Thuở xưa, trong các hàng đệ tử của Phật, chỉ có ông A-nan là bậc nghe nhiều học rộng, chữ giỏi văn hay hơn hết. Ông là em một họ của Đức Thíchca, thường đi theo hầu cận khít bên chưn Phật. Ông nổi tiếng là bậc đa văn quảng lý. Chính ông là một vị đệ tử Phật giỏi nhứt về sự nhớ dai. Các kinh tạng soạn chép ra sau này phần nhiều là do ông trùng tuyên đọc lại cho các vị A-la-hán viết theo, nên đầu mỗi quyển kinh chúng ta hằng thấy ông A-nan nói câu thuật rằng: “Ta nghe như vầy…”
Ông A-nan đã là người thông minh tài trí giỏi hay, thế mà đối với sự “học để tu” trong đạo Phật, ông là một người vô duyên nhứt hơn ai, câu chuyện ấy như sau này:
Số là sau khi đức Phật nhập diệt, Đại đức Ca-diếp là vị đệ tử lớn nhứt, tu trì phạm hạnh, đã chứng quả A-la-hán, được Phật trao truyền y bát Tổ sư thay cho Phật. Đại đức Ca-diếp bèn ra lịnh nhóm họp chư Tăng A-la-hán lại để kiết tập kim ngôn Pháp bảo của Phật.
Khi chư A-la-hán đã nhóm tựu xong, thế mà cả thảy không có người đứng ra lập lại lời dạy của Phật được. Bấy giờ ai nấy đều bạch xin với Đại đức Cadiếp, cho thỉnh ông A-nan. Đại đức Ca-diếp chẳng bằng lòng mà nói rằng: Ông ấy chẳng có tu và không đức hạnh, ông đó khinh đạo rất thường và tự cao ỷ học, ông ấy trái ngược với đạo Phật xa lắm nên dùng không được, ông ấy đạo đức không có, nếu để cho ông đọc thuật những Pháp bảo của Phật thì về sau những Pháp ấy không còn giá trị, bởi không có ai tu theo đắc quả, và vì người ta khinh ố ông ấy mà khinh ố luôn cả sách kinh.
Khi đó công việc kiết tập phải bị đình đãi, thế mà chư A-la-hán nài nỉ nhiều phen, xin thỉnh ông A-nan, nhưng Đại đức Ca-diếp nhứt định không cho. Người ta bèn đem việc ấy tỏ lại với ông A-nan. Ông này đi đến đảnh lễ Đại đức Ca-diếp mà bạch xin rằng: Bạch Đại đức, Đại đức hãy nhận chịu đi, tôi tự thuật lại không sai sót một tiếng nói nào của Phật đâu. Đại đức Ca-diếp nói: Không được! Ông là người có học không có hạnh, ông không phải là người “học để tu”, ông chưa đắc quả A-la-hán. Vậy ông hãy đi tu đi, đắc quả A-la-hán rồi sẽ trở lại cũng không muộn. Ông nên biết rằng đạo Phật lưu truyền mãi từ đây về sau là do kinh sách, kinh sách ấy phải có đủ đức tính trong sạch do nơi cửa miệng của một vị Thánh đức thốt ra thì về sau mới có hiệu nghiệm, và đạo Phật sẽ được vững chãi, ngoại đạo không có ai dám xen vào phá hoại. Hôm nay ông vẫn còn phàm, mà nếu ông thuật lại thì có khác nào một kẻ quảng cáo kia ở nơi giữa chợ, nó chỉ nói mà không có ai thật hành kết quả, thì hỏi vậy có ai thích nghe lời nó nói ấy hay chăng? Dầu nó có nói rằng ông Phật này nói vầy, ông Thánh kia nói vậy đi nữa, người ta cũng xem thường nó, mà xem thường cả lời nói thì lời nói ấy sẽ không còn linh nghiệm, và trẻ con khác tránh sao khỏi sự khen chê, bàn tán, nghi nan, thêm dặm, ố chọi, thì mặc dầu lời ấy có đúng phải y sự thật đi nữa cũng không còn giá trị gì.
Thế là Đại đức Ca-diếp không ưng thuận, làm cho cả đại chúng ai cũng phải bối rối.
