Đức Phật Thích-ca khi xưa có nói: Thuở quá khứ có ra đời một vị Phật tên là Sư Tử Phấn Chấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, đủ cả 32 tướng tốt, 80 cách đẹp. Bấy giờ có con của một vị trưởng giả bạch hỏi Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, phải làm hạnh nguyện gì mới được tướng ấy? Phật đáp rằng: Muốn chứng thân này thì phải trải lâu đời, độ thoát tất cả chúng sanh thọ khổ. Khi ấy người con trưởng giả mới phát nguyện rằng: Nay tôi nguyện từ đây về sau mãi mãi cho tới vô số kiếp, chẳng có thể kể ra được, rộng mở đường phương tiện, độ cho chúng sanh tội khổ trong sáu đường, khiến cho họ được giải thoát tất cả, rồi tự thân tôi mới thành Phật sau.
Về sự tích này là để chỉ rõ ra rằng: Những ai muốn có đủ 32 tướng tốt, 80 cách đẹp của đức Như Lai thì phải tu hạnh cụ túc trọn đủ vạn hạnh, tinh tấn hùng lực sư tử phấn chấn. Người trưởng giả tức là người giàu lòng từ thiện, thiện lành sanh thức trí là con trí thức của nhà từ thiện, tầm tõi quán xét, tự hỏi han suy gẫm nơi pháp tu vạn hạnh trọn đủ tinh tấn hùng lực của chư Phật rằng: Phải tu làm sao mới chứng được sự tốt đẹp như chư Phật? Bấy giờ người giác ngộ ra rằng: Muốn được tướng tốt cách đẹp ấy là phải trải qua lâu đời độ thoát tất cả chúng sanh thọ khổ, chính trong phép tu tinh tấn hùng lực trọn đủ vạn hạnh để thành Phật là chỉ dạy y như vậy. Sau khi trí thức của nhà từ thiện, nhờ thấy rõ nơi pháp tu tinh tấn hùng lực trọn đủ vạn hạnh của chư Phật mà được giác ngộ, nên liền nhận ra được bổn nguyện chánh lý của mình, là từ đây trở về sau, mãi mãi cho tới vô số kiếp, chẳng có thể kể ra được, nên phải rộng mở đường phương tiện độ cho chúng sanh tội khổ trong sáu đường, khiến cho họ giải thoát tất cả, rồi tự thân mình mới thành Phật sau được.
Đó là sự phát tâm đầu tiên của Ngài Địa Tạng Bồ-tát, hay cũng là nhà từ thiện được thức tỉnh, thoạt mới khởi lòng bồ-đề đại nguyện. Hay cũng có thể nói là thân thiện lành sanh thức trí mà phát khởi bi nguyện độ chúng sanh để mong cầu quả Phật về sau. Địa Tạng Bồ-tát nghĩa là đại nguyện của pháp tế độ chúng sanh, ấy là một danh từ pháp lý chỉ dạy như thế, chớ không phải riêng ai cả. Đức Phật Thích-ca dạy giáo lý thượng thặng Đại thừa cho bậc pháp sư Bồ-tát thượng trí, chỉ rõ pháp Địa Tạng Bồ-tát cho thấy biết hiểu nghe là như thế. Ai ai cũng là đắc tâm đại nguyện hoằng pháp Địa Tạng Vương Bồ-tát hết. Cả thảy chư Phật, chư Bồ-tát cũng đều là Địa Tạng độ hết chúng sanh, vì chưa độ hết chúng sanh thì chẳng bao giờ thành Phật, đắc Niết-bàn. Việc ấy có khác nào những chúng sanh trong tâm của mình mà mình chưa độ hết, trí huệ chưa đầy đủ, chưa giác ngộ hoàn toàn, thì làm sao đắc chơn như đặng. Thế mới biết rằng đại định Niết-bàn có ra do Bồ-tát trí huệ, Bồ-tát trí huệ là đại nguyện Địa Tạng đó.
Địa, nghĩa là cứng, dày, đựng chứa, rộng khắp.
Địa là nền tảng của tư cách con người.
Địa là nội bộ bản tâm của mình.
Nơi đây Địa là đại nguyện lực tế độ chúng sanh. Tạng là Pháp bảo Tam tạng, kinh luật luận gồm khắp. Vương là tâm vua chủ tể. Vậy thì Địa Tạng Vương tức là tâm nguyện của pháp, ai ai giác ngộ ra cũng thảy đều có cả. Đó là tâm nguyện của pháp, kẻ nào đắc pháp là có tâm nguyện ấy của mình, thì tức mình là Địa Tạng Vương hay là hóa thân của Địa Tạng, do pháp lý Địa Tạng biến hóa tạo sanh ra. Ai ai những chư Bồ-tát cũng nói thảy là hóa thân của Địa Tạng được, thân của Địa Tạng tức là việc làm theo nguyện pháp. Pháp là tế độ cả chúng sanh, nguyện pháp là không bao giờ nỡ bỏ chúng sanh, việc làm tốt đẹp của nguyện pháp tức là như thân Địa Tạng, là việc làm tinh tấn, hùng lực tu hành trọn đủ vạn hạnh, để thành Phật, như chư Phật.
