Trong Diệu Pháp Liên Hoa kinh, phẩm Tựa đầu, có nói như vầy: Lúc ấy Phật Thích-ca nói kinh Vô Lượng Nghĩa cho thính chúng nghe. Sau đó Ngài nhập định, hào quang nơi khoảng giữa hai chơn mày phóng ra soi về hướng Đông, làm cho tất cả chúng hội đều xem thấy rõ các thế giới vạn vật và chúng sanh nơi phương ấy, từ cõi địa ngục cho đến thiên đường, cùng đến các chư Phật Thánh ở Niết-bàn, từ thấp tới cao, từ nhỏ tới lớn, đều hiện ra đủ cả trước mắt; làm cho ai nấy đều sửng sốt ngạc nhiên về phép lạ. Khi ấy, Bồ-tát Di-lặc Từ Thị mới hỏi Bồ-tát Văn-thù, vì cớ chi Phật biến hiện như vậy. Ngài Văn-thù đáp: Ấy là Phật sắp nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, mà chư Phật xưa đã từng nói, và cũng có hiện ra điềm như thế.
Sở dĩ, tôi được biết là vì thuở đời quá khứ, cách nay rất xa không thể nghĩ xét, có ra đời đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh. Ngài có tám người con: Hữu Ý, Thiện Ý, Vô Lượng Ý, Bửu Ý, Tăng Ý, Trừ Nghi Ý, Hướng Ý và Pháp Ý. Pháp Ý về sau thành Phật gọi là Nhiên Đăng. Thuở ấy, Ngài cũng có phóng hào quang y như vậy, Ngài nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Ngài khởi sự nói về Bồ-tát Diệu Quang. Bấy giờ Bồ-tát Diệu Quang có 500 Bồ-tát đệ tử, trong đó có một vị Bồ-tát tên là Cầu Danh, vị này chỉ ưa thích danh vọng, lời khen ngợi, mà không có tu hành tinh tấn, và lại ít nhớ hay quên, kém trí hơn hết. Vị Bồ-tát Cầu Danh ấy tức là Từ Thị Di-lặc thuở trước đó, còn Diệu Quang Bồ-tát là tôi đây. Sau khi đức Phật ấy nhập Niếtbàn, thì Bồ-tát Đức Tạng sẽ thành Phật nối tiếp, còn tôi thì trì giữ kinh Pháp Hoa đến ngày hôm nay, vì vậy nên tôi biết chắc rằng: Phật Ngài sắp sẽ giảng kinh Pháp Hoa cho chúng ta nghe đó. Hỡi Ngài Di-lặc! Pháp lý này là chỉ rõ rằng: Xưa Phật Thích-ca nói pháp rất nhiều, nghĩa lý vô lượng dạy cho các hàng Thinh Văn, Duyên Giác nhị thừa, làm cho chúng sanh tu hành đắc năm thứ quả: Nhập Lưu, Nhứt Vãng Lai, Bất Lai, Vô Sanh, Độc Giác, nhiều vô số kể.
Khi thấy họ căn cơ đã thuần thục, phiền não ác lụy đã trong sạch tự độ rồi, nên nay đức Phật ngưng sự nói pháp cỡ ấy lại. Ngài bắt đầu diễn ra pháp lý ánh sáng hào quang, nói về giáo lý trung đạo Đại thừa. Ngài soi vẹt chỉ rõ cõi đời là phương Đông, Ngài chỉ rõ lại cho tất cả kẻ tu đều thấy rằng nơi mặt đất tứ đại của những địa cầu thế giới trong võ trụ, đâu đâu cũng có đủ các hạng chúng sanh, từ nhỏ tới lớn, từ thấp tới cao, cho đến chư Phật Như Lai cùng tột. Chư Phật ấy, trước kia cũng là chúng sanh, từ nhỏ thấp tiến lần lên, chớ không phải ở đâu hiện ra cả, và ai ai cũng sẽ có thể được y như vậy. Trong khi Ngài soi rõ ánh sáng như thế, tức là Ngài muốn sắp nói về phương tiện thiện xảo của trí huệ chư Phật Như Lai. Những phương tiện thiện xảo ấy để dắt lần chúng sanh tiến lên từng bực, cho đến quả Phật Như Lai cùng tột; thế mà chúng sanh mỗi lúc lại mê muội, chấp ở đứng ngồi từng nấc một, không hiểu đặng mục đích chỗ đến của mình là sẽ bình đẳng y như chư Phật, nên không bao giờ dám ngó đến quả Phật; cho mình là hạng ngu dốt mãi, làm tôi tớ Phật hoài, dầu Phật có đem tất cả sở học của Phật trao dạy cho đi nữa, nó cũng chỉ biết