Khi ấy ông A-nan khổ sở quá, không biết tính làm sao, ông cố để nài nỉ thêm!
Đại đức Ca-diếp nói: Ông nên biết rằng đạo Phật từ nay sẽ là quan trọng, mà nhứt là kinh luật lại quan trọng hơn. Về lịch sử, tôi không thế nào tư vị ông được, dầu ông là em một họ với Phật, ông là thế tử con cháu vua, ông là đệ tử hầu cận thân Phật, thông minh bực nhứt cũng vậy. Vì đạo Phật đối với chúng sanh về sau là quan trọng, mà tôi yêu cầu ông phải đắc quả Thánh cho được tâm trong sạch đi, rồi sẽ trở lại đây. Ở đây chúng tôi thà là ngồi không nhập định hoặc là chờ ông đến bao lâu nữa cũng được, còn bây giờ thì cả giáo hội Thánh đây đều trong sạch lắm, tâm ông còn nhơ bẩn háo danh như thế, há đâu còn ở đây nữa được sao?
Nói xong Đại đức Ca-diếp liền đóng cửa giáo hội, bỏ ông A-nan đứng nơi ngoài mà dặn rằng: Khi nào ông đắc đủ lục thông thì ông sẽ tự chun vào được lỗ khóa này, khỏi phải đợi ai mở cửa, vì chẳng có ai được phép mở cho ông đâu. Thôi hãy đi đi, chớ đừng đứng đó!
Thế là ông A-nan bị đuổi, chiều tối lại đến, lui tới không đường, đêm ấy ông đành phải chịu nghỉ dưới cụm rừng bên ngoài giáo hội.
Bấy giờ ông A-nan sầu não đau khổ lắm. Ông xét thấy cái nghe cái học của ông vô ích, cái thông minh của ông vô dụng, thế mà nào ông có dè.
Trọn buổi đầu hôm ông vẫn ngồi trơ chán nản không sao nằm xuống nghỉ được. Ông cố suy nghĩ mà nhận xét ra rằng đây là lần thứ hai trên con đường đạo đức mà ông không còn muốn sống, không thể sống được. Nghĩ lại từ xưa, lúc thiếu niên, ông còn là thế tử chưa biết đạo Phật là chi, bấy giờ Phật kêu gọi ông đi xuất gia, ông đã đi tu mà còn luyến ái, và Phật bắt buộc phải đi theo sát một bên chưn. Cho đến khi ông đã được thông minh hiểu ra đạo báu, vừa yên tâm trong đường đạo, thì gặp phải cảnh Phật nhập Niết-bàn, bơ vơ tẻ lạc, khổ sở biết dường nào, đó là sự trở ngại lần thứ nhứt đối với ông trên bước chân trong cõi đạo. Mà trước kia ông ngỡ tưởng rằng mình chẳng cần phải khổ nhọc tu thiền định, đức Phật ngài sẽ độ được mình, vì mình là em, là thân cận, là tài trí thông minh danh vọng! Cũng vì sự ỷ lại và tự cao đó mà khi đức Phật nhập diệt, ông A-nan phải bị chới với điếng hồn, chân ông như không còn chỗ đứng, thân ông như đã mất nơi nương dựa, khi ấy ông đã khổ đau hết sức, sợ lo lắm, thế mà còn lại có cái sự bị sa thải, nhục nhã, đau đớn của ngày nay lần thứ hai nữa.
Hồi gẫm lại lỗi ấy tự mình, đạo Phật quý cao còn tâm mình quá thấp thì làm sao chung lộn được. Ví dầu mà Đại đức Ca-diếp có vui lòng thâu nhận đi nữa, thì khi chung lộn với chư Thánh chúng ắt mình phải gây thêm tội lỗi cống cao hợm hĩnh xấu xa, chớ cũng không nên hay việc chi. Bởi thế cho nên ông kính phục Đại đức Ca-diếp mà nhận cho rằng sự khắc nghiêm ấy là rất đúng, vì thương ông mà muốn cho ông nên là phải làm y như vậy.
