NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN III
PHÁP-HÀNH GIỚI
(SĪLĀCĀRA)
CHƯƠNG V
Quyển II: Quy-Y Tam-Bảo gồm có 2 chương: chương III: Ân-đức Tam-bảo và chương IV: Quy-y Tam-bảo đã được trình bày xong, tiếp theo quyển III: Pháp-hành giới có 1 chương là chương V sẽ được trình bày.
Pháp-hành giới: Sīlācāra nghĩa là thực-hành các điều-giới của mình.
Pháp-hành trong Phật-giáo có 3 loại chính:
- Pháp-hành giới.
- Pháp-hành thiền-định.
- Pháp-hành thiền-tuệ
Ba pháp-hành này có 2 loại:
- Pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ trong tam-giới (lokiyacitta).
- Pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ trong siêu-tam-giới (lokuttaracitta).
* Hành-giả thực-hành pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ trong tam-giới, cần phải thực-hành theo tuần tự như sau:
1- Pháp-hành giới thuộc về phần đầu mà hành-giả cần phải thực-hành trong giai đoạn đầu trước tiên, hành-giả có tác-ý trong đại-thiện-tâm giữ gìn giới của mình là giữ gìn thân và khẩu tránh xa 3 thân ác-nghiệp và tránh xa 4 khẩu ác-nghiệp để thành-tựu 3 thân thiện-nghiệp và 4 khẩu thiện-nghiệp.
* Tránh xa 3 thân ác-nghiệp là:
- Tránh xa sự sát-sinh.
- Tránh xa sự trộm-cắp.
- Tránh xa sự tà-dâm.
* Tránh xa 4 khẩu ác-nghiệp là:
- Tránh xa sự nói-dối.
- Tránh xa sự nói lời chia rẽ.
- Tránh xa sự nói lời thô tục.
- Tránh xa sự nói lời vô ích.
Hành-giả thực-hành pháp-hành giới đầu tiên, giữ gìn thân và khẩu trong sạch, thanh-tịnh để làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ được phát triển tốt.
2- Pháp-hành thiền-định thuộc về phần giữa, hành-giả nương nhờ nơi pháp-hành giới giữ gìn thân và khẩu trong sạch, thanh-tịnh làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, để thực-hành pháp-hành thiền-định có đối-tượng thiền-định dẫn đến phát sinh an-định chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới tiếp theo chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới và các phép-thần-thông tam-giới.
3- Pháp-hành thiền-tuệ thuộc về phần cuối, hành-giả nương nhờ nơi pháp-hành giới giữ gìn thân và khẩu trong sạch, thanh-tịnh làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp danh-pháp, thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới
Như vậy, 5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới phát sinh do nương nhờ nơi pháp-hành giới trong sạch, thanh-tịnh; 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm phát sinh cũng do nương nhờ nơi pháp-hành giới trong sạch, thanh-tịnh.
Cho nên, hành-giả thực-hành pháp-hành giới đầu tiên là giữ gìn giới của mình được trong sạch thanh-tịnh, làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho tất cả mọi thiện-tâm phát sinh từ dục-giới thiện-tâm, sắc-giới thiện-tâm, vô-sắc-giới thiện-tâm cho đến siêu-tam-giới thiện-tâm.
Nếu như mặt đất xấu cằn cỗi làm nơi nương nhờ thì các loài thực vật lớn nhỏ khó sinh trưởng được, các loài sinh vật lớn nhỏ cũng khó sinh trưởng được, cả các loài thú, loài người nương nhờ nơi mặt đất xấu cằn cỗi cũng khó sinh sống được.
Cho nên, pháp-hành giới là pháp-hành mà hành-giả cần phải thực-hành đầu tiên, giữ gìn giới của mình cho được trong sạch trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ được phát triển tốt.
Thế nào gọi là pháp-hành giới?
Pháp-hành giới là pháp-hành mà hành-giả có tác-ý đồng sinh với đại-thiện-tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa 3 thân ác-nghiệp và 4 khẩu ác-nghiệp, để giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, gọi là pháp-hành giới.
Trong bộ Paṭisambhidāmagga có trình bày 4 pháp gọi là giới:
- Cetanāsīla: Tác-ý tâm-sở gọi là tác-ý-giới.
- Cetasikasīla: Chế-ngự tâm-sở (viraticetasika) gọi là tâm-sở-giới.
- Saṃvarasīla: Giữ gìn thân, khẩu, ý không để ác-tâm phát sinh gọi là cẩn-trọng-giới.
- Avītikkamasīla: Không phạm điều-giới gọi là giới.
Tác-ý tâm-sở (cetanā) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa 3 thân ác-nghiệp, 4 khẩu ác-nghiệp gọi là tác-ý-giới.
Chế-ngự tâm-sở (viraticetasika) có 3 loại:
- Chánh-ngữ tâm-sở (sammāvācā cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm nói lời chân-chánh, là tránh xa sự nói-dối mà nói lời chân thật; tránh xa sự nói lời chia rẽ mà nói lời hoà hợp; tránh xa sự nói lời thô tục mà nói lời dịu dàng; tránh xa sự nói lời vô ích mà nói lời hữu ích.
- Chánh-nghiệp tâm-sở (sammākammanta cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm hành nghiệp chân-chánh là tránh xa sự sát-sinh mà phóng sinh; tránh xa sự trộm-cắp mà làm phước-thiện bố-thí; tránh xa sự tà-dâm mà bảo vệ hạnh phúc gia đình.
- Chánh-mạng tâm-sở (sammā-ājīva cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm tránh xa cách sống tà-mạng do thân hành ác-nghiệp, do khẩu nói ác-nghiệp, mà chỉ nuôi mạng chân-chánh bằng thân hành đại-thiện-nghiệp, khẩu nói đại-thiện-nghiệp mà thôi.
Chế ngự (virati) gọi là giới có 3 trường hợp:
- Sampattavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp khi tiếp xúc với đối-tượng đang hiện hữu.
- Samādānavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp do đã thọ trì giới.
- Samucchedavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp một cách đoạn-tuyệt là diệt tận được ác-nghiệp do khả năng đặc biệt của Thánh-đạo-tuệ của bậc Thánh-nhân.
2.1-Sampattavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp khi tiếp xúc với đối-tượng đang hiện hữu như thế nào?
“Ta chớ nên tạo ác-nghiệp, bởi vì ác-nghiệp chỉ làm khổ mình, khổ chúng-sinh khác mà thôi.”
* Tích cậu Cakkana ở đảo Sihaḷa (nước Srilanka), được tóm lược như sau:
Mẹ của cậu Cakkana bị lâm bệnh, người anh sai bảo cậu Cakkana vào rừng săn bắt một con thỏ đem về để làm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Cậu Cakkana vâng lời mang lưới vào rừng giăng lưới bắt thỏ. Thấy một con thỏ đang đi ăn cỏ, cậu liền vây đuổi làm cho con thỏ hoảng sợ cắm đầu chạy về phía trước để lánh nạn, nó bị mắc lưới, kêu: ‘kiri! kiri!’ vùng vẫy sợ chết.
Cậu Cakkana nghe tiếng thỏ kêu, chạy đến bắt con thỏ và nghĩ rằng:
“Ta đem con thỏ này về giết chết để làm thuốc chữa bệnh cho mẹ ta.”
“Mọi chúng-sinh đều muốn sống, muốn duy trì sinh-mạng, đều sợ chết.
Vậy, ta không nên giết chết con thỏ này để làm thuốc trị bệnh cho mẹ ta.”
Thấy cậu, người anh liền hỏi:
-Này em! Sao em không bắt được con thỏ nào cả?
“Từ khi con sinh ra, trưởng thành cho đến hôm nay, con chưa từng có tác-ý giết chết một chúng-sinh nào.
Do lời chân thật này, xin cho mẹ hiền của con khỏi căn bệnh này.”
Đó là trường hợp chế ngự tránh xa ác-nghiệp khi tiếp xúc với đối-tượng đang hiện hữu.
2.2-Samādānavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp do đã thọ trì giới như thế nào?
Trường hợp người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đã xin thọ phép quy-y Tam-bảo và đã thọ trì ngũ-giới, …
* Tích người cận-sự-nam Uttaravaḍḍhamāna[1] được tóm lược như sau:
Một buổi sáng, cận-sự-nam Uttaravaḍḍhamāna đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Buddharakkhita, xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, xin phép Ngài Trưởng-lão trở về nhà, dắt bò ra đồng cày ruộng.
“Sáng hôm nay ta đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới nơi Ngài Trưởng-lão Buddharakkhita, ta nên giữ gìn ngũ-giới cho trong sạch và trọn vẹn, không nên phạm điều-giới sát-sinh.”
Mãi cho đến lần thứ ba, lần này ông suy xét rằng:
“Sở dĩ, bao nhiêu lần ta định giết chết con trăn này là vì ta ỷ lại trong mình ta có con dao.”
“Thà rằng ta chịu hy sinh sinh-mạng để giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn, ta quyết tâm không để phạm điều-giới.”
Đó là trường hợp chế ngự tránh xa ác-nghiệp do đã thọ trì ngũ-giới.
2.3-Samucchedavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp một cách đoạn-tuyệt như thế nào?
Trường hợp hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ-thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự đến trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là Thánh-đạo-tuệ trong Thánh-đạo-tâm có đối-tượng Niết-bàn, nên diệt tận được tham-ái, phiền-não, ác-pháp. Loại tham-ái nào, phiền-não nào, ác-pháp nào đã bị diệt tận được do khả năng đặc biệt của Thánh-đạo-tuệ nào rồi, loại tham-ái ấy, phiền-não ấy, ác-pháp ấy vĩnh viễn không bao giờ phát sinh trở lại được nữa.
Đó là trường hợp chế ngự tránh xa ác-nghiệp một cách đoạn-tuyệt đối với 4 bậc Thánh-nhân.
Giữ gìn thân, khẩu, ý không để ác-tâm sinh có 5 loại:
1- Pātimokkhasaṃvara là cẩn trọng giữ gìn thân và khẩu với tác-ý trong đại-thiện-tâm giữ gìn 227 điều-giới trong giới bổn tỳ-khưu (bhikkhupātimokkhasīla) trong sạch và trọn vẹn bằng đức-tin (saddhā).
2- Satisaṃvara là cẩn trọng giữ gìn 6 môn: nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn, ý môn không để ác-tâm phiền-não phát sinh, thuộc về giới cẩn trọng trong 6 môn trong sạch thanh-tịnh bằng chánh-niệm (sammāsati).
3- Ñāṇasaṃvara là cẩn trọng giữ gìn giới với trí-tuệ ngăn chặn phiền-não tham, sân, si,… không cho phát sinh trong tâm, thuộc về giới quán triệt 4 thứ vật dụng thanh-tịnh (y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh) bằng trí-tuệ quán triệt (ñāṇa).
4- Khantisaṃvara là cẩn trọng giữ gìn giới với tâm nhẫn-nại dù khi tiếp xúc với đối-tượng trái ý nghịch lòng mà sân-tâm vẫn không phát sinh, chỉ có đại-thiện-tâm phát sinh mà thôi.
5- Vīriyasaṃvara là cẩn trọng giữ gìn với tâm tinh-tấn ngăn ác-pháp chưa sinh, không cho phát sinh, tinh-tấn diệt ác-pháp đã sinh, tinh-tấn làm cho thiện-pháp chưa sinh, được phát sinh, tinh-tấn làm tăng trưởng thiện-pháp đã phát sinh; thuộc về giới nuôi mạng thanh-tịnh bằng tinh-tấn (vīriya).
Như vậy, giữ gìn bảo vệ điều-giới không để bị phạm gọi là giới (avītikkamasīla).
Trong bộ Paṭisambhidāmagga trình bày giới có 3 loại:
1- Kusalasīla: Giới-thiện là tác-ý tâm-sở đồng sinh với thiện-tâm.
2- Akusalasīla: Giới-bất-thiện (giới-ác) là tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm (ác-tâm).
3- Abyākatasīla: Giới không-thiện không-ác là tác-ý tâm-sở đồng sinh với quả-tâm và duy-tác-tâm.
Trong 3 loại giới này, giới cần giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn thuộc giới-thiện (kusalasīla) là tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm giữ gìn giới của mình cho được trong sạch trọn vẹn.
Ý nghĩa của giới (Sīla) Giới có nhiều ý nghĩa:
* Sīla: Giới có ý nghĩa là sīlana: hành.
Sīlana: Hành có 2 ý nghĩa.
1-Samādhāna: Pháp-hành giới mà hành-giả có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm thực-hành giữ gìn thân và khẩu tránh xa 3 thân ác-nghiệp, tránh xa 4 khẩu ác-nghiệp, thành-tựu 3 thân thiện-nghiệp, 4 khẩu thiện-nghiệp, làm cho thân và khẩu được tự nhiên đàng hoàng.
2- Upadhāraṇa: Pháp-hành giới trong sạch để làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ được phát triển và tăng trưởng.
Pháp-hành giới là pháp-hành có khả năng diệt được phiền-não loại thô (vītikkamakilesa) không biểu hiện ra nơi thân và khẩu, nên giới được trong sạch thanh-tịnh.
* Giới thanh-tịnh làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định được phát triển.
Pháp-hành thiền-định có khả năng diệt được phiền-não loại trung (pariyuṭṭhānakisela) ở trong tâm đó là 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới.
* Giới thanh-tịnh làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-tuệ được phát triển từ trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā), cho đến trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā), chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót.
Pháp-hành thiền-tuệ có khả năng đặc biệt diệt tận được phiền-não loại vi-tế (anusayakilesa) ngấm ngầm trong tâm đó là 7 loại phiền-não ngấm ngầm trong tâm (anusaya) chưa phát sinh ra ở tâm.
Như vậy, giới trong sạch trọn vẹn ví như mặt đất tốt màu mỡ là nơi nương nhờ của các loài thảo mộc, các sinh vật, các loài thú, loài người sinh trưởng.
Sīla: Giới còn có các ý nghĩa khác như:
* Sīla: Giới có nghĩa là sira: cái đầu.
Thật vậy, trong thân thể con người, dù bị chặt tay, chặt chân, … người ấy vẫn còn sinh-mạng (còn sống); nhưng khi người ấy bị đứt đầu thì đồng thời mất sinh-mạng (chết).
Cũng như vậy, giới dẫn đầu mọi thiện-pháp, giới làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, để cho mọi thiện-tâm được phát sinh từ dục-giới thiện-tâm, sắc-giới thiện-tâm, vô-sắc-giới thiện-tâm, cho đến siêu-tam-giới thiện-tâm đó là 4 Thánh-đạo-tâm.
Nếu không có giới hoặc giới bị đứt, thì tất cả mọi thiện-tâm không có nơi nương nhờ để phát sinh lên được.
* Sīla: Giới có nghĩa là sītala: mát mẻ, thanh-tịnh.
Vì vậy, giữ gìn giới làm cho thân và khẩu được mát mẻ thanh-tịnh.
* Sīla: Giới có nghĩa là pakati[2] : thường, thói quen. Chữ sīla ghép với những danh từ như:
-Ayaṃ sukhasīlo: Người này thường được an-lạc.
- Ayaṃ dukkhasīlo: Người này thường chịu đau khổ.
- Ayaṃ kalahasīlo: Người này có thói quen hay cãi cọ.
- Ayaṃ maṇḍanasīlo: Người này có thói quen thích trang điểm.
- Sīlabbata (sīla+vata): Cử chỉ hành động cách sống theo thói quen như loài bò, loài chó, ...
Như vậy, gọi là Sīlabbatupādāna: tà-kiến chấp thủ trong pháp thường-hành.
Như vậy, gọi là sīlabbataparāmāsa: tà-kiến chấp-thủ trong pháp-thường-hành của mình.
Bốn tính chất của giới
- Trạng-thái của giới (lakkhaṇa).
- Phận sự của giới (rasa).
- Quả hiện hữu của giới (paccupaṭṭhāna).
- Nhân gần phát sinh giới (padaṭṭhāna). 1-Trạng-thái của giới như thế nào?
- Trạng-thái giữ gìn thân, khẩu hành thiện đàng hoàng.
- Trạng-thái làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho mọi thiện-pháp phát sinh, nhất là pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ được phát triển và tăng trưởng.
2- Phận sự của giới như thế nào?
- Có phận sự diệt sự phạm giới.
- Có phận sự hỗ trợ cho mọi thiện-pháp phát triển tốt.
3- Quả hiện hữu của giới như thế nào?
4- Nhân gần của giới như thế nào?
- Hiri (Biết hổ-thẹn tội-lỗi): Tự mình biết hổ-thẹn tội-lỗi cho nên tránh xa mọi ác-nghiệp, tinh-tấn thực-hành mọi thiện-nghiệp.
Giới của 2 hạng người:
- Gahaṭṭhasīla: Giới của người tại gia.
- Pabbajitasīla: Giới của bậc xuất-gia.
1- Giới của người tại gia: Có nhiều loại:
- Ngũ-giới.
- Bát-giới Ājīvaṭṭhamakasīla.
- Bát-giới Uposathasīla.
- Cửu-giới Uposathasīla.
- Thập-giới của người tại gia.
2- Giới của bậc xuất-gia: Sa-di-giới và tỳ-khưu-giới
* Sa-di-giới có các giới như:
- 10 sa-di-giới.
- 10 giới hoại phẩm hạnh sa-di.
- 10 giới hành phạt sa-di.
- 75 điều-giới hành của sa-di.
- 14 pháp-hành của sa-di, tỳ-khưu.
* Tỳ-khưu-giới có 4 thanh-tịnh-giới:
1- Pātimokkhasaṃvarasīla: Giữ gìn giới giải thoát khổ có 227 điều-giới trong Bhikkhupātimokkhasīla.
2- Indriyasaṃvarasīla: Giữ gìn giới cẩn trọng 6 môn, nghĩa là ngăn ác-pháp nương nhờ nơi 6 môn: nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn, ý-môn mà phát sinh, do nhờ chánh-niệm.
3- Ājīvapārisuddhisīla: Giữ gìn giới nuôi mạng thanh-tịnh nghĩa là tránh xa cách sống tà-mạng do thân hành ác-nghiệp, khẩu nói ác-nghiệp mà sống theo chánh-mạng, do nhờ tinh-tấn.
4- Paccayasannissitasīla: Giữ gìn giới khi nương nhờ dùng 4 thứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, do nhờ trí-tuệ quán triệt 4 thứ vật dụng cần thiết hằng ngày đêm.
* Giới của tu-nữ có các giới như:
-Bát-giới Uposathasīla là thường-giới suốt đời tu-nữ.
- Thập-giới của tu-nữ.
Trong quyển Pháp-hành giới nhỏ này chỉ giảng giải rộng về phần giới của người tại-gia, còn phần giới của bậc xuất-gia sa-di, tỳ-khưu có rất nhiều chi tiết, nên chỉ giảng giải tóm lược mà thôi.
Giới Của Người Tại-Gia
1-Ngũ-giới là thường-giới
Ngũ-giới (pañcasīla) là thường-giới (niccasīla) chung của tất cả mọi người trong đời, không ngoại trừ một ai cả, không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc. Tất cả mọi người đều phải giữ gìn ngũ-giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, bất luận là người có thọ trì ngũ-giới hoặc không thọ trì ngũ-giới cũng đều phải có bổn phận giữ gìn ngũ-giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, bởi vì ngũ-giới là thường-giới của tất cả mọi người trong đời.
* Nếu người nào phạm một điều-giới nào trong ngũ-giới thì người ấy đã tạo ác-nghiệp điều-giới ấy, khi ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì cho quả xấu, quả khổ, đem lại sự bất lợi, sự thoái hóa, sự khổ não trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
* Nếu người nào giữ gìn ngũ-giới của mình được trong sạch và trọn vẹn thì người ấy tạo được đại-thiện-nghiệp giữ giới, khi đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì cho quả tốt, quả an-lạc, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
* Quả khổ của người phạm giới (Dussīla ādīnava) [3]
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi làng Pāṭaligāma, dân làng Pāṭali đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy dân làng Pāṭali rằng:
- Này các người tại gia! Có 5 quả xấu, quả khổ của người phạm giới, người không có giới. 5 quả xấu, quả khổ ấy là:
- Này các người tại gia! Trong đời này, người phạm giới, người không có giới làm tiêu hao của cải tài sản lớn lao, do nhân dể duôi.
Đó là quả xấu thứ nhất của người phạm giới, người không có giới.
-Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới, có tiếng xấu bị lan truyền khắp mọi nơi.
Đó là quả xấu thứ nhì của người phạm giới, người không có giới.
- Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới, có bất-thiện-tâm e ngại, sợ sệt khi đi vào nơi hội đoàn hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Sa-môn, hội đoàn Bà-la-môn, ...
Đó là quả xấu thứ ba của người phạm giới, người không có giới.
- Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới, có ác-tâm mê muội lúc lâm chung.
Đó là quả xấu thứ tư của người phạm giới, người không có giới.
- Này các người tại gia! Sau khi người phạm giới, người không có giới chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.
Đó là quả xấu, quả khổ thứ năm của người phạm giới, người không có giới.
- Này các người tại gia! Đó là 5 quả xấu, quả khổ của người phạm giới, người không có giới như vậy.
* Quả báu của người có giới (Sīlavanta Ānisaṃsa) [4]
- Này các người tại gia! Có 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn. 5 quả báu ấy là:
1- Này các người tại gia! Trong đời này, người có giới, người giữ gìn giới được trong sạch và trọn vẹn có nhiều của cải lớn lao, do nhờ nhân không dể duôi (có trí-nhớ biết mình).
Đó là quả báu thứ nhất của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
2- Này các người tại gia! Người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn có danh thơm tiếng tốt được lan truyền khắp mọi nơi.
Đó là quả báu thứ nhì của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
3- Này các người tại gia! Người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn có đại-thiện-tâm dũng cảm, không rụt rè e thẹn khi đi vào nơi hội đoàn hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Sa-môn, hội đoàn Bà-la-môn.
Đó là quả báu thứ ba của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
4- Này các người tại gia! Người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt lúc lâm chung.
Đó là quả báu thứ tư của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
5- Này các người tại gia! Sau khi người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục-giới (cõi người, hoặc 6 cõi trời dục-giới), hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy.
- Này các người tại gia! Đó là 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn như vậy.
* Trong Chú-giải bài kinh Sakkapañhasutta, có đoạn đề cập đến những người có giới trong sạch có thể lựa chọn được cảnh tái-sinh 1 trong 6 cõi trời dục-giới:
“Parisuddhasīlā nāma chasu devalokesu yatthic-chanti, tattha nibbattanti.” [5]
Những người có giới trong sạch trọn vẹn, lúc lâm chung có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt muốn tái-sinh trên cõi trời nào trong 6 cõi trời dục-giới, thì sau khi chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi trời dục-giới ấy theo ý muốn của mình, và hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Trong 5 điều quả báu tốt lành của người giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn có điều thứ 4 và điều thứ 5 là:
-Người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn có đại-thiện-tâm tỉnh táo lúc lâm chung.
