NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN 1
TAM BẢO
(Ratanattaya)
CHƯƠNG I
BA NGÔI CAO CẢ
(TIYAGGA)
ĐỨC-PHÁP
(DHAMMA)
PHẬT-GIÁO
(BUDDHASĀSANA)
Phật-giáo
là lời giáo huấn của Đức-Phật, từ khi trở thành Đức-Phật Chánh Đẳng Giác có
danh hiệu là Đức- Phật Gotama vào ngày rằm tháng tư (âm-lịch) tại
cội Đại-Bồ-đề trong khu rừng Uruvelā, khi Đức-Phật Gotama tròn đúng 35 tuổi,
cho đến ngày rằm tháng tư (âm-lịch) trước khi Đức-Phật Gotama tịch
diệt Niết-bàn tại khu rừng Kusinārā, Đức-Phật tròn đúng 80 tuổi.
Đức-Phật Gotama thuyết-pháp tế độ
chúng-sinh suốt 45 năm. Tất cả lời giáo huấn của Đức-Phật gọi là Phật- giáo. Phật-giáo
có 3 phần chính:
1- Pháp-học Phật-giáo (Pariyattisāsana).
2- Pháp-hành Phật-giáo (Paṭipattisāsana).
3- Pháp-thành Phật-giáo (Paṭivedhasāsana).
Các hàng thanh-văn đệ-tử học pháp-học Phật-giáo
hiểu biết đúng đắn làm nền tảng căn bản cho pháp-hành Phật-giáo, khi hành-giả
thực hành pháp-hành Phật-giáo đúng đắn dẫn đến chứng đắc pháp-thành
Phật-giáo đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, gọi là 9 pháp-
siêu-tam-giới (Navalokuttaradhamma).
Pháp-Học Phật-Giáo (Pariyattisāsana)
Pháp-học Phật-giáo là gì?
Trong Chú-giải Chi-bộ-kinh định nghĩa:
“Pariyattī’ti tepiṭakaṃ Buddhavacanaṃ sāṭṭhakathā
Pāḷi.” (1)
Pháp-học Phật-giáo là Phật-ngôn Tam-tạng
Pāḷi cùng Chú-giải Pāḷi.
Tiếng Pāḷi là ngôn ngữ chung của Chư Phật trong
quá khứ, Đức-Phật hiện-tại và Chư Phật vị-lai.
Pāḷibhāsā vốn là ngôn ngữ của người dân
Magadha mà Đức-Phật sử dụng làm ngôn ngữ thuyết-pháp tế độ chúng-sinh, để hiểu
biết pháp-học chánh-pháp (pariyatti saddhamma), rồi thực hành pháp-hành
chánh-pháp (paṭipatti saddhamma) dẫn đến chứng đắc pháp-thành chánh-pháp (paṭivedha
saddhamma) đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh
luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Cho nên, ngôn ngữ này gọi là ngôn ngữ Pāḷibhāsā.
Pháp-học Phật-giáo gồm tất cả những lời
giáo huấn, những điều chế định của Đức-Phật trong suốt 45 năm kể từ khi trở
thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama cho đến trước
khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn, được ghi chép đầy đủ trọn vẹn trong Tam-tạng
Pāḷi (Tipiṭakapāḷi) và Chú-giải Pāḷi (Aṭṭhakathāpāḷi).
Trong Tam-tạng Pāḷi (Tipiṭakapāḷi) không chỉ có
những lời giáo huấn của Đức-Phật, mà còn có những lời của các hàng thanh-văn đệ-tử,
chư-thiên, chư phạm- thiên, … được Đức-Phật nhắc lại hoặc xác nhận cũng xem như
là Phật-giáo.
Và Chú-giải Pāḷi
(Aṭṭhakathāpāḷi) là lời giảng giải những pháp khó hiểu trong Tam-tạng Pāḷi,
khi thì Đức- Phật giảng giải rải rác gọi là pakiṇṇakadesanā: Đức- Phật
thuyết giảng, giải thích rõ mỗi điều riêng rẽ trong Tam-tạng Pāḷi, khi thì chư
Thánh A-ra-hán giảng giải.
Những lời giảng giải ấy được gom lại gọi là bộ Chú-
giải Pāḷi (Aṭṭhakathāpāḷi). Tam-tạng Pāḷi
(Tipiṭakapāḷi) và Chú-giải Pāḷi (Aṭṭhakathāpāḷi) thuộc về Pháp-học Phật-giáo.
Pháp-học là nền tảng căn bản của Phật-giáo,
nếu không có pháp-học Phật-giáo thì chắc chắn không có pháp-hành Phật-giáo và
pháp-thành Phật-giáo, không có giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Nếu có pháp-học Phật-giáo đúng đắn thì dẫn đến phần thực
hành pháp-hành Phật-giáo đúng đắn.
Nếu có thực hành pháp-hành Phật-giáo đúng đắn thì có
quả là pháp-thành Phật-giáo, đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, giải
thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Pháp vị-giải-thoát (Vimuttirasa)
Phật-giáo có một vị duy nhất là vị giải thoát như
Đức- Phật đã dạy:
Seyyathāpi Pahārāda, mahāsamuddo ekaraso loṇaraso.
Evamevaṃ kho Pahārāda, yaṃ dhamma- vinayo ekaraso vimuttiraso.
Ayampi Pahārāda, yaṃ dhammavinayo ekaraso vimuttiraso
...(2)
- Này Pahārāda! Đại-dương chỉ có một vị duy nhất là “vị
mặn”.
- Này Pahārāda! Cũng như vậy, Pháp và Luật này chỉ có
một vị duy nhất là “vị-giải-thoát”.
- Này Pahārāda! Pháp và Luật này chỉ có một vị duy nhất
là “vị-giải-thoát”.
Phân loại toàn giáo-pháp của Đức-Phật
Phật-ngôn (Buddhavacana)
Toàn giáo pháp của Đức-Phật, Phật-ngôn chia ra làm
ba thời-kỳ:
- Phật-ngôn đầu tiên (Paṭhama Buddhavacana).
- Phật-ngôn thời-kỳ giữa (Majjhima Buddhavacana).
- Phật-ngôn cuối cùng (Pacchima Buddhavacana).
* Phật-ngôn đầu tiên là gì?
Đức-Bồ-tát Siddhattha khi trở thành Đức-Phật-
Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, tại cội Đại-Bồ-đề trong khu rừng
Uruvelā, vào ngày rằm tháng tư (âm-lịch), Đức-Phật Gotama tròn 35 tuổi. Đức- Phật
an hưởng vị-giải-thoát suốt 7 tuần lễ gồm 49 ngày.
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn tự thuyết 2 bài kệ ở trong tâm:
153- Anekajātisaṃsāraṃ, sandhāvissaṃ anibbisaṃ.
Gahakāraṃ gavesanto, dukkhājāti punappunaṃ.
154- Gahakāraka! diṭṭho’si, puna gehaṃ na kāhasi.
Sabbā te phāsukā bhaggā, gahakūṭaṃ visaṅkhataṃ. Visaṅkhāragataṃ cittaṃ, taṇhānaṃ
khayamajjhagā.(3)
153- Này tham-ái! Người thợ xây nhà “thân”,
Như-Lai cố tìm ngươi mà chưa gặp.
Nên tử sinh luân-hồi vô số kiếp,
Tái-sinh mãi trong tam-giới là khổ.
154- Này tham-ái! Người thợ xây nhà “thân”,
Bây giờ Như-Lai đã gặp ngươi rồi!
Tất cả sườn nhà, “phiền-não” của ngươi,
Như-Lai đã hủy hoại sạch cả rồi.
Đỉnh nhà “vô minh” cũng bị tiêu diệt,
Ngươi không còn xây nhà Như-Lai nữa.
Tâm Như-Lai đã chứng ngộ Niết-bàn,
Diệt tận tất cả mọi tham-ái,(4)
Như-Lai đã chứng đắc A-ra-hán.
Hai bài kệ này, Đức-Phật Gotama tự thuyết ở trong tâm
tại cội Đại-Bồ-đề là Phật-ngôn đầu tiên của
Đức- Phật (Paṭhama Buddhavacana).
* Phật-ngôn cuối cùng là gì?
Đức-Phật Gotama du hành thuyết pháp tế độ
cho chúng-sinh có duyên lành nên tế độ, khắp mọi nơi, từ cõi người đến cõi trời
dục-giới, cõi trời sắc-giới (không có cõi trời vô-sắc-giới, bởi vì chư phạm-thiên
cõi này không có sắc-uẩn nên không có lỗ tai để lắng nghe chánh-pháp), suốt 45
năm ròng rã ngày đêm.
Đến ngày rằm tháng tư (âm lịch) Đức-Phật Gotama ngự đến
khu rừng Kusinārā, tịch diệt Niết-bàn. Đức- Phật Gotama tròn 80 tuổi.
Trước giờ tịch diệt Niết-bàn, vào canh chót, Đức-Phật
Gotama nhắc nhở khuyên dạy các hàng đệ tử đứng đầu là tỳ-khưu rằng:
“Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo. Vayadhammā saṅkhārā, appamādena
sampādetha.”(5)
- Này chư tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-
nữ!
Bây giờ Như-Lai nhắc nhở khuyên dạy các con lần cuối
cùng rằng:
“Tất cả các pháp-hữu-vi có trạng-thái diệt là thường,
các con hãy nên cố gắng tinh-tấn hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh-đế, bằng pháp
không dể duôi (chánh-niệm), thực hành pháp-hành tứ-niệm-xứ.”
Đó là Phật-ngôn cuối cùng của Đức-Phật (Pacchima
Buddhavacana).
Thật vậy, Đức-Phật khuyên dạy chấm dứt câu chót: “appamādena
sampādetha.” Từ đó, Đức-Phật không còn dạy một lời nào nữa.
Đức-Phật nhập các bậc thiền sắc-giới và các bậc thiền
vô-sắc-giới thuận và nghịch, rồi cuối cùng Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn tại khu
rừng Kusinārā, gọi là Ngũ-uẩn Niết-bàn (khandhaparinibbāna) diệt ngũ-uẩn
rồi, không còn tái-sinh kiếp nào nữa, hoàn toàn giải thoát khỏi khổ sinh là giải
thoát mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Phật-ngôn thời-kỳ giữa là gì?
Ngoại trừ hai câu kệ Phật-ngôn đầu tiên và câu kệ Phật-ngôn
cuối cùng của Đức-Phật ra, còn lại tất cả những lời giáo huấn, điều răn dạy của
Đức-Phật trong suốt 45 năm là Phật-ngôn thời-kỳ giữa của Đức-Phật (Majjhima
Buddhavacana).
Pháp và Luật (Dhammavinaya)
Toàn giáo-pháp của Đức-Phật phân ra làm hai loại:
* Pháp (Dhamma) gồm có Tạng Kinh Pāḷi và Tạng
Vi-Diệu-Pháp Pāḷi.
* Luật (Vinaya) là Tạng Luật Pāḷi.
Trong bài kinh Mahāparinibbānasutta: Đại-Niết-bàn,
trước khi tịch diệt Niết-bàn, Đức-Phật dạy Ngài Trưởng- lão Ānanda rằng:
“Yo vo Ānanda, mayā dhammo ca vinayo ca desito
paññato, so vo mamaccayena satthā.” (6)
- Này Ānanda! Pháp mà Như-Lai đã thuyết, Luật mà
Như-Lai đã chế định, sau khi Như-Lai đã tịch diệt Niết- bàn rồi, Pháp và Luật ấy
là Đức Tôn-Sư của các con.
Theo Chú-giải kinh Đại-Niết-bàn ấy giảng giải rằng:
* Dhamma: Pháp có nghĩa là Tạng Kinh Pāḷi và
Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi.
* Vinaya: Luật có nghĩa là Tạng Luật Pāḷi.
Tīṇi piṭakāni pañca nikāyā navaṅgāni caturasīti
dhammakkhandhasahassāni.
Tất cả Pháp và Luật phân chia thành Tam-Tạng Pāḷi,
Ngũ-bộ Pāḷi, Cửu-phần Pāḷi, 84.000 Pháp-môn Pāḷi.
- Tạng Luật Pāḷi : gồm có 21.000 pháp-môn.
- Tạng Kinh Pāḷi : gồm có 21.000 pháp-môn.
- Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi: gồm có 42.000
pháp-môn.
Đức-Phật còn giảng giải rằng:
“Iti imāni caturāsiti dhammakkhandhasahassāni tiṭṭhanti,
ahaṃ ekova parinibbāyāmi. Ahañca kho dāni ekova ovadāmi anusāsāmi, mayi
parinibbute imāni caturāsiti dhammakkhandhasahassāni tumhe ovadissanti
amusāsissanti.” (7)
(Như vậy, 84.000 Pháp-môn này tồn tại, chỉ có một mình
Như-Lai tịch diệt Niết-bàn. Thật vậy, bây giờ chỉ có một mình Như-Lai giáo huấn
các con, theo dạy dỗ các con. Sau khi Như-Lai tịch diệt Niết-bàn rồi, thì có
84.000 pháp môn ấy là “Đức Tôn Sư” sẽ giáo huấn các
con, theo dạy dỗ các con.)
Trên đây là đoạn Chú-giải mà chính Đức-Phật đã giảng
giải, chỉ dạy cho các hàng thanh-văn đệ-tử nên hiểu biết rõ rằng:
“Sau khi Đức-Phật đã tịch diệt Niết-bàn rồi, không
phải không còn Đức Tôn-Sư, mà khi ấy, 84.000 pháp- môn chính là Đức
Tôn-Sư sẽ giáo huấn, sẽ theo dạy dỗ các hàng thanh-văn đệ-tử.”
Tam-Tạng Pāḷi (Tipiṭakapāḷi)
Toàn giáo-pháp của Đức-Phật, nếu phân chia theo tạng
thì có ba tạng:
I- Tạng Luật Pāḷi (Vinayapiṭakapāḷi).
II- Tạng Kinh Pāḷi (Suttantapiṭakapāḷi).
III- Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi (Abhidhammapiṭakapāḷi).
I- Tạng Luật Pāḷi (Vinayapiṭakapāḷi)
Tạng Luật Pāḷi gồm những lời răn dạy của Đức-Phật. Đức-Phật
đã ban hành những điều-giới tỳ-khưu, tỳ- khưu-ni, những pháp-hành tăng-sự, những
điều cho phép và những điều không cho phép, những việc nên làm và những việc
không nên làm, v.v...
Tạng Luật Pāḷi có 5 Bộ:
I.1- Bộ Pārājikapāḷi gồm có những điều-giới:
- 4 điều-giới Pārājika.
- 13 điều-giới Saṃghādisesa.
- 2 điều-giới Aniyata.
- 30 điều-giới Nissaggiya pācittiya, …
I.2- Bộ Pācittiyapāḷi gồm có những điều-giới:
- 92 điều-giới Suddha pācittiya.
- 4 điều-giới Pāṭīdesanīya.
- 75 điều-giới Sekhiya.
- 7 điều Adhikaraṇasamatha.
- Những điều-giới của tỳ-khưu ni.
I.3- Bộ Mahāvaggapāḷi (Tạng Luật)
Trong bộ luật Mahāvagga Pāḷi này, Đức-Phật thuyết
giảng về chuyện chứng đắc thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác,
thuyết pháp kinh Chuyển-Pháp-Luân đầu tiên tế độ nhóm 5 tỳ-khưu, Đức-Phật ban
hành phép xuất-gia thọ sadi, tỳ-khưu, v.v...
I.4- Bộ Cūḷavaggapāḷi
Trong bộ luật Cūḷavagga Pāḷi này, Đức-Phật ban hành
nhiều pháp-hành tăng-sự đến chư tỳ-khưu. Bộ này, lần đầu tiên Đức-Phật cho phép
bà Mahāpajāpatigotamī xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni trong giáo-pháp của Đức-Phật,
cùng với 500 cận-sự-nữ dòng Sakya cùng xuất gia thọ tỳ-khưu-ni, v.v...
I.5- Bộ Parivārapāḷi
Trong bộ luật Parivāra Pāḷi này, Đức-Phật ban hành nhiều
điều liên quan đến giới và nhiều vấn đề khác, ...
Đó là 5 bộ trong Tạng Luật Pāḷi mà chỉ có Đức-Phật duy
nhất chế định và ban hành đến chư tỳ-khưu, tỳ-khưu ni, … mà thôi. Còn các hàng
Thánh thanh-văn đệ-tử không có khả năng chế định ra điều-giới và các pháp- hành
tăng-sự, ... Các điều-giới, các pháp-hành tăng-sự mà Đức-Phật đã chế định và đã
ban hành rồi, các hàng thanh-văn đệ-tử cần phải nên nghiêm chỉnh hành theo mà
không được phép sửa đổi, thêm hoặc bớt điều nào cả.
Tạng Luật Pāḷi có ba đặc tính đặc biệt
- Đức-Phật thuyết giảng bằng pháp lệnh (aṇādesanā).
- Đức-Phật giáo-huấn tùy theo lỗi
(yathāparādhasāsana).
- Đức-Phật răn dạy tỳ-khưu giữ gìn cẩn trọng thân và
khẩu (saṃvarāsaṃvarakāthā).
1- Đức-Phật thuyết giảng bằng pháp lệnh như thế
nào?
Đức-Phật đã chế định ra điều-giới, các pháp-hành
tăng-sự, điều cho phép và không cho phép, việc nên làm và không nên làm, ... đến
chư tỳ-khưu, chư tỳ-khưu-ni.
Chư tỳ-khưu, chư tỳ-khưu-ni phải nghiêm chỉnh hành
theo những điều mà Đức-Phật đã chế định, không được thêm vào hoặc bớt ra. Nếu vị
nào cố ý sai phạm điều nào thì vị ấy phải chịu tội nặng hay nhẹ, tùy theo mỗi
điều- giới ấy.
Đức-Phật là Bậc độc nhất chế định và ban hành Tạng- luật,
còn các hàng Thánh thanh-văn đệ-tử không được phép chế định một điều nào cả.
2- Đức-Phật giáo huấn tùy theo lỗi như thế nào?
Khi nào tỳ-khưu hoặc tỳ-khưu ni bị phạm lỗi lần đầu
tiên, bị người đời hoặc chư-thiên chê trách, làm tổn thương đến uy tín của chư
tỳ-khưu-tăng. Khi ấy, Đức- Phật mới chế định điều-giới, ban hành đến chư tỳ-khưu,
tỳ-khưu-ni, để đem lại 10 điều lợi ích như sau:
2.1- Saṃghasuṭṭhutāya: Để đem lại sự tốt lành
cho tỳ- khưu-Tăng, tỳ-khưu-ni-Tăng.
2.2- Saṃghaphāsutāya: Để đem lại sự an lành cho
tỳ- khưu-Tăng, tỳ-khưu-ni-Tăng.
2.3- Dummaṅkūnaṃ puggalānaṃ niggahāya: Để khiển
trách tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni phá giới, khó dạy không biết hổ-thẹn tội-lỗi và không
biết ghê-sợ tội-lỗi.
2.4- Pesalānaṃ bhikkhūnaṃ phāsuviharāya: Để đem
lại sự an lành đến những tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni biết kính yêu giới.
2.5- Diṭṭhadhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya: Để
ngăn ngừa những tai họa xảy ra trong kiếp hiện-tại.
2.6- Samparāyikānaṃ āsavānaṃ paṭighātāya: Để
tránh khỏi tai họa tái-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ,
súc-sinh) trong kiếp vị-lai.
2.7- Appasannānaṃ pasādāya: Để làm cho phát
sinh đức-tin đến những người chưa có đức-tin nơi Tam-Bảo.
2.8- Pasannānaṃ bhiyyo bhavāya: Để làm tăng trưởng
thêm đức-tin cho những người đã có đức-tin nơi Tam-Bảo.
2.9- Saddhammaṭṭhitiyā: Để làm cho chánh-pháp
“pháp-học chánh-pháp, pháp-hành chánh-pháp, pháp- thành chánh-pháp” được trường
tồn lâu dài.
2.10- Vinayānuggahāya: Để giữ gìn hộ trì giới
luật được nghiêm minh.
Sau khi có tỳ-khưu hoặc tỳ-khưu ni phạm lỗi đầu tiên, thì
Đức-Phật mới chế định ra điều-giới. Cho nên, những tỳ-khưu nào, tỳ-khưu-ni nào
phạm lỗi đầu tiên, tỳ-khưu ấy, tỳ-khưu-ni ấy không phải phạm điều-giới ấy.
Đức-Phật chế định điều-giới nặng hoặc nhẹ, tùy theo lỗi
nặng hoặc nhẹ. Sau khi Đức-Phật đã chế định điều- giới nào rồi, ban hành đến tỳ-khưu,
tỳ-khưu-ni, nếu tỳ- khưu nào, tỳ-khưu-ni nào cố ý phạm điều-giới ấy thì tỳ-
khưu ấy, tỳ-khưu-ni ấy đã phạm điều-giới ấy.
3- Đức-Phật răn dạy tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni giữ gìn cẩn
trọng thân và khẩu như thế nào?
Đức-Phật ban hành điều-giới đến tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cốt
để răn dạy tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni biết giữ gìn cẩn trọng thân và khẩu, tránh xa mọi
hành ác do thân và khẩu.
Tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni giữ gìn điều-giới được trong sạch,
có thể diệt được phiền-não loại thô (vitikkama-kilesa), để làm nền tảng cho
pháp-hành thiền-định, pháp- hành thiền-tuệ được phát triển.
Đó là những đặc tính đặc biệt của Tạng Luật Pāḷi.
Tỳ-khưu-giới
Đức-Phật chế định, ban hành điều-giới của tỳ-khưu
trong Bhikkhupātimokkhasīla có 227 điều-giới như sau:
1- Pārājika: Giới bại hoại có 4 điều-giới.
2- Saṃghādisesa: Giới hành phạt có 13 điều-giới.
3- Aniyata: Giới bất định có 2 điều-giới.