có một việc học là để học, con là mãi làm việc của con thôi. Chúng nó vì đã mới vừa biết sợ cái tự cao của phàm tục, nên nơi đây chúng nó không còn dám ngó xa và thấy mình nữa. Chúng nó rất vừa lòng an nghỉ trong cảnh tôi tớ nô lệ thần quyền, tưởng chừng như Phật là bậc gì ở đâu hiện lại làm cha chúng. Chúng chỉ biết bảo thủ phận sự làm con vĩnh viễn, gần như đã biến thành vô dụng, chỉ lo ngủ nghỉ ăn chơi trong cảnh Niết-bàn, phương tiện thiện xảo tạm của trẻ con, mệt công cho Phật dạy dỗ. Chúng đã giỏi hay mà lại không chịu thay thế giúp ích lợi chi cho Phật, cho chúng sanh. Chúng nó quên trả ơn cho chúng sanh, quên rằng Phật vì thương tất cả chúng sanh nên mới dạy độ cho chúng nó. Chúng quên bổn phận là phải dìu dắt trở lại kẻ đàng sau, để đem mình làm thầy giáo, lần lần trở nên đốc học như Phật. Chúng nó quên rằng hôm nay mình đã lớn khôn, đã hiền lành trong sạch giải thoát, có thể đi làm việc, được nên cho mình và ích lợi cho đời, cha mẹ đâu còn lo dạy cho hoài nuôi mãi, như lúc còn trẻ dại, ác quấy tội lỗi luân hồi khổ não. Thế mà còn lắm kẻ ỷ lại Phật, tự cao cho mình là đã đắc Niết-bàn trọn vẹn rồi, an nghỉ hoàn toàn, làm con Phật là đủ rồi, không cần học thêm, hoặc đi làm việc chi nữa cả. Ấy chỉ vì tánh ích kỷ nhỏ nhoi, độ lượng hẹp hòi, thấp thỏi, tội lỗi vô dụng, tham lam dung dưỡng quen tật, không dám lướt xông vào cõi đời để cứu vớt chúng sanh (khi mình được giải thoát), để cho được mau đắc thành quả Phật, y như chư Phật, đặng đền ơn Phật.
Khi ấy Di-lặc Từ Thị hỏi Văn-thù là những kẻ hiền từ chơn thật mà lại giải đãi tối tăm, mới hỏi bậc đại trí huệ Phật soi chỉ rõ cõi đời từ thấp tới cao như thế, là ý Ngài muốn sẽ nói thế nào? Bậc đại trí Văn-thù mới bảo rằng: Ý Phật, Ngài muốn nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, là ngưng bỏ giáo lý Thinh Văn, Duyên Giác, lớp cỡ dưới. Ngài muốn dạy lớp trên mới, muốn dắt học trò dưới bước lên. Ngài sắp nói thật, Ngài sẽ chỉ rõ quả Phật Thế Tôn cho tất cả, Ngài sẽ trao quả tột quí ấy cho tất cả, mà chẳng ích kỷ độc tài; vì Ngài muốn cho ai ai cũng tự chủ, cũng là chúa tể võ trụ như Ngài. Ngài muốn chỉ rõ tấm lòng bình đẳng của Ngài, Ngài sẽ nói rõ những giáo lý dạy lớp nhỏ xưa nay là phương tiện, là thiện xảo, là chỗ ở tạm, chỗ nghỉ chưn tạm. Đó là pháp để tiến lên từng trình độ, chớ chưa phải rốt ráo; kẻ nào học xong nghỉ khỏe là phải nên đi tới nữa, đến được như Phật, cuối đường, mới sẽ nghỉ yên thiệt thọ. Ngài bảo rằng: Các ngươi còn phải trải qua không gian, thời gian vô hạn lượng, vô số kiếp tới nữa, mới sẽ lần lần được như Phật. Các ngươi đừng chán nản, đừng vội nghỉ chưn. Thời gian dài dặc có ai tránh khỏi đâu! Các ngươi hôm nay đã giải thoát, đã biết đạo cơ mà, thì bao lâu thì bao chớ có sao. Các ngươi chán nản cũng không xong, mà trông mong cũng chẳng đặng, các ngươi hãy vui với sự làm việc độ đời, thì rồi thời gian trải qua vô lượng kiếp cũng sẽ như nháy mắt, quả Phật như sẽ kề bên, các ngươi sẽ đâu có tuyệt vọng rằng: tôi không thế nào được trí huệ như Phật, mà lại giải đãi buông trôi trên đường tấn hóa, để phải trở nên chán nản vô dụng, chịu kém trí, thua sút người ta.