Như thế nghĩa là thân của Địa Tạng tốt đẹp giống như thân của Sư Tử Phấn Chấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai vậy.
Lại vầy nữa, một kiếp kế sau đó của Địa Tạng.
Thuở xưa có một người con gái Bà-la-môn phước đức rất lớn. Mẹ nàng chết đọa vào ngục vô gián a-tỳ. Nàng bán hết nhà cửa đồ vật, mua sắm món cúng dường, đem đến trước chỗ thờ Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà cúng lạy, khóc lóc, nhìn trân cốt Phật, và vái nguyện cầu xin cho biết chỗ thác sanh của mẹ. Bỗng nghe trên không trung, đức Phật ứng tiếng dạy nàng, bảo về nhà ngồi niệm tưởng danh hiệu Phật thì sẽ liền biết được. Quả nhiên sau đó nàng trở về nhà tắm rửa sạch sẽ, ngồi niệm tưởng được một ngày một đêm, mơ màng thân mình tới một biển lớn, thấy chó sắt, rắn sắt đang hành phạt chúng sanh trồi hụp. Nàng gặp quỉ Vô Độc chỉ cho biết nghiệp hải và địa ngục trong núi Đại Thiết Vi. Còn bà mẹ của nàng đã được sanh lên cõi trời là do nhờ phước đức cúng dường của nàng, cho đến các tội nhơn trong địa ngục đó cũng được siêu thoát theo nữa. Liền đó nàng tỉnh dậy đến trước Phật mà phát nguyện rằng: Tôi nguyện cho hết các kiếp vị lai, hễ có chúng sanh nào mắc tội khổ thì tôi sẽ mở rộng đường phương tiện khiến cho họ giải thoát hết. Pháp lý này chỉ dạy rằng sau sự phát tâm của nhà từ thiện là sẽ trở nên nhà cư sĩ trí thức. Người cư sĩ trí thức ấy cũng như nàng con gái Bà-lamôn, bởi tâm còn yếu đuối đối với sự tu hành mới tập, bởi là cư sĩ nhơn thiên nên không khác gì giáo lý Bà-la-môn cả, nhưng nhờ thiện lành mà phước đức rất nhiều. Người cư sĩ trí thức như cô gái đó gặp phải lúc chúng sanh là như bà mẹ, chết mất tinh thần đạo đức lòng nhơn lẽ thiện. Họ như là kẻ chết tâm, chỉ còn xác thân chôn sâu trong giữa hầm lợi danh ác trược của đời vật chất. Tâm hồn của họ bị chôn nhốt trong xác thân địa ngục vật chất tứ đại để chịu sự hành phạt khổ sở của mỗi ngày đêm không gián đoạn.
Bấy giờ người dứt bỏ hết vật chất của cải lòng tham; người lo tu tìm học đạo pháp để đem đạo lý ấy hồi hướng, giáo hóa chúng sanh cho họ được giác ngộ pháp trí liên hoa, trong sạch giải thoát, không ô nhiễm, tâm định như chư Phật. Người rất khẩn cầu mong muốn, ngó ngay nơi pháp giác ngộ giải thoát không ô nhiễm tâm định của chư Phật, mà tìm hiểu coi tại sao chúng sanh đọa lạc và sẽ đi về đâu, mà chẳng đặng như Phật. Thế là cũng như trong lúc ấy, người nhận nghe được tiếng nói của pháp giác ngộ, giải thoát thanh tịnh, tâm của chư Phật dạy bảo rằng: Ngươi hãy cố gắng quán xét tưởng niệm nơi pháp lý danh từ này mà thật hành, không giải đãi thì sẽ kinh nghiệm thấy rõ ra được.
