TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ BẢO TÍCH (310 - 373)

BỘ BẢO TÍCH 4 – T045

SỐ 313 - KINH A-SÚC PHẬT QUỐC

Hán dịch: Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nguyệt Chi.

MỤC LỤC

QUYỂN THƯỢNG

PHẨM 1: PHÁT Ý THỌ TUỆ

PHẨM 2: SỰ HỶ LẠC TOÀN THIỆN CỦA CÕI PHẬT A-SÚC

PHẨM 3: SỰ THÀNH TỰU SỞ HỌC CỦA CHÚNG ĐỆ TỬ

QUYỂN HẠ

PHẨM 4: SỰ THÀNH TỰU SỞ HỌC CỦA CHƯ BỒ-TÁT

PHẨM 5: ĐỨC PHẬT BÁT-NÊ-HOÀN


QUYỂN THƯỢNG

PHẨM 1: PHÁT Ý THỌ TUỆ

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật thuộc thành La-duyệt-kỳ cùng với chúng đại Tỳkheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là những bậc A-la-hán đã đoạn tận sinh tử và không còn bị ràng buộc, đã phá trừ lao ngục, tâm ý tự tại, trí tuệ siêu việt, vì hóa độ nên nhiếp phục tất cả chư Thiên và Long vương, việc cần làm đã làm xong, không còn tiếp tục. Các vị đã trút bỏ gánh nặng và hoàn toàn đạt được trí tuệ, giải thoát chân chánh, tâm ý đạt đến chỗ tự tại cao tột, riêng chỉ có Hiền giả Anan thì chưa đạt đến như vậy.

Lúc bấy giờ Hiền giả Xá-lợi-phất quỳ thẳng, chắp tay bạch Đức Phật:

– Lành thay, Đấng Thiên Trung Thiên! Khi xưa các Bồ-tát mong cầu đạo Vô thượng chánh chân, phát tâm tu tập đức hạnh liền đạt được hạnh rốt ráo. Các Bồ-tát ấy vì thương tưởng, muốn đem lại sự an ổn cho chư Thiên và người thế gian, nên đã tuyên dương chân lý chắc thật khiến mọi người được nhiều an ổn. Vì vậy các vị với tình thương và tâm an định, dùng thân tôn quý bao trùm khắp thế gian, chỉ vì thương xót chư Thiên và loài người. Nay trong hiện tại và quá khứ, các Đại Bồ-tát đã hiện ánh sáng rực rỡ, cho đến tìm cách làm cho ánh sáng ấy chiếu đến cõi Phật mà không có tên gọi. Nếu có người mong cầu đạo Bồ-tát phải như các Đại Bồ-tát thuở xưa đã phát nguyện đem ánh sáng đại nguyện ấy khiến thể nhập vào các đức hạnh đã nghe. Phải như vậy mà học tập, phụng hành. Người tu học như thế tức đã thành tựu trí tuệ siêu việt thẳng tới quả vị Giác ngộ cao tột.

Đức Phật dạy:

– Hay thay! Hiền giả Xá-lợi-phất đã trụ trong tánh thiện thâm sâu nên mới có thể hỏi về ánh sáng hạnh nguyện của các Đại Bồ-tát ở quá khứ nhằm để đạt đến các đức hạnh và nghĩ đến các Bồ-tát trong tương lai khiến cho họ vâng giữ.

Này Xá-lợi-phất! Hãy lắng nghe và khéo tư duy, ghi nhớ. Ta sẽ giảng cho Hiền giả nghe về đại nguyện của các Đại Bồ-tát đã thực hành trong quá khứ.

Xá-lợi-phất thưa:

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Con xin muốn nghe.

Đức Phật dạy:

– Này Xá-lợi-phất! Có thế giới tên A-tỳ-la-đề, Đức Phật ở thế giới ấy tên là Đại Mục thuyết pháp về hạnh sáu Độ vô cực cho các vị Đại Bồ-tát ở thế giới đó.

Khi ấy Hiền giả Xá-lợi-phất suy nghĩ: “Ta muốn hỏi Đức Như Lai, Đấng Thiên Trung Thiên về thế giới A-tỳ-la-đề ở đâu và Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đã thuyết pháp về hạnh sáu Độ vô cực cho các vị Đại Bồ-tát như thế nào?”

Lúc đó, Đức Phật biết tâm niệm của Hiền giả Xá-lợi-phất nên bảo:

– Về phương Đông, cách đây một ngàn cõi Phật, có thế giới A-tỳ-la-đề, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đã thuyết pháp về hạnh sáu Độ vô cực cho các vị Đại Bồ-tát. Lúc ấy có vị Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục chỉnh tề, gối phải quỳ sát đất, hướng về Đức Đại Mục Như Lai chắp tay bạch: “Cúi lạy Đấng Thiên Trung Thiên, con muốn kết nguyện tu học như các vị Đại Bồ-tát đang học”.

Này Xá-lợi-phất! Đức Đại Mục Như Lai bảo vị Tỳ-kheo ấy rằng: “Nếu muốn kết nguyện học đạo Bồ-tát thì rất khó. Vì sao? Vị Bồ-tát phải đối với nhân loại và loài côn trùng nhỏ bé không có sự sân hận”.

Xá-lợi-phất! Vị Tỳ-kheo đó bạch với Đức Đại Mục Như Lai: “Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện từ nay trở về sau phát tâm đạo Vô thượng chánh chân, luôn có tâm khuyến giúp chúng sinh và không xa lìa hạnh nguyện ấy. Con vì phát nguyện đạo Vô thượng chánh chân nên sẽ không nói lời quanh co, mà nói lời chí thành không thay đổi.

Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin chứng minh lời nguyện vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Nếu con đối với tất cả nhân loại và loài côn trùng nhỏ nhiệm mà phát sinh tâm sân hận và:

-Thứ nhất: Nếu con khởi tâm cầu Thanh văn,

Duyên giác,

-Thứ hai: Chỉ vì ý niệm dâm dục,

-Thứ ba: Nghĩ nhớ đến ngủ nghỉ và có các niệm tưởng do dự,

-Thứ tư: Có ý niệm hồ nghi,

-Thứ năm: Với những tâm ấy cho đến khi chứng thành quả vị Giác ngộ cao tột, thì như vậy con đã dối gạt chư Phật Thế Tôn trong vô số trăm ngàn thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Nếu con khởi ý niệm sát sinh và:

-Thứ nhất: Nếu con khởi ý niệm trộm cắp tiền bạc, vật dụng của người khác,

-Thứ hai: Nếu con khởi ý niệm phi phạm hạnh,

-Thứ ba: Nếu con khởi ý niệm nói dối,

-Thứ tư: Nếu con khởi ý niệm hối hận,

-Thứ năm: Với những tâm ấy cho đến khi đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, thì như vậy con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong vô số trăm ngàn thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Nếu con khởi ý niệm mắng chửi và:

-Thứ nhất: Nếu con khởi ý niệm ác khẩu,

-Thứ hai: Ngu si,

-Thứ ba: Nếu con khởi ý niệm nói lời thêu dệt, -Thứ tư: Nếu con khởi ý niệm tà kiến,

-Thứ năm: Với những tâm ấy cho đến khi đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, thì như vậy con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong vô số trăm ngàn thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.

Này Xá-lợi-phất! Vị Tỳ-kheo đó đã chuẩn bị áo giáp Tứ hoằng đại nguyện, là Đại Bồ-tát mới phát khởi ý ấy, cho nên đối với tất cả nhân loại, loài côn trùng nhỏ bé không có tâm sân hận, cũng không có hận thù.

Xá-lợi-phất! Vị Bồ-tát đó khi ấy vì không có sân hận nên được gọi là A-súc, vì không có hận thù nên trụ nơi đất A-súc. Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác cũng hoan hỷ gọi tên này. Tứ thiên vương cũng hoan hỷ gọi tên ấy, trời Đế Thích và Phạm Tam Bát cũng hoan hỷ gọi tên ấy.

Này Xá-lợi-phất! Vị Đại Bồ-tát A-súc ấy đã bạch với Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác: “Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện sâu xa kiên cố vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Nếu con không phụng hành như những lời phát nguyện hôm nay, không xả bỏ để thi hành giới luật, không phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí mà chỉ mong muốn được thành Phật, đời đời thường không làm Sa-môn, đời đời không đắp y phấn tảo, đời đời làm Sa-môn không đủ ba pháp y, với những tâm ấy cho đến khi thành Phật, thì như vậy con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại”.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: “Nếu đời đời con thường không thuyết pháp cho người, đời đời thường không làm Pháp sư, đời đời những điều con nói không có hạnh cao minh, không bị chướng ngại; đời đời không có trí vô lượng cao minh, đời đời làm Sa-môn không thường hành hạnh khất thực, với những tâm ấy cho đến khi thành Phật, thì như vậy con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại”.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện sâu xa vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: “Nếu con đời đời làm Sa-môn mà không thường ngồi dưới gốc cây, đời đời thường không tinh tấn thực hành ba việc. Ba việc ấy là gì? Một là kinh hành, hai là tọa thiền, ba là an trụ. Đời đời nếu con phát ý niệm tánh tội, vọng ngữ dối trá người, nói lời phỉ báng dua nịnh, đời đời thuyết pháp cho nữ nhân và vì lý do ăn uống. Hoặc khởi ý tưởng cười cợt để thuyết pháp, cho đến khi đạt được quả vị Giác ngộ cao tột. Như vậy là con lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại”. Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện sâu xa vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: “Nếu con đời đời đưa tay lên thuyết pháp, đời đời gặp các Bồ-tát mà không phát tâm Phật, đời đời phát sinh ý niệm cúng dường người ngoại đạo khác, xa lìa chư Như Lai; hoặc đời đời ngồi trên tòa cao nghe pháp cho đến đạt được quả vị Giác ngộ cao tột. Như vậy là con lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên hiện nay đang thuyết pháp”. Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện sâu xa vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: “Nếu con đời đời khởi ý niệm: “Ta sẽ bố thí cho ai, không bố thí cho ai”. Hoặc đời đời khởi sinh ý niệm: “Ta sẽ ở nơi nào lập phước thí, ở nơi nào không lập phước thí”. Hoặc đời đời phát sinh ý niệm: “Ta thường đem pháp bố thí cho ai, không đem pháp bố thí cho ai”. Hoặc đời đời gặp người nghèo khổ, cô độc, nhưng không phân chia thân mạng cho người đó, cho đến khi đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, thì như vậy là con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện sâu xa vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: “Con nguyện đời đời ở nơi ý nguyện Bồ-tát không khác. Với những ý nguyện này cho đến khi thành đạo Vô thượng chánh chân, Giác ngộ cao tột”.

Này Xá-lợi-phất! Khi vị Tỳ-kheo đó nói như vậy, Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác hứa khả hộ niệm. Khi Đức Như Lai đã hứa khả, thì chư Thiên, A-tu-luân, nhân dân khắp thế gian cũng ủng hộ giữ gìn. Khi Đức Đại Mục Như Lai hộ niệm thì chư Thiên, A-tu-luân, nhân dân trong thế gian cũng theo hộ niệm.

Đức Phật dạy:

– Lại nữa, nếu có vị Tỳ-kheo Bồ-tát Ma-ha-tát dùng sắc tượng đại nguyện này cầu mong Tuệ giác vô thượng, thì đều sẽ thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Giác ngộ cao tột.

Này Xá-lợi-phất! Vị Bồ-tát A-súc bạch với Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác: “Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin chứng minh lời nguyện sâu xa như vầy của con: Vì tuệ giác vô thượng khiến cho con khi thành Đấng Chánh giác tối thượng, nếu như các Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di trong cõi Phật ấy có tội ác và tội xấu gièm pha, thì như vậy là con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại”.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con sẽ tu hành cho đến khi thành tựu Tuệ giác vô thượng, khiến cho cõi Phật con ở, các chúng đệ tử đều không có tội ác. Con sẽ tu hành Phật đạo để khiến cõi Phật nghiêm tịnh.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin chứng minh lời nguyện vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Con nguyện ở trong mộng mà thất tinh, cho đến tận khi đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, thì như vậy là con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên hiện nay đang thuyết pháp.

Lại nữa, kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên!

Con sẽ tu hành cho đến khi thành tựu đạo Vô thượng chánh chân khiến các Bồ-tát xuất gia hành đạo, trong cõi Phật của con, dù ở trong mộng cũng không thất tinh.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện sâu xa vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Những người mẹ ở thế gian có nhiều bất tịnh. Khi con đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, ở trong cõi Phật của con, nếu còn có nhiều bà mẹ bất tịnh, thì như vậy là con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại. Đó là pháp sự của Bồ-tát hành niệm như ý muốn, Đức Phật cũng vì thế mà thuyết pháp.

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Này Xá-lợi-phất! Khi ấy vị Tỳ-kheo tên Asúc Bồ-tát Ma-ha-sát liền kết nguyện: Nếu khiến cho con được không thoái chuyển, thì khi con dùng ngón tay phải ấn xuống sẽ làm cho đất bị chấn động mạnh. Bồ-tát A-súc khi ấy theo oai thần của Đức Phật, tự nương sức cao minh làm cho mặt đất chấn động sáu cách. Đại Bồ-tát A-súc vô cùng xúc động vì đã được như lời phát nguyện.

Xá-lợi-phất! Nếu có vị Bồ-tát muốn thành tựu Tuệ giác vô thượng nên học theo hạnh của Đại Bồtát A-súc. Vị Bồ-tát nào đã học theo hạnh của Bồtát A-súc chẳng bao lâu cũng sẽ làm chủ cõi Phật, sẽ thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng.

Bấy giờ Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Khi Đại Bồ-tát A-súc mới phát tâm, có bao nhiêu vị trời ở trong hội đó?

