NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN 1
TAM BẢO
(Ratanattaya)
CHƯƠNG II
TAM-BẢO
(RATANATTAYA)
Chương
I Ba Ngôi Cao Cả đã trình bày xong, tiếp theo chương II Tam-Bảo:
Ratanattaya như sau:
Ratana: Bảo là gì?
Bảo hay báu (Ratana)
nghĩa là những gì quý báu đáng hài lòng, đáng hoan-hỷ, đáng tôn trọng nhất.
Chú-giải bài kinh Dhātuvibhaṅgasutta (1) trình bày những châu báu (ratana) được tóm lược như sau:
Chọn món quà vô giá
Đức-vua Bimbisāra ngự tại kinh-thành Rājagaha trị vì
quốc độ Magadha (trung-xứ), Đức-vua muốn chọn một món quà quý báu nhất để gửi
biếu Đức-vua Pukkusāti, người bạn thân thiết ngự tại kinh-thành Takkasīlā ở xứ
biên địa. Đức-vua Bimbisāra suy xét rằng:
Trong đời này châu báu có hai loại:
- Vật báu là vàng,
bạc, kim cương, ngọc maṇi, ...
- Sinh-mạng báu là những chúng-sinh cao quý,
...
Trong hai loại báu này, sinh-mạng báu là cao quý hơn.
Sinh-mạng báu có hai loại:
- Gia-súc báu là ngựa báu, voi báu, ...
- Nhân-loại báu là bậc thiện-trí có tài, có đức,
...
Trong hai loại báu này, nhân-loại báu là cao
quý hơn.
Nhân-loại báu có hai hạng:
- Nữ báu là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-Chuyển-luân
Thánh-vương.
- Nam báu là Đức-Chuyển-luân Thánh-vương.
Trong hai loại báu này, nam báu quý hơn nữ báu,
bởi vì người nữ quý trọng người nam.
Nam báu có hai hạng:
- Người tại gia báu là Đức-vua, Đức-Chuyển-luân
Thánh-vương, …
- Bậc xuất-gia báu là vị sa-di, vị tỳ-khưu, …
Trong hai hạng người báu này, dù là Đức-vua hay Đức-Chuyển-luân
Thánh-vương cũng cung kính đảnh lễ vị sa-di, vị tỳ-khưu. Vì vậy, bậc xuất-gia
báu là cao quý hơn cả.
Bậc xuất-gia báu có hai bậc:
- Bậc Hữu-học báu là hạng thiện-trí phàm-nhân
và 3bậc Thánh-nhân: Bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất- lai, bậc Thánh Bất-lai
là bậc còn phải học và hành giới- định-tuệ.
- Bậc Vô-học báu là bậc Thánh A-ra-hán là Bậc
đã học và hành giới-định-tuệ đầy đủ xong rồi, không còn học và hành giới-định-tuệ
nữa.
Ân-đức của 100 ngàn vị Thánh Hữu-học cũng không bằng
ân-đức của một vị Thánh Vô-học (bậc Thánh A- ra-hán).
Vì vậy, trong hai bậc Thánh này, bậc Thánh Vô-học (bậc
Thánh A-ra-hán) là cao quý hơn cả.
Bậc Thánh Vô-học báu có hai bậc:
- Bậc Thánh thanh-văn Vô-học báu là bậc Thánh
A- ra-hán thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
- Đức-Phật-bảo là Bậc chứng ngộ chân-lý tứ
Thánh- đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở
thành bậc Thánh A-ra-hán, gọi là Đức-Phật-bảo.
Ân-đức của 100 ngàn vị Thánh thanh-văn Vô-học báu,
cũng không bằng ân-đức của một Đức-Phật-bảo.
Vì vậy, trong hai Bậc này, Đức-Phật-bảo là cao thượng
hơn cả.
Đức-Phật-bảo có hai bậc:
- Đức-Phật Độc-Giác là Bậc chứng ngộ chân-lý tứ
Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở
thành bậc Thánh A-ra-hán, gọi là Đức-Phật Độc-Giác.
Đức-Phật Độc-Giác có nhiều Vị cùng một thời,
song Đức-Phật Độc-Giác không giáo huấn chúng-sinh cũng chứng ngộ chân-lý tứ
Thánh-đế y theo Ngài, nên không có người chứng đắc thành bậc Thánh-nhân.
- Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là Bậc chứng ngộ
chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn,
trở thành bậc Thánh A-ra-hán, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị
trong toàn cõi-giới chúng-sinh.
Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có khả năng đặc biệt
thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân-lý tứ
Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn được.
Ân-đức của 100 ngàn Đức-Phật Độc-Giác cũng không bằng
ân-đức của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
Vì vậy, trong hai Đức-Phật-bảo này, Đức-Phật
Chánh-Đẳng-Giác là cao thượng hơn cả.
Sau khi suy xét xong, Đức-vua Bimbisāra truyền hỏi
nhóm sứ giả của Đức-vua Pukkusāti rằng:
- Này các khanh! Đức-vua Pukkusāti ngự tại kinh-
thành Takkasīlā có hay biết Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức- Tăng đã xuất hiện trên thế
gian này hay không?
Đoàn sứ giả tâu với Đức-vua Bimbisāra rằng:
- Muôn tâu Đại-vương, trong kinh-thành Takkasīlā
chưa từng nghe đến danh hiệu của Đức-Phật, Đức- Pháp, Đức-Tăng, thì Đức-vua của
hạ thần làm sao hay biết được Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng đã xuất hiện trên thế
gian. Tâu Đại-vương.
Đức-vua Bimbisāra suy xét rằng:
“Đức-vua Pukkusāti người bạn thân thiết của ta chưa
hề hay biết Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng đã xuất hiện trên thế gian.
Vậy, ta nên chọn Ân-Đức-Phật, Ân-Đức-Pháp, Ân- Đức-Tăng
làm món quà pháp vô giá biếu Đức-vua Pukkusāti.”
Món quà Đức-Pháp-Bảo
Đức-vua Bimbisāra lấy một tấm biển vàng
ròng không mỏng, không dày, chiều dài 4 hắc tay (cùi), chiều rộng một gang tay,
ngự lên tầng lầu cao, Đức-vua phát nguyện thọ trì bát-giới uposathasīla, để
thân và khẩu được trong sạch. Đầu tiên Đức-vua khắc ghi 9 Ân-Đức- Phật trên tấm
biển vàng ròng như sau:
Buddhaguṇa: Ân-Đức-Phật
“Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjācaraṇasampanno,
Sugato, Lokavidū, Anuttaro Purisadammasārathi, Satthā devamanussānaṃ, Buddho,
Bhagavā.”
Ý nghĩa 9 Ân-Đức-Phật
1- Arahaṃ: Đức A-ra-hán là Bậc cao thượng
có thân khẩu ý hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái
cúng dường của chư-thiên, phạm- thiên và nhân-loại.
2- Sammāsambuddho: Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là
Bậc chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4
Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót,
đặc biệt diệt được mọi tiền khiên tật, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, gọi
là Đức-Phật Chánh-Đẳng- Giác độc nhất vô nhị trong toàn muôn ngàn cõi-giới
chúng-sinh.
3- Vijjācaraṇasampanno: Đức Minh-Hạnh-Túc là
Bậc có đầy đủ trọn vẹn Tam-minh, Bát-minh và 15 Đức- hạnh cao thượng.
4- Sugato: Đức Thiện-Ngôn là Bậc thuyết
pháp chân-lý đem lại lợi ích thật sự cho chúng-sinh.
5- Lokavidū: Đức Thông-Suốt Tam-tổng-pháp là
Bậc thấy rõ, biết rõ tổng các loài chúng-sinh, tổng các cõi chúng-sinh, tổng
các pháp-hành.
6- Anuttaro purisadammasārathi: Đức Vô-Thượng
giáo hóa chúng-sinh là Bậc giáo huấn chúng-sinh cải tà quy chánh, cải
ác làm thiện, từ hạng phàm-nhân lên bậc Thánh-nhân.
7- Satthā devamanussānaṃ: Đức Thiên-Nhân-Sư là
Bậc Thầy của chư-thiên, chư phạm-thiên, nhân-loại, …
8- Buddho: Đức-Phật là Bậc tự mình chứng
ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả,
Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đặc biệt
diệt được mọi tiền khiên tật, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn
muôn ngàn cõi-giới chúng-sinh.
Đức-Phật có khả năng đặc biệt thuyết
pháp giáo huấn chúng-sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y
theo Đức-Phật, cũng chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn tùy theo năng
lực của pháp- hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ,
niệm pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ-pháp- chủ của mỗi chúng-sinh.
9- Bhagavā: Đức-Thế-Tôn là Bậc có 6 ân-đức
đặc biệt do đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Phật.
Đức-vua khắc câu kệ tán dương Ân-Đức-Phật.
“Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā,
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ.
Na no samaṃ atthi Tathāgatena,
Idampi Buddhe ratanaṃ paṇītaṃ,
Etena saccena suvatthi hotu.”(2)
Tất cả mọi châu báu trong cõi người,
Trong cõi Long cung, cùng các cõi trời,
Cũng không thể sánh bằng Đức-Phật-bảo,
Đức-Phật này là châu báu vô thượng.
Do năng lực của lời chân thật này
Mong cho mọi chúng-sinh được an lành.
Tiếp theo Đức-vua khắc ghi 6 Ân-Đức-Pháp:
Dhammaguṇa: Ân-Đức-Pháp
“Svākkhāto Bhagavatā Dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko,
Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi.”
Ý nghĩa 6 Ân-Đức-Pháp
1- Svākkhāto dhammo: Pháp gồm có 10
chánh-pháp mà Đức-Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối,
có ý nghĩa đầy đủ, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh-tịnh.
10 chánh-pháp là:
- Pháp học chánh-pháp.
- 9 Pháp siêu-tam-giới (4 Thánh-đạo + 4 Thánh-quả + 1
Niết-bàn).
2- Sandiṭṭhiko dhammo: Chánh-pháp gồm 9 pháp
siêu-tam-giới mà chư Thánh-nhân đã chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn,
rồi tự thấy, tự biết pháp ấy bằng trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới của mình.
3- Akāliko dhammo: Chánh-pháp đó là 4 Thánh-đạo
cho quả tương xứng 4 Thánh-quả không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi
chứng đắc Thánh-đạo nào liền cho Thánh-quả ấy sau một sát-na tâm diệt rồi sinh.
4- Ehipassiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp
siêu-tam-giới thuộc chân-nghĩa-pháp rất trong sạch và thanh-tịnh, nên dám mời đến
để thực chứng, thực đắc.
5- Opaneyyiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 pháp
siêu-tam-giới là pháp nên hướng tâm chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ
tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
6- Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo: Chánh-
pháp đó là 9 pháp siêu-tam-giới mà chư bậc thiện-trí Thánh-nhân đã chứng đắc rồi,
tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh-quả hưởng an lạc Niết-bàn tịch tịnh.
Đức-vua khắc câu kệ tán dương Ân-Đức-Pháp:
“Yaṃ Buddhaseṭṭho parivaṇṇayī suciṃ,
Samādhimānantarikaññamāhu.
Samādhinā tena samo na vijjati.
Idampi Dhamme ratanaṃ paṇītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu.”(3)
Đức-Phật cao thượng nhất thường tán dương,
Chánh-định thanh-tịnh trong Thánh-đạo nào,
Liền cho Thánh-quả ấy không ngăn cách,
Mà các bậc thiền-định trong tam-giới,
Không sánh bằng chánh-định siêu-tam-giới,
Đức-Pháp này là châu báu vô thượng,
Do năng lực của lời chân thật này,
Mong cho mọi chúng-sinh được an lành.
Tiếp theo Đức-vua khắc ghi 9 Ân-Đức-Tăng:
Saṃghaguṇa: Ân Đức-Tăng
“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, ujup- paṭipanno
Bhagavato sāvakasaṃgho, ñāyappatipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, sāmīcippaṭipanno
Bhagavato sāvakasaṃgho. Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā, esa
Bhagavato sāvakasaṃgho, āhuneyyo, pāhuneyyo, dakkhiṇeyyo, añjalikaraṇīyo,
anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa.”
Ý nghĩa 9 Ân-Đức-Tăng
1- Suppaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của
Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực hành nghiêm chỉnh đúng theo lời giáo huấn của
Đức-Phật.
2- Ujuppaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của
Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực hành trung thực đúng theo pháp-hành trung-đạo,
không quanh co lầm lạc.
3- Ñāyappaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của
Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực hành theo pháp- hành bát-chánh-đạo chứng ngộ
Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
4- Sāmīcippaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử
của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực hành giới-định- tuệ đúng đắn xứng đáng để
chúng-sinh tôn kính lễ bái cúng dường.
Cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā, esa
Bhagavato sāvakasaṃgho: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn có 4 đôi
thành 8 bậc Thánh (tính theo tâm siêu-tam-giới).
