CHƠN LÝ 55: CHƠN NHƯ


1. Trong kinh Kim Cang, Trưởng lão Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Như đức Thế Tôn thật là ít có, đức Như Lai vốn hay ủng hộ chư Bồ-tát bằng tư tưởng lành, vốn hay đem điều lành mà phó thác lại cho chư Bồ-tát. Bạch đức Thế Tôn, như có bậc trai lành gái tín quyết phát tâm cầu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì nên trụ vào đâu? Nên hàng phục cái tâm như thế nào?

Đức Phật bèn phán với Tu-bồ-đề rằng:

Chư Bồ-tát Ma-ha-tát nên hàng phục cái tâm như thế này: Đối với tất cả các loại chúng sanh, dầu là loài sanh từ trong trứng, dầu là loài sanh từ trong thai, dầu là loài sanh dưới nước, dầu là loài sanh hóa, dầu là loài có hình sắc, dầu là loài không hình sắc, dầu là loài có tư tưởng, dầu là loài không tư tưởng, dầu là loài chẳng phải có tư tưởng mà cũng chẳng phải không tư tưởng, thời ta cũng diệt độ cho tất cả đều đắc nhập cảnh Niết-bàn trọn vẹn. Như vậy là diệt độ cho vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh đắc nhập Niết-bàn, nhưng thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả. Tại làm sao? Này Tu-bồ-đề ơi! Nếu Bồ-tát mà có tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng mạng số, thì chẳng phải là Bồ-tát”.

Như thế nghĩa là bậc Bồ-tát thay thế cho Phật diệt độ chúng sanh, là phải thệ nguyện độ cho tất cả chúng sanh bình đẳng, nhưng mà tâm hằng giữ chơn như đại định, như Kim Cang bất hoại, như võ trụ chơn không, đạo đức bao trùm tất cả, nhưng mà cái thể của nó, lúc nào cũng tự nhiên vắng lặng không không, không vọng động, không ranh mé toán số chi hết. Cái tâm của người phải là võ trụ chơn như như vậy, chớ đừng chấp có nơi sự việc. Tâm như thế mới thật gọi là to lớn, phước đức như thế mới gọi là không cùng, ấy gọi là Kim Cang.

Sau đó đức Phật giải thêm rằng: Bậc Bồ-tát có theo pháp mà làm việc bố thí, thì không nên nương dựa vào đâu hết, không nên nương dựa vào tướng của sáu trần là: hình sắc, tiếng tăm, mùi, vị, xúc và pháp ý mà bố thí, thì phước đức không thể suy tính đo lường, cũng như không thể suy tính đo lường cõi hư không về phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, bốn phương kế cận, phương Thượng và phương Hạ. Tâm bố thí mà không trụ vào tướng, không cố chấp, thì phước đức cũng không ranh mé toán số y như vậy. Đức Phật lại dạy rằng: Phật là cái chơn như Như Lai, là chẳng vọng động bổn lai, chớ không phải thân tướng là Phật. Cũng như Ngài không cố chấp cái quả chi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và cái pháp chi cần phải thuyết, vì Ngài không cố chấp bốn tướng, tâm chỉ hằng chơn như đại định thôi. Ngài không cố chấp quả chi hết, là vì tâm của Ngài đã thật giải thoát trọn vẹn, không còn dính mắc vào đâu cả. Nên Ngài gọi rằng dứt bốn tướng ấy tức thành Phật, phước đức lớn hơn hết. Cũng như cái thật là cái không có hình tướng, cái nhiều là cái chẳng suy lường, cái lớn là cái không xem thấy, cái có là cái không giữ gìn, cái không hư hoại là chơn như võ trụ, cái ấy mới gọi là cái của bậc giác ngộ, Phật, là tâm của Phật, chơn tâm, không vọng.

