TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG KINH
BỘ BẢO TÍCH (310 - 373)

BỘ BẢO TÍCH 5 – T046

SỐ 355 - KINH NHẬP PHÁP GIỚI THỂ TÁNH

Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà Na Quật Đa, người nước Thiên Trúc.


Thuở nọ, Đức Bạt-già-bà cùng năm trăm vị Tỳkheo cư trú trong núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vương-xá.

Khi ấy, vào lúc đầu hôm, Đồng tử Văn-thù-sưlợi đến gặp Phật, vì Như Lai đang trụ trong Tammuội nên Văn-thù phải đứng ngoài đợi. Sau đó Như Lai ra khỏi Tam-muội thì thấy Đồng tử Vănthù-sư-lợi đứng ngoài cửa, Phật liền nói:

– Này Văn-thù-sư-lợi! Ông đã đến chỗ Như Lai thì hãy vào đây.

Nghe Phật nói, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Lành thay! Bạch Thế Tôn!

Nói xong, Văn-thù-sư-lợi liền bước vào thất đến bên Phật đảnh lễ sát chân Ngài và lui ra đứng qua một bên.

Thế Tôn bảo Đồng tử Văn-thù-sư-lợi:

– Ông hãy ngồi xuống.

Đồng tử Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Lành thay! Bạch Thế Tôn! Con xin vâng.

Nói xong, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi ngồi qua một bên chắp tay hướng về Phật thưa:

– Bạch Thế Tôn! Vừa rồi Như Lai từ Tam-muội gì mà ra vậy?

Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:

– Có Tam-muội tên là Bảo tích, vừa rồi Ta từ trong Tam-muội ấy mà ra.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi Tam-muội ấy là Bảo tích?

Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:

– Ví như vật báu đại ma-ni, sau khi khéo mài sáng xong, đặt nơi sạch sẽ, thì nơi đất ấy sinh ra các châu báu không thể cùng tận. Cũng như vậy, này Văn-thù-sư-lợi! Ta trụ vào Tam-muội này quán sát thấy chư Phật Như Lai ở khắp tất cả các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên và dưới trong vô lượng vô số thế giới khắp mười phương cũng đang trụ vào Tam-muội này để nói pháp cho tất cả chúng sinh. Này Văn-thù-sư-lợi! Khi Ta trụ trong Tam-muội này, Ta thấy tất cả các pháp là pháp giới. Này Văn-thù-sư-lợi! Tam-muội này còn gọi là Thật tế ấn. Nếu có người nam hay người nữ thuần hậu, chất trực nào hành Ấn này thì có biện tài bất tuyệt.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Con có biện tài. Bạch Thiện Thệ! Con có biện tài.

Phật dạy:

– Này Văn-thù-sư-lợi! Làm sao ông biết ông có biện tài?

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Ví như vật báu ma-ni kia không nhờ vào nơi khác mà trở lại nương trụ vào thực tế. Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp đều không chỗ trụ chỉ trụ vào thật tế.

Phật lại hỏi Văn-thù:

– Ông biết thật tế chăng?

Văn-thù thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Con biết thật tế.

Phật lại hỏi Văn-thù:

– Sao gọi là thật tế?

Văn-thù thưa:

– Bạch Thế Tôn! Có ngã sở tế thì đó là thật tế, có phàm phu tế đó là thật tế. Nghiệp hay quả báo, tất cả các pháp đều là thật tế.

Bạch Thế Tôn! Nếu ai tin như vậy là tin đúng đắn. Bạch Thế Tôn! Ai tin một cách điên đảo tức là chánh tín. Hạnh hay phi hạnh đều là chánh hạnh. Vì sao? Vì chánh hay bất chánh chỉ là lời nói, nó không thể nắm bắt được.

Phật dạy:

– Này Văn-thù-sư-lợi! Hạnh nghĩa là gì?

Văn-thù thưa:

– Bạch Thế Tôn! Hạnh là thấy nghĩa của thật tế.

Phật dạy:

– Này Văn-thù-sư-lợi! Nghĩa tu đạo là gì?

Văn-thù thưa:

– Bạch Thế Tôn! Tu đạo là tư duy biết được nghĩa như thật của các pháp.