4- Nissaggiya pācittiya: Xả rồi sám hối có 30
điều-giới nghĩa là tỳ-khưu phải xả bỏ vật bị phạm giới trước, sau đó mới xin
sám hối (pācittiya āpatti).
5- Suddha pācittiya: Giới sám hối lỗi có 92 điều-giới.
6- Pāṭidesanīya: Giới sám hối riêng rẽ có 4 điều-giới.
7- Sekhiya: Giới hành có 75 điều-giới.
8- Adhikaraṇasamatha: Pháp giảng hòa có 7 pháp.
Tuy nhiên, trong Tạng Luật Pāḷi gom tất cả mọi điều-giới
của tỳ-khưu đầy đủ có 91.805.036.000 điều-giới.
Như trong bộ Visuddhimagga dạy:
“Navakoṭisahassāni, asitisatakoṭiyo.
Paññāsasatasahassāni, chattiṃsa ca punāpare. Ete saṃvaravinayā, Sambuddhena
pakāsitā.
Peyyālamukhena niddiṭṭhā, sikkhā vinayasaṃvare.”(8)
Đức-Phật đã chế định những điều-giới trong Tạng Luật
Pāḷi theo cách tính rộng thì gồm có 91.805.036.000 điều-giới, giữ gìn cẩn trọng
thân và khẩu tránh xa mọi hành-ác.
Tỳ-khưu-ni giới
Đức-Phật chế định ban hành điều-giới của tỳ-khưu-ni Bhikkhunipātimokkhasīla
gồm có 311 điều-giới như sau:
1- Pārājika có 8 điều-giới.
2- Saṃghādisesa có 17 điều-giới.
3- Nissaggiya pācittiya có 30 điều-giới.
4- Suddha pācittiya có 166 điều-giới.
5- Pāṭidesanīya có 8 điều-giới.
6- Sekhiya có 75 điều-giới.
7- Adhikaraṇasamatha có 7 pháp.
Tên điều-giới |
Tỳ-khưu-giới |
1- Điều-giới Pārājika có |
4 điều-giới |
2- Điều-giới Saṃghādisesa có |
13 điều-giới |
3- Điều-giới Aniyata có |
2 điều-giới |
4- Điều-giới Nissaggiya pācittiya có |
30 điều-giới |
5- Điều-giới Suddha pācittiya có |
92 điều-giới |
6- Điều-giới Pāṭidesanīya có |
4 điều-giới |
7- Điều-giới Sekhiya có |
75 điều-giới |
8- Điều-giới Adhikaraṇasamatha có |
7 điều-giới |
227 điều-giới |
Tên điều-giới |
Tỳ-khưu-ni giới |
1- Điều-giới Pārājika có |
8 điều-giới |
2- Điều-giới Saṃghādisesa có |
17 điều-giới |
3- Điều-giới Nissaggiya pācittiya có |
30 điều-giới |
4- Điều-giới Suddha pācittiya có |
166 điều-giới |
5- Điều-giới Pāṭidesanīya có |
8 điều-giới |
6- Điều-giới Sekhiya có |
75 điều-giới |
7- Điều-giới Adhikaraṇasamatha có |
7 điều-giới |
311 điều-giới |
Phạm giới Āpatti
Tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni phạm giới Āpatti có 7 loại
1- Pārājika āpatti: Phạm giới bại hoại. Mất phẩm
hạnh tỳ-khưu, tỳ-khưu ni.
2- Saṃghādisesa āpatti: Phạm giới hành phạt.
Xin chư Tăng hình phạt.
3- Thullaccaya āpatti: Phạm giới nặng. Lỗi kém
thua hai giới trên.
4- Pācittiya āpatti: Phạm giới sám hối lỗi.
5- Pāṭidesanīya āpatti: Phạm giới sám hối riêng rẽ.
6- Dukkaṭa āpatti: Phạm giới hành bậy.
7- Dubbhāsita āpatti: Phạm giới nói bậy.
Phạm giới āpatti có 7 loại chia làm 2 loại chính:
1- Phạm giới āpatti nặng có hai loại
* Pārājika āpatti: Nếu tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni nào
phạm một trong những điều-giới nặng này thì tỳ-khưu, tỳ- khưu-ni ấy bị mất phẩm-hạnh
tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, họ phải hoàn tục trở lại người tại gia (hoặc xuống trở
thành sa-di suốt đời).
* Saṃghādisesa āpatti: Nếu tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni
nào phạm một trong những điều-giới nặng này thì tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni ấy tuy còn
phẩm-hạnh tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, nhưng vị ấy phải biết xin chịu hành phạt theo luật
của Đức-Phật ban hành: hành parivāsakamma, hành mānatta- kamma và hành
abbhānakamma, để cho giới của mình được trở lại trong sạch.
2- Phạm giới āpatti nhẹ có 5 loại
Thullaccaya āpatti, pācittiya āpatti, pāṭidesanīya
āpatti, dukkaṭa āpatti, dubbhāsita āpatti. Nếu tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni nào phạm
một trong 5 loại giới này thì tỳ- khưu, tỳ-khưu-ni ấy có thể xin sám hối với một
vị tỳ-khưu khác, để cho giới của mình được trở lại trong sạch.
Quả báu của sự giữ gìn giới
Trong Tạng Luật Pāḷi bộ Parivāra Pāḷi, Đức-Phật thuyết
dạy tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni giữ gìn giới của mình cho được trong sạch trọn vẹn, có
được quả báu theo nhân quả tuần tự như sau:
1- Giữ gìn giới trong sạch trọn vẹn đem lại lợi ích
là giữ gìn cẩn trọng 6 môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) được thanh-tịnh.
2- Có giữ gìn cẩn trọng 6 môn được thanh-tịnh đem lại
lợi ích là tâm không nóng nảy, tâm mát mẻ.
3- Tâm mát mẻ đem lại lợi ích là có tâm hài lòng
hoan-hỷ.
4- Tâm hài lòng hoan-hỷ đem lại lợi ích là pháp-hỷ.
5- Pháp-hỷ đem lại lợi ích là pháp an-tịnh.
6- Pháp an-tịnh đem lại lợi ích là pháp an-lạc.
7- Pháp an-lạc đem lại lợi ích là pháp thiền-định.
8- Pháp thiền-định đem lại lợi ích là trí-tuệ-thiền-tuệ
thấy rõ, biết rõ thật-tánh của ngũ-uẩn.
9- Trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của
ngũ- uẩn đem lại lợi ích là trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán ngũ-uẩn.
10- Trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán ngũ-uẩn đem lại lợi
ích là diệt tận được tham-ái bằng 4 Thánh-đạo-tuệ.
11- Diệt tận được tham-ái đem lại lợi ích là giải
thoát khổ bằng 4 Thánh-quả-tuệ.
12- Giải thoát khổ bằng 4 Thánh-quả-tuệ đem lại lợi
ích cho trí-tuệ quán-triệt biết rõ giải thoát khổ rồi.
13- Trí-tuệ quán-triệt biết rõ giải thoát khổ rồi đem
lại lợi ích là tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Hành-giả giữ gìn giới được trong sạch trọn vẹn làm nền
tảng đem lại nhiều lợi ích cho mọi thiện-pháp, cho pháp-hành thiền-định,
pháp-hành thiền-tuệ, cho đến lợi ích cao thượng là chứng ngộ chân-lý tứ
Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh
luân-hồi trong tam-giới.
Quả báu của việc học Tạng Luật Pāḷi
Trong Tạng Luật Pāḷi bộ Parivāra Pāḷi, Ngài Trưởng-
lão Upāli bạch hỏi Đức-Thế-Tôn về quả báu của việc học Tạng Luật Pāḷi. Đức-Phật
dạy rằng:
- Này Upāli! Tỳ-khưu học Tạng Luật Pāḷi có được 5
quả báu là:
1- Chính mình biết giữ gìn giới luật được trong sạch.
2- Mình là nơi nương nhờ của những người khác, họ đến
học hỏi để hiểu rõ giới luật.
3- Người có thiện-tâm dũng cảm trong các hội chúng.
4- Người thắng kẻ thù bên trong là phiền-não và kẻ thù
bên ngoài bằng chánh-pháp.
5- Người hành theo chánh-pháp để duy trì chánh-pháp được
trường tồn.
Đó là 5 quả báu của việc học rành rẽ Tạng Luật Pāḷi.
II- Tạng Kinh Pāḷi (Suttantapiṭakapāḷi)
Tạng Kinh Pāḷi là tạng gồm có nhiều bài kinh,
bài kệ mà Đức-Phật đã thuyết giảng, cũng có một số bài kinh, bài kệ có lời của
chư Thánh A-ra-hán, chư-thiên, chư phạm-thiên, Đức-vua, Sa-môn, Bà-la-môn, …
trong các bài kinh ấy. Những bài kinh, bài kệ ấy được Đức-Phật nhắc lại hoặc
xác nhận thì xem như lời dạy của Đức-Phật.
Tạng Kinh Pāḷi gồm có 5 bộ lớn:
II.1- Trường-Bộ-kinh Pāḷi (Dīghanikāyapāḷi): gồm
có những bài kinh dài.
II.2- Trung-Bộ-kinh Pāḷi (Majjhimanikāyapāḷi): gồm
có những bài kinh loại trung.
II.3- Đồng-Loại Bộ-kinh Pāḷi (Saṃyuttanikāyapāḷi):
gồm những bài kinh có điểm giống gom thành nhóm.
II.4- Chi-Bộ-kinh Pāḷi (Aṅguttaranikāyapāḷi): gồm
những bài kinh có chi-pháp rõ ràng.
II.5- Tiểu-Bộ-kinh Pāḷi (Khuddakanikāyapāḷi): gồm
những bài kinh, bài kệ không có trong 4 bộ trên, được gom vào Tiểu-Bộ-kinh này.
Tạng Kinh Pāḷi có ba đặc tính đặc biệt
- Đức-Phật thuyết pháp dùng ngôn ngữ thích hợp
(vohāradesanā).
- Đức-Phật giáo huấn tùy theo căn duyên chúng-sinh
(yathānulomasāsana).
- Đức-Phật thuyết dạy chúng-sinh diệt được tà-kiến (diṭṭhiviniveṭhanakathā).
1- Đức-Phật thuyết pháp dùng ngôn ngữ thích hợp như thế nào?
Đức-Phật thuyết pháp bằng cách dùng ngôn ngữ thích hợp
đối với mỗi chúng-sinh. Cho nên, Đức-Phật thuyết pháp tế độ chúng-sinh gồm có
nhiều hạng chúng-sinh khác nhau như tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự- nữ,
Vua chúa, Bà-la-môn, dân chúng, cho đến chư-thiên, chư phạm-thiên, v.v...
Mỗi khi chúng-sinh lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp, họ
đều hiểu rõ ràng chánh-pháp, bởi do ngôn ngữ thích hợp theo trình độ riêng của
mỗi chúng-sinh.
Vì vậy, sau khi nghe pháp xong, có số trở thành bậc
Thánh Nhập-lưu, có số trở thành bậc Thánh Nhất-lai, có số trở thành bậc Thánh Bất-lai,
có số trở thành bậc Thánh A-ra-hán, tùy theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật
và 5 pháp-chủ: tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ
pháp-chủ của mỗi chúng-sinh.
Cũng có số chúng-sinh chưa trở thành bậc Thánh- nhân,
họ đang tạo duyên lành, bồi bổ các pháp-hạnh ba- la-mật để chứng đắc Thánh-đạo,
Thánh-quả trong thời vị-lai kiếp này, hoặc kiếp sau.
2- Đức-Phật giáo huấn tùy theo căn duyên chúng-sinh
như thế nào?
Đức-Phật có hai loại trí-tuệ đặc biệt là:
- Indriyaparopariyattañāṇa: Trí-tuệ biết rõ 5 pháp-
chủ già dặn hoặc non nớt của mỗi chúng-sinh.
- Āsayānusayañāṇa: Trí-tuệ biết rõ phiền-não trầm luân
ngấm ngầm của mỗi chúng-sinh.
Cho nên, Đức-Phật biết rõ được chúng-sinh có duyên
lành chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, hoặc không chứng đắc, nên
Đức-Phật thuyết pháp tế độ phù hợp với duyên lành của chúng-sinh ấy.
Khi chúng-sinh ấy lắng nghe chánh-pháp của Đức- Phật dễ
dàng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn,
diệt tận được phiền- não, tham-ái, trở thành bậc Thánh-nhân.
Ví như một vị thầy thuốc có tài đức, biết chẩn bệnh
chính xác, biết rõ căn bệnh của bệnh nhân, liền bốc thuốc tốt nên bệnh nhân mau
lành bệnh.
3- Đức-Phật thuyết dạy chúng-sinh diệt tà-kiến như thế nào?
Đức-Phật biết rõ mỗi chúng-sinh có tà-kiến khác nhau
(trong 62 loại tà-kiến), nên Đức-Phật thuyết dạy chúng- sinh ấy phát sinh
chánh-kiến, nên diệt được tà-kiến theo chấp ngã, các loại tà-kiến khác cũng bị
diệt cùng một lúc, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc
Thánh-nhân một cách dễ dàng.
Đó là ba đặc tính đặc biệt của Tạng Kinh.
III- Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi (Abhidhammapiṭakapāḷi)
Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm những
chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) cao siêu, vi diệu, là những pháp có thật-tánh
rõ ràng như: thiện-pháp (kusaladhamma), bất-thiện-pháp (akusaladhamma), không
phải thiện- pháp, không phải bất-thiện pháp (abyākatadhamma), …
Những pháp ấy được phân chia ra là ngũ-uẩn, 12 xứ, 18
tự tánh, ... tâm (citta), tâm-sở (cetasika), sắc-pháp (rūpa), Niết-bàn
(Nibbāna), thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) không phải ta, không phải
người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng-sinh, … chỉ là
những thật-tánh-pháp mà thôi.
Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi được Đức-Phật
thuyết tại cung trời Tam-thập-Tam-thiên vào mùa hạ thứ 7 của Đức- Phật, để tế độ
Phật-mẫu mà kiếp hiện-tại là vị thiên-nam Santussita ở cõi trời Đâu-suất-đà-thiên.
Vị thiên-nam Santussita hiện xuống cung trời Tam-thập-Tam-thiên lắng nghe Đức-Phật
thuyết Tạng Vi-diệu-pháp này suốt ba tháng hạ (9). Vị thiên-nam Santussita trở thành bậc Thánh Nhập-lưu cùng
với 800 tỷ chư-thiên, chư phạm- thiên cũng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn
cao thấp tùy theo năng lực của pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín
pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm- pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ pháp-chủ của mỗi vị.
Đức-Phật thuyết giảng Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi trên cung
trời Tam-thập-Tam-thiên, mỗi ngày đến giờ đi khất thực, Đức-Phật-hóa tiếp tục
thuyết giảng, còn Đức-Phật thật ngự đi khất thực nơi Bắc-cưu-lưu-châu, rồi ngự
đến hồ nước Anotatta tại rừng núi Himavanta, Đức-Phật thọ thực. Khi ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão
Sāriputta mỗi ngày đến hầu phục vụ Đức-Phật. Sau khi thọ thực xong, Đức- Phật
thuyết giảng lại Vi-diệu-pháp tóm lược ngày hôm ấy cho Ngài Đại-Trưởng-lão.
Đức-Phật ngự trở lại cung trời thay thế Đức-Phật-hóa
tiếp tục thuyết giảng Tạng Vi-diệu-pháp.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta trở về dạy lại bằng cách
khai triển đầy đủ cho nhóm 500 đệ-tử của Ngài.
Như vậy, suốt ba tháng hạ mùa mưa, Đức-Phật thuyết giảng
Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi trên cung trời Tam-thập- Tam-thiên, thì tại cõi người,
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta cũng giảng dạy lại cho nhóm 500 đệ-tử thông thuộc,
thấu suốt Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi. Về sau Tạng Vi- diệu-pháp Pāḷi được lưu truyền
rộng rãi đến các hàng thanh-văn đệ-tử cho đến ngày nay.
Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi gồm có 7 bộ
III.1- Bộ Dhammasaṅgaṇīpāḷi: Bộ
Pháp-hội-tụ gồm tất cả các chân-nghĩa-pháp
thành nhóm Mātikā pháp đầu đề, có tất cả 132 mātikā chia làm hai loại:
- Tika mātikā: Pháp đầu đề có ba chi-pháp gồm có 32 mātikā. Duka mātikā:
Pháp đầu đề có hai chi-pháp gồm có 100 mātikā, …
III.2- Bộ Vibhaṅgapāḷi: Bộ Pháp-phân-tích gồm các pháp phân tích thành 18 loại,
uẩn (khandha), xứ (āyatana), tự tánh (dhātu), v.v…
III.3- Bộ Dhātukathāpāḷi: Bộ
Pháp-phân-loại gồm các pháp phân loại thành
ngũ-uẩn (khandha), 12 xứ (āyatana), 18 tự-tánh (dhātu), tứ đế (sacca)…
III.4- Bộ Puggalapaññattipāḷi: Bộ
Pháp-nhân-chế-định phân biệt các hạng người
khác nhau.
III.5- Bộ Kathāvatthupāḷi: Bộ Pháp-luận-đề đặt vấn đề phá tan mọi tà thuyết, trở lại Chánh-pháp.
III.6- Bộ Yamakapāḷi: Bộ Pháp-song-đối
gồm các câu hỏi, câu trả lời đi đôi với
nhau từng cặp.
III.7- Bộ Paṭṭhānapāḷi: Bộ Pháp-duyên-hệ giải về 24 duyên (paccaya) có quan hệ
với nhau.
Bộ Pháp-duyên-hệ này là bộ lớn và rộng nhất,
sâu sắc và vi-diệu nhất trong Phật-giáo.
Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi có ba đặc tính đặc biệt
- Đức-Phật thuyết giảng về chân-nghĩa-pháp
(Paramatthadesanā).
- Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh tùy theo
căn duyên để diệt tà-kiến chấp-ngã (yathādhamma- sāsana).
- Đức-Phật thuyết giảng phân tích sắc-pháp, danh- pháp
(nāmarūpaparicchedakathā).
1- Đức-Phật thuyết giảng về chân-nghĩa-pháp như thế
nào?
Đức-Phật chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không
thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi
tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên
gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, có danh hiệu là Đức-Phật
Gotama.
Đức-Phật thông hiểu thấu suốt tất cả các chân-nghĩa-
pháp (paramatthadhamma) đó là tâm (citta), tâm-sở (cetasika), sắc-pháp (rūpa)
và Niết-bàn (Nibbāna).
Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có Ñeyyadhamma (10) đầy đủ năm pháp đặc biệt, nên Đức-Phật có khả năng chế định
ra ngôn ngữ để thuyết giảng chân-nghĩa-pháp, thuyết dạy Tạng Vi-diệu-pháp này.
Ngoài Đức-Phật ra, không có một vị đạo-sư nào có khả
năng thuyết giảng chân-nghĩa-pháp này, bởi vì họ không phải là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
2- Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh tùy
theo căn duyên để diệt tà-kiến chấp-ngã như thế nào?
Đức-Phật biết rõ tà-kiến theo chấp ngã của chúng- sinh
khác nhau như:
* Số chúng-sinh có tà-kiến theo chấp danh-pháp cho là ta
(ngã) nặng hơn là chấp sắc-pháp cho là ta (ngã).
Để tế độ nhóm chúng-sinh ấy, Đức-Phật thuyết pháp
ngũ-uẩn (pañcakkhandha) là pháp vô-ngã (anattā), bởi vì trong ngũ-uẩn có 4
danh-uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn thuộc về danh-pháp tam-giới là
pháp vô-ngã (anattā), còn một sắc-uẩn thuộc về sắc- pháp cũng là pháp vô-ngã.
* Số chúng-sinh có tà-kiến theo chấp sắc-pháp cho là
ta (ngã) nặng hơn là chấp danh-pháp tam-giới cho là ta.
Để tế độ nhóm chúng-sinh này, Đức-Phật thuyết pháp 12
xứ (12 āyatana) là pháp vô-ngã (anattā), bởi vì trong 12 xứ, có 10 xứ: nhãn-xứ,
nhĩ-xứ, tỷ-xứ, thiệt-xứ, thân- xứ, và sắc-xứ, thanh-xứ, hương-xứ, vị-xứ, xúc-xứ
thuộc về sắc-pháp là pháp vô-ngã (anattā). Còn lại ý-xứ thuộc về danh-pháp và
phần pháp-xứ thuộc về sắc-pháp, danh-pháp cũng là pháp vô-ngã.
* Số chúng-sinh có tà-kiến theo chấp danh-pháp và sắc-pháp
tương đương cho là ta (ngã).
Để tế độ nhóm chúng-sinh ấy, Đức-Phật thuyết pháp 18
tự-tánh (11) (18 dhātu)
là pháp vô-ngã (anattā), bởi vì trong 18 tự-tánh, có 10 tự-tánh:
nhãn-tự-tánh, nhĩ-tự- tánh, tỷ-tự-tánh, thiệt-tự-tánh, thân-tự-tánh, và sắc-tự-
tánh, thanh-tự-tánh, hương-tự-tánh, vị-tự-tánh, xúc-tự- tánh thuộc về sắc-pháp
là pháp vô-ngã (anattā). Còn lại 7 tự-tánh khác: nhãn-thức-tự-tánh, nhĩ-thức-tự-tánh,
tỷ- thức-tự-tánh, thiệt-thức-tự-tánh, thân-thức-tự-tánh, ý-tự- tánh, ý-thức-tự-tánh
thuộc về danh-pháp là pháp vô-ngã (anattā). Riêng pháp-tự-tánh thuộc về
danh-pháp và sắc-pháp cũng là pháp vô-ngã, v.v...
Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh thấy rõ, biết
rõ tất cả các pháp là pháp vô-ngã (anattā), không phải ta, không phải đàn ông,
không phải đàn bà, không phải chúng-sinh, ... để diệt tà-kiến theo chấp ngã.
3- Đức-Phật thuyết giảng phân tích sắc-pháp, danh- pháp tam-giới như thế
nào?