2. Kìa như trong tâm kinh, bài kinh nghiệm của tâm, trong cái chơn không mực trung không vọng, thì đâu có chi là cái có hay không cái sắc thân, thọ cảm, tư tưởng, hành vi, thức trí của ngũ uẩn; tâm đã là định chơn như, thì trong đó đâu có chấp biết gì: sanh, già, bịnh, chết, sáu căn, sáu trần, sáu thức, khổ, tập, diệt, đạo; như vậy thì đâu còn có pháp gì là vô minh! Đâu có cái trí, cái đắc mà mong muốn Niết-bàn.

Vì bởi tâm định chơn như tức là Niết-bàn Phật rồi, giác ngộ như thế nên không còn có chi tìm cầu cả; ba đời chư Phật cái tâm đều y như vậy, nên mới thành Phật. Ấy là cái trung tâm, trụ cốt, chỗ đến, đặc điểm của tất cả chúng sanh đó.

3. Lại như trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy ông A-nan rằng: Đèn chẳng qua là cái phô bày sắc tướng ra được, mà không phải thấy được. Cái thấy được sắc tướng ấy là mắt vậy. Cũng như con mắt là cái phô bày sắc tướng ra được nhưng thấy được sắc tướng ấy là lòng, chớ không phải con mắt thấy được. Ngài gọi rằng hết thảy chúng sanh không thành được Chánh giác, và cũng không thành được A-la-hán, đều bởi khách trần làm cho lầm lạc. Vì khách trần ví như người đi đường, đói ghé quán cơm, tối vào tiệm ngủ, ăn ngủ xong rồi lại ra đi nữa. Nếu không đi đâu cứ ở nhà mãi, ấy là chủ nhà (chơn), mà bởi không ở lại, mới kêu là khách (vọng). Còn trần nghĩa là bụi. Như ban mai mặt trời mọc, yến sáng dọi vào những lỗ trống trong nhà, thấy bụi bay xao xuyến, đầy giữa hư không. Nhưng hư không vẫn lặng im (chơn), còn bụi cứ xao xuyến (vọng). Bởi nó xao xuyến mới kêu là bụi.

Khi ấy Phật bèn giơ tay rồi nắm lại, xòe ra, hỏi A-nan rằng: Ngươi thấy gì không?

- Thưa: thấy Phật giơ tay rồi xòe ra, nắm lại.

- Tại bàn tay (khách) ta xòe ra nắm lại, hay tại cái thấy (chủ) của ngươi có xòe ra nắm lại?

- Tại bàn tay Phật.

- Cái nào động và cái nào tịnh?

- Bàn tay của Phật động (vọng). Cái thấy của con tự nhiên (chơn), không có cái tên tịnh, huống chi lại có cái tên động.

Phật khen rằng:-Phải.

Bấy giờ Phật lại giơ tay chỉ về phía hữu, A-nan quay đầu ngó phía hữu. Phật lại chỉ qua phía tả, A-nan quay đầu ngó phía tả. Phật bèn hỏi rằng:

- A-nan, đầu ngươi tại sao day động?

- Tại thấy Phật chỉ hai bên, con ngó qua ngó lại, cho nên đầu mới day động.

- Tại cái đầu của ngươi động, hay tại cái thấy của ngươi động?

- Cái thấy chủ vẫn tự nhiên (chơn), tại cái đầu khách nó day động (vọng).

Phật khen rằng:-Phải.

Bấy giờ Phật bảo hết thảy Tăng chúng rằng:

Cũng có người biết cái xao xuyến ấy là bụi, mà chưa hiểu cái hư không đựng chứa bụi ấy nó vẫn yên lặng tự nhiên; biết kẻ không ở lại ấy là khách, nhưng không biết người dung nạp khách, ấy là chủ nhà, không dời không đổi.

Vậy các người hãy xem cái đầu của A-nan, tại nó day động, và tại bàn tay của ta nắm lại xòe ra, nhưng cái thấy nó vẫn tự nhiên, không có chút gì thay đổi.

