Toàn tập TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG (VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)

MỤC LỤC

Toàn tập TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG (VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)

PHẦN C. KẾT LUẬN

TIỂU LUẬN NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI CỦA TRƯỞNG LÃO HỘ TÔNG

1. Ghi lại phút cuối cùng của cao tăng Cố Đại đức Hộ Tông

2. Hoài niệm Sư tổ Hộ Tông

3. Điếu Cố Đại Lão Hòa Thượng Hộ Tông

4. Kỷ niệm Lễ húy nhật lần thứ 35 Cố Đại Lão Hòa Thượng Hộ Tông

HÌNH ẢNH

LỜI KẾT

 


PHẦN C. KẾT LUẬN

---

TIỂU LUẬN NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI CỦA TRƯỞNG LÃO HỘ TÔNG

1. Ghi lại phút cuối cùng của cao tăng Cố Đại đức Hộ Tông

Tôi có được cái may mắn hạn hữu là được gần gũi hầu cận Ngài, trong mấy hôm cuối cùng của cuộc đời Ngài, cho đến giây phút chót. Cho đến bây giờ, đã hơn 3 tháng trôi qua, nhiều đêm “Cúng tam bảo” xong, hồi hướng xong, nghĩ đến vài sự việc đời, tôi cũng còn bỡ ngỡ là mình có phải đúng là mình không? Và tại sao mình lại có cái duyên là gần gũi Ngài, chứng kiến đến phút cuối cùng của một vị Cao tăng, một vị sư Tổ của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam? Trong khi đó, các con Ngài, lại không được cái may mắn, cái phước báu đó! Và cũng chính vì nỗi suy tư đó, niềm hoan hỉ với cái duyên phước ít có đó, đã khiến tôi cầm bút, hồi nhớ và ghi lại, thật đầy đủ từng chi tiết, những sự việc xảy ra chung quanh sự viên tịch của Ngài.

Hôm đó là trưa ngày thứ Hai, 24/8/1981, sau khi dùng cơm trưa xong, vợ chồng chúng tôi lên cốc thăm Ngài như thường lệ, mọi khi chúng tôi đi xa về, (vợ tôi vừa đi Vũng Tàu về). Đến nơi chúng tôi được cô Diệu, con gái Ngài, cho biết là Ngài đang bị mệt, có lẽ do đau cúm. Chúng tôi vào tận giường thăm Ngài, lúc đó Ngài nằm im, mắt nhắm, hơi thở có vẻ nặng nhọc.

Sau khi biết rõ là chưa có ai đo nhiệt độ thăm nhiệt Ngài. Lúc đó là 2 giờ 15, nhiệt độ là 39o5. Mấy hôm trước Ngài bị đau cảm, gia đình có dâng thuốc Đông y và dự định đón bác sĩ lên chuẩn bịnh cho Ngài, chờ mãi chưa thấy lên. Tôi bàn với vợ tôi là nên dâng Ngài uống thuốc giải nhiệt ngay, vì với một cơ thể già yếu, 39o5 đã là nóng sốt lắm rồi. Vợ tôi dâng mấy viên thuốc Tifomycin. Và Ngài đã uống ngay viên thuốc Tifomycine đó. Sư Bửu Đức, đệ tử hầu cận Ngài, hôm đó đã yếu trong người, lại bị cảm gió nên hơi xanh. Tôi được gia đình Ngài hỏi ý, và nhận phụ giúp sư Bửu Đức, để gần gũi hầu cận Ngài. Sau khi uống viên thuốc Tifomycin, cứ cách 2 giờ, tôi lại lấy nhiệt độ Ngài 1 lần. Nhiệt độ dần dần giảm bớt xuống. Nhưng Ngài vẫn ho từng cơn ngắn, trong cổ khò khè như có đàm. Sư Giác Chánh đến thăm Ngài, thấy vậy mới ngỏ ý với các bà tu nữ là ai có rau tần dài lá, lấy một ít đăm nhỏ, vắt lấy nước dâng Ngài uống để hạ bớt ho. Và thật thế, uống nước rau tần dài lá, cơn ho của Ngài giảm hẳn. Chúng tôi và sư Bửu Đức mừng lắm. Tôi đỡ Ngài ra ngồi ở ghế dựa một chút, và lại cùng sư Bửu Đức đỡ Ngài nằm xuống. Tôi kê gối ở chân Ngài, để Ngài nằm thoải mái và xoa bóp chân Ngài. Ngài mở mắt ra và đáp: “Thôi em bóp chân làm gì, sư già gần chết rồi, bóp chi cho mệt, nghỉ đi”. Tôi không nghe, cứ tiếp tục bóp chân. Ngài mở mắt nhìn tôi, không nói. Tôi hỏi: “Bạch Ngài, có đỡ nhức chân không Ngài?” Ngài gật đầu. Tôi vui thích, thấy sự chăm sóc có hiệu quả, nên tôi tiếp tục xoa bóp đầu gối, bắp chân, đùi Ngài. Tôi thấy từ đùi trở xuống có rất nhiều nốt ruồi son đỏ tươi. Độ nửa giờ sau, Ngài mở mắt và bảo tôi: “Thôi em nghĩ đi cho khỏe, sư bớt đau nhiều lắm rồi, nghĩ đi em”. Tôi vâng lời Ngài, nhẹ nhàng kéo chăn đắp cho Ngài, rồi bước xuống giường, để Ngài nằm nghỉ.

Ngài nằm nhắm hai mắt, hơi thở đều hòa lại và thiu thiu ngủ. Tôi và sư Đức ra ngồi ở cửa cốc trò chuyện. Khoảng 2 giờ, tôi lại vào lấy nhiệt độ Ngài thì thấy càng về chiều, nhiệt độ càng giảm còn 37o8. Các bà tu nữ, các thiện tín nghe tin Ngài mệt, kéo đến thăm và đảnh lễ Ngài. Ngài vẫn nằm trên giường. Chú thợ hồ Chùa Bửu Quang đến thăm Ngài. Chú thợ hồ nói: “Bạch Ngài, đêm qua con nằm mơ, thấy Ngài bệnh con cõng Ngài, lòng con nóng nảy, sợ e có gì xảy ra nên chạy về thăm Ngài, hóa ra Ngài đau thật”. Ngài nghe chuyện, cười hiền từ nói: “Thấy chiêm bao, mà biết sư đau, hay thiệt”. Ngài hỏi chuyện và luôn nhắc chú thợ về sớm. Lúc đó 4 giờ 15, Ngài nói với tôi và sư Đức: “Tội nghiệp quá, nghe sư đau mà cũng ráng về thăm, coi vậy mà tốt lắm đó, nghe sư đau mà cũng ráng về thăm.”

Ngài hỏi sư Đức: “Mấy giờ rồi”, sư Đức: “Bạch Ngài, đã 5 giờ”. Ngài bảo tôi: “Thôi chiều rồi, em về đi. Mai lên với sư, ở đây cả ngày cũng mệt lắm”. Tôi đáp: “Bạch Ngài, bây giờ con xuống nhờ mấy Bà vắt nước rau cho Ngài uống, xong con tắm rửa. Tối nay con lên với Ngài, vì Ngài đau nhiều, e một mình sư Đức đã thức nhiều đêm, sợ sẽ mệt mỏi lắm.” Ngài không cho, bảo tôi về nghĩ, sáng sớm mai lên. Tôi thưa: “Bạch Ngài, con đang giữ thập giới, về nhà hay ở đây cũng vậy, ở đây gần Ngài, săn sóc Ngài phụ với sư Đức cũng được nhiều phước vậy Ngài” Ngài nhìn tôi: “Sư sợ em thức đêm mệt, bệnh đó”. “Bạch ngài, con đang rất khỏe, đủ sức hầu Ngài cho đến khi Ngài hết bệnh thì thôi; Bạch Ngài bây giờ con về, lát nữa 6 giờ con lên nghe Ngài”. À, trước khi con về, con xin Ngài cho lấy nhiệt độ cho con an tâm”. Ngài đồng ý, và lấy nhiệt độ là 37o7. Tôi kéo chăn đắp cho Ngài và từ giã sư Đức ra về.

6 giờ 15, chiều ngày 24/8/81, sau khi tắm và thay đồ xong, tôi lên cốc Ngài, vợ và con tôi hỏi tình hình sức khỏe Ngài. Nghe được nhiệt độ giảm, Ngài bớt ho, ai cũng mừng, các sư đang nhập hạ cũng lần lượt đến thăm Ngài.

7 giờ 30 tối, sư Đức yếu trong người, bị trúng gió, tôi và cô Diệu cạo gió cho sư, sư đỏ bầm mình. Sư Đức lại xổ mũi, có lẽ do tận tụy các đêm trước đây, khi Ngài mới nhuốm bệnh. Cô Diệu bảo tôi giăng mùng cùng với sư Đức ngủ sớm, để trong đêm có sức hầu Ngài. Tối tắt đèn lúc 19 giờ 35, và ngồi bên cạnh giường Ngài đến 21 giờ, theo dõi từng hơi thở rời rạc của Ngài. Cách 1 tiếng đồng hồ sau, tôi và sư Đức đỡ Ngài ngồi dậy để uống rau tần và uống thêm một viên Tifomycine. Ngài có vẻ dễ chịu, Ngài bảo: “Thôi hai người đi ngủ đi, khuya rồi”.

