TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ BẢO TÍCH (310 - 373)

BỘ BẢO TÍCH 5 – T046

SỐ 372 - KINH NHƯ HUYỄN TAM MA ĐỊA VÔ LƯỢNG ẤN PHÁP MÔN

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Thi Hộ.

MỤC LỤC

QUYỂN THƯỢNG

QUYỂN TRUNG

QUYỂN HẠ


QUYỂN THƯỢNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn ngự nơi vườn Lộc Dã, chốn tiên nhân bị đọa, thuộc nước Ba-la-nại, cùng với chúng đại Bí-sô gồm hai vạn người hội đủ. Chúng Đại Bồ-tát là một vạn hai ngàn vị, đó là: Sư Tử, Sư Tử Ý, Thiện Trụ Ý, Thắng Tư Duy, Trì Thế, Nhân Thọ, Thủy Thiên, Bảo Tích, Ẩn Mật, Hiền Hộ, Điện Thiên, Biến Chiếu, Trí Tích, Bất Hưu Tức, Bất Không Kiến, Từ Thị, Diệu Cát Tường Đồng Chân v.v…

Lại có hai vạn Thiên tử, gồm: Thiên tử Thiện Đạo, Thiên tử An Ý v.v... Các Thiên tử này đều an trụ trong pháp Đại thừa. Còn có vô số trăm ngàn đại chúng khác thảy đều cung kính vây quanh, lắng nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp.

Bấy giờ, trong chúng hội có vị Đại Bồ-tát tên là Thắng Hoa Tạng, từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay đảnh lễ, bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn hỏi. Cúi xin Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác thương xót cho phép, vì con mà giảng nói rõ. Đức Phật dạy:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác tùy theo người hỏi mà phân tích giảng rõ. Nay tùy ý ông thưa hỏi, Ta sẽ trả lời.

Đại Bồ-tát Thắng Hoa Tạng bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát đạt được bất thoái chuyển nơi đạo quả Bồ-đề vô thượng, thành tựu năm thần thông, chứng đắc Tam-ma-địa như huyễn. Được Tam-ma-địa này rồi, có các chúng sinh thiện căn thành thục, liền dùng thần lực của mình hóa hiện ứng hợp, tùy theo chỗ tin hiểu của các chúng sinh, liền vì họ thuyết pháp, khiến mau chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Đức Phật khen Đại Bồ-tát Thắng Hoa Tạng:

– Hay thay! Hay thay! Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Ông nay khéo hỏi những ý nghĩa như vậy. Ông ở đời quá khứ đã từng thân cận vô số ức trăm ngàn chư Phật, nơi trụ xứ của chư Phật đã trồng sâu các căn lành, lại có thể vì tất cả chúng sinh khởi tâm thương xót. Ông nên lắng nghe, khéo suy nghĩ, nay Ta vì ông mà giảng nói.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng thọ giáo lắng nghe.

Đức Phật dạy:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Nên biết, có một pháp, nếu Đại Bồ-tát nào có thể thực hành đầy đủ thì đạt được Tam-ma-địa như huyễn. Được Tam-ma-địa này rồi, có các chúng sinh thiện căn thành thục, liền dùng thần lực của mình hóa hiện ứng hợp tùy theo chỗ tin hiểu của các chúng sinh mà nói pháp, khiến họ mau chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Pháp ấy là pháp không nương tựa. Nếu Đại Bồ-tát thành tựu pháp này rồi, cho đến khắp trong ba cõi không dấy khởi tưởng nương tựa, hoặc trong hoặc ngoài đều không nương tựa. Vì được như vậy nên đạt đầy đủ chánh kiến. Nhờ chánh kiến nên có được sự tương ưng chính đáng và chỗ hành hóa đúng đắn. Do đấy, đạt được tuệ không chướng ngại. Tuệ không ngăn ngại nên tâm cũng không bị ngăn ngại. Ở trong tâm không bị ngăn ngại liền khởi chánh hạnh.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Bồ-tát có thể khởi chánh hạnh như thế nào? Nghĩa là thấu rõ tất cả pháp đều từ duyên sinh. Ở trong pháp duyên sinh không có một pháp nhỏ nào thật sự được tích tập. Vì sao? Vì các duyên kia đều không thật, nên trong đó làm sao có pháp để có thể sinh khởi? Nếu pháp từ duyên sinh tức là vô sinh. Thế nên tất cả các pháp đều vô sinh. Bồ-tát nếu có thể biết rõ như thật về tất cả pháp là vô sinh, liền thành tựu được đạo của các Bồ-tát. Căn trí, mọi sự ưa muốn của hết thảy chúng sinh Bồ-tát có thể dùng tâm từ bi, theo đó mà hội nhập có được sự tin hiểu sâu xa, biết rõ tất cả các pháp đều như huyễn hóa, cho đến phân biệt tất cả pháp đều là sự hóa hiện. Do sự phân biệt ấy rốt ráo là không, nên tất cả pháp cũng lại là không. Biết như vậy rồi, liền đạt được Tamma-địa như huyễn. Sau đấy, cho đến có thể khiến chúng sinh mau chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nay trong chúng hội này có bao nhiêu Đại Bồ-tát đạt được Tam-ma-địa như huyễn?

Đức Phật dạy:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Nay trong chúng hội này có sáu mươi vị Đại sĩ như Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Diệu Cát Tường Đồng Chân v.v… đều đã mặc áo giáp chẳng thể nghĩ bàn đạt được pháp môn Tam-ma-địa như huyễn.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng thưa:

– Bạch Thế Tôn! Trong những thế giới khác cũng có các Bồ-tát, Đại sĩ đạt được Tam-ma-địa này chăng?

Đức Phật dạy:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Về phương Tây, cách đây trăm ngàn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Vô Lượng Quang gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác v.v… hiện đang thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh. Trong cõi của Đức Phật kia có Bồ-tát tên là Quán Tự Tại và Bồ-tát tên là Đại Thế Chí, hai vị Bồ-tát này đều đạt được Tam-ma-địa ấy, ở trong bảy đêm vì những Bồ-tát khác mà giảng nói pháp môn đó. Các vị Bồtát nghe rồi cũng đều đạt được Tam-ma-địa như huyễn.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Tất cả Bồ-tát hiện có trong cõi Phật kia đạt được Tam-ma-địa như huyễn tất là nhiều hơn ở cõi này. Vì sao? Vì trong cõi Phật này các vị Bồ-tát đối với Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Diệu Cát Tường Đồng Chân đã không chuyên cần thưa hỏi lắng nghe thọ nhận pháp môn như thế, nên ít có người đạt được Tam-ma-địa ấy.

Đức Phật khen:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói, trong cõi Phật kia tất cả các vị Bồ-tát đều an trụ vào Tam-ma-địa như huyễn, vô lượng vô số không thể tính đếm.

