TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ BẢO TÍCH (310 - 373)

BỘ BẢO TÍCH 5 – T046

SỐ 358 - KINH ĐỘ NHẤT THIẾT CHƯ PHẬT CẢNH GIỚI TRÍ NGHIÊM

Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Tăng Già Bà La, người nước Phù Nam.


Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở trên cung điện pháp giới của đỉnh núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vươngxá, cùng với hai vạn năm trăm vị Đại Tỳ-kheo đều là A-la-hán, các lậu đã tận, không còn phiền não, tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát, điều phục được các căn, là vị đại long tượng, việc phải làm đã làm xong, việc đáng làm cũng đã hoàn tất, xả bỏ các gánh nặng, đã được tự lợi, diệt sạch các sử, tâm được tự tại. Tên của các vị ấy là: A-nhã Kiều-trần-như, tám đại Thanh văn v.v... Lại có bảy mươi hai ức na-do-tha Đại Bồ-tát. Tên của các vị ấy là: Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Đại Bồ-tát Hạnh Cát, Đại Bồ-tát Phật Cát, Đại Bồ-tát Dược Vương, Đại Bồ-tát Thường Khởi v.v... có khả năng chuyển pháp luân bất thoái, học hỏi hoàn toàn về những kinh Vô Tỷ Bảo Đỉnh, trụ địa Pháp vân, trí tuệ như núi Tu-di, luôn tu hành không, vô tướng, vô tác, vô sinh, vô thể, thấu rõ pháp thâm sâu, công đức đã tròn đầy, oai nghi đầy đủ, được chư Như Lai trong sô số triệu thế giới sai đến, có đại thần thông trụ vô tánh tướng.

Khi ấy, Thế Tôn suy nghĩ như vầy: “Các Đại Bồ-tát ấy từ Hằng hà sa thế giới đến đây, Ta hãy nói pháp để họ được sức lực lớn. Ta nên hiện tướng thần thông phóng ra ánh sáng lớn, để các Bồ-tát sẽ hỏi Ta”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới vô lượng như vi trần không thể nghĩ bàn trong mười phương. Mỗi thế giới Phật trong mười phương có ngàn ức triệu các Bồ-tát nhiều như số vi trần chẳng thể kể xiết, đều từ thế giới của mình nương vô lượng thần thông không thể nghĩ bàn đến đây tập họp, lại đem các thứ cúng dường chẳng thể nghĩ bàn để cúng dường Như Lai, rồi theo sở thích mà tạo tòa hoa sen ngồi trước Phật, chiêm ngưỡng dung nhan Thế Tôn mắt không hề rời. Lúc ấy, trên cung điện Pháp giới hiện lên tòa hoa sen báu lớn, dài rộng vô lượng ức do-tuần, do vô lượng châu ma-ni Quang minh tạo thành, dùng châu ma-ni Điện đăng để xen lẫn với nhau, dùng châu ma-ni Bất khả tư nghì lực làm cán, dùng châu ma-ni Vô ví dụ làm quyến thuộc, được trang nghiêm bằng châu ma-ni Không thể ví dụ được, dùng châu ma-ni Tự tại vương làm lọng, dùng báu ma-ni Tạp để viền, treo cờ phướn đủ màu sắc, xung quanh châu ma-ni lớn ấy tỏa ra mười loại vô lượng ức triệu ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới.