Khi ấy ông A-nan thật rất hối hận mà xét đến những tội lỗi đã trải qua. Trước kia ở thế thì ông ỷ mình sắc đẹp, giàu sang, danh vọng, tài hay, sức mạnh, khiến nên khi đi học đạo được trí thông minh mà sanh lòng kiêu mạn, vì người ngợi khen cho nên tự đắc, ỷ giỏi mà không kiêng dè, ham lo dạy người mà quên lo bổn phận, do đó mà đã một lần bị gái bắt, dẫn dụ nhốt giam, cũng vì sắc đẹp và nhiều sơ sót khác trong khi làm thị giả.
Tội lỗi đủ thứ, tâm trạng như thế thì làm sao được đức hạnh trong sạch, diệt phiền não, đoạn nghiệp, đắc quả tốt đẹp của A-la-hán.
Giờ ấy ông ăn năn hối quá và rất sợ sệt, ông vái nguyện đức Phật, ông sám hối lung tung, ông lại muốn chết vì chắc mình không tài gì đắc Thánh tâm thanh tịnh nổi. Đến khuya ông nhập định ngồi luôn quyết lòng bỏ xác thân, không còn chi hy vọng. Ông ngồi mãi đến quá khuya gần sáng, tâm ông mát dịu lần lần, lòng tự ái cống cao đã được phủi tiêu trừ sạch. Cũng như một đứa bé sau cơn ngạo mạn bị đánh phạt bằng roi, chán ghê tội lỗi, biết sợ cõi đời, không còn dám tưởng thấy mình, nhờ vậy mà sau cơn bị quả báo trừng phạt là tội lỗi được sạch trong, thân tâm nhẹ nhàng thơ thới, ngủ nghỉ ấm êm vô tận, tâm hột đã chơn như, như già cứng. Lúc ấy ông A-nan sau cơn mỏi mệt, không còn thế gì ngồi ráng thêm nữa. Mắt ông vẫn nhắm, mình nghiêng dựa xuống gốc cây, trí tưởng xem như thân thể đã chết đi, nhẹ bay bổng trên không trung. Thình lình ông lại đắc quả, thân ông bay bổng lên không theo tưởng tượng, chưa phải khi đụng mình tới đất. Bấy giờ ông đã đắc được bốn phép thần: Thiên nhãn thông (mắt trời thông suốt), thiên nhĩ thông (tai trời nghe xa), tha tâm thông (biết rõ tâm người), thần túc thông (chơn thần bay dạo trên mây đặng). Bốn phép thần ấy phát sanh ra là do tâm ông đã được trong sạch bốn điều: thân, thọ, ý, pháp đã dứt bỏ trọn vẹn, không còn tự cao chấp nữa.
Sau đó ông ngồi trở lại nhập định thêm, ông dùng năm sức lực của năm căn trong sạch vừa mới phát sanh mà soi lần bảy giác, tâm ông an hưởng bảy giác vừa xong, tức thành A-la-hán đắc phép túc mạng thông biết rõ mạng số xưa nay, về sau, và chứng lậu tận thông, an hòa tịnh lạc, khi ấy phiền não pháp trần tiêu tan mất hết. Bấy giờ trước khi đứng dậy, ông niệm tưởng đến tám pháp chánh đạo thường hành của bậc thánh, ghi giữ lấy đó mà ông bước chân ra đi thì trời cũng vừa rựng sáng, phương Đông vừng kim rạng mọc. Ông đến cửa giáo hội biến mình chun theo lỗ khóa, y như lời ông Ca-diếp đã dạy từ buổi chiều hôm qua. Ông đi ngay đến chỗ Đại đức Ca-diếp đang ngồi tĩnh tọa. Khi vừa bước tới, Đại đức Ca-diếp mỉm cười. Ông A-nan ôm chân Ngài mà cúi đầu và đảnh lễ tạ ơn, rồi thì sau đó cuộc truyền kinh mới bắt đầu khai mạc. Cũng vì lẽ ấy mà từ đó về sau, các chư Tỳ-kheo khất sĩ thường bảo với nhau rằng: Học là để tu, chớ không phải học là để học, mà sanh lòng ngạo mạn. Và quả Thánh là chỉ ở nơi đứa trẻ sau cơn bị đánh đòn.
Điều ấy nghĩa là dứt lòng kiêu mạn thì đắc quả A-la-hán. Cũng như không chấp chứa bẩn dơ mới gọi là trong sạch. Chính lòng kiêu mạn là chấp chứa bẩn dơ vậy.
