NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)
QUYỂN 1
TAM BẢO
(Ratanattaya)
CHƯƠNG I
BA NGÔI CAO CẢ
(TIYAGGA)
45 Hạ (Vassa) của Đức-Phật Gotama
Theo lệ thường, Chư Phật không ở một nơi nào suốt trong thời gian lâu, chỉ khi
nào đến mùa an cư nhập hạ, khi ấy, Chư Phật mới ở một nơi suốt
ba tháng đầu mùa
mưa (vassa) (1) (kể từ ngày 16 tháng 6 đến ngày 16 tháng
9) theo truyền thống của Chư Phật.
Từ khi Đức-Phật Gotama
xuất hiện trên thế gian cho
đến khi tịch diệt Niết-bàn, Đức-Phật chỉ có
45 hạ mà thôi.
Theo thông lệ, Đức-Phật thường du hành khắp mọi nơi, thuyết pháp tế độ cho những
chúng-sinh có duyên
lành nên tế độ, trong khoảng thời gian mau hoặc lâu tùy duyên. Nhưng đến mùa an
cư nhập hạ, Đức-Phật cùng chư tỳ-khưu-Tăng ở một nơi nào đó suốt ba tháng đầu
trong mùa mưa.
Khi mãn hạ, Đức-Phật cùng chư tỳ-khưu-Tăng du hành đến những nơi khác để thuyết
pháp tế độ chúng- sinh có duyên lành nên tế độ.
Tuần tự 45 hạ của Đức-Phật
Tóm lược những điểm đặc biệt mỗi hạ của Đức-Phật:
1- Hạ đầu tiên: Sau khi thuyết
bài kinh Chuyển-Pháp-Luân (Dhammacakkappavattanasutta) lần đầu tiên vào ngày rằm tháng 6 để tế
độ nhóm 5 tỳ-khưu, chỉ có Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña chứng ngộ chân-lý tứ
Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành
bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama. Ngài
Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña là
bậc Thánh Thanh- văn đệ-tử cũng là
vị tỳ-khưu
đầu tiên trong giáo-pháp của
Đức-Phật Gotama.
Ngay khi ấy, Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo trọn vẹn xuất
hiện đầu tiên trên thế gian.
Ngày 16 tháng 6, ngày bắt đầu vào bốn tháng mùa mưa,
Đức-Phật Gotama cùng với
nhóm năm tỳ-khưu an cư nhập hạ thứ nhất tại vườn phóng sinh nai gọi là
Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī suốt ba tháng, cho đến ngày 16 tháng 9 mới
mãn hạ.
Vào những ngày đầu an cư nhập hạ từ ngày 16 tháng 6 cho đến ngày 19 tháng 6,
theo tuần tự mỗi ngày:
- Ngày 16 tháng 6,
Ngài Trưởng-lão Vappa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng
đắc Nhập-lưu Thánh,
Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành
bậc Thánh Nhập-lưu, rồi kính xin
Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu.
Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu”.
Cũng như vậy, ngày 17 tháng 6,
Ngài Trưởng-lão Bhaddiya trở thành bậc Thánh
Nhập-lưu, rồi kính xin Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu.
- Ngày 18 tháng 6,
Ngài Trưởng-lão Mahānāma trở thành
bậc Thánh Nhập-lưu, rồi
kính xin Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu.
- Ngày 19 tháng 6,
Ngài Trưởng-lão Assaji chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế,
chứng
đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành
bậc Thánh
Nhập-lưu, rồi kính xin Đức-Phật cho phép thọ tỳ-khưu.
Đức-Phật đều cho phép thọ tỳ-khưu theo cách gọi “Ehi Bhikkhu”.
- Ngày 20 tháng 6, Đức-Phật thuyết giảng bài
kinh Anattalakkhaṇasutta: Kinh
Trạng-Thái-Vô-Ngã, để tế độ nhóm năm tỳ-khưu, tất cả đều chứng đắc từ
Nhất-lai
Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, Niết-bàn, Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả,
Niết-bàn, A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành
bậc Thánh
A-ra-hán.
Như vậy, năm vị Thánh A-ra-hán thanh-văn đệ-tử của
Đức-Phật Gotama đầu tiên xuất
hiện trên cõi người, trong những ngày đầu mùa hạ.
Sau đó, Đức-Phật thuyết pháp tế độ
công-tử Yasa cùng với 54 người bạn của
công-tử đều trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi xuất gia trở thành tỳ-khưu, thêm
55 vị Thánh A-ra-hán thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.
Sau khi mãn hạ, Đức-Phật và 60 vị Thánh A-ra-hán, mỗi Vị đi một con đường, để
thuyết pháp tế độ chúng-sinh có duyên lành nên tế độ.
2- Hạ thứ nhì:
Đức-Phật
cùng với 20.000 chư Đại- đức tỳ-khưu-Tăng an cư nhập hạ
tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha. Sau khi mãn hạ, Đức-Phật cùng
chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng du hành khắp mọi nơi thuyết pháp tế độ chúng-sinh.