Liền đó, Văn-thù nói về đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh. Nhựt Nguyệt Đăng Minh là chơn lý võ trụ từ xưa. Từ xưa, tự hồi nào là vốn sẵn sáng rỡ như đèn nhựt nguyệt, chơn lý ấy đâu có che khuất ai đâu. Thế mà chúng sanh, chẳng chịu ngó thấy, lại bị phủ che trong cái sáng rỡ chơn như ấy có gồm chứa sanh ra tám cái ý của chúng sanh: Từ hữu ý đến thiện ý, đến vô lượng ý, bửu ý, tăng ý, trừ nghi ý, hướng ý, đến pháp ý. Pháp ý là hiểu được ý pháp, tức thì tự nhiên sáng suốt như ngọn đèn cháy trong giữa võ trụ vô minh, là nhiên đăng mà thành Phật. Như thế nghĩa là từ hữu ý là có ý, biết xem xét cuộc đời, nên đến đặng ý thiện lành, từ thiện ý mới đắc lần sự học hiểu vô lượng, từ vô lượng ý mới giác ngộ đạo bảo, từ bửu ý sẽ đến giải thoát làm Tăng, có tăng ý tu hành đúng phép nên trừ dứt sự nghi ngờ, do dứt nghi ngờ trừ nghi ý sẽ được hướng ý là ý hồi hướng về sự giáo hóa chúng sanh. Nhờ hướng ý đó mới đặng ý pháp, đắc ý pháp là nhiên đăng thành Phật Như Lai vậy.
Lại nói về đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh nói kinh Pháp Hoa. Ngài khởi sự nói về Diệu Quang Bồ-tát, tức là trong chơn lý sáng rỡ của võ trụ vốn sẵn hiển bày cái quả Phật cho tất cả, và chỉ rõ cách làm Phật cho mọi người, “ai hành đạo Bồ-tát là đắc quả Như Lai”, cái pháp ấy là Diệu Quang, là diệu mầu sáng suốt, là pháp giáo Bồ-tát chiếu rọi khắp nơi. Như kìa, đời là một cái bửu tháp liên hoa, mặt đất chúng sanh là hồ sen quí báu, trong danh lợi dơ thúi của nước bùn là để nảy mọc cành sen. Chúng sanh trong đời là từ trong khổ sở tiến vượt lên cao, trần thế là nâng cao và sàng lọc, cái trong sạch, cái quả Phật, cái giác ngộ quí báu. Trần thế là bỏ đi cái không còn dụng được, cái quấy, cái nhỏ hẹp, mà là cõi tiến, cõi un đúc, tạo nên những hoa sen, những trí huệ Phật, các đức Phật. Võ trụ là một cái liên hoa tạng, trong cái đại liên hoa đài trang nghiêm ấy chứa ra cái pháp của thế giới làm cánh sen: mỗi vị Phật là một nhụy sen, đạo của các Ngài là tòa sen, chơn lý pháp bảo các Ngài là hột giống, cái pháp của thế giới ấy là Phật thừa, giáo lý Bồ-tát Đại thừa trung đạo, mỗi vị Bồ-tát là một hột tế bào của cánh sen, mỗi giáo lý như một lằn chỉ sọc, nhơn loại cũng như cọng cây, chư Thiên là lá mọc. Trần thế là cái đầm sen, cõi đời là cảnh đẹp, võ trụ là cái trang nghiêm trong sạch không ô nhiễm, là bà mẹ chỉ sanh ra, nuôi nấng những đấng toàn giác toàn năng mà thôi. Cái chơn lý ánh sáng của võ trụ ấy, tức là Bồ-tát Diệu Quang đó. Dưới Bồ-tát Diệu Quang là năm trăm đệ tử, là trăm họ lầm mê của trong năm đường nhỏ hẹp xấu thấp, nơi hai thừa. Chính những kẻ ấy là chỉ mới được sự hiền từ chất phác, nhưng mà còn tối tăm mê muội, còn mong cầu danh vọng trong ánh sáng đạo mầu, mà chưa thấu tường pháp Phật. Kẻ ấy tức là Di-lặc Từ Thị biếng nhác, chẳng học, mau quên vậy! Và sau khi đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh nhập diệt, Ngài thọ ký cho Bồ-tát Đức Tạng sau sẽ thành Phật nối tiếp theo Ngài, nghĩa là đức hạnh của Pháp bảo Tam Tạng, sau này là sẽ thay thế cho chơn lý võ trụ, sẽ dắt chúng sanh đến với sự sáng suốt, chơn thật giác ngộ của võ trụ vậy. Cũng như cái chơn lý mà được nghỉ ngơi là sau này còn có đức hạnh của Pháp bảo Tam tạng. Ai người tu sau này đủ đức hạnh thật hành pháp tạng, tức là thành Phật, thay thế võ trụ chơn lý, vì pháp tạng tức là pháp của chơn lý chỉ ra những chúng sanh về sau, thì sẽ biết pháp tạng, chớ không còn biết được chơn lý nữa, bởi trình độ của chúng sanh rất tối mê đần độn, nên gọi là chơn lý tắt nghỉ. Đức Tạng ra đời ấy tức là Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh nhập Niết-bàn vậy.