Phật dạy:

– Này Văn-thù-sư-lợi! Đối với những người nam người nữ mới tập tu ông nói pháp thế nào?

Văn-thù thưa:

– Bạch Thế Tôn! Con đến chỗ các thiện nam, thiện nữ ấy chỉ dạy cho họ có khả năng hiểu biết như con, ấy là đã nói pháp cho họ.

Bạch Thế Tôn! Con không giảng nói pháp diệt tham dục, các hoạn nạn. Vì sao? Vì các pháp này, bản tánh của nó không sinh không diệt.

Bạch Thế Tôn! Nếu ai diệt được thật tế tức là diệt được những gì do ngã kiến sinh ra.

Bạch Thế Tôn! Đối với những thiện nam, thiện nữ mới phát tâm con nói pháp làm cho họ không vướng vào pháp Phật, không chấp vào pháp phàm phu và cũng khiến cho họ không còn khái niệm lấy hoặc bỏ các pháp.

Bạch Thế Tôn! Con sẽ nói pháp như vậy cho người nam hay người nữ mới phát tâm.

Văn-thù-sư-lợi lại thưa:

– Bạch Thế Tôn! Khi giáo hóa chúng sinh Thế Tôn giảng nói pháp thế nào?

Phật dạy Văn-thù:

– Khi Ta giảng nói pháp cho tất cả chúng sinh thì không ra ngoài sắc và phi sắc, cũng chẳng lìa thọ, tưởng, hành, thức mà giảng nói pháp.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ta không nói gì khác ngoài dục, sân, si v.v…

Này Văn-thù-sư-lợi! Ta giáo hóa là để khiến cho họ biết được pháp “Không thể nghĩ bàn”. Vì Ta giảng nói pháp cho họ, nhờ đó chứng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Văn-thù-sưlợi! Ta không từ bỏ một pháp nào. Cho nên khi Ta chứng quả Bồ-đề vô thượng Ta cũng không nghĩ mình đã chứng quả Bồ-đề vô thượng.

Này Văn-thù-sư-lợi! Những gì Phật nói đều là pháp giới. Đối với các lực, vô úy của Phật cũng là pháp giới.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ta không thấy pháp giới có các cảnh giới. Trong pháp giới, Ta không thấy đây là pháp phàm phu, đây là pháp A-la-hán, đây là pháp Phật-bích-chi, và pháp chư Phật, vì pháp giới ấy vốn không có hơn kém, cũng không nhiễu loạn.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như sông Hằng, sông Diêm-ma-na, sông Khả-la-bạt-đề, tất cả sông lớn ấy đều chảy vào biển cả và nước ấy chỉ có một vị mặn mà thôi.

Cũng như vậy, này Văn-thù-sư-lợi! Các pháp tuy có nhiều cách gọi khác nhau, nhưng khi nhập vào trong pháp giới thì chỉ đồng một hiệu.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như trong đống ngũ cốc hỗn tạp kia thì không thể nào nói riêng từng loại. Cũng như vậy, trong pháp giới không có gì gọi là đúng, sai, nhiễm, tịnh, Thánh nhân, phàm phu và cả pháp Phật. Vì văn tự không thể diễn đạt hết người khác của pháp giới, cho nên pháp giới mà Ta nói đây rất khế hợp với thường quy. Vì sao? Này Văn-thù-sư-lợi! Vì cảnh giới thuận nghịch ấy và pháp giới cũng không có hai tướng, không đến, không đi, không thể thấy, không có chỗ để sinh khởi.

Sau khi Phật giảng nói pháp như vậy, Văn-thùsư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Con không thấy pháp giới hướng đến đường ác, cũng không thấy hướng đến cõi trời và cũng không thấy hướng đến Niết-bàn.

Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:

– Nếu có người đến hỏi ông: Vì sao biết hiện tại có sáu cõi. Người ta hỏi như vậy thì ông trả lời thế nào?

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Người ta hỏi như vậy thì con sẽ giải nói cho họ rõ biết.

