NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN 1
TAM BẢO
(Ratanattaya)


CHƯƠNG I

BA NGÔI CAO CẢ
(TIYAGGA)

Chuyển-Pháp-Luân đầu tiên

Đức-Phật Gotama suy xét nên thuyết pháp tế độ cho ai đầu tiên, Đức-Phật liền nghĩ đến vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta là bậc thiện-trí có trí-tuệ, nếu vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta được nghe chánh-pháp thì sẽ nhanh chóng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn.
Khi ấy, chư-thiên đến hầu Đức-Phật và bạch rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Đạo-sư Ālāra Kālāma- gotta đã viên tịch được 7 ngày qua.
Đức-Phật xem xét thấy đúng là vị Đạo-sư Ālāra Kālāmagotta đã viên tịch, đệ-tam-thiền vô-sắc-giới thiện- nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi Vô-sở-hữu-xứ-thiên thuộc cõi trời vô-sắc-giới. Đức-Phật suy nghĩ rằng:
“Thật là sự bất lợi lớn lao quá! (1)

Tiếp đến, Đức-Phật nghĩ đến vị Đạo-sư Udaka Rāmaputta là bậc thiện-trí có trí-tuệ, nếu vị Đạo-sư Udaka Rāmaputta được nghe chánh-pháp thì sẽ nhanh chóng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn.

Khi ấy, chư-thiên đến hầu Đức-Phật và bạch rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vị Đạo-sư Udaka Rāma- putta vừa mới viên tịch chiều hôm qua.

Đức-Phật xem xét thấy đúng là vị Đạo-sư Udaka Rāmaputta đã viên tịch, đệ-tứ-thiền vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ- thiên thuộc cõi trời vô-sắc-giới. Đức-Phật nghĩ rằng:
“Thật là sự bất lợi lớn lao quá!”

Tiếp đến, Đức-Phật nghĩ đến nhóm năm tỳ-khưu đã từng phụng sự, hộ độ cho Đức-Phật trong suốt thời gian còn là Đức-Bồ-tát thực hành pháp-hành khổ-hạnh. Đức- Phật nghĩ rằng:
“Vậy, Như-Lai nên thuyết pháp tế độ nhóm năm tỳ- khưu này đầu tiên.”

Khi ấy, nhóm năm tỳ-khưu đang trú tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī. Đức-Phật từ khu rừng Uruvelā ngự đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana ấy, để thuyết pháp tế độ nhóm năm tỳ-khưu: Ngài Koṇḍañña trưởng nhóm, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma Ngài Assaji.

Đức-Phật thuyết Kinh Chuyển-Pháp-Luân

Đức-Phật ngự đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, nhằm vào ngày rằm tháng 6, sau khi trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tròn đúng hai tháng.

Nhóm 5 tỳ-khưu nhìn thấy Đức-Phật Gotama từ xa đi đến, họ nghĩ lầm rằng: “Sa-môn Gotama đã từ bỏ sự tinh- tấn thực hành pháp-hành khổ-hạnh để trở thành Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác, mà trở lại đời sống sung túc.”
Vì nghĩ như vậy, nên nhóm năm tỳ-khưu không còn đức-tin và sự kính trọng Đức-Phật như trước, họ đồng ý thỏa thuận với nhau rằng:
“Chúng ta không đứng dậy đón rước, không tiếp nhận y và bát, không đảnh lễ, chỉ nên sắp đặt chỗ để cho Sa- môn Gotama ngồi mà thôi.”
Nhưng khi Đức-Phật Gotama đến gần, do oai lực và tâm đại-bi của Đức-Phật, nhóm năm tỳ-khưu không còn nhớ lời giao ước, mà mỗi người đều tự động đứng dậy cung kính đón rước. Vị nhận y bát, vị lấy nước rửa chân, vị thì sắp đặt trải chỗ ngồi cao quý, thỉnh Đức- Phật ngự đến ngồi chỗ cao quý ấy. Nhưng cách xưng hô của họ đối với Đức-Phật vẫn bằng cách gọi “Āvuso” không hợp lẽ đạo, thiếu sự cung kính đối với Đức-Phật. Nghe vậy, Đức-Phật dạy rằng:
- Này chư tỳ-khưu! Các con không nên gọi Như-Lai bằng tiếng “Āvuso” (2). Như-Lai là Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác, Như-Lai sẽ thuyết pháp giảng dạy chánh- pháp mà Như-Lai đã chứng ngộ. Các con hãy lắng nghe chánh-pháp, rồi thực hành theo chánh-pháp, các con cũng sẽ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Như-lai,
chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, y theo Như-Lai đã chứng đắc.

