TẠNG
KINH
BỘ BẢO TÍCH (310 - 373)
BỘ BẢO TÍCH 5 – T046
SỐ 349 - KINH DI LẶC BỒ TÁT SỞ VẤN BẢN NGUYỆN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi.
Nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại vườn Nai, trong rừng Khủng Cụ, núi Diệu Hoa, nước Phi Kỳ, cùng đông đủ chúng Đại Tỳ-kheo là năm trăm vị, tất cả đều là Hiền Thánh, đã đạt thần thông, đều là những Tỳkheo tôn kính. Tên của những vị ấy là: Hiền giả Liễu Bản Tế, Hiền giả Mã Sư, Hiền giả Hòa Ba, Hiền giả Đại Xứng, Hiền giả Hiền Thiện, Hiền giả Ly Cấu, Hiền giả Cụ Túc, Hiền giả Ngưu Từ, Hiền giả Lộc Cát Tường, Hiền giả Ưu-vi Ca-diếp, Hiền giả Na-dực Ca-diếp, Hiền giả Ca-dực Ca-diếp, Hiền giả Đại Ca-diếp, Hiền giả Sở Thuyết, Hiền giả Sở Trước, Hiền giả Diện Vương, Hiền giả Nanđề, Hiền giả Hòa-nan, Hiền giả La-vân, Hiền giả A-nan v.v… Như vậy cả thảy năm trăm vị Tỳkheo. Lại có năm trăm vị Bồ-tát. Tên các vị ấy là: Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Tăng Ý, Bồ-tát Kiên Ý, Bồtát Biện Tích, Bồ-tát Quang Thế Âm, Bồ-tát Đại
Thế Chí, Bồ-tát Anh Cát Tường, Bồ-tát Nhuyến Cát tường, Bồ-tát Thần Thông Hoa, Bồ-tát Không Vô, Bồ-tát Hỷ Tín Tịnh, Bồ-tát Căn Độ, Bồ-tát
Xứng Độ, Bồ-tát Nhu Nhuyến Âm Hưởng, Bồ-tát
Tịnh Độ, Bồ-tát Sơn Tích, Bồ-tát Cụ Túc, Bồ-tát Căn Cát Tường v.v… Như vậy cả thảy năm trăm vị Bồ-tát.
Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc từ nơi tòa ngồi đứng dậy, sửa lại y phục ngay thẳng, quỳ dài chấp tay bạch Phật:
– Con có điều muốn hỏi, cúi mong Đức Thiên Trung Thiên cho phép con mới dám hỏi.
Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
– Ta cho ông hỏi. Như Lai sẽ theo ý muốn của ông mà giải thích để tâm ông được hoan hỷ.
Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc được Phật cho phép nên vui mừng hoan hỷ bạch Thế Tôn:
– Bồ-tát có mấy pháp hạnh để từ bỏ các cõi ác, không theo tri thức ác?
Phật dạy Bồ-tát Di-lặc:
– Lành thay! Lành thay! Này Di-lặc! Bồ-tát có nhiều tâm từ thương xót, tạo nhiều sự an ổn, thương yêu chư Thiên và loài người nên mới phát tâm hỏi Như Lai những nghĩa lý như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.
Bồ-tát Di-lặc liền thưa:
– Thưa vâng bạch Thế Tôn! Con xin thọ giáo lắng nghe.
Phật dạy Bồ-tát Di-lặc:
– Bồ-tát có một pháp hạnh để bỏ các cõi ác, không theo tri thức ác. Một pháp đó là gì? Đó là ý đạo tịch tĩnh bình đẳng. Đó là một pháp.
Phật dạy Bồ-tát Di-lặc:
– Bồ-tát lại có hai pháp hạnh để bỏ các cõi ác, không theo tri thức ác. Hai pháp đó là gì? Một là trụ nơi định vô chỗ dấy khởi. Hai là theo phương tiện phân biệt về đối tượng nhận thức. Đó là hai pháp.
Phật dạy Bồ-tát Di-lặc:
– Bồ-tát lại có ba pháp hạnh để bỏ các cõi ác, không theo tri thức ác. Những gì là ba? Một là được pháp đại bi. Hai là đối với không, không chỗ tập nhiễm. Ba là biết về không chỗ niệm. Đó gọi là ba pháp.
