SỐ 220
KINH ĐẠI BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
HỘI THỨ IV
Phẩm 4: Xưng dương công đức
(QUYỂN 541)
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Này Kiều-thi-ca, giả sử có xá-lợi của Phật đầy khắp trong châu Thiệm-bộ này, làm thành một phần; biên chép pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, làm thành một phần. Trong hai phần ấy, ông chọn phần nào?
Thiên đế Thích thưa:
–Bạch Thế Tôn, theo ý con, nên chọn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Vì sao? Vì theo con, đối với xá-lợi của Phật chẳng phải là không tin thọ, cung kính cúng dường; nhưng thân và xá-lợi của chư Phật đều do nơi pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này mà sinh ra, cũng do nơi pháp môn Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa này mà có chỗ để tu hành huân tập những oai lực công đức. Vì vậy mới được tất cả thế gian, Trời, Người, A-tố-lạc... cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Tất cả chúng Đại Bồ-tát đối với pháp môn diệu nghĩa sâu xa của Bátnhã ba-la-mật-đa này siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, thì sẽ chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa này mà được thông suốt chân như, pháp giới, pháp tánh và thật tế...; thành tựu pháp thân. Do chứng pháp thân, nên mới gọi là Phật. Xá-lợi của Phật nương vào pháp thân, nên mới được thế gian cung kính cúng dường.
Bạch Thế Tôn, như con ở trong điện Thiện pháp, ngồi trên tòa Thiên đế của trời Ba mươi ba, giảng thuyết chánh pháp cho các Thiên chúng. Khi ấy, có vô lượng Thiên tử đi đến chỗ con lắng nghe pháp rồi cung kính cúng dường, đi quanh bên hữu rồi lui ra. Nếu khi con chẳng có ở pháp tòa, mà các Thiên tử cũng đến chỗ này, dù chẳng thấy con nhưng vẫn xem như có con, họ đều cung kính cúng dường và nói: “Chỗ này là tòa Đế Thích ngồi để thuyết pháp cho chư Thiên. Chúng ta nên xem như Thiên chủ hiện diện, mà cúng dường, đi quanh bên hữu, lễ bái rồi lui ra.”
Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng lại như thế. Nếu có người biên chép, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết rộng rãi cho hữu tình; thì nên biết chỗ đó của thế giới và trong mười phương vô biên thế giới khác, thường có vô lượng, vô số Trời, Rồng, Dượcxoa, A-tố-lạc... đều đến nhóm họp. Nếu có người hoặc không có người thuyết pháp nhưng vì kính trọng pháp ở nơi đó nên cũng cung kính cúng dường, đi quanh bên hữu rồi lui ra.
Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này cùng với các hạnh của Đại Bồ-tát và trí Nhất thiết trí của Phật đã chứng đắc đều làm nhân duyên, làm chỗ nương dựa, có khả năng đưa đến. Vì vậy, nên con nói: Dù cho xá-lợi của Phật có đầy khắp trong châu Thiệm-bộ này đem làm một phần; biên chép pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa lại làm một phần. Trong hai phần ấy, con chọn lấy phần Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Lại nữa bạch Thế Tôn, thôi hãy gác việc xá-lợi của Phật đầy khắp trong châu Thiệm-bộ này đem làm một phần. Dù cho xá-lợi của Phật đầy khắp bốn đại châu đem làm một phần; hoặc xá-lợi của Phật đầy khắp tiểu thiên thế giới đem làm một phần; hoặc xá-lợi của Phật đầy khắp trung thiên thế giới đem làm một phần; hoặc xá-lợi của Phật đầy khắp đại thiên thế giới đem làm một phần; lại có người biên chép pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đem làm một phần. Trong hai phần đấy, ý con chọn lấy phần Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hơn. Vì sao? Vì con đối với xá-lợi của chư Phật đều tin thọ, cung kính cúng dường, nhưng pháp thân và xá-lợi của chư Phật đều do pháp môn Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa sinh ra. Do công đức oai lực của pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là chỗ để huân tu; nhờ vậy mới được tất cả thế gian Trời, Người, A-tố-lạc cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen.
Bạch Thế Tôn, các thiện nam, thiện nữ nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chú tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, siêng năng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép, giảng nói, truyền bá rộng rãi; thì những người ấy ở đời sau chẳng đọa vào đường ác; xa lìa địa vị Thanh văn và bậc Độc giác; chẳng sợ tất cả tai họa, tật dịch xâm hại. Như người mắc nợ sợ người chủ nợ, liền thân cận, phụng thờ quốc vương, nương thế lực của quốc vương để khỏi sự lo sợ.
