Toàn tập TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG (VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)

MỤC LỤC

Toàn tập TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG (VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)

Tác phẩm 4 THẬP ĐỘ VÀ THẬT BỬU NHÀ PHẬT (DASAPĀRAMI ARIYADRABYA)

TIỂU TỰA

GIẢI VỀ PHÁP THẬP ĐỘ ‒ DĀSA PĀRAMI

1. Bố thí đến bờ kia (dāna pārami)

2. Trì giới đến bờ kia (sīla pārami)

3. Xuất gia đến bờ kia (nekkhamma pārami)

4. Trí tuệ đến bờ kia (panna pārami)

5. Tinh tấn đến bờ kia (viriyapārami)

6. Nhẫn nhục đến bờ kia (khati pārami)

7. Chân chánh đến bờ kia (sacca pārami)

8. Nguyện đến bờ kia (adhitthana pārami)

9. Bác ái đến bờ kia (mettā pārami)

10. Xả đến bờ kia (upekkhā pārami)

Phương pháp tu hành cho thành bậc Chánh đẳng Chánh giác (buddhābhinihārakathā)

BẢY BÁU NHÀ PHẬT

1. Đức tin là của báu (saddhadhanaṃ)

2. Giới luật là của báu (sīladhanaṃ)

3. Hổ thẹn (lỗi) là của báu (hiridhanaṃ)

4. Ghê sợ (lỗi) là của báu (otappadhanaṃ)

5. Nghe pháp là của báu (sutadhanaṃ)

6. Bố thí là của báu (cagadhanaṃ)

7. Trí tuệ là của báu (paññādhanaṃ)

 


Tác phẩm 4 THẬP ĐỘ VÀ THẬT BỬU NHÀ PHẬT (DASAPĀRAMI ARIYADRABYA)

---

TIỂU TỰA

Kinh thập độ này của đức A-xà-lê Narada ở thành Papbalapitiya (đảo Tích Lan) trích dịch trong các kinh Phạn ngữ Jataka. Sau rồi đức thầy Uttamamuni Oum Sou diễn ra tiếng Cao Miên.

Nay tôi cũng do đó làm tài liệu dịch ra quốc âm hầu để truyền bá cho thân quyến chúng ta xem rõ phương pháp tu hành của Đức Bồ tát để làm nơi xu hướng.

Cầu sao cho tất cả bà con chúng ta được phát bồ đề tâm tu hành y theo chánh pháp, khỏi khổ được vui.

Mong thay!

Tịnh tâm cư sĩ Lê Văn Giảng

---

GIẢI VỀ PHÁP THẬP ĐỘ ‒ DĀSA PĀRAMI

Ba-ra-mi (pārami) là Phạn ngữ[1] Tàu dịch là độ, hoặc đáo bỉ ngạn, nghĩa là đến bờ kia. Ba-ra-mi là cái xe để đưa chúng sanh đến bờ Niết-bàn. Ba-ra-mi là nhân đến bờ kia hoặc là pháp báu hay là pháp của các bực cao nhơn, là con đàng đi của bậc: Chánh đẳng Chánh giác (Sammāsambuddha), Độc giác (Paccekabuddha), Thinh văn giác (Sāvakabuddha).

Những người tu Phật, nếu muốn thành một bực nào trong ba bực giác ấy, thì phải nên một lòng tinh tấn tu hành theo pháp thập độ cho được viên mãn bằng chẳng vậy thì không có thể chứng quả Niết-bàn đặng.

Thập độ là pháp giải thoát, để ngăn ngừa ái dục, ngã mạn, tà kiến, không cho nhiễm vào tâm, do lòng từ thiện. Nếu bố thí trì giới mà còn vọng cầu được danh lợi hoặc ngã mạn tự cao, khinh bỉ kẻ khác thì chẳng đáng gọi là người tu thập độ, vì không lòng từ bi đối với chúng sanh.

Một lẽ nữa bậc tu pháp thập độ, nếu có bị chê trách hoặc đặng ngợi khen thì các Ngài cũng vẫn tự nhiên bất động, vì như cục đá đặc (ruột) dầu có bị mưa to gió lớn thì đá ấy cũng chẳng lay động chút nào. Như vậy mới đáng gọi là người tu thập độ cho. Các bực trí tuệ không hay tưởng đến những việc của mình đã làm, nghĩa là không lòng ăn năn than tiếc hoặc bất bình đến người nhạo báng mình vô cớ. Hỏi: Tại cớ nào mà bực trí tuệ ấy không đem lòng phiền trách đến kẻ nhạo báng mình? Đáp: Tại các Ngài không hay để vào lòng những lời chê, khen của công chúng. Dầu có người nào hạp ý và khen tặng rằng: anh hoặc thầy hoặc ông là bậc thông minh tài trí, thì các Ngài cũng chẳng tỏ đâu thỏa thích.

Hỏi: Tại sao vậy? Đáp: Bởi các Ngài thầm xét rằng: Nếu ta đã làm lành thì cái lành ấy nó sẽ cho ta hưởng những sự an vui từ đây. Một lẽ nữa các Ngài thường hay làm những việc nào mà con người không hay làm, do nhờ có đức tin nhiều và giàu lòng sốt sắng, bởi các Ngài là bậc trí tuệ, thông rõ thời vụ.

Hỏi: Đáo bỉ ngạn có mấy pháp? Đáp: Có 10 pháp: bố thí (dānam) là đem của cải hoặc Phật pháp mà cho chúng sanh; giới (silam) là không phạm đến điều luật của Đức Phật đã răn cấm hoặc gìn giữ thân và khẩu cho trong sạch; xuất gia (nekkhammam) là sự đi tìm đạo đức cao thượng, hoặc dứt bỏ vợ con, của cải mà đi tu; trí tuệ (pāñña) là trí thông suốt cả các pháp; tinh tấn (viriyam) là một lòng cố gắng tu hành tấn tới; nhẫn nhục (khanti) là gắng chịu điều sỉ nhục; chân chánh (saccam) là ngay thật, không gian tà; nguyện (adhithānam) là những điều mong mỏi trong lòng; bác ái (metta) hiền lành thương xót, không lòng nóng giận oán thù; xả (upekkha) là không vui không buồn.

1. Bố thí đến bờ kia (dāna pārami)

Tác ý lành sẵn đem tài vật của mình dùng (vật thực, y phục, chỗ ở, thuốc thang) mà cho chúng sanh, do lòng bác ái gọi là bố thí đến bờ kia.

Bồ tát hằng có lòng hoan hỷ trong việc bố thí, Ngài hay tìm dịp đem của cho người, thì Ngài mới được thỏa mãn. Một lẽ nữa, Ngài có lòng chua xót về sự đi xin của người, cho nên Ngài mới ráng bố thí một lòng bất thối.