Bạch Thế Tôn! Ví như có người mộng thấy cõi địa ngục, hoặc thấy cõi súc sinh, hoặc thấy kẻ Diêm-ma-la, hoặc thấy thân A-tu-la, hoặc thấy cõi trời hoặc thấy cõi người.

Bạch Thế Tôn! Những gì mà người kia mộng thấy thì đều sai khác. Nhưng vì có người hỏi nên con mới trả lời, mà kỳ thật chẳng có cảnh giới và cũng chẳng có chúng sinh.

Bạch Thế Tôn! Cũng như vậy, mặc dù con nói về sự khác nhau của các cõi nhưng pháp giới của nó thật không sai khác.

Bạch Thế Tôn! Nhưng người kia hỏi thì con sẽ giảng nói như thật cho họ rõ biết, chứ chẳng có cảnh này, cõi kia vậy.

Bạch Thế Tôn! Vì hàng Thanh văn thừa hay chấp vào Niết-bàn cho nên không thể nói thật nghĩa cho họ.

Bạch Thế Tôn! Những cảnh giới kia hiện tại đây còn không phân biệt được mà chỉ nói đến danh tự của chúng. Vì sao? Vì còn chấp vào pháp giới thì còn bị giới hạn.

Bạch Thế Tôn! Ví như biển lớn có bảy thứ vật báu, đó là ngọc kha, san hô, vàng bạc v.v... có thể sai khác nhau, đây là vật báu trong biển. Nhưng ở trong pháp giới không thể biết được tướng sai khác của nó. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì pháp giới không sinh không diệt, pháp giới không nhiễm không tịnh, pháp giới không ô uế, không nhiễu loạn. Trong pháp giới ấy không có pháp gì diệt cũng không có pháp gì sinh.

Khi ấy Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi Văn-thù-sưlợi:

– Ông biết pháp giới sao?

Văn-thù thưa:

– Bạch Thế Tôn! Đúng vậy. Con biết pháp giới tức là ngã giới.

Phật lại hỏi:

– Này Văn-thù-sư-lợi! Ông biết thế gian chăng?

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Chỗ mà người huyễn hóa làm ra thì đó là chỗ thế gian.

Bạch Thế Tôn! Thế gian chỉ có danh từ không có vật thật, có thể thấy nên nói là thế gian hành. Bạch Thế Tôn! Nhưng con không lìa bỏ pháp giới để thấy thế gian. Vì sao? Vì không có thế gian. Như Thế Tôn hỏi thế gian từ đâu mà có? Bởi vì tánh của sắc không sinh không diệt, thì hành ấy cũng không sinh không diệt, thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Tánh của thức này không sinh không diệt, như vậy hành cũng không sinh không diệt. Bạch Thế Tôn!

Như vậy một tướng nghĩa là vô tướng.

Phật lại hỏi:

– Này Văn-thù-sư-lợi! Chẳng lẽ ông không nghĩ rằng hiện tại Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác sẽ diệt độ sao?

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Lẽ nào pháp giới có hình thành và có chưa hình thành? Vì pháp giới có hình thành thì làm sao tránh khỏi sự hủy diệt?

Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:

– Ông có tin Hằng hà sa chư Phật thời quá khứ đã diệt độ chăng?

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Con tin. Chư Như Lai đều đến Niết-bàn, vì thấy chư Như Lai thị hiện.

Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:

– Ông có nghĩ “Chính ái dục” đã làm cho chúng phàm phu chết rồi sinh trở lại không?

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Phàm phu con còn không thấy thì làm sao có tái sinh.

Phật hỏi Văn-thù-sư-lợi:

– Đứng trước Phật, ông có ưa thích nghe pháp không?

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Con không thấy ưa thích, cũng không thấy tướng ưa thích.

Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:

– Chẳng lẽ ông không thích pháp giới chăng?

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Con thấy tất cả các pháp cũng là pháp giới, vậy lấy gì để ưa thích!

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

– Nếu người ngã mạn nghe ông nói, họ rất sợ hãi.

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nếu người ngã mạn sợ hãi thì pháp giới cũng sinh sợ hãi. Pháp giới không sợ hãi nên tất cả các pháp đều không có sợ hãi và không có tạo tác. Đây là Kim cang. Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

– Vì sao gọi là Kim cang?

