Toàn tập TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG (VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)

MỤC LỤC

Toàn tập TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG (VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)

Tác phẩm 21 QUỈ VƯƠNG VẤN ĐẠO (YAKKHA PAÑHĀ)

QUỈ VƯƠNG ALAVAKA VẤN ĐẠO

I. Giảng câu hỏi thứ nhứt của quỉ vương

II. Giảng câu hỏi thứ nhì của Quỉ vương

III. Giảng câu hỏi thứ ba của Quỉ vương.

IV. Giảng câu hỏi thứ tư của Quỉ vương

TIỂU SỬ ĐỨC ĐẾ THÍCH

PHẬT NGÔN

Nền tảng Phật giáo góp nhặt như sau

 


Tác phẩm 21 QUỈ VƯƠNG VẤN ĐẠO (YAKKHA PAÑHĀ)

----

Namo tassa Bhagavato Srahato Sammasambuddhassa

QUỈ VƯƠNG ALAVAKA VẤN ĐẠO

Thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại hương thất (gandhakutti), nơi Kỳ Viên tịnh xá, gần thành Sāvatthi. Một hôm vừa đến rạng đông, Ngài nhập thiền, xem xét bằng Phật nhãn, thấy được duyên lành của Quỉ vương Alavaka Yakkha khiến hắn sẽ đắc Tu-đà-huờn quả, và nhiều chúng sanh khách nữa cũng được chứng Thánh quả, tất cả đến 84 ngàn người.

Sáng bạch, Ngài ngự đi trì bình để tế độ sanh linh. Sau khi đã ngọ thực, Ngài đi bộ hơn 30 do tuần, đến chỗ ngụ của Quỉ vương Alavaka Yakkha. Lúc đó Alavaka Yakkha mắc đi dự hội cùng các Dạ xoa tại núi Tuyết Sơn Carolā. Khi ấy Dạ xoa Gadrabha gác cửa cung của Quỉ vương Alavaka Yakkha, thấy Phật ngự đến bèn bái chào và bạch:

‒ Đức Thế Tôn ngự đến đây ngoài giờ khất thực, có điều gì chăng?

‒ Ta đến đây để xin tạm trú một đêm, được chăng?

‒ Bạch Phật, không có chi làm khó cho tôi cả, nhưng chủ tôi bạo tánh lắm; dù là cha mẹ của y, y cũng không sùng bái cúng dường nữa. Vì thế, xin Phật chớ nên ngự trú nơi đây.

‒ Như Lai đã hiểu rồi Gadrabha! Dầu Như Lai có nghỉ tại đây cũng chẳng có chi lo ngại. Nếu ngươi vừa lòng thì Như Lai xin tạm trú nơi đây một đêm, không sao đâu.

‒ Bạch tôi không dám hẹp lượng, nhưng Quỉ vương Alavaka Yakkha rất hung ác, khi nổi sân thì nóng nảy, la hét dầu là cha mẹ của hắn, hắn cũng không kính nể, cho nên, bạch Phật, Ngài không nên ngự nơi đây.

‒ Như Lai đã hiểu rồi Gadrabha! Dầu Như Lai tạm trú nơi đây đêm nay, cũng chẳng có chi lo ngại, nếu ngươi không buồn phiền.

‒ Bạch Phật, tôi không dám buồn lòng, song nếu tôi không đi xin phép chủ tôi trước, thì tôi sẽ bị giết, mà hắn cũng hại Phật nữa. ‒ Được, ngươi hãy đi báo tin, tùy ý ngươi.

Gadrabha Dạ xoa liền cáo từ Phật rồi bay đến Tuyết Sơn cho Quỉ vương rõ. Khi Gadrabha Dạ xoa vừa đi khỏi, thì cửa điện tự nhiên mở rộng như có ý rước Phật vào ngự trên bảo tọa, là nơi Quỉ vương thường ngồi khi có đại Lễ. Phật bèn phóng hào quang sáu màu chói lọi khắp cả cung điện. Các cung phi, mỹ nữ của Quỉ vương Alavaka Yakkha xem thấy, đồng nhau đến lễ bái Phật, rồi ngồi hầu chung quanh Ngài.

Đức Thế Tôn bèn Thuyết Pháp: “Nầy các tín nữ! Các ngươi đã được bố thí, trì giới, cúng dường các bậc nên cúng dường từ kiếp trước, nên nay mới được hạnh phúc như vầy. Vậy các ngươi hãy làm như trước nữa, không nên ganh ghét nhau”.

Các cung phi mỹ nữ khi được nghe Pháp du dương của đức Thế Tôn, liền phát tâm tín ngưỡng, nói: “sādhu, sādhu”, rồi thành kính thính pháp.

Còn Gadrabha Dạ xoa, khi đến Tuyết Sơn, tường thuật phân minh cho Quỉ vương Alavaka Yakkha hay tin Phật đã ngự tọa trong điện của Alavaka Yakkha, Quỉ vương Alavaka nói với Gadrabha rằng: “Ngươi về cứ nín thinh, chờ ta về sẽ hay”. Rồi hắn cho Gadrabha Dạ xoa trở về trước.

Trong lúc ấy, có hai Dạ xoa là Sādāgirayakkha và Hevamataykkha tính dẫn nhau đến hầu đấng cứu thế tại Kỳ Viên tịnh xá, rồi sẽ đi dự hội Dạ xoa nơi Tuyết Sơn. Khi đã đồng ý nhau bèn dắt cả tùy tùng bay giữa không gian. Lúc bay phải tránh các Thiên cung (Cung điện của Dạ xoa thì ở tại đất liền). Khi đến cung điện của Quỉ vương Alavaka Yakkha thì chúng không thể bay qua được, vì lúc đó có đức Thế Tôn đang ngự trong điện của Quỉ vương, bởi lệ thường, hễ Phật ngự nơi nào thì chẳng có Chư thiên, Ma vương nào bay ngang trên đầu đức Phật được. Hai Dạ xoa lấy làm lạ sao không bay ngang qua chỗ này được, chừng xem kỹ lại, thì thấy Phật ngự trong động của Quỉ vương Alavaka Yakkha nên cùng nhau đem bọn tùy tùng đến hầu Phật và khi đã được nghe Pháp, liền bái từ lui ra, nhiễu Phật ba vòng. Tán dương oai lực của đức Thế Tôn, rồi bay đến hội sở.

Quỉ vương Alavaka Yakkha, khi thấy hai Dạ xoa đến, liền lui ra nhường chỗ và thỉnh hai Dạ xoa vào ngồi. Hai Dạ xoa mới nói với Quỉ vương Alavaka Yakkha: “Hôm nay ngươi có phước lắm, vì có đức Thế Tôn ngự đến điện của ngươi, ngươi nên mau trở về hầu Ngài đi”. Lệ thường, kẻ không có đức tin, khi được nghe đến tiếng đức Thế Tôn thì bằng không vừa lòng, cũng như người phá giới không hài lòng khi nghe đến vấn đề giới luật. Vì thế, Quỉ vương vừa được nghe hai Dạ xoa ca tụng uy đức của đức Thế Tôn, liền phát sân, sôi nỗi, ví như muối mà liệng trong lửa đỏ. Hắn mới hỏi lại hai Dạ xoa: “Đức Thế Tôn nào đang an tọa trong cung điện của tôi? Đó là hạng người nào?”.

‒ Ôi! Ngươi không rõ đức Thế Tôn sao? Ngài là đức Giáo chủ của chúng ta. Trước kia Ngài ngự tại Đẩu Xuất đà Thiên cung có Chư thiên trong mười ngàn thế giới đồng nhau đến thỉnh Ngài giáng sinh trong nhơn gian vào thai bào bà Māyā Hoàng hậu. Trong khi ngự trong thai bào, Ngài hằng được Tứ đại Thiên vương chăm nom, săn sóc, Ngài có cử chỉ phi thường hơn chúng sanh. Lúc đản sanh càng khác thường, Ngài có 32 tướng quý của bậc đại nhơn và tám mươi biểu hiệu phụ thuộc, đáng là bậc siêu phàm. Sau khi xuất gia được sáu năm, Ngài chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm cho tất cả thế giới đều rung động, Chư thiên đều hoan hô vui mừng. Khi Ngài chuyển Pháp luân tế độ nhóm thầy Kiều Trần Như, Chư thiên, Phạm thiên tất cả một trăm tám mươi triệu đến dự thính đều đắc đạo quả Niết-bàn. Trời đất khắp thế giới đều chuyển động, ngươi không hay biết sao Alavaka Yakkha?

Dù là Quỉ vương Alavaka Yakkha biết đầy đủ, nhưng vì bị khí lực của sân hận đè nén, nên đáp: “Tôi không biết!”

‒ Ngươi hay biết hoặc không cũng chẳng cần, sự kiện ấy không có lợi ích đến chúng ta, ngươi làm gì đến đức Giáo chủ của chúng ta được. Nếu đem so sánh đức Giáo chủ của chúng ta với ngươi thì thấy rất xa nhau; ngươi ví như con bê đứng gần bò chúa; lại cũng ví như voi con với voi chúa hoặc như chó sói với sư tử. Nếu ngươi không vừa lòng thì cứ làm thế nào tùy sở thích của ngươi.

Nghe hai Dạ xoa thốt như thế, Quỉ vương Alavaka Yakkha càng phát sân, liền đứng dậy biểu diễn tài năng: Chân mặt đạp tảng đá, chân trái bước đứng trên đảnh núi Krilāsa cao sáu mươi do tuần, rồi hét to lên trong sa bà thế giới rằng: “Các ngươi chờ xem Giáo chủ của các ngươi hay ta, ai có uy thế hơn?” Xong rồi hắn tuyên bố: “Ahaṃ alavako” - ta hiệu là alavaka. Tiếng vang rền suốt trong thế giới.

Quỉ vương Alavaka Yakkha hiện thần thông dông tố, mong làm cho Phật kinh sợ rời khỏi cung điện của hắn. Dông tố đá thổi đến tứ hướng, có thể thổi bay đỉnh núi cao nữa do tuần, hoặc hai, ba do tuần, cây to đều trốc gốc. Đức Thế Tôn nguyện không cho bất cứ vật gì chạm đến Ngài, vì thế dông tố không sao động đến chéo y của Ngài được. Quỉ vương Alavaka Yakkha bèn hóa mưa to làm cho nước tràn ngập Ngài. Mưa rất to ngập đến đọt cây, nhưng không thể ướt chéo y của Ngài. Quỉ vương Alavaka Yakkha hiện mưa đá to lớn như núi, rơi xuống từ không trung rồi trở thành hoa trời cúng dường Phật, thật là phi thường. Quỉ vương hóa mưa võ khí (đao, kiếm) sắc bén cháy đỏ sa xuống, song không bao giờ rơi nhằm Phật, trái lại hóa thành hoa trời cúng dường Phật. Quỉ vương Alavaka Yakkha hiện mưa than lửa đỏ, nhưng sa gần Phật đều trở nên trầm hương cúng dường Phật.