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Khi Bồ-tát A-súc mới phát tâm lập hạnh, trong tam thiên đại thiên thế giới, Tứ thiên vương, trời Đế Thích và Tệ ma Phạm-tam-bát…, tất cả đều hướng đến Bồ-tát A-súc chắp tay nói thế này: “Từ xưa đến nay, chúng con chưa từng nghe đại nguyện này”. Chư Thiên nghe xong liền nói: “Bồ-tát A-súc thành tựu đạo Vô thượng chánh chân. Nếu có người sinh vào nơi cõi Phật kia thì phước đức của người đó không phải nhỏ vậy”.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Con chưa từng nghe vị Đại Bồ-tát nào khác phát nguyện, lập hạnh mà có sắc tượng như vậy. Con cũng chưa từng thấy, cũng chưa từng nghe vị nào như Đại Bồ-tát A-súc. Đấng Thiên Trung Thiên đã vì thế gọi tên như vậy.

Đức Phật dạy:

– Đúng như thế! Này Xá-lợi-phất! Ít có vị Bồtát nào dùng sắc tượng như thế phát nguyện, lập hạnh để đạt đạo Vô thượng chánh chân như Đại Bồ-tát A-súc. Vì thế, này Xá-lợi-phất! Công đức của chư Đại Bồ-tát trong hiền kiếp không bằng công đức của Đại Bồ-tát A-súc.

Này Xá-lợi-phất! Khi ấy Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đã thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Bồ-tát A-súc: “Trong tương lai ông sẽ thành Phật hiệu là Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, thành tựu hạnh trí tuệ và làm Đạo sư an định thế gian, làm Đấng Điều Ngự các pháp, làm Bậc Tôn Kính ở cõi trời và nhân gian, làm Phật, Thiên Trung Thiên cũng như Đức Phật Đề-hoàn đã thọ ký cho ta”.

Này Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký cho Đại Bồ-tát A-súc sẽ thành đạo Vô thượng chánh chân, tam thiên đại thiên thế giới đều sáng rực rỡ. Ta cũng vậy, khi được thọ ký đạo Vô thượng chánh chân thì tam thiên đại thiên thế giới đều sáng rực rỡ.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát A-súc thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, khi được trí tuệ Nhất thiết chủng thì tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, được Nhất thiết chủng trí thì khắp tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động sáu cách.

Lại nữa Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Bồ-tát A-súc được thọ ký đạo Vô thượng chánh chân thì các cây âm nhạc trong tam thiên đại thiên thế giới, tất cả đều tự cong xuống, hướng về Bồ-tát A-súc đảnh lễ. Ta cũng vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì các cây âm nhạc trong tam thiên đại thiên, tất cả đều tự cong xuống, hướng đến ta đảnh lễ.

Này Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc thì chư Thiên, Long, Quỷ thần, Kiền-đạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chânđà-la, Ma-hưu-lặc v.v... trong tam thiên đại thiên thế giới, tất cả đều hướng đến Bồ-tát A-súc chắp tay đảnh lễ. Ta cũng vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì khắp tam thiên đại thiên thế giới, chư Thiên, Long, Quỷ thần, Kiền-đạp-hòa, Atu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc v.v... tất cả đều hướng đến ta chắp tay đảnh lễ.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, khắp tam thiên đại thiên thế giới, các phụ nữ có thai đều được sinh sản an ổn, người mù được thấy, người điếc được nghe. Ta cũng vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì các phụ nữ có thai khắp tam thiên đại thiên thế giới đều được sinh sản an ổn, người mù được thấy, người điếc được nghe.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, nhân và phi nhân trong khắp tam thiên đại thiên thế giới đều đốt hương. Ta cũng vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì nhân và phi nhân trong khắp tam thiên đại thiên thế giới đều đốt hương.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Đại Bồ-tát A-súc chính là người có phước đức vô cùng.

– Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát A-súc không những chỉ có công đức, không phải chỉ riêng có Đức Đại Mục Như Lai thọ ký cho vị ấy, mà công đức của Bồ-tát nhiều vô lượng, không thể tính kể hết được. Vị ấy đã đạt đến chỗ vô cực.

Lại nữa Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồtát A-súc thì chư Thiên, A-tu-luân, mọi người trong thế gian khi đó đều được an ổn.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc thì các thần Hòa-di-la, quỷ thần thường theo sau ủng hộ. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì các thần Hòa-di-la, quỷ thần thường đi theo ủng hộ.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng cho Đại Bồ-tát A-súc được Nhất thiết chủng trí thì chư Thiên, A-tu-la và loài người trong thế gian dùng hương hoa trời cúng dường Bồ-tát. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì chư Thiên, A-tu-la và mọi người trong thế gian đều đem hương hoa trời đến cúng dường.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, có ba mươi ức người và ba mươi ức chư Thiên phát tâm Vô thượng đạo chánh chân. Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đều thọ ký cho họ.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, đất ở nơi đó chấn động lớn và tự nhiên sinh ra hoa ưu-bát, hoa sen, hoa câu-văn, hoa phân-đà-lợi… khắp mặt đất. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí, đất chấn động lớn và tự nhiên sinh ra hoa ưu-bát, hoa sen, hoa câu-văn, hoa phân-đàlợi v.v... khắp mặt đất.

Này Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc thì hàng trăm vị trời, hàng ngàn vị trời, hàng trăm ngàn vị trời đứng trong hư không dùng Thiên y tung lên trên Bồ-tát A-súc và nói: “Đại Bồ-tát sẽ chóng thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng”.

Xá-lợi-phất! Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, khi ấy chư Thiên, A-tu-la và mọi người trong thế gian vô cùng yêu mến nhau như cha mẹ yêu thương con của họ. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng thì chư Thiên, A-tu-la và nhân dân trong thế gian vô cùng yêu mến nhau như cha mẹ yêu thương con của họ. Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, thì chư Thiên, nhân dân trong tam thiên đại thiên thế giới nương oai thần Phật, đều nghe Bồ-tát Asúc được thọ ký. Như thế, Xá-lợi-phất! Thuở xưa, khi Bồ-tát A-súc được thọ ký, nhân dân trong nước ấy nhất tâm bố thí, làm việc phước đức, ăn uống vui vẻ. Nếu có người mong điều chi, họ đều hoan hỷ bố thí cho. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo vô thượng thì chư Thiên và nhân dân trong tam thiên đại thiên thế giới đều nương oai thần Phật, được nghe thọ ký.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Khi xưa nhân dân trong nước này đã nhất tâm bố thí, làm việc phước đức, ăn uống vui vẻ. Nếu có người mong cầu điều chi, họ đều hoan hỷ bố thí cho.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, chư Thiên cõi trời Dục giới đều đánh trống trời, trổi kỹ nhạc trời để cúng dường.

Này Xá-lợi-phất! Đó là hạnh công đức khi Bồtát A-súc được thọ ký.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Đấng Thiên Trung Thiên là bậc khó sánh kịp, là Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Nói một cách chính xác thì không thể tư duy, luận bàn về chư Phật và cảnh giới chư Phật, về chư thần và cảnh giới của chư thần, về loài Rồng và cảnh giới của loài Rồng.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Cũng vậy, công đức của Đại Bồ-tát A-súc khi mới phát tâm thọ học và khi được thọ ký cũng không thể suy nghĩ và luận bàn.

Khi ấy Hiền giả A-nan nói với Hiền giả Xá-lợiphất:

– Đại Bồ-tát A-súc khi mới phát tâm học đại nguyện và được đức hiệu thế nào?

Hiền giả Xá-lợi-phất nói với A-nan:

Những sự kiện đó đều có nhân duyên đưa đến để Đại Bồ-tát A-súc mới phát tâm học đại nguyện và đức hiệu này. Nay Đức Thế Tôn sẽ giải thích rõ. Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Khi Bồ-tát A-súc mới phát tâm đã phát nguyện: “Hư không có thể khác đi, nhưng những lời kết nguyện của ta không thể khác được”. Nhờ khoác áo giáp đại nguyện nên mới như vậy.

Này Xá-lợi-phất! Khi Đại Bồ-tát A-súc khoác áo giáp đại nguyện, Đại Bồ-tát Bảo Anh cũng học hạnh từ Đại Bồ-tát A-súc. Xá-lợi-phất! Vô số Bồtát không thể hiểu thấu đại nguyện của Đại Bồ-tát A-súc, vì Bồ-tát đã kiên trì tích lũy nhiều đời nên mới được như vậy.

Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát A-súc đã thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, hiện đang ở thế giới A-tỳ-la-đề. Khi Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác hành đạo Bồ-tát, đời đời nếu có người đến xin tay, chân, đầu, mắt, gân, thịt v.v… Bồ-tát đều không trái ý họ.

Xá-lợi-phất! Đức A-súc Như Lai từ khi mới phát tâm cho đến khi thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, không bị bệnh đau đầu, cũng không bị bệnh phong hàn, tức ngực.

Xá-lợi-phất! Thuở xưa, khi Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác hành đạo Bồ-tát bằng những pháp môn rất khó khổ chưa từng có. Xưa kia, khi Đức A-súc Như Lai hành đạo Bồ-tát thì đời đời gặp các Đức Như Lai thường phụng hành phạm hạnh và đời đời cũng thực hành như vậy. Bồtát A-súc cũng thường từ cõi Phật này đi đến cõi Phật khác, đi mãi đến chỗ nào mắt cũng thường gặp chư Phật, Thiên Trung Thiên ra đời ở đó.

Xá-lợi-phất! Ví như Chuyển luân vương đi chu du thiên hạ, quan sát từ chỗ này đến chỗ kia mà chân chưa từng đạp đất. Đến đâu người cũng thường dùng năm dục tự vui chơi và được tự tại cho đến suốt đời.

Như thế Xá-lợi-phất! Khi Đức A-súc Như Lai hành Bồ-tát đạo, đời đời thường gặp các Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, thường tu phạm hạnh, được nghe chư Như Lai thuyết pháp, đều thực hành theo tất cả, đạt đến chỗ vô cực. Số ít người hành đạo Thanh văn thì Bồ-tát vì họ mà thuyết pháp đạt đến chỗ vô cực. Có người an trụ nơi Phật đạo, Bồ-tát liền khuyên giúp cho họ được chứng đắc trong hiện tại, khiến cho họ được vui vẻ, phấn chấn, làm cho họ tu tập đạo Vô thượng chánh chân và phát lòng tôn kính tối thượng. Khi vị Bồtát ấy thuyết pháp, tất cả các nơi hành trì theo đại nguyện đạo đức căn bản, thực hành đạo Vô thượng chánh chân. Khi ta đem bản nguyện đạo Vô thượng chánh chân, thành tựu Tuệ giác vô thượng thuyết pháp, khiến cho chư Đại Bồ-tát trong cõi Phật của ta đều nương oai thần Phật, thọ trì phúng tụng kinh này. Những ai đã đọc tụng đều là chư Đại Bồ-tát từ cõi nước Phật này đi đến cõi nước Phật khác, ý thường ưa thích chư Phật, Thiên Trung Thiên chí thành Vô thượng đạo chánh chân, Chánh giác tối thượng. Ta cũng như vậy, từ cõi Phật này đi đến một cõi Phật khác liền trụ ở cung trời Đâu-suất và được pháp Nhất sinh bổ xứ.

Này Xá-lợi-phất! Như thế, các Đại Bồ-tát từ trời Đâu-suất tự dùng thần lực nhập vào trong bụng mẹ và sinh ra từ bên hông phải của bà. Khi Bồ-tát sinh ra, trên mặt đất bị chấn động mạnh. Nhờ đức tu hành của Bồ-tát nên ứng hiện điềm lành này. Thời gian Bồ-tát ở trong thai mẹ, nơi nào cũng được sạch sẽ, không có dơ bẩn, cũng không có gì trái ý.

Xá-lợi-phất! Ví như vị Tỳ-kheo có thần thông, hoặc vào tinh xá ở ngã tư đường hay ở trong hư không, thì dạo khắp trong hư không hay ở trong tinh xá ở ngã tư đường đều không có chướng ngại. Như thế, Xá-lợi-phất! Khi Bồ-tát vào trong bụng mẹ cũng như ở trong hư không, dạo xem khắp nơi, không có chướng ngại, cũng không có chỗ hôi thối. Đức A-súc Như Lai khi còn hành đạo Bồ-tát là vậy. Ta cũng như vậy, khi ta hành đạo Vô thượng chánh chân không có tất cả các ma sự phá hoại. Từ đó ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng. Cõi Phật A-súc cầu đạo Bồ-tát và cầu đạo Thanh văn đều bị các ma phá hoại. Đức Phật hàng phục tất cả chúng ma, nhân dân cõi Phật đó không làm ma sự, họ tu tập theo Phật và được xuất gia học đạo.

Này Xá-lợi-phất! Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, khi xưa hành đạo Bồ-tát nghe thuyết pháp, thân thể không sinh mệt nhọc, ý nghĩ cũng không nghĩ đến sự mệt nhọc.

Xá-lợi-phất! Đức A-súc Như Lai lúc cầu đạo Bồ-tát, khi nghe thuyết pháp, ưa thích nghe pháp như thế, khiến cho các vị Bồ-tát ở trong cõi Phật của ta cũng ưa thích pháp như vậy.

PHẨM 2: SỰ HỶ LẠC TOÀN THIỆN CỦA CÕI PHẬT A-SÚC

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Lạy Đấng Thiên Trung Thiên! Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác khi xưa đã thực hành đức hạnh nên mới có hiệu Đức A-súc Như Lai. Lành thay, Đấng Thiên Trung Thiên! Xin Phật nói rõ về sự hỷ lạc toàn thiện của cõi Phật Asúc! Vì sao? Nếu có người cầu đạo Bồ-tát, nghe biết sự an lạc toàn thiện của cõi Phật kia và nếu có vị đệ tử cầu đạo chưa được độ nghe biết sự an lạc toàn thiện của cõi Phật đó cũng như lời dạy của Đức A-súc Như Lai trong hiện tại sẽ cung kính tu tập thanh tịnh.

