau, người không còn phải lo lắng nghỉ ngợi sợ sệt chi nữa cả. Người ấy tức là hiện thân của Thường Tinh Tấn Bồ-tát. Người nghỉ yên trên xe pháp, xe pháp nâng đỡ chở che người. Người là cái chơn như đại định trong giữa gió bụi thời gian, người ở đâu, đi đâu, đến đâu, chừng nào cũng được. Người đã nghỉ trong những cái làm, nên không chút gì mệt nhọc.

Kìa một người làm ruộng, sau giờ mệt chán buổi chiều, nhìn lại những cái kết quả của công sự làm mãi không rồi ấy, mà thấy nhận ra đó là việc cát bụi bên ngoài. Những việc ấy chẳng qua là cái vỏ lốt trơn trợt mà thôi, những sự giác ngộ, những lý trí kinh nghiệm mới phải là món ăn cơm ruột, và cái tâm định của chơn như mới thật là ngòi mộng. Hay cũng như cái vỏ của trái và hột giống của trái, gồm cả thân tâm trí của người là một cái trái; vỏ phải bỏ, thịt cơm thì ăn, còn hột thì để dành cất mãi. Nghĩa là những việc làm nơi đồ đạc ấy rồi sẽ mất hết, chỉ no đủ cái trí, và để cho cái tâm được định nghỉ yên sau sự làm mệt. Thế là họ làm để mà nghỉ, họ nghỉ chưa được nên mới tập làm, họ làm cho mệt mới chán nản, cho cực nhọc, cho cái trí được vui vui hay hay và ngồi nhìn ngó những việc ấy để mà trầm ngâm yên lặng vậy.

Một người thợ cất ra một cái nhà để đặng nhìn ngó những việc của cái nhà ấy mà suy nghĩ, và sau sự suy nghĩ mệt mỏi ấy là để cho tâm được yên lặng ngủ nghỉ cho khỏe, chớ không có chi hết. Trần thế đối với người thợ mộc là cái ngủ nghỉ yên lặng, và làm là để giải trí vui chơi thong thả, hơn nữa là để gìn giữ che đậy, tập nuôi cho cái chơn như yên lặng. Họ chú ý nơi cái chơn như yên lặng, chớ việc ngoài đâu có chi là bền, là của họ, mà họ đi tríu mến ô nhiễm! Kẻ ấy cũng thấy rõ ra được cái hột giống chơn như của họ.

Thật vậy, trần thế ai ai cũng có thể giác ngộ được hết. Vì cái giả mỗi lúc là chỉ ra cái thật, cái thật chơn như yên lặng có sẵn trong mỗi cái giả, vọng động, xao xuyến. Cái có cái khổ là chỉ rõ cái không cái vui, cho nên ai ai cũng lãnh hội được gặp cái tâm, cái ta hột giống hết.

Cũng như nơi loài người, một ông già kia nói: thân già cũng như vỏ trái teo nhăn, chờ thuở sẽ thành đất trả lại tứ đại, đặng sanh ra các món vật khác nữa. Cái thúi thành đất có hai cách: một cách hột non sẽ bị thúi luôn bỏ hết, còn một cách là hột già thì còn lại!

Từ nhỏ đến lớn, cái thân ấy có là để chứa đậy, nuôi dưỡng cái tâm, và cái tâm cũng nương theo trình độ của cái thân mỗi lúc. Nhưng cũng có một đôi khi thân tâm chẳng giống nhau như vỏ chín mà hột non là chín héo, và như vỏ non mà hột già là cũng ít khi có gặp. Còn thường thì vỏ ruột hột, bao giờ cũng nương theo nhau cả. Chúng nó tiến lên từng trình độ, mỗi lúc cách sống một cách khác lúc đầu, không còn giống nhau, nên ít ai lầm lạc! Cũng như vầy: Từ lúc mới sanh đến khi già chết, loài người có chia ra làm ba hạng: trẻ nhỏ, người lớn với ông già.

Ba mươi tuổi sắp xuống là hạng người nhỏ.

Ba mươi đến sáu mươi là hạng người lớn.

Sáu mươi tuổi trở lên là hạng người già.

Người là loại động vật cao nhất, người là nhân, nhân là hột giống. Người là hột giống của tứ đại, hột giống ấy có ba thời kỳ:

1. Còn non sức đang nở lớn xinh đẹp.

2. Đã lớn đúng sức trơ trơ.