Phật dạy Bồ-tát Di-lặc:
– Bồ-tát lại có bốn pháp hạnh để bỏ các cõi ác, không theo tri thức ác. Những gì là bốn? Một là đứng vững nơi giới. Hai là đối với tất cả pháp không nghi ngờ. Ba là thích ở chỗ an tịnh. Bốn là quán sát bình đẳng. Đó là bốn pháp.
Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
– Bồ-tát lại có năm pháp hạnh để bỏ các cõi ác, không theo tri thức ác. Những gì là năm? Một là thường tạo lập nghĩa đức. Hai là không tìm cầu những điều hay dở của người khác. Ba là thân hành tự tỉnh. Bốn là thường ưa chánh pháp. Năm là không tự nghĩ về thân mình, thường cứu giúp người khác. Đó là năm pháp.
Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
– Bồ-tát lại có sáu pháp hạnh để bỏ các cõi ác, không theo tri thức ác. Những gì là sáu? Một là không tham lam keo kiệt. Hai là trừ bỏ tâm tệ ác. Ba là không ngu si. Bốn là không nói lời thô tục. Năm là giữ tâm ý như hư không. Sáu là lấy “không” làm nhà. Đó là sáu pháp.
Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
– Bồ-tát lại có bảy pháp hạnh để bỏ các cõi ác, không theo tri thức ác. Những gì là bảy? Một là có ý tạo phương tiện thiện xảo. Hai là có thể phân biệt được các pháp bảo. Ba là thường tinh tấn. Bốn là thường hoan hỷ. Năm là được tín nhẫn. Sáu là khéo hiểu về định ý. Bảy là tóm thâu hết ánh sáng trí tuệ.
Đó là bảy pháp.
Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
– Bồ-tát lại có tám pháp hạnh để bỏ các cõi ác, không theo tri thức ác. Những gì là tám? Một là được nhận thức đúng đắn. (Chánh kiến) Hai là nhớ nghĩ chân chánh. (Chánh niệm) Ba là lời nói đúng đắn. (Chánh ngữ) Bốn là sinh sống chân chánh. (Chánh mạng) Năm là hành động chân chánh. (Chánh nghiệp) Sáu là phương tiện đúng đắn. (Chánh tinh tấn) Bảy là tâm ý chân chánh. (Chánh tư duy) Tám là thiền định chân chánh. (Chánh định) Đó là tám pháp.
Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
– Bồ-tát lại có chín pháp hạnh để bỏ các cõi ác, không rơi vào tri thức ác. Những gì là chín? Một là Bồ-tát đã giải thoát dục, xa lìa các ác, với pháp bất thiện không có nhớ tưởng nên được tịch tĩnh, hoan hỷ, hành nhất tâm bậc nhất. Hai là đã trừ nhớ tưởng, ý bên trong tịch tĩnh, tâm chuyên nhất, không tưởng, không hành, liền được định ý, tâm được an vui, hành nhất tâm thứ hai. Ba là lìa quán hoan hỷ, thường được tịch tĩnh, thân được yên ổn như các Hiền Thánh. Dù nói, dù quán, tâm ý không động, hành nhất tâm thứ ba. Bốn là khổ, vui, đã đoạn, sự vui mừng hay buồn rầu đều dứt, đã quán thấy không khổ không vui, tâm ý thanh tịnh, được nhất tâm thứ tư. Năm là vượt qua sắc tưởng. Sáu là không còn nói về tưởng. Bảy là không còn nghĩ về tưởng nữa, đều nhập vào vô số trí tuệ hư không. Tám là đã vượt qua vô số trí tuệ hư không, nhập vào vô lượng các hành của các thức nhận biết. Chín là đã vượt qua các tuệ của thức tri, không còn tưởng hữu vô, vượt qua các tuệ của vô thức, liền nhập vào hạnh hữu tưởng vô tưởng, không thấy tưởng, được Tam-muội tịch tĩnh. Đó là chín pháp.
Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
– Bồ-tát lại có mười pháp hạnh để bỏ các cõi ác, không theo tri thức ác. Những gì là mười? Một là được Tam-muội Kim cang. Hai là bất cứ ở đâu, Tam-muội vẫn có tăng tiến. Ba là được Tam-muội giáo thọ thiện quyền. Bốn là được Tam-muội ngự độ hữu niệm, vô niệm. Năm là được Tam-muội cùng khắp thế gian. Sáu là được Tam-muội bình đẳng về khổ và vui. Bảy là được Tam-muội Bảo nguyệt. Tám là được Tam-muội Minh nguyệt. Chín là được Tam-muội chiếu sáng. Mười là được Tam-muội Nhị tịch, đầy đủ tất cả các pháp.
Này Bồ-tát Di-lặc! Đó là mười pháp hạnh của Bồ-tát để bỏ các cõi ác, không vào trong tri thức ác.
Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc dùng kệ tán thán Phật:
Thế Tôn xưa bố thí
Vợ con, thức ăn uống
Đầu mắt, không hề tiếc
Đức độ Phật vô cực.
Giữ giới không hủy phạm
Như chim hạc yêu lông
Thờ giới không ai sánh
Công đức đạt bờ giác.
Đã hiện sức nhẫn nhục
Bình đẳng nơi khổ vui
Sức nhẫn nhục mạnh nhất
Đức độ Phật vô cực.
Lực tinh tấn đã rõ
Đức vô thượng trừ hại
Tinh tấn là chí lớn
Đức siêng năng vô cực.
Đã dứt hết thảy ác
Đạo sư vui thiền định
Diệu lực đại tuệ lặng
Phật thanh tịnh vô cực.
Tuệ trong lành tự tại
An nhiên không dấy khởi
Trí tuệ luôn đứng đầu
Ánh sáng Phật vô cực.
Tuệ trừ diệt quân ma
Cội cây đạt trí lớn
Nghĩa cao tột lìa uế
Phật lực hàng phục ma.
Thế Tôn chuyển pháp luân
Thân lớn, sư tử gầm
Thu phục các ngoại đạo
Trí tuệ Phật vô thượng.
Sắc tướng không gì sánh
Giới đức và trí tuệ
Tinh tấn đạt bờ giác
Phật đạo vượt mọi đức.
Ví dụ khó nêu bày
Đại trí tuệ vô thượng
Luôn giảng các pháp bảo
Ánh sáng dẫn dắt chúng.
Bấy giờ, Hiền giả A-nan bạch Phật: – Thật chưa từng có, bạch Thế Tôn! Sở nguyện của Bồ-tát Di-lặc đầy đủ, thuyết pháp không thiếu giảm, giảng nói pháp câu chữ bình đẳng, pháp cú đã nêu bày không bị gò bó, giảng kinh hoàn toàn thuận hợp.
Đức Phật dạy:
– Đúng vậy, đúng vậy, này A-nan! Như lời Hiền giả nói, Bồ-tát Di-lặc đầy đủ biện tài, kinh pháp nói ra không hề thiếu sót.
Đức Phật dạy:
– Này A-nan! Bồ-tát Di-lặc không chỉ dùng kệ này để tán thán Như Lai, mà trong một ngàn vô số kiếp ở thời quá khứ đã từng tán thán. Bấy giờ, có Đức Phật hiệu là Diễm Quang Cụ Hưởng Tác Vương, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Hiện Tại Thành Tuệ Hành An Định, Thế Gian Phụ, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Thượng Thiên Hạ Tôn, Phật Thiên Trung Thiên, có con của trưởng giả Phạm chí tên là Hiền Hạnh từ nơi lầu gác của khu vườn cây đi ra, xa trông thấy Đức Như Lai đang kinh hành, thân sắc chói sáng, nên suy nghĩ: “Lành thay! Thật chưa từng có. Thân của Đức Như Lai vời vời, không thể nghĩ bàn, sắc sáng tươi đẹp, oai thần chiếu tỏa rực rỡ, đức độ an lành trang nghiêm nơi thân! Mong cho đời sau của con được thân hình có đầy đủ ánh sáng, oai thần chiếu tỏa như vậy, có đủ đức tốt đẹp để tự trang nghiêm”.
Nguyện ước như thế xong, ông liền nằm dài dưới đất, tâm niệm: “Con mong cho đời sau đạt được Pháp thân như Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Xin Đức Như Lai bước đi trên thân con”.