Xem chuyện như sau đây thì rõ: Kinh Jātaka chương 323 có dẫn tích đức Bồ tát (một kiếp trước của Phật Thích Ca-Mu-Ni) trong một kiếp kia Ngài đầu thai làm quan đại thần cho một đức vua tên Brahmadatta, quan đại thần ấy có lòng muốn được một đôi giày cùng một cây dù bằng lá thốt nốt của đức vua ấy lắm. Trọn 12 năm mà Ngài chưa dám mở miệng xin vật ấy của vua là chúa của Ngài. Bởi Ngài có lòng hổ ngươi về việc xin của người. Vì cớ ấy mà Bồ tát tìm dịp bố thí bất thối.

Nhưng Bồ tát, nếu Ngài đem vật gì cho ai rồi, thì Ngài không chờ trả ơn, hoặc trông mong được sự lợi ích riêng, nghĩa là khi nào Bồ tát đã đem của cải cho một người nào rồi thì Ngài không vọng cầu được ban thưởng. Ngài làm tuồng như quên hoặc như mất đi vậy, chớ không lòng than tiếc, muốn cho người đền ơn lại.

Một lẽ nữa, nếu Ngài đã có vật gì, thì Ngài không khi nào trở lại nói rằng: không có vật ấy. Nghĩa là Ngài có món chi thì Ngài nói rằng: có món ấy, bằng không có thì nói rằng không. Nếu có người muốn xin món chi thì Bồ tát liền đem món ấy mà cho, không sai, hoặc có kẻ nào muốn xin vật gì mà không dám nói ra, nếu Ngài biết thì Ngài cũng đem vật ấy mà cho người không sai. Cách bố thí của Bồ tát như vậy, mới nên gọi là bố thí chơn chánh. Nếu Bồ tát bố thí vật thực thì không bao giờ Ngài đem vật không ngon, hoặc vật không vừa lòng người mà cho ai. Ngài thường cho những vật thực vừa ý người muốn.

Về việc bố thí các vật dụng, thì Ngài thường hay cho 10 món như sau này:

1) Annā dāna: Thí các món ăn thì Ngài cầu nguyện rằng: nhơn việc bố thí này, ta cầu cho tất cả chúng sanh được năm điều hạnh phúc: sắc tốt, yên vui, mạnh khỏe, trí tuệ ghi nhớ, Thánh quả mà thiên hạ thường hay đem lòng hoan hỷ.

2) Pāna dāna: Thí nước lạnh hoặc nước nóng, thì Ngài cầu cho tất cả chúng sanh đều khỏi sự đói khát.

3) Vātta dāna: Thí y phục thì Ngài cầu cho nhan sắc được xinh tốt như kim thân, cho đặng tỉnh ngộ, hổ thẹn đến các sự tội lỗi.

4) Yana dāna: Thí xe, ngựa, kiệu, võng thì Ngài cầu cho đắc lục thông, được sự an lạc ở bực Niết-bàn.

5) Gandha dāna: Thí các vật thơm thì Ngài cầu cho đặng món giới hương.

6) Mālāvilepana dāna: Thí tràng hoa và các vật tắm, thì Ngài cầu cho đặng tướng trang nghiêm của Phật.

7) Asana dāna: Thí chỗ ngồi thì Ngài cầu cho đặng bồ đoàn của Phật tọa.

8) Seyya dāna: Thí chỗ nằm, thì Ngài cầu cho đặng chỗ nằm của Phật ngọa.

9) Avāsatha dāna: Thí chỗ ở, thí cầu, khi Ngài thành Phật thì tất cả chúng sanh đều qui y theo Ngài.

10) Padipeyya dāna: Thí đèn, đuốc thì Ngài cầu cho được ngũ nhãn, nhứt là cầu cho được nhãn thông.

Một lẽ nữa đức Bồ tát còn bố thí thêm 5 món sau này:

1) Rūpa dāna: Thí sắc là dùng tràng hoa, y phục xinh đẹp mà cúng dường đến Tam bảo, thì Ngài cầu cho được hào quang phóng ra một sải chung quanh mình Ngài.

2) Saddha dāna: Thí tiếng là dung đờn, kèn cúng dường đến Tam bảo, hoặc dâng cúng nước mía, dầu, dung làm thuốc cho các vị Pháp sư, cùng khuyên người đi nghe Pháp, hoặc tự mình nói Pháp cho người nghe thì Ngài cầu cho có tiếng thanh bai, dịu dàng như tiếng của Đại phạm thiên vương.

3) Gandha dāna: Thí các mùi thơm cúng dường đến Tam bảo (cúng trầm hương) thì Ngài cầu cho được giới hương.

4) Rasa dāna: Thí vật thực cao lương cúng dường đến Tam bảo, thì Ngài nguyện khi thành đạo bồ đề thì chúng sanh đều đem lòng cảm mến đến Ngài.

5) Patthabba dāna: Thí chỗ nghỉ ngơi (giường, ghế, ván ngựa) cúng dường đến Tam bảo thì Ngài nguyện cho thành bậc vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

6) Bhesajja dāna: Thí thuốc thang, sữa bò tươi, sữa bò đặc, cơm cúng dường đến Tam bảo thì Ngài nguyện cho khỏi: sanh, lão, bệnh, tử, khổ. Bồ tát còn thí thêm 10 món nữa:

1) Dāsānamblujjissa dāna: Thí tôi tớ, là thả kẻ tôi tớ ra khỏi vòng nô lệ thì Ngài nguyện cho được sự giải thoát, dứt phiền não và lòng ái dục.

2) Anavajjakhiddha vatihetu dāna: Thí những sự chơi vô tội, thì Ngài nguyện cho chúng sanh phát lòng hoan hỷ mà nghe pháp của Ngài.

3) Putta dāna: Thí con trai, thì Ngài nguyện khi Ngài chứng được Phật quả, thì con Ngài cũng được gặp Ngài.

4) Dāra dāna: Thí vợ thì Ngài nguyện cho đắc phép vô thượng bồ đề.

5) Rājja dāna: Thí ngôi vua thì Ngài nguyện cho thành vị pháp vương.

6) Hattha dāna: Thí tay thì Ngài nguyện cho tay Ngài nắm cả pháp báu để tế độ chúng sanh và cho Ngài được thoát khỏi năm cái hầm[2] nhứt là hầm ngũ trần.

7) Kānānasādi dāna: Thí thân thể (tai, mũi…) thì Ngài nguyện cho được ngũ căn thanh tịnh.

8) Cakkhu dāna: Thí mắt, thì Ngài nguyện cho được ngũ nhãn nhứt là thiên nhãn.[3] 9) Mamsaiohita dāna: Thí máu, thịt thì Ngài nguyện cho thân thể được tròn đủ. 10) Uttamanga dāna: Thí đầu, thì Ngài nguyện cho thành bực vô thượng đại giác. (Samantacakkhu)

Các sự bố thí ấy chia ra làm ba hạng: dana pārami-phép thí đến bờ kia; dana upāramiphép thí đến bờ trên; dana paramattha pārami-phép thí đến bờ cao thượng.

