NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN III

PHÁP-HÀNH GIỚI
(SĪLĀCĀRA)


CHƯƠNG V

PHÁP-HÀNH GIỚI
(SĪLĀCĀRA)
(tt)

Nghiệp Và Quả Của Nghiệp

Các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.

Nếu hàng thanh-văn đệ-tử nào hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp [1] thì làm nhân-duyên hỗ trợ cho hàng thanh-văn đệ-tử ấy biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn.

Đức-Phật dạy và nghiệp và quả của nghiệp rằng:

“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyānaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi.” [2]

Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào: “thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp”, ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.

Nên tìm hiểu nghiệp và quả của nghiệp, bởi vì tất cả mọi chúng-sinh dù lớn dù nhỏ cũng đều tuỳ thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mình.

Đức-Phật dạy về nghiệp (kamma) rằng:

Cetanā’haṃ bhikkhave, kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ karoti kāyena vācāya manasā.[3]

- Này chư tỳ-khưu! Sau khi đã có tác-ý rồi, mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý.

Vì vậy, Như-lai dạy rằng: Tác-ý gọi là nghiệp.

Tác-ý (cetanā) đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) là 1 trong 52 tâm-sở, đồng sinh với 89 hoặc 121 tâm.

Vậy, tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với các tâm nào gọi là nghiệp và đồng sinh với các tâm nào không gọi là nghiệp?

* Tác-ý gọi là nghiệp

Nếu tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) và đồng sinh với 21 hoặc 37 thiện-tâm thì tác-ý tâm-sở ấy gọi là nghiệp.

* Tác-ý không gọi là nghiệp

Nếu khi tác-ý tâm-sở nào đồng sinh với 36 hoặc 52 [4] quả-tâm và 20 duy-tác-tâm [5] thì tác-ý tâm-sở ấy không gọi là nghiệp.

Nghiệp (Kamma) có 2 loại:

- Bất-thiện-nghiệp (akusalakamma).

- Thiện-nghiệp (kusalakamma).

* Nếu tác-ý tâm-sở nào đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) thì tác-ý tâm-sở ấy gọi là bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp).

* Nếu tác-ý tâm-sở nào đồng sinh với 21 hoặc 37 thiện-tâm thì tác-ý tâm-sở ấy gọi là thiện-nghiệp.

Tính chất của nghiệp (Kamma)

Mỗi người đều có quyền hoàn toàn chủ động tự lựa chọn tạo ác-nghiệp nào hoặc thiện-nghiệp nào tùy theo khả năng của mình.

Nếu người nào đã tạo ác-nghiệp nào, hoặc thiện nghiệp nào rồi thì ác-nghiệp ấy, hoặc thiện-nghiệp ấy chỉ thuộc về của riêng người ấy mà thôi, không có chung với một ai cả, không liên quan đến người nào khác.

Thật ra, mỗi chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng còn là hạng phàm-nhân và 3 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai (trừ bậc Thánh A-ra-hán) đã tạo mọi ác-nghiệp nào, mọi đại-thiện-nghiệp nào từ vô thủy trải qua vô số kiếp quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại này, tất cả mọi ác-nghiệp ấy, mọi đại-thiện-nghiệp ấy dù nặng, dù nhẹ cũng đều được lưu trữ đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm sinh rồi diệt liên tục từ kiếp này sang kiếp kia, trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài của mỗi chúng-sinh, của mỗi người, không hề bị mất mát một mảy may nào cả, dù cho thân bị thay đổi mỗi kiếp do nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng sinh, còn tâm vẫn sinh rồi diệt liên tục, có phận sự lưu trữ tất cả mọi ác-nghiệp, mọi đại-thiện-nghiệp của mỗi chúng-sinh nói chung, của mỗi người nói riêng.

Đức-Phật dạy rằng:

“Kammassako’mhi kammadāyādo, …”

Ta có ác-nghiệp, thiện-nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả khổ của ác-nghiệp, quả an-lạc của thiện-nghiệp của ta.

* Tính chất quả của nghiệp (Kammaphala)

Dĩ nhiên, chính mình là người chịu quả khổ của ác-nghiệp, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp của ta một cách hoàn toàn bị động, mà không thể lựa chọn theo ý của mình được.

Trong cuộc sống, nếu ác-nghiệp nào của ta có cơ hội cho quả thì ta phải chịu quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy như người thừa hưởng quả khổ của ác-nghiệp (kam-madāyāda) cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy ta mới thoát ra khỏi được.

Nếu đại-thiện-nghiệp nào của ta có cơ hội cho quả thì ta được hưởng quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy, như người thừa hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp (kammadāyāda) cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy ta mới không còn hưởng quả ấy nữa.

Tuy nhiên, quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp của ta, và quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp của ta không chỉ trực-tiếp riêng cho ta, mà quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy và quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy còn gián-tiếp ảnh hưởng đến những người thân quyến gần gũi thân cận với ta, và những chúng-sinh khác gần gũi, thân cận với ta nữa.

1-Ác-nghiệp và quả của ác-nghiệp

Bất-thiện-nghiệp gọi là ác-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm gọi là 12 ác-tâm.

Bất-thiện-tâm (ác-tâm) có 12 tâm đó là 8 tham-tâm + 2 sân-tâm + 2 si-tâm.

* Tham-tâm có 8 tâm là:

1-Tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

2- Tham-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, cần tác-động.

3- Tham-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

4- Tham-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

5- Tham-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

6- Tham-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, cần tác-động.

7- Tham-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

8- Tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

Sân-tâm có 2 tâm là:

1- Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động.

2- Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động.

Si-tâm có 2 tâm là:

1-Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi.

2-Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm.

Nếu người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) tạo 10 ác-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý như sau:

10 ác-nghiệp theo thân, khẩu, ý:

1- Thân ác-nghiệp có 3 loại:

- Ác-nghiệp sát-sinh.

- Ác-nghiệp trộm-cắp.

- Ác-nghiệp tà-dâm.

2- Khẩu ác-nghiệp có 4 loại:

- Ác-nghiệp nói-dối.

- Ác-nghiệp nói lời chia rẽ.

- Ác-nghiệp nói lời thô tục.

- Ác-nghiệp nói lời vô ích.

3- Ý ác-nghiệp có 3 loại:

- Ác-nghiệp tham lam của người khác,

- Ác-nghiệp thù hận người khác.

- Ác-nghiệp tà-kiến thấy sai chấp lầm.

Ác-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) cho quả trong 2 thời-kỳ:

-Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla).

-Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

* Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (Paṭisandhikāla)

Người nào đã tạo ác-nghiệp nào trong 10 loại ác-nghiệp, sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy trong 11 bất-thiện-tâm (ác-tâm) (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm [6]) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) 1 quả-tâm đó là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.

- Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả ấy là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ hoặc loài a-su-ra, 2 loài chúng-sinh này thường có tham-tâm thèm khát.

- Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục, chúng-sinh này thường bị thiêu đốt, bị hành hạ, chúng-sinh địa-ngục có tính sân hận.

- Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả ác-nghiệp trong si-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì sinh làm loài súc-sinh; loài súc-sinh có tính si-mê.

* Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại

Trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, ác-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) đều có cơ hội cho quả có 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của ác-nghiệp trong 12 ác-tâm.

Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm có 7 tâm là:

1- Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, thấy đối-tượng sắc xấu.

2- Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, nghe đối-tượng thanh dở.

3- Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, ngửi đối-tượng hương mùi hôi.

4- Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, nếm đối-tượng vị dở.

5- Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ khổ là quả của ác-nghiệp, xúc giác đối-tượng xúc loại xấu.

6- Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc loại xấu.

7- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc loại xấu.

Đó là 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả-tâm của ác-nghiệp trong ác-tâm tiếp xúc biết các đối-tượng xấu.

2-Thiện-nghiệp và quả của thiện-nghiệp

Thiện-nghiệp có 4 loại:

- Dục-giới thiện-nghiệp trong 8 dục-giới thiện-tâm.

- Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 sắc-giới thiện-tâm.

- Vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm.

- Siêu-tam-giới thiện-nghiệp trong 4 Thánh-đạo-tâm.

2.1-Dục-giới thiện-nghiệp trong 8 dục-giới thiện-tâm

Dục-giới thiện-nghiệp gọi là đại-thiện-nghiệp trong 8 dục-giới thiện-tâm gọi là 8 đại-thiện-tâm.

Đại-thiện-nghiệp và quả của đại-thiện-nghiệp

Nếu người nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết tự trọng, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm tạo 10 đại-thiện-nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý tạo 10 phước-thiện puññakriyāvatthu.

* Đại-thiện-tâm có 8 tâm là:

1- Đại-thiện-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

2- Đại-thiện-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

3- Đại-thiện-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

4- Đại-thiện-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

5- Đại-thiện-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

6- Đại-thiện-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

7- Đại-thiện-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

8- Đại-thiện-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

* Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm tạo 10 đại-thiện-nghiệp theo 3 môn: thân-môn, khẩu-môn, ý-môn như sau:

1-Thân đại-thiện-nghiệp có 3 loại:

- Đại-thiện-nghiệp không sát-sinh.

- Đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp.

- Đại-thiện-nghiệp không tà-dâm.

2-Khẩu đại-thiện-nghiệp có 4 loại:

- Đại-thiện-nghiệp không nói-dối.

- Đại-thiện-nghiệp không nói lời chia rẽ.

- Đại-thiện-nghiệp không nói lời thô tục.

- Đại-thiện-nghiệp không nói lời vô ích.

3-Ý đại-thiện-nghiệp có 3 loại:

- Đại-thiện-nghiệp không tham lam của người khác.

- Đại-thiện-nghiệp không thù hận người khác.

- Đại-thiện-nghiệp chánh-kiến thấy đúng biết đúng theo chánh-pháp.

Đó là 10 đại-thiện-nghiệp theo 3 môn: thân, khẩu, ý.[7]

* Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm tạo 10 phước-thiện puññakriyāvatthu. [8]

1-Dānakusala: Phước-thiện bố-thí.

2-Sīlakusala: Phước-thiện giữ-giới.

3-Bhāvanākusala: Phước-thiện hành-thiền.

4-Apacāyanakusala: Phước-thiện cung-kính.

5-Veyyāvaccakusala: Phước-thiện hỗ-trợ.

6- Pattidānakusala: Phước-thiện hồi-hướng.

7-Pattānumodanākusala: Phước-thiện hoan-hỷ phần phước-thiện.

8- Dhammassavanakusala: Phước-thiện nghe chánh-pháp.

9- Dhammadesanākusala: Phước-thiện thuyết chánh-pháp.

10- Diṭṭhijukammakusala: Phước-thiện chánh-kiến thấy đúng, biết đúng theo nghiệp của mình.

Đó là 10 phước-thiện puññakriyāvatthu.

Đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm cho quả trong 2 thời-kỳ:

-Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla).

- Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại.

* Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla)

Người nào đã tạo đại-thiện-nghiệp, sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) 9 quả-tâm đó là 8 đại-quả-tâm 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, gọi là dục-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người và 6 cõi trời dục-giới.

8 đại-quả-tâm này có mỗi quả tâm tương xứng với 8 đại-thiện-tâm về đồng sinh với thọ, về hợp với trí-tuệ, về tác-động như sau:

Đại-quả-tâm có 8 tâm là:

1- Đại-quả-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

2- Đại-quả-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

3- Đại-quả-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

4- Đại-quả-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

5- Đại-quả-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

6- Đại-quả-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

7- Đại-quả-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động.

