SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ II

Phẩm 28: Thọ ký
(QUYỂN 427)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 427

Phẩm 28: Thọ ký

Bấy giờ, trong chúng hội như Thiên đế Thích..., chư Thiên cõi Dục, Phạm thiên vương..., chư Thiên cõi Sắc và Thần tiên Thiên nữ Y-xá-na, cùng lúc ba lần ca ngợi những điều Cụ thọ Thiện Hiện đã thuyết giáo và thưa:

–Tôn giả Thiện Hiện đã dùng thần lực Phật làm nơi nương tựa, khéo vì chúng tôi phân tích, khai thị về Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa xa. Đức Phật ra đời vì giáo pháp vô thượng, nếu Đại Bồ-tát có thể ở nơi Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, như những điều đã dạy mà tu hành, không xa lìa thì chúng tôi đối với họ kính thờ như Phật. Vì sao? Vì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không có pháp nào có thể nắm bắt được. Nghĩa là trong ấy không sắc có thể nắm bắt được; không thọ, tưởng, hành, thức có thể nắm bắt được. Như vậy cho đến không trí Nhất thiết có thể nắm bắt được; không trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng có thể nắm bắt được. Tuy không có các pháp có thể nắm bắt được như vậy, nhưng có nêu bày Thánh giáo của ba thừa, đó là giáo pháp của Thanh văn, Độc giác và Vô thượng thừa.

Bấy giờ, Đức Phật bảo chư Thiên:

–Đúng thế, đúng thế! Như những lời các vị đã nói, trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, tuy không có... các pháp như sắc… có thể nắm bắt được, nhưng có nêu bày Thánh giáo của ba thừa. Nếu Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này lấy vô sở đắc mà làm phương tiện, như lời dạy mà thực hành không rời bỏ, thì hàng chư Thiên các vị thường nên kính thờ như các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Vì sao? Này chư Thiên, trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, tuy nói rộng có của ba thừa Thánh giáo nhưng chẳng phải Bố thí ba-la-mật-đa có thể nắm bắt được Như Lai, chẳng phải lìa Bố thí ba-la-mật-đa có thể nắm bắt được Như Lai; cho đến chẳng phải Bát-nhã ba-lamật-đa có thể nắm bắt được Như Lai, chẳng phải lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể nắm bắt được Như Lai. Chẳng phải pháp không bên trong có thể nắm bắt được Như Lai, chẳng phải lìa pháp không bên trong có thể nắm bắt được Như Lai; cho đến chẳng phải pháp không không tánh tự tánh có thể nắm bắt được Như Lai, chẳng phải lìa pháp không không tánh tự tánh có thể nắm bắt được Như Lai. Chẳng phải bốn Niệm trụ có thể nắm bắt được Như Lai, chẳng phải lìa bốn Niệm trụ có thể nắm bắt được Như Lai; nói rộng cho đến chẳng phải mười tám pháp Phật bất cộng có thể nắm bắt được Như Lai, chẳng phải lìa mười tám pháp Phật bất cộng có thể nắm bắt được Như Lai. Như vậy, cho đến chẳng phải trí Nhất thiết có thể nắm bắt được Như Lai, chẳng phải lìa trí Nhất thiết có thể nắm bắt được Như Lai; chẳng phải trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng có thể nắm bắt được Như Lai, chẳng phải lìa trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng có thể nắm bắt được Như Lai.

Này chư Thiên, nếu Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp đều lấy vô sở đắc làm phương tiện, tinh tấn tu học Bố thí ba-la-mật-đa như thế, nói rộng cho đến trí Nhất thiết tướng, thì Đại Bồ-tát này đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa thường tu hành chân chánh, không khi nào lìa bỏ. Thế nên, các ông cần phải kính thờ Đại Bồ-tát đó như đối với các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Chư Thiên nên biết, thuở xa xưa, vào thời Đức Phật Nhiên Đăng, nơi đầu ngã tư đường của kinh đô Chúng hoa, Ta gặp Đức Phật Nhiên Đăng, liền hiến cúng năm hoa sen và trải tóc phủ lên chỗ bùn mong cầu nghe pháp vi diệu tối thượng. Ta dùng vô sở đắc làm phương tiện, liền được chẳng lìa Bố thí ba-la-mật-đa, cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa; chẳng lìa pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh; chẳng lìa bốn Niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo; chẳng lìa bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc; chẳng lìa tất cả pháp môn Tam-ma-địa, tất cả pháp môn Đà-la-ni; chẳng phải lìa mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười tám pháp Phật bất cộng; chẳng phải lìa vô lượng, vô số, vô biên các pháp Phật khác. Khi ấy, Phật Nhiên Đăng liền thọ ký quả vị Giác ngộ cao tột cho Ta và nói: “Thiện nam tử, vào đời sau, hơn vô số kiếp ở trong kiếp Hiền, ngay nơi thế giới này ông sẽ được làm Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni Chánh Đẳng Giác, thuyết Bát-nhã ba-lamật-đa hóa độ vô lượng chúng sinh.” Khi ấy các chư Thiên đều thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, thật là hy hữu! Bạch Đấng Thiện Thệ, thật là hy hữu! Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy thật là hy hữu, làm cho các chúng Đại Bồtát đều có thể mau chóng tiếp nhận tất cả trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với tất cả sắc không lấy, không bỏ; đối với thọ, tưởng, hành thức không lấy, không bỏ. Cho đến đối với trí Nhất thiết không lấy, không bỏ đối với trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng không lấy, không bỏ.