Lúc này, Đức Thế Tôn Diễm Quang Cụ Hưởng
Tác Vương Như Lai nhận biết tâm niệm của Hiền
Hạnh nên Ngài bước qua thân ông, tức thì Hiền Hạnh liền chứng đắc pháp nhẫn bất khởi. Đức Phật bèn quay lại nói với thị giả:
– Sở dĩ Ta bước lên trên thân của Phạm chí Hiền Hạnh, là để ông ta ngay tức khắc chứng được pháp nhẫn bất khởi, mắt có thể thấy khắp, tai có thể nghe hết, biết được tâm của người khác suy nghĩ, tự nhận biết mình từ đâu sinh đến, thân có thể phi hành, thần thông gồm đủ.
Đức Phật vừa bước qua thân của Phạm chí Hiền Hạnh, ông liền đạt được các trí, năm thông, không hề quên mất.
Khi ấy Hiền Hạnh dùng kệ tán thán Phật:
Qua lại thế gian, khắp mười phương
Đấng Nhân Trung Tôn, không gì sánh
Chí chỉ hướng đạo vượt các hành
Nguyện cúi đầu lạy bậc đạo sư.
Vì hơn ánh sáng các thế gian
Ánh sáng ma-ni và ngọn lửa
Hào quang của Phật là tối thượng
Nguyện cúi đầu lạy bậc đạo sư.
Giống như sư tử một lần gầm
Các loài thú nhỏ đều khiếp sợ
Đức Phật giảng pháp cũng như vậy
Đều hàng phục hết các ngoại đạo.
Tướng giữa chặng mày hiện trong suốt
Oai lực vô lượng như núi Tuyết
Hào quang của Phật chiếu ba cõi
Phật ở đời không ai sánh bằng.
Dưới chân Thánh có tướng bánh xe
Bánh xe tươi đẹp gồm ngàn căm
Cả đại địa này và núi non
Không thể làm động bậc vô thượng.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Phạm chí Hiền Hạnh thời ấy nay chính là Bồtát Di-lặc.
Hiền giả A-nan liền bạch Phật:
– Bồ-tát Di-lặc đạt được pháp nhẫn bất khởi đã từ lâu xa, vì sao không mau chứng đắc đạo quả Chánh chân vô thượng, thành bậc Tối Chánh Giác? Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Bồ-tát vì bốn việc nên không nắm giữ quả vị chánh giác. Những gì là bốn?
Một là làm thanh tịnh quốc độ.
Hai là bảo vệ quốc độ.
Ba là làm thanh tịnh tất cả.
Bốn là bảo vệ tất cả.
Đó là bốn việc. Bồ-tát Di-lặc lúc cầu quả vị Phật, vì bốn việc này nên không thủ đắc quả vị Phật.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Chính Ta lúc cầu quả vị Phật cũng muốn làm thanh tịnh quốc độ, cũng muốn làm thanh tịnh tất cả, cũng muốn bảo vệ quốc độ, cũng muốn bảo vệ tất cả. Bồ-tát Di-lặc phát tâm trước Ta bốn mươi hai kiếp, sau đó Ta mới phát đạo ý vào thời Hiền kiếp, nhờ hết sức tinh tấn nên vượt qua chín kiếp, đạt được đạo quả Chánh chân vô thượng, thành bậc Tối Chánh Giác.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Ta nhờ mười việc nên đạt đến chánh giác cao tột. Những gì là mười?
Một là không yêu tiếc vật sở hữu.
Hai là không yêu tiếc thê thiếp.
Ba là không yêu tiếc con cái.
Bốn là không yêu tiếc đầu, mắt.
Năm là không yêu tiếc tay, chân.
Sáu là không yêu tiếc đất nước.
Bảy là không yêu tiếc châu báu, tiền của.
Tám là không yêu tiếc tủy não.
Chín là không yêu tiếc máu, thịt.
Mười là không yêu tiếc thân mạng.
Này Hiền giả A-nan! Ta nhờ mười việc này nên mau đạt được Phật đạo.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Lại có mười việc mau đạt được Phật đạo.
Những gì là mười?
Một là dùng pháp để xây dựng giới đức.
Hai là thường hành nhẫn nhục.
Ba là thường hành tinh tấn.
Bốn là thường giữ nhất tâm.
Năm là thường hành trí tuệ đạt đến bờ giác.
Sáu là không bỏ tất cả.
Bảy là đã được tâm nhẫn nhục, bình đẳng đối với tất cả.