Phật dạy:

– Hay thay, hay thay! Xá-lợi-phất, điều ông hỏi rất tốt. Ông đã khéo hỏi ta như vậy. Ta nhớ đến sự an lạc toàn thiện của cõi Phật A-súc: Khi Đức Asúc Như Lai thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì tam thiên đại thiên thế giới đều sáng rực rỡ, mặt đất chấn động sáu cách. Khi Đức A-súc Như Lai thành tựu Tuệ giác vô thượng thì nhân dân trong khắp tam thiên đại thiên thế giới bảy ngày không ăn uống, không nghĩ đến sự ăn uống, không nói lời dối trá quanh co, thân không nghĩ đến sự mệt nhọc. Tất cả đều nghĩ đến sự an ổn, vui vẻ, yêu thương nhau và tâm họ luôn luôn hoan hỷ. Lúc bấy giờ nhân dân các tầng trời Dục giới đều dứt bỏ tư tưởng nhơ nhớp. Vì sao? Vì khi xưa Đức A-súc Như Lai đã nguyện để đạt đến đức hiệu, tất cả nhân dân trong tam thiên đại thiên thế giới đều chắp tay hướng về Đức A-súc Như Lai. Cõi Phật Đức A-súc Như Lai như thế, nên vô số cõi Phật không thể sánh kịp sự an lạc toàn thiện của cõi đó.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện của Đức A-súc Như Lai thuở xưa khi hành đạo Bồ-tát do vậy mới có sự kiện diệu kỳ này. Sở nguyện của chư Đại Bồtát có sự kỳ đặc nên cõi Phật mới được an lạc toàn thiện như thế.

Này Xá-lợi-phất! Thuở xưa khi ta hành đạo Bồtát như sở nguyện, nay tự nhiên được thành tựu. Khi Đức A-súc Như Lai được thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, chánh giác tối thượng, nhân dân khắp tam thiên đại thiên thế giới đều được Thiên nhãn, ai chưa được thiên nhãn cũng thấy ánh sáng rực rỡ ấy.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện kỳ diệu ấy.

Này Xá-lợi-phất! Khi Đức A-súc Như Lai thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, chánh giác tối thượng, Ngài đến cội cây giác ngộ, các ma chướng còn không thể phát sinh, huống gì lại có thể đến khuấy nhiễu Bậc Nhất Thiết Chủng Trí.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện diệu kỳ ấy.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Khi Đức A-súc Như Lai thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, đạt đến Nhất thiết chủng trí, có trăm ngàn muôn ức vô số chư Thiên đứng nơi hư không dùng hoa trời, các thứ hương chiên-đàn cõi Trời, thiên át hương và kỹ nhạc để dâng cúng dường và rải lên Đức Phật A-súc. Cúng dường xong, tất cả những hoa trời, các thứ hương, hương chiên-đàn cõi trời, thiên át hương đều gom lại trụ trong hư không hóa thành lọng hoa tròn đẹp.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của

Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện diệu kỳ ấy.

Ánh sáng của Đức A-súc Như Lai thường chiếu sáng khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Ánh sáng ấy phủ mờ cả ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và tất cả ánh sáng cõi Trời đều bị lu mờ, khiến cho nhân dân không trông thấy ánh sáng của mặt trời, mặt trăng.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện diệu kỳ ấy.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Lạy Đấng Thiên Trung Thiên! Thuở xưa, khi Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác hành đạo Bồ-tát, dùng áo giáp đại nguyện vĩ đại mới thực hành hạnh nguyện như thế.

Đức Phật dạy:

– Thuở xưa, khi hành đạo Bồ-tát, bao nhiêu trăm ngàn người không thể tính kể, vô số người tích lũy cội đức đối với đạo Vô thượng chánh chân, họ đem cội đức đã tích lũy này nguyện thực hành Phật đạo và nghiêm tịnh cõi Phật ấy. Theo sở nguyện muốn trang nghiêm cõi Phật thì cũng đều được đầy đủ sở nguyện.

Xá-lợi-phất! Cây ở cõi Phật A-súc được tạo bằng bảy báu, cao bốn mươi dặm, thân cây chu vi hai mươi dặm, cành lá cây xếp thành hàng đến bốn mươi dặm; cành cây rủ xuống; lan can bao quanh cây chu vi năm trăm sáu mươi dặm. Đức A-súc Như Lai ở dưới cây này đạt được Nhất thiết chủng trí.

Xá-lợi-phất! Như người ở thế gian khéo léo sử dụng vô số loại âm nhạc, nhưng âm thanh không bằng âm thanh của những hàng cây nối tiếp nhau. Gió thổi những hàng cây ấy cùng phát ra tiếng êm dịu.

Này Xá-lợi-phất! Hãy lắng nghe ta nói về sự an lạc toàn thiện trong cõi của Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Ông hãy lắng nghe và khéo nhớ nghĩ. Ta sẽ nói cho ông điều ấy.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn! Con nguyện ưa muốn nghe.

Đức Phật dạy:

– Trong cõi nước của Đức Phật A-súc Như Lai không có ba cảnh ác. Ba cảnh ấy là gì? Một là địa ngục; hai là cầm thú; ba là ngạ quỷ. Tất cả nhân dân đều làm việc thiện. Đất ở cõi ấy bằng phẳng sinh ra cây cối, không có cao thấp, không có gò núi, hang khe, cũng không có núi đá rơi. Đất ở cõi đó mỗi khi bước chân dẫm lên thì liền trở lại như cũ. Ví như gối nệm êm, đặt đầu lên thì gối lún xuống, nhấc đầu lên, gối liền trở lại như cũ. Đất ở cõi Phật A-súc cũng như thế

Ở cõi Phật A-súc không có ba thứ bệnh. Ba thứ bệnh đó là gì? Một là phong, hai là hàn, ba là khí. Mọi người ở trong cõi Phật đó không có sắc tướng hung dữ, cũng không có người xấu và những tánh xấu như dâm, nộ, si. Nhân dân ở cõi Phật đó đều không bị các sự lao ngục giam cầm. Tất cả đều không có các tà đạo khác. Cây cối trong cõi ấy luôn có hoa trái. Nhân dân lấy y phục ngũ sắc từ nơi cây để mặc, y phục đó rất đẹp, không bị phai màu, hư rách.

Này Xá-lợi-phất! Mùi hương trên y mà nhân dân cõi ấy mặc trên thân giống như hương của hoa trời. Họ ăn thực phẩm thơm ngon như hương cây trời, không khi nào dứt. Nhân dân mặc vô số các loại y phục. Nhân dân ở cõi Phật ấy tùy theo thức ăn họ nghĩ, tự nhiên thức ăn sẽ đến trước họ. Giống như chư Thiên nhân cõi trời Đao-lợi, tùy theo thức ăn họ nghĩ, tự nhiên thức ăn sẽ đến trước họ. Cũng thế, nhân dân ở cõi Phật ấy tùy theo điều họ mong, nghĩ thức ăn nào, thì tự nhiên thức ăn ấy đến trước họ. Nhân dân ở đó không tham việc ăn uống.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Ở cõi Phật A-súc, chỗ nghỉ ngơi của nhân dân đều dùng bảy báu trang hoàng tốt đẹp làm tinh xá, đầy khắp mọi nơi không thiếu thốn. Trong ao tắm của họ có nước tám vị để cho tất cả mọi người dùng. Nước chảy liên tục, mọi người không mất hạnh thiện pháp. Ví như ngọc nữ báu vượt trội mà người nữ phàm phu không thể sánh kịp. Đức của họ như Thiên nữ.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Đức của người nữ ở cõi Phật A-súc nếu đem sánh với ngọc nữ báu thì ngọc nữ báu không thể sánh kịp. Nữ nhân trong cõi Phật ấy gấp bội trăm ngàn vạn ức lần ngọc nữ báu. Nhân dân dùng bảy báu làm tòa và được trải nệm đẹp ở trên. Tất cả đều do phước đức đưa đến nên tự nhiên làm thành những tòa ấy.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện diệu kỳ ấy. Đức A-súc Như Lai do phước đức nên thành Phật ở cõi không ai sánh bằng như thế.

Đức Phật lại bảo Xá-lợi-phất:

– Nhân dân trong cõi Phật ấy ăn uống vượt hơn sự ăn uống của chư Thiên. Họ ăn sắc hương vị cũng vượt hơn chư Thiên. Trong cõi ấy không có vua nhưng có Đấng Pháp Vương, Đức Phật, Thiên Trung Thiên. Ví như nhân dân xứ Uất-đơn-việt không có vua cai trị.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Cõi nước của Đức Phật A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác không có vua nhưng có Đấng Pháp Vương Asúc Như Lai, Thiên Trung Thiên. Ví như Đế Thích cõi trời Đao-lợi, ngay trên tòa vừa phát sinh ý nghĩ, chư Thiên liền đến thọ giáo.

Xá-lợi-phất! Đó là sự an lạc toàn thiện của cõi nước A-súc Như Lai. Nhân dân cõi này không theo sự dâm dục. Vì sao? Vì đó là chỗ đến của Đức Asúc Như Lai, Bậc Chân Nhân, Đấng Pháp Ngự, Thiên Trung Thiên.

Xá-lợi-phất! Đó là chỗ hạnh nguyện cao tột thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồtát đã phát nguyện khiến cho cõi Phật được an lạc toàn thiện.

Lúc bấy giờ có vị Tỳ-kheo khác nghe nói về công đức của cõi Phật A-súc, liền khởi ý dâm dục, đến bạch Phật:

– Kính lạy Đấng Thiên Trung Thiên, con xin muốn được sinh sang cõi nước của Đức Phật Asúc.

Đức Phật bảo vị Tỳ-kheo ấy:

– Này kẻ ngu si, ngươi không được sinh đến cõi Phật kia đâu. Vì sao? Vì ngươi không thể đem ý đắm trước sự dâm dục, rối loạn để được sinh vào cõi Phật kia. Chỉ trừ hạnh thanh tịnh pháp thiện hạnh mới được sinh đến cõi Phật A-súc.

Đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

– Xá-lợi-phất! Cõi nước của Đức Phật A-súc có nước tám vị. Nhân dân và tất cả mọi loài đều dùng loại nước ấy. Nếu nhân dân có ý nghĩ muốn có ao tắm, tự nhiên trong ao đó sẽ đầy nước tám vị. Vì nhân dân cho nên liền tự nhiên có ao tắm và trong ao đó có đầy nước tám vị. Nhân dân có ý nghĩ muốn làm cho nước chảy đi, nước sẽ liền tuôn chảy. Nhân dân có ý nghĩ muốn làm cho nước ấy diệt mất, tức thì nước ấy không hiện ra nữa. Cõi Phật đó không lạnh quá, cũng không nóng quá. Làn gió nhẹ nhàng thổi đến mùi hương rất thơm. Đó là gió vì hàng trời, rồng, nhân dân, cho nên tùy theo ý họ nghĩ, gió liền thổi đến. Nếu một người nghĩ muốn cho có gió thổi đến ngay người ấy thì gió sẽ thổi đến ngay người ấy, khởi ý muốn gió ngừng thổi, tức thì gió sẽ ngừng thổi. Khi gió thổi, không dao động đến thân người mà gió chỉ thổi theo ý nghĩ của họ.

Xá-lợi-phất! Đó là sự an lạc toàn thiện của cõi Phật Đức A-súc Như Lai theo chỗ đã phát nguyện khi xưa.

Xá-lợi-phất! Người nữ ở cõi Phật Đức A-súc Như Lai khởi ý muốn có chuỗi ngọc anh lạc liền đến lấy trên cây để đeo, muốn có y phục để mặc cũng đến lấy y phục trên cây để mặc.

Xá-lợi-phất! Người nữ ở cõi Phật đó không có trạng thái như người nữ trong cõi nước của ta.

Này Xá-lợi-phất! Trạng thái của người nữ trong cõi nước của ta như thế nào? Người nữ ở cõi của ta có tướng hung ác, xấu xí và có lời nói ác, tâm tật đố với giáo pháp, ý đắm đến các việc tà. Người nữ ở cõi của ta có những trạng thái như thế, người nữ ở cõi Phật kia thì không. Vì sao? Đó là do nguyện lực khi xưa của Đức A-súc Như Lai mà được như thế.

Xá-lợi-phất! Người nữ ở cõi Phật A-súc khi mang thai hoặc sinh sản, thân không bị mệt nhọc, cũng không có đau khổ và tất cả những nỗi khổ khác, không có chỗ xấu xa nhơ bẩn mà chỉ nghĩ đến sự an ổn.

Xá-lợi-phất! Đó là do nguyện lực khi xưa của Đức A-súc Như Lai cho nên mới được thiện pháp như vậy. Cõi Phật đó không có nơi nào có thể sánh kịp.

Xá-lợi-phất! Nhân dân ở cõi Phật A-súc không có người sản xuất, cũng không có người buôn bán qua lại, nhưng họ sống thành một cộng đồng rất an bình thịnh vượng. Người ở trong cõi ấy không đắm trước ái dục, dâm dật, chỉ do nhân duyên tự nhiên mà thọ lạc.

Xá-lợi-phất! Ở cõi Phật A-súc thường có gió thổi những hàng cây làm phát ra âm thanh du dương. Năm loại âm thanh tuyệt vời nhất cũng không thể sánh kịp với âm thanh của làn gió thổi những hàng cây ở cõi Phật A-súc phát ra.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện diệu kỳ này. Nếu có Bồ-tát nào muốn giữ cõi Phật nghiêm tịnh thì phải như hạnh nguyện thuở xưa, lúc còn hành đạo Bồ-tát của Đức Phật Asúc, có sở nguyện nghiêm tịnh mới giữ được cõi Phật như thế.

Xá-lợi-phất! Cõi nước của Đức Phật A-súc không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng soi chiếu, cũng không có chỗ nào tối tăm và bị ngăn che ánh sáng. Vì sao? Vì ánh sáng của Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác thường chiếu soi khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Ví như tinh xá được trang hoàng tốt đẹp, đóng chặt cửa nên gió không vào được, dùng bột mịn đẹp để đắp, làm trắng những chỗ dơ, rồi đặt viên ma-ni báu ở giữa. Viên ngọc này chiếu sáng rực rỡ. Những người trong cõi Phật A-súc ngày đêm sống trong ánh sáng rực rỡ ấy.