Cái tự nhiên yên tịnh không đổi không dời ấy, chính là cái chân tâm của các ngươi vậy. Cớ sao các ngươi quên mất cái đó, lại nhận cái sống chết làm mình, cái biến đổi làm cảnh, mà phải luân hồi mãi trong vòng sanh diệt vô thường? Ấy cũng bởi các ngươi tự mình chác lấy mà thôi”.

Như thế tức là đức Phật dạy bảo chúng ta nên hãy nhận ra cái chơn như võ trụ đạo đức không vọng động, không không vắng lặng, tự nhiên chơn thật, làm tâm, làm trung tâm trụ cốt chỗ đến. Kìa như cái biết của ta nó cũng vốn là tự nhiên không vọng động, và từ nơi tự nhiên không vọng động, có sẵn từ lâu, tự hồi nào, chớ nào phải mới có hiện tại đây. Vì nếu không có trước kia, thì bây giờ đâu có. Sở dĩ trước kia nó chưa xuất lộ ra, chưa tập thành tướng, là chính nó đang ở ẩn trong các pháp chúng sanh vạn vật đó thôi, nên gọi là cái sống biết linh, có sẵn nơi chúng sanh vạn vật các pháp, vốn là tự nhiên ở trong võ trụ. Thế nghĩa là cái biết của chúng sanh đã có, đang có, sẽ có, chớ chẳng phải không. Nó là cái có sanh ra, có sẵn, ở trong võ trụ hư vô chơn như đạo đức. Và cũng là chơn như đạo đức võ trụ hư vô, đang có sẵn ở trong mỗi cái.

Bởi đó nên lắm kẻ gọi chơn như là chúa tể các pháp, là tâm của chúng sanh, là chỗ đến của tất cả, là cái Phật của bậc giác ngộ. Người ta cũng nói chơn như là Ngọc đế, là cao Thượng đế, nghĩa là chơn như là pháp quý báu như viên ngọc, là pháp cao thượng hơn hết. Đế nghĩa là thẩm xét, Thượng đế nghĩa là pháp thẩm xét cao thượng hay Ngọc đế là pháp thẩm xét báu quý như châu ngọc, pháp ấy là chơn như. Đế cũng nghĩa là đề, đề là nắm lấy dẫn lên. Ngọc đế, Thượng đế là pháp chơn như, quý báu cao thượng, làm chủ nắm lấy chúng sanh dắt dẫn đem lên. Đế cũng nghĩa là bình luận, đề mục, nêu lên; đề là cái trán, đầu đề, nên gọi Ngọc đế, Thượng đế là cái chơn như quý báu cao thượng như cái trán trên cao, như cái pháp để nêu lên, là vấn đề bình luận, cũng là đầu đề, đề mục của chúng sanh câu chuyện. Thế nên gọi chơn như là pháp tạo tâm, hóa trí cho chúng sanh, tạo hóa của chúng sanh. Tất cả chúng sanh mà được tiến lên, là nhờ ngó ngay nhìn nó. Nên gọi chơn như là thầy, là cha mẹ, là vua chúa, chúa tể, Phật hay Ngọc hoàng Thượng đế là nó, nó là pháp lý danh từ, chớ không phải riêng ai cả.

Người ta cũng gọi võ trụ là chơn như, không không, im lặng, tự nhiên, tự nhiên là Phật, còn không không ấy là trời, cái trời chắc thật, còn vạn vật chúng sanh, các pháp có có, xao động là đất, cái đất thay đổi. Ấy là lý ông Trời, bà Đất của nhơn loại chớ không phải người nào.

Như thế nghĩa là trời đất đây là giáo lý; còn ông Tiên, ông Phật là bậc ở núi không không; và bậc giác ngộ, chơn như tự nhiên, cũng ở trong trời đất võ trụ, chớ không phải ở ngoài chỗ nào nữa.

Trong cái tự nhiên chơn như là gồm cả có và không, trời, đất nuôi sống sanh sản, tạo hóa đủ cả sống, biết, linh, chúng sanh vạn vật các pháp. Vậy nên, những ai lấy nó làm tâm, giữ đúng tâm chơn như, thì sẽ tức mình là võ trụ, Phật, Ngọc hoàng Thượng đế, chúa tể, tạo tâm hóa trí cho cả chúng sanh.

