Toàn tập TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG (VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)

MỤC LỤC

Toàn tập TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG HỘ TÔNG (VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)

Tác phẩm 28 TRIẾT LÝ VỀ NGHIỆP

LỜI NÓI ĐẦU

Thiên I. GIẢI VỀ NGHIỆP

Thiên II. CHỨNG CỚ HIỂN NHIÊN CỦA NGHIỆP

Thiên III. VẤN ĐỀ NGHIỆP (tiếp theo)

1. Nghiệp phân hạng người

2. Nghiệp đen, nghiệp trắng

3. Năm pháp mà chúng sinh khó được

4. Dhammasamadana - pháp tạo bốn nghiệp

THIÊN IV. MƯỜI HAI NGHIỆP

Loại 1. Nghiệp cho quả theo thời

1. Ditthadhammavedanīyakamma

2. Upapajjavedaniyakamma

3. Aparāparavedanīyakamma

4. Ahosikamma

Loại 2. Nghiệp cho quả theo phận sự

1. Janakakamma (nghiệp sinh sản)

2. Upaṭṭhambhakakammam (nghiệp vào cấp dưỡng)

3. Upapīḷikakamma (nghiệp vào áp chế)

4. Upacchedakakamma (nghiệp vào sát hại)

Loại 3 - Nghiệp cho quả theo thứ tự

1. Garukamma (nghiệp nặng)

2. Bahulakamma

3. Āsannakamma

4. Katattākamma

Thiên V. NGHIỆP TRONG PHẬT GIÁO

Thiên VI. SỰ TẠO NGHIỆP

Thiên VII. QUAN NIỆM VỀ NGHIỆP TRONG KINH SANDAKA

Thiên VIII. NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO CŨNG DO NGHIỆP

Thiên IX. ĐẠO PHÁP[25] ĐỂ TẨY[26] NGHIỆP

1. Kāyakamma (thân nghiệp)

2. Vacīkamma (khẩu nghiệp)

3. Manokamma (ý nghiệp)

Thiên X. DO NHÂN NÀO CHÚNG SINH BỊ ĐỌA TRONG KHỔ ĐẠO VÀ ĐƯỢC LÊN NHÀN CẢNH

Thiên XI. PHẦN TẠO BỐN NGHIỆP

Thiên XII. NGHIỆP THEO BÁO ỨNG[30]

Thiên XIII. NGHIỆP LÀ TÍN HIỆU[32] CỦA SI NHÂN

Thiên XIV. PHÁP VÀ BẤT HỢP PHÁP[34] CÓ QUẢ BẤT ĐỒNG

Thiên XV. DÂY XÍCH CỦA NHÂN VÀ QUẢ

Thiên XVI. DÂY XÍCH CỦA NHÂN QUẢ THEO Ý NGHĨA VI DIỆU PHÁP

1. Avijjā (vô minh)

2. Saṅkhāra (hành)

3. Vĩnñāna (Thức)

4. Nāma – Rūpa (Danh - Sắc)

5. Salāyatana (Lục nhập)

6. Phassa (Xúc)

7. Vedanā (Thọ)

8. Taṇhā (Ái)

9. Upādāna (Thủ)

10. Bhaba (Hữu)

11. Jati (Sanh)

12. Jara Marana (Lão, Tử)

Thiên XVII. CETASIKA (TÂM SỞ)

Aññāsamānācetasika - tợ tha tâm sở

Akusalacetasika - bất thiện tâm sở

Sobhaṇacetasika - mỹ tâm sở

Thiên XVIII. KHU VỰC TÁI SINH

PHẦN KẾT LUẬN

 


Tác phẩm 28 TRIẾT LÝ VỀ NGHIỆP

---

LỜI NÓI ĐẦU

Triết lý về nghiệp là nền tảng kiên cố làm cho các tôn giáo có những quan điểm[1] dị đồng.

Các tôn giáo khác cho rằng: việc làm của người mà có quả báo, như thế nào đó, là tùy ở “một cái” có thế lực tối cao cho thực tiễn. Họ gọi “một cái” đó là đấng Tạo hóa hay là đức Phạm thiên.

Nhưng Phật giáo thuyết trái ngược với các tôn giáo khác rằng: người là kẻ tạo nghiệp.

Nghiệp là điều qui định tự nhiên của đời. Nó cho quả phải thực thi như thế này như thế kia.

Nó là điều chỉnh lý bất biến, sự xoay vần của nó, ví như bánh xe có phận sự xoay tròn vậy.

Chúng ta là người tạo nghiệp, theo ý nghĩa tương phản, nghiệp không làm gì được người. Quả của nó phân hạng chúng sinh khác nhau ấy cũng do chúng sinh tạo nghiệp riêng biệt. “Tạo lành quả cũng lành, tạo dữ quả cũng dữ”.

Những nhà khoa học hiện đại, thừa nhận căn bản “nghiệp” trong Phật giáo vì họ thấy rằng: sự động tác và sức phản ứng hằng có quả ngang nhau và tương phản nhau. Thí dụ: như sự ném quả bóng, ta thấy rằng: ném mạnh thì quả bóng dội lại mạnh, ném nhẹ thì quả bóng dội lại nhẹ. Đây là nghiệp vậy.

Vấn đề “nghiệp” trong quyển sách này dẫn chứng cớ ra để giải thích, nghiệp làm bằng cho thấy hiển nhiên đặng cho chư quý độc giả dùng để tra cứu, ngẫm nghĩ không nên vội bỏ. Ví bằng không để ý đến căn bản “nghiệp” thì Phật giáo không có ý nghĩa và thú vị gì nhiều đến ta và toàn thể nhân loại.

Có kẻ cho rằng: “nghiệp” là một lợi khí của hàng trí tuệ viện dẫn ra để đàn áp và trấn tỉnh lòng người thiển kiến. Như thế là sự hiểu biết sai suyển vô căn cứ. Vì Phật giáo chẳng phải là lợi khí của ai và cũng chẳng dạy kẻ nào phải co tay rút chân cả.

Mong rằng sự học vấn về “nghiệp” theo căn bản Phật ngôn dạy, dầu sao cũng có lợi không nhiều thì ít đến chư quý độc giả và xin nhớ rằng “nghiệp” không làm gì được người, chính người riêng biệt tạo nghiệp. Như nước mát, lửa nóng. Nếu mó vào thì nước cho mát theo phận sự của nó; lửa cũng cho nóng theo phận sự của lửa, chỉ tuỳ người tự mó vào mà thôi.

Chúng tôi xin hồi hướng quả phúc sự phiên dịch quyển kinh này đến tất cả Chư Thiên trong sa bà thế giới cùng Cha mẹ, Thầy tổ, các bậc Ân nhân và hàng Phật tử.

Cầu Chư Thiên hoan hỉ hộ trì tất cả chúng sinh nhất là toàn thể Phật giáo đồ hằng mau đạt được mục đích cứu cánh giải thoát. Mong thay!

Vansarakkhita Maha Thera

Thiên I. GIẢI VỀ NGHIỆP

Từ khoảng sinh đến tử và từ tử đến sinh, có một cái xoay tròn, tự nó duy trì và xáo trộn thái quá. Sinh rồi tử, tử rồi sinh tái diễn mãi, như thế không kể xiết. Cái vòng sinh tử càng xoay tròn thì càng không thấy thủy chung và sự vãng lai của nó.

Nếu thiếu ánh sáng trong tâm, thì chúng ta lầm cho rằng cái vòng sanh tử đó chuyển xoay, vô nhân quả, bất quy định, không có chế độ. Khi đã hiểu lầm như thế thì mối hại thật là vô cùng nguy hiểm, khiến sinh mệnh chúng ta phải hư hỏng càng chịu trầm luân khổ hải trong vô lượng kiếp.

Cái đó tức là cái “Nghiệp”.

Cái “nghiệp” tạo ra trời, người và thú bị giam hãm trong vòng luân hồi sinh tử, tử sinh mãi mãi, đắm chìm trong bể khổ.

“Nghiệp” là cái pháp quy định, là luật thiên nhiên, chỉ cho thấy rõ rằng tất cả những cái chi trong đời đều có nhân quả. Người tạo nghiệp tức là nhân, sẽ phải thụ quả tức là sự thành tựu bởi nhân, liên tiếp nhau không ngừng nghỉ. Đây là luật quy định của thụ quả theo nghiệp.

Hàng Phật tử cho rằng: Nghiệp hằng đàn áp sinh mệnh tất cả mọi người cho đến kiếp cuối cùng. Vì căn cứ vào sự hành vi trong quá khứ, tạo ra sinh mệnh trong hiện tại, sinh mệnh trong hiện tại gây nên mệnh sống trong tương lai. Trong nền tảng của nghiệp, Phật ngôn có nói rằng: “Vì cái này có, cái kia mới sinh, từ cái đã sinh mới có cái khác nữa. Bởi không có cái kia, cái này mới không có, cái này diệt, cái kia mới diệt”. Thuyết minh rằng: Cái quả hằng sinh từ cái nhân, tiếp liền nhau như thế. Ngoài ra, người ta còn lưu tâm rằng: Người là cái quả của năm nguyên nhân là: sự không thấu rõ kiếp quá khứ; sự chìm đắm của tâm liên lạc với lẽ sinh tồn trong đời; sự giữ gìn trông nom sinh mệnh và của cải; nghiệp tức là sự hành vi, ám chỉ đến cái quả của tâm suy nghĩ, tác dụng trong quá khứ; thực phẩm dùng trong kiếp này.

Về khí chất, người ta cũng cho rằng: Nó nảy sinh do bốn nguyên nhân là: cái thiên nhiên của thân thể; cùng một huyết thống của nghiệp; các vật chung quanh; nhân và quả của việc làm trong quá khứ.

Sự thật, mỗi nghiệp hằng có quả liên tiếp, quan hệ với nhau trước rồi trở thành nhân của quả nữa, tiếp tục liền nhau. Thí dụ: Người cha sinh con, người con đó sẽ thành người cha kế thế, mãi mãi như vậy.

Đức Phật hằng quan sát điều quy định ấy trong thời kỳ Ngài vừa giác ngộ. Ngài hiểu biết phân minh rằng đó là điều chế định cưỡng bách (bắt buộc) đời phải thực hành theo. Ngài tuyên bố rằng: Khi nào các pháp rõ rệt đến Bà-la-môn, là người cố tâm nhìn chăm chăm, khi đó tất cả hoài nghi của Bà-la-môn ấy hằng trừ diệt, do được hiểu rõ pháp của nhân. Nhờ sự thấu triệt (thông suốt) cách trừ diệt các duyên, Bà-la-môn ấy mới được trừ khử Ma vương cùng quân ma và hằng rực rỡ, tươi sáng, ví như vầng trăng chói lọi giữa không trung vậy.

Điều quy định đã giải như trên, chúng ta gọi là Paticcasamupāda, “thuyết Thập nhị Duyên khởi” hoặc gọi theo cách đàm thoại là “dây xích của nhân quả”. Cái khởi nguyên của điều quy định này, là nguồn gốc của cái có tất cả sinh mệnh, cái chung qui của nó tức là sự khổ vậy. Luật nhân quả này, chẳng phải chỉ có trong Phật giáo, dù trong Thiên Chúa giáo cũng có đại ý là: Người gieo giống nào họ sẽ được quả ấy. Trong khoa học cũng có vấn đề căn bản như vầy: Nhân và quả phải ngang nhau.

Theo ý nghĩa này, phần đông đều nhìn nhận luật nhân quả, hoặc nói một cách khác, họ cho rằng, khi đã gây nhân tất phải chịu quả, giống nhau (có vay ắt có trả). Nhưng đa số người có quan niệm khác nhau, do chỗ hiểu biết rộng hoặc hẹp hơn kém nhau mà thôi.

Các nhà triết học có nói: Phật giáo không giống như Thiên Chúa giáo và Hồi giáo v.v... Phật giáo dạy rằng: Sự khổ trong đời là do người tạo nghiệp (là quả của nghiệp) hằng xảy ra tự việc làm của người, mà diệt được cũng do sự hành vi của họ, không tùy thuộc một hành động của một vị nào cả.

Trong nền tảng Phật giáo có chép rằng: Tất cả quả đều có nhân và cái đặc tính của người tức là cái quả thu hoạch được của sự suy nghĩ và hành động trong thời quá khứ của ta. Nghiệp tức là sự động tác và quả của sự động tác ấy, hằng duy trì những đắc thành của nó và sức phản ứng chống lại với các việc xảy đến. Người ta có thể trở nên trong sạch bằng cách tự mình hiểu rõ và có khả năng đạt đến sự giải thoát trong một ngày nào.

Trong kinh có ghi mọi việc làm của người, không nói tốt hay xấu, hằng có quả báo ứng, chẳng có một nhân vật nào đàn áp, thủ tiêu được cái quả của nghiệp. Nghiệp nào đã tạo thì quả của nó có thể tung ra, rải rác khắp nơi cho đến kiệt lực, rồi trở lại thành quả nữa.

Nghiệp là phương pháp để phân biệt sự hành vi tốt hay xấu. Theo chân lý, thì người phải hành thiện, nên trú vững trong đạo đức nghĩa là chỉ phải làm lành, vì nghiệp dữ hằng cho quả khổ, không cần nói khổ ấy sanh chóng hay chậm.

Nghiệp chẳng phải là số mệnh rủi may đâu. Nghiệp nào đã làm thì nên hiểu rằng đã qua rồi, quả của nghiệp sẽ phát sanh sau, cùng với hiện tại nghiệp tức là sự hành vi trong đời này. Theo như đã giải đây, thấy rằng: nghiệp là một vấn đề cần phải tu tập, học hỏi, nhân đó triết học về nghiệp mới góp nhặt tài liệu để biến thành một quyển sách như đây.

---

Thiên II. CHỨNG CỚ HIỂN NHIÊN CỦA NGHIỆP

1. Kammaṃ satte vibhajati yadidaṃ hinappaṇittāya

Nghiệp hằng phân hạng chúng sinh tức là chia ra nhiều loại thấp hèn và cao sang (khác nhau).

2. Yadisaṃ vapate bījaṃ Tadisaṃ labhante phalaṃ Kalyānakārī kalyānaṃ pāpakārī ca pāpakaṃ.

Người gieo giống nào, hằng thu quả ấy, người tạo nghiệp lành được quả vui, kẻ hành nghiệp dữ hằng chịu quả khổ.

3. Sace pubbe katahetu Sukhadukkhaṃ nigacchati Porānakamkataṃ pāpaṃ Tameso muñcate inaṃ.

Người thụ vui hay khổ, do phúc hoặc tội đã làm từ trước là nhân, người ấy được gọi là mãn tội cũ như trả nợ vậy.

4. Abhittharehta kalyāne Pāpā cittam nivāraye Dandhaṃ hi karato puññaṃ Pāpasmin ramati mano.

Người phải gấp tận tụy với việc lành, nên phòng ngừa tâm khỏi nghiệp ác, vì người lâu làm lành, thì tâm sẽ ưa thích trong việc dữ.

5. Pāpañce puriso kayirā Na taṃ kayirā punappunaṃ Na taṃhi chandaṃ kayirātha Dukkho pāpassa uccayo.

Nếu người làm tội thì không nên làm nhiều lượt, không nên ưa thích trong tội ấy, vì sự chứa tội là nhân cho quả khổ.

6. Puññance puriso kayirā Kayirāthenaṃ punappunaṃ Tamhi chandaṃ kayaratha Sukho puññassa uccayo.

Nếu người tạo phước thì nên tạo phước ấy thường thường, nên có tâm ưa thích trong phước ấy, vì sự vui thích phước là nhân cho quả vui.

7. Pāpopi passati bhadraṃ Yavā apaṃ na paccati Yadā ca paccati pāpaṃ atha (Papo) Pāpāmi passati.

Người làm quấy thường thấy quấy là phải, trước khi cái quấy chưa có đâm mộng, nhưng khi cái quấy sanh quả thì họ mới thấy quấy là xấu xa.

8. Bhadropi passati pāpaṃ Yāva bhadram na paccati Yadā ca paccati bhadram atha (Bhadro) Bhadrāni passati.

Người làm lành, hay thấy nghiệp lành là xấu, cho đến khi nghiệp lành chưa có nảy quả, nhưng tới lúc nghiệp lành cho quả, họ sẽ thấy nghiệp lành là tốt đẹp.

9. Māvamaññetha pāpassa Na mattam āgaṃissati Udabindunipātena Udakumbhopi pūrati Pūrati bālo pāpassa Thokaṃ thokampi ācinaṃ.

Người không nên khinh suất rằng: tội chút ít sẽ không đến, cái nồi chứa đầy nước mưa nhỏ xuống từng giọt thế nào thì kẻ si mê khi tích tội, dù từng tí, hằng đầy nước tội được như thế.

10. Māvamaññetha puññassa Na mattaṃ āgamissati Udabindunipātena Udakumbhopi puññassa Thokaṃ thokampi ācinaṃ.

Người không nên khinh thường rằng: phước chút ít sẽ không đến, cái nồi trữ đầy nước mưa nhỏ xuống từng giọt thế nào, bậc có trí tuệ chứa phước mỗi khi một ít, cũng hằng phước được như vậy.

11. Vānijova bhayaṃ maggaṃ Appasattho mahaddhano Visaṃ jivitukāmova Pāpāni parivajjaye.

Người nên tránh khỏi nghiệp ác như thương nhân[2] có nhiều của, nhưng ít đoàn người, lánh đường đáng sợ và như kẻ mong sống ngừa độc dược vậy.

12. Pānimhi ce vano nāssa Hareyya pāninā visaṃ Nābbanaṃ visamanveti Natthi pāpaṃ akubbato.

Nếu bàn tay không có vết thương thì người cầm độc dược bằng tay được, vì độc dược không thấm vào tay, như thế nào thì tội hằng không có đến người không làm như vậy.

13. Yo appadutthassa narassa dussati Suddhassa posassa aṅanganassa Gāmeva balaṃ pacceti pāpaṃ Sukhumo rajo pativātamvakhitto.

Kẻ nào hại người không trả nủa[3] là người trong sạch, như gò đất, thì tội hằng trở hại kẻ ấy, là người si mê, như bụi bặm mà họ đổ trên gió vậy.

Saggaṃ sugatino yanti Parinibbanti anāsavā.

Có người sinh trong thai bào: kẻ có nghiệp xấu hằng sa địa ngục, người có nghiệp lành là nhân đến nhàn cảnh, hằng lên cõi trời; bậc vô lậu phiền não[4] thường nhập Niết-bàn.

15. Na antalikkhe na samuddamajjhe Na pabba tānam vivaraṃ parissa Na vijjate so jagatippadeso Yatratthito mucceyya pāpakammā.

Người tạo nghiệp dữ, trốn trong hư không cũng chẳng khỏi nghiệp dữ, lánh trong giữa biển cũng chẳng khỏi, ẩn mình trong kẹt núi cũng chẳng thoát nghiệp ác đâu. Người nương ngụ trên địa cầu không bao giờ thoát ly được nghiệp dữ.

 16. Na antalikkhe na samuddamajjhe Na pabbatānam viviraṃ parissa Na vijjate so jagatippadeso Yatraṭṭhitaṃ nappasaheyyamaccu.

Người ngồi giữa trời, vào đến giữa bể, ẩn mình trong kẹt núi cũng chẳng khỏi sự chết.

17. Sukhakāmāni bhūtāni Yo dandena vihinsati Attāno sukhamesāno Pecca so na labhati sukhaṃ.

Chúng sanh đã sinh ra là những người cầu được vui; kẻ nào mong tìm hạnh phúc cho mình, nhưng làm hại kẻ khác bằng khúc cây v.v.; kẻ ấy chết rồi hằng chẳng được vui.

18. Sukhakāmāni bhūtāni Yo danḍena vihiṅsati Attano sukhamesāno Pecca so labhate sukhaṃ.

Chúng sanh đã sinh ra là người mong được vui, kẻ nào tìm hạnh phúc cho mình, không làm hại người bằng khúc cây, kẻ ấy tạ thế rồi thường được vui.

19. Atha pāpāni kammāni Karaṃ bālo na bujjhati Sehi kamehi dummedho Aggi daddhova tappati.

Kẻ si mê tạo những nghiệp ác, thường không biết mình, người kém trí tuệ, hằng nóng nảy như bị lửa thiêu vì nghiệp của chính mình đã làm.

 20. Yo daṅdena adandesu Appadutthesu dussati Dasannamaññatraṃ thānaṃ Khippameva nigacchati Vedanaṃ pharusaṃ jānin Sarīrassa va bhedanaṃ Garukaṃ vāpi ābadhaṃ Cittakkhepaṃ va pāppune Rājato vā upasaggaṃ Abbhakkhānaṃ va dārunaṃ Parikkhayaṃ va ñātinaṃ Bhogānaṃ va pabhangunnaṃ Atthavāssaṃ agārani. Aggi dahati pāvako Kāyassa bhedā duppañño Nirayaṃ so upapajjati.

Kẻ nào làm hại những người không trả nủa bằng thế lực, thì hằng bị một trong mười biến cố lớn là: bị cực kỳ khổ sở, hết tiền bạc, hư thân, bịnh nặng, loạn trí, bị vua hình phạt, bị người sát hại nặng nề, chia lìa thân quyến, tiêu diệt gia tài, cháy nhà. Người kém trí tuệ sau khi chết hằng sa địa ngục.

21. Manopubbaṅgamā dhammā Manosetthā manomayā Manasā ce padutthena Bhāsati vā kāroti vā Tato naṃ dukkhamānevati Cakkaṃ va vahato padaṃ.

Các pháp có tâm là hướng đạo; có tâm là chủ, thành tựu do tâm. Nếu người có tâm ác, dù nói hoặc làm, sự khổ hằng theo họ như bánh xe xoay tròn theo dấu chân bò mang ách đi vậy.

22. Manopubaṅgamā dhammā Manosetthā manomayā Manasā ce pasannena Bhāsati vā karoti vā Tato naṃ sukhamanevati Chāyāva anupāyinī.

Các pháp có tâm là hướng đạo; có tâm là chủ, thành tựu do tâm, nếu người có tâm trong sáng, dù nói hay làm, sự vui hằng theo họ, như bóng tùy hình.

23. Idha socati pecca socati Pāpakārī ubhayattha socati So socati so vihaññati Disvā kammakilittha mattano.

Người hay làm tội hằng đau khổ trong đời này; thác rồi càng đau khổ trong hai cõi, vì họ thấy nghiệp xấu của chính mình rồi đau khổ rên rĩ.

24. Idha modati pecca modati Katapuñño ubhayattha modati So modati so pamodati Disvā kammavisuddhi mattano.

Người đã làm phước, hoan hỉ trong cõi này, chết rồi cũng hằng vui thích, vui thích trong cả hai cõi; vì họ thấy tâm trong sạch của chính mình, rồi hằng hân hoan khoái lạc.

25. Sukarāni asādhūni Attaṇo ahitāni ca Yam vehitañca sādhuñca Taṃ ve paramadukaraṃ.

Nghiệp không tốt và không hữu ích đến mình thì dễ làm được, nghiệp lành và có lợi ích thì rất khó làm.

26. Sukaraṃ sādhunā sādhu Sādhu pāpena dukkaraṃ Pāpaṃ papena sukaraṃ Pāpamariyehi dukkaraṃ.

Nghiệp lành, người lành dễ làm; nghiệp lành kẻ ác khó làm; kẻ dữ dễ làm nghiệp ác; các bậc thánh nhân chẳng làm nghiệp dữ đâu.

27. Idha tappati pecca tappati Pāpakārī ubhayattha tappati Pāpaṃ me katanti tappati Bhiyyo tappati duggantin gato.

Người hay làm tội, hằng than van trong đời này, thác rồi phải chịu rên rĩ; họ thường phiền muộn trong cả hai cõi, hằng than van rằng: ta đã tạo nghiệp ác nên phải đến cảnh khổ, rồi càng ưu phiền than thở.

28. Idha nandati pecca nandati Katapuññābhayattha nandati Puññaṃ me katanti nandati Bhiyyo nandati sugatingato.

Người được phước hằng vui vẻ trong cõi này, chết rồi cũng thường vui vẻ. Họ sung sướng trong cả hai cõi, họ hằng sung sướng rằng: ta đã tạo phước để dành nên đi đến nhàn cảnh, rồi càng thêm thỏa mãn.

29. Yathāpi puppharāsimhā Kayirā mālāguṇe bahū Evaṃ jātena maccena Kattabbaṃ kusalaṃ bahū.

Người thợ làm tràng bông, trang hoàng vòng hoa bằng nhiều thứ hoa, thế nào người đã sinh ra trong đời nên làm lành cho nhiều như vậy.

30. Evañce sattā jāneyyunDukkhāyaṃ jātisambhavoNa pāno pāninaṃ haññePānaghati hi socati.

Chúng sanh phải hiểu rằng: “sự tồn tại” là khổ, như thế họ không nên sát sinh, vì người sát sinh hằng rên siết.

31. Caranti bālādummedhā Amitteneva attanā Karontā pāpakaṃ kammaṃ Yaṃ hoti katukapphalam.

Những kẻ si mê có trí thức thấp hèn, có ác tâm làm nghiệp dữ, sẽ chịu quả chua cay.

 

32. Na taṃ kammaṃ kataṃ sādhu Yaṃ katvā anutappati Yassa assamukho rodaṃ Vipākaṃ patisevati.

Người làm nghiệp nào rồi, sau hằng rên siết là kẻ có mặt ẩm ướt bằng nước mắt, khóc la, chịu quả của nghiệp nào, nghiệp ấy họ đã tạo rồi là nghiệp không tốt đâu.

 

33. Tañca kammaṃ kātaṃ sadhu Yaṃ katvā nānutappati Yassapatito sumano Vipākaṃ patisevati.

Kẻ đã tạo nghiệp nào mà sau rồi không than van, là người có thiện tâm hằng thụ quả của nghiệp mà họ đã làm, là nghiệp lành.

 

34. Madhuvā maññati bālo Yāvā pāpaṃ na paccati Yadā ca paccati papaṃ Atha (bālo) dukhaṃ nigacchati.

Kẻ si mê thường nhận tội như mật ong cho đến khi tội chưa cho quả, đến lúc thụ quả kẻ si mê hằng chịu khổ.

 

35. Na hi papaṃ kataṃ kammaṃ Sajjukhīraṃva muccati Duhantaṃ bālāmanveti Bhasmācchannova pāvako.

Nghiệp dữ mà người đã làm chưa cho quả, như sữa trong khi đang vắt chưa biến chất, thế nào, nghiệp ác hằng theo thiêu đốt kẻ si mê như lửa bị tro che lấp.

 

36. Kammunā vattati loke Kammunā vattātī pajā Kammani bandhavā sattā Ratthassāniva yāyato Tapena brahmacariyena Saṃyamena damena ca Etena brahmano hoti Etaṃ brahmanamuttamaṃ.

Chúng sanh hằng thực tiễn theo nghiệp là huyết thống như trục bánh xe đang xoay vậy. Người sẽ là bậc cao quí do bốn nghiệp là: tapa: chuyên cần diệt điều ác; brahmacariya: thực hành phạm hạnh; saññama: chế ngự thân, khẩu, ý; damo: tự hóa. Đây là bốn nghiệp lành cao quý của các bậc quý nhân.

 

37. Natthi loke rahonāma Pāpakammaṃ pakubbato Passanti vanabhūtāni Taṃ bālo maññate raho.

Nơi kín đáo của người làm tội chẳng có trong đời. Những kẻ si mê thấy nơi có rừng rậm đoán chừng rừng đó là chỗ kín.

 

Phật ngôn về vấn đề nghiệp

Natthi vijjāsamaṃ mittaṃNa ca byādhisamo ripuNa ca attasamaṃ pemaṃNa ca kammamsamaṃ balaṃ.

Chẳng có bạn nào có giá trị bằng sự học thức, chẳng có thù địch nào bằng thế lực của bịnh hoạn, chẳng thương ai bằng yêu mình, chẳng có sức mạnh nào bằng nghiệp.

Duggataṃ gaccha helābha Āpo labbena purati Thale vassatha pajjunna Āpo āpena pūrati Natthidaṃ kammapatthānaṃ.

Lợi ơi! Ngươi nên tìm kẻ nghèo, người giàu có tiền bạc chan chứa rồi. Mưa ơi! Hãy rơi xuống trong nơi khô héo đi, biển cả có đầy nước rồi, dầu như thế, sự mong mỏi cũng chẳng được như nguyện. Vì thế lực của nghiệp đàn áp trên tất cả.

Hīnanaṃ gacchate vittaṃ Virānaṃ vasantakattaṃ Vadanti ca hīnā janā Pubbakammapatthānāti.

Tài sản của kẻ ít bền chí, biến chuyển thành của người có nhiều sự kiên nhẫn hơn. Kẻ thấp hèn đáp rằng: bất cứ cái chi đều do nhân trước cả.

Na vadanti cevaṃ dhīrā Vāyamiṃsu sabbakamme Na ce sijjhati taṃ kammaṃ Aphalaṃ ettha kiñdoso.

Bậc trí tuệ không thốt như (kẻ lười biếng) đâu, họ hằng tinh tấn làm tất cả công việc. Nếu công việc bất thành thì là thất bại, như thế phàn nàn cái chi?

---

Thiên III. VẤN ĐỀ NGHIỆP (tiếp theo)

1. Nghiệp phân hạng người

Thuở kia, Đức Thế Tôn ngự trong Kỳ Viên tịnh xá của ông Trưởng giả Cấp Cô Độc, gần thành Xá Vệ.

Thuở ấy, có gã thanh niên con ông Todeyya (Bà-la-môn) đến lễ Phật rồi bạch hỏi rằng: Bạch Đức Gotama, cái chi là nhân, là duyên làm cho nhân loại thấp hèn và cao sang khác nhau, nghĩa là cớ sao, có người: yểu tử, trường thọ, nhiều bệnh, ít bệnh, có dung mạo đáng ghét, có dung mạo đáng yêu, có quyền thế thấp, có quyền thế cao, nghèo khổ, giàu có, thấp hèn, cao sang, ngu dốt, khôn ngoan.

Đức Thế Tôn đáp: Này người thanh niên! Chúng sinh đều có nghiệp là của họ, là người thụ quả, có nghiệp tạo ra, có nghiệp là dòng dõi, có nghiệp là nơi nương tựa. Nghiệp hằng phân hạng người hèn, kẻ sang như vậy.

Người thanh niên (Subhamānaba) không thể hiểu pháp mà Ngài giảng đại khái được, bèn bạch, cầu Ngài thuyết rộng thêm. Đức Thế Tôn liền giảng rằng:

1) Này thanh niên! Có hạng người trong thế gian này, không lòng trắc ẩn, hay sát sinh hại vật, sau khi thác hằng sa trong ác đạo, nếu không, tái sinh làm người yểu tử. Đấy là pháp hành làm cho người chết non.

2) Người có tâm từ bi, tránh sự sát sinh hại mệnh, chết rồi được sinh lên trời, nếu không, trở lại làm người trường thọ. Đấy là pháp hành làm cho người được sống lâu.

3) Người hành hạ đánh đập chúng sinh, thác rồi phải sa trong ác đạo, nếu không, trở lại làm người, thì nhiều bệnh hoạn. Đấy là pháp hành làm cho người nhiều bệnh.

4) Người không hành hạ chúng sinh, thác rồi hằng đến nhàn cảnh, bằng không, tái sinh làm người thì ít bệnh hoạn. Đấy là pháp hành làm cho người ít bịnh.

5) Người hay giận, bất bình, chết rồi sinh trong ác đạo, bằng không tái sinh làm người có dung mạo đáng ghét. Đấy là pháp hành làm cho người xấu xí (có dung mạo đáng ghét).

6) Người ít nóng giận, thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, nếu không, tái sinh làm người có sắc xinh đẹp, có dung mạo đáng yêu.

7) Người ganh tỵ, thác rồi sinh trong ác đạo, nếu không, trở lại làm người thấp hèn. Đấy là pháp hành làm cho người ít quyền thế.

8) Người không ganh ghét, chết rồi được sinh trong nhàn cảnh, nếu không, trở lại làm người có quyền to thế lớn.

9) Người không bố thí, nhất là cơm nước v.v... đến các bậc tu hành v.v... thác rồi đọa trong ác đạo, nếu không, sinh lại làm người ít của cải. Đấy là pháp hành làm cho người ít của, nghèo khổ.

10) Người hay bố thí, như cho thực phẩm v.v... đến nhà tu hành v.v... thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, bằng không, trở lại làm người giàu có. Đấy là pháp hành làm cho người trở nên phú túc.

11) Người hay ngoan cố, kiêu căng, không lễ bái, tiếp rước, không mời ngồi, không nhường đường, không cúng dường, không kính trọng bậc xứng đáng như cha mẹ, thầy tu v.v... chết rồi phải sa trong ác đạo, nếu không trở lại làm người đê hèn thấp kém. Đấy là pháp hành cho sanh trong dòng dõi đê hạ, thấp hèn.

12) Người không hay ngoan cố, không kiêu căng, thường lễ bái, đón tiếp, mời ngồi, nhường đường, cúng dường đến bậc xứng đáng, thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, nếu không, tái sinh làm người có gia thế cao sang. Đấy là pháp hành làm cho người sinh trong quý tộc (cao sang).

13) Người nào không tìm các bậc chân tu, bạch hỏi rằng: thế nào là lành là dữ v.v..., chết rồi phải sa trong ác đạo, nếu không, sinh lại làm người ngu ngốc. Đấy là pháp hành làm cho người ngu dốt.

14) Người nào hay tìm bậc sa-môn, bà-la-môn để bạch hỏi rằng: cái chi là phước là tội v.v... thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, bằng không, trở lại làm người có trí tuệ (khôn ngoan).

Chú thích: Trong kinh có chia các nhân tính ấy ra làm bảy loại ác và bảy loại thiện, như dưới đây, để xem cho dễ hiểu.

Nhân dữ

Cho quả khổ

Nhân lành

Cho quả vui

1. Sát sanh

Yểu tử

Bất sát sanh

Trường thọ

2. Hành hạ người

Nhiều bịnh

Không hành hạ người

Ít bịnh

3. Hay sân

Dung mạo đáng ghét

Ít sân

Dung mạo đáng yêu

4. Hay ghen tỵ

Quyền thế thấp

Ít ganh tỵ

Quyền thế cao

5. Hay keo kiệt

Nghèo khổ

Hay bố thí

Giàu có

6. Kiêu căng

Thấp hèn

Không kiêu căng

Cao sang

7. Không tìm bậc học thức

Ngu dốt

Hay tìm bậc học thức

Khôn ngoan

2. Nghiệp đen, nghiệp trắng

Thuở kia, Đức Thế Tôn ngự trong xứ Koliya, đến châu quận Haliddavasana. Thuở ấy, có người Puṇṇakoliyaputta hành đạo như loài bò và Seniyācelaka tu như loài chó, cùng nhau đến hầu Đức Thế Tôn, rồi Puṇṇakoliyaputta bạch hỏi rằng: Bạch

Ngài, Seniyācelaka đây hành như loài chó, dùng thực phẩm mà người để trên đất, tu đã lâu không khuyết điểm như thế, vận mệnh của hắn sẽ ra sao? Cõi mà hắn sẽ thụ sinh trong kiếp sau sẽ thế nào?

Đức Thế Tôn không ngăn cho Puṇṇakoliya hỏi đến ba lần, sau rốt Ngài đoán trước rằng: Này Puṇṇa! Có người trong đời này, tu hạnh như chó lâu ngày, không khuyết điểm, hành như chó và tâm quyết định như thế, có bộ tịch như chó, hành đạo không thiếu sót, sau khi chết sẽ sanh trong loài chó, nếu người ấy có ý kiến độc đoán rằng: ta sẽ làm một vị trời có nhiều quyền thế hoặc một vị trời nào, do thái độ mà mình đã thọ trì. Như thế sự hiểu biết của họ là sai lầm, thì số mệnh của họ chỉ có hai, là: địa ngục hay là cầm thú.

Khi Đức Thế Tôn đã dự đoán như vậy, Seniyācelaka liền khóc rống và đồng thời bạch rằng: Tôi không phải khóc vì lời dự đoán ấy, nhưng bởi thấy rằng tu hạnh như loài chó mà tôi đã thực hành từ lâu, không khuyết điểm, là rỗng không, chẳng có lợi ích chi cả. Tiếp theo Seniyācelaka bạch hỏi đến số mệnh tương lai của Puṇṇakoliyaputta tu hạnh như loài bò, Đức Thế Tôn ngăn, không cho hỏi đến ba lần, sau rồi Ngài tiên đoán như đã giải, khác nhau là người tu hạnh loài bò, sẽ phải sinh trong loài bò. Puṇṇakoliyaputta được nghe xong cũng khóc than như Seniyācelaka, rồi cầu Đức Thế Tôn giảng đạo cho hai người dứt bỏ tu hạnh loài chó và loài bò.

Đức Thế Tôn bèn thuyết rằng: Này Puṇṇa! Bốn thứ nghiệp Như Lai giảng đây, người nên thấy rõ bằng trí tuệ cho thấu chân lý là: nghiệp đen có kết quả đen, nghiệp trắng có kết quả trắng, nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng, nghiệp không đen không trắng có kết quả không đen không trắng. Khi đã thuyết đầu đề như thế rồi, Ngài giảng tiếp rằng: - Này Puṇṇa! Nghiệp đen có kết quả đen là thế nào? Này Puṇṇa! Trong đời có hạng người làm hại kẻ khác bằng thân, khẩu, ý sau khi thác họ sẽ sa trong khổ cảnh, chịu nhiều nỗi đớn đau rên siết, chỉ phải thụ khổ trăm bề, như chúng sinh trong địa ngục. Đấy là vì nghiệp ác đã tạo. Họ tạo nghiệp nào thì chịu khổ vì nghiệp ấy, như thế. Sự kết quả của nghiệp hằng hình phạt họ. Này Puṇṇa! Như lai gọi rằng: chúng sanh là người kế thừa của nghiệp tức là thụ quả của nghiệp. Cách thụ quả của nghiệp đến như vậy.

- Này Puṇṇa! Nghiệp trắng có kết quả trắng như thế nào? Này Puṇṇa! Trong đời có hạng người không làm hại chúng sinh bằng thân, khẩu, ý, họ sẽ đến cõi ít khó khăn, như vậy, họ sẽ có sự tiếp xúc tình cảnh không nông nổi, rồi sẽ được an vui như Chư thiên vậy. Này Puṇṇa! Sự động tác của thân, khẩu, ý, không làm khổ kẻ khác, Như Lai gọi là nghiệp trắng có kết quả trắng.

- Này Puṇṇa! Nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng là thế nào? Này Puṇṇa! Trong đời có chúng sinh dùng thân, khẩu, ý, hãm hại chúng sinh cũng có, không hãm hại cũng có, như vậy họ sẽ đến cõi khó khăn cũng có, không gặp cảnh khốn khổ cũng có, họ sẽ chịu khổ cũng có, không mang tai cũng có, nghĩa là có khổ lẫn vui. Này Puṇṇa! Khi có thân, khẩu, ý, ác lẫn thiện như vậy. Như Lai gọi là nghiệp đen lẫn trắng, có kết quả đen lẫn trắng. - Này Puṇṇa! Nghiệp không đen không trắng ra sao? Này Puṇṇa! Trong tất cả ba loại nghiệp: nghiệp đen có kết quả đen, nghiệp trắng có kết quả trắng, và nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng. Còn tác ý suy nghĩ ngoài ba nghiệp ấy, Như Lai gọi là nghiệp không đen không trắng, có kết quả không đen không trắng, tức là không tạo nghiệp nữa. - Này Puṇṇa! Bốn loại nghiệp ấy, Như Lai đã tự mình thực hành phân minh bằng trí tuệ cao siêu, rồi phổ độ chúng sinh cùng được thấy rõ.

Khi đã thuyết xong Puṇṇakoliyaputta hoan hỉ tán dương thời pháp và xin thọ quy giới làm cận sự nam.

Seniyācelaka cũng thọ quy giới và xin xuất gia theo Phật giáo. Đức Thế Tôn thuyết tiếp đến Tạng Luật rằng: những người đã quen tu theo ngoại đạo, trước phải chịu phạt cấm phòng bốn tháng, rồi mới có thể xuất gia được. Nhưng Seniyācelaka bạch xin chịu phạt cấm phòng đến bốn năm. Do nhân này, Seniya mới được xuất gia tại chỗ ngụ của Đức Thế Tôn, không phải bị phạt cấm phòng. Không lâu, Seniya cố thực hành Chánh pháp đạt Ala-hán quả, thoát ly sinh tử luân hồi.

3. Năm pháp mà chúng sinh khó được

Thuở kia, Đức Thế Tôn ngự trong Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ. Ông trưởng giả Cấp Cô Độc vào tịnh xá hầu Phật, Đức Thế Tôn giảng rằng: “Này ông trưởng giả! Các pháp mà chúng sinh mong mỏi, hài lòng, nhưng họ rất khó được trong đời là: tuổi thọ, sắc đẹp, an vui, quyền thế, cõi Trời.

- Này ông trưởng giả! Như Lai không gọi chúng sinh được năm pháp ấy bằng sự khẩn cầu, van lơn. Nếu được theo sự nài xin nguyện vọng, thì ai trong đời này, có sự thất vọng, thốn thiếu vật chi?

- Này ông trưởng giả! Các hàng thánh thinh văn mong được sống lâu, sắc đẹp, an vui, quyền thế và cõi trời, họ không cầu khẩn, vui thích với tuổi thọ, sắc đẹp v.v... ấy dù họ có thực tiễn pháp hành cho được trường thọ v.v…, lẽ cố nhiên pháp hành ấy sẽ cho họ tuổi thọ, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và cõi Trời”.

Đức Thế Tôn giảng tiếp rằng: Những bậc minh triết hằng tán dương người mong được trường thọ, sắc đẹp, quyền cao, danh vọng, cõi trời, được sinh trong nhà quý tộc, nhưng họ không cẩu thả, trong sự bỏ dữ về lành. Các hàng minh triết, hằng cẩn thận rồi được hai lợi ích là: lợi ích trong kiếp này, lợi ích trong đời tương lai. Vì được hai lợi ích ấy, nên bậc trí thức thường thốt rằng: người có trí tuệ là bậc minh triết.

Chú thích: Trong kinh này, Ngài thuyết về năm pháp: sống lâu, sắc đẹp, an vui, quyền thế, cõi trời.

Tất cả phàm nhân đều mong năm nguyện ước ấy, nhưng họ nan đắc và sự được ấy cũng không phải được bằng cách van xin rằng: cho tôi được sống lâu, sắc đẹp v.v... vì nếu cầu mà được thì có ai là người thiếu thốn vật gì?

Người được năm pháp ấy, cần phải có tạo nhân lành, hợp với sự mong muốn. Pháp hành cho phát sinh tuổi thọ v.v... có thuyết để trong các kinh, như có tích:

1) Có nàng công chúa Sumanā bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: Hai Thinh văn của Ngài có đức tin ngang nhau, song một vị được vật dụng theo lẽ đạo rồi đem dâng đến tỳ khưu khác, còn vị kia không cho chi cả, hai vị này thác rồi sinh lên cõi trời hoặc làm người được hạnh phúc khác nhau hay giống nhau?

Đức Thế Tôn đáp: Hai Thinh văn ấy sẽ được hạnh phúc khác nhau, nghĩa là vị bố thí vật dụng, khi sinh làm trời hay người hằng cao sang hơn vị kia, do năm quả báo là sống lâu, sắc đẹp, an vui, quyền thế trên cõi trời hay trong thế gian.

2) Trong kệ ngôn Anumodana có dạy: āyudo balado dhīro v.v… ‒ Sự cho cơm nước là nhân sanh sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh.

Tóm tắt rằng: sự bố thí, trì giới là pháp hành cho quả sống lâu v.v... Trong kinh Đức Thế Tôn dạy chớ nên lãnh đạm trong việc lành, vì sẽ được thụ quả theo sở nguyện, tức là được các lợi ích: sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh. Bố thí, không sát sanh sẽ được giàu có, sống lâu v.v... Ít sân, không bất bình sẽ có sắc đẹp. Phụng dưỡng cha mẹ, cúng dường các bậc tu hành cho đến làm những việc vô tội sẽ được an vui. Không thiên vị sẽ được quyền thế. Hành chánh pháp (thân, khẩu, ý) liêm khiết sẽ được lên trời.

4. Dhammasamadana - pháp tạo bốn nghiệp

Trong Majjhimanakāya Mulāpaṇṇasaka, Đức Thế Tôn có giảng thuyết về sự thực hành bốn nghiệp là: 1) có thứ nghiệp cho quả khổ trong hiện tại và trong kiếp kế tiếp; 2) có thứ nghiệp cho quả khổ trong hiện tại, nhưng quả vui trong tương lai; 3) có loại nghiệp cho vui trong hiện tại, quả khổ trong tương lai; 4) có loại nghiệp cho vui trong hiện tại và vui trong tương lai.

Loại nghiệp một: là tạo nghiệp ác bằng tâm không thừa nhận (bị động). Khi tạo nghiệp như thế sẽ chịu quả khổ, như người tạo nghiệp ác bị bắt buộc. Loại nghiệp hai: là tạo nghiệp bằng tâm tình nguyện phải chịu cực nhọc trong lúc làm, nhưng sau sẽ được quả vui, như người ưa thích hành thiện pháp, cho đến khi được thụ quả, chịu khổ lúc khởi đầu rồi sẽ hưởng hạnh phúc về sau. Loại nghiệp ba: là tình nguyện làm nghiệp dữ mà được thỏa thích trong thuở đầu, sau nghiệp ác cho quả, thì phải chịu khổ, như người tự ý làm dữ, bắt đầu vui rồi phải chịu khổ về sau. Loại nghiệp bốn: là ưng thuận làm nghiệp lành, thì hằng được vui theo sở nguyện, như người tự ý làm lành được thụ quả vui về sau v.v…

---

THIÊN IV. MƯỜI HAI NGHIỆP

Trong Thanh Tịnh Kinh (Visuddhimagga) quyển III có giải mười hai thứ nghiệp chia ra làm ba loại là:

Loại 1. Nghiệp cho quả theo thời có bốn: ditthadhammavedanīyakamma: nghiệp cho quả hiện tại; upapajjavedanīyakamma: nghiệp cho quả trong kiếp kế tiếp (sau khi thác); aparāparavedanīyakamma: nghiệp cho quả trong các kiếp sau sau; ahosikamma: nghiệp thôi cho quả.