Chúng tôi vâng lời ngài, tôi nhẹ bước ra cốc, làm vài động tác, thở hít thoải mái. Mặt trăng chưa lên trên nền trời, muôn ngàn vì sao lấp lánh trong chiếc áo đen thẳm của dạ thần hương ngọc lan, ban đêm bay thoang thoảng vào trong gió nhẹ, nâng tâm hồn lên cõi sảng khoái, thanh tịnh lạ kỳ. Bỗng tôi nghe hỏi: “Mấy giờ rồi Đức”. Tôi tỉnh giấc, vội nhìn đồng hồ tay và đáp lời Ngài: “Bây giờ là 12 giờ kém 15, khuya rồi Ngài”. Sư Đức ngồi dậy từ nãy nhìn tôi. Xong chúng tôi ngồi chờ Ngài hỏi thêm. Song không nghe nữa, nên nằm xuống tiếp tục ngủ. Được một chập, Ngài lại hỏi: “Mấy giờ rồi!” Tôi và sư Đức cùng nhìn đồng hồ đeo tay. Sư Đức bạch Ngài: “Đã 1 giờ 20 sáng, bạch Ngài”. Chúng tôi lại nằm xuống cố dỗ giấc ngủ. Đang mơ màng, Ngài lại hỏi: “Mấy giờ, mặt trời… mặt trời lặn chưa?” Chúng tôi cùng ngồi phất dậy.

Sư Đức bạch Ngài: “Bây giờ là 2 giờ 15 sáng, bây giờ mặt trời chưa mọc, Ngài ạ!” Ngài bảo: “Ra coi mặt trời lặn chưa?”

Chúng tôi đành ngồi im, cầu xin Tam bảo phù hộ cho Ngài qua cơn bạo bệnh. Nhìn nét mặt Ngài bình thản, hôm nay xanh xao có vẻ gầy tóp đi đôi chút, với đôi lông mày dài màu trắng nhiều hơn màu đen, đôi mắt nhắm nghiền lại trong giấc ngủ (hay thức tôi cũng chẳng hiểu). Lòng tôi bỗng dâng lên niềm thương mến như đối với cha tôi, cũng sóng mũi cao, cũng đôi mày dài che phủ xuống nữa mí mắt khi Người nhắm mắt ngủ. Tôi thầm nói nhỏ trong tâm: “Ngài ơi! Ngài ráng hết bệnh nghe Ngài. Con thương Ngài lắm; con cầu xin Chư Phật ban ơn phù hộ Ngài qua khỏi cơn bệnh này; Ngài thở có vẻ khó nhọc quá, con sợ lắm, con sợ Ngài tịch lắm; cầu xin Chư Thiên hộ trì Ngài!” Rồi tôi thầm đọc kinh “Cúng Tam bảo”. Đang đọc đến đoạn cúng Pháp Bảo, tôi bỗng giật nẩy mình, khi nghe Ngài hỏi lớn: “Mấy giờ rồi Đức… mấy giờ rồi?” Tôi quay lại, sư Đức đang ngồi dậy sửa lại nếp y. Chúng tôi nhìn đồng hồ tay, đã 3 giờ 15 khuya. Tôi nghe sư Đức: “Bạch Ngài 3 giờ 15, Ngài!” Ngài lại hỏi: mấy giờ rồi, tôi ghé tai Ngài “Bạch Ngài, mới có 3 giờ 15 sáng, thưa Ngài?” Ngài vẫn nhắm mắt, bảo: “Ra coi mặt trời lặn chưa?” Tôi ra nhìn bầu trời, sao Mai đã hiện ở chân trời sáng hơn các vì sao khác. Ánh trăng vàng vọt chiếu qua các kẽ lá, trải những bóng dài trên sân. Có vài tiếng gà gáy ở xa xa, bên doanh trại bộ đội vọng sang. Tôi trở vào: “Bạch Ngài, bây giờ mới có 3 giờ 15 khuya, trăng còn sáng, mặt trời chưa mọc Ngài à”. Còn sớm lắm ngài, mới bắt đầu gần sáng thôi!”

Ngài mở mắt ra nhìn tôi và sư Đức, Ngài nói: “Diệu, kêu cô Diệu lên đây”. Sư Đức hỏi lại: “Bạch Ngài, kêu cô Diệu lên làm gì Ngài?” Ngài trả lời: “Kêu cô Diệu lên cho sư dạy việc”. Tôi đáp: “Bạch Ngài, bây giờ mới có 3 giờ khuya, sớm quá, kêu cô Diệu lên hay để lát nữa Ngài!” Ngài khoát tay: “Kêu lên cho sư dạy việc…Diệu…Diệu”. Tôi bỗng thấy tâm báo điều bất thường, tôi nói: “Bạch Ngài, con sẽ đi gọi Cô Diệu lên, nhưng con lo quá, Ngài cho con cặp thủy xem sao, chứ con lo quá Ngài ạ! Con lấy thủy cho an tâm, rồi con sẽ đi kêu cô Diệu” Ngài gật đầu, tôi cặp thủy lại lúc đó là 3 giờ 20, nhiệt độ của Ngài là 37o, nhiệt độ trung bình của người bình thường. Ngài lại hỏi tôi: “Mấy độ?” “Bạch Ngài, 37o, Ngài mát lại rồi đó Ngài! Vậy là con an tâm, con đi gọi Cô Diệu lên cho Ngài đây”. Sư Đức trông chừng Ngài hộ tôi, và sư Đức gật đầu.

Tôi ra cửa cốc, bật đèn pin, đi thật nhanh đến cốc cô Diệu. Trong cốc đèn điện sáng trưng, chắc là cô Diệu đang ngồi thiền. Tôi đến sát cửa sổ, khẽ gọi: “Cô Diệu, cô Diệu”. Vừa nghe gọi giữa đêm khuya, chưa kịp mở cửa; Cô Diệu, cô Tư…bỗng hỏi dồn dập, hốt hoảng: “Sao! Sao Ngài có sao không?” Tôi vội đáp: “Không, không sao đâu, Ngài có 37o, Ngài mát lại rồi, ngài dạy cô Diệu lên để Ngài dạy việc”. Cô Diệu vừa mở cửa, vừa nói: “Sư gọi hả! Tôi lên bây giờ”. Gọi xong, tôi vội vàng bước nhanh về cốc Ngài. Độ ít phút sau, cô Diệu lên đến: “Bạch Sư, có gì không Sư”. Ngài chưa nghe rõ, tôi tiếp theo: “Bạch Ngài, cô Diệu lên rồi đó Ngài”. Ngài mở mắt nhìn, xong nhắm mắt lại, Ngài bảo: “Diệu! thỉnh Xá lợi ra Bồ Đề, rồi gọi các Sư, ra đọc kinh “Cúng Tam Bảo”, cúng sáng cúng chiều, hồi hướng phước cho Chư Thiên, cho có phước; nhớ cúng sáng, cúng chiều, đọc cho lớn, cho họ nghe với”. (Họ là ai, Chư Thiên chăng?). Cô Diệu nghe không rõ, vì lúc đó giọng nói của Ngài gấp rút, không rõ ràng nên hỏi lại: “Ngài biểu đọc kinh gì Ngài?” Ngài trả lời lớn, nghe rõ hơn: “Cúng Tam Bảo… rồi sư Đức đem cuốn kinh ra đọc giải nghĩa cho các Bà nghe, nhớ giải cho rõ!” sư Đức hỏi lại: “Đọc cuốn niệm Số tức quan, hay là Giới Định Tuệ của Ngài?” Ngài bảo: “Đọc cuốn tôi viết đó, cuốn Giới Định Tuệ, rồi giải nghĩa ra cho các Bà hiểu rõ mà làm!”

Lúc đó là 4 giờ 5 phút, sáng 25/8/81, Cô Diệu đứng dậy: “Bạch sư, con về gọi các Bà cúng”. Ngài đáp: “Ờ, ờ, đi đi, cúng nhớ đọc cho lớn, cho Họ nghe với, làm trai tăng 3 ngày, nhớ đọc cho lớn”. Cô Diệu vâng lời trở về cốc. Tôi và sư Đức cuốn mùng màn xong, ngồi sát ngay giường Ngài cả đêm không an tâm, ít dám ngủ, trông sư Đức phờ phạc ra. Tôi khẽ bảo: “Sư trải chiếu ra nằm đỡ chút đi, đừng ngồi mệt mỏi lắm. Sáng mai sư có việc về Sài Gòn, tôi sẽ trông nom Ngài thay sư, bây giờ gần sáng, tôi về rửa mặt thay quần áo, rồi sẽ lên để sư đi lo công việc”.

Sư Đức gật đầu: “Anh về nhà chút đi”.

Tôi ra về, trời về sáng, sao đầy trời, ánh trăng vàng úa không đủ soi bóng lối đi qua các rặng cây để về nhà. Cả nhà vội lo chuẩn bị để ra cùng ở nơi Bồ Đề.