Thế mới biết rằng chơn như võ trụ là đạo vĩnh viễn bền dài, và dung chứa tất cả, kêu là đức. Nghĩa là giáo lý của nó là tích chớ không phải tiêu, tức là chứa chớ không phải bỏ. Cũng như làm mà không chấp chớ chẳng phải chấp không, không làm. Khác nào trong thế gian không có vật gì bỏ cả, các pháp tốt xấu đều dùng được theo mỗi việc, các chúng sanh tội lỗi cách nào cũng có chỗ hay, giáo lý nào cũng ích lợi v.v…

Ví như có kẻ kia nói rằng ta không tin một ông Thượng đế, một ông Phật giúp nên ta, ta không tin được khoa học vật chất làm ta được hạnh phúc, nghĩa là ta phải tự tin lấy ta, sự thành công ở nơi ta, tự ta tạo thời thế! Kẻ ấy hiểu như thế mà cho là đạo Phật thì kém hẹp, thiếu sót chăng? Vì tự mình, cái tự mình không làm sao được. Kìa nào ai thấy bụi đóng sau lưng mình, nào ai vói tay tới sau lưng, nào tự mình sống biết mà không phải là đang nhờ nơi tất cả cỏ, cây, thú, người, Trời, Phật, tứ đại võ trụ? Thế mới hay rằng tự mình là chưa đủ, vì tự đắc, tự tôn, tự đại, tự kỷ, tự ái, tự cao, cái tự tôn, tự lập ấy khác với Phật lý là Thế Tôn, chúng sanh trần thế tôn Ngài. Người ta tôn mình, tốt hơn là mình tự tôn, tự đại. Vả lại, cái “tự mình” tiếng ấy là một phần tử nhỏ, chiết ra từ trong cái tiếng “ta”, ta là chúng ta, là toàn thể tất cả trong võ trụ.

Thế thì người ấy phải nên dùng chữ ta mới đúng, vì cũng có tự mình, cũng có Phật, Thượng đế, cũng có khoa học vật chất, cũng có tất cả chúng sanh vạn vật các pháp võ trụ hiệp lại giúp nên mới được cái ta chứ!

Kìa như một câu nói khiêm nhượng nghe như êm ái làm sao!

Người nọ nói rằng: Việc mình thì quáng, việc người thì sáng, nhiều người giúp mình hơn một mình mình! Hay là câu nói có mình mà cũng có người. Chính câu ấy mới đúng sự thật mỗi ngày. Vì thế nên gọi chơn như là tích. Nhưng tích mà không chấp, và bởi tích mà không chấp nên có kẻ tạm gọi là tiêu. Cũng như giáo lý của Phật là xin học, tài thí pháp thí trao đổi, sống chung cho nhau, ai cũng đang sống cho nhau mới được, ai ai cũng là đang xin và học của nhau. Ngài gọi rằng không có cái gì là tiêu bỏ cả. Chỉ tiến tới, qua khỏi, lên lớp, giải thoát, vượt ra, không cố chấp bảo thủ ích kỷ một mực cho mình, khi mình qua khỏi là để lại cho tới phiên kẻ khác nữa đi sau, sự không cố chấp ấy, tạm gọi là tiêu vậy, tiêu của mình, mình dùng rồi bỏ qua một bên, là để cho kẻ khác dùng, chớ không phải đi qua rồi cuốc lộ phía sau, hay ăn dư liệng bỏ, làm đói kẻ khác để phải mang tội hủy hoại. Như thế nghĩa là trong trần thế không có cái chi tiêu hủy cả, chỉ có cái thay đổi đi từng lớp tiếp tục nhau thôi. Cũng như con đường đời, bàn chân ta trải qua rồi là người khác sẽ bước đến! Đối với mình là tiêu bỏ đi qua, đối với kẻ khác là tích dùng sẽ đến. Đó tức là chấp cùng vô chấp.