Loại 2. Nghiệp cho quả theo công việc là theo phận sự của nghiệp có bốn: janakakamma: nghiệp sinh sản; upatthambhakakamma: nghiệp vào cấp dưỡng; upapīḷikakamma: nghiệp vào áp chế; upaghātakakamma: nghiệp vào sát hại.

Loại 3. Nghiệp cho quả theo thứ tự là tùy nặng nhẹ của nghiệp cho quả trước hay sau, có bốn: garukamma: nghiệp nặng; bahulakamma: nghiệp thường có; asannakamma: nghiệp cận thời (nghĩa là nghiệp làm hoặc nhớ được trong khi hấp hối); katattakamma: nghiệp vô ý (không cố ý làm).

Loại 1. Nghiệp cho quả theo thời

1. Ditthadhammavedanīyakamma

Tiếng ‘ditthadhammavedanīyakamma’ dịch là nghiệp cho quả trong hiện tại.

Chú thích: Nghiệp có sức mạnh cho quả nhãn tiền, người tạo thụ quả trong đời này.

Nghiệp này chia ra làm hai: cho quả trong bảy ngày gọi là parisattaditthadhammavedanīyakamma; cho quả lâu hơn trước song quả quyết, sau khi thác phải thụ quả cũng gọi là: ditthadhammavedanīyakamma: như trên.

Nghiệp cho quả nhãn tiền có hai: vui, khổ.

a/ Nghiệp lành cho quả nhãn tiền

Chú thích: Trong kinh đô Rājagaha có chàng nhà nghèo tên Puṇṇa phải làm tôi mọi cho một triệu phú gia (làm ruộng mỗi ngày) vợ y thường bữa đem cơm cho dùng.

Ngày kia Đức Xá Lợi Phất xuất diệt thọ tưởng định (nirodhasamāpatti) rồi quan sát thấy rằng: vợ của Puṇṇa có thể cúng dường được và khi Ngài đã thọ rồi, chàng Puṇṇa sẽ thành địa vị triệu phú gia. Thấy như thế, Ngài mặc y, mang bát đi theo đường mà vợ chàng Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Gặp Đức Xá Lợi Phất, nàng rất hoan hỉ đem thực phẩm dành cho chồng dâng hết đến Ngài, rồi trở về nhà lấy thực phẩm khác cho chồng. Khi chồng nàng dùng xong, nàng mới thuật lại việc cúng cơm đến đại đức và cầu chàng hoan hỉ phước thí thực ấy.

Chồng nàng cũng đồng vui thích như vợ, xong rồi chàng Puṇṇa trở ra cày ruộng nữa. Những lằn đất cày đều biến thành vàng tức tốc. Chàng Puṇṇa mới đem câu chuyện tâu cho đức vua rõ. Vua sai người đến chở vàng ấy, nhưng khi chở lên xe thì vàng trở thành đất. Nhà vua biết rằng phước dành riêng cho Puṇṇa, nên vua bèn phong chàng làm đại phú gia Mahādhanaseṭṭhī. b/ Ditthadhammavedanīyakamma ác:

* Nghiệp ác của Nandagoghātaka (người hàng bò):

Như có tích rằng: Có người hàng thịt giết bò bán để nuôi sống. Y làm nghề này hơn năm mươi năm. Vì đã thường dùng thịt, trong mỗi bữa ăn đều phải có thịt bò y mới ăn cơm được. Ngày kia, vợ hắn bán hết, không có đủ thịt ăn, nên hắn giận không dùng cơm, liền cầm dao ra cắt lưỡi bò sống, bảo vợ đem nướng rồi ngồi chờ ăn. Khi vợ hắn nướng xong đem cho hắn dùng ngay, nhưng miếng thịt lưỡi bò chưa xuống đến dạ dày quả của nghiệp ác phát sinh tức khắc, nghĩa là lưỡi của Nanda rớt liền xuống mâm cơm. Nanda la khóc như tiếng bò, chịu vô cùng khổ sở, chết rồi thụ sinh trong Vô Gián địa ngục (Avicīnakara).

* Ác nghiệp của nàng Ciñcamānavikā:

Trong sơ giác thời Phật giáo (Pathamabodhikāla) lợi danh phát sinh rất nhiều đến chư tỳ khưu trong Phật giáo. Bọn ngoại đạo thì suy vi, kém sút, nên các thầy sanh lòng ghen tỵ, mong được lợi danh về mình, bèn hội họp nhau để trù tính mưu mô, làm cho hư danh mất lợi đến Phật giáo. Rốt cuộc các thầy đồng ý nhau rằng: kế hoạch sẽ được kết quả do nàng Ciñcamānavikā. Như thế, khi nàng Ciñcamānavikā vào chùa các sư ngoại đạo giả bộ bất bình không thốt lời chi cả. Nàng hỏi: “Bạch các Ngài giận tôi về vấn đề gì, nên không tỏ lời chi cùng tôi?”

Các thầy đáp: “Chúng tôi không giận chi nàng đâu, nhưng hiện nay nàng không hiểu sao; chúng ta đâu còn được an vui gì, bởi Đức Gotama (Cồ Đàm) làm cho chúng ta phải khổ sở.”

‒ Vậy, tôi phải làm thế nào cho các Ngài được vui?

‒ Nàng có sắc đẹp, chúng ta thấy nàng có thể làm tội đến Đức Cồ Đàm được.

Nghe các thầy ngoại đạo nói như thế, nàng Ciñcamānavikā hiểu ngay nên nhận lời rồi từ giã trở về nhà.

Từ đấy, trong mỗi buổi chiều mát, hàng Phật tử đã thính pháp xong từ Đức Thế Tôn trở về nhà. Nàng Ciñcamānavikā đi theo con đường vào Kỳ Viên tịnh xá, khi có người hỏi nàng đi đâu? Nàng đáp: “Đi vào Kỳ Viên tịnh xá”.

Đến buổi sáng, khi tín đồ dẫn nhau đến chùa thì nàng lại trở về. Thiện tín hỏi thì nàng đáp: “Tôi từ Kỳ Viên tự trở về”.

Như thế, trải qua nhiều ngày quần chúng đem lòng ngờ vực. Sau rồi nàng có cho họ biết rằng: nàng vào ngụ chung cùng Đức Cồ Đàm. Dần dần nàng độn bụng dường như phụ nữ mang thai, cho đến khi độn bụng to như gần đến kỳ lâm bồn. Xong, nàng đến trước mặt Phật, giữa tứ chúng (chư sư và thiện tín đang nghe pháp), nàng khiển trách Đức Phật rằng: “Này Đức Cồ Đàm! Ngài hãy quan sát coi có xứng đáng không? Tôi nay đã thai nghén gần ngày; Ngài lầm tưởng như không hay biết hử? Vì sao không tội nghiệp tế độ Ciñcamānavikā chút nào vậy. Ngài chỉ có biết khoái lạc, nhưng không biết sắp sửa cho tôi khai hoa nở nhụy được an toàn sao? Dù Ngài không biết cách lo liệu thế nào, thì cũng nên bảo kẻ hộ Ngài như đức vua Pasenadikosala, ông Cấp Cô Độc v.v... trông nom sự sinh đẻ thế sao? Ngài chỉ biết thỏa mãn tình dục, đến lúc tôi mang thai lại chẳng có một lời thăm hỏi đến Ciñcamānavikā chút nào cả”.

Có phương ngôn rằng: “Khi nàng Ciñcamānavikā thốt lời nhiếc mắng đức Phật vậy, ví như người làm hại vầng trăng trên không trung xa vong làm hại được. Vầng trăng không hay biết bị ai làm hại thế nào, hằng lóng lánh sáng ngời như thường; và ví như người dùng cục phẩn nhét vào mồm của chính mình, thật vậy”.

Khi nàng Ciñcamānavikā thốt lời nhục mạ giữa tứ chúng như vậy, Đức Phật đáp rằng: “Ciñcamānavikā! Những lời nàng thốt đây, không rõ rệt đối với kẻ khác mà cũng không hay không thấy, chỉ có Như Lai và nàng rõ câu chuyện ấy, có phải vậy chăng?” Trong lúc ấy, chỗ ngụ của Đức Trời Đế Thích chuyển động (Pháp cú kinh có nói: chỗ ngụ của Đức Đế Thích là một tảng đá màu vàng, dài lối sáu mươi do tuần, rộng sáu mươi do tuần, dày mười lăm do tuần, khi Đức Đế Thích ngự lên thì nó hạ mình xuống, Ngài xuống rồi nó phồng lên). Khi bảo tọa của Ngài có dáng điệu như thế, Đức Đế Thích dùng thiên nhãn quan sát hiểu ngay rằng nàng Ciñcamānavikā đang vu cáo Đức Thế Tôn bằng lời thô lỗ giữa tứ chúng làm cho họ ngờ vực. Ngài liền xuống Kỳ Viên tịnh xá, rồi biến làm con chuột vào cắn dây và vải mà nàng đã độn cho đứt lìa rơi xuống giữa hàng tứ chúng. Thấy như thế, đại chúng biết rõ rằng nàng Ciñcamānavikā vu cáo Đức Thế Tôn, họ bèn bu chung quanh giết nàng, đất liền nứt ra rút nàng vào trong Vô Gián địa ngục.

* Nghiệp ác của hoàng tử Duttharajakumara

Hoàng tử đi đến vườn ngự uyển thấy chúng dân đang cúng dường Đức Độc Giác Phật, không tỏ lòng tôn kính Ngài, Hoàng tử phát sân xúi voi đuổi Đức Độc Giác Phật cho đến cùng, rồi giựt bát của Ngài đổ bỏ thực phẩm xuống đất rồi nói tiếp rằng: “Đức Thầy giận ta, làm gì đến ta được”.

Khi đó nghiệp dữ cho quả nhãn tiền, khắp thân thể Hoàng tử nóng nảy rất mong được uống nước, nước đem đến từ các nơi cho Hoàng tử uống nhưng các đồ đựng nước đều khô cạn. Không có nước uống nên Hoàng tử thác, rồi đọa vào Vô Gián địa ngục ngay khi ấy.

2. Upapajjavedaniyakamma

Upapajjavedaniyakamma là nghiệp cho quả khi đã sinh ra rồi trong kiếp kế tiếp là nghiệp nhẹ hơn trước, và sẽ cho quả khi đã sinh ra trong kiếp kế bên. Nghiệp này có hai: thiện, ác.

Trong kinh có ghi rằng: Nghiệp này chỉ về tác ý thứ bảy cho kết quả đến người tạo lành hay dữ theo tác ý tốc lực tâm thứ bảy, cho thành tựu quả, trong cõi kế tiếp đời hiện tại này, tức là trong kiếp thứ nhì tiếp theo.

a/ Upapajjavedaniyakamma thiện lành có tám là: pathamajhāna: sơ thiền, dutiyajhāna: nhị thiền, tatiyajhāna: tam thiền, catutthajhāna: tứ thiền (bốn thiền hữu sắc); akāsāñañcāyatanajhāna: hư không vô biên thiền, viññāñancāyatana: thức vô biên thiền, akiñcaññāyatana: vô hữu sở thiền, nevasaññānāsaññāyatana: phi phi tưởng thiền (bốn thiền vô sắc). Sơ thiền có năm chi: suy, sát, phỉ, an và định. Nhị thiền có bốn chi: sát, phỉ, an và định. Tam thiền có ba chi: phỉ, an và định. Tứ thiền có một chi: là định, nhưng sự thật thì có xả nữa, như thế thì có hai chi định và xả.

Người đắc thiền không dứt, khi chết sinh trong cõi Phạm thiên. Đắc thiền hữu sắc được lên cõi Phạm thiên hữu sắc. Đắc thiền vô sắc đến cõi Phạm thiên vô sắc.

Có lời hỏi rằng: Người không đắc thiền, nhưng phát tâm làm lành (bố thí, trì giới v.v...) được sanh trong cõi trời, như thế được gọi là upapajjavedanīyakamma lành không, tại sao? Đáp: Cũng gọi là upapajjanīyakamma lành như nhau, vì cho quả trong kiếp kế tiếp, nhưng khác nhau là các nghiệp lành như bố thí, trì giới v.v... không nhứt quyết rằng sau khi chết sẽ được sanh trong cõi trời, bởi có người cũng sa trong ác đạo trước, khỏi rồi mới được lên trời. Nhưng về thiền định, như đã giải trên thì quả quyết rằng, nếu đắc thiền mà không dứt thì phải sinh trong cõi Phạm thiên, sau khi thác.

b/ Upapajjavedaniyakamma ác là: giết mẹ, giết cha, giết Đức A-la-hán (Thinh văn giác), chích máu Phật tổ, chia rẽ tăng.

Người phạm trong ngũ nghịch đại tội ấy (anantarāyakamma) dù có tạo được các phước (như tạo tháp xá lỵ bằng vàng, chùa hoặc trai tăng trong sa bà thế giới) cũng không thể ngăn ngũ nghịch đại tội ấy được, khi thác chắc chắn phải đọa trong Vô Gián địa ngục. Giải rằng: Hành giả quyết tâm hành thiền được thuần thục, từ tứ thiền hữu sắc đến tứ thiền vô sắc, thác rồi được sanh trong cõi Phạm thiên do năng lực một thiền nào. Khi thiền cao nhất cho quả, rồi các thiền thấp thì ahosikamma là không cho quả. Ngũ nghịch đại tội cũng vậy, nếu người nào phạm cả năm tội, một tội nào cho đầu thai, thì các tội kia cũng ngưng cho quả.

Quả quyết rằng: Upapajjavedaniyakamma cho quả ngay trong cõi thứ nhì, tiếp theo kiếp này.

Upapajjavedaniyakamma ví như thợ săn bắn nhằm thịt rừng như tích Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) và vua A Xà Thế.

3. Aparāparavedanīyakamma

Tiếng ‘aparāparavedanīyakamma’ dịch là nghiệp cho quả trong các kiếp sau (tức là trong các cõi sau), từ cõi thứ ba nối tiếp cõi thứ hai (upapajjavedanīyakamma) khi có dịp thì cho quả ngay, ví như loài chó đuổi theo thú rừng, rượt theo kịp tới nơi nào, nó cắn xé trong nơi ấy.

Chú thích: Người tạo nghiệp nào rồi, sẽ thụ quả trong các kiếp sau không có thể nhất định thời kỳ cho quả. Đây chỉ về tác ý tạo nghiệp, tốc lực tâm nhảy đến năm bực gọi là aparāparavedanīyakamma. Nghiệp này không có ahosikamma nghĩa là chưa đắc A-la-hán đạo, chưa đoạn tuyệt được phiền não luân hồi, thì nghiệp này dính theo mãi, bất cứ là kiếp nào khi được cơ hội thì cho quả ngay; ví như chó đuổi theo kịp thú, nó hằng nhảy đến cắn xé không chịu buông tha. Sớm hay muộn không nhứt định, chó chỉ rượt theo mãi mãi. Aparāparavedanīyakamma hằng dính theo chúng sinh mỗi kiếp, chẳng có một ai thoát khỏi được.

Nghiệp này có hai: thiện, ác.

a/ Aparāpavedanīyakamma ác:

Nếu có nghiệp lành mạnh hơn thì ác chưa cho quả, khi thiện giảm sức ác mới có chủ quyền. Chú thích: Jatilasetthī (triệu phú gia Jatila) trong kiếp chót triệu phú gia này sinh làm con một kỷ nữ, nàng dạy tỳ nữ để trong nồi rồi đem bỏ giữa đại lộ, đấy là aparāparavedanīyakamma ác.

Tích Đức Bồ tát. Thuở Ngài sinh ra làm Mahājanaka[5] bị chìm thuyền giữa bể phải lội đến bảy ngày. Kiếp làm Suvaṇṇasāma đạo sĩ bị tên của vua Kapilaya đều là quả của aparāparavedanīyakamma ác.

Tích bảy vị tỳ khưu. Trong thời kỳ Đức Phật chúng ta có bảy vị tỳ khưu đi đến hầu Phật, giữa khoảng đường vào nghỉ trong một cảnh chùa. Vị sư cả bèn cho ngụ trong một hang núi, nhưng nửa đêm có một tảng đá rớt xuống che lấp miệng hang, dù là ai đến tiếp mở thế nào cũng không được. Cả bảy thầy tỳ khưu ấy chịu đói khát trong hang đá đến bảy ngày. Đến ngày thứ tám tảng đá ấy tự nhiên ngã ra. Các thầy bạch cho Phật rõ và hỏi về nghiệp cũ của mình. Đức Thế Tôn giảng rằng: ấy là quả của nghiệp cũ của các thầy đã đuổi con kỳ đà vào trong gò mối đến bảy ngày.

b/ Aparāparavedanīyakamma lành:

Nếu nghiệp dữ có sức mạnh hơn đang cho quả thì aparāparavedanīyakamma lành không cho quả được.

Khi nghiệp dữ yếu sức, nghiệp lành này mới là chủ động.

Chú thích: Nàng Mallikā Hoàng hậu của vua Pasenādikosala lúc còn sinh tiền, bà có nhiều đức tin đề xướng cuộc tài thí vô song (asadisadāna) nhưng khi thác phải sinh trong địa ngục bảy ngày rồi mới lên cõi Trời. Đây là aparāparanīyakamma lành.

4. Ahosikamma

Ahosikamma: là nghiệp đã cho quả rồi nghĩa là nghiệp đã qua thời kỳ cho quả, ví như hạt giống hết phát nha[6] vậy.

Loại 2. Nghiệp cho quả theo phận sự

1. Janakakamma (nghiệp sinh sản)

Janakakamma dịch là sinh sản. Nghĩa là có thể dẫn người tạo nghiệp từ kiếp này đi sinh ra trong kiếp khác. Ví như cha sinh con gọi là kammayonī (nghiệp sinh sản).

Giải rằng: Lành và dữ dẫn đi thụ sinh, không cho quả trước khi thụ sinh, chỉ cho quả trong thời kỳ thụ sinh. Nghiệp cho quả như vậy gọi là janakakamma. Nghiệp lành và dữ cho quả trước khi thụ sinh về phần các nghiệp khác. Janakakamma, ví như mẹ sinh con, chỉ là người sinh mà thôi, phần vú nuôi săn sóc, trông nom hài nhi.

2. Upaṭṭhambhakakammam (nghiệp vào cấp dưỡng)

Upaṭṭhambhakakamma là nghiệp vào cấp dưỡng, nghĩa là sau khi đã sinh, nghiệp này mới vào cung cấp, cũng gọi là kammabandhu (nghiệp là thân quyến) nếu là janakakamma lành thì nuôi nấng hài nhi được an vui, ví bằng là (yanakamma) dữ thì cung cấp thêm sự khổ.

Chú thích: Upaṭṭhambhakakammam lành ủng hộ cho sự tăng gia sự thịnh lợi và sự thạnh thế.

Tích đức vua Adadhamāsakarāja, có ghi trong kinh chú giải rằng: Đức vua Adadhamārāja trước là một người nghèo gánh nước mướn, dành để được năm cắc. Ngày kia, Đức vua Bārānasī báo cáo cho biết sẽ làm đại lễ hài kịch, ai không dự vào thì bị phạt vạ. Vợ chồng anh nhà nghèo ấy bèn tính góp tiền lại được một đồng. Chia một phần để mua hoa thơm, một phần mua thực phẩm. Đồng ý cùng nhau rồi, chồng định đi lấy tiền đã giấu phía bắc thành phố, xa nhà lối mười hai do tuần. Đi đường lúc trời nắng gắt, nóng nực như hơi lửa, dù như thế y vẫn vui thích, mặt mày hớn hở đi và hát, dường như đi trên đường mát mẻ. Khi qua trước hoàng cung, Đức vua Udayarāja nghe thấy bèn ra lịnh cho quan hầu ra gọi y vào yết kiến và ngài phán rằng: “Vì sao người vui thích ca hát giữa đường, lúc trời nắng chang chang?”

Hắn tâu rằng: “Tâu lịnh Hoàng thượng mặt trời dù nắng gắt đến đâu cũng không sao bằng ánh nóng của tình dục, tâu lịnh hoàng thượng, tôi đi lấy tiền về chung góp với của vợ tôi”. Nghe như vậy, Đức vua rất hoan hỉ chia nửa giang sang cho và phong cho vợ hắn làm hoàng hậu, rồi bố cáo cho nhân dân rằng: nay có hai vua cùng nhau thống trị trong nước. Đức vua mới ban hiệu cho là Adadhamāsakarāja. Đây là thí dụ nghiệp upaṭṭhambhakakamma lành vào cung cấp.

Nghiệp này vào cấp dưỡng có hai: phá tiêu tai nạn, bổ khuyết của cải.

Như tích: Có một gia đình kia, từ ngày kết hôn đến ba năm không có con, rồi trì trai để cầu con, không lâu người vợ thai nghén, song gia đình nghèo khổ. Sau khi sinh được con trai thì trở nên khá dần dần. Con trai ấy lên bốn năm tuổi thì ngày càng phú túc, đây là upaṭṭhambhakakamma lành vào ủng hộ đứa trẻ đó.

Về upaṭṭhambhakakamma dữ cũng vào cung cấp cho sa sút khốn cùng.

Nghiệp này cũng có hai phận sự: làm cho sinh tai nạn, khiến của cải tiêu tan.

Lời chú giải có nói: nghiệp vào ủng hộ về phần dữ, vì thiếu pháp từ ái, có tâm keo kiết và làm hại kẻ khác.

Như tích: Anandasetthī và quỷ Dạ xoa dưới đây:

Anandasetthī (triệu phú gia Ananda) keo kiệt, không bố thí và trì giới, từ ngày sinh ra, nhưng được làm triệu phú do tiền kiếp có trai tăng đến chư tỳ khưu. Bởi nghiệp bủn xỉn ấy, sau khi y thác phải thụ sinh vào nhà bần khổ. Từ ngày y đầu thai vào lòng mẹ, bọn ăn xin trong nhóm quen hành khất đủ nuôi sống, thì trở nên thiếu thốn. Sau rốt, bọn ăn mày không cho người mẹ mang mển ấy đi chung cùng bọn. Khi sinh được hài nhi, người mẹ rời bỏ con, vì nếu đem theo thì hành khất không được.

Lớn lên nhớ được tiền kiếp, trẻ ấy đi ngay đến nhà mình trong đời trước là triệu phú, song bị các con ngăn không cho vào nhà, còn thêm bị đánh đập khổ sở nữa. Đây là nghiệp cấp dưỡng về phần ác.

Trong kinh chú giải có ghi quả của nghiệp ác này phát sinh đến người bội ân hại kẻ khác rằng: người tính làm dữ kẻ không làm hại lại, phải chịu khổ muôn phần là bị hành phạt nặng nề, tiêu tan của cải, loạn trí, bị vu cáo, lửa cháy nhà v.v…

3. Upapīḷikakamma (nghiệp vào áp chế)

Nghiệp này trái với janakakamma khi janakakamma sinh sản rồi upapīḷikakamma vào ngăn quả của janakakamma không cho nẩy mầm đầy đủ. Nếu janakakamma lành sinh ra cho đẹp thì nghiệp kia vào ngăn cho giảm sức như câu “jotitamaparāyano: sáng tới rồi, có tối đi phía trước”. Nếu janakakamma dữ sanh ra thấp hèn, nghiệp kia cũng vào ngăn như câu: “tamojotiparāyano: tối đến rồi có sáng đi phía trước” gọi là nghiệp ngăn cho giảm.

Upapīḷikakamma là nghiệp vào áp chế quả của nghiệp khác, trong khi nghiệp này cho quả; nghiệp kia theo kịp áp chế sự vui hay khổ, không cho vui và khổ trú vững lâu dài.

Chú giải: Nghiệp nào vào áp chế sự vui và sự khổ của các nghiệp, rồi tự mình cho quả, nghiệp ấy gọi là upapīḷikakamma. Upapīḷikakamma chỉ chờ làm cho giảm bớt quả của các nghiệp khác, chia ra có hai: lành, dữ.

Chú thích: Tích Hoàng tử Sunakkhattalicchavī, ban đầu phát tâm vui thích trong Phật giáo, vào xuất gia theo luật pháp rồi hành thiền đắc nhãn thông, nhưng không được chứng quả cao thêm nữa. Đến ba năm, ngài chán nản, hiểu lầm rằng: “Đức Phật chỉ đắc nhãn thông, nên không dạy ta đạt đến nhĩ thông. Nếu đã đắc nhĩ thông thì Ngài đã dạy ta rồi”. Khi đã nghĩ quấy như vậy, Sunakkhattalicchavī xin hoàn tục rồi tu theo ngoại đạo, đến sau, khi thác bị đọa trong A Tỳ địa ngục.

Về upapīḷikakamma lành đến ngăn, áp chế quả của ác nghiệp, xin xem tích dưới đây:

Chàng Vātakālaka được vua phong làm đao phủ thủ trong thành Rājagaha, có phận sự hạ sát kẻ cướp. Y tựu chức ấy hơn năm mươi năm rồi về hưu. Thường lệ y không mặc y phục mới, đẹp, trong thuở còn tại chức. Nên chi khi được về hưu y mong trang sức cho đẹp, bèn bảo vợ nấu cơm sữa. Y đi tắm rửa xong, mặc y phục mới trở về nhà, giữa đường gặp Đức Xá Lợi Phất đi trì bình, y nảy tâm vui thích, thỉnh Ngài về nhà dâng cơm sữa. Đức Xá Lợi Phất ngọ thực xong chú nguyện rồi Ngài về chùa. Chàng đao phủ thủ ấy theo đưa, rồi trở về bị bò báng chết giữa đường. Do sự thí thực ấy, y được sinh lên cõi Trời.

Theo tích này, cho thấy rằng, thiện nghiệp áp chế ác nghiệp (vì y tạo ác nghiệp không ít) phải sa trong khổ cảnh, nhưng nhờ được làm lành áp chế ác nghiệp, được sinh lên cõi Trời.

4. Upacchedakakamma (nghiệp vào sát hại)

Tiếng upacchedakakamma dịch là nghiệp vào sát hại, nhưng trong Thanh Tịnh Kinh (Visuddhimagga) gọi là upaghātakakamma.

Trong Kinh chú giải có ghi: Upapīḷikakamma như đã giải upaghātakakamma hay upacchedakakamma nói đại khái thì giống nhau, sự cho quả cũng như nhau, chỉ khác nhau về tiếng Pāli là upapīḷikakamma dịch là vào áp chế.

Upacchedakakamma dịch là vào sát hại. Upacchedakakamma này chia ra có hai: lành, dữ.

Chú giải: Dẫn tích Long vương Erākapattanāgarāja đây cho thấy rằng nghiệp dữ cắt đứt nghiệp lành như: Long vương Erākapattanāgarāja này trong kiếp trước là một vị tỳ khưu trong thời kỳ Phật Kassapa. Có đức tin tu Phạm hạnh được hai muôn năm. Ngày kia, đi thuyền, Ngài nắm lá gừa tại một mé sông, khi ghe đi thì lá gừa ấy đứt, rồi ngài quên sám hối. Trong giờ sắp chết, ngài nhớ đến, mong sám hối theo luật định, nhưng tìm không có tỳ khưu, ngài phát tâm bồn chồn lo ngại, chết rồi sanh làm Long vương danh là Erākapatta. Về nghiệp lành bị nghiệp ác cắt đứt, có tích như vầy. Cha của một vị tỳ khưu là người thợ săn giết thú đem bán để nuôi mệnh, đến tuổi già mới vào xuất gia làm tỳ khưu nơi vị tỳ khưu con trai của y. Vị này cho học thiền nhưng chưa có kết quả chi. Tâm của thầy vẫn nhớ tưởng đến thú đã giết. Thầy bèn bạch cho ông con nghe, ông con khuyên tĩnh cho tham thiền mãi, khi gần chết, ông con nghĩ rằng: cha ta không nên sinh trong khổ cảnh, nên ông liền tìm lễ vật cúng dường Tháp bảo. Vị tỳ khưu cha nhìn xem các lễ vật cúng dường để trên giường ngay trước mắt, ông vui thích rồi dùng lễ vật ấy đem cúng tháp nên được sinh lên cõi Trời.

Loại 3 - Nghiệp cho quả theo thứ tự

1. Garukamma (nghiệp nặng)

Garukamma là nghiệp nặng, có hai: nghiệp ác nặng thuộc về ngũ nghịch đại tội (pañcāntarāyakamma), nghiệp thiện cao (thuộc về thiền định).

Trong khi thụ quả, nghiệp nặng cho quả trước (ví như các đồ vật) sắt, đá v.v... từ trên cao rơi xuống, đồ vật nào nặng tất nhiên đến mặt đất trước. Nghiệp dữ nặng hằng cho sinh trong khổ cảnh. Nghiệp lành cao cho lên nhàn cảnh. Dù người đã tạo các nghiệp (nghiệp nặng lẫn nhẹ) nghiệp nặng vẫn cho quả trước.

Về nghiệp lành cao như tích đức Bồ tát (tiền kiếp Đức Phật chúng ta). Một kiếp kia, Ngài xuất gia là đạo sĩ tu trong núi tuyết sơn, đắc bát thiền. Ngày nọ muốn được nếm vị ngọt, mặn trong thế gian, nên Ngài đến kinh đô Bārānāsi đi khất thực trước hoàng cung. Đức vua Bārānāsi xem thấy oai nghi bèn phát tâm hoan hỉ của ngài. Đức vua bèn sai quan đến thỉnh vào đền, dâng cúng các món cao lương mỹ vị. Xong đức vua yêu cầu Bồ tát ngự trong vườn thượng uyển và vào hoàng cung ngọ thực mỗi ngày.

Có một lúc, đức vua cần phải thân chinh dẹp giặc ngoài biên thùy, nên dạy bà hoàng hậu phải phụng sự đạo sĩ Bồ tát. Buổi kia, đức Bồ tát bay vào hoàng cung tình cờ thấy nhan sắc kiều diễm của hoàng hậu vì bà quên bổn phận. Vị đạo sĩ bèn đứt giới với hoàng hậu, thiền định cũng không còn. Các quan đại thần biết rõ nhân ấy nên gởi sớ tâu vua. Đức vua Bārānāsi khi đã dẹp an phiến động liền khải ca hồi trào, ghé vào vườn ngự uyển hỏi đạo sĩ. Đạo sĩ thú tội. Đức vua xá lỗi và nhắc nhở Bồ tát hành đạo như xưa. Vị đạo sĩ đắc thiền như trước, rồi bay lên không trung xin từ biệt, dù đức vua thỉnh cầu lại nữa, đức Bồ tát cũng không nhận lời, ngài bay trở về tu trong Tuyết Sơn như trước.

Hành thiền không dứt, thác rồi đức Bồ tát được sinh trong cõi Phạm thiên.

Về garukamma ác, có tích nàng Sunadrī như vầy. Trong thời kỳ Phật giáo, phái xuất gia theo đạo lõa thể thấy rằng lợi danh mỗi ngày càng giảm nhưng bên Phật giáo thì càng tăng, nên chúng tìm dịp để vu cáo Đức Thế Tôn.

Họ hội họp nhau để mưu hại Phật. Họ đồng ý rằng, phải cần nàng Sunadrī giả bộ làm phụ nữ mang mển, rồi cho kẻ cướp giết nàng đem bỏ gần hương thất của Phật, cho quần chúng tin rằng Đức Thế Tôn ám sát nàng để giấu nhẹm nghiệp xấu. Dầu thế, đại chúng vẫn hiểu được sự thật. Nàng Sunadrī thi hành theo kế hoạch ấy. Mỗi buổi chiều mát tứ chúng nghe pháp xong trở về, nàng Sunadrī đi ngay theo con đường ấy vào Kỳ Viên tịnh xá. Nàng giả bộ như mình đã ngụ trong chùa.

Phái lõa thể đi tuyên cáo rằng, nàng Sunadrī ngụ chung cùng Đức Cồ Đàm. Nhiều người nhẹ tai thiếu sự suy xét, không tìm theo nhân quả nên tin theo, không lâu, nàng Sunadrī bị ám sát, thụ sinh trong địa ngục.

Phe lõa thể, khi đã dạy kẻ cướp giết trộm nàng Sunadrī rồi, vào yết kiến Đức vua. Nhà vua bèn sai người điều tra cho đến khi thấy rõ sự thật, rồi ngài ra lệnh bắt bọn tu lõa thể hành phạt và bố cáo cho nhân gian rõ lẽ phải.

2. Bahulakamma

Bahulakamma là nghiệp thường có. Có khi gọi là aciṇṇakamma (nghiệp quen làm). Nghiệp này có hai: dữ, lành.

Về nghiệp dữ, có tích rằng tên Cunada giết heo để nuôi mệnh đã lâu năm, đến khi nghiệp theo cho quả thì hắn la nghe tiếng như heo bò, trườn vô ra trong nhà. Chư tỳ khưu đi khất thực, nghe tiếng như vậy, tưởng rằng họ giết heo để cúng tế. Các ngài bạch hỏi Đức Thế Tôn, mới hiểu rõ sự thật. Đức Phật giảng thêm rằng: người làm nhiều việc dữ, trong đời này hằng than van rên rĩ, chết rồi càng đau khổ trong kiếp sau.

Về nghiệp lành có giải tích như vầy. Khi gia thế của ông trưởng giả Cấp Cô Độc, dần dần sa sút, chỉ còn có một cô gái cũng nghèo, dù thế, nàng cũng dâng bát mỗi ngày đến một vị sư, cho đến lúc không còn vật gì cúng nữa. Nàng tìm đi làm công mỗi ngày, lấy tiền mua vật thực để cúng dâng. Nhà vua hay câu chuyện này, cho người tìm nàng vào hoàng cung rồi phong cho làm hoàng hậu. Từ đó nàng có dịp, mỗi ngày dâng cúng đến chư tăng càng đông. Cúng dường đến các pháp sư, giáo sư, khi thác, nàng được sinh lên cõi Trời.

Nghiệp lành của hoàng hậu này gọi là bahulakamma. Vì được làm thường thường không ngừng nghỉ. Không cần biết giàu hay nghèo, khi đã năng tạo nghiệp lành thì phước báu càng tăng theo thứ tự, gọi là bahulakamma. Nếu không có nghiệp nặng thì bahulakamma cho quả như thế.

3. Āsannakamma

Āsannakamma là nghiệp cận thời nghĩa là nghiệp tạo hay nhớ được khi gần chết.

Giải rằng: khi không có bahulakamma, là không có tạo nghiệp thường thường, dù là ít thì āsannakamma cũng cho quả. Ví như bò trong chuồng, khi kẻ chăn vừa mở cửa, bò nào đứng gần cửa dù là bò già, yếu, cũng được ra trước các bò khác (có sức lực hơn).

Xin giải cho dễ hiểu rằng: tâm của người, trước khi chết, hằng quyến luyến vợ con, của cải nhiều hơn. Nên chi, nếu không thường niệm tưởng nghiệp lành của mình đã tạo thì ắt lầm lạc, phải sa trong ác đạo.

Āsannakamma là nghiệp cận thời trong việc lành và dữ, nghĩa là người nào nhớ được nghiệp lành nào trong giờ hấp hối, nghiệp ấy sẽ cho quả ngay, như bò đứng gần cửa chuồng vậy.

Theo như hai lẽ đã giải đây, nếu có trí óc thiển bạc[7] thì hiểu rằng là tương phản nhau, nhưng sự thật không phải thế, vì tâm tưởng đến việc lành đã làm trong khi gần chết hoặc đã tạo trước, mà nhớ kịp trong giờ hấp hối gọi là āsannakamma cho quả đi thụ sinh trong nhàn cảnh được. Có kẻ nghi ngờ rằng: nếu như thế, ta chỉ làm lành chút ít để dành rồi ta không thiết đến sự lành ta (sát sanh, trộm cắp v.v...) đến lúc hấp hối ta sẽ tưởng đến nghiệp lành trước, như vậy cũng được lên nhàn cảnh, cần gì phải cố tâm làm phước cho vất vả.

Giải: Ta không nên lầm rằng nghiệp luật là điều quy định của nhân quả, nó hằng thực thi theo chế độ bất biến của nó, nếu người đã tạo phước chan chứa để dành rồi bỏ qua, không lưu tâm nghĩ đến mỗi ngày, khi hấp hối khó tưởng đến được, bởi tâm của phàm nhơn quen quyến luyến vợ con, của cải, thế sự, từ vô thủy dĩ lai, nên khó rứt để nhớ niệm đến đạo đức trong giờ sắp chết, rồi phải sa trong ác đạo.

4. Katattākamma

Tiếng katattākamma dịch là nghiệp vô ý, nghĩa là thiện và ác không thuộc về garukamma, bahulakamma và cũng không phải là āsannakamma cả và người tạo cũng không rõ là phước hay tội. Vì là nghiệp không biết, chỉ làm thôi.

Nghiệp này không nhất định thời kỳ cho quả. Thí dụ: như tên mà người bắn, nhưng không định bắn đâu. Nếu không có garukamma, bahulakamma và āsannakamma thì nghiệp này cho quả theo thế lực của mình.

---

Thiên V. NGHIỆP TRONG PHẬT GIÁO

Do nhân nào, mới có giáo lý về vấn đề nghiệp? Vì trong thời kỳ ấy vô minh đàn áp toàn thể quốc dân Ấn Độ, dân chúng chỉ tìm ở số mệnh rủi may, không quan tâm đến đạo đức. Đức Thế Tôn mong cởi mở vô mimh ấy, Ngài mới nổi đèn có muôn trùng ánh sáng tức là nhân quả để tỉnh thức chúng dân Ấn Độ.

Lý tưởng về nghiệp trong Phật giáo là sự tiến triển trong đường đạo đức, khiến cho khoa học cũng phải bái phục, nhìn nhận bằng sự đứng yên không phản đối. Phật giáo không mâu thuẫn với khoa học, nói như thế, vì Phật giáo cũng như khoa học không thừa nhận học giả mê tín. Với bất cứ cái gì cần quan sát tỉ mỉ, tinh tế trước, rồi mới nên tin. Vì thế, Phật giáo và khoa học mới không mâu thuẫn nhau. Nói bằng cách vi tế rằng, khoa học có hai môn là: vật thể, vô thể.

Khoa học, về vật thể, phải cần thí nghiệm để xác nhận, nghĩa là khi muốn biết rằng, “đá” gồm có chất gì chẳng hạn, thì phải dùng cách phân tích và thí nghiệm. Nhà khoa học lấy đá chia tách ra xem (gọi là phân tích) cho biết rằng đá ấy có những gì, rồi thí nghiệm lại lấy những chất đã phân giải ấy hoà lại, để xem cho thấy quả quyết rằng nó là đá in nhau như trước chăng. Cách sau này gọi là thí nghiệm.

Phật giáo thuộc về khoa học vô thể có cách thức chú ý tin như khoa học. Như thế, mới gọi Phật giáo là khoa học, người hành theo Phật giáo hằng được thụ quả xứng đáng theo sự thực hành của chính mình, chẳng có ai thay thế được.

Pháp bảo có sáu ân huệ: Phật đã thuyết để lại chân chánh[8] rồi; tự mình thấy xác thực; không chờ thời (khi đắc đạo thì đắc quả không chậm trễ)[9]; chứng minh được[10]; xứng đáng đem vào mình hoặc đáng tìm tòi[11]; tự mình được thấy rõ bằng sự thí nghiệm và thực hành theo. Sáu ân huệ ấy toàn là cơ sở củng cố có tính cách khoa học của nền tảng Phật giáo chân chính. Nếu đã nhận thức như thế, ta nên học hỏi về vấn đề nghiệp trong thiên này. Tiếng ‘nghiệp’ có nghĩa là làm, hành vi, hành động, động tác, thực hành, thực tiễn, cho đến sự phản ứng hoặc quả dội lại của hành vi nữa.

Trong Phật giáo tiếng ‘nghiệp’ mong lấy tác ý là chủ như câu: Cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi - này các tỳ khưu, Như Lai gọi tác ý là nghiệp. Có ý nghĩa rằng: Phật giáo nghĩ theo trung đạo. Dầu, trong luật học Như Lai cũng có chế định những điều luật cho tỳ khưu vô tác ý vi phạm các điều cấm chế, nhưng Ngài cũng không bỏ phép trung đạo. Ngài ngự chế, như thế để phòng ngừa các tỳ khưu có khí chất bất nhã, biết hướng thiện sám hối.

Nghiệp là tiếng trung dung[12] (dữ và lành), nếu lành gọi là kusalakamma (thiện nghiệp); dữ là akusalakamma (bất thiện nghiệp).

Phật giáo lưu tâm rằng nghiệp gồm có ba chi, là: có người làm, làm bằng tác ý, cho quả đến người làm.

Nếu nói theo khoa học, người tức là thân thể; những biến hình là quả do sự đè ép, sự cưỡng lại lẫn nhau. Sự hành động và sức phản ứng có thể xảy ra được, dù là hai thân thể không hút nhau như đá nam châm. Quan sát theo khoa học, ta được thấy rằng sự tạo tác và sức phản ứng hằng cho quả, khiến chúng sanh lay chuyển và có tạo nghiệp thì có phản ứng, hay nói một cách khác thì khi có nhân tất có quả, mãi mãi. Trong khoa học, sự hành động và sức phản ứng hằng phức tạp khó kiểm soát, thế nào, trong Phật giáo, nghiệp và quả của nghiệp cũng phiền phức như vậy. Vì thế, mới có người không tin nhân quả, phản đối vấn đề nghiệp trong Phật giáo rằng, là không chính xác[13]. Sở dĩ như thế là vì người thiếu sự khảo sát, tìm tòi nhân quả, chỉ không thừa nhận vì đã có thành kiến cho rằng: Phật giáo là vấn đề hủ lậu[14] nhưng, thật sự thật chính người ấy, là hủ lậu hơn Giáo lý. Đấy là sợi tóc toan che núi, nhưng hàng học thức hiện đại không nên quan tâm đến sợi tóc ấy.

Phật giáo tin rằng nghiệp là của riêng mình. Kẻ nào tạo nghiệp gì phải chịu quả của nghiệp ấy, đúng với căn bản khoa học cho “hành động và phản ứng” hằng có giá trị ngang nhau, theo nguyên tắc tương phản nhau. Mọi người sinh ra đồng tạo nghiệp như vậy. Lẽ cố nhiên, mỗi người phải làm công việc bằng thân nghiệp, phải nói năng bằng khẩu nghiệp, phải suy nghĩ bằng ý nghiệp. Khi đã làm, nói và nghĩ rồi, quả của nó tức là sức phản ứng phải có: khi ta tạo nghiệp lành, quả phản ứng của nó là sự vui vẻ có đến ta, ta làm ác, quả dữ cũng sẽ trả lại cho ta. Theo Phật ngôn, người gieo giống gì hằng hái quả ấy. Làm lành được vui, gây dữ gặp khổ. Như thế chỉ cho thấy rằng nghiệp có đặc tính in như sự gieo giống lúa, tất nhiên được lúa.

Nếu hỏi trở lại rằng cớ sao, có người trồng xoài, có kẻ gieo lúa hoặc người làm lành, kẻ làm ác? Đấy là quả của sự suy nghĩ của chúng ta. Như tiếng nói rằng, tất cả sự tồn tại của ta được đều do quả của nghiệp mà ta đã làm từ sự trù tính phương pháp cứu chữa điều khổ.

Trong kinh Majjhimanikāyamajjhimapaṇṇasaka, có thuyết về ba loại nghiệp: kāyakamma: thân nghiệp, vacīkamma: khẩu nghiệp, manokamma: ý nghiệp. Thân nghiệp chia ra có: 3 chánh, 3 bất chánh gọi là kāyasucaritā và kāyaducaritā. Ba thân nghiệp chánh là: không sát sanh, không trộm đạo, không tà dâm. Ba thân nghiệp bất chánh là: sát sanh, trộm đạo, tà dâm. Bốn khẩu nghiệp chánh là: không nói dối, không chửi rủa, không nói lời xúi giục (cho người chia rẽ nhau), không nói lời hoang đàng vô ích. Bốn khẩu nghiệp bất chánh là: nói dối, chửi mắng, nói lời xúi giục (cho người chia rẽ nhau), nói lời hoang đàng vô ích. Ba ý nghiệp chánh là: không tham, không sân, không tà kiến. Ba ý nghiệp bất chánh là: tham, sân, tà kiến. Trong cả ba nghiệp (thân, khẩu và ý), ý nghiệp là quan trọng nhứt, vì thân và khẩu hằng ở trong quyền lực của tâm.

Trong tạng Luật có thuyết về cửa, hoặc lỗ hở (qua lại dvāra) của nghiệp lành và nghiệp dữ có ba là: kāyadvāra: cửa thân, vacīdvāra: cửa khẩu, manodvāra: cửa ý.