-Sau khi người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới theo ý muốn của mình, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi thiện-giới ấy cho đến hết tuổi thọ.
Như vậy, sự thật mỗi người nào đã sinh ra trong đời này, chắc chắn tiền-kiếp của người ấy có ít nhất là ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn.
Thật vậy, nếu tiền-kiếp của người phạm điều-giới nào của mình rồi, trở thành người không có giới thì không thể nào tái-sinh đầu thai làm người trong cõi người này được.
Cho nên, tất cả mọi người đã sinh làm người đều vốn có ít nhất là ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn.
Kiếp hiện-tại người có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, đó là người biết tự trọng, biết giữ gìn nhân phẩm quý báu vốn có trong con người của mình từ khi đầu thai làm người.
Những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, nhận thức rõ được 5 quả báu của người có giới trong sạch và trọn vẹn, và 5 quả khổ của người phạm giới, không có giới như vậy.
Cho nên, những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ khi đã thọ phép quy-y Tam-bảo cùng với thọ trì ngũ-giới, rồi giữ gìn ngũ-giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ gìn giới, được gọi là những người thiện-trí trong đời. Nếu người thiện-trí nào còn khuyên bảo, khuyến khích, tác động những người khác cũng nên giữ gìn ngũ-giới của họ cho được trong sạch trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ giới, thì người thiện-trí ấy được gọi là người thiện-trí hơn cả người thiện-trí trong đời.
Nghi thức xin thọ phép quy-y tam-bảo và thọ trì ngũ-giới
Thông thường, người ta làm cho thân sạch sẽ trước khi mặc bộ đồ mới, trang điểm những đồ trang sức quý giá. Cũng như vậy, người cận-sự-nam, cận-sự-nữ nên làm lễ xin sám hối Tam-bảo để cho tâm trong sạch thanh-tịnh trước khi thọ phép quy-y Tam-bảo là Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo để có Tam-bảo trang điểm ở trong tâm. Chư bậc Tiền-bối có dạy 3 bài kệ sám hối Tam-bảo như sau:
* Lễ sám hối Tam-bảo
-Lễ sám hối Đức-Phật-bảo
Uttamaṅgena vande’haṃ,
pādapaṃsuṃ varuttamaṃ.
Buddhe yo khalito doso, buddho khamatu taṃ mama.
Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ,
Bụi trần dưới bàn chân cao
thượng Đức-Phật.
Lỗi lầm nào con đã phạm đến Phật-bảo,
Cúi xin Phật-bảo xá tội ấy cho con.
(đảnh lễ một lạy)
-Lễ sám hối Đức-Pháp-bảo
Uttamaṅgena vande’haṃ,
dhammañca duvidhaṃ varaṃ.
Dhamme yo khalito doso, dhammo khamatu taṃ mama.
Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ,
Hai hạng Pháp-bảo: pháp-học
và pháp-hành.
Lỗi lầm nào con đã phạm đến Pháp-bảo,
Cúi xin Pháp-bảo xá tội ấy cho con.
(đảnh lễ một lạy)
-Lễ sám hối Đức-Tăng-bảo
Uttamaṅgena
vande’haṃ, saṃghañca duvidhuttamaṃ.
Saṃghe yo khalito doso, saṃgho khamatu taṃ mama.
\Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ,
Hai bậc
Tăng-bảo: Thánh-Tăng và phàm-Tăng.
Lỗi lầm nào con đã phạm đến Tăng-bảo,
Cúi xin Tăng-bảo xá tội ấy cho con.
(đảnh lễ một lạy)
* Bài kệ cầu nguyện
Iminā puññakammena, sabbe
bhayā vinassantu.
Nibbānaṃ adhigantuṃ hi, sabbadukkhā pamuccāmi.
Do nhờ năng lực thiện-tâm
sám hối này,
Cầu xin mọi tai hại hãy đều tiêu diệt.
Mong chứng đắc Thánh-đạo,Thánh-quả,
Niết-bàn,
Cầu mong giải thoát mọi cảnh khổ tái-sinh.
* Xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới
Ahaṃ [6] Bhante, tisaraṇena saha pañcasīlaṃ dham-maṃ yācāmi [7] , anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me [8]. Bhante.
Dutiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.
Tatiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.
- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, con xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.
Kính bạch Ngài Trưởng-lão, kính xin Ngài có tâm từ tế độ hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới cho con. Bạch Ngài.
- Kính bạch Ngài Trưởng-lão, con xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.
Kính bạch Ngài Trưởng-lão, kính xin Ngài có tâm từ tế độ hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới cho con, lần thứ nhì. Bạch Ngài.
-Kính bạch Ngài Trưởng-lão, con xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.
Kính bạch Ngài Trưởng-lão, kính xin Ngài có tâm từ tế độ hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới cho con, lần thứ ba. Bạch Ngài.
* Đảnh lễ Đức-Phật
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. (3 lần)
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. (3 lần)
* Thọ phép quy-y Tam-bảo
- Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật.
- Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp.
- Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng.
- Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật, lần thứ nhì.
- Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp, lần thứ nhì.
- Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng, lần thứ nhì.
- Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật, lần thứ ba.
- Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp, lần thứ ba.
- Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng, lần thứ ba.
NTL[9] : Tisaraṇagamanaṃ paripuṇṇaṃ. (Phép quy-y Tam-bảo trọn vẹn bấy nhiêu!)
CSN: Āma! Bhante. (Dạ, xin vâng! Bạch Ngài.)
* Thọ trì ngũ-giới
1- Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự sát-sinh.
2- Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự trộm-cắp.
3- Kāmesu micchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự tà-dâm.
4- Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự nói-dối.
5- Surā meraya majjap pamādaṭṭhānā veramaṇi-sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi.
NTL: Tisaraṇena saha pañcasīlaṃ dhammaṃ sādhukaṃ katvā appamādena sampādehi (sampādetha: có 2 người trở lên).
(Phép quy-y Tam-bảo và ngũ-giới xong rồi, con (các con) nên cố gắng giữ gìn cho được trong sạch trọn vẹn, bằng pháp không dể duôi, để làm nền tảng cho mọi thiện-pháp phát sinh.)
CSN: Āma! Bhante. (Dạ, xin vâng! Bạch Ngài.)
NTL: Sīlena sugatiṃ yanti, sīlena bhogasampadā. Sīlena nibbutiṃ yanti, tasmā sīlaṃ visodhaye.
Chúng-sinh tái-sinh cõi trời, nhờ giữ giới. Chúng-sinh đầy đủ của cải, nhờ giữ giới. Chúng-sinh được giải thoát khổ, nhờ giữ giới. Các con nên giữ giới cho được trong sạch!
CSN: Sādhu! Sādhu! (Lành thay! Lành thay!)
* Bài kệ khẳng định quy-y Tam-bảo
Natthi me
saraṇaṃ aññaṃ, Buddho me saraṇaṃ varaṃ.
Etena saccavajjena, hotu me jayamaṅgalaṃ.
Natthi me saraṇaṃ aññaṃ,
Dhammo me saraṇaṃ varaṃ.
Etena saccavajjena, hotu me jayamaṅgalaṃ.
Natthi me saraṇaṃ aññaṃ, Saṃgho me saraṇaṃ varaṃ.
Etena saccavajjena, hotu me jayamaṅgalaṃ.
Chẳng có nơi nào đáng cho
con nương nhờ,
Đức-Phật nơi nương nhờ cao thượng của con,
Do nhờ năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong
cho con được hạnh phúc cao thượng.
Chẳng có nơi nào đáng cho con nương nhờ,
Đức-Pháp nơi nương nhờ cao thượng của con,
Do nhờ năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong cho con được hạnh phúc cao thượng.
Chẳng có nơi nào đáng cho con nương nhờ,
Đức-Tăng nơi nương nhờ cao thượng của con,
Do nhờ năng lực của lời chân thật này,
Cầu mong cho con được hạnh phúc cao thượng.
Chi-pháp của mỗi điều-giới
Nếu người nào hội đủ các chi-pháp của điều-giới ấy thì người ấy đã phạm điều-giới ấy, nếu thiếu chi-pháp nào trong các điều-giới ấy thì không gọi là phạm điều-giới ấy.
Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
- Pāṇātipātā: Pāṇā + atipātā.
- Atipātā: Rơi mau, lìa mau.
- Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ.
- Veramaṇī: Tác-ý tránh xa.
- Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
- Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Thật ra, tất cả chúng-sinh đều chết cả thảy không ngoại trừ một ai cả. Mỗi chúng-sinh chết do hết tuổi thọ, do mãn nghiệp hỗ trợ, do hết tuổi thọ và mãn nghiệp hỗ trợ, đó gọi là chết đúng thời (kālamaraṇa).
Trường hợp chúng-sinh có thể duy trì, kéo dài sinh-mạng thêm cho đến hết tuổi thọ, đến mãn nghiệp hỗ trợ…nhưng chúng-sinh ấy bị người khác giết hại, cắt đứt dòng sinh-mạng trước thời gian hạn định tuổi thọ của chúng-sinh ấy, gọi là pāṇātipātā: giết hại chúng-sinh.
Nếu người nào có tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm giết hại chúng-sinh hợp đủ chi-pháp của điều-giới sát-sinh thì người ấy phạm điều-giới sát-sinh.
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự sát-sinh.
Chi-pháp phạm điều-giới sát-sinh
1- Chúng-sinh có sinh-mạng (pāṇo).
2- Biết rõ
chúng-sinh có sinh-mạng (pāṇasaññitā).
3-Tâm nghĩ giết hại chúng-sinh (vadhakacittaṃ).
4-Cố gắng giết hại chúng-sinh (payogo).
5-Chúng-sinh ấy chết do sự cố gắng (tena maraṇaṃ).
Nếu người nào có đầy đủ 5 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới sát-sinh. Nếu không đủ 5 chi-pháp thì không phạm điều-giới sát-sinh.
Sát hại chúng-sinh nghĩa là gì?
Chúng-sinh còn có sinh-mạng, có nhiều loại chúng-sinh khác nhau, dù lớn dù nhỏ mỗi chúng-sinh cũng đều có sinh-mạng.
Sinh-mạng này phát sinh do nghiệp, còn các loài thực vật, cây cỏ, núi non, v.v… đều không có sinh-mạng.
Mỗi loài chúng-sinh được gọi tên, được biết qua những danh từ chế-định thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) bằng mỗi danh từ ngôn ngữ, tiếng nói khác nhau, nhưng đúng theo sự-thật chân-nghĩa-pháp (paramatthasacca) thì chỉ có 3 pháp là tâm, tâm-sở, sắc-pháp mà thôi.
Danh từ gọi “chúng-sinh còn sinh-mạng” do căn cứ vào ngũ-uẩn: sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn của mỗi chúng-sinh ấy, nhưng đúng theo sự-thật chân-nghĩa-pháp thì chỉ có sắc-pháp (rūpadhamma) và danh-pháp (nāmadhamma) mà thôi.
- Sắc-uẩn thuộc về sắc-pháp đó là phần thân.
- Thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn thuộc về danh-pháp đó là phần tâm.
Chúng-sinh còn sinh-mạng có đủ thân và tâm, trong thân có sắc-mạng-chủ (jīvitindriyarūpa) và trong tâm có danh-mạng-chủ (jīvitindriyanāma).
* Sắc-mạng-chủ (jīvitindriyarūpa) thuộc về sắc-pháp có trạng-thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, có phận sự bảo hộ, duy trì thân trong mỗi kiếp chúng-sinh.
* Danh-mạng-chủ (jīvitindriyacetasika) thuộc về tâm-sở đồng sinh với tâm có trạng-thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng theo các lộ-trình-tâm, có phận sự bảo hộ danh-pháp (tâm và tâm-sở) từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thủy trải qua vô số kiếp quá-khứ đến kiếp hiện-tại, dù cho mỗi kiếp thay đổi do năng lực của nghiệp và quả của nghiệp, thì danh-mạng-chủ vẫn có phận sự bảo hộ danh-pháp (tâm và tâm-sở) của chúng-sinh ấy.
* Nếu chúng-sinh ấy chết thì danh-mạng-chủ đó là tâm-sở đồng sinh với tâm rời khỏi thân. Thân không còn sắc-mạng-chủ, nên thân trở thành thi thể, xác chết.
Như vậy, người sát hại chúng-sinh đúng theo sự thật chân-nghĩa-pháp (paramatthasacca) đó chỉ là cắt đứt sắc-mạng-chủ (jīvitindriyarūpa) thuộc về sắc-pháp của kiếp chúng-sinh ấy mà thôi.
Còn danh-mạng-chủ (jīvitindriyacetasika) thuộc về danh-pháp có trạng-thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, thay đổi do năng lực nghiệp và quả của nghiệp trong mỗi kiếp, nên danh-mạng-chủ không thể bị cắt đứt được.
* Một con ếch sống dưới hồ Gaggarā nhảy lên nghe giọng phạm âm của Đức-Phật. Khi ấy, một người chăn bò đến đứng chống cây lắng nghe pháp, vô ý đụng phải ngay cái đầu con ếch chết tại chỗ.
Sau khi con ếch chết, phước-thiện hoan hỷ giọng phạm âm của Đức-Phật, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam tên Maṇḍūkadevaputta [10] có hào quang sáng ngời trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, trong lâu đài nguy nga tráng lệ có các thiên-nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy.
* Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna bị bọn cướp đánh tan xương nát thịt, chúng tưởng Ngài Đại-Trưởng-lão đã chết nên đem ném Ngài vào bụi cây rồi bỏ đi. Ngài Đại-Trưởng-lão vận dụng phép-thần-thông gắn thân thể lại rồi bay đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, xin phép tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Như vậy, người sát-hại chúng-sinh là người cắt đứt sắc-mạng-chủ thuộc về sắc-pháp trong thân của kiếp chúng-sinh ấy. Còn danh-mạng-chủ thuộc về danh-pháp vẫn sinh rồi diệt liên tục kiếp kế-tiếp, rồi từ kiếp này sang kiếp kia trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh.
Khi bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới, thì đồng thời danh-mạng-chủ tâm-sở đồng diệt với tâm, chấm dứt phận sự bảo hộ danh-pháp (tâm và tâm-sở), bởi vì bậc Thánh A-ra-hán không còn tái-sinh kiếp sau nữa.
Tác-ý ác-tâm giết hại chúng-sinh có 2 cách:
- Bằng thân: Tự chính mình giết hại chúng-sinh ấy.
- Bằng khẩu: Sai khiến người khác giết chúng-sinh ấy.
Cố gắng giết hại chúng-sinh có 6 cách: 1-Tự mình giết hại chúng-sinh.
3- Phóng lao, ném dao, bắn tên, bắn súng v.v… làm cho chúng-sinh ấy chết.
4- Người làm ra những thứ vũ khí để giết hại chúng-sinh có tính cách lâu dài như đào hầm, đặt bẫy, rèn gươm giáo, đúc súng đạn, bom, thuốc độc, v.v… Hễ khi nào có người sử dụng những thứ vũ khí ấy, thuốc độc ấy để giết hại chúng-sinh, thì người làm ra những thứ vũ khí ấy, thuốc độc ấy phạm điều-giới sát-sinh, bởi vì, người ấy có tác-ý trong ác-tâm giết hại chúng-sinh có tính cách lâu dài.
5- Sử dụng bùa chú, phù phép, trù ếm, v.v… làm cho chúng-sinh ấy chết.
6- Sử dụng phép thuật của mình giết hại chúng-sinh.
Ác-nghiệp nặng -nhẹ của điều-giới sát-sinh
* Chúng-sinh có thân hình lớn -nhỏ
- Nếu người giết hại chúng-sinh có thân hình nhỏ như con kiến, con muỗi, con ruồi, v.v… thì tạo ác-nghiệp nhẹ vì cố gắng ít.
* Chúng-sinh có giới đức -không giới đức
- Nếu người giết hại người có giới thì tạo ác-nghiệp nặng hơn giết hại người không có giới.
- Nếu người giết hại bậc Thánh-nhân thì tạo ác-nghiệp nặng hơn giết hại hạng phàm-nhân.
- Nếu người giết hại Thánh-nhân bậc cao thì tạo ác-nghiệp nặng hơn giết hại Thánh-nhân bậc thấp.
- Nếu người nào giết bậc Thánh A-ra-hán, giết cha, giết mẹ của mình, thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng nhất vì thuộc về ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội (ānantariya-kamma).
Người tự sát có phạm điều-giới sát-sinh hay không?
1- Chúng-sinh có sinh-mạng (pāṇo)(mình).
2- Biết rõ chúng-sinh có sinh-mạng (pāṇasaññitā) (Chi-pháp này ám chỉ đến chúng-sinh khác, không phải chính mình).
3- Tâm nghĩ giết hại chúng-sinh (vadhakacitta).
4- Cố gắng giết hại chúng-sinh (payogo) (cố gắng tự sát, tự giết mình).
5- Chúng-sinh ấy chết do sự cố gắng ấy (tena maraṇaṃ) (mình chết do sự cố gắng của mình).
Xét trong 5 chi-pháp của điều-giới sát-sinh này, chi pháp thứ nhì “pāṇasaññitā”: “biết rõ chúng-sinh ấy có sinh-mạng” này ám chỉ đến chúng-sinh khác, không phải chính mình.
Cho nên, người tự sát không phạm điều-giới sát-sinh.
Ví dụ: Trường hợp Ngài Trưởng-lão Channa dùng dao cắt cổ tự sát, trước khi chết Ngài Trưởng-lão thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, đồng thời tịch diệt Niết-bàn, gọi là bậc Thánh A-ra-hán Jīvita-samasīsi (A-ra-hán Thánh-quả đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới).
Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha. Khi ấy, Ngài
Trưởng-lão Channa bị lâm bệnh nặng trầm trọng, vô cùng đau đớn không thể kham nhẫn nổi.
Vào buổi chiều, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta và Ngài Trưởng-lão Mahācunda đến thăm hỏi bệnh tình của Ngài Trưởng-lão Channa.
-Này hiền đệ Channa! Hiền đệ có kham nhẫn nổi thọ khổ không?
Tứ đại của hiền đệ có được điều hòa không?
Thọ khổ của hiền đệ giảm bớt chứ không tăng có phải không?
Bệnh tình giảm rõ ràng chứ không tăng có phải không?
-Kính thưa Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, đệ không thể kham nhẫn nổi thọ khổ.
Tứ đại của đệ không điều hòa được.
Thọ khổ của bệnh không thuyên giảm mà lại tăng lên. Bệnh tình tăng lên rõ ràng, mà không giảm bớt. Bạch Ngài Đại-Trưởng-lão.
-Kính thưa Ngài Đại-Trưởng-lão:
Ví như một người đàn ông mạnh mẽ dùng cây sắt nhọn bén đâm vào đầu như thế nào, bệnh phong (gió) cực kỳ khủng khiếp đâm xoáy vào đầu của đệ cũng như thế ấy.
Ví như một người đàn ông lực lưỡng dùng sợi dây bằng da dẻo dai, bền chắc, siết chặt cái đầu như thế nào, bệnh phong cực kỳ khủng khiếp siết chặt cái đầu của đệ cũng như thế ấy.
Ví như người giết bò hoặc người phụ của người giết bò, dùng con dao mổ bụng con bò như thế nào, bệnh phong cực kỳ khủng khiếp đâm xoáy vào bụng của đệ cũng như thế ấy.
Ví như hai người đàn ông lực lưỡng, mỗi người một bên nắm tay chân của người ốm yếu đặt lên hầm lửa đang cháy, nướng người ấy nóng bỏng như thế nào, sự nóng trong thân của đệ còn hơn thế ấy.
-Kính thưa Ngài Đại-Trưởng-lão, đệ không thể kham nhẫn nổi thọ khổ.
Tứ đại của đệ không điều hòa được.
Thọ khổ của bệnh không thuyên giảm mà lại tăng lên. Bệnh tình tăng lên rõ ràng, mà không giảm bớt. Bạch Ngài Đại-Trưởng-lão.
- Kính thưa Ngài Đại-Trưởng-lão, đệ sẽ lấy con dao tự cắt cổ mình, đệ không còn muốn sống để phải chịu nỗi đau đớn khủng khiếp như thế này nữa.
- Này hiền đệ Channa! Hiền đệ nên dùng thuốc chữa trị. Hiền đệ hãy dùng thuốc chữa trị để duy trì sinh-mạng, chúng tôi muốn hiền đệ dùng thuốc chữa trị để duy trì sinh-mạng.
Nếu vật thực không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ tìm vật thực thích hợp.
Nếu thuốc trị bệnh không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ tìm thứ thuốc thích hợp.
Nếu người nuôi bệnh không thích hợp với hiền đệ thì tôi sẽ làm người nuôi bệnh lo săn sóc hiền đệ.
Xin hiền đệ chớ nên dùng dao tự sát.
Tiếp theo Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta nhắc nhở Ngài Trưởng-lão Channa về các pháp như 6 thức-tâm với 6 đối-tượng và liên quan đến các pháp: tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến chấp-thủ và không chấp-thủ do bởi tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến.
“Đối với người không còn có tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến, thì tâm của bậc ấy không bao giờ bị lay chuyển,…”
Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Channa không thể kham nhẫn nổi sự đau đớn vô cùng khủng khiếp của bệnh phong ấy nên Ngài Trưởng-lão dùng con dao tự cắt cổ mình để thoát khỏi nỗi thọ khổ ấy.
Ngài Trưởng-lão vẫn còn là phàm-nhân có giới trong sạch và trọn vẹn, nên trước khi chết, Ngài Trưởng-lão thực-hành pháp-hành thiền-tuệ liền dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đồng thời tịch diệt Niết-bàn gọi là “Bậc Thánh A-ra-hán Jīvitasamasīsi” (nghĩa là khi chứng đắc A-ra-hán Thánh-quả đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới).
Sau khi Ngài Trưởng-lão Channa đã tự mình cắt cổ chết, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đến hầu Đức-Phật tại ngôi chùa Veḷuvana bạch hỏi về kiếp sau của Ngài Trưởng-lão Channa như thế nào?
Đức-Phật dạy rằng:
“Tỳ-khưu Channa đã chứng đắc A-ra-hán Thánh-quả đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.”
“Tự sát không phạm điều-giới sát-sinh.”
Sự thật, kiếp này là kiếp chót của Ngài Trưởng lão Channa, nên Ngài chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán rồi mới tịch diệt Niết-bàn.
