Buddhasāsana
Pāli Hàm Thụ
Tỳ
khưu Giác Giới
(Bodhisīla Bhikkhu)
Chùa Siêu Lý, Vĩnh
Long
PL. 2548 - TL. 2004
Xin lưu ý: Ðọc
với phông chữ Unicode Việt Phạn VU-Times |
-ooOoo-
CHƯƠNG VI
PHỨC HỢP NGỮ
(SAMĀSA)
Ðịnh nghĩa:
Phức hợp ngữ (samāsa) hay hợp thể ngữ là phép thu
ghép danh từ trong tiếng Pāli. Khi
hai hay nhiều từ ngữ có sự liên hệ văn phạm với nhau,
được phối hợp để rút gọn thành một đơn vị văn phạm. Ðó
gọi là phép phức hợp ngữ, hoặc nói cho dễ hiểu là phép
lập thành "danh từ ghép" trong tiếng Pāli vậy.
Thí dụ:
Seto haṭṭhī
=> setahatthī
(bạch tượng),
Kumbhaṃ kāro
=> kumbhakāro
(người thợ đồ gốm)
Phức hợp ngữ
luôn luôn phải có từ hai thành phần trở lên lập nên; mà
một trong những thành phần phải là danh từ (nāmanāma),
thành phần còn lại có thể là những danh từ hay tính từ
hoặc bất biến từ ... Một số phức hợp ngữ có thành phần
đầu là một danh từ hay tính từ phối hợp với thành phần
kia là một danh từ; lại có hình thức phức hợp ngữ khác
có thành phần đầu là một bất biến từ phối hợp với thành
phần kia là danh từ.
PHÂN LOẠI:
Phức hợp ngữ
trong tiếng Pāli có 6 loại:
1- Ðồng trạng
phức hợp ngữ. (Kammadhārayasamāsa).
2- Ðịnh số phức hợp ngữ. (Digusamāsa).
3- Tương thuộc phức hợp ngữ. (Tappurisasamāsa).
4- Hội tụ phức hợp ngữ. (Dvandasamāsa).
5- Bất biến thái phức hợp ngữ. (Avyayībhāvasamāsa).
6- Quan hệ phức hợp ngữ. (Bahubbīhisamāsa).
ÐỒNG TRẠNG PHỨC
HỢP NGỮ
(KAMMADHĀRAYASAMĀSA)
Khi hai tiếng
có cùng ngữ cách và đồng ngữ số, phối hợp với nhau để
thành một danh từ ghép, đó gọi là đồng trạng phức hợp
ngữ.
Thí dụ:
Dīgho maggo
= dīghamaggo (con đường
dài).
Nīco puriso = nīcapuriso (người lùn, người
thường).
Nīlaṃ uppalaṃ = nīluppalaṃ (hoa súng xanh).
Puṇṇā nadī = puṇṇanadī (sông ngập tràn).
Rattaṃ vatthaṃ = rattavatthaṃ (vải đỏ).
Seto hatthī = setahatthī (con bạch tượng)...
(Chú ý: Ở đây, hình thức biến cách của thành phần đầu bị
hủy bỏ).
Mặt khác, thành
phần đầu trong loại phức hợp ngữ này không những là tính
từ miêu tả, mà còn có thể là một tính từ riêng (tên họ
...).
Thí dụ:
Bimbisāro rājā = Bimbisārarājā
(vua
Bimbisāra).
Buddhaghoso ācariyo =
Buddhaghosācariya (vị Giáo
thọ sư Buddhaghosa).
Sāriputto thero = Sāriputtatthero (đức Trưởng lão
Sāriputta).
Sumedho paṇḍito = Sumedhapaṇḍito (Hiền trí
Sumedha) ...
Ở đây có vài
điểm xảy ra cũng đáng chú ý:
1. Tính từ "mahanta"
(lớn, to) khi là thành phần trong một phức hợp ngữ, thì
được đổi dạng là "mahā", nếu "mahā" đứng
kế một tiếng phụ âm; có thể trường âm cuối biến thành
đoản âm và phụ âm ấy được gấp đôi.
Thí dụ:
Mahantī
paṭhavī = mahāpathavī (quả
đất lớn).
Mahantaṃ phalaṃ = mahapphalaṃ (quả lớn).
Mahantaṃ balaṃ = mahabbalaṃ (thế lực lớn).
Mahantaṃ bhayaṃ =
mahabbhayaṃ
(sợ hãi lớn).
Mahanto muni = mahāmuni (bậc Ðại sĩ)...
2. Khi hai
thành phần của một phức hợp ngữ mang hình thức nữ tính,
thì thành phần đầu nếu là từ ngữ gốc vốn nam tính sẽ trở
lại hình thái ban đầu của nó.
Thí dụ:
Khattiyā
kumārī = khattiyakumārī
(thiếu nữ dòng Sát-đế-lỵ).
Dutiyā panti =
dutiyapanti
(hàng thứ hai, cấp hai).
Brāhmaṇi kaññā = brāhmaṇakaññā (cô gái
Bà-la-môn).
Nāgī māṇavikā = nāgamāṇavikā (long nữ, thiếu nữ
giống rồng)...
3. Trong một
phức hợp ngữ, thành phần danh từ định tính nếu ở vào
cách thể tỷ giảo (so sánh) thì được đặt ở cuối phức hợp
ngữ ấy.
Thí dụ:
Ādicco viya
Buddho = Buddhādicco
(đức Phật như mặt trời).
Nāgo viya Buddho = Buddhanāgo (đức Phật như long
tượng).
Cando viya mukho = mukhacando (mặt như vầng
trăng).
Sīho viya muni = munisīho (tu sĩ như sư tử)...
4. Có một hình
thức phức hợp ngữ khác xảy ra, cũng được kể vào loại
phức hợp ngữ này, đó là bất biến từ "na" phối hợp với
danh từ. Mặc dù phức hợp ngữ hình thức này có thành phần
đầu là một bất biến từ nhưng không kể vào loại "bất biến
thái phức hợp ngữ " (ayayībhāvasamāsa), vì loại
"bất biến thái phức hợp ngữ" tạo nên những trạng từ bất
biến cách, còn ở đây thì không.
"Na"
khi phối hợp với một danh từ có
phụ âm đứng đầu, thì nó sẽ được biến dạng thành "a";
còn nếu phối hợp với một danh từ mà có dẫn đầu là nguyên
âm, thì nó sẽ biến dạng thành "an".
Thí dụ:
Na manussa =
amanussa (không phải
người, phi nhân).
Na kusala = akusala (bất thiện, chẳng lành).
Na samaṇa = asamaṇa (phi sa môn).
Na ariya = anariya (phi thánh, hèn hạ).
Na āsava = anāsava (vô lậu, không bợn nhơ).
Na ittha = anittha (không thích hợp, không tốt).
Trường hợp trên
đây cũng có thể kể vào loại "tương thuộc phức hợp ngữ" (Tappurisasamāsa)
thuộc về ubhayatappurisa.