Đại Bồ-tát Thắng Hoa Tạng lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Cúi xin Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, như Đức Như Lai đã hiện ra tướng thần thông khiến hai vị Đại sĩ nơi cõi của Đức Phật kia đi đến thế giới Ta-bà này. Lại khiến cho chúng hội ở đây đều thấy thế giới Cực Lạc, nhìn thấy đức Vô Lượng Quang Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì sao? Vì trong cõi Phật này các thiện nam, thiện nữ nào nếu thấy được Đức Như Lai Vô Lượng Quang, liền có thể phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng, mỗi mỗi đều nguyện sinh về cõi Phật đó, đạt được pháp bất thoái chuyển nơi quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, nếu hai vị Đại sĩ kia đi đến cõi này thì tất cả thiện nam, thiện nữ hiện có tu tập theo Bồtát thừa nơi cõi này thiện căn sẽ tăng trưởng, hoặc lắng nghe hai vị Đại sĩ kia thuyết pháp liền đạt được Tam-ma-địa như huyễn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu của Đại Bồ-tát Thắng Hoa Tạng, liền từ giữa chặng mày phóng ra ánh sáng lớn màu vàng ròng chiếu sáng khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Trong đó, tất cả núi Tu-di, núi Mục-chân-lân-đà, núi Ma-ha Mục-chân-lân-đà, núi Tuyết, núi Luân Vi, núi Đại Lân Vi v.v… cho đến biên vực tận cùng của các thế giới khác, tất cả núi, đá, rừng rậm và những nơi tối tăm, ánh sáng sắc vàng ròng này đều chiếu khắp. Hết thảy ánh sáng của mặt trời, mặt trăng vốn sáng rỡ ở thế gian rộng lớn đều bị hào quang của Đức Phật che khuất, giống như nhãn quang lường xét về vật nhỏ kia.

Lúc này, ánh sáng màu vàng ròng tỏa chiếu khắp trăm ngàn ức cõi Phật ở phương Tây, cho đến thế giới Cực Lạc là trụ xứ của Đức Như Lai Vô Lượng Quang. Ánh sáng xoay vòng nhiễu quanh Đức Phật ấy bảy lượt, rồi ở trước Đức Phật bỗng dưng ẩn mất không hiện.

Khi đó, tất cả Bồ-tát, Thanh văn hiện có và các loài chúng sinh ở thế giới Cực Lạc, nương theo ánh sáng trước thảy đều thấy thế giới Ta-bà cùng đại chúng Bồ-tát, Thanh văn đang vây quanh Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni, giống như xem quả A-malặc trong lòng bàn tay, đều sinh tâm hoan hỷ, vui thích, niệm:

– Nam-mô Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bấy giờ, các Đại Bồ-tát, Bí-sô, Bí-sô ni, Ưubà-tắc, Ưu-bà-di, Phạm vương, Đế thích, Hộ Thế Tứ Vương, tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Mahầu-la-già, nhân và phi nhân trong pháp hội của Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni ở thế giới Ta-bà này đều trông thấy thế giới Cực Lạc và đại chúng Bồ-tát, Thanh văn đang vây quanh Đức Như Lai

Vô Lượng Quang với ánh sáng rực rỡ như núi Diệu Cao tỏa chiếu khắp cõi ấy, như người mắt sáng trong khoảng một tầm nhìn thấy rõ diện mạo của người khác, không hề mệt nhọc. Cõi này và cõi kia cùng trông thấy nhau cũng lại như vậy.

Khi ấy, chúng hội ở đây được thấy Đức Phật Vô Lượng Quang cùng vô số trăm ngàn ức sự việc trang nghiêm công đức viên mãn ở thế giới đó rồi, đều sinh tâm vui mừng thích thú, liền niệm:

– Nam-mô Thế Tôn Vô Lượng Quang Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lúc niệm danh hiệu này, trong chúng hội có tám vạn bốn ngàn chúng sinh cùng phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng, nhờ thiện căn này nên sẽ được sinh về thế giới Cực Lạc.

Bấy giờ, tất cả đại chúng Bồ-tát, Thanh văn hiện có ở thế giới Cực Lạc lại sinh tâm hy hữu, chấp tay cung kính, từ xa hướng về Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai đảnh lễ, lại niệm:

– Nam-mô Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Khi phát ra lời niệm ấy thì thế giới Cực Lạc đã hiện đủ sáu cách chấn động. Đó là:

1. Chấn động, cùng chấn động khắp.

2. Dao động, cùng dao động khắp.

3. Gõ động, cùng gõ động khắp.

4. Vọt động, cùng vọt động khắp.

5. Nổ động, cùng nổ động khắp.

6. Gầm động, cùng gầm động khắp.

Hiện tướng như vậy rồi, thì trong chúng hội kia Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Đại Thế Chí cùng thưa với Đức Như Lai Vô Lượng Quang:

– Thật là hy hữu, thưa Thế Tôn! Thật là hy hữu, thưa bậc Thiện Thệ! Tất cả danh tự của Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni kia chỉ xưng niệm trong một khoảng này đã có thể khiến cho đại địa hiện đủ sáu cách chấn động.

Đức Phật Vô Lượng Quang bảo:

– Này thiện nam! Không những chỉ vào lúc xưng tán danh hiệu của Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni nơi cõi Phật này đã hiện bày các tướng như vậy, mà trong vô lượng các cõi Phật khác cũng đều xưng tán danh hiệu của Đức Phật đó, đều mong được tiếp xúc với hào quang của Đức Phật ấy, mỗi mỗi cõi đều hiện đủ sáu cách chấn động. Trong cõi Phật này, vô lượng vô số loài chúng sinh nếu được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni ấy rồi thì thiện căn đều được tăng trưởng, đạt pháp bất thoái chuyển đối với đạo quả Bồ-đề vô thượng.

Lại nữa, chư vị Bồ-tát trong chúng hội kia có bốn mươi ức vị được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni rồi đều khởi lên nguyện này: Tập hợp tất cả các thiện căn hiện có để hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tức thời Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Đại Thế Chí cùng đến trước chỗ Đức Như Lai Vô Lượng Quang, đảnh lễ nơi chân Phật, cung kính chiêm ngưỡng, đứng qua một bên, rồi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni kia trước đã phóng ra hào quang từ xưa chưa từng thấy, rất là hy hữu. Vì nhân duyên gì mà hiện ra tướng ánh sáng ấy? Nếu không có nhân duyên thì Đức Phật Thế Tôn ấy đã không phóng ra ánh sáng v.v… Sự việc đó như thế nào xin Phật giảng nói rõ.

Đức Phật Vô Lượng Quang bảo:

– Này thiện nam! Đúng vậy, đúng vậy! Như ông đã nói, Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni đã phóng ra hào quang chẳng phải là không có nhân duyên. Đức Thế Tôn ấy sắp giảng nói về pháp môn “Bồ-tát an trụ Tam-ma-địa bảo tối thượng”, vì nhằm thuyết pháp nên trước tiên hiện ra tướng như thế.

Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Đại Thế Chí lại bạch Phật Vô Lượng Quang:

– Bạch Thế Tôn! Chúng con hiện nay muốn đi tới thế giới Ta-bà để chiêm ngưỡng, đảnh lễ, thân cận Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác để nghe thuyết pháp. Cúi xin Đức Phật rủ lòng thương xót cho phép.

Đức Phật Vô Lượng Quang dạy:

– Này các Thiện nam! Các ông nên đi, nay thật là đúng lúc, các ông nên đi đến lắng nghe Đức Thế Tôn kia giảng nói pháp chính yếu và nhớ chuyển lời cho Ta thăm hỏi.

