SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

HỘI THỨ II

Phẩm 71: Thân cây
(QUYỂN 464)

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.


QUYỂN 464

Phẩm 71: Thân cây

Bấy giờ, Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát nào không thân cận chư Phật, không viên mãn căn lành, không noi gương bạn lành thì lẽ nào không đạt được trí Nhất thiết trí?

Phật bảo:

–Thiện Hiện, ai không thể thân cận chư Phật, viên mãn căn lành, noi gương bạn lành còn không được gọi là Đại Bồ-tát huống chi là chứng đắc trí Nhất thiết trí. Vì sao vậy?

Có Đại Bồ-tát gần gũi chư Phật, trồng các căn lành, noi gương bạn lành còn không thể chứng đắc trí Nhất thiết trí huống gì người không thân cận chư Phật, không viên mãn căn lành, không noi theo bạn lành mà có thể chứng đắc trí Nhất thiết trí hay sao? Người ấy mà có thể chứng đắc trí Nhất thiết trí thì thật phi lý. Vì vậy, Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào muốn được gọi là Đại Bồ-tát, muốn mau chứng đắc trí Nhất thiết trí thì phải thân cận chư Phật Thế Tôn, viên mãn căn lành, noi theo bạn lành, đừng sinh nhàm chán.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì mà có Đại Bồ-tát tuy thân cận chư Phật, trồng các căn lành, thừa sự thiện hữu mà không thể chứng đắc trí Nhất thiết trí?

Phật bảo:

–Thiện Hiện, các Đại Bồ-tát ấy xa lìa phương tiện thiện xảo nên tuy thân cận chư Phật, trồng các căn lành, noi theo bạn lành mà không thể chứng đắc trí Nhất thiết trí nghĩa là Đại Bồ-tát ấy không theo chư Phật và các bạn lành để nghe nói phương tiện thiện xảo thù thắng nên tuy thân cận chư Phật, trồng các căn lành, noi theo bạn lành mà không thể chứng đắc trí Nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, những gì gọi là phương tiện thiện xảo mà các Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy để làm mọi việc ở các cõi thì chắc chắn có thể chứng đắc trí Nhất thiết trí?

Phật bảo:

–Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào từ lúc mới phát tâm tu hành Bố thí ba-la-mật-đa, bằng tác ý tương ưng với trí Nhất thiết trí hoặc cúng dường chư Phật hoặc cúng dường Bồ-tát, hoặc cúng dường Độc giác, hoặc cúng dường Thanh văn hoặc cúng dường các Sa-môn, Phạm chí khác, hoặc bố thí cho những người tu phạm hạnh theo ngoại đạo, hoặc bố thí cho người nghèo khó, người đi đường người khổ hạnh và người đến xin, hoặc bố thí cho tất cả các hàng người và phi nhân... Đại Bồ-tát này thành tựu tác ý tương ưng với trí Nhất thiết trí như vậy, tuy thực hành bố thí nhưng không có tưởng bố thí, không tưởng người nhận cũng không có tưởng tất cả ngã và ngã sở. Vì sao vậy?