3-4 Hạ thứ ba và thứ tư:
Đức-Phật
ngự du hành khắp mọi nơi để thuyết pháp tế độ
chúng-sinh có duyên lành nên tế độ. Đến mùa mưa Đức-Phật trở lại an cư nhập hạ
thứ ba và thứ tư cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng tại ngôi chùa Veḷuvana, gần
kinh-thành Rājagaha.
5- Hạ thứ năm:
Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng an cư nhập hạ tại
giảng đường Kuṭāgāra, trong khu rừng lớn gần kinh-thành Vesālī.
Khi ấy, bà Mahāpajāpatigotamī cùng
500 người nữ dòng Sakya tự cạo đầu mặc y
giống như bậc xuất-gia, đi chân không từ kinh-thành Kapilavatthu đến kinh-thành
Vesālī, đứng khóc trước cổng giảng đường Kuṭāgāra vì tủi thân do Đức-Phật chưa
cho phép người nữ xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni trong giáo-pháp của Đức-Phật.
Ngài Trưởng-lão Ānanda gặp
bá-mẫu Mahāpajāpatigotamī mới hiểu rõ ý nguyện của
bà, nên vào hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, xin Ngài cho phép người nữ được xuất gia
trở thành tỳ-khưu-ni. Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
Nếu nhũ-mẫu Mahāpajāpatigotamī chấp thuận
tám trọng-pháp (garudhamma) thì đó là
sự xuất-gia trở thành tỳ-khưu-ni của nhũ-mẫu.
Ngài Trưởng-lão Ānanda trở ra thưa lại cho
bá mẫu
Mahāpajāpatigotamī rõ tám trọng-pháp ấy. Bà vô cùng hoan-hỷ chấp thuận tám
trọng-pháp ấy và nghiêm chỉnh thực hành đầy đủ trọn vẹn cho đến suốt đời.
Đó là sự xuất-gia trở thành tỳ-khưu-ni của bà Mahāpajāpatigotamī, còn 500 người
nữ dòng Sakya xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni lần đầu tiên do tỳ-khưu- Tăng
hành-tăng-sự theo cách tụng ñatticatutthakam- mavācā (từ đó về sau, xuất-gia trở
thành tỳ-khưu-ni theo cách Aṭṭhavācīkūpasampadā do Tăng hai phái: tỳ-khưu-
ni-tăng trước và tỳ-khưu-tăng sau).
Như vậy, tỳ-khưu-ni-tăng xuất hiện trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama bắt đầu
từ hạ thứ năm của Đức- Phật, tại giảng đường Kuṭāgāra, trong khu rừng lớn gần
kinh-thành Vesālī.
6- Hạ thứ sáu:
Đức-Phật
cùng với chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng an cư nhập hạ tại núi
Makula trong đất nước Magadha.
Một sự việc xảy ra, ông
phú hộ Rājagaha có một gốc cây trầm đỏ rất quý giá, ông
cho thợ tiện một cái bát rồi treo trên một cây cao và thông báo rằng:
“Trong đời này, nếu có vị nào là bậc Thánh A-ra-hán có thần-thông thì xin vị ấy
bay lên lấy cái bát trầm này, tôi sẽ phát sinh đức-tin nơi vị ấy.”
Sáu nhóm ngoại đạo thường tự cho mình là bậc A-ra- hán có nhiều thần-thông, đều
đến xin ông phú hộ dâng cái bát trầm ấy, nhưng ông phú hộ thưa rằng:
“Nếu Ngài là bậc A-ra-hán có thần-thông thì xin Ngài bay lên lấy cái bát trầm
xuống đây.”
Đã sáu ngày qua, không có một vị nào bay lên lấy cái bát trầm ấy được, nên dân
chúng trong thành Rājagaha thầm nghĩ rằng:
Trong đời này không có bậc Thánh A-ra-hán chăng?
Đến ngày thứ 7, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna
và Ngài Trưởng-lão
Piṇḍolabhāradvāja đi vào khất thực trong kinh-thành Rājagaha. Khi nghe tin như
vậy, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna bảo
Ngài Trưởng-lão Piṇḍolabhāradvāja
bay lên lấy cái bát trầm, để đem lại đức-tin cho mọi người.
Ngài Trưởng-lão Piṇḍolabhāradvāja dùng phép thần-thông bay lên lấy cái bát trầm
ấy, rồi bay ba vòng quanh kinh-thành Rājagaha, rồi đáp nhẹ xuống ngôi nhà ông
phú hộ. Ông phú hộ phát sinh đức-tin trong sạch, thỉnh
Ngài Trưởng-lão vào lâu
đài, ngồi trên chỗ cao quý, rồi đảnh lễ Ngài Trưởng-lão và đón nhận cái bát,
cúng dường vật thực dâng lên Ngài Trưởng-lão.
Ngài Trưởng-lão Piṇḍolabhāradvāja trở về chùa, có số đông dân chúng chưa được
tận mắt nhìn thấy Ngài Trưởng-lão biểu diễn thần thông, nên họ kéo nhau đến tìm
Ngài Trưởng-lão, kính xin Ngài Trưởng-lão biểu diễn thần-thông cho họ xem.