Cho nên, người tự sát không phạm điều-giới sát-sinh, bởi vì thiếu chi-pháp thứ nhì là “pāṇasaññitā”: biết rõ chúng-sinh có sinh-mạng (nghĩa là chính mình biết rõ chúng-sinh khác có sinh-mạng).
* Tuy người tự sát không phạm điều-giới sát-sinh, nhưng nếu người tự sát do sân-tâm chán đời, tuyệt vọng không muốn sống trên đời này nữa thì sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp trong sân-tâm ấy có cơ hội cho quả thì tái-sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của nghiệp ấy mới thoát khỏi cõi ác-giới ấy.
“Evameva kho bhikkhave citte saṅkiliṭṭhe duggatiṃ paṭikaṅkhā.” [12]
- Này chư tỳ-khưu! Như vậy, khi lâm chung ác-tâm do phiền-não ô nhiễm sẽ tái-sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.
Những trường hợp liên quan đến sự chết
Ví dụ: Trong bộ Visuddhimagga: Thanh-Tịnh-Đạo phần Sīlaniddesa, Ngài Trưởng-lão hành đạo sống ở trong rừng.
Khu rừng chẳng may xảy ra vụ hỏa hoạn, đám cháy dần dần lan đến chỗ Ngài Trưởng-lão, Ngài suy xét rằng:
“Nếu ta muốn lánh khỏi nạn chết thiêu thì phải làm cho sợi dây rừng bị đứt, ta sẽ bị phạm điều-giới pācittiya.
Sự chết là điều chắc chắn sẽ xảy đến với ta, không sao tránh khỏi được (nghĩa là tránh khỏi chết hôm nay, sau này cũng phải chết).
Thà rằng, hôm nay ta chịu hy sinh sinh-mạng, quyết giữ gìn giới mà Đức-Phật đã chế định đến tỳ-khưu.”
* Để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung và 10 pháp-hạnh bậc thượng.
Để thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hy sinh sinh-mạng của mình để thành-tựu pháp-hạnh ba-la-mật ấy.
Sự hy sinh sinh-mạng của chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác vì mục đích cao thượng, để thành đạt ý nguyện trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác với đại-thiện-tâm thiện chí trong sạch và cao cả, thì không thể gọi là phạm điều-giới sát-sinh.
Như vậy, dù là người tự sát, hoặc Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác hy sinh sinh-mạng, vẫn không phạm điều-giới sát-sinh, bởi vì không hợp đủ 5 chi-pháp của điều-giới sát-sinh.
Trường hợp phạm điều-giới sát-sinh -không phạm điều-giới sát-sinh
Vấn: Một người đi chợ mua thịt hay cá chết đem về làm đồ ăn có phạm điều-giới sát-sinh hay không?
Đáp: Căn cứ theo 5 chi-pháp phạm điều-giới sát-sinh, thì không có một chi-pháp nào cả.
Vậy người ấy không phạm điều-giới sát-sinh.
Vấn: Trong 2 trường hợp sau đây, người mua thịt cá có phạm điều-giới sát-sinh hay không?
* Một người đi chợ đến hàng bán tôm, cá; người ấy không chịu mua những con tôm, cá đã chết, mà chọn lấy những con tôm, cá còn sống, bảo người bán hàng làm thịt những con tôm, cá ấy rồi mua đem về làm đồ ăn.
* Một người đi chợ đến hàng bán thịt gà, không chịu mua thịt gà đã làm sẵn, mà chỉ vào con gà đang còn sống, bảo với người bán hàng rằng:
Ông (bà) hãy làm thịt con gà kia bán cho tôi.
Đáp: Căn cứ theo 5 chi-pháp phạm điều-giới sát-sinh, thì hội đủ cả 5 chi-pháp. Cho nên, trong 2 trường hợp này, người bán phạm điều-giới sát-sinh và người mua cũng phạm điều-giới sát-sinh.
Vấn: Một người làm bếp đi chợ mua những con cá còn sống, con gà còn sống, đem về làm món ăn cho ngon miệng người chủ.
Vậy, người làm món ăn và người chủ dùng món ăn, người nào phạm điều-giới sát-sinh, tạo ác-nghiệp ?
Đáp: Căn cứ theo 5 chi-pháp phạm điều-giới sát-sinh, người làm bếp giết cá, giết gà làm món ăn cho chủ; người làm bếp ấy phạm điều-giới sát-sinh, tạo ác-nghiệp sát-sinh, vì hội đầy đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới sát-sinh.
* Trường hợp người chủ bảo người làm bếp phải mua cá còn sống, gà còn sống về làm món ăn cho mình, thì người chủ cũng phạm điều-giới sát-sinh, tạo ác-nghiệp sát-sinh.
* Trường hợp người chủ chẳng hay biết gì về người làm bếp giết cá, giết gà, chỉ có biết dùng những món ăn mà người làm bếp dọn lên bàn mà thôi, thì người chủ không phạm điều-giới sát-sinh, vì không có chi-pháp nào trong 5 chi phạm điều-giới sát-sinh.
Vấn: Một người vô ý đóng cửa làm chết một con thằn lằn nằm ngay ngạch cửa. Người ấy có phạm điều-giới sát-sinh hay không?
Đáp: Người ấy không phạm điều-giới sát-sinh, vì thiếu chi-pháp tác-ý tâm-sở trong ác-tâm giết hại chúng-sinh.
Vấn: Một người tức giận con chó, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm muốn đánh chết con chó, nhưng nó không chết mà chỉ bị thương nặng mà thôi.
Lần sau, người ấy lại đánh đuổi con chó ấy, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm làm cho nó sợ bỏ đi, nhưng chẳng may đụng nhằm vào vết thương cũ làm cho con chó ấy chết.
Vậy, người ấy phạm điều-giới sát-sinh trong lần thứ nhất hay lần thứ nhì?
Đáp: Người ấy đã phạm điều-giới sát-sinh trong lần thứ nhất, không phải ở lần thứ nhì, bởi vì, lần thứ nhì người ấy đánh đuổi con chó, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm làm cho con chó sợ bỏ chạy đi, mà không có tác-ý tâm-sở đồng sinh với ác-tâm giết hại con chó, v.v…
Phạm điều-giới sát-sinh tạo ác-nghiệp trọng-tội
Người nào phạm điều-giới sát-sinh như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, người ấy đã tạo ác-nghiệp trọng-tội thuộc về loại nghiệp ānantariyakamma: ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội.
Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu khổ suốt thời gian lâu dài, mà không có một nghiệp nào có khả năng ngăn cản, làm gián đoạn được ác-nghiệp ấy.
Những trường hợp giết cha, giết mẹ, giết bậc thánh A-ra-hán
Mặc dù vậy, người con vẫn phạm tội giết cha (giết mẹ), bởi vì người con luôn luôn ân hận vì đã giết nhầm cha (mẹ) của mình.
Khi trưởng thành, người ấy không biết ai là cha, ai là mẹ của mình.
Nếu người ấy giết một người đàn bà mà người ấy không biết bà ấy là mẹ của mình, hoặc giết một người đàn ông mà người ấy không biết ông ấy là cha của mình, nhưng về sau, người con được biết người đàn ông ấy là cha, người đàn bà ấy là mẹ của mình thì người con vẫn phạm tội giết cha (giết mẹ), bởi vì người con luôn luôn ân hận vì đã giết nhầm cha (mẹ) của mình.
* Người cha biến đổi trở thành nữ giới, người mẹ biến đổi trở thành nam giới. Nếu người con giết người đàn bà (trước kia là cha) hoặc giết người đàn ông (trước kia là mẹ) thì người con vẫn phạm tội giết cha hoặc giết mẹ.
Những trường hợp như:
- Người con là loài người, còn cha là loài súc-sinh và mẹ là loài người (trường hợp công tử Sīhabāhu xứ Srilanka, là con của một Công-chúa và một Sư tử chúa).
- Người con là loài người, còn mẹ là loài súc-sinh và cha là loài người (trường hợp Đạo-sĩ Migasinga là con của con nai và một vị Đạo-sĩ).
- Con là loài súc-sinh, cha mẹ là loài súc-sinh.
Trong 3 trường hợp trên, người con giết cha là loài súc-sinh, giết mẹ là loài súc-sinh, và con là loài súc-sinh giết cha mẹ cũng là loài súc-sinh, cả 3 trường hợp này người con đã tạo ác-nghiệp nặng sát-sinh mà không gọi là ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội.
* Một người đánh đập hành hạ một hành-giả còn là phàm-nhân đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ bị thương nặng. Hành-giả ấy tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đồng thời tịch diệt Niết-bàn, bởi vì bị thương nặng.
Người đánh đập hành hạ ấy phạm tội giết bậc Thánh A-ra-hán, thuộc về ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội.
Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu khổ suốt thời gian lâu dài.
Thuốc diệt vi-khuẩn – vi-trùng
Trong số 28 sắc-pháp, sắc-mạng-chủ (jīvitindriya-rūpa) phát sinh do nghiệp. Các loài vi-khuẩn, vi-trùng, các loài cây cỏ phát sinh do utu: thời tiết và āhāra: vật thực,… Do đó, diệt vi-khuẩn, diệt vi-trùng, chặt cây, cỏ không phạm điều-giới sát-sinh.
Thật ra, khi tái-sinh đầu thai vào lòng mẹ đầu tiên, có đại-quả-tâm tái-sinh đầu thai cùng với 3 sắc-pháp là sắc-thân (kāya), sắc-nam-tính hoặc sắc-nữ-tính (bhava) và hadayavatthu: sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm, nơi nương nhờ của đại-quả-tâm.
Như vậy, ngay khi đầu thai đã hình thành một chúng-sinh còn rất nhỏ, có đủ ngũ-uẩn (3 sắc-pháp thuộc sắc-uẩn, đại-quả-tâm tái-sinh gồm có 4 danh-uẩn).
Phạm điều-giới sát-sinh này rất vi-tế, cũng rất đa dạng, nên tìm hiểu trong Tạng-Luật phần giới pārājika: bất cộng trụ của tỳ-khưu.
Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
- Adinnādānā: A + dinna + ādānā
- Dinna: Của cải, tài sản mà chủ nhân cho.
- Ādānā: Lấy, chiếm đoạt.
- Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ
- Veramaṇī: Tác-ý tránh xa.
- Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
- Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Người lấy, chiếm đoạt của cải, tài sản mà người chủ không cho, bằng cách trộm-cắp, cướp giật, lường gạt, đánh tráo, v.v… đều bị phạm điều-giới trộm-cắp.
Nghĩa toàn câu:
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự trộm-cắp.
Chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp
1- Của cải có chủ giữ gìn (parapariggahitaṃ).
2- Biết rõ của cải có chủ giữ gìn (parapariggahita-saññitā).
3- Tâm nghĩ trộm-cắp (theyyacittaṃ). 4-Cố gắng trộm-cắp (payogo).
5-Lấy được của cải ấy do sự cố gắng (avahāro).
Tác-ý bất-thiện-tâm trộm-cắp có 2 cách:
- Bằng thân: Tự mình chiếm đoạt của cải người khác.
Cố gắng trộm-cắp có 6 cách:
3- Ném hàng hóa, đồ đạc qua các trạm thu thuế, cửa khẩu, … để trốn thuế.
4- Sai khiến người rằng: “Chờ có cơ hội hãy trộm-cắp của cải ấy” không hạn định thời gian.
6- Dùng thần thông lấy nước hồ để uống (trường hợp vị sa-di xin nước hồ để uống, Long-vương giữ hồ không cho; vị sa-di này dùng thần thông để lấy nước hồ uống).
Trường hợp này không gọi là trộm-cắp, vì người chủ là Long-vương giữ hồ và lượng nước hao tốn quá ít.
Ác-nghiệp nặng -nhẹ của điều-giới trộm-cắp
- Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản có giá trị ít thì ác-nghiệp nhẹ.
- Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản có giá trị nhiều thì ác-nghiệp nặng.
- Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của người tại gia gia thì ác-nghiệp nhẹ.
- Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của bậc xuất gia thì ác-nghiệp nặng.
- Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của cá nhân thì ác-nghiệp nhẹ.
- Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của chung, của nhà nước thì ác-nghiệp nặng.
- Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của hạng phàm-nhân thì ác-nghiệp nhẹ.
- Nếu người trộm-cắp tài sản của bậc Thánh-nhân bậc càng cao thì ác-nghiệp càng nặng.
- Nếu người trộm-cắp tài sản của bậc Thánh A-ra-hán thì ác-nghiệp càng nặng hơn.
- Nếu người trộm-cắp tài sản của chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng thì tội nặng nhất.
25 Cách trộm-cắp
1- Nānābhaṇḍa pañcaka: Trộm-cắp các của cải, tài sản nhiều loại, có 5 cách:
Trường hợp này người có mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người chủ mà không liên quan đến nợ nần, tài sản thế chấp, mà đó chỉ là mưu đồ muốn làm chủ đất đai tài sản hoặc nhà cửa người khác.
Việc ra tòa xét xử lâu ngày khiến cho người chủ nản lòng, có ý nghĩ buông bỏ tài sản ấy rằng:
“Tài sản của ta, chắc chắn sẽ thuộc về của người khác rồi.”
1.2-Haraṇa adinnādāna: Một người làm thuê mang của cải người khác đến một nơi đã định. Trong khi đang mang của cải đi trên đường, người ấy phát sinh tâm-tham, muốn chiếm đoạt làm của mình. Khi tâm nghĩ trộm-cắp phát sinh, người ấy chỉ cần di chuyển của cải ấy rời khỏi chỗ cũ chút đỉnh, ví dụ như từ vai phải sang vai trái, hoặc từ tay phải sang tay trái.
Như vậy, người làm thuê mang của cải ấy hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.
1.3-Avaharaṇa adinnādāna: Ông A nhận giữ hộ của cải của ông B; về sau, ông B đến gặp ông A xin lấy lại những thứ của cải mà trước đây ông B đã gửi gắm nhờ ông A giữ hộ. Ông A có tâm tham muốn chiếm đoạt của cải của ông B nên ông A đã phủ nhận rằng:
“Tôi chưa bao giờ nhận giữ hộ của cải của ông.”
“Của cải mà ta đem gởi cho ông A giữ hộ trước kia, bây giờ xem như đã mất rồi.”
1.4-Iriyāpatha vikopana adinnādāna: Chủ nhân đang ngồi hoặc đang nằm, hoặc đang đứng,… tại nơi của cải, tài sản của mình. Người trộm cướp muốn chiếm đoạt số của cải, tài sản ấy, nên đã hăm dọa người chủ nhân phải rời khỏi nơi ấy để y chiếm đoạt của cải ấy.
Khi bắt buộc chủ nhân phải rời khỏi nơi ấy, dù 1 -2 bước thì người trộm cướp ấy hội đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.
1.5-Ṭhānācāvana adinnādāna: Các báu vật mà chủ nhân đặt để một nơi, kẻ trộm cướp nhìn thấy, phát sinh tâm tham, muốn trộm-cắp báu vật ấy.
2- Ekabhanda pañcaka: Trộm-cắp những sinh vật có sinh-mạng, có 5 cách:
Đến khi chủ nhân của các loài gia súc kia nản lòng buông bỏ và nghĩ rằng:
“Đàn gia súc của ta chắc chắn sẽ thuộc về người khác.”
điều-giới trộm-cắp.
2.2-Haraṇa adinnādāna: Một người làm thuê dắt con bò đi đến một nơi đã định. Trên đường đi, người ấy phát sinh tâm tham, muốn chiếm đoạt con bò ấy trở thành của mình.
Sau khi suy nghĩ xong, người ấy chỉ cần dắt bò đi theo con đường khác hoặc có ý trao từ tay này sang tay khác.
Như vậy, người làm thuê ấy đã hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.
2.3-Avaharaṇa adinnādāna: Ông A nhận giữ hộ con bò của ông B. Về sau, ông B đến gặp ông A xin nhận lại con bò mà trước đây ông đã nhờ ông A giữ hộ, nhưng ông A có tâm tham, muốn chiếm đoạt con bò của ông B, nên ông A đã phủ nhận rằng:
“Tôi chưa bao giờ nhận giữ hộ con bò của ông.”
“Chắc chắn ta không thể lấy lại con bò được.”
2.4-Iriyāpatha vikopana adinnādāna: Người, hoặc trâu, bò, … đang đi, đứng, nằm, tại một địa điểm nào đó; người có tâm tham muốn bắt cóc người để vụ lợi, hoặc bắt trộm trâu, bò dắt đi bán.
Khi người, hoặc trâu, bò chỉ cần bị di chuyển 1 -2 bước khỏi nơi ấy mà thôi, người ấy đã hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp.
2.5-Ṭhānācāvana adinnādāna: Chủ nhân đang nhốt trâu, bò ở trong chuồng. Người có tâm tham, muốn dắt trộm trâu, bò ra khỏi chuồng.
3- Sahatthika pañcaka: Chính tự mình trộm-cắp, có 5 cách:
3.1-Sahatthika adinnādāna: Chính tự mình trộm-cắp của cải, tài sản của người khác.
3.2-Āṇattika adinnādāna: Sai khiến người khác đi trộm-cắp của cải, tài sản của người khác. Và người bị sai đi đã trộm-cắp của cải, tài sản ấy.
Như vậy, người sai khiến hợp đủ 5 chi-pháp phạm điều-giới trộm-cắp và người bị sai cũng phạm điều-giới trộm-cắp.
3.3-Nissaggiya adinnādāna: Giấu hàng hóa để trốn thuế.
3.4-Atthasādhaka adinnādāna: Người ra lệnh cho nhóm thuộc hạ tay sai đi trộm-cắp của cải của người khác, nếu khi có cơ hội, không hạn định thời gian. Và nhóm thuộc hạ đã đi trộm-cắp của cải ấy.
Như vậy, người ra lệnh phạm điều-giới trộm-cắp và nhóm thuộc hạ cũng phạm điều-giới trộm-cắp.
3.5-Dhuranikkhepa adinnādāna: Người vay mượn tiền của người khác, hoặc nhận lãnh cất giữ tài sản của cải của người khác. Khi người chủ nhân đến đòi nợ, hoặc xin nhận lại tài sản của cải đã gửi gắm. Người vay mượn (con nợ) hoặc người nhận lãnh cất giữ của cải từ chối rằng:
“Tôi không hề vay mượn tiền của của ông, hoặc tôi không hề nhận lãnh cất giữ tài sản của cải cho ông.”
“Tiền của, hoặc tài sản của cải của ta chắc chắn đã bị người ấy chiếm đoạt rồi.”
4- Pubbapayoya pañcaka: Phạm điều-giới trộm-cắp trước khi lấy trộm tài sản, của cải của người khác, có 5 cách:
4.1-Pubbapayoga adinnādāna: Người ra lệnh cho người khác đi trộm-cắp rằng:
“Bằng mọi cách ngươi phải trộm-cắp cho được của cải ấy.”
4.2-Sahapayoya adinnādāna: Người nào phát sinh tâm trộm-cắp tài sản, của cải của người khác, đồng thời cố gắng di chuyển tài sản, của cải ra khỏi chỗ cũ. Người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.
Người nào phát sinh tâm gian lận, lấn chiếm đất đai của người khác, đồng thời cố gắng dời cột mốc ranh giới sang phần đất của người bên cạnh. Người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.
4.3-Saṃvidāvahāra adinnādāna: Một nhóm người (từ 2 người trở lên) hợp thành nhóm cùng nhau đi trộm cướp. Trong nhóm người ấy, nếu có một người nào trộm cướp được của cải, tài sản của người khác thì cả nhóm người ấy đều phạm điều-giới trộm-cắp.
4.4-Saṅketakamma adinnādāna: Người sai khiến bọn thuộc hạ đi trộm-cắp, có quy định thời gian rõ ràng, ví dụ vào lúc nửa đêm 24 giờ chẳng hạn.
- Nếu bọn thuộc hạ thực hiện hành động trộm-cắp vào lúc thời gian sớm hoặc muộn hơn thời gian quy định (trước hoặc sau 24 giờ) thì người sai khiến không phạm điều-giới trộm-cắp, chỉ có bọn thuộc hạ phạm điều-giới trộm-cắp mà thôi.
4.5-Nimittakamma adinnādāna: Người sai khiến bọn thuộc hạ đi trộm-cắp, theo hiệu lệnh như vỗ tay, huýt gió, … để thực hiện hành động trộm-cắp.
- Nếu bọn thuộc hạ thực hiện hành động trộm-cắp mà không theo hiệu lệnh đã quy định thì người sai khiến không phạm điều-giới trộm-cắp, chỉ có bọn thuộc hạ phạm điều-giới trộm-cắp mà thôi.
5- Theyyāvahāra pañcaka: Trộm-cắp bằng cách lừa bịp, có 5 cách:
5.1-Theyyāvahāra adinnādāna: Người bán hàng cân hàng hóa thiếu, bán đồ giả, buôn bán hàng lậu, trốn thuế, … người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.
5.2-Pasayhāra adinnādāna: Người dùng vũ khí (súng, dao, …) để hăm dọa người khác, bắt buộc người khác phải trao của cải, vàng bạc, … Người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.
5.3-Parikappāvahāra adinnādāna: Người muốn trộm-cắp một thứ nào đó, dù đã được thứ ấy hoặc được một thứ nào khác, mà vẫn hài lòng thì người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.
5.4-Paṭicchannāvahāra adinnādāna: Một người vào nhà người khác nhìn thấy món đồ quý giá (nhẫn kim cương, hột xoàn, v.v…) mà người chủ để trên bàn. Người ấy phát sinh tâm tham, muốn chiếm đoạt món đồ ấy trở thành của mình, nên đã lấy món đồ ấy đem giấu kín một nơi khác, chờ cơ hội người chủ đi khỏi nơi đó mới lấy món đồ ấy đem đi.
Trong khi lấy món đồ ấy đem giấu kín một nơi, người ấy chưa phạm điều-giới trộm-cắp.
Đến khi người chủ tìm không thấy món đồ của mình, do công việc gấp phải đi khỏi nơi đó và có ý định sau khi xong công việc sẽ trở lại tìm kỹ hơn.
Khi người chủ rời khỏi nơi đó rồi, người trộm-cắp lấy món đồ ấy, người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.
5.5-Kusāvahāra adinnādāna: Trộm-cắp lấy món đồ quý giá của người khác rồi thay thế vào đó món đồ không giá trị của mình.
Người có tâm tham thay đổi món đồ xấu lấy đồ tốt, hoặc thay đổi tên của mình thế vào chỗ tên của người khác, … người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.