Như thế, Xá-lợi-phất! Ánh sáng đó của Đức Asúc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác luôn chiếu khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Xá-lợiphất, tinh xá trang nghiêm tốt đẹp đó là thế giới của A-tỳ-la-đề. Ma-ni bảo đó là Đức A-súc Như Lai. Người trong tinh xá đó là nhân dân sống an lạc trong cõi Phật A-súc Như Lai vậy.

Này Xá-lợi-phất! Đức A-súc Như Lai đi đến chỗ nào thì vết chân dưới đất tự nhiên sinh ra hoa sen sắc vàng ngàn cánh. Đó là do hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồtát nên mới có sự diệu kỳ này.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Khi Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác vào cung điện thì phải chăng có hoa sen sắc vàng ngàn cánh tự nhiên sinh ra? Có phải là nơi nào Đức Phật đến đều tự nhiên có hoa sen sinh ra không?

Đức Phật bảo Hiền giả Xá-lợi-phất:

– Khi Đức A-súc Như Lai vào thành ấp, quận lỵ, nơi nào Như Lai đến cũng đều như lúc vào cung điện, sẽ tự nhiên sinh ra hoa sen sắc vàng ngàn cánh. Thiện nam, thiện nữ nào nếu muốn khi vào cung điện, dưới chân sẽ tự nhiên sinh ra hoa sen, muốn cho hoa sen tụ hợp lại một chỗ, nó liền tụ họp lại, muốn nương oai thần Phật khiến hoa sen ấy ở trong hư không thì hoa sen ấy vì nhân dân liền hiện ra thành hàng la liệt trong hư không.

Này Xá-lợi-phất! Tam thiên đại thiên thế giới cũng như vậy. Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nếu du hạnh hóa độ chúng sinh ở thế giới khác thì nơi ấy cũng tự nhiên sinh ra hoa như vậy. Do oai thần của Đức Phật nên khiến cho khắp tam thiên đại thiên thế giới dùng hoa sen sắc vàng bảy báu để trang nghiêm cõi nước.

PHẨM 3: SỰ THÀNH TỰU SỞ HỌC CỦA CHÚNG ĐỆ TỬ

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Khi Đức A-súc Như Lai thuyết pháp, trong mỗi thời giảng pháp, có vô số người, nhiều không thể tính kể tu tập theo giới luật, có người tu tập Ala-hán đạo và được chứng đắc. Có vô lượng, vô số chúng đệ tử như vậy câu hội. Lại có người chứng đắc thiền quán Bát giải thoát. Các chúng đệ tử ở cõi Phật Đức A-súc Như Lai nhiều không tính kể.

Này Xá-lợi-phất! Ta không thấy người nào có thể ước đoán hay tính đếm, so sánh được số hội chúng trong cõi Phật A-súc, những vị đã thoát khỏi gánh nặng, xa lìa các lao ngục Ba-đầu-lê, A-la-lalê, A-tỳ-xá-lê, A-ưu-đà-lê.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Nhiều vô số không thể tính kể các thiện nam trong hội chúng, chúng đệ tử trí tuệ ấy đều là những vị tu tập theo Tu-đàhoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán đạo. Nếu có người giải đãi thì đắc được quả Tu-đà-hoàn phải bảy lần sinh tử. Khi Đức Phật thuyết pháp thì những người trên không còn bị bảy lần sinh tử. Khi Đức Phật A-súc Như Lai thuyết pháp lần thứ nhất thì họ chứng quả Tu-đà-hoàn; lần thứ hai họ chứng quả Tu-đà-hoàn; lần thứ ba họ chứng quả A-nahàm; lần thứ tư họ chứng quả A-la-hán. Những thiện nam tử ở cõi Phật A-súc ấy được gọi là giải đãi là do không chịu ngồi nghe thuyết pháp suốt trong một lần để được chứng quả A-la-hán. Những vị chứng quả Tu-đà-hoàn ở cõi kia không bị bảy lần sinh tử trở lại. Họ ở nhân gian tọa thiền được Chánh định của Tu-đà-hoàn và ngay nơi đó họ tự dùng oai thần lực để chứng quả A-la-hán. Những vị Tư-đà-hàm ở cõi đó không sinh trở lại thế gian do xả bỏ mọi khổ não nên ngay tại đó được Chánh định của Tư-đà-hàm, tự dùng oai thần lực ở tại cõi Phật kia để chứng quả A-la-hán. Các vị A-na-hàm ở cõi ấy không còn sinh lên cõi trời Ba-la-ni-mậthòa-da-việt và ngay nơi đó họ tự dùng oai thần lực để chứng quả A-la-hán. Những bậc A-la-hán ở cõi đó không còn lên xuống, ở ngay nơi đó họ đạt cảnh giới Vô dư Niết-bàn. Từ cõi ấy họ thuyết bốn đạo của Sa-môn; như thế cho đến khiến cho mọi người đều chứng đắc đạo quả.

Này Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đối với pháp tự tại không bị mất học trụ trở lại, cũng không mất các sự học khác. Như thế ngay nơi bất học địa liền được Bát-nê-hoàn. Vô sở học địa nghĩa là A-la-hán địa. Xá-lợi-phất! Đó là giai đoạn hữu học của chúng đệ tử ở cõi của Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Những vị đã đạt đến địa vị tối yếu như trên chính là chúng đệ tử A-la-hán trong cõi của Đức A-súc Như Lai. Họ đã đoạn trừ sinh tử, việc cần làm đã làm xong, đã thoát hẳn gánh nặng, chấm dứt tất cả sự khổ sở lao ngục và dùng trí tuệ Chánh giác hiểu rõ thiền định Bát giải thoát, là bậc A-la-hán thực hành thiền Bát giải thoát.

Xá-lợi-phất! Đó là thiện hạnh của đệ tử ở cõi A-súc Như Lai. Đó là pháp hạnh công đức đã làm của hàng A-la-hán. Cõi đó dùng ba thứ báu làm bậc thang là vàng, bạc và lưu ly, từ cõi Đao-lợi cho đến cõi Diêm-phù-lợi, chư Thiên cõi trời Đao-lợi khi muốn đến chỗ Đức A-súc Như Lai, thì theo các bậc thang ấy đi xuống, các vị trời ở cõi Đao-lợi hoan hỷ cúng dường cho nhân dân cõi dưới và nói:

– Những gì mà cõi trời chúng tôi có, muốn đem so sánh với cõi này thì cõi này thật là quá to lớn đối với cõi trời, vì cõi trời không thể sánh bằng với cõi của Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Này Xá-lợi-phất! Chư Thiên ở cõi Đao-lợi vui thích cúng dường cho nhân dân cõi dưới. Người ở cõi dưới nếu lên đến cõi trời Đao-lợi, thì họ lại không vui thích cúng dường chư Thiên ở cõi trời Đao-lợi. Vì sao? Vì họ tự nghĩ: “Cõi của ta có Đức Phật nói kinh. Theo đó, những gì mà cõi của ta có thì cõi trời không có. Cõi trời không thể sánh bằng với sự sở hữu của cõi này, được vui thích cúng dường sự hiện hữu của Phật”. Trời Đao-lợi thấy nhân dân cõi dưới. Nhân dân cõi dưới xa thấy cung điện trời Đao-lợi, thì cũng như người trong cõi ấy từ xa trông thấy cung điện, nhà cửa, mặt trời, trăng sao…

Như thế, Xá-lợi-phất! Nhân dân ở cõi Phật ấy đã trông thấy các cung điện cõi trời như thế, nếu muốn đến cõi trời thì nương theo oai thần của Đức Phật mà được đến. Đó là chỗ an lạc toàn thiện của cõi Phật Đức A-súc Như Lai.

Này Xá-lợi-phất! Cõi của Đức Phật A-súc Như Lai trong khắp tam thiên đại thiên thế giới, đều có bốn chúng đệ tử nói pháp; khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới đều không thiếu sót. Đệ tử trong cõi của Đức Phật A-súc Như Lai không nghĩ: “Hôm nay sẽ ăn thế nào? Hôm nay ai sẽ đem thức ăn đến cho ta?” Cũng không đi khất thực từng nhà. Mỗi khi đến giờ thọ trai, thực phẩm sẽ đầy bát và tự nhiên có trước mặt. Chúng đệ tử lấy thực phẩm đó ăn, ăn xong, bát tự nhiên biến mất. Sự ăn uống cõi Phật A-súc là như vậy. Các đệ tử không đi tìm cầu y, bát, cũng không cắt y, không vá y, không giặt y, không nhuộm y, không may y, cũng không bảo người may. Họ nhờ oai thần Phật che chở cùng nhau sống đời an lạc tự nhiên. Đức A-súc Như Lai không nói việc tội của chúng đệ tử, giống như ta đã nói mười bốn pháp cú. Đức A-súc Như Lai không nói cho các chúng đệ tử các pháp như vậy. Vì sao? Vì cõi Phật A-súc không có người làm việc xấu ác. Đức A-súc Như Lai không truyền giới cho hàng đệ tử. Vì sao? Vì cõi Phật A-súc không có người chết yểu, cũng không có người che giấu tội xấu, không có kiếp nhơ uế, cũng không có các kết sử, không có nhơ uế. Các ông hãy xem cõi Phật Asúc để đoạn trừ các nhơ uế của mình.

Đức Phật lại bảo Xá-lợi-phất:

– Này Xá-lợi-phất! Khi Đức Phật A-súc thuyết pháp, các đệ tử liền thoát khỏi những thói xấu cũ.

Vì sao? Vì đã thoát ly ác đạo nên chúng đệ tử ở cõi Phật A-súc không bao giờ kiêu mạn, cống cao. Không như các đệ tử ở cõi của ta hành trì giới luật tại tinh xá, chúng đệ tử ở cõi Phật kia không tu tập như thế. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Vì nhân dân ở cõi của Đức Phật A-súc đã đầy đủ căn bản thiện, cho nên nghe Phật thuyết pháp, hối lỗi và được thanh tịnh. Cõi đó không nói đến sự ngũ nghịch, vì đệ tử ở cõi đó đều đã dứt hẳn các nghịch tội. Các đệ tử không tham ăn uống, không tham y bát, không tham dục vọng và cũng không tham đắm bất cứ điều gì. Họ chỉ nói đến vấn đề hành thiện. Vì sao? Vì họ chỉ sống theo cách ít muốn biết đủ.

Xá-lợi-phất! Đức Phật A-súc không truyền giới cho các đệ tử như ta đã truyền giới cho hàng đệ tử. Vì sao? Vì cõi đó không có người xấu ác. Nghĩa là chúng đệ tử cõi đó chỉ dùng các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã làm giới. Họ cũng không có việc thọ giới, ví như những vị tu hành chân chánh ở cõi này, ở trong giáo pháp của ta cạo bỏ râu tóc, sống đời thiểu dục theo giới pháp của Ta. Vì sao? Vì các đệ tử ở cõi Phật A-súc đã được tự tại tu tập không có oán cừu.

Xá-lợi-phất! Các đệ tử ở cõi của Đức Phật Asúc không cùng nhau hành đạo. Họ chỉ hành đạo độc cư và không thích cùng nhau hành đạo, nhưng họ cùng làm các việc thiện. Cõi đó không có người quá tinh tấn, cũng không thấy người giải đãi.

Xá-lợi-phất! Đó là phẩm hạnh của các đệ tử xuất gia ở cõi Phật Đức A-súc Như Lai.

Này Xá-lợi-phất! Khi Đức A-súc Như Lai thuyết pháp cho các đệ tử, họ không nhìn ngó hai bên mà nhất tâm nghe theo kinh. Trong đó có người chỉ đứng nghe kinh, thân không cảm thấy nhọc mệt. Trong đó có người ngồi nghe kinh, thân không cảm thấy mỏi mệt, ý không nghĩ đến sự mỏi mệt. Khi Đức A-súc Như Lai ở trong hư không thuyết pháp, các đệ tử đều nghe lời pháp ấy. Lúc đó những vị Tỳ-kheo có thần túc hay những thấy Tỳ-kheo chưa có thần túc, nhờ oai thần Phật đều đến trong hư không nghe pháp. Các đệ tử ở trong hư không thực hành tam phẩm: Một, đứng; hai, kinh hành; ba, tọa thiền. Trong đó có những vị ngồi ở trong hư không mà Bát nê hoàn. Có những vị ở trong già-lam mà Bát-nê-hoàn. Khi các đệ tử đều Bát-nê-hoàn, trái đất chấn động lớn. Các đệ tử đã Bát-nê-hoàn rồi, chư Thiên và nhân dân cùng đến cúng dường họ. Trong đó có vị A-la-hán trong thân tự xuất ra lửa, lửa ấy trở lại thiêu thân mà Bát-nêhoàn. Có vị A-la-hán khi đã Bát-nê-hoàn, tự dùng công đức bay đi như gió lốc, ví như vầng mây ngũ sắc bay trong hư không biết mây bay đến nơi nào. Có vị tự dùng công đức đi mất không biết đi về nơi đâu. Các vị ấy đã Bát-nê-hoàn như thế. Có vị Bátnê-hoàn thân ở trong hư không phun ra nước và nước ấy không rơi xuống đất, liền mất đi không hiện hữu. Sự thanh tịnh ở cõi Phật A-súc như thế, khiến cho thân mất đi không còn hiện hữu mà Bátnê-hoàn. Các đệ tử Bát-nê-hoàn như vậy.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện khi xưa của Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nên mới có sự thành tựu đạo Vô thượng chánh chân. Các đệ tử dùng ba cách như vậy mà Bát-nêhoàn.

Này Xá-lợi-phất! Các đệ tử ở cõi của Đức Phật A-súc Như Lai nhiều vô lượng vô số không thể tính đếm được. Có một ít người không đầy đủ bốn Giải sự. Có nhiều người đã đạt được bốn Giải sự. Có một ít đệ tử không chứng đắc hạnh an ổn bốn Thần túc. Có nhiều đệ tử đã chứng đắc đầy đủ hạnh an ổn bốn Thần túc.

Xá-lợi-phất! Đó là sự thành tựu đức hạnh của các đệ tử cõi Phật A-súc Như Lai.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Sở hạnh của các đệ tử ở cõi của Đức Phật Asúc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đều đã đạt đến chỗ tối thắng.