Nhưng đối với giáo lý hoàn toàn thì dung hòa gồm cả, biết dùng hết, tùy theo duyên có lấy có bỏ, chớ không thiên vị, lấy cái nào, bỏ cái nào, ấy mới gọi là pháp tánh bình đẳng vô tranh. Pháp ấy mới gọi là pháp Phật của bậc giác ngộ cho.

Thật vậy, pháp nào cũng ở trong chơn như võ trụ nuôi chứa, ta đâu có lấy hay bỏ pháp nào đặng. Bởi không lấy hay bỏ ấy, mới gọi là giác ngộ đó, thế nên chơn như là vạn pháp ở trong vạn pháp, vạn pháp sanh ra; hay gọi vạn pháp là chơn như, ở trong chơn như, chơn như sanh ra. Nó vẫn nương sanh lấy nhau, để đem lại sự giác ngộ cho chúng sanh. Nó như viên đe và cái búa, đập nhau, sanh ra tiếng tăm, ánh sáng, hình tượng để cho chúng sanh nhìn nhận.

Vậy thì chơn như là tích, các pháp là tiêu, có hai bên bờ sông, có cao có thấp, có có, có không, có trời, có đất, có chơn, có vọng, mới có sự giác ngộ của con người. Do đó mà chúng sanh trước hết hãy bỏ cái này, lấy cái kia, sau khi được kia rồi, là sẽ đến mực giữa để dắt dẫn lại kẻ sau cho đi tới. Cái giữa ấy mới đúng là chơn như đạo đức, qua khỏi cái chơn, không còn chấp chơn mới thật là chơn. Cũng như cái trí qua khỏi cái Phật, thì tâm mới là Phật, bởi con mắt phải đi trước xa hơn bàn chưn một bước.

Như thế thì Phật là tâm chơn. Đạo Phật là con đàng đi đến tâm chơn. Phật độ chúng sanh là chỉ tâm chơn cho mọi người, dìu dắt tâm người đến chơn như, khuyên mọi người lấy chơn như làm tâm, và chơn như mới thật là tâm của tất cả chúng ta y như một, có một. Chính nó sẽ là hột giống vĩnh viễn trường tồn của sống, biết, linh đó.

Vậy thì chơn như võ trụ là vẫn đang tự nhiên, khi nào những pháp trí vọng động của thế gian không có xao xuyến thì cả thảy là chơn như. Pháp trí của thế gian không vọng động xao xuyến là do sự đứng ngừng tất cả sự vật, tất cả sự vật đứng ngừng là do không tà ác. Vậy muốn không tà ác thì trong đời phải chánh thiện là trì giới. Trì giới là đứng ngừng mọi việc; đứng ngừng, nhập định thì các pháp không xao xuyến vọng động, gọi là đã diệt trừ, trí huệ, thì cả võ trụ là chơn như mà thôi. Sự thật đúng như vậy, tánh của ác tà là thiện chánh trì giới, tánh của thiện chánh trì giới là thanh tịnh nhập định, tánh của nhập định thanh tịnh là diệt độ trí huệ, tánh của diệt độ trí huệ là chơn như. Chơn lý đã sẵn như thế! Cũng như thân ta vốn chẳng chịu dơ bẩn.

Khi trong sạch không ưa xao xuyến, không xao xuyến thì trí chẳng chấp chứa cái gì, bởi nhờ không chứa chấp nên tâm không vọng động, đồng với võ trụ chơn như là một. Đó là phép tu học của chúng ta, hay sự giác ngộ con đường sanh tử của chúng sanh tất cả. Ngoài lẽ thật chơn lý, chánh lý ấy ra, tức là chúng sanh đi lạc nẻo tới rất xa, còn phải biết bao nhiêu khổ sầu tai họa, bởi nơi các lối yêu ma giỏi thân hay trí, đọa phạt, tâm chơn vô lý.