Khi Quỉ vương Alavaka Yakkha đã thấy không thể làm cho Đấng cứu thế ra khỏi động của hắn được bằng cách hiện thần thông đã nói trên, hắn bèn đem binh ma tướng quỉ vào bao vây Phật. Các tướng quỉ hiện ra rất nhiều hình thể phi thường đáng ghê tởm, Quỉ vương Alavaka Yakkha ra lịnh cho binh tướng bắt hoặc hại Phật cho bằng được. Nhưng bất thành, chẳng có ma quỉ nào dám vào gần Phật, ví như loài ruồi không thể đến gần khúc sắt cháy đỏ vậy. Tuy thế, Quỉ vương Alavaka Yakkha vẫn chưa chịu quy hàng, hắn cứ khoe tài trọn đêm cùng Phật, ví như lúc Ma vương dẫn binh trời đến chiến đấu với đức Bồ tát nơi cội Bồ đề.

Đến canh ba, Alavaka Yakkha mới được dứt khoát, liệng chiếc y buộc đầu là một loại võ khí siêu vật[1], chẳng có ai cự địch nổi.

Nguyên trong thế giới có 4 võ khí siêu vật là: 1) jirāvudha: bánh xe ngọc của đức Trời Đế Thích; 2) gadāvudha: cây còn của Đại Thiên vương Vessavaṇa; 3) nayanāvudha: mắt của Diêm vương; 4) dussāvudha: chiếc y buộc đầu của Quỉ vương Alavaka Yakkha. Bốn loại võ khí ấy, phát sanh do phước báu, chẳng có chi đương cự nổi, để chiến thắng kẻ nghịch, như Phật Ngôn đã dạy:

Sakkassa jirāvuddhaṃ

Vessavaṇṇassa gadāvuddhaṃ

Yassa nayanāvuddhaṃ

Alvakassa dussāvuddhaṃ.

(Nếu đức Trời đế Thích phát sân, liệng bánh xe ngọc trên đỉnh núi Tu Di Sơn cao 84 ngàn do tuần, bánh xe ngọc có thể tàn phá đỉnh núi cho thành bột đến chân.

Khi đức đại Thiên Vương Vessavaṇṇa còn phàm nhân, nếu ngài liệng cây côn đánh cả ngàn Dạ xoa, cây côn ấy liền bay trở lại trong tay ngài như cũ. Lúc Vua Diêm vương sân, ngài nhìn chòng chọc cả ngàn Atula, loài này bị cháy thiêu thành bụi như cỏ khô bị lửa vậy. Nếu Quỉ vương Alavaka Yakkha giận, liệng chiếc y buộc đầu giữa khoảng không gian thì trong 12 năm trời hạn, ví bằng liệng trên mặt đất thì cây cỏ đều chết hết và không mọc nữa đến 12 năm, nếu ném xuống biển thì biển sẽ cạn khô).

Quỉ vương Alavaka Yakkha ném chiếc y buộc đầu có ma thuật[2] nhiều pháp, như thế, trong lúc ấy.

Thưở đó Chư thiên trong 10 ngàn thế giới đều tề tựu nhau cấp tốc, vì nghĩ rằng “hôm nay đức Thế Tôn sẽ chế phục Quỉ vương Alavaka Yakkha”, chúng ta sẽ cùng nhau được thính pháp của Ngài và mong được mục kiến cuộc thắng trận. Vì thế giữa không gian có đầy dẫy Chư thiên, trước khi Quỉ vương Alavaka Yakkha liệng chiếc y buộc đầu đó, chiếc y ấy từ không trung sa xuống tiếng kêu như sấm sét, quây thành vòng giữa trời rồi rớt xuống thành miếng vải chùi chơn của Phật.

Thấy thế, Quỉ vương Alavaka Yakkha phát tâm lo sợ, đã hết phép, tự biết mình không phải là tay đối thủ với Phật, ví như rắn độc bị người lấy nọc độc, không hiểu vì sao lá y buộc đầu của hắn có nhiều ma thuật mà không thể làm hại vị Sa-môn này được. Khi đã quan sát rồi được rõ rằng “đó là do thế lực của đức Từ ái”, hắn quyết định làm cho đức Phật phát sân, nên hắn liền vào gần Phật, rồi thốt lời mắng nhiếc rằng: “Này Sa-môn! Ngươi không được ta cho phép, mà dám xâm nhập vào đền ta, ngồi giữa đây có đầy phụ nữ như vậy, thật không xứng đáng. Nếu ngươi là Sa-môn có hạnh kiểm, ngươi hãy rời khỏi nơi đây tức khắc”. Vì Phật hiểu rằng: Alavaka Yakkha là kẻ rất cang ngạnh, nếu chế phục bằng sự cứng rắn, thì hắn thêm khó dạy, ví như chó dữ, nếu lấy mật thú bôi mũi nó, nó càng dữ bội phần; phải bắt nó phục tòng bằng cách dịu dàng mới được, nên Ngài đáp rằng: “Tốt, ta sẽ rời khỏi đây”.

Tiếp theo, Alavaka Yakkha nghĩ rằng: “Vị Sa-môn này dễ dạy thật, ta chỉ nói một lời mà y liền đi ra, vậy ta không nên phản đối với người dễ tính như vậy”. Nghĩ rồi hắn liền phát tâm dễ dãi, nhưng chưa dứt khoát bèn suy nghĩ rằng: “Vị Sa-môn này đi ra bằng cách dễ tính hay bất bình, vậy ta nên thử nữa xem”. Rồi hắn nói: “Sa-môn, hãy vào đi”.

Lúc ấy Phật hiểu rõ Alavaka Yakkha đã dịu tính, Ngài đáp “Tốt”. Rồi Ngài bước vào ngồi trên bảo tọa nữa. Alavaka Yakkha, lại muốn biết chắc Phật là bậc dễ dãi thật hay chăng, mới bảo Phật đi ra rồi đi vào lần thứ nhì, lần thứ ba nữa. Phật phải làm theo đến ba lượt, ví bằng không thì khó bắt hắn phục tòng, để hắn chịu nghe Pháp.

Lệ thường, người mẹ thấy con khóc đòi vật gì thì hằng cho con vật ấy cho nó vui thích để tùy tiện dạy dỗ nó. Phật vẫn chiều theo ý muốn của Quỉ vương Alavaka Yakkha để tùy thời mà khuyến thiện hắn.

Quỉ vương Alavaka Yakkha thấy vậy nhận rằng: “Phật là bậc dễ dãi thật, bảo sao thì làm vậy. Như thế, ta phải làm khó Ngài bằng cách bảo đi ra đi vào trọn đêm nay.” Nghĩ rồi; hắn bèn nói: “Nầy Sa-môn! Ngươi hãy đi ra nữa đi”. Phật hiểu thấu tà tư duy của Quỉ vương Alavaka Yakkha nên đáp: “Vì ngươi suy nghĩ bất chánh nên Như Lai không đi ra lần thứ tư, ngươi làm gì thì cứ làm tùy sở thích”.

Nguyên lúc trước thường có đạo sĩ đắc thần thông bay đến xem chung quanh điện của Quỉ vương Alavaka Yakkha, cho biết cung điện bằng vàng hay bằng bạc, bằng loại bảy báu nào. Các đạo sĩ bị Quỉ vương hỏi đạo, mà không đáp được. Hôm nay Alavaka Yakkha nghĩ rằng: “Ta sẽ làm khó đức Sa-môn bằng cách vấn đạo”. Rồi hắn hỏi: “Tôi hỏi đạo Ngài; Nếu Ngài không giải đáp được, tôi sẽ móc trái tim Ngài liệng bỏ, tôi nắm hai chơn Ngài liệng xuống biển”. Nguyên trước kia mẹ cha hắn vào hầu Phật Kassappa học lấy 8 câu, cả vấn và đáp, rồi đem dạy lại hắn, lúc hắn còn bé lâu ngày hắn quên câu trả lời, chỉ còn nhớ câu hỏi, hắn ghi vào trong lá vàng đừng cho quên. (Lời vấn đạo đây thuộc phạm vi của chư Phật. Có ghi chép trong Tam Tạng rằng: chẳng có ai có thể làm hại lợi ích hoặc giết sinh mệnh, ngăn đức Chánh Biến Tri và hào quang của chư Phật được). Khi nghe lời nói của Alavaka Yakkha, Phật đáp: “Nầy Alavaka Yakkha! Ta không thấy ai trong thế gian, Chư thiên, Phạm Thiên, Ma Vương nào lấy trái tim của ta đem ném bỏ được, hay nắm hai chân ta liệng xuống biển được. Vậy người muốn hỏi ta điều gì thì cứ hỏi, ta sẽ giải đáp cho ngươi nghe”. Atha kho alavako yakkho bhaga vantaṃ gāthāyā ajjhabhāsi.

Khi Alavaka Yakkha được cơ hội Phật chuẩn cho như thế, bèn bạch hỏi bằng kệ ngôn rằng:

Kinsudha vittaṃ purisasa seṭṭhaṃ.

Kiṅsu suciṇṇo sakhamāvahāti.

Kinsu have sādhutaraṃ rasānaṃ.

Kathaṃ jivin jīvitammāhu seṭṭhaṃ.

Nghĩa: Cái chi làm cho người thỏa thích nhứt trong đời? Cái chi mà người được tích trữ chân chánh rồi, hằng đem hạnh phúc đến cho? Cái chi có vị ngon nhứt?

Phật đáp: Saddahīdha vittaṃ purissasa setthaṃ Dhammo suciṇṇo sukhamāvahāti. Saccaṃ have sādhutarāṃ rasānaṃ Paññā jīvin jivitamāhu seṭṭhaṃ.

Nghĩa: Đức tin là điều thỏa thích nhất của người trong đời này. Pháp mà người chứa chất được chơn chánh rồi, hằng đem hạnh phúc đến cho. Lời ngay thật là vị ngon nhất. Các bậc trí tuệ thốt rằng sự ở yên bằng trí tuệ là thanh cao nhất.

Alavaka Yakkha hỏi: Kathaṃsu tarati oghaṃ.

Kathaṃsu tarati aṇṇavaṃ.

Kathaṃsu dukkhaṃ.

