CHƠN LÝ 38: ĐẠI THỪA GIÁO


Muốn biết Đại thừa, ta phải xem xét lại Tiểu thừa. Khi Phật sanh tiền, Ưuba-li là người thợ cạo, xuất gia tu theo Phật. Bởi kém học nên ông chuyên về giới luật hơn hết; giới luật đối với ông sẽ là nền tảng của đạo Phật, nương theo nó người ta trở nên bậc Thánh Hiền. Bảo thủ giới luật tức là bảo thủ đạo Phật một cách chắc chắn của hạng kém học, mặc dầu chưa thành Phật, chớ người ta cũng giải thoát trong sạch được. Sau khi Phật nhập diệt, Ưu-ba-li truyền bá giới luật y bát khất sĩ xuống miền Nam Ấn Độ, và lần hồi lâu sau giáo lý ấy tràn sang xuống đảo Tích Lan, Xiêm La, Cao Miên, Lào, Miến Điện như ngày hôm nay.

Giáo lý y bát khất sĩ giới luật ngày nay sở dĩ người ta kêu là Tiểu thừa là bởi các sư chuyên học về tạng luật, sở chấp rất hẹp mà chín chắn. Các sư không thân cận với kẻ thế, các sư lo tu tự độ mình cho đắc quả A-la-hán có đủ lục thông cho xong trước đã, rồi sau mới đến độ chúng sanh đặng. Cũng như khi ta đã ngồi trên tàu ghe thì mới sẽ cứu vớt được người, chớ lặn hụp như họ thì kéo họ sao cho được. Bởi thế ấy mà khác hẳn với Đại thừa.

Giáo lý Đại thừa tuy là ở tại xứ Tàu, nhưng trước hết có ra là do Đại đức Ca-diếp, đệ tử lớn của Phật, được Phật trao truyền y bát, thay Phật làm Tổ, nắm giữ Tăng đoàn. Ngài là bậc đại trí huệ và từ bi đức hạnh. Ngài giỏi về môn luận, sáng suốt cao siêu, thượng trí. Cho nên trong hàng đệ tử đức Phật, Ngài giỏi nhứt về bên học, chuyên tu về định huệ, thuyết pháp hoằng dương chánh giáo nhiều hơn là sự câu chấp giới luật, vì đối với bậc đã đắc tứ quả là qua khỏi giới luật rồi vậy.

Giáo lý của Ngài đi về miền Bắc Ấn Độ, về sau truyền sang qua Tây Tạng và xứ Tàu.

Đạo Phật (Thiền tông) xứ Tàu được khởi đầu khai hóa là do đức Bồ-đề Đạt-ma, Tổ sư thứ 28 nơi Ấn Độ, sau Lão Tử và Khổng Tử. Thuở ấy bên Tàu người ta rất tin theo đạo của đức Lão Tử, tiên gia, và Nho giáo thì nắm quyền chánh trị, cho nên nhà quan vua rất gắt gao đối với đạo giáo xứ ngoài. Cũng vì bảo tồn danh lợi riêng mà nhà cầm quyền Nho giáo cấm ngăn đạo Phật, sợ dân chúng tu theo đạo Phật mà bỏ đạo Nho, nên mượn cớ sợ e Ấn Độ cướp giựt xứ Tàu mà ngăn cản Tăng sư Ấn Độ, và cũng chẳng cho ai theo đạo Phật, khiến nên đức Bồ-đề Đạt-ma khi qua xứ Tàu phải chịu 9 năm dòm vách, tức là bị thế quyền Nho giáo làm vách cản ngăn, không cho mở thông khai đạo.

Nhưng làm sao mà cản ngăn CHÁNH PHÁP được. Kẻ trí thức của thần giáo chẳng bao lâu giác ngộ quy theo, dứt bỏ hành vi mê muội, khá học được trí huệ, biết chánh tín đạo lý, lần hồi sáng tạo Tăng-già, chánh giáo ẩn nhẫn hoằng khai. Nhờ vậy mà ai nấy sau này được năng sanh trí huệ. Đó là những thời kỳ Bồ-đề Đạt-ma, là pháp chánh giác mới truyền sang Tàu, kế đến Thần Quang, Huệ Khả, Đạo Tín, Tăng Xán, Hoằng Nhẫn và Huệ Năng, là sáu cảnh ngộ trải qua của đạo Phật ở nơi xứ Tàu, từ sơ khai đến khi thành đạo. Trải qua không biết bao nhiêu gay cấn, đạo mới hoàn thành, mà là sự hoàn thành dưới quyền Nho giáo chánh trị, chỉ được pháp học về trí huệ, hiểu thấy cao siêu, chớ giới luật y bát khất sĩ thì vẫn còn đang bị cấm ngăn, các vua quan chưa cho Tăng sư trì giới, khất thực du hành, tự do tu tập.