Giải rằng: Những cái qua lại cửa thân là thân chánh và thân bất chánh; cái qua lại cửa khẩu là khẩu chánh và khẩu bất chánh; cái qua lại cửa ý là ý chánh và ý bất chánh. Ngoài ba cửa thuộc về phận sự chính như đã giải, còn có thứ nghiệp làm xáo trộn mất thứ tự cũng có. Như sự sát sanh và trộm đạo thuộc về nghiệp chính cửa thân nhưng nếu bảo kẻ khác làm thì thuộc về cửa khẩu. Nói dối thuộc về cửa khẩu, là cái qua lại đường khẩu, bằng không nói, chỉ ra bộ tịch gật đầu (để tỏ ý chịu hoặc không) thì thuộc về cửa thân. Nếu người muốn được một đồ vật mà họ mong mỏi, nhưng không cố ý tính trộm, thì thuộc về cửa thân, ví bằng, xì xào rằng làm thế nào mới được của ấy thì thuộc về cửa khẩu; nếu chỉ tính trong tâm thì về cửa ý. Những lời giải trên toàn là nghiệp bất chánh. Về nghiệp chánh cũng nên hiểu theo sự tương phản nhau. Nhưng vì sự hành vi khác nhau, mới có người được quyền cao giàu có, kẻ lại thấp hèn nghèo khó. Đấy toàn là do nghiệp gây nên cả, nghiệp hằng phân hạng người cao sang hoặc thấp hèn không đồng. Theo lẽ thường, nhân loại hằng tạo nghiệp bất chánh do tính ngu dốt, vô học thức như câu: “Pāpāni kammāni karonti mohā ‒ Người đời phần nhiều tạo nghiệp bất chánh do óc si mê” (trong Mahāparinibbānasutra).

Moha là ngu si hay đần độn tức là không biết lẽ thật, như người lạc đường trong rừng, không biết được phương hướng để thoát khỏi, cho đến không hiểu tội phước, tà chánh là gì.

Những người hiền hằng tạo nghiệp chánh nhiều hơn nghiệp bất chánh kẻ dữ thường làm nghiệp bất chánh nhiều hơn nghiệp chánh. Hơn nữa, khi đã tạo nghiệp, dù chánh hay bất chánh thì khó sửa chữa lại được, như có Phạn ngữ rằng: “Katassanatthipatikāram ‒ Việc đã làm rồi, sẽ làm trở lại chẳng được”.

Đức Phật hằng lập lại cho hàng Phật tử, cố tự tỉnh rằng: 1) Ta có nghiệp là của ta; 2) Ta là người thụ quả của nghiệp; 3) Ta là người sinh ra từ cái nghiệp hoặc có nghiệp là kẻ sinh sản; 4) Ta có nghiệp là huyết thống; 5) Ta là người nương tựa vào nghiệp; 6) Ta phải chịu quả của nghiệp mà ta đã tạo. Đức Phật dạy bảo như thế, cho chư Phật tử tin chắc rằng, vui, khổ mà ta đã được đều là quả dính theo từ nghiệp chánh và nghiệp bất chánh. Nếu không nhớ nghĩ như vậy, thì sẽ cẩu thả rằng nghiệp mà mình đã gây không cho quả.

Những kẻ ngu độn không hiểu nghiệp và quả của nghiệp, không có sự khảo sát rằng quả này sinh từ nghiệp nào và từ đâu mà có. Vì không nhận thấy nghiệp và quả nên họ lầm tưởng là kẻ khác làm cho họ khổ. Sự nghĩ xét đến nghiệp cho thường như đã giải hằng ban cho ta nhiều lợi ích. Khi gặp quả tốt hay xấu nên hiểu rằng là “quả của nghiệp xảy đến là bởi tự mình sáng tác” (attasanbhavaṃ). Như thế ta không quên mình, khiển trách kẻ khác và thừa nhận rằng quả vui hoặc khổ hằng phát sanh từ nghiệp của mình. Đấy là nguyên nhân cho mình vui hay khổ, vả lại sự hiểu biết bất chánh là thấy quả quyết rằng điều vui hay khổ sinh từ kẻ khác hay vật khác, đó là nguyên nhân làm cho bức rức khó chịu, trở lại gây nghiệp như cũ, rồi phải thụ quả khổ mãi mãi.

---

Thiên VI. SỰ TẠO NGHIỆP

Quả của nghiệp xảy ra từ sự hành vi của chính mình. Khi mình tạo lành, quả lành sẽ trả lại, làm dữ, quả khổ cũng sẽ đến, như nhau. Vì thế không nên sưu tầm cái chi tốt hoặc xấu từ nơi nào khác, hay người nào khác, ngoài mình.

Những hàng trí tuệ nói rằng, các việc lành mà người ao ước cần dùng nhất là đức tin hướng thiện từ bi, hoặc Chánh pháp thì phải tìm xét cẩn thận trong chính mình, nếu có cũng có trong chính mình, nếu kiếm trong nơi nào hay trong kẻ khác là không được. Vì các pháp ấy hằng sinh từ nơi mình. Nó đến do lòng từ bi, bằng Chánh pháp và tâm chân thật v.v... chẳng có ai cho (vui khổ được). Chỉ tự mình phải gây dựng nghiệp và quả theo đức từ bi hay chánh pháp mà thôi.

Hơn nữa, lành hay dữ không định chỗ và không kỳ ngày, người có thể làm lành hay gây dữ được trong mỗi nơi, trong mỗi thời. Việc lành mà người mong được, không cần phải chia nhau cùng làm, vì nó là vô lượng không có mức cùng tột. Trong đời, ai làm phải được hưởng quả vui, nếu mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau trong việc lành thì ai ai cũng đều được vui. Ngoài ra, xã hội, quốc độ cũng thịnh đạt, thế giới đều an lành.

Trong Kinh Tikanipāta Anguttara nikāya có thuyết ba pháp chủ trong việc làm là: attādhipateyya: lấy mình là chủ, lokādhipateyya: lấy đời là chủ, dhammādhipateyya: lấy pháp là chủ.

1) Lấy mình là chủ như: người làm lành hằng đề cập đến mình là chủ đứng đầu, hay chỉ mong được quả vui đến mình rồi mới làm, theo sự hiểu biết của mình, mong được kẻ khác tôn trọng kính vì v.v.

2) Lấy đời là chủ: như lúc muốn làm phước, trước khi khởi công, thường noi theo thế lực của đời, mong được kẻ khác ca tụng, nếu không thì sợ họ chê trách, hay hành theo thói quen của quần chúng.

Lokādharateyya cao hơn attādhipateyya, vì còn tùy phần đông, căn cứ vào sự hiểu biết của họ. Sự hành thiện lấy đời là chủ có ba đặc tính: làm vì ao ước được người khen, nếu không e sợ người chê, làm theo thói quen của đại chúng.

3) Lấy pháp là chủ như: người làm phước, không đề cập đến mình và đến đời là chủ, hành theo thế lực của chánh pháp. Hễ thấy là đúng, là đáng rồi khởi sự, hoặc làm bằng tâm từ bi như bố thí, trì giới v.v... Kẻ tạo phước lấy pháp là chủ hằng không sai lầm, hối hận.

Dhammādhipateyya có hai chi là: làm vì sự thích hợp hoặc chân chính, vì thế lực tâm từ bi. Phương pháp làm lành gồm có hai đặc tính quan trọng là: sự tự tỉnh hay tự quan sát tức là tự vấn rằng: Nay ta là hạng người nào? Ta có phận sự gì? Ta đã làm tròn phận sự chưa? Phận sự ấy có làm cho người phiền muộn chăng?

Xin dẫn tích căn bản và cách thực hành hoặc tạo nghiệp dưới đây cho độc giả khảo sát. Trong Kinh Bāhitiyasutra Majjhimanikayapaññāsaka có tích rằng: Trong Phật giáo chúng ta, có đức vua Pasenādikosala được trò chuyện cùng đức Ānanda tại mé sông Acīravadī, như vầy: Đức vua Pasenādikosala hỏi rằng:

- Bạch Đức Ānanda! Phạm hạnh nào mà các Sa-môn và Bà-la-môn[15] người hiểu biết cao siêu đáng dung thứ được, Đức Thế Tôn có hành thân hạnh như thế chăng?

- Tâu Đại vương! Thân hạnh ấy, các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu tha thứ được, Đức Thế Tôn không hành thân hạnh ấy.

- Bạch Đức Ānanda! Khẩu hạnh nào mà chư Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu nên tha thứ được, Đức Thế Tôn có hành khẩu hạnh ấy chăng?

- Tâu Đại vương! Khẩu hạnh nào mà chư Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu xá tội được, Đức Thế Tôn không hành khẩu hạnh ấy.

- Bạch Đức Ānanda! Ý hạnh nào mà các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu xá lỗi được, Đức Thế Tôn có hành ý hạnh như thế chăng?

- Tâu Đại vương! Ý hạnh nào mà các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu nên dung tha được, Đức Thế Tôn không hành ý hạnh ấy.

- Thật là phi thường, cái chưa từng có mà xảy ra được, tôi quẩn bách[16] trong điều nào, Ngài đã giảng giải cho nghe bằng cách đầy đủ. Bạch Ngài, những kẻ si mê, không sáng trí, chưa được quan sát hằng thốt lời ca tụng hay khiển trách kẻ khác. Tôi không ngoan cố cho những lời ấy là có giá trị v.v… Phần các bậc minh triết là hạng sáng suốt có trí tuệ đã khảo sát rồi mới nói đến đạo đức và tội lỗi của những kẻ khác, tôi thường tôn trọng lời nói ấy là có giá trị. Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào mà các Sa-môn và Bàla-môn hạng hiểu biết cao siêu nên khiển trách?

- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào ác thì hạng Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu cao siêu khiển trách được.

- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào là ác?

- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào hành có tội, thân hạnh ấy là ác.

- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào hành có tội?

- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào hành để hãm hại, thân hạnh ấy là có tội.

- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào hành để hãm hại?

- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào có khổ là quả, thân hạnh ấy gọi là hành để hãm hại.

- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào có khổ là quả?

- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào hành để hại mình hoặc hại kẻ khác hay hại cả mình và kẻ khác và các pháp ác của kẻ có thân hạnh hành cho sự hãm hại tăng gia, cho các pháp lành tiêu diệt, thân hạnh như vậy các bậc Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu nên khiển trách được.

- Bạch Đức Ānanda! Khẩu hạnh nào mà các Sa-môn và Bà-la-môn nên khiển trách?

- Tâu Đại vương! Khẩu hạnh nào ác, khẩu hạnh ấy các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu nên khiển trách được.

- Bạch Đức Ānanda! Ý hạnh nào mà các bậc Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu nên khiển trách?

- Tâu Đại Vuơng! Ý hạnh nào ác, ý hạnh ấy các bậc Sa-môn và Bà-la-môn nên khiển trách được.

- Bạch Đức Ānanda! Đức Thế Tôn chỉ ca tụng sự trừ tuyệt các pháp ác phải chăng?

- Tâu Đại vương! Đức Thế Tôn đã trừ tuyệt tất cả ác pháp rồi, Ngài gồm có đủ thiện pháp.

- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào mà các bậc Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu không nên khiển trách?

- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào lành, thân hạnh ấy các bậc Sa-môn và Bà-la-môn, hạng hiểu biết cao siêu không khiển trách.

- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào là lành?

- Tâu Đại Vuơng! Thân hạnh nào vô tội, thân hạnh ấy là lành.

- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào là vô tội?

- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào vô hại, thân hạnh ấy là vô tội.

- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào là vô hại?

- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào có vui là quả, thân hạnh ấy là vô hại.

- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào có vui là quả?

- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào hành không hại mình, không hại kẻ khác hay không hại cả mình và kẻ khác; các pháp ác có hại đến mình v.v... hằng tiêu diệt, các pháp lành thường tăng gia, thân hạnh ấy các hạng Sa-môn và Bà-la-môn, hạng hiểu biết cao siêu không khiển trách được.

- Bạch Đức Ānanda! Khẩu hạnh nào mà các bậc Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu không khiển trách được?

- Tâu Đại vương! Khẩu hạnh nào lành, khẩu hạnh ấy các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu không khiển trách được.

- Bạch Đức Ānanda! Ý hạnh nào mà các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu không nên khiển trách được?

- Tâu Đại vương! Ý hạnh nào lành, ý hạnh ấy các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu không khiển trách được.

- Bạch Đức Ānanda! Đức Thế Tôn tán dương sự gồm có đủ các pháp lành phải chăng? - Tâu Đại vương! Đức Thế Tôn đã diệt tuyệt tất cả ác pháp rồi và Ngài có đầy đủ thiện pháp.

Ngoài ra, ta có một căn bản là sự tạo nghiệp do cửa thân, cửa khẩu và cửa ý, nếu nghiệp ấy không hiệp theo ba nhân, thì nên tạo ba nhân này là: hại mình, hại kẻ khác, hại cả mình lẫn kẻ khác.

Tóm tắt trong thiên này là sự tạo nghiệp đúng đắn theo nền tảng là: nghiệp không hại mình, nghiệp không hại kẻ khác, nghiệp không hại mình lẫn kẻ khác. Như thế thì nên làm và phải hành theo dhammādhipateyya (lấy pháp là chủ) không nên hướng theo attādhipateyya (lấy mình là chủ) và lokādhipateyya (lấy đời là chủ).

---

Thiên VII. QUAN NIỆM VỀ NGHIỆP TRONG KINH SANDAKA

Trong kinh Sandakasūtta Majjhimanikāya Majjhimapanarāsaka, Đức Ānanda có thuyết những quan niệm về nghiệp trong các tôn giáo khác đối với Phật giáo, cho Sandakaparibbājaka rằng ta có thấy sự chế định của các giáo chủ khác trăm muôn ngàn lần xa Phật giáo, vì lòng cố chấp và buông thả theo sự rủi may, số mệnh cũng có như:

1) Giáo chủ Paraṇakassapa thuyết rằng: không có nghiệp, không có phước, không có tội gọi là akiriyādiṭṭhi nghĩa là làm thế nào cũng như không làm, vì không có phước, tội.

2) Giáo chủ Makkhaligosala cho rằng: sự trong sạch hay nhơ bợn vô nhân quả tức là sự hành vi cho trở nên liêm khiết không có, người với sự luân hồi như cuộn dây nhỏ, họ nắm mối đầu rồi liệng đi. Khi cuộn dây ấy tháo ra hết thì, tự nó ngừng. Quan niệm này gọi là ahetukadiṭṭhi. Nghĩa là ý kiến độc đoán vô nhân.

3) Giáo chủ Ajitakesakambala dạy rằng, (tiếng gọi là) phước, tội, cha, mẹ, người, thú ấy chẳng có chi cả, họ lầm gọi nhau như vậy. Cả tứ đại: đất, nước, lửa, gió hòa nhau, khi tan rã thì tiêu mất. Đây là ucchedadiṭṭhi và natthikadiṭṭhi: ý kiến độc đoán tiêu diệt và ý kiến độc đoán hư vô. Nghĩa là hiểu rằng trống không, không có chi.

4) Giáo chủ Pakuddhakaccāyana giảng rằng: trong thân thể chúng ta có bảy khối: khối tức là đất, khối tức là nước, khối tức là gió, khối tức là lửa, khối tức là vui, khối tức là khổ, khối tức là sinh mệnh. Tất cả bảy khối ấy dù bị ai làm thế nào cũng như không làm, vì là khối với khối, gọi là natthikadiṭṭhi ý kiến độc đáo hư vô.

5) Giáo chủ Sañjavavelatthaputra bảo rằng: thế này cũng chẳng có, thế kia cũng chẳng có, nghĩa là phủ nhận bất kỳ cái gì, gọi là vikkhepaladdhi quan niệm lúc lắc, trở đi trở lại, hay ý niệm hòa lộn.

6) Giáo chủ Nigandhanātaputra có căn bản gần với nền tảng Phật giáo, chỉ khác nhau chỗ hành vi sái nhau, nghĩa là phái này chế định rằng người tu ngoài Phật giáo phải gồm có bốn phương pháp là: cấm làm tội lẫn nhau, gồm có “thiên” pháp, tiêu diệt tội lỗi, đạt quả cuối cùng của Phạm hạnh. Người hạnh như vậy gọi là chứng atmaṃ (cái ta).

Những quan niệm của giáo chủ ấy được xán lạn trước thời kỳ Đức Phật giác ngộ, nhưng không đem lợi ích đến các tín đồ vừa với sự tôn thờ, sùng bái của họ. Khi Đức Phật tuyên bố Chánh pháp, phổ cập trong khắp nơi rồi, Phật giáo có ánh sáng chói lọi, có sức chi phối các giáo phái ấy. Vì Ngài giảng thuyết cho mọi người hiểu rằng: “nghiệp của tự mình, chỉ có bấy nhiêu, áp bức mình cho thấp hèn và nghiệp của chính mình, ngần này, chống đỡ mình cho cao sang”. Ai là kẻ tạo nghiệp? Cũng tức là tự mình vậy.

Khi Đức Ānanda giải như thế rồi, Sandakaparibbajaka (bần tu hội) rất ca tụng, rồi xin Ngài thuyết thêm rằng:

- Bạch Đức Ānanda! Giáo chủ mà hành giả nương theo sẽ được giải thoát như thế nào? - Này Sandaka! Trong đời này, Đức Thế Tôn giáng thế là đấng Chánh đẳng Chánh giác, gồm có Minh hạnh túc (pháp thực hành để đến sự giác ngộ), Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Thế tôn[17]. Ngài làm cho thế gian này: Chư thiên, Ma vương và Phạm thiên, tất cả chúng sinh, Sa-môn và Bà-la-môn thấy rõ bằng trí tuệ cao siêu. Ngài thuyết pháp nghe du dương chặng đầu, chặng giữa và nơi cuối cùng, đầy đủ ý nghĩa hòa nhịp, tuyên bố phạm hạnh trong sạch hoàn toàn.

Những gia chủ, con gia chủ, con nhà gia giáo được nghe pháp, khi đã nghe xong hằng phát tâm tín ngưỡng trong Đức Như Lai, rồi quan sát thấy rằng: “Ðời cư sĩ là nơi chật hẹp bị hạn chế, là lối đến của bụi bặm. Xuất gia là một cơ hội trong sạch sáng sủa. Sự ở nhà lo giữ gìn gia thế, khó hành phạm hạnh được điều đủ, trong sạch được như vỏ ốc đã trau dồi, như thế, ta nên cạo tóc và râu, mặc y cà sa ra khỏi nhà, thọ giới đàn, không bận lòng đến sự trị gia nữa.”

Sau rồi họ có dịp được ly gia cắt ái[18] không còn phải săn sóc gia đình, khi đã thành một vị xuất gia và tinh tấn nuôi mệnh chân chính theo luật định, là người chữa cải: sự sát sinh, bỏ hẳn những võ khí, có sự hổ thẹn tội lỗi, có tâm từ bi, mong tìm lợi ích cho tất cả mọi loài; không trộm cắp, chỉ dùng những vật mà họ cho; không hành dâm, không có đôi vợ chồng như người cư sĩ; không nói dối, chỉ thốt lời ngay thật, không chửi mắng kẻ khác, chỉ nói lời mát mẻ; không xúi giục người cho bất hòa nhau, chỉ nói lời hòa thuận, không nói lời thô lỗ, chỉ thốt lời ngọt dịu; không nói chuyện hoang đàng vô ích; không ăn sái giờ; không xem múa hát, không nghe đờn kèn, không dồi phấn đeo hoa, xoa nước thơm; không nằm ngồi trên chỗ cao đẹp v.v…; không thọ lãnh cất giữ vàng bạc, châu báu, không thọ ngũ cốc; không thọ thịt và cá sống; không nhận phụ nữ và tôi trai tớ gái, ruộng vườn, nhà trại[19] các cầm thú, không làm kẻ đem tin tức v.v…; không bán buôn đổi chác v.v... (xem trong luật xuất gia về tà mệnh).

Các ngài là bậc tri túc trong bốn món vật dụng (y, bát, thực phẩm, chỗ ngụ, thuốc men), đi đến trong nơi nào cũng được nhẹ nhàng như loài điểu thú chỉ có cặp cánh bay đến đâu như sở nguyện, thế nào, tỳ khưu tri túc trong bốn vật dụng trải đi đến nơi nào hằng được như mong muốn.

Hằng gồm có giới hạnh tức là thánh đức, như thế, hằng hưởng quả vui, vô tội. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân đụng chạm, Ngài không phạm luật, và không lưu tâm đến sắc, thinh, hương, vị, xúc (tốt xấu, hay dở, thơm, thối, ngon, dở, mềm, cứng v.v...) tức là Ngài cố chế ngự lục căn, không cho tiếp xúc lục trần, như thế. Ngài gồm có lục căn thu thúc là thánh đức ấy rồi hằng thụ vui, vô phiền não.

Ngài thường ngụ trong nơi thanh vắng dưới bóng cây, hang núi hay nơi mộ địa, rừng cây, tịnh thất vắng. Sau khi đã thọ thực, Ngài đi kinh hành xong, tọa thiền. Ngài dứt được sự tham lam bỏ ác pháp, không bất bình nóng giận, có tâm từ bi mong điều lợi ích đến tất cả chúng sinh. Trừ được năm pháp cái (tham sắc, nóng giận, phóng dật, hôn trầm, hoài nghi) là năm pháp ô nhiễm tâm, an tỉnh khỏi những dục vọng, yên lặng các ác pháp rồi Ngài đắc sơ thiền pathamajhāna có: suy, sát, phỉ và an sinh từ sự ẩn tu, như thế.

Này Sandaka! Các hàng thinh văn đắc pháp cao quý nan đắc của đấng giáo chủ nào rồi, là người hiểu biết cũng phải hành phạm hạnh theo đấng giáo chủ ấy. Hàng thinh văn ấy sẽ đắc pháp giải thoát chắc chắn.

Này Sandaka! Ngoài ra có lời giải thêm rằng, tỳ khưu đắc nhị thiền (dutiyajhāna) có tâm trong sáng chỉ có phỉ lạc sanh từ thiền định. Này Sandaka! Bậc thinh văn hằng đạt đến pháp cao quý, như thế, trong đấng giáo chủ nào, người được hiểu biết phải hành phạm hạnh ấy. Như vậy họ sẽ được giải thoát.

Này Sandaka! Ngoài ra tỳ khưu vì chán ngán phỉ, thường có tâm yên lặng, trung lập có trí nhớ, và thận trọng thụ vui bằng loại danh pháp (nāmakāya) đắc tam thiền (tatiyajhāna) mà các thánh nhân gọi là bậc trầm tỉnh[20] (upekkhā) có trí nhớ, ở yên như thế. Này Sandaka!

Hạng thinh văn đắc pháp cao siêu như vậy, trong đấng giáo chủ nào, người hiểu biết phải hành phạm hạnh, trong đấng giáo chủ ấy họ sẽ đến thiện pháp và được giải thoát hẳn như thế. Này Sandaka! Có lời giải thêm rằng, tỳ khưu đắc tứ thiền (catutthajhāna) không vui, không khổ, vì dứt được vui và khổ, đã vượt qua nỗi vui và buồn, chỉ có trí nhớ điều tra[21] pháp thanh tịnh bằng tâm xả. Này Sandaka! Bậc thinh văn hằng đạt đến pháp cao siêu trong đấng giáo chủ nào, người hiểu biết phải thực hành phạm hạnh trong đấng giáo chủ ấy, như thế họ sẽ đắc pháp giải thoát chắc chắn.

Hạng ấy khi có tâm định vững và thanh tịnh, trong sáng, vô phiền não, khỏi tùy phiền não, là tâm mềm dẻo, vừa hành sự. Họ có tâm bất động rồi phấn khởi tuệ trực giác dùng trí nhớ hồi tưởng đến các tiền kiếp như vầy: Nhớ được một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, bốn kiếp, năm kiếp … mười kiếp, hai chục kiếp, ba chục kiếp, bốn chục kiếp, năm chục kiếp, một trăm kiếp, một ngàn kiếp, mười ngàn kiếp, nhiều muôn kiếp cho đến nhiều kiếp hoại (sanvattakappa)... kiếp thành (vivattakalapya) v.v... rằng ta đã sinh ra trong cõi kia, danh hiệu như kia, dòng dõi như kia, giai cấp như kia, dùng thực phẩm như kia, thụ vui, khổ như kia, sống đến bấy nhiêu tuổi, sau khi thác tái sanh trong cõi nọ v.v... Bậc ấy hồi tưởng đến những kiếp sống trong các cõi đã qua, được hoàn toàn đầy đủ. Này Sandaka! Bậc thinh văn hằng đạt đến pháp cao siêu như vậy, trong đấng giáo chủ nào người hiểu biết phải hành phạm hạnh trong đấng giáo chủ ấy, khiến các thiện pháp được tăng gia cho đến kỳ giải thoát thực hiện.

Bậc thinh văn khi tâm đã trú vững, thanh tịnh trong sáng vô phiền não, khỏi tùy phiền não, có tâm mềm dẻo, vừa hành sự và bất động, như thế rồi phấn khởi, dùng tuệ trực giác điều tra sự luân hồi của tất cả chúng sinh. Ngài đắc nhãn thông cao siêu, hơn phàm nhơn và thấy rõ nhiều loại sanh linh, sanh ra hạng thấp hèn cao sang, xấu xa xinh đẹp khổ vui. Ngài biết phân minh rằng, chúng sanh này có hạnh kiểm, thân bất chánh, khẩu bất chánh, ý bất chánh thốt lời khinh bỉ khiển trách bậc thánh nhơn, là hạng tà kiến, thác rồi phải đọa trong ác đạo (cầm thú, địa ngục v.v...)

Hạng chúng sanh khác, do hạnh kiểm tốt bằng thân thanh bạch (trong sạch) khẩu thanh bạch, ý thanh bạch, không phỉ báng các bậc thánh nhân là hạng chánh kiến, chết rồi được sinh trong thiên giới, có thiên nhãn vượt khỏi phàm nhơn. Ngài thấy rõ chúng sinh, sinh ra thấp hèn, cao sang, xấu xa, xinh đẹp, vui khổ và nhận thức rằng, chúng sinh đều do nghiệp tạo ra như thế. Này Sandaka! Bậc thinh văn hằng đạt pháp cao siêu hiểu thấu triệt (thông suốt) như vậy, trong đấng giáo chủ nào, người hiểu biết phải hành phạm hạnh, như thế, thì hằng đắc thiện pháp cho đến thời kỳ giải thoát.

Bậc Thinh văn khi tâm đã trú vững, thanh tịnh trong sáng, vô phiền não, xa tùy phiền não, có tâm mềm dẻo vừa hành sự, và bất động rồi, phấn chấn dùng tuệ trực giác trong sự trừ tuyệt các lậu phiền não[22] (āsavakkhāya). Ngài được quán triệt[23] chân lý rằng, đây là khổ, đây là nhân sinh khổ, đây là diệt khổ, đây là đạo diệt khổ. Được thông suốt rằng, đây là lậu phiền não, đây là nhân sinh lậu phiền não, đây là diệt lậu phiền não, đây là đạo diệt lậu phiền não. Khi Ngài biết như thế, thấy như thế, tâm giải thoát cao siêu khỏi kamāsava (dục lậu phiền não), bhavāsava (hữu lậu phiền não; mong được như vậy, như kia), avijjāsava (vô minh lậu phiền não). Khi tâm đã giải thoát cao siêu thì sinh trực giác thông suốt mọi lẽ rằng tâm giải thoát cao siêu rồi, kiếp này dứt rồi, phạm hạnh viên mãn rồi, chẳng còn phận sự nào khác phải tu hành nữa, như vậy. Này Sandaka! Bậc thinh văn đắc pháp cao siêu trong đấng giáo chủ nào, người hiểu biết phải hành phạm hạnh trong đấng giáo chủ ấy thì thiện pháp sẽ đưa họ đến giải thoát hẳn như vậy.

Sandaka liền hỏi: Bạch Đức Ānanda! Tỳ khưu ấy là đức A-la-hán diệt lậu phiền não rồi, hành tròn phạm hạnh rồi, phận sự nên hành đã thành tựu rồi, hạ vật nặng rồi, những lợi ích đã được theo thứ tự rồi, giải thoát cao siêu bằng trí tuệ quán triệt chân chánh rồi, tỳ khưu ấy còn có nhục dục chăng?

- Này Sandaka! Tỳ khưu là bậc A-la-hán dứt hẳn lậu phiền não rồi, phạm hạnh viên mãn rồi, phận sự phải làm đã hành đầy đủ rồi, đã hạ vật nặng rồi, những pháp trói buộc trong luân hồi đã tuyệt rồi, được giải thoát cao siêu bằng trí tuệ chân chánh rồi, tỳ khưu ấy không còn vi phạm năm điều là: sát sanh, trộm đạo, hành dâm, nói dối, tìm nhục dục để dành thụ dụng như kẻ thế nữa.

- Này Sandaka! Đấy là vị tỳ khưu bậc A-la-hán diệt lậu phiền não rồi, hành tròn phạm hạnh rồi, hạ vật nặng xuống rồi, được giải thoát cho cao siêu bằng trí tuệ, hiểu biết đến nơi đến chốn rồi.

- Bạch Đức Ānanda! Tỳ khưu ấy là bậc A-la-hán, dứt lậu phiền não rồi, hành phạm hạnh viên mãn rồi. Giải thoát cao siêu bằng trí tuệ thấu triệt rồi, khi tỳ khưu ấy đi đứng, ngồi, nằm, ngủ hay thức có sự hiểu biết sáng suốt rồi, rằng các lậu phiền não của ta dứt rồi như vậy chăng?

- Này Sandaka! Ta thí dụ để ngươi hiểu. Có người trong đời này sẽ biết đuợc lời tỷ dụ như vầy. Này Sandaka! Như tay và chân của người đã cụt, khi người ấy trải đi, ngừng, ngủ, hoặc thức, tay và chân cũng đều cụt (đứt hẳn). Khi họ quan sát cũng rõ rằng, tay và chân của ta đã cụt rồi, như vậy, thế nào, này Sandaka! Tỳ khưu là bậc A-la-hán hết lậu phiền não rồi, khi tỳ khưu ấy đi, đứng, ngủ hay thức, các lậu phiền não cũng dứt hẳn rồi. Và khi vị ấy quan sát, cũng được hiểu rằng “các lậu phiền não của ta cũng hết rồi như vậy”. Theo như đã giảng thuyết trong kinh Sandaka đây, chúng ta thấy sự chế định nghiệp của các đấng giáo chủ ngoại đạo đều khác với Phật giáo muôn ngàn lần xa. Có giáo chủ chấp hẳn ý kiến độc đoán, có phái lại buông thả theo vận mệnh, không giống như Phật giáo.

---

Thiên VIII. NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO CŨNG DO NGHIỆP

Có tích ghi chép trong Kinh Vāsetthasūtra Majjhimanīkayā Majjhimapañnāsaka rằng có hai thanh niên Vāsetthamānaba và Bhāradvājamānaba trò chuyện và phản đối nhau. Vāsetthamānaba cho rằng: người có giới đức và đầy đủ hạnh kiểm gọi là Bà-la-môn. Bhāradvājamānaba thấy rằng: người quý tộc cả hai bên (cha và mẹ) trong sạch đến bảy đời, không có ai phản đối, khiển trách được về dòng dõi, người ấy mới gọi là Bà-la-môn.

Nhưng cả hai không thể đồng ý thừa nhận về vấn đề ấy, bèn dẫn nhau vào hầu Phật nơi một cụm rừng, gần xóm Juhānaṃgaha, rồi Vāsetthamānaba bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: “Bạch Phật, hai chúng tôi đây là người được giáo sư xác nhận là hạng học thức và tự mình cũng xét nhận là có học thức. Bạch Phật, tôi là đệ tử của Pokakharasāti Bà-la-môn, thanh niên này (Bhāradvājamānaba) là môn đồ của Tarukakha Bà-la-môn, chúng tôi đã học đủ Tam Phệ Đà (Trayabheda‒ Tam tạng Bà-la-môn giáo) và thấu triệt đạo lý Bà-la-môn. Nhưng hai chúng tôi không đồng ý thừa nhận nhau về vấn đề này. Bạch Ngài, Bhāradvājamānaba nói rằng người được gọi là Bà-la-môn do dòng dõi, còn tôi, bạch Ngài, cho rằng do nghiệp. Bạch Ngài, chúng tôi chưa tìm được người giải nghi, nên chi, chúng tôi đến hầu Ngài để cầu hỏi Đức Thế Tôn, là đấng Chánh Biến Tri rõ rệt, những kẻ được lễ bái Đức Gotama, hằng sáng tỏ như vầng trăng trong đêm rằm. Hai chúng tôi cầu hỏi Đức Gotama là bậc có tuệ nhãn đã giáng thế chân chính trong đời. Bạch Đức Gotama người được gọi là Bà-la-môn ấy, được bằng dòng dõi hay bằng nghiệp, xin Ngài giải cho hai chúng tôi là hạng chưa thông hiểu, cho chúng tôi quán triệt theo lẽ phải.”

Đức Thế Tôn đáp: “Này Vāsettha, Như Lai dự đoán những điều ấy, chia chủng tộc chúng sanh theo thứ tự cho thấy rõ rằng dòng giống có tình trạng khác nhau. Các người nên hiểu tất cả chủng loại (loài giống của sự vật) nảy nở đều dính với đất, dù có lõi bên ngoài, da bên trong là loại cỏ (tinajāti) hoặc cây có lõi bên trong, da bên ngoài gọi là (rukkhajāti). Các loại ấy dù không có phận sự hiểu biết trả lời, thệ nguyện rằng chúng ta là loại cỏ, “chúng ta là loại cây” được “song tính” (giống đực, cái) của loại cỏ và loại cây cũng kết quả theo giống là nhân cho biết rằng các loại có tình trạng khác nhau. Các ngươi hãy hiểu rằng loại không dính đất, vượt khỏi đất được, đấy là những loại có thức tính, có sinh mệnh, có hình thể vi tế như ong, muỗi, kiến đen, kiến vàng, tính của chúng cũng thành tựu theo loại, là nguyên nhân cho biết rằng tất cả các loại đều có trạng thái khác nhau. Lại nữa, các ngươi nên hiểu những thú bốn chân nhỏ lẫn lớn, tính của chúng cũng thành tựu theo loại. Có loại bò, trườn v.v... tính của loại ấy cũng thành tựu theo loại. Các ngươi nên hiểu rằng thủy tộc là loại ở trong nước, tính của chúng cũng thành tựu theo loại. Tính của các chủng loại ấy thành tựu theo loại, có rất nhiều như thế.

Tính trong loại người thành tựu theo loại, như thế, không có, là: không quan hệ đến như: tóc không quan hệ đến đầu, không quan hệ đến cả hai tai, không quan hệ đến hai mắt, không quan hệ đến mặt, không quan hệ đến mũi, không quan hệ đến hai môi, không quan hệ đến hai lông mày, không quan hệ đến cổ, không quan hệ đến hai vai, không quan hệ đến bụng, không quan hệ đến xương sống, không quan hệ đến xương hông, không quan hệ đến ngực, không quan hệ đến chỗ hẹp, không quan hệ đến hai tay, không quan hệ đến hai chân, không quan hệ đến mười ngón, không quan hệ đến mười móng, không quan hệ đến hai phần trước của ống quyển, không quan hệ đến màu da, không quan hệ đến tiếng, là tính thành tựu theo dòng dõi, trong các kiếp nữa thế nào, phần trong thân thể của người như thế không được. Vì trong loại người họ gọi tư thể[24] theo tên.

Này Vāsettha! Trong loại người, kẻ nào làm việc chăn nuôi bò để dưỡng sinh, ngươi hãy hiểu rằng kẻ ấy là nông dân, không phải là Bà-la-môn. Này Vāsettha! Người nào nuôi mệnh bằng sự làm việc khó nhọc hầu hạ kẻ khác, ngươi hãy hiểu rằng ấy là người phục dịch, không phải là Bà-la-môn. Này Vāsettha! Kẻ nào trộm cắp của người, ngươi hãy hiểu rằng đó là đạo tặc, không phải là Bà-la-môn. Này Vāsettha! Người nào nuôi mệnh bằng võ khí, ngươi hãy hiểu rằng đó là quân nhân, chiến sĩ, không phải là Bà-la-môn. Này Vāsettha! Người nào để hỏi ý kiến hoặc góp giùm ý kiến giúp cho một kẻ khác, ngươi hãy hiểu rằng đó là cố vấn, không phải là Bà-la-môn. Này Vāsettha! Người nào thống trị một nước, ngươi hãy hiểu rằng, đó là đức vua, không phải là Bà-la-môn.

Như Lai không gọi là Bà-la-môn là những người sinh ra từ đâu hoặc từ người nào, mặc dù người ấy mong tìm sự tấn triển (tiến tới, mở mang) vì người ấy vẫn còn ô trọc, không tinh khiết là nguyên nhân khiến người phải lo âu phiền muộn. Như Lai tuyên bố rằng, người không ô nhiễm (dính dơ, bẩn thỉu, cái xấu xa) là không có mưu kế lo ngại, không có phiền não là lòng cố chấp, ấy là Bà-la-môn. Như Lai phát biểu rằng, người ngay thật, đoạn tuyệt tất cả thúc phược phiền não (buộc trói trong nẻo luân hồi ‒ samyojana) được rồi không bối rối băn khoăn lo lắng, đã vượt qua phiền não, đã lìa khỏi võ khí bó buộc rồi là Bà-la-môn. Như Lai cho biết rằng, người đã cắt đứt ác tâm (upanāna) cùng ái dục (tanhā) và mối nhân duyên (như nhân quả) được giác ngộ rồi là Bà-la-môn. Như Lai phát biểu rằng, người không làm thiệt hại, có tâm nhẫn nhục với lời chửi mắng do sự hành ác của kẻ dữ, đó là Bà-la-môn. Như Lai nói người không biết giận có giới trong sạch đã tự hóa rồi, đó là Bàla-môn. Như Lai gọi người không quyến luyến trong dục cảnh như nước không đọng trên lá sen đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người hiểu pháp, diệt khổ của mình trong kiếp hiện tại, đã liệng bỏ vật nặng rồi là Bà-la-môn. Như Lai gọi người có trí tuệ thực hành theo trí nhớ, sáng suốt trong phương pháp lợi và hại và đã được lợi ích đến mức cùng tột, đó là Bàla-môn. Như Lai gọi người không chung chạ cùng các gia chủ không liệt vào hạng xuất gia có dính mắc trong ngũ dục, có sự ham muốn ít đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người không sát sinh, không xúi kẻ khác sát sinh, không làm hại chúng sinh, có tâm kiên cố, đó là Bàla-môn. Như Lai gọi người không giận bị kẻ đổ lỗi cho mà nhịn được, khi kẻ khác cố chấp thế này thế kia, mà chính mình là người không câu nệ đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã diệt tham, sân, si được như bụi cát không dính vào lưỡi gươm đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người thốt lời ngay thật và êm dịu cho kẻ khác hiểu lẽ phải là Bà-la-môn. Như Lai gọi người không trộm của cải dù dài hay vắn, nhỏ hoặc lớn, tốt hay xấu đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã thoát ly sự thèm khát trong đời này và trong cõi sau đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã đắc pháp bất diệt theo thứ tự rồi, là người không thương tiếc vì người đã thấu triệt rồi, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người không còn than van rên siết, dứt hẳn bụi trần rồi, đã vượt qua hai pháp thúc phọc tức là phước và tội, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã dứt hẳn pháp nhơ nhuốc (maladina) như vầng trăng ra khỏi đám mây, xán lạn là người trong sáng cao siêu, không dơ đục, không có sự khoái lạc trong cõi đời nữa, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã vượt qua vô minh như kẻ bị mắc bùn lầy khó triệt thối (rút lui, về) được, là người qua khỏi rồi, đến bờ kia rồi, có sự trầm tư mặc tưởng, vô ái dục, không còn sự ngờ vực, không câu nệ, con người đã dập tắt rồi, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã được diệt dục là bậc xuất gia, không nhà ở, không dục vọng và dứt luân hồi rồi, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã vượt qua và diệt ái dục dứt sự thèm khát rồi là bậc xuất gia, không trị gia, không còn dục vọng và hết luân hồi, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người ấy đã bỏ ngũ dục, mối bận bịu của hàng gia chủ đã thoát ly phiền não, đó là Bàla-môn. Như Lai gọi người bỏ sự yêu thích, và sự giao hợp, người vô tư lự thản nhiên không còn quyến luyến ái mộ cảm tình, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người hiểu biết sự sanh tử của chúng sanh hoàn toàn vô ngại đã đến nơi an lạc rồi, giác ngộ rồi, đó là Bà-lamôn. Như Lai gọi người mà chư Thiên, Càn Thát Bà và nhân loại không biết rõ được gati (nơi mà chúng sinh phải đi lại sinh), người chẳng còn lậu phiền não là bậc A-la-hán, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người không có phiền não làm bận lòng phía trước, phía sau và khoảng giữa là người thản nhiên bất câu (không câu nệ), đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi bậc vô song đáng lựa chọn, có tinh tấn, người tầm đạo đức cao siêu, đã thắng tối thượng rồi, là người bất động, đã tắm rửa sạch rồi, giác ngộ rồi, đó là Bà-la-môn.

Danh hiệu thông thường ấy chỉ là lời đàm thoại trong đời mà thôi, do nhân nào? Chỉ vì danh và tộc, đầu tiên là biệt hiệu mà thân quyến của người có tên tuổi, dòng họ đã xác định, lúc người ấy sinh ra, rồi phỏng gọi nhau truyền khẩu thành ý hiểu độc đoán, không biết mình. Khi đã quên mình thì đem nhau kêu gọi là Bà-la-môn, là được theo dòng dõi như vậy.”

Khi Đức Thế Tôn thuyết rằng danh và tộc chỉ là phỏng đoán nhau theo câu chuyện thường, vừa để hiểu nhau trong tạm thời, như thế rồi Ngài giảng về sức thấy hiệu quả của nghiệp rằng: “ai là thế nào cũng do nghiệp” như dưới đây:

“Người là hạng hèn chẳng phải do huyết thống. Người là Bà-la-môn chẳng phải do dòng dõi. Người là hạ tiện cũng vì nghiệp, hạng Bà-la-môn cũng vì nghiệp, nông phu cũng bởi nghiệp. Bậc có giới đức cũng tại nghiệp, thường nhân cũng do nghiệp, công nhân cũng tại nghiệp; đạo tặc cũng bởi nghiệp; quân nhân cũng vì nghiệp; cố vấn cũng bởi nghiệp; đế vương cũng tại nghiệp. Những bậc minh triết về thuyết Thập nhị duyên khởi, quán triệt trong nghiệp và sự kết quả của nghiệp thấy rõ được nghiệp ấy theo chân lý rằng: đời hằng thực hành theo nghiệp, chúng sinh thường thực hành theo nghiệp; chúng sinh bị điều buộc trói ràng rịt cũng vì nghiệp như cây nêm ngăn chận xe đang chạy. Song được là Bà-la-môn cũng do nghiệp xuất chúng là: tapa: tu hành nghiêm khắc, brahmacariya: phạm hạnh, saññama: tự chế, tự hóa, dama: chinh phục tình dục.

Bốn nghiệp siêu nhân (vượt lên trên cả người thường) này mà người thực hành đầy đủ bằng trí tuệ để đàn áp được phiền não, hết sinh tử luân hồi. Này Vāsettha! Ngươi hãy hiểu rằng người mà được gọi là Bà-la-môn theo các nhà học thức nhận thấy là được bằng nghiệp như thế.”

---

Thiên IX. ĐẠO PHÁP[25] ĐỂ TẨY[26] NGHIỆP

Nghiệp nếu nói đại khái thì có hai là: thiện nghiệp, ác nghiệp. Chia theo cửa tức là lối tạo nghiệp thì có ba, là: kāyakamma: thân nghiệp, vacīkamma: khẩu nghiệp, manokamma: ý nghiệp. Có lời hỏi rằng: phương pháp nào giúp ta cải hóa ác nghiệp và chỉ tạo được thiện nghiệp mãi mãi? Đức Thế Tôn tùy lời hỏi ấy, có giảng ghi trong Kinh Cūlarāhulavadasūtra Majjhimanikāya Majjhimapaṇṇasaka bằng cách quan sát tẩy nghiệp. Theo Phật ngôn đó là đạo pháp để rửa nghiệp mà chư Phật đã giáo huấn rồi, dù tiếp theo cũng sẽ dạy bảo như thế.

Nhân đó, đạo pháp để rửa nghiệp, và cho chúng ta chỉ tạo nghiệp lành, vậy chúng ta nên dò xét theo tích sẽ bày giải dưới đây:

Tại thành Rājagaha, Đức Rāhula bổ túc (thêm vào chu đủ), Sa-môn pháp tại Balaṭṭhi Kāprāsāda (dinh thự) và Đức Thế Tôn ngụ tại Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana). Khi ấy, Đức Thế Tôn ngự đến chỗ ngụ của Đức Rāhula. Thấy Phật tới, Đức Rāhula bèn trải chỗ và nước rửa chân. Đức Phật khi tọa xong, Phật phán rằng: - Này Rāhula! Ngươi thấy chút ít nước trong đồ đựng này chăng? - Bạch Phật, tôi thấy.

- Này Rāhula! Sa-môn pháp là sự không hổ thẹn trong lời nói dối của người rất hiếm có vậy.

Rồi Đức Thế Tôn đổ bỏ nước ấy, phán hỏi Đức Rāhula nữa rằng:

- Này Rāhula! Ngươi thấy nước còn dư đã đổ bỏ ấy chăng? - Bạch Phật, tôi thấy.

- Này Rāhula! Sa-môn pháp là sự không hổ thẹn trong lời nói dối của người là vật đổ bỏ rồi, giống nhau như vậy.

Đức Thế Tôn bèn úp đồ đựng nước ấy, rồi phán hỏi nữa rằng: - Này Rāhula! Ngươi thấy đồ đựng nước úp rồi ấy chăng? - Bạch Phật, tôi thấy.

- Này Rāhula! Sa-môn pháp là sự không hổ thẹn trong lời nói dối của người là vật đã úp rồi, như vậy.

Thế Tôn bèn lật ngửa đồ đựng nước, xong phán hỏi nữa rằng: - Này Rāhula! Ngươi thấy đồ đựng nước trống rỗng này chăng? - Bạch Phật, tôi thấy.