Lúc này, hai vị Bồ-tát được Đức Phật Vô Lượng Quang chấp thuận, liền ở trong chúng Đại Bồ-tát nhìn tám mươi bốn ức Bồ-tát và nói:

– Này các thiện nam! Hiện tại chúng ta nên đi đến thế giới Ta-bà để chiêm ngưỡng, đảnh lễ, thân cận Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni để nghe thuyết pháp. Vì sao? Vì Đức Phật Thế Tôn kia thật là vô cùng hy hữu, có thể thực hành những việc khó làm, từ bỏ cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, thích trụ trong thế giới Ta-bà là cõi uế trược, xấu ác, dùng nguyện lực đại bi để giáo hóa chúng sinh. Các chúng sinh nơi cõi ấy phần nhiều dấy khởi sự tin hiểu thấp kém, đầy những phiền não của nghiệp như tham, sân, si v.v…, nhưng Đức Thế Tôn đã có thể ở trong đó thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Đó là việc khó làm. Chư vị phải nên theo ta đi đến thế giới ấy.

Các Bồ-tát đều hoan hỷ thuận theo.

Lại nữa, trong chúng hội còn có các vị đại Thanh văn cùng bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Tất cả danh tự hiện có của Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni kia, nếu người chỉ mới nghe qua còn được lợi ích tốt đẹp, huống hồ là tự mình đi đến đó, đứng trước Đức Thế Tôn chiêm ngưỡng, đảnh lễ, với nhục nhãn thanh tịnh. Chúng con muốn đi, xin Đức Phật cho phép.

Đức Phật nói:

– Chư vị nên đi. Nay chính là đúng lúc.

Lúc này, tám mươi bốn ức Bồ-tát và các vị đại Thanh văn cung kính vây quanh Bồ-tát Quán Tự Tại và Bồ-tát Đại Thế Chí cùng đi đến thế giới Tabà.

Khi đại chúng Bồ-tát khởi hành, theo chỗ ứng hợp ấy liền vận dụng thần thông hóa hiện những hình tướng kỳ diệu.

Bấy giờ, tám mươi bốn ức Bồ-tát mỗi mỗi vị đều hóa ra tám mươi bốn ức lầu gác thù thắng vi diệu, mỗi mỗi lầu gác cao mười hai do-tuần, rộng tám do-tuần. Bốn phương, bốn góc đều hiện bày đầy đủ sự đẹp đẽ.

Các lầu gác ấy có thứ dùng bảy báu là vàng, bạc, phệ lưu ly (lưu ly), phả-chi-ca (pha lê), xích châu, mã não, hổ phách tạo thành.

Có thứ dùng vàng, bạc tạo thành. Có loại dùng vàng, bạc, phệ lưu ly tạo thành. Có loại dùng vàng, bạc, phệ lưu ly, mã não tạo thành.

Có loại thì dùng vàng, bạc, phệ lưu ly, mã não, phả-chi-ca tạo thành. Có thứ thì dùng vàng, bạc, phệ lưu ly, phả-chi-ca, hổ phách, xích châu tạo thành.

Có thứ dùng các hương xích chiên-đàn, hương long thật chiên-đàn, hương trầm thủy chiên-đàn tạo thành. Có loại thì dùng các hương chiên-đàn vi diệu để tạo thành.

Có thứ dùng hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-nột-ma, hoa Câu-mẫu-đà, hoa Bôn-noa-lợi-ca tạo thành. Có thứ dùng hoa Tu-ma-na, hoa Bà-lợi-sư-ca, hoa Chiêm-ba-ca, hoa Ba-trá-la, hoa A-đề-mục-đa-ca tạo thành.

Có thứ dùng hoa Đà-nỗ-sắt-ca tạo thành. Có thứ dùng hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la tạo thành.

Có thứ dùng hoa Mạn-thù-sa, hoa Ma-ha Mạnthù-sa, hoa Lỗ-tả, hoa Ma-ha Lỗ-tả, hoa Tác-ngậtla, hoa Ma-ha Tác-ngật-la, hoa Tô-la-tỳ-tác-ngậtla, hoa Ma-ha Tô-la-tỳ-tác-ngật-la, hoa Tán-nại-la, hoa Ma-ha Tán-nại-la, hoa Tô-la-tỳ-tán-nại-la, hoa Tán-nột-lô-đát-ma, hoa Tát-tha-la, hoa Ma-ha Táttha-la, hoa Tô-la-tỳ-tác-tha-la v.v… cùng tạo thành.

Có lầu gác dùng tất cả các thứ hoa vi diệu trang nghiêm để tạo thành. Có lầu gác thì dùng vô số trăm ngàn sắc tướng thù thắng vi diệu trang nghiêm để tạo thành. Trong mỗi mỗi lầu gác như thế đều hiện ra tám vạn bốn ngàn ánh sáng thanh tịnh.

QUYỂN TRUNG

Lại nữa, xung quanh mỗi lầu gác kia, hoặc có Thiên nữ cầm các thứ nhạc cụ như: đàn tỳ bà, kèn, đàn cầm, ống tiêu, đàn không hầu, loa, trống, trống nhỏ, bảng v.v… tạo ra âm nhạc vi diệu.

Hoặc có Thiên nữ bưng bột hương chiên-đàn. Hoặc có Thiên nữ bưng bột hương rồng thật chiênđàn. Hoặc có Thiên nữ bưng bột hương trầm thủy chiên-đàn. Hoặc có Thiên nữ bưng bột hương hắc trầm chiên-đàn. Hoặc có Thiên nữ bưng bột hương gồm các thứ chiên-đàn vi diệu.

Hoặc có Thiên nữ cầm hoa Ưu-bát-la, hoa Câumẫu-đà, hoa Bôn-noa-lợi-ca. Hoặc có Thiên nữ cầm hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la. Hoặc có Thiên nữ cầm hoa Bá-lỗ-sa-ca, hoa Ma-ha-bálỗ-sa-ca. Hoặc có Thiên nữ cầm hoa Mạn-thù-sa, hoa Ma-ha-mạn-thù-sa.

Hoặc có Thiên nữ cầm hoa Lỗ-tả, hoa Ma-halỗ-tả.

Hoặc có Thiên nữ cầm hoa Tác-ngật-la, hoa Ma-ha-tác-ngật-la, hoa Tam-mãn-đa-tác-ngật-la, hoa Tô-lỗ-tức-la-tác-ngật-la.

Hoặc có Thiên nữ cầm hoa Tán-nại-la, hoa Maha-tán-nại-la, hoa Tô-lỗ-tức-la-tán-nại-la. Hoặc có Thiên nữ cầm hoa Tát-tha-la, hoa Ma-ha-tát-tha-la, hoa Tô-lỗ-tức-la-tát-tha-la. Hoặc có Thiên nữ bưng thiên y và hoa hương vi diệu, các thứ hương bột, hương xoa v.v… tùy theo chỗ mà đứng.

Trong mỗi mỗi lầu gác kia đều có tòa sư tử lớn làm bằng các thứ báu đẹp, quý, trang nghiêm, hóa ra hình tượng Đức Như Lai an trụ trên đó, đầy đủ ba mươi hai tướng trang nghiêm.

Lại nữa, trong mỗi mỗi lầu gác ấy hóa ra tám vạn bốn ngàn chuỗi anh lạc chân châu gồm ba màu: xanh, đỏ và trắng.