Ấy cũng bởi giáo lý của Phật rất đúng chơn lý, quý báu cao siêu nên Nho giáo không thể cấm cản lòng dân, và kẻ trí thức lần hồi ai ai cũng tìm thêm học Phật, và nhận pháp Phật là cao trên Nho giáo, cũng như bài vở của lớp nhứt và lớp ba là khác xa nhau vậy. Vì đó mà Nho giáo chia ra hai phái: phái đạo Nho thì quy y pháp Phật; còn phái đảng Nho thì mượn danh Nho mà lo danh lợi, lạm dụng quyền thế, áp chế dân tình; họ chẳng bao giờ chịu hiểu nghe xem pháp Phật; họ đã không ngăn cấm được sự học Phật của dân chúng thì họ ngăn cấm giới luật tu hành. Họ đành chịu thua, nhượng cho pháp Phật là hơn họ, vì số đông quần chúng trước mặt chớ sau lưng họ cũng vẫn phỉ báng chê bai, khinh ngạo luôn luôn.

Họ sợ nhứt là giới luật y bát khất sĩ của nhà Phật, vì giới luật ấy rất trọn lành, trong sạch, tốt đẹp lắm, còn hành vi của họ thì danh lợi, dơ bẩn ác quấy lắm. Họ sợ người Tàu hay người Ấn Độ mà thật hành giới luật là xấu hổ cho họ. Họ sẽ bị người ta chê bai chỉ trích chỗ lấm lem, và không còn ai tín nhiệm, mê nghe theo họ nữa.

Vì thế mà các nhà sư ở xứ Tàu, từ xưa cho đến nay không thể ban hành giới luật y bát Khất sĩ giải thoát như đạo của đức Phật Thích-ca xưa. Những ai học hiểu đạo lý khá thì vào rừng tham thiền nhập định, nên gọi là giáo phái Thiền lâm; Thiền lâm là các sư tham thiền ở trong rừng vắng.

Còn những sư già yếu tật bịnh, trẻ nhỏ, không vào rừng đặng thì ở nương chùa trong làng xóm thành thị. Chùa thuở xưa bên Tàu là Hồng Lô Tự của quan vua mộ đạo lập ra, và kêu gọi là nơi chỗ in kinh dịch sách, nhà thờ, chớ không phải như Giáo hội Tăng-già, đạo tràng tịnh xá như khi xưa của Phật Tăng bên xứ Ấn Độ, cất lợp bằng tranh lá ở vườn rừng.

Các sư ở chùa được là do bá tánh cung cấp dưỡng nuôi, nên mọi việc cũng phải lo cho bá tánh. Các sư như người thủ tự, phải bận rộn việc tông giáo, thờ phượng cúng kiến vái nguyện cho cư sĩ luôn; cư sĩ có việc chi cũng kêu réo hỏi đòi các sư, thế là các sư không còn trông gì định huệ nữa được. Và lâu ngày có sư đã thành ra nghề nghiệp, sống sanh nhai thù tạc với cư gia bằng danh từ kinh sách, tượng cốt của Phật; mắc hưởng cái gia tài của Phật cho ấy mà khó trông tu học. Cũng vì sự ở chùa nên hoàn cảnh bắt buộc, các sư phải thâu nhận tín đồ bổn đạo, thân cận với cư gia, danh lợi quyền thế, dạy dỗ các quan vua, Nho giáo bày ra chức vụ danh từ. Bây giờ các sư đã trở nên cư sĩ xuất gia, không còn biết đến lý nghĩa của Tăng đồ Khất sĩ nữa.

Vậy nên các sư học thì học Phật, mà tu hành thì theo Nho! Sự ăn mặc ở bịnh, hành vi thảy theo Nho giáo.