Phạm điều-giới -không phạm điều-giới trộm-cắp
-Nếu người có tác-ý trong bất-thiện-tâm hợp đủ 5 chi pháp của điều-giới trộm-cắp thì phạm điều-giới trộm-cắp. Nếu có tác-ý trong bất-thiện-tâm mà không đủ chi-pháp của điều-giới trộm-cắp thì không phạm điều-giới trộm-cắp.
Vậy, người ấy đã phạm điều-giới trộm-cắp.
Nhưng khi nhìn thấy con mèo bắt con gà còn sống, người ấy bắt buộc con mèo thả con gà ra để cứu mạng con gà, không cho con mèo ăn thịt con gà.
Vậy, người ấy không phạm điều-giới trộm-cắp mà còn tạo được phước-thiện cứu mạng.
Trường hợp ông Bà-la-môn Doṇa, người đứng ra làm trung gian phân chia Xá-lợi của Đức-Phật Gotama cho các nước lớn; Đức-vua mỗi nước thỉnh Xá-lợi Phật đem về, rồi tạo ngôi Bảo-tháp để tôn thờ Xá-lợi Đức-Phật.
Trong khi phân chia Xá-lợi Đức-Phật, ông Bà-la-môn Doṇa thỉnh ‘Xá-lợi Răng-nhọn’ giấu kín trên đầu tóc của mình, để tôn thờ.
Đức-vua-trời Sakka [13] trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên nhìn thấy, suy xét rằng:
“Ông Bà-la-môn Doṇa không thể có một ngôi Bảo-tháp xứng đáng để tôn thờ Xá-lợi Răng-nhọn của Đức-Phật. Ta nên hiện xuống thỉnh Xá-lợi Răng-nhọn về cõi trời này.”
Suy nghĩ xong, Đức-vua-trời Sakka hiện xuống cõi người, thỉnh ‘Xá-lợi Răng-nhọn’ từ trên đầu tóc của ông Bà-la-môn Doṇa, mà ông chẳng hề hay biết. Đức-vua-trời Sakka thỉnh về tôn thờ trong ngôi Bảo-tháp Cūḷāmaṇī tại cung trời Tam-thập-tam-thiên để cho toàn thể chư-thiên lễ bái cúng dường.
Như vậy, Đức-vua-trời Sakka không phạm điều-giới trộm-cắp, bởi vì Đức-vua-trời là bậc Thánh Nhập-lưu có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm cung-kính, có giới-đức hoàn toàn trong sạch trọn vẹn, nên chỉ có nhiều phước-thiện cung-kính mà thôi.
Như vậy, người phạm điều-giới trộm-cắp hay không phạm điều-giới trộm-cắp do căn cứ vào tác-ý (cetanā) là chính. Nếu người có tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm, rồi tạo ác-nghiệp trộm-cắp do thân hoặc khẩu thì phạm điều-giới trộm-cắp; nhưng nếu người có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm, rồi tạo đại-thiện-nghiệp do thân hoặc khẩu thì không phạm điều-giới, mà chỉ tạo đại-thiện-nghiệp mà thôi.
Kāmesumicchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
- Kāmesumicchācāra: Kāmesu + micchā + cāra.
- Kāmesu có nghĩa là trong sự hành-dâm (Kāmesu’ ti methunasamācāresu: Kāmesu có nghĩa là hành-dâm).
- Micchā: Tà, bất chính.
- Cāra: Hành vi.
- Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ
- Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
- Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
- Kāmesumicchācāra: Hành vi tà, bất-chính xấu xa trong sự hành-dâm, mà chư bậc thiện-trí đều chê trách.
Nếu hai người là vợ, là chồng của nhau đúng theo phong tục tập quán, được sự công nhận của hai bên cha mẹ, bà con dòng họ, và cũng được chính quyền chấp thuận, mọi người công nhận… thì sự quan hệ tình-dục giữa hai vợ chồng với nhau là việc bình thường của người đời, không bị chê trách, không phạm điều-giới tà-dâm.
Người phạm điều-giới tà-dâm chỉ tạo thân ác-nghiệp hoặc thân hành-ác mà thôi, không liên quan đến khẩu và ý.
Nghĩa toàn câu: Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự tà-dâm.
Chi-pháp phạm điều-giới tà-dâm
1- Đối-tượng người nữ không được quan hệ tình-dục (agamaniyavatthu).
2- Tâm tham muốn quan hệ tình-dục (tasmiṃ sevana-cittaṃ).
3- Sự cố gắng hành-dâm (payogo).
4- Tâm thỏa thích trong sự tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh-dục nam với nữ với nhau (maggenamaggapaṭipatti addhivāsaṃ).
Nếu người nào có đầy đủ 4 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới tà-dâm. Nếu không đủ 4 chi-pháp thì không phạm điều-giới tà-dâm.
1-Con gái có mẹ trông nom (cha chết hay ở xa).
2-Con gái có cha trông nom (mẹ chết hay ở xa).
3-Con gái có mẹ cha trông nom.
4-Con gái có chị hoặc em gái trông nom.
5-Con gái có anh hoặc em trai trông nom.
6-Con gái có bà con trông nom.
7-Con gái có dòng họ trông nom (nếu con gái ở ngoại quốc thì có người cùng dân tộc trông nom).
8-Con gái tu hành phạm hạnh có thầy, bạn trông nom.
9-Con gái đã có người quyền thế đến làm mai mối rồi.
10-Con gái đã nhận lễ hứa hôn của đằng trai.
11-Con gái được một người đàn ông chuộc về làm vợ.
12-Con gái đã ưng thuận đi theo người mình yêu làm vợ.
13-Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được của cải.
14-Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được đồ trang sức.
15-Con gái đã làm lễ thành hôn với một người đàn ông đúng theo phong tục tập quán.
16-Con gái nghèo buôn bán đã được một người đàn ông thương yêu, rồi đem về nuôi để làm vợ.
17-Con gái là tù nhân đã được người đàn ông lấy làm vợ.
18-Con gái làm trong công sở đã được người chủ sở lấy làm vợ.
19-Con gái tôi tớ trong nhà đã được người chủ nhà lấy làm vợ.
20-Con gái chịu làm vợ trong thời gian ngắn (như các cô kỹ-nữ).
Tuy nhiên trong 20 hạng con gái ấy, 8 hạng con gái phần đầu kể từ “con gái có mẹ trông nom” cho đến “con gái là người tu hành phạm-hạnh” tuy có người thân trông nom bảo vệ, nhưng những người thân này không phải là chủ cuộc đời của họ. 8 hạng con gái này là người chưa có chồng, chưa có người đàn ông làm chủ cuộc đời của họ.
Nếu xét về điều-giới tà-dâm thì người con gái ấy không phạm điều-giới tà-dâm, chỉ có người con trai phạm điều-giới tà-dâm mà thôi, bởi vì người con trai ấy đã xúc phạm đến người con gái mà người thân của cô ấy chưa cho phép.
Tuy người con gái không phạm điều-giới tà-dâm, nhưng đó là hành vi xấu xa không đúng theo phong tục tập quán, đáng bị mọi người chê trách, cha mẹ, bà con dòng họ bị mang tiếng xấu.
Sau khi người con gái ấy chết, nếu ác-nghiệp hối hận ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là ác-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).
Trong 12 hạng con gái này, nếu người con gái nào tự ý ngoại tình và có quan hệ tình-dục với một người đàn ông nào khác (không phải là chồng của mình), thì người con gái, đàn bà ấy phạm điều-giới tà-dâm.
Như vậy, người con trai, đàn ông không được phép quan hệ tình-dục với 20 hạng con gái ấy. Nếu người con trai, đàn ông nào có quan hệ tình-dục với 1 trong 20 người con gái ấy, thì người con trai, đàn ông ấy phạm điều-giới tà-dâm.
* Và nếu người con gái, đàn bà nào có quan hệ tình-dục với người đàn ông, con trai đã có vợ hoặc có vợ mà chưa cưới thì người con gái, đàn bà ấy phạm điều-giới tà-dâm, bởi vì người đàn ông, con trai ấy đã có vợ làm chủ.
Ác-nghiệp nặng -nhẹ của điều-giới tà-dâm
- Nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm với người không có giới-đức thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.
- Nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm bằng cách hiếp-dâm, dù với người không có giới, thì người ấy vẫn tạo ác-nghiệp nặng.
- Nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm giữa hai bên nam nữ cùng thỏa thuận với nhau, thì người ấy tạo ác-nghiệp nhẹ.
- Nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm với bậc Thánh-nhân thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng hơn phạm điều-giới tà-dâm với hạng phàm-nhân.
- Nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm với bậc Thánh-nhân càng cao thì người ấy tạo ác-nghiệp càng nặng.
- Nếu người nào hiếp-dâm bậc Thánh nữ A-ra-hán thì người ấy tạo ác-nghiệp nặng nhất.
Như trường hợp tên Nanda hiếp-dâm Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā, là bậc Thánh A-ra-hán. Tên Nanda đã phạm tội nặng làm cho mặt đất nứt nẻ ra hút y vào sâu trong lòng đất.
Sau khi tên Nanda chết, ác-nghiệp tà-dâm ấy cho quả tái-sinh vào cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài.
Vấn đề liên quan đến tà-dâm
Nếu cô ấy ngoại tình, yêu một người đàn ông khác, và có quan hệ tình-dục với người đàn ông ấy thì cô đã tự trộm-cắp thân xác đã có chủ đem trao cho người đàn ông khác, cho nên cô ấy phạm điều-giới tà-dâm.
Cũng tương tự như vậy, người đàn ông đã có vợ, nghĩa là người đàn ông đã có một người đàn bà làm chủ và cũng đã chấp nhận làm chồng của cô ấy rồi.
Như vậy, phần thân xác của ông ấy đã có chủ, ông ấy có phận sự giữ gìn thân xác của mình chỉ dành cho người vợ của mình mà thôi.
Nếu ông ấy ngoại tình, yêu một người đàn bà nào khác, và có quan hệ tình-dục với người đàn bà ấy, thì ông đã tự trộm-cắp thân xác đã có chủ đem trao cho người đàn bà khác, cho nên ông ấy phạm điều-giới tà-dâm.
Vấn: Trong đời, nếu đàn ông đã có người vợ cả rồi, còn có thêm người vợ lẽ nữa. Như vậy, người đàn ông ấy có phạm điều-giới tà-dâm hay không?
Đáp: Người đàn ông ấy phạm điều-giới tà-dâm và cũng có thể không phạm điều-giới tà-dâm.
Người đàn ông đã có vợ, rồi lén lút ngoại tình, yêu một người đàn bà khác như một nhân tình hoặc như người vợ lẽ, và có quan hệ tình-dục bất chính, nên người đàn ông ấy đã tự trộm-cắp thân xác của mình đã có vợ cả làm chủ đem trao cho người đàn bà khác.
Vì vậy, người đàn ông ấy phạm điều-giới tà-dâm.
Người đàn ông đã có vợ rồi, người vợ không có con để nối dòng dõi. Người đàn ông ấy muốn có người vợ lẽ. Chính người vợ sẽ đi hỏi cưới người đàn bà khác đem về cho chồng mình làm người vợ lẽ.
Như vậy, người vợ cả đã đồng ý chia quyền làm chủ thân xác của người chồng cho người vợ lẽ.
Cho nên, người chồng được phép quan hệ tình-dục với người vợ lẽ mà không phạm điều-giới tà-dâm.
Vấn: Trường hợp đồng tính luyến ái có phạm điều-giới tà-dâm hay không?
Đáp: Đối với người tại gia cư sĩ, nếu hai người đàn ông độc thân với nhau hoặc hai người đàn bà độc thân với nhau thì họ không phạm điều-giới tà-dâm, nhưng đó là hành vi không thuận theo lẽ tự nhiên trong đời mà bậc thiện-trí chê trách.
Còn đối với bậc xuất-gia, nếu có hành vi đồng tính luyến ái như vậy thì chắc chắn phạm điều-giới hành-dâm, không còn phẩm-hạnh của bậc xuất-gia nữa.
Vấn: Người đàn bà hoặc người đàn ông có quan hệ tình-dục với loài gia súc (chó, khỉ,…) có phạm điều-giới tà-dâm hay không?
Đáp: Trong trường hợp ấy, có thể phạm điều-giới tà-dâm và cũng có thể không phạm điều-giới tà-dâm.
Nếu người đàn bà nào đã có chồng hoặc người đàn ông nào đã có vợ rồi, mà có quan hệ tình-dục với loài gia súc (chó, khỉ…), thì người đàn bà ấy hoặc người đàn ông ấy phạm điều-giới tà-dâm.
Ví dụ: Trong thời kỳ Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, bà Mallikā [14] chánh-cung hoàng-hậu của Đức-vua Pasenadi Kosala phạm điều-giới tà-dâm với con chó trong phòng tắm. Đức-vua nhìn thấy nhưng bà nói-dối là không có làm như vậy.
Bà chánh-cung hoàng-hậu Mallikā vốn là người cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có trí-tuệ, hết lòng thành kính làm phước bố-thí cúng dường đến Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.
Thế mà, sau khi bà chết, do giới không trong sạch, ác-nghiệp ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục suốt 7 ngày.
Đến ngày thứ 7 mới mãn quả của ác-nghiệp, rồi được tái-sinh lên cõi trời Tusita (Đâu-suất đà-thiên là cõi trời thứ 4 trong 6 tầng trời dục-giới) hưởng mọi sự an-lạc của cõi trời ấy.
Và trong Tạng-Luật, phần giới tỳ-khưu có một tỳ-khưu phạm điều-giới hành-dâm với con khỉ cái.
Do đó, Đức-Phật chế định thêm vào điều-giới thứ nhất như sau:
“Tỳ-khưu nào hành-dâm với người hoặc loài súc-sinh, tỳ-khưu ấy bị phạm điều-giới pārājika mất phẩm-hạnh tỳ-khưu.”
Đối với người tại gia cư sĩ độc thân (không có vợ hoặc không có chồng), mà hành-dâm với loài gia súc (chó, khỉ, …) có chủ, là phạm điều-giới tà-dâm.
Người tại gia cư sĩ độc thân (không có vợ hoặc không có chồng) nếu hành-dâm với loài gia-súc (chó, khỉ, …) vô chủ, thì không phạm điều-giới tà-dâm. Nhưng đó là một hành vi đáng xấu hổ, trái với luân thường đạo lý, đáng chê trách; bởi vì không phù hợp với phong tục tập quán trong đời.
Người thiện-trí hành phạm-hạnh cao quý có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm tránh xa sự hành-dâm.
Nếu người cận-sự-nam, cận-sự-nữ nào thọ trì bát-giới Uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng thì người cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy tránh xa sự hành-dâm với vợ hoặc chồng của mình trong những ngày giới ấy.
Những tu-nữ hoặc những người sống trong chùa thực-hành phạm-hạnh cao quý thọ trì bát-giới Uposathasīla thì họ tránh xa sự hành-dâm suốt đời.
Những bậc xuất-gia là vị sa-di, vị tỳ-khưu thực-hành phạm-hạnh cao quý đều tránh xa sự hành-dâm trọn đời xuất gia.
Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
- Musāvāda: Musā + vāda
- Musā: Chuyện dối trá, điều không thật, vật không có
- Vāda: Lời nói.
Tôi có tiền mà nói tôi không có tiền; tôi không có tiền mà nói tôi có tiền, … như vậy “tiền” là vật musā: lừa dối.
- Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ.
- Veramaṇī: Tác-ý tránh xa.
- Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
- Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Điều không thật, vật không có, v.v… người ta có tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm muốn lừa dối người khác, nên nói rằng: “điều ấy là thật, vật ấy là có.”
Như vậy, gọi là nói-dối (musāvāda) cốt để cho người khác tin là thật.
Sự nói-dối này phát sinh phần nhiều do khẩu nói bằng lời nói, và đôi khi cũng phát sinh do thân cử động lắc đầu phủ định, gật đầu khẳng định, … mặc dù vậy, vẫn gọi là nói-dối (musāvāda).
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa sự nói-dối.
Chi-pháp của điều-giới nói-dối
1-Điều không thật, vật không có (atthavatthu). 2-Tâm nghĩ lừa dối (visaṃvādanacittatā).
3- Cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động theo tâm nghĩ lừa dối của mình (payoga).
4- Người nghe tin theo sự lừa dối ấy (tadattha vijānanaṃ).
Nếu người nào có đầy đủ 4 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới nói-dối. Nếu không đủ 4 chi-pháp thì không phạm điều-giới nói-dối.
- Điều mình không thấy, nói rằng: Tôi thấy.
- Điều mình không nghe, nói rằng: Tôi nghe.
- Điều mình không biết, nói rằng: Tôi biết.
- Điều mình thấy, nói rằng: Tôi không thấy.
- Điều mình nghe, nói rằng: Tôi không nghe.
- Điều mình biết, nói rằng: Tôi không biết, …
- Vật ấy mình không có, nói rằng: Tôi có.
- Vật ấy mình có, nói rằng: Tôi không có, v.v…
Tâm nghĩ lừa dối người nghe có 2 trường hợp:
2- Tâm nghĩ lừa dối người nghe để gây thiệt hại đến cho người tin theo thì thật là lừa dối, cho nên phạm điều-giới nói-dối, cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới.
Sự cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động có 4 cách:
1- Tự mình cố gắng lừa dối bằng lời nói-dối hoặc bằng thân cử động lắc đầu phủ định điều có thật, hoặc gật đầu khẳng định điều không có thật.
2- Sai khiến người khác lừa dối bằng khẩu nói-dối, hoặc bằng thân ra hiệu.
3- Viết chuyện không thật trên báo, trong thư, nói điều không thật trên đài phát thanh, … lan truyền lừa dối độc giả, thính giả, … tin theo cho là thật.
4- Viết sách nội dung không có thật, ghi âm thanh điều không thật vào băng đĩa, … có tính cách lâu dài, để lừa dối độc giả, thính giả tin theo.
Người nào có tác-ý trong bất-thiện-tâm lừa dối người khác, nếu người khác tin theo sự lừa dối của mình, nên hội đầy đủ 4 chi-pháp thì người ấy phạm điều-giới nói-dối, tạo ác-nghiệp nói-dối. Nhưng nếu người khác không tin theo sự lừa dối ấy, nên không hội đủ 4 chi-pháp thì người ấy không phạm điều-giới nói-dối.
Ác-nghiệp nặng -nhẹ của điều-giới nói-dối
- Nếu người nào phạm điều-giới nói-dối đã gây ra sự thiệt hại nhiều đến cho người tin theo sự nói-dối thì người nói-dối ấy đã tạo ác-nghiệp nói-dối nặng, ác nghiệp này có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.
- Nếu người nào phạm điều-giới nói-dối nhưng không gây ra sự thiệt hại nào đáng kể đến cho người tin theo sự nói-dối, thì người nói-dối ấy đã tạo ác-nghiệp nói-dối nhẹ, ác nghiệp này không có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới mà có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh.
Tính chất của sự nói-dối
* Đối với người cận-sự-nam, cận-sự-nữ
Nếu người nào phạm điều-giới nói-dối thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói-dối nặng hoặc nhẹ tùy theo sự thiệt hại đã gây ra đối với người tin theo sự lừa dối ấy.
Ngay kiếp hiện-tại người phạm điều-giới nói-dối ấy bị mất uy tín đối với nhiều người, nếu tạo ác-nghiệp nói-dối nặng thì ác-nghiệp nói-dối ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.
Nói-dối, lừa dối vô tội
* Tích tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-Bồ-tát Pañcāvudhakumāra [15] bị Dạ xoa Silesaloma bắt để ăn thịt. Đức-Bồ-tát Pañcāvudhakumāra bảo Dạ-xoa rằng:
- Này Dạ-xoa! Trong thân của ta có khí giới, nếu ngươi ăn thịt ta thì khí giới của ta sẽ giết hại sinh-mạng của ngươi luôn.
Dạ-xoa nghe Đức-Bồ-tát nói như vậy, tin theo lời của Đức-Bồ-tát nên Dạ-xoa không dám ăn thịt mà thả Đức-Bồ-tát trở về.
Đức-Bồ-tát Pañcāvudhakumāra nói trong thân của mình có vũ khí, danh từ khí giới mà Đức-Bồ-tát sử dụng ở đây là khí giới trí-tuệ (ñāṇāvudha), nhưng Dạ-xoa lại tin và hiểu rằng khí giới ở đây là khí giới giết hại.
* Tích tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-Bồ-tát khỉ chúa [16] sống trong rừng. Một hôm, con cá sấu bò lên bờ gặp khỉ chúa, nói-dối lừa gạt khỉ chúa rằng:
- Này chú khỉ! Bên bờ sông bên kia có nhiều thứ trái cây ngon, nếu chú muốn qua bên kia thì chú lên ngồi trên lưng tôi sẽ chở chú qua.
- Này anh cá sấu! Anh định cho tôi chìm trong nước để anh được lợi ích gì?
- Này chú khỉ! Tôi nói-dối lừa gạt chú để ăn trái tim của chú.
- Này anh cá sấu! Trái tim của tôi không có trong thân này, tôi đã gỡ trái tim ra và đem treo lủng lẳng trên cành cây kia kìa.
- Nếu anh muốn ăn trái tim của tôi thì anh hãy chở tôi trở lại bờ sông có chùm trái cây kia.
Nghe như vậy, cá sấu tin theo lời của Đức-Bồ-tát khỉ chúa, bơi vào gần bờ sông, Đức-Bồ-tát khỉ chúa liền nhảy lên cành cây, sinh-mạng được an toàn.
Như vậy, Đức-Bồ-tát khỉ chúa nói-dối lừa gạt cá sấu nhưng không gây sự thiệt hại nào đến cá sấu. Cho nên, Đức-Bồ-tát khỉ chúa nói-dối nhưng không có tội.
Đó là hành vi cử chỉ lừa dối bằng thân nhưng không gây ra sự tai hại nào đến đối tượng bị lừa dối. Cho nên, sự lừa dối ấy vô tội.
Như vậy, nói-dối bằng lời nói, hoặc hành vi lừa dối bằng thân mà không gây ra sự thiệt hại nào đến cho người tin theo, đều là vô tội, không thể cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.
5-Điều-giới tránh xa uống rượu, bia và các chất say
Surā meraya majjappamādaṭṭhānā veramaṇi-sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Surā meraya majjap pamādaṭṭhānā:
Surā + meraya + majja + pamāda + ṭhānā.
- Surā: Rượu, bia,… là nhân sinh bạo dạn, liều lĩnh,…
- Meraya: Chất say gồm có chất say loại nước, thuốc phiện, ma tuý, cần sa, thuốc lá, … làm cho say ngất ngưởng, là chất gây nghiện, không biết tự chủ.
- Majja: Say sưa, say mê, ngất ngưởng.
- Pamāda: Sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp.
- Ṭhānā: Nhân sinh.
- Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ
- Veramaṇī: Tác-ý tránh xa.