Bấy giờ, có trăm ngàn ức triệu số trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-nala, Ma-hầu-la-già, Thích, Phạm, Tứ Thiên vương nhiều như vi trần không thể kể xiết từ mười cõi Phật trong mười phương đến đây tập họp. Lại có chư Thiên ở trong cung điện Bảo đỉnh cùng vô số Thiên nữ không thể nghĩ bàn trỗi trăm ngàn vạn ức triệu điệu nhạc cũng đến đây hội họp. Lại có chư Thiên ở trong cung điện Bảo hoa, cung điện Long bảo chiên-đàn thần châu, cung điện Chân châu, cung điện Bảo y, cung điện Kim quang minh mani châu, cung điện vàng Diêm-phù-đề, cung điện Vô lượng quang minh ma-ni châu, cung điện Tự tại ma-ni châu, cung điện Như ý ma-ni châu, cung điện Phú Đế Thích ma-ni châu, cung điện Đại hải tu thanh tịnh bảo trang nghiêm, cung điện Phổ quang minh đại ma-ni châu ý đỉnh, cùng vô số chẳng thể nghĩ bàn ngàn vạn ức triệu thiên nữ trỗi các âm nhạc hiện đến đây hội họp, cùng nhau đem vô số các thứ cúng dường chẳng thể nghĩ bàn để cúng dường Phật. Sau khi cúng dường Đức Phật xong, ai nấy đều tùy ý ngồi xuống chiêm ngưỡng Thế Tôn mắt không hề rời. Lúc đó, trong ba ngàn đại thiên thế giới đều biến thành màu vàng Diêmphù-đề, dùng đủ loại châu ma-ni làm cây, nào cây hoa trời, cây áo báu, cây Long-bảo-chiên-đàn để trang hoàng, ánh sáng mặt trời, mặt trăng, điện chớp, đèn v.v... châu ma-ni kết quyện với nhau, che khắp cả thế giới, treo đủ loại phướn, có vô số ngàn vạn ức triệu thiên nữ cầm đủ loại anh lạc, đủ loại hoa báu.

Khi ấy, từ tòa sư tử hoa sen báu lớn, phát ra bài kệ:

Các người hãy an tọa
Ta sẽ nói chân thật
Tòa sư tử nhân vương
Công đức Như Lai thành.
Hôm nay ta mãn nguyện
Cúng dường bậc Lưỡng Túc
Nay Thế Tôn sẽ ngồi
Tòa Liên hoa bảy báu.
Sẽ phóng ánh sáng lớn
Chiếu ta cùng tất cả
Nói pháp mầu vô thượng
Tạo lợi ích trời người.
Chúng sinh nào nghe pháp
Sẽ ngồi tòa sư tử
Ánh sáng lớn như thế
Từ thân Như Lai tỏa.
Chiếu vô lượng thế giới
Khiến tất cả vui mừng
Đạo sư trời trong trời
Nay sẽ giáo hóa con.
Xưa con ở nơi này
Đã gặp tám ức Phật
Nay cúi xin Thế Tôn
Thương xót và cứu giúp.

Khi ấy, rời khỏi tòa Quang minh, Đức Thế Tôn lên tòa Sư tử tạng hoa sen báu ngồi kiết già, thấy chúng Bồ-tát đã tập họp xong, vì muốn các Bồ-tát khai ngộ nên nói pháp “Không”.

Bấy giờ, các Đại Bồ-tát suy nghĩ như vầy: “Bồtát Đồng tử Văn-thù-sư-lợi sẽ hỏi Như Lai pháp bất sinh bất diệt từ lâu xa đến nay, chúng ta chưa nghe pháp này”.

Lúc ấy, biết được Như Lai sắp nói pháp tướng và những suy nghĩ của các Bồ-tát, Văn-thù liền bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Pháp bất sinh bất diệt, tướng của nó như thế nào?

Văn-thù-sư-lợi liền nói kệ:

Vô sinh vô diệt
Làm sao biết được
Xin Đại Mâu Ni
Hãy nêu thí dụ.
Các đại chúng đây
Đều đã tập họp
Thích nghe nghĩa này
Xin Phật giảng nói.
Nay các Bồ-tát
Chư Phật sai đến
Cũng đều thích nghe
Tướng pháp vi diệu.

Phật dạy Văn-thù:

– Lành thay! Lành thay! Những điều ông hỏi đều tạo lợi ích lớn cho tất cả thế gian, khiến cho các Bồ-tát được làm Phật sự.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ông hãy lắng nghe cho thật kỹ đừng có nghi ngờ lo sợ. Này Văn-thù-sưlợi! Bất sinh bất diệt tức là Như Lai.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như đại địa làm bằng Tỳ-lưu-ly, có cung điện Tỳ-xà-diên của Đế thích, tất cả các vật dụng đều hiện lên trong đó. Người Diêm-phù-đề thấy các hình ảnh cung điện hiện trong đất lưu ly thì liền chắp tay đốt hương rải hoa, cúng dường nguyện cho mình cũng được sinh vào cung điện như vậy, mình sẽ dạo chơi giống như Đế thích. Nhưng các chúng sinh đó đâu biết đất ấy là hình ảnh của cung điện hiện lên, nên bố thí, trì giới, tu các công đức để được quả báo giống như cung điện này.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cung điện này thật không sinh không diệt, bởi vì đất trong suốt cho nên hình ảnh hiện lên trong đó. Vả lại hình ảnh cung điện ấy cũng có cũng không, không sinh không diệt.