Đại Bồ-tát này quán sát tự tướng tất cả pháp đều là không, không thật, không thành, không chuyển đổi, không tiêu diệt, nhập vào các pháp tướng, biết tất cả các pháp không tạo tác, không năng lực, nhập vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy nên thường tăng trưởng giác phần căn lành. Do căn lành thường tăng thêm nên vị ấy có thể thực hành Bố thí ba-la-mật-đa, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật. Tuy thực hành bố thí nhưng không mong cầu quả báo của việc bố thí nghĩa là không hồi hướng đến cảnh giới đáng yêu và sinh nơi thù thắng, chỉ vì cứu giúp những người không ai cứu giúp và muốn giải thoát những người chưa được giải thoát, nên tu hành Bố thí ba-la-mậtđa. phát tâm tu hành Tịnh giới ba-la-mật-đa dùng tác ý tương ưng với trí Nhất thiết trí để thọ trì tịnh giới, tâm thường không khởi tham, sân, si... và bị tùy miên ràng buộc, cũng không phát sinh các pháp bất thiện khác có thể làm chướng ngại Bồ-đề như là keo kiệt, ác giới, giận hờn, giải đãi, tâm hèn hạ, tâm tán loạn, các mạn ác tuệ là quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tăng trưởng mạn, ty mạn, tà mạn và tác ý tương ưng với Thanh văn, Độc giác. Vì sao vậy? Vì Đại Bồ-tát này quán tự tướng của tất cả pháp đều không, không thật, không thành, không chuyển đổi, không tiêu diệt, nhập vào các pháp tướng, biết tất cả các pháp không tạo tác, không năng lực, nhập vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, thường tăng trưởng giác phần căn lành. Nhờ căn lành này thường tăng trưởng nên có thể thực hành Tịnh giới ba-la-mật-đa, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật. Tuy thực hành tịnh giới nhưng vị ấy không mong cầu quả báo của việc giữ giới, cũng không hồi hướng đến cảnh giới đáng yêu và sinh nơi thù thắng; chỉ vì cứu giúp những người không ai cứu giúp và muốn giải thoát những người chưa được giải thoát nên vị ấy tu hành Tịnh giới ba-la-mật-đa.

Lại nữa Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào từ lúc mới phát tâm tu hành An nhẫn ba-la-mật-đa, dùng tác ý tương ưng với trí Nhất thiết trí làm phương tiện để tu học an nhẫn cho đến để bảo vệ mạng mình, Đại Bồ-tát này cũng không phát sinh một niệm giận hờn, một lời nói ác hay một tâm oán hận báo thù. Giả sử có người muốn đến hại mạng mình, cướp đoạt của cải, xâm chiếm vợ con, nhà cửa, vu khống mạ nhục, chia rẽ, khinh khi, hoặc đánh hoặc đâm, hoặc cắt hoặc chặt và gây ra đủ thứ việc tai hại khác thì vị ấy hoàn toàn không giận hờn hữu tình đó, chỉ cầu mong làm cho người kia được lợi ích an lạc. Vì sao vậy? Vì Đại Bồ-tát này quán tự tướng tất cả các pháp đều không, không thật, không thành, không chuyển, không diệt, nhập vào các pháp tướng, biết tất cả các pháp không tạo tác, không năng lực, nhập vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy nên thường tăng trưởng giác phần căn lành. Do căn lành này thường tăng trưởng nên vị ấy có thể thực hành An nhẫn ba-la-mật-đa đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật. Tuy thực hành an nhẫn nhưng vị ấy không mong cầu quả báo của việc an nhẫn nghĩa là không hồi hướng đến cảnh giới đáng yêu và nơi sinh thù thắng, chỉ vì cứu giúp những người không ai cứu giúp và muốn giải thoát những người chưa được giải thoát nên vị ấy tu hành An nhẫn ba-la-mật-đa. phát tâm tu hành Tinh tấn ba-la-mật-đa, dùng tác ý tương ưng với trí Nhất thiết trí làm phương tiện, phát sinh siêng năng dũng mãnh một cách chân chánh không khiếp sợ, xa lìa tâm giải đãi, hèn yếu. Vì cầu Bồ-đề, vị ấy không sợ các khổ, không phế bỏ việc tu tập các pháp lành, vì sao vậy? Đại Bồtát này quán tự tướng tất cả pháp đều không, không thật, không thành, không chuyển, không diệt nhập vào các pháp tướng, biết tất cả các pháp không tạo tác, không năng lực, nhập vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, thường tăng thêm giác phần căn lành. Nhờ căn lành này thường tăng thêm nên vị ấy có thể thực hành Tinh tấn ba-la-mật-đa, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật. Tuy hành tinh tấn nhưng vị ấy không mong cầu quả báo của việc tinh tấn nghĩa là không hồi hướng đến cảnh giới đáng yêu và nơi sinh thù thắng, chỉ vì cứu giúp những người không được ai cứu giúp và giải thoát những người chưa giải thoát nên vị ấy tu hành Tinh tấn ba-la-mật-đa.