Tôi rửa mặt, thay áo quần, ăn tí xôi xong, lên ngay cốc Ngài. Lúc đó là 5 giờ kém 15, sư Đức đang sửa soạn đi cúng, đang ngồi ở cạnh giường Ngài. Tôi vào ngồi cạnh đó. Tôi hỏi Ngài: “Bây giờ sư Đức đi cúng nghe Ngài”. Ngài ờ và gật đầu. Ngài bảo: “Đọc giải nghĩa rõ ràng cho người ta hiểu” sư Đức hỏi lại: “Bạch Ngài, giảng nghĩa làm sao Ngài?”. Ngài chưa nghe. Tôi ghé sát Ngài: “Bạch Ngài, sư Đức giải nghĩa ra sao Ngài?” Ngài nói: “Giải cho rõ, cho họ hiểu”. Sư Đức nhờ tôi: “Anh hỏi dùm tôi, giảng làm sao? Đâu có biết gì mà giảng sách của Ngài!” Tôi vội hỏi y như vậy: “Bạch Ngài, sư Đức nói sư đọc thì được, đâu dám giảng sách của Ngài!” Ngài nói lớn có vẻ rầy la: “Sao không biết, tôi dạy ông bao lâu, mà ông không biết, ông không chịu học, ông là tổ làm biếng đó! Không học rồi nói không biết”. Sư Đức hoảng kinh, không dám nói. Ngài lại tiếp: “Ông gần tôi, tôi dạy ông, sao ông nói không biết giảng, không biết cái gì, trong đó tôi viết rất rõ ràng, cứ coi theo đó mà đọc lại cho các bà nghe, nghe cho rõ rồi làm cho đúng, sao ông còn ngồi đó?” sư Đức vội vàng đáp: “Dạ, con xin đi ngay đây Ngài”. Sư nói nhỏ với tôi: “Anh Tâm hỏi dùm Ngài, còn dặn gì nữa không?” Tôi cũng vội hỏi cho sư Đức: “Bạch Ngài, bây giờ sư Đức ra bồ đề cúng xong, đọc cuốn Giới Định Tuệ cho các Bà nghe, Ngài có dặn gì nữa không ạ” Ngài mở mắt nhìn tôi (Lúc đó sư Đức ngồi ở phía đầu giường Ngài, còn tôi thì ngồi ở cạnh giường, ngang giường Ngài) và bảo: “Thôi đi cúng đi, nhớ đọc kinh cho lớn, bảo Cô diệu làm trai tăng 3 ngày, cúng sáng cúng chiều, đọc cho lớn đó!” Nói xong Ngài nhắm mắt lại. Sư Đức nhè nhẹ đi khỏi phòng, sau khi lấy cuốn sách Giới Định Tuệ của Ngài viết lúc ở Pháp chưa xuất bản kịp, để mang ra Bồ đề, đọc cho các Bà và quý sư nghe. Lúc đó là 5 giờ.

Còn lại một mình tôi, tôi kéo chăn mỏng đáp cho Ngài, vì gần sáng, trời hơi mát lạnh. Tôi hỏi Ngài: “Bạch Ngài có uống nước không Ngài?” Ngài hỏi: “Nước rau gì đó còn không?” Tôi thưa: “Bạch Ngài, con mới mang lên đây, để dâng Ngài uống” Thế rồi, một tay tôi nâng đầu Ngài, một tay bưng chén thuốc rau cần để Ngài uống! Uống xong Ngài nằm xuống. Ngài nằm im lặng một lúc rất lâu. Đến khoảng 5 giờ 20, Ngài mở mắt ra nhìn tôi: “Em có mệt không? Tội nghiệp quá!” Bạch Ngài, con không mệt lắm đâu. Ngài bây giờ trong mình ra sao Ngài?” Ngài đưa tay lên, hạ xuống, bỗng Ngài nhìn tôi và nói: “Sư thương em lắm, mà em không biết đâu!” Ngài khẽ lắc đầu, tôi chỉ đáp dạ nhỏ, rồi im lặng. Tôi chợt buồn, buồn lạ lùng, vì tôi không làm được những gì để cho tròn lời hứa với Ngài. Xuất gia sa di trong ba tháng hạ này, thủ tục giấy tờ không cho phép tôi; hoàn cảnh đó tôi không làm sao hơn được. Tôi đã trình cho Ngài lúc Ngài chưa bệnh. Ngài có vẻ trầm ngâm, và khi tôi bộc lộ vẻ buồn, Ngài khuyên tôi: “Thôi không xuất gia được, thì ngũ giới cho trong sạch cũng được nhiều phước báu lắm; sư thương em lắm, em không biết đâu, em cần gì Sư, sư cho em hết, em cần gì Sư?” Bạch Ngài con đâu cần gì Ngài, vì Ngài đã xuất gia, con chỉ xin Ngài cho phước cho con, và dạy bảo con luôn luôn là con sung sướng lắm, con không cần gì cả, chỉ cần xin phước với Ngài thôi, Ngài!”. “Ờ sư cho phước em hết đó, ráng tu, giữ giới cho trong sạch, phước sẽ đến, em tốt lắm. Sư thương em lắm, em không biết đâu!”

Đó là những lời vàng ngọc của Ngài đã nói với tôi trước đây non tháng, hôm nay Ngài nhắc lại, tôi chợt nhớ, lòng chùng xuống, se thắt lại. Buồn dâng lên làm tôi nghẹn ngào. Lúc sau tôi nắm tay Ngài thật nhẹ, khẽ bóp bóp bắp tay ngài. Tôi bạch ngài: “Bạch Ngài, con đội ơn Ngài, vì con biết Ngài thương con lắm, con rất buồn vì chưa xuất gia gieo duyên được, Ngài đừng buồn con nghe Ngài!” Ngài nhìn tôi với đôi mắt vô cùng hiền hậu, như cái nhìn của người cha với đứa con yêu, mà Ngài không nói gì cả. Bỗng Ngài nhắm mắt lại, và Ngài bắt đầu nói, giọng lại rõ ràng, đủ nghe: “Em biết không, sư bỏ hết gia đình vợ con để đi tu”. Lúc mới đầu, cô bạn sư cũng làm dữ đủ cả, sư phải trốn đi nhiều lần, sư không dám về nhà, sợ cô bạn thấy, cứ đi hết chỗ này ra chỗ nọ để tu, sư đã bỏ hết, dứt hết.

Mình quyết tâm là làm được. Sư trốn đi nhiều chỗ, tìm thầy, tìm sách kinh học hoài, hành hoài, rồi sư tìm được đạo! Chà sướng thiệt, em biết không, sư sung sướng quá! Thấy được đạo là say mê, quên cả ăn ngủ. Em ráng tu đi, sư đã bỏ cả gia đình vợ con, cực khổ lắm, mà không thối chí! Cứ ráng giữ giới, ráng tu cho trong sạch, chư Thiên hộ trì, không lo đói, ăn không hết đâu. Phải tin ở Phật Pháp nhiệm mầu; chỉ có giới trong sạch mới tạo được nhiều phước báu em biết không?” Ngài dừng lại, nghĩ mệt một chút, rồi nòi tiếp: “Sư không có quên em đâu; Tâm em tốt lắm, sư nhớ hoài, thích làm phước, như vậy tốt lắm. Sư nhớ lúc trước, em làm ruộng chở gạo dâng chùa trai tăng; sư nhớ hoài, em đi cải tạo sư vẫn nhớ em, cho phước em. Sư thương em lắm, em cần gì sư cho em hết” Tôi không đáp lời Ngài, mà lòng yên lặng, cảm động đến nghẹn ngào.

Tôi nắm tay Ngài, bóp nhè nhẹ. Bắp thịt tay của vị cha già lòng lẻo, sờ thấy hai đầu xương. Ôi! Vô thường! Ôi! Khổ não! Đức Phật 80 tuồi rồi cũng tịch diệt. Nay Ngài 88 tuổi, lại đau yếu khổ bệnh như vậy, và một ngày nào đó Ngài cũng sẽ viên tịch. Chỉ còn lại chăng là những lời giáo huấn này, những lời dạy bảo thương yêu này ghi khắc mãi mãi vào tâm khảm của người con Phật, lòng luôn hướng Ngài. Nghĩ đến cái chết, lòng luôn hướng về Ngài. Nghĩ đến cái chết, nghĩa là mất Ngài, nghĩa là hỏa thiêu Ngài, còn lại là di cốt. Nghĩ đến đó, tôi lại rùng mình, sợ hãi. Ngài viên tịch ư! Rồi Ngài lại hóa thành cát bụi hư không, hình hài này sẽ tan biến mất, mất hết cả ư! Tôi bỗng thấy sợ quá, nghe bừng nóng sau lưng, và mồ hôi vã ra ở lưng áo. Cầu xin chư Thiên hộ trì cho Ngài! Tôi thầm cầu xin và nói thầm trong tâm như vậy. Tôi nhìn Ngài đang nhắm mắt nằm im lặng, có một vẻ gì phảng phất như Ngài đang ngủ, không cần biết đến đời sống bên ngoài rộn rịp buổi sáng bình minh đang đến rõ dần lên ngoài cửa cốc. Tôi nhìn ra khoảng trời rực sáng xuyên qua khung cửa sổ. Ánh nắng ban mai vàng nhạt thoa một lượt phấn vàng lợt trên ngọn cây trước sân cốc.

Buổi sáng của cuộc đời vừa thức giấc từ xa xa, chứ trong vòng sân chùa, sân cốc này, buổi sáng chỉ là sự yên tĩnh thật tràn đây. Không nghe thấy gì ngoài tiếng gáy của chim cu, thỉnh thoảng lại gáy rời rạc ở gần cội Bồ đề, và sự yên tĩnh tràn ngập phóng ánh nắng ban mai lén nhè nhẹ qua kẽ lá, bò chầm chậm vào ven sân, rồi đậu trên khung cửa. Trong phòng chỉ có tiếng nhịp thở nhanh của Ngài.

Bỗng Ngài trở mình, muốn ngồi dậy. Tôi vội vàng quàng tay sau gáy, và đỡ Ngài ngồi lên. Ngài đi tiểu xong, nằm xuống. Tôi dâng ngài nửa cốc nước gạo rang nóng. Ngài uống xong nằm xuống và hỏi: “Mấy giờ rồi?” Tôi bạch ngài là 5 giờ 30. “Sư Đức đi cúng chưa?” “Bạch Ngài, sư Đức đi cúng nửa giờ rồi Ngài”.