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Vì tánh của các pháp vốn không hư hoại, cho nên gọi là Kim cang. Bạch Thế Tôn! Vì Như Lai không thể nghĩ bàn và các pháp cũng không nghĩ bàn, cho nên gọi là Kim cang.

Phật hỏi Văn-thù-sư-lợi:

– Vì sao gọi đây là Kim cang?

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Vì các pháp không thể suy lường được nên gọi là Kim cang. Bạch Thế Tôn!

Các pháp là Bồ-đề, đó là Kim cang.

Phật hỏi Văn-thù:

– Vì sao gọi đây là Kim cang?

Văn-thù thưa:

– Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp không chủ thể, chỉ có danh xưng và văn tự. Các pháp không có đây không có kia, tất cả đều không có chủ thể. Đây, kia đều không có chủ thể tức là “như như” vậy. Nếu đã “như như” tức là chân thật. Nếu là chân thật thì đó là Bồ-đề. Cho nên gọi là Kim cang. Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp là cảnh giới của Như Lai. Đó là Kim cang.

Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:

– Vì sao gọi đây là Kim cang?

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Vì tự tánh của các pháp xưa nay vốn thanh tịnh, cho nên gọi đó là Kim cang.

Phật dạy Văn-thù:

– Ông hãy mời Tỳ-kheo A-nan-đà đến đây để thọ trì pháp bản này.

Văn-thù thưa:

– Bạch Thế Tôn! Trong đó con không thấy có một pháp nào có thể nói, có thể nghe. Bạch Thế Tôn! Thật sự con còn không thấy có văn tự để diễn đạt, thì làm gì có cú nghĩa mà thọ trì!

Phật dạy:

– Lành thay! Lành thay! Này Văn-thù-sư-lợi!

Ông nói rất hay về điều này. Này Văn-thù-sư-lợi! Ta thấy phương Đông trong vô lượng vô số thế giới, chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng nói pháp bản này.

Bây giờ, Trưởng lão Xá-lợi-phất từ trụ xứ của mình đi đến chỗ Đồng tử Văn-thù-sư-lợi, nhưng không gặp Văn-thù-sư-lợi. Trưởng lão bèn đến chỗ Phật và đứng ở ngoài cửa.

Khi ấy, Thế Tôn bảo Văn-thù-sư-lợi:

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đang ở ngoài cửa muốn được nghe pháp, ông hãy mời Tỳ-kheo ấy vào đây.

Văn-thù thưa:

– Bạch Thế Tôn! Cảnh giới của Xá-lợi-phất và cảnh giới của pháp giới, hai cảnh giới này chẳng lẽ ở trong, ở ngoài, ở chặng giữa hay ở hai bên sao?

Phật dạy:

– Không phải vậy.

Văn-thù-sư-lợi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nói cảnh giới thật cũng chẳng phải cảnh giới thật. Như vậy, cảnh giới cũng chẳng phải cảnh giới; không ở trong, không ở ngoài, không đến không đi. Bạch Thế Tôn! Cảnh giới của Xá-lợi-phất tức là cảnh giới thật. Cảnh giới của Xálợi-phất tức là pháp giới. Bạch Thế Tôn! Nhưng pháp giới này không xuất, không nhập, không đến, không đi thì Xá-lợi-phất kia từ đâu đến, và sẽ đi về đâu?

Phật dạy:

– Này Văn-thù-sư-lợi! Giả như buộc ông phải đứng bên ngoài, còn Ta và chúng Thanh văn cùng bàn luận trong này, lẽ nào lòng ông không sinh khổ não sao?

Văn-thù thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? Vì pháp Thế Tôn nói không lìa pháp giới, nên Như Lai nói pháp tức là pháp giới, pháp giới tức là Như Lai. Cho nên Như Lai nói pháp giới cũng chính là nói Như Lai, không phải hai, không phải một.