Phép dứt bỏ các món dùng của mình (vợ, con, của) mà bố thí gọi là bố thí đến bờ kia. Phép dứt bỏ tay, chân, mắt, mũi, thịt mà bố thí gọi là bố thí đến bờ trên. Phép dứt bỏ mạng sống của mình mà bố thí, gọi là bố thí đến bờ cao thượng. Đức Bồ tát đã bố thí các vật ngoại thân của Ngài mà Ngài cũng chưa được vừa ý, cho nên Ngài bố thí đến tay, chân, mắt, mũi, da, thịt của Ngài nữa. Tuy vậy mà chưa vừa ý, cho nên Ngài bố thí đến mạng sống của Ngài nữa, thì Ngài mới an lòng.

Trong kiếp Ngài đầu thai làm thái tử Vessantararāja, lúc Ngài mới lên 8 tuổi thì Ngài có nguyện rằng: Ta đã có bố thí các vật ngoại thân của ta rồi, nhưng việc bố thí ấy chưa vừa lòng ta, vậy nên bố thí đến các món trong mình ta, thì ta mới thỏa thích cho? Rồi Ngài liền nguyện rằng: Nếu có người đến hỏi xin trái tim ta, là nơi nương dựa của tâm, là vật sanh mạng của ta, thì ta mổ ngực, lấy trái tim mà đem bố thí chẳng sai. Bằng họ không xin trái tim ấy, mà lại hỏi xin mắt của ta, thì ta dùng con dao bén rọc lấy tròng con mắt để trên bàn tay mà thí cho người. Tuy vậy mà nếu có người hỏi xin thịt ta, thì ta bèn cắt thịt mà cho vì lòng hoan hỷ của ta.

Các phép bố thí (đại thí hoặc tiểu thí) đã giải trên đều trích trong kinh Mahāsudassana

Jātaka chương 95, kinh Sasa Jātaka chương 316, kinh Samkhabrahmana Jātaka chương 442, kinh Akitti brahmana Jātaka chương 480, kinh Sivi Jātaka chương 499, kinh Nimi Jātaka chương 441, kinh Vessantara Jātaka chương 547. Xin các bậc thiện hữu trí thức, nếu muốn xem thêm, thì xin xem trong các thứ kinh Jātaka ấy.

2. Trì giới đến bờ kia (sīla pārami)

Lời trong sạch mà Bồ tát hằng gìn giữ, do sự sáng trí và thương xót của Ngài đối với chúng sanh (nghĩa là Ngài hằng thốt lời ngay thật và hữu ích, bởi Ngài hằng có lòng thương xót đến chúng sanh bất phân giai cấp). Bồ tát hay tránh xa tội lỗi, là bởi Ngài hằng tìm làm những việc lợi ích. Bởi đạo hạnh của Ngài như vậy nên gọi là trì giới đến bờ kia (là Niếtbàn).

Dầu Ngài làm cư sĩ hoặc bậc xuất gia cũng vậy, Ngài thường hay trì giới được trong sạch, không khi nào để lấm nhơ. Nếu hành đạo cư sĩ, thì Ngài giữ giới luật không sai phạm, còn xuất gia thì Ngài càng thêm hết lòng tinh tấn, thọ trì tứ thanh tịnh giới, là giới rất trong sạch do theo 4 pháp là: tín, tấn, tưởng, tuệ. Tứ thanh tịnh giới là: bổn giới thanh tịnh do nhờ ý tin; ngũ căn thanh tịnh giới do nhờ ý tưởng; chánh mạng thanh tịnh giới do nhờ ý tấn; quán tưởng thanh tịnh giới do nhờ tuệ lực. Trong mỗi kiếp chuyển sanh thì đức Bồ tát hằng trì giới được trong sạch luôn. Cách hành đạo của Bồ tát có giải rõ trong kinh Ganavera Jātaka số 318.

Giới pārami ấy chia ra làm ba hạng. Trì giới đến bờ kia là: dầu có sự tai hại đến vợ, con thì đức Bồ tát cũng giữ giới được trong sạch (sīla pārami). Trì giới đến bờ trên là: dầu có sự tai nạn đến thân thể, thì Ngài cũng chẳng phạm đến giới luật mà Ngài đã nguyện thọ trì (sīla upapārami). Trì giới đến bờ cao thượng là: nếu có việc tai hại đến mạng sống của Ngài thì Ngài cũng giữ giới được trong sạch (sīla paramatthapārami).

Các bậc thiện hữu trí thức muốn xem giới pārami cho phân minh, thì tìm trong các kinh Jātaka, nhứt là kinh Sīlavanaga số 72, Lomahamsa số 94, Kurudnamma số 276, Bangāmala số 421, Ruramiga số 482, Bhisa số 488, Campeyya số 506, Chaddanda số 514 và Bhuridatta Jātaka số 543.

3. Xuất gia đến bờ kia (nekkhamma pārami)

Đức Bồ tát hằng có chí quyết định, vì lòng từ bi nhứt là Ngài thường hay thấy các điều tội lỗi của ngũ trần và lấy đó suy xét để tránh cho xa. Bởi cớ ấy cho nên Ngài mới có lòng quyết định xuất gia tu hành đến bờ kia.

Tiếng babbajjā nghĩa là pháp xuất gia đi tu hành, dứt bỏ vợ, con, của. Một lẽ nữa, các công đức cao thượng nhứt là nhập định, đều là phương pháp của bậc xuất gia. Hạng này mới có thể dễ dứt trừ phiền não, xa lìa Dục giới. Đức Bồ tát nếu Ngài không xuất gia, thì Ngài ở nhà hành đạo cư sĩ được. Nhưng Ngài trì pháp cao thượng (Brahmacariya dhamma) không sai phạm, như đã có giải trong kinh Ananusociyakala Jātaka số 328. (Nhưng cũng có lúc Ngài sa mê theo ngũ trần vậy như đã có giải trong kinh Darimukha Jātaka).

Xuất gia đến bờ kia chia ra làm ba hạng. Cách dứt bỏ vợ, con, của là nhân vật yêu mến mà đi xuất gia, gọi là phép: xuất gia đến bờ kia (nekkhamma pārami). Cách dứt bỏ thân thể, tứ chi, lớn hoặc nhỏ của Ngài mà đi xuất gia gọi là xuất gia đến bờ trên (nekkhamma upapārami). Cách dứt bỏ sự sống của Ngài mà đi xuất gia gọi là xuất gia đến bờ cao thượng (nekkhamma upapārami).

Những bậc thiện hữu trí thức, có chí hành đạo theo phép xuất gia đến bờ kia thì nên xem các kinh: Jātaka nhứt là Makhāleva Jātaka số 9, Kuddāla Jātaka số 70, Vachanakha Jātaka số 135, Labhagraha Jātaka số 287, Sayha Jātaka số 310.

4. Trí tuệ đến bờ kia (panna pārami)

Phép thấu rõ 3 tướng vô thường, khổ não, vô ngã, dể dứt trừ tà kiến mà Đức Bồ tát hằng nguyện đoạt đến gọi là trí tuệ đến bờ kia.