Người bèn nhận rõ nghĩa lý, hạp lòng vui chịu, thích hợp hành theo. Quả nhiên trong một niệm tinh tấn tu hành, trong sạch, không tưởng quấy, người thấy người như được bay cao trên hơn thiên hạ. Người thấy ra cõi đời là biển khổ mênh mông, phiền não là sóng ba đào; sự tà nguỵ, sự cấu xé là chó sắt, rắn sắt (bởi nơi cái có có); tham sân si ý muốn của con người là quỉ Vô Độc, nó làm chủ cuốn lôi hành phạt. Tội nghiệp của người đời tích dồn như biển để tự mình chịu khổ phạt. Biển ấy là trí óc tội lỗi của con người, xác thân này là hòn núi là tứ đại nhốt vây, là lời nói việc làm chất chứa. Trong giữa nói làm nhốt vây ấy là địa ngục. Địa ngục là sự ác trói buộc. Trong đó có 18 địa ngục lớn (là sáu căn, sáu trần, sáu thức), 18 giới ác dục làm địa ngục. Lại có 500 địa ngục nhỏ là hàng trăm pháp mê muội của ngũ uẩn nhốt ngăn báo hại. Cùng vô số sự ác khổ, vô số sở chấp vô minh địa ngục nhỏ nữa, nói không cùng. Nhưng khi ấy, cái ý quỉ Vô Độc của họ chỉ bảo cho biết rằng: Nhờ phước đức tu hành vì chúng sanh để tế độ, của người cư sĩ trí thức ấy đối với pháp giác ngộ giải thoát trong sạch, tâm yên lặng như chư Phật, nên chúng sanh ở trong xứ đó sẽ được sự cảm hóa, ích lợi, siêu vượt lên cao thiên đường. Ấy là nhờ người giáo hóa dạy dỗ và để gương lành cho vậy. Khi ấy người cư sĩ thấy rõ kết quả việc làm của mình là chỉ đưa chúng sanh được lên tới cõi người trời trên cao, nhưng nơi đó họ cũng còn phải khổ và không vững chắc yên vui được, nên đối với pháp giác ngộ giải thoát trong sạch yên lặng tâm của chư Phật mà phát nguyện rằng: Tôi nguyện cho hết các kiếp vị lai, hễ có chúng sanh nào mắc tội khổ thì tôi sẽ rộng mở đường phương tiện, khiến cho họ giải thoát hết.
Tiếp đây, sự tích tiền thân thứ ba của ngài Địa Tạng. Đức Phật Thích-ca nói: Thuở trước có hai nhà vua nhân từ, hay làm những việc ích lợi lớn cho thiên hạ. Bấy giờ ở bên xứ láng giềng, dân chúng ác hung mê muội khổ sở.
Một ông vua phát nguyện rằng: Nguyện tôi thành Phật cho sớm đặng độ bọn ấy, khiến cho không còn sót một kẻ nào. Ông vua ấy về sau thành Phật hiệu là Nhứt Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Còn một ông vua kia lại nguyện: Nếu trước chẳng độ kẻ tội khổ khiến cho họ được yên vui, được tới cõi bồ-đề thì tôi chưa muốn thành Phật, vị vua này tức là Địa Tạng Bồ-tát. Triết lý này chỉ dạy rằng từ một người thiện nhơn phát nguyện độ chúng sanh để mong cầu quả Phật, nhờ vậy mà đến được làm cư sĩ trí thức, lại thêm phát nguyện độ giải thoát hết chúng sanh, nên đến đây người giải thoát xuất gia khất sĩ tiến bước lên cao, đi trước để dẫn đường cho chúng sanh. Người giải thoát xuất gia khất sĩ tức như là ông vua. Vua đây là sự tự chủ của bản tâm, là thong thả rảnh rang nhàn lạc, yên vui hạnh phúc, trong sạch cao thượng quí báu hơn hết. Nhưng đối với người xuất gia giải thoát là như có gặp đến hai sở chấp, hai nẻo đường, hai bổn nguyện, hai ông vua, hai cái tâm, hai pháp để làm Phật. Một pháp để thành tựu nhứt thiết trí, tự độ cho mình trước thành Phật, sau mới độ chúng sanh; pháp này là pháp của tất cả chư Phật đang hành xuôi thuận. Còn một pháp ngược nghịch tương đối là: Nguyện độ tất cả chúng sanh rồi mới thành Phật; pháp này là pháp của chư đại Bồ-tát, giữ hoài đại nguyện, nên kêu gọi là Địa Tạng. Tuy hai pháp tương đối, nhưng thật ra không có gì là khác nhau cả. Như Lai tức là đại Bồ-tát, đại Bồ-tát tức là Như Lai, đốc học là thầy giáo lão, thầy giáo lão là đốc học, vốn là một; nhưng mà kiến chấp của chúng sanh chẳng đồng, nên Phật mới bày ra hai tên như vậy. Chơn như tức là trí huệ, trí huệ tức là chơn như, vốn chẳng phải là hai, nó vẫn sẵn có nơi nhau, ai gọi sao cũng được. Vả lại, muốn thành Phật là phải độ chúng sanh, độ chúng sanh rồi mới thành Phật. Hai câu ấy đâu có gì khác. Hay như có người cố gắng giữ cái Phật của mình đặng làm gương độ người, còn một người quyết lo độ chúng sanh để đặng trau cái Phật của mình, hai pháp ấy cũng như nhau; cả thảy đều có ta có người, có người có ta trong đó cả.