Chư Thánh thanh-văn đệ-tử có 4 đôi
– Nhập-lưu Thánh-đạo --> Nhập-lưu Thánh-quả
– Nhất-lai Thánh-đạo --> Nhất-lai Thánh-quả
– Bất-lai Thánh-đạo --> Bất-lai Thánh-quả
– A-ra-hán Thánh-đạo --> A-ra-hán Thánh-quả
Chư Thánh thanh-văn đệ-tử có 8 bậc Thánh: 4 Thánh-đạo:
- Nhập-lưu Thánh-đạo (Sotāpattimagga).
- Nhất-lai Thánh-đạo (Sakadāgāmimagga).
- Bất-lai Thánh-đạo (Anāgāmimagga).
- A-ra-hán Thánh-đạo (Arahattamagga).
4 Thánh-quả:
- Nhập-lưu Thánh-quả (Sotāpattiphala).
- Nhất-lai Thánh-quả (Sakadāgāmiphala).
- Bất-lai Thánh-quả (Anāgāmiphala).
- A-ra-hán Thánh-quả (Arahattaphala).
5- Āhuneyyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-
Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ từ phương
xa đem đến cúng dường quý Ngài, để mong được quả báu lớn.
6- Pāhuneyyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-
Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ dành cho
những vị khách quý như quý Ngài.
7- Dakkhiṇeyyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn
là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ có đức-tin trong
sạch nơi Tam- bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đem dâng cúng đến quý Ngài, để
mong được quả báu tốt lành cho mình và những người thân quyến.
8- Añjalikaraṇīyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của
Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng cho chúng-sinh chắp tay cung kính lễ bái
cúng dường.
9- Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa: Chư Thánh
thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là phước điền cao thượng của chúng-sinh không
đâu sánh được.
Đức-vua khắc câu kệ tán dương Ân-Đức-Tăng.
“Ye puggalā aṭṭha sataṃ pasatthā,
Cattāri etāni yugāni honti.
Te dakkhiṇeyyā Sugatassa sāvakā,
Etesu dinnāni mahapphalāni.
Idampi Saṃghe ratanaṃ paṇītaṃ,
Etena saccena suvatthi hotu.”
Chư bậc Thánh thiện-trí thường tán dương,
Tám bậc Thánh là bốn đôi tương xứng,
Chư Thánh-Tăng ấy xứng đáng thọ nhận,
Những phẩm vật cúng dường của thí chủ.
Quả báu lớn sẽ phát sinh đến họ,
Đức-Tăng này là châu báu vô thượng,
Do năng lực của lời chân thật này,
Mong cho mọi chúng-sinh được an lành.
Pháp-hành Thiền-định
Sau khi khắc Ân-đức Tam-bảo xong, Đức-vua khắc ghi
pháp-hành thiền-định “đề-mục niệm hơi thở vào - hơi thở ra”. Giảng
giải tỉ mỉ phương pháp bắt đầu thực hành đề-mục niệm hơi thở vào - hơi thở
ra cho đến khi chứng đắc theo tuần tự 4 bậc thiền sắc-giới.
Đức-vua đặc biệt khuyên rằng:
“Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian rồi, giáo-pháp của Đức-Phật dẫn
dắt chúng-sinh giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài. Nếu bạn
có thể xuất gia được thì thật là một điều cao quý nhất.”
Sau khi khắc ghi xong món quà Đức-Pháp-bảo, Đức- vua
truyền lệnh đoàn sứ giả mang lá thư đến trình lên Đức-vua Pukkusāti, yêu cầu Đức-vua
chuẩn bị làm lễ đón rước món quà Đức-Pháp-bảo cho thật long trọng.
Trong thư Đức-vua Bimbisāra ghi rõ rằng:
“Tâu Đại-vương, khi cung kính tiếp nhận món quà
Đức-Pháp-bảo này xong, xin Đại-vương cung thỉnh lên lâu đài, chỉ một mình Đại-vương
mở ra cung kính đọc mà thôi.”
Đức-vua Pukkusāti tiếp đoàn sứ giả của Đức-vua
Bimbisāra và nhận lá thư của Đức-vua Bimbisāra. Đọc xong lá thư, Đức-vua liền
truyền lệnh các quan trang hoàng cung điện thật lộng lẫy, sửa sang trang hoàng
con đường từ kinh-thành Takkasīlā đến biên giới, để làm lễ cung nghinh đón rước
món quà Đức-Pháp-bảo của Đức- vua Bimbisāra.
Tôn kính món quà Đức-Pháp-Bảo
Với tâm vô cùng tôn kính Đức-Pháp-bảo, Đức-vua
Bimbisāra tự tay mình sắp đặt món quà Đức-Pháp-bảo từ đầu đến cuối như sau:
Trước tiên trải một tấm vải mịn dệt bằng lông thú đắp
trên tấm biển vàng được khắc ân-đức Tam-bảo, và pháp-hành
thiền-định với đề-mục niệm hơi thở vào- hơi thở ra ấy, cuốn tròn lại đặt
vào trong chiếc hộp nhỏ quý giá, tiếp theo tuần tự như sau:
* đặt chiếc hộp nhỏ này vào trong chiếc hộp vàng,
* đặt chiếc hộp vàng này vào trong chiếc hộp bạc,
* đặt chiếc hộp bạc này vào trong chiếc hộp ngọc maṇi,
* đặt chiếc hộp ngọc maṇī này vào trong chiếc hộp xích
châu,
* đặt chiếc hộp xích châu này vào trong chiếc hộp hồng
ngọc,
* đặt chiếc hộp hồng ngọc này vào trong chiếc hộp bích
ngọc,
* đặt chiếc hộp bích ngọc vào trong chiếc hộp thạch
anh,
* đặt chiếc hộp thạch anh vào trong chiếc hộp ngà,
* đặt chiếc hộp ngà vào trong chiếc hộp đá quý,
* đặt chiếc hộp đá quý vào trong ngôi tháp nhỏ,
* đặt ngôi tháp nhỏ ấy tuần tự đến các ngôi tháp cuối
cùng là ngôi tháp lớn chắc chắn và quý giá nhất, bao bọc xung quanh ngôi tháp lớn
này bằng tấm vải tốt đẹp, rồi đóng dấu ấn của Đức-vua Bimbisāra.
Đức-vua truyền lệnh rằng:
- Này các khanh! Các khanh hãy truyền lệnh của Trẫm đến
các quan, và thần dân thiên-hạ hãy sửa sang, trang hoàng con đường dài từ
kinh-thành đến vùng biên giới, để làm lễ cung nghinh tiễn đưa món quà Đức-Pháp-bảo
đến kinh-thành Takkasīlā.(4)
Lễ cung nghinh Đức-Pháp Bảo
Được biết Đức-vua Pukkusāti đã chuẩn bị sẵn
sàng để làm lễ đón rước món quà Đức-Pháp-bảo, Đức-vua
Bimbisāra tổ chức cuộc đại lễ tiễn đưa món quà Đức- Pháp-bảo
rất long trọng.
Đức-vua Bimbisāra mặc đại lễ phục, làm lễ cung
thỉnh ngôi Tháp-Bảo đặt lên cái ngai quý báu trên lưng con voi
báu của triều đình, bên trên có chiếc lọng màu trắng, có cờ hiệu. Đức-vua
Bimbisāra làm lễ cúng dường Pháp-bảo xong, cung kính tiễn đưa món quà Đức-Pháp-bảo
đến kinh-thành Takkasīlā. Đức-vua ngự theo sau con voi báu cho đến biên giới mới
ngừng lại.
Một lần nữa, Đức-vua Bimbisāra lễ bái cúng dường Đức-Pháp-bảo
xong, mới truyền lệnh tiếp tục lên đường cung nghinh Đức-Pháp-bảo sang
biên giới xứ khác.
Đức-vua Bimbisāra đứng nhìn theo và nghĩ rằng:
“Con đem hết lòng tôn kính Đức-Phật-bảo, Đức- Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, nay
con làm lễ tiễn đưa Đức-Pháp-bảo đến kinh-thành Takkasīlā như thành kính tiễn
đưa Đức-Phật vậy.”
Đến khi đoàn tùy tùng cung nghinh Đức-Pháp-bảo đi xa dần,
không còn nhìn thấy nữa, Đức-vua Bimbisāra mới chịu hồi cung, ngự trở về
kinh-thành Rājagaha.
Lễ đón rước món quà Đức-Pháp-Bảo
Đức-vua Pukkusāti tổ chức lễ đón rước món
quà Đức-Pháp-bảo tại biên giới rất long trọng, rồi cung nghinh về đến
kinh-thành Takkasīlā, nhằm vào ngày rằm (ngày giới).
Đức-vua Pukkusāti làm lễ tiếp nhận tại cung điện
xong, vâng theo lời căn dặn trong thư của Đức-vua Bimbisāra, Đức-vua
Pukkusāti cung thỉnh lên lâu đài, không cho phép một ai theo hầu. Đặt món
quà Đức- Pháp-bảo trên bàn, Đức-vua quỳ gối, cung kính mở lớp vải có dấu
ấn của Đức-vua Bimbisāra, tuần tự mở từ ngôi tháp lớn đến các ngôi tháp nhỏ, thỉnh
chiếc hộp ngọc ra, rồi cũng tuần tự mở từ chiếc hộp này đến chiếc hộp khác cho
đến chiếc hộp cuối cùng.
Nhìn thấy một cuộn tấm vàng ròng, Đức-vua Pukkusāti
hai tay nâng lên, trân trọng đặt trên bàn, rồi cung kính từ từ mở cuộn tấm vàng
ròng ấy ra. Thấy mặt trên có lớp vải mỏng quý giá, Đức-vua Pukkusāti nghĩ:
“Chắc chắn hôm nay ta được đọc điều mà ta chưa từng đọc, được biết điều mà
ta chưa từng biết.”
Hai tay cung kính dở lớp vải mịn, nhìn thấy các dòng
chữ đều đặn, Đức-vua Pukkusāti phát sinh đức-tin trong sạch, bắt đầu chăm chú đọc
từng chữ, từng câu 9 Ân- Đức-Phật, liền phát sinh hỷ lạc chưa từng
có bao giờ, Đức-vua Pukkusāti ngồi nhắm mắt hưởng sự an-lạc.
Tiếp theo chăm chú đọc tiếp từng chữ, từng câu 6
Ân- Đức-Pháp. Cũng như lần trước, phát sinh hỷ lạc chưa từng có bao giờ,
Đức-vua Pukkusāti cũng ngồi nhắm mắt hưởng sự an-lạc một lát.
Tiếp theo chăm chú đọc từng chữ từng câu 9 Ân-Đức-
Tăng, cũng như hai lần trước, phát sinh tâm hỷ lạc chưa từng có bao giờ,
Đức-vua Pukkusāti ngồi hưởng sự an- lạc trong đối tượng Ân-đức
Tam-bảo.
Sau đó, Đức-vua Pukkusāti chăm chú đọc từng chữ
từng câu pháp-hành thiền-định đề-mục
niệm hơi thở vào - hơi thở ra. Hiểu rõ phương pháp thực hành.
Đức-vua Pukkusāti thực hành pháp-hành thiền-định
với đề-mục niệm hơi thở vào - hơi thở ra theo sự hướng dẫn của Đức-vua
Bimbisāra, tuần tự dẫn đến chứng đắc từ đệ-nhất-thiền sắc-giới thiện-tâm,
đệ-nhị-thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ-tam-thiền sắc-giới thiện-tâm, cho đến đệ- tứ-thiền
sắc-giới thiện-tâm cao nhất của thiền sắc-giới.
Đức-vua Pukkusāti an hưởng sự an-lạc thanh-tịnh
của thiền, kéo dài suốt nửa tháng, không còn quan tâm đến công việc triều
chính. Thấy vậy, các quan trong triều, thần dân thiên hạ tụ hội thỉnh cầu Đức-vua
lâm triều, trông coi triều đình, trị vì đất nước.
Nghe các quan yêu cầu như vậy, Đức-vua suy xét rằng: “Ta
nên tiếp tục làm vua trị vì đất nước này, hay ta nên xuất gia theo giáo-pháp của
Đức-Phật Gotama.”
Quyết định xuất gia, nên Đức-vua Pukkusāti lấy
thanh gươm cắt tóc, mở cánh cửa sổ ném nắm tóc xuống nền và truyền bảo rằng:
- Này các khanh! Các khanh hãy chọn Đức-vua khác trị vì đất nước này.
Sau đó, Đức-vua truyền gọi vị quan cận thần thân tín
đi tìm bộ y và cái bát đất, rồi tự mình mặc y với tác-ý tâm-sở đồng sinh với
đại-thiện-tâm xuất-gia theo giáo- pháp của Đức-Phật Gotama.
Đức-vua Pukkusāti mang hình tướng là một bậc xuất gia
mặc bộ y mang bát đất bước xuống lâu đài, đi ra khỏi kinh-thành Takkasīlā hướng
đến kinh-thành Rājagaha khoảng cách 192 do tuần.