Bấy giờ, Đức Phật quán sát bốn chúng hòa hợp, đó là: Bí-sô, Bí- sô-ni, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca, các chúng Đại Bồ-tát, chúng trời Tứ đại vương, cho đến trời Sắc cứu cánh đều tụ hội đông đủ, đồng làm chứng minh, Ngài quay lại bảo Thiên đế Thích:

–Kiều-thi-ca, hoặc Đại Bồ-tát, hoặc Bí-sô, Bísô-ni, Ô-ba-sách- ca, Ô-ba-tư-ca, hoặc các Thiên tử, Thiên nữ, hoặc các thiện nam, thiện nữ đều chẳng phải lìa tâm của trí Nhất thiết trí và lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mậtđa này cung kính, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, như lý suy tư, nỗ lực tinh tấn tu học, giảng nói cho mọi người và truyền bá rộng rãi khắp nơi, nên biết, những người thực hành như vậy thì tất cả ác ma và đám tay chân của ác ma không thể quấy rối, làm hại được. Vì sao? Này Kiều-thi-ca, những thiện nam, thiện nữ này khéo trụ nơi Không, Vô tướng, Vô nguyện của sắc. Khéo trụ nơi Không, Vô tướng, Vô nguyện của thọ, tưởng, hành, thức. Như thế, cho đến khéo trụ nơi Không, Vô tướng, Vô nguyện của trí Nhất thiết. Khéo trụ nơi Không, Vô tướng, Vô nguyện của trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng nên chẳng thể dùng Không để làm hại nơi Không, nên chẳng thể dùng Vô tướng làm hại nơi Vô tướng, chẳng thể dùng Vô nguyện làm hại nơi Vô nguyện. Vì sao? Vì các pháp như vậy đều không tự tánh, nên chủ thể làm hại và đối tượng bị làm hại đều chẳng thể nắm bắt được.

Này Kiều-thi-ca, những thiện nam, thiện nữ này không bị bất cứ người và phi nhân nào làm hại được. Vì sao? Kiều-thi-ca, vì những thiện nam, thiện nữ này đều lấy vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả đối với các loài hữu tình.

Này Kiều-thi-ca, những thiện nam, thiện nữ này không bao giờ bị não hại do những điều ngang ngược và các duyên xấu ác, hiểm nạn, cũng chẳng bị chết oan. Vì sao? Kiều-thi-ca, những thiện nam, thiện nữ này tu hạnh Bố thí ba-la-mật-đa là nơi an dưỡng chân chánh đối với các loài hữu tình.

Kiều-thi-ca, ở thế giới ba lần ngàn này có bao nhiêu chúng trời Tứ đại vương cho đến trời Quảng quả đã phát tâm cầu quả vị Giác ngộ cao tột, mà đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chưa lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, siêng năng tu học thì nay nên làm cho họ chẳng phải lìa tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, tinh tấn tu học.

Này Kiều-thi-ca, nếu những thiện nam, thiện nữ không lìa tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý và tinh tấn tu học thì những người này hoặc ở nơi nhà trống vắng, hoặc ở nơi đồng hoang, hoặc nơi đường hiểm nạn và chỗ nguy khó, chẳng bao giờ bị kinh sợ, khiếp đảm quá đỗi. Vì sao? Kiềuthi-ca, vì những thiện nam, thiện nữ này không rời tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, khéo tu tập từ pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh.

Bấy giờ, nơi thế giới Kham nhẫn của thế giới ba lần ngàn này có bao nhiêu chúng trời Tứ đại vương cho đến trời Sắc cứu cánh... đều cung kính chắp tay bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, nếu các thiện nam, thiện nữ không rời tâm của trí Nhất thiết trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, thường hay đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, tinh tấn tu học, biên chép, giảng nói, ban truyền khắp nơi thì chư Thiên chúng con thường theo ủng hộ, không để cho tai ương bất trắc xâm phạm, bức bách họ. Vì sao? Bạch Đức Thế Tôn, vì những thiện nam, thiện nữ này là những vị Đại Bồ-tát.

–Bạch Đức Thế Tôn, nhờ các Đại Bồ-tát này làm cho những loài hữu tình vĩnh viễn chấm dứt các nẻo ác nạn hiểm nguy trong đường địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, A-tố-lạc....

–Bạch Đức Thế Tôn, nhờ các Đại Bồ-tát này làm cho hàng Trời, Người, Dược-xoa, Rồng... vĩnh viễn xa lìa tất cả các khổ về tai ương bệnh tật, bần cùng, đói khát, nóng lạnh....

