TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 32
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH tập I
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH
151. Vua Mallika chứng tỏ sự cứng rắn đối với người cứng rắn, sự mềm mỏng đối với người mềm mỏng, chiến thắng người tốt bằng điều tốt, người không tốt bằng điều không tốt. Vị vua này là như thế ấy, này xa phu, hãy nhường đường.
152. Nên chinh phục người giận dữ bằng sự không giận dữ, nên chinh phục người không tốt bằng điều tốt, nên chinh phục người bỏn xẻn bằng sự bố thí, (nên chinh phục) người có lời nói sai trái bằng sự chân thật. Vị vua này là như thế ấy, này xa phu, hãy nhường đường.
1. Bổn sanh Giáo Giới Đức Vua.
153. Đối với kẻ vội vã lao vào công việc chưa được xem xét, các việc làm của gã khiến cho gã bực bội, tựa như thức ăn nóng được nuốt vào miệng.
154. Và con sư tử, với tiếng rống sư tử, đã rống lên ở núi Daddara.
Sau khi nghe được tiếng gầm thét của con sư tử, con chó rừng đang sống ở núi Daddara,
bị kinh sợ, đã phải run lẩy bẩy, và quả tim của nó đã vỡ đôi.
2. Bổn sanh Con Chó Rừng.
155. Này anh bạn, ta là loài bốn chân. Này anh bạn, ngươi cũng là loài bốn chân. Hãy đến, này sư tử, hãy quay lại. Ngươi sợ cái gì mà chạy trốn?
156. Ngươi không sạch sẽ, bộ lông dơ dáy, này heo rừng, ngươi toát ra mùi hôi thối. Nếu ngươi muốn đánh nhau, này anh bạn, ta cho ngươi thắng trận.
3. Bổn sanh Con Heo Rừng.
157. Chúa của bầy rắn đã đi vào chỗ này,
trong khi ước muốn việc (con rắn) ra khỏi hình dạng của viên đá,
trong khi tôn kính hình bóng Phạm hạnh,
dầu bị đói, nhưng con không mạo hiểm ăn (con rắn).
158. Ngươi đây được Phạm hạnh hộ trì, ngươi hãy sống trường thọ,
và thức ăn của cõi Trời hãy hiện ra cho ngươi.
Là người tôn kính hình bóng Phạm hạnh,
dầu bị đói, nhưng ngươi không mạo hiểm ăn (con rắn).
4. Bổn sanh Con Rắn.
159. Thưa cha Gagga, mong cha hãy sống trăm năm, và thêm hai mươi năm khác nữa. Các yêu tinh chớ có ăn thịt tôi. Mong cha hãy sống trăm năm.
160. Mong con cũng sống được trăm năm, và thêm hai mươi năm khác nữa. Các yêu tinh hãy ăn thuốc độc. Mong con hãy sống trăm năm.
5. Bổn sanh Gagga.
161. Nương tựa vào hoàng tử Alīnacitta, đạo binh to lớn, được phấn khởi, đã ra lệnh bắt sống vua Kosala, kẻ không vừa lòng với vương quốc của mình.
162. Tương tự như thế, vị tỳ khưu đầy đủ pháp nương nhờ, có sự ra sức tinh tấn, trong lúc tu tập thiện pháp nhằm đạt đến sự an toàn đối với các trói buộc, có thể đạt được theo tuần tự sự cạn kiệt của tất cả các ràng buộc.
6. Bổn sanh Hoàng Tử Alīnacitta.
163. Con sư tử cái hành động theo như ý thích, ả đang gầm thét; điều ấy là quy luật của những kẻ có sức mạnh, ngươi hãy nhận biết (như vậy). Sự sợ hãi sanh ra từ sự nương tựa.
164. Tuy nhiên, nếu người bạn, dầu là yếu đuối, tồn tại trong các quy luật về tình bạn, kẻ ấy là thân quyến và là bà con, kẻ ấy là bạn, kẻ ấy là bằng hữu của ta. Này ả có răng nanh (sư tử cái), chớ có khinh khi (kẻ ấy), con chó rừng là kẻ đã ban cho ta mạng sống.
7. Bổn sanh Công Đức.
165. Con ngựa Suhanu này với con ngựa Soṇa có bản tính khác biệt là không đúng, con ngựa Suhanu cũng y như con ngựa kia, là có cùng hành xứ với con ngựa Soṇa.
166. Do sự xông xáo, do sự xấc xược, do việc thường xuyên nhai gặm dây cương, cái xấu với cái xấu gặp nhau, cái không tốt với cái không tốt gặp nhau.