Giải rằng: Các danh sắc đều phải hư hoại, do theo ba tướng đã kể trên. Trí tuệ thấy chắc như vậy gọi là : (Samannālalakkhana), là phép thấy rõ sự khổ về danh[4] và sắc.[5] Một lẽ nữa, danh hằng duyên theo trần cảnh đều phải hư hoại, do bởi thời khí (nóng và lạnh). Trí tuệ xét rõ như vậy, gọi là trí tuệ cao thượng suy xét và gìn giữ đến danh và sắc. Các bậc Bồ tát hằng ghi nhớ đến 3 tướng ấy, không khi nào quên nhưng các Ngài chưa tu hành tinh tấn, đến bực Toàn giác được.

Hỏi: Tại sao con người và Chư thiên đều hết lòng cầu nguyện cho đắc đạo và quả A-lahán. Còn Đức Bồ tát thì lại chẳng mong mỏi đến đạo và quả ấy? Đáp: Bởi Ngài đã chí hướng theo bực Chánh Biến Tri.

Trí tuệ của các Ngài thường hồi hướng cho chúng sanh. Vả lại, nếu chư Bồ tát rõ được pháp nào chơn chánh, thì các Ngài không để pháp ấy vào tay của bọn tà sư đâu. Ngài hằng đem ra giảng giải cho thiên hạ cùng rõ với, chớ chẳng khi nào các Ngài giấu giếm. Trí tuệ pārami này chia ra làm ba hạng. Đức Bồ tát ít hay quyến luyến vợ, con bao nhiêu, Ngài hằng lo làm những việc hữu ích cho chúng sanh, cho nên gọi là trí tuệ đến bờ kia (pannapārami). Đức Bồ tát ít hay lo đến thân thể của Ngài mà lại hay lo cho chúng sanh được sự hữu ích, cho nên gọi là trí truệ đến bờ trên (pannaupapārami). Đức Bồ tát chẳng hay lo đến mạng sống của Ngài, mà lại chỉ lo sự lợi ích cho chúng sanh, cho nên gọi là trí tuệ đến bờ cao thượng (pannapāramatthapārami). Những người học Phật, nếu muốn biết rộng thêm trong phép trí tuệ đáo bỉ ngạn này thì nên tìm xem kinh Vannapatha Jātaka 2 và Sevivanijja Jātaka 3. Nandivisa Jātaka 28. Pannāvudha Jātala số 55, Tayodhamma Jātaka số 58, kuddālapandita Jātaka số 70.

5. Tinh tấn đến bờ kia (viriyapārami)

Đức Bồ tát hằng lo tìm làm những việc lợi ích cho chúng sanh do lòng từ bi của Ngài.

Giải rằng: Đức Bồ tát hằng có lòng tinh tấn lo tìm dịp làm những điều lợi ích cho chúng sanh không khi nào thối chuyển. Dầu có việc chi chẳng lành đến cho Ngài, thì Ngài cũng vẫn giữ một lòng tu hành tinh tấn luôn. Nếu Ngài rõ việc nào chơn chánh, thì Ngài cố gắng làm theo để cho chúng sanh biết mà xu hướng theo.

Tinh tấn đáo bỉ ngạn chia ra làm 3 hạng: dứt bỏ vợ con để làm những việc lành, gọi là tinh tấn đáo bỉ ngạn (viriyapārami); dứt bỏ tứ chi, máu, thịt, không lòng than tiếc, nhứt tâm tu hành không gián đoạn, gọi là tinh tấn đến bờ trên (viriya upapārami); có nghị lực để tận diệt hoặc nghiệp, dầu có sự hại đến mạng ngài cũng một lòng bất thối chuyển gọi là tinh tấn đến bờ cao thượng (viriayaparamattha pārami).

Những người tu Phật, nếu muốn xem biết rộng thêm phép tinh tấn này thì tìm xem kinh Vanapatha Jātaka số 2, Serivānijja Jātaka số 3, Kurunga số 21, Bhojājajāniya Jātaka số 23.

6. Nhẫn nhục đến bờ kia (khati pārami)

Đức Bồ tát thường hay tu hạnh nhẫn nhục, không lòng sân hận, vì tâm từ bi của Ngài đối với chúng sanh. Ngài thường lấy lòng thương xót và hiền lành làm gốc, không hay sân hận, ấy gọi là nhẫn nhục đến bờ kia.

Đức Bồ tát hằng ghi giữ vào lòng rằng: các chúng sanh đều là thân bằng quyến thuộc của Ngài, Ngài hay xá tội cho chúng sanh vì lòng từ thiện của Ngài. Nếu có kẻ nào nóng giận, hoặc chửi, mắng Ngài vô cớ, thì Ngài cũng chẳng chấp trách, cho nên Ngài ít hay tỏ ý bất bình. Dầu có ai đại nộ, muốn đánh và cắt tay Ngài, Ngài cũng chẳng đem lòng oán thù hoặc nói xấu kẻ ấy. Ngài trở lại cầu nguyện cho kẻ ấy được trường thọ.

Nhẫn nhục đáo bỉ ngạn ấy chia ra ba bực: nhẫn nhục về việc lầm lỗi của chúng sanh đối với vợ, con gọi là nhẫn nhục đến bờ kia (nhẫn nhục chẳng phải là nín thinh, nghĩa là phải nói lời cao thượng, lợi ích, dịu ngọt, mới gọi là nhẫn nhục đáo bỉ ngạn (khanti pārami); nhẫn nhục đối với việc lỗi lầm của chúng sanh phạm đến thân thể, gọi là nhẫn nhục đến bờ trên (khanti upapārami); nhẫn nhục đối với việc lỗi lầm của chúng sanh phạm đến mạng sống của ngài, mà ngài cũng chẳng nóng giận, oán thù, gọi là nhẫn nhục đến bờ cao thượng

(khanti paramattha pārami).

Những người tu Phật, muốn tu theo phép nhẫn nhục này nếu muốn biết thêm nữa, thì nên xem kinh Varājovāda Jātaka số 151, Mahisa Jātaka số 278, Khantivādi Jātaka số 313 v.v…

7. Chân chánh đến bờ kia (sacca pārami)

Sự tránh xa lời nói chẳng thiệt vì lòng từ bi của Bồ tát, gọi là chân chánh đến bờ kia

Lời thật ấy chia ra làm ba bực: dầu có tai hại đến vợ con của Ngài, mà Ngài cũng chẳng nói sai lời ấy gọi là lời ngay thật đến bờ kia (saccapārami); dầu có sự hại đến thân thế của Ngài, mà Ngài cũng chẳng nói sai lời, gọi là lời ngay thật đến bờ trên (sacca upapārami); dầu có sự hại đến mạng sống của Ngài, mà Ngài cũng chẳng nói sai lời, ấy gọi là lời ngay thật đến bờ cao thượng (sacca paramatthapārami).