Này Văn-thù-sư-lợi! Chúng sinh thấy Phật cũng như vậy. Vì tâm của họ thanh tịnh cho nên thấy thân Phật. Thân Phật là vô vi, không sinh, không khởi, không tận, không diệt, chẳng phải sắc chẳng phải phi sắc, không thể thấy, chẳng phải không thể thấy, chẳng phải thế gian, chẳng phải phi thế gian, chẳng phải tâm, chẳng phải phi tâm. Vì tâm của chúng sinh thanh tịnh nên thấy thân Như Lai mà rải hoa, đốt hương, cúng dường đủ vật. Vì mong muốn cho mình được sắc thân như vậy, nên bố thí, giữ giới, tạo nhiều công đức để được thân vi diệu của Như Lai.

Như vậy, này Văn-thù-sư-lợi! Thần lực của Như Lai xuất hiện trên thế gian là để các chúng sinh được lợi ích lớn. Ví như ảnh tượng tùy theo sự nhận biết của chúng sinh.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Như Lai thường trụ
Không sinh không diệt
Phi tâm Phi sắc
Phi hữu phi vô.
Như đất lưu ly
Hiện ảnh cung điện
Ảnh này chẳng có
Và cũng chẳng không.
Tâm chúng sinh tịnh
Thấy thân Như Lai
Phi hữu phi vô
Cũng lại như vậy.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như mặt trời mới mọc, đầu tiên chiếu trên núi cao, thứ đến núi trung bình, sau cùng chiếu tới đất. Như Lai cũng vậy, không có tâm ý thức, vô tướng, lìa tướng, đoạn tất cả tướng, không vướng bên này, không vướng bên kia, không trụ bờ bên này, không trụ bờ bên kia, không trụ giữa dòng, không thể nghĩ bàn, chẳng phải suy nghĩ biết được, không cao không thấp, không trói buộc, không tháo bỏ, chẳng phải hữu trí, chẳng phải vô trí, chẳng phiền não, chẳng phải không phiền não, không chân thật, không hư vọng, chẳng phải trí, chẳng phải chẳng phải trí, không thể nghĩ bàn, chẳng phải không thể nghĩ bàn, chẳng phải hành, chẳng phải không hành, chẳng phải niệm, chẳng phải không niệm, chẳng phải tâm, chẳng phải không tâm, chẳng phải ý, chẳng phải không ý, chẳng phải danh, chẳng phải không danh, chẳng phải sắc, chẳng phải không sắc, không chấp lấy, chẳng phải không chấp lấy, chẳng phải nói, chẳng phải không nói, chẳng phải có thể nói, chẳng phải không thể nói, chẳng phải có thể thấy, chẳng phải không thể thấy, chẳng phải đạo sư, chẳng phải phi đạo sư, chẳng phải đắc quả, chẳng phải không đắc quả.