Nhóm năm tỳ-khưu vẫn chưa tin theo lời dạy của Đức-Phật, vì nghĩ:
“Trước đây Sa-môn Gotama thực hành pháp-hành khổ-hạnh đến như thế mà không trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Nay, Sa-môn Gotama trở lại đời sống sung túc như vậy lại có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác được hay sao?”
Thấu hiểu rõ sự hoài-nghi của nhóm năm tỳ-khưu, nên Đức-Phật đã giải thích làm cho nhóm năm tỳ-khưu hiểu rõ, không còn hoài-nghi nữa, cuối cùng, họ hết lòng tôn kính Đức-Phật và phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật.
Khi ấy, mặt trời sắp lặn ở hướng Tây, mặt trăng ló dạng ở hướng Đông, lần đầu tiên Đức-Phật Gotama thuyết-pháp giảng giải kinh Dhammacakkappavattanasutta (3): Kinh Chuyển-Pháp-Luân, để tế độ nhóm 5 tỳ- khưu: Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī. (Toàn ý nghĩa bài kinh này ở trong phần Đức-Pháp sau.)

Ngài Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña

Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết giảng bài Kinh Chuyển-Pháp-Luân xong, trong nhóm 5 tỳ-khưu ấy chỉ có Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña là bậc thanh-văn đệ-tử đầu tiên của Đức-Phật Gotama chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Cho nên, Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña, có pháp danh mới gọi là Aññāsikoṇḍañña: Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế. Ngài Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia sa-di và tỳ-khưu.
Đức-Phật xem xét thấy Ngài Trưởng-lão Aññāsi- koṇḍañña có đầy đủ phước-thiện phát sinh tám thứ vật dụng cần thiết của tỳ-khưu do quả của phước-thiện phát sinh như thần thông, nên Đức-Phật cho phép xuất gia theo cách gọi “Ehi bhikkhu” truyền gọi rằng:
- Ehi Bhikkhu! Svākkhāto dhammo, cara brahma- cariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya.
- Này Aññāsikoṇḍañña! Con hãy lại đây, con trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện. Chánh-pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, hoàn hảo phần giữa, hoàn hảo phần cuối, con hãy nên cố gắng tinh-tấn thực hành phạm-hạnh cao thượng, để chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, chấm dứt khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Ngay sau khi Đức-Phật truyền dạy vừa dứt câu, Ngài Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña mất hình tướng cũ, liền trở thành vị tỳ-khưu có đầy đủ tám thứ vật dụng của tỳ- khưu được thành tựu do quả của phước như thần thông.
Ngài Đại-Trưởng-Lão Aññāsikoṇḍaññavị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, có vẻ trang nghiêm như Ngài Đại-Trưởng-lão có 60 hạ.
Ngay khi ấy, Tam Bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp- bảo, Đức-Tăng-bảo trọn vẹn lần đầu tiên xuất hiện trên thế gian.

* Ngày rằm tháng tư (âm lịch) Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, chính là lúc Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo đồng thời xuất hiện trên thế gian. Nhưng Đức-Tăng-bảo chưa xuất hiện trên thế gian.
* Ngày rằm tháng 6 (2 tháng sau khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian) mới có Ngài Đại- Trưởng-lão Aññāsikoṇḍaññabậc Thánh Thanh-văn đệ-tử cũng là vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Do đó, ngày rằm tháng 6 là ngày Tam-Bảo: Đức- Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo trọn vẹn lần đầu tiên xuất hiện trên thế gian.

Vào ngày 16 tháng 6, Đức-Phật Gotama nhập hạ đầu tiên cùng với nhóm năm tỳ-khưu tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī.

- Ngày 16 tháng 6, Ngài Trưởng-lão Vappa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.
Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu”.

- Ngày 17 tháng 6, Ngài Trưởng-lão Bhaddiya chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.
Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu”.