Kathaṃsu parisujjhati.

Nghĩa: Người vượt qua đại hồng thủy[3] bằng cái chi? Người vượt qua biển lớn được bằng cái chi? Người thoát khổ được bằng cái chi? Người tinh khiết được bằng cái chi?

Phật đáp: Saddhāya tarati oghaṃ

Oppamadena oṇṇavaṃ

Viriyena dukkhamacceti

Paññāya parisujjhati.

Nghĩa: Người vượt qua đại hồng thủy bằng đức tin. Người vượt qua biển lớn bằng sự không cẩu thả. Người thoát khổ được bằng sự cố gắng. Người tinh khiết được bằng trí tuệ.

Alavaka Yakkha hỏi: Kathaṃsu labhate paññaṃ?

Kathaṃsu vindate dhanaṃ.

Kathaṃsu kittiṅ pāppoti.

Kathaṃ mittāni ganthati.

Asmā lokā paraṃ lokaṃ. Kathaṃ pecca na socati

Nghĩa: Làm thế nào mới được trí tuệ? Làm thế nào mới được của cải? Làm thế nào mới được thanh danh? Làm thế nào mới kết bạn được? Làm thế nào khi lìa khỏi cõi này, đi đến cõi khác, mới không có phiền não?

Phật đáp: Saddhahāno arahataṃ dhammaṃ nibbānapattitā

Sussūsaṃ labhate paññaṃ appamatto vicakkhaṇo

Patirūpakārī dhuravā uṭṭhātā vindate dhanaṃ

Saccena kittiṅ pappoti dadaṃ mittāni ganthati

Yassete caturo dhammā saddhassa gharamesino

Saccaṃ dhammo dhiti cāgo seva pecca na socati Iṅghaṃ aññepi pucchassu puthū samaṇabrahmāṇe Yadi saccā damā cāgā khantyā bhiyyodha vijjati.

Nghĩa: Người tín cẩn Pháp của chư vị A-la-hán để đạt đến Niết-bàn, người không cẩu thả, người sáng trí, người nghe chơn chánh hằng được trí tuệ. Người hành thích hợp, người có nhiệm vụ, người cố gắng hằng được của cải. Người được thanh danh bằng lời chân thật, người có sự phân phát hằng kết bạn được. Người tại gia có đức tin có 4 Pháp: ngay thật, trí tuệ, nhẫn nại, phân phát; người tại gia có đức tin, có 4 Pháp như vậy, khi bỏ cõi này sang kiếp khác thì thường không buồn khổ; Người hãy tìm hỏi Sa-môn, bà la môn khác coi có Pháp nào cao quý hơn: Ngay thật, chế ngự, phân phát, nhẫn nại chăng?

Đáp: Bạch Phật; tôi không cần phải hỏi các Sa-môn và bà la môn nào nữa. Bạch Phật, hôm nay tôi muốn được hiểu những điều lợi ích nơi đức Thế Tôn, Ngài ngự đến thành Alavī để tế khốn[4] tôi. Từ đây, bạch Phật, tôi được tỏ rằng bố thí trong nơi nào được nhiều quả phước. Tôi thành kính xin quy y Phật và Pháp là chánh giáo. Chẳng còn phải lo sợ trong 4 ác đạo nữa.

I. Giảng câu hỏi thứ nhứt của quỉ vương

Vấn: Cái chi làm cho người thỏa thích nhất trong đời? Đáp: Đức tin làm cho người thỏa thích nhất trong đời.

Vấn: Tiếng thỏa thích có ý nghĩa thế nào? Đáp: Có ý nghĩa là: tài sản, vì tài sản làm cho người thỏa thích, tức là cho vừa lòng đẹp ý.

Chú thích: tài sản bên ngoài nhất là bạc, vàng đem đến 5 quả vui là: 1) đem upabhogasukha: tức là hạnh phúc về sự tiêu phí; 2) ngăn ngừa sự khổ nhất là đói, khát; 3) sữa chữa cảnh nghèo nàn; 4) là nguyên nhân sanh các báu vật khác; 5) để nối nghiệp trong đời (tức là được thạnh đạt trong đời).

Về tài sản bên trong thức là đức tin cũng đem đến 5 quả vui là: 1) đem quả vui tức là hạnh phúc, tùy theo phàm tin và thánh tín; 2) ngăn ngừa những thống khổ nhất là sanh, già, khổ; 3) sữa chữa cảnh nghèo, tức là nghèo về đạo đức; 4) là nguyên nhân cho được các loại ngọc nhất là ký ức giác chi[5]; 5) để kế nghiệp đạo đức, tức là làm cho Phật giáo được thạnh hành về sau (điều này không có ghi trong kinh, song nếu không thêm vào thì đem thí dụ tài sản bên ngoài không được.)

Về: “Của cải bên ngoài để nối nghiệp trong đời” Có Pāli rằng:

Saddho sīlena sampanno

Yaso bhogasammapīto

Yaṃ yaṃ padesaṃ bhajati Tattha tattheva pūjito.

Nghĩa: Người có đức tin, có giới, có tước vị, có của cải trải đi đến nơi nào hằng có kẻ cúng dường trong nơi đó.

Vấn: Tiếng “đức tin” là của báu nhất là thế nào? Đáp: Sở dĩ đức tin là của quí nhất bởi vì: đức tin là của dính theo mình mãi mãi; đức tin là của không phổ thông đến kẻ khác, kẻ khác cướp không được; đức tin là nguyên nhân phát sanh hạnh phúc khác (làm người sang cả cõi người, Trời và Niết-bàn). Vì người có đức tin, chú tâm làm phước nhứt là bố thí v.v… thì sẽ được thỏa mãn như đã giải, còn kẻ khác thiếu đức tin hằng có tâm hướng về đường vô ích.

II. Giảng câu hỏi thứ nhì của Quỉ vương

Vấn: Kinsu suciṇṇo sukhamāvahāti? ‒ Tích trữ cái chi mới vui nhất? Đáp: Chứa chất pháp mới là được vui”.

Vấn: Tiếng “pháp” đây chỉ về Pháp nào? Đáp: Tiếng “pháp” đây chỉ về thập thiện và pháp nhứt là bố thí, trì giới. Hai pháp này mà người tích trữ đúng đắn thì hằng được hạnh phúc ở cõi người, Trời và Niết-bàn như trong sự tích: ratthapala về đức Đế Thích Mahapadula[6].

Vấn: Còn “thập thiện” đem hạnh phúc đến cho, là như thế nào? Đáp: Hạnh phúc được “thập thiện” đem đến như vầy: Nếu tin thập thiện thì không gây oan trái, tội lỗi, không sợ bị người ta làm hại.

Vấn: Được quả phúc tức là không có oan trái, không có lo sợ nghĩa là sao? Đáp: Nếu mình không hại kẻ khác, thì họ không hại mình: không trộm cướp của người; người không cướp của mình, mình không bị hành phạt; không tà dâm, thì không bị người làm khổ mình; mình không dối gạt người, người không oán giận mình; không chửi mắng người, mình không bị người chửi mắng; không nói sang dường, họ không nói lời vô ích với mình; không tham của họ, họ không tính lấy của mình; không oán ghét họ, họ không oán ghét mình; không tà kiến thì mình không hiểu quấy, không nói càn làm càn, tránh được nguyên nhân sanh quả khổ.

Vấn: Như đã giảng đó là tội hiện tại hay vị lai? Đáp: Tội cả hai kiếp, song phần nhiều là quả báo hiện tại; phần vị lai thì nặng hơn: Nghĩa là tội sát sanh sau khi thác, phải sa địa ngục, luân chuyển trong 4 ác đạo rất lâu; Khi được lên làm người, còn phải bị yểu tử. Tội trộm cướp phải đọa trong 4 ác đạo, chừng trở nên làm người; phải chịu cảnh nghèo đói. Tội tà dâm phải đọa trong 4 ác đạo, khi được làm người thì có thù nghịch. Tội hay nói dối sau khi khỏi ác đạo, sẽ là người hay bị vu oan giá họa (2). Tội chửi mắng, sẽ thường nghe kẻ khác chửi mắng. Tội xúi giục người chia rẽ nhau, phải sa trong 4 ác đạo, lên làm người thì sẽ bị xúi giục chia rẽ nhau. Tội nói sai đàng sa trong 4 ác đạo, sau không có ai tín nhiệm mình .v.v…

Sự chất chứa thập thiện, nhất không sát sanh, là nhân cho quả vui, vô oan trái, không có sự kinh sợ như đã giải đó, mới gọi là nhân sanh hạnh phúc. Thực hành chân chánh theo thập thiện thì khỏi sa vào trong 4 ác đạo (địa ngục, Ngạ quỉ, A-tu-la, cầm thú). Trái lại sẽ thọ sanh trong hai nhàn cảnh (cõi người và Thiên đàng).

Trên đây phước báu của thập thiện và phần tội đã được giải rỏ, đây xin giảng thêm về những phương tiện để bài trừ thập ác.

Vấn: Nghĩa là làm thế nào người đời mới trừ bỏ thập ác và chỉ hành theo thập thiện được? Đáp: Phải hành như vầy:

1) Phải quan sát đến tội của thập ác cho nhiều; nghĩa là mình phải nhận thức rằng: Tội sát sanh là nhân làm cho mình phải bị người giết trong hiện tại, hoặc sau khi thác phải đọa trong 4 ác đạo, đến lúc tái sanh làm người, thì yểu tử (chết trong thai bào, chết khi khai hoa, chết lúc còn bé) v.v… Trái lại còn phải xét kỹ đến quả phúc hành thập thiện cho nhiều, nghĩa là phải biết chắc rằng: không sát sanh, mình sẽ không bị người hại, đến khi thác không sa đọa trong địa ngục, được sanh trong nhàn cảnh (người, trời), là người trường thọ, thân tâm được yên vui v.v… Những niệm tưởng để thấy tội như trên, là những nguyên nhân sanh hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi. Còn những suy nghĩ đến phước như trên kia, là những nguyên nhân phát sanh sự vừa lòng (chanda), tinh tấn (viriya), quan tâm (citta), nghĩ ngợi về nhân quả (vimaṃsā) gọi là tứ như ý túc (iddhipāda) rồi trừ bỏ được dễ dàng.

2) Phải cố quan sát về người và ta, nghĩa là suy nghĩ rằng: họ không muốn bị hại, bị cướp, bị vợ ngoại tình, bị lừa phỉnh chửi mắng, chia rẽ v.v… Nếu gắng sức nghĩ ngợi thường thường như thế thì sẽ bài trừ được thập ác không khó.