Ngài im lặng một lúc bỗng Ngài nói, trong khi mắt vẫn nhắm: “Tu là phải hành, học gì, học mà không hành cho tinh tấn, cho đúng thì sẽ đắc”. Đời này lo học mà không lo hành, học gì, ông gì đó, cứ lo dạy học không lo tu! Ông gì đó cứ lo dạy sao không lo hành! Tu hành là chánh, cứ lo học, học hoài, học hoài... không chịu hành cho đúng, tội chết, tu là phải hành. Dạy người ta học là phải dạy hành, hành cho nhiều, cho đúng. Nhớ đó! Nhớ hành cho đúng thì sẽ đắc. Sư bảo phải tin ở Phật pháp. Có tin tưởng, hành mới tinh tấn, lúc đắc rồi thì sướng lắm. Sư sướng quá, thiệt là Phật pháp nhiệm mầu! Em ráng tu đi, phải hành cho nhiều. Học gì? Học thì phải hành chứ? Không biết cứ hỏi sư, sư nói cho nghe, hay lắm! Ráng mà hành cho đúng”. Đến đây Ngài im lặng.

Đôi mắt nhắm nghiền, hơi thở nặng, nhanh, có lẽ vì Ngài nói hơi nhiều. Tôi cầm quạt, quạt nhẹ nhẹ, xa xa ngài, và sửa lại chiếu gối kê ở chân Ngài. Tôi bạch ngài: “Bạch Ngài có mệt lắm không? Ngài lắc đầu, và hỏi mấy giờ rồi. Tôi bạch Ngài là 5 giờ 40 sáng rồi.

Vừa lúc đó sư Bửu Đức và quý bà cúng ở Bồ Đề xong, về đến cốc vấn an Ngài. Tôi bàn giao cho sư Đức để về ăn sáng. Đến 6 giờ lên trông nom Ngài, để sư Đức về Sài Gòn có việc. Khi tôi lên cốc Ngài, thì Ngài muốn ra ngồi ở ghế dựa. Tôi và sư Đức và sư Giác Chánh đỡ Ngài ra ngồi. Ngài nhắm mắt lại, vẽ mặt và màu da xanh xao rõ. Sư Giác Chánh nghe Ngài thở khò khè hơi nặng, mang hộp thuốc của chính mình dâng lên Ngài dùng. Ngài cầm lấy xem xét, hỏi han cách trị liệu. Ngài bảo để đấy, khi cần sư sẽ dùng. Tôi bạch Ngài: “Bạch Ngài đang mệt, lại ho có đàm, sẵn thuốc đúng bệnh, xin Ngài cho con bơm để Ngài thở dễ dàng hơn Ngài.” Ngài nhìn tôi, không nói. Tôi lắp bơm vào lọ thuốc. Ngài há miệng ra; tôi bơm vào cổ họng một hơi thuốc. Ngài ngậm lại, và một chốc sau cơn ho dịu hẳn đi, tiếng khò khè cũng giảm đi nhiều. Sư Giác Chánh và chúng tôi đều mừng, vì thấy rõ công hiệu thuốc. Lát sau, cô Diệu mang đến dâng thức ăn điểm tâm gồm cháo, thịt, sữa, pho mat, chuối và đường. Ngài muốn đứng dậy, tôi và sư Đức đỡ dìu hai bên để Ngài đến ngồi ở ghế cạnh bàn ăn. Ngài điều chỉnh chiếc ghế xoay vừa tầm ngồi, im lặng, quán tưởng trước khi ăn; xong Ngài bắt đầu dùng. Cô Diệu đứng cạnh tiếp thức ăn. Ngài dùng đến món cháo, khi dùng thì bị nghẹn ở cổ, đành bỏ dỡ buổi điểm tâm. Chúng tôi đỡ Ngài đến ghế dựa. Tôi xoa nhè nhẹ ở phần bụng Ngài để thức ăn dễ tiêu hoá. Ngài nhắm mắt lại, như người đang ngủ, không nói lời nào nữa.

Cô Diệu nhìn tôi, cười hiền lành, vì cả tôi và cô vừa mới bị Ngài la. Số là, lúc đỡ Ngài đến ngồi cạnh bàn ăn; sợ Ngài yếu không điều chỉnh được ghế ngồi, nên tôi vừa đẩy nhẹ cái ghế và sửa chân Ngài cho ngay ngắn thì Ngài la: “Để đó sư, làm như sư gần chết”. Tôi vội lui ra nhìn cô Diệu, cô cười. Cô định bưng chén cháo, cầm muỗng đút cho Ngài, Ngài lại la: “Để đó, làm như con nít vậy”. Ngài cầm muỗng tay run run, mà vẫn cố gắng tự múc cháo, đang ăn thì bị nghẹn cổ. Bây giờ nhớ lại, thì đó là lời rầy la, và cũng là cuối cùng đối với tôi, trong suốt 14 năm được biết và gần Ngài. Giá mà bây giờ, tôi còn được Ngài rầy như vậy chắc là sung sướng lắm, vì Ngài vẫn còn ở với tôi.

Ngài nằm yên như vậy khá lâu. Sư Cả, sư Mười lên thăm Ngài, thấy Ngài nằm yên như vậy khá lâu, không dám kinh động, nên ngồi xuống hai bên cạnh Ngài. Sư Liêm được chỉ định phụ cùng với tôi hầu Ngài, thay sư Đức về Sài Gòn, trưa mới trở về. Hai sư ngồi lâu mới lấy hai quyển kinh Niệm Tâm Từ và Giới Định Tuệ của Ngài để trên bàn, lật ra xem.

Đang xem thì Ngài mở mắt ra hỏi: “Đi đâu vậy?” Sư Cả và sư Mười Tân Châu vội đảnh lễ Ngài, vừa đáp: “Bạch Ngài, con lên thăm Ngài, thấy Ngài nằm yên, nên không dám hỏi”. Ngài trả lời: “Thăm chi, sư chưa chết đâu”. Cả mấy vị cùng cười đồng cười. Ngài hỏi: “Coi cuốn gì đó?” Bạch Ngài cuốn Niệm Tâm Từ và Giới Định Tuệ!”. “Lấy ở đâu vậy? Sao không hỏi sư? Coi mà không hỏi gì sư vậy?” Cả hai vị không ai dám trả lời. Ngài chỉ tay vào cuốn sách Niệm Tâm Từ ở tay sư Mười: “Cuốn này ở bên Tây, không phải của Sư. Cuốn kia cà, sư mới viết xong đó”. Ngài đưa tay cầm cuốn Giới Định Tuệ trong tay sư Cả, tôi sực nhớ có hôm nọ Ngài bảo tôi rãnh lên Ngài cho phép lấy mà học. Tôi liền thưa Ngài: “Bạch Ngài, Ngài có hứa cho con chép cuốn Giới ĐịnhTuệ, hôm nay con hầu Ngài không làm gì, Ngài cho con chép được không Ngài?” Ngài gật đầu: “Ờ, chép đi, lấy giấy lên đây chép đi. Em chép xong cuốn này trong bao lâu?” Tôi đáp liền, dù chưa biết dầy hay mỏng: “Bạch Ngài, con cố gắng chép thì trong buổi sáng có thể được 1/3 cuốn sách Ngài ạ!” Ngài nhìn tôi ngạc nhiên: “Mau dữ vậy à! Chép đi, chép cho mau, rồi sư giảng cho nghe, hay lắm. Em về lấy giấy lên đây chép ngay đi. Còn ông này, ông này, Ngài chỉ sư Mười và sư Cả, cũng lấy giấy tập lên đây chép lại mà học, hay lắm.”