Như vậy, này Văn-thù-sư-lợi! Ánh sáng mặt trời trí tuệ của Như Lai chiếu khắp ba cõi. Đầu tiên chiếu Bồ-tát như chiếu núi cao, thứ đến chiếu người ưa Duyên giác, Thanh văn, sau chiếu người thích căn lành cho đến chúng sinh tà định để làm cho tăng trưởng pháp thiện và tạo nhân cho vị lai. Này Văn-thù-sư-lợi! Như Lai bình đẳng không phân biệt cao, trung, hạ, luôn hành tâm xả. Này Văn-thù-sư-lợi! Như Lai không nghĩ như vầy: “Ta nên nói pháp thù thắng cho chúng sinh này, Ta nên nói pháp không thù thắng cho chúng sinh kia”. Và cũng không suy nghĩ: “Chúng sinh này tâm quảng đại, chúng sinh này tâm trung bình, chúng sinh này tâm nhỏ hẹp; người này thích pháp thiện, người này thích pháp ác, người này chánh định, người kia tà định”. Ánh sáng trí tuệ của Như Lai không phân biệt như vậy vì Ngài đã đoạn tận tất cả tư tưởng phân biệt. Vì chúng sinh có những căn lành nên trí tuệ của Như Lai có tất cả.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như trong biển lớn có ngọc ma-ni tên là “Làm mãn nguyện cho tất cả chúng sinh”, được đem để trên ngọn cờ, đáp ứng nhu cầu của chúng sinh. Ngọc ma-ni ấy không có tâm ý thức, Như Lai cũng không có tâm ý thức, không thể so lường, không thể đến, không thể đắc, không thể nói, diệt trừ tội lỗi, diệt trừ vô minh, không thật, không hư, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải ánh sáng, chẳng phải không ánh sáng, chẳng phải thế gian, chẳng phải phi thế gian, không giác, không quán, không sinh, không diệt, không thể nghĩ bàn, vô tâm, vô thể, bất động, bất hành, vô lượng, vô biên, không thể nói, không ngôn ngữ, không vui, không phải không vui, không tính đếm, lìa tính đếm, không đến, không đi, không có chỗ đi, đoạn hẳn các cảnh giới, không thể thấy, không thể chấp, không so lường, chẳng phải không, chẳng phải bất không, chẳng hòa hợp, chẳng phải không hòa hợp, không thể nghĩ bàn, không thể hiểu biết, chẳng phải ô uế, chẳng phải thanh tịnh, chẳng phải tâm, chẳng phải sắc, chẳng phải nghiệp, chẳng phải quả, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại, không sở hữu, không thanh, không tướng, lìa tất cả tướng, chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở giữa.

Như vậy, này Văn-thù-sư-lợi! Như Lai thanh tịnh an trụ như cờ đại từ bi, tùy theo điều gì chúng sinh ưa thích mà hiện ra đủ loại thân, nói đủ loại pháp.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như nhờ âm thanh mà có tiếng vọng lại, thì nó chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở giữa, không sinh, không diệt, không đoạn, không thường.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như Lai cũng vậy, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa, không sinh, không diệt, không danh, không tướng, tùy theo mỗi loài chúng sinh mà thị hiện.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như cây cỏ nhờ mặt đất mà sinh trưởng, nhưng đất ấy bình đẳng không có các phân biệt. Như vậy tất cả căn lành của chúng sinh đều nhờ Như Lai mà tăng trưởng, tất cả căn lành của thừa Thanh văn, thừa Duyên giác, thừa Bồ-tát cho đến tất cả ngoại đạo như bọn lõa hình của phái Ni-kiền-tử cũng đều nhờ Như Lai mà được tăng trưởng. Cũng vậy, Như Lai bình đẳng không có phân biệt.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như hư không bình đẳng không có cao, trung bình và thấp. Sự bình đẳng của Như Lai cũng vậy. Chỉ vì chúng sinh tự thấy có thấp, trung bình và cao.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như Lai không nghĩ như vầy: “Chúng sinh này tâm ý thấp thì nên hiện thân thấp. Chúng sinh này tâm ý trung bình, cao thì hiện thân trung bình, cao. Chúng sinh này tâm ý thấp nên nói thừa thấp, chúng sinh này tâm ý trung bình nên nói Duyên giác, Thanh văn thừa, chúng sinh này tâm ý cao nên nói Đại thừa”.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như Lai không có ý như vầy: “Chúng sinh này thích bố thí cho Ta nên nói bố thí, cho đến trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định cũng như vậy. Vì sao? Vì pháp thân của Như Lai bình đẳng, lìa tâm ý thức không phân biệt”.

Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp đều bình đẳng, vì bình đẳng cho nên vô trú, vì vô trú cho nên không động, vì không động cho nên không nương tựa, vì không nương tựa cho nên không có xứ sở, vì không có xứ sở cho nên không sinh, vì không sinh cho nên không diệt. Nếu ai thấy như vậy thì tâm không điên đảo, vì không điên đảo cho nên như thật, vì như thật nên không có chỗ hành, vì không có chỗ hành cho nên không đến, vì không đến nên không đi. vì không đi nên như như, vì như như nên tùy pháp tánh, vì tùy pháp tánh nên bất động. Nếu tùy pháp tánh bất động thì đạt được pháp tánh. Nếu đạt được pháp tánh thì không mong cầu. Vì sao? Vì đã đắc đạo. Nếu đã đắc đạo thì không trụ vào tất cả các pháp. Vì không trụ vào tất cả các pháp nên không sinh, không diệt, không có danh, không có tướng.

Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu chúng sinh chấp trước các pháp thì sẽ khởi phiền não. Vì khởi phiền não nên không chứng Bồ-đề.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để chứng Bồ-đề? Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

– Không còn căn, không còn xứ là Như Lai chứng Bồ-đề.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là căn? Thế nào là xứ?

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

– Thân kiến là căn, tư duy không chân thật là xứ. Này Văn-thù-sư-lợi! Trí tuệ của Như Lai và Bồ-đề cùng tất cả pháp bình đẳng, cho nên không có căn, không có xứ. Đó là đắc Bồ-đề.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề là tịch tĩnh.

Thế nào là tịch tĩnh? Bên trong tịch tĩnh, bên ngoài tịch tĩnh. Vì sao? Vì nhãn tức là không, chẳng phải ta chẳng phải cái của ta. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là không, chẳng phải ta chẳng phải cái của ta. Do biết nhãn là không nên đối với sắc không có tác dụng, nên đó gọi là tịch tĩnh. Như vậy do biết nhĩ là không nên đối với âm thanh không có tác dụng, đó gọi là tịch tĩnh. Biết tỷ cho đến ý là không cũng như vậy.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề là không động, không hành. Không động là không chấp lấy tất cả pháp. Không hành là không xả bỏ tất cả pháp.

Này Văn-thù-sư-lợi! Vì Như Lai không động nên như như thật. Như như thật là không thấy bờ bên này, không thấy bờ bên kia. Vì không thấy bên này, bên kia nên thấy tất cả pháp. Vì thấy tất cả pháp nên gọi là Như Lai.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề thì không tướng không duyên. Thế nào là không tướng? Thế nào là không duyên? Không đắc nhãn thức là không tướng, không thấy sắc là không duyên. Không đắc nhĩ thức là không tướng, không nghe âm thanh là không duyên. Cho đến ý, pháp cũng vậy.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề đối với ba đời đều bình đẳng, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại, chấm dứt luân hồi trong ba đời. Thế nào là chấm dứt luân hồi? Nghĩa là đối với tâm quá khứ không sinh khởi, thức vị lai không hành, ý hiện tại không động, không trụ, không suy nghĩ, không cảm giác, không phân biệt.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề không có hình tướng, vô vi. Thế nào là không có hình tướng? Nghĩa là không thể dùng sáu thức để nhận thức. Thế nào là vô vi? Là không sinh, trụ, diệt, đó gọi là chấm dứt luân hồi trong ba đời.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề là không phá, là câu cú. Thế nào là không phá? Thế nào là câu cú? Vô tướng là không phá, như thật là câu cú. Không chỗ trụ là không phá, pháp giới là câu cú. Bất động là không phá, tánh không là câu cú. Không đắc là không phá, vô tướng là câu cú. Không biết là không phá, không tạo tác là câu cú. Không mong cầu là không phá, không tự tánh là câu cú. Chúng sinh không có tự tánh là không phá, hư không là câu cú. Không thể đắc là không phá, không sinh là câu cú. Không diệt là không phá, vô vi là câu cú. Không hành là không phá, Bồ-đề là câu cú. Tịch tĩnh là không phá. Niết-bàn là câu cú. Không còn sinh nữa là không phá, không sinh là câu cú.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề không thể dùng thân để giác biết, không thể dùng tâm để biết. Vì sao? Vì thân là vô tri giống như cây cỏ. Còn tâm là hư dối không chân thật.

Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu nói Bồ-đề được biết do thân và tâm thì đó là nương theo giả danh chứ chẳng phải nghĩa chân thật. Vì sao? Vì Bồ-đề không có thân không có tâm, không hư, không thật. Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề chẳng phải dùng ngôn ngữ để nói. Vì sao? Vì nó giống như hư không, không có xứ sở, bất sinh bất diệt, không có danh từ.

Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp chân thật không thể nói được. Vì sao? Vì tất cả pháp chẳng phải chân thật, không có ngôn ngữ, không sinh không diệt.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề không thể nắm bắt, không có xứ sở. Thế nào là không thể nắm bắt? Thế nào là không xứ sở? Nhãn thức là không thể nắm bắt, không đắc sắc vì không có xứ sở. Nhĩ thức là không thể nắm bắt, không đắc âm thanh vì không có xứ sở. Tỷ cho đến ý, pháp cũng như vậy. Bồ-đề không thể biết, vì nhãn không nắm bắt cho nên không đắc sắc, vì không đắc sắc nên thức không chỗ trụ. Vì nhĩ không nắm bắt cho nên không đắc âm thanh, vì không đắc âm thanh nên thức không chỗ trụ. Cho đến ý, pháp cũng như vậy.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề là nói về không. Không là tất cả pháp. Không là điều mà Như Lai biết. Không là điều mà Như Lai giác ngộ.

Này Văn-thù-sư-lợi! Không do không mà có, mà không thì chỉ có Như Lai biết. Vì sao? Vì vô tướng.

Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi! Nhân trí Bồ-đề cũng là không tánh. Vì sao? Vì vô tướng. Này Vănthù-sư-lợi! Không và Bồ-đề đều vô sở hữu, không có hai, không số, không danh, không tướng, lìa tâm, ý thức, không sinh, không diệt, không hành, không xứ sở, chẳng phải âm thanh, chẳng phải lời nói.

Này Văn-thù-sư-lợi! Chỉ dùng danh từ để nói chứ thật sự không thể nói.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như Lai biết tất cả pháp từ xưa đến nay không sinh, không khởi, không tận, không diệt, không danh, không tướng, lìa tâm ý thức. Do biết như vậy nên giải thoát như vậy, cũng không trói buộc, không tháo bỏ.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề thì giống với hư không, mà hư không chẳng bình đẳng, chẳng phải không bình đẳng, thì Bồ-đề cũng không bình đẳng, chẳng phải không bình đẳng. Đối với những pháp tướng như vậy Như Lai đều biết.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như cực vi trần không bằng nhau, chẳng phải không bằng nhau. Tất cả các pháp cũng như vậy, dùng trí chân thật mới có thể biết như thế.

Này Văn-thù-sư-lợi! Làm sao trí chân như biết được các pháp? Nghĩa là điều chưa sinh thì sinh, sinh rồi liền diệt. Vì tất cả các pháp ấy vô chủ không thuộc về đâu.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề là như thật cú. Như thật cú nghĩa là như tướng. Bồ-đề không lìa như thật, và sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không lìa như thật. Như tướng Bồ-đề, địa giới không lìa như thật, thủy, hỏa, phong giới không lìa như thật. Như tướng Bồ-đề nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới không lìa như thật, cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới cũng không lìa như thật. Đây gọi là như thật cú.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề là lấy hành nhập vào vô hành.

Này Văn-thù-sư-lợi! Thế nào là hành? Thế nào là vô hành? Hành là duyên tất cả pháp thiện. Vô hành là không đắc tất cả pháp thiện. Hành là tâm không trụ. Vô hành là vô tướng giải thoát. Hành là có thể cân lường. Vô hành là không thể lường. Vì sao không thể lường? Vì không thể nhận thức.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề là vô lậu, không thể nắm bắt. Vô lậu là diệt bốn lưu. Những gì là bốn? Là dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu. Nếu không chấp trước vào bốn lưu này thì gọi là diệt bốn lưu. Không thể nắm bắt là diệt bốn loại thủ. Những gì là bốn? Là dục thủ, kiến thủ, giới thủ, và ngã ngữ thủ. Đây gọi là bốn thủ. Tất cả thủ này bị vô minh che lấp, bị khát ái lừa gạt, tuần tự giúp nhau sinh ra.

Này Văn-thù-sư-lợi! Lấy trí như thật đoạn trừ căn ngã ngữ thủ thì căn thủ đoạn nên thân được thanh tịnh. Thân thanh tịnh thì không còn sinh diệt. Này Văn-thù-sư-lợi! Không sinh diệt thì không khởi tâm ý thức, không tư duy phân biệt. Nếu có sinh diệt thì thành vô minh. Nếu không phải vô minh này thì không có mười hai nhân duyên. Không có mười hai nhân duyên tức là bất sinh. Bất sinh là đạo. Đạo là liễu nghĩa. Liễu nghĩa là đệ nhất nghĩa. Đệ nhất nghĩa là vô ngã nghĩa. Vô ngã nghĩa là nghĩa không thể thuyết. Nghĩa không thể thuyết là nghĩa mười hai nhân duyên. Nghĩa mười hai nhân duyên là nghĩa pháp. Nghĩa pháp là nghĩa Như Lai. Cho nên Ta nói: “Nếu thấy mười hai nhân duyên tức là thấy pháp, thấy pháp tức là thấy Phật, thấy như vậy là không chỗ thấy”.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-đề là thanh tịnh, không cấu bẩn, không phiền não.