- Này Rāhula! Sa-môn pháp là sự không hổ thẹn trong lời nói dối của người là vật trống rỗng như vậy. Này Rāhula! Như Lai phát biểu rằng ác nghiệp chút ít mà người không hổ thẹn, cố tâm nói dối, không thể chừa được, (nghĩa là kẻ không hổ thẹn), cố ý nói dối rồi, họ không làm nghiệp ác ấy nữa không được.

Này Rāhula! Ví như tượng mà nài voi đã luyện tập thuần thục quen vào chiến địa. Voi ấy ra trận hằng quấy nhiễu quân địch, bằng hai chân trước, hai chân sau, bằng thân trước, thân sau, bằng đầu, bằng hai ngà, bằng hai tai, bằng đuôi chỉ giữ thân mà thôi, bằng thái độ như vậy. Nài voi thấy rằng voi chưa hy sinh tính mạng với Đức Vua đâu. Này Rāhula! Trừ khi voi chiến vào trận bằng cách dùng tất cả tứ chi cho đến toàn thân thể, nài voi mới hài lòng rằng, voi chiến đã hy sinh với Đức Vua.

Này Rāhula! Đã gọi là tội rồi mà người có tính chất hay cố tâm nói dối thì không thể bỏ được. “Đó là nhân mãnh liệt của ngươi, ngươi nên tự hóa rằng ta sẽ không nói dối, dù là nói giỡn. Này Rāhula! Ngươi hãy tự chế như thế, cho kỳ được.” Này Rāhula! Ngươi nên hiểu yếu điểm của điều này, như thế nào “kiếng”[27] có lợi ích gì? - Bạch Phật, có lợi để soi, trông nom.

- Này Rāhula! Nghiệp đáng cho người chú ý, điều tra rồi mới nên thực hành bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, như thế.

1. Kāyakamma (thân nghiệp)

Này Rāhula! Thân nghiệp của ngươi nghĩa là ngươi mong sẽ tạo nghiệp nào bằng thân, ngươi hãy dò xét kỹ rằng thân nghiệp của ta tức là ta muốn sẽ làm việc ấy bằng thân, nếu thực hành để hại mình, hoặc hại kẻ khác hay hại cả mình và người, thân nghiệp ấy là ác, có khổ là chung kết (kết thúc) có khổ là quả, như vậy.

Này Rāhula! Nếu ngươi đã xem xét kỹ, được biết như vậy rằng: thân nghiệp của ta ao ước tạo nghiệp nào bằng thân, thực hành để hại mình hoặc hại người, hay hại cả mình và người, thân nghiệp ấy là ác, có khổ là chùng kết, có khổ là kết quả như thế.

Này Rāhula! Nghiệp thấy được như vậy, tuyệt nhiên ngươi không nên hành bằng thân. Này Rāhula! Nếu ngươi đã khảo sát được biết rằng, thân nghiệp của ta tức là ta mong mỏi tạo nghiệp nào bằng thân, sẽ thực hành để không hại mình hoặc hại người hay hại cả mình và người, thân nghiệp ấy là lành, có vui là chung kết, có vui là kết quả như vậy. Này Rāhula! Nghiệp như vậy, người nên hành bằng thân. Này Rāhula! Thân nghiệp của ngươi, dù ngươi đang làm bằng thân, ngươi hãy điều tra rằng: thân của ta tức là ta đang tạo nghiệp này bằng thân, thực hành để hại mình hoặc hại người hay hại cả mình và người, thân nghiệp là dữ, có khổ là chung kết, có khổ là kết quả.

Này Rāhula! Nếu ngươi khảo cứu và nhận rằng: Thân nghiệp của ta tức là tạo nghiệp ấy bằng thân, ta không thực hành theo để hại mình hoặc hại người hay cả mình lẫn người, thân nghiệp ấy là lành sẽ đem đến kết quả vui. Này Rāhula! Ngươi nên bổ sung[28] thân nghiệp ấy.

Nếu ta thực hành để hại người, hoặc hại mình hay hại cả mình lẫn người, thân nghiệp ấy là dữ sẽ đưa đến quả khổ.

Này Rāhula! Ngươi nên phổ cập giáo pháp trong phạm hạnh, bậc hiểu biết cao siêu. Khi đã thuyết rộng để đánh thức quần chúng rồi ngươi nên thu thúc tự chế đi.

Này Rāhula! Nếu ngươi nhận rằng, thân nghiệp lành sẽ đưa đến quả vui là đúng; ngươi nên phát tâm phỉ lạc, an vui và hồi tưởng trong thiện pháp ấy cả ngày lẫn đêm.

2. Vacīkamma (khẩu nghiệp)

Này Rāhula! Khẩu nghiệp của ngươi nghĩa là ngươi tạo nghiệp bằng khẩu; ngươi phải tìm xét rằng: Ta tạo nghiệp thực hành để hại người, hoặc hại mình hay hại cả mình lẫn người; khẩu nghiệp ấy là dữ sẽ đưa đến quả khổ. Này Rāhula! Nếu ngươi nhận thấy điều trên là đúng, tuyệt nhiên, ngươi chẳng nên hành khẩu nghiệp dữ ấy.

Này Rāhula! Nếu ngươi quan sát biết rằng: Ta không thực hành bằng khẩu để hại người, hoặc hại mình hay hại cả mình lẫn người, khẩu nghiệp ấy là lành sẽ đưa đến quả vui. Này Rāhula! Ngươi nên hành khẩu nghiệp lành ấy đi. Ngươi phải bổ sung khẩu nghiệp ấy như thế.

Này Rāhula! Ngươi nên thuyết rộng khẩu nghiệp lành để đánh thức các hàng phạm hạnh, bậc hiểu biết cao siêu. Khi đã phổ cập để đánh thức rồi, ngươi phải thu thúc, tự chế đi.

Này Rāhula! Toàn nhiên, ngươi phải phát tâm phỉ lạc, an vui và hồi tưởng trong các thiện pháp cả ngày lẫn đêm theo khẩu nghiệp ấy.

3. Manokamma (ý nghiệp)

Cũng như trên, chỉ đổi thân nghiệp hay khẩu nghiệp thành ý nghiệp.

Này Rāhula! Chư Sa-môn hay Bà-la-môn sinh ra lâu trong quá khứ đã tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp rồi, những Sa-môn và Bà-la-môn ấy cũng được quan sát rồi mới tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp như thế thật.

Này Rāhula! Dù chư Sa-môn hay các Bà-la-môn nào sẽ sinh ra trong tương lai cũng sẽ tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp … chư Sa-môn và Bà-la-môn ấy cũng đã khảo sát rồi và sẽ tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp... như vậy thật.

Này Rāhula! Dù những Sa-môn và Bà-la-môn đã còn trong hiện tại cũng đang tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp... chư Sa-môn và Bà-la-môn vẫn tìm xét rồi đang tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp như vậy thật.

Này Rāhula! Vì thế ngươi phải tu học hồi tưởng rằng: Ta đã dò xét rồi tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp như thế cho được.

---

Thiên X. DO NHÂN NÀO CHÚNG SINH BỊ ĐỌA TRONG KHỔ ĐẠO VÀ ĐƯỢC LÊN NHÀN CẢNH

Bạch Đức Gotama! Do nhân nào, do duyên nào có những chúng sinh trong đời này, sau khi chết phải đọa trong khổ cảnh (cầm thú, a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục)? Bạch Đức Gotama! Do nhân nào, do duyên nào có hạng chúng sinh sau khi thác được lên nhàn cảnh?

Câu hỏi trên đây là lời của các Bà-la-môn và gia chủ ngụ tại làng Sāla, bạch hỏi Đức Thế Tôn, có ghi rõ trong kinh Saleyyakasutra Majjhimanikāya Mūlapaṇṇāsaka. Đức Thế Tôn bèn đáp đại khái rằng: “Này các gia chủ! Có loại chúng sinh trong đời này, sau khi chết hằng sa trong khổ cảnh vì sự hành vi bất hợp pháp và hành nghiệp bất chánh. Này các gia chủ! Có loại chúng sinh trong đời này, sau khi tan rã ngũ uẩn được lên nhàn cảnh, do sự hành động hợp pháp và tạo nghiệp chân chánh.”

Các gia chủ ấy nghe rồi, nhưng chưa đạt Phật lý, bèn bạch rằng: “Chúng tôi chưa thông hiểu được lời giải tóm tắt của Đức Gotama. Bạch cầu Ngài giải rộng thêm cho chúng tôi được lãnh hội.”

Theo lời hỏi ấy, Đức Thế Tôn bèn thuyết tiếp rằng: “Này các gia chủ! Có hạng chúng sanh trong đời này, sau khi thác hằng đến khổ cảnh (cầm thú,a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục) như vậy do sự bất hợp pháp và hành nghiệp bất chánh. Này các gia chủ! Có hạng chúng sanh trong đời này, sau khi chết thường được lên nhàn cảnh (người, trời) như thế vì sự hành vi hợp pháp và sự tạo nghiệp chân chánh.”

Những dân làng ấy nghe Phật ngôn rồi, nhưng vẫn chưa lãnh hội nên bạch rằng: “Thiện ngôn ấy Đức Phật Gotama thuyết khái lược (tóm tắt, đại lược), Ngài không giảng vi tế, chu đáo, chúng tôi chưa thông hiểu, cầu xin Đức Gotama thuyết thêm cho chúng tôi nhận thức được (nhận hiểu được nghĩa lý) và thấu rõ tỉ mỉ, theo lẽ ấy.

Đức Thế Tôn giảng tiếp rằng: “Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và tạo nghiệp bất chánh bằng thân có 3, bằng khẩu có 4, bằng ý có 3. Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và tạo nghiệp bất chánh bằng thân có 3 là. Này các gia chủ! Có hạng người trong đời này sát sanh không hổ thẹn tội lỗi, là người không từ bi đối với chúng sinh có thức tánh; thường trộm đạo của kẻ khác, tại trong nhà hoặc trong rừng gọi là đạo tặc; thường tà dâm với vợ con kẻ khác. Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và tạo nghiệp bất chánh bằng thân có ba như vậy.

Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp bằng khẩu có 4 là: có hạng người trong đời này thường nói dối, đi trong nơi đô hội, vào giữa thân bằng, trong quân binh, trong giữa tòa án v.v... có người hỏi đến thì đáp bằng lời không thật: có nói không, không nói có, thấy nói không thấy, không thấy nói thấy v.v...; dùng lời xúi giục cho bất hòa nhau, được nghe bên này nói đến bên kia cho họ chia rẽ nhau, khiến người hòa thành bất hòa; nói lời thô lỗ làm cho người phải phiền muộn, bực tức sanh nóng giận; hay nói những lời vô ích, hoang đường, không hợp thời vô nhân quả, bất hợp pháp, vô căn cứ, không có lợi ích. Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và sự hành nghiệp bất chánh bằng khẩu có 4 như vậy.

Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và sự hành nghiệp bất chánh bằng ý có ba là: có hạng người trong đời này mong được tiền bạc và vật dụng không lựa chọn, nhìn chăm chăm của ấy với tấm lòng ước ao được làm sở hữu; có lòng oán thù, có ác tâm hãm hại kẻ khác đến chết hay làm tán gia bại sản; có ý kiến độc đoán, có sự hiểu biết lầm lạc rằng: Sự bố thí, sự cúng dường không cho quả lành, không có sự kết quả của các nghiệp. Đời này, đời sau không có, mẹ cha không có, chúng sinh sanh hoặc tử cũng chẳng có. Trong đời này chẳng có Sa-môn hay Bà-la-môn nào tu hành chân chánh cả, cũng không thấu triệt tâm chúng sinh trong đời này. Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và sự hành nghiệp bất chánh bằng ý có 3 như vậy.

Này các gia chủ! Có hạng chúng sinh trong đời này, sau khi thác hằng vào đến khổ cảnh là do các nguyên nhân trên.

Này các gia chủ! Sự thực tiễn hợp pháp và sự hành nghiệp chánh bằng thân có 3, bằng khẩu có 4, bằng ý có 3. Sự thực tiễn hợp pháp và sự hành nghiệp chánh bằng thân có ba là: có hạng người trong đời này, không sát sanh, đã bỏ khí giới, có tâm từ bi, mong điều lợi ích cho chúng sinh; không trộm đạo, không đoạt tài sản kẻ khác để trong nhà hoặc trong rừng, gia chủ không cho thì không cầm lấy; không tà dâm phụ nữ có mẹ, cha, anh, chị, em, thân quyến và chồng trông nom gìn giữ.

Sự thực tiễn hợp pháp và sự hành nghiệp chánh bằng khẩu có 4 là: có hạng người trong đời này, không nói dối, bỏ sự nói dối rồi, bất cứ trong nơi nào, dù trong thân quyến, giữa tòa án v.v... nếu không biết nói không biết, biết nói biết, không có nói không có, thấy nói thấy, không thấy nói không thấy v.v…; không xúi giục người cho bất hòa cùng nhau, được nghe bên này, không đến nói bên kia, cho họ bất hòa cùng nhau, tránh sự gây chia rẽ, khuyến khích những người đã hòa nhau, vui thích khi đảng phái hòa nhau, luôn luôn thốt lời hòa giải nhau; không chửi mắng, không thốt lời thô lỗ, không tỏ lời bất nhã đến kẻ khác; không nói lời hoang đường vô ích, chỉ bàn về những chuyện hữu ích, ngay thật, có giá trị, nói theo Chánh pháp, theo giới luật, có căn cứ và hợp thời.

Sự thực tiễn hợp pháp và sự hành nghiệp chánh bằng ý có 3 là: có hạng người trong đời này, không tham, không mong được tiền bạc và vật dụng của kẻ khác, không nhìn chăm chăm của ấy với tấm lòng ao ước được làm sở hữu; không oán ghét, không làm hại kẻ khác, hằng cầu cho chúng sinh vô oan trái, đừng hãm hại lẫn nhau, đừng có khổ, cho được vui và hãy giữ mình đi; có chánh kiến: bố thí có phước, cúng dường có quả lành, kết quả của nghiệp dữ và lành có thật, tin có đời này, cõi sau, mẹ cha, chúng sinh tử rồi sinh, trong đời này có Sa-môn và Bà-la-môn, hạng tu hành chân chánh và thấu triệt chân lý.

Này các gia chủ! Sự thực tiễn hợp pháp và sự hành nghiệp chánh bằng thân có 3, bằng khẩu có 4, bằng ý có 3 như vậy. Này các gia chủ! Có hạng chúng sinh trong đời này, sau khi thác hằng sanh vào nhàn cảnh do sự thực tiễn pháp và sự hành nghiệp chánh như thế.

Này các gia chủ! Nếu người thực tiễn pháp, hành nghiệp chánh nguyện rằng: Sau khi chết sẽ thành vị vua hay đại phú gia. Có thể nguyện như thế được, cớ sao? Vì người thực tiễn pháp, hành nghiệp chánh ấy sẽ được như mong muốn.

Nếu người thực tiễn pháp, hành nghiệp chánh nguyện rằng: Sau khi thác sẽ trở thành bậc Bà-la-môn, triệu phú gia, vị trời trong cõi Đạo Lợi thiên cung, vị trời trong cõi Dạ Ma, vị trời trong cõi Đâu Suất Đà, vị trời trong cõi Lạc Hóa thiên, vị trời trong cõi Tha Hóa Tự Tại thiên, vị trời trong cõi Phạm Thiên hữu sắc, vị trời trong cõi Phạm Thiên vô sắc. Như thế cũng được, tại sao? Vì là sự thực tiễn pháp và sự hành nghiệp chánh. Hoặc nguyện rằng: Xin cho tôi sẽ đắc tâm giải thoát (cetovīmutti), trí tuệ giải thoát (paññāvīmutti), vô lậu phiền não (āsavakkhaya), nguyện như vậy cũng được, cớ sao? Vì người thực tiễn hợp pháp, hành nghiệp chân chánh, nhứt quyết sẽ được như ý.”

---

Thiên XI. PHẦN TẠO BỐN NGHIỆP

“Này các tỳ khưu! Chúng sinh có sự ao ước, có sự vừa lòng, có mọi hy vọng rằng: các pháp không mong mỏi, không ưa thích, không phấn chấn phải tiêu diệt đi. Các pháp nên nương tựa, hài lòng, phấn khởi hãy càng tiến triển. Này các tỳ khưu! Khi chúng sinh ấy mong mỏi như vậy, vừa lòng như vậy, hy vọng như vậy; các pháp không vừa lòng, không ao ước, không phấn khởi càng phát triển; các pháp nên nương tựa, ưa thích, vừa lòng lại càng mòn mỏi tiêu diệt. Này các tỳ khưu! Trong điều ấy, các ngươi nghĩ như thế nào?”

Khi Đức Thế Tôn thuyết như vậy rồi, các thầy xin Ngài giảng tiếp, Ngài bèn thuyết rằng: “Này các tỳ khưu! Phàm nhân trong đời này không được nghe, không được thấy các bậc thánh nhân, không sáng trí, không tụ tập trong thánh pháp; không được thấy các hàng tịnh giả[29], không thông minh trong pháp của hạng tịnh giả, vì thế không hiểu rõ các pháp nên nương… các pháp không nên nương… các pháp nên thân cận, các pháp nên gần gũi; chỉ nương vào các pháp không nên nương. Không nương vào các pháp nên nương thì các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng, hằng tăng gia. Trong khi các pháp ao ước, hy vọng, vừa lòng càng tiêu tan. Này các tỳ khưu! Điều thích hợp với người không thông hiểu như thế.

Này các tỳ khưu! Những hàng thinh văn đã nghe rồi và là người thấy các bậc thánh nhân là hạng sáng trí và được huấn luyện chánh đáng trong thánh pháp, là bậc thấy các bậc tịnh giả, là bậc đã thông hiểu, đã tập luyện chánh đáng pháp của bậc tịnh giả hằng hiểu rõ các pháp nên nương, các pháp không nên nương, các pháp nên thân cận, các pháp không nên thân cận... chỉ thân thiết các pháp nên thân thiết. Như thế các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng càng tiêu tan; các pháp ao ước, hy vọng, vừa lòng càng tiến triển. Này các tỳ khưu! Điều thích hợp với bậc minh triết là hạng thấu triệt như thế.

Này các tỳ khưu! Bốn pháp tạo nghiệp là thế nào? Này các tỳ khưu! Có pháp chỉ tạo: nghiệp khổ và có kết quả khổ tiếp theo, nghiệp vui và có kết quả khổ tiếp theo, nghiệp khổ và có kết quả vui tiếp theo, nghiệp vui và có kết quả vui tiếp theo. Này các tỳ khưu! Người đã đi trong vô minh, thì không hiểu 4 pháp tạo nghiệp kể trên cùng chân lý của mỗi pháp. Khi đã bị vô minh che án không thông rõ mỗi pháp tạo nghiệp, nên nương vào và không chừa 4 pháp tạo nghiệp trên. Do đó, các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng càng phát triển, đồng thời các pháp ao ước, hy vọng, vừa lòng càng tiêu tan. Cớ sao? Này các tỳ khưu! Vì điều ấy thích hợp với người không hiểu biết.

Này các tỳ khưu! Pháp chỉ tạo nghiệp vui trong hiện tại có kết quả khổ liên tiếp. Người đã đi trong vô minh khi không hiểu pháp tạo nghiệp ấy, rồi cũng không hiểu rõ theo chân lý như thế rằng: “Pháp chỉ tạo nghiệp vui trong hiện tại, có kết quả khổ kế tiếp”. Người đã đi trong vô minh khi không hiểu pháp tạo nghiệp ấy rồi, không hiểu rõ theo chân lý như thế, rồi nương vào pháp tạo nghiệp ấy. Như thế các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng càng nảy nở, cớ sao? Này các tỳ khưu! Vì điều ấy thích hợp với người không hiểu biết.

Này các tỳ khưu! Trong 4 pháp tạo nghiệp ấy, pháp chỉ tạo nghiệp khổ trong hiện tại, có kết quả vui kế tiếp. Người đã đi trong vô minh khi không thông hiểu pháp tạo nghiệp ấy rồi, không thông rõ chân lý, như thế rằng: “Pháp chỉ tạo nghiệp khổ trong hiện tại có kết quả vui liên tiếp”. Như vậy, người đã đi trong vô minh, khi không hiểu pháp tạo nghiệp ấy rồi, không thông rõ theo chân lý, nương pháp tạo nghiệp ấy, không bỏ pháp tạo nghiệp ấy. Như vậy các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng càng tiến triển, các pháp hy vọng vừa lòng càng tiêu tan, cớ sao? Này các tỳ khưu! Vì điều ấy thích hợp với người không hiểu.

Này các tỳ khưu! Trong 4 pháp tạo nghiệp ấy, pháp chỉ tạo nghiệp vui trong hiện tại và có kết quả vui liên tiếp nữa; người đã đi trong vô minh, khi không biết pháp tạo nghiệp, cũng không thông rõ theo chân lý thế nào rằng: “Các pháp tạo nghiệp ấy chỉ là vui trong hiện tại và có kết quả vui kế tiếp nữa”. Như vậy, người đã đi trong vô minh khi đã không hiểu pháp tạo nghiệp, không thông rõ theo chân lý như thế rồi nương vào pháp tạo nghiệp ấy, không bỏ pháp tạo nghiệp ấy, như vậy thì các pháp không ao ước, không hy vọng, không vừa lòng càng phát triển, các pháp ao ước hy vọng, vừa lòng càng tiêu tan, cớ sao? Này các tỳ khưu! Vì các điều ấy thích hợp với phàm nhân không hiểu biết.”

Đức Thế Tôn khi đã thuyết về vô minh rồi mới giảng về minh tiếp theo nữa, có đại ý trái nhau (nên không cần phiên dịch để trong nơi đây). Xong rồi Đức Thế Tôn thuyết pháp tạo nghiệp bằng cách vi tế như sau:

“Này các tỳ khưu! Thế nào là pháp chỉ tạo nghiệp khổ trong hiện tại và có kết quả khổ nối tiếp? Này các tỳ khưu! Trong đời này, có hạng người dù đương khổ sở buồn rầu, họ vẫn tự nhiên sát sanh, trộm đạo, tà dâm, nói dối, xúi giục cho người chia rẽ, nói lời hoang đường, tham lam, hãm hại, tà kiến. Do đó họ sẽ bị đau đớn, hối hận do sự sát sanh, trộm đạo, tà dâm, nói dối, xúi giục cho người chia rẽ, nói lời hoang đường do sự tham lam, hãm hại, tà kiến là duyên (nguyên nhân) (paccāya). Sau khi thác, hạng người ấy bị sa vào khổ cảnh. Này các tỳ khưu! Pháp tạo nghiệp ấy, Như Lai phát biểu rằng: “Có khổ trong hiện tại, có kết quả khổ liên tiếp nữa”.

Này các tỳ khưu! Pháp chỉ tạo nghiệp vui trong hiện tại, có kết quả khổ nối tiếp là thế nào? Này các tỳ khưu! Trong đời này có hạng người đang vui, đang hưởng lạc thú, cũng vẫn tự nhiên sát sanh, trộm đạo, tà dâm, nói dối, xúi giục cho người chia rẽ, nói lời hoang đường, tham lam, hãm hại, tà kiến, vì thế họ phải chịu quả khổ, đau đớn, hối hận do sự sát sanh, trộm đạo, tà dâm là duyên. Sau khi thác họ hằng đến khổ cảnh. Này các tỳ khưu! Pháp tạo nghiệp ấy, Như Lai phát biểu rằng: “Chỉ có vui trong hiện tại, có kết quả khổ nối tiếp”.

Này các tỳ khưu! Thế nào là pháp chỉ tạo nghiệp khổ trong hiện tại và có kết quả vui kế tiếp? Này các tỳ khưu! Trong đời này có hạng người đang khổ sở, buồn rầu, họ vẫn chừa sự sát sanh, sự trộm đạo, sự tà dâm, sự nói dối, sự xúi giục, sự nói lời hoang đuờng, sự hãm hại và có chánh kiến. Vì vậy họ phải chịu đau khổ, buồn rầu do tác ý chừa bỏ sát sanh, trộm đạo, tà dâm là duyên. Này các tỳ khưu! Pháp tạo nghiệp ấy, Như Lai phát biểu rằng: “Chỉ là khổ trong hiện tại, có kết quả vui liên tiếp”.

Này các tỳ khưu! Thế nào là Pháp chỉ tạo nghiệp vui trong hiện tại và có kết quả vui kế tiếp? Này các tỳ khưu! Trong đời này, có hạng người đang vui, đang hưởng lạc thú, họ hằng chừa hẳn sự sát sanh, trộm đạo, tà dâm, nói dối, xúi giục, nói lời hoang đường, tham lam, hãm hại và hằng có chánh kiến. Nhân đó họ hằng được vui, hạnh phúc do lòng không sát sanh, trộm đạo, tà dâm... là duyên. Sau khi thác, họ được sanh lên nhàn cảnh. Này các tỳ khưu! Pháp tạo nghiệp ấy, Như Lai phát biểu rằng: “Vui trong hiện tại và có kết quả vui liên tiếp nữa”.

Này các tỳ khưu! Thí dụ: Như bầu đựng nước hòa với độc dược để trong một nơi. Có người ham sống sợ chết, mong vui ghét khổ, đi đến nơi ấy. Nhiều người nói rằng: Anh ơi! Đây là bầu nước đã hòa với độc dược, nếu anh muốn hãy uống thử xem, khi đang uống, anh được thấy rõ cả màu, mùi vị; uống vào rồi anh sẽ chết hoặc phải chịu khổ gần chết. Này các tỳ khưu! Kẻ đó không tìm xem xét kỹ bầu nước ấy, khi đã uống vào sẽ chết, hoặc chịu khổ gần chết, như thế nào, thì pháp tạo nghiệp khổ trong hiện tại và có kết quả khổ liên tiếp như thế ấy.

Này các tỳ khưu! Như một bát bằng bạc đựng đầy nước nên uống cùng với màu, mùi, vị, song bát ấy có lộn bùn trộn với độc dược. Có kẻ ham sống sợ chết, mong vui hết khổ, đi đến trong nơi ấy. Phần đông nói với kẻ ấy rằng: Anh ơi! Bát ấy có đầy nước nên uống gồm có, mùi, vị, song bát ấy có hòa với độc dược. Nếu anh muốn, hãy uống thử xem. Lúc đang uống nước ấy không rõ rệt màu, mùi vị, nhưng khi đã uống vào, anh sẽ chết hoặc bị khổ như sắp chết. Kẻ ấy không xem xét trước liền uống vào, không mửa ra được. Này các tỳ khưu! Kẻ đó đang khi uống không thấy rõ rệt màu, mùi vị, đến lúc uống vào rồi thì sẽ chết hoặc chịu khổ như sắp chết như thế nào, thì “pháp tạo nghiệp ấy là vui trong hiện tại, có kết quả khổ liên tiếp như thế ấy.

Này các tỳ khưu! Như nước tiểu thối hòa với các vị thuốc, có người lâm bệnh gầy ốm, da vàng, đến trong nơi ấy. Nhiều người nói rằng: Anh ơi! Nước tiểu thối này hòa với các vị thuốc, nếu muốn anh hãy dùng đi. Khi uống người ấy thấy rõ cả màu, mùi vị, uống rồi anh sẽ được vui. Bệnh nhân xem xét kỹ thuốc ấy rồi uống vào không mửa ra. Này các tỳ khưu! Trong khi uống bệnh nhân thấy rõ cả màu, mùi vị thật, nhưng uống vào rồi sẽ được vui chắc chắn, như thế nào thì pháp tạo nghiệp khổ trong hiện tại có kết quả vui liên tiếp như thế ấy.

Này các tỳ khưu! Như sữa bò đặc, mật ong, sữa lỏng, nước mía hòa lẫn nhau rồi để trong một nơi; có người mang bệnh xuất huyết đến đó. Phần đông nói rằng: Anh ơi! Đây là sữa bò đặc, mật ong, sữa bò lỏng, nước mía đã hòa lẫn nhau, nếu anh muốn thì dùng đi. Khi anh đang uống thuốc ấy lộ màu, mùi vị; khi anh uống vào rồi, anh sẽ được vui. Này các tỳ khưu! Đây là pháp tạo nghiệp vui cả trong hiện tại và có kết quả vui liên tiếp.

Này các tỳ khưu! Thí dụ như trong mùa thu sau mùa mưa (đầu mùa lạnh) trời hết âm u, mặt nhựt chiếu giữa không trung, vẹt cả sự tối tăm trong bầu trời hằng soi sáng, chói lọi như thế nào thì pháp tạo nghiệp vui trong hiện tại và có kết quả vui liên tiếp; pháp tạo nghiệp ấy đàn áp được nhiều kẻ địch của Sa-môn và Bà-la-môn, rồi sáng chói, uy linh, quang đãng, rực rỡ như thế ấy.

---

Thiên XII. NGHIỆP THEO BÁO ỨNG[30]

Trong thiên này, giải về yếu điểm và xác định rằng có nghiệp phải có quả báo ứng mãi mãi đến người tạo.

Chúng ta khi đã gieo giống nào hằng hái quả ấy. Như gieo lúa, đậu thì gặt được lúa và đậu, không biến chất[31] như thế nào, thì người tạo việc lành hằng thụ quả vui; kẻ làm nghiệp dữ thường chịu quả khổ như thế ấy. Nghiệp tức là hành vi tạo tác.

Theo nhân thì có hai loại: lành gọi là thiện nghiệp, dữ gọi là ác nghiệp. Lành là lòng tốt, tính chất tốt, đức hạnh, tiết nghĩa, tỉnh tháo, liêm khiết, chánh trực, trong sạch hay làm việc phước. Dữ là hèn hạ, đê tiện hoặc bất chánh, bất lương, giả dối, không ngay thật, tội hoặc bất thiện. Quả cũng có hai là: quả lành, quả dữ. Về quả lành có hai là: ānisaṃsa: lợi đáng hưởng, đáng được, đáng có, có kết quả tốt; nissandaphala: quả ào vào nghĩa là nảy ra các vật như sinh ra người xinh đẹp giàu có. Trong kinh Nidhikandasūtra có giải về quả vui sinh ra làm: người có nhan sắc trong sáng; người có tiếng tốt; người có hình dạng thích đáng; người có hình ảnh đẹp; người có thế lực; người có nhiều bộ hạ; được làm vua; Hoàng đế; vị Chuyển Luân Vương; Trời Đế Thích; người giàu có hạnh phúc; người hưởng hạnh phúc trên cõi Trời; người hưởng hạnh phúc Niết-bàn; người có nhiều bậu bạn; người thuần thục trong sự minh triết và sự giải thoát; bậc đắc 4 pháp phân tích; người vô tư lự, được giải phóng; bậc Thinh văn đáo bĩ ngạn; đức Độc Giác; đấng Chánh đẳng Chánh giác. Về dữ cũng có 2 là: vippaṭisāraphala: quả khích động, than van, buồn rầu, rên rĩ; nissandaphala: quả ào vào phát sinh từ các vật không vừa lòng, như được của cải không tốt, hèn hạ dù không muốn vật ấy nó vẫn xảy ra. Như mình không mong được con cháu tàn tật, điên cuồng, mù điếc, ngu độn, phá hại gia sản mà vẫn phải chịu.

Như chúng ta quan sát thấy rõ rằng về thiện nghiệp, người có lòng trắc ẩn, chừa bỏ sự sát sinh, phần đông là người ít bệnh và được trường thọ. Người chừa bỏ trộm đạo hằng có tâm bố thí, làm việc lành như cất dưỡng đường, dâng đất cất chùa, giúp đỡ kẻ nghèo khó, tật bệnh v.v... Phần nhiều là người giàu có, dễ tìm của cải và giữ được lâu dài đến con cháu, không có sự lo sợ hao hớt xảy ra đến của ấy. Người chừa bỏ tà dâm, phần đông có con hiếu thảo, dễ dạy và trong gia đình của con cháu cũng hòa thuận, không có sự tranh chấp gia tài. Người chừa bỏ sự nói dối, xúi giục, chửi mắng, khiển trách v.v... là kẻ chỉ tỏ lời ngay thật, êm dịu, hòa nhã, phần nhiều được vừa lòng, được ca tụng cúng dường. Người không uống rượu và các chất say hằng có trí nhớ, trí tuệ, không mê lầm đến trọn đời.

Về nghiệp ác, người ác tâm độc dữ hằng sát sanh hại vật, trộm đạo gian xảo, lường gạt, lấy của người tìm tài sản theo lối bất chánh, nói dối chửi mắng, xúi giục người chia rẽ, uống rượu và các chất say, hằng là người nhiều bệnh, hay gặp tai nạn, hao tài, tổn mệnh. Khi hấp hối hay có tâm mê loạn, lo lắng, băn khoăn, lăn lộn (động đậy, vật mình, khóc lóc, thở than như bị lửa thiêu). Dù có nhiều của cũng khó giữ được kiên cố, và bị con cháu tranh giành nhau rồi cũng tiêu tan, hoặc của ấy sẽ trở về phần người khác. Người tà dâm hằng bị hại trong hiện tại. Quả của nghiệp như đã giải, nếu chưa đến thì sau khi thác sẽ chịu khổ trong kiếp sau, chắc chắn không sai vậy.

Có kẻ hỏi: nhiều người hoài nghi hay hiểu lầm rằng, cớ sao kẻ làm lành không gặp vui mà người dữ lại được hạnh phúc, thạnh vượng như thế, lời dạy của Đức Phật có sai chăng? Theo lời hỏi đây, có giải rằng: Nói làm lành ấy họ làm ra sao? Vì có người lầm rằng, dù họ làm lành cũng có điều sơ sót, không để ý nhớ, cố gắng lưu tâm đến phận sự chân chánh ngay thật. Họ có ý kiến độc đoán, cang ngạnh, khoe mình thái quá, phỉ báng kẻ khác. Cho đến bậu bạn cùng làm việc chung và kẻ phục dịch, họ lại còn làm cho người ngờ vực nữa. Nhân đó điều nói là làm lành ấy là phải có đủ hành vi tốt đẹp biểu hiện (bày ra) cùng một lúc nghĩa là làm lành theo sự hiểu biết? Thực hành bằng sự sáng trí đồng thời với thân, khẩu, ý chính đáng không khuyết điểm, không tỳ vết nào nghĩa là phải ngay thật, liêm khiết cả các cái lành và lòng ngay thật nữa, như vậy thì phúc phận (phần phước được hưởng) không hư hỏng.

Về người làm dữ mà được vui, có thể nhờ nghiệp lành của họ trong kiếp này hoặc kiếp trước theo báo ứng cho quả vui trong lúc ấy. Những nghiệp dữ của họ sẽ phải cho quả khổ, theo báo trả lại không sai.

Điều căn bản quan trọng không nên quên là: Dù người làm dữ nhưng còn gặp quả vui vì quả dữ chưa tới, phước báu trong quá khứ còn cho quả trong hiện tại, nhưng khi quả khổ đến, người làm dữ hằng chịu khổ chẳng sai. Dù người làm lành, nhưng còn chịu quả khổ vì nghiệp lành chưa cho quả, do tội ác trong quá khứ còn lại trong hiện tại. Song khi quả lành đến, họ hằng thấy vui, thật vậy.

Về phần cho quả của nghiệp, chúng ta có thể chia ra làm 3 căn bản là: 1) nghiệp mà người đã tạo trong quá khứ (cả nghiệp lành và nghiệp dữ) hằng cho quả trong quá khứ cũng cho quả trong hiện tại và trong tương lai; 2) nghiệp lành và nghiệp dữ mà người đã tạo trong hiện tại hằng cho quả trong lúc này hoặc trong tương lai cũng có; 3) nghiệp lành và nghiệp dữ mà người sẽ tạo trong tương lai, thường chỉ cho quả trong tương lai mà thôi, không đảo ngược.

Trong kinh Cūlakammavibhaṇgasūtra có thuyết về quả của nghiệp, ghi rõ rệt theo ý kiến của Phật giáo rằng: 1) người yểu tử, vì tội dư sót của sự sát sinh đã làm trong quá khứ. 2) người có nhiều bệnh hay lo sợ bị hãm hại, là người làm hại, đánh đập làm khổ chúng sinh; 3) người có màu da xấu xí vì tội sân hận, bất bình, làm hại, thù oán kẻ khác; 4) người vô thế lực hằng là hạng thấp hèn vì tội ganh tỵ, vu oan đổ lỗi cho kẻ khác; 5) người sinh ra trong dòng hạ tiện, nghèo khó vì tội canh nạnh, khinh rẻ kẻ khác, không tôn trọng, kính nhường bậc đáng cúng dường; 6) kẻ ăn xin vô tài sản, dù kiếm được của rồi, gìn giữ cũng không lâu, bị nhiều tai hại, hao tốn tài sản, vì tội trộm đạo hay bủn xỉn, keo kiết, không chia sớt đến kẻ khác; 7) người ngu độn, vô trí tuệ vì tội cứng cỏi, không tìm học hỏi với hàng học thức hoặc chế giễu kẻ khác có trí tuệ không bằng nhau. Về nghiệp lành ý nghĩa trái ngược với nghiệp dữ.

---

Thiên XIII. NGHIỆP LÀ TÍN HIỆU[32] CỦA SI NHÂN[33]

Có câu Pāli rằng: Kammalakkhaṇobhikkhavebalo ‒ Này các tỳ khưu! Kẻ si có nghiệp là đặc tính chỉ định, chứng minh cho thấy rõ rằng nghiệp của kẻ si ấy là sự công bố dính theo họ trong mỗi nơi.

Kẻ si tương tự với người vi phạm tội, sái với pháp luật, phải gọi là tội nhân như vậy. Nghiệp ấy tức là phần việc làm như đã giải nhiều lượt, nếu làm lành gọi là thiện nghiệp, làm dữ gọi là ác nghiệp. Nghiệp sinh từ cái chi? Sinh từ xan tham, sân hận, si mê vì căn cứ vào Phật ngôn như vầy: “Tīnimāni bhikkave! Nidāni kammānaṃ samudayāya, katamāni tīni, lobho nidānamkammānaṃ samudayāya, doso nidanaṃkammānaṃ samudayāya, moho nidānamkammānaṃ samudayāya” ‒ Này các tỳ khưu! Nhân sinh của nghiệp ấy có 3 thứ, như thế nào? Ba thứ ấy là: lobha: xan tham là nhân sinh của các nghiệp, dosa: sân hận là nhân sinh của các nghiệp, moha: si mê là nhân sinh của các nghiệp.

Theo căn nghiệp (gốc rễ sinh ra nghiệp báo) đã giải trước cho rằng: được biết rõ si do ở nhân tham, sân, si và có đặc tính là do ác nghiệp. Làm dữ tức là làm bằng sự không sáng trí, bằng óc si, ngu độn, thiếu sự hiểu biết. Trong tham, sân, si, tam độc ấy, si là quan trọng nhất, vì là nhân cho sinh tham và sân. Trong Pāli có thuyết để rằng: Cả 3 ác pháp ấy liệt vào gốc của bất thiện (akusalamūḷa) nghĩa là rễ cái của ác nghiệp. Vì tham, sân, si có trong người nào thì làm cho người ấy không sáng trí trong pháp tiến triển (tiến tới mở mang), không chói lọi, không sáng trí trong pháp thoái bộ (lùi bước), không cho thấy rõ pháp phát đạt (tiến bộ) và không khéo léo trong pháp thịnh và pháp suy, có nhân quả khác nhau. Theo ý nghĩa này, họ mới không sáng trí trong sự lánh mình khỏi pháp thoái bộ và chú tâm trong pháp tấn triển.

Đấy cũng do thế lực của tham, sân, si là nhân sinh ra nghiệp, tức là phần việc phải làm theo thân, khẩu, ý. Không lòng trắc ẩn đối với ai, chỉ tìm hãm hại kẻ khác, cho đến tà kiến hiểu sai chánh pháp. Tóm lại tham, sân, si làm cho người thành kẻ si năng tạo nghiệp ác.

Đức Thế Tôn có giảng cho vua Pasenadikosala rằng: “Tayo kho mahārāya lokassa dhammā upapajjanti ahitāya dukkhāya aphāsuvihārāya” ‒ Này Đại vương! Ba pháp là tham, sân, si khi đã phát sinh đến chúng sanh thì hằng có sự bất lợi, khổ sở và không hạnh phúc.

Người si mê hằng có khí chất xấu xí cũng vì bị tâm hướng dẫn, trong nghiệp dữ, mới nhận lầm rằng, sự xấu ấy có vị ngọt như mật ong. Bởi điều ác mà người đã làm chưa cho quả trong lúc tạo nghiệp. Như kinh Pāli rằng: Na hi pāpaṃ kālaṃ kammaṃ sajjukhiraniva muccati ‒ Cũng có ác nghiệp mà người si mê đã tạo, chưa cho quả trong lúc ấy, như sữa tươi chưa biến chất vậy.

Sữa tươi mới vắt từ vú bò, họ để trong đồ đựng kỹ lưỡng không cho bụi rơi vào, thì chưa biến chất. Khi họ thêm các vị vào trong đồ đựng hoặc đổi đồ đựng mới, không sạch sẽ, sữa tươi ấy sẽ biến chất (thay đổi chất thiệt) thế nào, thì tội của nghiệp cũng thế. Khi người đang làm chưa cho quả cũng có, lúc đã làm xong mới cho quả cũng có. Sự thực, quả của tội có thật, song kẻ si mê không biết rằng là có, nên vui thích làm tội.

Nghiệp lành hay dữ là do người làm, chẳng nên ngờ vực. Có kinh Pāli rằng: “Ubho paññañca papañca yaṃ macco kurute idha tanhi tassa sakam hoti tañca ādāya gacchati tañcassa anugam hoti chāyāva anupāyini” ‒ Người phải chết, làm phước và làm tội cả hai thứ để trong đời, phước và tội ấy vẫn là của người đó thật, họ hằng đem phước và tội ấy theo phước và tội ấy hằng dính theo họ như bóng với hình.

Chúng ta sinh ra trong đời rồi phải chết thực sự. Nhưng cái mà dính theo mình trong khi thác tức là phước và tội đấy. Phước và tội là tài sản dính theo mình; phước và tội của người nào là người ấy không thể chia cho nhau được. Dù là đi sinh trong cõi nào cũng phải thụ quả của nghiệp đã tạo để dành theo căn bản Pāli rằng: “Yatthassu attabhāro nibbattati tattha taṃ kammaṃ vipaccati...” Cá tính của con người, có tham, sân, si là chủ, sinh trong nơi nào, nghiệp ấy hằng cho quả trong nơi đó. Nghiệp cho quả trong nơi nào thì thụ quả của nghiệp trong nơi ấy, nghĩa là sinh trong xác thân hiện hữu hoặc nối tiếp theo. Lệ thường giống còn tốt chưa hư thối mà người gieo trong ruộng phì nhiêu, có mưa xuống nhằm mùa tiết, giống đã gieo ấy hằng nở mộng, đâm chồi như thế nào, nghiệp mà người ta đã tạo cũng như thế ấy.

Khi chúng ta chưa diệt được nhân đến đâu quả của nghiệp cũng phải có đến đó. Cớ ấy Đức Thế Tôn mới công bố rằng: “Sace bhāyatha dukkhassa sace vo dukkhapappiyaṃ mā katha pāpakaṃ kammaṃ. Karīssatha karotha vā navo dukkhā samutyatthi upecceti palāyataṃ” ‒ Nếu các ngươi sợ khổ, nếu khổ là nơi không vừa lòng các ngươi, các ngươi đừng tạo ác nghiệp cả trong nơi khuất lấp và trong nơi sáng tỏ. Nếu các ngươi đã làm hay đang làm ác nghiệp, ngươi sẽ không khỏi khổ được đâu, dù bay trốn cũng chẳng khỏi. Trong kinh Kosalasaṃyuttāyyikāsūtra, Đức Thế Tôn có thuyết rằng: “Sabbe sattā marissanti maranantaṃhi jivitaṃ yatthākammaṃ gamisanti. Puññapāpaphalūpagā nirayaṃ pāpākammātā puññakammā ca sugatin” ‒ Tất cả chúng sinh đều phải chết, vì cuối cùng của sinh mệnh là chết. Họ sẽ thụ quả phước, tội y theo nghiệp. Người làm tội phải đi xuống địa ngục, kẻ tạo phước được lên nhàn cảnh.

Chú thích: Khi chúng ta đã học hỏi phước và tội rồi, nên học hỏi về căn nguyên tự nhiên tiếp theo, vì phần đông chúng ta còn câu nệ các pháp rằng: ta, người, chúng ta, họ, tìm không thấy tiếng gọi chúng sinh, chúng sinh ấy là cái chi?

Đức Thế Tôn có thuyết rằng: “Yāthā hi angasambhārā hoti saddo ratha iti. Evaṃ khandhesu santesu hoti sattoti sammati” ‒ Vì tập hợp nhiều phần vào cùng nhau nên mới được gọi tiếng “Xe” như thế nào, thì khi ngũ uẩn tồn tại gọi danh là chúng sinh cùng hiện có như thế ấy. Lệ thường gọi là “xe” ấy, nếu phân tách mỗi loại ra rồi thì chỉ gọi riêng là thùng, bánh, gọng v.v… Tiếng kêu xe, xe ấy cũng không có thế nào thì chúng sinh cũng vậy. Nếu chia: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, rời ra thì tiếng gọi là người, thú, chúng ta, họ cũng chẳng có; nhưng nếu sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại với nhau mới gọi là ngũ uẩn. Vô minh, ái dục, thụ và nghiệp đều là nguyên nhân gây dựng sự sinh ra, như thợ mộc ráp các bộ phận: cột, kèo, đòn tay cho thành nhà vậy.

Theo ý nghĩa đây, mới chỉ danh ngũ uẩn là chúng sinh: xương là cột, ái dục là thợ mộc, là nguồn sinh sản. Cho thấy rõ rệt là thân hình có dây buộc tức là gân nhỏ lớn, có thịt, máu là vật làm cho lem luốc, có da như y, là vật bao thân, là nơi dựa vào của sự già và sự chết. Khi ngũ uẩn còn mạnh khỏe thì ta gọi là chúng sinh và chỉ danh là người ấy, thú ấy.