Cả hai vị đều dạ dạ, song vẫn ngồi quanh Ngài. Ngài trao cuốn Giới Định Tuệ cho tôi, vừa nói một vài câu chuyện vui với mọi người. Ngài nhìn sư Cả và nói: “Sao mà Ông ốm quá vậy”. Bà Bảy, con của Ngài hỏi lại Ngài: “Bạch Ngài, Ngài có biết ai đó không Ngài?” Ngài trả lời dí dỏm: “Biết chớ, ông này lớn lắm đó”. Ngài hỏi sư Cả: “Ông nặng mấy ký, sao mà ốm vậy?” Bạch Ngài, con cân được 38 ký thôi”. Ngài cười đùa: “Sao mà nhẹ vậy, tôi với ông ra vật lộn đi coi ai thua, ông chịu không. Vật lộn đi?” Cả phòng nghe câu bông đùa của Ngài đều cười đùa vui vẻ. Ngài lại tiếp tục hỏi về việc chùa! Về việc xây tháp cho Ngài, Ngài không nói gì cả. Sư cả trình địa điểm Tháp xây ở sau Bồ Đề, để Ngài coi có được không?” Ngài không trả lời mà hỏi lại: “Chà làm lớn vậy có xong không? Đủ tiền không?” Bà Bảy vừa cười vừa đáp thay sư Cả: “Bạch Ngài, Ông sư Cả có nhiều tiền lắm Ngài, thế nào cũng xây xong mà Ngài”. Ngài không hỏi nữa. Ngài lại kể về thiện tín ở Pháp dâng cho Ngài bao nhiêu là tiền, và Ngài mang làm phước hết. Ngài nói: “Em biết không, ngày sư về, họ tới nườm nượp, phát mệt, ai cũng muốn tu, mà tiếc là không có sư ở lại, để học đạo. Rồi họ dâng tiền, nhiều thật nhiều, để làm phước, sướng quá”. Tôi hỏi: “Bạch Ngài, Ngài ở Pháp có thấy thích thú không Ngài?” “Thích gì, lạnh quá lạnh, sư không đi đâu được chỉ quanh quẩn trong căn phòng mấy mét vuông, tù túng lắm. Có lần sư đi ra ngoài, lại quên tên đường và số nhà. Sư đi bộ từ sáng đến 4 giờ chiều, hết đường này qua đường nọ và không nhớ đường về, thiệt xấu hổ quá! Ngài cười, vậy chớ mà hay, sư đi hoài, mệt gần chết, mỏi chân quá, sư mới nói: Chư Thiên ơi, Chư Thiên chỉ cho tôi về nhà, chứ tôi già mà đi hoài vậy, mệt mỏi chắc chết quá! Sau đó, ở nhà tự nhiên đứa cháu thấy vắng sư lâu quá, nên đi kiếm, cuối cùng nhờ Cảnh sát đưa về nhà, họ tử tế quá thật!” Ngài kể chuyện một chập rồi muốn đi nằm. Tôi và sư Liêm định đỡ Ngài thì Ngài không cho, bảo để Ngài đi. Ngài đứng lên, đi đến giường nằm xuống. Ngài thở nhanh, có vẻ mệt, tôi kê gối ở chân cho Ngài và quạt nhẹ nhẹ. Ngài mở mắt ra: “Thôi em lại ngồi bàn chép cho mau đi, chép đến đâu, sư giải cho đến đó, coi theo đó mà hành. Em chép mau đi, đừng có ngồi quạt cho sư nữa, đi đi”. Tôi vâng lời, cũng vừa lúc đó, con gái tôi, Bảo Châu mang tập sách đến. Tôi bắt đầu chép tựa đề. Ngài hỏi chép đến đâu rồi. Tôi đáp: “Bạch Ngài, mới đề tựa Pháp Trích Dịch của Ngài Đại Đức Bhudagbosa thôi. Ngài bảo đâu đưa coi, Ngài cầm lấy lật xem, và chỉ tay bảo tỉ mỉ: “Ở đây thì ghi là Pháp Trích Dịch, bỏ trang này, qua đây bắt đầu chép, chép cho mau, sư giảng cho nghe. Chữ nào không rõ hỏi lại sư, cần nhất là chép cho đúng nghĩa chữ, em ráng chép cho mau nghe!” “Dạ con chép ngay đây”. Tôi vội vàng chép ngay. Thỉnh thoảng, Ngài ngồi dậy đi tiểu. Sư Liêm chưa quen nên lúng túng, tôi bỏ bút chạy lại đỡ Ngài. Ngài cố gắng khoát tay không cho tôi đỡ, la tôi: “Thôi, không cần đỡ đần gì hết, đi chép cho mau đi, chép đi, chép đi, khỏi, khỏi …” Tôi lại phải ngồi lại, để một mình sư Liêm hầu Ngài. Tôi cắm cúi chép gần 9 giờ. Vợ tôi và các con lên thăm Ngài. Bảo Châu hỏi tôi: ‘Bố! Con quạt nhẹ cho Ngài được không?” Tôi gật đầu, Bảo Châu sung sướng cầm quạt, đứng quạt nhẹ nhẹ hầu Ngài trong suốt hơn tiếng đồng hồ. Nét mặt nghiêm trang sùng kính của con, khi cầm quạt hầu Ngài khiến cho tôi càng an tâm, thỏa thích, cố gắng tối đa để chép kinh. Con trai tôi, Minh Trung, vào quỳ cạnh Ngài, nhưng không dám hỏi. Minh Trung đã dùng bàn tay nhỏ xíu nắm bắp tay Ngài, mà Ngài không nói gì cả. Tôi bảo con để yên cho Ngài nghỉ. Vợ tôi và các con tôi đảnh lễ Ngài xong ra về. Tôi vẫn ngồi chép kinh cho nhanh theo lời Ngài dạy. Đến 11 giờ, sư Đức về đến. Tôi bàn giao cho sư Đức về dùng cơm cho kịp giờ, và hẹn là 2 giờ sẽ lên thay cho sư về nghỉ.

Các con tôi bốn đứa chờ ở nhà, nằm im thin thít. Tôi trấn an vợ con, và nằm nghỉ giây lát xong dùng cơm, tắm rửa. Đến 2 giờ 20, tôi lên cốc Ngài thì thấy có sư Giác Chánh và sư Đức đang hầu Ngài. Hai vị sư cho biết nhiệt độ của Ngài lại tăng lên 39o. Lúc trưa 12 giờ Ngài có đi ngoài, trong khi sư Đức đưa Ngài đi, Ngài lại nói một câu tiếng Pháp vui vẻ. Sư Đức hỏi, Ngài đáp là: “Tôi sẽ trả cho ông những gì phải trả”. Đi xong Ngài ngồi ở ghế dựa, nói đạo cho mấy bà nghe, rồi mới đi nằm. Lúc tôi lên đến nơi là 2 giờ rưỡi, Ngài nằm yên, hơi thở gấp rút, nặng nhọc. Sư Giác Chánh bàn với tôi: “Tình trạng Ngài càng ngày càng nặng, sắc diện có vẻ xanh đi, trông bác sĩ ngày nay mà chưa thấy lên”. Tôi bèn nói ra ý nghĩ: “Hay là bao xe lam chở Ngài đi bệnh viện gấp, may ra còn kịp”. Hai vị sư có mặt đồng ý, và bàn bảo với cô Diệu xem sao?” Nhưng khi xuống cốc cô Diệu, thì được biết cô Diệu đang viết giấy nhờ cô Sáu Cúc mang tay gấp về Sài Gòn gọi bác sĩ lên. Tôi phải đành chịu vì ý của gia đình không muốn đưa Ngài đi bằng xe lam, sợ e Ngài không chịu nổi các cơn dằn xốc của chuyến đi. Tôi dặn dò rất kỹ là cô Sáu Cúc phải dùng phương tiện nào nhanh nhất. Nhờ Ông Hai Một đưa đi Sài Gòn, hoặc đưa Vespa ra xa lộ. Nhìn cô Sáu đi khuất, tất cả đi nhanh lên chùa, tôi mới trở lại cốc Ngài. Cô Tư Bông, cô Diệu, bà Bảy… đang ở trong sân cốc, ai nấy có vẻ lo lắng lắm. Lúc đó là 3 giờ 10.

Thỉnh thoảng, Ngài nói vài câu gì nghe không rõ. Nếu hỏi Ngài, Ngài không đáp. Ngài vẫn nằm im. Nhưng thần sắc biến đổi: xanh xám rõ hơn, hai tay ít cử động, hình như bị mệt, và hơi thở gấp rút rất nhanh, hai môi khô bóng. Tôi hỏi lại sư Đức, thì sư cho biết trong giờ trưa, Ngài thật tỉnh táo, đi ngoài hai lần, đi tiểu một lần. Ngoài ra không có gì khác thường cả. Ngài còn nói đạo. Thế mà bây giờ Ngài nằm yên, có vẻ mệt lắm.

Tự nhiên, tôi lo sợ, nhìn nhịp thở ngắn gấp rút, đôi môi khô, đôi mắt nhắm nghiền, lỏm sâu xuống, nhất là toàn thể sắc diện hình như đổi màu xanh tái của Ngài, lo sợ điều bất tường: “Liệu Ngài có chờ nổi bác sĩ đến không? Từ sáng không dâng thuốc tán cho Ngài, chỉ có nước gạo rang thôi để chờ bác sĩ, theo lời dặn của gia đình. Bỗng Ngài mở mắt ra, chúng tôi chạy lại. Ngài muốn đi tiểu. Sư Đức, sư Giác Chánh và tôi cùng đỡ Ngài, hai vị sư hai bên, còn tôi thì đỡ sau. Ngài ngồi dạy chậm chạp, đứng có vẻ khó khăn. Mà tại sao tôi cảm thấy đỡ Ngài nặng quá. Bình thường như hôm qua, tôi và sư Đức đỡ Ngài dễ dàng, đâu có nặng nề như hôm nay, vả lại còn thêm có sư Giác Chánh nữa. Cả ba chúng tôi ôm đỡ Ngài lên giường một cánh tận lực, mồ hôi vã ra cổ áo tôi. Tôi chưa kịp lấy hơi thở, thì Ngài đòi ngồi dậy đi tiểu lần thứ hai, vì lần trước không đi được, và lần này Ngài đi được. Chúng tôi đỡ Ngài nằm xuống, cả ba đỏ mặt, vì nghe nặng y như lần trước. Tôi đang nâng đầu sửa gối lại cho ngay ngắn, thì nghe sư Đức, lúc đó đang kéo chăn đắp cho Ngài, kêu to lên: “Anh Tâm! Anh Tâm, sao chân Ngài bầm tím lạ vậy?” Tôi ngoáy đầu nhìn xuống thì quả thật: những đường thâm tím như bị bầm chạy dài từ đầu gối xuống chân của Ngài thâm tím. Tôi quan sát kỹ hơn, rồi cũng kêu lên: “Ồ sao những nốt ruồi son của Ngài bây giờ trở thành nốt ruồi đen vậy. Hồi chiều qua và sáng nay còn đỏ tươi, mà sao bây giờ đen ngắt vậy?” Tôi kéo sửa y cho Ngài. Tôi ra mở cửa cốc cho thoáng. Sau khi Ngài nằm xuống, Ngài nằm yên không động đậy, ngực phồng xẹp lên xuống nhanh theo nhịp thở càng lúc càng nhanh, và Ngài vẫn nhắm mắt, nhưng hai vai bắt đầu động đậy, thân trên cũng có vẻ như muốn chống đỡ một sự gì bứt rứt, khó thở. Chúng tôi thay phiên nhau quạt nhẹ nhẹ cho Ngài. Tôi cầm tay Ngài, tay Ngài vẫn mát thường thôi, nhưng tôi chú ý thấy bắp thịt có vẻ lỏng lẻo đong đưa thế nào. Tôi ngồi cạnh giường, gần phía đầu Ngài, sư Đức kế tiếp, và sư Giác Chánh sau hết. Sư Giác Chánh đang cầm quạt, quạt cho Ngài. Bỗng Ngài dùng tay phải, cầm tay sư Giác Chánh, sờ từng ngón tay của sư. Thấy lạ, sư Giác Chánh hỏi: “Bạch Ngài, Ngài làm gì đó Ngài?” Ngài vội vàng bỏ tay xuống, sư Đức nhanh trí: “Bạch Ngài tìm sách niệm hơi thở hả Ngài?” Ngài ờ! Sư Đức cầm cuốn sách kinh niệm Số Tức Quan lên đưa cho Ngài. Ngài bảo lật ra. Ngài hai tay cầm lấy. Sư Đức rọi đèn pin cho Ngài đọc rõ ràng: “Niệm hơi thở: ana… ana”. Bỗng Ngài dừng lại, hơi thở hổn hển. Sư Đức cầm lấy sách và nói: “Để con đọc cho Ngài nghe!” và sư Đức bắt đầu đọc. Bỗng Ngài nói lớn, ngắt lời sư Đức, giọng nói rõ ràng, đủ nghe: “Niệm số tức quan, niệm hơi thở hay lắm. Đức Phật đắc đạo cũng nhờ Pháp này. Tôi đắc được cũng nhờ pháp này. Phải ghi nhớ cho kỹ mà hành theo đúng. Pháp này phải nhớ cho kỹ, chỉ có mấy điều thôi. Phải thành tâm, ráng ghi nhớ rồi niệm Phật, niệm hoài…”.