Khi ấy, Đức-Phật biết sự việc xảy ra, nên hội họp chư tỳ-khưu-Tăng lại, rồi
Đức-Phật quở trách
Ngài Trưởng-lão Piṇḍolabhāradvāja rằng:
- Này Piṇḍolabhāradvāja! Chỉ có cái bát trầm này mà con biểu diễn thần-thông cho
người tại gia xem. Đó không phải là phận sự của Sa-môn, không làm phát sinh
đức-tin đối với người chưa có đức-tin.
Đó là nguyên nhân đầu tiên, Đức-Phật chế định cấm tỳ-khưu không được biểu diễn
phép thần-thông cho người tại gia xem. Tỳ-khưu nào biểu diễn phép thần- thông,
tỳ-khưu ấy phạm giới dukkaṭa (hành không tốt).
Sau đó, Đức-Phật truyền dạy đập bể cái bát trầm ra từng mảnh nhỏ, tán mịn làm
thuốc nhỏ mắt cho tỳ-khưu đau mắt.
7- Hạ thứ bảy: Đức-Phật ngự lên cung trời
cõi Tam- thập-tam-thiên để an cư nhập
hạ suốt 3 tháng (2) trong mùa mưa, thuyết giảng
Abhidhammapiṭaka (Tạng Vi-
Diệu-Pháp) gồm có 7 bộ lớn:
Bộ Dhammasaṅgaṇī, bộ Vibhaṅga, bộ Dhatukathā, bộ
Puggalapaññatti, bộ Kathāvatthu, bộ Yamaka và bộ Paṭṭhāna, để tế độ
Phật-Mẫu
(kiếp hiện-tại là vị thiên-nam Santussita từ cõi trời
Đâu-suất-đà-thiên hiện xuống).
Vị thiên-nam Santussita chứng ngộ
chân-lý tứ Thánh- đế, chứng đắc
Nhập-lưu
Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh- quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, cùng với
800 ngàn triệu (800 tỷ) chư-thiên, phạm-thiên trở thành
bậc Thánh thấp hoặc cao
tùy theo ba-la-mật của mỗi vị.
Vào ngày 16 tháng 9, Đức-Phật từ cõi trời Tam-thập-Tam-thiên trở về cõi người,
tại cổng thành xứ Saṅkassa, chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, chư tỳ-khưu-ni-Tăng, cận-
sự-nam, cận-sự-nữ đông đảo đón rước Đức-Phật.
8- Hạ thứ tám:
Đức-Phật cùng với
chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng an cư nhập hạ tại
ngôi chùa trong khu rừng Bhesakaḷavana vùng Bhaggajanapada, để tế độ dân chúng
làng Susumāragira.
9- Hạ thứ chín:
Đức-Phật
cùng với chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng an cư nhập hạ tại
ngôi chùa Ghositārāma gần kinh-thành Kosambi.
10- Hạ thứ mười: Hai nhóm tỳ-khưu xứ Kosambi cãi
cọ nhau, Đức-Phật khuyên giải nhưng họ không chịu nghe lời, nên
Đức-Phật ngự vào
khu rừng Pālileyyaka an cư nhập hạ một mình, suốt 3 tháng mùa mưa.
Khu rừng Pālileyyaka ở khoảng giữa kinh-thành Kosambi và kinh-thành Sāvatthi.
11- Hạ thứ mười một: Đức-Phật ngự đến tỉnh lỵ Dakkhiṇagiri cùng với chư Đại-đức
tỳ-khưu-Tăng, rồi an cư nhập hạ tại
ngôi chùa Dakkhiṇagiri, gần xóm nhà Bà-
la-môn Ekanāḷa để tế độ ông Bà-la-môn Kasibhāradvāja xuất gia trở thành tỳ-khưu,
rồi tỳ-khưu Kasibhāradvāja thực hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng đắc thành
bậc Thánh A-ra-hán.
12- Hạ thứ mười hai:
Đức-Phật
cùng với chư
Đại- đức tỳ-khưu-Tăng
an cư nhập hạ
tại xứ
Verañjā theo lời thỉnh mời của ông Bà-la-môn Verañjā.
Trong thời ấy, xứ Verañjā gặp phải hạn hán mất mùa, nạn đói phát sinh, dân chúng
bị chết đói rất đông, bởi vì, thiếu thốn vật thực, cho nên, chư tỳ-khưu đi khất
thực không được vật thực.
Đoàn người lái buôn từ xứ Uttarāpatha cùng với 500 cỗ xe ngựa vừa đến xứ Verañjā
gặp mùa mưa, nên đành phải trú lại. Họ nhìn thấy chư tỳ-khưu đi khất thực, nhưng
không được gì, nên họ làm phước-thiện bố-thí cúng dường lúa là phần vật thực để
nuôi ngựa, giã thành gạo đỏ đem nấu cơm, mỗi ngày dâng cúng dường đến Đức-Phật
cùng chư tỳ-khưu.
Đặc biệt dâng cúng dường
Ngài Trưởng-lão Ānanda
những món bơ, mật ong, đường,
... để Ngài Trưởng-lão Ānanda
làm vật thực dâng cúng lên Đức-Phật.
Trong 3 tháng an cư nhập hạ ấy, Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng phải chịu
cảnh độ cơm nấu bằng
gạo đỏ (Đó là một trong những quả ác-nghiệp cũ của Đức-Phật còn dư sót chút
đỉnh, và cũng có ảnh hưởng đến chư tỳ-khưu gần gũi với Đức-Phật).