QUYỂN HẠ

PHẨM 4: SỰ THÀNH TỰU SỞ HỌC CỦA CHƯ BỒ-TÁT

Lúc bấy giờ Hiền giả Xá-lợi-phất suy nghĩ: “Đức Phật đã nói về sự thành tựu sở học của chúng Thanh văn. Mong rằng Đức Phật sẽ giảng nói về sự thành tựu sở học của chư Bồ-tát. Vì sao? Vì các vị Bồ-tát đều sẽ thành tựu sở học quang minh chiếu rạng”.

Khi ấy Đức Phật biết tâm niệm của Hiền giả Xá-lợi-phất nên bảo Xá-lợi-phất:

– Cõi nước của Đức Phật A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác kia có vô số trăm ngàn vạn ức tỉ người như thế đến hồi hợp. Này Xá-lợiphất! Các Đại Bồ-tát ở cõi Phật Đức A-súc Như Lai đều cạo bỏ râu tóc, đều nương oai thần Phật lãnh thọ pháp ngữ để thọ trì, đọc tụng, giống như ta ở cõi này thuyết pháp cho hàng phàm phu vậy. Đức Phật A-súc đã thuyết pháp vô lượng, vô số không thể tính kể hết, so sánh với ta, thì đã thuyết pháp nhiều gấp trăm, ngàn, vạn, ức, tỉ lần không thể tính được.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi còn hành đạo Bồ-tát: “Khi ta thành đạo Vô thượng chánh chân, chánh giác tối thượng, sẽ khiến cho các Bồ-tát trong cõi Phật của ta, lúc ta thuyết pháp các Bồ-tát đều nương oai thần Phật thọ trì đọc tụng kinh này”.

Này Xá-lợi-phất! Lúc bấy giờ các Đại Bồ-tát đều nương oai thần Phật lãnh thọ pháp ngữ, thọ trì đọc tụng. Các Đại Bồ-tát phát sinh ý nghĩ, muốn từ thế giới này đi đến thế giới khác, đến chỗ các Đức Như Lai để nghe thuyết pháp, được đảnh lễ chư Phật Thế Tôn và đọc tụng lời pháp ấy, rồi lập lại lời thỉnh vấn để hiểu rõ hơn. Đã đảnh lễ, trì tụng, lập lại lời thỉnh vấn, hiểu rõ rồi, các vị ấy liền trở về cõi của Đức A-súc Như Lai.

Xá-lợi-phất! Trong hiền kiếp có một ngàn Đức Phật đã qua thời kỳ bốn đức rồi, các Đại Bồ-tát muốn thấy chư Phật đó nên nguyện sinh vào cõi Phật A-súc. Nếu có thiện nam hay thiện nữ ở trong thế giới này hay thế giới khác qua đời, vãng sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Khi họ vừa mới sinh vào cõi ấy liền được ở vào hàng Thanh văn, Duyên giác. Vì sao? Vì nhờ họ có nhân duyên gặp được Đức Như Lai và chúng Tăng, đoạn trừ được lưới ma vây bủa, được gần gũi chúng Thanh văn, Duyên giác và chư Phật. Họ sẽ đạt đến đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân và sẽ thành

Đấng Như Lai. Vì các vị ấy đã thấy các sự việc của các Đại Bồ-tát. Bồ-tát sinh nơi cõi của Đức Phật A-súc hạnh nguyện thanh tịnh, thực hành các pháp và ở nơi các pháp sự. Họ đã an trụ nơi pháp, vì Phật đạo không thể lay chuyển. Họ sẽ an trụ vững chắc nơi trí A-duy-việt.

Này Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào ở nơi thế giới này hay thế giới khác, sau khi mạng chung vãng sinh vào cõi của Đức Phật Asúc, được vào và an trụ chỗ của chư Phật, vị Bồ-tát đó sẽ được ý giác ngộ, không sợ hãi. Ý giác ngộ của Bồ-tát hội họp nơi trí tuệ cao tột, ý nghĩ đều đồng nhau, thấy biết chỗ an trụ của Thế Tôn, các Đại Bồ-tát ở cõi Phật đó. Người tại gia thì ở nơi lầu cao, người xuất gia hành đạo không dừng lại nơi nhà cửa.

Này Xá-lợi-phất! Khi Đức Phật A-súc thuyết pháp, các Đại Bồ-tát nương oai thần Phật đều lãnh thọ pháp ngữ, đọc tụng, thọ trì. Hàng Đại Bồ-tát không xuất gia, không được diện kiến khi Phật thuyết pháp, nhưng nơi chỗ họ ngồi nhờ nương oai thần Phật cũng được nghe pháp ngữ, nghe rồi liền đọc tụng, thọ trì. Những vị Đại Bồ-tát xuất gia kia, khi tự thân được diện kiến Phật thuyết pháp và đi đến chỗ Phật ngồi cùng nương oai thần Phật đều nghe pháp, nghe rồi đọc tụng, thọ trì. Vị Đại Bồtát đó sau khi mạng chung đều được thọ trì pháp ngữ, cho đến sinh vào cõi nước của chư Phật đọc tụng, nhớ nghĩ pháp âm Phật dạy.

Xá-lợi-phất! Đó là sự an lạc toàn thiện của Đức Phật A-súc. Vì sao? Vì nhờ hạnh nguyện thuở xưa mà tự nhiên đạt được công hạnh như thế.

Này Xá-lợi-phất! Nếu có vị Đại Bồ-tát một đời muốn gặp vô số trăm, ngàn, vạn, ức, trăm ngàn nathuật Đức Phật nên nguyện sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Khi vị Bồ-tát đó đã sinh vào cõi của Đức Phật A-súc, liền gặp vô số trăm, ngàn, vạn, ức, hoặc trăm ngàn muôn ức na-thuật Đức Phật. Vị Bồ-tát sẽ ở nơi đó gieo trồng các cội đức lành, sẽ vì trăm ngàn vô số ức, trăm ngàn vô số na-thuật người mà thuyết pháp cũng sẽ khiến cho họ gieo trồng cội đức lành.

Này Xá-lợi-phất! Nếu vị Đại Bồ-tát ở trong hiền kiếp đến chỗ chư Phật, Thiên Trung Thiên, cúng dường y phục, thực phẩm, giường chiếu, thuốc thang… rồi xuất gia học đạo, đều ở chỗ chư Phật, Thiên Trung Thiên cạo bỏ râu tóc làm Samôn. Nếu lại có vị Đại Bồ-tát không biết, ở trong cõi Phật A-súc một đời tích tập hạnh Ba-la-mật được phước đức rất nhiều.

Xá-lợi-phất! Phước đức thiện căn đầy đủ này gấp trăm, ngàn, vạn, ức v.v… vô số lần không thể so sánh được. Đó là sự an lạc toàn thiện của cõi Phật A-súc.

Xá-lợi-phất! Nếu trọn đời vị Bồ-tát ở tại thế giới này hay thế giới khác qua đời, được sinh vào cõi Phật A-súc. Vị Bồ-tát đó vừa mới sinh ra đã được trí A-duy-việt. Vì sao? Vì ở cõi Phật này không có ma sự che lấp và khuấy nhiễu người.

Này Xá-lợi-phất! Ví như người có khả năng đọc những thần chú trừ rắn độc, chất độc ấy mới phóng ra, sự độc của độc xà không thể hơn nổi vị trì chú. Do đó cứu được vô số người sợ hãi. Độc xà ấy cũng không làm cho người sợ hãi, cũng không khuấy nhiễu, xúc chạm người. Như thế người ấy đời trước chỉ vì đã thực hành thiền Tam-muội, cho nên tự đem công đức diệt trừ được nọc độc của rắn.

Như thế, Xá-lợi-phất! Thuở xưa khi Đức Phật A-súc cầu đạo Bồ-tát đã thực hành bản nguyện công đức nên mới được Phật đạo, tiêu trừ rất nhiều ma chướng độc, làm cho không trở lại khuấy nhiễu người. Khi Đức Phật A-súc thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân, ma chướng không thể đến khuấy nhiễu, cũng không thể đến khuấy nhiễu chư Đại Bồ-tát và hàng phàm phu, cùng tất cả nhân dân trong tam thiên đại thiên thế giới. Bồtát đã tọa thiền tịch tĩnh như thế rồi, tự dùng oai thần sinh vào cõi trời Hòa-da-việt-trí. Ở đó đem nhân duyên thực hành trước đây cứu giúp rộng khắp; cũng ở cõi trời Hòa-da-việt-trí, Bồ-tát dùng nhân duyên Tam-muội, tự dùng oai thần tịch mặc để thuyết pháp tối cao. Diệm Thiên nghe pháp ấy liền sinh lòng hoan hỷ tín thọ, đến cúng dường các vị đệ tử. Diệm Thiên thưa: “Đó chính là sống theo hạnh tri túc và vô sở trước nơi thanh vắng, tịch tĩnh”. Các ma ở cõi đó thường khuyến hóa người xuất gia học đạo, chứ không khuấy nhiễu người.

Xá-lợi-phất! Đó là sự an lạc phước đức của cõi Phật A-súc. Luôn luôn trong mọi thời, điều trước tiên là Ngài thường nghĩ đến nhân dân, muốn độ thoát cho các Bồ-tát, Thanh văn và phàm phu đều được an ổn, tịch tĩnh.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Nếu có thiện nam, thiện nữ dùng bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới, đem bố thí thì được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Người ấy không tham tiếc mà đem bố thí tất cả. Vì sao? Vì người ấy không còn rơi vào hàng Thanh văn, Duyên giác. Vì người đó đã đứng vào giai vị không thoái chuyển, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, mắt thường thấy tất cả chư Phật, đều tụng đọc tất cả đạo hạnh của chư Phật và sẽ thành đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân. Người đó sẽ thường gặp vô số trăm, ngàn, vạn, ức; trăm ngàn ức na-thuật Đức Phật, ở chỗ các Đức Phật ấy tích tụ cội rễ công đức. Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Thế nên thiện nam, thiện nữ đem bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới bố thí thì được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Người đó sẽ hoan hỷ, an ổn nơi cõi Phật.

Đức Phật bảo:

– Đúng thế! Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát vì sự an ổn nên được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Ví như lấy đất bằng vàng, không có ngói sỏi, cũng không có cỏ cây, trong đó chỉ có vàng ròng. Người ta lấy vàng ròng đó cho vào lửa nung chảy để làm các vật trang sức.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Các Đại Bồ-tát trong cõi của Đức Phật A-súc thanh tịnh vi diệu, cùng sống trong thanh tịnh vi diệu. Đó là hạnh của các Đại Bồ-tát. Những vị sinh vào cõi Phật A-súc, vừa mới sinh ra thì đều cùng một chủng loại, đạo hạnh như nhau. Các vị Bồ-tát đó đều sẽ thành Như Lai. Những vị ấy đã trải qua các giai vị Thanh văn, Duyên giác. Gọi đó là một loại đạo, không có các tà đạo khác. Bồ-tát muốn đồng một loại nên nguyện sinh vào cõi của Đức Phật A-súc.

Xá-lợi-phất! Đó là các Đại Bồ-tát đã thành tựu trí A-duy-việt và được Đức Phật A-súc thọ ký, do vậy ta không muốn sai Đại Bồ-tát đến chỗ Phật Asúc. Ví như Chuyển luân vương sai sứ giả đến chỗ các tiểu vương, bảo đem bảo vật nhà vua đến. Các tiểu vương nghe vua sai sứ giả bảo các tiểu vương đến, liền buồn rầu khóc lóc. Vì bảo vật của vua nên phu nhân, thể nữ và thái tử nghe đem bảo vật đều sợ Chuyển luân vương. Họ đi đến tòa thành của vị Đại vương ở, có tường kiên cố, trú ngụ trong đó họ được an ổn, không sợ gặp khổ vì kẻ oan gia giàu mạnh.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Ta không muốn sai các Bồ-tát đến chỗ của Đức Phật A-súc. Ví như ông vua kia vì lấy báu khiến các phu nhân, thể nữ và thái tử thấy đều buồn rầu, người mong cầu Bồtát đạo phải như thành của vua, chỗ có vật báu, thái tử không sợ bị tai nạn sợ hãi. Hãy xem cõi của Đức Phật A-súc cũng như Đại vương. Tệ ma thấy người cầu Bồ-tát đạo, không thể nhiễu loạn. Ví như có vua bên cạnh, các thần không sợ nạn.

Xá-lợi-phất! Các ma và quyến thuộc của ma không thể chống cự lại Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Ví như người cô quả sợ hãi khi đối đầu với oan gia, liền vào trong thành mới an ổn. Kẻ oán gia không cách nào làm gì được. Vì sao? Vì người đó đã lìa khỏi oan gia và được chỗ an ổn.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Các vị Đại Bồ-tát sinh ở cõi của Đức Phật A-súc là vì đã đoạn trừ các ma và con đường của thiên ma. Chúng không thể khuấy nhiễu tâm nguyện cầu đạo của Bồ-tát, Thanh văn, của mọi người trong tam thiên đại thiên thế giới. Cho đến các ma và thiên ma ở cõi Phật Asúc cũng không thể khuấy nhiễu, khởi lên việc ma. Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Nếu có Bồ-tát vãng sinh vào cõi Phật A-súc, khi vừa mới sinh, người ấy không bị sự khuấy nhiễu của thiên ma. Vì sao?

Vì thuở xưa, khi Đức Phật A-súc hành đạo Bồ-tát đã phát nguyện trồng cội phước đức: “Khi ta thành tựu đạo quả Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân sẽ khiến trong cõi Phật của ta, các ma và các thiên ma không khởi lên những việc ma để khuấy nhiễu, rối loạn”. Ví như người uống chất độc rồi lại uống thuốc trừ độc, người ấy ăn uống khiến cho chất độc được tiêu, không hoành hành người ấy nữa giống như hạnh nguyện này.

Này Xá-lợi-phất! Thuở xưa, khi Đức Phật Asúc phát nguyện cội công đức cho đến các ma và thiên ma cõi Phật đó cũng không thể khởi sự khuấy nhiễu làm rối loạn. Cõi Phật đó có đức nhiều mới như vậy.