Ngài đang nói, bỗng giọng nói yếu dần, nhỏ dần, và Ngài im lặng, hai tay để xuôi bên mình. Ngài có vẻ khó thở, Ngài đưa tay mặt lên kéo y ở vai trái xuống, và hơi nghiêng người sang bên trái, có vẻ như bị nghẹn thở. Tôi vội xoa xoa ở ngực trái Ngài. Vợ tôi đi công việc ở Thủ Đức về, ghé thăm Ngài lúc nãy, bây giờ đang đứng cạnh giường Ngài, bỗng nhớ ra và nói với sư Giác Chánh:

- Ngài hình như khó thở, bạch sư lấy thuốc của sư ra bơm cho Ngài xem sao?

Sư Giác Chánh vội vàng mở hộp thuốc để trên bàn đưa cho vợ tôi, và cùng lắp ống bơm thuốc vào; xong sư nâng miệng Ngài lên, đặt chai thuốc vào, và bơm một hơi thuốc vào cho Ngài. Ngài ngậm miệng lại, một hai giây sau nằm yên. Tuy nhiên, nhịp thở càng lúc càng ngắn và nhanh, hổn hển. Bỗng Ngài mở mắt ra nhìn thẳng lên phía trên, đầu hơi nghiêng về phía bên trái. Tôi hoảng sợ quá, vội kêu lên: “Trời, sao Ngài vậy, sao lạ vậy, Bạch Ngài sao vậy? Sao vậy?” Sư Giác Chánh vội cầm lấy tay Ngài bắt mạch nghe. Vợ tôi đứng cạnh giường cũng hoảng hốt, kêu lên: “Bạch Ngài, nhớ niệm Phật đi Ngài, Araham, Araham, Araham…!” Bạch Ngài nhớ niệm Phật! Bỗng Ngài nghiêng lại về chỗ cũ, nằm ngay ngắn. Hơi thở rất nhẹ. Sư Giác Chánh khoát tay bảo nhỏ: “Hãy để yên cho Ngài đi”. Ngài đang thở nhẹ, bỗng hít vào giữ hơi, hai má phồng ra, rồi từ từ xẹp xuống, đôi mắt nhắm nghiền lại. Tôi mở thật to mắt nhìn gương mặt Ngài. Ngài nhắm hẳn mắt lại, hai má không còn phập phồng nữa, miệng hơi hé mở, lồng ngực im lìm không động đậy. Tôi nghẹn thở, cảm thấy đầu óc sững sờ trống không. Và, như một hình hài vô tri, tôi cúi xuống áp tai và ngực Ngài, ngực bên phải để nghe tim còn đập không? Bỗng có tiếng sư Giác Chánh hay của ai đó nhắc tôi: “Tim ở ngực trái, sao nghe ở ngực phải? Tôi vội vàng áp sát tai vào ngực trái Ngài, và nghe. Hoàn toàn im lịm, không có lấy một tiếng đập nào cả. Tôi ngẩng đầu dậy, lẩm bẩm như nói cho riêng mình nghe: “Thôi rồi, Ngài đi rồi, Ngài đi rồi…” sư Giác Chánh buông tay Ngài xuống. Tôi sửa hai tay Ngài cho xuôi theo thân mình. Lúc đó là 4 giờ 45 phút ngày 25/8/81.

Ngài nằm im đó như người say ngủ, trong một giấc ngủ bình thản. Bốn người đang quỳ cạnh giường Ngài. Sư Bửu Đức quỳ ở phía trên đầu Ngài; vợ tôi quỳ gần phía vai trái Ngài; Tôi quỳ ở gần ngực Ngài; sư Giác Chánh quỳ ở gần phía bụng Ngài; cả bốn người đều mở mắt to. Thân xác của vị Thầy tổ vừa viên tịch nằm im lìm như một người đang trong cơn ngủ say, không còn để ý đến trần tục này… Vợ tôi gục đầu lên cạnh giường. Lúc đó tôi mới chợt nhớ đến cô Diệu chưa hay Ngài viên tịch. Tôi đứng dậy chạy ngay ra sân, và dùng xe đạp vợ tôi để ở cửa cốc, phóng nhanh xuống gọi cô Diệu. Tôi sợ mọi người biết Ngài tịch, sẽ kinh động lắm, nên chỉ đáp gọn là: “Cô Diệu lên Ngài, Ngài đang mệt nặng!” Cô Diệu, bà Bảy, cô Tư Bông và mọi người chạy nhanh lên cốc Ngài. Cô Diệu vào tận giường nhìn Ngài. Cô im lặng! Biết Ngài đã viên tịch. Tôi nhìn cô: người con gái thân yêu gần gũi hầu hạ Ngài đã hơn 30 năm nay, xuất gia đã 30 năm nay, vẫn giữ đủ phong cách của một bậc xuất gia, không khóc than như thường tình, mà chỉ yên lặng, yên lặng nhìn cha nằm đó trong giấc ngủ thiên thu, nhìn lần chót hình ảnh của người cha. Rồi cũng trở về cát bụi hư không tịch mịch theo lẽ vô thường vô ngã của Phật Pháp nhiệm mầu. Tôi nhìn thấy cô chớp mắt nhiều lần, và cô thỉnh thoảng như nuốt vào một hơi thở. Cô im lặng nhìn Ngài, và xoay lại nhờ người tiếp lo việc tang cho Ngài.

Vợ chồng tôi, sư Giác Chánh và sư Đức đứng dậy, nhường chỗ cho thân nhân Ngài, cho quý bà tu nữ, cho thiện tín vừa hay tin Ngài tịch, đến kính viếng nhục thể Ngài. Sư Giác Chánh bảo người lên chánh điện, thính dộng ba hồi Đại hồng chung, báo tin xa gần rõ sự viên tịch của vị Sư tổ Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Các sư Cả, sư Mười, nghe chuông vội vàng vào viếng, quỳ lạy nhục thể của Vị Cao Tăng. Có những thiện tín không kịp ăn mặc chỉnh tề, chạy đến cốc Ngài, hai mắt đỏ hoe. Có những bà tu nữ đầu bạc trắng, bạc hoa râm, đi công việc cho Ngài vừa về đến, nghe tin Ngài tịch, đã không nén được dòng lệ. Bà Chín Cửu, lúc trưa thấy tình hình Ngài nặng quá, nên tự lo đi sang chùa Xá Lợi Phật Đài của Ngài Pháp Trí, để chuẩn bị áo quan cho Ngài vừa về đến mười phút sau khi Ngài tịch, đã bò trên nền gạch, vừa lột chiếc khăn đội đầu vừa khóc nghẹn ngào, cúi xuống đảnh lễ Ngài, vừa gào thảm thiết: “Bạch Ngài, Ngài đi, Ngài đi!” Bóng dáng gầy yếu của bà tu nữ, đầu bạc hoa râm trắng đã cúi mọp xuống sàn nhà, với cái lưng gầy và đôi vai trơ xương lồng bên trong chiếc áo nữ màu trắng, run run lên theo tiếng khóc rưng rức, nghẹn ngào, nghe như xé lòng…! Tôi quay đi và cho đến lúc đó mới biết mình cũng không cầm được dòng lệ! Không, tôi đã khóc từ lúc nào mà cho đến khi hình ảnh của Ngài nhạt nhòa đi, tôi dụi mắt thấy ướt, mới rõ là mình vừa khóc… Vợ tôi lui ra, ngồi gục đầu vào hai tay, im lặng… Trong phòng lúc đó hoàn toàn im lặng, chỉ thấy tiếng nấc nghẹn ngào của cô Sáu Cúc. “Ngài đi là Ngài đi”, và những tiếng hít mũi uất nghẹn của các bà tu nữ lụm cụm chống gậy, đang đứng quanh cốc Ngài. Cảm động nhứt là những hình ảnh của những bà tu nữ đầu bạc trắng gầy yếu, quỳ mọp lạy Ngài, và khóc nghẹn ngào như một người con khóc thương vị cha già vừa quá cố, giọng khóc không tỉ tê như thường tình, mà nghe như nghẹn ngào, rưng rức, kèm theo những lời gọi tha thiết như tiếng con đang gọi cha nho nhỏ: “Ngài ơi là Ngài ơi”, vừa kính mến, vừa thân yêu, vừa đau đớn… tiếng nấc nghẹn, những tiếng gọi Ngài nho nhỏ, những tiếng hít mũi nghẹn ngào như cây kim nhỏ, âm thầm lặng lẽ đâm thẳng vào trái tim người, từng phút càng gia tăng. Tôi bước đến, dìu vợ ra ngoài. Vợ tôi đưa khăn lau mắt. Các con tôi cũng hay Ngài viên tịch, chúng khóc ồ lên chạy đến cốc Ngài. Bảo Châu hai mắt đỏ hoe, dòng lệ cứ lã chã rơi, con tôi vào cuối đầu đảnh lễ Ngài. Con tôi hỏi, giọng nghẹn ngào: “Bố ơi, Ngài tịch rồi hả Bố! Con buồn quá, Ngài tịch rồi hở Bố!” Tôi ôm con và dắt ra ngoài phòng. Bốn đứa theo nhau đãnh lễ Ngài lần chót, đây là những cặp mắt đã trong sáng đầy hân hoan khi ngồi quanh Ngài, nghe Ngài nói đạo; bây giờ thì đỏ hoe, dòng lệ cứ chảy dài trên má xuống đến cầm. Tôi lau mắt cho các con và ôm chúng lại an ủi, vỗ về cõi lòng mình.