Này Văn-thù-sư-lợi! Không là thanh tịnh, vô tướng là không cấu bẩn, vô tác là không phiền não. Lại nữa, không sinh là thanh tịnh, vô vi là không cấu bẩn, không diệt là không phiền não.

Lại nữa, tự tánh là thanh tịnh, thanh tịnh là không cấu bẩn, không cấu bẩn là không phiền não. Lại nữa, vô phân biệt là thanh tịnh, không phân biệt là không cấu bẩn, diệt trừ phân biệt là không phiền não. Như thật là thanh tịnh, pháp giới là không cấu bẩn, chân thật quán là không phiền não. Hư không là thanh tịnh, hư không là không cấu bẩn, hư không là không phiền não. Trí nội thân là thanh tịnh, nội hành là không cấu bẩn, không đắc nội ngoại là không phiền não. Biết ấm là thanh tịnh, tự tánh của giới là không cấu bẩn, không xả bỏ các nhập là không phiền não. Đối với quá khứ, tận trí là thanh tịnh, đối với vị lai không sinh trí là không cấu bẩn, đối với hiện pháp giới trí là không phiền não.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như vậy gọi là thanh tịnh, không cấu bẩn và không phiền não. Như vậy tức là tịch tĩnh, tịch tĩnh là trong ngoài tịch tĩnh. Trong ngoài tịch tĩnh là đại tịch tĩnh. Đại tịch tĩnh gọi là Mâu-ni.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như hư không là Bồ-đề. Như Bồ-đề là các pháp. Như các pháp là tất cả chúng sinh. Như tất cả chúng sinh là cảnh giới. Như cảnh giới là Nê-hoàn.

Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các pháp đều bình đẳng như Nê-hoàn. Vì tối thượng vô biên nên không có đối đãi. Vì không đối đãi nên xưa nay thanh tịnh, xưa nay không cấu bẩn, xưa nay không phiền não.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như vậy sau khi Như Lai giác ngộ tất cả các pháp, quán các chúng sinh mà khởi tâm đại từ bi, làm cho chúng sinh an trụ nơi thanh tịnh, không cấu bẩn, không phiền não.

Này Văn-thù-sư-lợi! Các Bồ-tát thực hành hạnh Bồ-tát như thế nào?

Này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát không tư duy, không bị diệt, không bị sinh, đó là thực hành hạnh Bồ-tát.

Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi! Đối với Bồ-tát tâm quá khứ đã diệt không hành, tâm vị lai chưa đến không hành, tâm hiện tại tuy có không hành. Vì sao? Vì không chấp trước quá khứ, vị lai, hiện tại.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đó gọi là Bồ-tát thực hành hạnh Bồ-tát.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bố thí và Như Lai không có hai tướng, đó là việc làm của Bồ-tát. Như vậy, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền tịnh, trí tuệ và Như Lai không có hai, đó là việc làm của Bồ-tát.

Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu Bồ-tát không hành sắc không đó là hạnh Bồ-tát. Không hành sắc bất không đó là hạnh Bồ-tát. Vì sao? Vì tự tánh của sắc là không. Như vậy, Bồ-tát không hành thọ, tưởng, hành, thức là không hay bất không. Đó là hạnh Bồtát. Vì sao? Vì tâm ý thức không thể đắc.

Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả đều không có pháp để tu chứng. Nếu có chứng thì không có phiền não sinh, không có phiền não diệt.

Này Văn-thù-sư-lợi! Sinh, diệt là mượn danh từ để nói, chứ ở trong thật tướng thì không khởi, không diệt.