Lại nữa, trong mỗi mỗi lầu gác hóa ra tám vạn bốn ngàn cờ báu đẹp đẽ thù thắng, dùng các linh bằng vàng tạo thành lưới giăng phủ trên đó, áo trời rủ xuống làm tăng thêm sự tươi đẹp.

Lại nữa, trong mỗi mỗi lầu gác hóa ra tám vạn bốn ngàn bình báu đầy các hương thơm, quý.

Lại nữa, trong mỗi mỗi lầu gác hóa ra tám vạn bốn ngàn lọng báu thượng diệu, dùng trăm ngàn thứ thêu vẽ rực rỡ, đẹp đẽ hết mực để tô điểm.

Lại nữa, trong mỗi mỗi lầu gác hóa ra tám vạn bốn ngàn hàng cây Đa-la và tám vạn bốn ngàn hàng cây bằng bảy báu, mỗi mỗi đều dùng dây báu đan chéo nhau.

Lại nữa, trong mỗi mỗi lầu gác hóa ra tám vạn bốn ngàn chuông nhỏ treo theo lưới báu, gió nhẹ thổi động phát ra âm thanh hòa nhã, giống như trăm ngàn thứ tiếng âm nhạc vi diệu.

Lại nữa, trong mỗi mỗi lầu gác hóa ra ao báu, ao ấy dùng thuần là cát vàng trải dưới đáy. Ranh giới, đường đi đều bằng bảy báu, lưu ly, thủy tinh trang hoàng cùng khắp nẻo, chốn. Trong ao luôn đầy ắp nước gồm đủ tám thứ công đức, lại có các loại hoa: Ưu-bát-la, Bát-nột-ma, Câu-mẫu-đà, Bôn-noa-lợi-ca v.v.

Trong ao lại còn có các loài chim lạ như chim phù, nhạn, uyên ương v.v luôn cùng hót vang. Có tám vạn bốn ngàn hàng cây báu vi diệu bao quanh vòng khắp. Phía trên, dùng tám vạn bốn ngàn dây báu đan chéo để tạo vẻ đẹp.

Lại nữa, trong mỗi mỗi lầu gác phát ra ánh sáng lớn tỏa chiếu rộng đến tám vạn bốn ngàn do-tuần.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại, Đại Bồ-tát Đại Thế Chí và các chúng Bồ-tát kia đã đến thế giới Ta-bà rồi, dùng tất cả lầu gác trang nghiêm thù thắng vi diệu ấy - cùng một lúc - đặt trong một lầu gác, nhưng các sự việc trang nghiêm kia không hề làm chướng ngại nhau. Ví như người lực sĩ trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay, chư vị Bồ-tát kia liền đến thế giới Ta-bà, các Bồ-tát dùng diệu lực nơi thần thông hiện ra tám mươi bốn ức lầu gác thù thắng vi diệu có đủ công đức trang nghiêm đặt trong pháp hội của Đức Phật. Như chỗ ứng hợp theo uy lực của thần thông khiến cho đất ở thế giới Ta-bà này bằng phẳng như lòng bàn tay, mà trong chúng hội của Đức Phật cũng không hề chật hẹp. Các lầu gác này phát ra ánh sáng lớn chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới.

Lúc đó, hai vị Bồ-tát Quán Tự Tại và Đại Thế Chí đến trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, rồi đứng qua một bên, bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Vô Lượng Quang Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác có lời vấn an Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai ít bệnh, ít phiền não, đi đứng luôn dễ dàng, sự hành hóa có an lạc chăng?

Hai vị Bồ-tát lại thưa:

– Bạch Thế Tôn! Hàng Bồ-tát, Thanh văn chúng con ở thế giới Cực Lạc đã trông thấy Đức Phật Thế Tôn nên đến đây để được chiêm ngưỡng, hầu cận.

Khi ấy, trong pháp hội của Đức Phật ở thế giới Ta-bà, tất cả đại chúng Bồ-tát, Thanh văn đã thấy thế giới trở nên thanh tịnh trang nghiêm đẹp đẽ, cùng vô số lầu gác rộng lớn ấy rồi đều khởi ý niệm: “Đức Như Lai vì sao hiện ra oai lực ấy mà có thể khiến các Đại Bồ-tát kia đi đến cõi này”.

Bấy giờ, Bồ-tát Thắng Hoa Tạng vâng theo oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật, thưa:

– Thật là hy hữu, thưa Thế Tôn! Thật là hy hữu, thưa bậc Thiện Thệ! Nay ở thế giới Ta-bà này hiện ra lầu gác trang nghiêm, đẹp đẽ như thế, đó là diệu lực từ oai thần của Đức Như Lai, hay là do oai lực của hai vị Bồ-tát kia đã biến hóa? Cúi xin Phật giảng nói rõ.

Đức Phật bảo Đại Bồ-tát Thắng Hoa Tạng:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Chẳng phải là diệu lực nơi oai thần của Như Lai, mà đó là oai lực của hai vị Đại Bồ-tát Quán Tự Tại và Đại Thế Chí đã hóa hiện ra các hình tướng ấy.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng lại bạch Phật:

– Thật là hy hữu, thưa Thế Tôn! Thật là hy hữu, thưa bậc Thiện Thệ! Hai vị Đại sĩ này đã đạt được nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn, thiện căn thanh tịnh trong lành nên mới có thể hiện bày oai lực thần thông ấy.

Đức Phật khen:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Đúng vậy, đúng vậy! Như ông đã nói, hai vị Đại sĩ này đã ở trong hàng vô số trăm ngàn ức kiếp tích tập thiện căn thanh tịnh, trong lành, lại, đã đạt được pháp môn Tam-ma-địa như huyễn nên từ trong pháp môn ấy có thể hiện bày vô số sắc tướng về thần thông như vậy.

Lại nữa, này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Hãy gác việc này lại. Ông nhìn về phương Đông thử xem có tướng gì?

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng vâng theo lời dạy của Phật, liền dùng Thiên nhãn thanh tịnh vô ngại nhìn thấy trong hằng hà sa số cõi Phật ở phương Đông có hằng hà sa số chư Phật Thế Tôn, trước mỗi mỗi Đức Thế Tôn kia đều có Đại Bồ-tát Quán Tự Tại và Đại Bồ-tát Đại Thế Chí, đảnh lễ sát chân Phật để nghe pháp và thưa:

– Đức Như Lai Vô Lượng Quang Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác có lời vấn an Đức Thế Tôn ít bệnh, ít phiền não, đi đứng luôn dễ dàng, sự hành hóa được an lạc chăng?

Lại thấy vô lượng lầu gác báu rộng lớn, trang nghiêm đẹp đẽ.

Như vậy, phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng, phương trên, dưới, mỗi mỗi đều thấy hằng hà sa số cõi Phật trong ấy có hằng hà sa số chư Phật Thế Tôn, trước mỗi mỗi Đức Phật kia đều có hai vị Đại sĩ đảnh lễ sát chân Phật để nghe pháp và thưa:

– Đức Như Lai Vô Lượng Quang Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác có lời vấn an Đức Thế Tôn ít bệnh, ít phiền não, đi đứng luôn dễ dàng, sự hành hóa được an lạc chăng?

