TẠNG
KINH
BỘ BẢO TÍCH (310 - 373)
BỘ BẢO TÍCH 5 – T046
SỐ 336 - KINH TU MA ĐỀ
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Bồ Đề Lưu Chí.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo và mười ngàn vị Đại Bồ-tát ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương-xá.
Bấy giờ, ở thành Vương-xá có con gái của nhà trưởng giả, mới tám tuổi tên là Diệu Tuệ, diện mạo đoan chánh, dung nhan đẹp đẽ, tất cả các tướng đều hoàn hảo, ai trông thấy cũng đều hoan hỷ, từng ở nơi đời quá khứ, gieo trồng các thiện căn, thân cận cúng dường vô lượng chư Phật.
Khi ấy, đồng nữ kia đến chỗ Đức Như Lai, nhiễu quanh theo phía bên phải ba vòng, đảnh lễ sát chân Phật, quỳ dài, chắp tay nói kệ:
Đấng Chánh giác Vô thượng
Làm đèn sáng thế gian
Xin Ngài cho con hỏi
Hành sự của Bồ-tát.
Đức Phật dạy Diệu Tuệ:
– Con cứ hỏi, Ta sẽ giải thích, khiến con đoạn trừ được lưới nghi.
Bấy giờ, Diệu Tuệ liền đến trước Đức Phật, dùng kệ hỏi:
Làm sao thân đoan chánh
Tôn quý và đại phú?
Lại do nhân duyên gì,
Quyến thuộc không chia lìa?
Làm sao thấy thân mình,
Được thọ nơi hóa sinh,
Trên ngàn cánh hoa sen
Thấy Phật và kính lễ?
Làm sao chứng đắc được,
Thần thông rất tự tại
Hiện đến vô lượng cõi,
Kính lễ, cúng chư Phật?
Làm sao được vô oán
Lời nói người tin nhận
Trừ sạch các pháp chướng
Dứt hẳn các nghiệp ma?
Làm sao khi qua đời
Được thấy tất cả Phật.
Nghe thuyết pháp thanh tịnh
Không còn bị khổ não?
Đại bi Vô thượng tôn
Xin Ngài thuyết cho con.
Đức Phật dạy đồng nữ Diệu Tuệ:
Lành thay! Lành thay! Khéo hỏi ý nghĩa sâu xa vi diệu này. Con hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì con mà thuyết giảng.
Diệu Tuệ bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con rất muốn nghe.
Đức Phật dạy Diệu Tuệ:
– Bồ-tát thành tựu bốn pháp sẽ được thân đoan nghiêm. Những gì là bốn?
Đối với bạn ác không khởi tâm sân hận.
An trụ nơi đại bi.
Ưa thích chánh pháp sâu xa.
Tạo hình tượng Phật.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Sân hoại thiện căn chớ tăng trưởng
Tâm từ ưa pháp tạo tượng Phật
Thân được đầy đủ tướng trang nghiêm
Tất cả chúng sinh thường thích nhìn.
– Lại nữa, này Diệu Tuệ! Bồ-tát thành tựu bốn pháp sẽ đạt được thân phú quý. Những gì là bốn?
Bố thí đúng thời.
Tâm không khinh mạn.
Bố thí hoan hỷ.
Không cầu quả báo.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Hành thí đúng thời không khinh mạn
Hoan hỷ bố thí, không mong cầu
Đối với hạnh này thường siêng tu
Sinh đâu cũng được ngôi vị lớn.
– Lại nữa, này Diệu Tuệ! Bồ-tát thành tựu bốn pháp tất không bị quyến thuộc chia lìa. Những gì là bốn?
Không nói lời ly gián.
Làm cho chúng sinh tà kiến trụ nơi chánh kiến. Chánh pháp sắp diệt thì hộ trì, khiến tồn tại lâu dài.
Giáo hóa các chúng sinh hướng đến nẻo giác ngộ của Phật.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Bỏ lời ly gián và tà kiến
Chánh pháp sắp diệt cần hộ trì
Chúng sinh an trụ đại Bồ-đề.
Quyến thuộc không hoại, được thành tựu.
– Lại nữa, này Diệu Tuệ! Bồ-tát thành tựu bốn pháp, nên ở trước Phật được thọ ký và hóa sinh nơi hoa sen. Những gì là bốn?
Dâng các hoa quả và hương thơm rải lên Như Lai và các tháp.
Trọn đời không nói dối làm tổn hại đến người khác.
Tạo dựng hình tượng Như Lai đặt trên hoa sen. Sinh tâm thanh tịnh tin tưởng sâu xa đối với sự giác ngộ của Phật.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Rải hoa hương cúng Phật và tháp
Không hại người và tạo tượng Phật.