Vấn: Nếu kẻ biếng nhác thì phải làm thế nào? Đáp: Kẻ lười biếng thì khó, nhưng có 11 phương pháp làm cho họ nỗ lực được, là: 1) Cho họ tưởng đến cảnh khổ trong 4 ác đạo; 2) Cho họ tưởng đến phước báu của sự cần mẫn; 3) Cho họ tưởng đến lỗi hành trình của bậc hiền nhân; 4) Cho họ tưởng đến thực phẩm mà họ dùng, dễ tìm hay khó kiếm; 5) Cho họ tưởng đến di sản của nghiệp dữ cho quả; 6) Cho họ tưởng rằng đã được gặp Phật Pháp; 7) Cho họ tưởng đến sự sanh ra làm người là cao quý (là khó được); 8) Cho họ tưởng đến người đã được hạnh phúc bằng sự cố gắng; 9) Không nên thân cận cùng kẻ biếng nhác; 10) Nên gần gũi bậc siêng năng về đạo đức; 11) Phải khuynh hướng về tinh tấn nghĩa là nghĩ rằng “ta phải cố gắng”.

Vấn: Nếu họ không tưởng đến hoặc hành theo 11 điều ấy thì làm sao cho họ tinh tấn được? Đáp: Phải bỏ liều cho lửa thiêu họ cho đến khi họ được cảnh tỉnh lấy họ.

Vấn: Lửa gì thiêu họ? Đáp: Lửa tức là sự lười biếng của họ đó.

Vấn: Xin cho một thí dụ? Đáp: Khi họ lười biếng, tìm dịp hại người, trộm cướp của người v.v…, thì không lâu họ phải bị lửa đốt tức là phải chịu hành phạt vì tội hại người và tội trộm cướp đốt họ, nghĩa là phải chịu hành phạt theo quy lực như vậy.

Vấn: Xin hỏi tiếp thêm: Trong 10 nhân sanh phước, nhân nào cho hạnh phúc hiện tại, và cho thế nào? Đáp: Vậy, nên cố gắng nghe cho chơn chánh: tài thí làm cho con người kính mến; trì giới, giữ giới luật làm cho tâm mát mẻ; niệm Phật tập trung tư tưởng cho tâm yên lặng trong sáng.

1) Dāna: trì thí làm cho con người kính mến. 2) Sīla: trì giới, giữ giới luật cho tâm mát mẻ. 3) Bhāvana: tập trung tư tưởng (niệm phật, tham thiền) cho tâm yên lặng. 4) Apacãyana: từ tốn, nhún nhường và khiêm tốn làm cho bậc trưởng thượng mến yêu và cho kẻ nhỏ kính trọng. 5) Veyyāvaca: phụng dịch, vui lòng giúp đỡ công việc của kẻ khác làm cho họ vừa lòng đẹp ý. 6) Pattidāna: hồi hướng, chuyển phước của mình đã được, cho kẻ khác được dung nạp vui thích nhau. 7) Pattānumodanā: hoan hỷ phước mà người hồi hướng, thì mình sẽ bài trừ được lòng ganh tỵ, ngã mạng, tự cao. 8) Dhammasssavanam: nghe pháp được 5 quả bảo: được nghe pháp mà mình chưa từng nghe; làm cho pháp mình đã nghe càng nhuần nhã; trừ được sự hoài nghi; làm cho sự hiểu biết thêm chân chánh, (tâm của người nghe pháp hằng vui thích) là nhân sanh trí tuệ. 9) Dhammadesanā: thuyết pháp do tâm trong sạch, không mong lợi, được vật dâng cúng, là quả phúc thanh cao của người thuyết pháp và thính giả chú tâm nghe thì hằng phát tâm hoan hỷ sẽ trừ được phiền não. 10) Diṭṭhujūkamma: Kiến thức chân chánh; nghĩa là thấy rằng: chúng sanh đều có cái nghiệp là của mình; ai làm lành được vui; làm dữ chịu khổ, tạo nghiệp nào phải chịu quả nấy. Sự thấy biết chân chánh là quan trọng nhất, có thể giúp ta thoát ly khổ hãi, như Phật ngôn sau đây: Sammādiṭṭhi samādānā sabbaṃ dukkhaṃ apacca. Nghĩa: “Những người thoát khổ được là do tuân theo chánh kiến.” Vì thế làm cho sự hiểu biết thêm chân chánh mới khép vào trong nhân cho sanh quả.

Mười nhân cho sanh quả phước đã giải là căn bản để bổ túc phước trong Phật giáo, đây là nền tảng để tạo hạnh phúc, có thể cắt đứt những phiền não thô thiển bực trung và vi tế cho đến khi tận diệt lậu phiền não, được thoát ly thống khổ.

Vấn: Quả vui đó là quả tin tưởng hay quả ấn chứng (thấy)? Đáp: Là quả thấy hiện thật, không phải tin, nghĩa là chính mình thấy khi làm được, không phải tin lời nói của kẻ khác. Người hành điều nào sẽ thấy rõ quả phúc trong điều ấy. Nếu ai không tin hãy thử thật hành rồi sẽ rõ.

Tóm lại, nói cho thiết thật thì chư Phật tử thường hành pháp, bố thí, trì giới, niệm Phật, nghe Pháp hằng rõ rệt phát sanh đến tâm trạng của tín đồ, trừ phi kẻ nào không lưu ý thì thôi.

Vấn: Quả báo đã giải trên là như thế nào mới gọi là kết quả trong hiện tại? Đáp: Nên lắng nghe cho kỹ: 1) bố thí sẽ trở thành người giàu có; 2) trì giới sẽ sanh sắc đẹp; 3) niệm Phật phát sanh trí tuệ; 4) từ tốn được sanh trong dòng dõi cao sang; 5) phụng sự có nhiều kẻ tùy tùng; 6) hồi hướng phước được nhiều hạnh phúc đến mình và người.

III. Giảng câu hỏi thứ ba của Quỉ vương.

Saccaṃ have sādhutaraṃ rasānaṃ

Ngay thật là vị ngon nhất, có 6 là: 1) vācāsacca: lời nói chân thực; 2) viratisacca: kiêng cữ chân thực; 3) diṭṭhisacca: kiến thức chân thực; 4) brahmanasacca: sự chân thực của bàla-môn; 5) paramatthasacca: kỳ diệu chân thực; 6) ariyasacca: Thánh nhân chân thực.

Chú thích: 1) Chỉ về lời nói người thốt ra ngay thật. 2) Chỉ về sự ngay thật của điều kiêng cữ theo sở nguyện: “pānātipātā veramani”: tôi kiêng sự sát sanh; v.v…, 3) Chỉ về sự ngay thật theo sở kiến; nghĩa là người thấy thế nào thì nói ngay thật như vậy; nếu tự mình không được thấy, thì nói rằng không thật, như phái ngoại đạo đã cãi cọ nhau rằng: điều này thật, điều kia không thật v.v… 4) Chỉ về 4 điều thật của các Sa-môn, bà la môn là: không nên sát sanh; ngũ dục là không thường, là khổ; các cõi vô thường là khổ, theo lẽ tự nhiên; sự rỗng không. 5) Chỉ về sự thực mầu nhiệm là Niết-bàn, vì Niết-bàn là mầu nhiệm thật “Như hiểu rằng: ngũ uẩn, yếu tố, ngũ căn”v.v… Vì chấp theo đời gọi là người, chúng sanh v.v…. Nhưng hiểu theo đạo thì gọi là ngũ uẩn, lục căn, lục trần v.v….. Chẳng phải người, chúng sanh chi chi, nhưng chỉ là phỏng đoán ước lệ cho hiểu nhau mà thôi. 6) Ariyasacca: Tứ đế (4 điều chân thật).

Vấn: Trong câu “Ngay thật là vị ngon nhất” vậy chớ đó là vị gì? Đáp: Các vị nhất là vị sanh từ rễ và thân cây cùng vị của sắc, tiếng, v.v…

Vấn: Đó là chỉ về vị bên ngoài phải không? Đáp: Nếu nói tóm tắt có 2 vị: vị bên ngoài và vị bên trong. Bên ngoài chỉ về vị của các vật thể; vị bên trong chỉ về 3 vị chân thật. Lời nói chân thật, kiêng cữ chân thật, kỳ diệu chân thật.

Vấn: Cả 3 vị này cao quý ra sao? Đáp: Vị của các vật thể như thực phẩm là nhân sanh sắc v.v… Còn vị của sắc, tiếng v.v… thuộc ngũ dục, là nhân sanh của phiền não, làm cho khó chịu. Phần vị của chân thật trong sự kiêng cữ hằng khiến cho phấn khởi tâm hướng về thiền định, thông tuệ và không cho sanh phiền não, khó chịu. Vị của kỳ diệu chân thực hằng cho sanh sự giải thoát khỏi luân hồi.

Vấn: Xin chỉ cho thấy rõ vị của chân thực quý hơn vị bên ngoài thế nào? Đáp: Vị bên ngoài như vị cây tốt, thì chỉ tốt nhứt thời thôi, như vị của thực phẩm vừa qua khỏi cổ thì hết ngon. Còn vị của chân thật thì vui sướng đều đều; nghĩa là tự mình biết vui sướng vừa lòng luôn luôn, như có kẻ nói thực với mình làm cho chính mình biết vừa lòng, không làm trái. Nếu bị người dối gạt thì mình không hài lòng, càng làm cho mình thất lợi, mình thêm bất bình.

Vấn: Song làm thế nào cho mọi người chỉ thốt lời ngay thực luôn luôn được? Đáp: Phải thấy tội của lời dối gạt, thấy phước của tiếng chân thực mới được.

Vấn: Về sự kiêng, làm thế nào mới có thể kiêng được đứng đắn theo lời nguyện, như nguyện với nhà sư rằng: “Pānātipātā veramani sikkhapadaṃ samādiyami” (Tôi xin thọ trì điều học tức là kiêng sự sát sanh) v.v… rồi làm sao chừa cải hẳn được mãi mãi? Đáp: Phải xem xét về phước của sự kiêng cho thấy rõ trong tâm, cho đến khi thừa nhận dám bỏ của cải, bỏ tứ chi, máu, thịt, hy sinh mới được, nếu không sẽ phạm vì tiếc của, lưu luyến thân thể hay nghĩ đến sinh mệnh.