Một phép trau dồi trí huệ Phật còn một phép trau dồi hạnh nguyện, pháp nào cũng có đủ nguyện trí, hay trí nguyện để đến được chơn như. Nhưng một pháp xưng là Như Lai còn một pháp gọi là Bồ-tát, hai pháp ấy vốn không hơn kém vậy. Vì pháp nào cũng phải độ hết chúng sanh trong tâm rồi mới thành Phật, chớ tâm chúng sanh còn thì đâu phải Phật. Còn chúng sanh ngoài kia sanh ra mãi, nhơn duyên chẳng đầu đuôi, đâu có ai bao giờ độ hết. Chư Bồ-tát độ chúng sanh như ăn cơm, như làm việc, ăn hoài ăn mãi, no ngủ quên chẳng hay; làm hoài làm mãi, mệt ngủ quên chẳng biết. Các Ngài thành Phật, đắc Niết-bàn chơn như đại định cũng y như thế; nhờ nguyện lực trí huệ mà đến chơn như tự nhiên, như ngủ quên, quên mất tự lúc nào, đâu còn biết chi trí huệ và nguyện lực, hay chúng sanh gì. Thế mới biết rằng trí huệ và nguyện lực là như chiếc bè tạm, tấp đến bờ rồi là bè không còn có nữa; bè tức là đất, đất tức là bè; các Ngài đâu còn tính chấp sự lấy bỏ chi nó nữa. Khi trình độ con người đã đến Niết-bàn chơn như là nó đến bằng cách tự nhiên, há có ai cấm cản nó đặng sao? Nhưng tuy vị Bồ-tát đó đã thành Phật, nhập Niết-bàn rồi, chớ nguyện lực và trí huệ cũng vẫn còn mãi để lại đời sau cho người thay thế, ấy tức như là còn độ mãi mãi đó. Nghĩa là cái danh từ pháp lý đó, nó không bao giờ dứt mất, yên nghỉ cả. Về sau, những ai y pháp ấy thật hành kêu gọi là hóa thân Phật, hóa thân Bồ-tát. Như thế tức là vị Phật hay Bồ-tát ấy sống mãi, làm việc hoài bằng pháp lý danh từ đó vậy.
Thế mới biết rằng Pháp bảo của chư Như Lai dạy trao phương tiện trí huệ cho Bồ-tát là rộng rãi cao siêu lắm. Mỗi một danh từ, mỗi một pháp lý có thể biến hóa, chỉ ra thân hình trước mặt, cho thấy rõ hằng cả võ trụ, chư Phật, các pháp, chúng sanh, thế giới vạn vật. Thật là thần thông mầu diệu, Pháp bảo không lường, chúng sanh khó mà hiểu đặng ý pháp của chư Phật. Sự tích thứ ba này là chỉ rõ rằng: Nguyện lực sẽ dắt con người đi tới mãi, từ người thiện nhơn đến cư sĩ trí thức, đến được xuất gia giải thoát khất sĩ như vua, ở bến bờ bên nây còn chúng sanh mê muội tội lỗi là như ở bờ bên kia, xóm láng giềng. Khi đến Khất sĩ, tâm người lại gặp hai nẻo đi, hai sở chấp, hai cái tâm ấy đều tốt đẹp cả. Một cái làm Phật trước là nhứt thiết trí thành tựu rồi mới sẽ độ chúng sanh sau, còn một cái là giữ gìn bổn nguyện của pháp, nên kêu gọi là Bồ-tát Địa Tạng. Nhưng thật ra, Pháp bảo là có sẵn nhứt thiết trí thành tựu và bổn nguyện Địa Tạng tự nhiên nó có sẵn cả hai tên, chớ không có ai cố chấp chi cả. Tên nào cũng là Phật như nhau, nhưng đối với chúng sanh thì phải nói là hai để cho được mau tỏ ngộ.