8- Đại-quả-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động.

8 đại-quả-tâm có 2 loại tâm:

- 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ.

- 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ.

* Trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau:

- Nếu 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) sinh làm người thì thuộc về hạng người tam-nhân [9] (tihetuka-puggala) từ khi đầu thai làm người.

Khi sinh ra đời lúc trưởng thành, người tam-nhân vốn có trí-tuệ, nếu người tam-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền-định thì có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, chứng đắc các phép-thần-thông thế gian.

Nếu người tam-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành 4 bậc Thánh-nhân cao thượng trong Phật-giáo.

- Nếu 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ làm phận sự trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) sinh làm người thì thuộc về hạng người nhị-nhân [10] (dvihetukapuggala) từ khi đầu thai làm người.

Khi sinh ra đời lúc trưởng thành, người nhị-nhân vốn dĩ không có trí-tuệ, nếu người nhị-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền-định thì không có khả năng chứng đắc bậc thiền nào cả.

Nếu người nhị-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì không có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào cả.

- Nếu 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp bậc thấp làm phận sự trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) sinh làm người thì thuộc về hạng người vô-nhân [11] (ahetukapuggala) đui mù, câm điếc từ khi đầu thai làm người.

Khi sinh ra đời lúc trưởng thành, người vô-nhân đui mù, câm điếc, tật nguyền, … hiểu biết bình thường không học hành được.

Nếu người ấy đui mù, câm điếc, tật nguyền trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại thì không thể gọi là người vô-nhân được, bởi vì người ấy có sự hiểu biết đặc biệt gần như người bình thường.

-Người thiện nào đã tạo đại-thiện-nghiệp, sau khi người thiện ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ: hạng tam-nhân có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời, có hạng nhị-nhân có oai lực ít, có hào quang không rộng trên 6 cõi trời dục-giới, thậm chí cũng có hạng vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ vô-nhân có ít oai lực, có hào quang kém trong cõi chư-thiên trên mặt đất (bhummaṭṭhadevatā).

* Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (Pavattikāla) kiếp hiện-tại

Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại là loài người hoặc vị thiên-nam, vị thiên-nữ, đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm cho quả gồm có 16 quả-tâm 8 đại-quả-tâm 8 thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp tiếp xúc với những đối-tượng tốt đáng hài lòng.

Thiện-quả vô-nhân-tâm có 8 tâm là:

1- Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, thấy đối-tượng sắc tốt.

2- Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, nghe đối-tượng thanh hay.

3- Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, ngửi đối-tượng hương thơm.

4- Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, nếm đối-tượng vị ngon.

5- Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ lạc là quả của đại-thiện-nghiệp, xúc-giác đối-tượng xúc tốt.

6- Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt.

7- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt.

8- Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ hỷ là quả của đại-thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đáng hài lòng.

Đó là 8 thiện-quả vô-nhân-tâm là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm tiếp xúc biết các đối-tượng tốt đáng hài lòng, đối với loài người hoặc vị thiên-nam, vị thiên-nữ trong 6 cõi trời dục-giới.

2.2-Sắc-giới thiện-nghiệp và quả của sắc-giới thiện-nghiệp

Sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm.

Hành-giả là hạng người tam-nhân có giới trong sạch và trọn vẹn, nương nhờ nơi giới, thực-hành pháp-hành thiền-định, có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm như sau:

Bậc thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 bậc

- Đệ-nhất-thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền là hướng-tâm (vitakka), quan-sát (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), nhất-tâm (ekaggatā) do chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) là tham-dục, sân-hận, buồn-chán buồn-ngủ, phóng-tâm hối-hận, hoài-nghi.

- Đệ-nhị-thiền sắc-giới thiện-tâm có 4 chi-thiền là quan-sát (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), nhất-tâm (ekaggatā) do chế ngự được chi-thiền hướng-tâm (vitakka).

- Đệ-tam-thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền là hỷ (pīti), lạc (sukha), nhất-tâm (ekaggatā) do chế ngự được chi-thiền quan-sát (vicāra).

- Đệ-tứ-thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là lạc (sukha), nhất-tâm (ekaggatā) do chế ngự được chi-thiền hỷ (pīti).

- Đệ-ngũ-thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là xả (upekkhā), nhất-tâm (ekaggatā) do thay thế chi-thiền lạc (sukha) bằng chi-thiền xả (upekkhā).

Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 sắc-giới thiện-tâm chắc chắn cho quả trong 2 thời-kỳ:

-Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla).

-Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

-Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (Paṭisandhikāla)

Hành-giả nào đã chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 sắc-giới thiện-tâm cho quả tương xứng trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 5 sắc-giới quả-tâm gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới Vô-tưởng-thiên) tương xứng với mỗi sắc-giới quả-tâm của hành-giả. Chư phạm-thiên hưởng an-lạc trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy cho đến hết tuổi thọ, mới chuyển kiếp (chết), tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tùy theo thiện-nghiệp và quả của thiện-nghiệp của vị phạm-thiên ấy.

Thật ra, nếu hành-giả nào có khả năng chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, sau khi hành-giả ấy chết thì chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm bậc cao nào có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) bậc thiền sắc-giới quả-tâm bậc cao ấy gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm bậc cao ấy mà thôi.

Các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm bậc thấp còn lại đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) không có cơ hội cho quả được nữa.

* Trường-hợp đặc biệt hành-giả nào đã chứng đắc đệ-ngũ-thiền sắc-giới thiện-tâm nhàm chán tâm biết các đối-tượng đó là nhàm chán 4 danh-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) mà chỉ muốn có thân đó là sắc-uẩn mà thôi.

Sau khi hành-giả ấy chết, đệ-ngũ-thiền sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ-ngũ-thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có nhóm sắc-pháp jīvitanavakakalāpa làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trong tư thế ngồi hoặc tư thế nằm hoặc tư thế đứng trên tầng trời sắc-giới Vô-tưởng-thiên. Vị phạm-thiên ấy chỉ có thân mà thôi, không có tâm, có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất.

Sau khi vị phạm-thiên ấy hết tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất tại tầng trời Vô-tưởng-thiên, chỉ có đại-thiện-nghiệp trong kiếp quá-khứ kể từ kiếp thứ 3 về trước cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới (cõi người và 6 cõi trời dục-giới).

* Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (Pavattikāla) kiếp hiện-tại

Vị phạm-thiên nào trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) sắc-giới quả-tâm nào gọi là sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp 1 sát-na-tâm hóa-sinh làm vị phạm-thiên rồi diệt, tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy; liền tiếp theo sau trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại, chính sắc-giới quả-tâm ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) làm phận sự hộ trì kiếp (bhavaṅgakicca) vị phạm-thiên ấy cho đến khi hết tuổi thọ; và cuối cùng cũng chính sắc-giới quả-tâm ấy trở thành tử-tâm cuti-citta: phận sự chuyển kiếp (chết) kết thúc kiếp vị phạm-thiên ấy tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, rồi sẽ tái-sinh kiếp sau trong cõi giới khác tùy theo thiện-nghiệp và quả của thiện-nghiệp của vị phạm-thiên ấy.

2.3-Vô-sắc-giới thiện-nghiệp và quả của vô-sắc-giới thiện-nghiệp

Vô-sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi hành-giả chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, muốn tiếp tục chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm có mỗi đề-mục thiền-định riêng biệt dẫn đến chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm ấy.

Bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm có 4 bậc:

- Đệ-nhất-thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là không-vô-biên-xứ-thiền thiện-tâm có 2 chi-thiền là xả (upekkhā), nhất-tâm (ekaggatā).

- Đệ-nhị-thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là thức-vô-biên-xứ-thiền thiện-tâm có 2 chi-thiền là xả (upekkhā), nhất-tâm (ekaggatā).

- Đệ-tam-thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là vô-sở-hữu-xứ-thiền thiện-tâm có 2 chi-thiền là xả (upekkhā), nhất-tâm (ekaggatā).

-Đệ-tứ-thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-tâm có 2 chi-thiền là xả (upekkhā), nhất-tâm (ekaggatā).

Vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm chắc chắn cho quả trong 2 thời-kỳ:

- Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla).

-Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại.

* Thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (Paṭisandhikāla)

Hành-giả nào đã chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả tương xứng trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) có 4 vô-sắc-giới quả-tâm gọi là vô-sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên. Chư phạm-thiên hưởng an-lạc trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy cho đến hết tuổi thọ, mới chuyển kiếp (chết), tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tùy theo thiện-nghiệp và quả của thiện-nghiệp của vị phạm-thiên ấy.

Thật ra, nếu hành-giả nào có khả năng chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, sau khi hành-giả ấy chết thì chỉ có vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ-tứ-thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-tâm có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền quả-tâm gọi là vô-sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên. Chư vị phạm-thiên chỉ có tâm mà thôi, không có thân, có tuổi thọ 84.000 đại-kiếp trái đất, lâu dài nhất trong tam-giới.

Ba bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc thấp còn lại đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) không có cơ hội cho quả được nữa.

* Thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại

Vị phạm-thiên nào trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) vô-sắc-giới quả-tâm nào gọi là vô-sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp 1 sát-na-tâm hóa-sinh làm vị phạm-thiên rồi diệt, tại tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy; liền tiếp theo sau trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại, chính vô-sắc-giới quả-tâm ấy trở thành hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) làm phận sự hộ trì kiếp (bhavaṅgakicca) vị phạm-thiên ấy cho đến khi hết tuổi thọ; và cuối cùng cũng chính vô-sắc-giới quả-tâm ấy trở thành tử-tâm cuticitta: phận sự chuyển kiếp (chết) kết thúc kiếp vị phạm-thiên ấy tại tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy, rồi sẽ tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tùy theo thiện-nghiệp và quả của thiện-nghiệp của vị phạm-thiên ấy.

Như vậy, tóm lại dù người nào tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội nặng nhất, sau khi người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ suốt nhiều đại-kiếp trái đất cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục, rồi sẽ tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của người ấy.

Và hành-giả nào có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn chỉ có vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ-tứ-thiền vô-sắc-giới thiện-tâm gọi là phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền thiện-tâm có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền quả-tâm gọi là vô-sắc-giới tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên. Chư vị phạm-thiên có tuổi thọ 84.000 đại-kiếp trái đất lâu dài nhất trong tam-giới, hưởng an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ, rồi phải rời khỏi tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy, sẽ tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tùy theo thiện-nghiệp và quả của thiện-nghiệp của vị phạm-thiên ấy.

Cho nên, trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới chỉ là nơi tạm trú trong khoảng thời gian mau hoặc lâu đối với tất cả chúng-sinh trong ba giới bốn loài mà thôi, chắc chắn không có cõi-giới nào gọi là nơi thường trú cho một chúng-sinh nào cả.