Vấn: Về kỳ diệu chân thực tức Niết-bàn làm thế nào mới thấy rõ rằng: Niết-bàn là quý báu hơn tất cả cái chi hết? Đáp: Phải quan sát cho nhiều đến sự khổ, cho đến khi thấy đời toàn là khổ, dù là mình chấp rằng là vui, như ăn no; ngủ thì toàn là khổ, vì phải làm để ăn, phải làm để ngủ; ngủ nhiều là nhân cho say mê, mệt mỏi không vui. Như đi xem lễ cũng là khổ, vì nếu xem không vừa lòng thì sanh bất mãn, chơi khuya thì buộc phải tiêu phí tốn hao, v.v… Khi quan sát thì càng thấy khổ, rồi chỉ thấy Niết-bàn là vui nhất. Phải hành như thế, mới hiểu Niết-bàn là chân thực, vui thực, như thế mới là nhân mong đắc Niết-bàn. Đấy là nhân sanh từ bỏ các tội lỗi, chỉ làm việc phước đức, khi phước đức dồi dào đầy đủ là nhân cho thấy Niết-bàn vừa với sở nguyện.

IV. Giảng câu hỏi thứ tư của Quỉ vương

Phật đáp: Các bậc trí tuệ thốt rằng: Người có sinh mệnh tồn tại bằng trí tuệ, là sinh mệnh cao quý.

Vấn: Điều này giảng ra sao? Đáp: Người trong đời chia ra có ba hạng, là: andhacakkhu: mù mắt; ekacakkhu: chột mắt; dvicakkhu: hai mắt. Sinh mệnh của cư sĩ và bậc xuất gia có hai mắt là sinh mệnh cao quý nhất.

Vấn: Ba hạng người ấy, hạng nào ra sao? Đáp: Người mù chỉ về hạng không biết lợi ích thế gian và xuất thế. Người chột mắt chỉ biết lợi ích thế gian thôi. Người có hai mắt là hạng biết rõ cả hai lợi ích thế gian và xuất thế.

Hơn nữa, kẻ mù không biết lợi ích mình và lợi ích kẻ khác. Người chột mắt ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình. Hạng có hai mắt là người rõ cả hai lợi ích cho mình và lợi ích kẻ khác.

Vấn: Lời giải thích trên đây của ai? Đáp: Của các vị tikācārya; các ngài thuật lại lời của nhà chú giải.

Vấn: Nhà chú giải từ đâu mà có? Đáp: Từ Pāli là Phật ngôn, có ghi chép trong bộ tikkanipāta aṅguttaranikāya có giải thích rằng: Kẻ không hiểu nhân sanh của cải và không biết rõ Pháp gọi là kẻ mù; kẻ chỉ biết Pháp nhưng không thông nhân sanh của cải gọi là chột mắt; người rõ cả hai loại gọi là bậc có hai mắt.

Đúng lắm, xin các bậc thiện tri thức hãy cố gắng làm cho được thành người có 2 mắt, thì bậc trí tuệ mới ca tụng rằng: Là có sinh mệnh cao quý nhất.

---

TIỂU SỬ ĐỨC ĐẾ THÍCH

Trong Pháp Cú Kinh (Dhammapada) có ghi chép rằng: Thuở Phật ngự an nơi Kuṭṭāgārasālā tại kinh đô Vesālī, Ngài đề cập đến đức Đế Thích và thuyết rằng appamādena maghavā, v.v…

Sử tích như vầy: Tại thành Vesālī, Đức Vua Licchavī, danh hiệu là Mahālī, được nghe Pháp về đức Đế Thích vấn đạo rồi nghĩ rằng: Phật đã thuyết về sự tích của đức Đế Thích, như thế, Ngài đã thấy hay là chưa, Ngài biết hay chưa biết, ta sẽ bạch hỏi, xem.

Vì thế Đức Vua Licchavī đến hầu Phật rồi ngồi bạch hỏi:

‒ Bạch Phật! Đức Đế Thích là một vị hoàng đế của Chư thiên mà Phật được thấy chăng?

‒ Này Mahālī! Như Lai đã thấy.

‒ Bạch Phật! Đã thấy hình thái[7] xác thật chăng? Vì Đế Thích là chúa Chư thiên rất khó thấy được.

‒ Này Mahālī! Đức Đế Thích và Pháp làm cho thành Đế Thích, Như Lai cũng biết. Này Mahālī! Đức Đế Thích chúa của Chư thiên, thuở còn là người, danh là Maghamānaba, nên gọi là “Maghavā”. Này Mahālī! Đế Thích chúa của Chư thiên được bố thí trong kiếp trước nên được gọi là “Purindado”. Tiền kiếp được làm người bố thí bằng cách tôn kính, nên được gọi là “Sakko”, có tạo chỗ ngụ để thí nên gọi là “Vāsavo”. Đức Đế Thích chúa của Chư thiên nghĩ đến nhân quả một lần thì thấu đến ngàn chuyện nên gọi là “Sahassakkho”,

Đức Đế Thích là chúa của Chư thiên có vợ là Nàng Sujātā mới gọi là Sujampatī. Đức Đế Thích lớn hơn Chư thiên trên cõi Đạo Lợi Cung nên gọi là “Devānaminado”. Đức Đế Thích khi ở cõi người đã cố gắng tạo 7 nhân lành mới được là Vua Đế Thích. Bảy nhân lành đó là: 1) được phụng sự mẹ cha đến trọn đời; 2) tôn kính bậc trưởng thượng trong họ đến trọn đời; 3) là người nói lời du dương đến trọn đời; 4) là người không thốt lời chửi mắng đến trọn đời; 5) sửa trị việc nhà không keo kiết, sẵn lòng bố thí, có tâm thích trong sự tế bần, cấp cố, dưỡng lão đến trọn đời; 6) là người chỉ thốt những lời ngay thật đến trọn đời; 7) là người không oán giận đến trọn đời (đè nén sân hận mau lẹ). Này Mahālī! Đấy là 7 nhân của đức Đế Thích, thuở còn là người Maghamānaba.

Đức Vua Licchavī mong được nghe chuyện đức Đế Thích cho rộng thêm nên bạch hỏi:

‒ Bạch Phật! Đức Đế Thích thực hành thế nào?

‒ Này Mahālī! Đại Vương hãy cố lắng nghe: “Trong thời quá khứ có một lãnh thổ thuộc Magadha, có một thanh niên danh là Maghamānaba tại Acalagāma. Khi đi làm công việc thì chân quét bụi nơi chỗ mình đứng, làm cho đáng vui thích rồi mới đứng. Có người đến xô Maghamānaba cũng không giận, đi làm nơi khác cho đáng vui thích rồi đứng. Có kẻ xô ra khỏi rồi giành đứng tại nơi đó nữa. Maghamānaba cũng không buồn, đi đến nơi khác cũng quét bụi rồi đứng, vẫn bị người đến xô ra, giành đứng như vậy nữa. Maghamānaba mới nghĩ rằng: Các người ấy được vui rồi, ta nên tính làm phước để hưởng hạnh phúc. Sáng sớm y cầm lấy cuốc đi làm sân, (bằng sân đập lúa) cho đáng vui thích, kẻ khác cũng đến giành đứng tại nơi đó nữa, vừa đến mùa lạnh Maghamānaba đốt lửa cho những kẻ ấy, đến mùa nóng thì thí nước. Maghamānaba mới nghĩ nữa rằng: Lệ thường chỗ đáng vui thích là làm cho phần đông vừa lòng, vậy từ đây mình nên đắp đường cho bằng phẳng, rồi ra khỏi nhà, đắp đường, đốn cây, bứng gốc nào nên bứng, xong, đem liệng bỏ. Khi ấy có người đi đến gặp bèn hỏi rằng: Ngươi làm để làm gì?

‒ Bạn ôi! Ta làm đường lên trời của ta.

‒ Như thế tôi cũng làm bạn với ông.

‒ Ờ, đúng rồi, bạn ôi! Cõi trời hằng là nơi ưa thích vừa lòng của quần chúng “Lần lần có đến tất cả 33 bạn đồng chí như vậy” đồng nhau cầm cuốc đi làm đường cho bằng phẳng xa được 2 do tuần.

Khi ông Xã trưởng thấy những người làm như thế bèn nghĩ rằng: Họ làm những việc không đáng làm, nếu họ đem cá, thịt, hay rượu đến ăn uống thì mình có thể chung sức với họ. Nghĩ xong y bèn cho gọi những kẻ ấy đến hỏi rằng: Các ngươi làm việc gì đấy?

‒ Thưa, chúng tôi đắp đường đi lên trời.

‒ Lệ thường, người tại gia không nên làm như vậy, nên tìm thịt, cá rồi ăn uống với rượu, xong làm công việc khác mới nên (những người kia phủ nhận lời ông Xã trưởng). Dù ông thêm lời cũng vô ích. Ông Xã trưởng phát sân, bèn nghĩ rằng: Ta sẽ làm hại bọn này mới được, rồi đến tâu với đức Vua rằng: “Tâu lệnh Hoàng thượng! Tôi thấy kẻ cướp rủ nhau đi từng bọn”. Đức Vua phán rằng: “Ngươi đi bắt bọn cướp ấy đem nạp cho trẫm”. Ông Xã trưởng liền tuân lệnh vua, bắt bọn Maghamānaba đem nạp.

Đức Vua chưa được quan sát, phán rằng: “Hãy cho voi giẫm đạp chúng đi”.

Khi ấy Maghamānaba khuyên các thanh niên rằng: “Bạn ôi! Trừ phi lòng bác ái ra thì chúng ta chẳng có chi để nương tựa được. Các bạn không nên oán giận ai, hãy niệm và rãi tâm bác ái đến nhà vua, đến ông Xã trưởng, đến voi sẽ dẫm đạp đến chính mình ta nữa”.

Các thanh niên đều hành theo. Khi ấy voi không dám vào gần, do thế lực của Pháp bác ái. Đức vua được nghe chuyện ấy mới phán rằng: “Voi thấy nhiều người nên không dám giẫm. Các ngươi hãy lấy chiếu đệm đậy trùm chúng lại, rồi sẽ cho voi giẫm”. Khi đã đậy trùm chúng rồi, voi đã không dám lại gần mà còn tránh xa hơn.

Đức vua được nghe như vậy nghi rằng chắc có cảnh huống[8] gì trong bọn này, rồi Ngài cho đòi vào, mà phán hỏi: “Các ngươi có điều chi muốn tâu với Trẫm chăng? Trẫm có nghe rằng bọn ngươi là kẻ cướp trải đi trong rừng phải chăng?” ‒ Tâu, ai tâu với lệnh Hoàng thượng như vậy?

‒ Người Xã trưởng tâu với Trẫm.