Kế đây là sự tích thứ tư như vầy: Xưa có nàng Quang Mục, đến ngày vía mẹ, cúng dường cho một vị A-la-hán và hỏi chỗ thác sanh của mẹ. Vị sư này nhập định thấy mẹ nàng ở nơi địa ngục, vì bởi tội giết hại rất nhiều và chửi mắng, lại ăn thịt rùa và trứng có đến số muôn ngàn. Ngài khuyên nàng niệm danh hiệu Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục và tô vẽ hình tượng Phật. Nàng làm theo, tối lại chiêm bao thấy Phật phán rằng: Mẹ ngươi sẽ sanh ở trong nhà ngươi, vừa lọt lòng biết đói lạnh và liền nói năng được. Quả nhiên sự thật có y như vậy, ba bữa sau mẹ nàng được sanh ra làm con của đứa tớ gái, nói rằng: Tuổi được 13 sẽ chết đọa địa ngục trở lại, và than cầu cứu với nàng, vì bởi tội khổ địa ngục nói không cùng. Nàng liền bạch lên hư không với Phật xin khỏi tội mẹ, mà phát nguyện rằng: Nếu mẹ tôi được xa lìa ba đường dữ và thân hèn hạ này, cho chí kiếp kiếp khỏi sanh thân đàn bà con gái nữa, thì tôi xin nguyện từ nay sắp về sau, đối trước Phật thệ nguyện cứu bạt các chúng sanh tội khổ tại các nơi có địa ngục và ba nẻo ác, ở các cõi thế giới trong trăm ngàn muôn ức kiếp về sau, khiến cho họ lìa khỏi những nẻo ác là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ; bọn người mắc tội báo ấy hết rồi, tôi mới thành Phật chánh giác sau.
Đoạn này chơn lý để chỉ thật rằng xưa kia những người có mắt sáng, biết rõ đạo lý là quý báu, mỗi khi nhắc đến cuộc đời tội lỗi của chúng sanh chết ngộp là rất xót thương cảm động. Cho nên những bậc trí huệ có mắt sáng là nàng Quang Mục ấy, hết lòng sùng bái tôn trọng những bậc giải thoát vô sanh, và mong cầu nghe các Ngài thuyết pháp dạy đạo, để cho được nhớ nghe hiểu pháp lý, mà biết được con đường chỗ ở của các chúng sanh tội lỗi chết bỏ tinh thần. Vì các bậc A-la-hán ấy, tâm đã nhập vào yên lặng nên xét thấy ra đạo lý, mà chỉ giải được danh từ lý nghĩa hành vi của họ vậy. Các Ngài hằng chỉ ra rằng: Cõi đời là địa ngục và chúng sanh là đang ở trong địa ngục để chịu tội lỗi, khổ phạt vô ích.
Ấy cũng vì mãi gây tội sát sanh, cừu oán dính dấp với nhau và hơn thua từ lời nói danh vọng, rồi trở lại áp chế người hiền, nuốt ăn lẽ phải, lấy ác làm hơn, chẳng biết kể đạo đức, sự phải quấy, thiện ác ra gì, khiến nên khổ mãi không còn đường ra được. Các Ngài hằng khuyên những bậc trí thức ấy, nên hãy hết lòng niệm tưởng, quán xét pháp trí huệ, thanh tịnh để hành theo, để cho tâm đừng xao lãng giải đãi mê vọng. Hãy ráng mà trau dồi tô đắp tâm mình cho đúng y pháp lý danh từ ấy, thì tức nhiên sẽ đắc được pháp trí trong sạch là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục mà thành Phật. Chính trong pháp đó là tương đối với cõi đời, sẽ chỉ rõ chỗ sở chấp của chúng sanh tội lỗi cho hiện ra tất cả. Do nơi pháp lý trí huệ thanh tịnh ấy chỉ rõ ra rằng: Nhờ lòng mến đạo lo tu của những bậc sáng trí, cho nên cũng cảm hóa được kẻ dữ đôi phần, vì đối với trong nhà đạo đức của người lo tu thì ít lâu sau khi gặp cơn khổ nạn, họ sẽ tìm đến hưởng nhờ nương dựa, mặc dầu kẻ trí thức xem coi họ như bà mẹ, chớ hành vi tâm ác của họ là hèn hạ thấp thỏi nô lệ, không thể nào hạp chịu cảnh cao trên tốt đẹp, những việc lành phải thân cận theo như các người thiện lành hết được. Họ như những đứa con nhỏ, con của giáo lý nô tỳ thấp thỏi, đối với lẽ thiện trong nhà đạo. Nhưng mà họ cũng không chắc gì ở yên chỗ thiện mãi được lâu, vì ác tâm của họ đã quen, khó chừa bỏ đặng. Tánh hèn hạ ấy lớn lên, thế nào nó cũng sa ngã chết bỏ việc đạo lành mà sa vào nẻo ác địa ngục chịu khổ trở lại, khó bề sống yên trong nhà đạo. Cũng vì thấy sự khó tu đó, nên kẻ có mắt sáng Quang Mục thấy vậy không thể cầm lòng, lúc nào cũng hằng phát nguyện, tự nhớ lấy mình rằng: Nếu chúng sanh được xa lìa ba đường dữ, và những việc làm thấp thỏi ác trược này, cho chí kiếp kiếp được tu hành tinh tấn dõng mãnh, thì tôi nguyện từ đây sắp về sau, đối với pháp Phật thanh tịnh trí huệ, thệ nguyện cứu bạt các chúng sanh tội khổ tại nơi các chỗ có vật chất tứ đại địa ngục, và những chỗ có tham sân si ở các cõi thế giới, trong trăm ngàn muôn ức kiếp về sau, khiến cho họ lìa bỏ những nẻo ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Bọn người mắc tội báo ấy hết rồi, tôi mới thành Phật chánh giác sau vậy. Đại nguyện này có sẵn nơi người giác ngộ, là bởi nơi sự than van kêu cứu của chúng sanh đang ở trong địa ngục khổ sở vô cùng, nên lòng từ bi của kẻ trí huệ bao giờ cũng vẫn sẵn có như thế, chớ chẳng phải có riêng một ai phát nguyện, nói ra chi cả.