Tin tưởng sâu xa sự giác ngộ
Trước Phật thọ sinh từ hoa sen.
– Lại nữa, này Diệu Tuệ! Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì có thể từ cõi Phật này đến cõi Phật khác.
Những gì là bốn?
Thấy người tu thiện, không não hại.
Không cản trở người khác thuyết pháp.
Đem ánh sánh cúng dường tháp Như Lai.
Đối với các pháp thiền định thường siêng năng tu tập.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Thấy người tu thiện, thuyết chánh pháp
Không sinh hủy báng, hay cản trở
Đốt đèn cúng dường tháp Như Lai
Tu tập thiền định đến cõi Phật.
– Lại nữa, này Diệu Tuệ! Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì ở đời không bị oán. Những gì là bốn?
Thân cận bạn lành không dùng tâm dua nịnh.
Tâm không ganh ghét đối với thắng pháp của người khác.
Tâm thường hoan hỷ đối với danh dự người khác đạt được.
Tâm thường không khinh, chê đối với hạnh Bồtát.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Gần gũi bạn lành, không dua nịnh
Thắng pháp của người không ganh ghét
Luôn hoan hỷ với danh dự người
Không hủy báng Bồ-tát, vô oán.
– Lại nữa, này Diệu Tuệ! Bồ-tát thành tựu bốn pháp nên nói điều gì được người tin. Những gì là bốn?
Lời nói thường tương ưng với việc làm.
Không che giấu điều xấu đối với bạn bè.
Đối với việc nghe pháp không tìm cầu lỗi lầm.
Không sinh tâm ác đối với người thuyết pháp.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Lời nói tương ưng với việc làm
Tội mình không cần che giấu bạn
Nghe kinh không tìm lỗi của người
Lời nói tất cả đều tin nhận.
– Lại nữa, này Diệu Tuệ! Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì có thể xa lìa các pháp chướng ngại, mau đạt được thanh tịnh. Những gì là bốn?
Dùng ý sâu xa ưa thích hộ trì ba loại luật nghi.
Nghe kinh thâm diệu không sinh phỉ báng.
Thấy Bồ-tát mới phát ý sinh tâm cầu đạt Nhất thiết trí.
Tâm từ bi bình đẳng với các hữu tình.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Dùng thâm ý hộ trì luật nghi
Nghe kinh thâm diệu liền tin hiểu
Kính mới phát tâm như tưởng Phật
Tâm từ bao phủ, trừ nghiệp chướng.
– Lại nữa, này Diệu Tuệ! Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì có thể xa lìa các ma. Những gì là bốn?
Hiểu rõ pháp tánh bình đẳng.
Phát khởi tinh tấn.
Thường siêng năng niệm Phật.
Tất cả các thiện căn thảy đều hồi hướng.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Biết rõ các pháp tánh bình đẳng
Thường khởi tinh tấn niệm Như Lai
Hồi hướng tất cả các thiện căn
Chúng ma không dám hại vị ấy.
– Lại nữa, này Diệu Tuệ! Bồ-tát thành tựu bốn pháp thì khi lâm chung được thấy chư Phật hiện tiền. Những gì là bốn?
Người khác muốn xin gì đều bố thí cho họ đầy đủ.
Đối với các pháp thiện, sinh tâm tin hiểu sâu xa.
Đối với các Bồ-tát cúng dường đầy đủ trang nghiêm.
Đối với Tam bảo luôn siêng năng tu tập cúng dường.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Ai muốn xin gì thí đầy đủ
Tin hiểu pháp sâu, cúng trang nghiêm
Tam bảo phước điền siêng cúng dường
Lâm chung được nhìn thấy chư Phật.
Bây giờ, Đồng nữ Diệu Tuệ nghe Phật thuyết giảng rồi, bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Theo lời Phật thuyết giảng về các hạnh Bồ-tát, con xin phụng hành. Bạch Thế Tôn! Đối với bốn mươi hạnh này, nếu con có sai sót một hạnh nào thì xa lìa lời Phật dạy và khi dối Như Lai.
Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo đồng nữ Diệu Tuệ:
– Hạnh Bồ-tát sâu xa khó có thể thực hành. Nay, cô phát đại nguyện thù thắng như vậy chẳng lẽ cô đủ năng lực nơi lời nguyện này sao!
Diệu Tuệ thưa:
– Nếu lời nguyện rộng lớn của con chân thật, không hư dối, có thể khiến các hạnh được viên mãn thì nguyện cho ba ngàn đại thiên thế giới này chấn động sáu cách.