2.4-Siêu-tam-giới thiện-nghiệp và quả của siêu-tam-giới thiện-nghiệp

Siêu-tam-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm. Được phát sinh như sau:

1- Hành-giả phàm-nhân thuộc về hạng người tam-nhân có giới trong sạch và trọn vẹn, nương nhờ nơi giới, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi), hoài-nghi (vicikicchā), trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

2- Hành-giả là bậc Thánh Nhập-lưu tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại thô, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

3- Hành-giả là bậc Thánh Nhất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại vi-tế, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

4- Hành-giả là bậc Thánh Bất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha,) ngã-mạn (māna), buồn-chán (thīna), phóng-tâm (uddhacca), không biết hổ-thẹn tội-lỗi (ahirika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa), diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm

1-Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm, Nhập-lưu Thánh-quả-tâm 2-Nhất-lai Thánh-đạo-tâm, Nhất-lai Thánh-quả-tâm 3-Bất-lai Thánh-đạo-tâm, Bất-lai Thánh-quả-tâm

4-A-ra-hán Thánh-đạo-tâm, A-ra-hán Thánh-quả-tâm

Thật ra, 4 siêu-tam-giới thiện-nghiệp trong 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả là 4 Thánh-quả-tâm tương xứng không có thời gian chờ đợi (akālikadhamma), trong cùng Thánh-đạo lộ-trình-tâm (maggavīthicitta).

4 siêu-tam-giới thiện-nghiệp trong 4 Thánh-đạo-tâm không cho quả tái-sinh kiếp sau mà đặc biệt làm giảm kiếp tái-sinh kiếp sau theo khả năng của mỗi bậc Thánh-nhân như sau:

- Bậc Thánh Nhập-lưu vĩnh viễn không còn tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới nữa, mà chỉ còn tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

- Bậc Thánh Nhất-lai chỉ còn tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới 1 kiếp nữa mà thôi. Ngay trong kiếp ấy, bậc Thánh Nhất-lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

- Bậc Thánh Bất-lai không còn tái-sinh kiếp sau trở lại cõi dục-giới mà chỉ còn tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên mà thôi, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn tại cõi trời sắc-giới phạm-thiên ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

- Bậc Thánh A-ra-hán ngay trong kiếp hiện-tại chắc chắn sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Nghiệp và quả của nghiệp rất là công bình, không hề thiên vị một ai cả.

Tính-chất đặc biệt quả của nghiệp (Kamma phala)

- Nếu bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) nào có cơ hội cho quả thì quả của ác-nghiệp quả khổ, quả xấu chủ-nhân của ác-nghiệp ấy hoàn toàn bị động, không có quyền lựa chọn, không thể phủ nhận được mà phải chịu quả của ác-nghiệp ấy như người thừa hưởng quả của ác-nghiệp của mình (kammadāyāda) mà thôi.

- Nếu đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội cho quả thì quả của đại-thiện-nghiệp quả an-lạc, quả tốt chủ-nhân của đại-thiện-nghiệp ấy hoàn toàn bị động, không có quyền lựa chọn, hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy như người thừa hưởng quả của đại-thiện-nghiệp của mình (kammadāyāda) mà thôi.

Tuy nhiên, quả khổ, quả xấu của ác-nghiệp nào hoặc quả an-lạc, quả tốt của đại-thiện-nghiệp nào không chỉ trực-tiếp riêng cho chủ-nhân của nghiệp ấy, mà còn gián-tiếp ảnh hưởng đến những người thân gần gũi, thân cận với chủ-nhân của nghiệp ấy nữa.

Quả khổ của ác-nghiệp ảnh hưởng đến những người thân cận

Ngài Trưởng-lão Losakatissa trong tích Losaka-jātaka [12] được tóm lược như sau:

Trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa, tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Losakatissa là vị tỳ-khưu trụ-trì tại ngôi chùa làng. Vị tỳ-khưu còn là phàm-nhân có giới, thường thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ.

Thí-chủ xây dựng ngôi chùa làng, rồi thỉnh vị tỳ-khưu về làm trụ trì, xin hộ độ các thứ vật dụng cần thiết đến chư tỳ-khưu trong chùa. Hằng ngày, vị tỳ-khưu trụ trì đi khất thực độ tại nhà thí-chủ.

Một hôm, một Ngài Trưởng-lão khách Tăng là bậc Thánh A-ra-hán từ phương xa đến đứng khất thực trước nhà thí-chủ.

Khi nhìn thấy Ngài Trưởng-lão khách Tăng, thí-chủ liền phát sinh đức-tin trong sạch nơi Ngài Trưởng-lão, nên người thí-chủ ra tận nơi kính thỉnh Ngài Trưởng-lão vào nhà, thỉnh Ngài Trưởng-lão ngồi chỗ cao quý, rồi kính dâng cúng dường vật thực đến Ngài Trưởng-lão.

Ngài Trưởng-lão độ vật thực xong, người thí-chủ kính thỉnh Ngài thuyết-pháp. Sau khi lắng nghe chánh-pháp, người thí-chủ phát sinh đức-tin vô cùng hoan hỷ, kính thỉnh Ngài Trưởng-lão đến nghỉ lại tại ngôi chùa.

Vị tỳ-khưu trụ trì theo dõi thấy người thí-chủ lần đầu tiên gặp vị khách Tăng này, cung-kính đón tiếp niềm nở, khiến cho vị tỳ-khưu trụ trì nghĩ rằng:

“Ta là vị trụ trì ở tại ngôi chùa nhiều năm mà ông thí-chủ không đối xử với ta một cách niềm nở như đối với vị khách Tăng này.”

Vì vậy, vị tỳ-khưu trụ trì dẫn Ngài khách Tăng về chùa, tiếp đón một cách lạnh nhạt, vị tỳ-khưu trụ trì chỉ phòng nghỉ cho Ngài Trưởng-lão.

Ngài Trưởng-lão khách Tăng làm vệ sinh căn phòng xong, rồi Ngài Trưởng-lão ngồi nhập quả-định (phala-samāpatti) làm cho thân tâm được an-lạc.

Vào buổi chiều, người thí-chủ đi với những người nhà đem hoa, các thứ thuốc trị bệnh đến chùa, người thí-chủ vào đảnh lễ vị tỳ-khưu trụ-trì, cúng dường đến vị tỳ-khưu trụ-trì một phần, rồi bạch hỏi rằng:

-Kính bạch Ngài trụ-trì, Ngài khách Tăng nghỉ ở phòng nào? Bạch Ngài.

Vị tỳ-khưu trụ-trì chỉ cho ông thí-chủ biết căn phòng nghỉ của Ngài khách Tăng.

Ông thí-chủ đến hầu đảnh lễ Ngài Trưởng-lão khách Tăng, rồi kính dâng những hoa, và các thứ thuốc trị bệnh như bơ lỏng, mật ong, dầu, v.v… rồi kính thỉnh Ngài Trưởng-lão thuyết-pháp. Ông thí-chủ và những người nhà ngồi lắng nghe chánh-pháp đến tối.

Ông thí-chủ ra đốt đèn cúng dường đến cây Đại-Bồ-đề, ngôi bảo tháp, đốt đèn xung quanh làm cho ngôi chùa sáng tỏa mọi nơi, rồi ông thí-chủ vào đảnh lễ Ngài trụ-trì, rồi bạch rằng:

- Kính bạch Ngài trụ-trì, con kính thỉnh Ngài và Ngài khách Tăng ngày mai đến thọ thực tại tư gia của con. Bạch Ngài.

Kính bạch như vậy xong, ông thí-chủ đảnh lễ, xin phép trở về nhà.

Hằng ngày, ông thí-chủ thỉnh Ngài trụ-trì đi đến thọ thực tại nhà. Hôm ấy ông thí-chủ thỉnh Ngài khách Tăng ngày hôm sau cùng đến thọ thực tại nhà ông.

Vị tỳ-khưu trụ-trì nghĩ rằng: “Ông thí-chủ này mới gặp Ngài khách Tăng hôm nay mà đối xử cung kính đặc biệt với Ngài khách Tăng hơn cả với ta đã ở tại ngôi chùa này từ lâu. Nếu Ngài khách Tăng ở lại ngôi chùa này thì ông thí-chủ đâu còn cung kính ta như trước nữa.”

Do tính ganh tỵ nghĩ sai lầm như vậy nên vị tỳ-khưu trụ-trì không hài lòng để cho Ngài khách Tăng ở lại ngôi chùa này, nhưng chưa biết làm cách nào để cho Ngài khách Tăng đi ra khỏi chùa mà không làm mất lòng ông thí-chủ.

* Ngài khách Tăng biết rằng: “Vị tỳ-khưu trụ trì có thái độ không muốn ta ở lại ngôi chùa này.

Sáng ngày mai, ta sẽ rời khỏi ngôi chùa này, trở về chỗ ở của ta.”

Buổi sáng ngày hôm sau, đến giờ đi khất thực, vị tỳ-khưu trụ-trì đánh chuông bằng cách búng ngón tay, gõ cửa bằng móng tay rồi âm thầm mang bát đi đến tư gia của ông thí-chủ.

* Biết vị tỳ-khưu trụ-trì đã đi khất thực rồi nên Ngài Trưởng-lão mặc y, mang bát bay lên hư không đến nơi khác, đi khất thực.

Người thí-chủ ra đón rước Ngài trụ-trì, hai tay nhận cái bát, thỉnh mời vào nhà, thỉnh ngồi trên tọa cụ đã trải sẵn, người thí-chủ đảnh lễ vị tỳ-khưu trụ-trì rồi bạch rằng:

- Kính bạch Ngài trụ-trì, Ngài khách Tăng sao chưa đến? Bạch Ngài.

Vị tỳ-khưu trụ-trì bảo với ông thí-chủ rằng:

- Này ông thí-chủ! Ông kính trọng vị khách Tăng như thế nào không biết, còn sư đã đánh chuông, gõ cửa, mà ông ấy vẫn chưa thức dậy.

Hôm qua, vị khách Tăng độ vật thực của ông ngon miệng, còn no cho đến ngày hôm nay, sáng nay vị khách Tăng vẫn còn nằm ngủ say.

Vậy mà ông còn kính trọng vị khách Tăng như vậy được hay sao?

Mặc dù nghe Ngài trụ-trì nói về Ngài khách Tăng như vậy nhưng ông thí-chủ vẫn hoàn toàn không tin đó là sự-thật, mà có đức-tin trong sạch nơi Ngài khách Tăng là Bậc đáng tôn kính.

Cho nên, sau khi Ngài trụ-trì độ vật thực với món ăn đặc biệt gọi là pāyāsa (nấu bằng sữa, bơ, mật ong, đường thốt nốt rất công phu) xong, người thí-chủ đem cái bát rửa sạch, rồi bỏ món ăn pāyāsa vào đầy bát, đem đến bạch với Ngài trụ-trì rằng:

-Kính bạch Ngài trụ-trì, Ngài khách Tăng ấy đi đường xa vất vả, nên còn mệt. Kính xin Ngài đem phần vật thực này về chùa, dâng đến Ngài khách Tăng. Bạch Ngài.

Kính bạch xong, ông thí-chủ kính dâng bát vật thực ấy đến Ngài trụ-trì. Ngài trụ-trì nhận cái bát, không hề nói lời nào.

Trên đường đi trở về chùa, vị tỳ-khưu trụ-trì nghĩ rằng: “Nếu vị khách Tăng ấy được ăn món pāyāsa ngon miệng này, dù ta nắm cổ lôi ra khỏi chùa, không dễ gì mà chịu đi ra khỏi chùa.