Bài này cũng có thể kiến giải thêm rằng ý của đức Phật Thích-ca, Ngài muốn nói: Sự tầm sát của ta là nàng Quang Mục, pháp vô sanh là vị A-la-hán, trí huệ là Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục. Địa ngục là sắc thân tứ đại, bà mẹ là ý ác phàm tục, các chúng sanh là các pháp quyến thuộc của vọng tâm. Muốn cứu độ ý ác và những vọng tâm cho dứt được hèn hạ tội khổ là sự tầm sát bao giờ cũng có bổn phận chấp chứa đại nguyện lớn lao, để độ chúng sanh trong mình cả thảy trước hết, thì mới mong thành Phật đặng. Chớ tự mình chỉ biết tôn sùng pháp vô sanh A-la-hán, và cung kính trau dồi pháp trí huệ trong sạch không, cũng là chưa đủ được. Như thế tức là đức Phật có ý bảo chúng ta rằng: Hãy tôn sùng quả vô sanh A-la-hán, phải cung kính tu hành pháp trí huệ thanh tịnh của Phật, và phải tầm sát cho thấy rõ bổn nguyện của pháp là tế độ tất cả chúng sanh của mình, và những chúng sanh ngoài kia nữa vậy. Ấy là trước phải xuất gia tu thành A-la-hán đã, và do nhờ pháp trí huệ thanh tịnh mới sẽ trở nên Bồ-tát, mà thấy ra đại nguyện, tức là thành Địa Tạng, vì Địa Tạng là nguyện của pháp. Nguyện của pháp có ra do pháp trí huệ trong sạch, tức là Địa Tạng có ra do nhờ đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục đó.
Trong kinh Địa Tạng có nói: Thuở xưa đức Phật thuyết pháp cho mẹ tại cung trời Đao Lợi. Khi ấy cả chư Phật và Bồ-tát khắp nơi đều tán thán công đức Ngài. Nghĩa là Ngài thuyết pháp nơi xứ của những cư sĩ thiện nhơn trí thức, vì thiện nhơn trí thức là bà mẹ sanh ra đạo giải thoát. Trong thời kỳ ấy, các bậc tu hành theo các danh pháp giáo lý khác, ai ai cũng tôn trọng Ngài cả, và hằng sai đệ tử tín đồ cho đến nghe pháp học thêm, tức là sai quyến thuộc đến viếng Ngài. Lúc đó Phật mỉm cười, phóng ra vô lượng hào quang, vô lượng âm thinh là Ngài hoan hỷ, nói ra vô lượng pháp lý ánh sáng khác nhau, và mỗi lời lẽ đều khác nhau. Cung trời Đao Lợi ấy tức là xứ thiện lành Ấn Độ, trong thời kỳ đó có vô số trời người thần quỉ tựu lại, là có đủ các hạng vua quan, dân dã, đủ nghề nghiệp, thiện ác, chánh tà, thảy đều có lòng mộ đạo, có hiện ở nơi hội thuyết pháp trong mấy chục năm của Phật. Lại có chư Bồ-tát hóa thân của Địa Tạng, hiện đến vô số kể. Phật bảo Văn Thù đếm thử, đếm không được, cho đến Phật cũng không đếm hết, nghĩa là đức Phật chỉ ra rằng: Tất cả các bậc phát tâm tu hành, nguyện theo ý pháp cứu độ chúng sanh thảy đều là do hai chữ Địa Tạng. Như thế tức họ là hóa thân của Địa Tạng, tất cả Bồ-tát đều là hóa thân Địa Tạng, là bởi đều có giữ nguyện pháp cả, dầu bậc đại trí Văn Thù hay viên trí của Phật cũng không làm sao đếm được những con số trội thêm lên mãi ấy. Vì lẽ hai chữ Địa Tạng hóa sanh độ thêm ra mãi mãi. Hai chữ ấy là sự tu hành gồm chứa đủ mười địa Bồ-tát, mười địa Duyên Giác, mười địa Thinh Văn, trải qua lâu đời, ai thọ trì tu theo là sẽ chứng được hạnh nguyện như vậy. Đó là lời Phật dạy đạo Bồ-tát cho bậc đại trí Văn Thù.