‒ Chúng tôi chẳng phải là kẻ cướp, chúng tôi đang làm đường lên trời cho chúng tôi. Song ông Xã trưởng dạy chúng tôi làm những Pháp ác. Khi chúng tôi không tuân theo thì y muốn hại chúng tôi, nên oán giận rồi vu thác[9] như thế”. Được nghe qua lời tâu biện bạch của các thanh niên ấy, nhà vua hoan hỷ nên phán rằng: “Loài thú mà còn biết việc phải của các ngươi, phương chi, ta là người mà không bằng thú hay sao, xin các ngươi hãy xá lỗi cho ta”. Phán rồi đức vua cho vợ chồng anh Xã trưởng và cả gia đình làm nô lệ của các thanh niên đó. Đức vua cũng thí voi trắng để làm vật vận tải. Hơn nữa, ngài ra lịnh ban thưởng cả làng xóm đó cho nhóm Maghamānaba dùng theo sở thích.

Nhóm Maghamānaba phát tâm hoan hỷ rằng: Họ đã thấy rõ quả phúc trong kiếp này, rồi họ trù hoạch[10] bằng cách làm phước thêm bội phần. Tạo phước xá để giải lao cho đại chúng, tại nơi ngã tư đường. Rồi họ gọi thợ mộc đến khởi công lập ra phước xá, nhưng không thừa nhận phụ nữ công tác vào việc tạo phước xá, vì không có ai vừa lòng hàng phụ nữ.

Trong nhà Maghamānaba có 4 phụ nữ đều là vợ y, 4 nàng này là: Sudhammā, Sudantā, Sucitrā và Sujātā. Trong 4 Nàng: Nàng Sudhammā có tính riêng với thợ mộc xin cho được làm lớn trong phước xá ấy. Thợ mộc đồng ý, rồi đem cây phơi khô đẽo thành hình đầu rắn, xong, khắc chữ phước xá này tên là: “Sudhammã” dành sẵn. Khi thợ tạo xong, đến ngày treo hiệu thợ nói rằng: “Ôi! Tôi quên vật cần thiết rồi”. Các vị thanh niên bèn hỏi: ‒ Quên cái chi?

‒ Bảng hiệu phước xá.

‒ Này thợ, chúng tôi xin anh làm giùm gấp gấp.

‒ Bây giờ không thể làm kịp, chúng ta sẽ đi tìm hiệu đã làm sẵn.

‒ Bây giờ ta phải làm thế nào?

‒ Nếu có bảng hiệu mà họ làm sẵn để bán thì nên tìm mua.

Khi các thanh niên đi tìm thì gặp bảng hiệu tại nhà nàng Sudhammā rồi xin mua với bất cứ giá nào, mà cũng không được. Nàng Sudhammā đáp rằng: “Nếu các ông cho tôi hùn phước trong phước xá, thì tôi sẵn lòng biếu”.

‒ Chúng tôi không thừa nhận phụ nữ hùn phước.

Khi ấy thợ mộc thưa rằng: “Các ông nói thế nào? Ngoài Trời Phạm thiên ra, thì không nơi nào vắng phụ nữ, xin các ông thừa nhận bảng hiệu này đi, thì công việc của chúng ta mới hoàn thành được”.

Các thanh niên ấy đều tán thành, rồi dùng bảng hiệu đem về gắng vào phước xá cho thành tựu. Rồi chia phước xá làm ba phần: 1) phần dành làm dưỡng lão viện; 2) phần dành cho kẻ nghèo đói; 3) phần dành cho bịnh nhơn ở. Tất cả 33 người đó đặt 33 bộ ván ngựa và cho thợ mộc biết rằng: Khi có người đến ngồi trên ván ngựa của ai rồi; người chủ ván ngựa ấy phải làm tròn nhiệm vụ trông nom cho họ đầy đủ vật cần thiết. Chung quanh phước xá có trồng cây mát mẻ, có chỗ ngồi nghỉ mát cho khách ngoạn thưởng.

Những kẻ nào đến phước xá cũng thấy bảng hiệu “Phước xá Sudhammā” làm cho danh hiệu của 33 thanh niên không rõ rệt. Nàng Sudantā nghĩ rằng: “Họ không cho bọn ta hùn phước. Phần nàng Sudhammā được làm phước bằng cách làm bảng hiệu vì nàng sáng trí, vậy ta nên làm thế nào?” Nàng lại nghĩ: “Những khách du lãm vào đến phước xá cần có nước uống, nước tắm, thế thì ta cho người đào hồ sen”. Còn nàng Sucitārā nghĩ rằng: “Những du khách đến phước xá được uống nước và tắm. Khi đi họ thích dùng hoa để trang sức, vậy ta nên trồng hoa”. Rồi nàng cho người lập vườn hoa đủ loại tại chung quanh phước xá. Phần nàng Sujātā thì tính rằng: “Ta là con gái nhà cậu của Maghamānaba và cũng là vợ của y nữa. Maghamānaba làm cũng như ta làm, ta làm cũng như Maghamānaba làm”. Rồi nàng chả làm việc gì cả, chỉ ở nhà lo điểm trang thôi. Về Maghamānaba, ông còn thực hành thêm 7 Pháp nữa là: 1) phụng sự mẹ cha; 2) từ tốn các bậc trưởng thượng trong họ; 3) nói lời ngay thật; 4) không thốt lời bất nhã; 5) không nói lời chia rẽ; 6) hằng bài trừ sự keo kiết; 7) đè nén lòng oán giận. Vì thế, mới có lời ca tụng rằng: “Chư thiên cõi Đạo Lợi cung là hạng phụng sự mẹ cha, từ tốn đối với bậc trưởng thượng trong họ, nói lời du dương, không thốt lời chia rẽ, hằng lau chùi sự bủn xỉn, nói lời ngay thật, đè nén tâm oán giận, là bậc thiện trí đức.” Sau khi lâm chung, nhóm Maghamānaba được sanh làm vua trên Đạo Lợi Thiên cung, những bạn của Maghamānaba cũng được nên trời cùng nhau, anh thợ mộc được là vị trời Vissukammadevaputta.

Trong thuở ấy, các A-tu-la tại Đạo Lợi Thiên cung đồng nhau dự bị, vì biết rằng sẽ có Chư thiên mới sanh lên. Vua Sakka (Đế Thích) ra lịnh không cho vị nào trong nhóm uống rượu. A-tu-la đều uống đến say mê. Vua Đế Thích ra chỉ thị bắt A-tu-la liệng xuống biển. Khi ấy các cung điện A-tu-la phát sanh phía dưới núi Tu Di do phước báu của họ. Đồng thời khi ấy kinh đô Trời, được gọi là Đạo Lợi cung, rộng dài muôn do tuần cũng phát sanh. Khoảng đường vào và ra cửa kinh đô bên hướng đông và tây 1 do tuần, khoảng vào ra bên hướng nam và bắc cũng 1 do tuần. Kinh đô đó có 1.000 cửa, chung quanh trang hoàng bằng vườn cây hoa và ao sen. Giữa kinh đô có điện chính hiệu Vejayanta cao 700 do tuần, bằng 7 báu, có cột cờ cao 300 do tuần, sanh lên nơi trung tâm kinh đô. Do sự tạo được phước xá, có cả lá cờ hiệu bằng ngọc ma ni, tại cột cờ xây bằng 7 báu; chính điện cao 1.000 do tuần bằng 7 báu đều phát sanh do sự thí phước xá. Có loại cây hình dạng như cây dù to, có lớp có từng gọi là cây parichattaka chu vi được 300 do tuần do phước trồng cây. Có bảo tọa màu vàng bằng đá (paṇḍukambalasīlā) dài 60 do tuần, ngang 50 do tuần, dày 15 do tuần phát sanh tại gốc cây parichattaka do phước báu tạo ván ngựa. Khi ngồi lên thì bảo tọa lún xuống nửa thân mình, lúc đứng dậy thì nó phồng lên. Còn con voi thì được thành vị Trời tên là Erāvana. Vì các loài thú không có trên cõi trời, cho nên khi đi ra vườn ngự thì vị trời ấy biến thành voi cao được 150 do tuần.

Nàng Sudhammā, khi mệnh chung được sanh lên Đạo Lợi cung cùng với Vua Trời Đế Thích. Nàng có 1 lầu đài to 500 do tuần, hiệu là Sudhammā phát sanh, dành cho nàng.

Chẳng có đền nào đẹp hơn lầu đài đó, mỗi ngày mùng 8 được thính Pháp trong nơi ấy, thật là một thắng cảnh duy nhứt. Còn nàng Sunandā, khi hết tuổi thọ cũng được lên Thiên cung, có ao sen tên là Nandā rộng 500 do tuần dành cho nàng. Nàng Sucitārā cũng được lên Đạo Lợi Thiên cung, có vườn nho 500 do tuần dành cho nàng, là vườn mà Chư thiên dẫn các vị Trời vừa có triệu chứng báo trước giờ chết, ngự đến cho quên mình. Phần nàng Sujātā, sau khi chết sanh thành cò mái tại kẹt núi. Khi đức Đế Thích tìm xem các vợ của ngài, ngài được biết rằng các nàng Sudhammā, Sunandā và Sucitārā đều được sanh lên cùng ngài, rồi tưởng đến nàng Sujātā, thấy nàng sanh thành con cò mái nơi kẹt núi, vì sự đần độn không làm phước để dành, nên mới thành loại điểu như thế. Ngài liền đến dạy nàng Sujātā để tạo phước rồi sẽ dẫn nàng về cung trời. Ngài bèn hóa ra người đến hỏi rằng:

‒ Ngươi làm gì ở đây?

‒ Ông tên là gì?

‒ Ta tên là Magha, là chồng của nàng.

‒ Ông sanh trong nơi nào?

‒ Ta sanh lên Đạo Lợi cung. Nàng có biết nơi sanh của các bạn gái của nàng chăng?

‒ Tôi không biết.

‒ Các bạn gái của nàng được sanh lên Đạo Lợi cung cùng ta. Các bạn nàng mong được gặp nàng.

‒ Tôi lên nơi ấy được chăng? Bằng cách nào?

‒ Ta sẽ dẫn nàng đến nơi ấy.

Nói rồi, ngài đem nàng lên Đạo Lợi Thiên cung, thả nàng cò tại ao sen. Xong, ngài cho ba hoàng hậu hay rằng: “Các bà sẽ thấy nàng Sujātā là bạn của các bà”. Cả ba hoàng hậu tâu hỏi: “Nàng Sujātā đâu?” ‒ Tại bờ ao sen Nandā.

Cả ba bà cùng đồng đi đến đó cùng nhau nhạo báng rằng: “Đáng ngoạn mục thân hình của bà mẹ, đáng ca tụng sự kết quả cách trang điểm hình dung, xem ống quyển của bà, dung mạo của bà đẹp quá hả!” Nói như thế rồi ba bà trở về cung.