- Sikkhāpadaṃ: Điều-giới, giới.
- Samādiyāmi: Con xin thọ trì.
Nghĩa toàn câu:
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.
Chi-pháp của điều-giới uống rượu và các chất say
1-Rượu, bia hoặc các chất say (surā merayabhāvo).
2-Tâm muốn uống rượu, bia và các chất say (pivitukāmatā).
3- Cố gắng uống rượu, bia hoặc các chất say (pivanaṃ).
4- Uống rượu, bia và các chất say qua khỏi cổ (maddanaṃ).
Nếu người nào có đầy đủ 4 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say. Nếu không đủ 4 chi-pháp thì không phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say.
* Surā: Rượu, bia là một chất nước được làm bằng cơm gạo, trái cây, v.v…
Rượu (Surā) có 5 loại:
1-Rượu, bia được làm từ gạo (gạo tẻ, gạo nếp). 2-Rượu, bia được làm từ cơm như cơm rượu.
3-Rượu, bia được làm từ các trái cây (trái nho, táo…). 4-Rượu, bia được làm từ bánh.
5-Rượu, bia được làm từ các chất có men, …
* Meraya: Chất say loại nước do ngâm các thứ trái cây, hoa, lâu ngày trở thành chất say, thuốc phiện, ma tuý, cần sa, thuốc lá, … gây nghiện.
Chất say loại nước có 5 loại:
1-Chất say do ngâm các loại hoa,… lâu ngày. 2-Chất say do ngâm các loại trái cây, lâu ngày. 3-Chất say do ngâm các trái nho lâu ngày.
4- Chất say do ngâm nước mía lâu ngày.
5- Chất say do ngâm các trái cây làm thuốc lâu ngày.
Thuốc phiện, ma tuý, cần sa, thuốc lá, … là loại chất say rất nguy hiểm, khi người nào dùng đến các loại ấy lâu ngày trở thành bệnh nghiện, rất khó từ bỏ.
* Majja: Làm cho say, có 2 loại:
2- Người dùng thuốc-phiện, ma-túy, cần-sa, thuốc-lá, v.v… thành thói quen, trở nên nghiện rồi khó từ bỏ. Khi đến cơn nghiện làm cho người ấy không biết tự chủ, dám làm mọi tội-lỗi mà không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi.
* Pamāda: Sự dể duôi (thất niệm) quên mình trong mọi thiện-pháp, đắm trong mọi ác-pháp.
Ṭhāna: Nhân sinh, nguyên nhân.
Nghĩa gom surā-meraya-majjappamādaṭ-ṭhānā: rượu, bia và các chất say… là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp.
Con xin thọ trì điều-giới, có tác-ý tránh xa uống rượu, bia và các chất say là nhân phát sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp.
Bốn hạng người dùng rượu
1-Dùng rượu
trộn trong thuốc, trong vật thực.
2-Dùng rượu làm thuốc trị bệnh.
3-Uống rượu, bia để thưởng
thức hương vị của rượu.
4-Uống rượu, bia làm cho tâm trở nên bạo dạn, liều
lĩnh, để tạo mọi ác-nghiệp bằng thân, khẩu, ý.
Trong 4 trường hợp người dùng rượu này, hạng người nào phạm điều-giới uống rượu và các chất say?
Tạo ác-nghiệp nhẹ, ác-nghiệp nặng như thế nào?
1- Trường hợp thứ nhất: Khi rượu được trộn trong thuốc để trị bệnh hoặc trộn trong vật thực,… chất rượu hoàn toàn bị biến chất không còn mùi rượu, không có khả năng làm say nữa, nên người dùng thuốc ấy hoặc dùng vật thực ấy không phạm điều-giới uống rượu và các chất say, không có tội.
2- Trường hợp thứ hai: Dùng thuốc nước có pha với rượu để trị bệnh (còn có mùi rượu, có khả năng làm choáng váng chút đỉnh).
* Nếu người dùng thuốc nước không biết rõ có rượu, chỉ dùng với mục đích trị bệnh mà thôi, thì không phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không tạo ác-nghiệp.
3- Trường hợp thứ ba: Người uống rượu để thưởng thức hương vị của rượu, bia rồi say túy lúy, hoàn toàn không còn biết gì nữa; người ấy đã phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, vì say mê trong hương vị của rượu nên tạo ác-nghiệp nặng.
Đức-Phật dạy:
-Này chư tỳ-khưu! Người thường uống rượu và các chất say, uống nhiều rượu và các chất say, uống nhiều lần, ác-nghiệp này có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.
Người nào uống rượu và các chất say, tạo ác-nghiệp nhẹ, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp uống rượu và các chất say không có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau, nếu có đại-thiện-nghiệp khác có cơ hội cho quả được tái-sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người điên cuồng mất trí (ummattakasaṃvattiko).[17]
Như một người nào bình thường hay có tính nhút nhát, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, không dám làm mọi ác-nghiệp, nhưng một khi người ấy uống rượu, bia và các chất say vào làm kích thích, không còn biết tự chủ, trở thành người hung hăng, bạo dạn, liều lĩnh dám làm mọi ác-nghiệp như sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm, nói năng chửi rủa gây gỗ lung tung, v.v...
Người nào đã phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, rồi tạo ác-nghiệp nào, sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau, thì sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, cho đến khi mãn quả khổ của ác-nghiệp ấy mới mong thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.
Tính chất của điều-giới uống rượu, bia và các chất say
* Đối với hàng tại gia cư-sĩ là cận-sự-nam, cận-sự-nữ phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là 1 điều-giới cấm trong ngũ-giới, trong bát-giới Uposathasīla, trong cửu-giới Uposathasīla, …
Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy cần phải thọ trì ngũ-giới hoặc bát-giới hoặc cửu-giới để cho mình là người có giới trở lại.
* Đối với vị sa-di phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là 1 điều-giới cấm trong sa-di thập-giới.
Nếu vị sa-di nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say thì vị sa-di ấy bị mất phẩm-hạnh sa-di, không còn là sa-di. Dù hình thức bên ngoài còn mặc y, nhưng nội tâm bên trong không còn phẩm-hạnh sa-di nữa.
Sau khi thọ phép quy-y Tam-bảo đúng theo luật xong, vị sa-di ấy được phục hồi lại phẩm-hạnh sa-di như trước.
* Đối với vị tỳ-khưu phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là 1 điều-giới cấm trong 227 điều-giới bổn của tỳ-khưu.
Nếu vị tỳ-khưu nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say thì vị tỳ-khưu ấy phạm điều-giới pācittiya.
Đã phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy rồi, vị tỳ-khưu cần phải tìm đến một vị tỳ-khưu khác không uống rượu, bia và các chất say, để làm lễ xin sám hối đúng theo nghi thức trong luật mà Đức-Phật đã chế định, ban hành đến chư tỳ-khưu.
Sau khi sám hối xong, vị tỳ-khưu ấy có giới trở lại.
Một người thường uống rượu, bia và các chất say đã trở thành thói quen nghiện rượu, nghiện thuốc phiện, nghiện thuốc lá, v.v… không dễ dàng từ bỏ; bởi vì, cảm thấy chưa biết no đủ, vẫn còn thèm khát mãi mãi.
Đức-Phật dạy trong kinh Atittasutta [18] có 3 điều không biết no đủ, vẫn thèm muốn mãi mãi như sau:
- Không biết no đủ trong sự nằm ngủ.
- Không biết no đủ trong sự uống rượu và các chất say.
- Không biết no đủ trong sự hành-dâm.
Người thiện-trí có giới, có tác-ý tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, còn tránh được các thứ bệnh nghiện rượu và các chất say nữa.
Vấn: Uống rượu, bia và các chất say thuộc về ác-nghiệp nào trong 10 ác-nghiệp?
Đáp: 10 ác-nghiệp phát sinh do nương nhờ nơi thân, khẩu, ý:
- Thân ác-nghiệp gọi thân hành-ác có 3 loại:
1- Ác-nghiệp sát-sinh.
2- Ác-nghiệp trộm-cắp.
3- Ác-nghiệp tà-dâm.
- Khẩu ác-nghiệp gọi khẩu nói-ác có 4 loại:
1- Ác-nghiệp nói-dối.
2- Ác-nghiệp nói lời chia rẽ. 3-Ác-nghiệp nói lời thô tục. 4-Ác-nghiệp nói lời vô ích.
- Ý ác-nghiệp gọi ý nghĩ ác có 3 loại:
1-Ác-nghiệp nghĩ tham lam của người khác. 2-Ác-nghiệp nghĩ thù hận người khác.
3-Ác-nghiệp nghĩ tà-kiến thấy sai chấp lầm.
Uống rượu, bia và các chất say là 1 điều-giới cấm trong ngũ-giới, bát-giới Uposathasīla, cửu-giới uposathasīla v.v... mà trong 10 ác-nghiệp này, uống rượu và các chất say không có tên gọi ác-nghiệp riêng biệt như những ác-nghiệp khác.
Uống rượu, bia và các chất say chắc chắn thuộc về ác-nghiệp, nhưng ác-nghiệp này có tính chất bất định, nên không có tên gọi ác-nghiệp riêng biệt.
Ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say này tùy thuộc vào ác-nghiệp nào mà nó liên quan, thì nó có tên gọi chung với ác-nghiệp ấy.
Xét trong những trường hợp sau:
* Trường hợp người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say để thoả mãn cơn thèm muốn thưởng thức vị của rượu, bia hoặc chất say, rồi say túy lúy, hoàn toàn không còn biết mình, nằm ngủ cho đến khi tỉnh say.
Như vậy, người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say đã tạo ác-nghiệp, ác-nghiệp này được ghép vào ác-nghiệp tà-dâm.
Trong điều-giới tà-dâm có danh từ kāmesumicchācāra là hành bất chánh trong ngũ-dục nghĩa là hành-dâm bất chánh với người không phải là vợ, là chồng của mình.
Ngũ-dục là sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục.
- Người phạm điều-giới tà-dâm để thoả mãn tâm tham muốn thưởng thức ngũ-dục trong thân của người khác.
- Người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say để thỏa mãn cơn thèm muốn, thưởng thức vị, hương của chất rượu, bia hoặc chất say, cũng như người phạm điều-giới tà-dâm để thoả mãn tâm tham muốn, thưởng thức ngũ-dục trong thân của người khác, tạo ác-nghiệp tà-dâm. Cho nên, 2 điều-giới này có đối-tượng tương tự với nhau.
Vì vậy, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say đã tạo ác-nghiệp, ác-nghiệp này được ghép chung vào ác-nghiệp tà-dâm.
* Trường hợp một người vốn có tính hay nhút nhát, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, không dám làm mọi ác-nghiệp. Khi người ấy uống rượu, bia hoặc chất say vào, phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say. Chất rượu, bia hoặc chất say kích thích tâm tham, tâm sân, tâm si, người ấy không còn tự chủ, trở nên người hung hăng, bạo dạn, liều lĩnh không còn biết hổ-thẹn tội-lỗi, không còn biết ghê-sợ tội-lỗi, dám tạo 10 ác-nghiệp.
Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, rồi say mê không còn tự chủ, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, hung hăng, dám liều lĩnh tạo ác-nghiệp nào, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say này được ghép chung với ác-nghiệp ấy.
* Nếu như người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người hung hăng dám liều lĩnh tạo ác-nghiệp sát-sinh, người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp sát-sinh.
* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp trộm-cắp, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp trộm-cắp.
* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp tà-dâm, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp tà-dâm.
* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp nói-dối, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp nói-dối.
* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp nói lời chia rẽ.
* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp nói lời thô-tục (chửi rủa, mắng nhiếc), người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp nói lời thô-tục.
* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám tạo ác-nghiệp nói lời vô ích, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp này được ghép chung với ác-nghiệp nói lời vô ích.
* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám nghĩ tham lam của cải của người khác, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp này được ghép chung với ác-nghiệp tham lam của cải của người khác.
* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám nghĩ thù oán người khác, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp thù oán người khác.
* Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, trở thành người liều lĩnh rồi dám phát sinh tà-kiến thấy sai chấp lầm, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say ấy đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp ấy được ghép chung với ác-nghiệp tà-kiến thấy sai chấp lầm.
Vì vậy, phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân tạo 10 ác-nghiệp. Cho nên, phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say tạo ác-nghiệp thuộc về ác-nghiệp bất-định, nên không chế định ra ác-nghiệp riêng biệt.
Thật vậy, Ngài Trưởng-lão Ānanda (lớp người hậu sinh) biên soạn bộ Mūlaṭīkā giảng giải về ác-nghiệp của người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say rằng:
“Tassa sabhāgattena micchācāre, upakārakattena dasasu pi kammapathesu anuppaveso hoti.”
Nếu người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say đã tạo ác-nghiệp, thì ác-nghiệp này được ghép chung vào ác-nghiệp tà-dâm, bởi vì điều-giới này có đối tượng tương tự như điều-giới tà-dâm. Và người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say đã tạo ác-nghiệp thì ác-nghiệp này cũng được ghép chung vào trong 10 ác-nghiệp, bởi vì phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say này là nhân tạo 10 ác-nghiệp.
Tính chất nghiêm trọng của người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say
Khi người nào thường dùng các chất say như thuốc-phiện, ma-túy, cần-sa, v.v... trở thành bệnh nghiện nặng, đến khi người ấy lên cơn thèm khát các chất say ấy mà không có sẵn, khiến cho người ấy lên cơn điên loạn, hung hăng dám liều lĩnh tạo mọi ác-nghiệp nghiêm trọng mà lúc tỉnh táo không dám làm ác-nghiệp như vậy.
Cho nên, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nguyên nhân dẫn đến tạo mọi ác-nghiệp rất nghiêm trọng gây tai hại trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Trong Chú-giải Suttanipātaṭṭhakathā, giải về tội-ác của sự uống rượu, bia và các chất say:
“Yasmā pana majjapāyī aṭṭhaṃ na jānāti, dhammaṃ na jānāti, mātu antarāyaṃ karoti, pitu Buddha paccekabuddha tathāgatasāvakānampi antarāyaṃ karoti, diṭṭheva dhamme garahaṃ, samparāye duggatiṃ, aparāpariye ummādañca pāpuṇāti.” [19]
Người thường uống rượu, bia và các chất say, không biết quả, không biết nhân, gây ra sự tai hại đến sinh-mạng của mẹ của cha, gây ra sự tai hại đến Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Phật Độc-Giác, các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.
Trong kiếp hiện-tại, người uống rượu, bia và các chất say thường bị chư thiện-trí chê trách.
Sau khi người uống rượu, bia và các chất say chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.
Đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy trong cõi ác-giới, nếu có đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người mất trí, người điên cuồng.
Và Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddhaghosa dạy trong ngũ-giới, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện pháp tạo đại tội mà hậu quả vô cùng nghiêm trọng hơn 4 điều-giới còn lại như sau:
“Apicettha surāmerayamajjappamādaṭṭhānameva mahāsāvajjaṃ na tathā pāṇātipātādayo. Kasmā manussabhūtassāpi ummattakabhāvasaṃvattanena ariya-dhammantarāyakaraṇato’ti. Evamettha mahāsāvajjatopi viññatabbo vinicchayo.[20]”
Sự thật, trong ngũ-giới ấy, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp, tạo ác-nghiệp đại trọng tội hơn phạm 4 điều-giới còn lại là điều-giới sát-sinh, điều-giới trộm-cắp, điều-giới tà-dâm, điều-giới nói-dối, bởi vì phạm 4 điều-giới này gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say. Tại sao?
Phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say này còn là nhân làm cho người ấy mắc phải chứng bệnh điên, mất trí, làm tai hại cho sự chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn.
Nên hiểu ý nghĩa “mahāvajja: đại trọng tội” trong trường-hợp này.
Thật vậy, trong ngũ-giới, dù người nào đã phạm điều-giới sát-sinh như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, đã tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội (ānantariya-kamma).
Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy trong ác-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là ác-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài suốt nhiều đại-kiếp trái đất, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy
Sau khi thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy, nếu có đại-thiện-nghiệp hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là dục-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người thì người ấy thuộc về hạng người tam-nhân từ khi đầu thai.
Khi sinh ra đời, lúc trưởng thành, hạng người tam-nhân vốn có trí-tuệ, nếu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.
* Ví dụ: Trong thời kỳ Đức-Phật Gotama, có Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.
Về sau, người con trai vâng lời mẹ cha, chịu lấy vợ. Người vợ không muốn sống chung với mẹ cha chồng đui mù, vì chiều theo ý vợ nên người con trai bày mưu đánh xe chở mẹ cha già đui mù đi thăm bà con. Đến khu rừng, người con trai xuống xe, giả làm tên cướp đến đánh đập cha mẹ đui mù đến chết rồi bỏ xác trong rừng, đã tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết mẹ cha.
Sau khi tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão chết, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết mẹ cha ấy cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, trong suốt thời gian lâu dài suốt nhiều đại-kiếp trái đất, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi địa-ngục.
Trong thời-kỳ Đức-Phật Anomadassī xuất hiện trên thế gian, tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmog-gallāna là trưởng giả Sirivaḍḍhana đã từng tạo các pháp-hạnh ba-la-mật đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, có ý nguyện muốn trở thành vị Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử có phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật trong thời vị-lai. Trưởng giả Sirivaḍḍhana tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão được Đức-Phật Anomadassī thọ ký rằng:
-Này Sirivaḍḍhana! Ý nguyện của con sẽ được thành-tựu trong thời vị-lai, còn 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, Đức-Phật Gotama sẽ xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, con sẽ là vị Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử có phép-thần-thông xuất sắc bậc nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.
Tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão tiếp tục cố gắng tinh-tấn tạo 10 pháp-hạnh ba-la-mật suốt 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất cho được đầy đủ.
Đến thời kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của người con trai giết mẹ cha đui mù cũng là tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, sinh vào trong dòng Bà-la-môn có tên Kolita, xuất gia trở thành tỳ-khưu nơi Đức-Phật Gotama, có tên là tỳ-khưu Mahāmoggal-lāna. Tỳ-khưu Mahāmoggallāna thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, gọi là bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử có phép-thần-thông xuất sắc nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.
* Trường hợp Đức-vua Ajātasattu giết Đức Phụ-vương là Đức-vua Bimbisāra (bậc Thánh Nhập-lưu).
Từ đó, Đức-vua Ajātasattu là người cận-sự-nam có đức-tin đặc biệt trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, hết lòng hộ độ Tam-bảo đến trọn đời.
Thật vậy, Đức-vua Ajātasattu là người hộ độ 500 chư Trưởng-lão bậc Thánh A-ra-hán trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất, do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa chủ trì tại động Sattapaṇṇi gần kinh-thành Rājagaha, đất nước Māgadha, thời gian sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn khoảng 3 tháng 4 ngày, suốt 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.
Sau khi Đức-vua Ajātasattu băng hà, đáng lẽ ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết Đức Phụ-vương trong ác-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, nhưng nhờ đại-thiện-nghiệp quy-y Tam-bảo và nhất là đại-thiện-nghiệp hộ độ 500 chư Trưởng-lão bậc Thánh A-ra-hán trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất có năng lực làm giảm tiềm năng cho quả của ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy, nên chỉ làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī (nồi đồng sôi), chịu quả khổ suốt thời gian 60.000 (sáu mươi ngàn) năm mà thôi.
Như Đức-Phật Gotama thọ ký được tóm lược như sau:
Sau khi Đức-vua Ajātasattu băng hà, ác-nghiệp vô-gián trọng-tội giết Đức Phụ-vương cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī (nồi đồng sôi), từ miệng nồi chìm xuống đến đáy nồi suốt 30.000 năm, rồi từ đáy nồi nổi lên đến miệng nồi suốt 30.000 năm, mới mãn quả của ác-nghiệp ấy; rồi do nhờ đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp chót trở lại làm người trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hậu-kiếp của Đức-vua Ajātasattu xuất gia trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Độc-Giác Vijitāvī. [21]
Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp giết cha, giết mẹ, thuộc về ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội, thì sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều đại-kiếp trái đất cho đến khi mãn quả khổ của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục.
Thế mà, sau khi thoát ra khỏi địa-ngục, do nhờ đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ khác cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm hạng người tam-nhân từ khi đầu thai trong lòng mẹ.
Còn nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say, thì sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.
Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới rồi, nếu có đại-thiện-nghiệp khác trong đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người.
Khi sinh ra đời, lúc trưởng thành người ấy còn phải chịu quả khổ của ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say trong kiếp quá-khứ, nên người ấy mắc bệnh điên cuồng, mất trí, không thể thực-hành pháp-hành thiền-định, cũng không thể thực-hành pháp-hành thiền-tuệ. Cho nên, người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp, đã tạo mọi ác-nghiệp, đem lại những hậu quả tai hại vô cùng nghiêm trọng trong kiếp hiện-tại và kiếp vị-lai.
Sự tai hại của sự uống rượu, bia và các chất say
Trong ngũ-giới có 5 điều-giới từ điều-giới thứ nhất đến điều-giới thứ tư, nếu người nào lỡ phạm điều-giới nào đã tạo ác-nghiệp dù nhẹ, dù nặng, thậm chí tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết mẹ, giết cha của mình, sau khi chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy rồi thì những kiếp vị-lai của người ấy còn hy vọng tiến hóa trong mọi thiện-pháp được.
Còn điều-giới thứ năm là điều-giới tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say … nếu người nào đã phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp này rồi, đã tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say thì có hậu quả tai hại vô cùng nghiêm trọng, không chỉ trong kiếp hiện-tại trở thành người nghiện rượu, bia, nghiện thuốc-phiện, nghiện ma-túy, nghiện cần-sa, nghiện thuốc lá, v.v… mắc nhiều chứng bệnh nan y, gây ra mọi tai họa, mà còn những kiếp vị-lai trở thành người điên cuồng mất trí làm trở ngại, nên hành-giả không thể chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thể chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn lại càng bất hạnh hơn nữa.
Cho nên, rượu, bia và các chất say có sự tai hại vô cùng nghiêm trọng như vậy, thế mà có một số người sử dụng rượu, bia và các chất say như là thức uống xã giao trong đời.
Một số người lạm dụng uống rượu, bia và sử dụng các chất say hằng ngày, nên trở thành người nghiện rượu, bia, nghiện thuốc-phiện, nghiện ma-túy, nghiện cần-sa, nghiện thuốc lá, v.v…mắc nhiều chứng bệnh nan y, thường xảy ra mọi tai họa khủng khiếp, tự làm khổ mình và làm khổ những người thân trong gia đình, bà con thân quyến trong kiếp hiện-tại.
