CHƠN LÝ 48: ĐẠI THÁI THỨC

MỤC LỤC

CHƠN LÝ 48: ĐẠI THÁI THỨC

CON NGẠ QUỶ

PHỤ THÊM

 


Ông Mục-kiền-liên Tàu dịch là Đại Thái Thức, nghĩa là bậc thức trí rộng lớn. Ông Mục-kiền-liên Đại Thái Thức là vị đệ tử lớn của Phật, đắc nhiều phép thần thông bậc nhất. Khi ông vừa mới đắc được sáu phép thần thông là tâm thanh tịnh, nên mắt thấy xa, tai nghe xa, hiểu biết ý trong tâm người, xét suy được mạng số, chơn thần bay cao, ý đã an hòa diệt vọng. Ông dùng đạo nhãn xem khắp cả thế gian, tức là suy gẫm nơi pháp lý mà nhận rõ việc đời.

Thấy vong mẫu sanh trong đường ngạ quỷ là thấy chúng sanh sống trong sự tham lam dục vọng, tâm hồn đói khát; chúng sanh là mẹ của Phật, vì Phật do chúng sanh mà ra, đạo do đời mà ra; đời chúng sanh sanh ra đạo Phật. Chúng sanh ví như người buôn bán, sự tham vọng đói khát vốn không cùng tột, sống bằng thân xác, chết bỏ tinh thần, đem tâm hồn chôn sâu dưới hầm vật chất tứ đại địa ngục, để chịu sự đói khát, thích ham hành phạt, trong cõi vọng ảo huyễn ma, vô thường thay đổi quỷ quyệt. Ông liền đem bát cơm đến cho ăn là đem Pháp bảo của đạo bát chánh đến bố thí giáo hóa, để cho dứt sự đói tham khổ não. Nhờ ăn dùng được đạo lý quí báu mà no lòng mát dạ, Pháp bảo là như cơm, bát chánh đạo là như chén bát.

Bấy giờ bà mẹ tiếp lấy chén cơm, tay trái che quỷ sứ, tay mặt bốc cơm mà ăn là ưng lòng nghe pháp, nắm giữ hành theo, vừa cố ngăn che ý nghịch, vừa ráng thực hành tu tập, để cho tâm được sự no vui kết quả.

(Vì ở trong cõi ngạ quỷ không ăn uống chi được, mình mẩy ốm gầy, dơ dáy bẩn thỉu, khổ não bần thần là ở trong cảnh giới khát khao tham vọng của cõi lòng gian dối quỷ quyệt, người ta không bao giờ được kết quả, toại hưởng cái chi bền dài thỏa mãn vui sướng cả, tấm lòng càng ích kỷ ốm o là càng ác trược dơ bẩn, chỉ là mua chuốc lấy sự khổ não khó chịu vô ích mà thôi). Nhưng cơm lại hóa thành than lửa là Pháp bảo ấy rất khó ăn dùng, không hành theo được, bởi tánh tham ác đã quen, nên xem ra sự bố thí, nhẫn nhục, trì giới, thiền định khác nào như than lửa, không thể lặng yên, gìn giữ, nhịn nhường, không tiếc của, nên ăn dùng không được, khó nỗi tu theo pháp Phật. Mục-kiền-liên thấy vậy khóc òa lên là vị Đại Thái Thức ấy thấy vậy thương xót cảm động vội chạy về bạch với Phật y như vậy. Nghĩa là ông Đại Thái Thức bấy lâu còn tu tự độ, lo cho mình mới vừa xong rồi đắc quả A-la-hán, sau đó quán xét đến việc khổ của chúng sanh, mà phát tâm Bồ-tát đi giáo hóa tế độ. Ngài là bậc Bồ-tát sơ tâm, tân phát ý, nên thấy chúng sanh bị quen tội nghiệp lâu đời, khó nỗi tu hành theo đạo, để hưởng được sự yên vui khoái lạc như Ngài, nên Ngài rất thương xót về bạch Phật hay việc ấy. Đại Thái Thức đây cũng có thể ám chỉ tất cả những bậc đại trí thức, xuất gia khất sĩ giải thoát, tu hành mới vừa đắc quả lục thông của bậc Thinh Văn, Duyên Giác, khi bước lên đạo Bồ-tát lúc đầu là còn cố chấp và rất ngợ nghệch.