Toát yếu:
Ðồng trạng phức
hợp ngữ là loại phức hợp ngữ mà hai thành phần tạo nên
nó có đồng tính, đồng cách và đồng số; và thành phần đầu
thường là tính từ của thành phần sau.
Thành phần tính
từ ấy có thể là tính từ miêu tả, cũng có thể là tính từ
riêng (tên họ ...).
Tính từ
"mahanta" (to, lớn) thường biến thành "mahā"
khi là thành phần của một phức hợp ngữ; nó sẽ là "maha"
khi phụ âm đứng kề nó gấp đôi lên.
Mặt khác, nếu
thành phần đầu của một phức hợp ngữ nữ tính, nó vốn từ
gốc nam tính, thì sẽ trở lại hình thái nam tính của nó.
Trong một phức
hợp ngữ, từ ngữ ở thể tỷ giảo được đặt cuối phức hợp
ngữ.
Bất biến từ
"na" ghép hợp với một danh từ cũng lập nên một phức
hợp ngữ và cũng kể là loại phức hợp ngữ đồng trạng.
"na" sẽ biến thành "a" khi ghép hợp với từ
ngữ có tiếng phụ âm dẫn đầu. Sẽ biến thành "ana"
khi ghép hợp với từ ngữ có tiếng nguyên âm dẫn đầu. Về
dạng phức hợp ngữ này cũng có thể kể vào loại tương
thuộc phức hợp ngữ.
ÐỊNH SỐ PHỨC
HỢP NGỮ
(DIGUSAMĀSA)
Loại phức hợp
ngữ này cũng có thể xem là đồng loại với "phức hợp ngữ
đồng trạng", vì hai thành phần trong phức hợp ngữ loại
này cũng phải là đồng biến cách (vibhatti). Nhưng
đặc biệt ở loại này có thành phần đầu luôn luôn là những
"tính từ số đếm", nên mới được phân loại như vậy.
Vậy khi một
tính từ số lượng ghép hợp với một danh từ để tạo nên một
từ ngữ, đó gọi là Ðịnh số phức hợp ngữ.
Loại này có
hai cách:
1. Cách thu
dạng, gọi là "samāhāradigu", nghĩa là một định số
phức hợp ngữ luôn luôn mang hình thức số ít trung tính,
mặc dù chỉ số lượng số nhiều.
Thí dụ:
Dve aṅguliyo
= dvaṅgulaṃ : hai ngón
tay.
Tayo lokā = tilokaṃ : tam giới, ba cõi.
Catasso disā = catuddisaṃ : tứ phương.
Pañca sīlāni = pañcasīlaṃ : ngũ giới.
Satta ahāri = sattāhaṃ : bảy ngày, một tuần.
Sataṃ yojanāni = satayojanaṃ : 100 do tuần).
2. Cách không
thu dạng, gọi là "asamāhā-radigu", nghĩa là một
định số phức hợp không phải luôn luôn mang hình thức số
ít trung tính.
Thí dụ:
Tayo bhavā=
tibhāvā : tam hữu.
Pañca indriyāni = pañcindriyāni : ngũ quyền.
Eko puggalo =
ekapuggalo
: một hạng người
Toát yếu:
Ðịnh số phức
hợp ngữ là hình thức phức hợp ngữ có thành phần đầu là
một tính từ số đếm ghép hợp với thành phần sau là một
danh từ; và hai thành phần đó phải có đồng cách. Loại
này cũng được xem là cùng loại với đồng trạng phức hợp
ngữ. Ðịnh số phức hợp ngữ có hai cách là: thu dạng (samāhāra-digu),
và không thu dạng (asamāhāradigu).
TƯƠNG THUỘC
PHỨC HỢP NGỮ
(TAPPURISASAMĀSA)
Sự phối hợp
giữa hai thành phần danh từ liên hệ nhau mà bất đồng ngữ
cách gọi là tương thuộc phức hợp ngữ.
- Trong phức
hợp ngữ tương thuộc, thành phần đầu phải khác ngữ cách
với thành phần sau, và ở bất cứ ngữ cách nào ngoại trừ
chủ và hô cách.
- Tính và số
của phức hợp ngữ được định đoạt do thành phần cuối.
Tùy theo trường
hợp của thành phần đầu ở vào ngữ cách nào, mà tương
thuộc phức hợp ngữ được gọi tên theo loại ngữ cách đó.
Tương thuộc phức hợp ngữ được phân ra làm 6 thứ như sau:
1. Ðệ nhị
tương thuộc (dutiyatappurisa)
là hình thức phức hợp ngữ có thành phần đầu ở vào "đối
cách" (dutiyā vibhatti).
Thí dụ:
Kammaṃ kāro
= kammakāro: người làm
việc.
Kumbhaṃ kāro =
kumbhakāro:
người làm đồ gốm.
Ganthaṃ kāro = ganthakāro: tác giả sách.
Gāmaṃ gato = gāmagato: người đến làng
Tantaṃ vāyo = tantavāyo: thợ dệt.
Dhanuṃ gaho = dhanuggaho: người cung thủ
Dhammaṃ cārī =
dhammacārī
(người hành
pháp).
Pāpaṃ kārī = pāpakārī (người làm ác).
Sukhaṃ patto =
sukhapatto
(người đạt hạnh
phúc)...
2. Ðệ tam
tương thuộc (tatiyatappurisa):
là hình thức phức hợp ngữ có thành phần đầu ở vào "sở
dụng cách" (tatiyā vibhatti).
Thí dụ:
Buddhena
desito = Buddhadesito
(được Ðức Phật thuyết).
Raññā hato = rājahato (bị vua giết hại).
Viññūhi garahito = viññūgarahito (bị kẻ trí quở).
Sappena ḍaṭṭho = sappaḍaṭṭha (bị rắn cắn)...
3. Ðệ tứ
tương thuộc (catutthatappurisa):
là hình thức phức hợp ngữ
có thành phần đầu ở vào "chỉ định cách"(catutthī
vibhatti).
Thí dụ:
Pāsādāya
dabbaṃ = pāsādadabbaṃ (vật
liệu cho ngôi lầu).
Buddhassa deyyaṃ = Buddhadeyyaṃ (vật hiến cho Ðức
Phật).
Yāguyā taṇḍulā =
yāhutaṇḍulā
(gạo để nấu cháo).
Raññe arahaṃ = rājārahaṃ (xứng với một vua)...
Còn có một hình
thức phức hợp ngữ khác được hình thành do hai thành
phần: một là "vị biến cách" và một là từ ngữ "kāma"
hay "kāmatā" (mong mỏi, ước muốn), cũng được kể
vào trường hợp "đệ tứ tương thuộc" vậy.
Thí dụ:
Gantuṃ kāmo
= gantukāmo : muốn đi.
Dātuṃ kāmatā = dātukāmatā : muốn cho.
Vattuṃ kāmo = vattukāmo : muốn nói.