Vì lời nói và người nói không lìa pháp giới. Bạch Thế Tôn! Do đó con không khổ não. Bạch Thế Tôn! Trong Hằng hà sa kiếp nếu con không đến chỗ Thế Tôn giảng nói pháp thì lúc ấy con không ưa thích cũng không sầu khổ. Vì sao? Vì nếu pháp giới có hai thì mới có khổ não. Nhưng pháp giới chẳng phải hai thì cớ gì sinh khổ não?

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Xá-lợiphất:

– Này Xá-lợi-phất! Có phải ông đến để nghe biện tài của Văn-thù-sư-lợi chăng?

Xá-lợi-phất thưa:

– Bạch Thế Tôn! Con rất thích nghe. Con đang muốn được nghe pháp mà Thế Tôn và Đồng tử Văn-thù nói.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Cho Trưởng lão Xá-lợi-phất vào đây để nghe pháp.

Thế Tôn bảo Trưởng lão Xá-lợi-phất:

– Này Xá-lợi-phất! Ông hãy vào đây.

Xá-lợi-phất thưa:

– Lành thay! Bạch Thế Tôn!

Nói xong, Xá-lợi-phất liền vào thất, đến đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi nói với Trưởng lão Xá-lợi-phất:

– Ông thấy thế nào mà đến đây?

Xá-lợi-phất trả lời:

– Tôi đến đây vì muốn nghe pháp mà thôi. Ở đây sẽ có pháp tối thắng, vì ở đây có Văn-thù-sưlợi và Thế Tôn. Vì mỗi người đều có những luận thuyết và có cả sự diệu mỹ thì chắc chắn sẽ có những bài pháp rất thâm sâu.

Văn-thù-sư-lợi nói:

– Đúng vậy! Đúng vậy! Xá-lợi-phất! Tôi nói pháp tối thắng thâm sâu.

Xá-lợi-phất nói:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Như vậy, khi nói pháp này, Nhân giả vì nghĩa gì mà cho là tối thắng thâm sâu?

Văn-thù-sư-lợi trả lời:

– Xá-lợi-phất! Pháp này khó hiểu và lãnh hội được. Phàm những gì do ta nói ra đều không có nguồn gốc phát sinh. Như pháp ta đang nói đây cũng không có nguồn gốc phát sinh và pháp phàm phu, pháp của các bậc La-hán cũng vậy. Pháp của Như Lai nói đây cũng không có chủ thể và đối tượng, cho nên gọi pháp ấy là pháp bình đẳng. Dựa vào đặc tính bình đẳng không trụ không chấp rốt ráo vắng lặng mà nói các pháp, vì thế pháp ấy gọi là tối thắng.

Xá-lợi-phất hỏi:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Ông lấy nghĩa gì mà nói như vậy? A-la-hán lậu tận chẳng nhận được pháp khí này hay sao?

Văn-thù trả lời:

– Trưởng lão Xá-lợi-phất! A-la-hán chỉ đoạn tận những hoặc thô: dục, sân, si thì sao có thể làm pháp khí đó được. Xá-lợi-phất! Do ý nghĩa đó, nên tôi nói rằng A-la-hán lậu tận chẳng phải pháp khí.

Xá-lợi-phất nói:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Do nghĩa này, nay tôi xin thỉnh Nhân giả, từ xóm này đến xóm khác, từ nhà này đến nhà khác, từ hang này đến hang khác làm chỗ pháp lạc, biện tài cho những người muốn nghe pháp. Thưa Văn-thù-sư-lợi! Vì tôi nghe Thế Tôn và Nhân giả nói pháp không nhàm chán.

Văn-thù-sư-lợi nói:

– Đại đức Xá-lợi-phất! Đại đức nghe pháp không chán chăng?

Xá-lợi-phất trả lời:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Tôi nghe pháp không chán.

Văn-thù-sư-lợi nói:

– Đại đức Xá-lợi-phất! Chẳng lẽ pháp giới chấp vào pháp đã nói sao?

Xá-lợi-phất:

– Không.

Văn-thù-sư-lợi:

– Đại đức Xá-lợi-phất! Đã nghe pháp không biết chán nhưng pháp giới và cảnh giới của Đại đức không hai không khác. Pháp giới ấy không chấp vào pháp đã nói. Nếu chấp thủ thì nhàm chán. Đã không chấp thủ nên không nhàm chán.