Khi ấy đức Phật dạy rằng: Mẹ ngươi gốc tội ác rất sâu, không phải một mình sức ngươi mà độ được. Nghĩa là chúng sanh đã quá từ lâu nhiều đời, lầm lũi đi vào nẻo ác rất sâu xa, quen tật chướng, không phải chỉ có một ông thầy giáo Bồ-tát Pháp sư, một giáo lý, một pháp môn, một phương tiện mà độ cho họ theo, quay đầu trở lại nẻo thiện lành trong sạch hết, vì là họ cũng không phải dễ gì mà xoay lưng trở lại được, khi đã quá trớn bị mắc kẹt bao vây, bởi thế sự quen tục. Vậy sẵn đây đến ngày Rằm tháng Bảy, chư Tăng tự tứ cho nhau, khắp nơi chư Tỳ-kheo: Thinh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, tu hành trì giới, thiền định, trí huệ, đều gom về đầy đủ, để xem xét kiểm điểm lại cho nhau. Ngày ấy cũng là ngày khánh hỷ trong đạo Phật, ngày lễ mỗi năm có một lần, là ngày tính tuổi đạo chúc thọ của Tăng, cũng là ngày sàng lọc chư Tăng trong giáo hội. Sau ba tháng mùa hạ đụt mưa ở chung với nhau, chư Tăng gom về để bày tỏ việc đạo ở các nơi, và sự tu hành của các sư, để cho trong giáo hội chỉnh đốn, sắp đặt giới luật và cách hành đạo. Ngày ấy chư Tăng đều tự xưng sám hối hết tội lỗi của mình, và cũng là ngày mà tất cả đều hòa hiệp xóa bỏ hết tội lỗi chấp phiền nhau, bằng sự thuyết pháp cho nhau, pháp lý là nước mát trong sạch tắm rửa. Mỗi năm hội lại tắm rửa một lần, giáo hội đạo tràng như ao, Pháp bảo là nước cam lộ. Sẵn có ngày đại hội đó, vậy ngươi trước hết hãy cúng dường tất cả chư Tăng bằng năm thứ trái cây là thuyết pháp giáo hóa cho tất cả đắc được ngũ quả là: quả Nhập Lưu, quả Nhứt Vãng Lai, quả Bất Lai, quả A-la-hán Vô Sanh, quả Bích-chi Duyên Giác.

Sự thuyết pháp ấy tức là như cúng dường năm thứ quả đó, để cho chư Tăng chúng số đông tất cả, đều được hưởng dùng no đủ đạo quả như ngươi vậy. Và sau nữa là trăm món đồ ăn đủ mùi vị ngon lành, đem đãi cho các bậc ấy, để nhờ chư Thánh Tăng đó, dùng sức oai thần chú nguyện cho vong mẫu ngươi mới đặng. Nghĩa là sau khi Tăng chúng đã đắc quả Thánh đông nhiều rồi, là chừng đó ngươi hãy thuyết pháp thêm, như là sự cúng dường thêm, bằng cả trăm Pháp bảo, giáo lý hay ho, phương tiện đủ cả vị mùi của đạo Bồ-tát, để khuyến khích yêu cầu họ; tất cả sau khi đủ đầy trí huệ đắc pháp no vui là nên hãy phát tâm Bồ-tát, bước lên cao một nấc nữa, bằng sự chú ý vào chúng sanh, mà phát đại nguyện độ đời cả thảy; thì nhờ sức oai thần của số đông nhiều chư Bồ-tát ấy, chia ra khắp nơi, dùng đủ phương pháp trí huệ mới mong độ chúng sanh được hết tham, dứt khổ, giải thoát bước lần lên cao, thì trong tâm họ mới hưởng được Pháp bảo no đủ an vui lần lần. Quả nhiên sau đó ngài Đại Thái Thức y Phật dạy hành theo, khiến nên xứ Ấn Độ chẳng bao lâu chúng sanh đều được giác ngộ yên vui, biết tu hành nương theo pháp Phật, trong tâm no đủ khoái lạc, cao ráo, nhẹ nhàng, người người trong sạch thơm tho, tâm hồn như mập trắng đẹp tròn, không còn phải là xứ của ma đói xấu xa dơ tệ nữa. Xứ ấy trở nên thiên đường, lúc đó ấy là con đường bước lên cõi Phật là bởi nhân dân đều biết tu cư sĩ, diệt ác trừ tham, để tiến lần lên bậc giải thoát xuất gia, nên gọi là xứ thiên đường. Và chúng sanh là bà mẹ của Phật đã được sanh sống lên bước thiên đường, ấy là cảnh thiên đường hiện tại. Chư tiên và thiên đường đó được vững bền là do sự biết qui y theo Tam bảo Phật Pháp Tăng. Ai ai cũng lấy đó làm mục đích, noi gương tập lần bước tới vậy.