Khi đến kinh-thành Rājagaha, Đức-vua Pukkusāti không
ngự vào cung điện yết kiến Đức-vua Bimbisāra, mà nghỉ nhờ đêm tại lò gốm.
Trong đêm ấy, Đức-Phật từ kinh-thành Sāvatthi ngự đến
lò gốm cũng xin nghỉ nhờ qua đêm, để có cơ hội thuyết pháp tế độ Đức-vua
Pukkusāti, nhưng Đức-Phật dùng thần thông che dấu kim thân của Đức-Phật, nên mọi
người chỉ thấy Đức-Phật như một vị tỳ-khưu bình thường mà thôi.
Vì vậy, Đức-vua Pukkusāti ở chung với Đức-Phật từ đầu
hôm mà không nhận biết được Đức-Phật Gotama.
Biết Đức-vua Pukkusāti đang mệt mỏi vì đi đường xa,
nên Đức-Phật đợi Đức-vua Pukkusāti nghỉ ngơi cho lại sức. Khi ấy, Đức-Phật mới
thuyết pháp tế độ Đức-vua Pukkusāti. Sau khi nghe pháp xong, Đức-vua
Pukkusāti liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc từ Nhập- lưu
Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả,
Niết-bàn, Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai,
đồng thời nhận biết được Đức-Thế-Tôn.
Đức-vua Pukkusāti đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, xin sám hối điều
không biết của mình và kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép xuất gia sa-di, tỳ-khưu
trong giáo-pháp của Đức- Thế-Tôn.
Nhưng rất tiếc, Đức-vua Pukkusāti chưa đủ 8 thứ vật dụng
của tỳ-khưu (tam-y, bát, dây thắt lưng, dao cạo tóc, kim chỉ, đồ lọc nước), nên
Đức-Phật không thể cho phép xuất gia trở thành sa-di, tỳ-khưu trong giáo-pháp của
Đức-Phật.
Trong khi Đức-vua Pukkusāti đang tìm vải tại nơi đống
rác, để may y. Khi ấy, một con bò chạy đến húc vào Đức-vua Pukkusāti làm cho Đức-vua
chết ngay tại nơi ấy.
Đức-vua Pukkusāti vốn là bậc Thánh Bất-lai,
nên sau khi chết, đệ-tứ-thiền sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái- sinh làm phạm-thiên
trên tầng trời thứ nhất gọi là Vô- phiền-thiên (Avihā) của tầng trời sắc-giới Tịnh-cư-thiên
(Suddhavāsa), rồi sẽ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo,
A-ra-hán Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không
còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn tại
cõi trời ấy, giải thoát khổ tử sinh luân- hồi trong tam-giới.
Quả báu của món quà Đức-Pháp-Bảo
Đức-vua Pukkusāti đã chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới,
có quyết định quan trọng từ bỏ ngôi vua, xuất gia gặp được Đức-Phật. Và sau khi
nghe Đức-Phật thuyết pháp, Đức-vua đã trở thành bậc Thánh Bất-lai là bậc Thánh
thứ ba trong Phật-giáo, được tái-sinh lên tầng trời sắc- giới phạm-thiên Tịnh-cư-thiên,
chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn tại cõi trời
sắc-giới ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Đức-vua Pukkusāti có được những quả báu tốt lành ấy là
nhờ món quà Đức-Pháp-bảo của Đức-vua Bimbisāra đã gửi biếu. Cho nên, món
quà Đức-Pháp-bảo ấy thật là vô giá.
Trong đời có những món quà quý giá đáng hài lòng, nếu
món quà ấy là của một nhân vật quan trọng đáng tôn kính, thì nó trở thành một vật
kỷ niệm, một vật gia bảo trong gia đình, dòng họ.
Như vậy, món quà ấy có giá trị về cả vật chất lẫn tinh
thần, nhưng nếu đem so sánh với món quà Đức-Pháp- bảo mà người nào hiểu
biết, thực hành đúng theo chánh- pháp, sẽ nâng đỡ cuộc đời của người ấy trở nên
cao thượng, trở thành bậc thiện-trí phàm-nhân hoặc bậc Thánh-nhân, thì món quà
Đức-Pháp-bảo ấy thật là vô giá biết dường nào! Cho nên, Đức-Phật dạy:
“Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti,…”
Pháp thí là cao thượng hơn tất cả mọi sự thí, ...
Như vậy, bậc thiện-trí biết tôn kính, sử dụng chánh-
pháp làm Món-Quà-Pháp (Dhammapaṇṇākāra)
biếu đến những người thân yêu của mình, không chỉ gây được một thiện-cảm khó
quên, mà còn đem lại cho họ sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài trong kiếp
hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai đối với người thân yêu của mình.
Tiền-kiếp Đức-vua Pukkusāti
Trong tích Ngài Trưởng-lão Bāhiyadārucīriya (5) có đoạn đề cập đến tiền-kiếp của Đức-vua Pukkusāti được tóm
lược như sau:
Tiền-kiếp của Đức-vua Pukkusāti đã từng là một vị tỳ-
khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Kassapa thời quá-khứ.
Vào thời ấy, giáo-pháp của Đức-Phật Kassapa sắp bị mai
một. Một nhóm 7 vị tỳ-khưu phát sinh động tâm, đồng tâm nhất trí với nhau, quyết
tâm cố gắng thực hành pháp-hành thiền-tuệ, trước khi Phật-giáo chưa bị mai một,
chưa bị suy thoái hoàn toàn.
Bảy vị tỳ-khưu đảnh lễ ngôi Bảo-Tháp, dẫn
nhau vào rừng làm một cái thang bắt lên đỉnh núi cao, 7 vị tỳ-khưu leo lên đỉnh
núi xong, xô đẩy cái thang ngã xuống. 7 vị tỳ-khưu quyết tâm thực hành pháp-hành
thiền-tuệ.
Ngay đêm thứ nhất, một vị tỳ-khưu chứng đắc thành bậc
Thánh A-ra-hán cùng với lục thông. Ngài Trưởng- lão sử dụng phép-thần-thông
bay đi khất thực đem về chia cho 6 vị tỳ-khưu còn lại, nhưng 6 vị tỳ-khưu ấy đều
không chịu nhận vật thực, chỉ có quyết tâm thực hành pháp-hành thiền-tuệ
mà thôi.
Đến ngày thứ hai một vị tỳ-khưu chứng đắc thành bậc
Thánh Bất-lai có phép-thần-thông. Ngài Trưởng-lão sử dụng thần thông bay đi khất
thực đem về chia cho 5 vị tỳ-khưu còn lại, nhưng 5 vị tỳ-khưu ấy cũng đều không
chịu nhận vật thực, quyết tâm thực hành pháp-hành thiền-tuệ nhưng
không chứng đắc Thánh-đạo, Thánh- quả nào, vẫn còn là vị tỳ-khưu phàm-nhân.
Đến ngày thứ bảy, thì cả 5 vị tỳ-khưu đều viên tịch, dục-giới
thiện-nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi trời dục- giới, hưởng mọi sự an-lạc trong
cõi trời ấy.
* Vào thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế
gian, 5 vị thiên-nam chết từ cõi trời, đại-thiện-nghiệp cho quả
tái-sinh làm người.
* Một vị là Đức-vua Pukkusāti, 4 vị còn lại là Ngài
Trưởng-lão Kumārakassapa, Ngài Trưởng-lão Dārucīriya, Ngài Trưởng-lão Dabba
Mallaputta và Ngài Satiya Paribbājaka.
Do nhờ các pháp-hạnh ba-la-mật đầy đủ và 5 pháp-chủ
(indriya): tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp- chủ, định pháp-chủ, tuệ
pháp-chủ đã tích lũy từ nhiều kiếp trong quá-khứ, cho nên khi Đức-vua
Pukkusāti tiếp nhận được món quà Đức-Pháp-bảo của Đức-vua
Bimbisāra, có được cơ hội tốt làm nhân-duyên phát sinh mọi thiện-pháp đến với
Đức-vua Pukkusāti như vậy.
Còn 4 vị còn lại đều có duyên lành đến hầu đảnh lễ Đức-Phật,
được lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp tế độ, họ đều chứng ngộ chân-lý tứ
Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh
A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong
tam-giới.
Tam-Bảo (Ratanattaya)
Tam-Bảo là ba ngôi báu:
- Đức-Phật-bảo (Buddharatana).
- Đức-Pháp-bảo (Dhammaratana).
- Đức-Tăng-bảo (Saṃgharatana).
Ý nghĩa Ratana: Bảo trong ba ngôi Tam-Bảo
Sở dĩ Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng được suy tôn là Đức-Phật-bảo,
Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo là vì mỗi ngôi có đủ 5 đức-tính quý báu và cao thượng:
1- Cittīkata: Làm cho phát sinh tâm tôn kính.
2- Mahaggha: Vô giá.
3- Atula: Không gì sánh được, vô thượng.
4- Dullabhadassana: Khó được nghe, khó được thấy.
5- Anomasattaparibhoga: Hạng chúng-sinh cao quý có
duyên lành được thừa hưởng.
Đó là 5 đức-tính quý báu và cao thượng của ba ngôi
Tam-bảo.
1- ĐỨC-PHẬT-BẢO
(Buddharatana)
Đức-Phật gọi là Đức-Phật-bảo vì
có 5 đức-tính quý báu và cao thượng như sau:
1.1- Đức-Phật-Bảo xứng đáng được tôn kính
Đức-Phật có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân
và 80 tướng tốt phụ. Đức-Phật là Bậc đã diệt tận được tất cả mọi phiền não, mọi
tham-ái, mọi ác-pháp cùng mọi tiền- khiên-tật.
Cho nên, tất cả chúng-sinh như Đức-vua, Sa-môn, Bà-
la-môn, dân chúng, chư-thiên, phạm-thiên, v.v... khi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật đều
tỏ lòng tôn kính, đảnh lễ xong ngồi một nơi hợp lẽ, chiêm ngưỡng Đức-Phật có đầy
đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, có hào quang tỏa ra sáng
ngời, mát mẻ làm tâm họ vô cùng hoan-hỷ.
Khi nghe Đức-Phật thuyết pháp, họ ngồi chắp hai tay lắng
nghe, rồi phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật.
Sau khi nghe pháp, họ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế,
chứng đắc như sau:
* Có số chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu
Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh
Nhập-lưu.
* Có số chứng đắc
đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.
* Có số chứng đắc
Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh- quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.
* Có số chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán
Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh
A-ra-hán.
* Có số xin phép xuất gia trở thành sa-di, tỳ-khưu
trong giáo pháp của Đức-Phật.
* Có số xin thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành cận-sự
nam, hoặc cận-sự-nữ nương nhờ nơi Tam-bảo: Đức- Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo,
Đức-Tăng-bảo cho đến trọn đời.
Và cứ mỗi lần được đến hầu Đức-Phật, lại càng tăng
thêm đức-tin và lòng tôn kính Đức-Phật.
Vì vậy, Đức-Phật là Đức-Phật-bảo
xứng đáng được tôn kính.
1. 2- Đức-Phật-Bảo là vô giá
Những châu báu trong đời dù quý giá đến mức nào cũng
có thể định giá trị của báu vật ấy được. Còn Đức-Phật có 9 Ân-Đức-Phật
cao thượng nhất nên không thể nào định giá được.
Thật vậy, khi Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, ông
phú hộ Jotika có tòa lâu đài bằng các thứ ngọc quý, do chư-thiên hóa ra; ông
phú hộ Jaṭila có hòn núi bằng vàng ròng, v.v... Những phú hộ ấy đến hầu Đức-Phật,
phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, họ từ bỏ gia đình, lâu đài bằng ngọc
quý, hòn núi vàng, xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong
giáo-pháp của Đức-Phật.
Sau khi họ trở thành tỳ-khưu thực hành pháp-hành
thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo,
4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tứ tuệ-phân-tích,
lục thông, ...
Vì vậy, Đức-Phật là Đức-Phật-bảo
vô giá trong muôn ngàn cõi-giới chúng-sinh.
1.3- Đức-Phật-Bảo là tối thượng
Trong muôn ngàn cõi-giới chúng-sinh, chư-thiên, phạm-thiên,
Sa-môn, Bà-la-môn, v.v... không một ai có giới-đức hoàn toàn trong sạch như Đức-Phật.
Tương tự như vậy, không một ai có định-đức, tuệ- đức,
giải-thoát-đức, giải-thoát tri-kiến-đức hoàn toàn trong sạch đầy đủ như Đức-Phật.
Chỉ có Đức-Phật mới có đủ 5 đức cao thượng hoàn toàn đầy đủ.
Vì vậy, Đức-Phật là Đức-Phật-bảo
Tối Thượng trong mười ngàn cõi-giới chúng-sinh.
Thật vậy, trong Chi-bộ-kinh, Đức-Phật dạy:
- Này chư tỳ-khưu! Một bậc độc nhất vô nhị đang xuất
hiện trên thế gian (mười ngàn cõi-giới chúng-sinh), không có vị thứ hai như
Ngài, không có bậc đồng đẳng, không có người tương đồng, không có người sánh bằng,
không có người cạnh tranh, bậc không giống như tất cả chúng-sinh, mà giống như
chư Phật trong quá khứ, là bậc Tối Thượng trong tất cả chúng-sinh. Bậc độc nhất
vô nhị ấy là ai?