Đức-Phật thuyết giảng phân tích cho chúng-sinh thấy
rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp tam-giới thuộc về pháp hữu-vi; mỗi sắc-pháp, mỗi
danh-pháp tam-giới, có thật- tánh-pháp, có trạng-thái riêng, có sự sinh, sự diệt,
nên có
3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái
khổ, trạng-thái vô-ngã, để diệt tâm tà-kiến thấy sai chấp lầm từ sắc-pháp từ
danh-pháp tam-giới cho là tự ngã của ta, diệt tâm tham-ái trong sắc-pháp,
danh-pháp tam- giới cho là của ta, diệt tâm ngã-mạn chấp sắc-pháp, danh-pháp
tam-giới cho là ta hơn người, ta bằng người, ta kém thua người, ...
Đó là ba đặc tính đặc biệt của Tạng Vi-diệu-pháp.
Quả báu của sự học Tam-Tạng
Pāḷi
* Hành-giả theo học và hành nghiêm chỉnh đúng đắn theo
Tạng Luật Pāḷi, giữ gìn giới đức trong sạch trọn vẹn.
Hành-giả có giới trong sạch trọn vẹn làm nền tảng,
nương nhờ giới, thực hành pháp-hành thiền-định và thực hành pháp-hành thiền-tuệ
dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-
bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tam- minh (12) do năng lực quả báu của pháp-học Tạng Luật Pāḷi.
* Hành-giả học thông-thuộc Tạng Kinh Pāḷi có giới
trong sạch thanh-tịnh làm nền tảng, thực hành pháp- hành thiền-định dẫn đến chứng
đắc bát-thiền.(13)
Hành-giả dùng bậc thiền làm nền tảng, nương nhờ bậc
thiền làm đối-tượng, thực hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ
chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở
thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với lục thông (14) do năng lực quả báu của pháp-học Tạng Kinh Pāḷi.
* Hành-giả học thông-thuộc Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi
có giới và định làm nền tảng, thực hành pháp-hành thiền-tuệ
dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả,
Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tứ tuệ-phân-tích
(15), do năng lực quả báu của pháp-học Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi.
Ngũ-Bộ Pāḷi (Pañcanikāyapāḷi)
Toàn giáo-pháp của Đức-Phật, nếu phân chia theo bộ
(nikāya), thì có 5 bộ gồm có 40 quyển căn cứ theo kỳ kết tập Tam-Tạng Pāḷi lần
thứ 6 tại động Kaba Aye, Yangon xứ Myanmar.
- Trường-Bộ-Kinh Pāḷi (Dīghanikāyapāḷi).
- Trung-Bộ-Kinh Pāḷi (Majjhimanikāyapāḷi).
- Đồng-Loại-Bộ-Kinh Pāḷi (Saṃyuttanikāyapāḷi).
- Chi-Bộ-Kinh Pāḷi (Aṅguttaranikāyapāḷi).
- Tiểu-Bộ-Kinh Pāḷi (Khuddakanikāyapāḷi).
1- Trường-bộ-kinh Pāḷi là gì?
Trường-bộ-kinh Pāḷi gồm có 34 bài kinh dài chia làm 3 quyển:
1- Sīlakkhandhavaggapāḷi gồm có 13 bài kinh dài.
2- Mahāvaggapāḷi gồm có 10 bài kinh dài.
3- Pāthikavaggapāḷi gồm có 11 bài kinh dài.
2- Trung-bộ-kinh Pāḷi là gì?
Trung-bộ-kinh Pāḷi gồm có 152 bài kinh loại
vừa chia làm 3 quyển:
1- Mūlapaṇṇāsapāḷi: có 5 chương, mỗi chương có
10 bài kinh trung bình, gồm có 50 bài kinh loại vừa.
2- Majjhimapaṇṇāsapāḷi: có 5 chương, mỗi chương
có 10 bài kinh trung bình, gồm có 50 bài kinh loại vừa.
3- Uparipaṇṇāsapāḷi: có 5 chương, chương 1, 2,
3 và 5: mỗi chương có 10 bài kinh loại vừa, còn chương 4 có 12 bài kinh trung
bình, gồm có 52 bài kinh loại vừa.
3- Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi là gì?
Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi có 7.762 bài kinh dài,
ngắn khác nhau, đặc biệt bộ này những bài kinh có điểm đồng loại nhau, được gom
chung lại với nhau thành một chương riêng biệt.
Ví dụ: Những bài kinh liên quan đến chư-thiên gom
chung lại với nhau thành nhóm gọi là devatasaṃyutta. Những bài kinh liên quan đến
Đức-vua xứ Kosala gom chung lại thành chương gọi là Kosalasaṃyutta, v.v...
Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi có 5 bộ chia làm 3 quyển:
1- Sagāthavaggasaṃyuttapāḷi gồm có 11 chương và
Nidānavaggasaṃyuttapāḷi gồm có 10 chương.
2 - Khandhavaggasaṃyuttapāḷi gồm có 13 chương
và Sāḷāyatanasaṃyuttapāḷi gồm có 10 chương.
3- Mahāvaggasaṃyuttapāḷi gồm có 12 chương.
Như vậy, tổng cộng tất cả 56 chương gồm có 7.762 bài
kinh.
4- Chi-bộ-kinh Pāḷi là gì?
Chi-bộ-kinh Pāḷi gồm có những bài kinh có
chi-pháp. Những bài kinh có một chi-pháp, những bài kinh có hai chi-pháp,
v.v... cho đến những bài kinh có 11 chi-pháp.
* Những bài kinh có một chi-pháp gọi là: Ekakanipāta.
* Những bài kinh có các chi-pháp khác: Dukanipāta,
Tikanipāta, Catukkanipāta, Pañcakanipāta, … cho đến những bài kinh có 11
chi-pháp gọi là: Ekādasakanipāta.
Chi-bộ-kinh Pāḷi này có 11 nipāta, gom thành 3
quyển, gồm tất cả có 9.557 bài kinh ngắn dài khác nhau.
1- Ekaka-duka-tika-catukka nipātapāḷi.
2- Pañcaka-chakka-sattaka nipātapāḷi.
3- Aṭṭhaka-navaka-dasaka-ekādasaka nipātapāḷi.
5- Tiểu-bộ-kinh Pāḷi là gì?
Tiểu-bộ-kinh Pāḷi này gồm có tất cả các bài
kinh nào, quyển nào không có trong 4 bộ trên đều được gom vào Tiểu-bộ-kinh
Pāḷi này.
Tiểu-bộ-kinh Pāḷi gồm có Tạng Luật Pāḷi, Tạng
Vi- diệu-pháp Pāḷi và một phần Tạng Kinh Pāḷi còn lại gồm có 28 quyển:
* Tiểu-bộ-kinh Pāḷi phần Tạng Luật Pāḷi
có 5 bộ, có 5 quyển:
- Pārājikapāḷi.
- Pācittiyapāḷi.
- Mahāvaggapāḷi.
- Cūḷavaggapāḷi.
- Parivārapāḷi.
* Tiểu-bộ-kinh Pāḷi phần Tạng Vi-diệu-pháp
Pāḷi có 7 bộ, gồm có 12 quyển:
- Dhammasaṅgaṇīpāḷi.
- Vibhaṅgapāḷi.
- Dhātukathā và
- Puggalapaññattipāḷi.
- Kathāvatthupāḷi.
- Yamakapāḷi (3 quyển).
- Paṭṭhānapāḷi (5 quyển).
* Tiểu-bộ-kinh Pāḷi phần Tạng Kinh gồm
có 19 bộ, gồm có 11 quyển:
- Khuddakapāṭhapāḷi, Dhammapadagāthāpāḷi, Udāna- pāḷi,
Itivuttakapāḷi, Suttanipātapāḷi (gồm có 5 bộ).
- Vimānavatthupāḷi, Petavatthupāḷi, Theragāthāpāḷi,
Therīgāthāpāḷi (gồm có 4 bộ).
- Apādānapāḷi (phần 1).
- Apādānapāḷi (2), Buddhavaṃsapāḷi, Cariyapiṭakapāḷi.
- Mahāniddesapāḷi.
- Cūḷaniddesapāḷi.
- Jātakapāḷi (2 quyển).
- Paṭisambhidāmaggapāḷi.
- Nettipāḷi, Peṭakopādesapāḷi.
- Milindapañhāpāḷi.
Ngũ-bộ gồm có 40 quyển.
Cửu-Phần (Navaṅga)
Toàn giáo-pháp của Đức-Phật, nếu phân chia theo phần
(aṅga) thì có 9 phần như sau:
1- Suttapāḷi (Kinh): gồm những bài kinh
văn xuôi lẫn kệ, như kinh Maṅgalasuttapāḷi, Ratanasuttapāḷi và Tạng luật Pāḷi
cũng được gom chung vào phần Suttapāḷi này.
2- Geyyapāḷi (Kệ): gồm những bài kinh
hoàn toàn bằng những câu kệ (không có đoạn văn xuôi) như những bài kệ trong phần
Sagāthavaggasaṃyuttapāḷi, ...
3- Veyyākaraṇapāḷi (Kinh): gồm những bài
kinh hoàn toàn văn xuôi (không có kệ xen vào) như Dhamma-
cakkappavattanasuttapāḷi, Mahāsatipaṭṭhānasuttapāḷi,... và Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi
được gom chung vào trong phần Veyyākaraṇapāḷi này.
4- Gāthāpāḷi (Kệ): gồm những bài kệ
không có tên bài kinh như Dhammapadagāthāpāḷi, Theragāthāpāḷi, Therīgāthāpāḷi,
...
5- Udānapāḷi (Bài tự thuyết): gồm có 82
bài tự thuyết của Đức-Phật do tâm hoan-hỷ phát sinh.
6- Itivuttakapāḷi: gồm có 110 bài kinh,
thường bắt đầu có câu: Vuttam hetaṃ Bhagavatā, ... Điều này đúng như lời Đức-Thế-Tôn
dạy ...
7- Jātakapāḷi (Tiền-kiếp): những câu kệ
liên quan đến 547 tích tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, bắt đầu tích
Apannakajātakapāḷi và cuối cùng Vessantarajātakapāḷi.
8- Abhūtadhammapāḷi: gồm những bài kinh
có pháp phi thường chưa từng có từ trước (acchariyabhūta- dhammapāḷi), thường
khởi đầu bằng câu:
“Này chư tỳ-khưu, những pháp phi thường chưa từng
có từ trước ...” như bài kinh Pahārādasutta ...
9- Vedalla: gồm những bài kinh vấn
đáp bằng trí-tuệ hợp với hỷ như Cūḷavedallasuttapāḷi, Mahāvedallasutta- pāḷi,
Sakkapañhāsuttapāḷi, ...
84.000 Pháp-Môn (Dhammakkhandhapāḷi)
Toàn giáo-pháp của Đức-Phật, nếu phân chia thành
pháp-môn Pāḷi (Dhammakkhandhapāḷi) thì có 84.000 pháp-môn Pāḷi, trong bộ Tam-tạng
Pāḷi như sau:
1- Tạng Luật Pāḷi gồm có 21.000 Pháp-môn.
2- Tạng Kinh Pāḷi gồm có 21.000 Pháp-môn.
3- Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 42.000
Pháp-môn.
Phương pháp đếm pháp-môn trong Tam-Tạng Pāḷi
* Trong Tạng Luật Pāḷi: Mỗi chuyện làm nguyên
nhân đầu tiên để Đức-Phật chế định điều-giới, ban hành giới đến chư tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni
là một pháp-môn.
Mỗi nguồn gốc phát sinh, mỗi cách phạm giới, mỗi cách
không phạm giới, v.v... mỗi điều là một pháp-môn.
Như vậy, trong Tạng Luật gồm có 21.000 pháp-môn.
* Trong Tạng Kinh Pāḷi: Mỗi bài kinh có ý nghĩa
pháp liên tục là một pháp-môn.
Trong bài kinh có nhiều đoạn, mỗi đoạn có ý nghĩa pháp
riêng rẽ là một pháp-môn, mỗi câu hỏi, mỗi câu trả lời là một pháp-môn, v.v…
Như vậy, trong Tạng Kinh có 21.000 pháp-môn.
* Trong Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi: Pháp phân chia
mỗi tika, mỗi duka là một pháp-môn, phân loại tâm và tâm- sở đồng sinh là một
pháp-môn, v.v…
Như vậy, trong Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 42.000
pháp-môn.
Trong 84.000 pháp-môn Pāḷi này, Đức-Phật trực tiếp
thuyết dạy có 82.000 pháp-môn Pāḷi, còn 2.000 pháp- môn Pāḷi do chư bậc Thánh
A-ra-hán thuyết dạy.
Như Ngài Trưởng-lão Ānanda, bậc thủ kho tàng pháp-bảo
Pāḷi của Đức-Phật Gotama dạy trong bộ Theragāthāpāḷi, Ānandattheragāthā có câu
kệ rằng:
“Dvāsiti Buddhato gaṇhiṃ, dve sahassāni bhikkhuto.
Caturāsiti sahassāni, ye me dhammā pavattino.” (16)
“Tôi là Ā-nan-da,
Đã học từ kim ngôn Đức-Phật,
Được tám mươi hai ngàn pháp-môn,
Học từ chư Thánh A-ra-hán,
Gom nhặt được hai ngàn pháp-môn,
Tôi là thủ kho tàng pháp-bảo,
Trọn tám mươi bốn ngàn pháp-môn.”
Toàn giáo-pháp của Đức-Phật Gotama gồm có 84.000
pháp-môn Pāḷi vẫn còn lưu truyền trong các nước có truyền thống Phật-giáo
Theravāda (Phật-giáo nguyên-thủy) như nước Tích Lan (Srilankā), nước Miến Điện
(Myanmar), nước Thái-Lan, nước Campuchia, nước Lào, v.v…
Ngày nay, Phật-giáo Theravāda (Phật-giáo nguyên- thủy)
được truyền bá đến nhiều nước trên thế giới, trong số các nước ấy có Phật-giáo
nguyên-thủy Theravāda tại Việt-Nam.
Duy trì pháp-học Phật-giáo
Pháp-học Phật-giáo (Pariyattisāsana)
là toàn lời giáo huấn của Đức-Phật được ghi trong Tam-tạng Pāḷi và các bộ
Chú-giải Pāḷi là nền-tảng căn bản của Phật-giáo.
Khi pháp-học Phật-giáo còn tồn tại, thì pháp-hành
Phật-giáo mới mong được phát triển. Khi pháp-hành Phật-giáo được
phát triển tốt, thì pháp-thành Phật-giáo mới có thể phát sinh.
Nếu pháp-học Phật-giáo bị tiêu hoại, thì pháp-hành
Phật-giáo và pháp-thành Phật-giáo chắc chắn sẽ không còn nữa.
Vì vậy, chư Đại-Trưởng-lão, chư Trưởng-lão là những Bậc
thông-thuộc Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, tổ chức kết tập toàn giáo-pháp của
Đức-Phật, không để rời rạc, không cho thất lạc, rồi giữ gìn duy trì toàn bộ
pháp-học Phật-giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian, để đem lại sự lợi
ích, sự tiến hóa, sự an-lạc cho tất cả chúng-sinh nhất là chư-thiên và nhân-loại.
Kết Tập Tam-Tạng Pāḷi
Để giữ gìn duy trì pháp-học Phật-giáo cho được đầy đủ,
nguyên vẹn, không để rời rạc, không cho thất lạc, cho nên, chư Đại-Trưởng-lão,
chư Trưởng-lão đã kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi bằng tiếng Pāḷi trải
qua các thời-kỳ như sau:
Kỳ kết tập Tam-Tạng Pāḷi lần thứ nhất
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa đứng ra tổ chức kỳ kết
tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất, thời gian sau khi Đức-Phật tịch
diệt Niết-bàn 3 tháng 4 ngày, trong mùa an cư nhập hạ tại động Sattapaṇṇi gần
kinh-thành Rājagaha xứ Māgadha.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất
này gồm có 500 vị Thánh A-ra-hán có đầy đủ tứ tuệ-phân-tích, lục thông, … đặc
biệt thông-thuộc Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi. Ngài Đại-Trưởng-lão
Mahākassapa chủ trì đại hội, đọc tuyên ngôn đoạn cuối kết luận rằng:
“……Saṃgho appaññattaṃ nappaññapeti, paññattaṃ na
samucchindati, yathāpaññattesu sikkhāpadesu samādāya vattati, khamati saṃghassa,
tasmā tuṇhī evametaṃ dharayāmi.” (17)
“……Chư tỳ-khưu-Tăng! Không được phép chế-định thêm điều-giới
nào mà Đức-Phật không chế-định, không được phép xóa bỏ điều-giới nào mà Đức-Phật
đã chế-định. Chư tỳ-khưu Tăng cần phải giữ gìn, duy trì, thực hành nghiêm chỉnh
đúng theo các điều-giới mà Đức-Phật đã chế định. Tất cả chư tỳ-khưu-Tăng đều
hài lòng nên làm thinh. Tôi ghi nhận sự hài lòng này của quý vị bằng trạng-thái
làm thinh như vậy.”
Tất cả chư tỳ-khưu-Tăng gồm có 500 bậc Thánh A- ra-hán
đều đồng tâm nhất trí tuân theo lời tuyên ngôn của Ngài Đại-Trưởng-lão
Mahākassapa.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa chủ trì chất vấn Ngài
Trưởng-lão Upāli giải đáp về Tạng Luật, và chất vấn Ngài Trưởng-lão Ānanda giải
đáp về Tạng Kinh Pāḷi và Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi được thực hiện
suốt 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất
này bằng cách truyền khẩu (mukhapāṭha) chưa ghi chép bằng chữ viết.
Đức-vua Ajātasattu đất nước Māgadha là người hộ độ chư
Thánh A-ra-hán trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất
này.
Phân chia phận sự duy trì Tam-Tạng Pāḷi, Ngũ-Bộ
Sau khi kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi xong,
chư Thánh A-ra-hán phân công mỗi vị có bổn phận giữ gìn duy trì Tam-tạng Pāḷi
và Chú-giải Pāḷi như sau:
* Về Tạng Luật Pāḷi (Vinayapiṭakapāḷi)
thuộc về phận sự của Ngài Trưởng-lão Upāli. Ngài Trưởng-lão có bổn phận dạy Tạng
Luật Pāḷi và Chú-giải tạng Luật Pāḷi đến nhóm đệ-tử để giữ gìn duy trì Tạng Luật
Pāḷi và Chú-giải tạng Luật Pāḷi này.
Khi Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, Đức-Phật đã từng
tuyên dương Ngài Trưởng-lão Upāli là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử xuất sắc nhất về
trì luật trong các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.
* Về Trường-bộ-kinh Pāḷi (Dīghanikāyapāḷi)
thuộc về phận sự của Ngài Trưởng-lão Ānanda. Ngài Trưởng- lão có bổn phận dạy
Trường-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đến nhóm đệ-tử để giữ gìn duy trì Trường-bộ-kinh
Pāḷi và Chú-giải Trường-bộ-kinh Pāḷi này.
* Về Trung-bộ-kinh Pāḷi (Majjhimanikāyapāḷi)
thuộc về phận sự của nhóm đệ-tử của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta. Các vị Đại-đức
này có bổn phận dạy Trung- bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đến nhóm đệ-tử, để giữ
gìn duy trì Trung-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi này.
* Về Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi (Saṃyuttanikāyapāḷi)
thuộc về phận sự của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa. Ngài Đại-Trưởng-lão có bổn
phận dạy Đồng-loại-bộ- kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đến nhóm đệ-tử, để giữ gìn
duy trì Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi này.
* Về Chi-bộ-kinh Pāḷi (Aṅguttaranikāya)
thuộc về phận sự của Ngài Trưởng-lão Anuruddha. Ngài Trưởng- lão có bổn phận dạy
Chi-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đến nhóm đệ-tử, để giữ gìn duy trì Chi-bộ-kinh
Pāḷi và Chú-giải Pāḷi này.
* Về Tiểu-bộ-kinh Pāḷi (Khuddakanikāyapāḷi)
thuộc về phận sự chung của 500 chư Thánh A-ra-hán. Quý Ngài có bổn phận dạy Tiểu-bộ-kinh
Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đến các nhóm đệ-tử, để giữ gìn duy trì Tiểu-bộ-kinh Pāḷi
và Chú-giải Pāḷi này.
* Về Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi (Abhidhammapiṭaka-
pāḷi) gồm có 7 bộ lớn, thuộc phận sự chung của 500 chư Thánh A-ra-hán.
Quý Ngài có bổn phận dạy Tạng Vi- diệu-pháp Pāḷi và Chú-giải Tạng Vi-diệu-pháp
Pāḷi đến các nhóm đệ-tử, để giữ gìn duy trì Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi và Chú-giải
Pāḷi này.
Toàn giáo-pháp của Đức-Phật Gotama được kết tập lại đầy
đủ trọn vẹn. Ngài Đại-Trưởng-lão và chư Vị Trưởng-lão có bổn phận dạy cho các
hàng đệ-tử học thuộc lòng, ghi nhớ đầy đủ trọn vẹn Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi,
gìn giữ duy trì pháp-học Phật-giáo cho được trường tồn lâu dài trên thế gian, để
đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc cho tất cả chúng-sinh nhất là
chư-thiên và nhân-loại
Kết tập Tam-Tạng Pāḷi lần thứ nhì
Giáo-pháp của Đức-Phật được giữ gìn duy trì nguyên vẹn
đúng theo pháp-học Phật-giáo trải qua được 100 năm, thì có nhóm tỳ-khưu
Vajjīputta xứ Vesālī đặt ra 10 điều không hợp theo pháp-luật của Đức-Phật là:
1- Kappati siṅgīloṇakappo: Tỳ-khưu cất giữ muối
trong ống bằng sừng với tác-ý rằng:
“Muối dùng làm đồ gia vị món ăn ngày hôm sau, cũng được.”
2- Kappati dvaṅgulakappo: Tỳ-khưu thọ thực quá ngọ, mặt
trời ngả qua hai lóng tay, cũng được.