Triết lý của đoạn này cũng có thể giải rằng cái thông minh không bì với trí huệ đặng. Đại đức Ca-diếp, Ngài tu về giới định huệ, do đức hạnh chơn như nên Ngài thấu đáo võ trụ chơn như, là chơn lý một cách xác thật bằng sự tu hành, tập mình trơ lặng như võ trụ; thế là Ngài đi ngay vào trong huyền bí võ trụ mà giác ngộ chơn lý rõ rệt hơn. Ngài không cần sự học nghe chi cả. Cũng như một người kia đã ở trong kho tàng bảo vật thì các món báu chi trong ấy thảy ở nơi tay người xác thật, chớ không phải mộng ảo. Sự thấy biết rõ rệt ấy ở tự mình có sẵn, khỏi phải cần nghe học nơi ai. Cái trí huệ của Ngài cũng y như thế, chơn như sanh vạn pháp, mà Ngài đã ở trong cái chơn như là vạn pháp có ở nơi Ngài rồi, tức là trí huệ sẵn chứa trong ấy, khỏi cần ai dạy, có khác hơn ông A-nan, học đâu biết đó, tâm vọng không chơn, như ở ngoài cửa chơn như mà lại thêm ỷ mình ngạo mạn thì làm sao mà học thêm nhiều cho được. Chính ông A-nan ỷ mình giỏi hơn người ta, tự cho mình đủ rồi, không chịu học thêm và cũng đâu có ai muốn dạy cho ông.
Vả lại, sự học của ông là đứng ở ngoài cửa ngoài, chỉ nghe người ta nói món này món kia trong ấy, ghi nhớ thuộc lòng cho nhiều mà tự đắc, cho là biết hết, lại tưởng lầm là mình có đủ hết của mình rồi, thì sái trật quá. Chính mắt ông chưa tận thấy, tay chưa tận rờ, chưa phải của mình cất giữ, thì cái tưởng tượng nói nghe bóng dáng ấy có nhằm chi đâu, cái thông minh sao cho bằng trí huệ. Cũng y như thế, đạo Phật là do chỗ hành mà giác ngộ, chớ không phải nơi cái học mà đắc. Và đâu có thể nào ai học hết pháp võ trụ đặng. Vậy nên ông Ca-diếp lấy nơi chơn lý mà hỏi một câu, ông A-nan trả lời không được, vì chưa có nghe Phật dạy, thế tức là ông đã bị khóa cửa đuổi ra ngoài đó! Bởi câu hỏi của ông Ca-diếp là ống khóa, còn sự giải mở trả lời của ông A-nan là chìa khóa, mà ông A-nan trả lời không thông, luận giải không rành, chừng đó mới biết rằng mình là dốt kém, không còn dám tự tôn tự trọng mà biết sợ trở lại. Sự trả lời không được ấy là bởi tánh tự cao, chấp mình, chấp thân, chấp trí, như cây sắt to lớn nặng nề thì làm sao mở thọc được lỗ ống khóa nhỏ hẹp cho được. Chính câu ông Ca-diếp hỏi đây là về đức hạnh, còn ông A-nan lại nắm giữ cái thân cao, trí lớn, cố chấp thì trả lời sao cho qua lọt. Nhưng khi nhờ biết sám hối, chán đời, hổ thẹn mà dứt lòng tự trọng, tự nhận ra được thánh đức là nhỏ nhoi, nên khi tâm ông đã biết được nhỏ nhoi rồi thì mới chui được lỗ khóa, là đã trả lời đúng phép, tỏ ra là đã đắc Thánh tâm trong sạch; qui theo chơn lý của đức Ca-diếp là ôm theo được chơn Ngài. Thế là từ ấy, ông A-nan đã dứt lòng cao mạn dơ bẩn, biết quý trọng thiền định chơn như, xem ra thấy mình như dốt, do đó mà đắc trí huệ của bậc A-la-hán.