13- Hạ thứ mười ba:
Đức-Phật an cư nhập hạ tại một ngôi chùa trên núi Cāliya gần
xóm nhà Jantu, trong xứ Cāliya.
Từ hạ đầu tiên cho đến hạ thứ mười ba này, Đức-Phật chưa có một vị tỳ-khưu nào
là thị giả thường trực chăm sóc phục vụ Đức-Phật, khi thì vị tỳ-khưu này, khi
thì vị tỳ-khưu khác thay đổi nhau phục vụ Đức-Phật.
Trong mùa hạ này, vị
tỳ-khưu Meghiya là thị giả của Đức-Phật. Một hôm, vị
tỳ-khưu đi khất thực trong xóm Jantu, nhìn thấy ngoài vườn xoài bên bờ sông, một
cảnh đẹp thiên nhiên, yên tĩnh, đáng hài lòng, nên tỳ-khưu Meghiya muốn đến nơi
đó để thực hành pháp-hành-thiền.
Khi trở về, tỳ-khưu Meghiya vào hầu đảnh lễ Đức- Thế-Tôn, xin Đức-Thế-Tôn cho
phép đi đến nơi đó để thực hành pháp-hành-thiền theo ý muốn của mình.
Đức-Phật xem xét thấy chưa hợp thời, nên dạy rằng:
- Này Meghiya! Con nên chờ có một vị tỳ-khưu khác
đến thay thế, rồi con hãy đi.
Đức-Phật truyền bảo như vậy, tỳ-khưu Meghiya vẫn năn nỉ xin đi, Đức-Phật khuyên
dạy ba lần mà tỳ-khưu Meghiya không chịu nghe lời, biết ngăn không được, nên
Đức-Phật đành phải cho phép.
Tỳ-khưu Meghiya đảnh lễ Đức-Phật rồi ra đi, để Đức- Phật ở lại một mình trên núi
Cāliya.
Khi tỳ-khưu Meghiya đến vườn xoài ngồi thực hành pháp-hành-thiền, thì tâm
tà-tư-duy phát sinh làm cho tâm nóng nảy, bực bội nên không thể thực hành
pháp-hành thiền-định, cũng không thể thực hành pháp-hành thiền-tuệ, nên tỳ-khưu Meghiya trở về hầu đảnh lễ Đức-Thế- Tôn bạch rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, người xuất-gia với đức-tin trong sạch nơi Tam-Bảo, khi
tà-tư-duy, bất-thiện-pháp phát sinh làm trở ngại sự thực hành pháp-hành thiền-
định, pháp-hành thiền-tuệ.
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, có những pháp nào để diệt tà-tư-duy, để hỗ trợ cho
pháp-hành thiền-định, pháp- hành thiền-tuệ? Bạch Ngài.
Đức-Phật dạy rằng:
- Này Meghiya! Hành-giả chưa diệt được phiền-não trầm-luân thì cần phải có đủ
năm pháp:
1- Có bạn lành, bạn tốt.
2- Là người có giới-hạnh trong sạch, giữ gìn cẩn trọng trong giới-luật, giữ gìn
thân và khẩu trong sạch thanh- tịnh, đi lại nơi an toàn cho phạm-hạnh, thường
thấy tai họa lớn trong lỗi nhỏ.
3- Là người biết tri túc trong 4 thứ vật dụng hằng ngày.
4- Có tâm tinh-tấn
không ngừng diệt ác-pháp, làm
cho thiện-pháp phát sinh và tăng trưởng.
5- Có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự-sinh, sự-diệt của danh-pháp,
sắc-pháp dẫn đến sự diệt phiền-não trầm luân, giải thoát khổ.
Đó là năm pháp diệt tà-tư-duy, để hỗ trợ cho pháp- hành thiền-định, pháp-hành
thiền-tuệ dẫn đến giải thoát khổ tử sinh luân-hồi.
Tỳ-khưu Meghiya vâng lời dạy của Đức-Phật. Về sau không lâu, tỳ-khưu Meghiya
thực hành pháp-hành thiền- tuệ dẫn đến chứng ngộ
chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc
4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành
bậc Thánh A-ra-hán.
14- Hạ thứ mười bốn:
Đức-Phật
an cư nhập hạ tại ngôi chùa Jetavana của ông phú
hộ Anāthapiṇḍika, gần kinh-thành Sāvatthi. Trong mùa hạ này,
Sa-di Rāhula tròn
đủ 20 tuổi được nâng lên bậc tỳ-khưu, do Ngài Đại- Trưởng-lão Sāriputta là
Thầy
tế-độ (upajjhāya) và
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna là
Thầy tụng tuyên- ngôn
và thành-sự-ngôn (ācariya).
Đức-Phật biết rõ
tỳ-khưu Rāhula đã có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, nên
Đức-Phật dự định thuyết pháp tế độ tỳ-khưu Rāhula diệt tận được mọi phiền-não
trầm luân.
Hôm ấy, sau khi ngự đi khất thực trong kinh-thành Sāvatthi trở về, Đức-Phật
truyền dạy tỳ-khưu Rāhula đem tọa cụ (tấm vải lót ngồi) đi vào rừng ở phía Nam
kinh-thành Sāvatthi để nghỉ trưa.