3- Kappati gāmantarakappo: Tỳ-khưu đã ngăn cản vật thực
rồi tự nghĩ rằng:
“Bây giờ ta đi vào xóm để dùng vật thực nữa, mà không
cần làm đúng theo luật, cũng được.”
4- Kappati āvasakappa: Trong cùng mahāsīmā có nhiều
nhóm riêng rẽ cùng hành uposathakamma, cũng được.
5- Kappati anumatikappo: Chư Tăng trong nhóm đang
hành-Tăng-sự nghĩ rằng:
“Sẽ cho phép tỳ-khưu đến sau, cũng được.”
6- Kappati āciṇṇakapo: Tỳ-khưu hành theo pháp mà thầy
tổ của mình thường thực hành, cũng được.
7- Kappati amathitakappo: Tỳ-khưu đã ngăn cản vật thực
rồi, dùng sữa tươi đã biến chất, chưa biến thành sữa chua, cũng được.
8- Kappati jaḷogiṃ pātuṃ: Tỳ-khưu uống rượu nhẹ chưa
thành chất say, cũng được.
9- Kappati adasakaṃ nisīdanaṃ: Tỳ-khưu dùng tọa cụ
không có đường lai, cũng được.
10- Kappati jātarūparajataṃ: Tỳ-khưu thọ nhận vàng bạc,
cũng được.
Đó là 10 điều do nhóm tỳ-khưu Vajjīputta đề xướng
không hợp theo pháp-luật của Đức-Phật.
Ngài Đại-Trưởng-lão Yassa Kākaṇḍakaputta nghe tin nhóm
tỳ-khưu Vajjīputta xứ Vesālī đặt ra 10 điều không hợp theo pháp-luật của Đức-Phật
như vậy. Ngài Đại- Trưởng-lão liền đến tận nơi hội họp chư tỳ-khưu-Tăng giải
thích, để cho họ hiểu rõ, đó là 10 điều không hợp theo pháp-luật của Đức-Phật.
Đó là nguyên nhân khiến Ngài Đại-Trưởng-lão Yassa Kākaṇḍakaputta
triệu tập kỳ kết tập Tam-Tạng Pāḷi lần thứ nhì tại ngôi chùa Vālikārāma, gần
thành Vesālī, khoảng thời gian 100 năm sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhì
này gồm có 700 bậc Thánh A-ra-hán có đầy đủ tứ tuệ- phân-tích, lục thông, thông
thuộc Tam-tạng Pāḷi và Chú- giải Pāḷi, do Ngài Đại-Trưởng-lão Yassa Kākaṇḍakaputta
chủ trì. Ngài Đại-Trưởng-lão Revata chất vấn, Ngài Đại- Trưởng-lão Sabbakāmi giải
đáp, …
Công cuộc kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi được
thực hiện trong khoảng thời gian suốt 8 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam-tạng
Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, hoàn toàn y theo bổn chánh của kỳ kết tập Tam- tạng Pāḷi
và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhì
này cũng bằng khẩu truyền (mukhapāṭha), chưa ghi chép bằng chữ viết.
Đức Vua Kālāsoka xứ Vesālī hộ độ kỳ kết tập Tam- tạng
Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhì này.
Giáo-pháp của Đức-Phật một lần nữa được giữ gìn duy
trì đúng theo pháp-học Phật-giáo. Tất cả chư tỳ- khưu thực hành nghiêm chỉnh giới-luật,
làm cho những người chưa có đức-tin nơi Tam-Bảo thì phát sinh đức- tin, những
người nào đã có đức-tin trong sạch nơi Tam- Bảo rồi thì đức-tin càng tăng trưởng.
Kết tập Tam-Tạng Pāḷi lần thứ ba
Sau kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ
nhì, Phật-giáo càng ngày càng phát triển, chư tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni càng đông, cận-sự-nam,
cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-Bảo càng nhiều. Các thí chủ làm phước-thiện
bố-thí cúng dường 4 thứ vật dụng đến chư tỳ-khưu rất đầy đủ, nhất là vào thời-kỳ
Đức-vua Dhammāsoka (Asoka).
Đức-vua Asoka là Đấng-minh-quân, trị vì toàn cõi
Nam-thiện-bộ-châu, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo,
Đức-Tăng-bảo, làm phước thiện bố-thí, cúng dường 4 thứ vật dụng đến chư tỳ-
khưu-Tăng rất đầy đủ, sung túc.
Trái lại, các nhóm tu-sĩ ngoại đạo thì đời sống thiếu
thốn khổ cực. Vì vậy, một số tu-sĩ ngoại đạo xâm nhập vào sống chung với chư tỳ-khưu,
về mặt hình thức thì giống tỳ-khưu, nhưng về mặt nội tâm vẫn giữ nguyên tà- kiến
cố-hữu của mình không hề thay đổi.
Cho nên, chư tỳ-khưu thật chánh-kiến và tỳ-khưu giả
tà-kiến sống lẫn lộn với nhau không thể hành-Tăng-sự chung với nhau được.
Tình trạng này kéo dài suốt 7 năm, chư tỳ-khưu trình sự
việc này lên Đức-vua Dhammāsoka (Asoka) và nhờ uy quyền của Đức-vua để thanh lọc
tỳ-khưu giả ngoại đạo tà-kiến ra khỏi nhóm chư tỳ-khưu thật chánh-kiến.
Đức-vua Asoka là Đấng-minh-quân, cũng là một cận- sự-nam
có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, hộ trì phụng sự Tam-bảo, Đức-vua học
giáo-pháp của Đức-Phật với Ngài Đại-Trưởng-lão Moggaliputtatissa, nên hiểu rõ
chánh-kiến trong Phật-giáo và các tà-kiến của ngoại đạo.
Đức-vua Asoka thỉnh chư tỳ-khưu đến xét hỏi, qua cuộc
xét hỏi này, Đức-vua đã loại được 60.000 tỳ-khưu giả có tà-kiến ra khỏi chư tỳ-khưu
thật có chánh-kiến.
Đức-vua ban cho mỗi người một bộ đồ trắng, bắt buộc
hoàn tục, trở thành người cư-sĩ, còn lại tất cả tỳ-khưu thật có chánh-kiến
trong Phật-giáo đoàn kết cùng nhau hành-Tăng-sự trở lại.
Nhân dịp này, Ngài Đại-Trưởng-lão Moggaliputtatissa đứng
ra triệu tập kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi lần thứ ba.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ ba
này được tổ chức tại chùa Asokārāma, xứ Pāṭaliputta, khoảng thời gian 235 năm,
sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ ba
này gồm có 1.000 bậc Thánh A-ra-hán có tứ tuệ-phân- tích, lục thông, thông thuộc
Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Moggaliputtatissa làm chủ
trì, công cuộc kết tập được thực hiện trong khoảng thời gian suốt 9 tháng mới
hoàn thành trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi hoàn toàn giống như bản chính
của hai kỳ kết tập trước.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ ba
này cũng bằng khẩu truyền (Mukhapātha), chưa ghi chép bằng chữ viết.
Đức-vua Asoka xứ Pāṭaliputta hộ độ kỳ kết tập Tam- tạng
Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ ba này.
Kết tập Tam-Tạng Pāḷi lần thứ tư
Đức-vua Asoka là Đấng-minh-quân, cũng là một cận- sự-nam
có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, hộ trì, phụng sự Tam-bảo, không những hộ trì
Phật-giáo được phát triển trong nước, mà còn gửi các phái đoàn chư tỳ-khưu-
Tăng sang các nước láng giềng khác, để truyền bá Phật- giáo.
Vào năm Phật-lịch 236 sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn,
Đức-vua Asoka gởi phái đoàn 5 vị tỳ-khưu- Tăng do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahinda (18) trưởng đoàn cùng với Ngài Trưởng-lão Iṭṭiya, Ngài Trưởng-lão
Uttiya, Ngài Trưởng-lão Sambala, Ngài Trưởng-lão Bhaddasāla sang truyền bá Phật-giáo
ở đảo quốc Srilankā.
Vào thời ấy, Đức-vua Devānampiyatissa trị vì đảo quốc
Srilankā, là bạn thân của Đức-vua Asoka. Đức-vua Devānampiyatissa và các quan
trong triều cùng với toàn thể dân chúng đón rước, cung thỉnh phái đoàn chư Trưởng-lão-Tăng
rất trọng thể. Ngài Đại-Trưởng-lão Mahinda thuyết pháp tế độ Đức-vua cùng với
các quan, dân chúng trên đảo quốc phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo,
Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, có số kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành cận-
sự-nam, cận-sự-nữ.
Có số cận-sự-nam (upāsaka) xin xuất gia trở thành tỳ-
khưu trong Phật-giáo.
Còn có số cận-sự-nữ (upāsikā) có ý nguyện muốn xuất
gia trở thành tỳ-khưu-ni trong Phật-giáo, như bà Anuḷādevī Hoàng-hậu của Đức-vua
Devānampiyatissa cùng với 500 cận-sự-nữ (upāsikā) trong hoàng tộc, và số đông cận-sự-nữ
dân chúng trong đảo quốc.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahinda truyền dạy gửi đoàn sứ giả
đến tâu Đức-vua Asoka, kính xin Đức-vua gửi phái đoàn chư Đại-đức tỳ-khưu-ni
sang đảo quốc Srilankā.
Đức-vua Asoka gửi phái đoàn chư tỳ-khưu-ni-Tăng do Đại-đức
tỳ-khưu-ni Saṃghamittāttherī (19) làm trưởng đoàn
sang đảo quốc Srilankā, để hành lễ thọ tỳ-khưu-ni cho Hoàng-hậu Anuḷādevī và
500 cận-sự-nữ trong hoàng tộc và số đông cận-sự-nữ dân chúng trong đảo quốc.
Đại-đức tỳ-khưu-ni Saṃghamittāttherī có kính thỉnh một
cây Đại-Bồ-đề sang trồng trên đảo quốc Srilankā.
Cây Đại-Bồ-đề được thỉnh đến trồng tại tỉnh Anurādhapura,
đảo-quốc Srilankā. Cây Đại-Bồ-đề này được duy trì tồn tại cho đến nay vẫn còn
tươi tốt. Nhà- nước Srilankā chăm sóc cây Đại-Bồ-đề rất chu đáo.
Phật-giáo được phát triển rất thịnh hành trên đảo quốc
Srilankā, chư tỳ-khưu-Tăng và chư tỳ-khưu-ni-Tăng tăng trưởng càng ngày càng
đông.
Một thời đảo quốc Srilankā gặp phải cuộc phiến loạn,
dân chúng gặp cảnh thiếu thốn, nên đời sống của chư tỳ- khưu cũng chịu ảnh hưởng.
Số Đại-đức tỳ-khưu sức khỏe yếu kém, nên phận sự ôn lại Tam-tạng Pāḷi và Chú-
giải Pāḷi thuộc lòng rất vất vả.
Khi cuộc phiến loạn đã được dẹp xong, chư Đại- Trưởng-lão
suy xét về sau này trí nhớ và trí-tuệ con người càng ngày càng kém dần, cho
nên, chư Đại-đức tỳ-khưu học thuộc lòng Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, giữ gìn
duy trì Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi cho được đầy đủ trọn vẹn không phải là
việc dễ dàng.
Một hôm, Đức-vua Vaṭṭagāmanī ngự đến ngôi chùa
Mahāvihāra làm phước-thiện bố-thí, cúng dường vật dụng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.
Nhân dịp ấy, chư Đại-Trưởng-lão thưa với Đức-vua Vaṭṭagāmanī
rằng:
- Thưa Đại-vương, từ xưa đến nay, chư Đại-đức tỳ- khưu có phận sự học thuộc
lòng Tam-tạng Pāḷi và Chú- giải Pāḷi, để giữ gìn duy trì giáo-pháp của Đức-Phật.
Trong thời vị-lai, đàn hậu sinh là những Đại-đức tỳ-
khưu, khó mà học thuộc lòng Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi một cách đầy đủ trọn
vẹn được.
Như vậy, giáo-pháp của Đức-Thế-Tôn sẽ bị mai một theo
thời gian.
- Thưa Đại-vương, muốn giữ gìn duy trì Tam-tạng Pāḷi
và Chú-giải Pāḷi được đầy đủ và trọn vẹn.
Cho nên, chư Đại-Trưởng-lão có ý định tổ chức kỳ kết tập
Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi bằng chữ viết ghi chép trên lá buông, để lưu lại
cho đời sau.
Nghe chư Đại-Trưởng-lão thưa như vậy, Đức-vua Vaṭṭagāmanī
phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ với lời của chư Đại-Trưởng-lão.
* Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi lần thứ tư này
được tổ chức tại động Ālokalena vùng Matulajanapada nước Srilankā, khoảng thời
gian 450 năm, sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ tư
này gồm 1.000 bậc Thánh A-ra-hán có tứ tuệ-phân-tích, do Ngài Đại-Trưởng-lão
Mahādhammarakkhita làm chủ trì, công cuộc kết tập ghi chép trọn bộ Tam-tạng Pāḷi
và Chú-giải Pāḷi bằng chữ viết trên lá buông được thực hiện suốt một năm mới
hoàn tất.
Sau đó, chư bậc Thánh A-ra-hán kết tập Tam-tạng Pāḷi
và Chú-giải Pāḷi bằng cách khẩu truyền một lần nữa, hoàn toàn y theo bản chính
của ba kỳ kết tập Tam- tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi trước.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ
tư này là lần đầu tiên được ghi chép bằng chữ viết trên lá buông đầy đủ trọn
vẹn bộ Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi gọi là: “Potthakaropanasaṅgīti”.
Đức Vua Vaṭṭagāmanī Abhaya nước Srilankā hộ độ kỳ kết
tập Tam-Tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ tư này.
Kết tập Tam-Tạng Pāḷi lần thứ năm
Dưới thời Đức-vua Asoka, Đức-vua có gửi phái đoàn chư
Đại-đức tỳ-khưu-Tăng do Ngài Đại-Trưởng-lão Soṇa và Ngài Đại-Trưởng-lão Uttara
đi đến vùng Suvaṇṇabhūmi gồm các nước: Indonesia, Myanmar, Thái-Lan, Campuchia,
Lào, … để truyền bá Phật-giáo. Phật-giáo ở các nước trong vùng này trải qua bao
cuộc thăng trầm, tùy theo vận mệnh của mỗi nước.
Đất nước Myanmar vào thời đại Đức-vua Mindon đóng đô tại
kinh-thành Mandalay, Đức-vua là người có đức- tin trong sạch nơi Tam-bảo, tận
tâm hộ trì Tam-Bảo, suy nghĩ rằng:
“Phật-giáo thường liên quan đến sự tồn vong của đất nước, mỗi khi đất nước
bị xâm lăng, kẻ thù thường đốt kinh sách Phật-giáo.”
Đức-vua Mindon muốn bảo toàn giáo-pháp của Đức- Phật,
nên Đức-vua thỉnh chư Đại-Trưởng-lão tổ chức cuộc kết tập Tam-tạng Pāḷi khắc chữ
trên những tấm bia đá, để giữ gìn duy trì Tam-tạng Pāḷi, Pháp-bảo cho được bền
vững lâu dài.
Nghe Đức-vua thỉnh như vậy, chư Đại-Trưởng-lão vô cùng
hoan-hỷ chấp thuận theo lời thỉnh cầu của Đức- vua. Chư Đại-Trưởng-lão tổ chức
kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi lần thứ năm tại kinh-thành Mandalay xứ Myanmar, Phật-lịch
năm 2404.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi lần thứ năm này gồm 2.400
Ngài Trưởng-lão toàn là những Bậc uyên bác Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, do
Ngài Đại-Trưởng-lão Bhaddanta Jāgara chủ trì, ngoài ra còn có những Ngài Trưởng-lão
rất xuất sắc như Ngài Bhaddanta Narindabhidhaja, v.v…
Công trình khắc bộ Tam-tạng Pāḷi bằng chữ trên tấm bia
đá bắt đầu khởi công vào năm Phật-lịch 2404 cho đến năm Phật-lịch 2415, trải
qua suốt 11 năm ròng rã, mới hoàn thành xong trọn bộ Tam-tạng Pāḷi trên 729 tấm
bia đá:
- Tạng Luật Pāḷi gồm có 111 tấm.
- Tạng Kinh Pāḷi gồm có 410 tấm.
- Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 208 tấm.
Sau khi khắc trọn bộ Tam-tạng Pāḷi bằng chữ trên những
tấm bia đá xong, chư Đại-Trưởng-lão tổ chức cuộc kết tập Tam-tạng Pāḷi bằng khẩu
vấn và đáp suốt 6 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam-tạng Pāḷi y theo bản
chính của 4 kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần trước, gọi là: “Selakkharāropanasaṅgīti”.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi lần thứ năm này do Đức-
vua Mindon nước Myanmar hộ độ.
Lần đầu tiên trọn bộ Tam-tạng Pāḷi được ghi khắc trên
bia đá, những tấm bia đá này hiện nay vẫn còn nguyên vẹn ở kinh-thành cổ
Mandalay, đất nước Myanmar.
Các nhà in kinh sách Phật-giáo đều y cứ vào những tấm
bia đá này làm nền tảng căn bản.
Về sau Vị Đạo-sĩ Khanti đứng ra tổ chức khắc trọn bộ
Chú-giải Pāḷi trên những tấm bia đá. Hiện nay những tấm bia đá khắc trọn bộ
Chú-giải Pāḷi vẫn còn nguyên vẹn tại kinh-thành cổ Mandalay.
Kết tập Tam-Tạng Pāḷi lần thứ sáu
Phật-giáo đã trải qua thời gian khá lâu, Tam-tạng Pāḷi
(Tipiṭakapāḷi) và Chú-giải Pāḷi (Aṭṭhakathāpāḷi), Phụ- chú-giải Pāḷi (Ṭīkāpāḷi),
… đã được in ra thành sách. Công việc sao đi chép lại, in đi in lại nhiều lần,
khó mà tránh khỏi sự sai sót. Vì vậy, các bộ Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, …
của mỗi nước Phật-giáo có chỗ sai chữ dẫn đến sai nghĩa, làm cho pháp-học Phật-giáo
không hoàn toàn giống y nguyên bản chính.
Chính-phủ Myanmar thành lập hội Phật-giáo có tên “Buddhasāsanasamiti”
vào năm Phật-lịch 2497 để lo tổ chức kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi lần thứ sáu, tại
động nhân tạo Lokasāma (Kaba-Aye), thủ-đô Yangon, Myanmar.
Chính phủ Myanmar thỉnh tất cả mọi bộ Tam-tạng Pāḷi và
Chú-giải Pāḷi (Aṭṭhakathāpāḷi) hiện có trên các nước Phật-giáo, để làm tài liệu
đối chiếu từng chữ, từng câu của mỗi bản.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi lần thứ sáu này gồm 2.500
Ngài Trưởng-lão thông hiểu Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi … rành rẽ về ngữ pháp
Pāḷi, chia thành nhiều ban đối chiếu sửa lại cho đúng.
Công việc được thực hiện bắt đầu từ ngày rằm tháng tư
Phật-lịch năm 2498 cho đến ngày rằm tháng tư Phật- lịch năm 2500, ròng rã suốt
2 năm mới hoàn thành xong bộ Tam-tạng Pāḷi (Tipiṭakapāḷi) và Chú-giải Pāḷi (Aṭṭha-
kathāpāḷi), Phụ-chú-giải Pāḷi (Ṭīkāpāḷi), …
Sau đó, chính-phủ Myanmar thỉnh chư Ngài Đại- Trưởng-lão,
chư Trưởng-lão kết tập Tam-tạng Pāḷi bằng khẩu chất vấn và giải đáp, do Ngài Đại-Trưởng-lão
Bhaddanta Revata chủ trì, Ngài Đại-Trưởng-lão Bhaddanta Sobhana vấn, và Ngài Đại-Trưởng-lão
Bhaddanta Vicittāsārābhivaṃsa Tipiṭakadhara Tipiṭaka- kovida Tipiṭakadhara
dhammabhaṇḍāgarika thông-thuộc Tam-tạng Pāḷi và thấu suốt Tam-tạng Pāḷi, bậc Thủ
kho tàng Tam-tạng Pāḷi giải đáp đúng theo Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.
Trong buổi đại lễ trọng thể này, chính-phủ Myanmar, đứng
đầu là Thủ-tướng U Nu, tổ chức hoàn thành kết tập Tam-tạng Pāḷi rất long trọng,
có mời các nguyên-thủ quốc gia của các nước Phật-giáo cùng với phái đoàn chư
Tăng, cận-sự-nam, cận-sự-nữ gồm có 25 nước trên thế giới đến tham dự, để đánh dấu
lịch sử Phật-giáo đã trải qua một nửa tuổi thọ 2.500 năm, dưới sự bảo trợ hộ độ
của chính-phủ Myanmar cùng các cận-sự-nam, cận-sự- nữ trong nước và các nước
trên thế giới.
Bộ Tam-tạng Pāḷi gồm có 40 quyển, bộ Chú-giải Pāḷi gồm
có 51 quyển, bộ Phụ-chú-giải Pāḷi gồm có 26 quyển và các bộ khác hoàn thành
trong kỳ kết tập lần thứ sáu này được xem là mẫu mực cho các nước Phật-giáo
Theravāda.
Để Phật-giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian này
chừng nào, thì chúng-sinh được hưởng sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc chừng ấy.
Cho nên, chư Đại-Trưởng- lão tiền bối đã dày công gìn giữ và duy trì pháp-học
Phật-giáo từ thời-kỳ Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, và sau khi Đức-Phật
đã tịch diệt Niết-bàn.
Tất cả quý Ngài Đại-Trưởng-lão có phận sự bảo tồn đầy
đủ trọn vẹn pháp-học Phật-giáo, nên quý Ngài Đại- Trưởng-lão đã tổ chức qua 6 kỳ
kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi không để cho rời rạc, thất lạc. Chư Đại-
Trưởng-lão đã có công giữ gìn duy trì pháp-học Phật-giáo từ trước cho đến nay.