3. Khi già tóp teo nhăn lại.

Vỏ trái sau khi già thì chín rụng. Thân người sau khi già thì thân người chết. Còn hột trái sau khi già thì cất để đời, tách lìa cây; tức như tâm người sau khi già thì nhập định mãi, xa lìa bỏ thế. Như vậy là nơi cây thì mọc để rụng, còn nơi người thì sanh để chết. Chết rụng là cất để dành còn mãi, trong cái chơn như yên lặng Niết-bàn, không còn gieo lại để chịu sanh tử luân hồi khổ não nữa. Ấy mới gọi là chết rụng thiệt vậy. Đây là giáo lý trình độ mỗi lúc của hột giống người.

Một người nhỏ kia nói dưới ba mươi tuổi là tuổi phải sống bằng cái ác. Từ lúc mới sanh cha mẹ phải nuôi, đến lớn lên một chút, anh chị bà con quyến thuộc giúp đỡ, lớn nữa nương theo xã hội. Tất cả chúng sanh, vạn vật, các pháp un đúc cho tôi, mà tôi chưa có đền đáp cho ai lại công việc chi cả. Cho đến khi gần ba mươi tuổi, tôi mới tập lần lo lấy tôi, khỏi phiền nhọc kẻ ở gần, chớ cũng chưa giúp ích lợi cho ai. Cái ác mà chính tự tôi vốn chưa hiểu được, đó là thời kỳ ác cũng kêu là thời kỳ của thân. Cái thân đang nẩy nở, đang to lớn, đang xinh đẹp, đang cần phải những sự tô điểm, trang sức, cái thân đang độ quí giá như ngọc như vàng. Lớp tuổi ấy ai ai cũng phải khoe khoang kiêu hãnh, tự cao cả. Cũng như vỏ của một trái dừa non, xuân xanh, bao dày làn phấn, nào có ai biết chi là thiệt giả, phải quấy gì đâu. Tuổi ấy là tuổi của vật chất, ai mà không say mê với sự thấy, nghe, hửi, nếm, rờ, tưởng nơi sắc tốt, tiếng thanh, mùi thơm, vị ngọt, món êm, tình dục. Cảnh ấy con người chỉ biết sống bằng sắc thân, đối với vật chất chưa biết khổ, chưa biết ghê dơ chán sợ, vì bởi chưa có đủ trí phân biệt, kinh nghiệm. Cái thân ở trong vật chất như con sâu nằm trong ổ kén, nhắm mắt co ngoe, chẳng cần biết sự sáng tối, ngày đêm, thiện ác, sống chết, nên hư, tới lui chi cả. Ấy là tuổi tham muốn, đói khát, thèm thuồng, tuổi mà chưa gặp cái hay, vật lạ của sự đời thì ai mà không háo thắng, đua chen, danh lợi, giành lấn, tranh nhau của sự mới gặp đời lần thứ nhứt.

Người tuổi nhỏ chưa biết đến ai cả, chưa biết ra sao là trần thế, chưa có định tĩnh được. Người nhỏ bao giờ cũng tưởng rằng mình là con của tất cả mãi mãi, ai ai cũng phải chìu chuộng, ai ai cũng là người của người nhỏ, phải sống cho người nhỏ và phụ tiếp với kẻ khác, là tự mình lo cho mình là đủ rồi. Tuổi ấy ai cũng cho rằng xác thân là mình, là ta, và cả thảy vật chất, của cải tiền tài, vạn vật tốt đẹp trên thế gian là của người trẻ tuổi, chớ nào phải của người lớn, ông già. Cho nên con cháu ai mà không bất bình, than trách kẻ ông già người lớn rằng cất giữ của cải vô ích, và sự ăn sắm chẳng hạp thời, đã lớn già rồi mà còn tham muốn, ăn xài không trúng cách nữa mà làm chi. Vì thế nên con cháu mới buộc tội và đả đảo cha ông, để giành giựt cướp lại quyền lợi của tuổi trẻ, không ai kể gì thiện ác cả, bởi lẽ ông già sẽ chết, người lớn hết sinh; còn tuổi trẻ là tuổi sống, tuổi đẹp, thì cái vui đẹp vật chất phải là của cải của tuổi ấy, chớ không phải của ông già người lớn. Mà người lớn là đã hưởng qua rồi cái tuổi xuân xanh vật chất ấy, bây giờ phải chịu hy sinh, phải nhịn lại để cho trẻ nhỏ đàng sau, thì tuổi trẻ mới tôn kính được chớ. Người lớn phải sống bằng tinh thần lý trí, học thức, bằng sự kinh nghiệm của bước chân đã trải qua; hãy sống bằng trí, bằng thiện, vì xác thân đã đứng ngừng chai chết, trở lại xấu tóp lần lần rồi.