Sau khi các việc giáo hóa ấy đã kết quả xong, ngài Đại Thái Thức bạch hỏi đức Phật rằng: Chẳng hay về sau, các chúng sanh cùng chư Bồ-tát muốn làm việc hiếu từ để báo đáp cho chúng sanh cha mẹ, mà việc hoằng pháp ấy được kết quả y như vầy chăng? Đức Phật đáp: Lành thay! Câu hỏi đó của Đại Thái Thức. Tất cả những chúng sanh trí thức sau này, nếu ai nhận xét thấy chúng sanh là bà mẹ tội lỗi ấy, biết mình là con có lòng tốt đẹp hiền lành, muốn tế độ họ là cũng sẽ được ngay theo ý nguyện rất dễ dàng. Kẻ ấy trước phải tự mình xuất gia, tu cho đắc quả Thánh tâm trong sạch đã. Kế đó phải giáo hóa chư Tăng cho đắc đạo y như mình, thì sau lại mới sẽ hành đạo Bồ-tát, biến lập thiên đường, phổ hóa khắp cả chúng sanh mới đặng. Những ai thật hành được như thế, ấy là công đức lớn hơn hết, sẽ trở nên bậc Bồ-tát lớn thiệt thọ và sẽ mau đắc quả Như Lai thành Phật. Còn những chúng sanh tội lỗi cha mẹ kia là những Cửu Huyền Thất Tổ lớp trên, hay con cháu lớp dưới, kẻ trước người sau, hằng sanh lẫn lộn nơi chung quanh, kẻ sống người chết, kẻ ác người thiện, thảy đặng gội nhuần mưa pháp, toại hưởng pháp thực, tiến hóa lên cao cả thảy. Đó là cách báo hiếu của chư Bồ-tát, lập thân hành đạo, để đạo đức mãi chung lại cho đời sau. Kinh Vu-lan-bồn đây, nghĩa là hội thuyết pháp cho Tăng, để đặng có kẻ giáo hóa độ đời, nên gọi là buổi tiệc giải cứu chúng sanh, Vu-lan-bồn vậy.