Sotuṃ kāmatā = sotukāmatā : muốn nghe...
4. Ðệ ngũ
tương thuộc (pañcamatappuri-sa):
là hình thức phức hợp ngữ có thành phần đầu ở vào "xuất
xứ cách" (pañcamī vibhatti).
Thí dụ:
Duccaritato
visati = duccaritavirati
(sự tránh ác hạnh).
Bandhanā mutto = bandhamamutto (sự thoát ngục
tù).
Rājamhā bhīto = rājabhīto (sự sợ nhà vua).
Rukkhā patito = rukkhapatito (bị té cây) ...
5. Ðệ lục
tương thuộc (chaṭṭhatappurisa):
là hình thức phức hợp ngữ
có thành phần đầu ở vào "sở thuộc cách" (chaṭṭhī
vibhatti).
Thí dụ:
Jinassa
vacanaṃ = Jinvacanaṃ (lời
của bậc Thắng Giả).
Dhaññānaṃ rāsi = dhaññarāsi (đống mễ cốc).
Pupphānaṃ gandho
= pupphagandho:
hương hoa.
Buddhassa
sāsanaṃ = Buddhasāsanaṃ:
Phật giáo.
Rañño putto = rājaputto: hoàng tử ...
6. Ðệ
thất tương thuộc
(sattamatappurisa): là
hình thức phức hợp ngữ có thành phần đầu ở vào "định sở
cách" (sattamī vibhatti).
Thí dụ:
Kūpe maṇḍuko
= kūpamaṇḍudo (ếch giếng).
Gāme vāsī = gāmavāsī (dân làng).
Jale ṭha = jalaṭṭha (loài thủy tộc, vật trú trong
nước).
Ṭhale ṭha = thalaṭṭha (vật trú trên cạn).
Dhamme rato = dhammarato (vui trong pháp).
Vane cara = vanacara (người đi rừng).
Vane pupphāni = vanapupphāni (hoa rừng)...
Ngoài ra còn
một hình thức phức hợp ngữ khác có thành phần đầu là bất
biến từ "na" phối hợp với thành phần sau là một danh từ.
Hình thức phức hợp ngữ này được gọi là
ubhayatappurisa (lưỡng loại tương thuộc), vì vừa là
loại tương thuộc phức hợp ngữ, cũng vừa là loại đồng
trạng phức hợp ngữ (ở loại đồng trạng phức hợp ngữ, hình
thức này có tên gọi là napubbapadakammadhārayasamāsa,
nghĩa là đồng trạng phức hợp ngữ có "na" đứng
trước).
Khi "na"
ghép với danh từ có phụ âm dẫn đầu, thì sẽ đổi dạng là
"a"; nếu ghép với danh từ có nguyên âm dẫn đầu,
thì sẽ đổi dạng là "an".
Thí dụ:
Na manussa =
amanussa (phi nhân).
Na ariya = anariya (phi thánh thiện).
(Xem thêm thí dụ về hình thức này trong loại đồng trạng
phức hợp ngữ, kammadhārayasamāsa).
Toát yếu:
Tương thuộc
phức hợp ngữ là loại phức hợp ngữ có hình thức được lập
nên bởi hai thành phần liên hệ nhau mà bất đồng ngữ
cách. Thành phần đầu có thể ở bất cứ ngữ cách nào trừ
đối cách và hô cách, thành phần cuối sẽ định tính cho
toàn bộ phức hợp ngữ.
Có 6 thứ tương
thuộc phức hợp ngữ:
- Phức hợp ngữ
có thành phần đầu ở vào đối cách, gọi là đệ nhị tương
thuộc.
- Phức hợp ngữ có thành phần đầu ở vào sở dụng cách, gọi
là đệ tam tương thuộc.
- Phức hợp ngữ có thành phần đầu ở vào chỉ định cách,
gọi là đệ tứ tương thuộc.
- Phức hợp ngữ có thành phần đầu ở vào xuất xứ cách, gọi
là đệ ngũ tương thuộc.
- Phức hợp ngữ có thành phần
đầu ở vào sở thuộc cách, gọi là đệ lục tương thuộc.
- Phức hợp ngữ có thành phần đầu ở vào định sở cách, gọi
là đệ thất tương thuộc.
Ngoài ra còn một
hình thức khác, có thành phần đầu là bất biến từ "na"
ghép hợp với một danh từ, cũng được gọi là tương
thuộc phức hợp ngữ hay đồng trạng phức hợp ngữ.
HỘI TỤ PHỨC HỢP
NGỮ
(DVANDASAMĀSA)
Hai hay nhiều
danh từ đồng đẳng nhau (nghĩa là không phụ thuộc lẫn
nhau, mà đồng cách vị) được nối liền bằng liên từ
"ca" (và, với), người ta có thể phối hợp chúng lại
thành một cụm từ để bỏ bớt những liên từ trung gian ấy.
Ðó gọi là hội tụ phức hợp ngữ.
Vì không phụ
thuộc lẫn nhau nên các thành phần của phức hợp ngữ có
thể khác tính và bất đồng ngữ số, nhưng các thành phần
ấy phải đồng cách vị trước khi hợp nhất.
Loại
phức hợp ngữ này hình thành có hai cách là:
1. Cách thu
dạng, gọi là samāhāra, nghĩa là hình thức của
phức hợp ngữ thu gọn, luôn luôn dưới dạng số ít trung
tính, cho dù các thành phần của phức hợp ngữ thuộc tính,
số nào đi nữa.
Thí dụ:
Gītañ
ca vāditañca = gītavāditaṃ:
bài hát và nhạc.
Cakkhu ca sotañ ca =
cakkhusotaṃ: mắt và tai.
Jarā ca maraṇaṃ ca = jarāmaraṇaṃ: già và chết.
Hatthino ca assā ca rathā ca pattikā ca =
hatthassarathapattikaṃ (tượng, mã, xa và bộ binh).
Hatthī ca gāvo ca vaḷavā ca = hatthigāvāssava-ḷavaṃ
(voi, bò, ngựa và ngựa cái)...
2. Cách không
thu dạng, gọi là asamāhāra-dvanda, nghĩa là hình
thức phức hợp ngữ phối hợp các thành phần danh từ cho
thành hợp từ dạng số nhiều.
Thí dụ:
Cando ca
suriyo ca = candasuriyā:
mặt trời và mặt trăng.
Devā ca manussā ca
= devamanussā:
trời và người.
Mātā ca pitā ca = mātāpitaro: mẹ và cha.
Samaṇo ca brāhmaṇo ca = samaṇo brāhmaṇā: Sa-môn
và Bà-la-môn.
Surā ca asurā ca narā ca nāgā ca yakkhā ca =
surāsuranaranāgayakkhā: trời, A-tu-la, người, rồng
và quỉ...
Toát yếu:
Hội tụ phức hợp
ngữ là hình thức phức hợp ngữ do hai hay nhiều thành
phần lập nên mà chúng đồng nhau về cách vị nhưng không
phụ thuộc nhau.