Một người lớn tuổi nói thân người trên ba mươi tuổi là cái thân mực giữa của lúc mới sanh và khi già chết. Xác thân của tuổi ấy nó buộc người phải sống thế nào, phải làm việc chi, chớ không phải nắm níu vật chất cái xinh đẹp nữa được. Tuổi chẳng trở lại, xuân bất tái lai, thời gian đã xô đi, không cho hưởng dùng vật chất nữa. Cái kho vật chất là nhà hạnh phúc của xác thân trẻ tuổi, của người thiếu trí đang chấp có, chấp sự vui chơi, mà kẻ nào đã đi qua khỏi rồi thì đến phiên kẻ khác sẽ đi sau hưởng tiếp, còn mình thì sau khi đã no đủ rồi là đến lúc phải lo làm trả lại, phải chịu cực khổ xác thân và hy sinh của cải, phải chịu thiệt thòi theo luật vay trả của hữu hình tứ đại, đặng mà bước lên lớp trên bậc trời người lớn, bởi lẽ xác thân chẳng đứng ngừng, và không đi lui trở lại. Người lớn phải là kẻ hy sinh, ngôi chí thiện, đấng tinh thần, hạng lý trí, kẻ sống không không, không vật chất của tuổi cha mẹ, khác hẳn tiếng xưng con.

Con là lo ăn lo uống vui chơi, cha mẹ là lo làm, lo nuôi săn sóc, giữ gìn miếng ăn mạng sống cho con mới phải. Cha mẹ phải là tôi tớ cho con bằng xác thân vật chất, bởi tuổi trên ba mươi là tuổi có con, vật chất chán nhàm, thân thể không còn tốt đẹp, ăn chơi như trẻ nhỏ. Cha mẹ là phải lo làm nuôi con trả lại, hãy sống no đủ bằng sự yêu thương, còn xác thân thì phải chịu sự ốm o, xấu kém vì con. Cha mẹ là kẻ đã ăn hưởng xong rồi vật chất, có đủ sức lực rồi thì bây giờ phải lo làm, làm để trả lại trẻ con, là đền ơn trước kia cha mẹ nuôi mình thuở nhỏ. Tuổi cha mẹ là đến lúc phải làm nhiều ăn ít, không than van cực nhọc xác thân, chẳng cất dư của cải cho mình, mà phải lo chung cho xã hội. Cha mẹ là phải nhường nhịn chén cơm lại cho con nhỏ, chẳng nỡ chỉ hưởng một mình no, mà bỏ con đói khát. Người lớn là tuổi đủ sức lực, cần phải thi thố sức lực, làm việc to lớn rộng rãi cho người, việc lớn cho thiên hạ minh mông như trời nước. Cái lớn là không để ai lo cho mình và mình cũng chẳng lo cho mình, mà chính mình phải lo cho tất cả, đặng đền ơn trả lại công cán xác thân, mà trước kia người người nuôi ta, vật vật giúp cho ta; chớ không phải là cái lớn của ăn nhiều, cất giữ hết, choán hại của cải trẻ em. Vì một cái thân to cướp mạng sống của biết bao nhiêu trẻ nhỏ. Một miếng ăn lớn là sự chết đói của cả số đông người. Vậy nên đối với chơn lý sống chung nhân loại là người nhỏ phần ăn nhiều làm ít, người lớn phải ăn ít làm nhiều bằng vật chất. Người lớn phải ra sức lực làm việc, mà phải ăn lại thuộc về lý trí không không, làm để vui chơi, làm để mở trí kinh nghiệm được học, làm để lấy sự hay giỏi, cao thượng danh vọng, tinh thần, thiện chánh; còn món lợi vật chất là phải bố thí cho trẻ con, không nên còn sự ăn chơi cẩu thả, ngộ nghĩnh như lúc bé con nữa. Thật vậy, cha mẹ đâu có nỡ lòng nào ngồi không dư dả, để cho trẻ nhỏ cực khổ thiếu kém, xấu xa chết sớm cho đành.

Kìa một ông già sáu mươi nói cái tuổi ông bà này là cái tuổi không còn như trẻ nhỏ ăn chơi, cũng không còn sức lực như người lớn. Cái tuổi sau sự kinh nghiệm được học, đủ trí, giác ngộ, tri thiên mạng, phải là ông thầy giáo dạy dỗ, chỉ đạo lại cho người lớn nhỏ, lấy giáo lý độ đời, đem pháp bố thí cho chúng sanh chung, để cho người lớn trẻ con được học hỏi nghe dạy, mà đem cơm nuôi giúp cho mình trở lại. Ông bà là tuổi như trái đã chín già, gần chết rụng, ngủ nghỉ, cất kín để đời. Người lớn trẻ nhỏ nuôi đặng ngày nào là để được xin học ngày nấy, dưỡng lão khất ngôn. Còn bằng không ai nuôi thì thôi, đói không nhịn được thì nên phải đi xin ăn, và nên đi xin ăn dạy học khắp nơi, mới là khỏi đói. Ông bà là tuổi mà còn ở mặt đất giờ nào, còn ăn một miếng cơm của người là phận sự còn bắt buộc, phải dạy dỗ lại người, giúp nên cho mặt đất, cũng chưa ngủ nghỉ nằm yên được. Tuổi ông bà là trên cao hơn hết, là tuổi độ tha, chớ không còn tha độ hay là tự độ, phải sống với vũ trụ bao la, tâm rộng như hư không, lòng từ bi phủ khắp, trí sáng tủa chiếu cùng nơi của bậc già kinh nghiệm, già đạo đức, sực nức mùi thơm ngon ngọt từ nơi cửa miệng hé mở. Cái sống bằng tâm của bậc già là chơn như tự nhiên yên lặng, tập như cái chết cho quen lần sự an lạc về sau.