Quyển kinh Vu-lan-bồn là giáo lý của đức Như Lai, dạy cho chư Bồtát Pháp sư Đại thừa thượng thặng, chỉ có các bậc thượng trí ấy mới phải được việc làm nên gọi là kinh Đại thừa, lời của bậc Tổ dạy bảo các thầy, trước phải độ mình, kế dạy Tăng đệ tử, và sau lại sẽ chia ra khắp nơi đặng độ chúng sanh. Pháp lý, chơn lý, triết lý, bài này chỉ dạy như thế. Quả thật như vậy! Kinh là pháp lý, ý của Phật dạy. Người đọc kinh mà chẳng hiểu lý để thật hành theo thì có ích lợi chi đâu. Cũng vì lẽ đó mà đạo Phật sau này lại bày ra trò tuồng diễn lớp, như sự bóng chàng huyễn hoặc, trái ngược với đạo Phật, tội lỗi biết là bao! Chẳng hiểu đời nay những người cúng kiếng, học hiểu đạo lý thế nào mà lại bày ra sự làm chay, trai tăng, thí thực, lên giàn, hát bộ siêu vong… đủ thứ trò chơi. Trai tăng chẳng phải là tự lòng bá tánh cúng dường cho Tăng, mà lại là do mấy ông tự sắp đặt bày ra, kêu gọi người ta gom lại cúng kiếng để đãi cơm dâng của cho mình, mới là tệ. Đó là nguyên nhân của sự kém giác ngộ pháp lý mà ra, bởi chẳng thông lý nên mới bày ra sự. Cũng như trống pháp, nhạc pháp, lầu nhà pháp, phướng cờ pháp, tiếp dẫn tế độ là bằng pháp lý lời nói, mà đời nay cái chi cũng bày ra sự thiệt hữu hình hữu vi cả, thì còn gì là pháp lý của Phật. Thế mới thật là hỡi ơi cho đạo Phật! Kìa như sự nhập hạ ẩn cư, trú đụt mùa mưa ba tháng của Phật và Tăng, khi xưa Phật và Tăng là khất sĩ du hành, không có một chỗ, các Ngài ở vườn rừng, xa chợ xóm, mùa mưa mắc nạn, đi ra đường không được, bởi đất bùn trơn trợt khó đi, y bát một bộ trong mình cũ rách, mắc mưa ướt thì chẳng có đồ thay, trợt té bể bát thì không có sắm lại, đạp trùng cỏ thì thương tâm, mưa dầm thì không đi được. Thế nên có người thí chủ từ tâm xin cúng dường trọn mùa hạ ba tháng, cho đến dứt mùa mưa, mỗi bữa đem cơm tới chỗ các Ngài cư trụ, hoặc ngày nào nắng tốt, các Ngài đi được là đi tới lãnh cơm. Trọn ba tháng hứa hẹn ấy, các Ngài không đi xa cách đêm, chẳng đi hành đạo xứ khác, trừ ra những khi có đại sự hoặc tai nạn, chỗ đó không thể ở yên được nữa. Khi ấy các sư gom lại số đông từng khóm, không chia đi tản lạc. Ở đó mỗi ngày các sư thuyết pháp dạy học tu chung với nhau, để xem xét cho nhau, vừa là dạy đạo cho bá tánh xứ đó. Ở đó, các sư chỉ có điều không đi xứ khác, chớ không phải nhập thất cấm phòng ở tù bị phạt trong thời gian nhứt định. Vì đối với đạo Phật giải thoát khất sĩ là lúc nào cũng giải thoát, mực trung phép tu thong thả chớ không bắt buộc phải thái quá bất cập, mỗi người sau khi giác ngộ là tự lo tu lấy, không ai áp bức ai cả. Mùa hạ đụt mưa, mỗi năm có một lần, ba tháng như vậy. Bằng khi nào mưa dầm nhiều ngày không có ai cúng dường là các sư chịu nhịn đói, chớ không có bày ra lễ kiết hạ, cùng những lễ cúng, kêu gọi bắt buộc, khuyến rủ người đem của đến dâng cho. Các Ngài mùa Đông, mùa Xuân, mùa Thu chia ra đi khất thực hành đạo lo tu và giáo hóa, chớ không có đụt ẩn trốn tránh chi nữa. Các Ngài chẳng có ở luôn luôn tại chùa cốc, cũng chẳng ở trong xóm chợ. Các Ngài chẳng có không đi khất thực, mà lại còn thêm bày sự nhập hạ. Và thay cho sự Tăng tự tứ, lại là cuộc làm chay hát bộ rùm beng đám tiệc. Đời nay cũng có lắm chỗ nơi, Tăng sư ở gần đường sá sạch sẽ, không người cúng dường mà cũng không đi khất thực, ấy là trái lẽ vậy.

Người tu mà ở chỗ không thanh tịnh đã là có tội với đạo Phật rất nhiều rồi, vì làm mất tinh thần giáo lý, mất sự cao quý của đạo Phật, vắng lặng trong sạch, và chẳng đặng sự giữ giới luật cho mình, không biết đến sự nhập định cao quý. Nào đạo Phật giải thoát có phải như câu nói của người ta rằng: Đời là đạo Phật, cái chi thiện lành là đạo Phật đâu. Kìa như xưa, đức Phật tuy có dạy thiện cho cư sĩ việc đời, nhưng mà Ngài giữ lớp khất sĩ của Ngài, chớ nào Ngài đi làm cư sĩ theo như những việc của cư sĩ. Cư sĩ là nhơn đạo bước lên thiên đường học pháp Phật, chớ phải đâu cư sĩ là đạo Phật chánh định, lớp của Phật, tu theo được xuất gia như Phật.