Nếu ta đem cho món ăn pāyāsa đến người khác thì chắc chắn sẽ bị lộ ra nhiều người biết, hoặc nếu ta đổ món ăn pāyāsa xuống nước thì dầu bơ nổi trên mặt nước, hoặc nếu ta đổ bỏ trên mặt đất các bầy chim bay lại ăn thì sẽ bị lộ ra nhiều người biết.

Vậy, ta nên đổ bỏ món ăn pāyāsa này nơi nào?

Vừa đi vừa nghĩ, chợt nhìn thấy đám cháy, vị tỳ-khưu trụ-trì đi thẳng đến gần đám cháy, ngồi xuống đào đất, đổ bỏ món ăn pāyāsa xuống lỗ, lấp đất, cào đống than hồng phủ lên, chất thêm củi đốt cháy, rồi đứng dậy, như trút bỏ được gánh nặng, chắc chắn không có ai hay biết được việc làm của mình. Vị tỳ-khưu trụ-trì nhẹ nhõm bước đi trở về chùa.

Khi đến chùa, vị tỳ-khưu trụ-trì không thấy Ngài khách Tăng, nên nghĩ rằng: “Ngài khách Tăng ấy có lẽ là bậc Thánh A-ra-hán biết được ác-tâm xấu xa đê tiện của ta, nên Ngài đã bỏ đi đến nơi khác rồi!

Ôi ! ta đã tạo ác-nghiệp nặng nề tồi tệ quá!”

Từ đó về sau, vị tỳ-khưu trụ-trì vô cùng hối hận nên lâm bệnh nặng, không lâu vị tỳ-khưu trụ-trì ấy chết, sau khi chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục, chịu thiêu đốt trong cõi địa-ngục suốt thời gian 100 ngàn năm, mới mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Khi thoát ra khỏi cõi địa-ngục, năng lực của ác-nghiệp còn dư sót nên tiếp tục cho quả tái-sinh kiếp sau làm dạ-xoa suốt 500 kiếp, mỗi kiếp đều chịu cảnh đói khổ đến gần chết mới được ăn no một lần, rồi chết.

Trong vòng tử sinh luân-hồi, sinh kiếp nào thuộc về loại chúng-sinh nào không chỉ một mình chịu cảnh đói khát, mà còn làm cho những chúng-sinh gần gũi khác cũng bị ảnh hưởng quả của ác-nghiệp làm cho đói khổ, nên kiếp nào cũng bị xua đuổi ra khỏi nhóm.

Mỗi hậu kiếp của vị trụ-trì, đều bị đói khổ cho đến khi gần chết mới được ăn no một lần, rồi chết.

Kiếp chót của vị tỳ-khưu trụ-trì

* Đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp của vị tỳ-khưu trụ-trì kiếp chót, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp chót đầu thai thuộc hạng người tam-

nhân [13] (tihetukapuggala) vào gia đình nghèo trong xóm nhà gồm có 1.000 gia đình dân chài trong vùng Kosala.

Trong ngày đầu thai vào lòng mẹ, những người trong một ngàn gia đình dân chài đem lưới đi bắt cá trong sông, hồ, mọi nơi, đều không bắt được con cá nhỏ nào cả, những ngày tiếp theo cũng như vậy.

Trong khi người đàn bà mang thai, xóm nhà gồm có 1.000 gia đình dân chài bị cháy nhà liên tiếp 7 lần, bị phạt vạ 7 lần.

Xóm nhà gồm có 1.000 gia đình phải chịu bao nhiêu nỗi đói khổ, thiếu thốn, không có nơi nương tựa.

Khi ấy, vị trưởng xóm thông báo các gia đình trong xóm họp lại, rồi nói rằng:

-Thưa quý bà con! Trong xóm nhà gồm có 1.000 gia đình chúng ta từ trước đến nay, chưa từng gặp cảnh đói khổ như thế này, chưa có xảy ra những tai nạn liên tiếp như thế này!

Trong 1.000 gia đình chúng ta chắc có “kālakaṇṇī: người xúi quẩy”.

Vậy, chúng ta nên chia ra làm 2 nhóm riêng biệt, mỗi nhóm có 500 gia đình.

* Nhóm 500 gia đình không có người mẹ mang thai thì làm ăn bình thường như trước.

* Nhóm 500 gia đình có người mẹ mang thai thì vẫn làm ăn vất vả đói khổ, cho nên, chia ra làm 2 nhóm. Mỗi nhóm có 250 gia đình.

* Nhóm 250 gia đình có người mẹ mang thai thì vẫn làm ăn vất vả đói khổ, cho nên chia ra làm 2 nhóm. Mỗi nhóm có 125 gia đình.

* Và cứ chia 2 nhóm như vậy, cuối cùng chỉ còn 2 gia đình. nên họ biết gia đình có bà mẹ mang thai là gia đình “kālakaṇṇī: người xúi quẩy” nên gia đình này bị xua đuổi đi ra khỏi nhóm nhà dân chài.

* Gia đình có người mẹ mang thai, hằng ngày phải chịu cảnh đói khổ, nhưng thai nhi trong bụng mẹ là kiếp chót chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, cho nên dù đói khổ thế nào cũng không thể ảnh hưởng đến sinh-mạng của thai nhi được.

* Thai nhi đủ tháng, người mẹ sinh ra đứa bé trai, mẹ cha nuôi dưỡng đứa con rất vất vả khổ cực cho đến khi đứa con khôn lớn đi lại được.

Một hôm, người mẹ dẫn đứa con vào kinh-thành đi xin ăn, người mẹ trao cho đứa con cái bát đất nung, dạy bảo đứa con trai rằng:

-Này con đáng thương! Mẹ đã khổ vì con suốt mấy năm qua, thân mẹ gầy yếu không thể lo nuôi dưỡng con được nữa. Con nên cầm bát đi xin ăn nhà đằng kia.

Dạy bảo đứa con trai như vậy xong, người mẹ lẫn trốn đi nơi khác. Từ đó, đứa bé trai một mình đi xin ăn bữa có bữa không, chưa có bữa nào được no bụng cả, sống lay lắt qua ngày.

Đứa bé trai sống lang thang vất vưởng, nằm ngủ nơi này nơi khác, không tắm giặt, thân thể dơ dáy đáng ghê tởm, miễn sao kiếm sống lay lắt qua ngày là được.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta tế độ đứa bé trai

* Năm lên 7 tuổi, đứa bé trai ngồi bên cạnh nhà, lượm từng hạt cơm mà người ta rửa nồi đổ bỏ, như loài quạ.

Khi ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đi khất thực trong kinh-thành Sāvatthī, nhìn thấy đứa bé trai đáng thương, Ngài Đại-Trưởng-lão phát sinh tâm bi muốn cứu khổ nên gọi rằng:

-Này đứa bé đáng thương! Hãy đến đây!

Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão gọi, đứa bé ngoan ngoãn đến đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão rồi chắp hai tay lại.

Ngài Đại-Trưởng-lão hỏi đứa bé rằng:

- Này đứa bé đáng thương! Mẹ cha con ở đâu?

Đứa bé cung-kính bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão! Mẹ cha của con nói với con rằng: “Bởi vì con làm cho mẹ cha phải chịu cảnh đói khổ” nên mẹ của con bỏ trốn đi rồi. Bạch Ngài.

Ngài Đại-Trưởng-lão hỏi đứa bé rằng:

-Này bé đáng thương! Con muốn xuất gia hay không?

-Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, con rất tha thiết muốn xuất gia nhưng đứa bé mồ côi như con, ai mà cho phép con xuất gia được.

-Này đứa bé đáng thương! Sư sẽ cho phép con xuất gia.

Đứa bé vô cùng hoan hỷ bạch rằng:

-Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Kính xin Ngài Đại-Trưởng-lão có tâm bi tế độ cho phép con xuất gia.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta lấy vật thực cho đứa bé, dẫn đứa bé trở về chùa, cho tắm sạch sẽ, cạo tóc, mặc y, rồi làm lễ xuất gia trở thành sāmaṇera: sa-di đặt tên là Losakatissa.

Vị sa-di Losakatissa có ít tài lộc nhất, hằng ngày, vị sa-di Losakatissa đi khất thực, thí-chủ để vào bát một vài vá cơm, nhìn thấy giống như đã đầy bát rồi nên không để thêm vào bát nữa.

Vì vậy, hằng ngày vị sa-di Losakatissa độ vật thực không đủ no, chỉ đủ sống qua ngày thực-hành phạm hạnh cao thượng mà thôi.

Khi vị sa-di Losakatissa có đủ 20 tuổi, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta cho phép làm lễ hành tăng-sự (saṃghakamma) upasampadā nâng lên trở thành bhikkhu: tỳ-khưu trong Phật-giáo.

Mặc dù hằng ngày tỳ-khưu Losakatissa độ vật thực không đủ no, nhưng vẫn tinh-tấn không ngừng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao-thượng trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Tỳ-khưu Losakatissa đã là bậc Thánh A-ra-hán, hằng ngày, Ngài Trưởng-lão Losakatissa vẫn có vật thực độ không đủ no, làm cho thân thể của Ngài Trưởng-lão mỗi ngày thêm gầy yếu dần, đến ngày Ngài Trưởng-lão Losakatissa sắp tịch diệt Niết-bàn.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta biết rõ Ngài Trưởng-lão Losakatissa sắp tịch diệt Niết-bàn, nên nghĩ rằng:

“Hôm nay, để cho Trưởng-lão Losakatissa độ vật thực no đủ, trước khi tịch diệt Niết-bàn.”

Hôm ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta dẫn Ngài Trưởng-lão Losakatissa theo sau đi vào khất thực trong kinh-thành Sāvatthī có dân chúng đông đảo mà không có một ai cúng dường để bát một vá cơm nào cho Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta cả.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta biết rõ nguyên nhân, nên dẫn Trưởng-lão Losakatissa trở về chùa, rồi dạy bảo Trưởng-lão Losakatissa ngồi đợi tại nhà ăn của chư tỳ-khưu-Tăng, Ngài Đại-Trưởng-lão sẽ cho người đem vật thực đến cúng dường.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta trở lại đi khất thực trong kinh-thành Sāvatthī, các cận-sự-nam, cận-sự-nữ vô cùng hoan hỷ đón tiếp Ngài Đại-Trưởng-lão, kính dâng cúng dường những thứ vật thực đầy đủ.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta truyền bảo một người đem một phần vật thực đến chùa, gặp Ngài Trưởng-lão Losakatissa tại nhà ăn của chư tỳ-khưu-Tăng, rồi dâng cúng dường những thứ vật thực ấy đến Ngài Trưởng-lão Losakatissa.

Người nhận đem những thứ vật thực ấy, trên đường đi quên hẳn, không còn nhớ đến ai cả, cho nên Ngài Trưởng lão Losakatissa ngồi đợi mà không nhận được vật thực ấy.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta độ vật thực xong trở về chùa. Trưởng-lão Losakatissa đến đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta truyền hỏi:

-Này Losakatissa! Con đã nhận được những vật thực rồi phải không?

-Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão. Con không nhận được những vật thực nào cả. Bạch Ngài.