Tuổi ấy chỉ còn hưởng được cái chơn như tịnh định, chớ không có vật chất, tinh thần chi cả. Trí của bậc già là thấy xa nghe rộng, biết rõ tâm người, hiểu thông mạng số, xét rõ xưa nay về sau, thân mình như bay nhẹ, ý thường an định, trụ hòa vắng lặng. Thân của bậc già là nết hạnh trang nghiêm trong sạch, chẫm rãi, khoan thai, nhàn lạc, đức hạnh đầy đủ, từ bi trí huệ, chánh đẳng chánh giác, công bình tỏ ngộ, không còn ngã ái tự cao, thất tình lục dục chi nữa cả. Những bậc ấy không còn tham sân si, tội lỗi nữa. Tuổi ông bà là đã qua khỏi tinh thần vật chất, không còn thân trí, cũng không có ác thiện được mà là phải sống bằng chơn như, và giác ngộ cho chúng sanh thôi! Vì tuổi ấy đã nhận ra được chơn lý lẽ thật của vô thường, khổ não, không ta, không của ta trong võ trụ, nên không còn mê muội, lầm lạc, say đắm nữa. Phận sự của người già, còn có người nuôi sống tạm ở đây, là phải giác ngộ, giáo hóa cho chúng sanh chung vậy. Ông bà là bậc không còn đua chen, mưu trí sức lực, để giết hại người lớn, cha mẹ; cũng như người lớn, cha mẹ không nỡ dùng sức lực, miếng ăn áp chế trẻ con mình. Đời sống của mỗi bậc vốn có sẵn chương trình kỷ luật, nhìn xem nơi xác thân thể diện, chúng ta tức khắc thấy ngay cái thứ tự ấy.

Cái sống, cái ăn, cái vui, cái nói, cái thích hạp của vật chất, tinh thần, chơn như, ba pháp khác nhau, đúng phép, không ai có thể chen lộn của ai được. Kìa người già đâu có còn dùng vật chất xác thân, cái ác như người nhỏ nữa, đâu có còn dùng tinh thần, lý trí, cái thiện như người lớn nữa. Kìa người lớn đâu còn có dùng vật chất, xác thân, cái ác như người nhỏ nữa, và đâu thế nào dùng chơn như tâm định đạo đức như người già được. Kìa người nhỏ đâu có thế nào dùng tinh thần, lý trí, cái thiện như người lớn được, và đâu thế nào dùng chơn như, tâm định, đạo đức như người già được. Luật sống tự nhiên đã sắp đặt thay đổi mỗi lúc, không còn cho ai giữ cái tham chấp một mực được, và nó cũng không cho ai xen lộn phá rối bậy bạ cả. Hạnh phúc của chúng sanh mỗi lúc đều đầy đủ, thuận hạp đúng y như thế, sẵn phần như vậy. Kẻ nào tham bậy ắt bị hành phạt, kẻ nào phá rối ắt bị khổ sở, mà không được kết quả ích lợi chi cho ai cả. Đúng lý như vậy.

Chơn lý pháp bảo của võ trụ dạy bảo ai nấy phải sống đời lo tu học cho đúng phép, chớ đâu có cho tuổi bậc cha ông, già lớn, để cho người kêu gọi trẻ con, của vật chất thân ác như trẻ con. Cho nên trong đời nếu có kẻ nào đi ngược bằng tay, tuổi cha ông mà còn muốn cho người kêu gọi mình trẻ con, không chịu già lớn thì phải bị chết khổ vô ích lắm. Kẻ ấy muốn làm trẻ nhỏ đi ngược, chun lủi xuống bùn lầy ấy, chẳng chịu xem xét lại thân mình, có khác nào kép hát diễn trò, mang râu vẽ mặt, làm hề giễu hoài, chọc cho thiên hạ cười nôn hoặc phát giận; lại để cho người ta tha thứ, kêu là ông cha còn trẻ nhỏ mãi. Ấy bởi giáo lý của ba hạng bậc:

1. Trẻ nhỏ là còn ác trược vật chất xác thân.

2. Người lớn tinh thần, lý trí, thanh thiện.

3. Còn ông già là đến đạo đức, chơn như, tâm định tự nhiên.

Ba giáo lý ấy là danh từ của ba bậc, ai ở pháp nào kêu gọi tên nấy (bất chấp xác thân). Cũng như một em bé kia mà sống ăn vui, nói thuận hạp theo tâm trí, thì đó phải là ông già, người lớn tái sanh, chớ đâu còn là trình độ của mới còn em bé. Nghĩa là danh từ do giáo lý, kẻ nào hát giễu làm bộ tịch, muốn chịu xấu kém để lo ăn, hay là ai muốn vinh hạnh để nhịn đói, thì tự ý. Mà sự thật của cái tên gọi ông già, người lớn, trẻ con phải có, là bởi đúng sự hành vi của chúng ta vậy. Như thế là chúng ta đã vén được một bức màn vô minh hỗn độn. Chúng ta đã lật được bề trái của tai nạn mà thấy rõ gốc tội lỗi bên trong, và chúng ta sẽ biết rõ pháp luật chơn lý, hiểu rõ mặt đất của thế giới an lạc. Như thế là chúng ta tự mình được phân biệt kẻ hát với người xem, tự mình từ nay sẽ dứt trừ chiến tranh, vật chất, xác thân, ác trược của trẻ em, biết giữ gìn quyền lợi cho trẻ em, nuôi sống giúp trẻ em, để cho trẻ em được hưởng trọn đủ món gia tài, đúng y theo số tuổi.

Có như thế, con đàng sống của nhân loại mới thông lưu.Từ nhỏ đến già, ai cũng phải trải qua đầy đủ của bước chân vật chất, tinh thần, chơn như y nhau bình đẳng. Bổn phận của ai nấy đi tới, chớ không còn có đứng lại, hoặc đi lui, ngăn cản xoáy lộn, dội ngược với kẻ đàng sau, tức là tự mỗi người đã chấm dứt hẳn chiến tranh. Chiến tranh mà bằng đạo đức, chơn như, tâm định đi tới tốt đẹp, xưa nay ít ai tranh đấu để cho mau thành Phật, để đặng tu hết, mà trái lại là chiến tranh lộn ngược, ông già người lớn thối tháo lui trở lại bước trẻ em, chen lấn tập làm trẻ nhỏ, chiến tranh vật chất trẻ nhỏ. Sanh trẻ nhỏ ra làm chi cho đông nhiều, không dạy bảo chi hết, lại tranh đấu vì miếng ăn, hại chúng đói khát, giết hại con cháu. Thật vậy, sự đời đã có những nơi như thế. Và chơn lý của loài người là sẵn, bảo phải y như vậy. Loài người không có khác nhau, phân biệt chia rẽ nơi màu da, chủng tộc, mà loài người chỉ có không giống nhau nơi già, lớn, trẻ. Và ba món sống tư riêng ấy, không ai dùng lộn của kẻ kia mà thuận hạp cho mình được.

Vậy nên từ xưa cho đến nay, lương tâm nhân đạo của các bậc cha ông, bao giờ cũng luôn luôn vui chịu sự san sẻ, nhịn miệng lại cho con cháu, để cho con cháu ta vui, rồi ta thấy nó vui mà ta vui theo. Cái vui của người sắp bước đến cảnh không không, bỏ lại hết của cải là như thế. Do đó, con cháu sẽ ngoan ngoãn tôn thờ, không còn dám đâu hăm he giết hại được. Cho nên từ xưa đến nay, chiến tranh vật chất là phần của trẻ nhỏ với nhau, chớ ông già người lớn ít ai chen lộn, để phải bị tai nạn oan uổng trong ấy. Và với sự cấu ó của người nhỏ, lát đánh lát ngừng, lát chơi lát giỡn ấy, thì chúng ta còn ai lại càn lếu gì, đi nhọc lo can thiệp những sự việc của trẻ em làm chi.

Trong đời trẻ nhỏ tập làm Trời, người lớn hay Phật ông già là xem được phải lắm, nên khuyến khích lắm. Nhưng nếu Phật, Trời, ông cha mà sa ngã, đọa lạc xuống lớp người nhỏ thì thật rất khó coi, nhột nhạt. Thế nên chúng ta phải tu tập học hành, gìn tâm giữ trí, làm bậc cha ông Trời Phật, nuôi nấng dạy dỗ trẻ nhỏ thơ ngây cho phải đạo, vì ai ai một ngày kia cũng là Phật cả thảy. Bổn phận người đi trước phải dìu dắt dẫn đạo cho kẻ đi sau, mới tránh được sự ích kỷ, tội lỗi lấy mình, và không còn có ai kêu rêu trách móc mình được.