Vua dụ cho Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Người mắc nợ kia, dụ cho các thiện nam, thiện nữ nương nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa, xa lìa đường ác và các sự sợ hãi.
Bạch Thế Tôn, ví như có người nương cậy nơi vua, được vua thu nhận mới được người đời cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Xá-lợi của Phật cũng lại như thế, nhờ huân tu Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa nên được Trời, Người, A-tố-lạc đều cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen.
Vua dụ cho Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Xá-lợi của Phật dụ cho người nương cậy vào vua.
Bạch Thế Tôn, chư Phật đã chứng được trí Nhất thiết trí cũng nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được thành tựu, nên con chọn lấy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Bạch Thế Tôn, diệu nghĩa sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa với đầy đủ đại thần lực, đã làm đại lợi ích cho hữu tình ở nơi thế giới ba lần ngàn, dù ở chỗ nào cũng đều có chư Phật và làm các Phật sự. Đó gọi là lợi lạc tất cả hữu tình.
Bạch Thế Tôn, ví như ngọc đại bảo thần châu là vô giá, có đủ vô lượng oai đức thắng diệu, nên dù ở chỗ nào mà có thần châu này, người và phi nhân đều không bị não hại.
Nếu có thiện nam, thiện nữ nào bị quỷ ám bắt, thân tâm khổ não, khi ấy có người cầm thần châu này cho xem, nhờ oai lực của thần châu nên quỷ liền bỏ đi.
Hoặc có người bị bệnh nóng, hoặc phong, hoặc đàm, hoặc bị bệnh nóng do phong đàm hòa hợp gây ra bệnh; nếu đem thần châu này buộc đeo nơi thân thì các bệnh như thế đều được dứt trừ.
Thần châu này có khả năng soi sáng nơi tối tăm, ở chỗ nóng có thể mát mẻ, ở chỗ lạnh thì ấm áp. Tùy ở địa phương nào có thần châu này thì nơi ấy khí hậu điều hòa, không lạnh không nóng.
Hoặc địa phương nào có thần châu này thì rắn, bọ cạp, các loài độc không dám đến ở. Nếu có người nam hoặc người nữ nào bị trúng độc đau đớn, khó chịu thì nên đem thần châu này đưa cho người bệnh thấy. Nhờ oai lực của thần châu làm cho chất độc bị tiêu tan.
Nếu thân của hữu tình nào bị tật hủi, ghẻ dữ, ghẻ chùm bao, mắt mù lòa, hoặc bệnh mắt, bệnh tai, bệnh mũi, bệnh lưỡi, bệnh yết hầu, bệnh thân, bệnh các lóng đốt, khi đeo thần châu này vào thì các bệnh đều khỏi.
Hoặc trong các sông đào, ao, suối, giếng... nước bị đục nhơ, hoặc sắp khô cạn, đem thần châu thả vào, nước liền ngập đầy, lắng trong thơm sạch, đủ tám thứ công đức.
Nếu đem tấm vải xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, bích lục dệt thành các thứ màu sắc, gói thần châu này để vào dưới nước thì nước sẽ biến đổi thành màu các thứ vải.
Đại bảo thần châu vô giá như thế, oai đức vô biên, nói không thể hết được. Nếu để thần châu trong rương hộp, cũng làm cho những món đồ kia được thành tựu đầy đủ vô lượng, vô biên oai đức. Nếu rương trắp trống không, do trước kia đã từng để thần châu thì vật khí ấy vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Khi ấy, Khánh Hỷ hỏi Thiên đế Thích:
–Thần châu như thế chỉ ở cõi trời mới có, hay là cõi người cũng có?
Thiên đế Thích đáp:
–Cõi người, cõi trời đều có thần châu này. Nếu thần châu ở cõi người thì hình nó nhỏ mà nặng, còn ở cõi trời thì hình lớn mà nhẹ.
Lại nữa, hạt châu ở cõi người hình tướng chẳng đầy đủ, châu ở cõi trời tướng nó tròn đầy. Thần châu cõi trời oai đức thù thắng vô lượng gấp bội hơn ở cõi người.
Bấy giờ, Thiên đế Thích bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, diệu nghĩa sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như thế; nó làm căn bản cho các công đức, nó diệt trừ vô lượng pháp ác bất thiện; dù ở chỗ nào cũng diệt trừ được sự khổ não trong thân tâm của các hữu tình; các hàng Nhân phi nhân cũng chẳng làm hại được.