Sự thật trong đời đúng y như vậy, lòng tự cao nước sóng dợn, khói bốc phừng thì con người không thế đắc trí huệ, thánh đức an vui đâu, mà là trong thánh đức chơn như thanh tịnh thì trí huệ sẽ thâu chứa đủ đầy giác ngộ. Ấy mới biết rằng đối với võ trụ đạo đức, cái học sẽ là dốt, còn dốt tức là học. Nghĩa là kẻ ỷ học là dốt trở lại, còn kẻ biết mình dốt là sẽ được học thêm. Hay cũng là từ cái có học về sự giả, thông minh, bề ngoài, mới đến cái dốt của sự thật, rồi từ cái dốt lẽ thật mà đến được học cái thật, kêu là thật học, học bên trong. Điều này tức là chơn lý võ trụ ở bên trong nền đức hạnh, thánh tâm, yên lặng, tự nhiên như dốt nát, chớ chẳng phải ở nơi ngoài sự khoe khoang loạn vọng của kẻ phàm phu, có sự hơn thua, giỏi dở, khen chê, cao thấp.
Thế nên từ xưa cho đến nay, chư Phật Thánh nào cũng xem mình là dốt cả. Vì võ trụ chơn như trơ lặng cũng là cái dốt, chớ đâu phải cái học hay xao động. Kìa đức Phật Thích-ca, Ngài trước ở trong đời là giỏi học, sau theo đạo rồi là dốt, nên Ngài chẳng bao giờ viết chữ học bài. Còn đức Huệ Năng cũng dốt hơn Thần Tú. Cái dốt của các Ngài là vì đức hạnh thánh tâm không thể xao động. Hơn nữa, bởi chơn lý pháp bảo vô lượng vô biên, không cố chấp, không diễn tả được. Vả chăng cái toàn học chỉ đựng chứa ở trong tâm chơn mà thành cái giác, trí huệ, chớ không thể lấy ra từng món cho hết, nên lúc nào các Ngài cũng chịu dốt hơn kẻ mê muội, mà không phải dấy lòng tranh cãi. Cũng như ở trong đời, kẻ dốt thì hay nói chữ, không cần đức hạnh, nên không tấn hóa; còn người có học, vì muốn cao siêu tốt đẹp, mà phải lặng thinh. Khác nào những kẻ học trò nhỏ ráp nhau lại gần là học la inh ỏi, cãi cọ om sòm, còn thầy giáo gặp nhau thì trang nghiêm yên lặng, không hay có nói đến sự học.
Kìa như có người ở đời, xấu hay khoe tốt hay che là cũng thế. Các bậc Thánh đức là dốt, nhờ dốt mới thành Thánh, cũng y như vậy. Nghĩa là các Ngài đã qua khỏi sự học rồi, đã lên lớp trên rồi, thì không còn nhắc lặp lại cái học thấp kém ấy, mà hãy bỏ lảng tránh đi, xem ra như tuồng dốt học, không biết lớp học đó nữa.
Cũng giống như một vị đại tiên kia, sau sự học xong, đến giờ luyện đạo, có đứa học trò nhỏ đến làm rộn ông, nó học đọc lung tung mà ông không chú ý đến, nên nó nói rằng: “Chắc ông này dốt, tôi hỏi không bao giờ ông trả lời được”. Ông ấy nói: “Tôi đang chỉ biết trau tâm thôi, còn cái học hỏi ấy, bây giờ đây tôi dốt lắm”. Ông nói thế để đặng nó đi xa cho rảnh chuyện. Sự thật kẻ trí huệ thì ai cũng dốt việc đời hết, chớ nào có ai biết đến nữa đâu, thì trách sao trẻ nhỏ lại chẳng khinh chê các Ngài.
Một kẻ kia miệng la bánh bánh, bụng đói xép teo, càng đói càng la thì càng thêm đói. Một người nọ ngồi ăn bánh, miệng chẳng nói chẳng rằng, càng ăn càng no ngon đầy bụng mà không thèm cần nói ra chi hết, hoặc may họ có nói là nói thầm trong trí rằng: Mặc kệ cho người la lối đói khát, còn ta thì đã qua rồi cơn đói la ấy, là hôm nay ta chỉ cứ ăn, ta chỉ biết cần ăn cho no bụng.