–Bạch Đức Thế Tôn, nhờ các Đại Bồ-tát này làm cho các Trời, Người, A-tố-lạc... vĩnh viễn xa lìa những việc không như ý. Không bao giờ sống trong chiến tranh chém giết và tất cả hữu tình cùng hướng về nhau với tâm từ ái.

–Bạch Đức Thế Tôn, nhờ các Đại Bồ-tát này nên trong thế gian có mười nẻo nghiệp thiện, hoặc bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc, hoặc Bố thí ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc pháp không bên trong cho đến pháp không không tánh tự tánh, hoặc bốn Niệm trụ nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, cho tới trí Nhất thiết, trí Đạo tướng, trí Nhất thiết tướng.

–Bạch Đức Thế Tôn, nhờ các vị Đại Bồ-tát này nên thế gian có dòng dõi lớn Sát-đế-lợi, dòng dõi lớn Bà-la-môn, dòng dõi lớn Trưởng giả, dòng dõi lớn Cư sĩ, các tiểu quốc vương, Chuyển luân Thánh vương, quan tướng cận thần giúp nước.

–Bạch Đức Thế Tôn, nhờ các vị Đại Bồ-tát này nên thế gian có các trời Tứ đại vương, trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng, trời Sắc cứu cánh, trời Vô biên xứ, trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

–Bạch Đức Thế Tôn, nhờ vị Đại Bồ-tát này nên thế gian có Dự lưu và quả Dự lưu, cho đến A-lahán và quả A-la-hán, hoặc Độc giác và quả Độc giác Bồ-đề.

–Bạch Đức Thế Tôn, nhờ các vị Đại Bồ-tát này nên thế gian có các Đại Bồ-tát đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, chứng đắc quả vị Giác ngộ cao tột, chuyển bánh xe giáo pháp vi diệu, hóa độ vô lượng chúng sinh.

–Bạch Đức Thế Tôn, nhờ các vị Đại Bồ-tát này nên thế gian có Phật bảo, Pháp bảo, Bí-sô Tăng bảo, tạo lợi ích an vui cho tất cả hữu tình.

Kính bạch Đức Thế Tôn, vì lý do này mà chư Thiên chúng con cùng A-tố-lạc, các Rồng, Dượcxoa và Nhân phi nhân có thế lực lớn, luôn luôn theo dõi, cung kính, ủng hộ, giữ gìn chúng Đại Bồ-tát ấy, không để cho tất cả tai họa bất trắc xâm phạm gây tổn thương, khiến cho họ đối với Bát-nhã bala-mật-đa biết lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép,... các việc như thế thường không gián đoạn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Thiên đế Thích và các Trời, Rồng, A-tố-lạc...:

–Đúng thế, đúng thế, đúng như lời các vị đã nói! Nhờ các Đại Bồ-tát ấy mới làm cho các hữu tình dứt hẳn cảnh giới ác, cho đến Tam bảo xuất hiện ở thế gian, cùng tạo nhiều lợi ích lớn cho các hữu tình. Thế nên, hàng Trời, Rồng, Thần, Nhân phi nhân có thế lực lớn, các vị thường nên theo dõi, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, chuyên cần gia tâm giữ gìn, ủng hộ các Đại Bồ-tát này, chớ để cho tất cả tai họa bất trắc xâm phạm bức bách họ. Nếu các vị thường hay cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, gia tâm ủng hộ các Đại Bồ-tát này, nên biết, đó là các vị đã cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen và gia tâm ủng hộ Như Lai cùng mười phương chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong mười phương. Vì thế, các vị thường nên theo dõi các Đại Bồ-tát này và cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, gia tâm ủng hộ, giữ gìn, không phút giây rời bỏ.

Hàng chư Thiên nên biết, giả sử thế giới của Phật trong thế giới ba lần ngàn có đầy chúng Thanh văn, Độc giác nhiều như mía, lau lách, tre rừng, lúa mè, lùm bụi, không có một khoảng hở nào. Có những thiện nam, thiện nữ đối với ruộng phước kia đem vô lượng thứ đồ đạc tốt đẹp nhất, trọn đời cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen; và lại có người chỉ trong thoáng chốc cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen một Đại Bồ-tát mới phát tâm, không lìa sáu pháp Ba-la-mật-đa. Đem công đức trước sánh với phước đức này thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn cho đến số cực nhỏ cũng chẳng bằng. Vì sao? Vì không nhờ vào Thanh văn và Độc giác nên có Đại Bồ-tát cùng chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời. Nhưng nhờ Đại Bồ-tát mà thế gian mới có Thanh văn, Độc giác và chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Thế nên các ông cùng tất cả Trời, Rồng, Atố-lạc, Nhân phi nhân... thường nên ủng hộ, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen các Đại Bồtát ấy, chớ để cho tất cả tai họa bất trắc xâm phạm, bức bách. Nhờ đó, các vị sẽ đạt nhiều phước đức trong cõi trời, người và thường được an vui, cho đến đạt quả vị Giác ngộ cao tột. Phước đức đã đạt được này không bao giờ cùng tận.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]