Những thành
phần của phức hợp ngữ loại này trước đó được liên kết
nhau bằng liên từ "ca"; và chúng có thể khác nhau về
tính, về số, chỉ phải đồng nhau ở ngữ cách thôi.
Có hai cách
trong hội tụ phức hợp ngữ, là:
- Cách thu
dạng, nghĩa là làm cho phức hợp ngữ nhất định mang hình
thức trung tính số ít.
- Cách không thu dạng, nghĩa là giữ hình thức phức hợp
ngữ ở dạng số nhiều theo lệ.
BẤT BIẾN THÁI
PHỨC HỢP NGỮ
(AVYAYĪBHĀVASAMĀSA)
Khi một bất
biến từ, gồm tiếp đầu ngữ hay phân từ, phối hợp với một
danh từ để hình thành một phức hợp ngữ mang hình thức cố
định là trung tính số ít, dùng như một trạng từ bất biến
cách. Ðó được gọi là bất biến thái phức hợp ngữ vậy.
Tiếng bất biến
từ luôn luôn dẫn đầu phức hợp ngữ, mặc dù trước đó nó
đứng sau danh từ liên hệ.
1. Với
tiếp đầu ngữ phía trước (upasagga-pubbaka)
Thí dụ:
Gharaṃ
anu = anugharaṃ
(theo
từng nhà).
Rathassa anu = anurathaṃ
(theo sau xe).
Vātassa anu = anuvātaṃ (theo chiều gió).
Addhamāsaṃ anu = anvaddhamāsaṃ (mỗi nửa tháng).
Samuddaṃ ā = āsamuddaṃ (tên bờ biển).
Nagarassa upa = upanagaraṃ (cận thành).
Sotaṃ paṭi = paṭisotaṃ (ngược dòng) ...
2. Với phân từ
phía trước (nipātapubbaka)
Thí dụ:
Gaṅgāya
adho = adhogaṅgaṃ
(cuối
dòng sông).
Gāmassa anto = antogāmaṃ
(làng nội).
Pāsādassa upari =
uparipāsādaṃ
(lầu thượng).
Pākārassa tiro = tiropākāraṃ (băng hào lũy).
Bhattassa pacchā = pacchābhattaṃ (sau bữa
ăn, buổi xế).
Bhattassa pure = purebhattaṃ (trước bữa ăn, buổi
sớm).
Na arato bahi = bahinagaraṃ (ngoại thành).
Kamo yathā = yathākkamaṃ (theo thứ lớp).
Balaṃ yathā =
yathābalaṃ
(tùy sức, tận lực).
Vuddhānaṃ (paṭipāti) yathā = yathāvuddhaṃ
(theo ngôi thứ, theo tôn ti).
Jivo yāva = yāvajivaṃ (đến trọn đời).
Attho yāva =
yāvadatthaṃ
(tha hồ, mặc tình).
Mañcassa heṭṭhā = heṭṭhāmañcaṃ (gầm giường)...
Toát yếu:
Bất biến thái
phức hợp ngữ là hình thức phức hợp ngữ được sử dụng như
một trạng từ (bất biến cách), loại phức hợp ngữ này được
hình thành do hai thành phần cấu trúc mà một là tiếng
bất biến từ ghép với thành phần kia là một danh từ.
Tiếng bất biến từ ấy có thể là tiếp đầu ngữ (upasagga)
hoặc phân từ (nipāta).
Thành phần danh
từ luôn luôn nằm cuối phức hợp ngữ và toàn bộ phức hợp
ngữ nhất định mang một hình thức là số ít trung tính.
QUAN HỆ PHỨC
HỢP NGỮ
(BAHUBBĪHISAMĀSA)
Một phức hợp
ngữ có hai thành phần đồng đẳng và phụ thuộc nhau (có
đồng tính, cách và số) phối hợp nên, nhưng kết quả phức
hợp ngữ ấy mang ý nghĩa khác với ý nghĩa ban đầu của hai
thành phần; Mặt khác loại phức hợp ngữ này phải được
hiểu ngầm với một quan hệ đại danh từ (ya, ta:
người mà, cái mà
...) mới đủ nghĩa. Ðấy gọi là quan hệ phức hợp ngữ.
Quan hệ phức
hợp ngữ cần phải hiểu khác với loại đồng trạng phức hợp
ngữ (kammadhārayasa-māsa) và loại hội tụ phức hợp
ngữ (dvandasamāsa). Hãy so sánh.
Thí dụ:
Seto hatthī
(con voi trắng) => setahatthī (bạch
tượng). Loại đồng trạng phức hợp ngữ.
Devo ca manusso ca (trời và người) =>
devama-nussā (nhân thiên). Loại hội tụ phức hợp
ngữ.
Jitāni indriyāni (yena) (các căn được ai thắng
phục) => jitindriyo (so) (vị ấy là
vị có các căn được thắng phục). Loại quan hệ phức hợp
ngữ.
Ðồng trạng phức
hợp ngữ luôn luôn là một danh từ. Hội tụ phức hợp ngữ
thì trở thành một cụm danh từ. Riêng quan hệ phức hợp
ngữ thì dùng như một tính từ của danh từ, tuy nhiên đôi
khi có thể thay thế danh từ diễn đạt.
Tiếng thuộc về
quan hệ phức hợp ngữ sẽ mang hình thức tính từ, cách và
số theo danh từ mà nó liên hệ phụ thuộc hoặc thay thế.
Quan hệ phức
hợp ngữ phân ra có 6 cách và tùy theo tiếng quan hệ đại
danh từ được hiểu ngầm cho nó. Sau đây là những thí dụ
về các loại quan hệ phức hợp ngữ:
1. Có quan
hệ đại danh từ ở đối cách
Āgatā samaṇā
(yaṃ, so): āgatasamaṇo
(nơi mà các sa-môn lui tới).
Āruḷhā vāṇijā (yaṃ, sā): āruḷhavāṇijā (cái mà các
thương nhân leo lên: chiếc tàu).
2. Có quan
hệ đại danh từ ở sử dụng cách
Jitāni
indriyāni (yena, so): jitindriyo (người
mà hàng phục: bậc thánh)
3. Có quan
hệ đại danh từ ở chỉ định cách
Dinno suṅko
(yassa, so): dinnasuṅko
(người mà thuế được góp cho: quan thuế).
4. Có quan
hệ đại danh từ ở xuất xứ cách
Niggatā janā
(yasmā, so): niggatajano
(nơi mà dân chúng đã bỏ đi: nhà hoang, làng hoang).
5. Có quan
hệ đại danh từ ở sở thuộc cách
Khīṇā āsavā
(yassa, so): khīṇāsavo
(người mà có lậu hoặc được đoạn trừ: bậc đoạn lậu).
Suvaṇṇavaṇṇo iva vaṇṇo (yassa, so): suvaṇṇa-vaṇṇo
(người mà có màu da như sắc vàng).