8. Nguyện đến bờ kia (adhitthana pārami)

Chí nguyện một lòng bất thối, nghĩa là: nếu Bồ tát đã phát lòng nguyện tu thì Ngài chỉ nhứt tâm hành đạo, không lòng thối chuyển, y theo lời nguyện của Ngài gọi là nguyện đến bờ kia.

Cái nguyện ấy chia ra làm ba bực: nếu vợ hoặc con của Đức Bồ tát có bị sự khó khăn đến đâu thì Ngài cũng không bỏ qua lời nguyện của Ngài mà thối chuyển, sự tu hành tinh tấn như thế ấy, gọi là nguyện đến bờ kia (adhitthāna pārami); nếu có sự hại đến tứ chi thân thể của Ngài thì Ngài cũng vẫn nắm giữ lời nguyện, không lòng thối chuyển, gọi là nguyện lực đến bờ trên (adhitthana upapārami); nếu có sự hại đến mạng sống của Ngài, thì Ngài cũng chẳng khi nào thối chuyển mà bỏ lời phát nguyện của Ngài, cho nên gọi là phát nguyện đến bờ cao thượng (adbitthāna paramatta pārami).

9. Bác ái đến bờ kia (mettā pārami)

Cách tìm sự lợi ích sự vui sướng cho chúng sanh và không lòng sân hận mà Đức Bồ tát hằng gìn giữ do lòng thương xót của Ngài, đối với chúng sanh gọi là bác ái đến bờ kia.

Bác ai đến bờ kia chia ra làm ba bực: không lòng làm hại sự lợi ích và sự bình an cho chúng sanh, dầu có việc dữ đến con hoặc vợ của Ngài, thì Ngài cũng chẳng bao giờ sân hận, gọi là bác ái đến bờ kia (mettā upārami); dầu có kẻ nào làm hại đến tứ chi thân thể của Ngài, thì Ngài cũng không sân hận đến kẻ ấy, gọi là bác ái đến bờ kia (mettā upārami); dầu có kẻ nào làm hại đến mạng sống của Ngài thì Ngài cũng vẫn thương xót đến kẻ ấy, gọi là bác ái đến bờ cao thượng (mettā paramattha pārami).

10. Xả đến bờ kia (upekkhā pārami)

Đức Bồ tát hằng dứt trừ lòng thỏa thích và sự bất bình theo tình dục của thiên hạ, do lòng bác ái của Ngài gọi là xả đến bờ kia.

Xả đến bờ kia ấy, chia ra làm ba bực: Đức Bồ tát hằng giữ lòng bực trung đối với người hữu ân hoặc vô ân, nhứt là đối với vợ con của Ngài, xả như thế ấy, gọi là đến bờ kia (upekkhā pārami); Đức Bồ tát hằng giữ lòng bực trung đối với những người hữu ân hoặc vô ân của Ngài, không lòng thiên vị, gọi là xả đến bờ trên (upekkhā upapārami); Dầu có kẻ nào hại đến mạng sống hoặc cứu tử Ngài, thì Ngài cũng giữ lòng bực trung đối với những người ấy, cho nên gọi là xả đến bờ cao thượng (upekkhā paramatthapārami).

Phép thập độ này, trong mỗi độ thì có chia ra làm ba bực; đáo bỉ ngạn (pārami), đáo bỉ ngạn bực trên (upapārami), đáo bỉ ngạn bực cao thượng (paramatthapārami), tổng cộng thì thành tam thập độ.

Trí tuệ có thể độ cho người chứng 3 quả bồ đề: Chánh đẳng chánh giác (Sammāsambodhi), Duyên giác (Paccekabodhi), Thinh văn giác (Savakabodhi). Những người tu Phật tùy ý thích của mình mà cầu nguyện cho được kết quả một bực nào trong 3 bực giác ấy.

Những người học Phật nếu chẳng hành theo Phép Thập độ này thì không khi nào đoạt đến bực Niết-bàn đặng. Bởi các cớ ấy, cho nên các vị thiện hữu trí thức phải cần tu hành dần dần theo phép thập độ này, chẳng nên dể duôi thì ắt có ngày sẽ đạt đến bực tiêu dao tự tại chẳng sai.

Phương pháp tu hành cho thành bậc Chánh đẳng Chánh giác (buddhābhinihārakathā)

Chư Bồ tát nếu muốn tu bậc Toàn giác, thì trước hết nên phát hạnh nguyện cho được kết quả y theo 8 điều này: Phải được làm người; phải làm bực nam nhân tròn đủ; phải có duyên thành bậc A-la-hán; phải gặp mặt Đức Thế Tôn; phải làm bậc xuất gia; phải đắc các phép cao thượng, nhứt là phép thiền định; phải bố thí cao thượng, nhứt là thí mạng; phải nhứt tâm cầu nguyện thành bậc Chánh giác. Nếu đã được trọng 8 điều này, thì mới chắc là bậc Bồ tát và sẽ được chứng quả vô thượng bồ đề chẳng sai.

Khi đã tròn đủ 8 điều kể trên, thì Bồ tát chẳng còn đọa vào 18 đường như sau này: Ngài chẳng sanh làm người đui (từ nhỏ) hoặc điếc hoặc điên; Ngài chẳng thác sanh nơi nhà ngoại đạo; Ngài chẳng sanh vào lòng đàn bà nô lệ; Ngài chẳng sanh làm người thường kiến (tà kiến); Ngài chẳng phải người đã sanh làm trai rồi biến ra gái; Ngài chẳng khi nào phạm đến ngũ nghịch đại tội; Ngài chẳng sanh làm người mang tật cùi, phong; Ngài chẳng sanh làm thú vật; Nếu sanh làm súc vật, thì Ngài chẳng sanh nhỏ hơn loài chim hoặc lớn hơn voi; Ngài chẳng sanh làm ngạ quỉ khuppipāsika[6] nijjhāmatanhika; Ngài chẳng sanh làm ngạ quỉ kalakanjika[7]; Ngài chẳng đọa vào a-tỳ địa ngục; Ngài chẳng đọa xuống khỏi a-tỳ đại ngục (nơi hành phạt bọn tà kiến); Ngài chẳng sanh ra làm ma vương ở cõi Dục giới; Ngài chẳng sanh lên cõi vô sắc; Ngài chẳng sanh lên cõi vô tưởng; Ngài chẳng sanh lên cõi tịnh sắc; Ngài chẳng sanh ngoài châu diêm phù đề.

Đức Bồ tát cần phải có 4 phép sau này: phải có đại tinh tấn (assāho), phải có đại trí tuệ (ummato), phải có đại nguyện lực ghi nhớ, trong lòng không lầm lạc (avatthānam), phải có lòng từ bi đến tất cả chúng sanh hữu duyên (hitakāriya).