8. Bổn sanh Con Ngựa Suhanu.
167. Vị này mọc lên, là bậc có mắt, vị vua độc nhất,
có sắc vàng chói, có sự chiếu sáng trái đất.
Tôi lễ bái ngài ấy, bậc có sắc vàng chói, có sự chiếu sáng trái đất.
Hôm nay, được bảo vệ bởi ngài, chúng tôi có thể sống (an toàn) trọn ngày.
168. Những vị nào là các bậc Bà-la-môn, đã thông hiểu tất cả các pháp,
tôi kính lễ các vị ấy, và mong các vị ấy hộ trì đến tôi.
Xin kính lễ đến các bậc đã giác ngộ, xin kính lễ đến sự giác ngộ.
xin kính lễ đến các bậc đã giải thoát, xin kính lễ đến sự giải thoát.
Sau khi đã thực hiện sự bảo vệ này, con công ấy đi kiếm ăn.
169. Vị này biến mất, là bậc có mắt, vị vua độc nhất,
có sắc vàng chói, có sự chiếu sáng trái đất.
Tôi lễ bái ngài ấy, bậc có sắc vàng chói, có sự chiếu sáng trái đất.
Hôm nay, được bảo vệ bởi ngài, chúng tôi có thể sống (an toàn) trọn đêm.
170. Những vị nào là các bậc Bà-la-môn, đã thông hiểu tất cả các pháp,
tôi kính lễ các vị ấy, và mong các vị ấy hộ trì đến tôi.
Xin kính lễ đến các bậc đã giác ngộ, xin kính lễ đến sự giác ngộ.
xin kính lễ đến các bậc đã giải thoát, xin kính lễ đến sự giải thoát.
Sau khi đã thực hiện sự bảo vệ này, con công ấy đã sắp xếp chỗ cư ngụ.
9. Bổn sanh Con Công.
171. Thật vậy, các con ngựa thuần chủng đưa rước đức vua trị vì ở thành Mithilā, xứ Videha, giống y như cách các con thiên nga đưa Vinīlaka đi vậy.
172. Này Vinīla, con đi đến nơi hiểm trở. Này con thân, con lai vãng chốn không thích hợp. Con hãy lai vãng các chỗ ven làng, chỗ ngụ ấy là của mẹ con.
10. Bổn sanh Vinīlaka.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Vua Mallika cao quý, núi Daddara, con heo rừng,
con rắn chúa, và thứ năm là chuyện Gagga,
đạo binh to lớn, và chuyện con chó rừng,
con ngựa Suhanu, con công tối thượng, và Vinīla, là mười.
--ooOoo—
173. “Không nên thể hiện sự thân thiết với người đê tiện, nhưng người cao thượng, trong khi nhận biết mục đích, (thể hiện sự thân thiết) với người cao thượng. Kẻ đê tiện, mặc dầu sống chung thời gian dài, vẫn làm điều ác độc, giống như con voi (đã làm điều ác độc) với ẩn sĩ Indasamānagotta.
174. Nên biết người nào tương đương với mình
về giới, về tuệ, và luôn cả về học thức.
Nên thực hiện tình thân hữu với chính người ấy,
sự kết giao với bậc chân nhân là nguồn dem lại sự an lạc.”
1. Bổn sanh Ẩn Sĩ Indasamānagotta.
175. “Không có điều nào khác tai hại hơn sự thân thiết,
là sự thân thiết với người đê tiện,
Đã được thỏa mãn với bơ lỏng, với sữa,
ngươi đã đốt cháy cái chòi lá đã được tạo nên một cách khó nhọc.
176. Không có điều nào khác tốt đẹp hơn sự thân thiết,
là sự thân thiết với bậc chân nhân.
Con nai cái liếm một cách thân mật khuôn mặt
của con sư tử, của con cọp, và của con báo.”
2. Bổn sanh Sự Thân Thiết.
177. “Những con thú màu đen, có ngà trắng này của bệ hạ,
có hơn một trăm con, được phủ lên bằng những tấm lưới bằng vàng.
Tâu Susīma, có phải bệ hạ nói rằng: ‘Trẫm ban chúng cho khanh,
trong lúc nhớ đến các cha ông (của khanh)?’”
178. “Những con thú màu đen, có ngà trắng này của trẫm,
có hơn một trăm con, được phủ lên bằng những tấm lưới bằng vàng.
Này người thanh niên, trẫm nói rằng: ‘Trẫm ban chúng cho khanh,
trong lúc nhớ đến các cha ông (của khanh).’”