6. Có quan
hệ đại danh từ ở định sở cách
Sampannāni
sassāni (yasmiṃ, so): sampan-nassasso
(nơi mà có mùa màng thịnh vượng: vùng đất phì nhiêu,
thành phố trù mật)...
Một vài đặc
điểm nên ghi nhớ trong loại quan hệ phức hợp ngữ:
- Thành phần
cuối của phức hợp ngữ, nếu là danh từ nữ tính vĩ ngữ
"ī", "ū" hoặc là danh từ nam tính có kết thúc là
"u", thì sẽ có một tiếp vĩ ngữ "ka" thêm vào.
Thí dụ:
Bahuyo
nadiyo (yasmiṃ, so) = bahunadiko
(nơi mà có nhiều sông: vùng sông
nước).
Bahu vadhyo (yassa, so) = bahuvadhuko (người mà
có nhiều vợ: kẻ đa thê).
Apagato satthā (yasmā, so) = apagatasatthuko
(phái mà vị thầy đã mất)...
- Dù cho các
thành phần để lập nên phức hợp ngữ ở vào tính nào, ngữ
số nào (nam tính, nữ tính hoặc trung tính, số ít hoặc số
nhiều), nhưng khi phức hợp ngữ được hình thành thì sẽ
mang hình thức tính từ, và sẽ tùy theo tính cùng ngữ số
của danh từ mà nó liên hệ phụ thuộc hay thay thế.
Thí dụ:
Āruḷhā
vāṇijā = āruḷhavāṇija (āruḷhavāṇjā nāvā:
chiếc tàu mà các thương nhân bước
xuống).
Jitāni indriyāni = jitindriya (jitindriyo samaṇo:
vị sa môn có các căn được thắng phục).
Acalā saddhā = acalasaddhā (acalasaddhā sotā-patti:
bậc Dự-lưu, vị có niềm tin bất động).
Mahantī paññā = mahāpañña (mahāpañño buddho: Ðức
Phật là bậc đại trí).
Pahūtā jivhā = pahūtajivha (pahūtajivho tathā-gato:
Ðức Như Lai có lưỡi rộng).
Dīghā jaṅghā = dīghajaṅgha (dīghajaṅgho
manusso: người có ống chân dài) ...
Toát yếu:
Quan hệ
phức hợp ngữ là loại phức hợp
ngữ mang hình thức tính từ. Phức hợp ngữ loại này không
giống như đồng trạng phức hợp ngữ và hội tụ phức hợp
ngữ, vì nó không phải được định tính bởi thành phần
cuối. Hơn nữa kết quả của phức hợp ngữ sẽ có ý nghĩa
khác hẳn ý nghĩa ban đầu của hai thành phần khi chưa
ghép hợp và ý nghĩa của nó cần phải được hiểu ngầm với
một quan hệ đại danh từ mới chính xác.
Quan hệ phức
hợp ngữ có 6 cách, do căn cứ tiếng quan hệ đại danh từ
của chúng ở vào ngữ cách nào trong 6 ngữ cách (trừ chủ
cách và hô cách).
Ðiểm lưu ý
trong loại này là:
- Trường hợp
thành phần cuối của phức hợp ngữ nếu kết thúc bằng
"ī" hay "ū" hoặc "tu", thì một tiếp vĩ
ngữ "ka" sẽ ghép vào.
- Toàn thể phức
hợp ngữ sẽ trở thành tính từ và tùy thuộc vào danh từ nó
đi theo mà hình thành tính, cách và số, chớ không được
định tính bởi thành phần cuối của phức hợp ngữ.
PHẦN PHỤ CHÚ
CỦA PHỨC HỢP NGỮ
A- Về cấu trúc
phức hợp ngữ
Thành phần cấu
trúc phức hợp ngữ không đứng độc lập.
Một vài tình
trạng phức hợp ngữ, trong đó hai thành phần để lập nên
chúng có một thành phần đứng cuối phức hợp ngữ là một
đơn vị sơ chuyển hóa ngữ (kiṭaka), mà thành phần
này đặc biệt không thể tách rời độc lập trong cú
pháp. Hình thức này
chỉ tìm thấy trong loại tương thuộc phức hợp ngữ
(tappuri-sasamāsa).
Thí dụ:
Jalaṭṭha
(loài trú trong nước)
=> jale + ṭha.
Uraga (loài đi bằng ức) => urena
+ ga.
Andaja (loài noãn sanh) => andato +
ja.
Kuñjara (loài thích đầm lầy) =>
kuñje + ra ...
Ṭha, ga, ja, ra ... là những đơn vị không thể tách
rời đứng độc lập ngoài phức hợp ngữ.
*
Phức hợp ngữ có thành phần trước không bỏ ngữ cách.
Một vài trường
hợp đặc biệt phức hợp ngữ do hai thành phần lập nên, mà
trong đó thành phần đầu vẫn được giữ nguyên dạng ngữ
cách của nó, không bị loại bỏ, mặc dù đã hình thành phức
hợp ngữ rồi. Ðây được gọi là aluttasamāsa (phức
hợp ngữ không xóa dạng).
Thí dụ:
Pabhaṃ karo
= pabhaṅkaro (vật tạo ánh
sáng, mặt trời) ...
Ante vāsī = antevāsī (người nội trú, người nội
bộ: đệ tử, học trò).
Paṅke ruhaṃ = paṅkeruhaṃ (vật mọc trong bùn: hoa
sen).
Manasi kāro = manasikāro (sự hành trong tâm: tác
ý).
Pubbe nivāso = pubbenivāso (đời sống trước: tiền
kiếp).
Mātā ca pitā ca = mātāpitaro (mẹ và cha).
Parassa padaṃ = parassapadaṃ (sự ảnh hưởng đến
vật khác: năng động thể).
Attano padaṃ = attanopadaṃ (sự ảnh hưởng đến
chính mình: thụ động thể )...
B- Quan hệ phức
hợp ngữ dị biệt
Ðó là một hình
thức quan hệ phức hợp ngữ có thành phần trước là bất
biến từ "na" (napubbapa-dabahubbihisamāsa). Mặc
dù có thành phần cấu tạo là bất biến từ "na", nhưng hình
thức phức hợp ngữ này không thể kể vào loại đồng trạng
phức hợp ngữ hay tương thuộc phức hợp ngữ, cũng không
liệt vào loại bất biến thái phức hợp ngữ, mà phức hợp
ngữ này phải hiểu ngầm với một quan hệ đại danh từ mới
đạt được ý nghĩa; bởi thế mới gọi là quan hệ phức hợp
ngữ.
"Na"
sẽ biến thành "a" hay
"an" khi hình thành.
Thí dụ:
Na (yassa)
samo (so): asamo (người mà
không có sự sánh bằng: bậc Vô Song).
Na (yasmā) apāyinī (sā): anapāyinī (vật mà không
có sự tách rời: bóng hình).