Vô số chư-thiên, phạm-thiên cùng đi theo
tỳ-khưu Rāhula, do biết rằng
Đức-Thế-Tôn thuyết pháp tế độ tỳ- khưu Rāhula diệt tận mọi phiền-não trầm-luân.
Đức-Phật thuyết dạy bài kinh
Cūḷarāhulovādasutta:
Kinh dạy tỳ-khưu Rāhula trẻ.
Sau khi lắng nghe xong bài kinh, tỳ-khưu Rāhula chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế,
chứng đắc từ Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh- quả, Niết-bàn cho đến
A-ra-hán
Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não trầm- luân,
trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng cùng với tứ tuệ-phân-tích, lục thông.
Đồng thời trong khi ấy, vô số chư-thiên, phạm-thiên cũng trở thành
Thánh bậc cao
hoặc bậc thấp tùy theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ
(indriya): tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ
pháp-chủ của mỗi vị chư-thiên, phạm-thiên.
15- Hạ thứ mười lăm:
Đức-Phật
cùng với chư
Đại- đức tỳ-khưu-Tăng an cư nhập hạ
tại ngôi chùa
Nigrodhārāma gần kinh-thành Kapilavatthu. Đức-vua Mahānāma thuộc
dòng họ Sakya đã xây cất chỗ ở để dâng cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng có
Đức-Phật chủ trì.
Đức-Phật thuyết pháp giảng dạy về quả báu cao quý của phước-thiện bố-thí cúng
dường chỗ ở đến chư tỳ- khưu-Tăng.
16- Hạ thứ mười sáu:
Đức-Phật
tế độ được dạ-xoa Āḷavaka rất hung dữ hơn cả
Ác-ma-thiên. Dạ-xoa Āḷavaka chứng ngộ
chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc
Nhập-lưu
Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành
bậc Thánh Nhập-lưu.
Sau khi tế độ dạ-xoa Āḷavaka xong, Đức-Phật an cư nhập hạ tại ngôi tháp
Aggāḷava
trong xứ Āḷavī, để tế độ Đức-vua Āḷavaka cùng dân chúng trong xứ.
17- Hạ thứ mười bảy:
Đức-Phật cùng với chư
Đại- đức tỳ-khưu-Tăng an cư nhập hạ
tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha.
18-19- Hạ thứ mười tám và
mười chín:
Đức-Phật ngự đi thuyết pháp tế độ
chúng-sinh có duyên lành nên tế độ khắp mọi nơi. Khi gần đến mùa mưa, Đức-Phật
ngự đến ngôi chùa trên núi Cāliya gần xóm nhà Jantu trong xứ Cāliya an cư nhập
hạ suốt ba tháng trong mùa mưa.
20- Hạ thứ hai mươi:
Đức-Phật cùng với
chư Đại- đức tỳ-khưu-Tăng an cư nhập hạ
tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh-thành Rājagaha.
Từ hạ đầu tiên
đến
đầu hạ thứ hai mươi,
Đức-Phật
chưa có một vị tỳ-khưu nào làm thị giả thường trực để lo
chăm sóc phục vụ Đức-Phật; khi thì vị tỳ-khưu này, khi thì vị tỳ-khưu khác: các
vị tỳ-khưu như tỳ-khưu Nāgasamāla, tỳ-khưu Nāgita, tỳ-khưu Upavāṇa, tỳ-khưu
Sunakkhatta, tỳ-khưu Cunda, tỳ-khưu Sāgata, tỳ-khưu Meghiya, ... thay đổi nhau
làm phận sự phục vụ Đức- Phật, chưa có một vị tỳ-khưu nào gọi là
thị giả thường
trực ngày đêm lo chăm sóc Đức-Phật.
Đôi khi, Đức-Phật ngự đi khất thực một đường, vị tỳ- khưu ôm bát theo Đức-Phật
lại muốn đi con đường khác, nên để bát của Đức-Phật xuống đất rồi đi theo ý của
mình, hoặc đôi khi có vị tỳ-khưu đang phục vụ Đức-Phật thì xin đi thực hành
pháp-hành-thiền một nơi khác, chỉ còn lại một mình Đức-Phật mà không có vị
tỳ-khưu nào lo chăm sóc phục vụ cho Đức-Phật.
Trong mùa hạ này, một hôm,
Đức-Phật đang ngự tại
cốc Gandhakuṭi,
chư Đại-đức
tỳ-khưu-Tăng đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, rồi ngồi tụ hội xung quanh.
Đức-Phật
truyền dạy rằng:
- Này chư tỳ-khưu! Nay Như-Lai đã lớn tuổi rồi, các tỳ-khưu đến chăm sóc, phục
vụ Như-Lai, đôi khi Như-Lai đi khất thực một đường, vị tỳ-khưu ấy mang bát theo
Như-Lai lại muốn đi con đường khác, nên để bát của Như-Lai xuống đất rồi đi theo
ý của mình, ...
- Này chư tỳ-khưu! Các con nên chọn một vị tỳ-khưu làm thị giả thường trực ngày
đêm lo chăm sóc, phục vụ Như-Lai.