Trong phòng, sư Giác Chánh, sư Bửu Đức và quý sư đang xếp hàng đọc kinh cho Ngài, các Pháp hữu vi thật không bền vững. Tiếng đọc kinh vang lên đều đều, thấm nhuần từng ý nghĩa vào tâm hồn ta trong lúc này. Ngài nằm đó, nhưng chỉ là một thức tế hữu vi đều không bền vững … và rồi một ngày nào, ngày nào đó, sẽ tan vào cát bụi, hư vô. Mấy phút trước đây, Ngài còn nói đạo cho tôi nghe còn dạy phải chánh niệm “niệm số tức quan”, như thế nào, mà mấy phút sau…, bây giờ đây Ngài đã đi rồi, vĩnh viễn tôi không còn nghe Ngài nói: “Em cần gì không? Sư cho em, sư thương em, sư thương em lắm mà em không biết đâu!” Vĩnh viễn muôn đời tôi không còn thấy Ngài nhìn tôi, hỏi tôi, như người cha hỏi con: “Rồi về bây giờ em làm gì sống? Sư muốn giúp em lắm, em cần gì Sư? Em nói đi”. Giọng Ngài nhỏ, ấm và thân yêu như giọng nói của cha tôi, lúc tôi trò chuyện trước khi đi cải tạo…”. Ngài chờ tôi nói, mà không thấy nên nhắc lại, vừa đập đập tay lên vai tôi: “Em cần gì không, sư cho em hết, cần gì sư cho!” Giọng nói âu yếm đó, cử chỉ thân yêu đó, bây giờ thật sự là mất rồi, đi vào dĩ vãng rồi!

Tôi nhìn Ngài nằm im. Đầu Ngài đội chiếc mũ ấm, đắp y tay trái, và chân Ngài mang vớ. Tôi cúi xuống nhấc chân Ngài sửa khép ngay ngắn, hai tay Ngài còn ấm dịu, tôi xếp hai tay xuôi theo thân người, và kéo y Tăng già bên trái đắp kính người Ngài. Bây giờ tôi thấy Ngài nằm trên giường, đắp y Tăng già, mắt nhắm kín, đôi mày bạc trắng dài phủ xuống mí mắt, như một vị tiên đang ngủ say ngoài vòng trần tục, không biết gì đến câu kinh đang vang vang, cũng không biết gì đến những cõi lòng tan nát, mến thương kính trọng, nhớ tiếc Ngài đang chảy tràn theo các dòng lệ thương tâm của tín đồ, của thế gian này.

Ngày viên tịch của Ngài Hộ Tông
…………………
Ta đây sự chết đã dành,
Thế nào tránh thoát tử sanh đến kỳ,
Ta đây phải chịu phân ly,
…………………
Vị Sư tổ sáng lập PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY VIỆT NAM.
Phật lịch 2525 (26 tháng 7 Tân Dậu), 25 – 8 – 1981

2. Hoài niệm Sư tổ Hộ Tông

Sư tổ ôi! Ân sư ôi!

Đất chánh pháp cội đại tù đã trốc gốc

Trời cao tăng, sao bắc đẩu đã lìa ngôi.

Cho hay,

Nghiệp trần đã mãn, cảnh Phật quay về

Thế nên,

Ân sư đã an lành viên tịch trong tháng mạnh thu năm Tân Dậu lúc đang dạy đệ tử pháp môn thiền quán.

Vậy mới biết,

Sinh là ký mà tử là quy.

Ấy mới hay,

Kiếp phù sinh như bào như ảnh.

Nhớ giác linh xưa; suốt 40 năm hy sinh vì đạo

Ân sư một lòng tinh tấn chẳng lùi.

Đem cuộc đời gắn chặt đạo thiền.

Quyết xả thân chuyên tu giải thoát,

Trăm đắng ngàn cay mở đạo dắt đời, không hề gian khổ.

Một nắng hai sương mang ánh đạo vàng truyền khắp Việt Nam.

Lấy y làm chánh,

Gội nắng dầm mưa.

Lấy Bát chánh làm đường để độ người tu chứng.

Vươn thẳng cánh chèo thuyền bát nhã,

Kiệt sức già, độ kẻ trầm luân.

Từ đất Miên trở về đất Việt, dốc một lòng truyền bá đạo từ

Nào là tạp chí Ánh sáng Phật pháp,

Nào là kinh sách chỉ dạy việc tu hành,

Nào là thiết lập trường Phật học,

Nào là cất chùa tạo tượng,

Nào là giúp đỡ công tác huấn luyện tăng tài,

Nào là khai sáng trung tâm thiền định.

Công đức ấy thật vô bờ bến,

Ân sư chẳng những tự tu tự chứng mà còn là sáng lập viên Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam.

Từ Pnombenh, Preyveng, Trabet đến Sài Gòn, Huế, Pourane đôi dấu chân của Ân sư đã in cùng nơi khắp nẻo rồi lại cùng duyên hải lên đến Đà Lạt cao nguyên nơi nào Ân sư cũng tạo tăng tạo tự.

Ân sư ôi!

Chúng con còn nhớ, Ân sư thường dạy chúng con chứ nên dể duôi chểnh mảng hãy lo tinh tấn tu hành để tầm cầu đạo giải thoát Bằng lời khuyên tấn chấn thành Bằng ý lợi tha tế nhị.

Ân sư luôn luôn cho chúng con nụ cười hỷ xả

Nuôi chúng con bằng phước hữu lậu

Dạy chúng con bằng đức thượng thừa

Công ơn ấy sánh tày non bể

Nào những tưởng, tình sư đệ được lâu bền với năm tháng.

Ngờ hay đâu,

Nghĩa đồng môn như ác lặng buổi chiều tà.

Trong lúc đạo pháp đang cần nhà mô phạm, Giáo hội đang thiếu bậc Trưởng tăng.

Tình đạo chưa vẹn,

Ý đạo chưa thành

Thì, hỡi ôi!

Người tây cảnh, kẻ dương gian đôi đường cách biệt,

Tiếc, là tiếc cho chúng con không người nương tựa.

Thương, là thương thân này phải lạc lõng bơ vơ.

Khi lỡ bước giữa đường,

Khi lênh đênh trên sóng.

Ai là người đưa thuyền trượng chỉ đường vạch ngõ?

Ai là người lái cánh buồm để thoát nẻo sông mê?

Đã biết rằng có sanh ắt có tử,

Có hợp ắt có tan.

Những,

Duyên nghiệp khéo vô tình

Cửa vô thường lại chớm mở.

Nên chi,

Mới sum họp phút chốc bỗng chia lìa

Khiến cuộc vui tái ngộ đã thành buồn ly biệt.

Vậy mới hay:

Cái sinh không thì cái tử cũng là không.

Chúng con nay,

Nhân tuần tứ thất,

Chạnh nhớ giác linh xưa, với uy nghiêm Phật tổ

Trước di ảnh Ân sư

Toàn thể chúng con thành kính đốt nén tâm hương để hoài niệm sư tổ.

Nay sư tổ đi vắng nhưng bóng hình sư tổ không vắng.

Nhục thể sư tổ không còn nhưng tinh anh sư tổ vẫn còn.

Chúng con nguyện: hộ trì chánh pháp thiêng liêng tại, tầm chỉ truyền lưu vạn cổ tồn

Trước làm sáng tỏ đạo từ bi, sau để đền ơn Sư tổ.

Cầu mong Sư tổ niếp bàn an hưởng

Cầu giác linh chứng dám cho chúng con.

Đệ tử chúng con đồng kính bái.

3. Điếu Cố Đại Lão Hòa Thượng Hộ Tông

Bửu Long Tự gặp lại Ngài,

Hoa cười ngõ hạnh, trăng cài mây trong.