Sự rõ rệt của ngũ uẩn chỉ được tồn tại một thời gian rất ngắn ngủi, sống lâu lắm đến 100 năm là cùng. Ví như hạt giống đã gieo xuống ruộng, dựa vào vị của đất và nhựa trong hạt giống mà nảy nở; nếu tách nhựa trong hạt giống ra, không cho hợp vào với đất, hạt giống ấy cũng không sao đâm mầm được. Theo tiếng gọi chúng sinh, khi ngũ uẩn tách rời ra giờ nào, thì khi ấy sự hiểu biết là chúng sinh cũng tiêu tan, mà ta gọi là chết. Như kinh Pāli rằng: Yathā hi aññataraṃ bījaṃ khette vuttaṃ virūhati pathavīrasañca āgamma sinchañca tadūbhayaṃ evaṃ khandhā ca dhātuyo cha ca āyatamā ime hetuṃ paticca sambhūtā hetubhanga nirujjhare ‒ Một loại giống nào mà họ gieo nảy mộng rồi, hằng đâm chồi được do vị của đất và nhựa trong giống hỗn hợp với nhau như thế nào thì những ngũ uẩn, lục nhập, hai yếu tố ấy cậy nhờ vào nhân mới nở mộng được, khi đã tách riêng ra rồi thì tiêu tan. Cũng như chúng ta, khi còn sinh mệnh hằng khác nhau do dân tộc, tiếng nói, màu da, tư dung, hình thể bên ngoài và tâm trạng bên trong do hạnh kiểm, đạo đức và do nghiệp phân hạng người khác nhau nữa. Có kẻ sang người hèn, kẻ cao người thấp, giàu nghèo, thạnh suy, xinh đẹp, xấu xa, ngu dốt, thông minh, nhã nhặn, thô lỗ, người hèn, kẻ dữ v.v…

Đấy là định luật tự nhiên, chúng ta tạo lành sẽ được vui, làm dữ sẽ mang khổ. Như có châm ngôn: Người tạo tội hằng lo nghĩ, buồn rầu trong hai cõi, nghĩa là buồn rầu trong hiện tại, hằng lo nghĩ buồn rầu sau khi chết. Trong hiện tại thì buồn rầu, lo nghĩ: ta đã làm việc ác rồi sẽ đi đến khổ cảnh, nên càng buồn, lo nghĩ thêm.

Trái lại, kẻ làm lành sẽ đến nhàn cảnh, tức là kẻ gặp vui, hạnh phúc, dù trong lúc bổ túc thiện pháp cũng phát tâm ưa thích rằng, tự mình được bổ khuyết điều phải dù trong hiện tại cũng đã bổ sung rồi, vẫn có tâm hoan hỉ nhớ đến trong giờ nào thì vui tươi, sung sướng trong giờ ấy, càng nghĩ đến tâm càng thỏa mãn, thích thú. Như người bộ hành có đủ đồ cần dùng, khỏi bận lòng lo ngại vì sự thiếu thốn. Người chỉ làm lành, hằng được vui: “Người đã bổ sung phước dành sẵn rồi hằng vui thích trong cả hai cõi. Tức là vui thích trong hiện tại, khi bỏ cõi này, nghĩ: ta đã bổ sung phước để dành đi đến nhàn cảnh rồi nên càng vui thích bội phần”.

Dẫn tích: Nandiya Upāsakā. Trong Pháp Cú Kinh có ghi rằng: Thuở đấng Giáo chủ ngự nơi rừng Isipatananigadāyavana (vườn Lộc Giả) có một thanh niên ở trong kinh đô Bārānāsī, tên là Nandiya, phát tâm tín ngưỡng. Nandiya là con có hiếu, phú túc là người hộ tăng. Đến tuổi thành niên, mẹ cha chàng cưới nàng Revadī, con nhà chú cho chàng. Nhưng nàng Revadī không tín ngưỡng Phật giáo, không bố thí, không trì giới, nên chàng Nandiya không hài lòng. Mẹ chàng bèn khuyên bảo nàng Revadī rằng: “Con ôi! Con nên xếp đặt chỗ ngồi cho chư tăng trong nhà này, khi chư tăng đến, con hãy lấy bát, hãy thỉnh các ngài an vị, hãy dâng nước, các ngài thọ thực xong, con hãy lấy bát đem rửa. Khi con đã làm được như vậy, con sẽ là nơi vừa lòng của Nandiya.” Nàng Revadī tuân theo lời dạy. Cha mẹ chàng bèn sắm sanh lễ vật cưới nàng Revadī về cho chàng. Chàng mới bảo nàng Revadī rằng: “Nếu em biết phụng sự chư tăng và phụng thờ song thân của anh, em sẽ ở được trong nhà này. Em hãy cẩn thận.” Nàng phụng mệnh rồi giả bộ làm như có đức tin thành kính chư tăng và cha mẹ chồng cho đến khi sinh được hai trai. Không bao lâu cha mẹ Nandiya qua đời cả. Từ đấy tất cả công việc nhỏ lớn trong nhà đều về một tay nàng Revadī đảm nhiệm. Kề từ ngày mẹ cha tạ thế, chàng Nandiya trở thành chủ thí đến kẻ nghèo hèn, đói khó và các bộ hành v.v... Khi Nandiya được nghe Pháp của đấng Giáo chủ, thấy quả báo cùng sự dâng chỗ ngụ nên tạo nhà phước thí, bốn phòng trong gian lam rừng vườn Lộc Giả, có cả vật dụng (bàn, ghế, giường). Trong lúc dâng chỗ ngụ, chàng trai tăng đến chư tăng có Đức Phật tọa chủ và có dâng nước biếu đến Đức Như Lai, đồng thời giọt nước biếu nhỏ xuống tay đấng Giáo chủ thì điện trời bằng bảy báu gồm có ngọc nữ hiện ra rõ rệt rộng 12 do tuần, cao 100 do tuần, trên Đạo Lợi thiên cung. Ngày nọ, Đức Mục Kiền Liên lên trời, được đến gần điện ngọc ấy. Ngài hỏi Chư thiên nữ đến lễ bái ngài rằng: - Điện trời gồm có nàng ngọc nữ, phát sanh dành cho ai?

- Bạch Ngài, ông Nandiya, tạo phước xá dâng đến đấng Giáo chủ tại rừng Lộc Giả. Điện này phát sinh dành cho ông Nandiya.

Các ngọc nữ bạch nữa rằng: “Chúng tôi ngụ trong nơi đây đều nguyện sẽ là vợ ông Nandiya, nên chi khi không trông thấy mặt ông Nandiya thì rất bất mãn. Sự bỏ tài sản ở nhân gian rồi lên hưởng hạnh phúc trời ví như đập bỏ nồi đất, cầm lấy nồi vàng như vậy. Cầu ngài thuật lại cho ông Nandiya về nơi đây với.”

Khi Đức Mục Kiền Liên trở về cõi người rồi đến hầu Phật và bạch rằng: “Hạnh phúc thiên thượng hiện ra đến người tạo việc lành còn sinh tồn trong nhân gian chăng, bạch Phật?”

Phật đáp: “Này Mục Kiền Liên! Hạnh phúc thiên thượng phát sanh đến Nandiya, người đã tự thấy rồi, phải chăng? Cớ sao còn hỏi Như Lai?” - Bạch Phật như vậy sao?

Đức Thế Tôn thuyết tiếp rằng: “Này Mục Kiền Liên! Sao ngươi nói thế. Kẻ nào đứng tại cửa nhà được thấy con hoặc thân quyến đã vắng mặt từ lâu nay trở về liền tức tốc về nhà cho hay người tên ấy về rồi. Các thân bằng, quyến thuộc đều vui mừng thỏa mãn, vội vàng đến đón rước, hỏi han rằng: ‘Anh, chú v.v... về nhỉ?’ thế nào thì Chư thiên cũng cầm hoa và mười quà biếu của trời chờ nghinh tiếp người nữ hay người nam đã tạo việc lành để trong đời này vậy. Khi bỏ cõi này rồi đi đến thiên giới. Ngài bèn đọc kệ ngôn rằng: ‘Cirappavāsī purisaṃ’ dịch là: các thân quyến, bậu bạn hằng rất hoan hỉ với người đã vắng mặt lâu ngày, được trở về với vẻ đầy hạnh phúc thế nào thì các phước cũng đón tiếp có nghi lễ, người đã được tạo phước để dành, lìa cõi này đi đến cõi khác như vậy.”

Tích cận sự nam Nandiya đây chỉ cho thấy rằng những phước thiện mà người đã tạo trong đời hằng cho quả xứng đáng phi thường. Trong chú giải có nói rằng: Cận sự nam Nandiya được nghe chuyện ấy, càng làm phước thập phần. Khi chàng cận sự nam Nandiya ra khỏi nhà vì việc thương mãi có dặn nàng Revadī rằng: “Nàng không nên cẩu thả trong việc bố thí đến chư tăng, ban vật dụng đến kẻ nghèo khó.” Nàng Revadī tuân theo. Chàng Nandiya đi đến nơi nào cũng dâng cúng đến chư sư và hàng ăn xin. Những bậc hết lậu phiền não từ nơi xa đến cũng tới tụ thí của nam Nandiya.

Phần nàng Revadī, khi cận sự nam Nandiya đi rồi, nàng bố thí hai, ba ngày mà thôi ngưng bố thí đến kẻ ăn mày. Chỉ còn cúng dâng đến các tỳ khưu, dù như vậy, nàng Revadī cũng biếu vật hèn không xứng đáng. Nàng Revadī bưng thực phẩm để bát mà nàng dùng rồi còn dư. Nàng đổ bỏ rải rác trong nơi chư tỳ khưu thọ thực, rồi nói với người khác rằng: “Các ông, bà xem sự hành vi của các thầy Sa-môn như vậy, các ngài đổ bỏ những vật mà người cúng bằng đức tin.” Khi cận sự nam Nandiya trở về, được hiểu điều ấy, bèn đuổi nàng Revadī. Sáng sớm, y làm đại thí đến chư tăng, có Phật tọa chủ, và để bát mỗi ngày, cùng chia sớt vật dụng đến người đói khát. Chỉ cho nàng Revadī y phục và thực phẩm mà thôi. Sau rồi cận sự nam Nandiya thác được sanh trong điện của mình tại Đạo Lợi thiên cung. Phần nàng Revadī ngưng sự bố thí, trở lại khiển trách chư tăng rằng: “Tôi bị thất lợi danh cũng do các thầy Sa-môn”. Thấy vậy, vị Đại Thiên Vương Vesavaṇa dạy hai quỷ Dạ xoa rằng: “Hai ngươi hãy trải đi công bố (nói chung cho mọi người biết) cho chúng dân trong thành Bāranāsī được nghe rằng: “Trong ngày thứ 7 (kể từ đây) nàng Revadī sẽ bị bắt sống đem bỏ trong địa ngục”. Chúng dân được nghe câu chuyện ấy phát tâm kinh sợ. Phần nàng Revadī lên ở trên tầng lầu đóng cửa trốn. Vừa đến ngày thứ 7, Đức Vesavaṇa sai hai quỷ Dạ xoa mặt đỏ, râu đỏ, có hình dáng đáng ghê tởm, lòi nanh, ăn máu, nước da đỏ như ngọn lửa, thật đáng sợ hành phạt Revadī, bảo nói với nàng rằng: “Revadī, người hạ tiện hãy đứng dậy”, rồi áp phục (lấy sức mạnh để chế ngự kẻ khác), nắm hai tay nàng kéo lôi đi trên không trung cho đại chúng thấy đầy đủ. Quỷ Dạ xoa đem nàng lên Đạo Lợi thiên cung cho nàng thấy cung điện và tài sản của cận sự nam Nandiya rồi dẫn trở lại gần địa ngục tùy thuộc đại địa ngục.

Trong khi nàng Revadī được thấy cung điện nguy nga, lộng lẫy của cận sự nam Nandiya mới hỏi rằng: “Cung điện có hào quang như mặt chói lọi, đầy đủ Chư Thiên, là cung điện của ai?” Hai quỷ Dạ xoa đáp: “Của ông Nandiya trước kia ngụ tại thành Bārānāsī”. Nói xong hai Dạ xoa biến mất. Trong ngày ấy, nàng Revadī gặp bọn quỷ sứ đến bắt nàng liệng trong địa ngục. Nàng hỏi địa ngục này là gì? Quỷ sứ đáp: “Địa ngục này sâu 100 lần bề cao của người. Người phải chịu khổ trong địa ngục này đến sáu muôn năm”. Nàng Revadī bèn hỏi: “Tôi phạm tội gì mà phải bị hình phạt trong địa ngục này?” Quỷ sứ đáp: “Ngươi ngược đãi và phao vu các vị Sa-môn và kẻ ăn xin, ngươi đã làm tội ấy, nay phải chịu khổ trong địa ngục đến sáu muôn năm.” Nàng Revadī nói: “Khi nào tôi được trở về cõi người tôi sẽ bố thí, trì giới, trồng cây cho người nghỉ mát, đắp đường; thí nước trì bát quan trai giới.” Xong quỷ sứ bèn liệng nàng trong địa ngục phẩn. Nàng Revadī mới thốt lời rằng: “Khi trước tôi là kẻ keo kiết, chửi mắng các vị Sa-môn, Bà-la-môn và dối chồng nên bị đọa trong địa ngục này.”

Về ý nghĩa mà Đức Phật thuyết về những thân bằng, quyến thuộc hằng vui thích khi gặp người đã lìa nhau từ lâu, nay được trở về được hạnh phúc thế nào thì các phước cũng đón rước người được làm phước để dành như vậy. Người đi từ cõi này đến cõi khác, ví như là bà con tiếp rước bà con về đến như vậy. Đây là điều nên tưởng nhớ rằng tội phước mà mình đã tạo, hằng chờ đón rước mình trong kiếp sau. Người tạo phước chẳng nên ngã lòng nghĩ phước mà mình đã làm sẽ tiêu tan. Vì phước ấy sẽ chờ rước ta trong kiếp sau. Tội cũng chờ đón ta giống như vậy. Kẻ làm tội, chẳng nên vui thích rằng làm tội rồi thì thôi, không phải chịu khổ. Vì tội không bao giờ tiêu tan, hằng chờ đón người tạo, giống như phước vậy. Chỉ khác nhau cách tiếp rước mà thôi. Nghĩa là cách đón người làm tội là điều buộc trói gông xiềng, đâm chém, thiêu đốt v.v...

Phần người tạo phước được mười quà biếu là: tuổi trời, sắc trời, hạnh phúc trời, tước vị trời, sự cao cả, thân trời, tiếng trời, mùi trời, vị trời, xúc trời. Nghĩa là người đã tạo phước để dành rồi hằng được hưởng dụng tài sản trên cõi trời, có khi tài sản trời phát sanh trước (như có cung điện, ngọc nữ của Nandiya) nhưng phần nhiều tài sản ấy hiện ra trong lúc người tạo phước được lên trời.

Giải: Tuổi trời: lâu hơn tuổi người, 50 năm trong cõi người là một ngày một đêm trên cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Ở cõi này, tuổi thọ 500 năm bằng chín triệu năm ở cõi người (9.000.000 năm). Một trăm năm ở cõi người là một ngày một đêm trên Đạo Lợi thiên; ở cõi này 100 tuổi thọ bằng ba mươi sáu triệu năm (36.000.000 năm) ở cõi người. Sắc trời: màu sắc thân thể nghĩa là thân thể có màu sắc rất đẹp, có hào quang chiếu diệu. Hạnh phúc trời: thân tâm rất vui sướng, không có khổ sở, buồn rầu, lo sợ, như trong nhân gian. Tước vị trời: tước phong và ngôi vị nghĩa là có kẻ tùy thuộc 100, 1.000 người mãi mãi. Sự cao cả: sự cao quí không giảm bớt, trú vững một mực cho đến hết tuổi trời. Thân trời: thân mình, thân thể không biết già, không biết bịnh, không biết gầy ốm, không biết biến dịch, lúc mới sanh ra như thế nào vẫn như thế ấy cho đến ngày chết. Tiếng trời: tiếng dịu dàng, du dương, êm tai. Mùi trời: mùi thơm ngát, thơm nức. Vị trời: các món ăn quí, cao lương, mỹ vị. Xúc trời: các vật dụng chỗ ở êm dịu, mềm mại.

Tích hai vợ chồng Nandiya đây chỉ cho thấy rõ rằng: Cận sự nam Nandiya tạo phước nên hằng hân hoan trong cõi này, thác rồi cũng thường vui thích. Vui thích trong cả hai cõi, vì thấy tâm trong sạch của chính mình, rồi càng thỏa thích. Trái lại như vợ chàng là nàng Revadī hay làm tội nên hằng phải khổ sở trong đời này, chết rồi càng khổ sở, vì nàng thấy nghiệp xấu của chính nàng, rồi càng ưu sầu rên rĩ.

---

Thiên XIV. PHÁP VÀ BẤT HỢP PHÁP[34] CÓ QUẢ BẤT ĐỒNG

Pháp và bất hợp pháp tương phản nhau không có quả đồng nhau, nghĩa là pháp lành đem lên nhàn cảnh, pháp dữ dẫn xuống khổ cảnh hay gọi cách khác rằng: pháp hộ trì người hành pháp là nâng lên, bất hợp pháp hạ kẻ hành pháp cho thấp xuống.

Trong kinh Dhammapālajātaka có thuyết về tích pháp ủng hộ người hành pháp như vầy. Trong quá khứ, có một phổ hệ[35] Bà-la-môn danh là Dhammapāla, vì trong phổ hệ ấy từ gia chủ đến tôi tớ phục dịch đều thụ trì pháp thập thiện, bố thí, trì giới, bát quan trai. Thuở ấy, Đức Bồ tát giáng sinh trong phổ hệ Bà-la-môn ấy danh hiệu là Dhammapālakumāra. Khi đến tuổi học hành, Bồ tát đi tìm học với vị giáo sư trứ danh[36] tại thành Takkasīlā, là một học sinh giỏi nhất của giáo sư.

Ngày nọ, con của vị giáo sư chết, khiến giáo sư thương tiếc, buồn rầu, rên xiết. Khi đã thiêu tử thi rồi, tất cả gia đình thân quyến và môn đệ đều vật mình than van, đau khổ. Chỉ một mình Dhammapālakumāra không tỏ thái độ ưu sầu, than tiếc chi cả. Được nghe lời than van: con của vị giáo sư còn trẻ tuổi thật không đáng chết; Dhammapālakumāra cãi lại rằng: không nên thốt lời như thế, nếu là người trẻ trung thì chết thế nào được. Người đến tuổi chết phải là người già. Dù các học sinh cãi lẽ thế nào ông cũng không thừa nhận và viện dẫn[37] đến phổ hệ của mình rằng người chết phải là người già yếu tất cả. Chuyện ấy thấu tai vị giáo sư, ông liền cho đòi Dhammapālakumāra đến để dò hỏi. Khi đã biết rằng đó là thông lệ trong phổ hệ. Vị giáo sư muốn rõ thực sự bèn giao phó (ủy thác) cho đức Bồ tát thay thế việc dạy học, rồi ông lên đường hướng về nhà của Đức Bồ tát với một người bộ hạ, cùng với gói xương dê theo nữa.

Khi đến nhà của Dhammapālakumāra, rồi vị giáo sư cho thân sinh Đức Bồ tát biết rằng con của ông thông minh, sáng suốt, học thông Tam Phệ Đà (Tam tạng của Bà-la-môn giáo ‒ Trayabheda) thấu triệt 18 môn học, nhưng rủi thay bạc mệnh đã mạng chung vì bệnh nặng, rồi khuyên thân sinh Đức Bồ tát rằng: Tất cả tập hợp đều là vô thường, không bền vững, xin ông niệm tưởng là lẽ tự nhiên, chớ nên quá than van, thương tiếc. Ông Bà-lamôn thân sinh của Đức Bồ tát bèn vỗ tay cười reo, rồi đáp với vị giáo rằng: Con tôi chưa chết, người mà ông nói rằng chết ấy, chắc chắn chẳng phải con tôi. Khi vị giáo sư mở gói xương ra cho xem. Ông Bà-la-môn vẫn cãi rằng: Không phải là xương của con tôi đâu. Rồi ông cho biết rõ rằng: Nếu không phải là xương người thì chắc phải là xương của một loại thú nào, không sai. Vì trong phổ hệ tôi đã bảy đời rồi, chưa từng có một ai chết trẻ hết. Vị giáo sư thấy sự phi thường như thế, mới tin lời của Đức Bồ tát rồi phát tâm hoan hỉ, mong được biết nguyên nhân làm cho không chết non, mới hỏi rằng:

“Kiṇte vattaṃ kiṇpana brahmacariyaṃ

Kissa suciṇṇassa ayaṃ vipāko

Akkhāhi me brāhmaṇa etematthaṃ

Kasmā me tumhaṃ daharā na miyyare

‒ Cái chi là cử chỉ là hạnh kiểm của ông. Cái chi là phạm hạnh của ông. Điều ấy là quả của nghiệp nào mà ông đã tích trữ, xin ông thuật lại cho tôi nghe với ông Bà-la-môn.”

Ông Bà-la-môn bèn đáp bằng lời này: Dhammaṃ carāma na musa bhaṇama pāpāni kammāni parivajjayāma anariyaṃ parivajjema sabbaṃ hi amhaṃ daharā na miyyare ‒ Chúng tôi thực hành pháp, chúng tôi không nói dối, chừa bỏ nghiệp tội, chừa bỏ tất cả pháp không tốt đẹp, vì thế toàn thể chúng tôi mới không có bệnh chết trẻ tuổi. Ngoài ra ông Bàla-môn có miêu tả (tả ra) các hành vi trong phổ hệ của mình; trong lời cuối cùng, ông còn tuyên bố ân huệ của pháp ủng hộ người thực hành pháp rằng:

“Dhammo have rakkhati dhammacārī Dhammo sucinṇo sukhamāvhāti Esānissanso dhamme suciṇṇe na Duggatiṇ gacchati dhammacārī.

‒ Thật vậy, pháp hằng phù trợ (nâng đỡ) người hành pháp, pháp mà người đã hành chánh đáng rồi hằng đem hạnh phúc đến cho. Đấy là sự kết quả trong pháp đã thực hành chánh đáng rồi; người thường hành pháp, hằng đi đến nhàn cảnh.”

“Dhammo have rakkhati dhammacārī

Chattaṃ mahantaṃ viyavassakāle

Dhamma na gutto mama dhammapālo

Aññassa atthīni sukhī kumāro

‒ Đúng vậy, pháp hằng nâng đỡ, người hành pháp như cây dù to che mưa trong mùa mưa thế nào, thì dhammapāla con chúng tôi có pháp để phòng vệ (che chở) rồi vậy. Xương này là xương của kẻ khác, phần trẻ Dhammapāla con chúng tôi hằng có sự an vui rồi.”

Vị giáo sư được nghe rồi hết mơ hồ, ngờ vực, và vui thích rằng: Sự lại của mình không thất lợi, rồi mới trình bày phân minh sự thật mà mình đến để điều tra lẽ phải, rồi xin chép pháp của ông Bà-la-môn, xong từ biệt trở về thành Takkasīlā.

Theo tích trên đây, chúng ta được hiểu rõ rằng, pháp hằng phù trợ người hành pháp, quả của pháp và bất hợp pháp không đồng nhau.

Trong Bổn Sanh Kinh Ayogharajaṭaka có kệ ngôn thuyết về quả của pháp và bất hợp pháp như vầy: Nahi dhammo adhammo ca ubho samavipākino adhammo nirayaṃ neti dhammo pāpeti sugatiṇ ‒ Pháp và bất hợp pháp, cả hai có quả không đồng nhau; bất hợp pháp dẫn đi địa ngục; pháp đem chúng sanh lên nhàn cảnh như vậy.

Xin giải thêm ý nghĩa của kệ ngôn ấy rõ rệt rằng: Pháp của kệ ngôn này chỉ về đức pháp tức là phần việc lành hoặc nhiệm vụ tự nhiên. Bất hợp pháp trái ngược với pháp nghĩa là ác pháp hay là pháp vô phận sự. Tiếng dhamma dịch là đạo giáo, giáo lý học thuyết, lý thuyết, chủ nghĩa, tạo hóa, tạo vật, tự nhiên, tự nhiên tính, chân lý hoặc là Phật giáo trong đạo Phật, gồm tất cả gọi là pháp cũng được. Pháp và bất hợp pháp, cả hai có thường xuyên (tiến hành luôn không ngớt), trong đời từ vô thủy đến nay, chẳng phải chỉ có trong lúc này, và cũng chẳng phải có trong nơi khác. Pháp và bất hợp pháp hiện có trong đời tức là ngũ uẩn. Pháp sinh từ nguyên nhân hòa hợp nhau, chỉ danh là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, góp cả 5 trạng thái vào cùng nhau mới rõ rệt là ngũ uẩn, chỉ danh là người, thú, ta, chúng ta, họ v.v... Pháp và bất hợp pháp chỉ ngay vào ngũ uẩn, phân tách ra cho thấy khác nhau, do nghiệp lành gọi là pháp, nghiệp dữ gọi là bất hợp pháp. Trong pháp và bất hợp pháp ấy bên nào có mãnh lực hơn thì chủ trì, bên thiển lực thì thoái bộ, không thể nào chủ trì ngũ uẩn được. Tương tự như hai người vật lộn người nào mạnh sức hơn thì thắng, người yếu sức thì lùi ra.

Đức Thế Tôn thuyết để đánh thức chư tỳ khưu rằng: Dhammo ca bhikkhave! Veditabbo anattho ca dhammo ca veditabbo attho ca adhammañca viditvā atthañca yathādhammo yathā āttho tāthā paṭipajjitabbaṃ ‒ Này các tỳ khưu! Các ngươi nên biết rằng bất hợp pháp là hại và pháp là vô hại, khi đã hiểu bất hợp pháp là hại và pháp là vô hại, rồi nên hành theo pháp vô hại.

Katamo ca bikkhave! Adhammo ca anattho ca micchādiṭṭhi. Micchā sankappo micchāvācā micchākammanto micchā ājivo micchāvayāmo micchāsati micchāsamādhi micchāṇanaṃ micchāvimutti ayaṃ vuccati bhikkhave adhammo ca anatthoca ...‒ Này các thầy tỳ khưu! Bất hợp pháp có hại là thế nào? Tà kiến, tà tư duy, tà nghiệp, tà mệnh, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà giải thoát, tà thông tuệ. Này các tỳ khưu! Đấy gọi là bất hợp pháp và có hại. Này các tỳ khưu! Pháp và vô hại là thế nào? Chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh thông tuệ (thông minh, sáng suốt) chánh giải thoát. Này các tỳ khưu! Đây gọi là pháp và vô hại. Nên biết bất hợp pháp là có hại, nên hiểu pháp là vô hại. Khi đã biết bất hợp pháp là có hại, pháp là vô hại rồi cần hành theo pháp vô hại như vậy.

Theo ý nghĩa đây, Như Lai được thấy rằng: Đường lối hoặc sự bảo vệ người cho hiểu biết chánh kiến, chánh tư duy v.v... gọi là pháp hay là vô hại, tức là hữu ích, còn về đường lối trái ngược gọi là bất hợp pháp hay có hại tức là thất lợi.

Cả hai “pháp và bất hợp pháp” là phần thực hành theo ba cửa là: thân, khẩu, ý theo ý nghĩa này là đường lối sinh ra pháp và bất hợp pháp. Sự chú tâm thực hành theo thân, khẩu cho có lễ độ, thanh nhã thường để duy trì phận sự cho thích hợp với công việc và việc xảy đến bất ngờ.

Nhiệm vụ nào là quan trọng đối với xã hội, quốc độ, chủng tộc, tôn giáo, chánh quyền cũng phải chú tâm thực hành theo cho hợp với pháp luật. Chỉ nên nuôi mệnh theo chánh pháp, nên bổ sung cho vừa theo chức vụ, từ hành vi đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, nói cho thích hợp có lễ độ, cho người vừa lòng vui thích; cho người nghe phát tâm hoan hỉ thừa nhận và thực hành theo, để cảnh tỉnh, hướng dẫn người trong việc lành đều phải cho họ được hạnh phúc, an vui. Phải hành thân, khẩu, ý cho chánh đáng. Phải chế ngự những điều dữ chưa sinh, trừ diệt điều ác đã sinh. Việc lành chưa có, phải làm cho có, gìn giữ cho tồn tại và tăng gia. Các việc lành hằng được kết quả bởi tâm tinh khiết, trong sáng. Cớ ấy cần phải xác định ranh giới cho tâm niệm tưởng, chớ nên buông thả, theo cảnh giới ngoại trần, nghĩa là cố tâm nghĩ trong ranh giới tức là thân, thọ, tâm và pháp bằng trí nhớ và sự biết mình. Cố chế ngự theo chánh pháp, nghĩa là lúc nào nên hạn chế tâm thì hạn chế; hồi nào nên phấn khởi, khuyến khích, nên nhìn chăm chăm, để biết rằng bây giờ đây tâm ta có tình trạng thế nào, lúc ấy nên phấn khởi tâm, khuyến khích, cố nhìn chòng chọc vào tâm cho đến khi tâm yên lặng tất cả dục vọng, yên lặng cả ác pháp là tâm đã an trụ chân chánh, rồi hành pháp thông tuệ về vấn đề danh, sắc theo chân lý.

Giải rằng: Danh và sắc là những cái hỗn hợp do các cảnh tượng[38] nhiều loại, nhiều màu mới biểu lộ rõ rệt cho thấy là khối như được vui, bị khổ, hoặc không vui, không khổ, khác loại nhau có thể tưởng nhớ được, nhận thức được là tốt hay xấu hoặc trung lập là sự hiểu theo mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm, phân tách ra là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhưng gộp cả năm khối ấy vào cùng nhau gọi là ngũ uẩn. Ví như thực phẩm làm ra từ các mùi, vị, gọi theo tên rõ rệt, như muối, tiêu v.v... Khi đem các thứ ấy trộn lộn nhau thành thực phẩm, đặt tên cho thích hợp với các món ăn ấy. Sự hiểu biết đây liệt vào cách hiểu biết phải, hiểu biết đúng, vì dựa vào sự hiểu biết đầu tiên rồi sẽ cởi mở được tâm cố chấp trong vấn đề ngũ uẩn. Theo sự thông suốt uyên thâm và sự thấu đáo theo thứ tự thì ngũ uẩn cũng không thể che đậy và giữ vững trong quyền lực. Ta mới thoát ly được những nỗi đàn áp, tội lỗi, ô nhiễm, gọi là thoát ly chánh đáng, thoát ly đúng đắn, là quả thành tựu từ cái tâm quang minh (sáng tỏ).

Tóm lại, hành vi lành theo ba cửa là việc nên làm, là nhiệm vụ quan trọng của toàn thể Phật tử, không phân giai cấp và thời kỳ, vì là nhân sinh quả vui theo kinh Pāli rằng: “Ekaṃ senāhaṃ ananda! Karanīyaṃ vadāmī kāyasucaritaṃ vacīsucaritaṃ manosucaritaṃ ‒ Này Ānanda! Như Lai hằng phát biểu sự hành thân chánh đáng, sự hành khẩu chánh đáng, sự hành tâm chánh đáng là nhiệm vụ phải làm như thế.” Sự hành thân, hành khẩu, hành ý chánh đáng là việc nên làm, là bổn phận phải làm tuyệt đích[39] như vậy.

Sự thực hành thân, khẩu và ý chánh đáng là nhiệm vụ phải làm, bởi có thể cho quả vui đến người tạo, cũng là nhân đạt đến điều tốt đẹp, từ thấp đến mức cao nhất, có thể giải thoát tất cả điều buộc trói, theo Kinh Pāli rằng: “1) attāpi attānaṃ na upavadātī ‒ dù chính mình cũng không khiển trách mình được; 2) kalyāno kittisaddo abbhūggacchati ‒ danh vọng hằng đồn đãi; 3) anuvicca viññū pasaṃsanti ‒ hàng trí tuệ đã xem xét rồi, cũng ca tụng; 4) asammulho kālaṃ karoti ‒ không mê loạn trong khi chết; 5) kāyassa bhedā parammaranā sugatin saggaṃ lokaṃ upapajjati ‒ sau khi ngũ uẩn tan rã hằng vào đến thiên giới.”

Theo ý nghĩa của Pāli trong kinh Karānīyasūtra đã giảng, cho thấy rõ rằng: hành vi không hợp pháp bằng thân, khẩu, ý có năm tội[40].

Việc không hợp pháp ấy gọi theo đàm thoại là bất chánh (ducarita) hoặc bất thiện (akusala) là việc không nên làm. Việc nào chánh đáng hay thiện là việc nên làm, vì trong lúc làm vui thích, khi đã làm xong cũng thỏa mãn. Lúc nào nhớ đến cũng phát tâm hân hoan và hàng học thức cũng ca tụng. Sự thật, bất chánh hay bất thiện là điều vô năng (không có năng lực) mà chúng ta nên chừa bỏ; ví bằng hành theo cũng vô ích thật. Xin khảo sát theo Phật ngôn trong kinh dưới đây: “Này các tỳ khưu! Các ngươi hãy bỏ bất thiện, các ngươi có thể chừa được bất thiện; nếu không, Như Lai cũng chẳng khuyên cho bỏ. Bởi các ngươi có thể chừa được, Như Lai mới dạy cho bỏ. Này các tỳ khưu! Các ngươi nên bổ sung điều thiện; nếu không Như Lai cũng chẳng dạy các ngươi bổ sung. Vì các ngươi có thể bổ sung được Như Lai mới khuyên các ngươi bổ sung. Này các tỳ khưu! Điều thiện mà các ngươi đã bổ khuyết rồi không có lợi ích, chỉ có khổ, Như Lai cũng không bảo bổ khuyết. Vì điều thiện nào hằng đem đến hạnh phúc, Như Lai mới khuyên bổ khuyết.”

Bởi pháp và bất hợp pháp có quả trái nhau. Tiếng địa ngục dịch là nơi không có sự tiến triển, không chói lọi. Tiếng thiên giới dịch là nơi xán lạn (rực rỡ). Cả hai là quả của bất hợp pháp và pháp, có nghiệp là nguyên nhân, là bằng chứng của tiếng làm: “lành được vui, gây dữ bị khổ”.

Nếu còn nghiệp thì phải thụ quả của nghiệp. Hoặc theo khoa học cho rằng: Nếu có sự động tác thì phải có sức phản ứng, nghiệp cho phiền não ô nhiễm tâm là nhân sinh khổ, luân hồi xoay đi trở lại vô cùng tận, trãi đi trong cõi nhỏ, cõi lớn như giống còn tốt đã gieo trong ruộng phì nhiêu hằng nảy nở như thế.

Nếu giải theo căn bản luật luân hồi thì có 3 loại là: kilesavaṭṭa: phiền não luân hồi; kammavaṭṭa: nghiệp luân hồi; vipākavaṭṭa: kết quả luân hồi. Ba pháp ấy gọi là tam luân (3 sự luân hồi; xoay tròn mãi mãi), nghĩa là phiền não sinh ra cho tạo nghiệp, tạo nghiệp thì thụ quả của nghiệp; đã thụ quả của nghiệp, phiền não lại sinh nữa, xoay đi trở lại mãi mãi như vậy. Trừ khi đắc A-la-hán đạo, đoạn tuyệt được ba pháp ấy, mới được hoàn toàn giải thoát.

Giải rằng: Tam luân ấy xoay vần mãi mãi vô cùng tận, phiền não tức là: tham, sân, si sinh ra là nhân cho tạo nghiệp, đã tạo nghiệp là nhân cho thủ quả của nghiệp, là cho vui thích, cho bất bình không vừa lòng, liên tiếp phiền não lại sinh ra tạo nghiệp nữa. Điều qui định của sự luân hồi ấy đặc biệt được gọi là bánh xe luân hồi. Khi nào đắc A-la-hán đạo mới thoát ly được sinh tử luân hồi.

Vấn đề này sẽ giải vi tế trong thiên kế tiếp, nhan đề: “Dây xích của nhân quả” hay gọi theo thông thường là “Thuyết Thập nhị duyên khởi[41] (Paṭiccasamupāda). Trong thiên này tóm tắt rằng khi có nhân thì phải có quả, địa ngục, thiên giới cũng phải có; vì những cảnh giới ấy ở nơi tâm, như Phật ngôn rằng: Citte saṇkiliṭṭhe duggati paṭikaṇkhā ‒ Khi tâm không tinh khiết rồi, nên tin rằng là khổ cảnh. Citte asaṇkiliṭṭhe suggati paṭikaṇkhā ‒ Khi tâm trong sạch rồi nên tin rằng là nhàn cảnh.

Theo Phật ngôn đây, chúng ta thấy rằng thiên giới hoặc địa ngục ở tại tâm. Tâm lành được lên cõi trời, tâm dữ phải sa địa ngục. Vì thế, căn bản trọng yếu của Phật giáo mới quyết định khuyến hối (khuyên răn dạy dỗ) để duy trì cái tâm, theo kinh Pāli rằng: Tava cittameva rakkha attano cittameva niggaṇha mā aññaṃ kiñci cintayi ‒ Người hãy duy trì cái tâm mà thôi, người hãy đè ép cái tâm của chính mình mà thôi. Chẳng nên suy tưởng đến cái chi cả.

Giải rằng: Phật dạy xem xét kỹ càng cái tâm cho tốt đẹp trong hiện tại mà thôi, soi sáng tìm tòi cho thấy rõ rằng tâm trong sạch hay dơ bẩn; nếu tâm dơ bẩn thì biểu lộ ra ngoài khiến chúng ta nói hoặc làm những điều bất chánh.

Ví bằng tâm trong sáng thì ta nói hay làm vệc tốt đẹp. Phải kềm chế tâm như thế, nghĩa là thực hành pháp và chừa bỏ bất hợp pháp, cho càng tốt đẹp phi thường.

---

Thiên XV. DÂY XÍCH CỦA NHÂN VÀ QUẢ

Trong thiên này, giải về “Dây xích của nhân và quả” một cách vi tế để nhận định sự luân hồi.

Tại sao chúng ta lại nhận định điều này? Xin đem lời của một triết học gia người Pháp, chép dưới đây cho chúng ta dò xét trước, như vầy: Tất cả những gì đã có đều là quả của nhân trước gây nên, quả hiện tại trở thành nhân của quả tương lai, liên tiếp. Nếu thấy sự quy định ấy như nó đàn áp phải thực hành theo trong đời; xây dựng cho có giáo lý về vấn đề “Thuyết thập nhị duyên khởi” gọi là dây xích của nhân và quả.

Pháp đầu tiên của dây xích này là nguồn gốc của tất cả cái có sinh mệnh tức vô minh

(không biết); pháp cuối cùng là sự khổ. Điều quy định này giúp cho chúng ta được vừa lòng với nguyên nhân của sự có, sự tồn tại và nghiệp (động tác và phản ứng) đã sắp đặt căn bản của sinh mệnh hiện tại của chúng ta.

Theo đây, chúng ta vừa thấy được những lợi ích của việc quan sát “Thuyết thập nhị duyên khởi” hay dây xích của nhân và quả là có cái chi chi rồi.

Trong kinh Saṃyuttanikāya nidanāvagga có giải về thuyết Thập nhị duyên khởi rằng: Vô minh là nhân sinh hành, hành là nhân sinh thức, thức là nhân sinh danh sắc, danh sắc là nhân sinh lục nhập, lục nhập là nhân sinh xúc, xúc là nhân sinh thọ, thọ là nhân sinh ái, ái là nhân sinh thủ, thủ là nhân sinh hữu, hữu là nhân sinh ra sanh, sanh là nhân sinh ra lão, tử ... buồn rầu, than van, khổ sở, nhớ tiếc, đau đớn. Những tập khổ sinh ra theo ý nghĩa ấy, lại có giảng rằng: lão tử vì có sanh, sanh có vì hữu, hữu có vì thủ, thủ có vì ái, ái có vì thọ, thọ có vì xúc, xúc có vì lục nhập, lục nhập có vì danh sắc, danh sắc có vì thức, thức có vì hành, hành có vì vô minh. Ý nghĩa đầu tiên tìm quả phía sau gọi là thuận chiều. Ý nghĩa sau tìm nhân phía trước gọi là ngược chiều.

Những lý thuyết đây một phần gọi là khởi phiên (phiên bắt đấu) (samudayavāra). Một phần nữa, giải tiếp là phần thứ hai theo thuận chiều và ngược chiều (anuloma và paṭiloma) như đã giải trên gọi là diệt phiên (phiên dập tắt) (nirodhavāra). Khởi phiên là phần sinh, diệt phiên là phần dập tắt. Góp cả hai phần gọi là thuyết Thập nhị duyên khởi (Paṭiccasamupāda).

Phần thứ hai có thuyết như vầy: avijjā: vô minh diệt hành mới diệt; sankhāra: hành diệt thức mới diệt; viññāra: thức diệt danh sắc mới diệt; nāmarūpa: danh sắc diệt lục nhập mới diệt; saḷāyatana: lục nhập diệt xúc mới diệt; phassa: xúc diệt thọ mới diệt; vedanā: thọ diệt ái mới diệt; taṇhā: ái diệt thủ mới diệt; upādāna: thủ diệt hữu mới diệt; phaba: hữu diệt sanh mới diệt; jati: sanh diệt lão tử, buồn rầu, than van, khổ sở, nhớ tiếc, đau đớn mới diệt. Tất cả tập khổ bị dập tắt theo ý nghĩa như thế gọi là thuận chiều (anuloma) vì đi tìm nhân phía sau. Một ý nghĩa nữa thuyết để như vầy: lão tử v.v… diệt vì sanh diệt; sanh diệt vì hữu diệt; hữu diệt vì thủ diệt; thủ diệt vì ái diệt; ái diệt vì thọ diệt; thọ diệt vì xúc diệt; xúc diệt vì lục nhập diệt; lục nhập diệt vì danh sắc diệt; danh sắc diệt vì thức diệt; thức diệt vì hành diệt; hành diệt vì vô minh diệt. Như vậy gọi là ngược chiều vì đi tìm nhân phía trước.

Theo lịch sử: Thuở Đức Thế Tôn vừa giác ngộ, Ngài quan sát thuyết “Thập nhị duyên khởi” này rồi Ngài mới tuyên bố rằng: Yadā have pātubhavanti dhammā ātāpino ñayato brahmaṇassa atthassa kaṇkhā vapayanti sabbā yato pajānāti sahetudhammaṃ ‒ Lúc nào các pháp rõ rệt đến Bà-la-môn, người cố nhìn chăm chăm lúc ấy tất cả điều ngờ vực của Bà-la-môn ấy dứt rồi, vì được thấu triệt pháp nương lẫn nhau. Yadā have pātubhavanti dhammā āttāpino ñāyato brahmaṇassa atthassa kaṇkhā vapayanti yato khayaṃ paccayānaṃ avedi ‒ Khi nào các pháp rõ rệt đến Bà-la-môn, người cố nhìn chòng chọc, khi ấy các ngờ vực của Bà-la-môn ấy hằng diệt tuyệt, do sự hiểu biết dứt duyên. Yadā have pātubhavanti dhammā āttāpino ñāyato brahmaṇassa vidhūpayaṃ titthati mārasenaṃ sūrova obhāsayamantalikkhaṃ ‒ Khi nào các pháp rõ rệt đến Bà-la-môn, người cố nhìn chăm chăm, khi ấy Bà-la-môn ấy hằng được trừ diệt Ma vương cùng quân ma và được chói lọi, rạng ngời như mặt trời chiếu diệu giữa không trung vậy.

Paccayākā dịch là trạng thái của duyên khởi nối liền nhau và Paṭiccasamupada[42] dịch là pháp sanh vì nương vào lẫn nhau (có ý nghĩa giống nhau).

Thuyết thập nhị duyên khởi chia làm 4 loại là: liệt vào tivaṭṭa tam luân, liệt vào nhân quả, liệt vào đại khái, liệt vào sự liên kết[43]. Liệt thuyết Thập nhị duyên khởi vào tam luân như vầy: vô minh, ái dục, thủ là phiền não luân; hành là nghiệp luân; thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, hữu, sanh, lão, tử, buồn rầu, than van, khổ sở, nhớ tiếc, đau đớn là kết quả luân. Luân này là tái sinh luân xoay tìm trong cõi luân hồi, khi có phiền não là nhân cho tạo nghiệp, nghiệp ban cho quả, quả này thành nhân, nhân tạo nghiệp nữa, luân chuyển nhau mãi.

Liệt thuyết Thập nhị duyên khởi vào nhân quả, nghĩa là kể vào 4 loại là: atītahetu: quá khứ nhân; paccuppannaphala: hiện tại quả; paccuppannahetu: hiện tại nhân; anāgataphala: tương lai quả. Quá khứ nhân tức là vô minh và hành. Hiện tại quả tức là thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Hiện tại nhân, tức là ái và thủ. Tương lai quả, tức là sanh và lão; tử với các nổi khổ dựa vào sanh.

Liệt vào đại khái nhất là: quá khứ kể vào đại khái, hoặc rút ngắn lại theo 3 thời là: quá khứ, hiện tại và tương lai.

Liệt vào liên kết chia ra làm 3 là: liên kết trong khoảng quá khứ nhân, và hiện tại quả, là một liên kết, gọi là “nhân quả liên kết” nghĩa là kết liền nhân với quả; liên kết trong khoảng hiện tại quả và hiện tại nhân, là một liên kết gọi là “quả nhân liên kết” nghĩa là kết liền quả với nhân; liên kết trong khoảng hiện tại nhân với tương lai quả là một liên kết gọi là “nhân quả liên kết” nghĩa là kết liền nhân với quả.