3. Bổn sanh Vua Susīma.
179. “Chim kên kên nhìn thấy các tử thi cách xa một trăm do-tuần, tại sao sau khi đã chạm vào lưới và bẫy sập, mà ngươi vẫn không hay biết?”
180. “Trong lúc có nạn tai, vào thời kỳ tiêu hoại mạng sống, khi ấy, chúng sanh dầu đã chạm vào lưới và bẫy sập, thì cũng không hay biết.”
4. Bổn sanh Chim Diều Hâu.
181. “Này kẻ thai sanh, sau khi đã kết tình thân với kẻ thù là loài noãn sanh, ngươi nằm ngủ nhe cả răng nanh; sự sợ hãi ấy đã từ đâu đến?”
182. “Phải nên ngờ vực kẻ thù, cũng không nên tin tưởng bạn bè. Sự sợ hãi được sanh lên từ sự không sợ hãi, cũng nên cắt lìa các gốc rễ.”
5. Bổn sanh Con Chồn.
183. “Mười bốn ngàn người có tên là Upasāḷhaka đã được thiêu đốt ở khu vực này. Không có chỗ nào ở trên thế gian là không có người chết.
184. Ở nơi nào có sự chân thật, có pháp (vô thượng), có sự không hãm hại, có sự chế ngự, có sự rèn luyện, nơi ấy được các Thánh nhân thân cận, nơi ấy ở trên thế gian là không có người chết.”
6. Bổn sanh Bà-la-môn Upasāḷha.
185. Này vị tỳ khưu, ngài hành pháp khất thực khi chưa thọ hưởng dục. Chẳng phải ngài nên thọ hưởng dục rồi mới hành pháp khất thực? Này vị tỳ khưu, ngài hãy thọ hưởng dục rồi hãy hành pháp khất thực, chớ để thời gian (hưởng dục) bỏ ngài mà đi!
186. Quả thật ta không biết thời điểm (chết); thời điểm (chết) bị che đậy, không thấy được. Vì thế, ta không thọ hưởng dục và ta hành pháp khất thực, chớ để thời gian (hành pháp) bỏ ta mà đi!
7. Bổn sanh Trưởng Lão Samiddhi.
187. Con diều hâu, trong khi mạnh bạo lao xuống con chim cút đang đứng ở khu vực kiếm ăn, chính vì đã phóng đến một cách vội vã, vì thế, nó đã đi đến cái chết.
188. Đã thành tựu kế hoạch, ta đây thích thú ở khu vực kiếm ăn của cha ông. Với kẻ thù đã đi xa, ta vui thích, trong khi nhìn thấy sự lợi ích của mình.
8. Bổn sanh Chim Diều Hâu.
189. “Thật vậy, người nào có lòng thương tưởng đối với toàn thể thế gian–ở bên trên, ở bên dưới, và ở chiều ngang (loài người)–với tâm từ ái vô lượng về mọi mặt, –
190. – tâm vô lượng, hữu ích, tròn đủ, khéo được phát triển ấy sẽ không trú vào nơi ấy, vào hành động được làm có tính chất hạn lượng.”
9. Bổn sanh Đạo Sư Araka.
191. “Con tắc kè này ở trên đỉnh cổng chào, trước đây nó không ngước lên. Này Mahosadha, khanh có biết được vì sao con tắc kè lại ương ngạnh?”
192. “Sau khi nhận được nửa đồng tiền chưa từng nhận được trước đây, con tắc kè khinh khi vị vua cai trị thành Mithilā, xứ Videha.”
10. Bổn sanh Con Tắc Kè.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Giờ vị ẩn sĩ Indasamāna, với cái chòi lá,
vua Susīma tối thượng, chim kên kên, và kẻ thai sanh,
Bà-la-môn Upasāḷha, vị tỳ khưu, chuyện con chim cút,
rồi chuyện tâm từ ái, và (con tắc kè) ngước lên, là mười.
--ooOoo—
193. “Tâu quốc vương, khi nào đạt đến ‘pháp tốt lành’ theo sự quy định ở thế gian, người có trí tuệ không nên làm hư hoại điều ấy. Những người tốt nhận lấy trách nhiệm cũng vì sự hổ thẹn.
194. Chính sự quy định ấy, gọi là ‘pháp tốt lành’ ở thế gian, vào ngày hôm nay, ở tại nơi này, tôi đã đạt được, tâu quốc vương. Trong khi xem xét điều ấy, tại nơi này, tôi sẽ xuất gia, bởi vì đối với tôi, sự mong muốn thọ hưởng các dục ở nơi này là không có.”