Ngay lúc ấy, Diệu Tuệ lại bạch Tôn giả Mụckiền-liên:
– Vì con dùng lời nói chân thật như vậy cho nên đời vị lai sẽ được thành Phật cũng như Đức Như Lai Thích Ca ngày nay. Trong nước con không có ma sự và tên cõi ác, nữ nhân. Nếu lời nói này của con không hư vọng thì khiến cho thân đại chúng ở đây đều có sắc vàng ròng.
Đồng nữ Diệu Tuệ nói như vậy rồi, thì thân đại chúng đều có sắc vàng ròng.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên rời khỏi tòa ngồi, bày vai áo bên phải, đảnh lễ sát chân Phật, bạch:
– Bạch Thế Tôn! Nay, trước tiên con xin đảnh lễ Bồ-tát mới phát tâm và chư Đại Bồ-tát.
Bấy giờ, Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi bảo đồng nữ Diệu Tuệ:
– Cô trụ nơi pháp gì mà phát lời nguyện chí thành ấy?
Diệu Tuệ đáp:
– Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Lời hỏi của Bồtát chẳng đúng.
Vì sao? Vì trong pháp giới không có chỗ trụ.
Lại hỏi:
– Sao gọi là Bồ-đề?
Đáp:
– Pháp không phân biệt gọi là Bồ-đề.
Hỏi:
– Sao gọi là Bồ-tát?
Đáp:
– Vì tướng của tất cả các pháp như hư không, nên gọi là Bồ-tát.
Hỏi:
– Sao gọi là Hạnh Bồ-đề?
Đáp:
– Hạnh giống như bóng nắng, tiếng vang là hạnh Bồ-đề.
Hỏi:
– Dựa vào mật ý gì mà nói như vậy?
Đáp:
– Trong ấy, đối với tôi không thấy chút pháp gì ẩn mật hay hiện bày.
Hỏi:
– Nếu đúng như vậy thì tất cả phàm phu tức là Bồ-đề sao?
Đáp:
– Bồ-tát cho rằng Bồ-đề khác với phàm phu? Xin chớ thấy như vậy. Vì sao? Vì tướng của tất cả đều đồng một pháp giới, chẳng lấy, chẳng bỏ, không thành, không hoại.
Hỏi:
– Đối với nghĩa này thì người hiểu rõ, số đó được bao nhiêu?
Đáp:
– Có bao nhiêu tâm huyễn hóa mà tâm lường tính được thì có bấy nhiêu chúng sinh huyễn hóa hiểu rõ nghĩa đó.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:
– Huyễn hóa vốn không, sao lại có tâm và pháp của tâm sở như vậy?
Đáp:
– Pháp giới cũng vậy, chẳng phải là có, chẳng phải là không, cho đến Như Lai cũng lại như thế.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Hiện tại, đồng nữ Diệu Tuệ này thật là hy hữu, vì vậy mới có thể thành tựu pháp nhẫn như thế.
Đức Phật dạy:
– Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời Bồ-tát đã nói, nhưng chính đồng nữ này ở thời quá khứ đã phát tâm Bồ-đề trải qua ba mươi tiểu kiếp. Chính lúc Ta phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Bồ đề thì cô ta cũng đã khiến cho ông an trụ nơi pháp nhẫn Vô sinh.
Lúc này, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi liền rời khỏi tòa, làm lễ, bạch Diệu Tuệ:
– Khi xưa, ở trong vô lượng kiếp trước, tôi đã từng cúng dường, nhưng hôm nay mới được thân cận với Nhân giả.
Đồng nữ Diệu Tuệ thưa:
– Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát chớ khởi niệm phân biệt như vậy. Vì sao? Vì không phân biệt sẽ chứng đắc pháp nhẫn Vô sinh.
Lại hỏi Diệu Tuệ:
– Sao bây giờ cô không chuyển thân nữ?
Diệu Tuệ đáp:
– Thấu rõ tướng nữ nhân là khó có thể thủ đắc, nay sao lại chuyển!
Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Tôi sẽ vì Bồ-tát mà diệt trừ những nghi hoặc. Do lời nói chân thật của tôi, ở đời vị lai, khi chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác, trong pháp của tôi, các vị Tỳ-kheo khi nghe gọi “Thiện Lai” thì liền xuất gia nhập đạo. Chúng sinh trong nước tôi, thân đều màu vàng ròng, y phục, của cải vật dùng đầy đủ như cõi trời thứ sáu, các thứ ăn uống dư dật, tùy ý niệm mà đến, không có ma sự và các tên cõi ác, cũng lại không có tên người nữ, có rừng bảy báu, trên có mang lưới báu, dùng màn che bằng hoa sen bảy báu, giống như cõi thanh tịnh đã được thành tựu của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, trang nghiêm không khác. Nếu lời nói của tôi không hư dối thì khiến cho thân của đại chúng đây đều có sắc vàng ròng. Thân nữ của tôi cũng biến thành nam tử giống như Tỳ-kheo biết pháp được ba mươi tuổi hạ.