Lại nữa Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào từ lúc mới phát tâm tu hành Tĩnh lự ba-la-mật-đa, dùng tác ý tương ưng với trí Nhất thiết trí để tu học các định. Khi mắt thấy các sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm giác sự xúc chạm, ý phân biệt các pháp, Đại Bồ-tát này không nắm giữ các tướng không theo đuổi âm thanh sắc tướng tốt đẹp tức là giữ gìn các căn ngay nơi đối tượng ấy, không sống phóng dật, không làm phát sinh các pháp ác, bất thiện, tham ái và các lậu phiền não thế gian, chuyên tu niệm định để giữ gìn các căn. Đại Bồ-tát này hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc nói năng, hoặc im lặng thường không xa lìa định thù thắng, xa lìa các pháp dơ bẩn, thân tâm yên tịnh, không trái oai nghi phép tắc, hành động đều đoan chánh, tâm thường ổn định không sinh phân biệt. Vì sao vậy? Vì Đại Bồtát này quán tự tướng tất cả pháp đều không, không thật, không thành, không chuyển, không diệt, nhập vào các pháp tướng, biết tất cả các pháp không tạo tác, không năng lực, nhập vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy thường tăng thêm giác phần căn lành. Nhờ căn lành này thường tăng thêm, vị ấy có thể thực hành Tĩnh lự ba-la-mật-đa, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật. Tuy thực hành tĩnh lự nhưng vị ấy không mong cầu quả báo của thiền định, nghĩa là không hồi hướng đến cảnh giới đáng yêu và nơi sinh tốt đẹp, chỉ vì cứu giúp những người không ai cứu giúp và muốn giải thoát người chưa được giải thoát nên vị ấy tu hành Tĩnh lự ba-la-mật-đa. phát tâm tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng tác ý tương ưng với trí Nhất thiết trí tu học diệu tuệ. Đại Bồ-tát này lìa các ác tuệ, tâm không bị người khác làm phát sinh sự chấp ngã và ngã sở, xa lìa tất cả cái thấy của ngã, cái thấy của hữu tình cho đến cái thấy của người biết, cái thấy của người thấy, cái thấy có hoặc không có và các cảnh giới ác kiến, xa lìa sự kiêu mạn, không có phân biệt, làm phát sinh đủ loại căn lành thù thắng. Vì sao vậy? Vì Đại Bồtát này quán tự tướng tất cả pháp đều không, không thật, không thành, không chuyển, không diệt, nhập vào các pháp tướng, biết tất cả các pháp không tạo tác, không năng lực, nhập vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy thường tăng trưởng giác phần căn lành. Do căn lành này thường tăng trưởng, vị ấy có thể thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật. Tuy thực hành Bát-nhã nhưng vị ấy không mong cầu quả báo sở đắc của trí tuệ, nghĩa là không hồi hướng đến cảnh giới đáng yêu và nơi sinh thù thắng. Chỉ vì cứu giúp những người không ai cứu và muốn giải thoát cho những người chưa được giải thoát nên vị ấy tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào từ lúc mới phát tâm tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng tác ý tương ưng với trí Nhất thiết trí nhập vào bốn Tĩnh lự, bốn Vô lượng, bốn Định vô sắc. Tuy nhập xuất tự tại đối với Tĩnh lự, Vô lượng, Vô sắc nhưng Đại Bồ-tát ấy không nắm giữ quả Dị thục của nó. Vì sao vậy? Vì Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo tối thắng, quán tự tướng của các Tĩnh lự, Vô lượng, Vô sắc đều là không, không thật, không thành, không chuyển, không diệt nhập các pháp tướng, biết tất cả các pháp không tạo tác, không năng lực, nhập vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, thường tăng thêm giác phần căn lành, do căn lành này thường tăng thêm nên vị ấy có thể thực hành Tĩnh lự, Vô lượng, Vô sắc. Nhờ thực hành Tĩnh lự, Vô lượng, Vô sắc họ liền có thể tự tại, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật.