Khi lắng nghe Đức-Phật truyền dạy như vậy,
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đảnh lễ
Đức-Phật chắp hai tay bạch rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con xin được làm thị giả thường trực hằng ngày, hằng
đêm lo chăm sóc phục vụ Đức-Thế-Tôn.
Đức-Thế-Tôn không chấp thuận theo lời xin của
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Tiếp đến Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna bạch xin, Đức-Thế-Tôn cũng không
chấp thuận. Theo tuần tự các chư Đại-Thanh-văn đều xin, Đức-Thế-Tôn cũng không
chấp thuận một vị nào cả.
Ngài Trưởng-lão Ānanda làm thị giả thường trực
Duy chỉ còn Ngài Trưởng-lão Ānanda đang ngồi im lặng, chư Đại-đức tỳ-khưu động
viên khuyến khích Ngài Trưởng-lão Ānanda bạch xin làm thị giả thường trực hằng
ngày đêm lo chăm sóc phục vụ Đức-Thế-Tôn.
Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda đảnh lễ Đức-Thế- Tôn, chắp hai tay bạch rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con xin Đức-Thế-Tôn tám đặc ân, nếu Đức-Thế-Tôn ban cho
con đủ tám đặc ân ấy thì con sẽ xin làm thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc
phục vụ Đức-Thế-Tôn.
4 Đặc ân khước từ
1- Kính xin Đức-Thế-Tôn không ban cho con tấm y tốt mà Ngài có.
2- Kính xin Đức-Thế-Tôn không ban cho con vật thực ngon lành mà Ngài có.
3- Kính xin Đức-Thế-Tôn không ban cho con được ở
chung với Ngài trong cốc Gandhakuṭi.
4- Kính xin Đức-Thế-Tôn không cho con đi theo Ngài
đến nhà thí chủ mà họ thỉnh mời Ngài.
Đức-Phật truyền hỏi rằng:
- Này Ānanda! Con xét thấy bất lợi như thế nào mà con xin bốn đặc ân khước từ
như vậy?
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con muốn tránh những lời dèm pha của người khác cho
rằng:
“Con xin làm thị giả thường trực của Đức-Thế-Tôn để mong được y tốt, vật thực
ngon lành, ở chung với Đức-Thế-Tôn, được đi theo Đức-Thế-Tôn đến nhà thí chủ
thỉnh mời Ngài.”
Đức-Thế-Tôn chấp thuận theo bốn đặc ân khước từ ấy của Ngài Trưởng-lão Ānanda.
4 đặc-ân khẩn khoản
1- Kính xin Đức-Thế-Tôn ngự đến nơi mà con đã nhận lời thỉnh mời.
2- Kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép con dẫn các người từ các phương xa đến hầu
Ngài.
3- Kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép con được vào hầu Ngài, để hỏi những pháp mà con
chưa hiểu biết.
4- Đức-Thế-Tôn thuyết pháp nơi nào, khi con vắng mặt, kính xin Ngài thuyết lại
pháp ấy cho con nghe.
Đức-Phật truyền hỏi rằng:
- Này Ānanda! Con xét thấy những điều lợi ích như thế nào mà con xin bốn đặc-ân
khẩn khoản như vậy?
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
* Đặc-ân thứ nhất: Những người có đức-tin trong sạch nơi Tam-Bảo đến hầu thỉnh
Đức-Thế-Tôn mà không gặp được Ngài, thì cho phép con nhận lời thỉnh mời của họ.
Nếu Đức-Thế-Tôn không ngự đi đến nơi đó thì họ sẽ nghĩ rằng:
“Con là người thị giả thường trực của Đức-Thế-Tôn, vậy mà họ chỉ nhờ việc thỉnh
mời Đức-Thế-Tôn cũng không giúp cho họ được.”
* Đặc-ân thứ nhì: Những người từ các phương xa đến hầu Đức-Thế-Tôn, nếu họ không
có cơ hội hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn để nghe pháp thì họ sẽ nghĩ rằng:
“Chúng ta từ phương xa đến, có ý nguyện hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, nghe Ngài
thuyết pháp, nhưng vị tỳ-khưu thị giả của Đức-Thế-Tôn cũng không giúp cho chúng
ta được có cơ hội ấy.”
Như vậy, họ sẽ giảm đức-tin nơi Tam-Bảo.
* Đặc-ân thứ ba: Khi con nghe pháp của Đức-Thế- Tôn, có pháp nào chưa hiểu rõ,
con xin phép hỏi lại pháp ấy, Đức-Thế-Tôn giảng giải cho con được hiểu rõ, để
con được thuận lợi cho việc thực hành pháp-hành thiền-tuệ của con.
* Đặc-ân thứ tư: Có người hỏi con rằng:
“Bài kinh này, pháp này, tích tiền-kiếp này, ... Đức- Thế-Tôn giảng nơi nào, có
ý nghĩa như thế nào?”
Nếu con trả lời với họ rằng: “Tôi không biết” thì họ sẽ nghĩ rằng:
“Ngài Trưởng-lão Ānanda là thị giả của Đức-Thế- Tôn, vậy mà bài kinh ấy, pháp
ấy, tích tiền-kiếp ấy, ... cũng không biết.”