Nghe Trưởng-lão Losakatissa bạch như vậy, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta phát sinh động tâm, biết thời gian vẫn còn, nên Ngài Đại-Trưởng-lão dạy bảo rằng:

-Này Losakatissa! Con nên trở lại ngồi chỗ cũ, đợi sư phụ trở về nhé con!

Vâng lời dạy, Ngài Trưởng-lão Losakatissa trở lại ngồi đợi tại nhà ăn của chư tỳ-khưu-Tăng.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đi thẳng vào cung điện của Đức-vua Pasenadi Kosala. Đức-vua ngự ra nhận bát của Ngài Đại-Trưởng-lão, suy xét không phải là thời gian để những món vật thực nên Đức-vua để bát 4 thứ đồ ngọt là bơ lỏng, mật ong, dầu mè, đường thốt nốt đầy bát, rồi đem đến kính dâng bát lên Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Sau khi nhận cái bát đầy 4 thứ đồ ngọt xong, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đi trở về chùa, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta vẫn ôm cái bát, gọi Trưởng-lão Losakatissa đến dạy bảo rằng:

- Này Losakatissa! Con hãy lấy 4 thứ đồ ngọt mà dùng cho no đủ hôm nay.

Tỳ-khưu Losakatissa không dám lấy 4 thứ đồ ngọt từ trong bát mà Ngài Đại-Trưởng-lão đang ôm trên tay để dùng, nên Ngài Đại-Trưởng-lão dạy bảo rằng:

- Này Losakatissa! Con cứ tự nhiên lấy 4 thứ đồ ngọt từ trong bát mà dùng. Nếu Sư phụ để cái bát rời khỏi tay thì chẳng còn thứ gì cho con dùng hôm nay cả.

Vâng theo lời dạy bảo, Ngài Trưởng-lão Losakatissa đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, rồi xin lấy 4 thứ đồ ngọt từ trong bát dùng no đủ ngày hôm ấy.

* Ngay ngày hôm ấy, Ngài Trưởng-lão Losakatissa tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới, đồng thời tất cả mọi ác-nghiệp và mọi thiện-nghiệp đã lưu trữ ở trong tâm từ vô thủy trải qua vô số kiếp trong quá-khứ cho đến trước khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, tất cả mọi nghiệp ấy đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma), không còn có cơ hội cho quả được nữa.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy chư tỳ-khưu làm lễ hỏa táng thi thể của Ngài Trưởng-lão Losakatissa, rồi xây ngôi tháp tôn thờ phần Xá-lợi của Ngài Trưởng-lão Losakatissa.

Nghiệp và quả của nghiệp của Ngài Trưởng-lão Losakatissa

Vô số tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Losakatissa đã tích lũy đầy đủ đại-thiện-nghiệp 10 pháp-hạnh ba-la-mật, nên kiếp hiện-tại đại-thiện-nghiệp 10 pháp-hạnh ba-la-mật ấy cho quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Losakatissa đã tạo ác-nghiệp đổ bỏ vật thực của bậc Thánh A-ra-hán, nên ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả khổ trong mỗi kiếp bị đói khổ, cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn.

Nghiệp và quả của nghiệp là công bằng, không hề thiên vị một ai cả.

Quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ảnh hưởng đến những người thân cận

* Tích Ngài Trưởng-lão Sīvali [14] được tóm lược như sau:

Trong thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Sīvali là một người cận-sự-nam trong một gia đình giàu có trong kinh-thành Haṃsavatī.

Một hôm, tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Sīvali đến chùa nghe Đức-Phật Padumuttara thuyết pháp. Khi ấy, Đức-Phật tuyên dương một vị Thánh Đại-thanh-văn đệ-tử tên Sudassana có tài lộc bậc nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.

Người cận-sự-nam, tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Sīvali thấy Ngài Trưởng-lão Sudassana, liền phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch, có nguyện vọng muốn trở thành bậc Thánh Đại-thanh-văn đệ-tử có tài lộc bậc nhất trong hàng thanh-văn đệ tử của Đức-Phật vị-lai, như Ngài Trưởng-lão Sudassana ấy.

Người cận-sự-nam ấy đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Padumuttara, rồi kính thỉnh Đức-Phật ngự đến tư gia cùng với 500 Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để làm phước-thiện đại thí suốt 7 ngày.

Đến ngày thứ 7, người cận-sự-nam cúng dường bộ y đến Đức-Phật Padumuttara cùng 500 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng mỗi vị 1 bộ.

Sau khi dâng bộ y xong, người cận-sự-nam ấy đến đảnh lễ Đức-Phật, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, bạch rằng:

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn! Phước-thiện bố-thí mà con đã tạo suốt 7 ngày qua, con không cầu mong gì khác hơn là có nguyện vọng muốn trở thành bậc Thánh Đại-thanh-văn đệ-tử có tài lộc bậc nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật trong thời vị-lai, như Ngài Đại-đức Sudassana của Đức-Thế-Tôn bây giờ.

Đức-Phật Padumuttara dùng trí-tuệ vị-lai kiến minh thấy rõ, biết rõ nguyện vọng của người cận-sự-nam này sẽ thành tựu trong kiếp vị-lai, nên Đức-Phật thọ ký xác định thời gian rằng:

-“Này chư tỳ-khưu! Kể từ kiếp trái đất này, trong thời vị-lai sẽ trải qua 100 ngàn đại-kiếp trái đất. Đến kiếp trái đất gọi Bhaddakappa có Đức-Phật Gotama [15] xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, người cận-sự-nam này sẽ sinh trong hoàng tộc, từ bỏ nhà xuất gia sẽ trở thành bậc

Thánh Đại-thanh-văn đệ-tử có tài lộc bậc nhất trong các hàng Đại-Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, như Sudassana là bậc Thánh Đại-thanh-văn đệ-tử của Như-Lai bây giờ.”

Lắng nghe lời thọ ký xác định của Đức-Phật Padumuttara, người cận-sự-nam vô cùng hoan hỷ tạo mọi phước-thiện bố-thí 4 thứ vật dụng đến Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến trọn đời.

Trong vòng tử sinh luân-hồi, do đại-thiện-nghiệp ấy chỉ cho quả tái-sinh kiếp sau khi thì sinh làm vị thiên-nam cao quý trong cõi trời dục-giới, hoặc khi thì sinh làm người cao quý trong cõi người mà thôi. Khi sinh làm người có đại-thiện-tâm trong sạch hoan hỷ tinh-tấn bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật nhất là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

* Trong thời-kỳ Đức-Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian, tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Sīvali, sinh trong ngôi làng không xa kinh-thành Bandhumatī. Khi ấy, dân chúng kinh-thành Bandhumatī sửa soạn chuẩn bị làm phước-thiện đại-thí cúng dường vật thực lên Đức-Phật Vipassī cùng với chư tỳ-khưu-Tăng. Trong các món ăn ấy còn thiếu món bơ đặc và mật ong.

Khi ấy, người dân làng (tiền-kiếp Ngài Trưởng-lão Sīvali) đi đến kinh-thành, có đem theo món bơ đặc và tổ mật ong.

Nhìn thấy người dân làng có đem theo món bơ đặc và tổ mật ong, người dân kinh-thành muốn mua 2 món ấy với giá cao là 1 kahāpana. Người dân làng suy nghĩ rằng: “Hai món này của ta đâu có đáng giá đến 1 kahāpana, sao người ấy dám mua với giá cao như vậy. Ta nên dò xét để biết sự thật.”

Người dân làng giả làm bộ không chịu bán với giá 1 kahāpana, thì người ấy tăng lên 2 kahāpana, 5 kahāpana, … 10 kahāpana, … 100 kahāpana, cuối cùng lên đến giá 1000 kahāpana.

Khi ấy, người dân làng muốn biết sự thật nên hỏi người ấy rằng:

- Này bạn thân mến! Hai món bơ đặc và tổ mật ong này không đáng giá là bao nhiêu, vì sao bạn trả giá cao như vậy, bạn cần 2 món này để sử dụng vào công việc gì? Bạn có thể nói cho tôi biết được hay không?

Người dân kinh-thành nói rằng:

- Này bạn thân mến! Dân kinh-thành chúng tôi đồng nhau cùng làm phước-thiện bố-thí cúng dường lên Đức-Phật Vipassī cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Trong các món ăn còn thiếu món bơ đặc và mật ong. Vì vậy, với giá nào chúng tôi cũng mua cho được 2 món ấy.

Người dân làng thưa rằng:

- Này thưa bạn thân mến! Việc làm phước-thiện bố-thí cúng dường lên Đức-Phật Vipassī cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, dành cho dân chúng trong kinh-thành Bandhumatī, còn người khác làm phước-thiện bố-thí cúng dường được hay không?

Người kinh-thành thưa rằng:

- Này thưa bạn thân mến! Việc làm phước-thiện bố-thí cúng dường lên Đức-Phật Vipassī cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, không chỉ dành cho dân chúng trong kinh-thành Bandhumatī, mà những người khác cũng có thể làm phước-thiện bố-thí cúng dường được vậy.

Người dân làng thưa khẳng định rằng:

- Này thưa bạn thân mến! Bạn nên thông báo cho mọi người biết rằng: Hôm nay, việc làm phước-thiện bố-thí cúng dường các món vật thực có đầy đủ cả 2 món bơ đặc và mật ong lên Đức-Phật Vipassī cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Xin bạn làm chứng, hôm nay tôi đem 2 món bơ đặc và mật ong đến cúng dường lên Đức-Phật Vipassī.

Người dân làng (tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Sīvali) cảm thấy vô cùng hoan hỷ có được cơ hội làm phước-thiện bố-thí cúng dường lên Đức-Phật Vipassī, nên đi tìm thêm những gia vị vắt lấy nước trộn vào mật ong và bơ đặc làm thành món ăn đặc biệt, rồi gói bằng lá sen, đi đến ngồi chờ không xa Đức-Phật.

Những người đến cúng dường các món vật thực đến Đức-Phật xong, đến cơ hội người dân làng đến hầu Đức-Phật bạch rằng:

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn! Đây là món ăn đạm bạc của con kính dâng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có Đức-Thế-Tôn chủ trì. Kính xin Đức-Thế-Tôn có tâm đại-bi tế độ nhận món ăn này của con.

Đức-Phật Vipassī có tâm đại-bi tế độ nhận món ăn đạm bạc ấy bằng cái bát ngọc do Tứ-đại-thiên-vương kính dâng, rồi Đức-Phật phát nguyện để cho món ăn đạm bạc ấy chia đủ đến 68.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Thấy Đức-Phật Vipassī cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng thọ thực xong, người dân làng (tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Sīvali) đảnh lễ Đức-Phật, rồi ngồi một nơi hợp lẽ kính bạch rằng:

-Kính bạch Đức-Thế-Tôn! Hôm nay, dân chúng trong kinh-thành Bandhumatī đem các món vật thực đến cúng dường lên Đức-Thế-Tôn, và con cũng cúng dường món ăn đặc biệt ấy lên Đức-Thế-Tôn, do năng lực của quả đại-thiện-nghiệp bố-thí cúng dường này, xin cho con kiếp nào con cũng có tài lộc bậc nhất.

Nghe lời nguyện cầu như vậy, Đức-Phật Vipassī truyền dạy rằng:

-Này con! Xin cho lời nguyện cầu của con sẽ được thành tựu như ý.