Lại nữa Thiện Hiện, Đại Bồ-tát nào từ lúc mới phát tâm tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, dùng tác ý tương ưng với trí Nhất thiết trí làm phương tiện, tu học tất cả pháp phần Bồ-đề thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy. Tuy thực hành pháp đoạn trừ phiền não nhờ Kiến đạo hoặc Tu đạo nhưng vị ấy không nắm giữ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán và Độc giác Bồ-đề. Vì sao vậy? Vì Đại Bồ-tát này quán tướng của tất cả pháp đều không, không thật, không thành, không chuyển, không diệt, nhập vào các pháp tướng, biết tất cả các pháp không tạo tác, không năng lực, nhập vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo thù thắng thường tăng thêm giác phần căn lành, do căn lành này thường tăng thêm nên có thể thực hành tất cả các pháp phần Bồ-đề, vượt qua địa vị Thanh văn, Độc giác... nhập vào Chánh tánh ly sinh của Bồ-tát. Đó là Vô sinh pháp nhẫn của Bồ-tát. Nhờ pháp nhẫn này vị ấy thường có thể tự tại, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật.

Lại nữa Thiện Hiện, lúc tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, Đại Bồ-tát này dùng tác ý tương ưng với trí Nhất thiết trí làm phương tiện thì tuy có thể tự tại vào ra thuận nghịch đối với tám Giải thoát, tám Thắng xứ, chín Định thứ đệ, mười Biến xứ... nhưng có thể thành tựu phương tiện thiện xảo, không nắm giữ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, Ala-hán, Độc giác Bồ-đề. Vì sao vậy? Vì Đại Bồ-tát này quán tự tướng của tất cả các pháp đều không, không thật, không thành, không chuyển, không diệt, nhập các pháp tướng, biết tất cả pháp không tạo tác, không năng lực, nhập vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo thù thắng, thường tăng thêm giác phần căn lành, nhờ căn lành này thường tăng thêm, vị ấy liền có thể tự tại, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, chứng đắc và nhập vào địa vị không thoái chuyển của Bồ-tát và được thọ ký thành tựu pháp nhẫn.

Lại nữa Thiện Hiện, lúc tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, Đại Bồ-tát nào dùng tác ý tương ưng với trí Nhất thiết trí, tinh tấn tu hành mười lực của Như Lai, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười tám pháp Phật bất cộng, vô lượng, vô biên công đức của chư Phật cho đến chưa hoàn toàn đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật thì vẫn chưa chứng đắc trí Nhất thiết trí. Vì sao vậy? Vì Đại Bồ-tát này quán tự tướng tất cả các pháp đều không, không thật, không thành, không chuyển, không diệt, nhập vào các pháp tướng, biết tất cả các pháp không tạo tác, không năng lực, nhập vào các hành tướng. Đại Bồ-tát này thành tựu phương tiện thiện xảo thù thắng thường tăng thêm giác phần căn lành. Nhờ căn lành này thường tăng thêm, vị ấy liền được viên mãn, đem lại sự thành tựu cho hữu tình, làm nghiêm tịnh cõi Phật, dần dần chứng đắc trí Nhất thiết trí. Thiện Hiện, như vậy gọi là phương tiện thiện xảo. Đại Bồ-tát nào thành tựu phương tiện thiện xảo này thì có làm việc gì cũng chắc chắn có thể chứng đắc trí Nhất thiết trí. Phương tiện thiện xảo thù thắng như vậy đều do Bát-nhã ba-la-mật-đa nên được thành tựu. Vì vậy Thiện Hiện, các Đại Bồ-tát nên siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa và có làm điều gì cũng chẳng mong cầu quả báo. Ai có thể siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy thì có thể mau chứng đắc trí Nhất thiết trí.


Trước

[Đầu trang][Mục lục Kinh Đại Bát Nhã]

Tiếp theo


[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]


[Mục lục tổng quát]