Vậy thì sau khi giác ngộ chơn như, chúng ta phải cố thật hành những pháp nào để bảo giữ chơn như ấy. Vả chăng, chơn như có ra là do trí huệ đoạn diệt. Trước phải đoạn diệt các sự chấp lầm của pháp bên ngoài và nên biết rằng: các pháp ấy là mượn tạm, các pháp có ra như chiếc bè, để đưa ta tới bến bờ chơn như thôi, vậy không nên chấp pháp! Ví như bố thí là để đến chơn như, nhẫn nhục cũng đến chơn như, tinh tấn để đến chơn như, trì giới cũng đến chơn như, thiền định để đến chơn như, trí huệ cũng đến chơn như; hết thảy các pháp đều là để giữ gìn chơn như, giác ngộ chơn như, tập tâm chơn như cả. Thế nên muốn đến chơn như là phải đủ đầy trí huệ, đoạn diệt lầm mê cám dỗ che đậy. Như vậy là trước hết phải đoạn diệt cái sở chấp thân, phải không màng sợ bịnh, dứt ngăn ý dục, và không lưu luyến các pháp. Hoặc là trước phải tập làm việc bố thí, tập nói lời dịu dàng, năng tìm những sự lợi ích, để cho chúng sanh mau tấn hóa đến nẻo chơn như, phải thường cộng sự với người đặng diệt trừ ý dục, tư kỷ v.v...

Hoặc phát nguyện độ đời, hoặc phát lòng từ bi hỷ xả, hay giữ pháp chánh thiệt lớn tròn, đủ cả các pháp lớn nhỏ chậm mau, việc gì cũng là để hồi hướng đến ngay chơn như, cũng là của trong chơn như, ta người đều phải đến ngay chơn như cả thảy, đó mới gọi là pháp Phật. Phật Pháp là chơn như, pháp giải thoát, trong sạch không ô nhiễm, là pháp giác ngộ không sai lạc, chẳng đắm trần. Kìa như vị Kim Cang đại sư, chơn như đại định dưới cội bồ-đề chánh giác, ngó tranh xoi lủng gối, quạ làm ổ trên đầu mà Ngài cũng không lay động, do đó mà giải thoát đắc đạo. Ngó tranh tức là dòm ngó tranh đua của kẻ thế gian, khi thấy các nhà tu yên định tự nhiên theo lẽ chánh giác, thì chỉ trích xoi xỉa, khiêu khích làm cho người tức tối đớn đau mà đứng lên đi chạy theo thế tục với họ. Còn quạ làm ổ trên đầu, là trong khi để tâm yên định, thì tự nhiên xét thấy ra tai họa xảy đến, người dữ gieo vào, nhưng người cũng không núng nao lo sợ, loạn tâm thôi tu bỏ đạo, do đó mà gọi là Kim Cang đại sư vậy. Kìa như đức Phật có những tên Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn, Sĩ Trung Thắng, Thiên Thượng Tôn v.v... Cả thảy các danh pháp có ra cũng đều do chơn như bổn gốc.

Lại như kinh luật luận, hay Tam thừa giáo lý, phương tiện thiện xảo, từ thấp tới cao, cũng là để đem lại chơn như cho từng bực.

Này là Bồ-tát Thánh, Bích-chi Thánh, A-la-hán Thánh; hay là Bồ-tát, Duyên Giác, Thinh Văn Thánh đã đắc lục thông: ba bậc trên. Bồ-tát, Duyên Giác, Thinh Văn xuất gia khất sĩ: lớp giữa. Bồ-tát, Duyên Giác, Thinh Văn tại gia cư sĩ: ba hạng dưới. Chín phẩm ấy cũng đang tu học giáo lý chơn như có một.

Cũng như trẻ nhỏ đến người lớn, tới ông già, ông già sẽ hưu trí nín nghỉ, chết lần không nói làm vọng động, ấy tức là chơn như.