Sau đó, Đức-Phật Vipassī thuyết-pháp tế độ dân chúng trong kinh-thành Bandhumatī, rồi ngự trở về ngôi chùa cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Người dân làng cố gắng tinh-tấn bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cho đến trọn kiếp.

Trong vòng tử sinh luân-hồi, chỉ có đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm người trong cõi người hoặc sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới. Kiếp làm người luôn cố gắng tinh-tấn bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ.

Hoàng-tử Sīvali kiếp chót

* Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của người cận-sự-nam trong thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara, đã bồi bổ đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật nên sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp chót vào lòng Hoàng-hậu Suppavāsā đất nước Koliya.

Từ khi tái-sinh đầu thai kiếp chót (thai-nhi Sīvali) nằm trong bụng bà Hoàng-hậu Suppavāsā, do năng lực đại-thiện-nghiệp của thai-nhi Sīvali nằm trong bụng, Hoàng-hậu Suppavāsā từ sáng đến chiều nhận những phẩm vật quý giá từ mọi nơi đem đến làm quà quý báu kính dâng lên Hoàng-hậu.

Khi ấy, hoàng tộc muốn biết Hoàng-hậu có nhiều phước như thế nào nên mời Hoàng-hậu đến kho lương thực, mời Bà chạm tay vào cửa kho thì kho đầy lương thực, Bà chạm tay vào cửa kho nào thì kho ấy đầy của cải. Cho nên, mọi người trong hoàng tộc đều tán dương ca tụng rằng:

“Hoàng-hậu là người có nhiều phước.”

Một hôm, thị-nữ đem nồi cơm đầy dâng đến Hoàng-hậu, mời Bà chạm tay vào cái nồi, dù có bao nhiêu người xới cơm ra ăn nồi cơm vẫn không vơi chút nào cả.

Đó là quả đại-thiện-nghiệp của thai-nhi Sīvali nằm trong bụng của Mẫu-hậu.

Hoàng-tử Sīvali nằm trong bụng mẫu-hậu

Hoàng-tử Sīvali nằm trong bụng Hoàng-hậu Suppavāsa suốt 7 năm, trong 7 ngày sắp sinh ra đời, Hoàng-hậu Suppavāsa chịu nỗi đau đớn đến cùng cực vì cái thai nhi trong bụng không sinh ra được cho đến ngày

thứ 7 [16], tưởng chừng không thể sống nổi, nên Hoàng-hậu Suppavāsa tâu với Đức-vua phu quân rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thượng, thần thiếp muốn làm phước-thiện bố-thí trước khi chết.

Kính xin Hoàng-thượng ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch về chuyện thần thiếp đang chịu đau đớn đến cùng cực vì cái thai trong bụng không sinh ra được rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn! Kính thỉnh Đức-Thế-Tôn ngự đến cung điện cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để cho Hoàng-hậu Suppavāsā làm phước-thiện bố-thí.

Nghe Đức-Phật truyền dạy thế nào, kính xin Hoàng thượng ghi nhớ thế ấy, khi hồi cung truyền lại cho thần thiếp biết.

Nghe lời tâu của Hoàng-hậu Suppavāsā, Đức-vua ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch y theo lời của Hoàng-hậu Suppavāsā.

Đức-Phật truyền dạy rằng:

“Sukhinī hotu Suppavāsā Koliyadhītā, sukhinī arogā arogaṃ puttaṃ vijāyatu.”

Mong cho Suppavāsā Công-chúa dòng Koliya được thân tâm an-lạc, không có bệnh, sinh ra đứa con cũng được an toàn.

Sau khi nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, Đức-vua kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi xin phép hồi cung.

Tại cung điện, hoàng-tử được sinh ra khỏi lòng Mẫu-hậu một cách dễ dàng như nước chảy ra khỏi bình vậy.

Mọi người trong hoàng-tộc vô cùng hoan hỷ thấy hoàng-tử sinh ra đời an toàn, cùng nhau đến chờ chầu Đức-vua tâu tin lành này.

Đức-vua ngự về đến cung điện, thấy mọi người hân hoan vui mừng, tâu với Đức-vua tin lành là hoàng-tử sinh ra đời được an toàn.

Khi ấy, Đức-vua suy nghĩ rằng:

“Lời truyền dạy của Đức-Thế-Tôn đúng quá!”

Đức-vua ngự đến gặp Hoàng-hậu Suppavāsā, truyền lại y theo lời của Đức-Thế-Tôn cho Hoàng-hậu nghe.

Hoàng-hậu Suppavāsā tâu với Đức-vua phu-quân rằng:

-Muôn tâu Hoàng-thượng, thần thiếp muốn làm phước thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng suốt 7 ngày.

Đức-vua chấp thuận lời tâu của Hoàng-hậu.

Hoàng-tử sinh ra đời đã dập tắt được sự nóng lòng của mọi người trong hoàng-tộc, nên làm lễ đặt tên hoàng-tử Sīvali nghĩa là mát mẻ.

Đức-vua kính thỉnh Đức-Phật ngự đến cung điện cùng với chư tỳ-khưu-Tăng để làm phước-thiện bố-thí cúng dường vật thực suốt 7 ngày.

Đến ngày thứ 7, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta hỏi hoàng-tử Sīvali rằng:

-Này hoàng-tử Sīvali! Con đã chịu đựng nỗi khổ ở trong lòng Mẫu-hậu lâu như vậy, nay con muốn xuất gia để giải thoát khổ hay không?

Hoàng-tử Sīvali bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão! Con muốn xuất gia, nếu con được mẫu-hậu và phụ-vương cho phép.

Thấy hoàng-tử bạch chuyện với Ngài Đại-Trưởng-lão, Hoàng-hậu Suppavāsā muốn biết nên đến bạch hỏi Ngài Đại-Trưởng-lão rằng:

- Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão! Hoàng-nhi của con bạch điều gì với Ngài Đại-Trưởng-lão vậy?

- Này Hoàng-hậu! Hoàng-tử của Bà bạch về nỗi khổ nằm trong lòng mẫu-hậu suốt thời gian lâu dài như vậy, nên bạch rằng: “Con muốn xuất gia, nếu con được mẫu-hậu và phụ-vương cho phép.”

Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão thuật lại như vậy nên Hoàng-hậu Suppavāsā vô cùng hoan hỷ đồng ý cho phép hoàng-tử Sīvali đi xuất gia, Bà bạch rằng:

-Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão! Kính xin Ngài Đại-Trưởng-lão có tâm từ tế độ cho phép hoàng-tử của con được xuất gia. Bạch Ngài.

Hoàng-tử Sīvali xuất gia

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta dẫn hoàng-tử Sīvali trở về chùa. Khi làm lễ cạo tóc, Ngài Đại-Trưởng-lão truyền dạy hoàng-tử Sīvali thực-hành niệm đề-mục tacapañcakakammaṭṭhāna: đề-mục thiền-định nhóm tacapañcaka đó là kesā, lomā, nakkhā, dantā, taco, … taco, dantā, nakkhā, lomā, kesā, (tóc, lông, móng, răng, da,… da, răng, móng, lông, tóc,…) theo chiều thuận, theo chiều nghịch.

Hoàng-tử Sīvali thực-hành niệm đề-mục thiền-định nhóm tacapañcaka ấy, trong khi đang làm lễ cạo tóc:

* Khi những sợi tóc đầu tiên rơi xuống, hoàng-tử Sīvali chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

* Tiếp theo những sợi tóc thứ nhì rơi xuống, hoàng-tử Sīvali chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

* Tiếp theo những sợi tóc thứ ba rơi xuống, hoàng-tử Sīvali chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

* Tiếp theo những sợi tóc cuối cùng rơi xuống, hoàng-tử Sīvali chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng một lúc với lễ cạo tóc không trước không sau.

Khi ấy, Hoàng-tử Sīvali, kể từ khi tái-sinh đầu thai kiếp chót vào lòng mẫu-hậu Suppavāsā suốt 7 năm và chịu khổ suốt 7 ngày mới sinh ra đời được 7 ngày, vì vậy, hoàng-tử Sīvali trở thành bậc Thánh A-ra-hán lúc 7 năm và 14 ngày.[17]

Kể từ ngày Ngài Đại-đức Sīvali trở thành Sa-di, hằng ngày các hàng cận-sự-nam, cận-sự-nữ dâng cúng dường 4 thứ vật dụng đến cho Ngài Đại-đức Sīvali cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng càng ngày càng đầy đủ, sung túc mà trước đây chưa từng có.

* Khi Ngài Đại-đức Sīvali tròn 20 tuổi, được làm lễ nâng lên bậc tỳ-khưu, những thứ vật dụng lại càng được phát sinh đầy đủ, sung túc đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng nhiều hơn nữa.

Hễ mỗi khi có đoàn chư tỳ-khưu đông đảo phải đi tế độ chúng-sinh từ xứ này sang xứ khác trên con đường dài, đi qua vùng hẻo lánh không có dân cư; nếu có Ngài Trưởng-lão Sīvali cùng đi trong đoàn, đến giờ khất thực, do năng-lực của đại-thiện-nghiệp bố-thí của Ngài Trưởng-lão Sīvali khiến cho chư-thiên hóa ra xóm làng, thành thị, hiện ra dân cư đông đảo cúng dường y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đầy đủ đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Khi đoàn chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đi khỏi vùng ấy, thì xóm làng, thành thị kia biến mất.

Một hôm, chư tỳ-khưu hội họp bàn về Ngài Trưởng-lão Sīvali có nhiều tài lộc đặc biệt không chỉ được phát sinh đến cho Ngài Trưởng-lão Sīvali mà còn đến tất cả chư tỳ-khưu, dù nhiều bao nhiêu vị cũng vẫn đầy đủ, sung túc.

Thật là điều phi thường, không những các hàng cận-sự-nam, cận-sự-nữ là thí-chủ, mà còn có chư-thiên, Long-vương cũng đem lễ vật, các thứ vật dụng dâng cúng dường đến cho Ngài Trưởng-lão Sīvali cùng tất cả chư tỳ-khưu bao nhiêu vị cũng vẫn đầy đủ, sung túc.

Trong khi chư tỳ-khưu đang bàn luận về lợi lộc đặc biệt của Ngài Trưởng-lão Sīvali thì Đức-Thế-Tôn ngự đến, Ngài truyền dạy rằng:

“Các con đang bàn luận về chuyện gì vậy?”

Chư tỳ-khưu bạch rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chúng con đang bàn về quả phước-thiện đặc biệt của Ngài Trưởng-lão Sīvali. Bạch Ngài.

Nhân dịp ấy, Đức-Phật chủ trì buổi hội chư tỳ-khưu-Tăng, Đức-Phật tuyên dương Ngài Trưởng-lão Sīvali trước các hàng thanh-văn đệ-tử rằng:

“Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ lābhīnaṃ yadidaṃ Sīvali!”

- Này chư tỳ-khưu! Sīvali là bậc Thánh Đại-thanh-văn có tài lộc bậc nhất trong các hàng thanh-văn đệ-tử của Như-Lai.

Ngài Trưởng-lão Sīvali bậc Thánh Đại-thanh-văn có tài lộc bậc nhất trong các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama. Đó là sự thành-tựu như ý nguyện mà tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Sīvali đã từng phát nguyện, đã được Đức-Phật Padumuttara quá-khứ thọ ký đúng như vậy.