Tiếp theo đây, giải về đặc tính của những pháp ấy là:

- Avijjā: Vô minh là không hiểu rõ 8 điều là: không hiểu rõ cái khổ, không hiểu rõ cái nhân sinh khổ, không hiểu rõ sự diệt khổ, không hiểu rõ đạo diệt khổ, không hiểu rõ quá khứ, không hiểu rõ tương lai, không hiểu rõ cả quá khứ và tương lai, không hiểu rõ thuyết thập nhị duyên khởi.

- Sankhāra: Hành là abhisaṅkhāra tức là 3 nhân tạo tác là: puññābhisaṅkhāra: tạo phước, apuññābhisaṅkhāra: tạo tội, aneñjābhisaṅkhara: tạo bất động tức là kiên cố (về chư Phạm thiên Sắc giới và Vô sắc giới) do thế lực bát thiền. Aneñjā dịch là bất động tức là im lặng, không cảm động, vững bền. Trong Kantarasūtra và trong Dvedhāvitakasūtra chỉ về tứ thiền. Như vậy thì puññābhisaṅkhāra chỉ về kusalavitaka[44] apuññābhisaṅkhāra là akusalavitaka[45]. Trong nơi đây chỉ giải về 4 thiền vô sắc gồm có 4 thiền hữu sắc vào trong puññābhisaṅkhāra như phước trong cõi Dục giới. Tiếng saṅkhāra dịch là pháp mà duyên khởi tạo ra nghĩa là cái có nhân gây nên, như thân thể, người, nhà v.v... đây là saṅkhāra phần quả. Nếu dịch saṅkhāra là pháp mà người tạo ra tức là nghiệp phân hạng chúng sinh tách ra cho khác nhau, là saṅkhāra phần nhân. Hoặc nói một cách khác, pháp phải hành là quả. Người tạo là nhân.

- Tất cả những pháp ấy gọi là saṅkhāraviññāṅa: thức nghĩa là 6 thức: sự nhận biết hướng mắt, sự nhận biết hướng tai, sự nhận biết hướng mũi, sự nhận biết hướng lưỡi, sự nhận biết hướng thân, sự nhận biết tâm. Gộp lại là lối đi của thức.

- Nāmarūpa: Danh sắc là bốn tình trạng của người chủ trì thân thể tức là thức, thọ, tưởng, hành, với sắc tức là tứ đại và sắc nương vào tứ đại[46] (upadānarūpa). - Salayatana: Lục nhập là sáu giác quan, nơi giao thông của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Sáu nơi đây gọi là giác quan, vì là nơi nối liền của cảnh tượng bên ngoài.

- Phassa: Xúc là trạng thái đụng chạm của 3 loại: lục nhập nội[47], lục nhập ngoại[48], thức (sự nhận biết). Nếu không đủ ba loại ấy cũng không gọi là xúc, như cục gạch đụng nhau, vì cục gạch không có thức.

- Vedanā: Thọ là sự hưởng thụ, đối tượng là tình trạng nhận biết hơn thức, tức là nhận thức được một trong ba điều là: nhận biết vui, nhận biết khổ, nhận biết không vui không khổ.

- Taṇhā: Ái là sự mong mỏi, thèm khát bằng thế lực của ba ái dục là: kamataṇhā: ái dục trong cõi dục; bhavataṇhā: ái dục trong cõi Phạm thiên hữu sắc hay sự được, sự có; vibhavataṇhā: ái dục trong cõi vô sắc.

- Upadana: Thủ là giữ lấy theo thế lực ái dục.

- Bhaba: Hữu là sự có, sự được theo thế lực của thủ.

Chú giải: Trên đây cũng vừa thấy được đặc tính của các pháp ấy.

Tiếp theo, giải về thuyết “Thập nhị duyên khởi” theo trong Thanh Tịnh Kinh (Visuddhimagga) rằng:

Avijjā: tức là si mê, là duyên sanh hành, tức là thiện tâm và bất thiện tâm. Hành là duyên sanh thức tức là thức đi tái sinh (paṭisandhiviññāṇa). Thức tức là duyên sanh danh sắc. Danh sắc tức là duyên sanh xúc, nhất là nhân xúc. Xúc là duyên sanh thọ (vui khổ) vui thích, buồn rầu và xả. Thọ là duyên sanh ái; ái là duyên sanh thủ có nhiều mãnh lực. Thủ là duyên sanh hữu (kāmabhala). Nghiệp sanh ra chúng sinh trong các cõi và upapattibhaba ngũ uẩn sanh từ nghiệp. Hữu là duyên đưa đến sự sanh. Sanh là duyên đưa đến lão tử, buồn rầu, than van khổ sở v.v…

Toát yếu rằng: Các điều dơ bẩn hằng phát sanh đến người gồm có “avijjānusaya” (vô minh thụy miên)[49]: Còn ngủ ngầm trong tâm đến đâu thì các thống khổ nhất là phiền não cũng vẫn có đến đó. Khi đã bị phiền não, buồn rầu đè nén rồi, người hằng lầm lạc trong đối tượng trong chúng sinh, trong cõi và trong người. Nếu đã lầm lạc như thế đến đâu, thì là cơ hội cho vô minh nảy ra đến đó.

Lại, nhất là phiền não, buồn rầu, sinh tức là dục lậu phiền não[50] trong lúc người chia lìa khỏi vật dục và phiền não dục. Ngoài ra, các lậu phiền não tức tà kiến lậu phiền não[51] và hữu lậu phiền não[52] cũng hằng nảy nở theo sự buồn rầu, than van, đau đớn, khổ sở giống nhau.

Chư thiên là hạng đầy đủ hạnh phúc trong các thiên cung, nếu không được nghe pháp của Đức Thế Tôn cũng còn kinh hãi, lo lắng, phát động tâm, khi năm điềm chết hiện ra, đồng thời sự thưởng thức[53] mãnh liệt do tình dục thương tiếc trong thiên giới là ngũ uẩn sinh từ nghiệp ấy, lúc đó hữu lậu phiền não, vô minh phiền não cũng phát theo. Vì thế sự buồn rầu, than van, khổ sở v.v... mới là duyên sanh đến vô minh như vậy.

Vô minh là chủ của 3 luân (tivaṭṭa): nghiệp luân (kammavaṭṭa), kết quả luân (vipākavaṭṭa), phiền não luân (kilesavaṭṭa). Khi vô minh sinh ra theo đối tượng tiếp xúc và nảy nở do lậu phiền não, buồn rầu v.v... và vô minh thụy miên chưa bỏ được. Các vô minh ấy là asaṅnahetu[54] là chủ cho luân pháp[55] (vattadhamma) phát lên. Khi các luân phát sanh rồi buộc rịt kẻ si để trong nẽo luân hồi, bao kín chung quanh bằng những khổ sở, đau đớn, buồn rầu, than van cho đến khi cắt đứt được vô minh bằng A-la-hán đạo mới thoát khỏi ba luân ấy. Thí dụ: Trong thời gian chưa đoạn tuyệt vô minh ví như người nắm cổ rắn độc, tất bị đuôi và mình nó quấn chung quanh cánh tay người nắm; trong lúc đoạn tuyệt được vô minh ví như cắt được đầu rắn rồi.

Thuyết Thập nhị duyên khởi là bánh xe tái sinh (bhavaccakka) trong các cõi không rõ rệt như kinh Pāli: Anamataggoyam saṅsāro “luân hồi” ấy có thủy chung không rõ rệt dù ai tìm tòi chứng minh cũng không gặp. Trong thuyết Thập nhị duyên khởi này có chia làm hai: mūla (căn) (là nguồn gốc) và 3 addhā (khoảng). Căn là: avijjā: vô minh, và tanhā: ái dục. Addhā (khoảng) là: atīta addhā: khoảng quá khứ, paccuppanna addhā: khoảng hiện tại, ānagata addhā: khoảng tương lai. Atīta addhā: là vô minh và hành. Paccuppanna addhā: là thức, danh, sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu. Anāgata addhā: là sanh, lão, tử.

Giải rằng: luân hồi có hai, do thế lực của hai căn là: vô minh, ái, thủ, hữu, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ gọi là căn vô minh; ái dục, vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, thủ, hữu, sanh, lão, tử gọi là căn ái dục.

Cả hai xa luân tái sinh (bhavacakka) ấy: về căn vô minh, Đức Thế Tôn thuyết theo thế lực của tà kiến, nghĩa là người có khí chất nặng, thiên về tà kiến. Về ái dục, Đức Thế Tôn thuyết theo thế lực của chúng sinh thiên về ái dục nghĩa là có khí chất nặng thiên về ái dục. Về căn vô minh thuyết theo thế lực vô minh tà kiến. Vô minh căn thuyết minh cái quả của nhân chưa dứt, là cái quả còn tái sinh để rút lui đoạn kiến (ucchadadiṭṭhi). Về căn ái dục, Đức Thế Tôn thuyết chỉ cho thấy rõ lão, tử của chúng sinh sanh ra để cởi mở thường kiến (sassatadiṭṭhi). Về căn vô minh, Đức Thế Tôn thuyết theo thứ tự của hành, thức, danh sắc, lục nhập của chúng sinh thuộc về thai sanh.

Trong Thanh Tịnh Kinh có giải rằng: thuyết Thập nhị duyên khởi gồm có bốn uyên thâm (sâu xa) là: atthagambhira: nghĩa uyên thâm, dhammagambhira: pháp uyên thâm, desanagambhira: thuyết uyên thâm, pativedhagambhira: hành uyên thâm.

1/ Ý nghĩa uyên thâm là sự giác ngộ quả của “nhân” tức là lão tử, có từ “sanh” chắc chắn, chẳng phải sanh từ pháp nào khác và giác ngộ tình trạng của lão tử quả quyết thích hợp với duyên của mình tức là sanh, không sai. Chẳng phải do từ pháp nào khác. Hành có từ vô minh. Bỏ vô minh, hành không sao có được. Nhưng sự hiểu biết như vậy thật là rất khó. Cớ ấy “thuyết Thập nhị duyên khởi” mới gọi là “ý nghĩa uyên thâm”.

2/ Pháp uyên thâm là nhân, tức là vô minh có thế lực đến đâu, thì duyên là nhân có thế lực đến đó và là duyên sanh hành. Hành có duyên là vô minh. Thật là rất khó hiểu. Cớ ấy thuyết Thập nhị duyên khởi mới gọi là pháp uyên thâm.

3/ Thuyết uyên thâm tất cả chúng sinh phải giác ngộ thuyết Thập nhị duyên khởi bằng cách nào, Đức Thế Tôn thuyết Thập nhị duyên khởi thích hợp với khí chất, với tính tình ... theo cách ấy. Cớ đó, lý Thập nhị duyên khởi mới gọi là thuyết uyên thâm.

4/ Hành uyên thâm là tình trạng nào của vô minh v.v... và các pháp nhất là vô minh, tình trạng ấy uyên thâm rất khó cho chúng sanh giác ngộ. Cớ ấy lý Thập nhị duyên khởi mới gọi là hành uyên thâm.

---

Thiên XVI. DÂY XÍCH CỦA NHÂN QUẢ THEO Ý NGHĨA VI DIỆU PHÁP

Vấn đề “Dây xích của nhân quả” hay “Thuyết thập nhị duyên khởi” khi phát biểu theo ý nghĩa vi diệu pháp, có thuyết rộng để dưới hình thức vấn đáp như vầy:

1. Avijjā (vô minh)

Vấn: Cớ sao vô minh avijjā, Đức Thế Tôn giải thích[56] vô minh trước? Đáp: Đức Thế Tôn giải thích vô minh trước vì vô minh là đầu tiên, là rễ cái, là nơi dựa vào tất cả nghiệp dẫn chúng sinh đi trong khổ cảnh.

Giải rằng: Chúng sinh bị vô minh đè ép rồi hằng tạo những nghiệp khiến mình phải ưu sầu, phiền não, than van trong đời này, lại còn đem vào khổ cảnh (cầm thú, atula, ngạ quỉ, địa ngục). Chúng sanh tạo nghiệp dữ, nhất là sát sinh cũng vì vô minh. Nếu không có vô minh, chúng sinh cũng không làm ác được. Bởi cớ ấy, Đức Thế Tôn mới giảng về vô minh và cũng do vô minh là pháp sinh hành... tiếp theo nữa.

Vấn: Vô minh dịch là thế nào? Đáp: Đức Thế Tôn giải thích rằng: Na vijānātīti avijjā avindiyaṃ vā kāyaduccaritādiṅ vindati paṭilabhati vindiyaṃ vā kāyasucaritādikaṃ na vindati veditabbaṃ vā catusaccādikaṃ na vindikaṃ karoti avijjāmāne vā javāpeti vijjamane vā na javāpetīti avijjā ‒ 1) sự không hiểu biết, tức là vô trí tuệ gọi là vô minh; 2) vô minh dịch là gặp được, nhất là thân bất hạnh; 3) vô minh dịch là không có, nhất là thân chánh đáng; 4) pháp nào không làm cho trí tuệ là nhân quán tưởng khối[57] của ngũ uẩn, lục nhập yếu tố theo tình trạng tiêu diệt rõ rệt, không cho thấy phân minh tứ diệu đế và các căn[58], pháp ấy gọi là vô minh; 5) pháp nào khiến chúng sanh xoay vần trong tứ sanh năm gati[59] tam giới, vô cùng tận, pháp ấy gọi là vô minh; 6) pháp nào khiến chúng sanh chạy đi trong hình thái của người nữ và người nam v.v... không thấy theo chơn lý trong ý nghĩa tối hậu. Pháp ấy gọi là vô minh.

2. Saṅkhāra (hành)

Hành có do vô minh là duyên sinh ấy. Giải rằng: Có vô minh phụ cấp hộ trợ, hành mới sinh ra được. Hành ấy là duyên, tức là thiện và bất thiện hợp nhau tạo ra. Hành chia ra làm 6 là: puññābhisaṅkhāra: tạo thiện; apuññābhisaṅkhāra: tạo bất thiện; anenjābhisaṅkhāra: tạo bất động (về chư Phạm thiên trên Sắc giới và Vô sắc giới); kāyasaṅkhāra: thân hành (số tức quan); vajīsaṅkhāra: suy, sát; cittasaṅkhāra: tưởng, thọ.

Tiếng saṅkhāra có bốn là: saṅkhaṭasaṅkhāra, abhisaṅkhatasaṅkhāra, abhisaṅkhāraṇakasaṅkhāra, payogābhisaṅkhāra. Saṅkhāṭasaṅkhāra: là các pháp gồm có duyên tạo tác.

Abhisaṅkhātasaṅkhāra: là sắc pháp sanh theo nghiệp trong ba cõi. Abhisaṅkhāraṇakasaṅkhāra: là tác ý thiện và bất thiện phù hợp trong ba cõi. Payogābhisaṅkhāra: sự tinh tấn trong thân, và trong tâm.

Nếu phát biểu vi tế theo ý nghĩa vi diệu pháp là như vầy: Puññābhisaṅkhāra: là tác ý trải đi trong Dục giới có tám, trong Sắc giới có năm. Tám tác ý lành trong Dục giới là: 1) somaṇassasahagataṃ ñāṇasaṃpayutaṃ asaṃkhārikamekaṃ: tâm hoan hỉ gồm có sự hiểu biết, không có điều khuyến khích (xúi giục); 2) somaṇassasahagataṃ ñāṇasaṃpayutaṃsasaṅkhārikamekaṃ: tâm hoan hỉ gồm có sự hiểu biết, có điều khuyến khích; 3) somaṇassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ: tâm hoan hỉ nhưng không gồm có sự hiểu biết, không có điều khuyến khích; 4) somaṇassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikamekaṃ: tâm hoan hỉ nhưng có sự hiểu biết, không có điều khuyến khích; 5) upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ: tâm xả gồm có sự hiểu biết, không có điều khuyến khích; 6) upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikamekaṃ: tâm xả gồm có sự hiểu biết, có điều khuyến khích; 7) upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ: tâm xả không gồm có sự hiểu biết, không có điều khuyến khích; 8) upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṃkhārikamekaṃ: tâm xả gồm có sự hiểu biết, có điều khuyến khích.

Đây là tám thiện tâm. Thứ tự của phần việc phát hiện tâm trong cõi dục như vầy. Nếu người dựa vào nhân sinh tâm vui thích, nghĩ rằng: vật dâng cũng có, người thọ thí cũng có, rồi phát tâm phỉ lạc, hiểu chân chánh rằng, ta bố thí sẽ được quả vui, rồi không bỏ qua, không cần phải có người đến dắt dẫn, tự mình làm phước. Làm được như thế, trong lúc nào thiện tâm thứ nhứt hiện ra (gọi là tâm hoan hỉ và có trí tuệ, không có điều khuyến khích).

Nếu người có tâm hoan hỉ và có trí tuệ, nhưng không lưu tâm đến sự bố thí, trừ khi có người đến xúi giục mới thí được. Đây là thiện tâm thứ hai nổi lên (gọi là tâm hoan hỉ gồm có trí tuệ nhưng có điều khuyến khích).

Nếu là người ngu dốt, không thông rõ phước tội, như trẻ em, quen thấy mẹ cha và thân quyến làm phước lễ bái Phật, Pháp, Tăng. Nó hoan hỉ đem vật cầm trong tay đem dâng đến nhà sư hoặc cho kẻ thọ thí khác, hay đưa tay lên lễ bái, như thế là thiện tâm thứ ba hiện ra, gọi là tâm hoan hỉ không gồm có trí tuệ và không có điều khuyến khích.

Nếu trẻ em ấy, chờ khi có cha mẹ hoặc thân quyến khuyên bảo mới thí, hay lễ bái do tâm hoan hỉ, như vậy, là tâm thứ tư sinh lên, gọi là tâm hoan hỉ vô trí tuệ, có điều khuyến khích.

Nhân sanh hoan hỉ nghĩa là không có vật thí hoặc thiếu người thọ thí v.v... hay không vừa lòng, do lẽ khác, họ không vui thích nhưng có tâm xả trong việc làm phước, như đã giải trong khoản thứ tư. Lúc nào các thiện tâm trong Dục giới thiếu cái gì, nghĩa là tâm xả gồm có trí tuệ, không có điều khuyến khích: tâm xả gồm có trí tuệ, có điều khuyến khích; tâm xả vô trí tuệ, không có điều khuyến khích; tâm xả vô trí tuệ, có điều khuyến khích sẽ phát sinh trong thời ấy.

Giải rằng: Cả tám thiện tâm trong Dục giới ấy, nếu chia theo mười cách làm phước thì lên tới tám mươi nghĩa là: bố thí được 8 + trì giới được 8 + niệm phật 8 + giúp trong việc lành 8 + tôn kính người 8 + được phước rồi đem dâng đến kẻ khác 8 + hoan hỉ phước 8 + nghe pháp 8 + thuyết pháp được 8 + làm cho sự hiểu biết trở nên chơn chánh 8 = tổng cộng thành 80. Nếu chia theo mười sáu đối tượng nghĩa là đề cập đến thinh, hương, vị, xúc, pháp đối tượng thì được (80 x 6 = 480). Nếu kể theo bốn abhipatī (pháp là chủ) phải chia ra làm hai koṭṭhāsa (phần) là: 1) koṭṭhāsa phía gồm có trí tuệ 240; 2) koṭṭhāsa không gồm có trí tuệ 240. Koṭṭhāsa: phước gồm có trí tuệ thì nhơn với 4 abhipatī tức là: chanda: lòng ao ước, nguyện vọng; viriya: nghị lực; citta: suy nghĩ; vimaṃsā: điều tra. Mỗi pháp 240 gộp lại thành 240 x 4 = 960 + phước vô trí tuệ nhơn với ba pháp là chanda, virya, citta (trừ vimaṃsā) là 240 x 3 = 720 thành 1680. Về thân nghiệp cũng được 1680 + về khẩu nghiệp cũng được 1680 + về ý nghiệp cũng được 1680 = thành 5040. Bực hạ, bực trung, bực thượng cũng được mỗi bực 5040 x 3 = 15120 nếu kể theo thời, nơi hành lễ, bản năng v.v... thì hằng hà số.

3. Vĩnñāna (Thức)

Đoạn trước đã giải về hành theo ý nghĩa Vi Diệu Pháp, cho biết đại khái, đây xin giải về sáu thức: cakkhuviññāna: nhãn thức; sotaviññāna: nhĩ thức; ghānaviññāna: tỷ thức; jivhaviññāna: thiệt thức; kāyaviññāna: thân thức; manoviññāna: ý thức.

Nhưng mỗi thức nói đây (trừ ý thức) chia ra làm hai là: kết quả lành, kết quả dữ.

Phần ý thức có 22 là: 2 manodhātu[60] có quả lành và dữ, 3 manoviññaṇadhātu[61] là ahetukaviññānā (vô nhân thức), 8 hetu kāmāvacaravipāka: kết quả trải đi trong Dục giới, 5 rūpāvacaravipāna: kết quả trải đi trong Sắc giới, 4 arūpāvacaravipāka: kết quả trải đi trong Vô sắc giới. Gộp vào với thức đã giải rồi phía trước thành 32 phần phàm thức.

Phàm thức như đã giải, kể vào trong sáu thức hoặc nói một cách khác là: sáu thức ấy chia rải rác là 32 phàm thức. Về thánh thức không liệt vào trong thức là quả phát sanh từ pháp hành. Vì thánh thức thuộc về giới hạn của bậc thánh nhân đã đắc đạo quả rồi.

Vấn: Tại sao thức có hành là duyên sinh (pháp hành)? Đáp: Khi người không tạo thiện nghiệp và ác nghiệp để dành thì quả vui và quả khổ cũng không có. Nếu không nhân thì cũng vô quả.

Vấn: Cớ sao thức sinh từ hành? Đáp: Giải cho thấy gần trước, như quả mà thiện nghiệp sinh trong Dục giới, cũng do duyên là phước tạo trong Dục giới (kāmāvacara puññābhisaṅkhāra). Quả của puññābhisaṅkhāra có 16 là: quả phúc sinh từ năm thức là: nhãn thức -1, nhĩ thức -1, tỷ thức -1, thiệt thức – 1, thân thức – 1; 3 quả phúc sinh từ ý thức là: manodhātu -1, manoviññādhātu -2. Và tám thiên trong Dục giới, thành mười sáu. Cả 16 quả thiện hằng khiến thức sinh trong kāmasugati (cõi Dục thiện mà chúng sinh phải tái sinh) tức là người và trời hợp với câu quả trong Dục giới thiên như là bố thí v.v... mà người được làm để dành, là duyên sinh nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, tốt đẹp, vừa lòng của manodhātu tức là người ngẫm nghĩ, lặng ngấm là tưởng đến Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, niệm đến bố thí, trì giới mà mình đã làm, cho sinh lên nhàn cảnh. Trong nơi cuối cùng, người niệm trong khi hấp hối thường thường cũng được sinh lên nhàn cảnh.

Cớ ấy, mới nói hành là duyên sinh thức hoặc nói một cách khác, là thức sinh từ duyên hành. Ngoài ra, manoviññāṇadhātu gồm có sự vui thích cũng sinh từ duyên phước đã tạo (puññābhisaṅkhāra).

Manoviññāṇadhātu gồm có xả, và manoviññāṇadhātu không bao hàm trí tuệ cũng hiện ra từ duyên tức là sự tạo phước (puññābhisaṅkhāra). Nếu không có duyên hành thì các pháp đã giải ấy không thể phát sinh được. Lại, pañcarūpāvacaravipāka[62] là quả khiến thức trú trong Sắc giới cũng sinh nhân trong Sắc giới là thiện duyên, sinh từ rūpāvacarapuññābhisaṅkhāra[63]: hợp với tiếng rūpāvacarakusala[64], nghĩa là khi người đắc thiền không dứt, đến khi ngũ uẩn tan rã cũng được sinh trong Sắc giới, kể vào trong puññābhisandhāra như kāmāvacarakusala. Kāmāvacarakusala ấy sinh từ nhãn môn cũng có, sinh từ nhĩ môn, từ tỷ môn, từ thiệt môn hoặc sinh từ thân cũng có. Kāmāvacarakusala[65] sinh từ nhãn môn có giải rằng: khi người được thấy Phật, Pháp,

Tăng rồi phát tâm hoan hỉ, nói cho cùng dù thấy lễ vật cúng dường sắp đặt cúng Phật, Pháp, Tăng rồi có tâm tín ngưỡng vui thích cũng được sinh trong nhàn cảnh. Kāmāvacarakusala sinh từ nhĩ môn là khi người được nghe tiếng thuyết pháp hoặc tiếng kinh hay được nghe tiếng luận về Phật ngôn rồi phát đức tin vui thích cũng được sinh lên nhàn cảnh. Kāmāvacarakusala: sinh từ tỷ môn là khi người được ngửi mùi thơm rồi tính để cúng dường Tam bảo, phát đức tin vui thích cũng được sinh trong nhàn cảnh. Kāmāvacarakusala sinh từ thiệt môn là khi người nếm các vị trái cây các vị thực phẩm ngọt ngon đáng đem dâng chư Tăng, dù như thế cũng gọi là kāmāvacarakusala. Kāmāvacarakusala sinh thân đụng chạm là khi thân tiếp xúc y hay chiếu đệm v.v... rồi phát tâm hoan hỉ nghĩ rằng các vật này, nếu ta tìm kiếm để bố thí sẽ được quả phúc, như thế cũng gọi là kāmāvacarakusala. Tóm tắt rằng kāmāvacarakusala, rūpāvacarakusala và arūpāvacakusala có thể khiến thức đi thụ sinh trong nhàn cảnh đuợc, thích hợp theo giới hạnh của mình.

Đức Thế Tôn có thuyết rằng: Thức có do hành là duyên hộ trợ như vậy. Phần ác apuññābhisaṅkhāra là nhân cho sinh sáu thức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.

Manoviññānadhātu[66].

Trong tác ý lành và tác ý dữ, tác ý dữ là ahetuka manoviññāna[67] hằng dẫn đi tái sinh bốn ác đạo và tác ý lành là ahetukaviññāna[68] dẫn đi tái sinh trong nhàn cảnh (cõi người). Ở đây nhàn cảnh chỉ về cõi người mà thôi, không suốt đến cõi trời, song là người không có đủ tứ chi tốt đẹp (người mù, điếc, câm, tê liệt v.v...) Giải cho thấy phân minh thì:

Tác ý ác ahetukaviññāna hằng cho sinh trong khổ cảnh (4 ác đạo). Kāmavacarakusala hằng cho sinh trong cõi trời và cõi người. Rūpāvacarakusala dẫn lên hữu Sắc giới. Arūpāvacakusala dắt đi trong Vô sắc giới.

Trong thời tái sinh có ba cảnh tượng là: kamma, kammanimitta, gatinimitta. Kamma là tác ý lành hoặc dữ mà chúng sinh đã tạo cho đi tái sinh. Kammanimitta là đồ vật dùng để tạo nghiệp hiện ra rõ rệt là đối tượng cho tái sinh. Gatinimitta là các cảnh tượng mà mình sẽ được hưởng thụ hiện ra thành đối tượng.

Giải rằng: phần lành hay dữ là đối tượng nảy ra trong lúc hấp hối. Ngoài ra, dù nằm mộng chết trong lúc ngủ mê, chết chìm thì kammanimitta cũng xuất hiện rõ rệt đến người chắc chắn, như vậy. Gatinimitta rõ rệt trong tâm thấy cõi trời, địa ngục hoặc cõi người. Gatinimitta trên cõi trời rõ rệt đến người sắp chết dinh thự, lầu đài, cung điện, xe trời, có vị trời ra dấu kêu gọi v.v... Gatinimitta địa ngục lộ ra là dao, gươm, chảo đồng sôi hoặc lửa. Gatinimitta cõi người là xe cộ, y phục đẹp quý giá.

Theo như đã giải đây, thấy rõ rằng: thức sanh ra được do hành là nhân. Nếu không có hành thì thức cũng không có.

Tích một người phú gia ở gần chùa Kalapitthi cho thấy rõ những điều giải trên đây. Có tâm trong sạch tạo một ngôi tháp, thờ trong chùa ấy, khi lâm bịnh nặng gần chết, nằm liệt trên giường, không ngồi được, tháp đã tạo ấy hiện rõ rệt đến mắt hắn, hắn niệm tưởng tháp ấy, chết rồi được lên thiên cung. Có con một phú gia tên Maṭṭhakuṇdalī mang bệnh nặng gần chết, được thấy Đức Thế Tôn rồi phát tâm hoan hỉ, dù là lúc trước chưa từng làm phước. Chỉ nhờ tâm vui thích trong Đức Phật rồi sinh lên cõi trời.

4. Nāma – Rūpa (Danh - Sắc)

Danh sắc sinh vì thức là duyên.

Danh là gì? Danh dịch là dẫn đi nghĩa là dẫn thức cho xoay vần trong luân hồi và cho sinh trong: tứ sinh, năm gati[69] và chín sattavasa:

Tứ sanh là: jalambuja: thai sinh (đẻ bằng bào thai), ananja: noãn sinh (đẻ từ trong trứng ra), sansedaja: thấp sinh (sinh từ nơi ẩm thấp), upapattika: hóa sinh (biến hóa và sinh sản tự nhiên).

Năm gati là: địa ngục, ngạ quỉ, thú, người, trời.

Sattavāsa (chỗ trú ngụ của chúng sinh) chín chỗ ngụ của chúng sinh là: 1) Chúng sinh có hình thể khác nhau, có tư tưởng khác nhau (người, trời, Dục giới); 2) Chúng sinh có hình thể khác nhau, có tư tưởng giống nhau (Phạm thiên đắc sơ thiền); 3) Chúng sinh có hình thể giống nhau, có tư tưởng khác nhau (Abhassa Phạm thiên); 4) Chúng sinh có hình thể giống nhau, có tư tưởng giống nhau (Asubha kanhā Phạm thiên)[70]’; 5) Chúng sinh vô tư tưởng (Asaññūsatta)[71]; 6) Chúng sinh vô biên thiền; 7) Chúng sinh thức vô biên thiền; 8) Chúng sinh vô hữu sở thiền; 9) Chúng sinh phi phi tưởng thiền.

Rūpa (Sắc) chỉ về sinh và diệt. Thế nào là Sắc?

Đức Thế Tôn thuyết rằng: Sắc nào là sắc trong quá khứ, sắc trong tương lai, và sắc trong hiện tại, là sắc bên trong hoặc bên ngoài, sắc thô thiển hay vi tế, sắc hèn hay quí, sắc gần hay xa, gộp lại gọi là sắc.

Thân ngũ uẩn chia ra làm 28 loại: nahābhūtarūpa: tứ đại, upādāyarūpa: sắc đưa vào tứ đại. Tứ đại là: pathavīdhātu: yếu tố đất, āpodhātu : yếu tố nước, tejodhātu: yếu tố lửa, vāyodhātu: yếu tố gió. 24 sắc đưa vào tứ đại là: cakkhu: mắt, sota: tai, ghāna: mũi, jīvhā: lưỡi, kāya: thân (cả năm thể ấy gọi là pasādarūpa - cảnh tượng sắc), rūpārammana: sắc cảnh tượng, sắc là tướng sinh cảnh tượng, saddārammaṇa: thinh cảnh tượng, tiếng là nơi sinh cảnh tượng, gandhārammaṇa: hương cảnh tượng, mùi là nơi sinh cảnh tượng, rasarammana: vị cảnh tượng, vị là nơi sinh cảnh tượng (sắc ấy gọi là sayarūpa

- thích hợp sắc, hoặc gocararūpa - giới hạn sắc), bhavarūpa: hình thái sắc[72] hình thái người nữ, hình thái người nam, hadayarūpa: trái tim, jivitindriya: sinh mệnh sắc, kabalinkāhāra: thực phẩm sắc, ākāsadhātu: không khí, kāyaviññātti: sự phát biểu bằng thân, vacīññātti: sự phát biểu bằng khẩu, sự nhẹ nhàng của sắc, sự mềm dẻo của sắc, sự biến đổi của sắc (vikārarūpa), sự sinh ra của sắc, sự tiến triển của sắc, sự suy đồi của sắc, sự tan rã của sắc.

Tiếng gọi rūpa (sắc) có nghĩa là tiêu diệt, theo Phật ngôn rằng: Này các tỳ khưu! Các ngươi gọi sắc ấy là thế nào? Này các tỳ khưu, sắc ấy nương vào sự tiêu diệt nghĩa là sinh ra rồi hằng tiêu diệt, không thể trụ trường cữu được, có sự tiêu diệt, tan rã là tự nhiên, cớ ấy mới gọi là sắc.

Sắc tiêu diệt do cái chi? Sắc tiêu diệt do nhiều nguyên nhân là: tiêu diệt do sự lạnh; tiêu diệt do sự nóng; tiêu diệt do sự mong ăn; tiêu diệt do sự mong uống; tiêu diệt do gió, nắng và sự tiếp xúc.

Tiêu diệt do sự lạnh là trong địa ngục giữa thế giới hằng rõ rệt ở giữa ba khoảng sa bà thế giới, ở giữa khoảng núi sa bà thế giới. Địa ngục ấy rộng 80.000 do tuần, phía dưới không có đất, phía trên không có mặt trăng mặt trời mãi mãi. Vì nhân không có ánh sáng mặt trời, và ánh sáng đèn, ánh sáng ngọc mani, thân thể chúng sinh trong địa ngục giữa thế giới ấy, treo chân đảo ngược theo núi sa bà thế giới, bằng móng chân, gặp nhau rồi bám nhau tưởng là được thực phẩm, cấu xé nhau, tranh đấu nhau, để cướp đoạt ăn nhau rồi rơi trong nước nâng đất, thân thể đứt từng đoạn, bị nước acide cắt, rồi tiêu diệt bằng sự lạnh rõt rệt trong địa ngục giữa sa bà thế giới (Lokantanāka) như vậy.

Sắc tiêu diệt bằng sự nóng là sự nóng rõ rệt trong Vô Gián địa ngục (Avicīnaraka). Trong Vô Gián địa ngục, lửa cháy đỏ mãi mãi. Đấy địa ngục toàn là sắt các quỉ sứ hành hình tội nhân theo năm cách[73]. Chúng sinh trong địa ngục chịu khổ không kể xiết.

Sự tiêu diệt do mong ăn là loài ngạ quỉ bị chết trong nhân gian, vì sự đói, thiếu thực phẩm. Thật vậy, có hạng ngạ quỉ không được ăn uống trải qua cách khoảng hai, ba vị Phật tổ (Buddhantara) chết rồi sống lại để chịu khổ muôn phần, cho đến hết ác nghiệp.

Tiêu diệt do mong uống là có hạng chúng sinh trong loại ngạ quỉ, Pālakañjikāsura bị ác quả tiếp xúc không khi nào được nếm một giọt nước, cách khoảng hai, ba vị Phật tổ. Chúng tìm thấy nước trong sông hoặc biển khi vào đến thì chẳng có chút ít nước, trong nơi ấy. Sông và biển trở thành cát đá. Chúng rất tiều tụy, khổ sở khôn cùng, không tả xiết, cho đến khi hết ác nghiệp, đã tạo từ trước.

Có tích rằng: Có loại ngạ quỉ loại Kālakañjikāsūra chịu khổ vì mong uống nước không thể chịu được bèn tìm đến sông sâu, rộng một do tuần, nhưng nước hiện trong sông ấy đã hiện ra toàn là khói, đá như trên đất, đá lửa. Khi được nghe tiếng nước, bèn đi lần tới sông, gặp được 30 vị tỳ khưu đến bờ sông. Các ngài thấy loài ngạ quỉ Kālakañjikāsura bèn hỏi rằng: “Người là ai? Cớ sao lại đi đến mé sông này?” Ngạ quỉ ấy bèn bạch: “Tôi là ngạ quỉ mới tìm đến sông này, vì mong được uống nước đã quá lâu rồi.” Chư tỳ khưu nói: “Sông này đầy nước, ngươi không thấy sao?” Ngạ quỉ bạch: “Tôi chỉ thấy nước từ xa, khi vào đến mé sông, nước trong sông chẳng có, chỉ thấy ngọn lửa cháy đỏ, không được như mong muốn. Tôi đi đến đâu cũng như vậy, chưa từng nếm được một nhỏ nước.” Cả 30 tỳ khưu nói rằng: “Ngươi hãy nằm trên mé sông, chúng ta sẽ cho ngươi uống nước được như ý.” Ngạ quỉ nghe được, rất vui lòng, bèn nằm gần mé sông. Cả 30 vị tỳ khưu dùng 30 cái bát đi múc nước đổ trong miệng của ngạ quỉ đến trưa tới giờ khất thực. Các Ngài bèn nói: “Bây giờ vừa rồi, chúng ta sẽ đi khất thực. Chúng ta đổ nước vào miệng ngươi, ngươi có dùng được chút ít chăng?” Ngạ quỉ bạch: “Tôi không được chút ít nước nào thấm giọng cả.”

Có lời hỏi rằng: ác nghiệp của ngạ quỉ này đã tạo trong kiếp trước ra sao mà phải chịu khổ đến thế? Đáp: Ngạ quỉ tên Kālakañjikāsūra đã ăn lén thực phẩm của tăng mà người dành sẵn, để làm lễ tăng thí. Vì lòng tham, không thẹn tội. Thấy người đào giếng, ao để thí nước thì ngăn đường, chận nẻo, không cho người đi tới lui dùng nước ấy. Vì tâm ganh tị, sau khi ngũ uẩn tan rã, bị đọa trong địa ngục rất lâu. Ra khỏi địa ngục rồi, sinh lên loài ngạ quỉ phải chịu khổ như thế, phải nhịn khát cho đến hết nghiệp đã tạo. Bậc trí tuệ nên hiểu rằng, ngạ quỉ loại Kālakañjikāsūra tiêu diệt vì mong uống, như vậy.

Sắc tiêu diệt do gió, nắng, và sự tiếp xúc như ran nhỏ ran to. Trong kinh chú giải có ghi rằng: bệnh gió nảy ra trong thân thể làm cho người đau nhức mỏi mệt v.v... như vậy cũng gọi là tiêu diệt bằng gió.

Sắc tiêu diệt bằng nắng thấy rõ trong sự đi đường xa, như có tích một người nữ ra khỏi nhà đi cùng đám đông người sau đây. Vì đi không kịp bọn, nên lạc đường trong buổi xế. Đuờng xa nóng nực do ánh nắng mặt trời, cát trên đất, nóng như lửa than. Người nữ ấy không thể để chân trên đất được, nên đem hoa trong giỏ mang ở vai làm vớ (bít tất), cởi áo bỏ vào giỏ, rồi đi nữa. Khi áo nóng, con của y bế theo cũng la khóc vì quá nóng. Rốt cục mẹ con phải chịu chết nắng giữa đường. Đấy gọi là sắc tiêu diệt do nắng, trong đường xa.

Bậc trí tuệ cho rằng sắc ấy nếu gồm có sự tiêu diệt gọi là sắc. Nhân về sự tiêu diệt rất nhiều, nhất là sự tiêu diệt do sự lạnh và sự nóng như vậy.

Giải rằng: Thức là duyên sanh danh sắc là thức ác dẫn đi đến khổ cảnh. Nếu là thiện thì lên nhàn cảnh, có thân hình xinh đẹp.

Lời chú giải có giảng tiếp rằng thức dữ dẫn đến khổ cảnh, như cận sự nam Mahāvācaka, cần chuyên hành Sa-môn pháp đến năm mươi năm nhưng chưa đắc đạo quả. Đoạn này có giải rằng, thức của cận sự nam ấy là lành, từ trước mới được học Sa-môn pháp và hành theo, nhưng khi bắt đầu thực hành rồi mà chưa đắc quả theo sở thích. Người cận sự nam ấy thối chí do nghĩ rằng: giáo pháp của đấng Chánh đẳng Chánh giác không phải là pháp giải thoát, nghĩa là không dẫn chúng sinh ra khỏi sự kinh sợ, khổ sinh tử được thật. Nếu là pháp cứu khổ đem chúng sanh ra khỏi luân hồi chắc chắn, thì chính mình cận sự nam Mahāvācaka thực hành Sa-môn pháp năm mươi năm cũng đắc đạo quả rồi. Khi cận sự nam ấy phát ác tâm như thế, nên bỏ sự tinh tấn không còn thực hành Sa-môn pháp nữa. Sau khi chết, cận sự nam ấy sinh làm cá sấu to trong một bưng lớn, trong một cụm rừng, thân hình đáng ghê tởm theo loại cá sấu. Khi thức ác dẫn đi làm thú rồi, hình thể cũng thích hợp với ác pháp đã tạo. Thức trú trong loài thú, danh và sắc cũng xen vào là danh và sắc của thú. Cớ ấy mới thuyết rằng: danh và sắc phát sinh do thức là duyên. Nếu thức ác là duyên sinh sắc, cũng phải nương vào thức hư hỏng rồi cũng không thể tạo nghiệp lành được. Trừ khi nào là thức lành người mới có khả năng làm lành được. Nếu đã làm lành rồi quả quyết sẽ được thụ sinh trong nhàn cảnh. Danh và sắc ấy thực hành theo thức vừa với thái độ thích đáng như vậy, đều dựa vào thức tất cả. Cớ ấy mới gọi là danh và sắc có, do thức là duyên sinh.

Sự thật thức nào hành trong khi tái sinh và lúc biến cố tức là trong hiện tại, thức ấy tồn tại đến đâu, danh sắc cũng thực hành đến đó, nếu thức không trú vững, danh sắc cũng không an trụ được, như có Phật ngôn rằng: Aciraṃ vatayaṃ kāyo pathavī adhisessati chuḍḍo apetaviññāno nīratthaṃva kalingaraṃ ‒ Không bao lâu, thân này phải nằm trên mặt đất, thân không có thức (người) phải bị liệng bỏ như khúc cây vô dụng.

Chú giải rằng: Thân này không tồn tại bao lâu, cũng sẽ nằm trên mặt đất nếu không có thức là vô dụng, như khúc cây, hoặc khúc củi. Khúc cây và khúc củi có khi còn hữu dụng, như cây khô dùng làm nhà và xe v.v... hoặc làm củi chụm vào bếp để nấu đồ ăn cho thành tựu được...

Thân người dùng làm việc được cũng dựa vào cái thức, nếu không có thức thì thành vô dụng. Ngoài ra, nếu giải rộng thêm, chúng ta sẽ thấy rõ rằng: nếu không có nhãn thức, xem vật chi cũng không thấy, không nhĩ thức cũng không nghe được, không có tỷ thức cũng không biết vị, không có thân thức cũng không biết sự tiếp xúc, không có ý thức cũng không suy nghĩ, không hiểu biết theo tâm mong muốn được.

Tóm lại, nếu ngũ uẩn (danh sắc) thiếu thức thì chẳng còn giá trị nữa, ngũ uẩn thực hành thế nào cũng nương vào thức, thức trú trong nơi nào, ngũ uẩn rõ rệt trong nơi ấy. Vì thế Đức Thế Tôn mới thuyết rằng: Danh sắc sinh do thức là duyên như vậy.

5. Salāyatana (Lục nhập)

Đức Thế Tôn có thuyết rằng: “Lục nhập sinh từ danh sắc là duyên”.

Tiếng salāyatana: dịch là lục nhập. Sự thật lục nhập có hai, là: lục nhập ngoại là: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp; lục nhập nội có 6 là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý, có lời hỏi rằng: Tiếng salāyatana lục nhập, āyatana sáu giác quan trong thuyết “Thập nhị duyên khởi”, lấy lục nhập bên nào? Sự thật không nên hoài nghi, trong lời hỏi rằng: mọi loài phải đều ở trong thân mình không phải ngoại thân, chỉ bấy nhiêu chúng ta cũng đã rõ rằng sáu giác quan nội trong thuyết “Thập nhị duyên khởi” thuộc về giác quan nội.

Có lời hỏi thêm nữa rằng: nếu như vậy là không ám chỉ đến lục nhập ngoại sao? Không phải nếu đã nói đến lục nhập nội, tất có quan hệ đến lục nhập ngoại nữa, vì là đối nhau. Nếu muốn cho dễ hiểu, chúng ta phải nói rằng lục nhập trong thuyết “Thập nhị duyên khởi” có ý trỏ ngầm cả lục nhập nội lẫn lục nhập ngoại.

Lời vấn đáp trên có giải rằng: tiếng lục nhập ám chỉ đến lục nhập nội và lục nhập ngoại.

Danh và sắc là duyên sinh lục nhập vì khi danh sắc sinh, lục nhập mới sinh, nếu không có danh sắc, lục nhập cũng không thể sinh từ duyên nào khác được.

Thí dụ: như quả và cây, cây hằng sinh trước, nở mộng sinh chồi, cành lá rồi sau mới có bông trái. Cũng như cây ấy là duyên sinh trái vậy, danh sắc có rồi, hằng là duyên sinh cho lục nhập. Muốn hiểu biết phân minh nên trở thuyết minh lại vấn đề lục nhập cho biết ý nghĩa trước rồi mới giải rõ về lục nhập sinh vì danh sắc là duyên, tiếp theo.

Trong Tạng Vi diệu pháp có phát biểu rằng: lục nhập có 12 là: cakkhuvāyatana: lục nhập tức là nhãn, sotāyatana: lục nhập tức là nhĩ, ghānāyatana: lục nhập tức là tỷ, jīvhāyatana: lục nhập tức là thiệt, kāyayatana: lục nhập tức là thân, manāyatana: lục nhập tức là ý, rūpāyatana: lục nhập tức là sắc, saddāyatana: lục nhập tức là thinh, gandhāyatana: lục nhập tức là hương, rasāyatana: lục nhập tức là vị, phoṭṭhabhāyatana: lục nhập tức là xúc, dhammāyatana: lục nhập tức là pháp.