Lại thấy vô lượng lầu gác báu rộng lớn, trang nghiêm đẹp đẽ.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng trông thấy các hình tướng ấy rồi, lại bạch Phật:

– Thật là hy hữu, thưa Thế Tôn! Thật là hy hữu, thưa bậc Thiện Thệ! Hai vị Đại sĩ này đã thực sự đạt được pháp môn Tam-ma-địa như huyễn tối thắng, nên có thể ở trong cõi của chư Phật nơi mười phương đều hiện thân với oai lực thần thông chẳng thể nghĩ bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn quan sát chúng hội như chỗ ứng hiện thần thông thích hợp, tức thời tất cả đại chúng trong pháp hội, nhờ diệu lực từ oai thần của Phật đều giống như Bồ-tát Thắng Hoa Tạng, cũng có thể thấy khắp mười phương thế giới như hằng hà sa số cõi nước của chư Phật kia, trong ấy, trước chư Phật, Thế Tôn đều có hai vị Đại sĩ đang đảnh lễ sát chân Phật, cho đến cũng thấy rõ vô số lầu gác báu.

Khi chúng hội này thấy các hình tướng ấy, thì có ba vạn hai ngàn chúng sinh phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đại Bồ-tát Thắng Hoa Tạng lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Hai vị Đại sĩ đã ở trụ xứ của Đức Phật nào phát tâm cầu quả vị Bồ-đề vô thượng? Thời gian phát tâm lâu, mau ra sao? Đức

Phật, Như Lai kia danh hiệu là gì? Cúi xin Đức Thế Tôn giảng nói rõ khiến cho các vị Bồ-tát khác nhận biết về chỗ tu tập của chư vị, để theo đấy mà hành hóa rồi đạt được hạnh nguyện viên mãn rốt ráo.

Đức Phật bảo Bồ-tát Thắng Hoa Tạng:

– Ông nên lắng nghe, khéo suy nghĩ, nay Ta vì ông mà giảng nói.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng cung kính thọ giáo lắng nghe.

Đức Phật dạy:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Về thời quá khứ xa xưa cách nay vô số a-tăng-kỳ kiếp không thể tính kể, bấy giờ có thế giới tên là Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm Phổ Hiện Diệu Lạc, Đức Phật ra đời nơi cõi ấy hiệu là Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Tất cả công đức hiện có và những sự việc trang nghiêm trong cõi Phật đó là vô lượng vô biên.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Ý ông nghĩ thế nào? Tất cả công đức trang nghiêm hiện có nơi thế giới Cực Lạc của Đức Như Lai Vô Lượng Quang Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác kia là nhiều chăng?

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng đáp:

– Rất nhiều, thưa Thế Tôn, vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.

Đức Phật dạy:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Ta dùng ví dụ để lược nêu rõ về ý nghĩa này: Ví như có người lấy một sợi lông chia làm trăm phần, rồi đem một phần nhỏ ấy nhúng vào trong biển cả để lấy một giọt nước.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Ý ông nghĩ thế nào? Nước nơi đầu sợi lông kia là nhiều chăng?

Hay nước còn lại nơi biển cả là nhiều?

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nước nơi đầu sợi lông là rất ít, mà nước còn lại nơi biển cả thì sâu rộng vô lượng.

Đức Phật dạy:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Nay ông nên biết, tất cả công đức hiện có và những sự việc trang nghiêm ở thế giới Cực Lạc của Đức Như Lai Vô Lượng Quang như nước nơi đầu sợi lông. Còn tất cả công đức hiện có và những sự việc trang nghiêm ở thế giới Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm Phổ Hiện Diệu Lạc của Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương thì như nước nơi biển cả.

Lại nữa, tất cả chúng Bồ-tát, Thanh văn trong pháp hội của Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương so với chúng Bồ-tát, Thanh văn trong pháp hội của Đức Như Lai Vô Lượng Quang thì nhiều gấp trăm ngàn lần. Đức Phật - Thế Tôn kia theo chỗ ứng hợp diễn nói giáo pháp nơi ba thừa.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Nói tóm lại, tất cả công đức trang nghiêm hiện có và sự việc diệu lạc trong cõi của Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương kia, giả sử Ta ở trong hằng hà sa số kiếp, rộng dùng biện tài cũng không thể nêu bày hết số lượng đó.

Lại nữa, này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Trong pháp của Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương kia có vị vua tên là Thắng Oai thống lãnh một ngàn thế giới, rộng lớn giàu có, tự tại, luôn được tôn quý, dùng chánh pháp để giáo hóa muôn dân. Chỗ thọ dụng của nhà vua có bảy vạn sáu ngàn vườn rừng tối thượng. Các người con của vua mỗi vị đều có một vạn vườn rừng thọ dụng.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Trong cõi nước của Đức Phật ấy có người nữ không?

Đức Phật nói:

– Không có. Này thiện nam! Trong cõi nước của Đức Phật kia hãy còn không có tên gọi của người nữ để có thể nghe, huống hồ là có người nữ. Người sinh vào cõi ấy đều là hóa sinh, thanh tịnh, trong lành, cùng tu phạm hạnh. Tất cả chúng sinh ở đó đều dùng “Pháp hỷ thiền duyệt” làm thức ăn, không thọ dụng theo lối “đoàn thực” thô, xấu.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Vị vua này cùng với các người con ở trong tám vạn bốn ngàn ức năm luôn tôn trọng cúng dường Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương. Đức Phật Thế Tôn kia biết rõ thâm tâm của nhà vua đã dấy khởi niềm tin thanh tịnh rồi, liền vì ông ta mà giảng nói Pháp môn thiện xảo vô lượng ấn.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Những gì gọi là Pháp môn thiện xảo vô lượng ấn? Đó là các Đại Bồ-tát phát khởi các hạnh, chưa từng ở trong pháp hạn lượng mà có sự mong cầu. Vì sao? Vì các Bồtát hành bố thí vô lượng, trì giới vô lượng, nhẫn nhục vô lượng, tinh tấn vô lượng, thiền định vô lượng, trí tuệ vô lượng, ở trong vô lượng sinh tử luôn thương xót, tùy thuận hội nhập trong vô lượng chúng sinh, vô lượng cõi nước trang nghiêm, vô lượng Thanh văn trang nghiêm, vô lượng sắc tướng được thành tựu, đầy đủ vô lượng âm thanh và vô lượng biện tài.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Các Bồ-tát, thậm chí chỉ mới phát tâm với thiện căn hiện có hãy còn khởi lên tâm rộng lớn vô lượng hồi hướng cho tất cả, huống hồ lại tích tập vô lượng hạnh nguyện, hồi hướng rộng khắp cho tất cả chúng sinh, khiến họ đều chứng pháp vô sinh, như Đức Phật Niết-bàn mà được Niết-bàn.

Này thiện nam! Đây gọi là hồi hướng vô lượng. Vì dùng hồi hướng ấy tức không, vô tướng, vô nguyện đều là vô lượng, chân như thật tế pháp giới cũng lại là vô lượng, giải thoát vô sinh, lìa mọi trói buộc, chấp vướng.

Này thiện nam! Nói tóm lại, nghĩa vô lượng tức tất cả các pháp là vô lượng.