1. Bổn sanh Pháp Tốt Lành.
195. “Ai (đã) rống lên bằng âm thanh to lớn ở núi Daddara? Tại sao các con sư tử không rống đáp lại? Thưa chúa của loài thú, kẻ ấy tên là gì?”
196. “Này con, là con chó rừng, kẻ hạ tiện trong số các loài thú, (đã) rú lên. Trong khi ghê tởm sanh chủng của kẻ này, các con sư tử ngồi xuống, im lặng.”
2. Bổn sanh Núi Daddara.
197. “Thưa cha, người tu khổ hạnh kia nương tựa vào gốc cây thốt nốt. Và (chúng ta) có căn nhà nhỏ này, vậy chúng ta hãy cho kẻ này (ngụ chung) căn nhà nhỏ.”
198. “Này con, chớ có gọi kẻ ấy vào. Gã có thể làm bẩn căn nhà nhỏ của chúng ta. Khuôn mặt như thế này không phải là của vị Bà-la-môn có giới hạnh tốt đẹp.”
3. Bổn sanh Con Khỉ.
199. “Ta đã cho nước một cách dư dã đến ngươi,
kẻ bị thiêu đốt bởi cơn nóng, đã bị khát nước.
Ngươi đây, bây giờ sau khi uống xong, làm trò nhăn mặt khỉ,
việc không kết giao với người xấu vẫn là tốt hơn.”
200. “Con khỉ nào đã được ngài nghe hoặc nhìn thấy là có giới hạnh? Giờ đây, thải phân xuống đầu ngài; điều ấy là quy luật tự nhiên của chúng tôi.”
4. Bổn sanh Con Khỉ - Thứ Nhì.
201. “Nghe nói trong số tất cả các chúng sanh, có những người chuyên tâm về giới. Hãy nhìn xem con khỉ hèn hạ này, nó đứng hầu mặt trời.”
202. “Các người không nhận biết giới hạnh của nó, các người không biết rõ nên khen ngợi nó. Bởi nó, việc thờ phượng ngọn đã bị thải phân và hai vò nước đã bị đập bể.”
5. Bổn sanh Đứng Hầu Mặt Trời.
203. “Con thú này, sinh sống ở cành cây, quả thật ngu si,
tâu quân vương, trí tuệ của loài thú này không có.
Sau khi quăng bỏ toàn bộ nắm tay hạt đậu,
nó tìm kiếm một hạt đậu đã bị rơi mất.”
204. “Tâu bệ hạ, tương tự y như thế, chúng ta và những người khác là tham lam thái quá, vì chút ít chúng ta bị mất mát nhiều, tựa như là con khỉ với hạt đậu.”
6. Bổn sanh Nắm Tay Hạt Đậu.
205. “Chúng ta bị bao vây xung quanh bởi những người có cung ở tay và các bó tên, mang theo gươm quý, sự giải thoát sẽ có (cho chúng ta) bằng cách nào?”
206. “Biết đâu sẽ có sự việc xảy ra cho những người có nhiều công việc, một ai đó sẽ tạo ra điều ấy. Đã có sự hái trộm trái cây, hãy ăn trái cây tinduka ấy.”
7. Bổn sanh Cây Tinduka.
207. “‘Nơi ta sanh ra, nơi ta lớn lên,’ ta đã sống nương vào bãi bùn như thế.
Bãi bùn đã khống chế ta đây như là khống chế một kẻ yếu đuối.
Này người làm gốm, tôi nói điều ấy với ông. Xin ông hãy lắng nghe lời nói của tôi.
208. Nơi nào đạt đến sự an lạc, dầu ở làng hay ở rừng,
nơi ấy là nơi sanh ra và là nơi lớn lên của người có sự nhận thức.
Nơi nào có thể sống thì nên đi đến nơi ấy, không nên bị vong mạng vì nơi cư ngụ.”
8. Bổn sanh Con Rùa.
209. “Vật ấy là ít ỏi và còn thừa lại, và nó đã cho vật ấy một cách khó khăn. Ta đây là dòng dõi Bà-la-môn, vật nào đã được ăn vào, vật ấy cũng đã bị trào ra.”
210. “Sau khi đã bất chấp Giáo Pháp như vậy, kẻ nào sống theo phi pháp, tựa như Satadhamma, cũng không vui thích với lợi lộc đã nhận được.”