Người thiện-trí biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết tự trọng, biết thương yêu mình, biết thương yêu mọi người, mọi chúng-sinh khác, nên biết giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, nhất là điều-giới tránh xa uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, biết giữ gìn nhân-phẩm quý báu vốn có của mình.
Tội-ác từ say rượu
Đức-Bồ-tát Dhammadhaja là quan cận thần của Đức-vua Yasapāni, có một người bạn thân tên Chattapānī.
Ông Chattapāni là người thợ cắt tóc, sửa râu của Đức-vua Yasapāni. Ông Chattapāni có bản tính tự nhiên do lời chân thật phát nguyện không bao giờ uống rượu trong suốt mỗi kiếp cho đến khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, bởi vì, ông nhận thức thấy rõ tội-ác từ uống rượu, say rượu…
Một hôm, người thợ cắt tóc Chattapāni tâu với Đức-
vua Yasapāni rằng:
- Muôn tâu Đại-vương, trong tiền-kiếp kẻ hạ thần đã từng ăn thịt con yêu quý của mình, bởi vì say rượu. Sau khi tỉnh rượu, kẻ hạ thần vô cùng sầu não, khổ tâm cùng cực, vì thương nhớ đến đứa con yêu quý nhất. Rồi từ kiếp đó về sau, hạ thần đã phát nguyện trong suốt mỗi kiếp không bao giờ uống rượu nữa.
Người thợ cắt tóc Chattapāni thuật lại câu chuyện xảy ra rằng:
- Muôn tâu Đại-vương, tiền-kiếp của hạ thần cũng làm vua trị vì xứ Bārāṇasī, khi hạ thần là Đức-vua, hằng ngày không thể thiếu món rượu và trong mỗi bữa ăn không thể thiếu món thịt.
Trong kinh-thành Bārāṇasī thời ấy, vào ngày giới hằng tháng, người ta không sát-sinh cho nên người đầu bếp phải mua thêm thịt vào trước ngày giới để dành phần cho ngày hôm sau. Do sơ suất, ông cất giữ món thịt ấy không cẩn thận nên bị con chó ăn mất hết.
Sáng hôm ấy, nhằm vào ngày giới, người đầu bếp đi tìm mua thịt khắp mọi nơi mà không có món thịt nào cả.
Ông cố gắng nấu những món ăn thơm tho ngon lành xong mà chưa dám đem dâng lên Đức-vua đang ở trên lâu đài. Ông vào tâu với bà chánh-cung hoàng-hậu rằng:
- Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, hôm nay, kẻ hạ thần đi tìm mua thịt khắp mọi nơi mà không có món thịt nào.
Bữa ăn hôm nay không có món thịt, nên kẻ hạ thần chưa dám dâng lên Đức-vua. Bây giờ, kẻ hạ thần phải làm thế nào? Tâu lệnh bà.
- Này ngươi! Hoàng-tử của ta được Đức-vua thương yêu quý mến nhất, khi Đức-vua đang thương yêu, âu yếm ôm hoàng-tử vào lòng, chắc Đức-vua không còn quan tâm đến bữa ăn có món thịt hay không.
Bà Chánh-cung Hoàng-hậu trang điểm cho hoàng-tử thật đáng yêu rồi bồng hoàng-tử đặt ngồi trên vế của Đức-vua. Đức-vua say mê vui đùa với hoàng-tử. Khi ấy, người đầu bếp đem vật thực vào dâng lên Đức-vua. Khi đang say rượu, Đức-vua nhìn trong mâm thức ăn không thấy món thịt bèn phán rằng:
- Tại sao hôm nay không có món thịt? Người đầu bếp hoảng sợ tâu rằng:
- Muôn tâu Bệ-hạ, hôm nay là ngày giới nên kẻ hạ thần đi tìm khắp mọi nơi mà cũng không mua được món thịt nào cả.
Đức-vua đang trong lúc say ngất ngưởng phán rằng:
- Tìm thịt làm món ăn cho Trẫm khó đến như vậy sao?
Đức-vua bèn nắm đầu hoàng-tử vặn cổ chết tươi, rồi ném xuống trước mặt người đầu bếp mà phán tiếp rằng:
- Ngươi hãy mau đem đi làm món ăn cho Trẫm!
Người đầu bếp tuân theo lệnh của Đức-vua, làm món ăn bằng thịt của hoàng-tử, rồi đem lên dâng Đức-vua dùng trong bữa ăn tối hôm ấy.
Chánh-cung Hoàng-hậu và tất cả những người hầu chẳng có một ai dám khóc than phản đối gì cả bởi vì họ rất sợ Đức-vua.
Đức-vua dùng bữa ăn tối xong, nằm ngủ cho đến sáng ngày hôm sau mới thức dậy. Đã tỉnh cơn say, Đức-vua truyền lệnh rằng:
- Hãy bồng hoàng-tử yêu quý của ta đến đây!
Bà Chánh-cung Hoàng-hậu đến chầu, cúi lạy dưới chân Đức-vua mà than khóc.
Đức-vua bèn truyền hỏi rằng:
- Này ái-khanh! Ái-khanh khóc vì chuyện gì?
Tại sao ái-khanh không bồng hoàng-tử yêu quý của Trẫm đến đây?
Chánh-cung Hoàng-hậu tâu rằng:
- Muôn tâu Hoàng-thượng, chiều hôm qua Hoàng-thượng đã vặn cổ hoàng-tử chết tươi, rồi trao cho người đầu bếp bảo làm món ăn dâng lên Hoàng-thượng.
Hoàng-thượng đã dùng bữa ăn với món thịt của hoàng-tử từ tối hôm qua rồi.
Lắng nghe Chánh-cung Hoàng-hậu tâu như vậy, Đức-vua vô cùng hối hận, khổ tâm sầu não vì thương tiếc hoàng-tử yêu quý.
Khi đã nhận thức rõ tội-ác khủng khiếp phát sinh từ uống rượu, say rượu, Đức-vua bèn chắp chặt đôi tay đưa lên trán rồi phát nguyện rằng:
“Kể từ kiếp này về sau và những kiếp sau kế-tiếp cho đến kiếp chót trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Trẫm nguyện sẽ không bao giờ uống rượu nữa, để không còn thấy cảnh tự làm khổ mình và làm khổ những người thân yêu của trẫm nữa.”
Thật vậy, kể từ đó cho đến trọn kiếp và trải qua vô số kiếp tử sinh luân-hồi, kiếp nào hạ thần cũng không bao giờ uống một chút rượu nào cả.
(Trích đoạn tiền-kiếp Đức-Bồ-tát Dhammadhaja)
Tính chất của ngũ-giới
Ngũ-giới (pañcasīla) là thường-giới (niccasīla) của tất cả mọi người trong đời, không ngoại trừ một ai cả, không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc nào, v.v… bất luận là người có thọ trì ngũ-giới, hoặc không thọ trì ngũ-giới, tất cả mọi người đều phải có bổn phận giữ gìn ngũ-giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, đó là người biết tự trọng, biết giữ gìn nhân-phẩm quý báu vốn có trong con người từ khi đầu thai làm người.
* Nếu người nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, là người có giới thì người ấy đã tạo đại-thiện-nghiệp giữ-giới, sẽ cho 5 quả báu tốt lành, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
5 quả báu của người có giới là:
1- Người có giới có được nhiều của cải lớn lao do nhờ nhân không dể duôi.
2- Người có giới có danh thơm tiếng tốt được lan truyền khắp mọi nơi.
3- Người có giới có đại-thiện-tâm dũng cảm, không rụt rè e thẹn khi đi vào nơi các hội đoàn.
4- Người có giới có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt lúc lâm chung.
5- Sau khi người có giới chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-giới (cõi người, 6 cõi trời dục-giới), hưởng quả an-lạc trong cõi thiện-giới ấy cho đến khi mãn quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy.
5 quả tai hại của người không có giới là:
1- Người không có giới làm tiêu hao nhiều của cải to lớn vì nhân dể duôi (thất niệm).
2- Người không có giới có tiếng xấu bị lan truyền khắp mọi nơi.
3- Người không có giới có ác-tâm sợ sệt, rụt rè e thẹn khi đi vào nơi các hội đoàn.
4- Người không có giới có ác-tâm mê muội lúc lâm chung.
5- Sau khi người không có giới chết, ác-nghiệp phạm-giới cho quả tái-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ của ác-nghiệp trong cõi ác-giới ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.
Cho nên, người thiện-trí tại gia có trí-tuệ, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin 5 quả báu của người giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn và tin 5 quả tai hại của người phạm giới, người không có giới. Cho nên, người thiện-trí tại gia giữ gìn ít nhất là ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, không để ngũ-giới bị đứt, bị thủng, bị đốm, bị đứt lan.
Phân tích 4 tính chất của ngũ-giới
- Ngũ-giới bị đứt và không bị đứt.
- Ngũ-giới bị thủng và không bị thủng.
- Ngũ-giới bị đốm và không bị đốm.
- Ngũ-giới bị đứt lan và không bị đứt lan.
1- Thế nào gọi là ngũ-giới bị đứt (khaṇḍa) và không bị đứt (akhaṇḍa)?
Ví như tấm vải có phần đầu và phần cuối bị đứt rời ra.
* Ví dụ: Ngũ-giới gồm có 5 điều-giới.
1 - 2 - 3 - 4 - 5
Nếu phạm điều-giới thứ nhất hoặc điều-giới thứ 5, hoặc cả 2 điều-giới này, những điều-giới này bị đứt rời ra thì gọi là ngũ-giới bị đứt.
Và nếu hành-giả thọ trì ngũ-giới, rồi giữ gìn điều-giới đầu hoặc điều-giới cuối hoặc cả 2 điều-giới này được trong sạch và trọn vẹn thì gọi là ngũ-giới không bị đứt (akhaṇḍa).
2- Thế nào gọi là giới bị thủng (chidda) và giới không bị thủng (acchidda)?
* Ví như tấm vải bị thủng ở giữa. Ví dụ: Ngũ-giới
1 - 2 - 3 - 4 - 5
Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5
Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5
Nếu phạm điều-giới thứ 2 hoặc điều-giới thứ 3 hoặc điều-giới thứ 4 thì gọi là ngũ-giới bị thủng.
Và nếu hành-giả thọ trì ngũ-giới, rồi giữ gìn 3 điều-giới ở khoảng giữa của điều-giới đầu và điều-giới cuối được trong sạch và trọn vẹn thì gọi là giới không bị thủng (acchidda).
3- Thế nào gọi là giới bị đốm (sabala) và giới không bị đốm (asabala)?
Ví như con bò bị đốm từng chấm, từng chấm cách khoảng nhau.
1 - 2 - 3 - 4 - 5
Những điều-giới thứ nhất, điều-giới thứ 3, điều-giới thứ 5 được giữ gìn trong sạch. Nếu phạm điều-giới thứ 2 và điều-giới thứ 4 cách khoảng nhau thì gọi là ngũ-giới bị đốm (sabala).
Và nếu hành-giả thọ trì ngũ-giới, rồi giữ gìn những điều-giới ở phần giữa của điều-giới đầu và điều-giới cuối được trong sạch và trọn vẹn, không để bị phạm điều-giới cách khoảng nhau thì gọi là giới không bị đốm (asabala).
4- Thế nào gọi là giới bị đứt lan (kammāsa) và giới không bị đứt lan (akammāsa)?
Trong ngũ-giới, nếu hành-giả phạm những điều-giới liền theo với nhau thì gọi là giới bị đứt lan (kammāsa).
* Ví dụ: Ngũ-giới.
1 - 2 - 3 - 4 - 5
Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5
Hoặc: 1 - 2 - 3 - 4 - 5
Nếu phạm điều-giới thứ 2 và điều-giới thứ 3 liền theo với nhau, hoặc phạm điều-giới thứ 3 và điều-giới thứ 4 liền theo với nhau, hoặc phạm điều-giới thứ 2, điều-giới thứ 3 và điều-giới thứ 4 liền theo với nhau thì gọi là ngũ-giới bị đứt lan (kammāsa).
Và nếu hành-giả thọ trì ngũ-giới rồi giữ gìn những điều-giới ở phần giữa của điều-giới đầu và điều-giới cuối được trong sạch và trọn vẹn, không để phạm các điều-giới liền theo với nhau thì gọi là giới không bị đứt lan (akammāsa).
* Ví dụ 1: Người có giới bị đứt là người phạm điều-giới đầu hoặc điều-giới cuối hoặc điều-giới đầu và điều-giới cuối.
Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi nên giết con gà để ăn thịt, người ấy đã phạm điều-giới sát-sinh. Khi ăn thịt gà cùng với uống rượu, bia nên người ấy phạm điều-giới uống rượu, bia nữa.
Như vậy, người ấy có ngũ-giới bị đứt, bởi vì phạm điều-giới thứ nhất “sát-sinh” và điều-giới thứ 5 “uống rượu, bia.”
* Ví dụ 2: Người có giới bị thủng là người phạm
Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, nên phát sinh tâm tham đi trộm-cắp, chiếm đoạt của cải tài-sản của người khác, người ấy phạm điều-giới trộm-cắp.
Như vậy, người ấy có ngũ-giới bị thủng, bởi vì phạm điều-giới thứ nhì “trộm-cắp” ở giữa của điều-giới đầu và điều-giới cuối, …
* Ví dụ 3: Người có giới bị đốm là người phạm các
Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, nên phát sinh tâm tham đi trộm-cắp tiền bạc của người khác, người ấy phạm điều-giới thứ 2 “trộm-cắp.” Khi người ấy bị nghi ngờ nên bị điều tra xét hỏi, người ấy nói dối rằng: “Tôi không trộm cắp tiền bạc của ông ấy.” Người ấy đã phạm thêm điều-giới thứ 4 “nói-dối.”
Như vậy, người ấy có ngũ-giới bị đốm, bởi vì phạm điều-giới cách khoảng nhau là điều-giới thứ 2 “trộm-cắp” và điều-giới thứ 4 “nói-dối”.
* Ví dụ 4: Người có giới bị đứt lan là người phạm các điều-giới theo liền với nhau:
Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, nên phát sinh tâm tham quan hệ tình-dục với vợ (hoặc chồng) của người khác, người ấy phạm điều-giới thứ 3“tà-dâm”. Khi người ấy bị nghi ngờ nên bị xét hỏi, người ấy nói dối rằng: “Tôi không có tà-dâm với vợ của ông ấy (hoặc với chồng của bà ấy).” Người ấy đã phạm thêm điều-giới thứ 4 “nói-dối”.
Như vậy, người ấy có ngũ-giới bị đứt lan, bởi vì phạm điều-giới liền theo với nhau là điều-giới thứ 3 “tà-dâm” và điều-giới thứ 4 “nói-dối”.
- Người giữ gìn mỗi điều-giới trong sạch khác nhau, tạo đại-thiện-nghiệp mỗi điều-giới khác nhau, quả của đại-thiện-nghiệp mỗi điều-giới khác nhau.
- Người phạm mỗi điều-giới khác nhau, tạo ác-nghiệp mỗi điều-giới khác nhau nên quả của ác-nghiệp mỗi điều-giới cũng khác nhau.
Đại-thiện-nghiệp và quả của đại-thiện-nghiệp với ác-nghiệp và quả của ác-nghiệp trong mỗi điều-giới hoàn toàn trái ngược nhau như sau:
- Người giữ gìn điều-giới tránh xa sự sát-sinh, không sát-sinh, tạo đại-thiện-nghiệp không sát-sinh.
- Người phạm điều-giới sát-sinh là giết hại chúng-sinh, tạo ác-nghiệp sát-sinh.
* Quả báu của đại-thiện-nghiệp của người giữ gìn điều-giới tránh xa sự sát-sinh
Người nào giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều-giới “có tác-ý tránh xa sự sát-sinh”.
- Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp không sát-sinh ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
- Hoặc sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp không sát-sinh ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi vị thiên-nam, vị thiên-nữ chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không sát-sinh trong kiếp quá-khứ của người ấy, đáng hài lòng.
Trong Chú-giải Khuddakapātha giảng giải 23 quả báu của đại-thiện-nghiệp không sát sinh trong kiếp quá-khứ của người ấy như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- Có thân hình không tật nguyền, đầy đủ các bộ phận lớn nhỏ trong cơ thể.
2- Có thân
hình cân đối xinh đẹp.
3-Là người nhanh nhẹn.
4-Có lòng
bàn tay, lòng bàn chân đầy đặn.
5-Có thân hình xinh đẹp, không tỳ vết.
6- Có da thịt mềm mại, hồng hào.
7- Có thân hình sạch sẽ, trong sáng.
8- Có đại-thiện-tâm
dũng cảm, không sợ hãi.
9-Có sức khỏe dồi dào.
10-Có giọng
nói thanh tao, lời nói ngọt ngào, suôn sẻ.
11-Được mọi người quý mến.
12-Có thuộc
hạ tùy tùng, bạn bè đoàn kết thương yêu.
13-Thân tâm được an-lạc tự tại, không hoảng sợ.
14-Không bị
tai nạn do khí giới, thuốc độc…
15-Có trí-tuệ sáng suốt.
16- Có nhiều bạn bè thân thiết.
17- Có thân hình đẹp đẽ, đáng quý mến.
18- Có các
bộ phận lớn nhỏ trong thân thể đẹp đẽ.
19-Là người ít bệnh hoạn ốm đau.
20- Là người có tâm thường an-lạc.
21- Là người
thường được sống gần gũi với con cháu.
22-Là người được trường thọ, sống lâu.
23-Không có một ai có thể mưu sát được.
Đó là 23 quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không sát-sinh mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.
* Quả xấu của ác-nghiệp của người phạm điều-giới sát-sinh
Nếu người nào phạm điều-giới sát-sinh, giết hại sinh-mạng của chúng-sinh, dù lớn dù nhỏ thì người ấy cũng đã tạo ác-nghiệp sát-sinh.
- Nếu có ác-nghiệp sát-sinh nặng, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp sát-sinh ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát khỏi được cõi ác-giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
- Và trường hợp, nếu người nào phạm điều-giới sát-sinh, tạo ác-nghiệp sát-sinh nhẹ, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp sát-sinh nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp sát-sinh trong kiếp quá-khứ của người ấy.
Quả xấu của ác-nghiệp sát-sinh có 23 quả xấu là hoàn toàn trái ngược với quả tốt của đại-thiện-nghiệp không sát-sinh như sau:
Kiếp hiện-tại
của người ấy:
1-Có thân hình tật nguyền.
2-Có thân hình không cân đối, xấu xí.
3-Là người chậm chạp.
4-Có lòng bàn tay và dưới
lòng bàn chân lõm sâu.
5-Có thân hình xấu xí, đầy sẹo.
6-Có sắc diện tối tăm.
7-Có da thịt sần sùi.
8-Có tính hay sợ hãi.
9- Có sức khỏe yếu đuối.
10- Có tật cà lăm, nói lặp
đi lặp lại, không suôn sẻ.
11-Bị mọi người ghét bỏ.
12-Có những thuộc hạ tùy
tùng bị chia rẽ.
13-Có tính hay giật mình, hoảng sợ.
14-Thường
bị tai nạn do khí giới, thuốc độc…
15-Là người si mê, ngu dốt.
16- Có rất ít bạn bè.
17- Có thân hình dị hợm,
đáng ghê sợ.
18-Có thân hình kỳ dị.
19-Là người hay bệnh hoạn ốm
đau.
20-Là người thường sầu não, lo sợ.
21-Có con cháu thường xa lánh.
22- Là người bị chết yểu.
23- Là người bị người khác giết chết.
Đó là 23 quả xấu của ác-nghiệp sát-sinh mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.
- Người giữ gìn điều-giới tránh xa sự trộm-cắp, không trộm-cắp, tạo đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp.
- Người phạm điều-giới trộm-cắp của cải tài sản của người khác, tạo ác-nghiệp trộm-cắp.
* Quả báu của đại-thiện-nghiệp của người giữ gìn điều-giới tránh xa sự trộm-cắp
Người nào giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều-giới “có tác-ý tránh xa sự trộm-cắp”.
- Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
- Hoặc sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi vị thiên-nam, vị thiên-nữ chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp trong kiếp quá-khứ của người ấy, đáng hài lòng.
Trong Chú-giải Khuddakapātha giảng giải về 11 quả báu của đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp trong kiếp quá-khứ như sau:
1- Là người có nhiều của cải quý giá, giàu sang.
2- Có đầy đủ của cải, tài sản như lúa gạo, vàng bạc, châu báu, ...
3- Là người có nhiều của cải, tài sản lớn lao, giàu sang phú quý, tiêu dùng không sao hết được.
4- Nếu chưa có thứ của cải nào thì sẽ có thứ của cải ấy.
5-Đã có những thứ của cải quý giá nào như vàng bạc, ngọc ngà, châu báu, … rồi thì những thứ của cải quý giá ấy được giữ gìn duy trì bền vững lâu dài.
6- Mong muốn những thứ của cải quý giá nào thì chắc chắn mau chóng thành tựu như ý.
7- Có được những thứ của cải, tài sản lớn lao mà sẽ không bị thiệt hại do lửa thiêu cháy, không do nước lũ cuốn trôi, không do kẻ trộm cướp chiếm đoạt, không do nhà Vua tịch thu, không do người không ưa thích chiếm đoạt.
8-Khi đã có của cải tài sản rồi, chính mình là người sở hữu của cải tài sản ấy, không có liên quan với người khác.
9-Là người có khả năng chứng đắc được pháp siêu- tam-giới (4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn).
10- Là người không thường nghe đến danh từ “không có”, bởi vì muốn thứ nào thì có ngay thứ ấy.
11- Là người sống được an-lạc.
Đó là 11 quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.
* Quả xấu của ác-nghiệp của người phạm điều-giới trộm-cắp
Người nào phạm điều-giới trộm-cắp lấy trộm của cải tài sản của người khác dù ít dù nhiều cũng tạo ác-nghiệp trộm-cắp.
- Nếu có ác-nghiệp trộm-cắp nặng thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp trộm-cắp ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát khỏi được cõi ác-giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
- Và trường hợp, nếu người nào phạm điều-giới trộm-cắp, tạo ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp trộm-cắp trong kiếp quá-khứ của người ấy.
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- Là người không thể có những thứ của cải quý giá.
2- Là người thiếu thốn những nhu yếu phẩm như lúa gạo, tiền bạc, đồ dùng, v.v…
3- Là người nghèo khổ túng thiếu của cải.
4- Là người không phát triển
được những thứ của cải.
5- Là người khi làm ra được của cải quý giá thì không
giữ gìn được lâu dài.
6- Là người không thể có được thứ của cải mà mình mong muốn.
7- Là người khi có được của cải thì thường bị thiệt hại do lửa thiêu cháy, do nước lũ cuốn trôi, do kẻ trộm chiếm đoạt, do nhà nước tịch thu, v.v...