Bạch Thế Tôn, Như Lai đã chứng được trí Nhất thiết trí và vô lượng, vô biên các công đức khác là đều do Đại vương thần chú Bát-nhã ba-la-mật-đa diễn bày ra, nó vô lượng, vô biên oai đức sâu rộng. Xá-lợi của Phật do các công đức đã được huân tu nên các công đức này thường làm chỗ để nương tựa. Sau khi Phật Niết-bàn, lãnh thọ sự cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen của tất cả thế gian, Trời, Người, A-tố-lạc...
Bạch Thế Tôn, hãy gác việc xá-lợi của Phật ở thế giới ba lần ngàn lại. Giả sử xá-lợi của Phật đầy hằng hà sa số thế giới khắp mười phương, đem làm một phần; hoặc có người biên chép pháp môn Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa đem làm một phần. Trong hai phần này, ý con chọn lấy Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Vì sao? Vì con đối với xá-lợi của Phật chẳng phải không tin ưa cung kính cúng dường. Nhưng Pháp thân chư Phật và xá-lợi là đều do pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa sinh ra, đều nhờ công đức oai lực đã huân tu của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mới có được; cho nên tất cả thế gian, Trời, Người, A-tố-lạc đều cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen.
Bạch Thế Tôn, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sinh ra trí Nhất thiết trí của Như Lai. Như Lai đã được trí Nhất thiết trí, có thể sinh ra thân Phật và xá-lợi. Vì vậy, cúng dường Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa tức là cúng dường trí Nhất thiết trí và xálợi của chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai.
Bạch Thế Tôn, các thiện nam, thiện nữ nào muốn được thấy vô lượng, vô số Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở mười phương thì phải hành Bát-nhã ba-la-mật-đa và tu Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Bấy giờ, Phật bảo Thiên đế Thích:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói! Này Kiều-thi-ca, đời quá khứ, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, để chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Đời vị lai, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này sẽ chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Và đời hiện tại, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng đều nương vào Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa này mà hiện chứng quả vị Giác ngộ cao tột. Nay Ta, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này mà chứng được quả vị Giác ngộ cao tột. Thiên đế Thích thưa:
–Bạch Thế Tôn, diệu nghĩa sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa này là Đại Ba-la-mật-đa, là Ba-lamật-đa không gì vượt trên, là Ba-la-mật-đa không gì sánh bằng. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các chúng Đại Bồ-tát đều nương vào Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa này để biết được sự sai khác về tâm hành của loài hữu tình không?
Bấy giờ, Phật bảo Thiên đế Thích:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói! Này Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát ở trong thời gian dài, tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đều có thể biết như thật tất cả sự sai khác về tâm hành của hữu tình.
Khi ấy, Thiên đế Thích bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, các Đại Bồ-tát chỉ nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa hay cũng nên hành năm pháp Ba-la-mật-đa kia nữa?
Bấy giờ, Phật bảo Thiên đế Thích:
–Này Kiều-thi-ca, các Đại Bồ-tát nên hành đủ sáu pháp Ba-la-mật-đa, nhưng khi hành Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự; lúc quán các pháp đều phải dùng Bát-nhã ba-la-mật-đa làm đầu. Này Kiều-thi-ca, ví như trong châu Thiệm-bộ có nhiều cây, nhiều nhánh, cành, thân, hoa, lá, quả trái; tuy có nhiều thứ hình loại chẳng đồng nhưng nó đều có khả năng che bóng mát như nhau, đầy đủ công đức lớn, được mọi người nương theo.
Sáu pháp Ba-la-mật-đa cũng vậy mỗi pháp tuy đều có pháp riêng, nhưng nhờ phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì và hồi hướng về trí Nhất thiết trí; cho nên các tướng sai khác đều chẳng thể nắm bắt được, đầy đủ đại công đức, được mọi người nương theo.
Bấy giờ Thiên đế Thích bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn, diệu nghĩa sâu xa của Bát-nhã ba-la-mật-đa là thành tựu công đức rộng lớn thù thắng, là thành tựu tất cả công đức thù thắng, là thành tựu viên mãn công đức thù thắng, là thành tựu vô lượng công đức thù thắng, là thành tựu vô biên công đức thù thắng, là thành tựu vô số công đức thù thắng, là thành tựu vô đẳng công đức thù thắng, là thành tựu vô tận công đức thù thắng.
Bấy giờ Phật bảo Thiên đế Thích:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói!
[Mục lục bộ Bát-nhã][220][221][222][223][224][225][226][227][228][229][230][231][232][233][234][235][236][237][238][239][240][241][242][243][244][245][246][247][248][249][250][251][252][253][254][255][256][257][258][259][260][261]