Cả thảy bao nhiêu điều sai lạc ấy là bởi tại sự chưa thông pháp lý mà ra. Bởi tại thời kỳ quá xa đức Phật mà sự lầm chấp bên ngoài phải như vậy, chớ không phải lỗi tại nơi ai cả. Hoặc ra có lỗi, là lỗi tại thầy tổ, kẻ dẫn đạo đi trước mà thôi. Và cũng như là những kẻ đi đường. Trong thế gian có muôn triệu đường, muôn triệu người đi, mà trong ấy chỉ có một con đường Phật, chỉ có một đức Phật Thích-ca là may mắn hữu duyên đi trúng theo con đường ấy, gặp đến với chư Phật quá khứ đặng. Nên mặc dầu là không cần ai chỉ dạy, khởi đầu chỉ một bước chưn, và sau đó là cứ giữ một đường đi mãi, vừa đi vừa kinh nghiệm là kết quả được. Còn những chúng sanh muôn triệu, cũng đi khít kế một bên Ngài, giống tựa như Ngài, chỉ sai chừng một li tấc, thế mà về sau càng ngày càng xa khác với nhau, và sau rốt là họ quanh quẩn khổ não vô ích thất bại. Thế mới biết rằng sái một li tấc là xa ngàn dặm, con đường hạnh phúc ở trong đời là rất khó kiếm gặp, chỉ có những bậc hữu duyên lắm mới gặp được một con đường trong muôn triệu đường ấy thôi. Những bậc ấy may mắn được vậy thì sau đó họ nhứt định là chẳng bao lâu sẽ thành Phật đặng.

Như thế thì đạo Phật là pháp lý. Chúng ta hãy tìm hiểu pháp lý trí huệ quí báu nên hay mau lẹ, tấn hoá và ích lợi ấy, hay hơn cả sự học chữ rất nhiều. Cũng như này đây là một danh từ pháp lý, mà nào chúng ta đã từng tìm hiểu giác ngộ ra đâu?

CON NGẠ QUỶ

Trong kinh có nói những con ngạ quỷ thường ở nơi đống rác, chỗ tiêu hầm phẩn, đầu lớn to nhọn như hòn núi, bụng phình rộng như biển cả, hoặc đầu như cái thúng, bụng như cái trống, tay chơn như que củi khô gầy đét, mình mẩy ốm chỉ còn da bọc lấy xương, khắp mình sần sùi, nứt nở lở ghẻ, nước chảy ra hôi hám, ngón tay như dấu ó, chân cẳng tợ kềm đồng, cổ bằng sợi chỉ, miệng như lỗ kim, khắp mình lửa cháy đỏ rực, mỗi ngọn gió thổi qua như lửa đốt, hột mưa rớt xuống như bị lửa trúng văng. Gặp hầm phẩn mau mau chạy đến, phẩn hóa thành sắt khối, thấy vũng nước tiểu liền chạy lại, nước tiểu hóa khô khan, ngày như đêm, đêm như ngày mắt thấy ra tối đen và lửa cháy, tối ngày chạy mãi, chạy đến mỏi chân té quỵ, bò lết sảng mê, rồi đứng lên chạy nữa. Vừa chạy vừa té vừa la, tôi đói quá, tôi khát quá, tôi nóng quá, cả mình bứt rứt khó chịu bần thần, xương cốt lông da chuyển động, bụng kêu lên như kèn trống, mắt lồi ra như khu ốc, lại đỏ ngầu rướm máu, chảy xuống ròng ròng, răng mọc như cặp nanh, miệng đỏ như ống nhổ, mặt màu xanh tím, mắt có quầng đen, tóc dựng đứng đỏ hoe, khắp cả mình như một bộ xương khô khủng khiếp, đi đến đâu có vòng lửa bay theo, cát bụi phủ lấp, cả mình thúi hôi dơ dáy như hầm phẩn, khi hả miệng là độc khí đen cùng lửa đỏ bốc cuộn phừng ra, nó không bao giờ thấy ra, nhìn gặp được ai hết.

Lại có thứ quỷ mẫu sát tử là ngày đêm sanh ra năm bảy lần, năm bảy đứa con, mỗi lần sanh đau đớn chết đi sống lại, sanh hoài, sanh mãi, sanh rồi xé ăn, rồi sanh ra nữa. Nó chịu quả báo như thế, lâu hay mau tùy theo nghiệp nhơn đã tạo, thật là khổ sở vô cùng, không ai lại gần nó đặng, không ai cứu gỡ nó đặng, nó chịu bằng cả trăm ngàn năm như thế.