Đức Bồ tát lại phải có thêm 6 phép quyến luyến (ajjhānaya) sau này: Ngài quyến luyến trong việc xuất gia (nekkammajjhassayo); Ngài quyến luyến trong sự dứt bỏ nơi hội hợp, đi ở nơi thanh vắng (pavvivekkhajjhāsayo); Ngài quyến luyến trong việc bố thí (alebhajjhasavo); Ngài quyến luyến trong phép từ bi đối với chúng sanh (adosajjhāsayo); Ngài quyến luyến trong việc làm lành và không dể duôi (amohajjhāsayo); Ngài quyến luyến trong sự giải thoát, không lòng ưa thích sự luân hồi (nissaranajjhāsayo).

---

BẢY BÁU NHÀ PHẬT

Có một thuở nọ Đức Thế Tôn ngự nơi tịnh xá của ông đại phú gia Cấp-cô-độc (Anāthapindika) tạo ra để dâng cúng cho tăng chúng, có đức Như Lai làm chủ, gần thành Xá Vệ (Savatthi). Thuở ấy, Đức Thế Tôn gọi các thầy tỳ khưu mà bảo: Các thầy tỳ khưu này! Các thầy ráng lóng tai để nghe ta giảng giải về bảy báu trong đạo Phật cho các người rõ:

Bảy báu ấy là: đức tin là của báu (saddhādhanaṃ), giới luật là của báu (sīladhanaṃ), hổ thẹn (lỗi) là của báu (hiridhanaṃ), ghê sợ (lỗi) là của báu (ottappadhanaṃ), nghe pháp là của báu (sutadhanaṃ), bố thí là của báu (cāgadhanaṃ), trí huệ là của báu (paññādhanaṃ).

1. Đức tin là của báu (saddhadhanaṃ)

Đức tin mà gọi là của báu bởi pháp ấy là gốc của các việc lành ví như lúa là gốc của các giống lúa. Những nông phu trước khi đi cày ruộng thì phải xem xét cho biết giống lúa nhiều hay ít, nếu lúa giống ít thì cày ruộng ít, lúa giống nhiều thì cày nhiều. Nếu lúa nhiều mà cày ruộng ít thì lúa giống còn dư phải hư mục. Bằng lúa ít mà cày ruộng nhiều thì luống công vô ích. Bởi cớ ấy, những nông phu trước khi làm ruộng thì phải xem xét cho biết giống lúa nhiều hay ít. Cho nên gọi lúa giống là căn bổn của những người nông phu. Chẳng khác nào đức tin là căn bổn của các việc lành vậy.

Tại sao mà gọi đức tin là căn bổn của các việc lành? Bởi có đức tin mới có thể làm điều thiện, nhứt là bố thí, trì giới hoặc tham thiền, nghe pháp được.

Những người nam hoặc nữ đã sanh ra trên vũ trụ này, dầu có bạn thiết là nơi đáng nương nhờ, thì cũng chẳng bì kịp với bạn thiết gọi là đức tin cho đặng. Đức tin là bạn thiết quí báu có thể tiếp dẫn con người thoát nơi lao khổ, từ đây cho đến ngày hậu lai. Đức tin là một vật rất quí báu cho các người ở trong vũ trụ này.

Dầu cho bạc, vàng, ngựa, voi, ngọc ngà, châu báu, hoặc các vật báu nào khác thì cũng khó bì kịp với đức tin, bởi các món báu kể trên chỉ để dùng trong lúc hiện thời, chớ chẳng có thể độ ta được yên vui cho đến ngày vị lai đâu, chỉ có đức tin chơn chánh mới có năng lực tiếp dẫn ta đến nơi phước địa trong đời sau. Cho nên gọi đức tin là một món báu vô giá của con người trong đời hiện tại và vị lai.

Tất cả con người mà được ra khỏi rạch, sông, hoặc biển cả là khỏi sự sanh tử luân hồi, thì trước nhứt đều nhờ nương theo đức tin mới có thể qua khỏi được. Đức tin ví như con dao bén là huệ kiếm để đoạn tuyệt các sự tội lỗi.

Đức Thế Tôn hằng khen rằng: Những người mà đã có đức tin trong lòng thì mới đáng gọi là bực thinh văn trong đạo Phật, đúng cho thiên hạ ngợi khen trong đời này và đời vị lai. Những bực ấy sẽ được hưởng các quả vui: làm người giàu sang, làm trời, vào bực Niếtbàn.

Vì các lẽ giải trên cho nên gọi đức tin là của báu vậy.

2. Giới luật là của báu (sīladhanaṃ)

Giới luật là: ngũ giới, thập giới và cụ túc thanh tịnh giới, đều gọi là của báu vậy.

Những người tu hành tinh tấn, trì giới được trong sạch ví như người ấy cưỡi được con ngựa phép, có thể bay trên hư không hoặc muốn đi đến nơi nào thì ngựa ấy sẽ chở đến nơi mà mình đã nguyện cầu, y theo ý mình đã muốn. Cũng như người đã trì giới được trong sạch, nếu muốn cầu việc gì thì sẽ được đắc kỳ sở nguyện, chẳng khác nào người cưỡi ngựa phép kia vậy.

Giới ví như hào, lũy. Lẽ thường hào, lũy hay ngăn ngừa đạo tặc chẳng khác giới hay ngăn ngừa nghiệp dữ (thân, khẩu, ý ác). Những người trì giới được trong sạch mà nếu muốn làm việc lành nào thì ắt sẽ được sự kết quả mỹ mãn chẳng sai.

Giới ví như kiểu mẫu. Lẽ thường thợ vẽ trước khi họa hình, thì căng kiểu ra cho ngay thẳng, sạch sẽ, rồi mới dùng màu để họa hình, thì mới có thể họa hình được tươi tốt. Các thứ thuốc để cho màu, ví như giới trong sạch, kiểu hình ví như tướng mạo xinh đẹp của chúng ta đã sanh ra trong cõi trần này, cũng đều do sự trì giới trong sạch.

Giới là nhơn sanh định. Cho nên những bực tu định thì trước phải giữ giới cho trong sạch. Giới trong sạch thì mới tham thiền nhập định được. Giới là cái xe rất quí báu để độ người thoát khỏi con đàng dữ (súc sanh, a-tu-la, ngạ quỉ, địa ngục). Giới là con đàng dẫn người lên thượng giới. Giới là con đàng độ người đến bực Niết-bàn. Giới độ con người thoát khỏi vòng phiền não. Giới ví như cái thang để cho người lên bực bất sanh, bất diệt đại Niết-bàn.

Mùi thơm của sự trì giới thật là vô thượng, dầu có hoa nào thơm cho lắm thì cũng chẳng bì kịp mùi thơm của sự trì giới, trì giới thơm thấu đến các tầng trời, từ Dục giới thơm chí Vô sắc giới. Cho nên những người đã trì giới trong sạch thì hằng được hưởng quả vui từ nay cho đến đời vị lai.

Những người được sanh về cõi vui đều do nhờ sự trì giới. Những chúng sanh được sanh ra làm người giàu sang trong thế gian này đều do nhờ sự trì giới. Những người tu hành, được chứng quả Niết-bàn cũng đều nhờ sự trì giới.