Khi ấy Phật xoa đầu các hóa thân Địa Tạng, tức là lời chỉ giáo để vào trí não chư Bồ-tát những lời căn dặn phó chúc. Các hóa thân gom lại một hình, bạch xin Phật đừng lo là cả thảy chư Bồ-tát cũng đồng tâm như một, mà bạch xin với Phật đừng lo, bởi nguyện pháp của chúng tôi trì giữ sẽ sanh ra mãi, nối truyền hoài, để tế độ chúng sanh nơi địa ngục cõi đời, quyết không cho họ sa vào nẻo ác khổ. Dầu kẻ nào có duyên với Tam bảo một lời nói, một ý niệm, một việc làm nhỏ nhặt, chúng tôi cũng sẽ độ cho thoát khỏi tội khổ lần lần, cho đến khi ngài Di-lặc Từ Thị thành Phật, nối tiếp chánh pháp sau này; vì nếu chúng sanh còn, thì nguyện pháp chưa có bao giờ nghỉ được. Nguyện pháp là mãi ở nơi địa ngục theo sát với chúng sanh, nên người giữ nguyện pháp là quán xét biết rõ hết các nỗi khổ của chúng sanh, các danh từ của địa ngục, ở từ trong núi Đại Thiết Vi thân tứ đại. Cũng vì thế mà đức Phật, Ngài tán thán ca tụng khen ngợi pháp Địa Tạng, và ai ai nghe đến danh từ Địa Tạng là nguyện pháp độ chúng sanh, thì kẻ còn người mất, kẻ ác người thiện, thảy đều được phần cảm hóa giác ngộ, lợi ích tinh tấn cả; kẻ nào chết bỏ tinh thần mà khi nghe được nguyện pháp này, cũng tức liền giải thoát ngay được. Kẻ nào tinh thần mới chết lúc đầu, còn trong năm bảy tuần nhựt, mà được nghe danh từ nguyện pháp cùng có ai nhắc nhở đạo lý bố thí pháp cho họ thì họ cũng hưởng được ít nhiều một phần bảy sự giác ngộ ích lợi. Thế nên kẻ nào trì giữ danh từ Địa Tạng là nguyện của pháp, thì chẳng khác nào trì giữ tu theo cái danh hiệu của tất cả chư Phật, những kẻ ấy sẽ được giải thoát, và diệt hết tội nghiệp đặng. Những ai thấu hiểu lý nghĩa này là như thấy rõ ra có hình người trước mặt, như nghe rõ tên Địa Tạng nguyện pháp, thì được những sự lợi ích rất lớn về nẻo giải thoát Niết-bàn vô lậu, cao quý hơn tất cả những sự bố thí hữu lậu tầm thường, chính oai lực công đức của Địa Tạng nguyện pháp làm cho ai ai khi nghe đến, niệm tưởng đến, các tai nạn tội nghiệp khổ báo thảy đều tiêu tan hết, mà đặng lần lần giải thoát. Và các chư địa thần, quỉ vương, diêm la vương là các bậc vua, quan, làng xóm, ai ai cũng thảy phò trì ủng hộ cho người tu đó, và khen ngợi ca tụng công đức Địa Tạng pháp nguyện cả. Vì vậy nên đức Phật mới phổ quảng, Ngài mới đem lời nói ra giảng dạy, chỉ rõ nghĩa lý Địa Tạng và những địa ngục khổ sở của chúng sanh cho chư thiện trí thức thấy nghe rõ rệt, và cũng đối với bậc tâm định giải thoát là sẽ hiểu biết rõ được chỗ yếu lý, vì sao Phật ân cần tán thán Địa Tạng nguyện pháp. Ngài tán thán và phó chúc nguyện của pháp ấy, tức là dạy đạo Bồ-tát cho chư đệ tử, tức là nói giữ đạo Phật về sau, mà cũng là sự tế độ cho tất cả chúng sanh mãi mãi, y như lúc có Ngài còn đang sống hiện tại vậy.