Tám là chẳng tập không.
Chín là được pháp nhẫn không.
Mười là được pháp vô tưởng.
Này Hiền giả A-nan! Ta nhờ mười pháp này nên tự mình chứng được Phật đạo.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Lúc Ta mới cầu Phật đạo, luôn siêng năng chịu khổ nhọc vô số mới đạt được đạo Chánh chân vô thượng, việc đó chẳng phải là một lần.
Phật dạy Hiền giả A-nan:
– Vào thời quá khứ, có thái tử tên là Nhất Thiết Hiện Nghĩa, uy nghiêm, đẹp đẽ, từ lầu gác nơi khu vườn đi ra đường, thấy một người bị bệnh đang đau đớn khổ sở nên sinh tâm thương xót, hỏi: “Phải dùng những loại thuốc gì mới có thể trị lành căn bệnh ấy?”. Người bệnh đáp: “Chỉ có máu trong thân của vương tử mới có thể trị lành bệnh của tôi được”.
Khi ấy, thái tử liền dùng dao bén đâm vào thân, lấy máu cho người bệnh, chí tâm đem cho người bệnh mà tâm không chút hối tiếc.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Thái tử Hiện Nghĩa thời ấy chính là thân Ta. Này Hiền giả A-nan! Nước trong bốn biển hãy còn có thể đo lường, chứ máu trên thân Ta đã từng đem bố thí thì không thể nêu hết số lượng, vì Ta dốc cầu chánh giác.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Về thời xa xưa, có thái tử tên là Liên Hoa Vương, đoan nghiêm, tươi đẹp, uy lực hiện rõ, từ lầu gác nơi vườn cây đi dạo, thấy một người thân thể bị bệnh hủi, nên sinh tâm thương xót, mới hỏi: “Phải dùng loại thuốc gì mới có thể trị lành bệnh của ông?”. Người bệnh đáp: “Nếu được tủy trong thân của vương tử thoa lên thân tôi thì bệnh mới lành”.
Thái tử nghe vậy liền dùng dao chặt chẻ xương mình, lấy tủy đem cho bệnh nhân. Thái tử hoan hỷ bố thí như thế tâm không hề hối hận. Thái tử thời ấy chính là thân Ta.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Nước trong bốn biển còn có thể đo lường được, nhưng tủy trong thân Ta từng đem bố thí thì không thể tính kể.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Vào thời quá khứ, có vị vua tên là Nguyệt Minh, sắc diện đoan nghiêm, oai lực hiện bày, từ trong cung đi ra đường, thấy một người mù, đói khát khốn khổ, dò dẫm theo dọc đường để xin ăn, đi đến chỗ vua, tâu: “Một mình vua luôn được tôn quý, an vui, còn tôi thì khốn khổ, lại thêm mù lòa”. Vua Nguyệt Minh thấy người mù lòa ấy thì vô cùng xót thương, mới nói: “Có thể trị được bệnh của ông chăng?”. Người mù tâu: “Nếu được mắt của vua thì có thể trị lành bệnh mù của tôi”.
Bấy giờ, vua Nguyệt Minh bèn tự móc hai mắt của mình đem cho người mù, tâm vẫn thản nhiên, không chút hối tiếc. Vua Nguyệt Minh thời ấy chính là thân Ta.
Phật dạy:
– Núi Tu-di hãy còn có thể cân lường được, nhưng Ta từng đem mắt bố thí cho chúng sinh thì không thể tính kể được.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Bồ-tát Di-lặc lúc xưa cầu đạo không đem tai, mũi, đầu, mắt, tay, chân, thân mạng, châu báu, thành ấp, vợ con và cõi nước bố thí cho người để thành tựu Phật đạo, chỉ dùng hạnh an lạc, phương tiện thiện xảo để đạt được đạo quả Chánh chân vô thượng.
Hiền giả A-nan bạch Phật:
– Bồ-tát Di-lặc dùng phương tiện quyền xảo gì mà đạt được Phật đạo?