Con ngạ quỷ nghĩa là con tâm đói khát tham lam vọng ma quỷ quyệt. Thường ở nơi đống rác là ở nơi chỗ vật chất cặn bã lợi danh. Chỗ phân chất cho thân là như hầm chứa phẩn tiểu của tâm. Đầu lớn to nhọn như hòn núi là trí óc tự cao sạn sỏi nhọn độc, chất chứa sắt đá bạc vàng. Bụng phình rộng như biển cả là lòng tham lam vơ vét chứa để không cùng tột.

Hoặc đầu như cái thúng là mưu trí hốt vét của người ta. Bụng như cái trống là trống lỗng bao nhiêu chứa để cũng không vừa lòng, lại thường kêu than như tiếng trống. Tay chơn như que củi gầy khô đét là việc làm cùng sự đi đứng đều là sự ích kỷ ốm o ác trược. Mình mẩy ốm chỉ da bọc lấy xương là sự bỏn xẻn rít róng hạ tiện. Khắp mình sần sùi, nứt nở, lở ghẻ, nước chảy ra hôi hám là ý muốn chẳng thiện lành kín đáo, xấu xa sần sượng, ý ấy hằng nứt nở hở lòi, túa ra sự nhơ nhớp gờm tởm. Ngón tay như dấu ó, chân cẳng tợ kềm đồng là mỗi cử chỉ việc làm như móc ruột người ta, chân cẳng thường chà xát giẫm đạp áp bức người. Cổ bằng sợi chỉ là sự chỉ có nuốt thâu vô mà không có nhả ra, như tóp teo lại. Miệng như lỗ kim là như miệng mũi hút máu, cướp sự sống của người ta và hay châm chích. Khắp mình lửa cháy đỏ rực là ý tham lam giận hờn. Mỗi ngọn gió thổi qua như lửa đốt, là lời lành khuyên bảo đối với nó, như xúi nó, thêm sự bào chữa tự đắc cố chấp tham dục thêm. Hột mưa rớt xuống như bị than lửa trúng văng là pháp lý đạo đức dạy dỗ, nó tưởng chừng như than lửa văng trúng nóng giận. Gặp phân ăn mau chạy đến, phân hóa thành sắt khối là thấy chỗ bán đồ ăn ngon, thì mau bước đến tìm ăn, nhưng gặp phải mỗi món đắt giá bạc tiền, vì bỏn xẻn rít róng hạ tiện nên ăn chẳng đặng, mà xem đó như sắt khối. Thấy chất uống liền chạy lại, chất hóa khô khan là ý muốn uống nước ngọt thơm nơi người bán, mà vì sợ tốn hao nên xem chừng chỗ đó như khô cạn. Ngày như đêm, đêm như ngày, mắt thấy ra tối đen và lửa cháy là dốt nát vô minh si mê, không lúc nào biết chi thiện ác, phải quấy, đạo đời, lý sự, trắng đen, lúc nào cũng là tối tăm, cố chấp giận hờn. Tối ngày chạy mãi đến mỏi chân té quỵ, bò lết, sảng mê, rồi đứng lên chạy nữa, là mãi mãi chạy nhảy đua bơi, vì tham mê dục vọng không yên ổn chút nào. Ngày cho đến đêm cũng như vậy, không lúc nào biết ngủ ngon nghỉ khỏe, cho đến giấc ngủ chỉ là sự sảng mê vì đuối sức ngủ quên, chớ không phải định tâm dốc lòng ngủ nghỉ.