Vua Đế Thích ngự trở lại với cò mái rồi hỏi rằng: “Nàng đã thấy các bạn của nàng rồi chăng?”

‒ Tâu! được thấy rồi, họ chế giễu tôi, rồi đi. Như vậy tôi không thể nào ở đây nữa, vậy cầu xin ngài cho tôi trở về chỗ cũ.

Vua Đế Thích bèn đem cò mái về thả gần nước tại hẻm núi, rồi phán hỏi rằng: “Nàng thấy sự sang cả của các bạn nàng rồi chăng?

‒ Tâu! Tôi được thấy rồi.

‒ Vậy nàng nên tìm cơ hội để sanh lên nơi đó.

‒ Tâu! Tôi phải làm thế nào?

‒ Nàng có thể làm theo lời dạy của ta chăng?

‒ Tâu! Dạ tôi phải làm được.

‒ Nàng hãy thọ trì ngũ giới đi, nàng không nên cẩu thả.

Nói rồi vua Đế Thích trở về cung trời. Từ đó, cò mái chỉ tìm ăn cá chết, không bao lâu, Vua Đế Thích xuống thử thách cò mái. Ngài hóa thành như cá chết nằm ngửa tại bãi cát. Cò mái tưởng là cá chết đến mổ. Cá ngoe nguẫy đuôi. Khi cò mái định nuốt, cò mái liền thả vì biết rằng cá còn sống. Cá nghỉ một chút rồi nằm ngửa trước mặt cò mái như vậy nữa.

Cò mái bèn ngậm cá, cho rằng là cá đã chết, nhưng cò lại thấy đuôi cá vùng vẫy không dám nuốt rồi thả bỏ vì cho là cá sống. Vua Đế Thích thử như thế đến 3 lần mới nói rằng: “Ngươi nên trì giới trong sạch đi.” ‒ Ngài cho biết rằng, ngài là ai?

‒ Ta đã thử ngươi và biết rằng ngươi giữ giới đúng đắn, như vậy, không bao lâu ngươi sẽ được sanh lên cõi trời với ta. Vậy ngươi không nên cẩu thả”. Rồi Ngài bay trở về.

Từ đó, cò mái đi tìm được cá chết rất khó, nên không bao lâu rồi chết, được sanh làm con người thợ nồi, trong thành Bārānasī, nhờ sự trì giới đó.

Khi cô gái đó, lên 15-16 tuổi thì Vua Đế Thích tìm xem con cò mái sanh nơi nào. Ngài thấy cò mái đã đầu thai làm con gái người thợ nồi, ngài bèn hạ xuống thế gian, hiện ra 7 báu chở đầy trên xe rồi cho xe chạy vào thành Bārānasī rao hàng theo đường: “Ai mua bầu bí không?” Song, khi có người đến mua hay đem đậu xanh đến đổi thì không cho. Có người hỏi:

‒ Vậy thế nào mới cho?

‒ Ta cho đến phụ nữ trì giới.

‒ Giới là sao, đen hay xanh?

‒ Các ngươi không biết giới thế nào, thì làm sao mà trì giới được, ta chỉ cho phụ nữ giữ giới.

Người khách hàng mách:

‒ Cô gái của thợ nồi đằng ấy, cô nói rằng: “Cô ta trì giới”, vậy hãy cho đến cô ấy đi.

Cô gái thợ nồi đến và nói: “Nếu vậy hãy cho tôi”

Vua Đế Thích hỏi: “Nàng là ai?”

‒ Tôi không bỏ ngũ giới.

‒ Những vật này, ta chỉ đem cho một mình nàng thôi.

Trời Đế Thích cho xe chạy đến nhà cô gái thợ nồi. Rồi cho biết rằng Ngài là Đế Thích và phán rằng: “Tài sản này vừa nuôi sinh mệnh, nàng hãy giữ 5 giới cho trong sạch”. Dạy rồi thì Đế Thích về Thiên cung.

Nói về cô gái của thợ nồi, sau khi thác được sinh trong thành A-tu-la làm công chúa của A-tu-la Vương, là kẻ thù địch của đức Đế Thích. Công chúa rất diễm lệ, nước da trắng như vàng rồng, sắc mặt yêu kiều không ai sánh kịp, nhờ trí giới được hai kiếp. Nhiều người xin kết hôn với công chúa, nhưng vua A-tu-la chê họ không xứng đáng với Công chúa rồi ra chỉ thị cho Công chúa được tự mình kén chọn và cho phép Công chúa gieo cầu.

Trời Đế Thích đã thông hiểu mọi việc, bèn nghĩ rằng: “Ta hãy đến đem nàng Sujātā về”. Rồi ngài biến làm A-tu-la già, ngài vào đứng cuối cùng trong cuộc đại hội gieo cầu. Công chúa liếc xem bốn phía, vừa thấy được Trời Đế Thích liền sanh tâm yêu mến (do kiếp trước đã kết duyên cùng nhau) nên Công chúa liền phát ngôn rằng đó là chồng của Công chúa, rồi gieo cầu cho. Những thanh niên có mặt trong hội thốt rằng: “Đức Vua của chúng ta được rễ vừa đôi với Công chúa. Rễ già đáng chú bác mới xứng với Công chúa của Đức vua”. Trời Đế Thích khi đã bắt được tay nàng Sujātā, liền phát biểu rằng: “Ta là Đế Thích”. Rồi Ngài bay lềnh bềnh giữa không gian. Bọn A-tu-la thanh niên đuổi theo tức khắc, bảo rằng chúng ta bị Đế Thích phỉnh gạt rồi. Lúc ấy có vị Trời Mātalī (xa phu) đem xe trời đến rước Đức Đế Thích. Ngài cùng nàng Sujātā vào ngự trong xe, hướng về kinh đô Đạo Lợi Cung. Xe vừa đến rừng gòn, các chim con garuda[11] vừa nghe tiếng xe thì kinh khủng kêu la. Đức Đế Thích nghe tiếng la, bèn hỏi xa phu Mātalī chim nào kêu la thế? ‒ Tâu, các con chim con garuda.

‒ Tại sao?

‒ Vì chúng sợ chết, bởi nghe tiếng xe.

‒ Chim garuda sinh ra nhiều như thế, sẽ bị tốc lực của xe nghiền chết vì một mình ta. Vậy ngươi không nên làm cho những chim ấy tiêu diệt. “Hãy quày xe lại đi.”

Vị trời xa phu liền cho xe trở lại. Bọn A-tu-la thanh niên thấy xe Đức Đế Thích trở lại, đều quay về đường cũ vào thành A-tu-la. Đức Đế Thích đem nàng A-tu-la Sujātā về đến kinh đô rồi phong cho nàng làm lớn hơn tất cả 250 triệu ngọc nữ. Nàng Sujātā xin với Đức Đế Thích rằng: “Tâu lệnh Hoàng thượng, trong cõi trời này, tôi không có mẹ, cha, anh, chị, vậy lệnh Hoàng thượng ngự đi nơi nào, xin dẫn tôi cùng đi theo với”. Đức Đế Thích chuẩn tấu. Lúc bấy giờ thấy cây parichattaka trổ bông, bọn thanh niên A-tu-la bàn cùng nhau rằng: “Nay cây trời của chúng ta trổ hoa, nên muốn xuất binh chiến đấu với Đức Đế Thích”. Chúng đồng nhau xuất chinh.

Đức Đế Thích lập chiến thuật để ngừa giặc. Có đạo binh garuda, đạo binh kumbhanda[12], đạo binh Dạ xoa, đạo binh Tứ đại Thiên vương. Trên các đạo binh ấy, đức Đế Thích hiện hình Đế Thích cầm kiếm ngọc đứng trước cửa thành. Bọn thanh niên thấy đạo binh garuda; v.v… rồi đến thấy Đế Thích từ nơi xa, thì dẫn nhau chạy trốn vì cho rằng Ngài xuất chinh.

Phật kể chuyện đức Đế Thích cho đức Vua Mahālī Licchavi nghe rồi phán: “Này Mahālī! Maghamānaba thực hành Pháp không cẩu thả nên mới thành bậc cao sang”.

Vì thế, các bậc trí tuệ chất là Phật đều ca tụng cái kết quả cao quý thế gian và xuất thế do Pháp không cẩu thả. Có kệ ngôn rằng: Appamadena maghavā maghamānaba được ca tụng hơn tất cả, bằng Pháp không cẩu thả. Các hàng trí tuệ hằng ngợi khen sự không cẩu thả và luôn luôn chê trích sự cẩu thả.

Kệ ngôn trên đây nói: “Bằng Pháp không cẩu thả”, nghĩa là lưu ý đến cách thực hành của Maghamānaba, kể từ sự quét sân nhà, trong làng Acolagāma. Còn tiếng “Maghamānaba” chỉ về đức Đế Thích, nghĩa là đức Đế Thích được các bậc trí tuệ nhất là Phật ca tụng hơn tất cả, là vị chúa tể cả trong hai cõi trời[13].

Sở dĩ Pháp “không cẩu thả” được ca tụng là vì Pháp đó là nhân sanh hạnh phúc thế gian và xuất thế. Còn sự “chỉ trích Pháp cẩu thả” là nguồn gốc của tai hại ở cõi người và sẽ đọa trong 4 ác đạo.

Khi thuyết xong kệ ngôn Mahālī đắc Tu-đà-huờn quả, những kẻ được nghe Pháp trong nơi ấy cũng đắc đạo quả

‒ Hết‒

PHẬT NGÔN

Phật ngôn:

1) Appamādañca medhāvī dhammaṃ setthaṃva rakkhati: bậc trí tuệ hằng duy trì sự không cẩu thả.

2) Appamādarato hotha: các ngươi nên ưa thích trong sự không cẩu thả.

3) Khanti paramaṃ tapo titikkhā: nhẫn nại tức là sự nhịn nín, là pháp thiêu hủy tuyệt luân các ác pháp.

4) Attanova avekkheyya katāni akatānā ca: phải chỉ nên chú ý xem công việc mình đã làm hoặc chưa làm.

5) Dhammapīti sukhaṃ seti: người có phỉ lạc trong pháp, thường ngủ được vui.

6) Dhammacārī sukhaṃ seti: người hành đúng lý, thường ngủ được vui.

7) Jayain veraṃ pasavati: người thắng thường gây ra thù hận.

8) Danto seṭṭho manussesu: giữa đời, người đã được tự hóa, là bậc cao quý nhất.