Na (taṃ) uttaro (so): anuttaro (người mà không có
sự vượt khỏi: bậc Vô Thượng) ...
C- Phức hợp ngữ
hỗn hợp
Có những tình
trạng phức hợp ngữ, trong đó những thành phần tạo nên
chúng lại cũng là một hình thức phức hợp ngữ khác nữa.
Phức hợp ngữ mà có các thành
phần cấu tạo là một phức hợp ngữ khác, ta gọi đó là loại
phức hợp ngữ hỗn hợp (mis-sakasamāsa).
Gặp trường hợp
này, hãy phân tách giai đoạn để sau đó ta có thể hiểu
trong đấy gồm có những thành phần nào và cuối cùng kết
quả của toàn thể phức hợp ngữ ấy thuộc loại gì?
Thí dụ:
1."Suranaramahito"
(được người trời tôn ngưỡng).
a)
Surā ca narā ca = suranara
(dvanda)
b) Suranarehi mahito = suranaramahito (tappurisa).
2.
"Bhikkhusahassaparivuto"
(được vây quanh bởi 1000 vị Tỳ kheo)
a)
Bhikkhūnaṃ sahassaṃ = bhikkhusahas-saṃ (tappurisa).
b) Bhikkhusahassena parivuto = bhikkhu sahassaparivuto
(tappurisa).
3.
"Gandhamālādihatthā"
(người mà tay mang hương hoa v.v...).
a) Gandhā ca
mālā ca: gandhamālā (dvanda).
b) Gandhamālā ādi (yesaṃ, te) gandhamālādi (bahubbīhi).
c) Gandhamālādayo hatthesu (yesaṃ, te)
gandhamālādihatthā (bahubbīhi).
4.
"Sabbālaṅkārapaṭimaṇditā "
(điểm trang với mọi trang sức).
a) Sabbe
alaṅkārā: sabbālaṅkārā (kamma-dhāraya).
b) Sabbālaṅkārehi patimaṇḍitā = sabbā-laṅkārapatimaṇḍitā
(tappurisa).
5."Dvattiṃsamahāpurisalakhaṇapaṭimaṇḍito"
(được hội đủ với 32 đại nhân tướng).
a) Mahanto
puriso: mahāpuriso (kamma-dhāraya).
b) Mahāpurisassa lakkhaṇā: mahāpurissa-lakkhaṇā
(tappurisa).
c) Dvattiṃsā ca te mahāpurisalakkhaṇā cā'ti
dvattiṃsamahāpurisalakkhaṇā (kammadhāraya).
d) Dvattiṃsamahāpurisalakkhaṇehi paṭimaṇ-ḍito:
dvattiṃsamahāpurisalakkhaṇapatimaṇḍito (tap-purisa) ...
D- Sự đổi dạng từ
ngữ trong phức hợp ngữ
Một số từ ngữ
khi chúng là thành phần của phức hợp ngữ, sẽ đổi dạng
khác ban đầu. Về điểm này cũng cần chú ý, vì rất thường
gặp như sau:
1. Từ ngữ "akkhi"
(con mắt) đổi dạng là "akkho".
Thí dụ:
* Visālāni
akkhīni (yassa, so): visālakkho
(người mà có mắt lớn).
* Sahassaṃ akkhīnī (yassa, so): sahassasa-hassaṃ
akkhinī (yassa, so): sahassakkho (người có ngàn mắt:
Ðức Thế Thích) ...
2. Từ ngữ
"aṅguli" (ngón tay) đổi dạng là "aṅ-gula".
Thí dụ:
* Cattāro
aṅguliyo pamānaṃ: caturaṅgulap-pamānaṃ
(cỡ chừng 4 ngón tay).
* Dve aṅguliyo:
dvaṅgulaṃ
(dài hai ngón tay).
* Sugatassa aṅguli: sugataṅgula
(ngón tay Ðức Thiện Thệ) ...
3. Từ
ngữ "go" (con bò) đổi dạng là "gavā" hay
"gu".
Thí dụ:
* Hatthī ca
go ca asso ca vaḷavā ca: hatthī-gavāssavaḷavā
(voi, bò, ngựa và ngựa cái).
* Cittā gāvo (yena, so): cittagu (người đánh dấu
bò) ...
4. Từ ngữ
"dve" (hai) đổi dạng là "du" hay "di".
Thí dụ:
Dve vidhā =
duvidhaṃ (thành hai loại).
Dve rattiyo = dirattaṃ (đến hai đêm).
Dve guṇā = diguṇo (thành hai, gồm hai)...
5. Từ ngữ
"puma" (giống đực) đổi dạng là "puṃ", "puṃ"
đổi dạng tùy theo chữ ghép.
Thí dụ:
Pumā kokilo
= puṅkokilo (chim cu
trống).
Pumano liṅgaṃ = pulliṅgaṃ (nam tính, nam căn)...
6. Từ ngữ
"bhūmi" (nền đất) đổi dạng là "bhum-ma" hay
"bhūma".
Thí dụ:
* Pañca
bhūmiyo (yassa, so): pañca bhummo
(tòa năm tầng).
* Bhūmiyaṃ + ṭha: bhummaṭṭha (vật sống trên mặt
đất).
* Cattāro bhūmiyo (yassa, so): catubhūmako (tâm
có bốn lãnh vực)...
7. Từ ngữ
"mahanta" (to lớn) đổi dạng là "mahā".
Thí dụ:
Mahanto
puriso = mahāpuriso
(bậc
Ðại Nhân).
Mahanto jana = mahājano
(đại chúng).
Mahantaṃ phalaṃ = mahapphalaṃ (đại quả).
Mahantaṃ bhayaṃ = mahabbhayaṃ (đại kinh hãi).
(Khi trước phụ âm gấp đôi thì "mahā" thành
"maha") ...
8. Từ ngữ
"ratti" (đêm) đổi dạng là "ratta".
Thí dụ:
* Tayo
rattiyo: tirattaṃ (3 đêm).
* Dīghā ratti:
dīgharattaṃ
(đêm trường, dài
lâu).
* Rattiyā addho: addharattaṃ (nửa đêm)...
9. Từ ngữ
"saha" (cùng với) đổi dạng là "sa"
Thí dụ:
* Saha
parivārena (vattate) (yo, so): sappa-rivāro
(người sống với tùy tùng).
* Saha manena (vattate) (yo, so): samanako (người
nhạy cảm) ...
10. Từ ngữ
"samāna" (đồng đẳng, ngang bằng) đổi dạng là "sa"
Thí dụ:
* Samānā
jāti (yassa, so): sajātiko
(người có đồng loại, có vật đồng
sanh).
* Samānaṃ (yassa, so): samāmo (người mà có trùng
tên) ...
11. Từ ngữ "santa"
(yên tịnh) đổi dạng là "sa".
Thí dụ:
Santo puriso:
sappuriso (bậc hiền nhân, tịnh giả) ...