Cho nên, kính xin Đức-Thế-Tôn thuyết lại những pháp ấy cho con, để con có thế
trả lời cho họ hiểu rõ.
Sau khi nghe Ngài Trưởng-lão Ānanda giải thích sự lợi ích của mỗi đặc-ân, nên
Đức-Phật chấp thuận đủ tám đặc-ân của Ngài Trưởng-lão Ānanda.
Bắt đầu từ thời gian ấy,
Ngài Trưởng-lão Ānanda
chính thức là thị giả thường
trực ngày đêm lo chăm sóc phục vụ Đức-Thế-Tôn, cho đến lúc Đức-Thế-Tôn tịch diệt
Niết-bàn.
Sở dĩ, Ngài Trưởng-lão Ānanda được địa vị thị giả thường trực của
Đức-Phật
Gotama, là vì tiền-kiếp của
Ngài Trưởng-lão
đã từng phát nguyện muốn trở thành
một thị giả thường trực của Đức-Phật. Lời phát nguyện
trong tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão đã được
Đức-Phật Padumuttara thời quá-khứ
thọ ký và Ngài Trưởng-lão
cũng đã thực hành 10 pháp-hạnh ba-la-mật suốt 100 ngàn
đại-kiếp trái đất, để thành-tựu ý nguyện ấy.
21- 44- Hạ thứ hai mươi mốt đến
hạ thứ bốn mươi bốn
45 hạ của Đức-Phật chia ra hai thời-kỳ:
* Thời-kỳ đầu: Kể từ hạ đầu tiên đến hạ thứ 20, mỗi hạ Đức-Phật an cư nhập hạ
nơi nào, tế độ cho chúng- sinh nào được ghi chép lại rõ ràng.
* Thời-kỳ cuối: Kể từ hạ thứ 21 đến hạ thứ 44, Đức- Phật an cư nhập hạ một trong
hai ngôi chùa. Khi thì Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng an cư nhập hạ
tại ngôi chùa Jetavana, khi thì tại ngôi chùa Pubbārāma gần kinh-thành Sāvatthi.
Sau khi mãn hạ, Đức-Phật thường ngự đi thuyết pháp tế độ những chúng-sinh có
duyên lành nên tế độ dù gần, dù xa trong cõi người hoặc cõi trời dục-giới hoặc
cõi trời sắc-giới.
Khi đến gần mùa mưa, Đức-Phật trở lại kinh-thành Sāvatthi, an cư nhập hạ tại
ngôi chùa Jetavana hoặc tại ngôi chùa Pubbārāma, bởi vì,
Đức-vua Pasenadi Kosala
ở kinh-thành Sāvatthi là người có đức-tin trong sạch nơi Tam-Bảo, có tâm tôn
kính Đức-Phật, Đức-Pháp, chư tỳ- khưu-Tăng. Đặc biệt, có hai đại-thí-chủ là
ông
phú hộ Anāthapiṇḍika và
bà đại-thí-chủ Visākhā, trong nhà của hai đại-thí-chủ
này, hằng ngày luôn có sắp đặt sẵn 500 chỗ ngồi để đón rước chư Đại-đức
tỳ-khưu-Tăng đến khất thực.
Và phần đông dân chúng trong kinh-thành Sāvatthi là những người có đức-tin trong
sạch nơi Tam-Bảo, hoan-hỷ trong việc bố thí cúng dường bốn thứ vật dụng đến chư tỳ-khưu-Tăng.
Do đó, khi Đức-Phật an cư nhập hạ tại
ngôi chùa Jetavana hoặc tại
ngôi chùa
Pubbārāma, có số đông chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng cũng an cư nhập hạ tại một trong
hai ngôi chùa này và các nơi gần kinh-thành Sāvatthi, để chư tỳ-khưu có được
nhiều điều thuận lợi, nhất là bốn thứ vật dụng trong suốt mùa an cư nhập hạ, để
cho chư tỳ-khưu được thuận lợi thực hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành
thiền-tuệ được phát triển tốt.
45- Hạ thứ bốn mươi lăm: Hạ cuối cùng,
Đức-Phật an cư nhập hạ tại ngôi làng nhỏ
Veḷuvagāma, gần kinh- thành Vesālī, Đức-Phật cho phép chư Đại-đức tỳ-khưu nhập
hạ quanh làng gần Đức-Phật, để cho tiện việc đến tụ hội nghe lời giáo huấn của
Ngài. Bởi vì, Ngài biết rõ rằng chỉ còn khoảng 10 tháng nữa, Ngài sẽ tịch diệt
Niết-bàn.
Trong mùa an cư nhập hạ này, Đức-Phật lâm bệnh trầm trọng, tưởng chừng như sắp
tịch diệt Niết-bàn, nhưng Đức-Phật suy nghĩ rằng:
“Như-Lai chưa truyền dạy cho thị giả Ānanda, cùng chư tỳ-khưu Tăng biết, mà tịch
diệt Niết-bàn đó là điều không nên.”
Do đó, Đức-Phật cố nhẫn nại chịu đựng thọ khổ, rồi nhập A-ra-hán Thánh-quả. Nhờ
vậy, bệnh tình của Đức- Phật được thuyên giảm.