Về phẩm thứ hai, đức Phật Thích-ca, Ngài khởi sự giảng giải kinh Pháp Hoa. Ngài kêu ông Xá-lợi-phất là bậc đại trí huệ, mà tỏ lời khen ngợi phương tiện thiện xảo của chư Phật. Ngài nói rằng: Mục đích của chư Phật ra đời, mục đích của chơn lý võ trụ, hóa sanh chúng sanh là để tạo trí huệ Phật cho tất cả, vì muốn cho tất cả đều thành Phật, ở một lớp Phật thừa, chớ không có thừa Thinh Văn, Duyên Giác gì tạm cả. Cũng như học trò sẽ là đốc học. Chúng nó sẽ phải tiến lên, con người phải lớn phải già, chỉ có ông đốc học, ông già mới thật gọi là có, chớ các lớp dưới là tạm, là trình độ phải bỏ qua, nên gọi là không. Về pháp lý này, đức Phật không còn phạt trị nữa, không còn thần quyền giai cấp nữa, vì đối với tất cả đều đã hiền lương trong sạch khá cao rồi. Nơi đây đức Phật sẽ mới thật hiện cái pháp bình đẳng được. Nơi đây Ngài muốn nói cõi đời là cái mặt bằng của gương sen. Võ trụ Pháp bảo là hoa sen trong sạch. Nơi đó chúng sanh sẽ sống chung nhau, dìu dắt chỉ bảo nhau như anh em, như một; cũng như các lỗ chưn lông trong một thân hình võ trụ. Ngài không muốn tự cao, chấp giữ quyền thế nữa. Ngài không muốn ai khen Ngài hết, Ngài cũng không muốn ai chê; vì hai cái ấy là gò cao trũng thấp, là cái nhơn bất bình đẳng chiến tranh, tội khổ ở trong đời, nó sẽ là một cái gương ác hại cho kẻ dại dột. Kẻ ấy, nó thấy người ta tự khen Ngài, rồi nó sẽ bắt chước tập nịnh hót, hoặc bắt người ta bảo phải khen nó, tức là nó tạo sự ác khổ cho nó và tất cả. Cũng như có một người kia tự mình lạy Phật, trẻ nhỏ dốt nát thấy vậy bắt chước, nó sẽ lạy quỉ ma, hoặc bắt buộc người ta phải lạy nó. Khác nào một người nọ tôn trọng Phật, nên mới có một kẻ khác tôn trọng kẻ ác gian, hay kẻ ác gian nó bắt ép người ta tôn trọng. Giống như kìa một xã hội binh vực riêng loài người, bày luật pháp để binh vực cho một nhóm người hiền chẳng hạn. Bởi có cái binh vực riêng đó, có cái cai trị xử phạt đó, mới có kẻ mê muội hiểu lầm làm ra giặc cướp, cũng là để cai trị và xử phạt, hay là kẻ đem mình cho quỉ ma loài vật cai quản xử phạt, lại đối với Phật Trời cũng muốn Phật Trời cai trị xử phạt, hay là cai trị xử phạt Phật Trời trở lại.
Thế mới biết rằng có lợi là có hại, trong lợi có hại, trong hại có lợi. Kìa như có kẻ binh vực loài người mà giết loài người thì thật là vô lý quá. Cũng vì thế mà đức Phật dạy rằng: Chơn lý võ trụ đạo đức nào có bảo ta có ý, có tính, có nói, có làm v.v… Các cái ấy thảy đều là sái trật vô lý, tội lỗi cả; cũng như kinh Pháp Hoa này, Phật dạy Bồ-tát, A-la-hán, dắt lớp đại hiền thượng trí, chỉ ra mỗi người là Phật, thế mà trẻ con kia ác dại, nên tưởng lầm xưng mình là Phật, thì có phải là nó tự cao chịu chết hay chăng? Như thế Phật nói ra kinh ấy cũng có phước mà cũng có tội, có phước với bậc đại hiền, có tội với kẻ ác hung, vì một đàng do đó mà sống nên, còn một đàng do đó mà chết hư vậy. Như thế mới thấy rõ rằng: Đạo lý võ trụ là không có một niệm, một sở chấp, chỉ có những kẻ phải giác ngộ, và giác ngộ mà thôi. Cõi đời là để cho ta giác ngộ, rồi thì sao cũng được, sao cũng xong, sao là sao khi ấy tức là toàn giác, giải thoát trọn vẹn, cái giác ấy mới gọi là hột gạo cội. Kìa như loài thú, ta giết hại nó chăng, ta bênh vực nó chăng? Bởi ta giết hại nó nên mới có chiến tranh kia, bởi ta bênh vực nó nên mới có chiến tranh kia, như thế thì đâu có chi là phải được. Thế ấy mới thật là chướng nghiệt. Đời là một cõi vô trật tự, không bờ bến, chẳng kỷ luật, không có một lớp bực chi cả; chúng sanh chẳng có một hạng bậc đồng, tâm trí thân mạng chẳng ai giống nhau, tức là một cõi không phải để cho ta nói, làm, tưởng, nghĩ, lo được vậy. Kìa như vị vua trời, vua người, vua đất, các vị ấy bỏ đi tu mà cho rằng: Những việc ấy vô lý, vô lý thật, vì cai trị cũng ác mà không cai trị cũng ác. Các Ngài sợ nhứt là cái gương ác hại của mình để lại đời sau.