- Ngày 18 tháng 6, Ngài Trưởng-lão Mahānāma chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu”.
- Ngày 19 tháng 6, Ngài Trưởng-lão Assaji chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.
Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu”.
- Ngày 20 tháng 6, Đức-Phật Gotama
thuyết giảng bài Kinh Anattalakkhaṇasutta: Kinh Trạng-thái-vô-ngã, tế độ nhóm năm tỳ-khưu đều trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
(Ý nghĩa bài Kinh Trạng-Thái-Vô-Ngã này sẽ được trình bày trong phần Đức-Pháp tiếp theo sau.)
Như vậy, trong cõi người này, khi ấy, có năm bậc Thánh A-ra-hán thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Ngày lịch sử trọng đại trong Phật-Giáo

Trong Phật-giáo, có những ngày lễ lịch sử trọng đại đáng ghi nhớ:
* Ngày rằm tháng tư là ngày Đức-Bồ-tát Thái-tử Siddhattha đản sinh ra đời tại khu vườn Lumbinī (nay thuộc về nước Nepal).
- 35 năm sau, cũng vào ngày rằm tháng tư, Đức-Bồ- tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama tại khu rừng Uruvelā (nay là Buddhagayā, nước Ấn Độ).
- Đức-Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng-sinh suốt 45 năm, cũng vào ngày rằm tháng tư, Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn tại khu rừng Kusinārā (nước Ấn Độ), lúc tròn đúng 80 tuổi.

* Ngày rằm tháng sáu (2 tháng sau khi trở thành Đức- Phật Gotama), Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Chuyển-Pháp-Luân đầu tiên để tế độ nhóm 5 tỳ-khưu, chỉ có Ngài Trưởng-lão Koṇḍañña chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, nên Ngài có tên mới là Aññāsikoṇḍañña.
Đức-Phật Gotama cho phép Ngài Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña xuất gia, theo cách gọi “Ehi bhikkhu", trở thành vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, đồng thời Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp- bảo, Đức-Tăng-bảo đầy đủ trọn vẹn hoàn toàn xuất hiện trên thế gian, vào ngày rằm tháng 6.
- Ngày rằm tháng sáu cũng là ngày đáng ghi nhớ vì là ngày Đức-Bồ-tát thiên-nam Setaketu chuyển kiếp từ cõi trời Tusita xuống đầu thai vào lòng mẫu hậu Mahāmāyādevī.
- Đức-vua Bồ-tát Siddhattha trốn khỏi kinh-thành Kapilavatthu đi xuất-gia, cũng nhằm vào ngày rằm tháng sáu, lúc Đức-vua Bồ-tát Siddhattha 29 tuổi.

* Ngày rằm tháng giêng (7 tháng sau khi Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài kinh Chuyển-Pháp-luân) có 1.250 bậc Thánh A-ra-hán đến hầu Đức-Phật, tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh-thành Rājagaha, đất nước Magadha. gọi là ngày “Đại-hội Chư Thánh-Tăng”duy nhất của Đức-Phật Gotama hợp đủ 4 chi-pháp là:
1- Ngày rằm tháng giêng.
2- 1.250 bậc Thánh A-ra-hán tự động đến hầu Đức-Phật.
3- 1.250 bậc Thánh A-ra-hán đều được Đức-Phật cho phép xuất gia theo cách gọi “Ehi bhikkhu".
4- 1.250 bậc Thánh A-ra-hán đều đắc lục-thông.


- Ngày rằm tháng giêng cũng là ngày đáng ghi nhớ vì là ngày Đức-Phật Gotama hứa với Ác-ma-thiên tại ngôi tháp Cāpālacetiya, ba tháng nữa sẽ tịch diệt Niết-bàn.

Buddhakicca: Phận sự của Đức-Phật

Đức-Phật hằng ngày đêm có 5 phận sự:
1- Purebhattakicca: Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ.
2- Pacchābhattakicca: Phận sự sau khi độ ngọ.
3- Paṭhamayāma: Phận sự canh đầu đêm.
4- Majjhimayāma: Phận sự canh giữa đêm.
5- Pacchimayāma: Phận sự canh chót đêm.


Giảng giải

1- Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ như thế nào?

Mỗi buổi sáng đến giờ đi khất thực, khi thì Đức-Phật ngự đi một mình để tế độ chúng-sinh nào đó, khi thì Đức-Phật ngự đi cùng với chư tỳ-khưu-Tăng vào xóm làng, kinh-thành, … để khất thực. Khi Đức-Phật thọ thực xong, số dân chúng kính thỉnh Đức-Phật thuyết pháp, hoặc số dân chúng xin thọ phép quy-y Tam-bảo, hoặc số người xin Đức-Phật cho phép xuất gia, rồi Đức-Phật ngự trở về chùa.