Khi nói lời ấy xong thì thân của chư vị nơi đại chúng đều hóa thành màu sắc vàng. Bồ-tát Diệu Tuệ chuyển thân nữ thành thân nam như Tỳ-kheo biết pháp được ba mươi tuổi hạ.
Ngay lúc đó, chư Thiên cõi trời Địa Cư cùng nhau tán thán:
– Lành thay! Lành thay! Đại Bồ-tát Diệu Tuệ ở đời vị lai, khi chứng đắc đạo quả Bồ-đề, cõi Phật trang nghiêm, công đức đúng như vậy.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
– Bồ-tát Diệu Tuệ này vào đời vị lai thành bậc Đẳng Chánh Giác, hiệu là Như Lai Thù Thắng Công Đức Bảo Tạng, xuất hiện ở đời.
Khi Phật thuyết giảng kinh này, ba mươi câuchi chúng sinh an trụ nơi bậc không thoái chuyển đối với đạo quả Bồ-đề vô thượng, tám mươi câuchi chúng sinh xa lìa mọi phiền não cấu uế, đắc pháp nhãn thanh tịnh, tám ngàn chúng sinh đều chứng đắc trí tuệ, năm ngàn Tỳ-kheo thực hành Bồ-tát thừa, tâm muốn thoái chuyển, nhưng nhờ thấy Bồ-tát Diệu Tuệ trong tâm ưa thích, nên phát sinh oai đức thiện căn thù thắng, mỗi vị đều cởi y quý giá của mình đang đắp dâng cúng Như Lai.
Cúng dường như vậy rồi, phát thệ nguyện rộng lớn:
“Chúng con nhờ căn lành này, quyết định nguyện thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng, dù trải qua chín mươi kiếp khổ nơi sinh tử mà vẫn không thoái chuyển đối với đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác”.
Khi ấy, Đức Thế Tôn liền thọ ký:
“Chư vị, trải qua ngàn kiếp sau vào đời vị lai, nơi cõi Phật Nan Nhẫn, thế giới Dương Diệm, trong kiếp Vô Cấu Quang Minh, lần lượt thành Phật trong một kiếp, đều đồng một tên, xuất hiện ở đời, hiệu là Như Lai Biện Tài Trang Nghiêm”.
Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Pháp môn như vậy có oai đức lớn, có thể làm cho Đại Bồ-tát và các vị Thanh văn thừa đạt được nhiều lợi ích.
Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào, vì cầu đạo quả Bồ-đề không dùng phương tiện thiện xảo, thực hành sáu pháp Ba-lamật, đầy đủ trong ngàn kiếp; lại có người chỉ trải qua nửa tháng, viết chép, đọc tụng kinh này sẽ thành tựu phước đức hơn công đức kể trên gấp trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn muôn ức phần, cho đến dùng toán số thí dụ cũng không thể nói hết. Vì vậy, này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Pháp môn vi diệu như thế tức là phần gốc của khế kinh nơi chư Bồ-tát, Ta nay phó chúc cho ông, ông nên vì người ở đời vị lai mà thọ trì, đọc tụng, giải thích. Ví như Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thì bảy báu đều hiện ra trước. Sau khi vua qua đời thì bảy báu cũng biến mất. Pháp môn vi diệu này lưu hành ở đời cũng như vậy. Tức bảy Bồ-đề phần là chánh pháp sáng tỏ bất diệt của chư Như Lai, nếu không lưu hành thì chánh pháp thường bị hủy diệt.
Thế nên, này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nếu các thiện nam, thiện nữ vì cầu đạo quả Bồ-đề phải nên phát khởi tâm tinh tấn, viết chép kinh này, thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết cho mọi người. Đây là lời dạy của Ta: “Chớ đối với đời sau mà sinh tâm hối hận”.
Phật thuyết giảng kinh này rồi, Bồ-tát Diệu Tuệ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và các đại chúng trời, người, A-tu-la, Càn-thát-bà v.v... nghe lời dạy của Phật đều rất vui mừng, tín thọ, phụng hành.
[Mục lục bộ Bảo Tích][310.1][310.2][310.3][311][312][313][314][315][316][317][318][319][320][321][322][323][324][325][326][327][328][329][330][331][332][333][334][335][336][337][338][339][340][341][342][343][344][345][346][347][348][349][350][351][352][353][354][355][356][357][358][359][360][361][362][363][364][365][366][367][368][369][370][371][372][373]