Một ông quan xử phạt người, hay không xử phạt người, thảy đều là có tội cả, mà còn để gương ác lại đời sau. Thế thì đời không phải là thương, hay cũng không phải là ghét, mà những việc làm, lời nói, ý niệm, việc lo nghĩ của con người là vô lý thật, mà sự thật thì đời là một cõi chỉ để giác ngộ chúng sanh mà thôi. Thế nên Phật không khi nào có nghĩ lo rằng: Ta phải giáo hóa chúng sanh hay không giáo hóa chúng sanh, vì hai lẽ ấy thảy đều là vô lý, sái đạo, có tội lỗi cả.
Vậy nên Phật mà có nói pháp là bởi tại chúng sanh người nghe, còn Phật mà không có nói pháp là cũng tại chúng sanh người nghe, chớ không phải tại Phật. Trong kinh Pháp Hoa đây, Phật mới tạm chỉ là chúng sanh sắp sẽ thành Phật. Đó cũng là lời phương tiện thiện xảo, lời úp mở còn dè dặt, chớ hiểu đúng ra trong câu nói ấy, hay như đúng lý võ trụ, thì đời đã là cõi Phật rồi, chúng sanh đã là chư Phật rồi, đó mới thật là chơn lý đạo đức vậy. Nhưng mà hỡi ơi, cũng vì câu nói đó mà cõi đời có nơi tan nát, hay chúng sanh lắm kẻ chết oan. Mà cũng là câu nói ấy, cõi đời có nơi Cực Lạc, chúng sanh lắm kẻ thành Phật. Có như vậy chúng ta mới thấy ra rằng chỉ một lời nói, một ý niệm, hay một việc làm, một nghĩ lo là hại cho biết bao nhiêu và lợi cho biết bao nhiêu; như thế nghĩa là kết quả tương đối, cũng vẫn bằng nhau; có nói làm tưởng nghĩ lo, hay không nói làm tưởng nghĩ lo, cũng vậy bằng nhau, như nhau, không khác chi nhau cả; một đàng thì mệt nhọc kể công vô lý, và một đàng lại nghỉ khỏe, cũng chẳng lý nghĩa gì. Nhưng mà giác ngộ là kẻ nghỉ khỏe và trang nghiêm kêu là Phật, còn đàng nọ kêu là chúng sanh. Hoặc giả có thể gọi là ai cũng chúng sanh hết, hay cõi đời là địa ngục hết cũng được. Cả thảy như nhau, bằng nhau mà thôi. Khi nào chúng ta không còn sở chấp là sẽ không còn có chi điên rối nữa hết. Đó mới thật gọi là Diệu Pháp Liên Hoa trang nghiêm vậy.
Con người chừng giác ngộ như thế mới được cái sống tùy duyên không còn kiêu mạn. Dầu người có đứng thiên về bên bờ lề để dắt dẫn chúng sanh đi nữa, đó cũng là tại cái ý muốn của chúng sanh ép buộc. Chớ đối với người thì chỉ là tự nhiên, không còn cố chấp cái có hay không của sự nói làm tưởng nghĩ lo nữa.
Đến đó tức là định, con người sẽ vào đại định, tức là cái định mãi mãi. Giải thoát cả đạo và đời, hai bên bờ lề: cặp mắt của người, lỗ tai của người, lỗ mũi của người, tay chân của người sẽ không còn chênh lệch thiên vị.