Cũng như học trò lớp nhứt mà làm việc của lớp ba, tức là đã thành ra lớp nhì chính giữa. Vậy nên Đại thừa giáo hôm nay đã là đạo Trời, trên lớp người, chớ không còn đạo Phật, nếu các sư không được chấn chỉnh lại.

Về Đại thừa giáo, các sư lại quý thích về sự luân hồi trở lại mà không cần giữ lục căn thanh tịnh để chứng quả Niết-bàn. Các sư thề độ tận chúng sanh mới thành Phật, phát nguyện theo như Bồ-tát cư sĩ tại gia, lo làm việc thế. Vì lòng thương kẻ chúng sanh thấp dại mà các sư lại nguyện đời đời kiếp kiếp ở dưới địa ngục để độ chúng sanh lên hết trên thiên đường, chớ chưa đến Niếtbàn được, vì không có ai dắt đầu cho họ. Các sư quên rằng là chúng sanh tấn hóa mãi, sanh thêm hoài, nên các sư cố chấp bổn nguyện mình lắm. Các sư vui lòng làm ông thầy giáo lớp chót để dạy số học trò đông nhiều, mà chen lộn choán phần phụ tiếp với xã hội, gia đình, tông giáo; đặng chia sớt số tín đồ bổn đạo, dạy lớp nhơn thiên, bặt lối Niết-bàn giải thoát của chư Phật. Vì thế mà không có ai đắc đạo quả lục thông cả.

Các sư gọi mình là Đại thừa giáo là bởi lẽ các sư cần học mà không cần hạnh. Các sư học vắn tắt về pháp trí huệ của bậc thầy, Bồ-tát, thượng trí, và các sư không cần mình đắc đạo quả trước. Các sư không muốn giáo hóa bậc xuất gia khất sĩ tỳ-kheo lớp trên. Các sư có học hiểu chút đỉnh là vội đi làm thầy giáo, dạy lớp dưới của hạng bậc cư sĩ số đông nhiều. Các sư chỉ hiểu rằng có bổn đạo tín đồ quy y theo đông là đắc đạo quả, đắc thế quyền danh lợi giống như Nho giáo, xã hội gia đình mà các sư quên rằng Phật Tăng khi xưa là không có tín đồ bổn đạo bà con quyến thuộc, nhờ vậy mới trong sạch giải thoát chứng Niết-bàn.

Vì thế mà Đại thừa giáo đó tức là Nho giáo, nhân đạo, trói buộc sanh tử, kêu gọi là đời, đã nhập theo đời, vật chất trào lưu, không còn dấu vết Phật Tăng nữa. Các sư lại chìu theo ý của cư gia bổn đạo mà bày ra đủ thứ trống chuông, điệp phái, sớ tấu, lầu kho, hạc ngựa, tế lễ như Nho đạo quan vua để cho vừa lòng bổn đạo. Các sư cộng sự với cư gia làm các việc phước thiện về phước báu nhơn thiên hữu lậu, không còn một phút định tâm rảnh trí, dạy đạo chư Tăng chi cả. Các sư cũng sắm lập của riêng như kẻ thế. Các sư cũng như những bậc vua quan, các sư làm vua quan bằng đạo Phật, cũng có chỗ khá hơn bên ngoài xã hội, vì các sư cũng còn giữ gốc chưn phước thiện. Vì thế mà các sư được đắc nhân tâm hơn xã hội và các tông giáo khác. Các sư tranh cạnh tín đồ tôn giáo một cách ráo riết để cho đạo đông chùa lớn, đặng cho bớt những sự ly loạn chém giết lẫn nhau. Nhứt là những lúc chiến tranh tai nạn thì người ta theo các sư đông lắm, nhờ vậy mà chóng mau hết giặc, nên người đời cảm mến mang ơn quí trọng.

Đại thừa giáo tức là đạo Phật cải cách theo đời chúng sanh, là giáo lý nhơn thiên trong thời mạt pháp của đạo Niết-bàn. Không phải Đại thừa giáo làm cho mạt pháp Niết-bàn, mà là đến lúc đạo Niết-bàn mạt pháp, căn cơ chúng sanh siển bạc, nên nhơn duyên bắt buộc, pháp giáo phải cách mạng đạo Phật mà thành ra đạo trời người để tế độ chúng sanh thấp kém, ấy vì hoàn cảnh mà giáo pháp phải hạ thấp xuống, mới có được học trò kia vậy.