Bậc độc nhất vô nhị ấy là Như-Lai, Đức A-ra-hán, Đức-Phật
Chánh-Đẳng-Giác.
- Này chư tỳ-khưu! Bậc độc nhất vô nhị này đang xuất
hiện trên thế gian, thì không có vị thứ hai như Ngài,…
Đức-Phật là Bậc Tối-Thượng trong tất cả chúng-sinh
muôn loài. (6)
1. 4- Đức-Phật-Bảo khó được nghe, khó được thấy
Trong đời, những thứ châu báu quý hiếm, thường khó được
thấy, khó có được dễ dàng. Khó hơn cả trong vòng tử sinh luân-hồi, mỗi
chúng-sinh thật khó được nghe đến danh hiệu Đức-Phật, thật khó có cơ hội đến
chiêm ngưỡng Đức-Phật.
Thật vậy, theo lịch sử của Đức-Phật Gotama, từ Đức- Phật
Dīpaṅkara đến Đức-Phật Koṇḍañña, thời gian khoảng cách trải qua 1 a-tăng-kỳ đại-kiếp
trái đất thành- trụ-hoại-không vô số kể, mà không có một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác
nào xuất hiện trên thế gian, gọi là suññakappa: kiếp trái đất không có Đức-Phật
xuất hiện.
Tương tự như vậy, từ Đức-Phật Koṇḍañña đến Đức- Phật
Maṅgala, từ Đức-Phật Sobhita đến Đức-Phật Anomadassī, và từ Đức-Phật Nārada đến
Đức-Phật Padumuttara, thời gian khoảng cách trải qua một a-tăng- kỳ đại-kiếp
trái đất thành - trụ - hoại - không vô số kể, mà không có một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác
xuất hiện trên thế gian.
Cho nên, mỗi khi Đức-Phật xuất hiện trên thế gian này
thật là một điều hy hữu, vô cùng hiếm có, bởi vì để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác,
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải thực hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh
ba-la-mật suốt khoảng thời gian lâu dài, trải qua vô số kiếp.
Như Đức-Phật Gotama hiện tại trong thời
đại chúng ta thuộc về Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu- việt, tiền-kiếp
của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí- tuệ siêu-việt đã thực hành đầy đủ trọn vẹn
30 pháp-hạnh ba-la-mật trải qua vô số kiếp, suốt khoảng thời gian tổng cộng 3
thời-kỳ là 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất. Đó là khoảng thời gian
chỉ bằng một nửa (½) thời gian của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-
việt và bằng một phần tư (¼) thời gian của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn
siêu-việt mà thôi.
Cho nên, mỗi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên
thế gian là một điều vô cùng hy hữu, rất hiếm có.
Vì vậy, hằng ngày Đức-Phật thường nhắc nhở khuyên dạy
chư tỳ-khưu rằng:
- Này chư tỳ-khưu! Các con cố gắng tinh-tấn hoàn
thành mọi phận sự tứ Thánh-đế bằng pháp không dể duôi, thực hành pháp-hành tứ
niệm-xứ, bởi vì:
“Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ, ... Đức-Phật xuất hiện
trên thế gian này là một điều khó được, ...”
Cho nên, Đức-Phật là Đức-Phật-bảo khó được nghe, khó
có cơ hội đến chiêm ngưỡng, khó có cơ hội được đến quy y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo.
1.5- Đức-Phật Bảo là nơi quy-y nương nhờ của hạng chúng-sinh có phước-duyên
Trong đời, những thứ châu báu như kim cương, hột xoàn,
ngọc maṇi, ... là những đồ trang sức của người giàu sang phú quý. Còn những người
nghèo khổ thiếu thốn, thì không có được những thứ châu báu ấy. Những thứ châu
báu trong cõi người, cõi Long-cung, cõi chư- thiên, phạm-thiên không thể nào
sánh với Đức-Phật.
Đức-Phật là Đức-Phật-bảo là vô giá, là cao thượng nhất,
cho nên những người nào đến kính xin quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, thì chắc
chắn những người ấy đã từng có phước-duyên nơi Đức-Phật quá khứ hoặc chư Thánh
thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật quá khứ, đã từng thực hành và tích lũy ở trong tâm
các pháp-hạnh ba-la-mật trải qua nhiều đời nhiều kiếp trong quá-khứ cho đến kiếp
hiện-tại này.
Cho nên, kiếp hiện-tại những người ấy mới có cơ hội tốt,
có phước-duyên đến xin quy-y nương nhờ nơi Đức- Phật-bảo.
Vì vậy, Đức-Phật-bảo là nơi nương nhờ của hạng
chúng-sinh có phước-duyên với Đức-Phật.
Đó là 5 đức-tính quý báu và cao thượng của Đức-
Phật-bảo.
2- ĐỨC-PHÁP-BẢO
(Dhammaratana)
Đức-Pháp-bảo đó là 10 chánh-pháp: 1 pháp-học
chánh-pháp và 9 pháp siêu-tam-giới (4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn) đó là
lời giáo huấn của Đức-Phật.
Đức-Pháp gọi là Đức-Pháp-bảo vì có 5 đức-tính quý báu
và cao thượng như sau:
2. 1- Đức-Pháp-Bảo xứng đáng được tôn kính
- Pháp-học chánh-pháp đó là học Tam-tạng Pāḷi và
Chú-giải Pāḷi, là lời giáo huấn của Đức-Phật Gotama mà các hàng thanh-văn đệ-tử
đều phải có lòng tôn kính, có phận sự học pháp-học chánh-pháp.
Đối với các hàng thanh-văn đệ-tử còn là phàm-nhân và
ba bậc Thánh Hữu-học (bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh-Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai)
cần phải học pháp- học chánh-pháp làm nền-tảng để thực hành pháp-hành giới,
pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ.
Đối với bậc Thánh Vô-học là bậc Thánh A-ra-hán học
pháp-học chánh-pháp để giữ gìn và duy trì, bảo tồn chánh-pháp cho được trường tồn
lâu dài trên thế gian, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc cho
chúng-sinh, chư-thiên và nhân-loại.
Chín pháp siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả
và Niết-bàn đó là quả của pháp-hành thiền-tuệ.
Hành-giả thực hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng
ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận
được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-
hán, rồi giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Vì vậy, Đức-Pháp là Đức-Pháp-bảo xứng đáng được tôn
kính không những đối với các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, mà còn đối với
chư Phật trong quá-khứ, Đức-Phật hiện-tại và chư Phật trong vị-lai nữa, cũng đều
tôn kính Đức-Pháp-bảo.
2. 2- Đức-Pháp-Bảo là vô giá
Những thứ châu báu trong đời, dù quý giá đến mức nào
cũng chỉ làm cho chủ nhân hoan-hỷ, đem lại cho chủ nhân sự lợi ích trong kiếp
hiện-tại mà thôi, không đem lợi ích trong những kiếp vị-lai. Còn Đức-Pháp-bảo
có 6 Ân-Đức-Pháp đem lại cho các hàng thanh-văn đệ-tử sự lợi ích, sự tiến hóa,
sự an-lạc lâu dài cả trong kiếp hiện- tại lẫn nhiều kiếp vị-lai, và đặc biệt được
giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Vì vậy, Đức-Pháp là Đức-Pháp-bảo thật vô giá.
2.3 - Đức-Pháp-Bảo là cao thượng
* Pháp-học chánh-pháp là những lời giáo huấn của Đức-Phật,
chỉ dẫn chúng-sinh con đường giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. Vậy,
pháp-học chánh- pháp là cao thượng.
* Chín pháp siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo, 4
Thánh-quả và Niết-bàn là quả của pháp-hành thiền-tuệ.
Hành-giả thực hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến trở
thành 4 bậc Thánh-nhân cao thượng là bậc Thánh Nhập- lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc
Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.
Vì vậy, Đức-Pháp là Đức-Pháp-bảo cao thượng.
2.4- Đức-Pháp-Bảo là khó được nghe
Đức-Pháp xuất hiện trên thế gian khi có Đức-Phật xuất
hiện trên thế gian, mà Đức-Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó. Do đó,
Đức-Pháp-bảo cũng khó được nghe.
Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, đồng thời
Đức-Pháp-bảo cũng xuất hiện trên thế gian.
Tuy Đức-Phật Gotama đã tịch diệt Niết-bàn cách đây
2.564 năm rồi, song Đức-Pháp-bảo vẫn còn tồn tại trên thế gian cho đến 5.000
năm tuổi thọ Phật-giáo.
Sau 5.000 năm, Đức-Pháp-bảo sẽ hoàn toàn bị mai một, bị
suy đồi trong cõi người. Khi ấy, loài người sẽ không còn được nghe chánh-pháp nữa.
Vì vậy, Đức-Pháp là Đức-Pháp-bảo khó được nghe.
2.5- Đức-Pháp Bảo là nơi quy-y nương nhờ của hạng chúng-sinh có phước-duyên
Những chúng-sinh nào có đầy đủ phước-duyên đến xin
quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật-Bảo, thì những chúng-sinh ấy cũng được quy-y nương
nhờ nơi Đức- Pháp-Bảo.
Quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo có hai hạng người:
- Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử sau khi đã chứng đắc
Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh- nhân là đã quy-y nương nhờ
nơi Pháp-thành chánh- pháp. Bậc Thánh-nhân ấy cũng quy-y nương nhờ nơi Pháp-học
chánh-pháp, Pháp-hành chánh-pháp.
- Những hạng phàm-nhân kính xin quy-y nương nhờ nơi
pháp-học chánh-pháp và pháp-hành chánh-pháp, chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả
nào, nên chưa được quy-y nương nhờ nơi pháp-thành chánh-pháp.
Những hàng thanh-văn đệ-tử là các bậc Thánh-nhân hoặc
hạng phàm-nhân chắc chắn là những người đã có phước-duyên nơi Đức-Phật quá khứ,
hoặc chư Thánh thanh-văn đệ-tử quá khứ, đã từng tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật
trải qua nhiều kiếp trong quá khứ. Cho nên, kiếp hiện-tại này mới có cơ hội tốt,
có phước-duyên đến quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo.
Vì vậy, Đức-Pháp-bảo là nơi quy-y nương nhờ của hạng
chúng-sinh có phước-duyên.
Đó là 5 đức-tính quý báu cao thượng của Đức-Pháp-bảo.
3- ĐỨC-TĂNG-BẢO
(Saṃgharatana)
Đức-Tăng-bảo đó là Ariyasaṃgha: chư
Thánh-Tăng, là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác,
có 4 đôi thành 8 bậc Thánh.
4 Thánh-đạo --> 4 Thánh-quả tương xứng
- Nhập-lưu Thánh-đạo --> Nhập-lưu Thánh-quả.
- Nhất-lai Thánh-đạo --> Nhất-lai Thánh-quả.
- Bất-lai Thánh-đạo --> Bất-lai Thánh-quả.
- A-ra-hán Thánh-đạo --> A-ra-hán Thánh-quả.
4 Thánh-đạo
- Nhập-lưu Thánh-đạo (Sotāpattimagga).
- Nhất-lai Thánh-đạo (Sakadāgāmimagga).
- Bất-lai Thánh-đạo (Anāgāmimagga).
- A-ra-hán Thánh-đạo (Arahattamagga).
4 Thánh-quả
- Nhập-lưu Thánh-quả (Sotāpattiphala).
- Nhất-lai Thánh-quả (Sakadāgāmiphala).
- Bất-lai Thánh-quả (Anāgāmiphala).
- A-ra-hán Thánh-quả (Arahattaphala).
4 bậc Thánh-nhân
- Bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna).
- Bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī).
- Bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī).
- Bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta).
Đức-Thánh-Tăng gọi là Đức-Tăng-bảo vì có 5 đức-
tính quý báu và cao thượng như sau:
3.1- Đức-Tăng-Bảo xứng đáng được tôn kính
Đức-Tăng-bảo đó là chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật,
quý Ngài đã thực hành đúng theo chánh-pháp, có giới-đức trong sạch và thanh-tịnh,
có định-đức vững vàng, có tuệ-đức diệt tận được phiền não, có giải-thoát- đức
an-tịnh, có giải-thoát tri-kiến-đức quán xét các pháp.
Quý Ngài là chư Thánh-Tăng đã thừa hưởng chánh- pháp
và giữ gìn duy trì phát huy chánh-pháp của Đức- Phật từ thế hệ này sang thế hệ
khác, giữ gìn duy trì chánh-pháp được trường tồn cho đến ngày nay.
Vì vậy, Đức-Tăng-bảo thật xứng đáng được tôn kính.
3.2- Đức-Tăng-Bảo là vô giá
Đức-Tăng-bảo là chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật,
có đủ 9 ân-đức-Tăng, quý Ngài là phước điền cao thượng của chúng-sinh không có
nơi nào sánh bằng.