Kìa Phật là ông già, như ông nội, ông thầy giáo giữ tự nhiên.

Trời là người lớn, như người cha, kẻ sanh nuôi làm thiện.

Người là trẻ nhỏ, như con thơ ác dại, ham vui vật chất.

Trẻ nhỏ là con người lớn, cháu ông già, hay đệ tử ông già.

Ông cha là bậc trí huệ, từ bi, hỷ xả vô lượng.

Vậy chúng ta phải bước tới cha ông, vì thời gian không cho đứng mãi, cũng như hột giống non nhỏ, đến cứng to và già chín. Nhơn duyên đã phải như vậy, chúng ta không ai tài gì trái cưỡng chơn lý võ trụ nổi đâu! Thế nên tốt hơn là tất cả phải lo tu học, và tu học chơn lý là mục đích chánh đáng hơn hết.

Vả lại tiếng nhân người, người là người người, chớ chẳng phải là mình, chẳng có tiếng mình trong đời. Người là nhân, nhân là hột giống. Hột giống ấy có là bởi không có tiếng mình, vì nếu chỉ biết mình là không có tiếng người, nhân, hột giống. Hột giống để tự nhiên là nó sẽ sống và lớn theo thời duyên. Vậy chúng ta chẳng nên động chạm đến hột giống nhân người, và phải yên lặng tự nhiên mà nuôi dưỡng nó.

Người là hột giống, khi chết đi phải còn là hột giống tốt, thơm quý để lại đời sau, để đạo đức lại đời sau, để ân hậu lại đời sau, mới không hổ thẹn với tiếng thân người cao quý, mà chúng sanh vạn vật các pháp rèn trau un đúc nó, nó có biết mang ơn, và có lo đền đáp. Như thế mới gọi tiếng nhân người hột giống, có sống, có hữu dụng, chẳng phải chết trơ. Cái trơ trơ trở lại như cát bụi, chớ không phải được như như, như chư Phật. Như thế đời là đạo Phật, chúng sanh rồi ai ai cũng tu nhập Niết-bàn, sống mãi, gìn giữ hột giống được hết. Thế mà thời gian mỗi phút trôi qua, chúng ta lại mãi còn đang lặn hụp, thật là uổng tiếc quá.

Đọc bài này, chắc chúng ta có chỗ nói rằng, nếu không ông già giữ của lo cho, thì trẻ nhỏ sẽ phá xài hư hết rồi nó khổ, hoặc quen tánh hư đi thì lớn lên nó đâu có làm thiện, chịu thiệt thòi được?

Vấn: Và e rằng không có ông già nên mỗi chỗ của trẻ con, không người kiềm chế, ắt chúng nó sẽ chết hết với nhau chăng?

Đáp: Đã là ông già thì trẻ nhỏ chúng nó xô đùa té chết, chớ kiềm chế giữ lo chi được.

Bài này cốt yếu chỉ cho chúng ta thấy rõ chơn lý của hột giống người có ba hạng bậc, do đó giáo lý người Trời Phật là có hiện tại nơi người! Như thế những ông già đều là bậc xuất gia hết, sống trong Giáo hội chư Tăng tu học, ở chung nhau khỏi cần nhờ con cháu, đâu còn có một ông bà nào ở lộn trong cõi thế mà sợ thiếu ăn. Các ông bà đi tu là xin ăn, hoặc ở nơi rừng vườn, rau trái, hang cốc, vỏ lá thuốc cây, vốn có sẵn cho sự ăn mặc ở bịnh, lo gì thiếu thốn mà phải chen chúc với trẻ con! Còn người lớn làm nuôi trẻ nhỏ đến 18 tuổi thì nó phải tập lần lo nuôi lấy nó. Trẻ nhỏ có của cải ăn chơi hay không là tại người lớn làm nhiều hay ít, quyền của cha mẹ! Nếu con nhỏ ham chơi bậy thì cha mẹ chẳng làm nuôi, chớ có lạ chi. Và cha mẹ chỉ làm đủ ăn, nuôi sống cho con mỗi ngày thôi, có của cải chi đâu mà cần phải đi giữ gìn cho con. Người cha mẹ chỉ phải mỗi miếng ăn vật tốt là nhịn miệng để cho con nhỏ hơn mình một chút, là đủ cho nó mến trọng ân sâu rồi, chớ đi lo làm dư mà làm chi. Còn con nhỏ tự nó muốn làm ăn dư dả, để chơi vui cho quen tánh xấu là cũng tự ý nó. Điều ấy có phần những ông già, thầy giáo lo dạy dỗ, chớ cha mẹ thì không thế nào dạy con trẻ được, vì bởi cha mẹ là chỉ mới cao hơn nó có một nấc thang thôi.