2- Phận sự sau khi độ ngọ như thế nào?

Khi ngự trở về chùa, rửa chân xong, Đức-Phật đứng trên bục giảng khuyên dạy chư tỳ-khưu rằng:

“Bhikkhave appamādena sampādetha!
Dullabho Buddhuppādo lokasmiṃ.
Dullabho manussattapaṭilābho.
Dullabhā khaṇasampatti.
Dullabhā pabbajjā.
Dullabhaṃ saddhammassavanaṃ.”


- Này chư tỳ-khưu! Các con hãy nên cố gắng tinh-tấn hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh-đế bằng pháp không dể duôi (không thất niệm) thực hành pháp-hành tứ- niệm-xứ.
* Đức-Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó.
* Được sinh làm người là một điều khó.
* Có cơ hội thực hành phạm-hạnh cao thượng là một điều khó.
* Được xuất gia trở thành tỳ-khưu là một điều khó.
* Được nghe chánh-pháp của Đức-Phật là một điều khó.


Đó là các điều khó được mà Đức-Phật hằng ngày thường khuyên dạy nhắc nhở chư tỳ-khưu chớ nên dể duôi.
Sau khi khuyên dạy xong, Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi, còn chư tỳ-khưu mỗi vị ở một nơi, thực hành pháp-hành thiền-định, hoặc thực hành pháp-hành thiền-tuệ.

3- Phận sự canh đầu đêm như thế nào?

Canh đầu đêm, Đức-Phật giáo huấn chư tỳ-khưu, có số chư tỳ-khưu hỏi chánh-pháp, có số chư tỳ-khưu xin thọ pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, có số chư tỳ- khưu nghe Đức-Phật thuyết pháp. Qua hết canh đầu đêm, chư tỳ-khưu đảnh lễ Đức-Phật, trở về chỗ ở của mình.

4- Phận sự canh giữa đêm như thế nào?

Canh giữa đêm, Đức-Phật cho phép chư-thiên, chư phạm-thiên trong các cõi trời dục-giới, các tầng trời sắc- giới phạm-thiên đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, rồi đứng một nơi hợp lẽ, bạch hỏi pháp, Đức-Phật giảng giải các câu hỏi của chư-thiên, chư phạm-thiên xong. Qua hết canh giữa đêm, chư-thiên, chư phạm-thiên đảnh lễ Đức-Phật, xin phép trở về cõi-giới của mình.


5- Phận sự canh chót đêm như thế nào?
Đức-Phật phân chia canh chót làm 3 thời:
- Thời gian đầu: Đức-Phật ngự đi kinh hành.
- Thời gian giữa: Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có chánh-niệm và trí- tuệ-tỉnh-giác định giờ tỉnh đậy.
- Thời gian cuối: Đức-Phật nhập thiền đại-bi, khi xả thiền, Đức-Phật xem xét chúng-sinh trong các cõi-giới bằng Phật-nhãn, xem xét chúng-sinh nào đã từng có duyên lành với Đức-Phật, hoặc đã từng thực hành các pháp- hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá-khứ. Kiếp hiện-tại này có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, chúng-sinh ấy dù ở gần dù ở xa, dù trong cõi người, dù trong cõi-giới khác, Đức-Phật vẫn ngự đến tận nơi để tế độ chúng-sinh ấy.
Mỗi ngày mỗi đêm, Đức-Phật thực hành đầy đủ 5 phận sự suốt 45 năm, cho đến phút cuối cùng Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn.


(1) Sự bất lợi ở đây có nghĩa: Chúng-sinh ở cõi trời vô-sắc-giới không có sắc-uẩn nên không có tai để nghe được chánh-pháp, đã mất đi cơ hội tốt hiếm có, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn.
(2) “Āvuso” từ dùng để gọi vị nhỏ hạ. “Bhante” từ dùng để gọi vị cao hạ một cách tôn kính.
(3) Saṃyuttanikāya, Mahāvagga, Dhammacakkappavattanasutta.


Mục lục quyển 1 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | Phụ lục


Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10


[Đầu trang][Mục lục tổng quát]