Những người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin
nghiệp và quả của nghiệp, họ tôn kính, lễ bái, dâng lễ cúng dường đến chư tỳ-khưu
Thánh-Tăng, dù ít dù nhiều, chắc chắn có được phước-thiện vô lượng và có quả của
phước-thiện vô cùng phong phú, vô lượng, ngay cả trong kiếp hiện-tại, lẫn vô số
kiếp vị-lai.
Họ được thành tựu quả báu trong cõi người (manussa-
sampatti), quả báu trong cõi trời (devasampatti) và đặc biệt cuối cùng thành tựu
quả báu Niết-bàn (nibbāna- sampatti), giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba
giới bốn loài.
Vì vậy, Đức-Tăng-bảo là vô giá.
3.3- Đức-Tăng-Bảo là cao thượng
Đức-Tăng-bảo là chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật,
quý Ngài đã thực hành đúng theo chánh-pháp, đã trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, bậc
Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.
Vì vậy, Đức-Tăng-bảo là cao thượng.
3.4- Đức-Tăng-Bảo khó được nghe, khó được thấy
Đức-Tăng-bảo xuất hiện trên thế gian, khi có Đức- Phật-bảo
và Đức-Pháp-bảo xuất hiện trên thế gian, mà Đức-Phật-bảo và Đức-Pháp-bảo xuất
hiện trên thế gian là một điều khó được nghe, khó được thấy.
Vì vậy, Đức-Tăng-bảo cũng khó được nghe, khó được thấy.
Tuy Đức-Phật Gotama đã tịch diệt Niết-bàn cách đây
2.564 năm rồi, nhưng Đức-Pháp-bảo và Đức-Tăng-bảo vẫn còn tồn tại trên thế gian
cho đến 5.000 năm mãn tuổi thọ Phật-giáo.
Sau 5.000 năm, trong cõi người không còn ai nghe, thấy,
biết đến Đức-Tăng-bảo gồm cả chư Thánh-Tăng và chư phàm-Tăng nữa.
3.5- Đức-Tăng-Bảo là nơi quy-y nương nhờ của hạng
chúng-sinh có phước-duyên
Những người nào có phước-duyên đến quy-y nương nhờ nơi
Đức-Phật-bảo, quy y nương nhờ nơi Đức-Pháp- bảo, những người ấy cũng quy-y
nương nhờ nơi Đức- Tăng-bảo.
Những người đến quy-y nương nhờ nơi Đức-Tăng- bảo thì
chắc chắn những người ấy đã từng có phước- duyên nơi Đức-Phật quá-khứ, hoặc chư
Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật quá-khứ, đã từng thực hành và tích lũy ở
trong tâm các pháp-hạnh ba-la-mật trải qua nhiều kiếp trong quá-khứ cho đến kiếp
hiện-tại này.
Cho nên, kiếp hiện-tại này những người ấy mới có cơ hội
tốt, có phước-duyên đến quy-y nương nhờ nơi Đức- Tăng-bảo.
Vì vậy, Đức-Tăng-bảo là nơi quy-y nương nhờ của hạng
chúng-sinh có phước-duyên.
Đó là 5 đức-tính quý báu và cao thượng của Đức-
Tăng-bảo.
Duyên lành nơi Tam-Bảo
Phàm mỗi chúng-sinh trong vòng tử sinh luân-hồi trong
các cõi-giới từ vô thủy trải qua vô số kiếp không sao kể xiết cho đến kiếp hiện-tại,
trong khoảng thời gian lâu dài ấy, đã có vô số Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tuần
tự xuất hiện trên thế gian, chẳng lẽ chúng-sinh ấy không từng gieo duyên lành
nơi Đức-Phật nào hoặc chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật nào trong quá khứ ấy
hay sao???
Sở dĩ kiếp hiện-tại của một số người chưa có đức-tin
nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo là vì vướng mắc
nào đó, thiếu nhân-duyên nào đó, nên chưa có cơ hội đến nương nhờ nơi Tam-bảo.
Nếu vậy thì người bạn hiền, bạn thiện-trí nên
cố gắng tận tâm tháo vướng mắc ấy, hỗ trợ nhân-duyên để cho người thân của mình
có được cơ hội đến nương nhờ nơi Tam-bảo, đó là điều phước-thiện cao quý biết
dường nào!
Xin dẫn chứng những trường-hợp như sau:
* Như trường hợp Đức-Bồ-tát
Bà-la-môn Jotipāla tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh trưởng trong một gia đình quyền quý thuộc dòng dõi
Bà-la-môn, trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian.
Vị Bà-la-môn Jotipāla phát sinh tính ngã mạn do dòng
dõi Bà-la-môn, nên không chịu đến hầu đảnh lễ Đức- Phật Kassapa.
Đức-Bồ-tát Jotipāla, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, có
một người bạn tốt là Ghaṭīkāra thuộc dòng dõi thấp hèn. Cậu Ghaṭīkāra là cận-sự-nam
đã quy-y nơi Đức- Phật Kassapa, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng-bảo, thường hay
đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa nghe pháp. Cậu Ghaṭīkāra đã nhiều lần động
viên khuyến khích Đức-Bồ-tát Jotipāla cùng nhau đến hầu đảnh lễ Đức-Phật
Kassapa rồi nghe pháp, nhưng do tính ngã mạn về dòng dõi, nên lần nào Đức-Bồ-tát
Jotipāla cũng khước từ không chịu đi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa. Không nản
lòng, cậu Ghaṭīkāra quyết tâm cố thuyết phục cho bằng được.
Một hôm, cậu Ghaṭīkāra mời Đức-Bồ-tát Jotipāla cùng đến
tắm ở một bến sông gần nơi Đức-Phật Kassapa đang ngự cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.
Tắm xong, cậu Ghaṭīkāra động viên Đức-Bồ-tát Jotipāla rằng:
- Này bạn Jotipāla thân mến! Đức-Phật Kassapa mà tôi tôn kính nhất hiện
đang ngự gần đây, mời bạn cùng tôi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa.
Đức-Bồ-tát Jotipāla khước từ lời mời của cậu Ghaṭīkāra
lần thứ nhất, lần thứ nhì, đến lần thứ ba, không còn cách nào khác, cậu Ghaṭīkāra
bèn nắm đầu tóc của Đức-Bồ-tát Jotipāla dẫn đi. Đức-Bồ-tát Jotipāla vô cùng ngạc
nhiên, bảo rằng:
- Này Ghaṭīkāra! Ngươi thuộc dòng dõi thấp hèn hơn ta, tại sao ngươi dám nắm
đầu tóc ta dẫn đi như vậy?
Tuy vậy, nhưng không thể nào làm gì khác được, nên Đức-Bồ-tát
Jotipāla đành phải theo cậu Ghaṭīkāra đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa.
Đức-Bồ-tát Jotipāla ngồi chăm chú lắng nghe Đức- Phật
Kassapa thuyết pháp, liền phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật Kassapa, rồi
kính xin Đức-Phật Kassapa cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của
Đức-Phật.
Sau khi trở thành tỳ-khưu không lâu, tỳ-khưu Jotipāla
đã thông thuộc Tam-tạng Pāḷi, chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, chứng đắc ngũ
thông và đặc biệt được Đức- Phật Kassapa thọ ký rằng:
“Trong thời vị-lai, cùng trong kiếp trái đất gọi là Bhaddakappa này, tỳ-khưu
Jotipāla này sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu là Đức-Phật
Gotama, …”
Qua tích Đức-Bồ-tát Jotipāla, tiền-kiếp của của Đức-
Phật Gotama, khiến chúng ta nên suy nghĩ:
“Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Jotipāla, tiền-kiếp của
Đức-Phật Gotama là quả của một quá trình tiếp diễn từ vô số kiếp trong quá-khứ,
đã thực hành 30 pháp- hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời-kỳ gồm có 20 a-tăng-kỳ và
100 ngàn đại-kiếp trái đất.
Tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Jotipāla đã từng
có 23 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thọ ký xác định thời gian còn lại sẽ trở thành Đức-Phật
Chánh- Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.
Đến thời-kỳ Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát Jotipāla, tiền-kiếp của Đức- Phật Gotama được sinh trưởng
trong dòng dõi Bà-la- môn cao quý. Do tính ngã-mạn bởi dòng dõi, nên Đức- Bồ-tát
Jotipāla không chịu đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Kassapa, đến nỗi người bạn thân
Ghaṭīkāra phải nắm lấy đầu tóc Đức-Bồ-tát Jotipāla dẫn đi, mới đành chịu đến hầu
Đức-Phật Kassapa.
Sau khi nghe Đức-Phật Kassapa thuyết pháp, Đức- Bồ-tát
Jotipāla phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật Kassapa, kính xin Đức-Phật
Kassapa cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật.
Về sau, Đức-Bồ-tát tỳ-khưu Jotipāla được Đức-Phật
Kassapa thọ ký thứ 24 cuối cùng xác định thời gian còn lại sẽ trở thành Đức-Phật
Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama cùng trong kiếp trái đất gọi là
Bhaddakappa này.”
Người bạn hiền, bạn thiện-trí
Người bạn hiền, bạn tốt (kalyāṇamitta) là người có tâm
từ rộng lớn luôn luôn mong muốn sự lợi ích, sự tiến hóa trong mọi thiện-pháp, sự
an-lạc lâu dài đến cho mọi người, mọi chúng-sinh. Cho nên, đối với số người nào
chưa có đức-tin nơi Tam-bảo, người bạn hiền, bạn tốt ấy tìm cách giảng dạy
giáo-pháp của Đức-Phật, để cho người ấy phát sinh đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo,
Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, dẫn dắt số người ấy xin thọ phép quy-y Tam-bảo,
khuyến khích họ xuất gia trở thành sa-di, tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.
Ví như một người có hạt giống tốt, khi chưa đủ nhân
duyên, thì hạt giống ấy chưa có thể nảy mầm được. Nếu có người giúp đỡ, hỗ trợ
nhân-duyên, thì hạt giống tốt ấy có cơ hội nảy mầm, sinh trưởng, phát triển
thành cây, trổ hoa, cho quả tốt.
* Như tích Hoàng-tử Nanda (7) xuất gia thọ tỳ-khưu được tóm lược như sau:
Hay tin Thái-tử Siddhattha đã trở thành Đức-Phật
Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu Đức-Phật Gotama, Đức-vua Suddhodana (Đức Phụ-vương
của Đức-Phật) truyền lệnh cho các quan cận thần đi kính thỉnh Đức- Phật ngự trở
về kinh-thành Kapilavatthu vào ngày 16 tháng 4, sau khi đã trở thành Đức-Phật
được 1 năm lẻ 1 ngày, gần 7 năm xa cách, kể từ khi xuất gia rời bỏ kinh- thành
Kapilavatthu.
- Ngày đầu tiên, Đức-Phật ngự trở về kinh-thành
Kapilavatthu cùng 20.000 chư Đại-đức-Tăng A-ra-hán.
- Ngày thứ hai, Đức-Phật thuyết pháp tế độ Đức-vua
Suddhodana. Sau khi lắng nghe chánh-pháp, Đức-vua chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế,
chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh
Nhập-lưu, và tiếp theo chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, Niết-bàn,
trở thành bậc Thánh Nhất-lai. Và chánh-cung Hoàng-hậu Mahā- pajāpatigotamī cũng
chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả,
Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Đức-Phật tế độ hoàng-tử Nanda
Ngày thứ ba, Đức-Phật ngự đến cung điện Đức-vua
Suddhodana cùng chư Thánh A-ra-hán. Hôm ấy, ngày lễ đăng quang truyền ngôi báu
cho hoàng-tử Nanda lên ngôi vua và lễ thành hôn với công-chúa Janapada- kalyāṇī.
(8)
Sau khi thọ thực xong, Đức-Phật trao cái bát cho
hoàng-tử Nanda, rồi Đức-Phật ngự về ngôi chùa Nigrodhā. Hoàng-tử Nanda ôm bát
đi theo sau, nghe văng vẳng tiếng công-chúa Janapadakalyāṇī căn dặn:
“Hoàng-huynh hãy mau trở về.”
Khi đến ngôi chùa Nigrodhā, Đức-Phật truyền dạy
hoàng-tử Nanda rằng:
- Này Nanda! Con muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu
hay không?
Bởi vì hết lòng tôn kính Đức-Phật, nên hoàng-tử
Nanda không dám từ chối, bèn bạch với Đức-Phật rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, dạ vâng, con muốn xuất gia
trở thành tỳ-khưu. Bạch Ngài
Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu-Tăng làm lễ thọ tỳ-
khưu cho hoàng-tử Nanda.
Sau khi trở thành tỳ-khưu, tỳ-khưu Nanda không muốn thực
hành phạm-hạnh cao thượng mà muốn hoàn tục trở về cung, bởi vì nhớ lời căn dặn
của hoàng-muội Janapadakalyāṇī xinh đẹp tuyệt trần.