Vì sao nói tất cả các pháp là vô lượng? Vì tất cả các pháp không sinh, không diệt, nên gọi là vô lượng. Nếu pháp là vô lượng tức là không sinh, không diệt. Nếu pháp không sinh, không diệt tức là vô lượng. Đó gọi là Pháp môn vô lượng ấn.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương thuở đó đã vì nhà vua Thắng Oai kia giảng nói về pháp môn thiện xảo vô lượng ấn như vậy, khiến vua đối với tất cả các pháp được thông tỏ.

Lại nữa, này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Vị vua Thắng Oai kia ở trong giáo pháp của Phật tu hạnh thiền định, sau đó vào một lúc an trú trong thiền định, bỗng nhiên hai bên hông phải và trái của nhà vua hiện ra hai hoa sen tươi đẹp, khả ái, thanh tịnh, giống như hương chiên-đàn rồng thật và từ trong hai hoa đó sinh ra hai đồng tử ngồi kiết già. Nhà vua thấy vậy thì khen ngợi là điều chưa từng có, liền hướng về hai đồng tử, nói kệ:

Ngươi hoặc là trời, hoặc là rồng
Hay là loài Dạ-xoa, La-sát?
Hoặc nhân, phi nhân, hoặc thần tiên?
Các ngươi tên gì cho ta biết.

Đồng tử sinh từ hông bên phải liền nói kệ, đáp:

Ở trong tánh tất cả pháp không
Ông nay hỏi tôi danh tự gì?
Nhưng các pháp kia vốn không tên
Vì sao dùng tên để mà hỏi?
Trong pháp tánh không, chẳng trời, rồng
Cũng không loài Dạ-xoa, La-sát
Nhân cùng phi nhân, hoặc thần tiên
Bình đẳng tất cả không sở hữu.

Đồng tử sinh từ hông bên trái cũng nói kệ, đáp vua:

Danh cùng Thể, cả hai đều không
Chủ thể, đối tượng đều không có
Ở trong tất cả pháp vô danh
Chỉ tạm dùng danh mà biểu thị.
Nên biết tự tánh danh chân thật
Trong ấy không thấy, cũng không nghe
Xưa nay không diệt, lại không sinh
Vì sao lại dùng danh để hỏi?
Mọi sự tạo tác danh hiện có
Đã dùng giả danh để biểu thị
Thế nên tôi nay cũng giả danh
Một tên Bảo Nghiêm, hai Bảo Thượng.

Hai đồng tử nói kệ rồi, nhờ diệu lực nơi căn lành từ đời trước nên có được năm thần thông, liền cùng với vua Thắng Oai đi đến chỗ Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương cung kính đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, rồi lui ra đứng qua một bên. Hai đồng tử lại chấp tay hướng về Đức Phật, cùng nói kệ: Con nay nên dùng những vật gì

Cúng dường Chánh Giác, Nhị Túc Tôn?
Việc này xin Phật khai tâm con
Khiến con nghe rồi, tâm an định.
Nay con không hoa, cũng không hương
Không thức ăn uống và y phục
Phẩm vật thượng diệu cũng đều không
Nên cúng dường gì, bậc tối thắng?

Bấy giờ, Đức Phật vì hai đồng tử nói kệ:

Nếu có thể phát tâm Bồ-đề
Rộng vì chúng sinh tạo lợi lạc
Đó chính là cúng dường đích thật
Bậc Chánh giác ba mươi hai tướng.
Nếu người dùng hằng hà sa kia
Đều là số lượng cõi chư Phật
Dùng các diệu hương đầy khắp chốn
Cúng dường Thế Tôn, đấng cứu đời.
Nếu người chí tâm chỉ chấp tay
Phát khởi tâm Bồ đề vô thượng
Người ấy đạt được môn phước thắng
Gấp nhiều hơn trước không hạn lượng.
Khác đấy, sao gọi cúng dường thật?
Khác đấy sao gọi nương dựa hơn?
Nếu người phát khởi tâm Bồ-đề
Ta nói đó là bậc thượng trí.

QUYỂN HẠ

Lại nữa, này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Bấy giờ, hai vị đồng tử lại hướng về Đức Phật - Thế Tôn, nói kệ:

Năng nhân gầm tiếng đại sư tử
Tất cả trời, người được nghe khắp
Chúng con nay đối trước Thế Tôn
Đều phát nguyện tối thượng thành thật.
Chúng con cho đến đời vị lai
Nguyện nẻo hành hóa trải nhiều kiếp
Thuận nhập trong luân hồi sinh tử
Cứu độ vô số loài chúng sinh.
Chúng con hôm nay nhờ duyên này
Tận đời vị lai đều nhớ nghĩ
Vì lợi lạc khắp các chúng sinh
Nơi vô biên kiếp hành tinh tấn.
Chúng con từ hôm nay về sau
Dứt hẳn tham, sân, si, các uế
Hiện tại Phật Thế Tôn mười phương
Chứng minh lời con không hư dối.
Chúng con nay phát tâm Bồ-đề
Không thích quả Thanh văn, Duyên giác
Chúng con nếu có thích tâm nhỏ
Nhất định chiêu cảm quả nói dối.
Con đã không thích quả Nhị thừa
Chỉ dùng tâm bi vì chúng sinh
Trải qua trong vô số ức kiếp
Nguyện luôn thực hành không biếng nhác.
Như Phật Thế Tôn đã thành tựu
Ứng hợp cõi Phật rộng trang nghiêm
Con nguyện vị lai sẽ thành Phật
Cõi nước gấp bội số vạn ức.
Lại nguyện trong cõi Phật vị lai
Không có chúng Thanh văn, Duyên giác
Thuần là chúng Bồ-tát trang nghiêm
Rộng tập vô lượng khối trí tuệ.
Con nguyện được sự trang nghiêm ấy
Sẽ khiến các chúng sinh lìa cấu uế
Từ nơi pháp chư Phật sinh ra
Khiến sẽ trì khắp pháp tạng Phật.
Hôm nay những điều con đã nói
Chân thật không hư vọng, riêng khác
Nguyện biển cả này và sông núi
Cho đến đại địa đều chấn động.
Nên khi phát lời nguyện như vậy
Tức thời đại địa đều chấn động
Âm nhạc không tấu tự nhiên vang
Phát âm vi diệu khắp mười phương.
Trời mưa các hương hoa vi diệu
Tươi đẹp trang nghiêm thật khả ái
Trăm ngàn vạn ức thiên y đẹp
Tung rải lớp lớp khắp mọi chốn.

Khi ấy, hai đồng tử kia đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Ý ông nghĩ thế nào? Vị vua Thắng Oai thuở ấy đâu phải là người nào lạ, đó chính là Đức Như Lai Vô Lượng Quang Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Còn Đồng tử Bảo Nghiêm thời ấy nay là Đại Bồ-tát Quán Tự Tại, Đồng tử Bảo Thượng nay là Đại Bồ-tát Đại Thế Chí. Hai vị Bồ-tát này ở chỗ Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương kia bắt đầu phát tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng đến trước Phật, thưa:

– Bạch Thế Tôn! Hai vị Đại sĩ này rất là hy hữu, danh tự khó có thể được nghe như vậy mà lại đầy đủ sự tin hiểu sâu xa, chỗ phát tâm Bồ-đề không gì sánh bằng. Bạch Thế Tôn! Hai vị Đại sĩ này vào đời tiếp sau của Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương lại cúng dường bao nhiêu chư Phật? Đức Phật dạy:

– Này thiện nam! Tất cả cát của sông Hằng hãy còn có thể biết được về số lượng tận cùng đó, còn hai vị Đại sĩ này vào đời tiếp sau Đức Phật kia đã cúng dường chư Phật, Như Lai thì Ta cũng không thể nhận biết về số lượng tận cùng ấy. Vì sao? Vì hai vị Đại sĩ ấy đều đã mặc áo giáp không thể nghĩ bàn, đầy đủ vô lượng công đức thù thắng, thế nên không thể nhận biết về số lượng tận cùng ấy.