Tiếng āyatana dịch là nối, là rộng, là lan ra. Chú thích: Nối tức là mắt nối với sắc, tai nối với tiếng, mũi nối mùi, lưỡi nối với vị, thân nối với sự đụng chạm, tâm nối với pháp. Dịch là rộng hay lan ra nghĩa là thực hành theo, trong nẻo luân hồi vô cùng tận. Luân hồi đây dù là người đã vượt qua cũng không thấy được thủy chung (bắt đầu và cuối cùng, từ đầu đến cuối). Khổ trong luân hồi còn chưa được quay chiều đến đâu cũng hằng dẫn chúng sinh đi rộng ra, lan ra, đến đó.

Hỏi tiếp nữa rằng: Đức Thế Tôn thuyết lục nhập nội, Ngài giải về mắt và tai trước, cớ sao? Đáp: Vì mắt và tai có nhiều nhân (tăng lên) là người được thấy, nghe pháp vô thường. Cũng do hai giác quan ấy.

Giải rằng: có hạng người trong đời này, khi thức dậy từ buổi sáng được thấy phụ nữ xinh đẹp và được xem các vật mà đời cho là hạnh phúc. Sự được gặp thấy ấy không cao quí, vì sự được gặp nhất là phụ nữ hằng làm cho sinh thêm điều vui thích trong nẻo luân hồi. Cớ đó, mới gọi là không cao quí. Dù đời cho là tốt đẹp đến đâu, bởi là khí chất (khuynh hướng của cảm tình) tự nhiên của đời, như dòi trong tiêu, ớt hoặc dòi trong phẩn. Nhưng nếu người có tâm trong sạch vui thích thấy kim thân Phật, bảo tháp, đại thọ bồ đề v.v... cho đến tỳ khưu tăng, như vậy gọi là thấy cách tối cao, không chi sánh bằng. Sự thấy như thế, làm cho phát tâm hoan hỉ, tạo nghiệp lành, đem mình đến nhàn cảnh, trong kiếp này và về sau. Có tích như vầy: có một thiếu nữ, thấy bảo tháp rồi phát tâm vui mừng, thân trở nên nhẹ nhàng do phỉ lạc. Thiếu nữ ấy thấy ánh sáng đèn mà hàng Phật tử đem đến cúng dường bảo tháp, rất thỏa mãn, nàng bèn mong mỏi đi đến đấy để lễ bái cúng dường và được gặp mẹ cha nàng. Xếp đặt các lễ vật (nhang, đèn và hoa thơm) cúng dường bảo tháp rồi nàng xin đi theo. Song mẹ cha nàng không chấp thuận, vì lẽ trời tối, thiếu nữ không nên đi trong ban đêm, nên nàng buộc mình phải ở nhà. Vì tâm thành vui thích, thiếu nữ đứng dựa lan can nhà, thấy rõ ánh nhang, đèn cúng dường bảo tháp, càng nhìn xem càng phát tâm hoan hỉ, nàng niệm Phật đắc phỉ lạc khiến tâm nhẹ nhàng, bay đến bảo tháp, trước cha mẹ nàng nữa. Bởi vậy, sự thấy bảo tháp rồi tín ngưỡng trong sạch mới gọi là thấy cách tối cao.

Ngoài ra, sự thấy chư tăng trì giới cũng gọi là cách tối cao, làm cho tâm trong sáng, sẽ tạo được nhiều phúc báu. Có tích như vầy: có một chim cu xem thấy chư tăng rồi cúi đầu tỏ dáng làm lễ. Đức Phật thấy thế bèn dự đoán rằng: về sau chim cu ấy sẽ thành một vị Độc giác Phật hiệu là Đức Somanassapaccekabuddha.

Trong kinh có ghi tích một chim cu ngụ trên cây, gần chân núi Vediyaka. Trong giờ Đức Thế Tôn ngụ đi khất thực cùng với tăng chúng, chim cu ấy thấy chư tăng phát tâm vui thích kính mến, bay ra khỏi cây theo đưa đến xóm nhà. Khi Phật và chư tăng khất thực xong trở về, chim cu ấy cũng bay theo đưa đến núi Vediyaka, nơi ngụ của Đức Thế Tôn. Chim cu cúi đầu lễ bái rồi bay trở về chỗ ngụ.

Ngày kia, Đức Thế Tôn dẫn chư tăng đi khất thực rồi trở về, chim cu ấy bay đậu trên đất rồi đi theo đến núi Vediyaka. Đức Thế Tôn ngồi nghỉ trước động, có chư tăng hầu chung quanh, tương tợ như các tinh tú bao quanh mặt trăng sáng lạn, đáng ngoạn. Chim cu thấy vậy rất hân hoan, cúi đầu gục gặc trước mắt Phật và phía trước chư tăng. Đức Thế Tôn thấy thế, Ngài mỉm cười, Đức Ānanda liền quỳ bạch, cầu Đức Thế Tôn cho Chư Tăng được rõ nguyên nhân ấy. Đức Thế Tôn hỏi:

- Này Ānanda! Ngươi có thấy cử chỉ chim cu ấy chăng?

- Bạch Phật tôi thấy.

- Này Ānanda! Chim cu ấy sẽ thành một vị Độc giác Phật trong thời tương lai, danh hiệu Somanassapaccekabuddha. Vì có tâm kính mến và trong sạch trong tăng chúng trong hiện tại.

Xong rồi, Ngài ngụ vào động an nghỉ. Chim cu ấy, khi hết tuổi thọ, được sinh lên thiên giới.

Do nhân quả như đã giảng, Đức Thế Tôn mới thuyết về nhãn quan trước. Tiếp theo Ngài mới giảng về nhĩ quan giống nhau như vậy.

Đây giải tiếp về vấn đề danh sắc. Nếu thuyết bằng cách vi tế và cao siêu là danh và sắc hằng là duyên sinh lục nhập nghĩa là duyên sinh trong sự tái sinh và thực hành cho đến hết phước trong cõi vô sắc.

Vấn: Danh là duyên sinh lục nhập trong cõi vô sắc, biết được như thế nào? Đáp: Danh là duyên đồng thời.

Giải rằng: người niệm thiền vô sắc trong thế gian, sau khi thác được sinh lên cõi Phạm thiên vô sắc, vừa với thiền ấy.

Danh là aññamaññapaccaya trong Vô sắc giới nghĩa là sinh trong cõi Phạm thiên vô sắc tầng nào, danh cũng sanh trong cõi Phạm thiên vô sắc ấy.

Danh là duyên sinh trong cõi Phạm thiên vô sắc do nissayapaccaya, do sampayuttapaccaya, do vīpākapaccaya, do atthayaccaya, và do avigatapaccaya.

Giải rằng: nissayapaccaya: danh là duyên đến lục nhập dù thế lực hộ trợ. Sampayuttapaccaya: danh gồm có duyên đến lục nhập tức là danh bao hàm lục nhập.

Vīpākapaccaya: danh là duyên cho quả gọi là Phạm thiên vô sắc tầng này, tầng kia. Atthipaccaya: sanh trong vô sắc tầng nào, danh cũng có trong vô sắc tầng ấy. Avigatapaccaya: danh là lục nhập không lìa nhau, danh có trong nơi nào lục nhập cũng có trong nơi ấy.

Phải hiểu rằng: trong bốn Phạm thiên vô sắc không có sắc thật, nhưng có nhân để xác nhận gọi là vô sắc, chỉ có tư thế[74] nhưng gọi là sắc, cũng không được. Tư thế ấy kể vào lục nhập. Vì thế danh là duyên đến lục nhập gọi là sinh đồng thời duyên.

Về Phạm thiên hữu sắc nên hiểu như vầy. Danh và sắc là duyên sinh cả hai loại lục nhập nghĩa là người niệm thiền trong cõi người khi ngũ uẩn tan rã, sinh lên cõi trời phạm thiên có ba giác quan nhất là tỷ quan cũng có gọi là Phạm thiên tầng ấy. Vì thế danh và sắc mới là duyên trong cõi Phạm thiên hữu sắc. Danh ấy gọi là Phạm thiên hữu sắc. Danh và sắc mới gọi là duyên sinh lục nhập, lục nhập có danh và sắc là duyên.

Chúng sinh, sinh trong cõi nào cũng chỉ có danh là duyên sinh lục nhập, chỉ khác nhau có đủ danh hay không, nghĩa là: có hạng chỉ có thọ, có hạng chỉ có tưởng, có hạng chỉ có hành, có hạng chỉ có 2 uẩn, có hạng có cả 3 uẩn. Người và trời trong Dục giới thiên có đủ 3 danh là: thọ, tưởng và hành. Phần phạm thiên có 2 danh là: tưởng và hành, không có thọ. Đức Phạm thiên không có thọ, vì có phỉ lạc là thực phẩm, không biết vị, chua, mặn, đắng ngọt ra sao, và không thụ cảnh tượng (ahammana là tình trạng phô bày ra trước mắt) tức là sắc, thinh, hương, vị và xúc. Dù đức Phạm thiên hữu sắc cũng chỉ hưởng thụ (được hưởng) pháp cảnh mà thôi dầu là như thế cũng gọi là có danh và sắc là duyên, giống nhau. Vì tưởng uẩn liệt vào trong danh. Danh ấy là duyên sinh lục nhập. Lời giải đây chỉ cho thấy rằng danh và sắc là duyên sinh lục nhập trong Sắc giới. Nhưng thí dụ không được, bởi trong Vi diệu pháp không có nói.

Trong tạng Kinh có thuyết rằng: Trong thời kỳ Phật Kassapa, khi gần mạt pháp, chư tăng hành đạo không trong sạch, vi phạm điều học và khuấy rối Phật giáo, không quan tâm đến Phật ngôn. Thuở ấy có 7 vị tỳ khưu, thấy nguyên nhân như vậy, phát tâm chán ngán nên bàn định cùng nhau rằng: giáo pháp của Đức Chánh Biến Tri Kassapa đến kỳ sẽ tiêu diệt, chúng ta mau cố gắng tìm nơi nương tựa, chớ nên để Phật giáo tiêu diệt trước, trong khi đạo quả còn tồn tại. Chúng ta nên cố gắng hành cho đắc đạo quả. Họ đồng ý như vậy, rồi dẫn nhau đến lễ bái bảo tháp đức xa lỵ của đấng cứu thế Kassapa; xong cùng nhau vào non tuyết lãnh. Gặp một hòn núi giữa rừng cho là thích hợp với sự bổ khuyết Sa-môn pháp, tất cả bảy vị tính rằng: chúng ta đồng nhau lên hòn núi này, nếu vị nào sợ chết thì đừng lên, vị nào dám hy sinh nguyện thực hành, chí tử bất thối, mới nên lên. Cả bảy vị đồng ý nhau, làm thang để lên núi cho được, rồi xô thang rớt xuống đất. Họ nguyện không xuống, trừ khi đắc đạo quả rồi mới xuống bằng thần thông.

Mỗi vị quyết định bổ sung pháp tham thiền quán tưởng. Qua ngày sau, vị tỳ khưu sư trưởng tu Sa-môn pháp đắc A-la-hán quả trước. Sáng sớm, ngài bay đến ao sen rửa mặt, súc miệng rồi bay đi khất thực tại Bắc cưu lưu châu (châu hướng bắc trong 4 châu) được thực phẩm vừa rồi trở về núi. Ngài mời sáu vị kia thọ thực. Tất cả sáu vị không thừa nhận, viện lẽ rằng không được cam kết cùng nhau, là khi vị nào đắc quả trước phải trải đi khất thực đem đến cho vị chưa thành. Vì thế cả sáu vị không dùng cơm mà vị sư trưởng đem cho, rồi tận tâm sốt sắng hành Sa-môn pháp liên tiếp. Ngày thứ hai, vị tỳ khưu nhỏ hạ kế sư trưởng đắc A-na-hàm quả, rồi sáng ra, bay đi khất thực đem về thỉnh chư sư dùng, nhưng năm vị kia cũng không bằng lòng nhận, vì lẽ như đã nói trên.

Ngài sư trưởng A-la-hán nhập Niết-bàn, vị A-na-hàm hết tuổi thọ, được lên cõi Phạm thiên. Còn lại năm vị không ai đắc quả gì cả, đến bảy ngày không thọ thực thác rồi sinh lên cõi trời, do thế lực thực hành bổ sung Sa-môn pháp. Đến giáo pháp Đức Phật chúng ta đây, năm vị ấy, giáng sinh xuống nhân gian, như vầy: một vị sinh ra làm vua Pukakusāti, một vị sinh ra làm đức Kumārakassapathera, một vị sinh ra làm đức Bāhiya, một vị sinh ra trong gia đình võ sĩ danh là Dabba, một vị sinh ra làm Sabhiya Paribbāyaka (đạo Phiêu lưu). Theo pháp đã giải đây, chúng ta thấy rằng, vì được sinh lên cõi Phạm thiên có saññākhandha (tưởng uẩn) và saṅkhārakhandha (hành uẩn là duyên sinh lục nhập).

Vậy tóm tắt lại: danh là duyên sinh lục nhập trong cõi Phạm thiên như bạn của năm vị tỳ khưu tăng ấy.

6. Phassa (Xúc)

Phassa dịch là tiếp xúc hay đụng chạm vì có lục nhập là nhân.

Giải đại khái có 6 xúc nhất là nhãn xúc, nếu giải rộng có 32 như thức.

Tiếng phassa dịch là tiếp xúc ấy có giải rằng: nhãn tiếp xúc với cảnh tượng tức là sắc, nhĩ tiếp xúc với cảnh tượng tức là tiếng, tỷ tiếp xúc với cảnh tượng tức là mùi, thiệt tiếp xúc với cảnh tượng tức là vị, thân tiếp xúc với cảnh tượng tức là vật đụng chạm, tâm tiếp xúc với cảnh tượng tức là pháp. Sáu sự tiếp xúc đó, tiếng Pāli gọi là: Cakkhusamphassa, sotasamphassa, ghānasamphassa, jivhāsamphassa, kāyasamphassa, manosamphassa. Tất cả xúc phát sinh do lục nhập, nếu không có lục nhập cũng không có xúc.

Trong tất cả lục nhập ấy, 5 giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân hằng là duyên sanh xúc do 6 duyên là: nissayapaccayā: là duyên nương tựa; purejātapaccayā: lục nhập sinh trước rồi; indriyapaccayā: lục nhập là căn cho xúc sinh; vipasampayuttapaccayā: lục nhập và xúc không chung sức nhau; attipaccayā: lục nhập có rồi xúc cũng có; avigatapaccayā: lục nhập với xúc không lìa nhau, lục nhập sinh trong nơi nào, xúc cũng sinh trong nơi ấy. Phần ý lục nhập là duyên sinh ý xúc do 9 loại là: sahajātapaccayā: sinh cùng với xúc ý; aññamaññapaccayā: giúp lẫn nhau không lìa nhau; nīssayapaccayā: nhất là tỷ giác quan[75] là nơi nương tựa vào của ý xúc; vipākapaccayā: tỉ giác quan có kết quả đến ý xúc; āhārapaccayā: tỉ giác quan là duyên dẫn ý xúc đến; indriyapaccayā: tỉ giác quan là căn đến ý xúc; sampayuttapaccayā: tỉ giác quan cùng hiệp sức với ý xúc; attipaccayā: tỉ giác quan có ý xúc; avigatapaccayā: tỉ giác quan không lìa ý xúc.

Lời giải trên đây là chỉ ngay giác quan nội nhưng cũng không ám chỉ rằng lục nhập ngoại không có duyên đến xúc. Sự thật lục nhập ngoại hằng là duyên đến xúc giống nhau.

Giải rằng: Rūpāyatana: Sắc là đối tượng duyên nghĩa là sắc là mục đích (cái đích đặt để nhắm vào) của nhãn xúc. Saddāyatana: Thinh là đối tượng duyên nghĩa là tiếng mục đích của nhĩ xúc. Gandhāyatana: hương là đối tượng duyên nghĩa là mùi, là mục đích của tỷ xúc. Rasāyatana: Vị là đối tượng duyên nghĩa là vị là mục đích của thiệt xúc. Photthabbāyatana: Xúc là đối tượng duyên nghĩa là sự đụng chạm là mục đích của thân xúc. Dhammāyatana: Pháp là đối tượng duyên nghĩa là mục đích của ý xúc.

Xúc như đã giải còn chia ra 2 loại: lành, dữ. Xúc nếu là chánh đáng thì làm cho tâm ưa thích trong thiện pháp gọi là xúc lành. Ví hằng là dữ thì làm cho tâm ưa thích trong tội, kể vào xúc ác.

Xúc là tâm sở tức là đối tượng sinh cùng với tâm dù là thọ sẽ giải tiếp đây cũng là tâm sở giống nhau và để cho dễ hiểu. Về xúc lành, có giải về nhãn xúc. Khi mắt thấy sắc rồi xác định bằng lẽ vô thường, khổ não, vô ngã. Như người xem hí kịch rồi nhận thức được rằng là điều chơi nhảm, gạt người cho quên mình, quên chết, quên già, đến nỗi lầm lạc vui thích thật. Thấy được như thế, là xúc của tâm sở lành.

Có tích như vầy: Đức Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thuở còn thanh niên, hai người điều là gia chủ, hằng dẫn nhau đi xem hài kịch. Ngày kia phát động tâm rồi đồng nhau đi tìm pháp giải thoát, cho đến khi gặp Phật giáo như sở nguyện được lưu danh đến nay.

Xúc ác tương phản với trên, nghĩa là thấy sắc dính với sắc, nghe tiếng dính với tiếng, vừa lòng thỏa mãn rồi phải chịu luân hồi sinh tử.

Xúc sinh vì giác quan là duyên, nếu không có giác quan, xúc cũng không thể sinh được, xúc cũng là nhân sinh thọ.

7. Vedanā (Thọ)

Vedanā: là sự hưởng dụng vị của đối tượng. Đây là cử chỉ hiểu biết hơn thức, nghĩa là thức chỉ biết đặc tính, cử chỉ của đối tượng bên ngoài như biết được: sắc là nhờ nghe tiếng vang, ngửi mùi thơm; nếm vị chua, đắng; vật đụng chạm mềm, cứng; pháp đối tượng là tâm nghĩ nhớ đến vấn đề chi chi, mà thôi.

Phần thọ là sự hiểu biết nhiều hơn, là biết vui thích, khổ sở không hài lòng hay lãnh đạm, xả. Đây là đặc tính của thọ.

Thọ chia theo cửa cũng có 6, là: cakkhusamphassajāvedanā: thọ sinh từ xúc của nhãn môn; sotasamphassajāvedanā: thọ sinh từ xúc của nhĩ môn; ghānasamphassajāvedanā: thọ sinh từ xúc của tỷ môn; jivhāsamphassajāvedanā: thọ sinh từ xúc của thiệt môn; kāyasamphassajāvedanā: thọ sinh từ xúc của thân môn; manosamphassajāvedanā: thọ sinh từ xúc của ý môn. Nếu chia theo loại, thì thọ có 89[76] như tâm, vì thọ gồm có tâm, nhưng thọ trong “thuyết Thập nhị duyên khởi” đây mong lấy 32 loại là thọ gồm có trong 32 quả tâm, có xúc là duyên.

Nói rằng xúc là duyên sinh thọ là do thế lực của thọ chịu đối tượng, cho thành tựu trong cõi Dục, thực hành theo sampaticchannacitta là tâm thụ đối tượng và santīrannacitta là tâm quan sát đối tượng và tadālambanacitta là tạng tâm (tâm chứa trữ) chứa sự vui thích đối tượng trong các cửa.

Các thọ điều sinh từ xúc cả, không phải chỉ sinh riêng một mình phải có xúc là duyên, thọ mới nảy ra được, xúc sinh rồi thọ mới sinh như thế mới gọi là xúc là duyên sinh thọ.

8. Taṇhā (Ái)

Ái sinh từ thọ là duyên, ái là cuộc tranh đấu theo thế lực của lòng thèm khát.

Trong Parāyanavajja gọi taṇhā (ái) là ‘jappa’, dịch là gian tham, tham lam, khao khát và có thuyết rằng: Taṇhā là điều dơ bẩn của đời, là cái dính mắc của đời, lem luốc, buộc thắt; gọi taṇhā là ‘sibbanī’ dịch là khao khát mãnh liệt, không cưỡng được, ví như loài tằm mắc trong ổ kén vậy. Ái dục ràng rịt chúng sinh trong khổ: sanh, già, bịnh, chết, siết chặt trong nỗi than van, rên rĩ, đau đớn, khổ sở, ưu sầu; buộc thắt trong sự luân hồi, khổ; gọi taṇhā là asa dịch là lòng dục vọng, vô độ, khiến chúng sinh phải chiến đấu, chống lại theo sự khao khát, gọi taṇhā là ‘pāpañcadhamma’ dịch là trì hoãn nghĩa là pháp làm cho chúng sinh chậm lại có 3 là: taṇhā (ái), mana (kiêu) và diṭṭhi (ý kiến độc đoán), làm cho tâm chúng sinh nảy nở tâm câu chấp rằng: etaṃ mama: đó là của ta, ái dục làm cho giữ vững như vậy; esohamasmi: ta là do kiêu, làm cho giữ lấy như vậy; eso me atta: đó là chính mình ta ý kiến độc đoán làm cho câu nệ như vậy.

Khi đã cố chấp như thế, làm cho chậm giải thoát khỏi luân hồi, gọi là ‘sango’ dịch là cố giữ lấy taṇhā. 108 ái dục là: kāmataṇhā: dục trong cõi Dục giới; bhavataṇhā: dục trong Sắc giới, và mong được như thế này như thế kia rồi giữ vững; vibhavataṇhā: dục trong Vô sắc giới.

Nếu giải theo đối tượng, hoặc cảnh tượng thì ái dục chia ra làm 6 là: rūpataṇhā: sắc dục; saddataṇhā: thinh dục; gandhataṇhā: hương dục; rasātaṇhā: vị dục; phoṭṭhabbataṇhā: xúc dục; dhammātaṇhā: pháp dục.

Lấy 6 ái dục ấy chia ra nữa thành 18 là: rūpātaṇhā: kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibbataṇhā; saddataṇhā: kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibbataṇhā; gandhataṇhā:kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibbataṇhā; rasātaṇhā:kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibbataṇhā; phoṭṭhabbataṇhā: kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibbataṇhā; dhammataṇhā: kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibbataṇhā. Tách ra nữa thành 36 ái dục: ái dục bên trong 18 + ái dục bên ngoài 18. Phân theo thời là: hiện tại, quá khứ và tương lai. Lấy 36 ái dục ấy gộp lại vào 3 thời là: ái dục hiện tại 36 + ái dục quá khứ 36 + ái dục tương lai 36 = tổng cộng: 108. Ba ái dục phân ra cách vi tế thành 108 ái dục. Ái dục ấy nếu có trong người nào là duyên cho người ấy khó cất đầu ra khỏi khổ cảnh được, là nguyên nhân sinh khổ sở triền miên, buồn rầu, đau đớn, than van, rên rĩ, mãi mãi. Ví bằng không có ái dục, thì khổ cũng không từ đâu mà sinh được, như Pāli rằng: Taṇhāya jāyate soko, taṇhāya jāyate bhayaṃ, taṇhāya vippamuttassa, natthi soko kuto bhayaṃ ‒ Sự buồn rầu sinh từ ái dục, điều lo sợ tai nạn sinh từ ái dục, khi người thoát ly được ái dục rồi, nỗi buồn rầu cũng không có, thì sự lo sợ sẽ có từ đâu, như vậy.

Lại, ái dục đàn áp người nào, làm cho người ấy đọa trong bốn ác đạo, ví như loại chùm gởi đàn áp cây da lâu ngày xui nên cây da phải ngã xuống đất, chỉ có bậc Thánh mới trừ diệt được ái dục. Những hàng trí tuệ hằng không ở dưới quyền lực của ái dục, nghĩa là khi ái dục phát lên các ngài hằng đè nén, không cho nó cất đầu được, không cho ái dục làm chủ mình.

Phương pháp diệt dục ấy, điều cần thiết là không nên cẩu thả phải có trí nhớ hiểu biết, đồng thời trừ sự cẩu thả, gây nên sự không cẩu thả cho tiến triển trong tâm trạng để khử ái dục. Có Phật ngôn rằng: Người nào không cẩu thả, trú trong pháp luật này, người ấy sẽ khỏi luân hồi, diệt tuyệt được sự khổ.

Cớ ấy, khi ao ước được hết khổ, cần phải đuổi sự cẩu thả ra, dứt ái dục cho tuyệt căn khỏi bản năng[77]. Ví như gốc của cây không có vật làm bế tắc (không thông, ngăn lấp) trú vững trong đất, cây ấy dù bị người chặt đứt phía trên, nghĩa là từ mặt đất trở lên, nó vẫn còn nảy mọc. Ái dục là thụy miên phiền não theo ngủ ngầm trong bản năng, chưa bứng được tận gốc, thì sự khổ nhất là sanh, lão cũng phát lên mãi mãi. Chúng sinh mà bị taṇhānusaya, ái dục thụy miên đè ép bao vây rồi hằng không yên lòng, bức rức ví như con thỏ mắc bẫy. Vì thế cần phải diệt tuyệt ái dục. Phải xác định ái dục theo 3 sự thông hiểu chính xác (pariññā) là: 1) natapariññā: hiểu chắc rằng: đây sắc dục, thinh dục, hương dục, vị dục, thân dục, xúc dục, pháp dục có ý nghĩa là hiểu biết đúng, ái dục mà người phải biết hoặc đã biết rồi; 2) tiraṇapariññā: hiểu chắc rằng: phải chọn lấy để quán tưởng theo lẽ vô thường là điều tội lỗi, vô ngã là bệnh hoạn, là mũi tên xoi đâm thấu vào mình v.v…; 3) pahānapariññā: khi đã hiểu chắc như trên rồi phải quyết định bỏ đi là diệt tuyệt ái dục, làm cho tiêu tan không còn dư sót, theo Phật ngôn rằng: “Này các tỳ khưu! Tình dục nào tồn tại các ngươi hãy bỏ tình dục ấy đi. Khi các ngươi bỏ được tình dục trong ái dục như thế, mới gọi là người khỏi ái dục, rễ cái đứt rồi, làm cho ái dục không có gốc, không có nơi trú, không cho sinh, không cho tiếp theo”.

Ái dục như đã giải đây sinh từ thọ và ái dục này cùng là duyên sinh thủ thêm nữa.

9. Upādāna (Thủ)

Upādāna dịch là câu nệ, câu chấp có 4 là: kāmupādāna: dục thủ; diṭṭhupādāna: kiến thủ; sīlabattupādāna: giới cấm thủ; attavādupādāna: chấp theo thế lực lời nói của mình.

Giải tóm tắt rằng:

- Kāmupādāna: là sự câu chấp hẳn vật dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc), dục ấy gọi là thủ, nghĩa là sự ao ước, là nguyên nhân cho câu chấp vật dục. Khi đã câu nệ vật dục là nguyên nhân cho tâm quyến luyến rằng đây là của ta, là nhân sinh ghen ghét kẻ khác.

- Diṭṭhupādāna: là câu chấp trong sự thấy quấy, có tâm giữ vững trong ý kiến độc đoán, sai lầm rằng: người được thường tồn, đời là lâu dài v.v… Giải rộng: Cố chấp ý kiến độc đoán của mình thái quá, thành người cứng cỏi, không thể lay chuyển được, không thừa nhận lời khuyên của ai, người như vậy thường hay cãi cọ trong hiện tại với kẻ khác.

- Sīlabattupādāna: Chấp hẳn giới cấm theo căn bản, ngoại, tự quyết định rằng: là phép cho chúng sinh trong sạch do sự thực hành theo loài bò là ngủ trên đất, khi ăn cũng ăn như bò v.v…

- Attavādupādāna: Câu nệ theo lời nói tà kiến hoặc chấp ta, chấp người do thế lực tự cao, cho đến cố chấp đảng phái, bất hòa, chia rẽ nhau. Dù thế nào, attavādupādāna là ngoài Phật.

Trong chú giải Atthakathāvibhaṇga có thuyết bốn upādāna như vầy:

- Sự mong mỏi trong dục, sự ưa thích trong dục, sự luân hồi trong dục, sự ham muốn còn dư sót trong dục, sự khó chịu bứt rứt trong dục, sự im lặng trong dục, sự ôm chặt trong dục gọi là kāmūpādāna (dục thủ).

Tóm lại, sự câu nệ vì ái dục làm cho tâm cố giữ vững. Tình trạng giữ vững của ái dục ấy gọi là purimataṇhā dịch là ái dục trước, ái dục đã sinh rồi chấp hẳn gọi là pacchimataṇhā dịch là ái dục sau, do dựa vào ái dục đã sinh trước. Thủ sinh cũng do ái dục là nhân, ái dục sinh do nương vào thủ ái dục là lòng khao khát chưa đạt được, ví như đạo tặc đưa tay ra trong nơi tối. Thủ là sự mong mỏi đạt được, ví như đạo tặc đưa tay ra nắm lấy đồ. Tiếng thí dụ đây nghe rất êm tai cho hiểu rõ được tức tốc.

Ái dục và thủ hằng là tương phản với sự ham muốn ít và tri túc. Vì ái dục và thủ là nhân cho ham muốn nhiều là nhân sinh khổ. Kāmupādāna dịch là sự chấp hẳn trong dục hằng là nhân đem đến sự khổ sở.

Có tích như vầy: Có một triệu phú gia, dù có đầy đủ song cũng vẫn keo kiết. Y trồng một đám mía, tự y cũng không dám ăn, kẻ khác dùng cũng không được, vì y rất bủn xỉn. Đến khi hấp hối, y có tâm quyến luyến trong mía thái quá, nên sau khi thác thành loài kiến trong cây mía. Đấy cũng do tâm chấp vững trong vật dục. Trong chú giải Pháp cú kinh có tích như vầy: Một vị tỳ khưu, đến giờ chết có tâm dính mắc trong lá y, thác rồi thành con rận trong lá y. Chư tỳ khưu đem lá y ra chia, con rận kêu la quay tròn cho đến khi Đức Thế Tôn Ngài dạy để qua bảy ngày, rận ấy chết rồi sẽ chia nhau.

Về phần câu nệ trong phiền não dục cũng có thể đốt thiêu tâm cho khô héo, khó khăn bứt rứt. Như tích tiếp theo rằng: Có vị tỳ khưu đi khất thực, được thấy một thiếu nữ rồi phát tâm luyến ái. Nghĩ rằng: ta hoàn tục rồi đến ở với thiếu nữ ấy. Tính xong không thể đi trì bình được nữa, nên trở về chùa vào nằm nhớ tưởng đến sự hoàn tục theo thế lực của phiền não dục dính chặt trong tâm, không thọ thực. Bất ngờ ngày ấy, cô thiếu nữ lại chết. Vừa được tin đó, tỳ khưu ấy nghĩ rằng vấn đề mình định đã hỏng rồi, không thể thành tựu theo sở nguyện được, rồi sinh tâm phiền não cũng chết trong ngày ấy.

Giải cho thấy rằng: Kāmupādāna dục thủ, khi đã phát lên, nếu khâu trừ (trừ bớt) không được, nó sẽ phá người cố chấp cho tổn hại, tan nát như thế. Cớ ấy bậc trí tuệ mới có tâm bỏ dục thủ không cho nảy nở trong bản năng. Dù nó đã sinh trong lúc nào cũng phải cố đè ép nó cho giảm bớt từng tí, cho đến diệt tuyệt. Khi nó đã tiêu tan, người ấy sẽ thoát ly tất cả những lo sợ, nguy hiểm. Trừ diệt dục thủ được như vậy đều do trí tuệ quan sát rằng: Phiền não mà hằng đàn áp, hãm hại người thấy cảnh tượng cho là tốt đẹp, nhìn xem theo sắc đẹp bên ngoài rồi bị ám ảnh. Về người thấy không cho là đẹp thì phiền não ma không thể quyến rủ được. Ví như gió mạnh không thể thổi bay, làm rung động tảng đá vậy. Phiền não ma ví như lưới bao loài chim, chim bị mắc lưới rồi rất khó bay thoát được thế nào, phiền não ma cũng vậy. Chúng sinh hằng dính trong phiền não ma rất nhiều, hiếm người được thoát khỏi.

- Diṭṭhupādāna: Tà kiến thủ có 3 là: 1) Akiriyadiṭṭhi: Hiểu rằng làm phước không có phước, làm tội cũng không có tội, sát sinh cũng không gọi là sát sinh. Đất, nước, gió, lửa làm lẫn nhau thì phước, tội do đâu mà có. Chúng sinh nhỏ lớn sinh ra cho thích hợp với nhau. Cá thịt sinh ra để làm thực phẩm cho người. Người giết chúng sinh để ăn thì có tội thế nào. Tóm lại, cố chấp rằng làm phước cũng không phải làm là phước, làm tội cũng không phải làm là tội. 2) Natthikadiṭṭhi: Chấp rằng thú và người cũng không có, chỉ là yếu tố hỗn hợp nhau, chỉ là yếu tố hãm hại lẫn nhau, như nước với lửa. Yếu tố hộ trợ thì chúng hộ trợ lẫn nhau, như lửa cháy, gió thổi v.v… 3) Ahetukadiṭṭhi: Cố chấp rằng không có nhân tức là lành hay dữ không nương vào việc làm, tốt cũng tự mình tốt, xấu cũng tự mình xấu. Cả 3 tà kiến ấy liệt vào xác định tà kiến (niyatamicchādiṭṭhi) ngăn trở cõi trời và Niết-bàn. Tà kiến khác chỉ ngăn Niết-bàn, không chắn cõi trời.

- Sīlabbattupādāna: Giới cấm thủ là câu nệ giới của ngoại đạo, là nhân làm cho giới trong sạch, khiển trách giới của hàng tịnh giả. Không trì giới theo Phật giáo nghĩa là giữ giới và hành theo ngoại đạo, như đạo lõa thể. Có phái cho rằng qua sông, qua giếng, bưng sẽ đứt giới v.v… có kẻ nằm ngồi trên đất, có người mặc bằng lá cây v.v... có hạng lấy cát bụi rải trên mình, trên đầu, bôi bùn lầy.

- Attavādupādāna: Đã có giải rồi bốn upādāna (thủ) ấy sinh do ái dục và thủ hằng là duyên sinh bhaba: hữu.

10. Bhaba (Hữu)

Tiếng bhaba dịch là ‘hữu’, nghĩa là nơi sinh của chúng sinh, chia ra làm 2 là: kammabhaba, upapattibhaba. Kammabhaba: là cõi, nơi sinh quả, chia ra làm 29 bằng cách chia theo nhất là kāmāvacarakusala (điều lành trãi đi trong Dục giới). Upapattibhaba: là hữu (có) hoặc xuất hiện chia ra làm 9 nhất là kāmāvacarabhaba.

Trong tiếng bhaba-hữu do sinh là duyên ấy ngấp nghé lấy upapattibhaba và trong tiếng ‘sinh’ có do hữu là duyên ấy mong ước lấy kammabhaba là duyên của sinh. Có kinh Pāli rằng: “Kammabhavo upapattibhavoti duvidhobhavo. Tattha paṭhamo bhavati etasmā phalanti bhavo; so kāmāvacakusaladivasena ekūnattīsavidhodutiyo pana bhavatīti bhavo. So kāmabhavādivasena navavidho. Upādānapaccayā bhavoti cettha. Upapattibhavopi adhippeto. Bhavapaccayā jātiti kammabhavova. So hi jātiyā paccayo hoti na itaroabhidhammatthavibhāvinī paricheda.”

Upapattibhaba ‘hữu’ chia ra làm 8 là: Kāmabhaba: Dục giới; Rūpabhaba: Sắc giới; Arūpābhaba: Vô sắc giới; Asaññībhaba: Vô tưởng giới; Nevasaññānāsaññībhaba: Phi phi tưởng giới; Ekavokābhaba: Nhất uẩn giới; Catuvokābhaba: Tứ uẩn giới; Pañcavokābhaba: Ngũ uẩn giới.

Trong phần Vibhanga có giải rằng: Có hạng người trong đời này, suy nghĩ tìm tòi trong tâm rằng: Các dục tình hằng có đầy đủ trong dòng dõi cao sang như dòng vua v.v... (trong cõi người).

Trong Dục giới thiên, cũng đầy đủ dục tình. Khi đã suy nghĩ như vậy rồi hành vi bất chánh, do thế lực của thủ, sau giờ hấp hối phải sinh trong địa ngục.

Trong tạng Kinh có ghi rằng: Người tạo nghiệp bất thiện do thủ là duyên, như Đức Mục Kiền Liên, thuở chưa đắc đạo quả, còn sinh tử trong luân hồi, tự mình giết song thân. Dẫn tích như vầy: Có một người (tiền kiếp Đức Mục Kiền Liên) chỉ một mình làm việc để phụng dưỡng cha mẹ. Mẹ chàng tính tìm vợ để giúp đỡ chàng. Cưới vợ rồi không bao lâu, vợ kiếm chuyện đuổi song thân chàng, xúi giục chồng ghét bỏ mẹ, cha, rốt cục chàng nghe lời vợ, giết mẹ cha đem bỏ trong rừng, sau khi thác, chàng sa trong A tỳ địa ngục. Như vậy, chúng sanh tạo nghiệp bất chánh theo thế lực của thủ hằng đi đến bốn ác đạo. Nghiệp ấy dẫn cho chúng sanh trong khổ cảnh, như vậy, mới gọi thủ là duyên sanh hữu.

Tà kiến thủ là duyên sinh hữu. Người câu nệ có tà kiến khó dứt bỏ được, nếu đã cố chấp theo tà kiến rồi là duyên cho sinh trong bốn ác đạo như Đức Kondadhānathera thuở còn là vị trời, tính tìm dịp khiến hai vị tỳ khưu bất hòa nhau như vầy. Trong thời quá khứ, có hai tỳ khưu hòa thuận nhau như anh em đồng bào. Vị trời ấy thấy vậy, bèn nghĩ rằng: “Ta sẽ làm cho hai vị bất hòa nhau được chăng?”

Một ngày lễ phát lộ kia, hai tỳ khưu dẫn nhau đến chánh điện để hành lễ phát lộ cùng chư tăng. Lúc đi giữa đường, vị nhỏ hạ bạch với vị lớn rằng: “Bạch ngài chờ tôi chốc lát, tôi có việc vào cụm rừng này để đại tiện”, rồi đi ngay vào rừng. Vị trời ấy được thấy liền phát tà kiến, tính phá cho hai vị bất hòa nhau, nên làm một người nữ. Khi tỳ khưu đại tiện xong trở ra, phụ nữ ấy theo sau lưng, giả bộ đang mặc quần, cho vị kia xem thấy. Vị này liền nói với vị nhỏ rằng: “Thầy đứt giới rồi phải không?” Vị nhỏ bạch: “Tôi đâu có phá giới gì?” Vị lớn nói: “Chính mắt tôi thấy rõ người nữ cùng theo sau lưng thầy ra khỏi, vừa đi vừa đang bới tóc, vận quần. Tôi thấy tận mắt, mà thầy còn chối cãi gì nữa”. Cả hai vị đồng đi đến chánh điện rồi vị lớn nói: “Tôi không hành lễ phát lộ với thầy đâu”. Từ đó hai vị chia rẽ nhau.

Vị trời thấy hai vị tỳ khưu không hành lễ phát lộ cùng nhau nên nghĩ rằng đây là nghiệp nặng trịch. Nghĩ rồi bèn bay lên giữa chánh điện trước hai mặt tỳ khưu, hiện thân cho thấy rõ rệt rồi tuyên bố cho tỳ khưu cao hạ biết rõ: “Sự thật không phải vậy đâu, tôi muốn thử hai ngài xem còn hòa nhau hay chia rẽ nhau”. Vị cao hạ được hiểu như thế hết ngờ vực, chịu hành lễ cùng vị nhỏ. Sau khi thác, hai người được lên cõi trời. Vị trời ấy hết tuổi thọ rồi trở sinh trong A tỳ địa ngục. Đến thời kỳ giáo pháp của Đức Phật chúng ta, vị trời lên làm người, trưởng thành rồi xuất gia trong Phật giáo, nhưng trong lúc thọ giới, đi đâu cũng có hình người nữ dính theo rõ rệt, do quả của tiền nghiệp. Đây kể vào tà kiến gọi là thủ. Tà kiến thủ là duyên sinh hữu, cho sinh cõi. Cớ ấy mới gọi hữu, có do thủ là duyên.

Có hạng người nhận xét rằng: Những phần việc được kết quả tốt đẹp do sự dựa vào nhân lành. Họ tạo nghiệp chánh đáng nhất là thân chánh đáng theo thế lực của dục thủ (kāmupādāna). Vì thế mà sau khi ngũ uẩn tan rã sẽ đến cõi trời hoặc cõi người cũng nhờ dục thủ.

Trong Dục giới, dục thủ là duyên sinh hữu, gồm có duyên (aññamaññapaccayā: nghĩa là phát sanh chung cùng nhau, nương vào nhau). Cớ ấy, bậc trí tuệ cho là hữu sinh do thủ là duyên như đã giải.

11. Jati (Sanh)

Tiếng hữu ấy trong saccavibhaṇga mong ước kammabhaba là duyên đến sanh có 2 là: kammabhaba: nghiệp là duyên đến sanh; nissayapaccaya: thọ là duyên đến sanh. Nên hữu là hai duyên đến sanh, như vậy. Nghiệp là nhân cho sanh. Sanh mà không nghiệp thì không thể sanh được. Trừ có người tạo mới có duyên cho sinh ra. Sự thật, nghiệp hằng là pháp kỳ diệu làm cho cao sang hay thấp hèn.

Cớ ấy Đức Thế Tôn mới thuyết rằng: Nghiệp hằng phân hạng người cao sang và thấp hèn. Do đó Bậc Trí tuệ mới hiểu rằng: hữu là duyên đến sanh, nếu hữu tức là nghiệp không có, thì sanh cũng không từ đâu mà có được. Nghiệp là hành vi, động tác của người. Nếu nói đại khái “nghiệp” mà người tạo có 2 là nghiệp lành và nghiệp dữ hay gọi là thiện nghiệp và ác nghiệp.

Thiện nghiệp là nhân khiến cho chúng sinh được cao sang, ác nghiệp là nhân gây chúng sanh hạ tiện. Nhưng phần đông hiểu tiếng ‘nghiệp’ theo đời là chỉ nói về sự lo sợ, khổ nàn, khó khăn mà thôi. Nếu hiểu theo Phật giáo tiếng nghiệp là tiếng thông thường, trung lập, ngấm nghé bên thiện và bên bất thiện, làm phước gọi là thiện nghiệp, làm tội gọi là ác nghiệp. Tiếng nghiệp chỉ ngay về sự làm, hành vi, động tác, thực hành v.v... Nếu người tạo nghiệp lành thì sẽ được vui ví bằng tạo nghiệp dữ phải chịu khổ.

Có tích như vầy. Có nhóm tỳ khưu thường ngụ trong rừng, đến khi ra hạ tính đi đến hầu Phật, bèn cùng nhau nương vào một chiếc thuyền thương mãi. Ghe ấy đi đến bảy ngày rồi không đi được nữa. Thuyền chủ lấy làm lo âu nghi chắc chắn có nhân gì đây. Rồi bèn định phải rút thăm. Thăm xấu vào tay người nữ, cô vợ của thuyền chủ. Rút thăm như thế đến ba lượt cũng vẫn vào tay vợ ông chủ ghe. Tất cả thủy thủ đều nhìn mặt thuyền chủ. Ông này tuyên bố rằng: “Này các anh! Chúng ta không thể khiến tai hại xảy đến mọi thủy thủ, chỉ vì một người. Các anh hãy liệng nàng xuống đại hải”. Rồi dạy thủy thủ cởi cả đồ tốt đẹp của vợ ra, cho mặc y phục cũ. Các thủy thủ đồng nghe theo liệng vợ thuyền chủ trong đại hải, tức tốc ghe chạy được tự nhiên.

Chư tỳ khưu nghĩ rằng: ác nghiệp của phụ nữ ấy đã tạo, nào ai hiểu biết được, chỉ có Đức Thế Tôn mà thôi. Như thế rồi yên lặng để trong tâm. Khi ghe đến bờ biển, các thầy dẫn nhau lên bờ. Lúc ấy có một phụ nữ nấu cơm chín rồi, nấu tiếp món ăn. Lửa dính chéo áo nàng rồi bắt cháy lan đến bó cỏ. Bó cỏ ấy bay lên không trung. Có một chim quạ bay đến chui đầu vào bó cỏ đang cháy ấy, bị lửa thiêu sa xuống ngay trước mặt các tỳ khưu. Các ngài tính sẽ đem câu chuyện ấy bạch hỏi Phật rồi dẫn nhau lên đường.