Biết rõ tâm trạng tỳ-khưu Nanda chán nản thực hành phạm-hạnh
cao thượng, nên Đức-Phật cho gọi tỳ-khưu Nanda đến và truyền dạy rằng:
- Này Nanda! Con chán nản thực hành phạm-hạnh cao
thượng mà muốn hoàn tục trở về cung, có thật vậy không?
Tỳ-khưu Nanda kính bạch sự thật rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sự thật như vậy. Bạch
Ngài.
Đức-Phật truyền hỏi rằng:
- Này Nanda! Do nguyên nhân nào mà con chán nản thực
hành phạm-hạnh cao thượng, muốn hoàn tục trở về cung vậy?
Tỳ-khưu Nanda kính bạch rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sở dĩ con chán nản thực-
hành phạm-hạnh cao thượng mà con muốn hoàn tục trở về cung, là vì con nhớ lời
căn dặn của hoàng-muội Janapadakalyāṇī xinh đẹp tuyệt trần. Bạch Ngài.
Khi ấy, Đức-Phật nắm tay tỳ-khưu Nanda, dùng
phép-thần-thông du hành bay lên cõi trời Tam-thập- tam-thiên. Trên đường đi, Đức-Phật
chỉ cho tỳ-khưu Nanda thấy một con khỉ già ngồi ủ rủ trên cây khô, rồi tiếp tục
ngự đến cung trời Tam-thập-tam-thiên.
Tỳ-khưu Nanda nhìn thấy 500 thiên-nữ xinh đẹp hầu hạ Đức-vua
trời Sakka, Đức-Phật bèn hỏi tỳ-khưu Nanda rằng:
- Này Nanda! Con nghĩ thế nào, công-chúa Jana-
padakalyāṇī với 500 thiên-nữ này, ai xinh đẹp hơn?
Tỳ-khưu Nanda kính bạch rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, công-chúa Janapadakalyānī
như con khỉ già ngồi ủ rủ trên cây khô trên đường đi, còn 500 thiên-nữ này xinh
đẹp tuyệt trần.
- Này Nanda! Con thấy hài lòng 500 thiên-nữ này không?
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con rất hài lòng 500 thiên- nữ
này lắm. Bạch Ngài.
- Này Nanda! Nếu con thấy hài lòng 500 thiên-nữ này
thì con nên hoan-hỷ thực hành phạm-hạnh cao thượng, rồi Như-Lai sẽ giúp con được
như ý.
Nghe Đức-Phật truyền dạy như vậy, tỳ-khưu Nanda vô
cùng hoan-hỷ hứa sẽ thực hành phạm-hạnh cao thượng. Đức-Phật ngự trở về ngôi
chùa Jetavana cùng với tỳ-khưu Nanda.
Do không còn tưởng đến công-chúa Janapadakalyāṇī nữa,
tỳ-khưu Nanda cố gắng tinh-tấn không ngừng thực hành phạm-hạnh cao thượng, thực
hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4
Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não
không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.
Sau khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Ngài Trưởng- lão
Nanda đến hầu đảnh lễ Đức-Phật và xin từ bỏ ý muốn được 500 thiên-nữ ở cõi trời
Tam-thập-tam-thiên.
Thật ra, Đức-Phật thấy rõ, biết rõ tiền-kiếp của
hoàng-tử Nanda đã từng đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Padumuttara, đã phát nguyện muốn
trở thành bậc Thánh A-ra-hán có đức-hạnh đặc biệt xuất sắc nhất đó là đức-hạnh
cẩn trọng 6 môn thanh-tịnh và cũng được Đức- Phật Padumuttara thọ ký xác định rằng:
“Trong thời vị-lai, ý nguyện ấy sẽ được thành tựu
trong thời-kỳ giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.”
Những tiền-kiếp của hoàng-tử Nanda đã tạo 10 pháp- hạnh
ba-la-mật trải qua nhiều đời nhiều kiếp, từ thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara cho đến
thời-kỳ Đức-Phật Gotama khoảng cách thời gian đúng 100 ngàn đại-kiếp trái đất.
Kiếp hiện-tại là kiếp chót, hoàng-tử Nanda đã có đầy đủ
10 pháp-hạnh ba-la-mật, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, là bậc Thánh
Đại-thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, có đức-hạnh đặc biệt xuất sắc nhất đó
là đức-hạnh cẩn trọng 6 môn thanh-tịnh.
Nhưng vì tỳ-khưu Nanda bị vướng mắc vào sắc đẹp tuyệt
trần của hoàng-muội Janapadakalyāṇī, nên chán nản thực hành phạm-hạnh cao thượng,
muốn hoàn tục trở về cung điện.
Đức-Phật là Đức Vô-Thượng Giáo-Hóa chúng-sinh, nên Đức-Phật
đã khéo bày cách gỡ vướng mắc cho tỳ- khưu Nanda.
Nhờ vậy, tâm của tỳ-khưu Nanda không còn tưởng đến sắc
đẹp của hoàng muội Janapadakalyāṇī nữa, mà cố gắng tinh-tấn thực hành phạm-hạnh
cao thượng, thực- hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế,
chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết- bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi
phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Như vậy, tỳ-khưu Nanda đã có sẵn hạt giống tốt, còn Đức-Phật
trợ duyên để cho hạt giống tốt ấy được có cơ hội nảy mầm, tăng trưởng trổ hoa
cho quả.
Ngài Đại-Trưởng-Lão Sāriputta thuyết pháp tế độ
thân mẫu
* Trường hợp thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão
Sāriputta, bà có 7 người con xuất gia đều trở thành bậc Thánh A-ra-hán (9), nhưng bà còn có tà-kiến, chưa có đức-tin nơi Tam-bảo, bà
tôn thờ Đại-Phạm-thiên, và một lý do khác, bà cũng bực mình vì 7 đứa con của bà
đều bỏ nhà đi xuất gia trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là bậc Thánh Tối- thượng
thanh-văn có trí-tuệ siêu-việt đệ nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật
Gotama, trải qua 44 năm.
Một hôm, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta xem xét thấy rõ
chỉ còn 7 ngày nữa sẽ tịch diệt Niết-bàn, nên Ngài Đại-Trưởng-lão đến hầu đảnh
lễ Đức-Phật xin phép tịch diệt Niết-bàn. Đức-Phật truyền hỏi:
- Này Sāriputta! Con sẽ tịch diệt Niết-bàn tại nơi nào?
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta bạch rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con sẽ tịch diệt Niết-bàn
tại ngôi nhà nơi con sinh trưởng, làng Nālākāgāma xứ Magadha, để con tế độ thân
mẫu của con. Tuy bà có 7 người con đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán, nhưng bà vẫn
chưa có đức-tin nơi Tam-bảo.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta cùng 500 vị đệ-tử đảnh lễ
xin phép từ giã Đức-Phật. Ngài Đại-Trưởng-lão trở về lại ngôi nhà xưa, trong
căn phòng nơi Ngài Đại- Trưởng-lão đã trưởng thành.
Trong đêm cuối cùng của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta
có các vị vua trời từ cõi Tứ-đại-thiên-vương, cõi Tam-thập-tam-thiên, cõi Dạ-ma-thiên,
cõi Đâu-suất đà-thiên, cõi Hóa-lạc-thiên, cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên trong 6 cõi
trời dục-giới; tiếp đến chư Đại-phạm-thiên các cõi trời sắc-giới đều tuần tự đến
chiêm bái đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta lần cuối cùng.
Bà thân-mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta nhìn thấy
chư-thiên, chư Đại-phạm-thiên có hào quang sáng ngời, vị sau hơn vị trước, bà
muốn biết những vị chư- thiên ấy là vị nào mà có lòng tôn kính con của bà đến
như thế, nên bà đến phòng của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, hỏi Ngài Trưởng-lão
Cunda (người con trai thứ của bà) rằng:
- Này Cunda! Các vị chư-thiên nào mà có lòng tôn
kính đến chiêm bái đảnh lễ sư huynh của con như vậy?
Ngài Trưởng-lão Cunda thưa rằng:
- Thưa thân mẫu, 4 vị đầu tiên đó là Tứ Đại-thiên-
vương.
Bà nghĩ thầm: “Tứ Đại-thiên-vương có lòng tôn
kính đến chiêm bái, đảnh lễ con ta, con ta là bậc cao thượng như vậy sao! Vậy,
Đức-Phật là Đức Thầy của con ta, chắc chắn cao thượng biết dường nào!”
Và bà hỏi tiếp:
- Này Cunda! Còn các vị chư-thiên khác là vị nào vậy?
Ngài Trưởng-lão Cunda thưa tiếp:
- Thưa thân mẫu, tiếp theo, Đức-vua-trời Sakka từ
cõi trời Tam-thập-tam-thiên, kế đến Đức-vua trời Sujāma cõi trời Dạ-ma-thiên, Đức-vua
trời Santussita cõi trời Đâu-suất-đà-thiên, Đức-vua trời Sunimmita cõi trời
Hóa-lạc-thiên, Đức-vua trời Paranimmita từ cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên, và tiếp
đến chư Đại-Phạm-thiên từ các tầng trời sắc giới, …
Nghe Ngài Trưởng-lão Cunda thưa như vậy nên bà lại
suy nghĩ rằng:
“Vị Đại-Phạm-thiên mà ta tôn thờ, chư Đại-Phạm-
thiên ấy lại có lòng tôn kính đến chiêm bái đảnh lễ con của ta, con ta là bậc
cao thượng đến như vậy sao! Vậy, Đức-Phật là Đức-Thầy của con ta chắc chắn cao
thượng biết dường nào!”
Suy nghĩ vậy, bà phát sinh đại-thiện-tâm hỷ lạc
chưa từng có, bà ân cần thăm hỏi bệnh tình của Ngài Đại- Trưởng-lão Sāriputta
và bày tỏ ý nghĩ của mình. Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta biết đúng lúc hợp thời,
nên Ngài Đại-Trưởng-lão thuyết giảng về Ân-Đức-Phật để tế độ thân mẫu.
Sau khi lắng nghe Ân-Đức-Phật xong, bà liền chứng ngộ
chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh- đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn,
diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến và hoài-nghi, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu
có đức-tin trong sạch vững chắc nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta nghĩ rằng:
“Nay ta đã đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của
thân mẫu của ta rồi.”
Rạng đông đêm ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta tịch
diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Qua câu chuyện về thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng- lão
Sāriputta, bà chưa có đức-tin nơi Tam-bảo, vì bà tôn thờ vị Đại-Phạm-thiên mà
bà cho là cao thượng nhất và bà cũng bực mình vì 7 đứa con của bà đều bỏ nhà xuất
gia trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, v.v...
Đó là những nguyên nhân cản trở làm cho bà chưa có đức-tin
trong sạch nơi Tam-bảo, chứ không phải bà không có duyên lành nơi Tam-bảo.
Khi bà biết vị Đại-Phạm-thiên mà bà tôn thờ, nay chư Đại-Phạm-thiên
ấy lại có lòng tôn kính, đến chiêm bái đảnh lễ con của bà, thì con của bà là bậc
cao thượng hơn chư Đại-phạm-thiên ấy, nên bà suy nghĩ rằng:
“Đức-Phật là Đức Thầy của con ta chắc chắn cao thượng
biết dường nào!”
Vì vậy, bà liền phát sinh đức-tin nơi Đức-Phật,
nên phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ với 7 người con của bà đã bỏ nhà đi
xuất gia trong giáo-pháp của Đức- Phật Gotama.
Như vậy, nhờ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là Bậc Đại-trí-tuệ
thấy rõ, biết rõ, hợp thời, đúng lúc, nên Ngài Đại-Trưởng-lão thuyết pháp về
Ân-Đức-Phật để tế độ thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão từ bỏ tà-kiến chuyển sang
chánh-kiến, từ phàm-nhân chuyển sang bậc Thánh-nhân, để đền đáp công ơn sinh
thành dưỡng dục của thân mẫu.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thật là một tấm gương
sáng cao thượng cho người đời sau noi theo.
Biết Đức-Phật, kính Đức-Phật
Trong thời Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, có số
người chỉ nghe đến danh hiệu “Buddho: Đức-Phật” liền phát sinh đức-tin trong sạch
nơi Đức-Phật. Như trường hợp của ông phú-hộ Anāthapiṇḍika, Đức-vua Mahākap-
pinna, v.v...
Cũng có số người, khi nghe đến Đức-Phật thì phát sinh
tâm sân không hài lòng, nổi cơn giận dữ bực tức, tìm đến gặp Đức-Phật, nói lời
lỗ mãng, không cung- kính, hăm dọa Đức-Phật.
Như trường hợp ông Bà-la-môn Akkosaka (10) được tóm lược như sau:
* Một thuở nọ, Đức-Phật đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana
gần kinh-thành Rājagaha. Khi hay tin người anh là Bhāradvāja đã xuất gia trở
thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật, ông Bà-la-môn Akkosaka nổi giận, bực
tức tìm đến gặp Đức-Phật, nói lời lỗ mãng, không cung-kính, hăm dọa Đức-Phật.