Nhưng dầu sao, các sư cũng không quên đạo lý luật pháp của Phật. Các sư cũng còn gọi nhau là Hòa thượng, Yết-ma, Giáo thọ, Tăng chúng, Tỳ-kheo, Sa-di, Cư sĩ… mà trái lại sự thật hành thì chưa đúng được chánh nghĩa của từ xưa Phật dạy.

Thuở xưa chư tỳ-kheo không có cấp bằng chức phận chi cả. Tỳ-kheo là khất sĩ, tất cả chúng sanh là khất sĩ xin học y theo chơn lý, tất cả như nhau bình đẳng chớ không giai cấp. Có điều là thế gian cư sĩ chưa thật hành đúng chơn lý được nên phải khổ sở luân hồi. Cư sĩ sẽ là khất sĩ sau này, kẻ trước người sau ai ai cũng là khất sĩ, chớ không có cái tên cư sĩ tạm. Vậy nên cư sĩ bước chân vào đạo, theo tập sự với một khất sĩ tỳ-kheo kêu gọi là sa-di; sa-di là lớp tập sự tạm để bước lên khất sĩ bình đẳng. Đức Phật dạy đối với sa-di tập sự mới vào đạo phải theo với một khất sĩ tỳ-kheo thiệt thọ. Hãy xem coi vị khất sĩ tỳ-kheo ấy như Phật, vị ấy phải thay thế Phật mà dạy đạo luật cho sa-di tập sự, nên sa-di tập sự kêu gọi vị tỳ-kheo khất sĩ ấy là bậc bề trên, như bậc bề trên Hòa thượng. Hòa thượng là tiếng của sa-di tập sự xưng tặng ông thầy tạm của mình, chớ không phải là Hòa thượng của tất cả, hay cấp bằng chức phận.

Trong đạo Phật thì mỗi khất sĩ chỉ được phép dạy một tập sự thôi. Hoặc từ hai năm hay sắp lên, khi nào người tập sự đủ đức hạnh trí huệ, và đã được một giáo hội 20 vị sư xem xét thì mới cho vào lớp tỳ-kheo khất sĩ bình đẳng. Bình đẳng của trí huệ đức hạnh cũng như nhau, khi ấy vị khất sĩ mới không còn gọi thầy mình trước kia là thầy Hòa thượng nữa, mà là tất cả như nhau bình đẳng của chơn lý, là phải do sự chứng nhận của thầy Hòa thượng tạm của mình, phải có thêm một vị sư giới thiệu với giáo hội, kêu là Yết-ma thầy dạy lễ, và một vị sư truyền giới cho kêu là giáo thọ, trong khi ấy phải có đủ một giáo hội, lớp học 20 vị sư ưng chịu cho nhập chúng nữa mới được. Như vậy thì tên gọi Yết-ma, hay Giáo thọ của sa-di tập sự là chỉ dùng trong khi lên lớp, thọ giới giây lát, chớ không phải danh từ chức vụ vĩnh viễn của tất cả, hay là cấp bằng thi đậu. Nghĩa là tất cả chỉ có một tiếng khất sĩ, chớ không có tiếng Hòa thượng, Yết-ma, Giáo thọ tạm cho mỗi người kêu gọi.