Này Văn-thù-sư-lợi! Giả sử bốn loài chúng sinh trong sáu đường hoặc có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, hai chân, bốn chân, nhiều chân, không chân đều được làm người. Vì được làm thân người mà phát tâm Bồ-đề, sau khi phát tâm Bồ-đề, mỗi Bồ-tát cúng dường cho Hằng hà sa chư Phật và các Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn thức uống ăn, y phục, ngọa cụ, thuốc thang và tất cả vật ưa thích. Trải qua hằng hà sa kiếp, cho đến sau khi các vị Phật ấy nhập Niết-bàn và những vị Bồ-tát kia xây tháp bảy báu cao trăm do-tuần, có lọng báu che phía trên và treo bảo châu ma-ni để trang hoàng, treo đủ thứ cờ lọng, dùng châu ma-ni Tự tại vương điểm xuyết. Nhưng nếu có Bồ-tát dùng tâm thanh tịnh nghe kinh “Độ Nhất Thiết Chư Phật Cảnh Giới Trí Nghiêm” này mà hoan hỷ thọ trì, tin hiểu, cho đến nói một bài kệ bốn câu cho người, thì công đức đạt được do nghe kinh này hơn cả công đức trước trăm phần, ngàn phần, vạn phần, ức phần cho đến tính đếm ví dụ cũng không thể nào bằng. Vì sao? Vì kinh này nói rõ pháp thân vi diệu vô tướng thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.

Này Văn-thù-sư-lợi! Hằng hà sa vô số chúng Bồ-tát, dùng Hằng hà sa vô số thế giới chư Phật đều làm bằng vàng Diêm-phù, cho đến cây cối hoa quả cũng đều bằng vàng Diêm-phù, lại dùng áo trời để trang hoàng cây ấy, dùng tất cả lưới châu ma-ni Quang minh che trên đó, dùng châu ma-ni Tự quang minh làm cung điện, lấy châu ma-ni Điện quang làm thềm bực, treo nhiều phướn báu, hằng ngày đem những thứ này cúng dường Hằng hà sa vô số chư Phật, như vậy trải qua vô số kiếp, mà đem so với Bồ-tát chánh niệm kinh này, hoặc giảng nói một câu thì công đức bố thí của Bồ-tát trước so với công đức này, trăm phần không bằng một, trăm ngàn vạn ức phần cho đến tính đếm ví dụ không thể nào bằng được. Như vậy, tất cả công đức khác đem so với công đức của kinh này không có công đức nào sánh kịp.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Nếu người nào trì kinh
Pháp thân vi diệu này
Đạt được lợi công đức
Không thể nào tính lường.
Giả sử các chúng sinh
Đều sinh vào cõi người
Cũng phát tâm Bồ-đề
Để cầu Nhất thiết trí.
Các Bồ-tát như vậy
Đều làm đại thí chủ
Đem hết thảy vật cúng
Cúng dường vô số Phật.
Cùng các chúng Bồ-tát
Duyên giác và Thanh văn
Cho đến khi nhập diệt
Đều xây tháp bảy báu.
Cao đến trăm do-tuần
Trang hoàng đủ vật báu
Nếu người trì kinh này
Hoặc nói một câu kệ.
Quá hơn công đức trên
Vô lượng không biên vực
Vì kinh này diễn nói
Về pháp thân vô tướng.
Cho nên người có trí
Phải nhớ nghĩ thọ trì
Đọc tụng và sao chép
Dùng hương hoa cúng dường.
Quả công đức đạt được
Không thể nào nghĩ bàn
Không lâu đến đạo tràng
Hàng phục ma thành Phật.
Như vậy Khế kinh này
Được chư Phật ngợi khen
Tức là pháp thân mầu
Vô tướng, không ngôn ngữ
Cho nên người thọ trì
Công đức không thể lường.

Phật giảng nói kinh này xong, Văn-thù-sư-lợi v.v... tất cả Bồ-tát, vô lượng chúng Duyên giác, Thanh văn, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tula, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, người và phi nhân v.v... tất cả đại chúng nghe Phật giảng nói thảy đều hoan hỷ phụng hành.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Bảo Tích][310.1][310.2][310.3][311][312][313][314][315][316][317][318][319][320][321][322][323][324][325][326][327][328][329][330][331][332][333][334][335][336][337][338][339][340][341][342][343][344][345][346][347][348][349][350][351][352][353][354][355][356][357][358][359][360][361][362][363][364][365][366][367][368][369][370][371][372][373]


[Mục lục tổng quát]