Dù rằng cách núi ngăn sông,

Trùng phùng sư đệ, thỏa lòng ước mơ.

Mới tuần trăng đó trơ trơ,

Mười ngày sau bỗng nhạt mờ biệt ly.

Vô thường sanh ký tử qui,

Mất thầy sao khỏi ai bi dập dồn.

Trời chiều bảng lảng hoàng hôn,

Sương mờ đỉnh núi, suối tuôn cạn dòng.

Ánh vàng thôi chiếu Bửu Long,

Tấc thành kính đệ mấy dòng lệ lưu.

0 giờ, ngày 4 tháng 8 Tân Dậu (01-09-1981)

Tỳ khưu Nhất Tâm kính vãn

4. Kỷ niệm Lễ húy nhật lần thứ 35 Cố Đại Lão Hòa Thượng Hộ Tông

Thành tâm lạy dâng hương hoa quả

Kính giác linh sư cả Hộ Tông

Tưởng ơn Phật giáo ghi công

Niệm trong tâm khảm một lòng kính yêu.

Công hoằng pháp triệt tiêu tăm tối

Đức thanh cao tiền bối ngợi khen

Tổ sơ khai dẹp rối ren

Hộ trì tam bảo vùng ven Sài Gòn.

Tông môn hệ phái còn lưu dấu

Sáng như sao Bắc đẩu trên trời

Lập chùa, xây tháp, giúp đời

Hệ Nam, Bắc phái một thời nổi danh.

Nguyên Tăng thống thanh danh vang dội

Thủy tổ vun trồng cội Nam Tông

Việt nhân lưu mãi Hộ Tông

Nam phương khắc dấu bao công của ngài.

Hoa Cúc

---

HÌNH ẢNH

 

 

Hình ảnh Chư đại đức Tăng

LỜI KẾT

Trong Tăng chi bộ kinh, Đức Phật có dạy: có hai hạng người khó tìm trên đời, đó là người biết ơn và người trả ơn. Từ ngày xuất gia cho đến nay, lời dạy của Đức Phật vẫn mãi in sâu trong tâm khảm của chúng con. Càng đọc sách, xem kinh, thấy công đức của các vị trưởng lão khai sáng Phật giáo Nguyên Thủy như Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Thiện

Luật, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Giới Nghiêm, Hòa thượng Giác Quang, Pháp sư Thông Kham… công đức quả thật vô lượng vô biên. Ngoài những Phật sự xây nền móng cho Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam, phát huy chùa chiền, đào tạo đội ngũ Tăng, Ni và Phật tử lại còn dịch kinh, viết sách để cho thế hệ chúng con có tư liệu tu học. Khi đọc những tác phẩm của quý hòa thượng, chúng con có ý nghĩ sưu tập lại, in thành sách để làm tư liệu cho thế hệ sau và làm tư liệu cho Phật giáo Nguyên Thủy, giúp những nhà nghiên cứu, những nhà quản lý tôn giáo có thêm thông tin về quý vị trưởng lão của Phật giáo Nguyên Thủy và để hiểu thêm về tư tưởng của Phật giáo Theravāda. Chính vì vậy mà các tác phẩm Toàn tập Trưởng lão Hòa thượng Bửu Chơn, Toàn tập Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông ra đời.

Tác phẩm Toàn tập Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông đã thành tựu mỹ mãn với sự góp nhặt của 30 tác phẩm được xuất bản từ năm 1941 đến 1981, các tài liệu của Giáo hội Tăng già Việt Nam, các bản chép của Phật tử thân cận ngài. Những tài liệu có được, phần lớn là bản đánh máy chữ, viết tay. Những quyển sách nhỏ đã ngã màu, trình bày đơn giản, in cách đây hơn 35 năm được tìm tòi và sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Có những quyển mờ chữ, rách trang, thậm chí bị mối ăn được chúng con dò xét cẩn thận để giữ nguyên nội dung gốc như thuở in ban đầu. Toàn tập Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông có số lượng trang sách không nhiều nhưng có thể nói đây là quyển sách giúp cho độc giả có được rất nhiều thông tin về cuộc đời, sự nghiệp và trí tuệ của một vị Trưởng lão, vị Tăng thống đã hết lòng vì đạo pháp và nhân sinh. Người đã hy sinh cuộc sống vinh hoa của mình để tầm cầu đạo hạnh và đã tạo dựng một nền tảng vững chắc cho Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Ngoài ra, khi tiếp cận quyển Toàn tập này, độc giả cũng sẽ được học hỏi và hiểu thêm tư tưởng giải thoát mà Đức Phật Gotama đã tìm ra cách đây hơn 2560 năm để có niềm tin đúng đắn, kiến thức cơ bản ngõ hầu tạo được pháp độ trong con đường tu tập của mình.

Quyển sách được hoàn thành nhờ công sức đóng góp của rất nhiều người. Trước nhất, chúng con xin cám ơn tất cả chư Tăng, Ni và Phật tử đã hoan hỷ, nhiệt tình cộng tác với chúng con đánh máy những bản in gốc để có đủ tư liệu cho tác phẩm này. Xin ghi ơn công đức của những Phật tử đã đánh vi tính những tác phẩm của ngài Hộ Tông gửi cho Tiến sĩ Bình An Sơn trên webside Budsas. Nhờ những tác phẩm này, ban thực hiện chúng con cũng đỡ mất thời gian cho việc đánh máy lại. Tác phẩm đã hoàn thành theo tâm nguyện và ước muốn nhưng tác phẩm được in và phổ biến cho giới độc giả cần phải có tài chánh. Tác phẩm 1228 trang khổ A4 nên kinh phí cũng khá lớn, khoảng 250.000/quyển. Chúng tôi dự kiến in 500 quyển để gửi cúng dường 60 ban Trị sự các tỉnh thành trong cả nước Việt Nam, 4 Học viện Phật giáo Việt Nam, 4 tạp chí và 1 tờ báo giác ngộ của GHPGVN, chư tôn đức lãnh đạo trong Hội đồng Chứng Minh, Hội đồng Trị sự, các ban viện Trung ương, 106 ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy trong cả nước. Sở dĩ được như vậy, ban thực hiện chúng con vô vàn ghi ơn công đức của chư tăng, ni và Phật tử góp phần tịnh tài cho công trình này như sau: ĐĐ. Siêu Đại, ĐĐ. Phước Định, ĐĐ. Định Phúc, ĐĐ. Minh Đức, tỳ khưu chùa Bửu Quang, Sư Siêu Thiện (nhóm cô Loan), TN. Quang Giới, TN. Quang Ngữ, TN. Diệu Niệm, TN. Quang Cúc, TN. Phước Thanh, TN. Quang Hạnh, Quang Hương, Phạm Ngọc Diệp, Huỳnh Yến Như, Nguyễn Thị Thu Thủy, GĐ. Hồ Hồng Phước (Cầu siêu cho mẹ Trần Thị Ba - Pd Nguyên Hoa - sinh năm 1927, mất ngày 21/10/2015 (9/9 Bính Thân), hưởng thọ 83 tuổi), GĐ. Tuấn - Huyền, Đặng Ngọc Thảo Uyên, Đoàn Phan Hà Anh, Phan Thị Thanh Hà, Trần Kim Thanh, Nguyễn Thị Thảo Phương, Huỳnh Văn Quốc, Lê Hữu Luật, Nguyễn Đăng Phước, Thiện Trọng, Lâm Tuyền, Võ Tấn Trạng, Phan Quốc Ngữ, GĐ. Nguyệt Thảo, Thiện Tâm, Nguyễn Quang Bá, Diệu Thanh, Tô Võ Thành, Huỳnh Công Duy, Nguyễn Ngọc Thanh Huy, GĐ. Huỳnh Minh Tuấn, GĐ. Thùy Dung, Nguyễn Thị Kim Thanh, Lê Thị Thanh Hằng, Đình Hòa, Trần Đức Hạ, Nguyễn Thanh Huy (GĐ. Cty Vận Tải Thanh Huy), Nguyễn Thị Cúc (Trưởng Đạo tràng Giác Bảo Hoa), Võ Hoàng Minh, GĐ. Lê Niêm, Giác Thiện, Thiện Tu, Diệu Thủy, Thiện Tánh, Thiện Ngọc, GĐ. Giác Tấn, Tâm Đức, Tâm Như, Tâm Phúc, GĐ. Diệu Tín, GĐ. Chánh Hội Long, GĐ. Chơn Phương Trang, Giác Lâm, Hong Thi Anh Thu.

Quyển Toàn tập Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông được chúng con thực hiện bằng tất cả tấm lòng tôn kính và biết ơn Cố Trưởng lão Hộ Tông – bậc khai sáng Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Nếu có điều gì chưa hoàn chỉnh, xin Chư tôn đức Tăng, Ni và quý vị Phật tử trí thức lượng thứ cho chúng con và chúng con hoan hỷ ghi nhận những góp ý của quý vị để kỳ tái bản sau được hoàn thiện hơn.

Khi con chập chững biết đi

Người buông hơi thở viễn ly cõi trần

Ba lăm năm đã trôi dần

Thân theo cát bụi nơi phần đất sâu

Tháp kia, ảnh đó, người đâu

Chỉ còn kinh sách in sâu lòng phàm

Ngày đêm vất vả chẳng màng

Con chăm góp nhặt từng hàng từng câu

Mong rằng thành quả chóng mau

Gieo duyên Phật pháp, tròn câu ‘ơn Thầy’.

Thay mặt ban thực hiện
Trưởng ban Tu nữ Quang Kiến

 


[MỤC LỤC TÁC GIẢ][MỤC LỤC CHÍNH]