Công việc học Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi để bảo tồn
trọn vẹn pháp-học Phật-giáo, là bổn phận của các hàng thanh-văn đệ-tử là bậc xuất-gia
tỳ-khưu, sa-di cũng như các hàng tại gia cận-sự-nam, cận-sự-nữ.
Hàng thanh-văn đệ-tử nào học thuộc lòng được lời giáo
huấn của Đức-Phật bằng ngôn ngữ Pāḷi dù ít dù nhiều, thì hàng thanh-văn đệ-tử ấy
đã gieo duyên lành trong Phật-giáo, bởi vì ngôn ngữ Pāḷi là mūlabhāsā: ngôn ngữ
gốc, ngôn ngữ của chư Phật quá-khứ, Đức-Phật Gotama hiện-tại và chư Phật vị-lai.
Vì vậy, hàng thanh-văn đệ-tử nào học Tam-tạng Pāḷi và
Chú-giải Pāḷi cần phải hiểu biết rõ ý nghĩa trực tiếp ngôn ngữ Pāḷi hoặc gián
tiếp qua ngôn ngữ của nước mình, thì được lưu trữ, tích lũy trong tâm của mình
suốt trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Nếu kiếp nào gặp được Đức-Phật hoặc bậc Thánh
thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp thì kiếp ấy dễ hiểu
chánh-pháp, dễ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, ...
Tại nước Myanmar, công việc học Tam-tạng Pāḷi và
Chú-giải Pāḷi được phổ cập đến chư sa-di, chư tỳ-khưu.
Hằng năm, bộ Tôn-giáo Myanmar có tổ chức kỳ thi đọc
thuộc lòng Tam-tạng Pāḷi bằng tiếng Pāḷi, và thi viết trả lời những câu hỏi về
Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.
* Thi Tam-Tạng Pāḷi
Phật-lịch năm 2492 (dương-lịch năm 1948), chính phủ
Myanmar, bộ Tôn-giáo bắt đầu tổ chức kỳ thi thuộc lòng Tam-tạng Pāḷi lần thứ nhất.
Từ đó về sau, hằng năm đều có tổ chức thi thuộc lòng Tam-tạng Pāḷi.
* Nếu vị sa-di, tỳ-khưu nào đậu kỳ thi thuộc lòng
Tam-tạng Pāḷi xong thì vị ấy được kính dâng danh-hiệu cao thượng là Tipiṭakadhara:
Bậc cao-thượng-thông- thuộc Tam-tạng Pāḷi.
Tiếp theo thi viết trả lời những câu hỏi về Tam-tạng
Pāḷi. Nếu vị tỳ-khưu nào thi đậu kỳ thi viết trả lời xong thì vị tỳ-khưu ấy được
kính dâng danh-hiệu cao thượng là Tipiṭakakovida: Bậc cao-thượng-thấu-suốt
Tam-tạng Pāḷi.
Ngài Trưởng-Lão đã đậu cả 2 kỳ thi Tipiṭakadhara
và Tipiṭakakovida là Bậc cao-thượng-thông-thuộc và thấu- suốt
Tam-tạng Pāḷi, và đặc biệt chính phủ Myanmar, bộ Tôn-giáo kính dâng danh-hiệu
cao thượng nhất gọi là Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika:
Bậc cao-thượng- thấu-suốt Tam-tạng Pāḷi, Bậc thủ-kho-tàng Pháp-bảo Tam-tạng Pāḷi
đến Ngài Đại-Trưởng-lão có đầy đủ tài đức lớn.
* Đến Phật-lịch 2563 (dương-lịch 2019), đã trải qua 72
kỳ thi Tam-tạng Pāḷi, theo tài liệu của bộ Tôn-giáo Myanmar năm 2020 có kết quả
qua kỳ thi Tam-tạng Pāḷi như sau:
- Ekapiṭakadhara là bậc thông-thuộc Nhất-tạng
Pāḷi có 536 Ngài Đại-đức.
- Ekapiṭakadhara và Ekapiṭakakovida là bậc
thông- thuộc Nhất-tạng Pāḷi và thấu-suốt Nhất-tạng Pāḷi có 153 Ngài Đại-đức.
- Dvipiṭakadhara là bậc thông-thuộc Nhị-tạng Pāḷi
có 405 Ngài Đại-đức.
* Dvipiṭakadhara và Dvipiṭakakovida là bậc
thông- thuộc Nhị-tạng Pāḷi và thấu-suốt Nhị-tạng Pāḷi có 135 Ngài Đại-đức.
* Tipiṭakadhara là bậc cao-thượng-thông-thuộc
Tam- tạng Pāḷi có 22 Ngài Trưởng-lão.
* Tipiṭakadhara và Tipiṭakakovida là bậc
cao-thượng- thông-thuộc, thấu-suốt Tam-tạng Pāḷi có 15 Ngài Trưởng-lão như sau:
1- Ngài Đại-Trưởng-Lão Bhaddanta Vicittāsārā- bhivaṃsa
(Visiṭṭhatipiṭakadhara, Mahātipiṭakakovida, Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika) đậu
trong kỳ thi thứ 6, Phật-lịch 2497 (DL.1953) lúc Ngài 42 tuổi. Ngài đã viên tịch
năm 1992, thọ 81 tuổi.
2- Ngài Đại-Trưởng-Lão Bhaddanta Neminda (Visiṭṭhatipiṭakadhara,
Tipiṭakakovida, Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika) đậu trong kỳ thi thứ 12, Phật-
lịch 2503 (DL. 1959) lúc Ngài 32 tuổi. Ngài đã viên tịch năm 1991, thọ 64 tuổi.
3- Ngài Đại-Trưởng-Lão Bhaddanta Kosalla (Tipiṭaka-
dhara, Tipiṭakakovida, Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍā- gārika) đậu trong kỳ thi thứ
16, Phật-lịch 2507 (DL. 1963) lúc Ngài 36 tuổi. Ngài đã viên tịch năm 1991, thọ
68 tuổi.
4- Ngài Đại-Trưởng-Lão Bhaddanta Sumaṅgalā- laṅkāra
(Tipiṭakadhara, Tipiṭakakovida, Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika) đậu trong kỳ
thi thứ 26, Phật- lịch 2517 (DL. 1973) lúc Ngài 27 tuổi. Ngài đã viên tịch năm
2006, thọ 60 tuổi.
5- Ngài Đại-Trưởng-Lão Bhaddanta Sirindābhivaṃsa (Tipiṭakadhara,
Tipiṭakakovida, Tipiṭakadhara Dhamma- bhaṇḍāgārika) đậu trong kỳ thi thứ 37, Phật-lịch
2528 (DL. 1984) lúc Ngài 42 tuổi.
6- Ngài Đại-Trưởng-Lão Bhaddanta Vāyāmindā- bhivaṃsa
(Tipiṭakadhara, Tipiṭakakovida, Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika) đậu trong kỳ
thi thứ 47, Phật- lịch 2538 (DL. 1994) lúc Ngài 40 tuổi.
7- Ngài Đại-Trưởng-Lão Bhaddanta Sīlakkhandhā- bhivaṃsa
(Tipiṭakadhara, Tipiṭakakovida, Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika) đậu trong kỳ
thi thứ 52, Phật- lịch 2543 (DL. 1999) lúc Ngài 36 tuổi.
8- Ngài Đại-Trưởng-Lão Bhaddanta Vaṃsapālā- laṅkāra
(Tipiṭakadhara, Tipiṭakakovida, Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika) đậu trong kỳ
thi thứ 52, Phật- lịch 2543 (DL. 1999) lúc Ngài 34 tuổi.
9- Ngài Đại-Trưởng-Lão Bhaddanta Gandhamālā- laṅkāra
(Tipiṭakadhara, Tipiṭakakovida, Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika) đậu trong kỳ
thi thứ 53, Phật- lịch 2544 (DL. 2000) lúc Ngài 33 tuổi.
10- Ngài Đại-Trưởng-Lão Bhaddanta Sundara (Tipiṭakadhara,
Tipiṭakakovida, Tipiṭakadhara Dhamma- bhaṇḍāgārika) đậu trong kỳ thi thứ 56, Phật-lịch
2547 2003) lúc Ngài 48 tuổi.
11- Ngài Trưởng-Lão Bhaddanta Indakapāla (Tipiṭakadhara,
Tipiṭakakovida, Tipiṭakadhara Dhamma- bhaṇḍāgārika) đậu trong kỳ thi thứ 56, Phật-lịch
2547 (DL. 2003) lúc Ngài 43 tuổi.
12- Ngài Trưởng-Lão Bhaddanta Abhijātābhivaṃsa (Tipiṭakadhara,
Tipiṭakakovida, đậu trong kỳ thi thứ 62, Phật-lịch 2553 (DL. 2009) lúc Ngài 41
tuổi.
13- Ngài Trưởng-Lão Bhaddanta Indācariya (Tipiṭaka-
dhara, Tipiṭakakovida) đậu trong kỳ thi thứ 64, Phật-lịch 2555 (DL. 2011) lúc
Ngài 47 tuổi.
14- Ngài Trưởng-Lão Bhaddanta Vīriyānanda (Tipiṭakadhara,
Tipiṭakakovida) đậu trong kỳ thi thứ 69, Phật-lịch 2560 (DL. 2016) lúc Ngài 46
tuổi.
15- Ngài Trưởng-Lão Bhaddanta Paññā- vaṃsābhivaṃsa
(Tipiṭakadhara, Tipiṭakakovida) đậu trong kỳ thi thứ 72, Phật-lịch 2563 (DL.
2019) lúc Ngài 45 tuổi.
Nước Myanmar đã có 15 Ngài Đại-Trưởng-Lão đã thi đậu
Tipiṭakadhara, Tipiṭakakovida và còn các Ngài Trưởng-lão khác đã thi đậu Tipiṭakadhara,
đậu Dvipiṭakadhara, Dvipiṭakadhara và Dvipiṭakakovida, Ekapiṭakadhara, Ekapiṭakadhara
và Ekapiṭakakovida,…
Quý Ngài Đại-Trưởng-lão là Bậc đáng tôn kính đối với tất
cả các hàng thanh-văn biết dường nào!
Pháp-học Phật-giáo là nền tảng căn bản của
pháp- hành Phật-giáo. Thật vậy, Phật-giáo được duy trì do nhờ pháp-học Phật-giáo,
cho nên quý Ngài Đại-Trưởng- lão đã cố gắng giữ gìn duy trì pháp-học Phật-giáo
lưu truyền lâu dài trên thế gian này, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự
an-lạc lâu dài cho chúng-sinh, nhất là nhân- loại và chư-thiên.
Học Tam-Tạng Pāḷi qua các thời-kỳ
* Thời-kỳ đầu: Kể từ khi Đức-Phật còn hiện
hữu trên thế gian cho đến trước Phật-lịch năm 450, trong khoảng thời gian này,
trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và các bộ Chú-giải Pāḷi chưa ghi thành chữ viết, cho nên,
việc học Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi bằng cách khẩu truyền tâm thọ.
Vị thầy dạy đọc, các học trò lặp theo ghi nhớ nằm lòng.
Như vậy, vị thầy thông-thuộc được chừng nào, các học
trò cũng thông-thuộc được chừng ấy. Nếu vị thầy không thuộc lòng bộ nào, thì vị
thầy gửi các học trò của mình đến Ngài Đại-Trưởng-lão khác xin học bộ ấy.
Cho nên, việc học trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và các bộ
Chú-giải Pāḷi trong thời-kỳ ấy rất vất vả khó khăn.
* Thời-kỳ sau: Kể từ sau thời-kỳ kết tập
Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ tư, khoảng thời gian 450 năm sau khi Đức-Phật
tịch diệt Niết-bàn, kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần này được ghi
bằng chữ viết trên lá buông. Cho nên, việc học Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi
tương đối ít vất vả khó khăn hơn thời- kỳ trước, song có phần hạn chế, bởi vì số
bổn Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi được ghi trên lá buông không nhiều.
* Thời hiện-tại này: Hầu hết các nước Phật-giáo
lớn như: nước Myanmar, nước Thái-Lan, nước Srilankā, nước Lào, nước Campuchia,
v.v… đều có trọn bộ Tam- tạng Pāḷi và các bộ Chú-giải Pāḷi được in ra thành
sách bằng mẫu tự của nước mình. Cho nên, việc học trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và
Chú-giải Pāḷi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nhưng việc dạy Tam-tạng Pāḷi và
Chú-giải Pāḷi và việc học Tam-tạng Pāḷi trong mỗi nước chưa phổ biến rộng đến
toàn thể các hàng xuất-gia chư sa-di, chư tỳ- khưu, hàng tại gia cận-sự-nam, cận-sự-nữ.
Hiện nay tại nước Myanmar, các Ngài Đại-Trưởng- lão dạy
Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, và chư sa-di, chư tỳ-khưu theo học Tam-tạng Pāḷi
và Chú-giải Pāḷi tại nhiều ngôi chùa lớn trong thủ-đô Yangon và các ngôi chùa lớn
tại các tỉnh thành lớn.
Hằng năm, chính-phủ Myanmar, bộ Tôn-giáo tổ chức kỳ
thi thuộc lòng Tam-tạng Pāḷi, để cho chư sa-di, chư tỳ-khưu đến dự thi thuộc
lòng Tam-tạng Pāḷi và thi viết trả lời những câu hỏi về Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải
Pāḷi.
* Thời-kỳ Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, việc
thông hiểu về pháp-học Phật-giáo không những chư Đại- Trưởng-lão, chư Trưởng-lão,
chư sa-di, mà còn có nhiều vị cận-sự-nam, cận-sự-nữ nữa.
Thí dụ: Cận-sự-nam Cittagapati là bậc Thánh Bất-lai
cũng là vị pháp sư được Đức-Phật Gotama tuyên dương. Cận-sự-nữ
Khujjuttarā là tỳ-nữ của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Sāmāvatī, chứng đắc thành bậc
Thánh Nhập-lưu có tài thuyết pháp tế độ bà Chánh-cung Hoàng-hậu Sāmāvatī
cùng với 500 nữ hầu bà, đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập-lưu. Cận-sự-nữ
Khujjuttarā trở thành Bahussutā: Bậc đa-văn-túc-trí được Đức-Phật Gotama
tuyên dương.
Về sau, Cận-sự-nữ Khujjuttarā cũng trở thành Tipiṭaka-
dharā: Bậc thông thuộc Tam-tạng Pāḷi, v.v…
Ngày nay, công việc bảo tồn pháp-học Phật-giáo là phận
sự chung của các hàng thanh-văn đệ-tử gồm cả bậc xuất-gia sa-di, tỳ-khưu lẫn
các hàng tại gia cận-sự-nam, cận-sự-nữ nữa.
Để giữ gìn, duy trì pháp-học Phật-giáo chỉ có một
phương pháp duy nhất là mỗi người thanh-văn đệ-tử là bậc xuất-gia sa-di, tỳ-khưu,
cận-sự-nam, cận-sự-nữ cần phải học thuộc lòng Tam-tạng Pāḷi và các bộ Chú-giải
Pāḷi, Ṭīkāpāḷi, Anuṭīkāpāḷi, … theo khả năng của mình, để lưu trữ, tích lũy
trong tâm của mình, để tạo duyên lành sâu sắc trong Phật-giáo thật sự.
Nếu khi đã thông hiểu pháp-học Phật-giáo thì hành-giả
mới có thể thực hành đúng theo pháp-hành-giới, pháp-hành thiền-định,
pháp-hành thiền-tuệ được.
Hoặc khi giảng dạy đến người khác, cũng đúng theo
chánh-pháp. Cho nên, học pháp-học Phật-giáo sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến
hóa, sự an-lạc cho mình và cho người khác. Đặc biệt còn giữ gìn và duy trì bảo
tồn pháp-học Phật-giáo được trường tồn trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự
tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho tất cả chúng-sinh.
Cúng dường Đức-Pháp-Bảo
Trong thời Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, có một
vị Bà-la-môn đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, bạch rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con thành kính cúng dường Đức-Phật-bảo, cúng dường
Đức-Tăng-bảo thì có Đức-Phật, chư tỳ-khưu-Tăng thọ nhận rõ ràng, còn thành kính
cúng dường đến Đức-Pháp-bảo, thì con phải cúng dường bằng cách nào? Bạch Ngài.
Đức Phật truyền dạy rằng:
- Sacepi Brahmaṇa Dhammaratanaṃ pūjetukāmo ekaṃ
bahussutaṃ pūjehi. (20)
- Này Bà-la-môn! Nếu con muốn cúng dường đến Đức-Pháp-bảo
thì con nên cúng dường đến vị Đa-văn túc-trí (bahussuta).
Ông Bà-la-môn đảnh lễ Đức-Phật xong, xin phép lui ra
và đi hỏi chư tỳ-khưu để biết vị nào là bậc Đa-văn túc-trí học nhiều hiểu
rộng.
Chư tỳ-khưu chỉ dẫn, giới thiệu đến Ngài Trưởng-lão
Ānanda là bậc Đa-văn-túc-trí (bahussuta) bậc Thủ-kho- tàng Pháp-bảo.
Ông Bà-la-môn tìm đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Ānanda,
rồi kính dâng đến Ngài Trưởng-lão bộ y trị giá 1.000 kahāpaṇa (tiền Ấn-Độ ngày
xưa). Ngài Trưởng-lão Ānanda thọ nhận bộ y quý giá ấy.
Sau đó, Ngài Trưởng-lão Ānanda kính dâng bộ y ấy đến
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là bậc Thống-lĩnh- pháp (Dhammasenāpati).
Hiện nay, Phật-giáo tại Myanmar còn có những Bậc Tipiṭakadhara
và Tipiṭakakovida là Bậc cao-thượng-thông-thuộc và thấu-suốt Tam-tạng Pāḷi, và
đặc biệt có những bậc Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika: Bậc cao-thượng-thấu-suốt
Tam-tạng Pāḷi, Bậc thủ-kho-tàng Pháp-bảo Tam-tạng Pāḷi.
Nếu thí-chủ có tác-ý đại-thiện-tâm hướng tâm đến cúng
dường Đức-Pháp-bảo thì nên cúng dường đến các Bậc cao thượng ấy, gọi là cúng dường
Đức-Pháp-bảo. Hoặc thí-chủ cúng dường đến Ngài Trưởng-lão Tipiṭakadhara: Bậc
thông-thuộc Tam-tạng Pāḷi, hoặc Ngài Trưởng-lão Dvipiṭakadhara: Bậc thông-thuộc
Nhị- tạng Pāḷi hoặc Ngài Trưởng-lão Ekapiṭakadhara: Bậc thông-thuộc Nhất-tạng
Pāḷi, v.v… thậm chí quý vị sa-di, tỳ-khưu đang ngày đêm kiên trì học thuộc lòng
Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi để tham dự kỳ thi Tam-tạng Pāḷi, cũng gọi là
cúng dường Đức-Pháp-bảo.
Tipiṭaka
- Aṭṭhakathā - Ṭīkā - Anuṭīkā
Pháp-học Phật-giáo gồm có:
- Tipiṭakapāḷi (Tam-tạng Pāḷi).
- Aṭṭhakathāpāḷi (Chú-giải Pāḷi).
- Ṭīkāpāḷi (Phụ-chú-giải Pāḷi).
- Anuṭīkāpāḷi (Phụ-theo Chú-giải Pāḷi).
Căn cứ theo kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi lần thứ sáu Phật-lịch
2500 năm tại động Kaba Aye, thủ-đô Yangon, nước Myanmar như sau:
- Tipiṭakapāḷi gồm có 40 quyển.
- Aṭṭhakathāpāḷi gồm có 51 quyển.
- Ṭīkāpāḷi-Anuṭīkāpāḷi gồm có 26 quyển.
Tipiṭakapāḷi (Tam-Tạng Pāḷi)
Tipiṭakapāḷi (Tam-tạng Pāḷi) gồm có 40 quyển được
phân chia theo mỗi Tạng như sau:
I- Vinayapiṭakapāḷi (Tạng Luật Pāḷi) có 5 quyển:
1- Pārājikapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
2- Pācittiyapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
3- Mahāvaggapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
4- Cūḷavaggapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
5- Parivārapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
II- Suttantapiṭakapāḷi (Tạng Kinh Pāḷi) có 23
quyển phân chia theo 5 Nikāya (Bộ) như sau:
* Dīghanikāya (Trường-bộ-kinh Pāḷi) có 3 quyển:
1- Sīlakkhandhavaggapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ
Đức-Phật.
2- Mahāvaggapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
3- Pāthikavaggapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ
Đức-Phật.
* Majjhimanikāya (Trung-bộ-kinh) có 3 quyển:
4- Mūlapaṇṇāsapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
5- Majjhimapaṇṇāsapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ
Đức-Phật.
6- Uparipaṇṇāsapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ
Đức-Phật.
* Saṃyuttanikāya (Đồng-loại-bộ-kinh) có 5 phần gom vào 3 quyển:
7- Sagāthāvagga và Nidānavaggasaṃyuttapāḷi
do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
8- Khandhavagga và Saḷāyatanavaggasaṃyuttapāḷi
do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
9- Mahāvaggasaṃyuttapāḷi do Đức-Phật, trong thời
kỳ Đức-Phật.
* Aṅguttaranikāya (Chi-bộ-kinh) từ 1 đến 11 chi gom vào 3 quyển:
10- Ekaka-duka-tika-catukkanipātapāḷi do Đức-Phật,
trong thời-kỳ Đức-Phật.
11- Pañcaka-chakka-sattakanipāta do Đức-Phật,
trong thời-kỳ Đức-Phật.
12- Aṭṭhaka-navaka-dasaka-ekādasakanipāta do Đức-
Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
* Khuddakanikāya (Tiểu-bộ-kinh) gồm có 19 bộ gom vào 11 quyển:
13- Khuddakapāṭha-dhammapada-udāna-itivuttaka-
sutta-nipātatapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
14- Vimānavatthu-petavatthu-theragāthā-therīgāthā-
pāḷi do Đức-Phật và chư Thánh A-ra-hán, trong thời-kỳ Đức-Phật.
15- Apadānapāḷi (paṭhama) do Đức-Phật,
trong thời- kỳ Đức-Phật.