Đức-Phật vẫn an nhiên tự tại, hoàn toàn không nhận lời
lỗ mãng, hăm dọa của ông ta. Khi ấy, Đức-Phật truyền dạy rằng:
- Này Bà-la-môn! Ông nói lời lỗ mãng, hăm dọa Như-
Lai nhưng Như-Lai không nói lời lỗ mãng, không hăm dọa trả lại ông; ông giận
Như-Lai nhưng Như-Lai không hề giận trả lại ông; ông cố tâm chọc tức Như-Lai
nhưng Như-Lai không chọc tức trả lại ông. Như-Lai hoàn toàn không nhận điều gì
của ông cả.
- Này Bà-la-môn! Người nào nói lời lỗ mãng trả lại người
đã nói lời lỗ mãng với mình, người nào nổi giận trả lại người đã nổi giận mình,
người nào cố tâm chọc tức trả lại người đã chọc tức mình, v.v… Như-Lai gọi người
ấy là người cùng chịu khổ chung lẫn nhau. Còn Như-Lai không cùng chịu khổ chung
với ông.
- Này ông Bà-la-môn! Như vậy, những lời lỗ mãng, hăm dọa,
… chỉ thuộc về riêng một mình ông mà thôi.
Đức-Phật thuyết dạy bài kệ rằng:
- Này ông Bà-la-môn!
Người nào diệt tâm sân,
không còn nóng giận nữa,
Sống an nhiên tự tại,
giải thoát khỏi khổ tâm,
Bởi chứng ngộ chân-lý,
dập tắt mọi phiền-não,
Tâm sân hận từ đâu,
mà phát sinh lên được?
Người nào hay nổi giận,
trả thù kẻ giận mình,
Người ấy thấp hèn hơn,
kẻ giận mình gấp bội.
Người không giận trả đũa,
với kẻ đã giận mình,
Gọi là người chiến thắng (11)
mà người thường khó thắng.
Người nào biết ai giận,
có chánh-niệm giữ mình,
Dập tắt mọi phiền-não,
người ấy gọi là người
Thực hành pháp nhẫn-nại,
giữ gìn sự lợi ích,
Cho mình và cho người,
cả hai đều có lợi.
Người giữ gìn lợi ích,
cả cho mình lẫn người.
Những người không trí-tuệ,
không biết rõ thiện-pháp.
Hiểu lầm người ấy rằng:
“Một hạng người khờ dại”.
Khi Đức-Phật thuyết dạy xong, thì ông Bà-la-môn
Akkosaka thành kính bạch rằng:
- Kính bạch Đức Gotama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!
- Kính bạch Đức Gotama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!
Sau khi tán dương, ca tụng Đức-Phật xong, ông Bà-
la-môn Akkosaka phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức- Phật, rồi xin quy-y nương
nhờ nơi Tam-bảo: Đức-Phật- bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo và kính xin Đức- Phật
cho phép ông được xuất gia thọ sa-di, thọ tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.
Đức-Phật cho phép ông bà-la-môn Akkosaka xuất gia trở
thành tỳ-khưu theo như ý nguyện.
Sau khi trở thành tỳ-khưu không lâu, tỳ-khưu Akkosaka
hoan-hỷ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, thực hành pháp-hành thiền-tuệ
dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn,
diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh
A-ra- hán trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
* Trường hợp Aṅgulimāla (12) là kẻ cướp sát
nhân, nhìn thấy Đức-Phật, Aṅgulimāla đã cầm gươm đuổi theo định giết Đức-Phật.
Khi ấy, Đức-Phật vừa đi, vừa thuyết pháp giáo hóa y.
Aṅgulimāla tỉnh ngộ, vất bỏ khí giới, rồi kính xin Đức-Phật
cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.
Đức-Phật cho phép Aṅgulimāla thọ tỳ-khưu theo cách gọi
“Ehi Bhikkhu! ...”
Về sau không lâu, tỳ-khưu Aṅgulimāla thực hành
pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo,
4 Thánh-quả, Niết- bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư
sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng trong giáo-pháp của Đức-Phật
Gotama.
* Trường hợp Dạ xoa Āḷavaka (13): Y nghe tin Đức- Phật ngự đến ngồi trên bảo tọa của y, ngay
tức khắc y trở về, y dùng đủ các phép mầu nguy hiểm để xua đuổi Đức-Phật ra khỏi
lâu đài của y, nhưng y không có khả năng thực hiện được.
Cuối cùng, Dạ-xoa Āḷavaka đặt các câu hỏi để bắt bí Đức-Phật,
nếu Đức-Phật không trả lời được thì phải ra khỏi lâu đài của y.
Đức-Phật đã trả lời thông suốt, tế độ Dạ-xoa Āḷavaka
chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả,
Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến và hoài-nghi, trở thành bậc
Thánh Nhập-lưu có đức-tin trong sạch vững chắc nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo,
Đức-Tăng-bảo.
Đức-Phật thấy rõ, biết rõ những chúng-sinh đã từng có
phước-duyên nơi chư Phật trong quá khứ, đã từng tạo nhiều pháp hạnh ba-la-mật,
có thể chứng đắc thành bậc Thánh-nhân.
Trong đời này, một số người có đủ các pháp-hạnh ba-
la-mật có thể trở thành bậc Thánh-nhân ngay trong kiếp hiện-tại, nhưng vì gần
gũi thân cận với bạn xấu, nên không có cơ hội tốt để trở thành bậc Thánh-nhân.
* Như tích Mahādhanaseṭṭhiputtavatthu (14) hai người con của hai gia đình phú hộ trong kinh-thành Bārāṇasī
được tóm lược như sau:
Trong kinh-thành Bārāṇasī có hai gia đình phú hộ, gia
đình phú hộ này có một người con trai, gia đình phú hộ kia có một người con
gái. Khi hai đứa con trưởng thành, hai gia đình phú hộ tác hợp cho hai đứa con
thành đôi vợ chồng.
Khi hai bên cha mẹ qua đời, tất cả của cải tài sản gom
lại gồm có 1.600 triệu gọi là mahādhanaseṭṭhiputta: hai người con đại phú hộ.
Hai vợ chồng đại phú hộ ngày đêm ăn chơi, mướn các
đoàn ca vũ đến nhà đờn ca múa hát.
Về sau, gần gũi thân cận các bạn ác, người con trai
phú hộ nghiện rượu, các bạn ác kéo nhau đến càng ngày càng đông, nên mỗi ngày
đêm, tiêu xài phung phí tiền của càng nhiều. qua một thời gian nhiều ngày, nhiều
tháng, nhiều năm, tất cả của cải tài sản đều khánh kiệt, cuối cùng phải bán
ngôi nhà.
Đến lúc tuổi cao, hai vợ chồng già yếu dẫn nhau đi xin
ăn để sống qua ngày.
Một hôm, hai vợ chồng già yếu dẫn nhau đến đứng gần cửa
nhà ăn của chư Tăng, chờ nhận vật thực còn dư của sa-di, tỳ-khưu.
Nhìn thấy 2 người già yếu như vậy, Đức-Phật mỉm cười.
Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda bạch hỏi Đức- Phật rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do nhân-duyên nào mà Đức- Thế-Tôn mỉm cười? Bạch
Ngài.
Đức-Phật dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:
- Này Ānanda! Người già yếu ấy, trước kia là con của phú hộ có của cải tài
sản lớn, ông đã tiêu xài phung phí hết sạch, cuối cùng phải bán ngôi nhà. Nay,
không còn gì nữa, ông dắt vợ đi xin ăn trong kinh-thành này.
Đức-Phật dạy rằng:
* Nếu người con phú hộ ở tuổi thanh niên không tiêu
xài của cải tài sản, biết kinh doanh thì sẽ trở thành phú hộ thứ nhất trong
kinh-thành Bārāṇasī này.
* Nếu cả hai vợ chồng phú hộ ở tuổi thiếu niên xuất
gia trong Phật-giáo, thực hành pháp-hành thiền-tuệ thì người chồng có khả năng
trở thành bậc Thánh A-ra-hán, còn người vợ có khả năng trở thành bậc Thánh Bất-lai.
* Nếu người con phú hộ ở tuổi trung niên không tiêu
xài của cải tài sản, biết kinh doanh thì sẽ trở thành phú hộ thứ nhì trong
kinh-thành Bārāṇasī này.
* Nếu cả hai vợ chồng phú hộ ở tuổi trung niên xuất
gia trong Phật-giáo, thực hành pháp-hành thiền-tuệ thì người chồng có khả năng
trở thành bậc Thánh Bất-lai, còn người vợ có khả năng trở thành bậc Thánh Nhất-lai.
* Nếu người con phú hộ ở tuổi lão niên không tiêu xài
của cải tài sản, biết kinh doanh thì sẽ trở thành phú hộ thứ ba trong
kinh-thành Bārāṇasī này.
* Nếu cả hai vợ chồng phú hộ ở tuổi lão niên xuất gia
trong Phật-giáo, thực hành pháp-hành thiền-tuệ thì người chồng có khả năng trở
thành bậc Thánh Nhất-lai, còn người vợ có khả năng trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Nhưng bây giờ hai vợ chồng phú hộ già yếu đã trải qua
hết 3 thời rồi, của cải tài sản thế gian đều bị khánh kiệt, của báu siêu-tam-giới
là Thánh-đạo, Thánh-quả trong Phật-giáo cũng không thể phát sinh, như con cò
già rụng hết lông cánh, nằm thoi thóp trên vũng bùn khô.
Đức-Phật thuyết dạy câu kệ rằng:
Người ngu dốt không biết hành phạm-hạnh,
Không được của báu lúc còn trẻ trung,
Như con cò già yếu nằm than thở,
Trên vũng bùn khô hết sạch cá tôm.
Người ngu dốt không biết hành phạm-hạnh,
Không được của báu lúc còn trẻ trung,
Nằm hối tiếc của cải xưa đã hết,
Như mũi tên đã rời khỏi cây cung,
Rơi xuống đất làm đồ ăn cho mối.
Qua tích hai người con của hai gia đình phú hộ có khả
năng trở thành bậc Thánh-nhân trong kiếp hiện-tại, nhưng không gặp bạn hiền, bậc
thiện-trí trợ duyên, không có cơ hội lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí
trong Phật-giáo, nên không trở thành bậc Thánh-nhân.
Hỗ trợ cơ hội đến người khác
Đức-vua Asoka, một Đấng-Minh-Quân là một cận- sự-nam
có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo và hết lòng hộ trì Phật-giáo. Đức-vua có ý định
tấn phong thái-tử Mahinda lên ngôi Đức-Phó-vương. Nhưng Đức-vua đắn đo suy xét
lại rằng: “Việc tấn phong thái-tử Mahinda lên ngôi Đức-Phó-vương với việc cho
phép thái-tử Mahinda xuất gia trở thành tỳ-khưu. Trong 2 việc này, việc nào cao
thượng hơn cả?”
Đức-vua Asoka đắn đo suy xét với trí-tuệ sáng suốt lựa
chọn rồi quyết định rằng: “Ta nên cho phép thái-tử Mahinda xuất gia trở thành tỳ-khưu
là cao thượng hơn cả, bởi vì, nếu thái-tử Mahinda chịu vâng lời xuất gia trở
thành tỳ-khưu thì đương nhiên ta sẽ trở thành người thân quyến kế thừa của Phật-giáo
(Dāyado sāsanassa).”
Sau khi đã quyết định, Đức-vua Asoka truyền dạy thái-tử
Mahinda rằng:
- Này Hoàng-nhi Mahinda yêu quý! Con có muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu hay
không?
Thái-tử Mahinda vốn là người đã từng tạo đầy đủ 10
pháp-hạnh ba-la-mật từ nhiều kiếp trong quá-khứ, đến kiếp hiện-tại này là kiếp
chót, nên khi nghe Đức-Phụ- vương hỏi như vậy, như hạt giống tốt hội đủ duyên
lành, nên thái-tử Mahinda vô cùng hoan-hỷ tâu rằng:
- Tâu Đức-Phụ-vương, con muốn xuất gia trở thành tỳ-khưu.
Kính xin Đức-Phụ-vương cho phép con được xuất gia trở thành tỳ-khưu trong Phật-giáo.
Khi ấy, Công-chúa Saṃghamittā cũng đang đứng gần ở đó,
Đức-vua liền quay sang và cũng truyền dạy công- chúa rằng:
- Này Saṃghamittā con yêu quý! Con có muốn xuất gia
trở thành tỳ-khưu-ni hay không?