* * *
BÀI ÔN TẬP
CHƯƠNG VI
A- Câu hỏi
lý thuyết
I- Hãy nhận
xét rồi trả lời các câu hỏi sau đây:
1. Phức hợp ngữ
(samāsa) trong tiếng Pāli là gì?
2. Có bao nhiêu
loại phức hợp ngữ?
3. Ðồng trạng
phức hợp ngữ (kammadhāraya-samāsa) có hình thức
thế nào?
4. Ðịnh số phức
hợp ngữ (digusamāsa) có cách thức ra sao?
5. Tương thuộc
phức hợp ngữ (tappurisasa-māsa) có đặc điểm gì về
hình thức?
6. Sao gọi là
hội tụ phức hợp ngữ (dvandasa-māsa)?
7. Một phức hợp
ngữ thế nào mới gọi là bất biến thái phức hợp ngữ
(avyayībhāvasamāsa)?
8. Có đặc điểm
gì trong quan hệ phức hợp ngữ (bahubbīhisamāsa)?
9. Một phức hợp
ngữ có thể trở thành một thành phần của phức hợp ngữ
khác chăng?
10. Một phức
hợp ngữ có thành phần cấu tạo là
một phức hợp ngữ
khác thì gọi là phức hợp ngữ gì?
II- Câu hỏi
trắc nghiệm
1- Một phức hợp
ngữ có hai thành phần liên
quan nhau mà không đồng cách vị, đó gọi là:
a- Ðồng trạng
phức hợp ngữ .
b- Ðịnh số phức hợp ngữ .
c- Tương thuộc phức hợp ngữ .
d- Hội tụ phức hợp ngữ.
2- Một phức hợp
ngữ có hai thành phần đồng cách vị mà không liên quan
nhau, đó gọi là:
a- Ðồng trạng
phức hợp ngữ .
b- Ðịnh số phức hợp ngữ .
c- Tương thuộc phức hợp ngữ .
d- Hội tụ phức hợp ngữ.
3- Một phức hợp
ngữ có hai thành phần liên
quan nhau và đồng cách vị, đó gọi là:
a- Ðồng trạng
phức hợp ngữ .
b- Ðịnh số phức hợp ngữ .
c- Tương thuộc phức hợp ngữ .
d- Hội tụ phức hợp ngữ.
B- Bài
tập dịch
I- Dịch câu
tiếng Pāli ra tiếng Việt và chỉ rõ phức hợp ngữ:
1.
Paṇḍito uppāditadhanañca (1)
āhaṭadhanañca (2) sabbaṃ tassā mātāpitunnaṃ datvā te
samassā setvā (3) taṃ ādāya nagaraṃ eva agamāsi.
2. Jarasakko
(4) amhe matte (5) katvā mahāsa-muddapiṭṭhe (6) khipitvā
amhākaṃ devanagaraṃ gaṇhi; mayaṃ tena saddhiṃ yujjhitvā
amhākaṃ devanagaraṃ eva gaṇhissāma.
3.
Bodhisatto (7) pana
dhamāsanato (8) otaranto dhammakaṭhiko (9) viya dve
hatthe dve pāde ca pasāretvā (10) ... kāsikavatthe (11)
nikkhittamaṇi-ratanaṃ viya jotanto mātukucchito
nikkhami.
4.
Ath'ekadivasaṃ bodhisatto uyyānabhūmiṃ ganthukāmo
sārathiṃ āmantetvā rathaṃ yojehī'ti (12) āha.
5.
Suranaramahito satthā bhikkhusahassapari-vuto
ākiṇṇamanussaṃ (13) rājagahanagaraṃ (14) pāvisi.
6.
Ārūḷhavāṇijā mahānāvā nirupaddavena (15) mahāsamuddaṃ
taritvā sattāhena jambudīpaṃ (16) sampāpuṇi.
7.
Saparivāro rājā anvaddhamāsaṃ antopurā nikkhamitvā
nānātarusaṇḍamaṇḍitaṃ (17) dijagaṇa-kūjitaṃ (18) uyyānaṃ
gacchati.
8. Bahavo
brāhmaṇā bahinagarato antonagaraṃ pavisitvā yāvadatthaṃ
bhuñjitvā sakasakagehāni (19) agāmiṃsu.
9.
Chaḷabhiññāpattā pañcasatakhīṇāsavā anto-vassaṃ
rājagahasamīpe (20) vasantā dhammavi-nayasaṅgītiṃ (21)
akaṃsu.
10. Tadā
sāvatthiyaṃ (22) sattamanussakoṭiyo vasanti tesu
ariyasāvakānaṃ dve yeva kiccāni ahe-suṃ purebhattaṃ
dānaṃ denti pacchābhattaṃ gandhamālādihatthā
vatthabhesajjapāṇakādiṃ gāhā-petvā dhammasavanatthāya
gacchanti.
11. Udenassa
rañño tayo pāsādā ahesuṃ eko tibhūmako eko catubhūmako
itaro pañcabhummako.
12. So rājā
dvirattaṃ vā tirattaṃ vā ekasmiṃ pāsāde
nāṭikitthiparivuto sampattiṃ (23) anu-bhavanto (24)
vasati na pana dīgharattaṃ ekasmiṃ vasati.
13. Mahājano
nagaramajjhe santhāgaàraṃ (25) sabbagandhehi upalimpetvā
(26) upari suvaṇṇatārakā divicittaṃ (27) buddhāsanaṃ
(28) paññāpetvā sat-thāraṃ ārocesi.
14. So na
cirass'eva (29) paccekasambodhiṃ (30) abhisambujjhitvā
sakalabārāṇasīnagare (31) puṇṇa-cando viya pākaṭo
lābhaggaysaggappatto (32) ahosi.
15. Ath'
assa paricārakapurisa (33) nāvāvaṇṇāni dussāni
nānappakārā ābharaṇavikatiyo (34) mālāgan-dhavilepanāni
ca ādāya samantā parivāretvā (35) aṭṭhaṃsu.
II- Dịch
sang tiếng Pāli
và lập thành phức hợp ngữ khi thích hợp:
1. Sư tử, cọp,
báo, gấu (36) và nai sẽ không sống trong một khu rừng bị
đốt cháy (37).
2. Người đàn
ông đi về làng đã mang một đống lúa đến thành phố và bán
lúa ấy cho những thị dân (38).
3. Mặt trời,
mặt trăng và các vì sao (39) di chuyển (40) trong bầu
trời, đã ban ánh sáng và niềm vui (41) cho những con
người sống trong thế giới.
4. Khi ấy đấng
Giác Ngộ, sau bảy ngày (42) đã đứng dậy rời khỏi chỗ
ngồi ở gốc cây Bồ Ðề và đi đến cây Nigrodha ở tại
Ajapāla.
5. Những gia
súc, ngựa, dê và cừu (43) khi được thoát khỏi sự giam
cầm (44) chúng đã lang thang trong những khu rừng và
những cánh đồng để ăn cỏ, uống nước.