Vừa chạy vừa té vừa la, tôi đói quá, tôi khát quá, tôi nóng quá là nó mảng chạy nhảy lo âu, vấp té tai nạn thất bại liền liền. Nó mãi than tôi nghèo túng quá, thiếu hụt quá, tôi thiếu ăn, tôi thiếu uống, nó mãi lo ăn mà ăn chẳng đặng, mãi lo uống mà uống chẳng đặng như kiếm mãi không ra. Nó than khổ mãi, nó bị sự ước vọng đốt nung hoài, nên tâm trí nóng bực lắm. Cả mình bứt rứt khó chịu bần thần, cả mình xương cốt lông da chuyển động, bụng kêu lên như kèn trống là ý hay bứt rứt khó chịu bần thần. Nó thấy sự sống của nó không yên ổn chút nào, sự chứa đựng tích trữ lúc nào cũng đòi hỏi kêu gào than réo. Mắt lồi ra như khu ốc đỏ ngầu, rướm máu chảy xuống ròng ròng là sự dòm ngó lom lom từ vật, muốn ham nóng tiếc như rách mắt máu chảy. Răng mọc như cặp nanh là thường nhăn nanh múa vuốt, hăm dọa nghiến đay những kẻ hai bên. Miệng đỏ như ống nhổ là lời nói chứa đựng sự giận hờn tham lam dơ dáy, hằng phỉ ố người ta. Mặt màu xanh tím là sự không biết xấu hổ lỳ lợm. Mắt có quầng đen là mắt trí như bị thức đêm lo tìm mưu kế hung ác. Tóc dựng đỏ hoe là sự cang ngạnh bất kể, nóng nảy vô cùng. Khắp cả thân mình là một bộ xương da khủng khiếp là sự tự kỷ nhỏ nhoi cực điểm đáng ghê sợ. Đi đến đâu có vòng lửa bay theo là nó đến đâu thì có sự tai hại cho người ta đến đó. Cát bụi phủ lấp là vật chất bao đầy. Cả mình dơ dáy thúi hôi như hầm phẩn là trọn đời của nó ác trược dơ dáy xấu xa, danh lợi như hầm phẩn. Khi hả miệng là độc khí đen cùng lửa đỏ bốc cuộn phừng ra là mỗi lời nói thốt ra là tham sân si phừng túa. Nó không bao giờ thấy ra, nhìn gặp được ai hết là nào có suy nghĩ đến hoàn cảnh và thương xót ai đâu.

Lại có thứ quỷ mẫu sát tử là quỷ mẹ ăn thịt con, ngày đêm sanh ra năm bảy lần, năm bảy đứa con là những cái lòng tham ác độc tài, khi tỉnh thì dạy sanh đào tạo giúp nên cho kẻ khác, lúc mê lại trở lại làm hại, trong đời không muốn có ai được như mình, ở địa vị mình cả. Mỗi lúc nó làm khổ hại người khác luôn luôn, để có sự lợi ích vô cho nó. Mỗi lần sanh đau đớn chết đi sống lại, sanh hoài sanh mãi, sanh rồi xé ăn, rồi sanh ra nữa, là mỗi khi nó giúp đỡ ai là cắn răng như chịu chết lòng tham, nhưng sau đó người ta nên rồi là lòng tham của nó cũng sống lại như thường, phá hại người ta trở lại, mãi mãi như vậy, nó giúp đỡ người ta là để vụ lợi cho nó, nó làm ơn là để giết hại người ta cho đặng phần nó, nó không thương xót ai cả. Nó chịu quả báo như thế lâu hay mau tùy theo nghiệp nhơn đã tạo, thật là khổ sở vô cùng, không ai lại gần nó đặng, không ai cứu gỡ nó đặng. Nó chịu hằng cả trăm ngàn năm như thế, tức là đời này kiếp khác của nó mãi khổ sở vô ích tai hại như vậy, không ai cứu gỡ can khuyên, an ủi vỗ về chi nó đặng cả, nó không chịu làm quen chơi thân với kẻ hiền lương. Nó chịu khổ như thế lâu hay mau là tùy theo nhơn nghiệp, chất chứa, tích trữ nơi thân khẩu ý của nó, tức là nó hành phạt lấy nó vậy.

Triết lý pháp giáo của Phật nói về con ngạ quỷ là con tâm vọng của chúng sanh như thế. Nó như kẻ trộm cướp ban đêm. Chỉ có những bậc Đại Thái Thức dùng đạo nhãn là mắt trí, xét xem nơi đạo lý, soi ra mới thấy nó. Nó tương đối cùng chư Phật. Phật thì yên vui tròn sáng. Ma thì rối khổ toàn mê. Nó là bà mẹ sanh ra các bậc Đại Thái Thức và chư Phật, mà chư Phật và Đại Thái Thức phải trốn tránh nó, để đi tu, đặng sau này trở lại cứu độ nó mới đặng. Chính nó là cái ác tâm tà tâm, tham lam hạ tiện của chúng ta đó. Chúng ta cần phải xa tránh nó như con chạy trốn mẹ, để lo tu sau này trở lại độ mẹ. Chúng ta là chơn tâm, là tâm cả thảy như nhau, là Phật có một; còn nó là vọng tâm, là tâm của chúng sanh ma như nhau, cũng có một thứ.

Có hiểu thấy biết nghe như thế, chúng ta mới chán nản ghê sợ mà cần tu, dầu ta có phỉ ố hạ mạt nó như thế, cũng không có chi là quá đáng, vì vọng tâm là ma quỷ báo hại ta và người tất cả, chớ có ích lợi quí hay gì đâu?