Lúc bấy giờ Hiền giả Xá-lợi-phất thầm nghĩ: “Ta mong muốn thấy được cõi Phật và Đức Phật A-súc cùng các đệ tử”. Ngay lúc ấy, Đức Phật biết tâm niệm của Xá-lợi-phất liền khiến cho Xá-lợiphất nhập Tam-muội chánh thọ Như kỳ tượng, nương thần túc đi đến chỗ Đức Phật. Hiền giả Xálợi-phất, ngay ở trong tòa đó thấy cõi Phật A-súc và chúng đệ tử. Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Ông có thấy Đức Phật A-súc cùng các đệ tử và cõi Phật không?

– Bạch Thế Tôn! Con có thấy.

– Này Xá-lợi-phất! Ý ông nghĩ sao? Có nơi nào thù thắng hơn cõi Phật A-súc và chư Thiên, nhân dân ở đó chăng?

– Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con không thấy có thành quách nào thù thắng hơn cõi ấy. Chư Thiên và nhân dân ở cõi Phật A-súc không có tà đạo, chỉ có chánh đạo mà thôi. Họ rất vui vẻ, khoái lạc. Vì sao? Vì con thấy cõi Phật ấy đều dùng vật dụng cõi trời và cùng nhau ăn uống, vui chơi. Đức Phật A-súc ở tại trung tâm, thuyết pháp cho các đệ tử khắp nơi. Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Ví như người ở nơi chính giữa biển lớn, không thấy được bờ bến, núi rừng của các phương Đông, Nam, Tây, Bắc. Như thế, bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Các đệ tử trong cõi của Đức Phật A-súc không thể biết được bờ bến của phương Đông, cũng không thể biết được bờ bến của phương Nam, Tây, Bắc. Do tư duy như thế, nghe pháp, thân cũng không dao động.

Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Lúc ấy con tư duy, thân định tĩnh, không dao động. Các đệ tử trong cõi của Đức Phật A-súc nghe pháp, tọa thiền, thân không dao động. Nghe pháp như thế, thân nghe cũng không dao động. Nếu người thiện nam, người thiện nữ nào đem bảy báu đầy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới ra để bố thí. Sau khi bố thí, người đó được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Con sẽ hoan hỷ cùng với người đó được sinh an ổn, làm Đại Bồ-tát ở cõi Phật A-súc. Vì sao? Người đó như thế đã được trí A-duy-việt.

Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Ví như có người đem thư vua và lương thực đi, trong thư có dấu ấn của nhà vua. Người đó đi đến nước khác. Trên đường đi qua các ấp, huyện, người đó sẽ không bị giết hại, cũng không ai có thể khuấy nhiễu. Người ấy tự đi và về một mình, không cần có ai giúp.

Đức Phật dạy:

– Đúng thế! Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát sinh ở cõi Phật A-súc khi sắp ra đời, đang ở thế giới này hay thế giới khác mạng chung, sinh vào cõi Phật A-súc đều được chứng đắc trí A-duy-việt, đạt đạo Vô thượng chánh chân. Từ cõi Phật này đi đến cõi Phật khác đều tụng đọc kinh điển và làm Phật sự, thường thích ở chỗ Đức Phật, Thiên Trung Thiên cho đến khi thành đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Vị Đại Bồtát vừa sinh vào cõi của Đức Phật A-súc thì đồng đẳng với vị Tu-đà-hoàn đạo ở đây. Vì sao? Vì Tuđà-hoàn đã đoạn hẳn ác đạo, an trụ nơi Đạo tích. Như thế, bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Nếu có vị Đại Bồ-tát sinh vào cõi của Đức Phật A-súc, vừa mới sinh ra, ngay khi ấy người đó đã đoạn trừ ác đạo, không trở lại quả vị Thanh văn, Duyên giác. Từ cõi Phật này đi đến cõi Phật khác, các vị ấy sẽ ưa thích cõi Phật, Thiên Trung Thiên và đệ tử, thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân.

Đức Phật bảo:

– Đúng thế! Này Xá-lợi-phất! Nếu có vị Đại Bồ-tát ở thế giới này hay thế giới khác mạng chung, sinh vào cõi của Đức Phật A-súc, do trong đời quá khứ, hiện tại đều ở quả vị Thanh văn, Duyên giác, từ cõi Phật này đi đến cõi Phật khác, vị Bồ-tát đó đều thọ trì, đọc tụng kinh điển, được gặp chư Như Lai, cho đến khi thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân. Ví như vị Tuđà-hoàn thoát khỏi ác pháp, đắc đạo hoàn toàn thì cũng như vậy.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Nếu có Đại Bồ-tát ở thế giới này hay thế giới khác mạng chung, sinh vào cõi của Đức Phật A-súc, vừa mới sinh vị ấy đã không lìa đạo Vô thượng chánh chân. Từ cõi Phật này đi đến cõi Phật khác, vị Bồ-tát đó đều thọ trì, đọc tụng kinh điển, thường ưa thích ở chỗ Đức Phật, Thiên Trung Thiên, Vô thượng chánh chân, cho đến khi thành tựu đạo Giác ngộ tối thượng, Vô thượng chánh chân.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Vị Đại Bồtát sinh vào cõi Phật A-súc đồng đẳng với vị Tưđà-hàm, trụ địa vị Nhất vãng lai ở cõi này.

Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Vị Đại Bồ-tát sinh vào cõi Phật A-súc đồng đẳng với vị A-nahàm, trụ địa vị Bất-hoàn ở cõi này.

Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Vị Đại Bồ-tát sinh vào cõi Phật A-súc thì đồng đẳng với vị A-lahán Vô sở trước ở cõi này.

Đức Phật bảo Hiền giả Xá-lợi-phất:

– Ông đừng nói vậy. Vì sao? Vì Bồ-tát sinh vào cõi Phật A-súc thì đồng đẳng với vị Bồ-tát ở cõi này, được thọ ký đạo Vô thượng chánh chân.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Vị Đại Bồ-tát sinh vào cõi Phật A-súc thì đồng đẳng với vị Đại Bồ-tát ở đây, ngồi dưới gốc cây Bồ-đề. Vì sao? Này Xálợi-phất! Vị Đại Bồ-tát đang hiện là Như Lai, vượt qua quả vị Thanh văn, Duyên giác nên chúng ma không thể khuấy nhiễu, làm dao động. Từ cõi Phật này đi đến cõi Phật khác tùy thuận theo giáo huấn của chư Phật, cho đến khi thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân.

Lúc bấy giờ Hiền giả A-nan suy nghĩ: “Ta muốn hỏi Hiền giả Tu-bồ-đề để biết sự kiện này như thế nào”. Hiền giả A-nan hỏi Hiền giả Tu-bồđề:

– Thưa Hiền giả Tu-bồ-đề! Hiền giả có thấy Đức Phật A-súc cùng với hàng đệ tử trong cõi của Đức Phật A-súc không?

Tu-bồ-đề đáp:

– Thầy nhìn lên xem.

A-nan đáp:

– Hiền giả Tu-bồ-đề! Tôi đã nhìn lên và thấy hoàn toàn là hư không.

Tu-bồ-đề bảo:

– Giống như Hiền giả nhìn lên thấy hư không, thấy Đức Phật A-súc, các đệ tử và cõi Phật của các vị ấy cũng như vậy.

Khi đó Hiền giả Xá-lợi-phất hỏi:

– Như lời Đấng Thiên Trung Thiên dạy, Bồ-tát sinh vào cõi Phật A-súc thì bằng với Đại Bồ-tát

được thọ ký ở đây. Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Dựa vào sự bình đẳng nào mà có sự đồng đẳng như thế?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Này Xá-lợi-phất! Vì sự bình đẳng của pháp nên các vị ấy bình đẳng như thế.

PHẨM 5: ĐỨC PHẬT BÁT-NÊ-HOÀN

 Lúc bấy giờ Hiền giả Xá-lợi-phất suy nghĩ: “Đức Phật đã nói về đức hạnh của Phật A-súc thuở xưa khi còn hành đạo Bồ-tát. Đức Phật cũng đã nói  về sự an lạc toàn thiện của cõi Phật, cũng như nói về sở học và sự thành tựu hạnh nguyện của các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát. Mong Đấng Thiên Trung Thiên nói về Đức Phật A-Bệ lúc đại Bát-nê-hoàn có cảm ứng thế nào?”

Ngay lúc ấy Đức Phật biết tâm niệm của Hiền giả Xá-lợi-phất, liền nói:

– Này Xá-lợi-phất! Khi Đức Phật A-súc đại Bát-niết-bàn, ngày ấy tất cả các nước trong tam thiên đại thiên thế giới đều biến hóa, hóa hiện ra người thuyết pháp. Họ có thể thuyết những gì mà trước đây Đức Phật đã thuyết. Khi ấy nhân dân thực hành đạo A-la-hán, không còn tái sinh, khiến cho trụ nơi đạo A-la-hán.

Lúc Đức Phật A-súc Bát-nê-hoàn có Đại Bồ-tát tên là Chúng Hương Thủ. Đức Phật A-súc thọ ký cho Bồ-tát Chúng Hương Thủ thanh Phật hiệu là Kim Sắc Liên Hoa Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Cõi Phật Kim Sắc Liên Hoa có sự an lạc toàn thiện, cùng với sự an ổn chắc thật vô cùng tốt đẹp như cõi nước của Đức Phật A-súc. Đức Phật Kim Sắc Liên Hoa có chúng đệ tử cũng như đệ tử của Đức Phật A-súc.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Phật A-súc đại Bát-nêhoàn, khắp tam thiên đại thiên thế giới chấn động lớn, âm thanh vang đến cõi trời A-tam-hóa-la, đến tận cõi trời A-ca-ni-tra còn nghe tiếng. Lúc Đức Phật A-súc Bát-nê-hoàn có những điềm lành như vậy.

Này Xá-lợi-phất! Các cây thuốc tốt ở cõi Phật A-súc đều cong lại và hướng đến chỗ Đức Phật Bát-nê-hoàn đảnh lễ. Khi Phật A-súc đại Bát-nêhoàn, chư Thiên và nhân dân đem tất cả các thứ hoa hương đến cúng dường và rải lên Đức Phật. Cúng dường xong, các hoa hương và vật báu khác của chư Thiên, nhân dân tụ lại trên hư không cao bốn mươi dặm, làm thành lọng hoa tròn.

Khi Đức Phật A-súc đại Bát-nê-hoàn, nơi tam thiên đại thiên thế giới ấy, chư Thiên, Long, Quỷ thần, Kiền-đà-la, A-tu-la, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc đều hướng về Đức Phật A-súc đại Bátnê-hoàn. Chư Thiên, nhân dân đó nhờ oai thần của Phật đều trông thấy lúc Phật A-súc đại Bát-nêhoàn.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Khi Đức Phật A-súc đại Bát-nê-hoàn, các Thiên và nhân dân suốt ngày đêm âu sầu than thở:

– Vì sao Đức Phật A-súc Bát-nê-hoàn mau chóng vậy? Làm cho chúng con và nhân dân mất đi niềm vui, không có được niềm vui như ý.

Lòng họ ưu sầu mà nói:

– Đức Phật A-súc Bát-nê-hoàn quá nhanh chóng. Nhân dân mất đi sự an ổn, thiên hạ mất đi đôi mắt sáng.

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

Lúc đó nếu Đại Bồ-tát ở nơi thế giới này hoặc thế giới khác mạng chung, sinh vào cõi của Đức Phật A-súc, vừa mới sinh ra, vị ấy đã được thọ ký. Vị Bồ-tát đó đi từ nơi này đến nơi khác cùng mọi người du hành, hoặc có vô số trăm ngàn người du hành. Các vị Bồ-tát đó sẽ thấy vô số trăm ngàn Đức Như Lai, sẽ thấy vô số Đức Phật, sẽ gặp vô số Bậc Nhất Thiết Chủng Trí. Nếu có Đại Bồ-tát ở ngay thế giới này hoặc thế giới khác mạng chung, sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Khi vừa mới sinh ra, vị đó cũng cùng với mọi người đi du hành. Nhờ oai thần Phật đạt đến Nhất thiết chủng trí, cho nên gọi là trí A-duy-việt. Vị Đại Bồ-tát nghe kinh pháp và đức hiệu của cõi Phật A-súc này đều lìa được lưới ma vây bủa.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Khi Đức Phật A-súc Như Lai đại Bát-nê-hoàn cho đến ở nơi hành pháp, các Đại Bồ-tát sinh ở cõi Phật A-súc cũng sẽ cùng với chúng sinh du hành, tìm cầu hạnh nguyện thuở xưa của Phật A-súc, sau đó sẽ sinh vào cõi Phật Asúc. Đại Bồ-tát sẽ tụng trì tám trăm pháp môn, sau đó tụng trì các pháp, liền lên cõi Phật A-súc vi diệu. Các Đại Bồ-tát tu tập đạt được tám trăm pháp môn, liền nhớ nghĩ: “Ta sẽ sinh ở cõi Phật A-súc cũng sẽ trì tụng tám trăm pháp môn, sau đó đều tiếp tục tụng trì các pháp bằng những câu thượng diệu, lãnh thọ pháp kinh chân chánh. Đại Bồ-tát hiện đang ở chỗ của Đức Phật A-súc khi sắp Bát-nê-hoàn thuyết pháp bình đẳng không sai khác. Cõi Phật bình đẳng, Như Lai đã thị hiện từ trí A-duy-việt đạt đến đạo Giác ngộ tối thượng, Vô thượng chánh chân.