6. Sau khi nghe
pháp, vua cùng với một
trăm hai chục ngàn người trở thành đệ tử (45) của Ðấng
Giác Ngộ.
7. Người đàn
ông mà các con trai đã chết (46) đi đến ngôi chùa ở
ngoại thành và dâng cúng vật thí như y phục, vật thực
(47) v.v... cho những vị Tỳ kheo ở đấy.
8. Vào hôm sau,
sau khi sửa soạn vật cúng dường cho Ðức Phật và chư Tỳ
kheo, sau khi trang hoàng (48) thành phố họ đã tu bổ
(49) con đường mà theo đó Ðức Phật sẽ đến (50).
9. 500 dân
chúng đã cúng dường hương hoa đến bậc Ðại Nhân, đảnh lễ
Ngài rồi ra đi.
10. Khi ấy
những phụ nữ vận y phục lộng lẫy (51), có tài ca múa
(52), khả ái (53) như những thiên nữ, sau khi đến khu
vườn của vua, họ đã múa hát (54) và nô đùa một cách
thích thú (55).
11. Ở đấy, thái
tử vui chơi suốt ngày (56) và tắm trong hồ nước đẹp; đến
khi mặt trời lặn (57) bèn ngồi trên tảng đá sang trọng
(58) để được mặc áo (59).
12. Trước tiên,
đức vua thết đãi (60) họ một bữa tiệc (61) lớn, sau đó
Ngài chọn một cặp bò (62) và trang sức sừng (63) của
chúng bằng vàng, bạc và những vật quí giá (64).
13. Vị ấy đã
nói với những người đó rằng: "Nếu các ông dọn (65) con
đường cho Ðức Phật, thì hãy giao cho tôi một phần đất,
tôi sẽ dọn sạch (66) nó cùng với các ông".
Chú thích
từ vựng.
(1)
Uppāditadhana: tài sản do
xuất (trung)
(2) Āhaṭadhana: tài sản đã mang lại (trung)
(3) Samassāsetvā: sau khi an ủi (bbqkpt).
(4) Jarasakka: cựu thiên Ðế Thích (nam)
(5) Matta: (qkpt của majjati) bị mê say.
(6) Mahāsamuddapiṭṭha: mặt đại dương (trung)
(7) Bodhisatta: giác hữu tình, vị Bồ-tát (nam)
(8) Dhammāsanato: từ pháp tòa (bbt)
(9) Dhammakathika: vị
pháp sư (nam)
(10) Pasaretvā: sau khi duỗi thẳng (bbqkpt)
(11) Kārikavattha: vải tốt xứ Kāsi (trung)
(12) Yojeti: thắng (xe), bắt ách (yên) (đt)
(13)
Ākiṇṇamanussa:
nơi mà người đông đúc (tt)
(14) Rājagahanagara: thành phố Rājagaha
(trung)
(15) Nirupaddava: không có tai họa, an ổn
(tt)
(16) Jambudīpa: đảo Diêm Phù (nam).
(17) Nānātarusaṇḍamaṇḍita: được chưng bày với
những lùm cây khác biệt
(tt) .
(18) Dijagaṇakūjita: vang tiếng hót loài chim
(tt).
(19) Sakasakageha: tư gia của mình
(trung).
(20)
Rājagahasamīpa:
nơi cận thành Rājagaha (tt).
(21)
Dhammavinayasaṅgīti:
hội kết tập
Pháp Luật (nữ )
(22) Sāvatthi: thành Sāvatthi (địa
danh) (nữ) .
(23) Sampatti: sự hạnh phúc, sự lạc thú (nữ).
(24) Anubhavanta: hưởng thụ, đang thọ hưởng (htpt
của anubhavati).
(25) Santhāgāra:
hội phòng, tòa nhà họp (trung, nam).
(26) Upalimpetvā: sau khi bôi thoa, sơn
phết (bbqkpt).
(27) Suvaṇṇatarakādivicitta: được trang trí bằng
những ngôi sao vàng (tt).
(28) Buddhāsana:
chỗ ngồi
của Ðức Phật (trung tính).
(29) Na cirass'eva: không lâu (bbt).
(30) Paccekasambodhi: độc giác, sự giác ngộ một
mình, giác ngộ đơn độc (nữ).
(31) Sakalabārāṇasīnagara: khắp thành phố
Bārāṇasī (trung).
(32) Lābhaggaysaggappatta: người đạt đến lợi lộc
tột đỉnh và danh vọng tột đỉnh (tt).
(33) Paricārakapurisa: người hầu cận (nam).
(34) Ābharaṇavikati: loại, món đồ trang sức (nữ)
.
(35) Parivāretvā: sau khi đoanh vây (tt).
(36) Con gấu: accha (nam).
(37) Bị đốt cháy: daḍḍha (quá khứ phân từ của
ḍahati).
(38) Thị dân: nagaravāsī (nam).
(39) Ngôi sao: tārakā (nữ).
(40) Di chuyển: sañcarita (qkpt của
sañcarati).
(41) Niềm vui: pīti (nữ), pāmojja
(trung).
(42) Sau bảy
ngày: sattāhamaccayena (trt).
(43) Con cừu: meṇḍa (nam).
(44) Sự giam cầm: bandhana (trung).
(45) Ðệ tử: sāvaka (nam).
(46) Người mà
các con trai đã chết: maṭaputta (tt).
(47) Vật thí như y phục, vật thực v.v...:
civarā-haàrādidāna (trung).
(48) Sau khi trang hoàng: manditvā (bbqkpt).
(49) Tu bổ: paṭisaṅkharati (đt).
(50) Con đường mà theo đó Ðức Phật sẽ đến: yena
buddho āgamissati (mệnh đề tính từ).
(51) Vận y phục lộng lẫy: visiṭṭhākāranivattha
(tt).
(52) Có tài ca múa: naccagītasusikkhita (tt).
(53) Khả ái: ramanīya (tt).
(54) Múa: naccati; hát: gāyati (đt) :
(55) Một cách thích thú: ramanīyakārena
(trt).
(56) Suốt ngày: divasavattantaṃ (trt).
(57) Mặt trời lặn: atthaṅgatasuriya (nam),
hay suriyatthaṅgama (nam).
(58) Tảng đá sang trọng: maṅgalasilā (nữ).
(59) Ðể được mặc áo: nivāsāpetuṃ (vbc).
(60) Thết: sampādeti (đt).
(61) Bữa tiệc: sakkāra (nam).
(62) Cặp bò: goyugala (trung)
(63) Sừng: siṅga (trung), visāna
(trung).
(64) Vàng: Suvaṇṇa (trung); bạc: rajata
(trung); vật quí giá: ratana (trung).
(65) Dọn dẹp: paṭisaṅkharati (đt).
(66) Dọn sạch: sodheti (đt).
-ooOoo-
Ðầu
trang
| 00
| 01
| 02a
| 02b
| 02c
| 03a
| 03b
| 03c
| 04
| 05
| 06
| 07
| 08
| 09
| 10
|