Trong đạo Phật thì một khất sĩ mỗi lúc chỉ dạy cho một tập sự thôi, khi một tập sự này đã được đưa vào hàng khất sĩ rồi thì mới được thâu dạy một kẻ khác nữa, tiếp tục mãi như vậy. Vì là trách nhiệm của ông thầy rất khó, con không biết dạy lỗi tại cha, dạy không nghiêm lỗi tại thầy. Ông thầy là bao gồm tất cả việc phải quấy, tội phước, nên hư của học trò. Cơm ăn, chỗ ở, áo mặc, thuốc men của tập sự là do người ta cúng dường cho khất sĩ, khất sĩ mới cho lại tập sự; chớ không có ai cúng dường cho tập sự cả, bởi lẽ tập sự còn kém sự học hạnh. Thế cho nên học trò tập sự là mang chịu ơn thầy rất nặng: ơn dạy dỗ và ơn đùm bọc. Vì vậy mà tập sự giao hết tánh mạng mình cho khất sĩ uốn nắn sửa trau, do lẽ thầy độ mà ông thầy ấy là tập sự đã ưng lòng lựa chọn trước. Bởi thế cho nên tập sự sa-di không được tự ý, khi nào thầy tỳ-kheo khất sĩ dạy hết sức mình rồi mới gởi sa-di tập sự lên lớp trên bình đẳng, hoặc đưa qua cho vị khất sĩ khác giỏi hơn dạy thêm tự ý nơi thầy tỳ-kheo, chớ sa-di không muốn được. Nhược bằng sa-di tập sự đang theo học nửa chừng với ông thầy vị sư chưa hết bài vở, chưa được gởi gắm, mà tự ý trốn bỏ thầy, đi tìm học với ông khác, tức là không ai thâu nhận hết, và sa-di đó cũng khó trở lại với thầy mình được, vì lẽ sa-di ấy đã là tâm bất chánh rồi. Không ông thầy nào dám nhận học trò đó là bởi biết nó đã vong ơn bội nghĩa, ghét giận ố nghịch thầy của nó, rồi đây nó sẽ nói quấy cho thầy nó với vị sư này, và rồi nó sẽ cũng bỏ vị sư này mà đi qua vị sư khác, nói sái cho vị sư này nữa; Như thế là tâm nó đã hư rồi, đâu còn vào lớp bình đẳng khất sĩ thanh tịnh được mà thâu dạy làm chi! Thế là sa-di tập sự đó bị sa thải vậy. Bởi lẽ đạo Phật cao siêu tốt đẹp lắm, không dung chứa những bậc hạ căn chen lộn được. Đành rằng sự học phải trăm thầy, trăm lớp, triệu bài, nhưng mỗi lúc bài nào phải cho rồi bài nấy, thầy lớp nào phải cho xong thầy lớp nấy, phải do ông thầy mình đang học chứng nhận đưa lên từng bực, chớ không phải như học trò lớp chót, nghe nói lớp nhứt thầy hay mà bỏ trốn, chạy vượt lên để phá rối người ta. Trừ ra một đôi khi đang theo tu học nửa chừng mà ông thầy lại chết, sa ngã, điên loạn, không dạy chi được nữa, mới phải đi học qua một vị khác được.

Đời cũng vậy mà đạo cũng vậy. Ngoài thế gian thầy giáo ăn tiền, dạy cho lấy có, cả số trăm người, nên hư mặc kệ, nó về nhà nó; chớ đạo đức thì khác xa lắm, tội của trò là lỗi tại thầy, thầy phải chăm nom trò từ chút, phải một thầy một trò, học trò mỗi mỗi phải nối dấu chưn y theo thầy, thầy trò phải ở khít nhau luôn, chớ không phải như cư gia ở nhà lêu lổng mà cũng gọi là đệ tử các sư và các sư Đại thừa thì quá từ bi quảng đại mà cũng kêu là bổn đạo chung lộn. Thế mới biết rằng đạo Phật xưa là kỹ càng lắm, rất ít oi, độ được một người là nên một người, tuy hẹp hòi mà chánh pháp lưu trụ, chớ không phải như ngoài xã hội, dùng sức lực mà phải cần đông đảo để cho hư đạo. Vì vậy mà lòng từ bi của Đại thừa giáo càng rộng là đạo Phật Thích-ca sẽ không còn hình bóng. Càng tranh cạnh tín đồ bổn đạo, tông giáo càng đông là đạo Phật không còn cái tiếng “Đạo”. Và lần lần xã hội, gia đình, tông giáo, đảng phái khác vì quyền lợi mà hằn học phản đối, chán ghét ố nghịch, hiểu lầm tiếng đạo Phật. Cũng bởi thế mà ở tại xứ Tàu, Thiền lâm và Đại thừa giáo là hai chớ không phải một. Thiền lâm là kẻ tu thiền định trong rừng, bậc chỉ sống bằng định huệ y theo chơn lý, qua khỏi giới luật, tánh căn thuần thục cao viễn lắm! Còn phái Đại thừa giáo là có học không tu, tưởng lầm mình đắc, xưng tổ khoe thầy, tưởng mình là Phật, khác hẳn với đức Ca-diếp, Đạtma mà chẳng hay, lại lầm mình là hơn Phật Thích-ca xưa nữa.