Này Xá-lợi-phất! Trong thân Phật A-súc tự tuôn ra lửa, lửa ấy trở lại thiêu thân thành sắc vàng và nát như hạt cải, thân thể không còn trở lại nữa. Sau đó tự nhiên phục hồi lại. Ví như loại cây tên Đê-di-la, nếu cây ấy bị chặt nhỏ như sợi tóc, không còn nguyên vẹn, sau đó tự nhiên sinh ra.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Khi Đức Phật A-súc đại Bát-nê-hoàn, thân vụn nát, không thể lấy lại nữa, sau đó tự nhiên sinh lại.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Phật A-súc Như Lai đại Bát-nê-hoàn, chỗ mà sắc thân của Phật ngồi vẫn thấy tự nhiên như cũ. Ví như có ngọn núi vỡ vụn, không thấy lại ngọn núi ấy, nhưng mà chỗ đó vẫn còn tự nhiên.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Phật A-súc Bát-nê-hoàn, xác thân ấy tự vỡ vụn, không thấy lại nữa, sau đó tự nhiên như cũ. Lúc đó tất cả nhân dân khắp tam thiên đại thiên thế giới đều đến cúng dường thân ấy và dùng bảy báu làm tháp. Cả tam thiên đại thiên thế giới đều dùng bảy báu làm tháp và dùng hoa sen bằng vàng để trang nghiêm.

Xá-lợi-phất! Các Đại Bồ-tát ở cõi Phật A-súc sẽ đến đảnh lễ, có điềm lành ứng hiện mới như vậy. Lúc ấy các châu báu ở cõi đó tự nhiên ra nước mắt.

Các vị Bồ-tát nào vãng sinh vào cõi Phật A-súc, khi vừa mới sinh sẽ thấy Đức Phật, tâm ý không rối loạn. Lúc lâm chung sẽ có tất cả trời, người đến cúng dường sắc thân ấy. Chư Thiên và nhân dân nguyện phát tâm cúng dường sắc thân ấy. Đại Bồtát đó tự dùng công đức đã tích lũy, chuyển vận nhanh ở trong hư không mà không ai biết nơi nào.

Ví như, này Xá-lợi-phất! Đem cỏ cây đặt trong lửa xông khói bay đi, khói ấy bay lên hư không, ở trong hư không ấy bay đi, cũng ở trong hư không ấy mà biến mất, không ai biết nó bay đến phương nào. Pháp thân của chư Đại Bồ-tát nơi cõi Phật Asúc cũng như vậy.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát ở cõi Phật A-súc khi sắp hết thọ mạng sẽ thấy các Đại Bồ-tát ở các thế giới khác ngồi dưới gốc cây Bồđề. Đó là điềm lành của các Đại Bồ-tát khi lâm chung. Lại thấy các Đại Bồ-tát khác vào thai mẹ. Lại thấy các Đại Bồ-tát khác từ bên hông phải của bà mẹ sinh ra liền đi bảy bước, có các thể nữ tại đó cùng nhau vui mừng. Lại thấy các Đại Bồ-tát khác xuất gia học đạo. Lại thấy các Bồ-tát khác ngồi dưới cội Bồ-đề hàng phục ma quân, đắc thành Nhất thiết chủng trí. Lại thấy nơi thế giới phương khác chư Phật, Thiên Trung Thiên đang chuyển pháp luân.

Này Xá-lợi-phất! Khi Bồ-tát cõi Phật A-súc lâm chung nên tự nhiên mới có điềm lành này.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Khi Đức Phật A-súc đại Bát-nê-hoàn, các pháp mà Đức Phật thuyết pháp sẽ trụ đến vô số trăm ngàn kiếp?

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Pháp mà Đức Phật đó đã thuyết trụ đến trăm ngàn kiếp, được tính như thế nào?

Đức Phật dạy:

– Này Xá-lợi-phất! Lấy hai mươi tiểu kiếp làm một kiếp. Đó là tính số lần Đức Phật thuyết pháp trụ trong trăm ngàn kiếp.

Xá-lợi-phất! Khi pháp ấy chấm dứt, tất cả tam thiên đại thiên thế giới sẽ chiếu ánh sáng lớn. Trái đất lúc ấy chấn động mạnh. Pháp ấy không bị các ma và thiên ma ngăn che và hoại diệt, cũng không bị hoại diệt bởi đệ tử của Đấng Thiên Trung Thiên. Mà do vì các Tỳ-kheo ít thích tịch tĩnh và thường đi lại. Đã ít thích tịch tĩnh và thường đi lại mà còn không nghe giáo pháp nhiều. Đã không nghe giáo pháp, cũng không thường thọ trì và không tinh tấn nhiều. Pháp sư Tỳ-kheo đối với giáo pháp cũng tiêu cực, ít muốn thuyết giảng. Vì vậy cho nên giáo pháp dần dần tiêu diệt, mất dần không còn hiện hữu nữa.

Khi ấy Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Các Đại Bồtát tu đức hạnh nào để được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc?

– Này Xá-lợi-phất! Vị Đại Bồ-tát đó phải học hạnh của Đức Phật A-súc thuở xưa, khi còn cầu đạo Bồ-tát. Vị Bồ-tát đó phải phát nguyện như thế, mong được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Nhờ hạnh nguyện đó mà Đại Bồ-tát được sinh vào cõi nước của Đức Phật A-súc.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Vị Bồ-tát thực hành Bố thí đạt đến vô cực, tích lũy cội đức, hành trì đạo Vô thượng chánh chân, thì được ở bên Đức Phật A-súc. Vị Đại Bồ-tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Bồ-tát tu tập Trì giới đạt đến Ba-la-mật, hành trì đạo Vô thượng chánh chân, được ở bên Đức Phật A-súc. Đại Bồ-tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Đại Bồ-tát thực hành Nhẫn nhục đạt đến Ba-la-mật, hành trì đạo Vô thượng chánh chân, được ở bên Đức Phật A-súc. Đại Bồ-tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Đại Bồ-tát thực hành hạnh Tinh tấn đạt đến Ba-la-mật hành trì đạo Vô thượng chánh chân, thì được ở bên Đức Phật A-súc. Đại Bồ-tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Đại Bồ-tát thực hành hạnh Nhất tâm đạt đến Ba-la-mật, hành trì đạo Vô thượng chánh chân, được ở bên Phật A-súc. Đại Bồ-tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc. Đại Bồtát thực hành hạnh Trí tuệ đạt đến Ba-la-mật, hành trì đạo Vô thượng chánh chân, được ở bên Phật A-súc. Đại Bồ-tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật A-súc.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Ánh sáng của Phật A-súc chiếu rực rỡ khắp thế giới. Vị Đại Bồ-tát nghĩ: “Ta phải nguyện được trông thấy ánh sáng ấy. Sau khi thấy rồi khiến cho ta thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân. Ánh sáng ấy sẽ trở lại chiếu rực rỡ vào cõi Phật kia”. Đại Bồ-tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Phật A-súc. Ta sẽ thấy cõi Phật A-súc và vô số không thể tính kể các vị đệ tử. Thấy như vậy rồi ta cũng thực hành những hạnh nguyện như thế. Làm cho ta khi thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân cũng có vô số chúng đệ tử”. Đại Bồ-tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi của Phật A-súc. “Cõi Phật A-súc có vô số trăm, ngàn, vạn, ức Bồ-tát, ta sẽ gặp chư tôn Bồ-tát để quán hạnh tịch tĩnh. Ta sẽ học theo như thế, sẽ ở khắp nơi hiểu biết rõ những hạnh tu này. Ta phải cùng những người đồng học như nhau không khác, phải cùng bình đẳng như nhau, đều cùng ở một nơi. Muốn đầy đủ đại Từ, đại Bi làm Phật nên theo nghĩa Sa-môn, chứ không theo nghĩa Bích-chiphật, không có hạnh của Thanh văn, không có ý của Thanh văn, không có ý của Duyên giác”. Vị ấy phải an trụ vững chắc nơi hư không, không có ác đạo, đồng danh xưng đối với chư Phật, đồng danh xưng với Nhất thiết chủng trí, đồng danh xưng đối với các pháp, đồng danh xưng đối với chúng Tăng. Vì vậy, nên thường nghĩ đến các danh xưng như nhau, như các Bồ-tát Ma-ha-tát.

Nếu có thiện nam, thiện nữ chỉ cần nghe tên đều được sinh vào cõi Phật A-súc, huống chi hợp lại tất cả căn lành của các pháp Ba-la-mật, hành trì hạnh nguyện cõi Phật A-súc. Đã tích tập các cội lành liền thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân, huống chi hợp lại tất cả căn lành của các pháp Ba-la-mật, liền được sinh vào cõi Phật Asúc. Đại Bồ-tát do thực hành hạnh nguyện như thế nên được sinh vào cõi Phật A-súc.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn sinh vào cõi Phật A-súc phải niệm hằng hà sa số chư Phật, Thiên Trung Thiên ở phương Đông và nhân duyên của các phẩm Thiện pháp, pháp mà chư Phật, Thiên Trung Thiên đã thuyết, niệm pháp ấy không có gì có thể sánh được. Vị ấy nghĩ: “Để thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân, con sẽ thuyết pháp như thế, như chư Phật, Thiên Trung Thiên. Niệm các nhân duyên chúng đệ tử của các vị ấy, đến bao giờ con được thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân, con cũng sẽ có vô số bất khả thuyết các hàng đệ tử như thế”.

Xá-lợi-phất! Thiện nam và thiện nữ phải nhớ nghĩ về ba việc, nên hiểu rõ và nghĩ đến ba việc lớn này. Nếu người thiện nam, thiện nữ thường nhớ nghĩ về ba việc lớn này, hội họp với cội đức vì tất cả chúng sinh phát nguyện hành trì, tác thành đạo Vô thượng chánh chân. Vì tất cả chúng sinh cho nên nguyện ba việc. Người thiện nam, thiện nữ là Đại Bồ-tát phát nguyện đạo Vô thượng chánh chân, không có hạn lượng với tất cả chúng sinh. Nếu có người nào muốn lấy đồ vật làm giới hạn hư không, người ấy đến nói rằng: “Người thiện nam đem thiện căn cùng chia cho ta”.

Này Xá-lợi-phất! Nếu căn lành ấy có hình sắc thì tất cả chúng sinh có thể dùng đồ vật chứa đầy khắp cả hư không. Nhưng không thể dùng đồ vật để chứa hết căn lành.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Muốn đem căn lành này đối với đạo Vô thượng chánh chân thì cũng không thể dùng đồ vật đựng cho hết được. Như thế có nghĩa căn lành là Nhất thiết chủng trí. Nếu có người nghĩ đến căn lành về ba việc liền chuyển thành Tam bảo. Nếu có Đại Bồ-tát nghĩ nhớ, phát nguyện căn lành ba việc thì đều thấy thiện pháp. Bồ-tát thực hành ba việc căn bản thiện sẽ hàng phục các ma và quyến thuộc của chúng. Ý muốn sinh về cõi Phật A-súc, tức thời sinh vào cõi Phật đó. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương Trên, phương Dưới cũng vậy, bốn góc cũng như vậy. Nếu có Đại Bồ-tát nhớ nghĩ ba căn lành đã tích lũy và đem căn lành ấy khuyên giúp, sau đó nguyện xin hướng về cõi Phật A-súc, người đó liền được sinh vào cõi Phật A-súc.

Này Xá-lợi-phất! Bao nhiêu trăm ngàn vạn cõi Phật đều có bao nhiêu sự an ổn toàn thiện của cõi Phật ấy như thế. Sự an ổn toàn thiện của các cõi Phật nhiều như vậy thì cõi Phật A-súc cũng như vậy. “Ta đã thấy sự an ổn toàn thiện của cõi Phật ấy. Thấy như thế nên ta cũng phải giữ gìn. Như vậy sánh với sự an ổn toàn thiện của cõi Phật, ta phải khuyên giúp trăm, ngàn, vạn, vô số vị Bồ-tát đều thực hiện như vậy. Làm cho họ hoan hỷ, phấn chấn lên như Đức Phật A-súc”. Đại Bồ-tát nhờ thực hành như thế nên được sinh vào cõi Phật A-súc. Nếu có vị Bồ-tát một lòng phát tâm hướng về Đức Phật A-súc, hoặc giả sử người đó không thực hành như thế là khi dối. Người phát tâm chuyên nhất liền được sinh vào cõi Phật A-súc. Thí như trong thành không có chợ, không có vườn, hồ, ao và vạn vật, cũng không có người qua lại.

Thế nào, Xá-lợi-phất! Thành ấy có vị vua hùng mạnh ở trong đó chăng? Thành này rất ít đức, như thế có vui sướng chăng? Vị vua hùng mạnh sẽ ở trong thành lớn, thành này có thiện đức và vạn vật. Như thế thành này là cao tột.

Này Xá-lợi-phất! Lúc ấy so sánh sự an ổn toàn thiện của cõi Phật ta trong tam thiên đại thiên thế giới, thì cõi Phật ta là thấp chứ chẳng phải là tốt đẹp nhất đâu. Đó là nghe những sự tốt đẹp nhất đã có trong cõi Phật ta.

Xá-lợi-phất! Nếu Bồ-tát muốn trang nghiêm thanh tịnh toàn thiện cõi Phật đó, muốn giữ gìn cõi Phật ấy thì phải như vậy mà trang nghiêm thanh tịnh, như thuở xưa khi Phật A-súc còn hành đạo Bồ-tát, đã giữ gìn sự thanh tịnh tốt đẹp, toàn thiện cõi Phật.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Đó là sự thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân khiến mọi người tu theo đạo Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, Tư-na-hàm, đạo A-la-hán và giáo hóa họ đi theo đạo Bích-chi-phật. Những gì ta đã truyền trao cho các đệ tử và các đệ tử khác cùng hội họp lại sẽ khiến cho họ cùng ở bên cạnh. Chúng đệ tử cõi Phật A-súc gấp trăm, ngàn, vạn, ức, vô số không thể so sánh được. Tuy nhiên, về hạnh giải thoát thì không khác. Các đệ tử của ta và các đệ tử của Phật Di-lặc, cùng đệ tử các cõi Phật khác hội lại, để họ ở bên cạnh hàng đệ tử của cõi Phật A-súc. Số ấy cũng gấp trăm, ngàn, vạn, ức, không thể sánh bằng. Vì sao? Vì mỗi khi Đức Phật A-súc thuyết pháp, số người đắc đạo không thể tính kể.