8- Là người có được của cải thì cũng liên quan đến nhiều người, không riêng cho mình được.
9- Là người khó chứng đắc được 9 pháp siêu-tam-giới (4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn).
10- Là người thường nghe đến
danh từ “không có”.
11-Là người sống không được an-lạc.
Đó là 11 quả xấu của ác-nghiệp trộm-cắp mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.
- Người giữ gìn điều-giới tránh xa sự tà-dâm, không tà-dâm với vợ, chồng, con của người khác, tạo đại-thiện-nghiệp không tà-dâm.
- Người phạm điều-giới tà-dâm với vợ, chồng, con của người khác, tạo ác-nghiệp tà-dâm.
Quả của đại-thiện-nghiệp không tà-dâm với quả ác-nghiệp tà-dâm là hoàn toàn trái ngược nhau.
* Quả báu của đại-thiện-nghiệp của người giữ gìn điều-giới tránh xa sự tà-dâm
Người nào giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều-giới “có tác-ý tránh xa sự tà-dâm”.
- Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp không tà-dâm ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
- Hoặc sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp không tà-dâm ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi vị thiên-nam, vị thiên-nữ chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không tà-dâm trong kiếp quá-khứ của người ấy, đáng hài lòng.
Trong Chú-giải Khuddakapātha giảng giải về 20 quả báu của đại-thiện-nghiệp không tà-dâm trong kiếp quá-khứ như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- Là người không có người oan trái.
2- Là người được mọi người thương yêu quý mến.
3- Là người có nhiều của cải
giàu sang phú quý.
4-Là người ngủ được an-lạc.
5- Là người thức được an-lạc.
6- Là người có thể tránh được
4 cõi ác-giới.
7-Sinh làm người đàn ông hoàn toàn 100%. 8-Là người
có tính nhẫn-nại, ít nóng giận.
9- Là người sinh ra trong dòng họ cao quý, có tính khiêm nhường.
10- Là người có tính minh bạch rõ ràng, không che giấu tội-lỗi.
11- Là người không có tật nguyền, có thân hình xinh đẹp, đáng ngưỡng mộ.
12- Là người có sắc diện trong sáng. 13-Là người được mọi người tin tưởng.
14- Là người có ngũ-quan (5 giác-quan của con người) đầy đủ và tốt đẹp.
15- Là người có tư cách đáng kính.
16- Là người không có chứng
bệnh đáng ghê sợ.
17-Là người có trí-tuệ, đời sống được an-lạc.
18- Là người sống nơi nào cũng được an-lạc.
19- Là người không có tai-hại, không có oan trái.
20- Là người thường được sống gần gũi với người thân.
Đó là 20 quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không tà-dâm mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.
* Quả xấu của ác-nghiệp của người phạm điều-giới tà-dâm
Người nào phạm điều-giới tà-dâm với vợ, chồng, con của người khác, tạo ác-nghiệp tà-dâm.
- Nếu có ác-nghiệp tà-dâm nặng, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp tà-dâm ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát khỏi được cõi ác-giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
- Và trường hợp, nếu người nào phạm điều-giới tà-dâm, tạo ác-nghiệp tà-dâm nhẹ, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp tà-dâm nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp tà-dâm trong kiếp quá-khứ của người ấy.
Quả xấu của ác-nghiệp tà-dâm có 20 quả xấu là hoàn toàn trái ngược với quả tốt của đại-thiện-nghiệp không tà-dâm như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1-Là người có nhiều người
oan trái.
2-Là người có nhiều người thù ghét.
3-Là người nghèo khổ, thiếu thốn.
4-Là người ngủ không được
an-lạc.
5-Là người thức không được an-lạc.
6- Là người khó tránh khỏi 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).
7- Là người ái nam, ái nữ (không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà).
8- Là người có tính hay nóng giận.
9- Là người sinh vào dòng họ thấp hèn, hạng người thấp hèn.
10- Là người có tính không minh bạch, hay che giấu tội lỗi.
11- Là người có thân hình tật nguyền, xấu xí.
12- Là người có sắc diện mặt
mày sầu não, khổ tâm.
13-Là người bị mọi người coi thường khinh bỉ, không
tin tưởng.
14- Là người khuyết tật: đui mù, câm điếc, ...
15- Sinh làm người đàn bà
(tiền-kiếp là người đàn ông).
16-Là người có nhiều chứng bệnh đáng ghê sợ.
17- Là người không biết đủ, sống khổ cực.
18- Là người sống nơi nào
cũng không được an-lạc.
19-Là người thường gặp tai hoạ, hay oan trái với nhiều
người.
20-Là người sống xa người thân yêu, hay bị ruồng bỏ.
Điều-giới nói-dối liên quan đến nói lời không chân thật, lừa dối, ... có 2 loại nghiệp:
- Người giữ gìn điều-giới tránh xa sự nói-dối, không nói-dối, tạo đại-thiện-nghiệp không nói-dối.
- Người phạm điều-giới nói-dối gây ra thiệt hại đến người khác, tạo ác-nghiệp nói-dối.
Quả của đại-thiện-nghiệp không nói-dối với quả của ác-nghiệp nói-dối là hoàn toàn trái ngược nhau.
* Quả báu của đại-thiện-nghiệp của người giữ gìn điều-giới tránh xa sự nói-dối
Người nào giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều-giới “có tác-ý tránh xa sự nói-dối”.
- Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp không nói-dối ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
- Hoặc sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp không nói-dối ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi vị thiên-nam, vị thiên-nữ chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không nói-dối trong kiếp quá-khứ của người ấy, đáng hài lòng.
Trong Chú-giải Khuddakapātha giảng giải về 14 quả báu của đại-thiện-nghiệp không nói-dối trong kiếp quá-khứ như sau:
Kiếp hiện tại của người ấy:
1-Là người có ngũ-quan (5 giác-quan của con người) trong sáng.
2-Là người có giọng nói ngọt
ngào, dễ nghe.
3-Là người có đôi hàm răng đều đặn, đẹp đẽ.
4-Là người có thân hình không mập quá.
5-Là người có thân hình
không ốm quá.
6-Là người có thân hình không thấp quá.
7-Là người có thân hình không cao quá.
8- Là người có da thịt mịn màng, mềm mại.
9- Là người mà trong miệng có mùi thơm tho thoát ra dễ chịu như mùi hoa sen.
10- Là người nói được nhiều người tin theo, không có ai ganh tỵ.
11- Là người nói được nhiều người muốn nghe.
12- Là người có cái lưỡi mềm mỏng, màu hồng như cánh hoa sen đỏ.
13- Là người có định tâm vững vàng.
14- Là người có lời nói rõ ràng, ý nghĩa sâu sắc, được nhiều người tin tưởng và tôn trọng.
Đó là 14 quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không nói-dối mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.
* Quả xấu của ác-nghiệp của người phạm điều-giới nói-dối
Người nào phạm điều-giới nói-dối gây ra sự thiệt hại dù ít dù nhiều cũng tạo ác-nghiệp nói-dối.
- Nếu có ác-nghiệp nói-dối nặng, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói-dối ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát khỏi được cõi ác-giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
- Và trường hợp, nếu người nào phạm điều-giới nói-dối, tạo ác-nghiệp nói-dối nhẹ, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nói-dối nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp nói-dối trong kiếp quá-khứ của người ấy.
Quả xấu của ác-nghiệp nói-dối có 14 quả xấu là hoàn toàn trái ngược với quả tốt của đại-thiện-nghiệp không nói-dối như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- Là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) không trong sáng.
2- Là người có giọng nói không rõ, khó nghe.
3- Là người có đôi hàm răng
không đều đặn, xấu xí.
4-Là người có thân hình quá mập, dị kỳ.
5-Là người có thân hình quá ốm.
6-Là người có thân hình quá thấp.
7-Là người có thân hình quá cao.
8- Là người có da thịt sần sùi, xấu xí.
9- Là người mà trong miệng thường thoát ra mùi hôi khó chịu.
10- Là người nói không ai tin theo.
11- Là người nói không ai muốn
nghe.
12-Là người có cái lưỡi cứng và ngắn.
13-Là người
có tâm thường thoái chí nản lòng.
14-Là người có tật nói cà lăm, hoặc bị câm điếc.
Đó là 14 quả xấu của ác-nghiệp nói-dối mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.
Điều-giới uống rượu, bia và các chất say liên quan đến uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm) trong mọi thiện-pháp, có 2 loại nghiệp:
- Người giữ gìn điều-giới tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say, không uống rượu, bia và các chất say, tạo đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say.
- Người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say.
* Quả báu của đại-thiện nghiệp của người giữ gìn điều-giới tránh xa sự uống-rượu, bia và các chất say
Người nào giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều-giới “có tác-ý tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say…”.
- Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
- Hoặc sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say ấy trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi vị thiên-nam, vị thiên-nữ chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say trong kiếp quá-khứ của người ấy, đáng hài lòng.
Trong Chú-giải Khuddakapātha giảng giải về 30 quả báu của đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say trong kiếp quá-khứ như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- Là người có trí-tuệ sáng suốt, hiểu biết mọi công việc đã làm, đang làm và sẽ làm.
2- Là người thường có trí nhớ.
3- Là người không loạn trí, điên cuồng.
4- Là người có trí-tuệ,
thông minh, nhạy bén.
5-Là người có sự tinh-tấn không ngừng.
6- Là hạng người có tam-nhân (vô-tham, vô-sân, vô-si) từ khi đầu thai.
7- Là người không bị câm điếc,
từ khi đầu thai.
8-Là người có trí-tuệ sáng suốt, không mê muội.
9-Là hạng
người không dể duôi trong mọi thiện-pháp.
10-Là hạng người đa-văn túc-trí, học nhiều hiểu rộng.
11-Là người có thân hình đầy đủ, cân đối các bộ phận
lớn nhỏ xinh đẹp.
12- Là người ít gặp tai nạn.
13- Là người ít có sầu não, khổ tâm.
14- Là người thường nói lời chân thật, đáng tin.
15- Là người không nói lời chia rẽ, không nói lời thô tục, không nói lời vô ích.
16-Llà người có sự tinh-tấn không ngừng ngày đêm trong mọi công việc phước-thiện.
17- Là người có lòng biết ơn và biết đền ơn đối với người ân nhân của mình.
18- Là người hiểu biết mọi công việc đã làm.
19- Là người không có tính keo kiệt, bủn xỉn của cải của mình.
20- Là người có tâm hoan hỷ trong việc làm phước-thiện bố-thí của cải đến cho người khác.
21- Là người có giới hạnh đầy
đủ và trọn vẹn.
22-Là người trung thực với mình và mọi người.
23-Là người ít sinh tâm sân hận.
24-Là người biết hổ-thẹn tội-lỗi,
không dám làm ác.
25-Là người biết ghê-sợ tội-lỗi, không dám làm ác.
26-Là người có chánh-kiến thấy đúng, có khả năng thấy
rõ, biết rõ thật-tánh của các pháp.
27-Là người có nhiều phước-thiện
cao thượng.
28-Là người có nhiều trí-tuệ, hiểu biết các pháp.
29- Là bậc thiện-trí hiểu biết phân biệt được điều lợi, điều hại, điều chánh, lẽ tà.
30-Là bậc thiện-trí biết sự lợi ích kiếp hiện-tại, sự lợi ích kiếp vị-lai, sự lợi ích tối thượng Niết-bàn.
Đó là 30 quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.
* Quả xấu ác-nghiệp của người phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say
Người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say dù ít dù nhiều cũng tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say.
- Nếu có ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say nặng, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát khỏi được cõi ác-giới.
Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
- Và trường hợp, nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say nhẹ, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện-nghiệp nào khác trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.
Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say trong kiếp quá-khứ của người ấy.
Quả xấu của ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say có 30 quả xấu là hoàn toàn trái ngược với quả tốt của đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say như sau:
Kiếp hiện-tại của người ấy:
1- Là người không biết những công việc đã làm, đang làm và sẽ làm.
2- Là người thường không có
trí nhớ, hay quên mình.
3-Là người loạn trí, điên cuồng.
4- Là người không có trí-tuệ.
5- Là người có tính lười biếng
trong công việc.
6-Là người thường hay buồn ngủ.
7-Là người bị câm điếc từ khi đầu thai.
8-Là người si mê, ngu dốt.
9- Là người khó nhớ, dễ quên.
10- Là người có sự hiểu biết
kém cỏi, dốt nát.
11-Là người có thân hình nặng nề chậm chạp.
12-Là người thường bị tai nạn.
13-Là người sầu não, khổ
tâm.
14-Là người hay nói lảm nhảm.
15- Là người hay nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích.
16- Là người có tính biếng nhác ngày đêm trong công việc nặng, nhẹ.
17- Là người không biết ơn và không biết đền ơn đối với người ân nhân của mình.
18- Là người không biết công việc đã làm xong.
19- Là người keo kiệt, bủn xỉn.
20- Là người không thích làm phước-thiện bố-thí đến người khác.
21- Là người phạm các điều-giới,
không có giới.
22-Là người không chân thật, không ngay thẳng.
23-Là người hay sinh tâm sân hận.
24-Là người không biết hổ-thẹn
tội-lỗi, khi làm ác.
25-Là người không biết ghê-sợ tội-lỗi, khi làm ác.
26- Là người có tà-kiến hiểu lầm, chấp lầm trong mọi đối tượng.
27- Là người dám tạo mọi tội ác.
28- Là người không có trí-tuệ,
không hiểu rõ chân-lý.
29-Là người không thể phát sinh trí-tuệ.
30-Là người không biết phân biệt được sự lợi, sự hại, điều chánh, lẽ tà.
Đó là 30 quả xấu của ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá khứ.
Thật ra, mọi ác-nghiệp và mọi đại-thiện-nghiệp có khả năng đặc biệt, nếu có cơ hội thì cho quả trong kiếp hiện-tại, kiếp kế-tiếp và từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn.
Thật vậy, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha kiếp chót có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân, đó là quả của đại-thiện-nghiệp 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đã tích lũy trong suốt 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất ở trong tâm, có cơ hội cho quả tốt trong kiếp chót của Đức-Bồ-tát có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu Đức-Phật Gotama.
Nhận xét về nghiệp và quả của nghiệp ngũ-giới
Ngũ-giới (pañcasīla) là thường-giới (niccasīla) của tất cả mọi người trong đời, không ngoại trừ một ai cả, không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc, người có thọ trì ngũ-giới hoặc người không có thọ trì ngũ-giới.
- Nếu người nào phạm điều-giới nào trong ngũ-giới thì người ấy đã tạo ác-nghiệp điều-giới ấy, rồi phải chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
- Nếu người nào giữ gìn ngũ-giới của mình được trong sạch và trọn vẹn thì người ấy đã tạo đại-thiện-nghiệp ngũ-giới, rồi hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
* Ác-nghiệp và quả của ác-nghiệp ngũ-giới
Ác-nghiệp ngũ-giới đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm).
8 tham-tâm là:
1-Tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.
2- Tham-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, cần tác-động.
3- Tham-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.
4- Tham-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.
5- Tham-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.
6- Tham-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, cần tác-động.
7- Tham-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.
8- Tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.
2 sân-tâm là:
1- Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động.
2- Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.
2 si-tâm là:
1- Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi.
2- Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm.
* Ác-nghiệp ngũ-giới trong 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) cho quả trong 2 thời-kỳ:
- Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla).
-Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.
1-Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (Paṭisandhikāla)
Người nào phạm điều-giới nào trong ngũ-giới, đã tạo ác-nghiệp phạm điều-giới ấy. Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp phạm-giới ấy trong 11 bất-thiện-tâm (ác-tâm) (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm [23]) có cơ hội cho quả có 1 quả-tâm đó là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, asu-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.
- Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ hoặc loài a-su-ra thường có tham-tâm thèm khát.
- Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hoá-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục thường bị thiêu đốt, bị hành hạ.
- Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong si-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì sinh làm loài súc-sinh có tính si-mê.
2- Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại
Ác-nghiệp ngũ-giới trong 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, bất-thiện-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm có cơ hội cho quả có 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của ác-nghiệp trong ác-tâm.
7 Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm
1- Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, thấy đối-tượng sắc xấu.
2- Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, nghe đối-tượng thanh dở.
3- Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, ngửi đối-tượng hương mùi hôi.
4- Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, nếm đối-tượng vị dở.
5- Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ khổ là quả của ác-nghiệp, xúc giác đối-tượng xúc xấu.
6- Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu.
7- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu.
Đó là 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả-tâm của ác-nghiệp trong ác-tâm tiếp xúc biết các đối-tượng xấu.
* Đại-thiện-nghiệp và quả của đại-thiện-nghiệp ngũ-giới
Đại-thiện-nghiệp ngũ-giới đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm.
1- Đại-thiện-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
2- Đại-thiện-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
3- Đại-thiện-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
4- Đại-thiện-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
5- Đại-thiện-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
6- Đại-thiện-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
7- Đại-thiện-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
8- Đại-thiện-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
* Đại-thiện-nghiệp ngũ-giới trong 8 đại-thiện-tâm cho quả trong 2 thời-kỳ:
-Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla).
-Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.
1-Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (Paṭisandhikāla)
Người nào giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn tạo đại-thiện-nghiệp ngũ-giới.
Sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp ngũ-giới đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có 9 quả-tâm đó là 8 đại-quả-tâm và 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, 9 quả-tâm này gọi là dục-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người và 6 cõi trời dục-giới.
Trong 8 đại-quả-tâm này, mỗi quả tâm tương xứng với mỗi đại-thiện-tâm về đồng sinh với thọ, về hợp với trí-tuệ, về tác-động như sau:
1- Đại-quả-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
2- Đại-quả-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
3- Đại-quả-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
4- Đại-quả-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
5- Đại-quả-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
6- Đại-quả-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
7- Đại-quả-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.
8- Đại-quả-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.
8 đại-quả-tâm chia ra làm 2 loại:
- 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ.
- 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ.
* Trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau
- Nếu 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) sinh làm người thì thuộc về hạng người tam-nhân [24] (tihetuka-puggala) từ khi đầu thai làm người.
Khi sinh ra đời lúc trưởng thành, người tam-nhân vốn dĩ có trí-tuệ, nếu người tam-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền-định thì có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, chứng đắc các phép-thần-thông thế gian.
Nếu người tam-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành 4 bậc Thánh-nhân cao thượng trong Phật-giáo.
- Nếu 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ làm phận sự trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) sinh làm người thì thuộc về hạng người nhị-nhân [25] (dvihetuka puggala) từ khi đầu thai làm người.
- Nếu 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp bậc thấp làm phận sự trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) sinh làm người thì thuộc về hạng người vô-nhân [26] (ahetukapuggala) đui mù, câm điếc từ khi đầu thai làm người.
Nếu người ấy đui mù, câm điếc, tật nguyền trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, thì không thể gọi là người vô-nhân bởi vì người ấy có sự hiểu biết như người bình thường.
* Người thiện-trí giữ-giới ấy sau khi chết, nếu đại-thiện-nghiệp giữ-giới có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) cũng có 9 quả-tâm gọi là dục-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam, hoặc vị thiên-nữ trong 6 cõi trời dục-giới.
- Nếu là hạng thiên-nam, thiên-nữ tam-nhân thì có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời.
- Nếu là hạng thiên-nam, thiên-nữ nhị-nhân thì có ít oai lực, có hào quang không rộng.
- Nếu là hạng thiên-nam, thiên-nữ vô-nhân thì có ít oai lực, có hào quang kém trong cõi chư-thiên trên mặt đất (bhummaṭṭhadevatā).
2-Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại
Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại là người hoặc là vị thiên-nam, vị thiên-nữ ấy, đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, có 8 đại-quả-tâm và 8 thiện-quả vô-nhân-tâm gồm có 16 quả-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp tiếp xúc với những đối-tượng tốt, đáng hài lòng.
8 Thiện-quả vô-nhân-tâm là:
1- Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, thấy đối-tượng sắc tốt đáng hài lòng.
2- Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, nghe đối-tượng thanh hay đáng hài lòng.
3- Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, ngửi đối-tượng hương thơm đáng hài lòng.
4- Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, nếm đối-tượng vị ngon đáng hài lòng.
5- Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ lạc là quả của đại-thiện-nghiệp, xúc-giác đối-tượng xúc tốt đáng hài lòng.
6- Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đáng hài lòng.
7- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đáng hài lòng.
8- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ hỷ là quả của đại-thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đáng hài lòng.
Đó là 8 thiện-quả vô-nhân-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp giữ giới trong đại-thiện-tâm tiếp xúc biết các đối-tượng tốt đáng hài lòng, tâm an-lạc đối với loài người hoặc vị thiên-nam, vị thiên-nữ trong 6 cõi trời dục-giới.
Người tại gia với điều kinh sợ, oan trái
Nên tìm hiểu trong bài kinh Verasutta [27] mà Đức-Phật thuyết dạy ông phú hộ Anāthapiṇḍika, được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, ông phú hộ Anāthapiṇḍika đến hầu đảnh lễ Đức-Phật xong, ngồi một nơi hợp lẽ; khi ấy, Đức-Phật thuyết dạy ông phú hộ Anāthapiṇḍika rằng:
-Này ông phú hộ! Người tại gia nào không diệt được
5 điều kinh sợ, điều oan trái, Như-lai gọi là người phạm-giới, người không có giới. Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp phạm giới ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục.
Năm điều kinh sợ, điều oan trái ấy là gì?
Năm điều kinh sợ, điều oan trái ấy là sự sát-sinh, sự trộm-cắp, sự tà-dâm, sự nói-dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sinh dể duôi trong mọi thiện-pháp.
- Này ông phú hộ! Người tại gia nào không diệt được 5 điều kinh sợ, điều oan trái ấy, Như-lai gọi là người phạm-giới, người không có giới. Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp phạm-giới ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục.
- Này ông phú hộ! Người tại gia nào diệt được 5 điều kinh sợ, điều oan trái ấy, Như-lai gọi là người có giới trong sạch. Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới.
Năm điều kinh sợ, điều oan trái ấy là gì?
Năm điều kinh sợ, điều oan trái ấy là sự sát-sinh, sự trộm-cắp, sự tà-dâm, sự nói-dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sinh dể duôi trong mọi thiện-pháp.
- Này ông phú hộ! Người tại gia nào diệt được 5 điều kinh sợ, điều oan trái ấy, Như-lai gọi là người có giới trong sạch. Sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới.
- Này ông phú hộ! Người tại gia phạm điều-giới sát-sinh thì sẽ gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, phải chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân sát-sinh.
Người tại gia tránh xa sự sát-sinh thì sẽ không gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, không bị khổ thân, khổ tâm. Điều kinh sợ, điều oan trái ấy của người tại gia bị diệt bằng cách tránh xa sự sát-sinh ấy.