Phật dạy Hiền giả A-nan:
– Bồ-tát Di-lặc ngày đêm luôn dùng ba y che thân, chắp tay, quỳ gối nơi đất, hướng về mười phương nói kệ:
Con sám hối các lỗi
Quy mạng lễ chư Phật
Khuyên trợ giúp đạo đức
Mong được tuệ vô thượng.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Bồ-tát Di-lặc nhờ dùng phương tiện quyền xảo này nên đạt được đạo quả Chánh chân vô thượng, thành bậc Tối Chánh Giác. Này Hiền giả A-nan! Bồ-tát Di-lặc khi cầu đạo đã phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, mong cho dân chúng ở nước tôi không có các sự cấu uế, đối với dâm, nộ, si, không khiến tăng trưởng, ân cần phụng hành mười thiện, được như vậy thì tôi mới chứng quả Vô thượng Chánh giác”.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Chúng sinh ở đời vị lai không tạo điều cấu uế, phụng hành mười thiện, tâm ý không còn dâm, nộ, si, chính ngay vào thời đó, Bồ-tát Di-lặc sẽ chứng đắc đạo quả Chánh chân vô thượng, thành bậc Tối Chánh Giác. Vì sao? Vì bản nguyện của Bồ-tát Dilặc đã thành tựu đầy đủ.
Phật bảo Hiền giả A-nan:
– Ta xưa lúc cầu đạo Bồ-tát, muốn hộ trì tất cả chúng sinh khiến đều được thanh tịnh, nên ở trong đời năm trược có đủ tham sân si vui nơi sinh tử. Vì sao? Vì các chúng sinh phần nhiều làm điều phi pháp, lấy điều quấy làm điều phải, hành theo tà đạo, giết hại lẫn nhau, bất hiếu với cha mẹ, tâm thường nghĩ điều ác, khởi ý xấu ác đối với anh em, vợ con, quyến thuộc và người khác, khinh dể các bậc tôn đức, thường gây tạo hạnh tà, ăn nuốt lẫn nhau. Ta nguyện ở trong cõi đời như thế làm Phật để hóa độ.
Phật dạy Hiền giả A-nan:
– Ta đem tâm đại bi bao la nhớ nghĩ tất cả, vì những người này giảng thuyết kinh pháp.
Hiền giả A-nan nghe Đức Phật dạy như vậy liền bạch:
– Con chưa từng thấy có vị Thiên Trung Thiên Như Lai, Đẳng Chánh Giác nào có thể chịu đựng mọi khổ nhọc, phát đại ý để điều phục giáo hóa mọi sự tệ ác, khiến cho thành tựu, vì dứt bỏ gánh nặng, đạt đầy đủ pháp bảo, vì các chúng sinh ấy giảng nói kinh pháp.
Phật dạy Hiền giả A-nan:
– Đúng vậy! Này A-nan! Như lời Hiền giả nói, Phật có thể nhẫn chịu mọi điều đó, nên Như Lai Đẳng Chánh Giác mới có thể giáo hóa kẻ ương bướng, diệt trừ tối tăm cho mọi loài, dùng đầy đủ oai đức của pháp Phật, vì các hạng người này mà giảng nói kinh pháp.
Hiền giả A-nan bạch Phật:
– Con nghe Như Lai luôn đem tâm bình đẳng, tinh tấn, kiên cố như vậy, để giáo hóa chúng sinh nơi cõi đời năm trược, tâm con thật vô cùng xúc động. Vậy tên kinh này gọi là gì và làm sao phụng hành?
Phật dạy:
– Kinh này gọi là: “Phải Giữ Gìn Bản Nguyện Những Điều Di Lặc Hỏi Về Bản Hạnh Của Từ
Thị”. Phải theo đấy mà thọ trì.
Phật thuyết giảng kinh này xong, Bồ-tát Di-lặc, Hiền giả A-nan, Hiền giả Đại Ca-diếp, các đệ tử lớn và chúng Bồ-tát, tất cả chúng hội, chư Thiên, Long, Càn-đạp-hòa, người trong thế gian v.v… nghe kinh thảy đều hoan hỷ, đến trước Đức Phật đảnh lễ và lui ra
[Mục lục bộ Bảo Tích][310.1][310.2][310.3][311][312][313][314][315][316][317][318][319][320][321][322][323][324][325][326][327][328][329][330][331][332][333][334][335][336][337][338][339][340][341][342][343][344][345][346][347][348][349][350][351][352][353][354][355][356][357][358][359][360][361][362][363][364][365][366][367][368][369][370][371][372][373]