Trong đời một kẻ nói và một kẻ hành, cũng như thế. Hành đạo là đắc đạo, chớ học đạo chưa có đắc đạo đâu. Học là để biết đặng tu hành, chớ phải đâu học là để học, học mãi cho điên, cho chán, cho chết, cho hết thì giờ, tự vận. Trong đời kẻ học mà để hành, là phải đâu đi học lún cố mênh mông, đường nào cũng học, lập dập xa vời, để điên đầu rối ruột. Như người đọc truyện, đọc đủ thứ, đọc tối ngày, đọc mướn ăn tiền, buông ra quên hết, không ích lợi chi cho nó, và không được cái hành chi cả. Cho nên, người tu trong đạo Phật cần phải biết rằng từ văn học là nghe nói để tiến lên tự học là suy gẫm, và đến hành học là học trong việc làm biết nơi sự đi thì mới mong đắc học. Mà nên nhớ rằng con mắt ngó xa quá thì chơn đi vấp té. Vậy thì muốn đi, trước ta phải biết mục đích phương hướng, thỉnh thoảng ngó chừng, còn hiện tại là ta phải biết thấy nơi trước mỗi bước chưn mới là đi được, mà đừng thèm ngó đâu đâu vơ vẩn. Từ xưa đến nay, cả chư Phật Thánh đều đi như vậy. Các Ngài không có quảng cáo bán rẻ Pháp bảo, không có truyền rao kêu nài ai đâu, các Ngài không bao giờ nói ra những việc mà mình chưa làm, các Ngài chẳng phải chỉ lo độ người, ham làm thầy giáo mà không tự tu. Các Ngài không phải tích cực hay tiêu cực. Các Ngài không có làm giáo sư cất lập lớp trường chi hết. Đối với các Ngài, tu là học, học là tu, vừa vặn. Có khi mỗi kiếp chỉ tu có một pháp, xong rồi pháp này mới tu đến pháp khác nữa, cũng y như người uống thuốc chữa bịnh, mỗi lần uống một thứ thuốc trị cho xong từng chứng bịnh, mà chẳng chịu biết đến những việc xa vời.
Kìa như đức Huệ Năng, Ngài có phải dốt chữ đâu. Nếu Ngài chưa có thông minh thì làm sao có trí huệ. Ngài không có xem kinh sách, ghi nhớ, biên chép, suy gẫm nói luận thì làm sao mà tu huệ, như vậy há phải đâu Ngài dốt. Nhưng mà Ngài nói Ngài dốt là bởi cái học trước kia quá mênh mông, không còn dùng ích lợi chi cho ngày nay, thì nói biết để làm gì, mà chẳng phải nên dè dặt, thận trọng nói lời chín chắn, là dốt không còn biết đến. Huệ Năng nghĩa là năng trau dồi trí huệ, trí huệ có ra do nhờ thiền định; trong sự vắng lặng thiền định là chỉ có trí huệ, chớ đâu còn văn tự hoặc cái chi trong ấy, mà không phải là dốt với cái khoe học, mới học.
Vả chăng định là để nuôi huệ, huệ là để nuôi định, định huệ là để chơn như, đến với chơn như. Vậy nên nếu kẻ nào không nuôi giữ chơn như, thì định huệ để mà làm chi. Cũng như học trò là để làm thầy giáo, thầy giáo là để đến đốc học hưu trí kết quả. Kẻ mà không biết đến kết quả, kẻ ấy tới già chết vọng động mãi thì có ích lợi gì cho họ và cho kẻ khác, bởi khi họ đã già lụm cụm mà còn làm việc vọng động sái trật của trẻ nhỏ nữa, thì tránh sao chẳng phải tai nạn hại lây cho tất cả, mà đi cố chấp làm chi.
Như thế thì trí huệ là để nuôi chơn như, không chơn như thì cần chi trí huệ, mà không phải là sự cố chấp rằng: tài học, trí hay, phiền não luân hồi sanh tử là cao giỏi.
Vậy nên những ai muốn bỏ phàm làm Thánh, trau đạo bỏ đời, thì phải nên cần “học để tu”. Khi tu là phải xem mình như dốt nát, lơ lơ dường ám độn, đối với ai cũng phải nên chịu sự sút kém nhẫn nhường. Có như thế mới đặng chưởng trau đức hạnh, mà không nên so bì sự khôn lanh quỷ quyệt, xảo trá hơn người, thì tội lỗi bẩn nhơ khổ nạn mới được diệt tiêu trừ sạch. Vì trong đời chỉ có bậc Phật Thánh hiền nhơn là quý báu hơn hết!
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]