16- Apadānapāḷi (dutiya) và Buddhavaṃsa,
Cariyā- piṭakapāḷi do Đức-Phật và chư Thánh A-ra-hán, trong thời-kỳ Đức-Phật.
17-18- Jātakapāḷi (paṭhama-dutiya) do Đức-Phật,
trong thời-kỳ Đức-Phật.
19- Mahāniddesapāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão
Sāriputta, trong thời-kỳ Đức-Phật.
20- Cūḷaniddesapāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão
Sāriputta, trong thời-kỳ Đức-Phật.
21- Paṭisambhidāmaggapāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão
Sāriputta, trong thời-kỳ Đức-Phật.
22- Netti-peṭakopadesapāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão
Mahākaccayana, trong thời-kỳ Đức-Phật.
23- Milindapañhāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão
Nāgasena, Phật-lịch năm 500.
III- Abhidhammapiṭakapāḷi (Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi)
có 7 bộ lớn phân chia thành 12 quyển:
1- Dhammasaṅgaṇīpāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ
Đức-Phật.
2- Vibhaṅgapāḷi do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
3- Dhātukathā và Puggalapaññattipāḷi do
Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
4- Kathāvatthupāḷi do Đức-Phật và sau có Ngài Đại-
Trưởng-lão Moggaliputtatissa, Phật-lịch 235.
5-6-7- Yamakapāḷi (paṭhama-dutiya-tatiya) (3
quyển) do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
8-9-10-11-12- Paṭṭhānapāḷi (paṭhama-dutiya-tatiya-
catuttha-pañcama) (5 quyển) do Đức-Phật, trong thời-kỳ Đức-Phật.
Tam-tạng Pāḷi gồm có 40 quyển được phân chia theo mỗi
tạng như vậy.
Aṭṭhakathāpāḷi (Chú-Giải Pāḷi)
Chú-giải Pāḷi (Aṭṭhakathāpāḷi) gồm có 51 quyển, Chú-
giải này được phân chia theo mỗi Tạng như sau:
1- Chú-giải Tạng Luật Pāḷi Gồm có 6 quyển
1-2- Pārājikakaṇḍa aṭṭhakathāpāḷi (paṭhama-dutiya)
(2 quyển) gọi Samantapāsādikā aṭṭhakathā
do Ngài Đại- Trưởng-lão Mahābuddhaghosa, Phật-lịch 976.
3- Pācityādi aṭṭhakathāpāḷi gọi
Samantapāsādikā aṭṭhakathā do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddhaghosa, Phật-lịch
976.
4- Cūḷavaggādi aṭṭhakathāpāḷi gọi
Samantapāsādikā aṭṭhakathā do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddhaghosa, Phật-lịch
976.
5- Kaṅkhāvitaraṇī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-
lão Mahābuddhaghosa, Phật-lịch 976 - 1000.
6- Vinayasaṅgaha aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-
Trưởng-lão Mahābuddhaghosa, Phật-lịch 976.
2- Chú-giải Tạng Kinh Pāḷi gồm có 42 quyển được
phân chia theo mỗi bộ (Nikāya) như sau:
* Chú-giải Trường-bộ-kinh Pāḷi có 3 quyển
1- Sīlakkhandhavagga aṭṭhakathāpāḷi gọi Sumaṅgala-
vilāsinī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā- buddhaghosa, Phật-lịch
977 - 1000.
2- Mahāvagga aṭṭhakathāpāḷi, gọi Sumaṅgalavilāsinī
aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddha- ghosa, Phật-lịch 977 -
1000.
3- Pāthikavagga aṭṭhakathāpāḷi, gọi Sumaṅgala-vilāsinī
aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddhaghosa, Phật-lịch 977 -
1000.
* Chú-giải Trung-bộ-kinh Pāḷi có 4 quyển
4-5- Mūlapaṇṇāsa aṭṭhakathāpāḷi (paṭhama-dutiya) (2
quyển), gọi Papañcasūdanī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão
Mahābuddhaghosa, Phật-lịch 977 - 1000.
6- Majjhimapaṇṇāsa aṭṭhakathāpāḷi gọi Papañca-
sūdanī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā- buddhaghosa, Phật-lịch
977 - 1000.
7- Uparipaṇṇāsa aṭṭhakathāpāḷi gọi
Papañcasūdanī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddha- ghosa, Phật-lịch
977 - 1000.
* Chú-giải Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi có 3 quyển
8- Sagāthavaggasaṃyutta aṭṭhakathāpāḷi gọi
Sāratthapakāsanī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng- lão Mahābudhaghosa, Phật-lịch
976.
9- Nidānavagga và Khandhavaggasaṃyutta aṭṭha-
kathāpāḷi gọi Sāratthapakāsanī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão
Mahābudddhaghosa Phật-lịch 977 - 1000.
10- Sāḷāyatanavagga Mahāvaggasaṃyutta aṭṭhakathā-
pāḷi gọi Sāratthapakāsanī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại- Trưởng-lão
Mahābuddhaghosa, Phật-lịch 977 - 1000.
* Chú-giải Chi-bộ-kinh Pāḷi có 3 quyển
11-12-13- Aṅguttara aṭṭhakathāpāḷi (paṭhama-dutiya-
tatiya) (3 quyển) gọi Manorathapūraṇī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão
Mahābuddhaghosa, Phật-lịch 977 - 1000.
* Chú-giải Tiểu-bộ-kinh Pāḷi có 29 quyển
14-15- Visuddhimagga aṭṭhakathāpāḷi (paṭhama-
dutiya) (2 quyển) do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddha- ghosa, Phật-lịch 972.
16- Khuddakapāṭha aṭṭhakathāpāḷi gọi Paramattha-
jotikā aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā- buddhaghosa, Phật-lịch
977 - 1000.
17-18- Dhammapada aṭṭhakathāpāḷi (paṭhama-dutiya) (2
quyển) do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddhaghosa, Phật-lịch 977 - 1000.
19-20- Suttanīpāta aṭṭhakathāpāḷi (paṭhama-dutiya)
(2 quyển) gọi Paramatthajotikā aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão
Mahābuddhaghosa, Phật-lịch 977 - 1000.
21-27- Jātaka aṭṭhakathāpāḷi (paṭhama-dutiya-tatiya-
catuttha-pañcama-chaṭṭha-sattama) (7 quyển) do Ngài Đại-Trưởng-lão
Mahābuddhaghosa, Phật-lịch 977 - 1000.
28- Udāna aṭṭhakathāpāḷi gọi Paramatthadīpanī aṭṭhakathāpāḷi
do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla, Phật-lịch 1100 - 1200.
29- Itivuttaka aṭṭhakathāpāḷi gọi Paramatthadīpanī
aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla, Phật-lịch 1100 - 1200.
30- Vimānavatthu aṭṭhakathāpāḷi gọi Paramattha-
dīpanī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla, Phật-lịch 1100 -
1200.
31- Petavatthu aṭṭhakathāpāḷi gọi Paramatthadīpanī
aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla, Phật-lịch 1100 - 1200.
32-33- Theragāthā aṭṭhakathāpāḷi (paṭhama-dutiya) (2
quyển) gọi Paramatthadīpanī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão
Dhammapāla, Phật-lịch 1100 - 1200.
34- Therīgathā aṭṭhakathāpāḷi gọi Paramatthadīpanī
aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla, Phật-lịch 1100 - 1200.
35- Cariyāpiṭaka aṭṭhakathāpāḷi gọi Paramattha-
dīpanī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla, Phật-lịch 1100 -
1200.
36- Cūḷaniddesa-netti aṭṭhakathāpāḷi gọi Saddhamma-
jotikā aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Upasena.
37- Mahāniddesa aṭṭhakathāpāḷi gọi Saddhamma-
jotikā aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Upasena.
38- Buddhavaṃsa aṭṭhakathāpāḷi gọi Madhurattha-
vilāsinī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Buddhadatta, Phật-lịch hơn
900.
39-40- Paṭisambhidāmagga aṭṭhakathāpāḷi (paṭhama-
dutiya) (2 quyển) gọi Saddhammapakāsanī aṭṭhakathā- pāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão
Mahānāma, Phật-lịch 1061.
41-42- Apadāna aṭṭhakathāpāḷi (paṭhama-dutiya)
(2 quyển) gọi Visuddhajanavilāsinī do Ngài Đại-Trưởng- lão Poraṇācariya.
3- Chú-giải Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi có 3 quyển:
1- Dhammasaṅgaṇī aṭṭhakathāpāḷi gọi Aṭṭhasālinī
aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão, Mahābuddha- ghosa, Phật-lịch 977 -
1000.
2- Vibhaṅga aṭṭhakathāpāḷi gọi
Sammohavinodanī aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā- buddhaghosa, Phật-lịch
977 - 1000.
3- Pañcapakaraṇa aṭṭhakathāpāḷi do Ngài Đại-
Trưởng-lão Mahābuddhaghosa, Phật-lịch 977 - 1000.
* Bộ Abhidhammatthasaṅgaha xem như là Chú-giải (21)
Chú-giải Pāḷi (Aṭṭhakathāpāḷi) gồm có 51 quyển được
phân chia theo mỗi Tạng Pāḷi như vậy.
Ṭīkāpāḷi - Anuṭīkāpāḷi
(Phụ-chú-giải - Phụ-theo-chú-giải)
Phụ-chú-giải Pāḷi (Ṭīkāpāḷi) và Phụ-theo-chú-giải
Pāḷi (Anuṭīkāpāḷi) gồm có 26 quyển được phân chia theo mỗi Tạng như sau:
1- Phụ-chú-giải Tạng Luật có 7 quyển
1-2-3- Sāratthadīpanīṭīkā (paṭhama-dutiya-tatiya)
(3 quyển) do Ngài Trưởng-lão Sāriputta, Phật-lịch 1707 - 1725.
4-5- Vimativinodanīṭīkā (paṭhama-dutiya) (2 quyển)
do Ngài Đại-Trưởng-lão Coḷiyakassapa.
6- Vājirabuddhiṭīkā do Ngài Đại-Trưởng-lão
Vajirabuddhi.
7- Kaṅkhāvitaraṇīpurāṇa-abhinavaṭīkā gọi
Vinayattha- mañjūsāṭīkā do Ngài Đại-Trưởng-lão Buddhanāga.
Ngoài ra, còn các Phụ-chú-giải về Tạng Luật Pāḷi như:
- Vinayālaṅkāraṭīkā (paṭhama-dutiya) (2 quyển).
- Vinayavinicchayaṭīkā (paṭhama-dutiya) (2 quyển).
- Khuddasikkhā, Mūlasikkhāṭīkā, v.v...
2- Phụ-chú-giải Tạng Kinh Pāḷi có 16 quyển phân
chia theo mỗi bộ (Nikāya) như sau:
* Phụ-chú-giải Trường-bộ-kinh Pāḷi có 5 quyển
1- Sīlakkhandhavaggaṭīkā gọi
Līnatthapakāsanāṭīkā do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla, Phật-lịch 1100 -
1200.
2-3- Sīlakkhandhavagga abhinavaṭīkā (paṭhama-
dutiya (2 quyển) gọi Sādhujanavilāsinīṭīkā do Ngài Đại- Trưởng-lão
Ñāṇābhivaṃsadhammasenāpati.
4- Mahāvaggaṭīkā gọi Līnatthapakāsanāṭīkā,
do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla, Phật-lịch 1100 - 1200.
5- Pāthikavaggaṭīkā gọi Līnatthapakāsanāṭīkā,
do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla, Phật-lịch 1100 - 1200.
* Phụ-chú-giải Trung-bộ-kinh Pāḷi có 3 quyển
6-7- Mūlapaṇṇāsaṭīkā (paṭhama-dutiya) (2 quyển) gọi
Līnatthapakāsanīṭīkā do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhamma- pāla, Phật-lịch 1100 -
1200.
8- Majjhima-Uparipaṇṇāsaṭīkā gọi Līnatthapakāsanī-
ṭīkā do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla, Phật-lịch 1100 - 1200.
* Phụ-chú-giải Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi có 2 quyển
9-10- Saṃyuttaṭīkā (paṭhama-dutiya) (2 quyển) gọi
Līnatthapakāsanāṭīkā do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhamma- pāla, Phật-lịch 1100 - 1200.
* Phụ-chú-giải Chi-bộ-kinh có 3 quyển
11-12-13- Aṅguttaraṭīkā (paṭhama-dutiya-tatiya)
(3 quyển) gọi Sāratthamañjūsāṭīkā do Ngài Đại-Trưởng- lão Sāriputta, Phật-lịch
1707 - 1725.
* Phụ-chú-giải Tiểu-bộ-kinh có 3 quyển
14-15- Visuddhimaggamahāṭīkā (paṭhama-dutiya) (2
quyển) gọi Paramatthamañjūsāṭīkā do Ngài Đại- Trưởng-lão Dhammapāla, Phật-lịch
1100 - 1200.
16- Nettiṭīkā và Nettivibhāvinīṭīkā do Ngài Đại-
Trưởng-lão Saddhammapāla, Phật-lịch 1986.
3- Phụ-chú-giải - Phụ-theo-chú-giải về Tạng Vi- diệu-pháp
Pāḷi có 3 quyển
1- Dhammasaṅgaṇīmūlaṭīkā do Ngài Đại-Trưởng-lão
Ānanda và phần Anuṭīkapāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla.
2- Vibhaṅgamūlaṭīkā do Ngài Đại-Trưởng-lão
Ānanda và phần Anuṭīkā do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla.
3- Pañcapakaraṇamūlaṭīkā do Ngài Đại-Trưởng-lão
Ānanda và phần Anuṭīkāpāḷi do Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapāla.
Ngoài ra, còn các Phụ-chú-giải về Tạng Vi-diệu-pháp:
- Abhidhammavatāraṭīkā (2 quyển).
- Maṇisārāmañjūsāṭīkā (2 quyển).
- Abhidhammavibhāvanīṭīkā, v.v…
Phụ-chú-giải Pāḷi (Ṭīkapāḷi) và Phụ-theo-chú-giải
Pāḷi (Anuṭīkāpāḷi) gồm có 26 quyển được phân chia theo mỗi Tạng như sau:
- Tạng Luật có 7 quyển.
- Tạng Kinh có 16 quyển.
- Tạng Vi-diệu-pháp có 3 quyển.
Phật-Giáo có 3 loại
1- Pháp-học Phật-giáo
(Pariyattisāsana)
Pháp-học Phật-giáo đó là Tam-tạng Pāḷi
và Chú-giải Pāḷi đã có từ thời-kỳ Đức-Phật. Sau khi Đức-Phật tịch diệt
Niết-bàn, trải qua thời gian lâu, các hàng hậu sinh theo học Tam-tạng Pāḷi và
Chú-giải Pāḷi không phải vị nào cũng có khả năng hiểu rõ đúng đắn theo chánh-pháp.
Do đó, quý Ngài Đại-Trưởng-lão là Bậc thông-thuộc và
thấu-suốt Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, biên soạn thêm những bộ Phụ-chú-giải
Pāḷi (Ṭīkāpāḷi) và bộ Phụ- theo-chú-giải Pāḷi (Anuṭīkāpāḷi) để giảng
giải những điều khó hiểu trong Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.
Tam-Tạng Pāḷi (Tipiṭakapāḷi) là gì?
Tam-tạng Pāḷi đó là Tạng Luật Pāḷi, Tạng
Kinh Pāḷi, Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi mà Đức-Phật đã chế định, đã thuyết giảng
suốt 45 năm, kể từ khi trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là
Đức-Phật Gotama, cho đến trước khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn.
Trong bộ Tam-tạng Pāḷi này, không chỉ có lời giáo huấn
của Đức-Phật, mà còn có lời của chư Thánh A-ra- hán, chư-thiên, phạm-thiên, cận-sự-nam,
cận-sự-nữ, v.v… Những lời ấy được Đức-Phật nhắc lại, hoặc xác nhận, cũng được
xem như là lời dạy của Đức-Phật.
Chú-giải Pāḷi (Aṭṭhakathāpāḷi) là gì?
Chú-giải Pāḷi đó là những lời giảng giải những điều
nào khó hiểu từ trong Tam-tạng Pāḷi, để giúp cho hiểu biết đúng đắn theo
chánh-pháp. Có khi chính Đức-Phật giảng giải những điều ấy gọi là pakiṇṇakadesanā:
Đức- Phật thuyết giảng, giải thích rõ mỗi điều riêng rẽ; có khi chư Thánh
A-ra-hán giảng giải.
Qua các thời-kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi đều có các
Chú-giải Pāḷi. Các Chú-giải ấy được gom lại thành các bộ lớn gọi là bộ Đại-chú-giải
(mahā-āṭṭhakathāpāḷi).
Vào thời-kỳ Phật-lịch khoảng 972 năm (sau khi Đức- Phật
tịch diệt Niết-bàn), Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā-buddhaghosa là Bậc
có trí-tuệ siêu việt, thông-thuộc và thấu-suốt Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddhaghosa từ xứ Ấn- Độ đi
sang đảo quốc Srilankā. Lần đầu tiên, Ngài Đại- Trưởng-lão Mahābuddhaghosa biên
soạn bộ Visuddhi- magga (Thanh-Tịnh-đạo) vào năm Phật-lịch 972.
Sau đó, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddhaghosa xin phép
chư Đại-Trưởng-lão trên đảo quốc Srilankā cho Ngài dịch toàn bộ Đại-chú-giải
(Mahā-aṭṭhakathāpāḷi) bằng tiếng Sihali ra tiếng Pāḷi.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddhaghosa có trí-tuệ siêu-việt,
thông-thuộc và thấu-suốt Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, nên Ngài Đại-Trưởng-lão
có khả năng đặc biệt phân loại toàn bộ Đại-chú-giải ra theo từng mỗi Tạng Pāḷi
riêng biệt: Chú-giải Tạng Luật Pāḷi, Chú-giải Tạng Kinh Pāḷi, Chú-giải Tạng
Vi-diệu-pháp Pāḷi.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahābuddhaghosa phân loại Chú-giải
Pāḷi theo mỗi Tạng Pāḷi, phân chia ra thành mỗi phần, mỗi đoạn, mỗi điều-giới,
mỗi bài kinh, bài kệ, đặc biệt mỗi chữ khó hiểu trong mỗi đoạn, mỗi câu v.v…
Công trình dịch thuật toàn bộ Chú-giải từ tiếng Sihali
ra tiếng Pāḷi, rồi phân loại ra từng Tạng (Piṭaka), từng Bộ (Nikāya), … để lại
cho các đàn hậu sinh được dễ dàng thuận lợi học pháp-học Phật-giáo và thực hành
pháp-hành Phật-giáo.
Phụ-chú-giải (Ṭīkāpāḷi) và Phụ-theo-chú-giải (Anuṭīkāpāḷi) là gì?
Những bộ Phụ-chú-giải Pāḷi (Ṭīkāpāḷi) và bộ Phụ-
theo-chú-giải Pāḷi (Anuṭīkāpāḷi) là những lời giảng giải, giải thích những
điều khó hiểu từ trong Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi. Những bộ sách này được
biên soạn sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn trải qua nhiều năm sau.
Chư Đại-Trưởng-lão suy xét thấy các thế hệ hậu sinh có
trí-tuệ mỗi ngày một kém dần, cho nên, việc theo học Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải
Pāḷi để hiểu biết đúng đắn theo chánh-pháp không phải là việc dễ dàng.
Vì vậy, quý Ngài Đại-Trưởng-lão tiền bối là những Bậc
thông-thuộc và thấu-suốt Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đã dày công biên soạn
ra những bộ Phụ-chú-giải Pāḷi (Ṭīkāpāḷi) và bộ Phụ-theo-chú-giải Pāḷi (Anuṭīkā-
pāḷi) này, để giúp cho thế hệ hậu sinh theo học pháp-học Phật-giáo được dễ hiểu,
hiểu đúng lời giáo huấn của Đức-Phật.
Pháp-học Phật-giáo là nền tảng căn bản của pháp-
hành Phật-giáo. Cho nên, hành giả cần phải học và hiểu biết đúng theo
pháp-học Phật-giáo đó là điều tối ư quan trọng, bởi vì, nếu khi hành-giả hiểu
đúng pháp-học Phật- giáo, rồi mới có thể thực hành đúng theo pháp-hành
Phật-giáo đó là thực hành đúng theo pháp-hành-giới, pháp-hành thiền-định,
pháp-hành thiền-tuệ.
Nếu khi thực hành đúng theo pháp-hành thiền-tuệ thì
mới dẫn đến kết quả chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4
Thánh-quả, Niết-bàn, đó là pháp-thành Phật-giáo, pháp giải thoát khổ
tử sinh luân- hồi trong ba giới bốn loài.
Nếu hành-giả học hiểu không đúng về pháp-học Phật-
giáo thì thực hành không đúng pháp-hành Phật-giáo.
Nếu hành-giả thực hành không đúng pháp-hành thiền- tuệ
thì không dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thể chứng đắc Thánh-đạo,
Thánh-quả nào, cũng không thể giải thoát khỏi khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới
bốn loài.
Cho nên, hành-giả muốn thực hành đúng theo pháp- hành
Phật-giáo đó là thực hành đúng theo pháp-hành- giới, pháp-hành thiền-định,
pháp-hành thiền-tuệ, thì nên theo học pháp-học Phật-giáo đó là học Tam-tạng Pāḷi
và Chú-giải Pāḷi. Nếu chưa hiểu rõ thì theo học thêm các bộ Phụ-chú-giải Pāḷi (Ṭīkāpāḷi)
và bộ Phụ-theo-chú- giải Pāḷi (Anuṭīkāpāḷi) để cho hiểu rõ.
Khi đã hiểu biết rõ phần pháp-học Phật-giáo rồi,
hành-giả cố gắng tinh-tấn thực hành pháp-hành Phật- giáo đó là thực hành
pháp-hành-giới, pháp-hành thiền- định, pháp-hành thiền-tuệ (22) được thuận lợi.