Đại Bồ-tát Thắng Hoa Tạng lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế giới Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm Phổ Hiện Diệu Lạc kia ở về phương nào?

Đức Phật dạy:

– Này thiện nam! Thế giới Cực Lạc hiện ở về phương Tây của thế giới này, thuở xa xưa tức là thế giới Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm Phổ Hiện Diệu Lạc.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Hai vị Đại sĩ này cho đến lúc nào thì thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng? Sẽ đạt được những công đức gì để trang nghiêm cõi Phật? Thọ mạng của Đức Phật ấy là bao nhiêu, lại có bao nhiêu chúng Bồ-tát? Cúi xin Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác thương xót tạo lợi lạc cho khắp tất cả hàng trời, người nơi thế gian mà giảng nói rõ về hai vị Đại sĩ này sự việc sẽ thành tựu quả vị Phật Đà, khiến cho chư vị Bồ-tát khác nghe rồi đều có thể thực hiện đại nguyện viên mãn. Đức Phật dạy:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Ông nên lắng nghe, khéo suy nghĩ, nay Ta vì ông mà giảng nói.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng hoan hỷ thọ giáo lắng nghe.

Đức Phật dạy:

– Này thiện nam! Nên biết thọ mạng của Đức Như Lai Vô Lượng Quang ở phương Tây là vô lượng, không thể tính đếm. Giả sử trong vô số ức trăm ngàn kiếp cũng không thể nói hết về số lượng tận cùng ấy. Chánh pháp của Đức Phật kia trụ ở đời là tám vạn bốn ngàn ức kiếp. Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, các chúng sinh nhờ diệu lực của căn lành cũng được gặp Đức Phật khác ra đời. Các vị Bồ-tát an trụ nơi Tam-muội niệm Phật thường được thấy Đức Như Lai trong định, không.

Này thiện nam! Lại nữa, sau thời Đức Như Lai Vô Lượng Quang nhập Niết-bàn, chỗ thuyết pháp kia với bảy báu trang nghiêm, hàng cây hoa sen vi diệu, tự nhiên diễn nói pháp âm nhiệm mầu, trải qua một đêm đến khi trời sáng. Đại Bồ-tát Quán Tự Tại liền ở nơi cội Bồ-đề do các báu trang nghiêm, an trụ nơi tòa đó, thành tựu đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, hiệu là Phổ Minh Cao Hiển Cát Tường Phong Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Những sự việc về công đức trang nghiêm của cõi Phật kia, giả sử Ta ở trong hằng hà sa số kiếp khéo dùng ngôn từ ví dụ cũng không thể nói được một phần nhỏ.

Lại nữa, này thiện nam! Công đức trang nghiêm của cõi Phật ấy là như vậy. Nếu đem công đức trang nghiêm nơi cõi của Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương để so sánh thì trăm phần trước không bằng một, ngàn phần, trăm ngàn phần cũng không bằng một. Nếu đem ví dụ tính toán cũng không thể so lường được.

Lại nữa, trong cõi kia không có tên gọi về Thanh văn, Duyên giác, chỉ thuần là chúng Đại Bồtát thanh tịnh.

Lại nữa, này thiện nam! Tóm lại, tất cả chúng Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát trong pháp hội của Đức Như Lai Vô Lượng Quang tập hợp lại so sánh với chúng Bồ-tát trong pháp hội của Đức Như Lai Phổ Minh Cao Hiển Cát Tường Phong Vương thì chúng Bồ-tát này cũng lại gấp bội. Thọ mạng của Đức Phật đó là chín mươi sáu ức vô số trăm ngàn kiếp. Chánh pháp trụ ở đời sáu mươi ức kiếp. Bồ-tát Thắng Hoa Tạng bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế giới của Đức Phật kia cũng có tên là Cực Lạc chăng?

Đức Phật nói:

Không phải vậy. Này thiện nam! Thế giới đó tên là Chúng Bảo Phổ Nghiêm. Đức Như Lai kia tùy chỗ ứng hợp với chúng sinh mà tạo nhiều lợi lạc. Đại Bồ-tát Đại Thế Chí ở trong pháp hội ấy tùy theo thọ mạng của Phật mà trụ ở đời lâu hay mau để phụng sự cúng dường. Sau khi Đức Phật kia nhập Niết-bàn, Bồ-tát đã phụng trì giáo pháp của Phật, khiến trụ lâu dài ở đời, cho đến lúc pháp sau cùng sắp diệt, Đại Bồ-tát Đại Thế Chí ở trong cõi ấy đã thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng, hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bảo Phong Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Tất cả công đức và những sự việc trang nghiêm trong cõi Phật đó, chúng Đại Bồ-tát thảy đều đầy đủ. Thọ mạng của Đức Phật ấy và chánh pháp trụ ở đời so với Đức Như Lai Phổ Minh Cao Hiển Cát Tường Phong Vương là như nhau, tất cả đều viên mãn không tăng không giảm. Đức Phật lại bảo Đại Bồ-tát Thắng Hoa Tạng:

– Nay ông nên biết, Đức Như Lai Phổ Minh Cao Hiển Cát Tường Phong Vương và Đức Như Lai Thiện Trụ Công Đức Bảo Phong Vương về danh hiệu, sự việc là như vậy. Nếu thiện nam, thiện nữ nào mới được nghe qua thì người ấy sẽ đạt được pháp bất thoái chuyển đối với đạo quả Bồ-đề vô thượng.

Lại nữa, này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Nếu thiện nam, thiện nữ nào được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Sư Tử Du Hý Kim Quang Vương đời quá khứ, Đức Như Lai Phổ Minh Cao Hiển Cát Tường Phong Vương và Đức Như Lai Thiện Trụ Công Đức Bảo Phong Vương đời vị lai thì tùy theo làng xóm, dòng họ tất cả người nữ được chuyển thành thân nam, trong bốn mươi ức kiếp lìa bỏ sinh tử, sinh ra sẽ được xuất gia thanh tịnh, thường được thấy Phật, nghe Pháp, hầu cận Tăng già, đời đời thọ sinh luôn đầy đủ trí túc mạng, được pháp Tổng trì, biện tài vô ngại, không thoái chuyển đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc Đức Thế Tôn giảng nói như vậy thì trong chúng hội có chín mươi sáu ức hàng trời, người cùng nhau niệm:

– Quy mạng hết thảy chư Phật nơi ba đời trong mười phương và đời vị lai là Đức Như Lai Phổ Minh Cao Hiển Cát Tường Phong Vương, Đức Như Lai Thiện Trụ Công Đức Bảo Phong Vương tập hợp rộng khắp hết thảy chư Phật, tất cả thiện lợi chúng con đều tùy hỷ, chúng con đều dốc phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tức thời chư Phật đều vì chúng hội mà thọ ký.