9) Suddasam vajjapaññesaṃ attano pana duddasaṃ: người hay xem lỗi kẻ khác thì khó thấy tội mình.

10) Taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti: sự phá hủy ái dục, thắng tất cả thống khổ.

11) Sukhā saddhā patiṭṭhitā: đức tin củng cố vững chắc rồi, thường đem đến sự an vui.

12) Adassanena bālānaṃ niccameva sukhi siya: người thường được sự vui, do không gặp kẻ si mê (bāla).

13) Dhiro ca sukasamvāso ñatinaṃvā samāgamo: sự ngụ chung với bậc trí tuệ, tự nhiên, cho sanh hạnh phúc, như được hội họp với gia quyến.

14) Yato yato ca pāpakam tato tato mano nivāraye: tội sanh từ cảnh giới nào, phải ngăn cái tâm ra khỏi cảnh giới đó.

15) Pannājīvī jivitamāhu seṭṭhaṃ: các bậc trí tuệ thường nói rằng sinh mạng của người tồn tại bằng trí tuệ, là sinh mạng cao quý.

16) Sussūsain labhate paññaṃ: chỉ nên nói lời chân chánh.

17) Viriyena dukkhamacceti: người thoát ly cái khổ được do sự tinh tấn.

18) Satimato sadā bhaddaṃ: sự tiến hóa hằng có đến người có trí nhớ luôn luôn.

19) Sabbhireva samāseṭṭha: chỉ nên giao thiệp với bậc tinh giả.

20) Abyāpajjhaṃ sukhaṃ loke: lòng không oán ghét ác cảm là vui trong đời.

21) Āpadāsu thāmo veditabbo: người nên biết rõ tâm lực trong khi nguy hiểm.

22) Sākacchāya pañña veditabbā: người biết rõ trí tuệ bằng sự biện luận.

23) Saṃvāsena sīlaṃ veditabbaṃ: người nên biết rõ giới bằng sự ở chung cùng nhau.

24) Khantī dhīrassa laṅkāro: đức nhẫn nại là trang sức của bậc xuất gia.

25) Ujjhattibalā balā: những người si mê hay nhìn lỗi kẻ khác.

26) Nijjhatibalā paṇḍitā: bậc trí tuệ hay nhìn xem lỗi mình.

27) Ubhinnamatthaṃ carati attano ca parassa ca: bậc hiền minh làm cả hai lợi ích của mình và lợi ích của kẻ khác.

28) Jatiṃ kayirā avihethayaṃ paraṃ: nên hành cho phát triển bằng sự không làm phiền kẻ khác.

29) Manussapheggu nālide yasmiṃ natthi kataññutā: lòng biết ơn không có trong kẻ nào, không nên vào gần người đó; là người vô giá trị.

30) Telapattaṃ yathā parihareyya evaṃ sacitta manurakkhe satiyā: người nên bảo vệ cái bát đầy dầu thế nào, cần phải giữ gìn cái tâm của mình bằng trí tuệ như thế đó.

31) Mānuññameva bāhāseyya: chỉ nên nói lời êm dịu vui thích.

32) Nāmanuññaṃ kudācānam: bất kỳ vào giờ nào, cũng chẳng nên thốt lời không hoan hỉ.

33) Indriyāni rakkhanti piṇḍitā: những bậc hiền minh hằng giữ gìn các căn (nhãn, nhỉ v.v…)

34) Sukhassa dātā medhāvi sukhaṃ so ādhigacehati: bậc trí tuệ cho sự hạnh phúc (đến kẻ khác). Ngài tự nhiên được thọ lãnh cái vui trả lại.

35) Lokopatthambhitā mettā: bác ái là pháp nâng đỡ đời.

36) Sammukhā yā disaṃ ciṇṇaṃ parammu khāpi tādisaṃ: Đối diện thực hành thế nào, dù khuất mặt cũng phải thực tiễn như thế đó.

Nền tảng Phật giáo góp nhặt như sau

1) Phật dạy: làm những việc lành, ngoài cái tâm ham muốn, hoặc thực hành cái chi mong được người báo đáp, hay làm bằng sự si mê lầm lạc (cái quấy cho là phải rồi làm).

2) Phật dạy: thắng cái xấu bằng cái tốt, thắng cái tâm oán hận bằng sự giải thù hằn và đồng thời cũng ráng sức làm cho mình đừng có lời cãi lẩy, cho có kết tình thân hữu nhau.

3) Phật nhấn mạnh trong cái đức tri ân (katāññū) và báo ân (katavedi). Ngài ca tụng người có đức tính đó, gọi là bậc hiền nhân, họ sẽ được nhiều hạnh phúc.

4) Phật không dạy áp bức, hoặc nói xấu người lầm lỗi; phải giúp họ hồi đầu hướng thiện, không nên miệt thị họ. Đức Phật cũng từng thuật lại về điều sai lầm của Ngài trong thời gian ở địa vị Bồ tát (còn luân hồi) cho thấy rằng: Phiền não còn đến đâu, cũng có thể làm quấy đến đó; xong điều quan trọng là nếu biết là quấy rồi cần phải cải tà theo chánh liền.

5) Phật dạy: cho phát tâm trắc ẩn thương hại nhau, người nào khinh rẻ kẻ khác,và ỷ giàu sang quyền thế hoặc vì lẽ nào khác, không gọi là thực hành theo Phật giáo.

6) Phật dạy: phải gìn giữ thân, khẩu cho đoan trang bằng sự trì giới, tu tâm cho yên lặng bằng phép thiền định, bảo vệ cái kiến thức không sai lầm, cho đi ngay theo trí tuệ, mới gọi là thi hành theo thứ tự thấp cao trong Phật giáo. Do trí tuệ mà người có thể chữa cái khổ được, nhờ trí tuệ mà người tự nhiên, có ánh sáng trong đường đời tốt đẹp, nhờ trí tuệ mà người tu hành không sai lạc. Vì thế trí tuệ mới là một đức tính tối cao, hằng đem đến tất cả hạnh phúc.

7) Phật dạy: cho biết ba trạng thái thông thường của vạn vật và bảo phải quán tưởng luôn luôn, về cái vô thường (aniccā), cái khổ (dukkhā), với pháp vô ngã (anattā) để ngăn ngừa những điều phiền muộn, thất vọng, bồn chồn lo lắng.

8) Phật dạy: nếu không thông rõ tu thế nào là chân chính (vì rất có nhiều đạo) thì chỉ nên tu một đường, là phải chăm sóc cái tâm cho nó đi ngay theo Bát chánh đạo.

9) Phật dạy: phải chịu nghe sự suy nghĩ, thấy, biết của mình và của người, chẳng nên cương ngạnh, khó nói, khó dạy. Người biết nghe, biết ngẫm thấy của kẻ khác, tự nhiên, có dịp sửa chữa điều sai lầm của mình được.

10) Phật giảng rằng: kẻ si mê hằng có sự nhìn chòng chọc lỗi người; bậc trí tuệ năng xem lỗi mình, vì thế, không nên chỉ luận bàn trong sự sửa chữa điều ác của kẻ khác, cần xem và sửa mình cho tốt trước, rồi sau mới nên dạy người.

11) Phật dạy: phải biết quán tưởng cho tỉ mỉ những điều xảy đến, rồi làm cho đúng trong lúc đầu, mới tránh khỏi sự khổ về sau. “Tượng ảnh Phật cảm thắng Ma vương” là phương pháp tu tâm rất tốt, tất cả võ khí của Ma vương đều biến thành hương, hoa cúng Phật, chỉ cho thấy rằng: Những chất độc để cho kẻ khác, có thể làm hương, hoa, đăng đến cúng dường, nếu biết dùng trí tuệ quán tưởng.

12) Phật chỉ rõ sự hy sinh từng bực, bỏ cái vui nhỏ, để được cái phúc to, bỏ của để hộ tứ chi, bỏ tứ chi để giữ sinh mạng, bỏ sinh mạng để duy trì cái Pháp, ngõ hầu nâng cao tinh thần đến mức cuối cùng.

13) Phật dạy: nên chịu thất bại ít, để tránh sự hại nhiều, vì thế, khi có nhân nào phát sanh phải hao tổn một ít thì quán tưởng, nếu chịu mất, thua chút đỉnh để ngừa sự hao mòn nhiều, đó là điều tốt, bằng không nhẫn nại được với cái nhận nhỏ nhen, có thể sanh ra nhiều tai hại đến mình cũng có; vậy cần phải điều tra cho kỹ càng.

14) Phật dạy: người sanh ra có rìu búa sẵn trong miệng, nếu không rõ thấu cách dùng nó, ắt bị nó chặt đẽo mình hư hại được (Nhứt ngôn khả dỉ an bang, nhứt ngôn khả dỉ tán bang).

15) Phật dạy rằng: sự giao thiệp với bạn lành, tự nhiên sẽ được giúp nhau trong đường hạnh phúc. Đức Ananda, gọi đó là trung tâm phạm hạnh; đức Phật phán rằng: ấy là cái thân của phạm hạnh tròn đủ. Ngài cố ý ca tụng đức tính của bạn lành vậy.

16) Toát yếu: Phật giáo gom vào phép không cẩu thả, tức là không cho quên mình, ngạo mạn, hoặc không thận trọng. Tánh không chú ý là con đường chết, sự cẩn mật là con đường không chết. Vậy chư Phật tử nên đồng nhau cẩn thận trong Pháp không cẩu thả.

‒ Dứt tác phẩm Quỷ vương vấn đạo (PL.2509 – DL.1965) ‒



[1] Siêu vật: vượt ra ngoài sự vật tầm thường.

[2] Ma thuật: thuật huyền bí.

[3] Đại hồng thủy: lụt to.

[4] Cứu giúp kẻ khốn cùng.

[5] Ký ức giác chi: trí nhớ giác ngộ (trong bodhipakkhiya).

[6] Xem ở phía sau.

[7] Hình thái: hình dáng bề ngoài của sự vật được biểu hiện ra một cách xác thật rõ ràng.

[8] Cảnh huống: cảnh ngộ và tình trạng lâm phải.

[9] Vu thác: đặt chuyện để đổ tội cho người ta.

[10] Trù hoạch: sắp đặt để tiến hành công việc của mình.

[11] Garada: loài chim khổng lồ, mình và đầu người, cánh và móng chim ưng.

[12] Loài chim khổng lồ, mình và đầu người, cánh và móng chim ưng.

[13] Hai cõi trời: Tứ đại Thiên Vương và Đạo lợi Thiên.

 


[MỤC LỤC TÁC GIẢ][MỤC LỤC CHÍNH]