Đối với các hàng thanh-văn đệ-tử là chư tỳ-khưu, sa-
di, các cận-sự-nam, cận-sự-nữ nên theo học pháp-học Phật-giáo để hiểu biết
giáo-pháp của Đức-Phật Gotama làm nền tảng căn bản cho pháp-hành Phật-giáo.
Công việc theo học pháp-học Phật-giáo còn là một
bổn phận thiêng liêng của hàng thanh-văn đệ-tử giữ gìn và duy trì pháp-học
Phật-giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự
tiến hóa, sự an-lạc cho chính mình và truyền dạy đến những người khác, cùng
nhau bảo tồn pháp-học Phật-giáo được trường tồn đến 5.000 năm tuổi thọ Phật-giáo,
để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc cho tất cả chúng-sinh, nhất là
chư- thiên và nhân-loại.
Hơn nữa, ngôn ngữ Pāḷi (Pāḷibhāsā) vốn là ngôn ngữ của
dân Magadha, Mūlabhāsā là ngôn ngữ gốc mà chư Phật quá-khứ, Đức-Phật hiện-tại,
chư Phật vị-lai đều sử dụng thuyết-pháp tế độ chúng-sinh, nên người nào học
Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi được lưu-trữ trong tâm không bao giờ bị mai một
theo thời gian và không gian trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
2- Pháp-hành Phật-giáo
(Paṭipattisāsana)
Sau khi đã học hỏi nghiên cứu hiểu biết rõ pháp-học Phật-giáo
ở giai đoạn đầu, rồi tiếp theo giai đoạn giữa là hành pháp-hành Phật-giáo.
Pháp-hành Phật-giáo là gì?
Pháp-hành Phật-giáo có nhiều pháp, trong đó có 3
pháp-hành chính là:
* Pháp-hành-giới.
* Pháp-hành thiền-định.
* Pháp-hành thiền-tuệ.
2.1- Pháp-hành-giới là gì?
Pháp-hành-giới là pháp-hành mà hành-giả
có tác-ý đại-thiện-tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi hành-ác. Hành-giả thực
hành pháp-hành-giới có tác-ý đại-thiện- tâm tránh xa 3 thân hành điều ác và
tránh xa 4 khẩu nói điều ác, giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn
vẹn, để làm nền tảng cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ được phát
triển.
Giới của mỗi hàng thanh-văn đệ-tử khác
nhau:
- Đối với hàng tại gia cư-sĩ là cận-sự-nam, cận-sự-nữ
có ngũ-giới và bát-giới ājīvaṭṭhamakasīla là thường giới. Ngoài ra, cận-sự-nam,
cận-sự-nữ còn có thể thọ trì bát-giới uposathasīla, cửu-giới uposathasīla, thập-giới,
tùy theo khả năng của mỗi người cận-sự-nam, cận-sự-nữ.
- Đối với bậc xuất-gia:
* Vị sa-di có 10 sa-di-giới, 10 điều-giới hoại phẩm hạnh sa-di, 10 giới
hành phạt, 75 điều-giới hành, … 14 pháp-hành như tỳ-khưu,…
* Vị tỳ-khưu có tứ thanh-tịnh-giới. Trong tứ
thanh- tịnh-giới ấy, có Bhikkhupātimokkkasīla có 227 điều-giới, nếu tính đầy đủ
trong Tạng Luật thì có 91.805.036.000 điều-giới.
Muốn giữ gìn giới được trong sạch trọn vẹn, thanh-tịnh,
điều trước tiên, hành-giả cần phải học hỏi, hiểu rõ kỹ càng tất cả mọi điều-giới
của mình, rồi mới có thể thực hành pháp-hành-giới (23) là tránh xa mọi hành ác do thân và khẩu, giữ gìn giới của
mình cho được trong sạch và trọn vẹn, làm cho thân và khẩu được thanh-tịnh.
Do năng lực của giới có thể diệt được phiền-não loại
thô ở thân và khẩu (vitikkamakilesa), để làm nền-tảng cho pháp-hành thiền-định,
pháp-hành thiền-tuệ được phát triển.
2.2- Pháp-hành thiền-định là gì?
Pháp-hành thiền-định là pháp-hành dẫn đến định-tâm
trong một đối-tượng-thiền-định duy nhất, để chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc
thiền vô-sắc-giới.
Muốn thực hành pháp-hành thiền-định, trước tiên,
hành-giả cần phải học hỏi, nghiên cứu cho hiểu biết rõ về 40 đề-mục thiền-định,
rồi chọn một đề-mục thiền-
định nào thích hợp với bản tánh riêng của mình.
Sau đó, hành-giả học hỏi kỹ càng phương pháp thực hành
pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định ấy.
Khi đã chọn đề-mục thiền-định rồi, hành-giả thực hành
pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định ấy làm đối-tượng. Hành giả chỉ có định-tâm
trong đối-tượng- thiền-định duy nhất ấy mà thôi.
Nếu đề-mục thiền-định sắc-giới ấy là đề-mục thiền- định
có thể dẫn đến chứng đắc tuần tự 5 bậc thiền sắc- giới thiện-tâm thì 5 bậc thiền
sắc-giới phát sinh như sau:
5 Bậc thiền sắc-giới
* Thiền sắc-giới có 5 bậc đối với
hành-giả thuộc về hạng mandapuggala là hành-giả có trí-tuệ trung
bình, thực hành pháp-hành thiền-định, chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm
theo tuần tự như sau:
- Đệ-nhất-thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền
là hướng-tâm, quan-sát, hỷ, lạc, nhất-tâm do chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại là
tham-dục, sân-hận, buồn- chán - buồn-ngủ, phóng-tâm - hối-hận, hoài-nghi.
- Đệ-nhị-thiền sắc-giới thiện-tâm có 4 chi-thiền
là quan-sát, hỷ, lạc, nhất-tâm do chế ngự được chi-thiền hướng-tâm.
- Đệ-tam-thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền
là hỷ, lạc, nhất-tâm do chế ngự được chi thiền quan-sát.
- Đệ-tứ-thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi thiền
là lạc, nhất-tâm do chế ngự được chi thiền hỷ.
- Đệ-ngũ-thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi thiền
là xả, nhất-tâm do thay thế chi thiền lạc bằng chi thiền xả.
4 Bậc thiền sắc-giới
* Thiền sắc-giới có 4 bậc thiền đối với
hành-giả thuộc về hạng tikkhapuggala là hành-giả có trí-tuệ sắc
bén nhanh nhạy, thực hành pháp-hành thiền-định đến khi chứng đắc đến đệ-nhị-thiền
sắc-giới thiện-tâm có khả năng chế ngự được 2 chi-thiền là hướng-tâm và quan-
sát cùng một lúc, nên đệ-nhị-thiền sắc-giới có 3 chi-thiền.
Cho nên, hành-giả thuộc về hạng người tikkha- puggala
thực hành pháp-hành thiền-định, chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm như
sau:
- Đệ-nhất-thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền
là hướng-tâm, quan-sát, hỷ, lạc, nhất-tâm do chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại là
tham-dục, sân-hân, buồn- chán - buồn-ngủ, phóng-tâm - hối-hận, hoài-nghi.
- Đệ-nhị-thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền
là hỷ, lạc, nhất-tâm do chế ngự được 2 chi-thiền hướng-tâm và quan-sát.
- Đệ-tam-thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền
là lạc, nhất-tâm do chế ngự được chi thiền hỷ.
- Đệ-tứ-thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền
là xả, nhất-tâm do thay thế chi-thiền lạc bằng chi-thiền xả.
Sau khi đã chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, nếu
hành-giả tiếp tục thực hành pháp-hành thiền-định để chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới
thiện-tâm thì hành giả cần phải thay đổi đối-tượng sang đề-mục-thiền vô- sắc-giới.
* Thiền vô-sắc-giới thiện-tâm có 4 bậc
thiền mà mỗi bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm nào chỉ có riêng biệt mỗi đề-mục-thiền
vô-sắc-giới ấy mà thôi, nên có 4 đề-mục- thiền vô-sắc-giới dẫn đến chứng đắc 4
bậc thiền vô-sắc- giới thiện-tâm.
Cho nên, hành-giả chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới
thiện-tâm như sau:
4 Bậc thiền vô-sắc-giới
- Đệ-nhất-thiền vô-sắc-giới gọi là
“Không-vô-biên- xứ-thiền” có 2 chi-thiền là xả, nhất-tâm.
- Đệ-nhị-thiền vô-sắc-giới gọi là “Thức-vô-biên-xứ-
thiền” có 2 chi-thiền là xả, nhất-tâm.
- Đệ-tam-thiền vô-sắc-giới gọi là “Vô-sở-hữu-xứ-
thiền” có 2 chi-thiền là xả, nhất-tâm.
- Đệ-tứ-thiền vô-sắc-giới gọi là “Phi-tưởng-phi-phi-
tưởng-xứ-thiền” có 2 chi-thiền là xả, nhất-tâm.
Như vậy, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm đều có 2
chi-thiền giống nhau, chỉ có khác nhau là mỗi đề-mục- thiền vô-sắc-giới riêng
biệt nào để chứng đắc mỗi bậc thiền vô-sắc-giới ấy mà thôi.(24)
5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới đều có
khả năng diệt phiền-não bằng cách chế ngự được phiền- não loại trung trong tâm
(pariyuṭṭhānakilesa), phiền-não không phát hiện ra bên ngoài thân và khẩu.
Hành-giả có thể nhập-thiền (jhānasamāpatti) để hưởng sự
an-lạc của bậc thiền, và có thể luyện 5 phép-thần- thông tam-giới.
5 Phép-thần-thông Tam-giới
1- Iddhividha abhiññā: Đa-dạng-thông là
phép-thần- thông có khả năng biến hóa một người thành nhiều người, xuất hiện đến
một nơi, đi xuyên qua núi, qua tường, bay trên hư không, chui xuống mặt đất,
v.v…
2- Dibbacakkhu abhiññā:
Thiên-nhãn-thông là phép- thần-thông có khả
năng nhìn thấy khắp mọi nơi trong cõi người, các cõi trời dục-giới, … như mắt của
chư-thiên.
3- Dibbasota abhiññā: Thiên-nhĩ-thông là phép-thần- thông có khả năng nghe được các thứ tiếng gần
xa khắp mọi nơi như tai của chư-thiên.
4- Paracittavijānana abhiññā: Tha-tâm-thông là phép thần thông có khả năng biết được ý nghĩ của người
khác, chúng-sinh khác, …
5- Pubbenivāsānussati abhiññā: Tiền-kiếp-thông là phép-thần-thông có khả năng nhớ lại những tiền-kiếp của
mình với đủ chi tiết, như tiền-kiếp sinh làm loài chúng-sinh nào, kiếp sống như
thế nào, v.v…
Đó là 5 phép-thần-thông thuộc về tam-giới.(25)
* Hành-giả thực hành pháp-hành thiền-định nếu có khả
năng chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm bậc cao nào cuối cùng, sau khi
hành-giả chết, chắc chắn bậc thiền sắc-giới thiện-nghiệp bậc cao ấy có quyền ưu
tiên cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp, hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 1 trong 16
tầng trời sắc-giới phạm-thiên, được sinh trên tầng trời sắc-giới nào tùy theo bậc
thiền sắc-giới quả-tâm ấy.
Và hành-giả thực hành pháp-hành thiền-định, nếu có khả
năng chứng đắc bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc cao nào cuối cùng, sau khi
hành-giả chết, chắc chắn bậc thiền vô-sắc-giới thiện-nghiệp bậc cao ấy có quyền
ưu tiên cho quả tái-sinh làm phạm-thiên trên 1 trong 4 cõi trời vô-sắc-giới phạm-thiên,
được sinh trên tầng trời vô sắc-giới nào tùy theo bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm
ấy.
Các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, bậc thiền vô-sắc- giới
thiện-tâm còn có thể làm nền tảng, làm đối-tượng cho pháp-hành thiền-tuệ.
2.3- Pháp-hành thiền-tuệ là gì?
Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành dẫn đến phát sinh
trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp,
danh-pháp, thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc- pháp, danh-pháp tam-giới,
thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái- chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái
vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế,
chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi
phiền-não trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát
khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Muốn thực hành pháp-hành thiền-tuệ, trước tiên, hành-
giả cần phải học hỏi, hiểu biết rõ kỹ càng tất cả các đối- tượng thiền-tuệ đó
là thân, thọ, tâm, pháp, là đối-tượng của pháp-hành tứ niệm-xứ:
- Thân niệm-xứ: Thân là đối-tượng
của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác.
- Thọ niệm-xứ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác.
- Tâm niệm-xứ: Tâm là đối-tượng
của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác.
- Pháp niệm-xứ: Pháp là đối-tượng của chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác.
- Thân niệm-xứ thuộc về sắc-pháp.
- Thọ niệm-xứ và tâm niệm-xứ thuộc về danh-pháp.
- Pháp niệm-xứ thuộc về sắc-pháp,
danh-pháp.
Sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành
thiền-tuệ.
* Hành-giả còn là phàm-nhân thuộc hạng người tam- nhân
thực hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng thiền- tuệ là sắc-pháp hoặc
danh-pháp tam-giới, có khả năng dẫn đến phát sinh trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh
của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới; tiếp tục trí-tuệ-thiền-tuệ phát sinh thấy rõ,
biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, thấy rõ, biết rõ 3
trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp,
danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu
Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được hai loại phiền-não là
tà-kiến và hoài-nghi, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Bậc Thánh Nhập-lưu sau khi chết, vĩnh viễn
không còn tái-sinh trong 4 cõi ác-giới nữa, chỉ còn tái-sinh trong cõi thiện-giới
là cõi người và 6 cõi trời dục-giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi.
Đến kiếp thứ 7 ấy, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở
thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, chấm dứt tử sinh luân-hồi
trong tam-giới.
* Nếu Bậc Thánh Nhập-lưu tiếp tục thực hành pháp-hành
thiền-tuệ thì trí-tuệ-thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của
sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái
vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới,
dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai
Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được một loại phiền-não là sân loại thô, trở
thành bậc Thánh Nhất-lai.
Bậc Thánh Nhất-lai sau khi chết, chỉ còn
tái-sinh một kiếp trong cõi thiện-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới mà
thôi.
Kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi
sẽ tịch diệt Niết-bàn, chấm dứt tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Nếu Bậc Thánh Nhất-lai tiếp tục thực hành pháp- hành
thiền-tuệ thì trí-tuệ-thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của
sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái
vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh- pháp tam-giới,
dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai
Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được một loại phiền-não là sân loại vi- tế
không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Bất-lai.
Bậc Thánh Bất-lai sau khi chết, không
còn trở lại tái- sinh trong cõi dục-giới, mà chỉ còn tái-sinh trên cõi trời sắc-giới
mà thôi. Bậc Thánh Bất-lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch
diệt Niết-bàn tại cõi trời sắc-giới ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong
tam-giới.
* Nếu Bậc Thánh Bất-lai tiếp tục thực hành pháp- hành
thiền-tuệ thì trí-tuệ-thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của
sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái
vô- thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới,
dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán
Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham, si, ngã-mạn,
buồn-chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi
không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện-tại sẽ
tịch diệt Niết-bàn, chấm dứt tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Pháp-hành Phật-giáo có quả trực tiếp là Pháp-thành
Phật-giáo.
3- Pháp-thành Phật-giáo
(Paṭivedhasāsana)
Pháp-thành Phật-giáo là gì?
Pháp-thành Phật-giáo là quả của pháp-hành
Phật-giáo đó là quả trực tiếp của pháp-hành thiền-tuệ.
Thật vậy, pháp-thành Phật-giáo đó là 4
Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn là quả của pháp-hành thiền-tuệ.
4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả liên quan nhân với quả
tương xứng với nhau, Thánh-đạo-tâm nào sinh rồi diệt liền cho Thánh-quả-tâm ấy
sinh không có thời gian khoảng cách trong cùng Thánh-đạo lộ-trình-tâm ấy
(Maggavīthicitta).
4 Thánh-đạo --> 4 Thánh-quả
Nhập-lưu Thánh-đạo --> Nhập-lưu Thánh-quả.
Nhất-lai Thánh-đạo --> Nhất-lai Thánh-quả.
Bất-lai Thánh-đạo --> Bất-lai Thánh-quả.
A-ra-hán Thánh-đạo --> A-ra-hán Thánh-quả.
Niết-bàn chỉ là đối-tượng của 4 Thánh-đạo-tâm, 4
Thánh-quả-tâm mà thôi. 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn gọi là 9
pháp siêu-tam-giới.
Sự liên quan giữa pháp-học, pháp-hành, pháp-thành
- Pháp-học Phật-giáo là nhân có pháp-hành Phật-giáo
là quả.
- Pháp-hành Phật-giáo là nhân có pháp-thành
Phật-giáo là quả.
Sự liên quan giữa pháp-học Phật-giáo, pháp-hành Phật-giáo
và pháp-thành Phật-giáo là sự liên quan theo nhân với quả với nhau. Cho nên,
khi pháp này phát triển, thì pháp kia cũng phát triển, trái lại khi pháp này
suy thoái, khiến cho pháp kia cũng suy thoái.
Phật-giáo suy thoái (Sāsana Antaradhāna)
Phật-giáo đó là lời giáo huấn của Đức-Phật
vô cùng cao siêu, vô cùng vi-tế. Cho nên, các hàng thanh-văn đệ- tử của Đức-Phật
là chư tỳ-khưu, chư tỳ-khưu-ni, cận-sự- nam, cận-sự-nữ giữ gìn, duy trì, bảo tồn
pháp-học Phật- giáo, pháp-hành Phật-giáo, pháp-thành Phật-giáo bằng trí-tuệ
ba-la-mật, chắc chắn không phải là bằng cách nào khác, mà trí-tuệ ba-la-mật của
các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật càng ngày càng bị suy giảm dần, giảm dần
theo thời gian.
Vì vậy, Phật-giáo bị mai một dần, bị suy thoái dần,
theo thời gian tuổi thọ của Phật-giáo 5.000 năm.
Thời-kỳ đầu: Đức-Phật còn hiện hữu trên thế
gian, và sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn, Phật-giáo phát triển theo thời
gian.
Về sau trải qua thời gian lâu, Phật-giáo bị suy thoái
dần theo thời gian tuổi thọ của Phật-giáo 5.000 năm, bởi vì, các hàng thanh-văn
đệ-tử của Đức-Phật không còn đủ khả năng trí-tuệ ba-la-mật để giữ gìn, duy trì,
bảo tồn Phật-giáo vô cùng cao siêu, vô cùng vi-tế.
Trong Chú-giải Chi-bộ-kinh phần
Ekakanipāta, giải thích về Phật-giáo suy thoái như sau:
* Pháp-thành Phật-giáo suy thoái. (Adhigama
antaradhāna.)
* Pháp-hành Phật-giáo suy thoái. (Paṭipatti
antaradhāna.)
* Pháp-học Phật-giáo suy thoái. (Pariyatti
antaradhāna.)
* Pháp-thành Phật-giáo, pháp-hành Phật-giáo, pháp- học
Phật-giáo cả 3 loại Phật-giáo này thuộc về danh-pháp
đó là trí-tuệ ba-la-mật, không phải sắc-pháp, nên
Phật-giáo bị suy thoái, bị mai một không phải do lửa thiêu hủy, cũng không phải
nước lũ cuốn trôi, cũng không phải do bão tàn phá, mà Phật-giáo bị suy thoái dần,
bị mai một dần do trí-tuệ của các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật là chư tỳ-khưu,
chư sa-di, các cận- sự-nam, cận-sự-nữ càng ngày càng giảm dần, trí nhớ càng
ngày càng giảm dần, đức-tin giảm dần nên không giữ gìn giáo-pháp của Đức-Phật
được trọn vẹn.
Đó là nguyên nhân làm cho Phật-giáo bị suy thoái.
Pháp-học Phật-giáo, pháp-hành Phật-giáo, pháp-
thành Phật-giáo được phát triển hay bị suy thoái theo tuần tự theo sự liên
quan nhân với quả.
Pháp-học Phật-giáo là nhân, pháp-hành Phật-giáo là quả. Pháp-hành Phật-giáo
là nhân, pháp-thành Phật- giáo là quả.
Sở dĩ pháp-thành Phật-giáo càng ngày càng bị suy thoái
là vì pháp-hành Phật-giáo càng ngày càng bị suy thoái.
Pháp-hành Phật-giáo càng ngày càng bị suy thoái là vì
pháp-học Phật-giáo càng ngày càng bị suy thoái, nên Phật-giáo dần dần bị suy
thoái theo thời gian tuổi thọ của Phật-giáo 5.000 năm.
Pháp-thành Phật-giáo suy đồi như thế nào?
* Trong Chú-giải bài kinh Gotamīsuttavaṇṇanā (26) có đoạn giải thích pháp-thành Phật-giáo bị mai một, bị suy
đồi tuần tự theo thời gian tuổi thọ Phật-giáo 5.000 năm như sau:
- Một ngàn năm thứ nhất: Hành-giả thực hành pháp
hành thiền-tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh A- ra-hán cùng với tứ tuệ-phân-tích,
lục thông, tam-minh.
- Một ngàn năm thứ nhì: Hành-giả thực hành pháp- hành
thiền-tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh A- ra-hán chỉ diệt tận được mọi
phiền-não (sukkha- vipassaka) mà thôi.
- Một ngàn năm thứ ba: Hành-giả thực hành pháp- hành
thiền-tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Bất-lai.
- Một ngàn năm thứ tư: Hành-giả thực hành pháp- hành
thiền-tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Nhất-lai.
- Một ngàn năm thứ năm: Hành-giả thực hành pháp- hành thiền-tuệ có khả năng
chứng đắc đến bậc Thánh Nhập-lưu, và cuối cùng không còn bậc Thánh-nhân nào
trong cõi người này nữa.
Đó là lúc pháp-thành Phật-giáo bị mai một,
bị suy đồi hoàn toàn trong cõi người này.