Bởi các cớ ấy, những bậc thiện hữu trí thức đều phải nên chuyên cần thọ trì giới luật cho trong sạch. Nếu trì giới trong sạch, thì ắt được hưởng ba quả vui đã kể trên chắc như vậy.

Cho nên Đức Thế Tôn gọi sự trì giới là của báu.

3. Hổ thẹn (lỗi) là của báu (hiridhanaṃ)

Những bực thinh văn trong đạo Phật hổ thẹn các tội lỗi, chán nản những nghiệp dữ (thân, khẩu, ý ác) chẳng để cho nhiễm vào tâm, một lòng tinh tấn làm những điều lành. Cho nên gọi hổ thẹn (lỗi) là của báu.

4. Ghê sợ (lỗi) là của báu (otappadhanaṃ)

Những bậc thinh văn trong đạo Phật đều ghê sợ các tội lỗi, các Ngài chẳng dám phạm đến nghiệp dữ. Cho nên gọi ghê sợ (lỗi) là của báu.

Xin giải thêm về sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi như sau này:

Hổ thẹn tội lỗi phát sanh do 4 duyên cớ: suy xét về sự sanh, suy xét về thời kỳ, suy xét về sự xa hoa, suy xét về sự thông rõ đạo lý. Sự hổ thẹn mà phát sanh đều do nhờ suy xét đến bốn duyên cớ ấy.

Suy xét về sự sanh là: nếu bậc cao sang thì nên xét rằng: ta mà được ra làm người phú túc đây, là do bởi kiếp trước ra đã có làm việc lành rồi, cho nên nay ta mới được hưởng quả vui, nếu nay ta chẳng sớm mau tỉnh ngộ, còn sa mê theo điều dữ, việc tà, thì ắt ta sẽ mang quả khổ chẳng sai. Xét thấy như vậy rồi, ắt sanh lòng hổ thẹn, mà chẳng dám phạm đến việc quấy. Nếu người hèn hạ thì nên xét rằng: ta nay đã sanh ra làm người đói khổ đây, là bởi kiếp trước ta đã tạo nhiều nghiệp dữ, cho nên hiện thời, ta phải chịu sự khổ cực. Nếu nay ta chẳng sớm mau thi hành, lánh dữ làm lành, thì ra sẽ bị mang quả khổ càng thêm. Xét thấy như vậy thì ắt sanh lòng hổ thẹn, ăn năn qui y hướng thiện. Như thế ấy, gọi là suy xét về sự sanh.

Suy xét về thời kỳ là: nếu bậc trưởng lão hoặc người mang tật bệnh, thì nên xét rằng: nay ta đã già yếu, chắc ta sẽ chết nay mai, hoặc một đôi tháng, hoặc một đôi năm nữa là cùng, nay ta tỉnh ngộ đã trễ, vậy ta chẳng nên sa mê theo nghiệp dữ nữa. Khi xét thấy như vậy rồi, thì ắt phát lòng hổ thẹn mà ăn năn chẳng sai. Nếu trai hoặc gái thì nên xét rằng: tuy ta còn trẻ tuổi nhưng cái chết vốn là vô thường. Chẳng phải trẻ tuổi mà chẳng chết đâu. Hạng ấu niên cũng đã có chết nhiều rồi. Vậy ta chẳng nên dể duôi, mê sa theo ngũ trần, lục dục, phải sớm trưa tỉnh ngộ lánh dữ lành lành cho kịp thời. Khi xét thấy như vậy, thì ắt sanh lòng hổ thẹn.

Suy xét về sự xa hoa, là xét rằng: nếu ta làm những công việc chơn chánh để nuôi mạng thì cũng được. Vậy ta nên mau chừa cãi: xét được như vậy, thì phát lòng hổ thẹn chẳng dám xa hoa, làm những điều tà dạy (nhứt là phạm sự sát sanh).

Xét về sự thông rõ đạo lý là: ta nay đã tu Phật, học hỏi giáo Pháp của Đức Thế Tôn, biết rõ lẽ chánh lời tà, mà ta còn làm việc dữ như vậy, thì thật là chẳng nên. Tạo nghiệp ác là để cho bọn vô lương tâm, bất học, chớ ta là người đã mang tiếng tu hành lại rõ thông kinh luật mà lại còn đi làm những việc tội lỗi như bọn tiểu nhơn, thì là trái hẳn. Khi đã xét như vậy rồi, thì ắt phát lòng hổ thẹn mà bỏ dữ về lành.

Ấy gọi là sự hổ thẹn phát sanh do nhờ suy xét theo 4 duyên cớ đã giải trên.

Sự ghê sợ tội lỗi phát sanh do nói bề ngoài có 4 duyên cớ: tự mình sợ cho mình, sợ người khác chê mình, sợ phép nước, sợ bi dọa vào 4 đàng dữ. Tự mình sợ cho mình là khi mình làm việc quấy thì tự mình ăn năn ghớm ghê, chán nản, rồi tự mình khuyên lấy mình. Sợ người chê cười đến mình, rồi tự mình ăn năn tỉnh ngộ. Sợ oai quyền nhà nước mà chẳng dám làm việc dữ. Sợ bị đọa vào 4 con đàng dữ là: súc sanh, a-tu-la, ngạ quỉ, địa ngục. Những người mà đã có sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi rồi, thì chẳng dám phạm đến các điều dữ, bởi các duyên cớ ấy rồi tỉnh ngộ bỏ tà theo chánh, làm những nghiệp lành, thì ắt được hưởng ba quả vui: (sanh làm người no ấm, sanh về cõi trời, sanh vào Niết-bàn) chẳng sai vậy.

Bởi các cớ ấy cho nên gọi sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi là của báu.

5. Nghe pháp là của báu (sutadhanaṃ)

Những người tu Phật nên cố gắng nghe pháp hay nghe, hay nhớ, là nhớ chặng đầu, chặng giữa, chặng chót. Nhớ rồi hành y theo chánh pháp cho được trong sạch đều đủ, chẳng thêm, chẳng bớt, y như lời của Đức Thế Tôn đã giáo truyền, ấy gọi nghe pháp là của báu.

Những người tu hành tinh tấn, học hỏi Tam tạng (kinh, luật, luận) hoặc nếu không học hỏi được, nhưng có nghe pháp và vẫn giữ mà làm y theo Phật giáo thì cũng gọi là người có của báu trong mình, do nhờ sự thính pháp.

6. Bố thí là của báu (cagadhanaṃ)

Những người tu Phật phải trừ dứt lòng bỏn xẻn và nên vui mừng trong sự bố thí, tùy sức của mình. Ấy gọi là bố thí của báu.