Tóm lại, Địa Tạng Vương cũng tức là danh từ của tấm lòng đại nguyện hoằng pháp, vì tâm nguyện từ bi là chúa tể cao quý hơn hết của chúng ta, của những người tu giác ngộ. Ai ai cũng có đại nguyện hoằng pháp Địa Tạng cả. Khắp cả võ trụ chúng sanh, ai ai cũng có sẵn tâm hột giống đại nguyện từ bi phổ tế chúng sanh hết.
Cũng vì thế, nên về sau này mới có ra bức tượng Địa Tạng, do tư tưởng trừu tượng của người Tàu vẽ ra, và ngôn luận ấy như vầy: Địa Tạng là phó đại sĩ, là các vị đại sĩ Tỳ-kheo đệ tử lớn của Phật, được nghe lời Phật phó chúc, rờ đầu. Ngài ở tại núi Cửu Hoa là ngôi vị cao trên cửu phẩm liên hoa pháp lý. Ngài cỡi con Thiện Thính chó trắng, là sự làm chủ thân xác thiện lành trong sạch như cỡi con vật, để giữ gìn đạo pháp đặng cứu độ cho chúng sanh, và tìm nghe sự khổ chúng sanh mà tế độ. Ngài cầm tích trượng là ý nói sự vân du giáo hóa du hành khắp nơi, để dòm ngó cho chúng sanh. Đệ tử Ngài, ông Đạo Minh là những kẻ xuất gia, tinh tấn hùng lực, đạo đức sáng láng, như người trẻ tuổi, và ông già Mẫn Công là những người cư sĩ tại gia, tu học yếu đuối, cần mẫn ra công như ông già. Ngài vớt vong ở nơi địa ngục là đại nguyện hằng ở mãi với chúng sanh trong vật chất tứ đại, để cứu vớt những kẻ chết mất tinh thần đạo lý, những tâm hồn đang bị đọa phạt trong vật chất tứ đại địa ngục. Đó là quyền giáo ví dụ.
Như thế thì kinh Địa Tạng là pháp giác ngộ chúng sanh và là Phật dạy trí huệ cho chư Bồ-tát, thật quí báu vô cùng! Triết lý luận giải không cùng, nhưng tạm hiểu sơ lược thế này, chắc là ai ai cũng nhận thấy, gặp đặng. Ngài Địa Tạng Vương là tâm đại nguyện hoằng pháp, và sẽ hiểu biết được pháp tu lớn lao lợi ích ấy. Có như vậy là cõi đời sau này mới ắt sẽ được trở nên xứ Phật, vì ai ai cũng là Địa Tạng.
Đọc nghe bài này, chúng ta sẽ nhận rõ ra được chơn thân của pháp. Mỗi danh từ là mỗi pháp lý, mỗi pháp lý là mỗi giáo lý, mỗi vị Phật, chúng sanh, hay vạn vật. Pháp là lẽ chánh, giáo lý, tấn hóa, ích lợi. Pháp lý ấy là con đường giữa hai bờ lề mê tín, nên gọi là pháp chánh giác. Pháp ở giữa sự vật và thần linh. Pháp là chơn lý, triết lý, do sự vật và thần linh sanh ra. Nhưng pháp cũng sanh ra sự vật và thần linh; nó sanh ra bằng cách so sánh ví dụ trừu tượng, bằng lời nói để giác ngộ cho hai bờ lề mê tín đó; vì vậy mới kêu gọi là pháp, pháp là chánh giác của chư Phật
Hơn nữa, chúng ta lại còn nhận rõ được nguyện lực của pháp rộng lớn, sống mãi, sáng suốt, ích lợi, quí báu vô cùng, biến hóa vô tận. Mà đối với kẻ tu hành từng đẳng cấp là nguyện lực cũng tiến lên từng đẳng cấp, từ thấp tới cao, từ nhơ bẩn nhỏ hẹp đến sạch sẽ lớn lao, tùy theo trình độ. Nguyện lực ấy là Địa Tạng, là ngọn đèn sáng trước mặt, để dẫn con người đi tới. Còn địa ngục như tấm vách tường cản hậu sau lưng. Có giác ngộ như thế mới là được hiểu ý muốn lý nghĩa của Phật dạy, mà được tấn hóa lợi ích, siêu độ; rồi thì tự mình sẽ do đại nguyện Địa Tạng của mình, tiếp dẫn mình, thoát ra được địa ngục, đến được đắc pháp đạt nguyện, biến nhập thành Địa Tạng.
Vậy nên gọi Địa Tạng là pháp chúa tể, là vua của chúng sanh ở trong vô minh địa ngục, ai ai cũng phải khá nên biết tôn thờ đại nguyện Địa Tạng hết.
Địa Tạng cũng tức là nguyện lực bao gồm chở che khắp hết.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]