Theo Chú-giải Pāthikavaggaṭṭhakathā, Sampasādanīya-
nīyasuttavaṇṇanā, phần Tipiṭaka antaradhānakathā (27) và Chú-giải Chi-bộ-kinh Ekakanipātaṭṭhakathā phần pañca
antaradhānāni đó là adhigama antaradhāna, paṭipatti antaradhāna, pariyatti
antaradhāna, liṅga antaradhāna, dhātu antaradhāna.
* Pháp-thành Phật-giáo (Adhigama
antaradhāna) đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả
bị mai một, bị suy đồi tuần tự theo thời gian tuổi thọ Phật-giáo 5.000 năm:
- Một ngàn năm thứ nhất: Hành-giả thực hành pháp-
hành thiền-tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh A-ra-hán cùng với
catupaṭisambhidā: Tứ tuệ-phân-tích.
- Một ngàn năm tiếp theo: Hành-giả thực hành pháp-
hành thiền-tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh A- ra-hán cùng với
chaḷābhiññā: Lục thông.
- Một ngàn năm tiếp theo: Hành-giả thực hành pháp-
hành thiền-tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh A-ra-hán cùng với
tevijja: Tam-minh.
- Một ngàn năm tiếp theo: Hành-giả thực hành pháp-
hành thiền-tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh A-ra-hán chỉ diệt tận
được mọi phiền-não (sukkha- vipassaka) mà thôi.
- Một ngàn năm tiếp theo: Hành-giả thực hành pháp-
hành thiền-tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh Nhất-lai,
bậc Thánh Nhập-lưu và cuối cùng không còn ai có khả năng chứng đắc thành bậc
Thánh-nhân trên cõi người này nữa.
Nếu những bậc Thánh-nhân còn hiện hữu trong cõi người
này thì pháp-thành Phật-giáo vẫn chưa hoàn toàn bị mai một, bị
suy đồi cho đến khi nào những bậc Thánh-nhân ấy hết tuổi thọ, từ bỏ cõi người
này, thiện- nghiệp cho quả tái-sinh hóa-sinh làm phạm-thiên trên cõi trời sắc-giới
hoặc chư-thiên trong cõi trời dục-giới. Khi ấy, trong cõi người hoàn toàn không
còn bậc Thánh- nhân nào.
Đó là lúc pháp-thành Phật-giáo bị mai một,
bị suy đồi hoàn toàn không còn trong cõi người này.
Pháp-hành Phật-giáo bị suy thoái như thế nào?
* Pháp-hành Phật-giáo (Paṭipatti
antaradhāna) đó là pháp-hành-giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ
bị mai một, bị suy đồi tuần tự theo thời gian tuổi thọ Phật-giáo 5.000 năm.
Thời-kỳ đầu Phật-giáo, hành-giả thuộc hạng tam-nhân thực
hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ có khả năng chứng đắc thành các
bậc Thánh A-ra-hán cùng với lục thông càng ngày càng nhiều.
Sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn, hành-giả thực
hành pháp-hành thiền-tuệ còn có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán
(sukkhavipassaka) không có bậc thiền sắc-giới.
Về sau, trải qua thời gian theo tuần tự, hành-giả thực-
hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng chứng đắc các bậc Thánh thấp dần, theo tuần
tự thời gian từ bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Nhập-lưu.
Đến thời-kỳ gần mãn tuổi thọ của Phật-giáo 5.000 năm,
hành-giả thực hành pháp-hành thiền-tuệ không đúng theo pháp-hành trung-đạo và
cuối cùng không còn hành-giả thực hành pháp-hành thiền-tuệ nữa.
Đó là thời-kỳ pháp-hành thiền-định, pháp-hành
thiền-tuệ bị mai một, bị suy đồi trong cõi người.
* Pháp-hành-giới: Cũng như pháp-hành thiền-tuệ
và pháp-hành thiền-định, thời-kỳ đầu Phật-giáo, hành-giả giữ gìn giới của mình
trong sạch, đầy đủ và trọn vẹn.
Sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn, chư tỳ-khưu có đức-tin
trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức- Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, nên hết lòng
tôn kính tất cả mọi điều-giới mà Đức-Phật đã chế định, ban hành cho tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni.
Chư tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni nghiêm chỉnh giữ gìn mọi điều-giới của mình được trong
sạch trọn vẹn, để làm nền tảng cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.
Về sau, trải qua thời gian theo tuần tự, chư tỳ-khưu,
tỳ-khưu-ni có đức-tin càng ngày càng giảm dần, xem thường những điều-giới nhẹ,
nên phạm giới dubbhāsita āpatti (giới nói bậy), phạm giới dukkaṭa āpatti (giới
hành bậy), và dần dần tiếp theo phạm giới pācittiya āpatti (giới sám hối lỗi),
phạm giới thullaccaya āpatti (giới trọng). Các loại giới này còn thuộc về loại
giới nhẹ.
Từ đó về sau, thời gian theo tuần tự tỳ-khưu, tỳ-khưu-
ni phạm giới nặng, như phạm giới Saṃghādisesa āpatti (giới hành phạt), nhưng vẫn
còn giữ phẩm hạnh tỳ-khưu, tỳ-khưu ni, cho đến khi tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni nào phạm
giới pārājika āpatti (giới bại hoại), khi ấy, tỳ-khưu, tỳ- khưu-ni ấy không còn
phẩm hạnh tỳ-khưu, phẩm hạnh tỳ-khưu-ni nữa.
Thời-kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ
tư tại Đảo quốc Srilankā, 450 năm sau Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn, khi ấy,
tỳ-khưu-ni-Tăng vẫn còn. Khoảng 500 năm sau Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn,
tỳ-khưu-ni-tăng không còn nữa, chỉ còn có chư tỳ-khưu-tăng tồn tại cho đến nay
mà thôi.
Theo tuần tự thời gian đến khi gần mãn tuổi thọ Phật-
giáo 5.000 năm, tỳ-khưu có đức-tin càng ngày càng giảm dần, nên giữ gìn giới-hạnh
của mình không còn trong sạch, cho đến khi không còn hành-giới nữa.
Đó là thời-kỳ pháp-hành-giới bị mai một, bị suy
đồi và cũng là thời-kỳ pháp-hành Phật-giáo bị suy đồi trong cõi người.
Pháp-học Phật-giáo bị suy thoái như thế nào?
Pháp-học Phật-giáo đó là học Tam-tạng Pāḷi
và Chú- giải Pāḷi, lời giáo huấn của Đức-Phật.
Pháp-học Phật-giáo là nhân, pháp-hành Phật-giáo
là quả, nhân và quả đi đôi với nhau.
Sở dĩ, pháp-hành Phật-giáo bị mai một, bị suy
thoái dần tuần tự theo thời gian tuổi thọ Phật-giáo 5.000 năm là vì pháp-học
Phật-giáo bị mai một, bị suy đồi theo thời gian tuổi thọ Phật-giáo 5.000
năm ấy.
Ban đầu, chư Đại-Trưởng-lão, chư Trưởng-lão học thuộc
lòng giữ gìn duy trì Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, Pháp-học Phật-giáo đầy đủ
y theo bản chánh qua các kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.
Về sau, tuần tự theo thời gian chư Đại-Trưởng-lão và
chư Trưởng-lão thông-thuộc, thấu-suốt Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đã tịch diệt
không còn trong cõi người.
Chỉ còn chư tỳ-khưu có đức-tin càng ngày càng giảm dần,
trí-tuệ ba-la-mật kém, nên không đủ khả năng học thuộc lòng trọn bộ Tam-tạng Pāḷi
và Chú-giải Pāḷi.
Đó là nguyên nhân làm cho pháp-học Phật-giáo bị mai một,
bị suy đồi tuần tự theo thời gian tuổi thọ của Phật-giáo 5.000 năm như sau:
Tam-tạng Pāḷi là Tạng Luật Pāḷi, Tạng Kinh Pāḷi, Tạng
Vi-diệu-pháp Pāḷi bị mai một, bị suy đồi theo tuần tự:
Trong Tam-tạng Pāḷi ấy, trước tiên Tạng Vi-diệu-pháp
Pāḷi (Abhidhammapiṭakapāḷi) bị mai một, bị suy đồi.
* Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 7 bộ lớn là:
1- Bộ Dhammasaṅgaṇīpāḷi: Bộ Pháp-hội-tụ gồm tất cả các chân-nghĩa-pháp thành nhóm Mātikā.
2- Bộ Vibhaṅgapāḷi: Bộ Pháp-phân-tích gồm các pháp phân tích ra 18 loại, …
3- Bộ Dhātukathāpāḷi: Bộ Pháp-phân-loại gồm các pháp phân loại thành ngũ-uẩn (khandha),…
4- Bộ Puggalapaññattipāḷi: Bộ
Pháp-nhân-chế-định phân biệt các hạng người
khác nhau.
5- Bộ Kathāvatthupāḷi: Bộ Pháp-luận-đề đặt vấn đề phá tan mọi tà thuyết, trở lại Chánh-pháp.
6- Bộ Yamakapāḷi: Bộ Pháp-song-đối gồm các câu hỏi, câu trả lời đi đôi với nhau từng cặp.
7- Bộ Paṭṭhānapāḷi: Bộ Pháp-duyên-hệ giải về 24 duyên (paccaya) có quan hệ với nhau.
* Bộ Paṭṭhānapāḷi: Pháp-duyên-hệ
này là bộ lớn và rộng nhất, sâu sắc và vi-diệu nhất trong Phật-giáo.
Trong 7 bộ này, đầu tiên bộ Paṭṭhānapāḷi: Bộ Pháp-
duyên-hệ là bộ lớn nhất, vi-tế sâu sắc nhất, bị mai một trước; tiếp theo bộ
Yamakapāḷi: Bộ Pháp-song-đối; tuần tự đến bộ Kathāvatthupāḷi: Bộ Pháp-luận-đề,
bộ Puggalapaññattipāḷi: Bộ Nhân-chế-định, bộ Dhātu- kathāpāḷi: Bộ Pháp-phân-loại,
bộ Vibhaṅgapāḷi: Bộ Pháp-phân-tích, cuối cùng bộ Dhammasaṅgaṇīpāli: Bộ Pháp-hội-tụ
bị mai một, bị suy đồi cuối cùng.
Dù Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi bị mai một, bị suy đồi hoàn
toàn, nhưng còn Tạng Kinh Pāḷi và Tạng Luật Pāḷi là pháp-học Phật-giáo vẫn còn
tồn tại.
Tiếp theo Tạng Kinh Pāḷi (Suttantapiṭakapāḷi) bị
mai một, bị suy đồi. Tạng Kinh Pāḷi có 5 bộ lớn:
- Dīghanikāyapāḷi (Trường-bộ-kinh).
- Majjhimanikāyapāḷi (Trung-bộ-kinh).
- Saṃyuttanikāyapāḷi (Đồng-loại-bộ-kinh).
- Aṅguttaranikāyapāḷi (Chi-bộ-kinh).
- Khuddakanikāyapāḷi (Tiểu-bộ-kinh).
Trong 5 bộ này, đầu tiên Aṅguttaranikāyapāḷi: Chi- bộ-kinh
bị mai một trước. Chi-bộ-kinh có 11 phần, gồm những bài pháp, bài kinh có 1
chi, 2 chi, 3 chi, v.v... cho đến những bài kinh có 11 chi.
* Aṅguttaranikāyapāḷi, trước tiên, những bài
kinh có 11 chi bị mai một trước, tiếp theo những bài kinh có 10 chi và tuần tự
đến những bài kinh có 9 chi, có 8 chi, có 7 chi, có 6 chi, có 5 chi, có 4 chi,
có 3 chi, có 2 chi, cuối cùng những bài pháp 1 chi bị mai một hoàn toàn.
Chi-bộ-kinh bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn.
* Tiếp theo Saṃyuttanikāyapāḷi: Đồng-loại-bộ-kinh
bị mai một, bị suy đồi. Đồng-loại-bộ-kinh có 5 phần:
- Sagāthāvaggasaṃyuttapāḷi.
- Nidānavaggasaṃyuttapāḷi.
- Khaṇdhavaggasaṃyuttapāḷi.
- Sāḷāyatanasaṃyuttapāḷi.
- Mahāvaggasaṃyuttapāḷi.
Trong 5 phần này, trước tiên phần Mahāvagga- saṃyuttapāḷi
bị mai một trước, tiếp theo phần Sāḷā- yatanasaṃyuttapāḷi, tuần tự đến phần Khaṇdhavagga-
saṃyuttapāḷi, phần Nidānavaggasaṃyuttapāḷi và cuối cùng phần Sagāthāvaggasaṃyuttapāḷi
bị mai một hoàn toàn.
Đồng-loại-bộ-kinh bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn.
* Tiếp theo Majjhimanikāyapāḷi: Trung-bộ-kinh bị
mai một, bị suy đồi. Trung-bộ-kinh có 3 phần:
- Mūlapaṇṇāsapāḷi.
- Majjhimapaṇṇāsapāḷi.
- Uparipaṇṇāsapāḷi.
Trong 3 phần này, trước tiên phần Uparipaṇṇāsapāḷi
bị mai một trước, tiếp theo phần Majjhimapaṇṇāsapāḷi và cuối cùng phần Mūlapaṇṇāsapāḷi
bị mai một hoàn toàn.
Trung-bộ-kinh bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn.
* Tiếp theo Dīghanikāyapāḷi: Trường-bộ-kinh bị
mai một, bị suy đồi. Trường-bộ-kinh có 3 phần:
- Sīlakkhandhavaggapāḷi.
- Mahāvaggapāḷi.
- Pāthikavaggapāḷi.
Trong 3 phần này, trước tiên phần Pāthikavaggapāḷi
bị mai một, bị suy đồi trước, tiếp đến phần Mahāvaggapāḷi và cuối cùng
phần Sīlakkhandhavaggapāḷi bị mai một hoàn toàn.
Trường-bộ-kinh bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn.
* Tiếp theo Khuddakanikāyapāḷi: Tiểu-bộ-kinh bị
mai một, bị suy đồi hoàn toàn.
Dù Tạng Kinh Pāḷi bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn,
nhưng còn Tạng Luật Pāḷi là pháp-học Phật-giáo vẫn còn tồn tại.
* Cuối cùng Tạng
Luật Pāḷi: Vinayapiṭakapāḷi bị
mai một, bị suy đồi. Tạng Luật Pāḷi có 5 bộ:
- Bộ Pārājikapāḷi.
- Bộ Pācittiyapāḷi.
- Bộ Mahāvaggapāḷi.
- Bộ Cūḷavaggapāḷi.
- Bộ Parivārapāḷi.
Trong 5 bộ này, trước tiên bộ Parivārapāḷi bị
mai một trước, tiếp theo bộ Cūḷavaggapāḷi, tuần tự đến bộ Mahāvaggapāḷi,
bộ Pācittiyapāḷi và cuối cùng bộ Pārājikapāḷi bị mai một, song chỉ
còn Uposatha- kkhandhaka là pháp-học Phật-giáo vẫn chưa bị mai một, chưa
bị suy đồi.
Về sau, Uposathakkhandhaka bị mai một, cuối
cùng không còn một ai thuộc lòng được bài kệ gồm có 4 câu.
Khi ấy, pháp-học Phật-giáo bị mai một, bị suy đồi hoàn
toàn.
Tóm lại, trong 3 loại Phật-giáo là pháp-học Phật-
giáo, pháp-hành Phật-giáo, pháp-thành Phật-giáo, thì pháp-học Phật-giáo
là cốt lõi, là nền tảng căn bản của pháp-hành Phật-giáo và pháp-thành
Phật-giáo.
Thật vậy, nếu học pháp-học Phật-giáo hiểu biết đúng, kỹ
càng, thì khi thực hành pháp-hành Phật-giáo mới đúng. Nếu thực hành pháp-hành
Phật-giáo đúng, thì có quả là pháp-thành Phật-giáo đó là 4 Thánh-đạo, 4
Thánh-quả, Niết-bàn mới phát sinh, dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh luân-hồi
trong ba giới bốn loài.
Trái lại, nếu học pháp-học Phật-giáo mà hiểu sai thì sẽ
thực hành pháp-hành Phật-giáo sai, nếu thực hành pháp-hành Phật-giáo sai thì sẽ
không có quả là pháp- thành Phật-giáo, không có 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn,
không thể giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, mà vẫn tiếp tục
chịu mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Phật-giáo là lời giáo huấn của Đức-Phật
bằng ngôn ngữ Pāḷi được ghi chép thành Tam-tạng Pāḷi đó là Tạng Luật Pāḷi, Tạng
Kinh Pāḷi, Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi.
Trong ba Tạng này, Tạng Luật Pāḷi là nền tảng căn bản
của Phật-giáo, cũng là tuổi thọ của Phật-giáo.
Thật vậy, dù Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi và Tạng Kinh Pāḷi
bị mai một hoàn toàn, chỉ còn có Tạng Luật Pāḷi thì Phật-giáo vẫn còn tồn tại
trong cõi người.
Trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ
nhất, phần đầu Nidāna dạy rằng:
“Vinayo nāma Buddhasāsanassa āyu,
Vinaye ṭhite, sāsanaṃ ṭhitaṃ hotu.” (28)
Tạng Luật là tuổi thọ của Phật-giáo.
Khi Tạng Luật được trường tồn,
Thì Phật-giáo được trường tồn.
(Xong phần Đức-Pháp.)
(1) Chú-giải Aṅguttaranikāya, phần Ekakanipātaṭṭhakathāvaṇṇanā.
Pháp- học Phật-giáo bằng ngôn ngữ Pāḷi, không phải là ngôn ngữ Sanskrit.
(2) Aṅguttaranikāya, Aṭṭhakanipāta, kinh Pahārādasutta.
(3) Dhammapadagāthā số 153, 154.
(4) Tham-ái có tất cả 108 loại.
(5) Dīghanikāya, Mahāvagga, kinh Mahāparinibbānasutta.
(6) Dīghanikāya, Mahāvagga, kinh Mahāparinibbānasutta.
(7) Bộ Mahāvaggaṭṭhakathā, kinh Mahāparinibbānasuttavaṇṇanā.
(8) Bộ Visuddhimagga, phần Sīlaniddesa.
(9) Bộ Saṃyuttanikāya, phần Khandhavagga, kinh Attadīpasutta.
(10) Ñeyyadhamma có 5 pháp 1- Saṅkhāra: Các pháp-hành cấu tạo.
2- Vikāra: Các pháp biến đổi. 3- Lakkhaṇa: Các trạng-thái của các pháp. 4-
Paññatti: Các chế-định-pháp. 5- Nibbāna: Niết-bàn.
(11) Tự-tánh: Tánh riêng của mỗi pháp. Ví dụ: nhãn-tự-tánh (tự-tánh
của nhãn-tịnh-sắc là tiếp xúc với đối-tượng sắc); nhãn-thức-tự-tánh (tự-tánh của
nhãn-thức-tâm là nhìn thấy đối-tượng sắc).
(12) Tam minh: Tiền-kiếp-minh, Thiên-nhãn minh, Trầm-luân-tận-minh.
(13) Bát thiền: 4 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới.
(14) Lục thông: Đa-dạng-thông, thiên-nhãn-thông,
thiên-nhĩ-thông, tiền-kiếp- thông, tha-tâm-thông, trầm-luân-tận-thông.
(15) Tứ tuệ-phân-tích: Nghĩa phân-tích, Pháp phân-tích, Ngôn-ngữ
phân-tích, Tuệ-ứng-đối phân-tích.
(16) Bộ Theragāthāpāḷi, Ānandattheragathāpāḷi.
(17) Vinayapiṭaka, Cūḷavaggapāḷi, phần Saṅgītinidāna.
(18) Ngài Đại-đức Mahinda là bậc Thánh A-ra-hán, vốn là Thái-tử
của đức- vua Asoka.
(19) Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Samghamittā là bậc Thánh A-ra-hán, vốn
là công-chúa của đức-vua Asoka.
(20) Bộ Chú-giải Pāthikavaggaṭṭhakathā, phần Dhammaratanapūjā
(91).
(21) Bộ Abhidhammatthasaṅgaha xem như là Chú-giải, do Ngài Đại-Trưởng-
lão Anuruddha vào khoảng thời gian sau Ngài Đại-Trưởng-lão Buddha- ghosa. Ngài
Đại-Trưởng-lão Anuruddha biên soạn 3 bộ: Paramattha- vinicchaya,
Nāmarūpapariccheda, Abhidhammatthasaṅgaha. Riêng bộ Abhidhammatthasaṅgaha dù là
bộ nhỏ vẫn có sự lợi ích lớn đối với người ban đầu học hỏi nghiên cứu về tạng
Vi-diệu-pháp, xem là “Bộ-cẩm-nang của môn Vi-diệu-pháp”.
(22) Nên tìm hiểu đầy đủ trong bộ “Nền-Tảng-Phật-Giáo” quyển III: Pháp- Hành-Giới;
quyển IX:
Pháp-Hành Thiền-Định và quyển X: Pháp-Hành Thiền-Tuệ, cùng soạn-giả.
(23) Tìm hiểu đầy đủ trong bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, quyển III: Pháp-Hành- Giới,
cùng soạn-giả.
(24) Tìm hiểu đầy đủ trong bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, quyển IX: Pháp-Hành Thiền-Định,
phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-định, cùng soạn-giả.
(25) Tìm hiểu đầy đủ trong bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, quyển IX: Pháp-Hành Thiền-Định,
phương pháp tập luyện phép-thần-thông.
(26) Aṅg. Aṭṭhakanipātaṭṭhakathā, Gotamīsuttavaṇṇanā.
(27) Dī. Pāthikavaggaṭṭhakathā, Sampasādanīyasuttavaṇṇanā, Tipiṭka
antara- dhānakathā và Aṅg. Ekakanipātaṭṭhakathā, phần Pañca antarādhānāni.
(28) Bộ Pārājikakaṇda aṭṭhakathā, Bāhiranidānakathā.
Mục lục quyển 1 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | Phụ lục
Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10