Chư vị sẽ được bất thoái chuyển đối với đạo quả Bồ-đề vô thượng.

Lúc này, trong chúng hội có bảy ngàn Bồ-tát đạt được pháp nhẫn Vô sinh, tám mươi bốn ức chúng sinh xa lìa mọi phiền não cấu uế, được pháp nhãn thanh tịnh, tám ngàn Bí-sô không còn các lậu, tâm được giải thoát.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại, Đại Bồ-tát Đại Thế Chí ở trong pháp hội này, như chỗ ứng hợp đã hiện bày thần thông với những hình tướng như vậy, tất cả chúng hội thảy đều trông thấy.

Cùng lúc, vô lượng vô số chư Phật Thế Tôn trong mười phương thấy các hình tướng như vậy và nghe hai vị Bồ-tát nêu rõ hạnh nguyện sẽ thành tựu quả vị Phật thì cùng tán thán:

– Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai thật là hy hữu! Đã có thể khéo hộ niệm hai vị Bồ-tát ấy, chư Phật chúng tôi cũng đều tán thán.

Đại Bồ-tát Thắng Hoa Tạng bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Đức Phật đã giảng nói về kinh điển sâu xa vi diệu như vậy, nếu thiện nam, thiện nữ nào có thể thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói rộng khắp thì phước đức đạt được như thế nào? Đức Phật nói:

– Này thiện nam! Chớ nên hỏi về điều ấy. Vì sao? Vì có những người tin hiểu thấp kém, đối với việc Đức Phật đã giảng nói kinh điển sâu xa như thế, không thể phát khởi lòng tin nên Ta không nói. Bồ-tát Thắng Hoa Tạng bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Nay trong chúng hội này cũng có những thiện nam, thiện nữ… đầy đủ sự tin hiểu sâu xa rộng lớn, cúi xin Đức Như Lai lược nói về công đức thọ trì kinh làm ánh sáng lớn chiếu soi cho tất cả chúng sinh ở đời sau.

Đức Phật dạy:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Hãy lắng nghe, lắng nghe! Nay Ta vì ông mà giảng nói.

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng vui vẻ thọ giáo lắng nghe.

Đức Phật dạy:

– Này thiện nam! Giả sử như người có uy lực lớn đầy đủ phước đức, đều có thể biết rõ về cảnh giới của chúng sinh, phát nguyện: “Như Đức Phật đã dạy là thế giới vô biên, chúng sinh vô tận. Tôi có thể đối với tất cả chúng sinh kia đội, vác họ trên vai, trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, lại có thể dùng các món ăn, thức uống, y phục, tất cả niềm vui cung cấp đầy đủ cho họ”.

Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Ý ông nghĩ thế nào? Người này nhờ nhân duyên ấy nên phước đức đạt được là nhiều chăng?

Bồ-tát Thắng Hoa Tạng bạch Phật:

– Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Nếu có người chỉ trong một khoảnh khắc, đối với tất cả chúng sinh khởi lên tâm từ hãy còn được nhiều phước đức, huống nữa là làm được sự việc như vậy.

Đức Phật dạy:

– Này Bồ-tát Thắng Hoa Tạng! Ta nay nói thật với ông, nếu có thiện nam, thiện nữ nào đối với kinh điển sâu xa này, tự mình sinh lòng tin, lại khuyến khích người khác sinh lòng tin thì phước đức đạt được nhiều gấp bội so với trước. Lại nữa, nếu có người nào đối với kinh điển thâm diệu này có thể thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói rộng thì nên biết người ấy dùng tâm Bồ-đề làm chỗ nương tựa.

Đại Bồ-tát Thắng Hoa Tạng lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai đã thuyết giảng kinh điển thâm diệu như vậy, hoặc Phật còn tại thế, hoặc sau khi nhập Niết-bàn, con xin sẽ thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói rộng, ban bố cùng khắp, khiến không hề đoạn tuyệt.

Khi Bồ-tát Thắng Hoa Tạng nói lời ấy, trong chúng hội có chín mươi sáu ức Bồ-tát cùng thưa:

– Bạch Thế Tôn! Chúng con đối với kinh điển sâu xa, vi diệu mà Phật đã thuyết giảng cũng sẽ thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói rộng khắp.

Lúc này, Đại Phạm Thiên Vương chủ thế giới Ta-bà, Thiên chủ Đế thích, Hộ Thế Tứ Vương và vô số chư Thiên tử khác đều đem hoa trời Mạn-đàla tung lên chỗ Đức Phật và chỗ các vị Bồ-tát, lại tạo ra trăm ngàn ức thứ âm nhạc trời vi diệu để cúng dường, cùng nói:

– Tất cả chúng sinh được nghe chánh pháp thâm diệu như vậy, ánh sáng tỏa chiếu khắp nên có được lợi ích lớn lao, tốt đẹp. Chúng con đối với pháp môn này sẽ cùng thọ trì, ban bố rộng khắp.

Đức Phật khen:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Này các Thiện nam! Như các ông đã nói, chánh pháp này là không thể nghĩ bàn. Nếu người đã từng vun trồng sâu căn lành nơi mười ngàn trụ xứ của Phật, người ấy mới có thể chạm tay vào kinh này, huống hồ lại có thể thọ trì, đọc tụng, sinh tâm tin hiểu.

Đức Phật lại bảo Đại Bồ-tát Thắng Hoa Tạng:

– Nay chánh pháp này, nếu người được nghe thì tùy theo nơi chốn ấy, tất cả người nữ được chuyển thành thân nam, chỉ trừ hai hạng: keo kiệt và ganh ghét.

Ngay lúc đó, trong chúng hội có một người nữ tên Ly Trần, tâm sinh tin hiểu liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nay trong tâm của con đã diệt trừ keo kiệt và ganh ghét. Con xin phát tâm dốc cầu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu con phát tâm chân thật không hư dối thì sẽ được thành Phật và như Phật đã dạy, khi nghe pháp này, tùy chỗ ứng hợp liền được chuyển tướng người nữ. Việc này là chân thật, con nguyện chuyển thân nữ, được thành thân nam.

Lúc người nữ kia nêu bày như vậy rồi, liền được chuyển thành thân nam, được Đức Phật thọ ký: Đạt bất thoái chuyển nơi đạo quả Bồ-đề vô thượng và sẽ được thành Phật hiệu là Trừ Nhất Thiết Phiền Não Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đức Phật thuyết giảng kinh này xong, Đại Bồtát Thắng Hoa Tạng và các chúng Bí-sô, cho đến hàng trời, người, A-tu-la ở thế gian, tất cả đại hội nghe Phật giảng nói đều rất hoan hỷ, tín thọ, phụng hành.


[Đầu trang][QUYỂN THƯỢNG][QUYỂN TRUNG][QUYỂN HẠ]


[Mục lục bộ Bảo Tích][310.1][310.2][310.3][311][312][313][314][315][316][317][318][319][320][321][322][323][324][325][326][327][328][329][330][331][332][333][334][335][336][337][338][339][340][341][342][343][344][345][346][347][348][349][350][351][352][353][354][355][356][357][358][359][360][361][362][363][364][365][366][367][368][369][370][371][372][373]


[Mục lục tổng quát]