Nơi đây về quyển Diệu Pháp Liên Hoa kinh, cũng là pháp mà chúng sanh bậc cao mong muốn, nên Phật mới nói theo lòng họ, để chỉ bước con đường đi của họ. Thế nên, khi mở lời nói kinh ấy là đức Phật ngài kêu ông Xá-lợi-phất mà nói rằng: Cái diệu pháp nó ở ngoài cái lý trí phân biệt, nó không ở trong phạm vi của lý trí, nên phải có cái phương tiện của đức Phật mới thấu được nó. Ta phải dùng mọi phương tiện mới giảng giải rõ được, như giảng giải, chỉ dạy, diễn thuyết, so sánh, thí dụ, đủ cách ấy là chính vì muốn truyền cho chúng sanh sự thấy rõ biết cái trí huệ của Phật. Cho nên Phật mới hiện ra ở thế. Chỉ có một thừa của Phật là Phật thừa, chớ không có thừa nào khác cả. Nhưng vì tánh tình chí hướng, tánh chất lý tưởng của họ khác nhau, nên các Ngài sẽ phải dùng biết bao phương tiện nhơn duyên lý cớ mà làm cho họ tin và hiểu rõ ràng. Sau ấy Ngài thọ ký cho ông Xá-lợiphất về sau thành Phật, hiệu là Hoa Quang Như Lai, ở tại thế giới tên là Ly Cấu, và Ngài thọ ký luôn cho tất cả các hạng Thinh Văn, Duyên Giác, bậc trời người, ai ai về sau cũng đắc thành Phật Như Lai cả.
Ngài lại chỉ ra nhiều ví dụ, so sánh. Ngài giải về sức tin, Ngài chỉ ra những cây dược thảo. Ngài nhắc về sự tu chuyên cần thuở trước của Ngài để hóa thành Phật. Ngài khen ngợi vị pháp sư. Ngài chỉ ra cái Phật là đa bửu quí báu ở trong Pháp bảo từ xưa đến nay không bao giờ hoại. Ngài cũng tỏ ra rằng dầu cho kẻ thù nghịch giết Phật như Đề-bà Đạt-đa kia cũng sẽ thành Phật Như Lai nữa.
Ngài khuyên chúng sanh nên hãy nắm giữ thật hành, mà giảng giải cái diệu pháp như Liên Hoa, nâng đỡ chúng sanh này. Ngài chỉ dạy cho cách làm bậc thầy, hành đạo phải ôn hòa. Ngài chỉ ra chư Bồ-tát xuất hiện ở khắp trong đời là do pháp này giáo hóa. Ngài lại nói rõ rằng là Ngài thành Phật đã từ lâu, chớ chẳng phải mới đây. Ngài chỉ ẩn mặt mỗi lúc mà gọi nhập Niết-bàn, chớ không có chi là Niết-bàn cả. Ngài phân biệt công đức quí báu của sự giác ngộ, hành theo diệu pháp này, cho đến Ngài khen tặng công đức người nghe pháp mà vui và công đức của vị pháp sư là quí báu vô cùng vô tận. Ngài chỉ cho thấy hạnh Thường Bất Khinh Bồ-tát, hạnh Dược Vương Bồ-tát, hạnh Diệu Âm Bồ-tát, hạnh Quán Thế Âm Bồ-tát, hạnh Phổ Hiền Bồ-tát cho chúng sanh xem thấy đặng bắt chước noi gương. Ngài chỉ rõ sự tu hành tưởng đạo của vua Diệu Trang Nghiêm cho người ham mộ. Ngài dùng thần lực để tuyên truyền cái pháp, Ngài chúc trao cái pháp cho chư Bồ-tát. Cùng sau rốt những câu thần chú ủng hộ người tu, và đức Phổ Hiền hộ niệm. Ngài cố sức làm cho chúng sanh thấy rõ trí huệ của chư Phật, mà hiểu ra chơn lý võ trụ. Ngài dạy rằng người nắm giữ được Pháp Hoa:
1. Phải được chư Phật ủng hộ ban hành, tức là được nghe pháp, xem gương dạy dỗ.
2. Phải năng sanh nảy căn lành cội đức nơi mình, là cứu giúp tế độ chúng sanh.
3. Phải có lòng chánh định chắc quyết, không thối chí xao lãng.
4. Và người ấy phải nhận mình có quả Phật, vì muốn cứu vớt chúng sanh.
Như thế tức là Ngài vì ý muốn của chúng sanh mà bảo khuyên họ phải vững bụng, siêng năng, mà đi tới bên bờ kia. Ngài ban cho họ một cái hy vọng, một mục đích để cho họ cố gắng. Ngài đem họ lên lớp của bậc thầy để được sự giác ngộ nhiều hơn, và giúp đỡ chúng sanh cho mau giác ngộ; vì mục đích cao siêu ẩn kín của Ngài, là chỉ muốn cho chúng sanh giác ngộ, vì sự giác ngộ cho họ. Và Phật lại chỉ bến bờ kia, Ngài lại chỉ gương Ngài và gương chư Phật. Ngài khuyến khích, an ủi, vỗ về đủ cách, vì Ngài cho rằng chúng sanh không dễ gì giác ngộ, bởi tánh ác quấy lâu đời, Ngài nói chính Ngài cũng khó mà giác ngộ, phải chịu sự khổ như vậy mới mau giác ngộ, khó nhứt là sự giữ giới, tâm định trang nghiêm mực giữa. Chúng sanh không làm sao tránh được sự thái quá bất cập. Ngài cho rằng chúng sanh không làm sao mà định được, dầu họ có thức tỉnh chút ít, nhưng tâm của họ đã quen tật chướng, không sao giữ gìn chơn như được. Bởi biết vậy nên giáo lý của Ngài gọi là pháp, là phương tiện thiện xảo, là pháp để tập dạy trau tâm, vì sau sự giác ngộ là chỉ còn tâm định chơn như tự nhiên mà thôi. Như thế nghĩa là Diệu pháp là Liên Hoa là pháp trau tâm kinh nghiệm, là phương tiện thiện xảo để đưa đỡ chúng sanh lên lớp cao ráo sạch sẽ, tập lần cái tâm, giác ngộ cái trí, ủng hộ cho cái thân. Diệu Pháp Liên Hoa là một hoa sen, một bánh xe pháp cỡ lớn, giáo lý của những bậc thầy, lợi ích cho bậc thầy, trong sạch cao trên, mà lại cũng có hại cho hạng trò bẩn dơ thấp dưới, vì kẻ thấp dơ mà lầm tưởng, là ắt chẳng có đường đi. Diệu Pháp Liên Hoa cũng là giáo lý không ta, không của ta, trong sạch không ô nhiễm; cũng là giáo lý mấy mươi năm của Phật, vì pháp nào cũng là trong sạch! Diệu Pháp Liên Hoa cũng là sự vui mừng hỷ lạc của chúng sanh, cũng là cái mỉm cười của Phật. Diệu Pháp Liên Hoa tức là chư Bồ-tát giáo hóa chúng sanh, hay cũng gọi là con mắt giữa của chúng sanh nhìn ra trí huệ của chư Phật, mà biết nhận ra mình là Bồ-tát.
Diệu Pháp Liên Hoa cũng nói là tòa sen, bánh xe pháp của Phật trao chúng sanh ngồi cỡi để đặng bay lên lăn tới, hay là một võ trụ thế giới, xã hội, gia đình cực lạc; bởi hiểu nơi pháp tu ấy, con người sẽ không còn ai bẩn dơ thấp thỏi nhỏ nhoi, hẹp hòi tư kỷ nữa cả. Vì vậy nên gọi là Diệu Pháp Liên Hoa, ai ai cũng sẵn có cái trí huệ của Phật ở nơi mình, là Diệu Pháp Liên Hoa.
Quyển Diệu Pháp Liên Hoa, toàn bộ 28 phẩm, tức là 28 bài triết lý đúng đắn, mà nơi quyển này không quá 20 trương, không sao diễn tả hết ra được; nhưng có hiểu ra pháp lý của phẩm đầu và phẩm Phương tiện, là chúng ta cũng sẽ thấy rõ ra được chơn lý, ý pháp của Phật, vì chúng sanh. Ngài đem một cái chấp để đánh trừ một cái chấp cũng là hay diệu. Ấy cũng bởi Ngài đã biết rõ cái tham muốn của chúng sanh từ thấp tới cao tất cả, cho nên Ngài dạy không bỏ bậc nào.
Có hiểu như thế rồi thì chúng ta tự ai mỗi người hãy tự nghe xem, tìm giác ngộ, nghĩa, lý, ý của 26 phẩm kia thêm, vì các phẩm kia là phụ thuộc. Muốn hiểu một cách rõ rệt hơn, vậy chúng ta ai ai cũng hãy tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của đức Phật xưa, là tất sẽ hiểu ngay ra rõ rệt.
Nói tóm lại, quyển Diệu Pháp Liên Hoa yếu lý này chỉ nói rõ cái đại cương của Pháp Hoa mà thôi.