- Này ông phú hộ! Người tại gia phạm điều-giới trộm-cắp thì sẽ gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, phải chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân trộm-cắp.
Người tại gia tránh xa sự trộm-cắp thì sẽ không gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, không bị khổ thân, khổ tâm. Điều kinh sợ, điều oan trái ấy của người tại gia bị diệt bằng cách tránh xa sự trộm-cắp ấy.
- Này ông phú hộ! Người tại gia phạm điều-giới tà-dâm thì sẽ gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, phải chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân tà-dâm.
Người tại gia tránh xa sự tà-dâm thì sẽ không gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, không bị khổ thân, khổ tâm. Điều kinh sợ, điều oan trái ấy của người tại gia bị diệt bằng cách tránh xa sự tà-dâm ấy.
- Này ông phú hộ! Người tại gia phạm điều-giới nói-dối thì sẽ gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, phải chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân nói-dối.
Người tại gia tránh xa sự nói-dối thì sẽ không gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, không bị khổ thân, khổ tâm. Điều kinh sợ, điều oan trái ấy của người tại gia bị diệt bằng cách tránh xa sự nói-dối ấy.
- Này ông phú hộ! Người tại gia phạm điều-giới uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp thì sẽ gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, phải chịu cảnh khổ thân, khổ tâm, bởi vì nguyên nhân uống rượu và các chất say.
Người tại gia tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp thì sẽ không gặp điều kinh sợ, điều oan trái cả trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai, không bị khổ thân, khổ tâm. Điều kinh sợ, điều oan trái ấy của người tại gia bị diệt bằng cách tránh xa sự uống rượu và các chất say.
“Người nào trong đời tạo ác-nghiệp. Giết hại sinh-mạng của chúng-sinh. Trộm-cắp tài sản của người khác.
Tà-dâm với vợ, chồng người khác. Thường nói-dối không biết hổ-thẹn. Thường uống rượu và các chất say. Người ấy chưa tránh năm oan trái. Gọi là người ác không có giới.
Là người si mê trước lúc chết. Ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh.
Trong cõi địa-ngục chịu quả khổ.
Người nào trong đời tạo đại-thiện-nghiệp. Không giết hại sinh-mạng chúng-sinh.
Không trộm-cắp của cải người khác. Không tà-dâm với vợ, chồng người. Không nói dối lừa gạt người khác.
Không uống rượu và các chất say. Người ấy đã tránh năm oan trái. Gọi là người thiện-trí có giới.
Có đại-thiện-tâm lúc lâm chung. Đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội. Cho quả tái-sinh trong kiếp sau. Trong cõi thiện dục-giới an-lạc.”
Con người với ngũ-giới
Phàm mỗi người đã sinh ra trong đời này, chắc chắn tiền-kiếp của người ấy có ít nhất là ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn.
Nếu kiếp hiện-tại người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, bị phiền-não sai khiến nên phạm điều-giới nào trong ngũ-giới, tạo ác-nghiệp thì người ấy tự làm mất nhân phẩm quý báu vốn có trong con người của mình, từ khi đầu thai làm người.
Người nào đã phạm điều-giới nào, tạo ác-nghiệp ấy, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp phạm điều-giới ấy trong ác-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) chịu quả khổ của ác-nghiệp trong cõi ác-giới ấy.
Trong bài kinh Chiggaḷasutta [28] Đức-Phật lấy ví dụ
một con rùa mù ở đại dương được tóm lược như sau:
- Này chư tỳ-khưu! Ví như mặt đất này bị nước tràn ngập sâu như đại dương. Một tấm ván có lỗ nhỏ vừa cái đầu con rùa mù chui vào, trôi trên mặt nước biển. Hễ gió hướng Đông thì tấm ván trôi về hướng Tây, gió hướng Tây thì tấm ván trôi về hướng Đông, gió hướng Nam thì tấm ván trôi về hướng Bắc, gió hướng Bắc thì tấm ván trôi về hướng Nam, … Một con rùa mù ở dưới đáy biển sâu, cứ trải qua 100 năm nổi lên mặt nước một lần.
-Này chư tỳ-khưu! Con rùa mù kia cứ trải qua 100 năm nổi lên mặt nước một lần, chui đầu vào cái lỗ nhỏ của tấm ván ấy có được hay không?
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con rùa mù kia cứ trải qua 100 năm nổi lên mặt nước biển một lần, chui cái đầu vào cái lỗ nhỏ của tấm ván ấy, đó là một điều thật vô cùng khó khăn lắm!
- Này chư tỳ-khưu! Được sinh ra làm người, đó là điều khó hơn thế nữa!
Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian này, đó là điều khó hơn thế nữa!
Chánh-pháp của Như-lai đã thuyết giảng trên thế gian này, đó là điều vô cùng khó hơn thế nữa!
Nay, các con đã được sinh ra làm người rồi!
Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đã xuất hiện trên thế gian này rồi!
Chánh-pháp của Như-lai đã thuyết giảng trên thế gian này rồi!
-Này chư tỳ-khưu! Vậy, các con hãy nên cố gắng tinh-tấn không ngừng thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ (hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ), để hầu mong chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế: khổ-Thánh-đế, nhân sinh khổ-Thánh-đế, diệt khổ-Thánh-đế, pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế.
“Appamādena bhikkhave sampādetha! Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ, Manussattabhāvo dullabho,
Dullabhā saddhāsampatti, Pabbajitabhāvo dullabho, Saddhammassavanaṃ dullabhaṃ. Evaṃ divase divase ovadati.”
- Này chư tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ! Các con chớ nên dể duôi, nên cố gắng thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ để hoàn thành các phận sự tứ Thánh-đế (bởi vì có 5 điều khó được).
- Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian là một điều khó được.
- Được sinh làm người là một điều khó được.
- Có đức-tin đầy đủ là một điều khó được.
- Xuất gia trở thành tỳ-khưu là một điều khó được.
- Được lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật là một điều khó được.
Hằng ngày, Đức-Phật thường khuyên dạy nhắc nhở các hàng thanh-văn đệ-tử như vậy.
“Được sinh làm người là một điều khó được.”
- Những người trong châu này là chư Đức-Bồ-tát có nhiều thuận lợi tạo đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật.
- Con người trong châu này có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hoặc Đức-Phật Độc-Giác hoặc bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn-giác hoặc bậc Thánh Đại-thanh-văn-giác, Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương.
Nay, chúng ta đã là con người thật là vô cùng diễm phúc biết dường nào! Chúng ta còn gặp được giáo-pháp của Đức-Phật Gotama hiện đang còn lưu truyền trên thế gian, thật là vô cùng hy hữu. Đây là cơ hội hiếm có, vô cùng thuận lợi để cho mỗi người chúng ta có cơ hội tốt tạo mọi thiện-pháp, từ 8 dục-giới thiện-pháp, 5 sắc-giới thiện-pháp, 4 vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến 4 siêu-tam-giới thiện-pháp tùy theo khả năng của mỗi người.
Bất luận thiện-pháp nào cũng cần phải có giới trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, để cho mọi thiện-pháp được phát triển tốt.
Thật ra, người thiện biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, tin nghiệp và quả của nghiệp, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm, tránh xa sự nói-dối, tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say bằng tâm, giữ gìn ngũ-giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, đó là điều rất dễ dàng trong khả năng bình thường của tất cả mọi người ở trong đời.
Còn người ác không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không tin nghiệp và quả của nghiệp, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng thân hoặc bằng khẩu phạm mỗi điều-giới hợp đủ chi-pháp như:
- Phạm điều-giới sát-sinh cần phải hợp đủ 5 chi-pháp.
- Phạm điều-giới trộm-cắp cần phải hợp đủ 5 chi pháp.
- Phạm điều-giới tà-dâm cần phải hợp đủ 4 chi-pháp.
- Phạm điều-giới nói-dối cần phải hợp đủ 4 chi-pháp,
- Phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say cần phải hợp đủ 4 chi-pháp, mới tạo ác-nghiệp của mỗi điều-giới ấy, đó là việc không phải dễ dàng, thật ra là việc rất khó khăn mà không phải là ai cũng có thể tạo ác-nghiệp ấy được.
* Thật vậy, người thiện-trí có trí-tuệ sáng suốt biết suy xét kỹ càng và trung thực, để có nhận thức đúng rằng:
- Người thiện giữ gìn mỗi điều-giới được trong sạch,
đó là việc dễ hay khó?
- Người ác cố gắng bằng thân hoặc bằng khẩu phạm mỗi điều-giới nào hợp đủ chi-pháp của điều-giới ấy, đó là việc khó hay dễ? Suy xét mỗi điều-giới như sau:
- Người thiện có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự sát-sinh bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự sát-sinh, tạo đại-thiện-nghiệp không sát-sinh.
Như vậy, việc tạo đại-thiện-nghiệp không sát-sinh với việc tạo ác-nghiệp sát-sinh, trong 2 việc này việc nào dễ làm? Việc nào khó làm?
- Người thiện có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự trộm-cắp bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự trộm-cắp, tạo đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp.
Như vậy, việc tạo đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp với việc tạo ác-nghiệp trộm-cắp, trong 2 việc này việc nào dễ làm? Việc nào khó làm?
- Người thiện có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự tà-dâm bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự tà-dâm, tạo đại-thiện-nghiệp không tà-dâm.
Như vậy, việc tạo đại-thiện-nghiệp không tà-dâm với việc tạo ác-nghiệp tà-dâm, trong 2 việc này việc nào dễ làm? Việc nào khó làm?
- Người thiện có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự nói-dối bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự nói-dối, tạo đại-thiện-nghiệp không nói-dối.
Như vậy, việc tạo đại-thiện-nghiệp không nói dối với việc tạo ác-nghiệp nói dối, trong 2 việc này việc nào dễ làm? Việc nào khó làm?
- Người thiện có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say, tạo đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say.
Như vậy, việc tạo đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say với việc tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say, trong 2 việc này việc nào dễ làm? Việc nào khó làm?
* Người thiện-trí nhận thức đúng rằng: việc không sát-sinh, việc không trộm-cắp, việc không tà-dâm, việc không nói-dối, việc không uống rượu, bia và các chất say, đó là việc rất dễ làm. Cho nên, người thiện-trí biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự phạm 5 điều-giới bằng tâm, biết giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ-giới, đó là việc rất dễ làm, bởi vì trong khả năng bình thường đối với tất cả mọi người trong đời.
* Người thiện-trí nhận thức đúng rằng: việc sát-sinh, việc trộm-cắp, việc tà-dâm, việc nói-dối, việc uống rượu, bia và các chất say, đó là việc rất khó làm, mà không phải là ai trong đời cũng có thể làm được. Song chỉ có người ác nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng thân, hoặc bằng khẩu phạm mỗi điều-giới nào phải hợp đủ chi-pháp của mỗi điều-giới ấy, phạm điều-giới ấy, tạo ác-nghiệp điều-giới ấy, đó là việc rất khó khăn mà chỉ có người ác mới làm được mà thôi.
Đức-Phật dạy rằng:
“Sukaraṃ
sādhunā sādhu, sādhu pāpena dukkaraṃ.
Pāpaṃ pāpena sukaraṃ, pāpamariyehi dukkaraṃ.”[29]
- Này chư tỳ-khưu!
“Người thiện-trí
dễ dàng tạo thiện-nghiệp.
Người ác rất khó khăn tạo thiện-nghiệp.
Người ác dễ dàng tạo ác-nghiệp.
Bậc Thánh-nhân chắc chắn khó tạo ác-nghiệp.”
* Để phân biệt người ác với người thiện, Đức Phật dạy trong bài kinh Sikkhapadasutta [30].
Đức-Thế-Tôn dạy rằng:
“-Này chư tỳ-khưu! Như-Lai sẽ thuyết giảng về người ác và người ác hơn người ác, người thiện và người thiện hơn người thiện. Các con hãy lắng nghe, nên chú tâm lắng nghe.”
Vâng lời theo Đức-Thế-Tôn, chư tỳ-khưu chú tâm lắng nghe lời giáo huấn của Đức-Thế-Tôn.
* Người ác -người ác hơn người ác
Đức-Thế-Tôn dạy rằng:
- Này chư tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người ác?
- Này chư tỳ-khưu! Trong đời này, số người là người sát-sinh, là người trộm-cắp, là người tà-dâm, là người nói-dối, là người uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.
- Này chư tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người ác.
- Này chư tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người ác hơn người ác?
- Này chư tỳ-khưu! Trong đời này, số người tự mình sát-sinh, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cũng sát-sinh.
Số người tự mình trộm-cắp, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cũng trộm-cắp.
Số người tự mình tà-dâm, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cũng tà-dâm.
Số người tự mình nói-dối, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cũng nói-dối.
Số người tự mình uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cũng uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.
- Này chư tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người ác hơn người ác.
* Người thiện -người thiện hơn người thiện
Đức-Thế-Tôn dạy rằng:
- Này chư tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người thiện?
- Này chư tỳ-khưu! Trong đời này, số người là người tránh xa sự sát-sinh, là người tránh xa sự trộm-cắp, là người tránh xa sự tà-dâm, là người tránh xa sự nói-dối, là người tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.
- Này chư tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người thiện.
- Này chư tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người thiện hơn người thiện?
- Này chư tỳ-khưu! Trong đời này, số người tự mình tránh xa sự sát-sinh, còn động viên, tác động, khuyến-khích người khác cũng tránh xa sự sát-sinh.
Số người tự mình tránh xa sự trộm-cắp, còn động viên, tác-động, khuyến khích người khác cũng tránh xa sự trộm-cắp.
Số người tự mình tránh xa sự tà-dâm, còn động viên, tác động, khuyến khích người khác cũng tránh xa sự tà-tà-dâm.
Số người tự mình tránh xa sự nói-dối, còn động viên, tác
động, khuyến khích người khác cũng tránh xa sự nói-dối.
Số người tự mình tránh xa uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, còn động viên, tác động, khuyến khích người khác cũng tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.
-Này chư tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người thiện hơn người thiện.”
Nếu người ác nào không chỉ tự mình phạm điều-giới nào của mình, tạo ác-nghiệp điều-giới ấy mà còn động viên, tác động, khuyến khích, sai bảo người khác cũng phạm điều-giới ấy, tạo ác-nghiệp điều-giới ấy, thì người ác ấy bị gọi là người ác hơn người ác. Còn nếu người thiện nào không chỉ tự mình giữ gìn các điều-giới của mình được trong sạch trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ gìn giới mà còn động viên, tác động, khuyến khích, khuyên bảo người khác cũng giữ gìn các điều-giới của họ được trong sạch trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ gìn giới thì người thiện ấy được gọi là người thiện hơn người thiện.
Ví dụ: * Nếu người nào phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say ấy, thì người ấy bị gọi là người ác.
Còn nếu người nào giữ gìn điều-giới tránh xa uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp được trong sạch, tạo đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say, thì người ấy được gọi là người thiện.
* Nếu người ác nào không chỉ tự mình phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say mà còn động viên, tác động, khuyến khích, mời mọc, tiếp đãi người khác cũng phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say thì người ác ấy bị gọi là người ác hơn người ác.
Còn nếu người thiện nào không chỉ tự mình giữ gìn điều-giới tránh xa uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp được trong sạch, tạo đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say mà còn động viên, tác động, khuyến khích, khuyên bảo người khác cũng giữ gìn điều-giới tránh xa uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp được trong sạch, tạo đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say thì người thiện ấy được gọi là người thiện hơn người thiện.
Tích Ngài Pañcasīlasamādāniyatthera [31] thuật lại tiền-kiếp của Ngài, được tóm lược như sau:
“Chúng-sinh sống trong đời này, thường bị màn vô-minh che trùm phủ kín, tối tăm không hiểu biết được chân-lý, thường bị lửa tham, sân, si thiêu đốt không ngừng, luôn luôn chịu khổ não. Ta sẽ giải thoát khổ bằng cách nào đây?”
“Điều tốt hơn ta nên thọ trì ngũ-giới và cố gắng giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch và trọn vẹn.”
Do suy nghĩ như vậy, nên tôi liền đến hầu Ngài Đại-Trưởng-lão Nisabha, bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Anomadassī, kính xin thọ trì ngũ-giới. Ngài Đại-Trưởng-lão đã hướng dẫn tôi thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.
Khi sắp lâm chung (sắp chết) tôi niệm tưởng đến ngũ-giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn của tôi nên chư-thiên ở cõi trời Tam-thập-tam-thiên đem một cỗ xe sang trọng gồm có 1.000 con ngựa báu đến rước tôi.
Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp giữ ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn ấy cho quả tái-sinh lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, tôi đã làm Đức-vua trời cõi Tam-thập-tam-thiên suốt 30 kiếp [33], hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.
Khi tái-sinh làm người trong cõi người, tôi trở thành Đức Chuyển-luân Thánh-vương 75 kiếp, và trở thành Đức-vua trị vì các nước lớn nhiều kiếp không sao kể xiết.
Ngài Trưởng-lão Pañcasīlasamādāniyatthera thuật lại rằng:
Tôi đã giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn từ thời kỳ Đức-Phật Anomadassī cho đến kiếp hiện-tại này, trải qua thời gian 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, tôi không từng tái-sinh trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, kiếp nào cũng tái-sinh trong cõi thiện-dục-giới (cõi người, cõi trời dục-giới).
Đó là do năng lực quả báu của phước-thiện giữ gìn ngũ-giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn của tôi.
- Tôi là người sống lâu trường thọ.
- Tôi là người có địa vị cao quý, giàu sang phú quý.
- Tôi là người có nhiều trí-tuệ sáng suốt.
* Vào thời kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, tôi ở trên cõi trời dục-giới, sau khi tôi chuyển kiếp (cuti) (chết) từ cõi trời dục-giới ấy, đại-thiện-nghiệp giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn ấy (trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ), cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp chót đầu thai làm người trong gia đình thuộc dòng dõi bà-la-môn giàu sang phú quý trong xứ Vesālī.
Gần đến ngày nhập hạ, cha mẹ dắt dẫn tôi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, cha mẹ bảo tôi kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.
Vâng lời cha mẹ, tôi kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.
Khi ấy, tôi niệm tưởng lại ngũ-giới, do năng lực của ngũ-giới mà tôi đã giữ gìn trong sạch và trọn vẹn trong kiếp quá khứ xa xưa. Chính tại nơi đang ngồi thọ phép quy-y Tam-bảo, thọ trì ngũ-giới ấy, tôi liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Khi ấy tôi vừa mới lên 5 tuổi.
Đức-Phật cho tôi xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Còn như chư vị sa-di, chư vị tỳ-khưu, chư bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật có rất nhiều điều-giới, thì quả báu của đại-thiện-nghiệp giữ-giới nhiều biết dường nào kể xiết được.
[1] Chú-giải M.Mūlapaṇṇāsaṭṭhakathā, kinh Sammādiṭṭhisuttavaṇṇanā.
[2] Chú-giải bộ Paṭisambhidāmagga, phần Sīlamayañāṇaniddesa.
[3] Dī. Mahāvagga, Mahāparinibbānasutta, đoạn Dussīla ādīnava.
[4] Dī. Mahāvagga, Mahāparinibbānasutta, Sīlavanta ānisaṃsa.
[5] Bộ Chú-giải Dī. Mahāvaggaṭṭhakathā, kinh Sakkapañhasuttavaṇṇanā.
[6] Nếu có nhiều người thì thay chữ “ahaṃ” bằng chữ “mayaṃ”.
[7] Nếu có nhiều người thì thay chữ “yācāmi” bằng chữ “yācāma”.
[8] Nếu có nhiều người thì thay chữ “me” bằng chữ “no”.
[9] NTL: Ngài Trưởng-Lão. CSN: Cận-sự-nam, cận-sự-nữ.
[10] Khu. Vimānavatthu, tích Maṇḍūkadevaputta vimānavatthu.
[11] Saṃyuttanikāya, Saḷāyatanavagga, kinh Channasutta. (Ngài Trưởng-lão Channa trùng tên với tỳ-khưu Channa, vốn là vị quan đánh ngựa đưa Đức-Bồ-tát Siddhattha đi xuất gia.)
[12] M.Mūlapaṃṇāsa, kinh Vatthasutta.
[13] Đức-vua trời Sakka đã là bậc Thánh Nhập-lưu trong thời-kỳ Đức-Phật đang còn hiện hữu trên thế gian.
[14] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, chuyện Mallikādevīvatthu.
[15] Bộ Jātaka tích Pañcāvudhajātaka.
[16] Bộ Jātaka tích Saṅsumārajātaka.
[17] Bộ Aṅguttaranikāya. Aṭṭhakanipātapāḷi, Duccarittavipākasutta.
[18] Bộ Aṅguttaranikāya, Tikanipāta, Atittasutta.
[19] Khu. Khuddakapāṭhaṭṭhakathā. Maṅgalasuttavaṇṇanā.
[20] Khu. Khuddakapāṭhaṭṭhakathā Ekatānānatādi vinicchaya.
[21] Dī, Sīlakkhandhavaggaṭṭhakathā, Sāmaññaphalasuttavaṇṇanā.
[22] Bộ Jātaka, phần Dukanipāta, tích Dhammadhajajātaka.
[23] Si-tâm hợp với phóng-tâm có ít năng lực không có khả năng cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau, cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh kiếp hiện-tại.
[24] Người tam-nhân là người có tái-sinh-tâm đủ 3 nhân: vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ) từ khi đầu thai làm người.
[25] Người nhị-nhân là người có tái-sinh-tâm chỉ có 2 thiện-nhân: vô-tham và vô-sân, không có vô-si, từ khi đầu thai làm người.
[26] Người vô-nhân là người có tái-sinh-tâm không có nhân nào trong 3 thiện-nhân, từ khi đầu thai làm người.
[27] Bộ Aṅguttaranikāya, Pañcakanipāta, kinh Verasutta.
[28] Samyuttanikāya, Mahāvaggapāḷi, Chiggaḷasutta.
[29] Dhammapadaṭṭhakathā, yamakavagga devadattavatthu.
[30] Aṅguttaranikāya Catukanipāta, kinh Sikkhapadasutta.
[31] Bộ Therāpadāna, tích Ngài Pañcasīlasamādāniyatthera.
[32] Từ thời-kỳ Đức-Phật Anomadassī đến Đức-Phật Gotama có khoảng cách thời gian 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, trải qua 18 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đã xuất hiện trên thế gian.
[33] Chư-thiên ở cõi trời Tam-thập tam-thiên có tuổi thọ 1.000 năm trời so với số năm cõi người bằng 36 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm trên cõi trời này bằng 100 năm ở cõi người.
Mục lục quyển 3 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08
Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10