Còn trẻ con, khi đã được ba mươi tuổi thì nó không còn có sự vui chơi nữa, và phải trở lại lo làm cho kẻ khác. Vì nếu luật sống chung này đã thông dụng, khắp thế giới đã ban hành ra rồi thì đâu còn ai lại chẳng biết đến tuổi của mình nữa. Theo phép sống chung này thật là rộng rãi, đúng lý, chơn chánh lắm, đâu có chi phiền hà, nên dầu ai có tội lỗi chắc họ cũng vui lòng, tự truy tố phạt vạ, để làm gương cho đời sau, tự họ rất vui lắm. Và chắc chắn là không có ai sái phép được cả, vì các bậc cha ông có ai mà không thích hợp mong muốn như thế ấy! Như thế nghĩa là cha mẹ còn hay ở gần với con nhỏ chỉ lo cho con nhỏ ăn mặc ở bệnh thôi, chớ quyền hành dạy dỗ là tại nơi cha mẹ và sự sống chết của con trẻ cũng do nhờ cha mẹ. Nếu con trẻ hư tệ gì thì đúng 30 tuổi, nó cũng phải tự lo làm lấy ăn và phải giúp nuôi lại kẻ khác, chớ đúng tuổi thì cha mẹ không lo cho nữa.

Phép sống theo chơn lý chỉ ra đây đâu phải là ép buộc, đâu có gắt gao. Mà dầu chúng ta có cho là không được phóng túng cẩu thả, tham lam đi nữa, chớ cũng đâu bằng sự bắt buộc, chiến tranh, giết người, đoạt của, ép bức vợ con? Thế mà sao chúng ta cứ mãi đắm say vật chất, liều mạng nhắm mắt đánh liều, cho là vui sướng hạp chịu.

Giáo lý sống chung nuôi hột giống mỗi lúc này thật là chánh lý lắm, dứt trừ được chiến tranh lầm lạc, chớ không có cách gì sanh chiến tranh lầm lạc. Luật vũ trụ của tuổi số là vốn chẳng cho tham lam, vì không có ai dư dả cất giành, có đâu sanh ra cắp trộm được.

Trẻ nhỏ nếu muốn chiến tranh thì người lớn chẳng chịu làm nuôi. Còn như nó ráng làm dư nhiều đặng tranh đấu thì mắc lo tranh đấu là đâu có làm, còn lo làm thì đâu có tranh đấu.

Người lớn là bậc trời biết hy sinh thì đâu có chiến tranh. Đã không dùng được vật chất tốt đẹp dư hơn thì chiến tranh để cho ai? Còn những ông già lo tu như Phật thì có đâu ghét giận ai, mà đi giết hại! Vậy thì chơn lý này là đạo của người, là phép ngăn ngừa chiến tranh vĩnh viễn. Vì chiến tranh trong đời mà có là tại người lớn ông già ở bên trong, chớ các bậc cha ông ở ăn đúng phép như Trời Phật, thì trẻ nhỏ đâu còn làm cái chi to tát nhiễu hại được. Bởi vậy mới có một người kia nói: thử ngay hiện tại trong các chỗ chiến tranh người ta lựa cất ra những ông cha, thì tức là yên tịnh ngay được. Và người ta cũng vẫn mãi hỏi với nhau: không biết các ông cha ấy, tuổi đã như thế mà còn mong ước cái chi nữa để đeo đuổi trong ấy, gọi tiếng lo cho trẻ con, để báo hại trẻ con mà tránh sự nói làm lẽ phải, sợ lánh điều cực nhọc, đành mang chịu tội lỗi, ích kỷ sái phép; bởi tuổi cha ông đâu còn choán lấy, cất để cái chi cho mình được bao lâu nữa.

Có người lại nói tại hồi xưa trẻ con hỗn láo, nên cha ông ghét giận lắm, tìm cách giết hại nhiều đời mãi mãi. Các ông ấy luôn luôn trà trộn, đốc xúi trẻ nhỏ giết hại chết hết với nhau, chia rẽ chúng nó ra, đi lộn ngược nguồn tiến hóa, để gương ác hại ấy, khiến muôn loài mai hậu chết thảm vì nhau, để cho không còn có đạo.

Chơn lý này là phép khuyến tu hay lắm, làm cho nhân loại thấy rõ nấc thang tiến hóa của mình. Ai thật hành được là hạnh phúc cho mình, theo y như đây thì trẻ nhỏ được no, người lớn nhịn miệng, ông già lo tu dạy đạo là ba môn hạnh phúc của người Trời Phật tại thế, hạp đúng chơn lý tiến hóa lẽ sống chung, mà xưa nay không ai đi lấy lý lẽ gì viện tránh trái cãi được. Ắt phải như vậy, không rối khổ thì khỏi cầu an, không chiến tranh thì khỏi vái nguyện bình yên.