Quả ác-nghiệp của hoàng-tử Sīvali

Dựa theo Khadiyavaniyarevatattheravatthu [18] có đoạn đề cập đến ác-nghiệp mà tiền-kiếp của hoàng-tử Sīvali đã tạo trong kiếp quá-khứ được tóm lược như sau:

Trong thời-kỳ Đức-Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, tiền-kiếp của hoàng-tử Sīvali người dân làng cùng với dân chúng trong kinh-thành Bandhumatī, đã làm phước-thiện bố-thí cúng dường món ăn bơ đặc với mật ong đặc biệt ấy đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có Đức-Phật Vipassī chủ trì.

Khi ấy, Đức-Phật Vipassī nhận món ăn đặc biệt ấy, rồi phát nguyện, đem chia món ăn ấy đủ cho 68.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Người dân làng sau khi chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam trên các cõi trời dục-giới.

Một thuở nọ, sau khi vị thiên-nam chết tại cõi trời dục-giới ấy, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai vào lòng Hoàng-hậu của Đức-vua trị vì tại kinh-thành Bārāṇasī.

Hoàng-hậu sinh hạ ra hoàng-tử khôi ngô tuấn tú. Khi hoàng-tử trưởng thành có tài thao lược.

Cho nên, sau khi Đức-Phụ-vương băng hà, triều đình làm hỏa táng xong, các quan trong triều làm lễ suy tôn hoàng-tử lên nối ngôi vua.

Đức-vua đem quân vây hãm 4 cửa kinh-thành

Sau khi lên ngôi làm vua, Đức-vua muốn đánh chiếm kinh-thành nước khác, được Mẫu-hậu đồng ý, nên Đức-vua dẫn đầu kéo các đoàn quân lính đến bao vây hãm 4 cửa lớn kinh-thành ấy. Đức-vua truyền cho sứ giả gửi tối-hậu-thư đến Đức-vua trong kinh-thành rằng:

“Hãy trao lại ngôi vua cho trẫm hoặc đánh nhau.”

Đức-vua trong kinh-thành trả lời rằng:

“Trẫm không trao ngôi vua, cũng không đánh nhau.”

Những người dân trong kinh-thành đi ra vào lấy củi, nước, các thứ cần thiết bằng các cửa nhỏ, làm được mọi công việc hằng ngày.

Đức-vua cùng với các đoàn quân lính bên ngoài bao vây hãm 4 cửa lớn kinh-thành suốt 7 năm, 7 tháng.

Một hôm, hoàng-thái-hậu của Đức-vua truyền hỏi rằng:

- Này các khanh! Hoàng-tử của ta đang làm gì vậy?

Các quan tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng-thái-hậu, Đức-vua đã truyền lệnh các đoàn quân lính bao vây hãm 4 cửa lớn kinh-thành suốt 7 năm, 7 tháng rồi. Tâu Lệnh bà.

Nghe các quan tâu như vậy, Hoàng-thái-hậu quở trách rằng: “Hoàng-tử của ta còn khờ quá!”

Hoàng-thái-hậu truyền lệnh rằng:

- Này các khanh! Các khanh hãy tâu với Hoàng-tử của ta rằng:

“Hãy đóng chặt các cửa nhỏ, cấm không cho dân chúng ra vào trong kinh-thành nữa.”

Tuân theo lệnh của Mẫu-hậu, Đức-vua truyền lệnh các đoàn quân đóng chặt các cửa nhỏ, cấm không cho dân chúng ra vào trong kinh-thành nữa.

* Dân chúng trong kinh-thành không đi ra bên ngoài kinh-thành được, cảm thấy bực dọc, thiếu thốn mọi thứ, nên đến ngày thứ 7, dân chúng giết chết Đức-vua trong kinh-thành rồi dâng ngôi vua cho Đức-vua bên ngoài.

* Sau khi Đức-vua (tiền-kiếp của hoàng-tử Sīvali) băng hà, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, bị thiêu đốt suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

* Sau khi thoát khỏi cõi địa-ngục, đại-thiện-nghiệp (mà tiền-kiếp của hoàng-tử Sīvali đã tạo) cho quả tái-sinh đầu thai kiếp chót trong lòng Hoàng-hậu Suppavāsā (tiền-kiếp là mẫu-hậu của Đức-vua), thai-nhi (hoàng-tử Sīvali) nằm trong bụng Mẫu-hậu suốt 7 năm, 7 tháng và chịu thêm quả khổ của ác-nghiệp suốt 7 ngày, bị đau đớn đến cùng cực cả Mẫu-hậu lẫn thai-nhi, bởi vì thai-nhi nằm ngang không sinh ra được.

Đến ngày thứ 7, Đức-Phật Gotama truyền dạy rằng:

“Sukhinī hotu Suppavāsā Koliyadhītā, sukhinī arogā arogaṃ puttaṃ vijāyatu.”

Đức-Phật sau khi truyền dạy xong, tại cung điện, hoàng-tử Sīvali sinh ra khỏi lòng Mẫu-hậu một cách dễ dàng như nước chảy ra khỏi bình vậy.

* Thai-nhi (hoàng-tử Sīvali) nằm trong bụng Mẫu-hậu suốt 7 năm, 7 tháng, đó là quả của ác-nghiệp bao vây hãm 4 cửa kinh-thành của đất nước khác.

* Thai-nhi (hoàng-tử Sīvali) nằm ngang trong vòng 7 ngày không sinh ra được, đó là quả của ác-nghiệp tuân theo lệnh của mẫu-hậu đóng chặt các cửa nhỏ của kinh-thành không cho dân chúng ra vào trong kinh-thành, nên mẫu-hậu và thai-nhi (hoàng-tử Sīvali) cùng nhau chịu quả thống khổ của ác-nghiệp ấy suốt 7 ngày đêm.

Nghiệp và quả của nghiệp của Ngài Trưởng-lão Sīvali

* Vô số tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Sīvali đã tích lũy đầy đủ đại-thiện-nghiệp 10 pháp-hạnh ba-la-mật hơn 100 ngàn đại-kiếp trái đất và lời phát nguyện được Đức-Phật Padumuttara quá-khứ thọ ký, nên đại-thiện-nghiệp 10 pháp-hạnh ba-la-mật ấy cho quả kiếp hiện-tại hoàng-tử Sīvali trở thành bậc Thánh A-ra-hán là bậc Thánh Đại-thanh-văn đệ-tử có tài lộc bậc nhất trong các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, đúng theo lời thọ ký của Đức-Phật Padumuttara.

* Tiền-kiếp của hoàng-tử Sīvali là Đức-vua được mẫu-hậu đồng tình, nên dẫn các đoàn quân đến vây hãm 4 cửa lớn kinh-thành khác suốt 7 năm, 7 tháng, rồi nghe theo lệnh của mẫu-hậu đóng chặt các cửa nhỏ, cấm không cho dân chúng ra vào trong kinh-thành suốt 7 ngày. Đức-vua chiếm được kinh-thành.

- Hậu kiếp của Đức-vua, nay kiếp hiện-tại là Hoàng-tử Sīvali.

- Hậu-kiếp của Mẫu-hậu, nay kiếp hiện-tại là Hoàng-hậu Suppavāsā.

- Đại-thiện-nghiệp 10 pháp-hạnh ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn của Hoàng-tử Sīvali, nên kiếp này trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

- Ác-nghiệp của Hoàng-tử Sīvali vây hãm kinh thành nước khác suốt 7 năm 7 tháng và thêm 7 ngày, nên phải nằm trong bụng Mẫu-hậu suốt 7 năm 7 tháng thêm 7 ngày mới sinh ra đời.

Như vậy, nghiệp và quả của nghiệp theo định luật nhân quả, nhân nào thì có quả ấy.

Như câu kệ dạy về nghiệp và quả của nghiệp:

“Yādisaṃ vapate bījaṃ, tādisaṃ harate phalaṃ. Kalyāṇakārī kalyāṇaṃ, Pāpakārī ca pāpakaṃ.” Người nào gieo hạt giống thế nào,[19]

Người ấy gặp quả như thế ấy.

Người hành thiện thì được quả thiện, Người hành ác thì chịu quả ác.

Định mệnh hoặc số mệnh có thật hay không?

Ba-giới gồm có 31 cõi-giới là dục-giới, sắc-giới, vô-sắc-giới.

Bốn loài chúng-sinh là thai-sinh, noãn-sinh, thấp-sinh, hóa-sinh.

Sự thật, tất cả mọi chúng-sinh trong ba giới gồm có 31 cõi-giới, trong bốn loài chúng-sinh dù lớn dù nhỏ đều hoàn toàn chỉ tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng sinh ấy mà thôi, hoàn toàn không tùy thuộc vào một ai cả, cho nên chắc chắn không có định mệnh hoặc số mệnh của mỗi chúng-sinh được an bài.

Giả sử, nếu mỗi chúng-sinh có định mệnh hoặc có số mệnh thật sự, thì ai có khả năng an bài định mệnh hoặc số mệnh của mỗi chúng-sinh lớn, mỗi chúng-sinh nhỏ trong ba giới gồm có 31 cõi-giới, trong bốn loài chúng-sinh ấy được???

Pháp-hành giới làm nền tảng các thiện-pháp

Hành-giả thực-hành pháp-hành giới có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm giữ gìn giới của mình cho được trong sạch trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ được phát triển theo tuần tự từ nhân tới quả liên hoàn từ tam-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp.

Như Đức-Phật thuyết giảng giải trong bài kinh Cetanākaraṇīyasutta [20] được tóm lược ý nghĩa như sau:

- Này chư tỳ-khưu! Hành-giả có giới trong sạch (sīlavato), có giới đầy đủ trọn vẹn thì không cần có tác-ý mong rằng:

“Cầu xin tâm mát mẻ (tâm không nóng nảy) phát sinh đến với tôi.”

- Này chư tỳ-khưu! Tâm mát mẻ (avippaṭisāra) (tâm không nóng nảy) phát sinh đến với hành-giả có giới trong sạch, có giới đầy đủ trọn vẹn. Đó là lẽ đương nhiên.

- Này chư tỳ-khưu! Hành-giả có tâm mát mẻ (tâm không nóng nảy) thì không cần có tác-ý mong rằng:

“Cầu xin tâm hài lòng hoan hỷ phát sinh đến với tôi.”

- Này chư tỳ-khưu! Tâm hài lòng hoan hỷ (pāmojja) phát sinh đến với hành-giả có tâm mát mẻ (tâm không nóng nảy). Đó là lẽ đương nhiên.

- Này chư tỳ-khưu! Hành-giả có tâm hài lòng hoan hỷ thì không cần có tác-ý mong rằng:

“Cầu cho pháp hỷ phát sinh đến với tôi.”

- Này chư tỳ-khưu! Pháp hỷ (pīti) phát sinh đến với hành-giả có tâm hài lòng hoan hỷ. Đó là lẽ đương nhiên.

- Này chư tỳ-khưu! Hành-giả có đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ thì không cần có tác-ý mong rằng:

“Cầu xin pháp an-tịnh phát sinh đến với tôi.”

- Này chư tỳ-khưu! Pháp an-tịnh (passaddhi) phát sinh đến hành-giả có đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ. Đó là lẽ đương nhiên.