Cái món vốn của Đại thừa giáo là ăn chay. Bởi chấp ăn chay mà gọi Tăng đồ y bát khất thực, ăn thịt uống sữa là Tiểu thừa, và như Phật khi xưa giữ y bát khất thực trọn đời cũng là Tiểu thừa nữa. Vì mảng tưởng thế mà tham sân si khó diệt trừ được, bởi lẽ không có giới luật y bát khất thực thì làm sao trong sạch.

Ấy cũng là do sự học nhiều khó tu, và cái học đó sẽ bị nhơn duyên cảnh ngộ đổi thay mà xa lần chánh pháp. Điều ấy cũng là do theo trình độ của chúng sanh dân tộc mà đạo phải biến ra tông giáo như thế. Sự cải sửa lớn lao ấy phần chánh là bởi nhà Nho xuất gia tu Phật mà còn giữ gốc Nho. Nhà sư mà còn báo hiếu tận trung, lo cho gia đình xã hội, tư riêng, sái quấy, chưa nhận ra giáo lý bình đẳng sống chung đại đồng của thế giới trong võ trụ. Các sư ấy chỉ hiểu đạo của một gia đình xã hội, chớ chưa nhận ra là đạo của thế giới chúng sanh chung, nên chưa cắt được phàm tâm ái dục. Các sư chẳng đứng trên võ trụ thì làm sao giải thoát ra khỏi xã hội gia đình. Do đó mà các nhà sư không bao giờ rời bỏ cái nhà chùa thờ, chỗ ở của mình được, thì làm sao cho cái đạo lan tràn khắp nơi lớn rộng. Thế nên đã mấy ngàn năm mà giáo pháp chỉ lẩn quẩn trong xứ, các nước khác chẳng ai dùng, khác xa với chư Tổ sư xưa kia, và sự tu ấy cũng không giống xưa nay ai hết.

Cũng vì Đại thừa giáo là Nho giáo, giống như các tông giáo khác, chưa được cái vẻ của đạo Phật, nên quyển Đại thừa giáo này có ra là do nơi sự chấn hưng của Đại thừa giáo. Đại thừa giáo tai nạn từ xứ Tàu sang đến xứ Việt. Đại thừa giáo đã chẳng biết bao nhiêu lâu tai nạn, không thể đến với chơn lý được. Cũng như chúng ta đều thấy từ những mấy chục trăm năm về trước, Đại thừa giáo là đạo Phật rất tối tăm mờ mịt, mà người ta cho mê muội ở nơi xứ Việt. Đại thừa giáo mới được sự học thức thông minh trong khoảng mấy chục năm gần đây. Đại thừa giáo là một nền đạo tân tiến, khoa học, chớ không phải bảo thủ cái không kinh nghiệm. Đại thừa giáo từ nay sẽ tiến lên, tiến đến chơn lý, tiến đến đạo Phật. Rồi đây sẽ không còn tên Đại thừa giáo như xứ Tàu nữa. Cũng vì sự tiến lần đến chánh pháp như khi xưa của Phật Thích-ca và chư Phật quá khứ, mà đạo Phật ở xứ Việt đã bắt đầu cải cách từ lâu, sẽ từ có học đến tu hành và đắc đạo, cũng như khi xưa xứ Ấn Độ.

Do đó mà quyển Đại thừa giáo này có ra là để chỉ rõ một sự thay đổi của cái tiếng đạo Phật từ lâu, một tấn tới của trình độ dân tộc, một tiến cấp của trong hàng Phật tử, một vui mừng của đạo Phật. Vì chẳng bao lâu nữa đây đạo Phật sẽ là đạo Phật, con đường của người giác ngộ chúng sanh chung hay là Đạo, chớ không còn phải Đại thừa giáo của xứ Tàu hay là Nho đạo Khổng Tử, nhân đạo nhỏ hẹp.

Việc ấy là một việc rất tốt đẹp, ngoài ước lượng mà ít ai suy tưởng đến, và khi hiểu biết rõ ra, chắc là ai ai cũng thảy đều vui mừng tán dương ca tụng hết.

 


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][