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Đem sắp đặt đệ tử của ta và đệ tử của Phật Di-lặc trong một hiền kiếp cùng các đệ tử của chư Phật, Thiên Trung Thiên đã có và các đệ tử đắc đạo khác họp lại, để cho họ ở bên cạnh chúng đệ tử ở cõi Phật A-súc. Số ấy gấp trăm ngàn, vạn, ức cũng không thể sánh được. Nhưng chư Phật thuyết về pháp môn giải thoát thì không khác.

Lúc bấy giờ Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Theo lời Đấng Thiên Trung Thiên đã dạy, như những gì con đã biết, con nghĩ cõi Phật ấy phải là cõi A-la-hán, không phải là cõi của hàng phàm phu. Vì sao? Vì quá nhiều có vị A-la-hán.

Đức Phật dạy:

– Đúng thế, Xá-lợi-phất! Những người đã đoạn tận sinh tử, chứng quả A-la-hán ở cõi Phật A-súc rất nhiều. Hàng tinh tú có trong tam thiên đại thiên thế giới không thể đếm được, cũng không thể biết là bao nhiêu. Mỗi khi Đức Phật A-súc thuyết pháp, người đắc quả A-la-hán cũng không thể tính đếm được.

Như thế, Xá-lợi-phất! Mỗi một lần hội họp không thể tính được số người đắc quả A-la-hán. Tinh tú trong tam thiên đại thiên thế giới có thể tính biết được, nhưng chư Thiên, nhân dân trong cõi Phật A-súc dùng Thiên nhãn quang minh hay tích lũy cội đức đầy trong tam thiên đại thiên thế giới cõi Phật A-súc mới biết các nhân dân thiện nam, thiện nữ ngày đêm vãng sinh đến chỗ Phật Asúc. Nếu có người nghe pháp kinh và đức hiệu Phật, nghe xong liền thọ trì đọc tụng.

Xá-lợi-phất! Thiện nam, thiện nữ đời trước đã từng thấy, nghe thuở xưa khi Phật A-súc cầu đạo Bồ-tát. Vì sao? Vì nếu có người nghe thuyết pháp, kinh và đức hiệu này liền sinh ra chánh tín, vì đó là pháp kinh và đức hiệu của Phật A-súc. Khắp cả mười phương thế giới cõi Phật, những người cầu đạo Bồ-tát, cầu đạo Thanh văn đều thọ trì, đọc tụng và thuyết kinh này. Các Đại Bồ-tát trụ trong Aduy-việt trí và Bồ-tát khác ở trong cõi Phật khác cũng thuyết về chỗ kết nguyện của Phật A-súc. Những vị sinh vào cõi nước của Đức Phật A-súc, khi vừa sinh nơi phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, phương Trên, phương Dưới và các phương khác đều như vậy. Người cầu đạo Bồ-tát ở tất cả cõi Phật đều lãnh thọ pháp kinh và đức hiệu, đọc tụng, thọ trì, diễn thuyết kinh này. Người đó an trụ nơi Đại Bồ-tát A-duy-việt trí. Lại có người thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân. Ngoài ra các Bồ-tát khác cũng vậy. Họ thuyết về hạnh nguyện của Đức Phật A-súc và sinh vào cõi Phật đó. Khi vừa mới sinh ra trụ nơi thế giới A-tỳ-la-đề của Phật A-súc. Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Ánh sáng chiếu rực rỡ khắp mười phương, nơi những người cầu đạo Bồ-tát. Nếu có thiện nam, thiện nữ đọc tụng pháp, kinh và đức hiệu của Phật A-súc, nghe xong liền thọ trì, đọc tụng, nguyện sinh vào cõi Phật A-súc. Khi người đó lâm chung, Đức Phật A-súc liền nghĩ ngay đến người đó. Vì sao? Vì đôi khi bị ma nghiệp che phủ sẽ làm cho người ấy thay đổi bản nguyện. Vì thế mà Như Lai nghĩ ngay đến họ, làm cho thiện nam, thiện nữ ấy không gặp sự thoái chuyển, sẽ đắc thành sở nguyện và đạo Vô thượng chánh chân. Nếu người đó gặp nhân duyên khác, không thể có sự quấy nhiễu, làm hại được, như đao, lửa, nước độc cũng không làm hại được; hoặc có kẻ hành hung cũng không thể đến được, cũng không sợ hàng Nhân phi nhân. Người đó được nhiều sự ủng hộ như thế nên được sinh vào cõi của Đức Phật Asúc.

Này Xá-lợi-phất! Ví như cung điện mặt trời từ xa soi chiếu khắp thiên hạ, cõi Phật A-súc từ xa soi chiếu khắp các thế giới khác, nơi Đại Bồ-tát ở cũng như thế.

Ví như vị Tỳ-kheo được Thiên nhãn, trông thấy ánh sáng của màu sắc từ xa. Như thế, này Xá-lợiphất! Đức Phật A-súc từ xa trông thấy các Đại Bồtát ở các thế giới, phương khác, thấy cả hình thể, nhan sắc của họ.

Ví như vị Tỳ-kheo có thần thông, từ xa biết được ý nghĩ của người khác. Xá-lợi-phất, Đức Phật A-súc biết được ý nghĩ của các Đại Bồ-tát ở thế giới phương khác.

Ví như vị Tỳ-kheo có thần thông, từ xa dùng thiên nhĩ nghe được âm thanh. Như thế, này Xálợi-phất! Đức Phật A-súc từ xa vẫn nghe được lời nói của các Đại Bồ-tát ở thế giới phương khác và người sinh đến cõi ấy. Với thiện nam, thiện nữ này, Phật A-súc biết cả dòng dõi và họ tên của họ. Nếu có người thọ trì, đọc tụng pháp, kinh và đức hiệu này vì người đó muốn gặp Phật A-súc, nên biết người này khi lâm chung, Đức Phật A-súc hiện thân cho người ấy.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Đấng Thiên Trung Thiên thật khó ai sánh bằng, chư Phật Thế Tôn đã phó chúc chân lý cho các Đại Bồ-tát. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát là người chí thành lãnh thọ và lãnh thọ cho tất cả chúng sinh. Ví như Chuyển luân vương có một, hai, ba, bốn, năm, mười, hai mươi… không thể tính hết các kho lương thực, trong đó chứa lúa, gạo, đại mạch, tiểu mạch và các loại ngũ cốc. Khi có ngũ cốc quý mới xuất hiện ra ngũ cốc bình thường.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Bồ-tát được Như Lai thọ ký xong, khi Đại Bồ-tát chưa thành tựu Bậc Giác ngộ cao tội, ví như ngũ cốc quý. Bồ-tát đã thành tựu đạo Tối chánh giác, Vô thượng chánh chân, liền an ổn thuyết pháp, ví như ngũ cốc tầm thường. Thế cho nên chư Phật, Thiên Trung Thiên chúc lụy chân lý cho các vị Đại Bồtát.

Xá-lợi-phất! Nếu có Đại Bồ-tát nghe kinh pháp và đức hiệu của Phật A-súc này, nghe xong liền đọc tụng, thọ trì. Tuy Bồ-tát đó không nguyện sinh vào cõi Phật A-súc, nên biết rằng vị Đại Bồ-tát ấy là Đấng A-duy-việt trí. Nếu có vị Đại Bồ-tát thọ trì kinh pháp và đức hiệu của Phật A-súc, sau khi thọ trì, đọc tụng rồi đem giải nói kinh, pháp đó cho vô số trăm, ngàn, vạn, ức na-thuật người, khiến cho họ tích lũy cội đức. Cội đức của Bồ-tát tích lũy cũng như cội đức của Bồ-tát không thể tính đếm được. Vị Đại Bồ-tát ấy có nhiều công đức, chắc chắn sẽ an trụ nơi đạo Vô thượng chánh chân.

Này Xá-lợi-phất! Nếu có Đại Bồ-tát muốn chóng thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, nên thọ trì pháp, kinh và đức hiệu này. Đã thọ trì, đọc tụng rồi, nên giải nói kinh đó cho vô số trăm, ngàn, vạn, ức, trăm ngàn người. Người đó nghĩ nhớ những điều đã giải nói, liền được trí tuệ tối thượng, tội lỗi người ấy liền dứt trừ. Do được trí tuệ lớn này mà tội ấy được chấm dứt. Người ấy tự dùng công đức này để chấm dứt con đường sinh tử.

Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ cầu đạo Thanh văn, nghe pháp, kinh và đức hiệu của Phật A-súc, hãy nên thọ trì, đọc tụng; sau khi thọ trì đọc tụng, đem kinh ấy giải thích cho tất cả mọi người được nghe, hiểu. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thọ kinh, pháp này, nhờ công đức thọ trì kinh sẽ tự chứng quả A-la-hán.

Xá-lợi-phất! Có thiện nam, thiện nữ chuyên trì tụng, giảng thuyết đức hiệu, pháp, kinh này, người đó xả bỏ Đẳng chánh giác, nếu tự dùng công đức chứng quả A-la-hán.

Này Xá-lợi-phất! Kinh pháp và đức hiệu Phật A-súc không bao giờ đến tay người ngu si, mà nó sẽ đến tay bậc trí tuệ.

Xá-lợi-phất! Người thiện nam, thiện nữ nào mà được kinh pháp và đức hiệu đến tay họ là người ấy đã thấy được Đức Như Lai. Ví như tất cả các loại châu báu vô cùng quý giá lấy từ biển lớn. Thế nào, Xá-lợi-phất! Những châu báu vô giá lấy từ biển lớn sẽ đến tay ai đầu tiên?

Xá-lợi-phất bạch Đức Phật:

– Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Châu báu đó sẽ đến tay của quốc vương, thái tử và quần thần đầu tiên.

– Đúng thế! Này Xá-lợi-phất! Kinh pháp và đức hiệu của Đức Phật A-súc liền thọ trì, đọc tụng. Thọ trì, đọc tụng rồi, ngay khi chuyển tu sẽ thành tựu đạo Vô thượng chánh chân.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Đức hiệu và pháp, kinh của Phật A-súc, người đức mỏng trọn đời sẽ không được nghe để thọ trì, đọc tụng. Vì sao? Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Vì những chúng sinh ấy không thể đạt đến A-duyviệt trí.

Đức Phật bảo Hiền giả Xá-lợi-phất:

– Thật đúng như vậy! Nếu có người thiện nam, thiện nữ nào đem vàng bạc đầy khắp thiên hạ để bố thí và phát nguyện: “Con nguyện đem công đức này khiến cho con được nghe pháp kinh và đức hiệu của Phật A-súc”. Người đức mỏng trọn đời không được nghe pháp, kinh này, cũng không được thọ trì, đọc tụng. Đại Bồ-tát nghe pháp, kinh và đức hiệu của Phật A-súc, thành tựu hạnh A-duy-việt trí. Nghe rồi thọ trì, đọc tụng, vì thế đạt được hạnh đạo Vô thượng chánh chân.

Này Xá-lợi-phất! Bậc Nhị sinh bổ xứ hay Tam sinh bổ xứ lên ngôi Đẳng chánh giác, người mong cầu đạo Thanh văn không thể sánh kịp. Nếu có người nghe kinh pháp và đức hiệu, thọ trì, đọc tụng, đem kinh pháp này giảng thuyết cho vô số người. Xá-lợi-phất! Ví như Chuyển luân vương do phước đức tự nhiên sinh bảy báu. Thuở xưa, Phật A-súc từng phát nguyện: “Ta sẽ thuyết kinh pháp và đức hiệu này, có Đại Bồ-tát nào thuyết pháp, kinh và đức hiệu, hoặc vị Bồ-tát đó nghe kinh này, người đó khi mới nghe cũng đạt đến cội phước đức”.

Này Xá-lợi-phất! Kinh pháp và đức hiệu của Phật A-súc lúc trong hiền kiếp đã có chư Phật,

Thiên Trung Thiên thuyết kinh này. Như thế khiến cho an định không giảm thiểu. Cũng như ta đã nói, nếu có Bồ-tát muốn thành tựu đạo Giác ngộ cao tột Vô thượng chánh chân thì nên thọ trì kinh pháp và đức hiệu này. Thọ trì, đọc tụng và nên tuyên giảng khắp nơi. Nếu kinh pháp và đức hiệu này ở nơi thôn xóm, huyện, thành mà có thiện nam, thiện nữ nào đọc tụng, thọ trì thì vị Bồ-tát đó sẽ đem kinh này hộ trì cho các thôn, xóm, huyện, thành có người thọ trì kinh pháp và đức hiệu này. Những người đó đã trì tụng, lại xuất gia học đạo, xa lìa tội lỗi. Đại Bồ-tát nên làm cho người học đạo tại gia biết kinh pháp này. Vì sao? Vì người thiện nam, thiện nữ không thể hiểu rốt ráo pháp kinh và đức hiệu này.

Này Xá-lợi-phất! Nếu ở cách xa xóm làng, thành thị mà có vị Đại Bồ-tát thực hành kinh này, ông nên đến chỗ thọ trì, đọc tụng, giảng nói kinh này. Thiện nam, thiện nữ tuy không tụng kinh nhưng có quyển kinh cũng nên dạy họ cúng dường kinh. Phải giảng thuyết cúng dường kinh, hoặc người có kinh nên chép kinh này. Nếu giả sử người đó không có kinh này đem về chép, Bồ-tát liền đến nhà người đó chép kinh. Giả sử thiện nam hay thiện nữ nói: “Tự nằm chép kinh”, thì tự nằm chép kinh; hoặc nói kinh hành chép thì nên kinh hành chép kinh; hoặc nói đứng chép thì nên đứng chép kinh; hoặc nói ngồi chép thì nên ngồi chép kinh.


[Đầu trang][1][2][3][4][5]


[Mục lục bộ Bảo Tích][310.1][310.2][310.3][311][312][313][314][315][316][317][318][319][320][321][322][323][324][325][326][327][328][329][330][331][332][333][334][335][336][337][338][339][340][341][342][343][344][345][346][347][348][349][350][351][352][353][354][355][356][357][358][359][360][361][362][363][364][365][366][367][368][369][370][371][372][373]


[Mục lục tổng quát]