Trong thuở ấy, có bảy vị tỳ khưu định đến hầu Phật, giữa đường gặp một cảnh già lam, bèn vào tìm Sư trưởng; Ngài cho bảy vị vào trú trong thạch động vì trong nơi ấy có đủ bảy cái giường. Bảy vị này vào ngụ đến nửa đêm, bất ngờ có một tảng đá to, tự nhiên sa xuống đóng kín cửa động. Sáng ra, bảy vị ấy không sao ra khỏi được. Ngài Sư trưởng trụ trì nói rằng: ta cho bảy vị cư ngụ đêm trong động, tảng đá lại đóng bít cửa động, ta tin chắc rằng đấy là do nghiệp nặng. Nói xong ngài trụ trì bèn dạy các sư trong chùa hội lại xô tảng đá mà không động đậy. Ngài liền cho gọi cả bảy gia đình ở chung quanh chùa đến giúp đem tảng đá ra, cũng không dời nổi. Đến ngày thứ 8, không có ai đến xô, tảng đá ấy tự nhiên lăn ra khỏi cửa động. Cả bảy vị tỳ khưu bèn nói rằng: Nghiệp mà chúng ta đã tạo, nay phải chịu khổ vậy, ngoài Đức Thế Tôn ra có ai biết được. Chúng ta sẽ bạch hỏi. Tính rồi ra khỏi động, từ giã Ngài trụ trì, lên đường gặp nhóm tỳ khưu kia đã cáo biệt thuyền chủ cũng vừa đến đấy. Chư sư đồng vào hầu Đấng Giáo chủ, lễ bái xong, ngồi trong chỗ phải lẽ, Đức Thế Tôn tỏ lời hàn huyên ấm lạnh. Cả hai nhóm tỳ khưu liền bạch hỏi về nguyên nhân mà mình được thấy và chính mình chịu khổ nữa. Đức Thế Tôn liền giảng: Này các tỳ khưu! Phụ nữ đã chịu nạn khổ vì nhân ác của nàng đã tạo từ trước như vầy. Thuở trước, nàng đem cơm đến ruộng cho chồng, có một con chó đã nhiều kiếp sinh làm người, từng là chồng của nàng trong nhiều kiếp. Do nhân ấy, khi chồng chết thành chó, vì tình luyến ái vẫn còn. Nên khi nàng ngồi, đi, đứng, hoặc nằm trong nơi nào hay đi tiểu trong rừng, chó ấy vẫn dính theo không lìa xa nàng. Ngày kia, nàng đem cơm cho chồng ăn, nàng có đem dây theo nữa. Chó ấy vẫn theo luôn. Nàng dọn cơm cho chồng ăn, rồi nàng xuống bên sông gọi chó lại, hốt cát để vào đầy nồi, một mối dây buộc nồi, một mối buộc chó, rồi xô cả xuống sông. Do nghiệp dữ ấy, nàng bị người liệng bỏ xuống nước, chết hết năm trăm kiếp rồi.

Về phần chim quạ cũng vì nghiệp ác đã tạo từ kiếp trước giống nhau như vầy, trong đời quá khứ có một nông phu, có một con bò lười, bắt nó cày ruộng, nó chạy bỏ đi nằm trong nơi khác. Người nông phu tức giận, đánh đập đến đâu, nó cũng vẫn biếng nhác. Ngày kia anh nông phu bắt bò buộc chắc rồi nói rằng: “Từ đây đi nằm cho yên thân nghe, ta không cần mi cày ruộng và ta cũng không đánh đập mi nữa”. Xong anh chàng lấy cỏ khô trùm mình bò rồi nổi lửa thiêu bò, chết theo nghiệp của nó. Sau khi thác anh nông phu ấy sinh trong địa ngục, bị đốt rất lâu. Còn quả dư sót của nghiệp, hắn sinh ra làm quạ, tội ấy khiến quạ chui đầu vào bó cỏ cháy như vậy đến 100 kiếp, do thế lực của nghiệp còn sót lại.

Về phần bảy tỳ khưu, các ngươi phải chịu khổ như thế, vì kiếp trước các ngươi là bảy trẻ chăn bò, đuổi bò cho ăn cỏ, mỗi chỗ bảy ngày. Bữa nọ đến một nơi sáu ngày, qua ngày thứ 7, thấy con kỳ đà to đến trước mặt, mới rủ nhau đuổi, kỳ đà ấy chạy vào lổ gò mối có bảy lổ. Các trẻ ấy nghĩ rằng chúng ta không bắt được nó, vậy để qua ngày mai sẽ bắt. Tính rồi đem nhánh cây khô đến lấp miệng lổ, mỗi đứa một lổ, không cho kỳ đà ra được, rồi trở về nhà. Sáng ra không nhớ đến kỳ đà, chúng nó đuổi bò cho ăn cỏ trong nơi khác, đến bảy ngày mới đuổi đến chỗ nơi khác. Khi thấy gò mối mới nhớ đến kỳ đà, chúng nó nghĩ rằng kỳ đà mà chúng ta đã bít kín miệng lổ ấy, nay nó ra sao há, chúng đem nhau khai lổ hỏng, xem thấy kỳ đà vẫn còn, chúng nói: “Chúng ta đừng làm hại nó, nó đã nhịn đói bảy ngày rồi. Nên thương xót nó”. Bảy trẻ ấy đem nó ra thả và nói rằng: “Mi hãy đi, đừng lo sợ, hãy tự do đi theo chí hướng và được yên vui đi”. Bảy trẻ ấy sau khi ngũ uẩn tan rã, không sa trong địa ngục, vì không sát hại kỳ đà, nhưng phải chịu đói đến mười bốn kiếp, mỗi kiếp bảy ngày, đến nay là bảy tỳ khưu, đủ mười bốn kiếp rồi.

Nghiệp hằng đem khổ đến cho như vậy. Cớ ấy mới gọi hữu là duyên đến sanh, thủ là duyên đến sanh ấy là kammabhaba (hữu).

Sự tạo nghiệp chánh đáng là duyên đến sanh như sau. Lành là cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng và cúng dường các Đức Độc giác Phật được sinh lên cõi trời rất nhiều. Nguời có đức tin cúng dường tháp bảo cũng gọi là cúng dường Phật. Nghiệp ấy gọi là thiện nghiệp, liệt vào kammabhaba (hữu) là duyên đến sanh. Người được trì giới, nghe Pháp, niệm Phật, tham thiền cũng liệt vào kammabhaba là duyên đến sanh, được tái sanh trong thiên giới.

Người được tích trữ nghiệp lành là nhân cho hạnh phúc trong kiếp sau, như nàng cận sự nữ Khujjuṭṭarā được dâng chiếc vòng tay bằng ngà đến Đức Độc giác, để làm chân bát là duyên hộ pháp. Nàng thông suốt Tam tạng. Nàng đại cận sự nữ Visākhā dâng tam y đến tăng được đồ vật trang sức ngọc ngà cao quí; Đức Bakulathera cúng thuốc men trừ bệnh rồi các kiếp sau rất ít bệnh hoạn cho đến kiếp chót; Đức Aññākoṇdañña được cúng nước mía, Đức vua Asoka được thí mật ong bằng đức tin sau được làm hoàng đế có thế lực đến một do tuần trên không trung và dưới đất; nàng Saja thiên nữ thí cơm khô được sinh lên cõi trời; cô tỳ khưu ni Upalavaṇṇā kiếp trước nghèo khó thí y cũng được thọ sanh trong nhàn cảnh v.v…

Sự tạo nghiệp lành hay nghiệp dữ cũng kể vào kammabhaba (hữu) gọi là duyên đến sanh. Nếu không có hữu thì cũng không có sanh.

Người tái sanh được vui cũng nhờ thế lực của thiện nghiệp đã tạo từ kiếp trước. Thiện nghiệp cho quả vui để trừ khổ, trợ vui, diệt tội, bổ ích trừ điều lo sợ, ngừa những nạn tai. Nghiệp hằng đem khổ tội lỗi lo sợ, nạn nguy, bịnh tật đến cho.

Thiện và ác đều phát sinh từ nghiệp ấy là hữu, là duyên đến sanh. Trong Thập nhị duyên khởi pháp như vậy.

12. Jara Marana (Lão, Tử)

Lão và tử sinh ra do hai hằng có sanh là duyên. Chẳng phải chỉ có thế thôi, sự buồn rầu than van, rên rĩ, ưu sầu, phiền não và nỗi bứt rứt lo âu cũng có. Các pháp đều sinh từ duyên tức là sanh giống nhau. Trừ khi không có sanh là không có ngũ uẩn. Sự rõ rệt của uẩn (pañcakhandha), lục nhập (āyatanya), căn (indriya) không có, thủ lão tử cũng không, do đâu mà có được. Đến khi có sanh là tái sanh, là đã có ngũ uẩn rồi, thì lão, tử, buồn rầu, than van, rên siết, khổ sở, nhớ tiếc v.v... mới phát lên đầy đủ.

Vậy, bậc hiền minh nên hiểu rằng: sanh là duyên đến lão, tử là duyên đến các nghiệp nhứt là sự buồn rầu, than van rên rĩ. Bởi lẽ: khi sanh sự cố chấp là mình, là ta, là chúng sinh, là người dù nói theo chân lý tối hậu, nếu ngũ uẩn không có thì lão tử và các pháp nhứt là buồn rầu cũng không từ đâu mà có. Nói cho cùng, các pháp ấy đều dựa vào vô minh, có vô minh là nguồn gốc. Vì lão, tử và các pháp, nhứt là phiền não đều sinh từ vô minh, có vô minh là duyên. Nhân vô minh là duyên trong các pháp, nhứt là hành phát sinh do sự nương vào, theo thứ tự đến sanh. Nếu không có vô minh, nhứt là hành cũng không sao có được. Khi các pháp không phát sanh được, sinh cũng không có, vì không có nơi nương tựa.

Như thế, bậc trí tuệ nên hiểu rằng các pháp đều có vô minh là duyên sanh tử, duyên tức là vô minh là nơi trú của tam luân (tivaṭṭa). Khi hành giả quyết định, tinh tấn cắt đứt được vô minh rồi, lão, tử và các phiền não v.v... cũng điều tiêu tan. Tình trạng phát sinh các tập khổ có từ vô minh, là duyên nương lẫn nhau mới sinh ra được, như thế. Sự diệt được khổ cũng dựa vào sự dập tắt vô minh trước, vì chỉ có căn nguyên (nguồn gốc). Sự diệt khổ ấy là Niết-bàn. Niết-bàn hằng diệt tất cả khổ lão tử và tất cả những khổ không còn dư sót, diệt cũng đều nương vào sự diệt sinh lão tử và điều buồn rầu, phiền não, rên rĩ cùng khổ não, bực tức cũng do nương vào sự diệt hữu v.v…

Quán tưởng thấy rõ những tình trạng của các duyên nương vào lẫn nhau mà sinh và cũng dựa vào lẫn nhau mà diệt ấy gọi là paṭiccasamupāda Thập nhị duyên khởi pháp. Paṭicca dịch là nương, upadanā dịch là các pháp có vô minh đứng đầu có sự than van rên rĩ là cuối cùng, nhờ cậy vào lẫn nhau, mới sinh được, là duyên lẫn nhau, mới sinh nhân như vậy nên gọi là paṭiccasamupāda (Thập nhị duyên khởi).

Các pháp nương vào lẫn nhau rồi mới sinh được đến khi diệt cũng dựa vào nhau rồi mới diệt được như vậy.

Trong Paṭiccasamupāda ấy có dịch ra cũng có nghĩa là sinh. Bậc trí tuệ nên hiểu rằng có ý nghĩa ngấm nghé cả sinh và diệt, sinh cũng nương vào diệt, diệt cũng nương vào sinh. Cả hai, diệt và sinh mong mỏi đến Thập nhị duyên khởi, thích hợp với Phật ngôn có giảng cho đức Ānanda rằng: Thập nhị duyên khởi là pháp uyên thúy (cao thâm) khó cho người quán tưởng. Chúng sinh đi đến ác đạo vì chúng không hiểu đuợc thuyết Thập nhị duyên khởi, khi họ thấu triệt Thập nhị duyên khởi pháp, rồi họ sẽ bỏ được tập khổ.

Tiếng saṇkhāra (hành) sinh nhân duyên ấy ngăn người làm. Giải rằng: Người hành đến khi thấy vô minh là duyên đến hành tức là puññābhisaṇkhāra (sự làm lành), apuññābhisaṇkhāra (sự làm ác), thấy rằng puññābhisaṇkhāra việc làm phước hằng đem lợi ích đến mình. Apuññābhisaṇkhāra làm tội không có lợi ích đến mình. Thấy như thế rồi làm lành bỏ dữ sẽ đem mình đến cõi trời.

Cớ ấy Đức Thế Tôn mới thuyết rằng: saṇkhāra (hành) sinh, nhân avijjā (vô minh) sinh, hành diệt, nhân vô minh diệt.

Tiếng viññāṇa thức sinh từ hành là duyên cũng vì ngăn sự vui thích trong mình.

Tiếng danh sắc sinh nhân duyên tức là thức ấy là nhân ngăn ghanasañña là tưởng trong thân thể là của ta thật.

Tiếng lục nhập sinh nhân duyên tức là danh sắc ấy là ngăn sự thấy quấy tức là thấy danh và sắc là của mình.

Giải rằng: Người quán tưởng thấy rằng lục nhập sanh từ duyên tức là danh sắc cũng điều tra thấy ngũ uẩn là vô thường, là nơi đem đến tập khổ, là vô ngã. Cớ ấy, mới nói rằng tiếng lục nhập sinh từ duyên tức là danh và sắc ấy sẽ ngăn nhau; ngũ uẩn là thường và thấy là vui và thấy là của ta. Thí dụ: Vô minh ví như kẻ mù. Hành sinh từ duyên tức là vô minh ví như xác định cho biết rằng là kẻ mù. Thức sinh từ duyên tức là hành ví như tình trạng xác định của kẻ mù. Thức sinh từ duyên tức là vô minh ví như sự xác định của kẻ mù té xuống. Danh sắc sinh từ duyên thức ví như kẻ mù té xuống và có thẹo tia máu. Lục nhập sinh từ duyên danh sắc ví như mụt ghẻ bể từ thẹo tia máu. Xúc sinh từ lục nhập ví như sự đụng vào mắt. Thọ sinh từ duyên xúc ví như nỗi khổ của sự đụng vào mắt kẻ thù.

Người si bị vô minh đè nén rồi hằng rung động theo các pháp hành và khiến chúng sanh tái sinh trong cõi mới.

Thức hằng bị chi phối trong hành rồi đi đến năm gati (nơi mà chúng sinh phải tái sinh) ví như hoàng tử mà vua cha ủy nhiệm (giao phó nhiệm vụ) cho quan thái phó giáo hóa điều gì thì hoàng tử phải làm theo. Thức hằng khiến danh đi thụ sinh trong giờ tái sinh. Thức ví như người nữ lừa dối quyến rũ cho mê say bằng tình dục. Thức hằng trú trong thân, trong sắc rồi khiến lục nhập cho tiến triển, nảy nở bội phần như cụm cây trong rừng.

Xúc tức là phiền não, là sự đụng chạm, đối tượng. Ví như lửa sinh nơi cây mà người chà xát mong được lửa từ hai miếng cây vậy, như mắt chịu lấy sắc, tai chịu lấy tiếng.

Kế tiếp, thọ sinh ra chịu lấy đối tượng tức là mắt thụ sắc, tai thụ tiếng, mũi thụ mùi, lưỡi thụ vị, thân thụ xúc, ái là sự mong mỏi cũng sinh, rồi thủ sinh v.v... Hữu sinh sanh sinh. Kế tiếp theo, lão tử và những buồn rầu, đau đớn, than van, rên rĩ v.v... cũng hiện ra như vậy.

Sự diệt tất cả những khổ ấy là phải diệt nhân của các pháp theo thứ tự. Mặc dù nói là đại khái, nếu diệt vô minh rồi các pháp cũng diệt hết, những tập khổ cũng diệt theo ý nghĩa như thế.

---

Thiên XVII. CETASIKA (TÂM SỞ)

Đây giải về tâm sở như đã có nói trước.

Cetasika (tâm sở) là pháp sinh đồng thời với tâm có bốn đặc tính là: sinh cùng với tâm, diệt cũng cùng với tâm, có đối tượng cùng với tâm, có nơi nương tựa vào cùng với tâm.

Tâm sở ấy có 52, có Pāli trong Vi diệu pháp rằng: Ekuppādaṇirodhāca ekalaṃbanavatithukā cetto yuttā dvipaññāsa dhammā cetasikā matā. Có phân như vầy: 13 aññāsamānā cetasika: tợ tha tâm sở + 14 akusalacetasika: bất thiện tâm sở +

25 sobbaṇacetasika: mỹ tâm sở = tổng cộng: 52

Aññāsamānācetasika - tợ tha tâm sở

13 aññāsamānācetasika chia ra làm 2 loại là: sabbacittasādhāraṇa: phổ thông tâm sở, pakiṇṇakacetasika: hỗn hợp tâm sở. Sabbacittasādhāraṇacetasika có 7 là: phassa: xúc, vedanā: thụ, saññā: tưởng, cetanā: tác ý, ekaggatā: định tâm, jivītidudiya: sức sống, manasikāra: phân biệt ghi lòng. Pakiṇṇakacetasika có 6 là: vitaka: suy, vicāra: sát, adhimokha: xác định, viriya: nghị lực, pīti: phỉ lạc, chanda: mong ước.

Akusalacetasika - bất thiện tâm sở

14 akusalacetasika là: moha: si, ahirika: không thiện, anottappa: không ghê, uddhacca: phóng dật (buông thả), lobha: xan tham, diṭṭhi: ý kiến độc đoán, māna: kiêu, dosa: sân, issā: ganh, macchariya: bủn xỉn, kukkacca: hối hận, thīṇa: lười biếng, middha: hôn mê, vicikicchā: hoài nghi.

Sobhaṇacetasika - mỹ tâm sở

Sobhaṇacetasika có 25 là: sadddhā: tín ngưỡng, sati: trí nhớ, hiri: thẹn, ottappa: ghê, alobha: không tham, adosa: không sân, tatramajjhatattā: tánh tình trầm tĩnh, bình thản, kāyapassaddhi: thân yên tĩnh, cittapassaddhi: tâm yên tĩnh, kāyalahutā: thân nhẹ nhàng, cittalahutā: tâm nhẹ nhàng, kāyamudutā: thân mềm dẻo, cittamudutā: tâm mềm dẻo, kāyakammaññatā: thân vừa sử dụng, cittakammaññatā: tâm vừa sử dụng, kāyapaguñññatā: thân khéo léo, cittapaguññatā: tâm khéo léo, kāyujukatā: thân ngay thẳng, cittujukatā: tâm ngay thẳng gộp lại gọi là sobhaṇasādhāraṇa; sammāvacā: chánh ngữ, sammakammanta: chánh nghiệp, sammā-ājīva: chánh mệnh gọi là viratti: chừa cãi; karuṇa: bi, muditā: tùy hỉ gọi là appamaññā-vô lượng ; paññidriya: Lý tính[78] hay tuệ căn (hiểu biết đúng).

Hoặc gọi theo một ý nghĩa nữa là sobhaṇacetasika, chia ra làm 3 loại là: sobhaṇasādhārana: mỹ tâm sở phổ thông 19 + virati: cấm giới tâm sở 3 + appamaññā: vô lượng tâm sở 2

+ paññidriyā: lý tính 1 = tổng cộng: 25

Gộp lại tất cả là: aññasamānācetasika 13 + akusalacetasika 14 + sobhaṇacetasika 25 = thành

52 tâm sở.

---

Thiên XVIII. KHU VỰC TÁI SINH

Khu vực là pháp tuyệt diệu lên cao từng bậc của tâm vương và tâm sở, dịch theo thể tự[79] là hạng hay cấp bực có bốn là:

1. Kāmāvacarabhūmi: là bậc tâm vương và tâm sở của phàm nhân vì còn đề cập đến phiền não dục và vật dụng là đối tượng, như những kẻ còn vừa lòng, vui thích trong sắc, thinh, hương, vị, xúc...

2. Rūpāvacarabhūmi: là bậc tâm vương và tâm sở của người đắc thiền hữu sắc đã vượt qua cõi dục có sắc là đối tượng, hay nói cho dễ hiểu, là hạng người đắc sơ thiền, nhị thiền ...

3. Arūpāvacarabhūmi: là bậc tâm vương và tâm sở của người đắc vô biên thiên thức, vô biên thiền, vô hữu thiền và phi phi tưởng thiền (1 trong 4 thiền vô sắc) bậc này đã thoát khỏi sắc pháp, có vô sắc pháp là đối tượng.

4- Lokuttabhūmi: là bậc tâm vương và tâm sở của thánh nhân đã thoát ly được giới hạn của đời.

Nhưng trong Vi diệu pháp Pāli trang 25 chia bhūmi ra làm bốn giống nhau, trừ, lấy thánh vực ra rồi thêm apāyabhūmi (nơi khổ) vào như vầy:

Tattha apayābhūmi kāmasugatibhūmi, rūpāvacarabhūmi, arūpāvacarabhūmi ceti catasso bhūmiyo nāmātāsu nirayo tiracchānayoni pettivisayo asurakāyo ceti pāyabhūmi catubbidhā hoti.

Manussa cātummahārājkā tavatinsa yāmā tisitā nimmānaratī paranimmitavasavattī cetī kāmasugatibhāmi sattavidhā hoti. Sā panāyani ekādasavidhapi kāmavacarabhūmicceva saṇgahaṃ gacchāti.

Brahmapārisajjā brahmapurohitā mahābrahma ca pathamajjhābhūmi, parittābhā appamānābhā ākassarā ca dutiyajjhānabhūmi, parittasubhā appamānasubhā subhakiṇhā ca taliyajjhānabhūmi, vehapphālā asaññasattā suddhāvāsā ca cuttutthajjhānabhūmi, ceti rūpāvacarabhūmi solāsavidhā hoti.

Avihā otappā sudassā sudassi akaniṭṭhā ceti suddhāvasabhūmi pañcavidhā hoti.

Akāsānañcāyatanabhūmi viññaṇañcāyatanabhūmi akiñcāññāyatanabhūmi nevasaññānāsaññāyatanabhūmi ceti arūpābhūmi cutubbidhā hoti.

Dịch 4 khu vực là: apāyabhūmi: khổ vực (cõi), kāmasugatibhūmi: hạnh phúc trong dục vực, rūpāvacarabhūmi: tâm trãi đi trong sắc vực, arūpāvacarabhūmi: tâm trãi đi trong vô sắc vực. Trong những khu vực ấy, khổ vực có bốn là: Naraka: Địa ngục, Tiracchānāgoni: Cầm thú vực, Petavisaya: Ngạ quỉ vực, Asurakāya: A-tu-la hội. Kāmasugati có 7 là: Người, Tứ đại Thiên vương[80], Đạo Lợi thiên[81], Dạ ma thiên[82], Đẩu xuất đà[83], Hóa lạc thiên[84], Tha hóa tự tại thiên[85]. Hai khu vực đã giải trên (4 khổ vực + 7 hạnh phúc dục vực) (thường kể vào trong dục vực) (cõi Dục). Tâm trải đi trong sắc vực có 16 là:

- Brahmapārisajjā: Phạm hộ thiên[86], Brahmapurohibha: Phạm cố thiên vấn[87], Mahābrahma: Đại Phạm thiên[88] thuộc về Sơ thiền.

- Parittabhā: Thiếu quang thiên[89], Appamānābhā: Vô lượng quang thiên[90], Abhassarā: Quang âm thiên[91] thuộc về Nhị thiền.

- Parittasubhā: Thiếu tịnh thiên[92], Appamāṇasubhā: Vô lượng tịnh thiên[93], Subhakiṇhā: Biến tịnh thiên[94] thuộc về Tam thiền.

- Vehapphalā: Quán quả thiên[95], Asaññisatta: Vô tưởng thiên[96], Avihā: Vô phiền thiên[97], Atappā: Vô nhiệt thiên[98], Sudassa: Thiện hiện thiên[99], Sudassī: Thiện kiến thiên[100], Akaniṭṭhà: Vô thiển thiên[101] thuộc về Tứ thiền.

Từ số 12 đến số 16 là Suddhāvāsabhūmi nhưng cũng liệt vào tứ thiền (cõi mà các bậc Ana-hàm trú ngụ).

Arūpābhūmi: vô sắc vực có 4 là: Ākāsānañcāyatā: Không vô biên thiền, Viññānañcāyatana: Thức vô biên thiền, Ākiñcaññayatana: Vô hữu sở thiền, Nevasaññānāsaññāyatana: Phi phi tưởng thiền.

Cộng tất cả là: Apāyabhūmi: Khổ vực 4 + Kāmāsujatibhūmi: Hạnh phúc dục vực 7 + Rūpāvacarabhūmi: Phạm thiên trãi đi trong sắc vực 16 + Arūpābhūmi: Phạm thiên trãi đi trong vô sắc vực 4 = tổng cộng thành 31 vực.

Trong 31 vực có thánh nhân sinh chăng? Hay là chỉ có phàm nhân mà thôi? Có Pāli trong Vi diệu pháp đáp rằng:

Puthujanā na labhanti

Suddhavāsesu sabbathā

Sotāpannā ca sakidā

Gāmino cāpi puggalā

Ariyā no palabbhanti

Asaññāpāyabhumisu

Sesaṭṭhānesu labbhanti ariyānariyāpi

Phàm nhân 1, Đức Tu-đà-huờn 1, Đức Tư-đà-hàm 1; cả 3 hạng người này hằng không sinh trong Suddhāvāsabhūmi (ngũ tịnh phạm vực). Tám bậc thánh nhân cũng không sinh trong vô tưởng chúng sinh vực (Asaññīsatvābhūmi) và trong 4 Apāyabhūmi (khổ vực). Cả đức Thánh nhân và không phải bậc Thánh nhân hằng sinh trong 21 vực còn lại.

Trong Vi diệu pháp Pāli trang số 26 có đề cập đến sự tái sanh như vầy: Apāyapatisandhi kāmasugatipaṭisandhi rūpāvacarapaṭisandhi arūpavacarapaṭisandhi ceti catubbidhā paṭisandhi nāma. Tatha akusalavit vipākapekkhāsahagata santīranaṃ apāyabhūmiyaṃ okantikkhanepatisandhi hutvā tato paraṃ bhavaṇgaṃ hutvā bhagaṇgapariyosāne cavanaṃ hutvā vocehijjhati ayamekā apāyapaṭisaṇdhi nāma.

Tái sinh có 4 là: apāyapatisaṇdhi: tái sinh trong khổ vực, kāmasugatipaṭisaṇdhi: tái sinh trong hạnh phúc dục vực, rūpāvacarapatisaṇdhi: tái sinh trong sắc vực, arūpāvacarapatisaṇdhi: tái sinh trong vô sắc vực.

Trong 4 loại ấy, tâm là akusalavipāka upekkhāsantīraṇa (quả của tâm xả tìm tòi, tái sinh). Trong lúc chưa xuống khổ vực, tiếp theo đó là trong nơi cuối, tiềm thức (bhaganga) là javana (tốc lực) sinh rồi diệt. Đấy liệt vào apāyapatisaṇdhi (khổ vực tái sinh). Tâm xả của thiện quả tìm tòi hằng sinh trong dục hạnh phúc vực, tức là cõi người, là người bệnh tật như mù (từ khi sinh). Trong Tứ đại thiên vương vực, dành cho hạng Atūla như chư Thiên, do sự tái sinh, tiềm thức tử rồi diệt.

Tiếng pātisaṇdhi trong Vi diệu pháp mong mỏi đến tâm cho chúng sinh sanh và chia theo 4 vực như vầy:

- Apayapatisaṇdhi là tâm cho sanh trong khổ vực, tâm này là ác quả xả tìm tòi. - Kāmasugaṭipaṭisaṇdhi là tâm cho thụ sinh trong hạnh phúc dục vực, tâm ấy là kusalavipāka upekkhāsantīraṇa (thiện quả tâm xả tìm tòi và mahāvipāka 8 tâm đại quả thành 9 tâm).

- Rūpāvacarapatisaṇdhi là 5 tâm cho thụ sinh trong 16 Sắc giới. Đây là Rūpāvacaravipāka (5 quả tâm trải đi trong Sắc giới).

- Arūpāvacarapatisaṇdhi là 4 làm cho thụ sinh trong Arùpabrahma (vô sắc Phạm thiên vực) 4 tâm là Arūpāvacaravipāka (vô sắc quả tâm trải đi trong Vô sắc giới).

Tổng cộng thành 19 tâm là: Apāyapatisaṇdhi: tâm tái sinh trong khổ cảnh 1 + Kāmasugatipaṭisaṇdhi: tâm tái sinh trong hạnh phúc dục vực 9 + Rūpāvacarapatisaṇdhi: tâm tái sinh trong Sắc giới 5 + Arūpāvacarapatisaṇdhi: tâm tái sinh trong Vô sắc giới 4 = tổng cộng thành: 19.

Khi đã giải về paṭisaṇdhi (tái sinh) rồi trong Vi diệu pháp có thuyết về tuổi thọ của chúng sinh trong các vực, như vầy: Tesu catunnaṃ apāyānaṃ manussānaṃ vinipātikāsurānañca āyuppamāṇagaṇanāya niyamo natthi ‒ Trong chúng sinh gồm có tâm tái sinh như đã giải dành cho 4 chúng sinh trong khổ vực, người và thú không xác định tuổi thọ.

Tuổi trong hạng khổ vực và người không quyết định chắc được sự chết. Có loại sống lâu, hay chết non. Nghiệp là chủ, nghĩa là còn nghiệp đến đâu thì chúng sinh còn sống chịu quả của nghiệp đến đó. Có hạng thụ quả của nghiệp 7 ngày, vừa hết nghiệp thì chết (như nàng Mallikā hoàng hậu). Có hạng thụ quả của nghiệp dữ đến trọn a-tăng-kỳ kiếp (như Đề Bà Đạt Đa).

Có Pāli như vầy: Yo cīraṃ jīvati so vassasataṃ jīvati appaṃ va bhiyyo vā duṭiyampi vassasataṃ na pāpuṇati ‒ Người nào trường thọ, người ấy sống được 100 năm hoặc ít hơn 100 năm, nhưng không đến 200 năm, như vậy. Câu ấy cho biết rằng không có sự quyết định cái chết rằng: người đến tuổi chừng ấy phải chết.

Cātummahārājikānaṃ pana devanaṃ nibbāni pañcavassasatāni āyuppamānam manussagananāya navutivassasatasahassappamānaṃ hoti. Tato catuguṇaṃ tāvatinsānaṃ. Tato catuguṇaṃ yāmānaṃ. Tato catuguṇaṃ tusitānaṃ. Tato catuguṇaṃ nimmānaratinaṃ. Tato catuguṇaṃ paranimmitavasavatinaṃ navasataṇcekavīsa vassānaṃ kotiyo tathā vassasatasahassāni satthiñca vasāvattisu (Pāli Vi diệu pháp).

Về Chư thiên cõi Tứ đại thiên vương có 500 tuổi. Nếu đếm theo tuổi người là 9.000.000 năm (chín triệu năm). Về Chư thiên cõi Đạo Lợi, nhơn với 4: 9.000.000 x 4 = 36.000.000. Về Chư thiên cõi Dạ Ma là: 36.000.000 x 4 = 144.000.000. Về Chư thiên cõi Đâu Suất Đà là: 144.000.000 x 4 = 576.000.000. Về Chư thiên cõi Hóa Lạc thiên là: 576.000.000 x 4 = 2.304.000.000. Về Chư thiên cõi Tha Hóa Tự Tại là: 2.304.000.000 x 4 = 9.216.000.000. Theo thứ tự như vậy.

Trong Vi diệu pháp chú giải có thuyết rằng: 50 năm ở cõi người bằng 1 ngày một đêm ở cõi Tứ Đại Thiên Vương. 1.500 năm = 1 tháng. 27.000 năm = 1 năm. 9.000.000 năm = 500 năm.

Đếm năm trời: cõi Tứ đại Thiên vương = 500 năm, Đạo Lợi thiên = 10.000 năm, Dạ Ma thiên = 20.000 năm, Đâu Xuất Đà thiên = 4.000 năm, Hóa Lạc Thiên = 8.000 năm, Tha Hóa Tự Tại Thiên = 16.000 năm.

Tuổi trong hữu sắc Phạm thiên: Brahma parisajjā có tuổi 1 phần 3 của kiếp; Brahmapurahita: nửa kiếp; Mahābrahma: 1 kiếp; Parittabhā: 2 kiếp; Appamaṇābhā: 4 kiếp; Abhassarā: có thọ mệnh 8 kiếp; Parittasubhā: 16 kiếp; Appamaṇāsubhā: 32 kiếp; Subhakiṇhā: 64 kiếp; Vehapphalā: 300 kiếp; Asaññisatvā: 500 kiếp; Arihā: 1.000 kiếp; Atappā: 2.000 kiếp; Sudassā: 4.000 kiếp; Sudassī: 8.000 kiếp; Akanītthā: 16.000 kiếp; Ākāsānañcāyatana có thọ mệnh 21.000 kiếp; Viññānañcāyatana thọ mạng 40.000 kiếp;Ākiñcaññayatacathọmạng 60.000 kiếp; Nevasaññānāññayatana: 884.000 kiếp.

---

PHẦN KẾT LUẬN

Vấn đề nghiệp đã giải vừa thích đáng rồi. Đây là phần kết luận để chư độc giả được xét nghiệm cho vừa với sự phán đoán của mình.

Triết lý về “nghiệp” đây có xứng đáng đến sự tín ngưỡng chăng? Điều khuyên để tự mình xét ấy là căn bản của Phật giáo. Bởi Phật giáo dành phần cho ta chủ quyền ngẫm nghĩ kỹ càng vấn đề nghiệp bằng cách sáng trí rồi nhận thức theo chân lý, không cho kẻ khác chi phối trong sự quyết định.

Nghiệp là căn bản, là giai đoạn đầu tiên có quan hệ trọng yếu đến sự tồn tại của sinh mệnh. Nếu ta hiểu lầm và không tin tưởng thì là mối hại vô cùng nguy hiểm, khiến ta thực hành theo sở kiến ái dục rồi phải trầm luân khổ hãi.

Phật giáo dạy nghiệp hướng về nhân quả, căn cứ vào: “Có nhân tất có quả”; “Hết nhân cũng dứt quả” và biểu thị rằng: “Nghiệp tức là sự hành vi, động tác của chính mình nghĩa là không thừa nhận có kẻ khác xen vào trong sự tạo nghiệp của người. (Như những quan niệm có giảng chung để trong Thiên II và III).

Phật giáo cũng có phân nghiệp một cách tinh tế thành 12 thứ (xem Thiên IV).

Để điều tra cho thấy rằng: Nghiệp cho quả hiển nhiên. Ta hiểu được bằng cách thí dụ theo điều chế định, là có sự động tác tất có sự phản ứng tương phản nhau (xem Thiên V). Nên điều tra sự tác nghiệp xem: Ta căn cứ vào cái chi mới biết được thế nào là lành nên hành sao là dữ phải lánh? Điều này rất quan trọng. Vì thế thường, hay hành theo sự hiểu riêng của mình, nên chi đời mới băn khoăn, lo sợ mỗi ngày. Trong thiên VI có dạy, phải tra xét tìm tòi sự thật rằng nghiệp như thế này có hại đến mình chăng? Hoặc có hại đến kẻ khác chăng?

Sự tạo nghiệp trong các tôn giáo khác phần nhiều sai hẳn với luật nhân quả (xem thiên VII). Trong thiên VIII có chỉ dẫn rằng: người như thế nào cũng do là nghiệp, không phải vì dòng dõi huyết thống.

Phần đông mong tạo nghiệp lành, hy vọng được lên nhàn cảnh, không ai cầu xuống ác đạo. Nhưng có phương pháp nào hộ trợ, nâng đỡ cho chừa bỏ được nghiệp ác và chỉ tạo việc lành mãi mãi chăng? Đức Thế Tôn có thuyết về phương pháp đó trong thiên IX và X.

Chúng sinh hằng tìm hạnh phúc theo lòng băn khoăn, lo lắng mới chịu những phiền não khó khăn liên tiếp. Đức Chánh đẳng Chánh giác mới phát biểu sự tạo “4 nghiệp” như vầy: có nghiệp cho vui trong hiện tại song cho khổ tiếp theo; có nghiệp cho khổ trong hiện tại, cho khổ liên tiếp; có nghiệp cho khổ trong hiện tại, nhưng cho vui về sau; có nghiệp cho vui cả trong hiện tại và trong tương lai.

Nền tảng này là trọng yếu cho sự tạo nghiệp bằng nước tâm nhẫn nại, và từ bi để hưởng hạnh phúc về sau. (xem thiên XI và XII). Khi đã tạo nghiệp nào, nghiệp ấy sẽ cho quả đến ta. Nghiệp lành có danh rõ rệt là người tốt; nghiệp dữ cũng có danh rõ rệt là kẻ hạ tiện.

Quả của pháp và bất hợp pháp chẳng đồng. Ta phải chọn lấy bằng cách nào? Trong nơi cuối, giải về dây xích của nhân và quả cho hiểu rõ pháp xoay tròn trong nẻo luân hồi, gồm có tâm sở, vực (cõi tái sinh). Theo ý nghĩa đây mong rằng vấn đề “triết lý về nghiệp” sẽ đem lại nhiều lợi ích đến chư quý độc giả. Muốn tu dưỡng[102] và tiến hành vững bước trên đường giải thoát, điều cần thiết trước tiên, phải tin tưởng, đem lòng chắc đặt vào nghiệp là có sự ngưỡng mộ, kiên cố trong lý nhân quả[103] như thế mới mau đạt đến mục đích cứu cánh, thoát ly được sinh tử luân hồi, theo 12 năng lực dưới đây:

Sự tín ngưỡng thuyết nhân quả là phần đầu tiên của 12 năng lực là:

1. Saddhā jāto upasaṇkamati: Người có đức tin hằng vào tìm bậc trí tuệ.

2. Upasaṇkamitvā payirūpāsati: Đã vào tìm rồi hằng ngồi gần.

3. Payirūkāsanto sotaṃodahati: Khi được ngồi gần hằng lóng tai.

4. Ohitasoto dhammaṃ suṇāti: Đã lóng tai rồi hằng nghe pháp.

5. Sutvā dhammaṃ dhāreti: Nghe rồi hằng ghi nhớ pháp.

6. Dhatanaṃ dhammānaṃ upapararikkati: Khi đã ghi nhớ pháp rồi hằng xác định ý nghĩa.

7. Atthaṃ upaparikkhato nijjānaṃ khamanti: Khi đã xác định ý nghĩa rồi, các pháp hằng đáng đến sự điều tra.

8. Dhammanijjhānakkhantiyā dhantojāyatido: Sự điều tra pháp ấy, tâm thỏa mãn sẽ phát sinh.

9. Chanda jāte ussāhati: Khi đã phát sinh sự thỏa mãn thì chăm chỉ, cần mẫn.

10. Ussahitvā tulayati: Khi đã chuyên cần rồi hằng đắn đo cân nhắc.

11. Tulayitvā padahati: Đã cân nhắc rồi hằng cố gắng để đạt mục đích.

12. Pahitatto samāno kāyena ceva paramatthasaccaṃ sacchikaroti paññāya taṃ pativijjha passati: Khi đã cố gắng đạt mục đích rồi hằng làm cho thấy rõ pháp diệu đế bằng thân, hằng quán triệt, pháp diệu đế bằng trí tuệ.

‒ Dứt tác phẩm Triết lý về nghiệp (Pl.2518 ‒ Dl. 1974) ‒



[1] Quan điểm: căn cứ của kiến thức để nghiên cứu mọi vấn đề.

[2] Lái buôn.

[3] Trả nủa: làm nhục người ta để trừ lại điều người làm nhục mình.

[4] Lậu phiền não (āsavakilesa) phiền não lọt, chảy trong nẽo luân hồi.

[5] Xem trong Thập Độ quyển I.

[6] Hết phát nha: hết nảy mầm, mọc mộng.

[7] Thiển bạc: cạn và mỏng.

[8] Chân chánh: khi được nghe rồi có thể đè nén được năm pháp cái, được vui, sinh từ thiền định, và thông tuệ bằng sự thực hành được giải thoát.

[9] Ví như ngọn lửa và ánh sáng ngọn lửa (có ngọn lửa tất có ánh sáng).

[10] Vì có nhận đích xác, là pháp trong sạch.

[11] Vì đã thực hành theo sẽ đắc đạo quả.

[12] Trung dung: ở giữa, không thiên lệch.

[13] Chính xác: xác thực.

[14] Hủ lậu: quê mùa, không hợp thời.

[15] Bà-la-môn: bậc tu Phạm hạnh.

[16] Quẩn bách: bối rối

[17] Xem lễ bái Tam bảo (ân Đức Phật).

[18] Cắt ái: bất đắc dĩ phải cắt bỏ cái mình yêu thích.

[19] Trại: lều tranh.

[20] Trầm tỉnh: ngấm ngầm, lặng lẽ.

[21] Điều tra: tìm tòi, tra xét để biết rõ sự thực.

[22] Phiền não: khiến chúng sanh chìm đắm trong luân hồi.

[23] Quán triệt: đến nơi đến chốn.

[24] Tư thể: trạng thái của động tác biểu hiện ra bề ngoài như đứng ngồi.

[25] Đạo pháp: phép của đạo.

[26] Tẩy: rửa.

[27] Kiếng: gương soi.

[28] Bổ sung: thêm vào cho đủ.

[29] Tịnh giả: bậc yên lặng phiền não.

[30] Báo ứng: trả lại.

[31] Biến chất: thay đổi ra thứ khác.

[32] Tín hiệu: hiệu riêng để làm tin với nhau.

[33] Si nhân: người đần độn, ngu.

[34] Bất hợp pháp: không hợp với pháp luật.

[35] Phổ hệ: hệ thống một nhà, một họ có danh ai cũng biết.

[36] Trứ danh: ai cũng nghe danh.

[37] Viện dẫn: viện lấy cớ mà dẫn ra.

[38] Cảnh tượng: tình trạng phô bày ra trước mặt mình tức lục trần.

[39] Tuyệt đích: không còn gì hơn được.

[40] Tự mình cũng không khiển trách mình, bậc trí tuệ cũng không khiển trách mình; tiếng xấu đồn đãi, mê loạn trong khi chết, sẽ đọa trong ác đạo.

[41] Thuyết biện luận theo lý nhân quả của Phật giáo.

[42] Tức là Thập nhị duyên khởi.

[43] Kết liền với nhau.

[44] Kusalavitaka: Tâm suy về điều lành.

[45] Akusalavitaka: Tâm suy về điều ác.

[46] Tứ đại (upadāyarūpa): Xem trong Vi diệu pháp (sắc nương vào tứ đại).

[47] Lục nhập nội: tức là giác quan.

[48] Lục nhập ngoại: Cảnh tượng lục trần.

[49] Vô minh thụy miên: phiền não ngũ ngầm trong tâm.

[50] Dục lậu phiền não: kāmāsava: lậu phiền não trong cõi dục.

[51] Tà kiến lậu phiền não: ditthāsava.

[52] Hữu lậu phiền não: bhavāsava.

[53] Thưởng thức: thưởng ngắm mà biết cái hay, cái đẹp.

[54] Cận thời phân.

[55] Vattadhamma: pháp xoay.

[56] Cắt nghĩa làm tan sự nghi ngờ, hoặc hiểu lầm.

[57] Khối: nhiều vật nhiều cái un đúc lại làm một.

[58] Indriya: căn hoặc gốc.

[59] Gati: cõi mà chúng sinh phải tái sinh sẽ giải rõ phía sau.

[60] Ý hướng về cảnh

[61] Ý thức hướng về cảnh và hiểu rõ cảnh. Tiếng dhātu dịch là nâng đỡ đặc tính của nơi ẩn núp và tứ đại.

[62] Năm quả hành trong Sắc giới.

[63] Phước tạo trong Sắc giới.

[64] Thiện trong Sắc giới.

[65] Thiện trải đi trong cõi dục.

[66] Là ý hướng về cảnh đối tượng và biết rõ rồi hành theo, dhātu: nâng đỡ ý thức

[67] Ahetuka manoviññāna: vô nhân

[68] Thiện trải đi trong Dục giới vô nhân thức.

[69] Gati: là nơi mà chúng sinh phải tái sinh.

[70] Xin xen phần tâm trải đi trong sắc vực – chương XVIII.

[71] Xin xen phần tâm trải đi trong sắc vực – chương XVIII.

[72] Thái sắc: hình dáng bề ngoài của sự vật được biểu hiện ra một cách rõ ràng xác thực.

[73] Tội nhân nằm trên miếng sắt lửa cháy: hai tay hai chân và ngực bị đóng đinh lửa.

[74] Trạng thái của động tác biểu hiện ra bề ngoài như đi, đứng…

[75] Xin nhớ rằng lục nhập nội tức là giác quan.

[76] 89 Tâm là: akusalacitta: ác tâm 12 + ahetukacitta: vô nhân tâm 18 + kāmāvacaracitta: tâm trải đi trong dục giới 24 + rūpāvacaracitta: tâm trải đi trong Sắc giới 15 + arūpāvacaracitta: tâm trải đi trong vô Sắc giới 12 + lokuttaracitta: thánh tâm 08. Cộng thành 89.

[77] Bản năng: tính tự nhiên của người từ lúc mới sinh ra.

[78] Lý tính: năng lực suy nghĩ và phán đoán do thế lực ba tướng (vô thường, khổ não, vô ngã).

[79] Thể tự (rūpāsabda): hình thể của chữ.

[80] Chỗ ngụ của 4 Đại Thiên Vương.

[81] Chỗ sinh, chỗ ngụ của 33 người đã tạo phước chung cùng nhau.

[82] Hạng có đầy đủ hạnh phúc.

[83] Hạng vui mừng hớn hở.

[84] Biến hóa theo mong muốn.

[85] Chư thiên khác biến hóa theo sở thích.

[86] Phạm thiên tầng này là hộ tống của đại Phạm thiên.

[87] Phạm thiên tầng này là cố vấn của đại Phạm thiên.

[88] Đại phạm thiên có sắc đẹp và trường thọ.

[89] Có hào quang ít.

[90] Có hào quang vô lượng.

[91] Có hào quang tía ra như ngọn lửa.

[92] Có sự tốt đẹp ít.

[93] Có sự tốt đẹp vô lượng.

[94] Có sự tốt đẹp do nhiều hào quang, như tia sáng của vàng ròng mênh mông.

[95] Có quả.

[96] Không tư tưởng.

[97] Không tiêu tan hạnh phúc của mình.

[98] Không làm cho người nào nóng nảy.

[99] Có sắc đẹp cực kỳ.

[100] Có kiến thức chân chánh tốt đẹp.

[101] Có đầy đủ tín ngưỡng và tài sản.

[102] Tu dưỡng: dùng công phu mà trau dồi tâm tánh.

[103] Lý nhân quả: ta phải tin nhân, tin quả, tin nghiệp là của mình, tin sự giác ngộ của Phật.

 


[MỤC LỤC TÁC GIẢ][MỤC LỤC CHÍNH]