Xá-lợi-phất nói:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Ngoài chư Như Lai ra, có ai nghe pháp như vậy không?

Văn-thù-sư-lợi:

– Đại đức Xá-lợi-phất! Đại đức có tin pháp Niết-bàn là Xá-lợi-phất không?

Xá-lợi-phất:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Tôi tin.

Văn-thù-sư-lợi:

– Đại đức tin thế nào?

Xá-lợi-phất:

– Bản tánh của các pháp vốn như vậy nên tôi cũng không có Niết-bàn.

Văn-thù-sư-lợi lại hỏi:

– Xá-lợi-phất! Trưởng lão tin có pháp bất tử chứ?

Xá-lợi-phất:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Tôi tin.

Văn-thù-sư-lợi:

– Trưởng lão tin thế nào?

Xá-lợi-phất:

– Vì pháp giới không diệt không sinh, nên tôi tin như vậy.

Văn-thù-sư-lợi:

– Đại đức Xá-lợi-phất! Đại đức tin A-la-hán chứng được thì vô trí hoàn toàn dứt hết phiền não chăng?

Xá-lợi-phất nói:

– Tôi tin.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

– Đại đức tin thế nào?

Xá-lợi-phất nói:

– Vì vô trí tức là bình đẳng trí, nên A-la-hán hoàn toàn dứt hết phiền não. Vì sao? Vì chẳng phải chỉ có trí mới lìa vô trí mà vô trí cũng lìa luôn. Nếu vô trí tận thì pháp là vô trí, vì không có sự phân biệt. Lìa trí là A-la-hán lậu tận.

Văn-thù-sư-lợi hỏi Đại đức Xá-lợi-phất:

– Đại đức tin pháp giải thoát của A-la-hán lậu tận không?

Xá-lợi-phất trả lời:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Tôi tin chắc như vậy.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

– Đại đức tin thế nào?

Xá-lợi-phất nói:

– Các pháp ấy lìa các pháp nhưng không chấp trước các pháp. Tôi tin như thế.

Văn-thù-sư-lợi hỏi Đại đức Xá-lợi-phất:

– Đại đức có tin đời trước chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác diệt độ mà không đắc Niết-bàn không?

Xá-lợi-phất trả lời:

– Tôi tin.

Văn-thù lại hỏi:

– Đại đức tin thế nào?

Xá-lợi-phất nói:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Vì cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn ấy không sinh không diệt, nên tôi tin như thế.

Văn-thù hỏi Xá-lợi-phất:

– Đại đức tin chư Phật cũng chỉ là một chứ?

Xá-lợi-phất nói:

Tôi tin.

Văn-thù:

– Đại đức tin thế nào?

Xá-lợi-phất:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Pháp giới không thể phân biệt, tôi tin như vậy.

Văn-thù-sư-lợi hỏi Đại đức Xá-lợi-phất:

– Đại đức tin cõi của chư Phật là cõi của một Đức Phật không?

Xá-lợi-phất:

– Tôi tin.

Văn-thù-sư-lợi hỏi:

– Đại đức tin thế nào?

Xá-lợi-phất:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Cõi của chư Phật ấy đều giống nhau, vì cõi vô tận cũng vô tận. Tôi tin như vậy.

Văn-thù-sư-lợi hỏi Xá-lợi-phất:

– Đại đức tin các pháp không thể chứng, không thể diệt, không thể tư niệm, không thể tu tác không?

Xá-lợi-phất:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Tôi tin.

Văn-thù-sư-lợi:

– Đại đức tin thế nào?

Xá-lợi-phất:

Thưa Văn-thù-sư-lợi! Tự thể không tự biết tự thể, bản tánh không lìa bỏ bản tánh. Tự thể không chứng cũng không có tư niệm, không chống trái nhau, không sinh, không diệt, không lấy, không bỏ, an trụ hoàn toàn vào cảnh ấy. Tôi tin như vậy.

Văn-thù-sư-lợi:

– Xá-lợi-phất! Đại đức tin cảnh giới hữu vi, ở trong cảnh giới ấy không có pháp sinh, không có pháp diệt, cũng không chứa nhóm chứ?