Pháp lý giác ngộ cảnh tỉnh này thật là đúng lắm, gương báu ích lợi nên hay vô cùng. Nó sẽ giúp ích biết bao nhiêu cho tinh thần nhân loại, sẽ được tiến triển lên cao, sẽ gầy tạo cõi đời cực lạc hạnh phúc trên nền hiện tại. Ngạ quỷ ấy là tâm vọng hiện tại. Đại Thái Thức là thượng trí thức cũng hiện tại. Mà đức Phật chơn như cũng là hiện tại, Tăng chúng đang tu để đến quả Phật cũng là hiện tại nữa, thảy đều có ở nơi tất cả, để cho chúng ta lựa chọn danh từ giáo lý hành vi. Thế thì danh từ Đại Thái Thức sẽ là một ánh sáng ngọn đèn, dẫn lộ cho chúng ta đi, và con ngạ quỷ kia sẽ là bức vách tường sau lưng cản hậu. Có hiểu nhớ như vậy, tức là chúng ta ai ai rồi cũng sẽ là Đại Thái Thức hết.

Đọc nghe nơi quyển này, chúng ta sẽ biết sợ con ngạ quỷ, con quỷ mẫu sát tử. Chúng ta sẽ gặp được bà mẹ chúng sanh của chúng ta, chúng ta sẽ hiểu được cách báo hiếu cầu siêu cho cha mẹ. Chúng ta sẽ trở nên vị Đại Thái Thức Mục-kiền-liên để đến với quả Phật. Chúng ta còn biết thêm được việc tự tứ Tăng, và sự nhập hạ của chư khất sĩ mà biết rõ được cách tu hành, bề trong của đạo Phật, thanh tịnh vô vi quí báu.

Hiểu được nơi pháp này, chắc chắn là kẻ sống người chết, ai ai cũng thảy đều được siêu độ vậy.

Ấy cũng bởi ngoài pháp giác ngộ ngạ quỷ này ra là không có pháp Đại Thái Thức thức tỉnh nào thứ hai, để cho chúng ta được siêu độ, vượt qua bến bờ kia nữa cả. Vì vậy mà quyển Đại Thái Thức này đối với chư Bồ-tát, cùng kẻ thức trí thế gian là quí báu hơn hết.

PHỤ THÊM

Vấn: Sao gọi là ma vương, quỷ vương?

Đáp: Ma vương là tâm dối giả, tâm vọng; quỷ nghĩa là ma vậy.

Vấn: Sao gọi là Diêm vương?

Đáp: Diêm vương là tâm nóng nảy cang trực.

Vấn: Sao gọi là Nhơn vương, Thiên vương, Pháp vương?

Đáp: Nhơn vương là tâm nhơn đức, nhơn từ, nhơn ái; Thiên vương là tâm thiện lành thanh cao quảng đại; Pháp vương là tâm pháp.

Vấn: Sao gọi là quỷ sứ?

Đáp: Quỷ sứ là ý dục lôi cuốn hấp dẫn.

Vấn: Sao gọi là quỷ vô thường?

Đáp: Quỷ vô thường là sự thay đổi dối giả không bền.

Vấn: Sao gọi là quỷ dạ-xoa, la-sát?

Đáp: Dạ-xoa là lòng tham lam.

Vấn: Sao gọi là ngưu đầu mã diện?

Đáp: Ngưu đầu là sự cứng đầu, cang ngạnh, hung ác. Mã diện là lỳ lợm, không biết xấu hổ, mặt dày mày dạn, chưng bẹo thả rong ngoài lộ.

Vấn: Sao gọi là yêu tinh?

Đáp: Yêu là tình yêu, tinh là thâu đoạt chất tinh.

Vấn: Sao gọi là chằn quái?

Đáp: Chằn là dị hợm, quái là quái lạ.

Vấn: Sao gọi là đao thương mổ xẻ?

Đáp: Đao là sự đau, thương là mũi thương; sự đau thương là như bị mổ xẻ, chém đâm vậy.

Vấn: Sao gọi là địa ngục?

Đáp: Sự ác trói buộc là địa ngục v.v… Triết lý giảng giải không cùng.

Các danh từ ấy thảy đều là pháp lý hết.

 


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][