Cũng như thái-tử Mahinda, công-chúa Saṃghamittā cũng
là người đã từng tạo đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la- mật từ nhiều kiếp trong quá-khứ,
đến kiếp hiện-tại này là kiếp chót của công-chúa, nên khi nghe Đức-Phụ-vương hỏi
như vậy, công-chúa Saṃghamittā vô cùng hoan-hỷ tâu rằng:
- Tâu Đức-Phụ-vương, con cũng muốn xuất gia trở
thành tỳ-khưu-ni. Kính xin Đức-Phụ-vương cho phép con được xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni
trong Phật-giáo.
Thái-tử Mahinda tròn 20 tuổi, chư Đại-đức-Tăng cho
phép làm lễ thọ tỳ-khưu, rồi sau đó trở thành bậc Thánh A-ra-hán, còn công-chúa
Saṃghamittā mới lên 18 tuổi nên cho phép làm lễ xuất gia Sikkhamānā, rồi sau đó
trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Về sau, Ngài Trưởng-lão Mahinda đã dẫn một phái đoàn
chư Thánh-Tăng sang đảo quốc Srilankā truyền bá Phật-giáo và tỳ-khưu-ni Saṃghamittā
cũng dẫn một phái đoàn tỳ-khưu-ni sang đảo quốc Srilankā để làm lễ xuất gia thọ
tỳ-khưu-ni cho các công-chúa và những người nữ khác trên đảo quốc Srilankā.
Phật-giáo được thịnh hành trên đảo quốc Srilankā, có
nhiều chư tỳ-khưu-Tăng và chư tỳ-khưu-ni-Tăng.
Trong đời này, có những hạng người có khả năng không cần
sự tác-động khuyến khích, giúp đỡ của người khác, họ cũng có thể thành tựu được
như ý nguyện của họ.
Và có những hạng người cần được tác-động, cần được động
viên khuyến khích giúp đỡ của người khác, thậm chí còn phải được dẫn dắt dạy dỗ,
thì họ mới có thể thành tựu được như ý nguyện của họ.
Đối với những hạng người này, việc giúp đỡ hỗ trợ cho
họ có cơ hội tốt, trợ duyên tốt đó là điều rất cần thiết, để cho họ được thành
tựu như ý nguyện, ví như hạt giống tốt gặp đầy đủ nhân-duyên hỗ trợ để hạt giống
tốt có cơ hội nảy mầm và phát triển.
(Xong chương II: Tam-Bảo.)
Giảng
giải đặc biệt bài kinh tụng Sambuddhe
Trong bài kinh tụng Sambuddhe đoạn đầu thành kính đảnh
lễ chư Phật, Đức-Bồ-tát có trí-tuệ siêu-việt là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama
có nguyện vọng muốn trở thành Đức- Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, rồi
thực hành 30 pháp-hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời-kỳ:
Thời-kỳ đầu: Đức-Bồ-tát có trí-tuệ
siêu-việt ấy phát nguyện ở trong tâm rồi thực hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt
7 a-tăng-kỳ có 125.000 Đức-Phật, mỗi Đức-Phật theo tuần tự xuất hiện trên thế
gian.
Thời-kỳ giữa: Đức-Bồ-tát có trí-tuệ
siêu-việt ấy phát nguyện ra bằng lời nói để cho các chúng sinh nghe biết, rồi
thực hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt 9 a-tăng-kỳ có
387.000 Đức-Phật, mỗi Đức-Phật theo tuần tự xuất hiện
trên thế gian.
Thời-kỳ cuối: Đức-Bồ-tát trí-tuệ siêu-việt
ấy là Đức-Bồ- tát đạo-sĩ Sumedha được Đức-Phật Dīpaṅkara đầu tiên thọ ký còn 4
a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác
có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, và mãi đến thời-kỳ Đức-Phật Kassapa thứ 24 cuối
cùng thọ ký cùng trong kiếp trái đất gọi là Bhaddakappa này sẽ trở thành Đức-Phật
Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.
Trong kinh tụng Sambuddhe đoạn đầu trình bày rằng:
“Sambuddhe aṭṭhavīsañca” 28 Đức-Phật.
Trong kiếp trái đất gọi là Saramandakappa có 4
Đức-Phật là Đức-Phật Taṇhaṅkara, Đức-Phật Medhaṅkara, Đức-Phật Saraṇaṅkara, Đức-Phật
Dīpaṅkara, cho đến kiếp trái đất gọi là Bhaddakappa có 5 Đức-Phật là Đức-Phật
Kakusandha, Đức-Phật Koṇagamana, Đức-Phật Kassapa, Đức-Phật Gotama và Đức-Phật
Metteyya.
Từ kiếp trái đất gọi là Saramandakappa đến kiếp
trái đất gọi là Bhaddakappa gồm có 28 Đức-Phật, mỗi Đức-Phật theo tuần tự
xuất hiện trên thế gian.
Tuy nhiên, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama chỉ
được 24 Đức-Phật thọ ký mà thôi, trừ 3 Đức-Phật quá-khứ là Đức-Phật Taṇhaṅkara,
Đức-Phật Medhaṅkara, Đức-Phật Saraṇaṅkara và Đức-Phật Metteyya vị-lai chưa
sinh.
Thời-kỳ đầu: Đức-Bồ-tát có trí-tuệ
siêu-việt là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama phát nguyện ở trong tâm suốt 7 a-
tăng-kỳ có 125.000 Đức-Phật, mỗi Đức-Phật theo tuần tự xuất hiện trên thế gian.
Thời-kỳ giữa: Đức-Bồ-tát có trí-tuệ
siêu-việt là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama phát nguyện ra bằng lời nói suốt 9
a- tăng-kỳ có 387.000 Đức-Phật, mỗi Đức-Phật theo tuần tự xuất hiện trên thế
gian.
Gom cả 2 thời-kỳ đầu và giữa 125.000 + 387.000 gồm có
512.1 Đức-Phật, mỗi Đức-Phật theo tuần tự xuất hiện trên thế gian.
Trong kinh tụng Sambuddhe gom lại 2 thời-kỳ đầu và giữa
rằng:
“Dvādasañca sahassake pañcasatasahassāni” 512.000 Đức-Phật.
“Namāmi sirasā ahaṃ” Con đem hết lòng thành kính cúi
đầu đảnh lễ chư Phật.
Trong kinh Tam-Bảo
(Ratanasutta), Đức-Phật dạy bài kệ rằng:
“Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā,
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi Tathāgatena,
Idampi Buddhe ratanaṃ paṇītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu.”
Châu báu vô giá nào trong cõi người,
Cõi long-cung, cõi dục-giới, sắc-giới
Tất cả mọi châu báu vô giá ấy,
Không thể sánh bằng Đức-Phật cao thượng,
Phật-Bảo này là châu báu vô thượng
Do năng lực của lời chân thật này,
Mong cho toàn chúng-sinh được an-lạc.
Trong bài kinh Pubbaṇhasutta có 3 bài kệ: bài kệ
thứ nhất giống bài kệ trên, còn bài kệ thứ nhì:
“Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā,
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi Tathāgatena,
Idampi Dhamme ratanaṃ paṇītaṃ.
Etena saccena suvatthi hotu.”
Châu báu vô giá nào trong cõi người,
Cõi long-cung, cõi dục-giới, sắc-giới
Tất cả mọi châu báu vô giá ấy,
Không thể sánh bằng Đức-Pháp cao thượng,
Pháp-Bảo này là châu báu vô thượng
Do năng lực của lời chân thật này,
Mong cho toàn chúng-sinh được an-lạc.
Và bài kệ thứ ba:
“Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā,
Saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ
Na no samaṃ atthi Tathāgatena,
Idampi Saṃghe ratanaṃ paṇītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu.”
Châu báu vô giá nào trong cõi người,
Cõi Long-cung, cõi dục-giới, sắc-giới
Tất cả mọi châu báu vô giá ấy,
Không thể sánh bằng Đức-Tăng cao thượng,
Tăng-Bảo này là châu báu vô thượng.
Do năng lực của lời chân thật này,
Mong cho toàn chúng-sinh được an-lạc.
Trong ba câu kệ trên ý nghĩa danh từ “Tathāgatena”
theo từng mỗi câu kệ như sau:
* Bài kệ thứ nhất: Tathāgatena có ý nghĩa là
Đức-Phật- bảo cao thượng hơn tất cả các loại châu báu vô giá trong cõi người,
cõi long-cung, cõi trời dục-giới và cõi trời sắc-giới.
* Bài kệ thứ nhì: Tathāgatena có ý nghĩa là Đức-
Pháp-bảo đó là pháp-học Phật-giáo và 9 pháp siêu-tam- giới cao thượng hơn
tất cả các loại châu báu vô giá trong cõi người, cõi long-cung, cõi trời dục-giới
và cõi trời sắc-giới.
* Bài kệ thứ ba: Tathāgatena có ý nghĩa là Đức-Tăng-
bảo đó là chư Thánh-Tăng và phàm-Tăng cao thượng hơn tất cả các loại
châu báu vô giá trong cõi người, cõi long-cung, cõi trời dục-giới và cõi trời sắc-giới.
Như vậy, người tại gia nào có duyên lành, có đức-tin
trong sạch nơi Tam-bảo, có trí-tuệ sáng suốt đến xin thọ phép quy-y nương nhờ
nơi Tam-bảo: nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo, nương nhờ
nơi Đức-Tăng-bảo, thì người ấy sẽ trở thành cận-sự- nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ
(upāsikā), là 1 trong 4 hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, được gần gũi thân cận
với Tam-bảo.
Người cận-sự-nam, hoặc cận-sự-nữ ấy được sự lợi ích
cao thượng, sự tiến hóa trong mọi thiện-pháp từ dục- giới thiện-pháp, sắc-giới
thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện- pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp cao thượng
tùy theo khả năng của mình, sự an-lạc cao thượng cả trong kiếp hiện-tại lẫn vô
số kiếp vị-lai, cho đến kiếp chót chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn,
diệt tận mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh
A-ra-hán cao thượng, hết tuổi thọ sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử
sinh luân-hồi trong tam-giới.
(Xong quyển I: Tam-Bảo)
Iminā
puññakammena, sukhī bhavāma sabbadā. Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo, loke sattā sumaṅgalā.
Vietnam-raṭṭhikā sabbe ca, janā pappontu sāsane. Vuḍḍhiṃ
viruḷhivepullaṃ, patthayāmi nirantaraṃ.
Lời cầu nguyện
Năng lực phước-thiện thanh cao
này,
Mong chúng con thường được an-lạc.
Mong cho chánh-pháp được trường tồn,
Tất cả chúng-sinh được hạnh-phúc.
Dân tộc Việt Nam được phát triển,
Tiến hóa hưng thịnh trong Phật-giáo.
Bần sư nguyện cầu với tâm thành,
Hằng mong được thành tựu như nguyện.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.
Nguyện cho chánh-pháp được trường tồn trên thế gian,
Nguyện cho chánh-pháp được trường tồn trên Tổ-quốc Việt-Nam
thân yêu.
Buddhasāsanaṃ ciraṃ tiṭṭhatu.
Nguyện cho Phật-giáo được trường tồn.
PL. 2564 / DL. 2021
Rừng Núi Viên-Không xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ tỉnh Bà
Rịa-Vũng Tàu.
Tỳ-khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇḍita)
(1) Majjhimanikāya, Uparipaṇṇāsa, Kinh Dhātuvibhaṅgasutta.
(2) Bộ Khuddakanikāya, Suttanipāta, Kinh Rattanasutta.
(3) Bộ Khuddakanikāya, Suttanipāta, kinh Rattanasutta.
(4) Từ kinh-thành Rājagaha đến kinh-thành Takkasīlā khoảng cách
192 do tuần (mỗi do tuần khoảng 20 km).
(5) Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Bāhiyadārucīriyattheravatthu.
(6) Aṅguttaranikāya, Ekakanipāta, Ekapuggalavagga.
(7) Hoàng-tử Nanda là Hoàng-đệ cùng Phụ-vương khác Mẫu-hậu với
Thái- tử Siddhattha (Đức-Phật). Trong bộ Chú-giải Chi-Bộ-Kinh tích Ngài Đại-đức
Nandatthera.
(8) Công-chúa Janapadakalyāṇī chính là công-chúa Rūpanandā, là
hoàng- muội của hoàng-tử Nanda.
(9) Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, 3 người em trai là Ngài Trưởng-lão
Cunda, Ngài Trưởng-lão Upasena, Ngài Trưởng-lão Revata, và 3 người em gái là
Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Cālā, Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Upacālā, Ngài Đại-đức tỳ-
khưu-ni Sīsūpacālā (trong Dha, Aṭṭha. Tích Khadiraniyarevatattheravatthu).
(10) Saṃyuttanikāya, Sagāthavagga, kinh Akkosakasutta.
(11) Chiến thắng được phiền-não của mình.
(12) Tìm hiểu đầy đủ trong quyển “8 Sự Tích Phật Lực”, cùng soạn-giả.
(13) Tìm hiểu đầy đủ trong quyển “8 Sự Tích Phật Lực”, cùng soạn-giả.
(14) Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, Jarāvagga, tích Mahādhanaseṭṭhiputtavatthu.
Mục lục quyển 1 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | Phụ lục
Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10