Bố thí có hai phép: tài thí và Pháp thí. Nếu nói theo tạng Luật thì tài thí chia ra làm bốn phần: thí y phục, thí vật thực, thí chỗ ở, thí thuốc thang. Theo tạng Luận thì có 6 phần thí: thí sắc là cho các món dung về vật chất; thí thinh là thổi kèn, đánh trống, ca ngâm cúng dường đến tam bảo; thí hương là cho vật thơm (bông, tràng hoa, trầm hương); thí vị là cho các món ăn ngon ngọt (sữa, bánh, cơm, mật); thí xúc là cho chiếu, mền, gối v.v…; thí pháp là nói Phật giáo cho chúng sanh nghe. Theo tạng Kinh thì có 10 phần thí: thí vật thực (annaparicāga), thí nước (pānaparicāga), thí xa (yānaparicāga), thí bông (mālaparicāga), thí y (vatthaparicāga), thí vật thơm (gandhaparicāga), thí vật dồi mình (vilepanaparicāga), thí chỗ nằm ngồi (sayanaparicāga), thí chỗ ở (avāsathaparicāga), thí nhang, đèn (padipaparicāga).

Tài thí, tuy là được phước báu nhiều nhưng không bì kịp Pháp thí. Phép tài thí thì dầu có thí y đến chư Phật, Duyên giác, A-la-hán trong tam thế tuy là được nhiều phước báu thật, nhưng cũng chẳng sánh bằng Pháp thí. Chẳng nói đến sự Pháp thí nhiều, chỉ giảng giải cho thính giả nghe 4 câu kệ rồi lấy một câu chia ra làm 16 phần, lấy 1/16 phần ấy chia ra làm 16 phần nữa, chia như vậy cho đến đủ 16 lần, rồi lấy một phần chót ấy đem ra mà so sánh với sự tài thí nhứt là thí y phục đến chư Phật, Duyên giác, A-la-hán trong tam thế, thì cũng chẳng bì kịp với 1/16 phần Pháp thí đã mới giải trên.

Những người chưa thông hiểu Phật pháp, như muốn thí Pháp thì nên thỉnh chư nam, nữ tụ họp lại và cầu bậc trí tuệ nói Pháp cho người nghe thì được phước báu vô lượng vậy. Dầu có bố thí trai tăng đến chư Phật, Duyên giác, A-la-hán trong tam thế hoặc lập 100,

1.000, 1.000.000 ngôi chùa như ông đại phú gia Cấp-Cô-Độc là bậc đại thí chủ (lúc Phật còn tại thế) thì việc tài thí ấy cũng chẳng bì kịp Pháp thí đã nói trên.

Hỏi: Tại sao gọi Pháp thí được nhiều sự phước báu? Đáp: Bởi những người mà được lánh dữ làm lành đều nhờ sự thính Pháp, có nghe Pháp mới có rõ lẽ chánh điều tà, mới có bỏ dữ về lành, làm việc phước đức. Bằng chẳng đặng nghe pháp, thì đâu biết quấy mà tránh, biết phải mà theo thì đâu có thể hưởng được quả vui. Cho nên gọi Pháp thí là được nhiều phước báu vậy.

Một lẽ nữa, những người có lòng tín thành bố thí, trì giới, hoặc tham thiền, tu phép thập độ, thì cũng đều nhờ sự nghe Pháp hết.

Ông Xá-Lợi-Phất (Sariputta) là vị đệ tử bực nhứt của Đức Thế Tôn có trí tuệ hơn hết (Ngài có thể đếm hết tất cả giọt mưa trong đám mưa lớn) không sai một giọt, nhưng cũng chưa được chứng quả, đến khi nghe pháp của Đức Thế Tôn mới thành đạo-quả Niết-bàn được.

Vì các lẽ ấy cho nên Đức Như Lai mới gọi Pháp thí là của báu.

7. Trí tuệ là của báu (paññādhanaṃ)

Tại sao gọi trí tuệ là của báu? Đức Phật có giải rằng: Các thầy tỳ khưu này! Những bậc Thinh văn trong đạo Phật nhờ có trí tuệ mới biết xét lẽ tà điều chánh, cho nên gọi trí tuệ là của báu. Bởi có trí tuệ mới thấu lý tứ diệu đế, cho nên gọi trí tuệ là của báu.

Trí tuệ chia ra làm hai phần: trí tuệ của người phàm, trí tuệ của bậc thánh.

Có chỗ chia trí tuệ ra làm hai phần thêm nữa: trí tuệ biết làm việc hữu ích cho mình, trí tuệ biết làm việc hữu ích cho chúng sanh.

Có chỗ chia trí tuệ ra làm ba phần nữa: trí tuệ suy xét biết chắc rằng việc này không lợi ích, trí tuệ suy xét biết chắc rằng việc kia có lợi ích, trí tuệ phát sanh do nhờ sự năng học hỏi Tam tạng.

Có chỗ chia trí tuệ ra làm ba phần: trí tuệ phát sanh ra trong lúc bố thí; trí tuệ phát sanh ra trong lúc trì giới, do nhờ suy xét thấy rõ các duyên cớ của mỗi giới hoặc thấy rõ các quả báo trong sự trì giới; trí tuệ phát sanh ra trong giờ công phu niệm Phật, tham thiền đoạn đến bực bỉ lạc, an lạc, nhập định hoặc suy xét thấy rõ các sự phước báu của phép thiền định.

Có chỗ chia trí tuệ ra làm bốn phần: trí tuệ xét biết chúng sanh đều do bởi cái nghiệp của mỗi người, nghiệp nào quả nấy, làm lành thì hưởng quả vui, làm dữ thì mang quả khổ; trí tuệ xét biết các sự, hành vi đều là vô thường, khổ não, vô ngã; thấy khổ đế mà chăm niệm, thấy tập đế là ái dục, để mà dứt trừ, thấy đạo đế để mà hành theo; trí tuệ phát sanh theo bực hành đạo cao thượng để đoạn tuyệt các phiền não (maggasamintanāna). Các bậc tu Phật đều do trước hết, nhờ có trí tuệ thứ nhứt trong bốn trí tuệ cuối cùng này, mà được chứng quả Niết-bàn, cho nên gọi trí tuệ là của báu.

Những người mà có 7 quả báu trong mình đã giải rồi ấy thì ắt sẽ hưởng được quả vui cao thượng, sanh ra làm người giàu sang, làm bực trời và hưởng quả Niết-bàn chẳng sai vậy.

‒ Dứt tác phẩm Thập độ và thật bửu nhà Phật (Dl.1947) ‒

 



[1] Tàu âm: Ba-la-mật.

[2] Hầm ngũ trần (kāmokkha) hầm tam giới (bhavaokkha), hầm tà kiến (ditthokkha), hầm vô minh (avijāokkha).

[3] (2)Thiên nhãn (dibbacakkhu), nhục nhãn (mamsamcakkhu), huệ nhãn (pānnācakkhu), Phật nhãn (buddhacakkhu).

[4] Thọ, tưởng, hành, thức.

[5] Sắc thâu do tứ đại là đất, nước, gió, lửa.

[6] Quỉ đói khát lắm, quỉ bị lửa đốt.

[7] Quỉ ăn nước giải, đàm, mủ.


[MỤC LỤC TÁC GIẢ][MỤC LỤC CHÍNH]