- Này chư tỳ-khưu! Hành-giả có pháp an-tịnh thì không cần có tác-ý mong rằng:

“Cầu xin pháp an-lạc phát sinh đến với tôi.”

- Này chư tỳ-khưu! Pháp an-lạc (sukha) phát sinh đến hành-giả có pháp an-tịnh. Đó là lẽ đương nhiên.

- Này chư tỳ-khưu! Hành-giả có pháp an-lạc thì không cần có tác-ý mong rằng:

“Cầu xin pháp thiền-định phát sinh đến với tôi.”

- Này chư tỳ-khưu! Pháp thiền-định (samādhi) phát sinh đến hành-giả có pháp an-lạc. Đó là lẽ đương nhiên.

- Này chư tỳ-khưu! Hành-giả có pháp thiền-định thì không cần có tác-ý mong rằng:

“Cầu xin pháp thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp phát sinh đến với tôi.”

- Này chư tỳ-khưu! Pháp thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp (yathābhūtañāṇa-dassana) phát sinh đến hành-giả có pháp thiền-định. Đó là lẽ đương nhiên.

- Này chư tỳ-khưu! Hành-giả có pháp thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp thì không cần có tác-ý mong rằng:

“Cầu xin trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp phát sinh đến với tôi.”

- Này chư tỳ-khưu! Trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp (nibbidā) phát sinh đến hành-giả có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp. Đó là lẽ đương nhiên.

- Này chư tỳ-khưu! Hành-giả có trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp thì không cần có tác-ý mong rằng:

“Cầu xin pháp ly-dục (A-ra-hán Thánh-đạo) phát sinh đến với tôi.”

- Này chư tỳ-khưu! Pháp ly-dục (virāga) (A-ra-hán Thánh-đạo) phát sinh đến hành-giả có trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp. Đó là lẽ đương nhiên.

- Này chư tỳ-khưu! Hành-giả có pháp ly-dục (A-ra-hán Thánh-đạo) thì không cần có tác-ý mong rằng:

“Cầu xin pháp giải-thoát tri-kiến (A-ra-hán Thánh-quả) phát sinh đến với tôi.”

- Này chư tỳ-khưu! Pháp giải-thoát tri-kiến (vimutti-ñāṇadassana) (A-ra-hán Thánh-quả) phát sinh đến hành-giả có pháp ly-dục (A-ra-hán Thánh-đạo). Đó là lẽ đương nhiên.

- Này chư tỳ-khưu! Pháp ly-dục (virāga: A-ra-hán Thánh-đạo) có pháp giải-thoát tri-kiến (vimuttañāṇa-dassana: A-ra-hán Thánh-quả) là quả, là quả báu.

- Trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp (nibbidā) có pháp ly-dục (virāga: A-ra-hán Thánh-đạo) là quả, là quả báu.

- Trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp (yathābhūtañāṇadassana) có trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp (nibbidā) là quả, là quả báu.

- Pháp thiền-định (samādhi) có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp (yathā-bhūtañāṇadassana) là quả, là quả báu.

- Pháp an-lạc (sukha) có pháp thiền-định (samādhi) là quả, là quả báu.

- Pháp an-tịnh (passaddhi) có pháp an-lạc (sukha) là quả, là quả báu.

- Pháp hỷ (pīti) có pháp an-tịnh (passaddhi) là quả, là quả báu.

- Tâm hài lòng hoan-hỷ (pāmojja) có pháp hỷ là quả, là quả báu.

- Tâm mát mẻ (tâm không nóng nảy) (avippaṭisāra) có tâm hài lòng hoan-hỷ (pāmojja) là quả, là quả báu.

- Giới thiện-pháp (kusalasīla) có tâm mát mẻ (tâm không nóng nảy) (avippaṭisāra) là quả, là quả báu.

Như vậy, -Này chư tỳ-khưu! Các pháp là nhân có các pháp là quả, là quả báu theo nhân với quả liên hoàn với nhau trôi chảy từ tam-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp tột đỉnh là A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả đến Niết-bàn giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

(Xong ý nghĩa bài kinh Cetanākaraṇīyasutta)

Pháp-hành giới mà hành-giả có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ được phát triển theo tuần tự từ tam-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp.

* Trong bài kinh Kimatthiyasutta [21] Đức-Phật giải đáp những câu hỏi của Ngài Trưởng-lão Ānanda về quả của giới, quả báu của giới theo tuần tự từ tam-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới-pháp được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇḍika gần kinh-thành Sāvatthi.

Khi ấy Ngài Trưởng-lão Ānanda đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong rồi ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch hỏi Đức-Thế-Tôn rằng:

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, giới thuộc về thiện pháp có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:

- Này Ānanda! Giới thuộc về thiện-pháp (kusalasīla) có tâm mát mẻ (avippaṭisāra) (tâm không nóng nảy) là quả, có tâm mát mẻ là quả báu.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, tâm mát mẻ có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài.

-Này Ānanda! Tâm mát mẻ có tâm hài lòng hoan hỷ (pāmojja) là quả, có tâm hài lòng hoan hỷ là quả báu.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, tâm hài lòng hoan hỷ có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài.

- Này Ānanda! Tâm hài lòng hoan hỷ có pháp hỷ (pīti) là quả, có pháp hỷ là quả báu.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, pháp hỷ có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài.

- Này Ānanda! Pháp hỷ có pháp an-tịnh (passaddhi) là quả, có pháp an-tịnh là quả báu.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, pháp an-tịnh có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài.

- Này Ānanda! Pháp an-tịnh có pháp an-lạc (sukha) là quả, có pháp an-lạc là quả báu.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, pháp an-lạc có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài.

- Này Ānanda! Pháp an-lạc có pháp thiền-định (samādhi) là quả, có pháp thiền-định là quả báu.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, pháp thiền-định có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài.

- Này Ānanda, pháp thiền-định có pháp thiền-tuệ (yathābhūtañāṇadassana) thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp là quả; có pháp thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp là quả báu.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, pháp thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài.

- Này Ānanda! Pháp thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp có trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán (nibbidā) thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp là quả; có trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp là quả báu.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài.

- Này Ānanda! Trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp có pháp ly-dục (virāga) (A-ra-hán Thánh-đạo) là quả, có pháp ly-dục (A-ra-hán Thánh-đạo) là quả báu.

- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, pháp ly-dục (A-ra-hán Thánh-đạo) có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài.

- Này Ānanda! Pháp ly-dục (A-ra-hán Thánh-đạo) có pháp giải-thoát tri-kiến (vimuttiñāṇadassana) (A-ra-han Thánh-quả) là quả, có pháp giải-thoát tri-kiến (A-ra-hán Thánh-quả) là quả báu.

-Này Ānanda! Giới thuộc về thiện-pháp có tâm mát mẻ (tâm không nóng nảy) là quả, có tâm mát mẻ (tâm không nóng nảy) là quả báu.

- Tâm mát mẻ có tâm hài lòng hoan hỷ là quả, có tâm hài lòng hoan hỷ là quả báu.

- Tâm hài lòng hoan hỷ có pháp hỷ là quả, có pháp-hỷ là quả báu.

- Pháp hỷ có pháp an-tịnh là quả, có pháp an-tịnh là quả báu.

- Pháp an-tịnh có pháp an-lạc là quả, có pháp an-lạc là quả báu.

-Pháp an-lạc có pháp thiền-định là quả, có pháp-thiền-định là quả báu;

-Pháp thiền-định có pháp thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp là quả; có pháp-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp là quả báu.

-Pháp-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp có trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp là quả; có trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp là quả báu.

- Trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp có pháp ly-dục (A-ra-hán Thánh-đạo) là quả, có pháp ly-dục (A-ra-hán Thánh-đạo) là quả báu.

- Pháp ly-dục (A-ra-hán Thánh-đạo) có pháp giải-thoát tri-kiến (A-ra-hán Thánh-quả) là quả, có pháp giải-thoát tri-kiến (A-ra-hán Thánh-quả) là quả báu.

-Này Ānanda! Giới thuộc về thiện-pháp có quả theo tuần tự từ tam-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả cao thượng như vậy.

(Xong bài kinh Kimatthiyasutta)



[1] Tìm hiểu rõ trong bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, quyển IV: Nghiệp Và Quả Của Nghiệp, cùng soạn giả.

[2] Aṅguttaranikāya trong kinh Abhiṇhasutta.

[3] Aṅguttaranikāya, Chakkanipāta, Nibbedhikasutta.

[4] 36 hoặc 52 quả-tâm đó là 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm + 8 thiện-quả vô-nhân-tâm + 8 đại-quả-tâm + 5 sắc-giới quả-tâm + 4 vô-sắc-giới quả-tâm + 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm.

[5] 20 duy-tác-tâm đó là 3 duy-tác vô-nhân-tâm + 8 đại-duy-tác-tâm + 5 sắc-giới duy-tác-tâm + 4 vô-sắc-giới duy-tác-tâm.

[6] Si-tâm hợp với phóng-tâm có ít năng lực không có khả năng cho trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau, có thể cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp hiện-tại.

[7] Tìm hiểu rõ trong bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo quyển IV: Nghiệp Và Quả Của Nghiệp, cùng soạn giả.

[8] Tìm hiểu rõ trong bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo quyển V: Phước-Thiện, cùng soạn giả

[9] Người tam-nhân là người có tái-sinh-tâm đủ 3 nhân: vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ) từ khi đầu thai làm người.

[10] Người nhị-nhân là người có tái-sinh-tâm chỉ có 2 thiện-nhân: vô-tham và vô-sân, không có vô-si, từ khi đầu thai làm người.

[11] Người vô-nhân là người có tái-sinh-tâm không có nhân nào trong 3 thiện-nhân, từ khi đầu thai làm người.

[12] Bộ Jātakaṭṭhakathā, phần Atthakāmavagga, tích Losakajātaka.

[13] Hạng người tam-nhân có tái-sinh-tâm có đủ 3 nhân là vô-tham, vô-sân, vô-si (trí-tuệ) kiếp chót chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

[14] Aṅg, Aṭṭhakathā, Etadaggapadavaṇṇanā, Sīvalittheravatthu.

[15] Từ thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara đến Đức-Phật Gotama trải qua 100 ngàn đại-kiếp trái đất, có 15 Đức-Phật tuần tự xuất hiện trên thế gian.

[16] Dḥ. Aṭṭhakathā, tích Khadiravaniyarevatattheravatthu, Hoàng-tử Sīvali nằm trong bụng Mẫu hậu suốt 7 năm 7 tháng 7 ngày.

[17] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā và bộ Apadānaṭṭhakathā, Sīvalitthera apadāna, hoàng-tử Sīvali nằm trong bụng mẫu-hậu suốt 7 năm 7 tháng 7 ngày.

[18] Dha..aṭṭhakat, Arahantavagga, Khadiyavaniyarevatattheravatthu.

[19] Bộ Samyuttanikāya, Sagāthavaggapāḷi, Samuddakasutta.

[20] Aṅguttaranikāya, phần Ekadasakanipāta, kinh Cetanākaraṇīyasutta.

[21] Ang. Ekādasakanipāta, Kinh Kimatthiyasutta.


Mục lục quyển 3 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]