Con thú, cái cây, cọng cỏ, đồ vật, cái chi cũng có ba thời kỳ, sau chót là đến chơn như, ai cũng sẽ gặp chơn như, những kẻ nào biết giác ngộ sớm và vui hạp, không cố cưỡng, là sẽ sớm được yên vui, kết quả, tránh khỏi qua những thất bại khổ đau. Vì vậy nên gọi chơn như là tế độ, chơn như là bà mẹ lành, là bàn tay cứu vớt ủng hộ cho tất cả chúng sanh. Những ai dễ dạy, hiếu thảo, biết ngó nhìn thương yêu mẹ, không lãng quên ố nghịch là sẽ toại ý vui lòng, hạnh phúc cao trên hết. Thật vậy, những kẻ chúng sanh nào, dù mắc phải ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, mà khi giác ngộ gặp biết chơn như, hết lòng cung kính, lễ bái trì niệm, khác nào cúng dường trì niệm hầu hạ tất cả chư Phật ba đời, nhờ phước đức ấy mà thoát khỏi các nạn khổ, và sẽ đắc Niết-bàn trọn vẹn. Thế nên gọi chơn như là bửu pháp vô giá, quý báu thần thông, oai lực rất nhiệm mầu. Chơn như ví như mặt trời cao đối với chúng sanh cát bụi thấp dưới, ai ai nhô đầu ngước mắt, thọ hưởng được yến sáng của chơn như, là sẽ được cái sống biết linh, hoàn toàn cử động, trở nên lợi ích, quý báu vô cùng, sáng rỡ vô lượng.

Lại người ta cũng gọi rằng chơn như là khí thở, vì không có khí thở thì ai ai cũng sẽ chết; chơn như cũng ví như mặt đất, kêu là Phật địa, Phật tâm. Nó sẽ dung chứa sanh sản tất cả, tất cả đều đang ở nơi nó. Nên gọi chơn như là xứ Cực Lạc, là chỗ đến tột vui, là miếng đất trong sạch trang nghiêm, là ngôi nhà ấm kín. Nó như áo mặc của người, như cơm ăn nước uống, như bà con quyến thuộc v.v…

Nói tóm lại, không ai thiếu sót chơn như được, vì giờ phút nào ta lãng quên chơn như ấy là giờ phút khổ loạn, mà khi nhớ lại thì sẽ định vui liền.

Bởi thế nên, kẻ đã giác ngộ không còn ai dám lãng quên đoạn lìa chơn như, vì chơn như là sự thành tựu của tất cả.

Chơn như là pháp an ủi, cứu độ tất cả chúng sanh.

Chơn như là pháp rốt ráo không trên. Cũng như khi xưa Phật hỏi các vị tu tiên trong rừng: Pháp tu nào mới diệt được cái ta phàm tục, để dứt luân hồi sanh tử, khổ?... Thì các ông ấy không ai trả lời được. Sau đó, đức Phật mới giác ngộ chơn như trong khi nhập định dưới cội bồ-đề chánh giác, Ngài thấy rõ được chơn như là vô ngã, không ta, vọng ngã, hay chơn như mới là chơn ngã; mới thật cái ta. Vì thế mà Ngài dạy rằng chơn như là chánh pháp, chánh lý, đạo tâm của chúng sanh, hay đạo tâm ấy là đạo Phật. Vậy thì những ai tu học chơn như, tức là tu học với tất cả vạn pháp rồi. Bởi vạn pháp là ánh sáng của chơn như túa ra, mà người đã đến chơn như, ấy là vạn pháp đã ở nơi mình, tự mình túa ra, chớ không còn nương theo vạn pháp. Thế nên gọi chơn như là chơn như tự nhiên, chớ không phải có hoặc không, hay trung.

Hiểu như thế là chơn như rất quý báu, vì đi theo bao nhiêu ánh sáng là cũng chỉ có đến một mặt trời chơn như đây thôi.

Ai ai cũng đang có chơn như, có trong mỗi niệm và cả thảy đều ở, sống trong chơn như.

Vậy chúng ta phải nên đến với mục đích của đạo đức đại đồng Võ trụ chơn như hết.

 


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][