Cầu nguyện vái là tấm lòng ao ước mong muốn sự lành, mà sự lành ấy là ở tại chỗ thật hành, chớ chẳng phải ở nơi lời nói, cùng sự ước mong mà nên đặng. Đúng lý như vậy, sống vui tu học hơn là chết khổ. Giàu sang giây lát sao bằng cái nghèo khó của Trời Phật. Mà mục đích của loài người là tiến lên Trời Phật, chớ đâu phải ở hoài một lớp, mà bổn thân đi tạo của. Kìa cổ nhân Phật Thánh, khất sĩ thanh bần, đói ăn rau trái, mặc lá vỏ cây, uống thuốc cỏ cây, ở nơi hang bộng, mà được nên Trời Phật. Chớ nào có bỏ sự học tu mà đi lãng chơi tạo nghiệp, để chịu sự khổ sở dây dưa, luân hồi vô ích mãi.

Đời càng xa chơn lý càng lắm gian nan, nhưng biết đâu đang sẵn có dịp gian nan là nhơn duyên khiến bảo chúng ta nên hãy lập đời chơn lý trở lại, từ nay về sau hóa nên cõi Phật tốt đẹp, không cho chúng sanh liều càn rối mãi nữa. Phải như vậy thì thật là may mắn, hạnh phúc quá.

Nói tóm lại, trong đời có ba miếng ăn, ba cái sống, ba món của cải, ba sự giàu sang của ba hạng người là vật chất, tinh thần và chơn như. Ba miếng ăn ấy không ai giành giựt lấy cắp, chia sớt gì cho ai được, cũng không thể bắt chước và ăn lộn được. Trẻ nhỏ không hưởng tinh thần được, người lớn không hưởng chơn như được, và ông già không hưởng vật chất được.

Chơn lý đã phải như vậy thì chúng ta không nên sái phép để tự mình tìm sanh tai nạn. Cũng như bậc cha ông không thể dùng được vật chất thì còn đi cất giữ tranh đua mà làm chi, để cho trẻ nhỏ thiếu ăn, để cho chúng nó phải đánh đập, giành giựt với nhau đổ máu, mà trái lại chúng nó tìm kiếm mãi, chẳng biết của cải đi đâu mất hết. Cũng vì thế mà lắm kẻ cháu con trở lại làm khổ cha ông, cha ông không còn giấu cất chôn bỏ đâu được, và cũng không thế la rầy cho nổi, vì là mình cũng không khác chi chúng nó.

Cha ông rầy dạy con cháu thì phải lẽ, còn con cháu nói nặng cha ông, điều ấy ắt chẳng nên. Cũng bởi lẽ ấy nên trong đời kẻ thức trí cha ông thì hay giao sự nghiệp quyền thế lại cho con cháu, khi đến lúc phải thời, chớ không tự mình cắt bỏ, ghét hại, bày mưu, đốc xúi, giết phá cháu con. Các ngài không còn cho chúng nó là chướng ngại, sự tham lam của mình. Các ông cha đâu còn muốn sự tham lam bất công chi nữa. Vì công lý đâu có cho mình toại hưởng mãi, bởi cái già chết là phải bỏ hết mà thôi.

Bởi hiểu như vậy nên bậc trí thức, không còn gọi cái tuổi trên ba mươi là đến tuổi làm giàu nữa. Các ngài không còn than nghèo. Các ngài cho rằng biết đâu vì quả báo mà lắm kẻ cha ông kia chen lộn vào đám cháu con, để xúi giục chiến tranh, đặng giết hại trẻ nhỏ, để riêng mình ăn trọn; mà trái lại, mình sẽ bị chết, và bị phân phát trả của cải lại cho đám trẻ con. Hay như khi mình chết đi, luân hồi trở lại làm trẻ em, sẽ phải bị cái gương ác kia xúi kẻ khác, đàn áp hại mình trở lại, chớ không có ích lợi được chi cả. Chơn lý phải y như vậy.

Có như vậy mới có tạo nên được những bậc cha ông xứng đáng trong đời. Những bậc cha ấy tức là chư thiên bậc trời, cư sĩ tại gia, trí thức thanh thiện, sống bằng tinh thần không không, tốt đẹp cao quí.

Còn những bậc ông già khất sĩ xuất gia là phải giải thoát, giữ gìn giới hạnh của bậc thầy, sống bằng chơn như, tâm định, tự nhiên yên lặng, quí báu hơn hết.

 


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][