Xá-lợi-phất:

– Tôi tin.

Văn-thù-sư-lợi:

– Đại đức tin thế nào?

Xá-lợi-phất:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Tánh của các pháp không thể nắm bắt được, nên biết hoặc sinh, hoặc diệt, hoặc chứa nhóm, hoặc trụ. Tôi tin như vậy.

Văn-thù-sư-lợi:

– Đại đức Xá-lợi-phất! Đại đức tin trong cảnh giới Bát-nhã Ba-la-mật-đa có danh từ A-la-hán không?

Xá-lợi-phất:

– Tôi tin.

Văn-thù-sư-lợi:

– Đại đức tin thế nào?

Xá-lợi-phất:

Thưa Văn-thù-sư-lợi! Nhàm chán các hành trong pháp giới Bát-nhã là cảnh giới A-la-hán. Nhưng thể của pháp giới là lìa, chẳng phải thể của dục sân si. Vậy A-la-hán đâu lìa pháp giới. Tôi tin như vậy.

Văn-thù-sư-lợi:

– Đại đức Xá-lợi-phất! Đại đức tin các pháp đều là cảnh giới nhẫn của Phật không?

Xá-lợi-phất:

– Tôi thật có tin.

Văn-thù-sư-lợi:

– Đại đức tin thế nào?

Xá-lợi-phất:

– Thưa Văn-thù-sư-lợi! Bản tánh của Thế Tôn thì giác, còn tự tánh thì lìa. Tôi tin như vậy.

Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi nói:

– Lành thay! Lành thay! Như tất cả cảnh giới mà Đại đức giải thích cho tôi. Tôi hỏi thế nào Đại đức trả lời đúng như thế đó. Cho nên tôi biết được có các hành như vậy.

Khi ấy, Thế Tôn nói với Trưởng lão Xá-lợiphất:

– Này Xá-lợi-phất! Nếu có người nam hay người nữ thọ trì theo nghĩa lý của bổn pháp này, hoặc giải thích cho người khác, hoặc đọc tụng thì người đó mau đắc biện tài.

Xá-lợi-phất thưa:

Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Đúng vậy! Thưa Thiện Thệ! Đúng như những gì Đức Thế Tôn đã nói. Bạch Thế Tôn! Đời trước chúng sinh kia đã từng cúng dường chư Phật Thế Tôn, Ngài đã an lập cho thiện nam thiện nữ ấy pháp ấn này, hết thảy chúng sinh ấy sẽ đắc đại giác.

Trưởng lão Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Pháp bổn này tên là gì và chúng con thọ trì như thế nào?

Phật dạy Trưởng lão Xá-lợi-phất:

– Này Xá-lợi-phất! Bổn pháp này tên là “Những Câu Hỏi Của Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi”, Phật đã giảng nói nên thọ trì như vậy, cũng gọi là “Nhập Pháp Giới”, nên thọ trì như vậy, cũng gọi là “Thật Tế”, nên thọ trì như vậy.

Này Xá-lợi-phất! Thiện nam thiện nữ ấy nên cung kính như vật báu. Nếu thọ trì pháp bản này, hoặc đọc tụng, tư duy, thực hành đúng như vậy thì sẽ đắc pháp nhẫn Vô sinh. Nếu làm cho người khác sinh căn lành, dù ít tụng đọc nhưng thường nói nhiều nghĩa pháp cho họ, thì sẽ đắc biện tài bất tuyệt.

Sau khi nghe Phật giảng nói kinh này, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi và các Đại Bồ-tát khác, Thượng tọa Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo khác cùng Thiên chúng, Càn-thát-bà, A-tu-la v.v... đều hoan hỷ.


[Đầu trang]


[Mục lục bộ Bảo Tích][310.1][310.2][310.3][311][312][313][314][315][316][317][318][319][320][321][322][323][324][325][326][327][328][329][330][331][332][333][334][335][336][337][338][339][340][341][342][343][344][345][346][347][348][349][350][351][352][353][354][355][356][357][358][359][360][361][362][363][364][365][366][367][368][369][370][371][372][373]


[Mục lục tổng quát]