Sau khi khỏi bệnh được không lâu, Đức-Phật ngự ra khỏi cốc đến ngồi chỗ đã trải
sẵn, Ngài Trưởng-lão Ānanda đảnh lễ Đức-Thế-Tôn và bạch rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, nhìn thấy Đức-Thế-Tôn khỏi bệnh, con vui mừng hoan-hỷ
quá!
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, khi con thấy Đức-Thế-Tôn lâm bệnh trầm trọng, con có
cảm giác toàn thân nặng nề, tâm con tăm tối, mờ mịt không còn biết rõ phương
hướng, pháp-hành tứ niệm-xứ cũng không còn hiện rõ trong tâm con, bởi bệnh tình
trầm trọng của Đức-Thế- Tôn, nhưng có một điều mà con tự an ủi rằng:
“Đức-Thế-Tôn chưa truyền dạy lời di chúc cuối cùng đến chư tỳ-khưu-Tăng, thì có
lẽ Đức-Thế-Tôn chưa tịch diệt Niết-bàn.”
Khi ấy, Đức-Phật dạy rằng:
- Này Ānanda! Chư tỳ-khưu còn hy vọng gì nơi Như- Lai nữa? Chánh-pháp mà Như-Lai
đã thuyết giảng không hề phân biệt người thân bên trong, kẻ sơ bên ngoài,
Như-Lai không giống như các vị thầy khác, giấu các yếu pháp để chờ đến lúc trước
khi lâm chung mới truyền lại cho người học trò tín cẩn.
- Này Ānanda! Vị thầy nào nghĩ rằng:
“Ta là người lãnh đạo nhóm chư tỳ-khưu-Tăng, và nhóm chư tỳ-khưu-Tăng nương nhờ
nơi ta.”
Vị thầy ấy mới có lời di chúc cuối cùng đến nhóm chư tỳ-khưu-Tăng ấy.
- Này Ānanda! Như-Lai không nghĩ rằng:
“Như-Lai là người lãnh đạo nhóm chư tỳ-khưu-Tăng, và nhóm chư tỳ-khưu-Tăng nương
nhờ nơi Như-Lai.”
Như vậy, sao Như-Lai lại có lời di chúc cuối cùng đến chư tỳ-khưu-Tăng.
- Này Ānanda! Bây giờ Như-Lai đã đến thời lão niên, tuổi đã cao, đã 80 tuổi
(3)
rồi! Ví như chiếc xe cũ, sử dụng
được là phải nhờ sửa chữa như thế nào, thì sắc thân của Như-Lai cũng như thế ấy,
luôn luôn cần được sửa chữa bằng cách nhập A-ra-hán Thánh-quả.
- Này Ānanda! Khi nào Như-Lai nhập A-ra-hán Thánh- quả có đối tượng
Vô-hiện-tượng Niết-bàn, diệt được các pháp trong tam-giới, hưởng pháp vị an-lạc
Niết-bàn siêu-tam-giới, khi ấy Như-Lai mới thật sự được an-lạc.
* Cho nên, các con nên sống có ta
(4) làm hòn đảo (trong biển khổ), có ta làm
nơi nương nhờ, không nên sống nương nhờ nơi nào khác. Nghĩa là có chánh-pháp làm
hòn đảo, có chánh-pháp làm nơi nương nhờ, không nên sống nương nhờ nơi nào khác.
- Này Ānanda! Vì vậy, hiện-tại Như-Lai còn tại thế, cũng như trong thời vị-lai,
sau khi Như-Lai tịch diệt Niết-bàn, chư tỳ-khưu cũng là người sống có ta làm hòn
đảo, có ta làm nơi nương nhờ, không nên sống nương nhờ nơi nào khác. Nghĩa là
tỳ-khưu sống có chánh- pháp làm hòn đảo, có chánh-pháp làm nơi nương nhờ, không
nên sống nương nhờ nơi nào khác.
Tỳ-khưu ấy thực hành pháp-hành tứ niệm-xứ, sẽ là người cao thượng.
Đức-Phật an cư nhập hạ tại nơi đây suốt ba tháng, đây là hạ cuối cùng của
Đức-Phật.
(1)
Vassa nghĩa là mùa mưa có 4 tháng bắt
đầu từ ngày 16 tháng 6 cho đến ngày 16 tháng 10.
(2) 3 tháng ở cõi người, thời gian ở cõi trời
cõi Tam-thập-tam-thiên khoảng 3 phút 36 giây; bởi vì, 1 ngày 1 đêm ở cõi trời
này bằng 100 năm ở cõi người.
(3) 80 tuổi kể từ khi đầu thai vào lòng Phật
mẫu vào ngày rằm tháng sáu (âm lịch).
(4) Tasmātihānanda attadīpā viharatha
attasaraṇā anaññasaraṇā, dhammadīpā dhammasaraṇā anaññasaraṇā ...
Attā ở đây có nghĩa sabhāvadhammā, đó là tam-giới thiện-pháp và siêutam- giới
thiện-pháp.
Mục lục quyển 1 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | Phụ lục
Mục lục chính | Quyển 1 | Quyển 2 | Quyển 3 | Quyển 4 | Quyển 5 | Quyển 6 | Quyển 7 | Quyển 8 | Quyển 9 | Quyển 10