Diệu Pháp Liên Hoa mà đức Phật, Ngài nói ra đây là ý Ngài muốn chỉ rõ sự bình đẳng, sự bằng thẳng trong sạch của đời. Đời là một cái mặt hoa sen, nâng đỡ chứa đựng tất cả chúng sanh ngồi trên; nó không cho ai tham lam, cố chấp, nhiễm ô bùn bụi. Diệu Pháp Liên Hoa là một pháp kinh nghiệm rất đúng chơn lý, nó sẽ trừ dứt được tất cả gốc nguồn tham vọng cho chúng sanh mê muội. Nơi đó đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy rằng: Phật là sự giác ngộ, giác ngộ là chơn như chánh định tự nhiên, không còn sở chấp, vọng tham nữa. Cũng như một tiếng Phật mà có nơi người cố chấp tự xưng, hay có nơi người tôn trọng đi nữa, cái tiếng ấy cũng là ác quấy tội lỗi, vì biết bao kẻ sẽ lạm dụng tự xưng, biết bao kẻ sẽ quên mình mà đi lạy thờ yêu quỷ. Cho đến cái tiếng vua quan mà có, thì cái kết quả tai hại cũng sẽ không vừa. Cái tiếng ấy sẽ giết biết bao thiên hạ, vì những kẻ sẽ xưng vua quan, hay vì sự phò tôn vua quan mà chết. Mỗi tiếng nói, tên gọi, một việc làm, mỗi ý niệm, thảy đều là tội lỗi bất công cả, vì nó là sự thấp cao, có lợi mà cũng có hại bằng nhau. Những sự lo nghĩ cũng y như vậy. Kìa như một cái ý muốn sanh con, vì tiếng sanh mà biết bao nhiêu kẻ tìm chết để đặng sanh, vì tiếng sanh mà giết hại thiên hạ, nhiều kẻ bắt chước ham sanh mà phải chết. Bởi có tiếng con nên mới lắm kẻ làm con ma quỷ, lắm kẻ xưng cha, lắm kẻ vì con mà chết khổ, ấy là vô lý thật.
Hiểu được nơi Diệu Pháp Liên Hoa, chúng ta sẽ khỏa bằng tất cả, đến như đời và đạo, Phật với chúng sanh cũng không còn có được, cái trí của ta sẽ không còn ở nơi trụ chấp bên lề, thì cái giác chơn mới thành tựu. Tỏ ngộ nơi pháp ấy, chúng ta sẽ đắc được phép thiền định tương đối chánh giác tối cao. Ấy như là từ cái ác đến cái thiện, hay như lẽ có và lẽ không, nó đã là tương đối của đời rồi, thế mà cái trung đạo lại cũng là tương đối với hai pháp ấy nữa. Cũng như Phật Niết-bàn, trung đạo, là tương đối bến bờ bên kia của thiên đường, địa ngục. Có hiểu vậy rồi thì trí ta sẽ bỏ luôn cả trung đạo, Phật Niết-bàn tương đối ấy nữa, mà định tâm về chỗ giác tương đối, tức là sẽ tự nhiên không sở trụ, ấy mới gọi là không còn chỗ đến. Bậc hết tu hết học là bậc mà đến đây, đời đạo đã công bằng, tâm đã giải thoát chánh định, chơn như hoàn toàn. Ấy mới xứng đáng gọi là Phật, kẻ ấy mới phải thật là Phật quá khứ, đã thành Phật từ xưa, từ xưa tái sanh trở lại, vì kẻ ấy đã không còn nghi ngờ gì rằng: mình không phải là Phật, hay cõi đời không phải là cõi Phật nữa.
Sự giác ngộ như thế tức là con mắt đi trước một thước, cái chân tiếp nối theo sau, trí người giải thoát vượt qua khỏi cả cái tiếng đạo, tiếng Phật thì tâm người mới trụ yên đặng chỗ Phật, chỗ đạo vậy. Chính cái pháp giác ngộ tối cao xa lìa trong đạo, cái Phật ấy mới gọi là Như Lai, là chỗ đến của Diệu Pháp Liên Hoa kinh đó. Có thấu đáo như vậy, chúng ta ai ai cũng sẽ thấy rõ ra mình là đang ngồi tòa sen, phóng hào quang, và đang cầm nắm hoa sen diệu pháp; chơn lý chỉ đúng y như vậy. Sự thấy rõ trí huệ Phật ấy mới gọi là con mắt Liên Hoa Diệu Pháp kinh nghiệm.
Có thấy rõ như thế, chúng ta mới biết rằng ai ai cũng là Như Lai tử, hay Bồ-tát cả. Vì cái Như Lai là không còn trong tiếng Phật, không còn vô lượng vô biên ức kiếp lần hầu hạ, nô lệ cho cái tiếng Phật nữa vậy. Thế nên, đức Phật mới nói kẻ bậc thấp chấp mê không bao giờ giác ngộ, còn phải trải qua vô số kiếp lần hầu hạ chư Phật, cái tiếng Phật nữa, mới đặng giải thoát vượt qua tỏ ngộ, đắc Như Lai đặng.
Đó tức là con mắt giữa của Phật phóng hào quang, và do nhờ đó mà ai ai cũng đặng gặp kinh Diệu Pháp Liên Hoa hết.
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]