9. Bổn sanh Bà-la-môn Satadhamma.
211. “Trong khi họ cho vật khó cho, trong khi họ làm công việc khó làm, những kẻ xấu không làm theo được; pháp của những người tốt là khó đạt đến.
212. Vì thế, cảnh giới tái sanh sau kiếp này dành cho những người tốt và những kẻ không tốt là khác nhau, những kẻ không tốt đi địa ngục, những người tốt có sự đi đến cõi trời.”
10. Bổn sanh Vật Khó Cho.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Sự khéo quy định, chúa của loài thú, người thanh niên Bà-la-môn,
(cho) nước một cách dư dã, việc đứng hầu mặt trời,
với hạt đậu, với trái cây Tinduka, thêm vào bãi bùn,
Bà-la-môn Satadhamma, với vật dễ và khó cho, là mười.
--ooOoo—
213. “Vị hoàng tử có năng lực vĩ đại, là bậc cung thủ không thể sánh bằng, có tầm bắn xa, có tài bắn không trượt mục tiêu, với sự phá tan đạo binh lớn.
214. Sau khi lâm trận với tất cả các kẻ thù, vị hoàng tử đã không giết hại bất cứ ai. Sau khi tạo sự an ổn cho người em trai, ngài đã đạt đến sự chế ngự.”
1. Bổn sanh Không Thể Sánh Bằng.
215. “Này voi, là dũng sĩ có sự quen thuộc với chiến trận, được biết tiếng là ‘có sức mạnh,’ vì sao ngươi quay trở lại sau khi đã tiến đến cổng thành?
216. Ngươi hãy mau chóng đạp đổ thanh chắn, và hãy nhổ lên các trụ chống. Này voi, sau khi chà đạp các cổng thành, ngươi hãy cấp tốc tiến vào.”
2. Bổn sanh Quen Thuộc Chiến Trận.
217. “Nước đã được chắt lọc, ít chất tinh túy, tầm thường,
sau khi uống vào, cơn say sanh lên ở những con lừa.
Và sau khi uống vào chất tinh túy, hảo hạng này,
cơn say không sanh khởi ở những con ngựa giống Sindhu.
218. Hạng người tầm thường, sau khi uống vào chút ít,
kẻ ấy bị say sưa, khi tiếp xúc với chất ấy, tâu quân vương.
Còn người có bản tánh chịu đựng, được sanh ra ở gia đình danh giá,
sau khi uống vào chất tinh túy cao sang, không bị say sưa.”
3. Bổn sanh Nước Đã Được Chắt Lọc.
219. “Con ngựa dòng Paṇḍava của vua Sāma bị hư hỏng bởi gã (mã phu) Giridatta. Sau khi từ bỏ tập quán trước đây, nó bắt chước theo gã ấy.
220. Quả thật, nếu có người trẻ tuổi hơn kẻ ấy, được sửa soạn bên ngoài tốt đẹp, sau khi nắm lấy con ngựa ở mõm, nên cho nó chạy quanh ở vòng đua. Sau khi dứt bỏ thật mau chóng (tật xấu cũ), con ngựa bắt chước theo gã (mã phu mới) ấy.”
4. Bổn sanh Mã Phu Giridatta.
221. “Giống như khi nước bị vẩn đục, không trong trẻo,
thì không nhìn thấy sò, hến, đàn cá,
tương tự như thế, khi tâm bị vẩn đục,
thì không nhìn thấy lợi ích của bản thân, lợi ích của người khác.
222. Giống như khi nước được tinh khiết, trong trẻo,
người ấy nhìn thấy sò, hến, đàn cá,
tương tự như thế, khi tâm không bị vẩn đục,
người ấy nhìn thấy lợi ích của bản thân, lợi ích của người khác.”
5. Bổn sanh Không Hứng Thú.
223. “Cây xoài này trước đây đã có được sắc, hương, và vị. Trong khi đạt được chính sự chăm sóc ấy, vì điều gì khiến cây xoài có trái đắng?”
224. “Tâu Dadhivāhana, cây xoài của bệ hạ bị bao trùm bởi giống cây pucimanda,
rễ bị xen lẫn với rễ, cành với cành đan vào nhau.
Do việc cư ngụ chung với kẻ xấu, vì điều ấy khiến cây xoài có trái đắng.”
6. Bổn sanh Vua Dadhivāhana.
225. “Sau khi leo lên chạc cây ở nơi cao, các vị đàm luận rồi đi về nơi thanh vắng. Các vị hãy leo xuống chỗ thấp rồi đàm luận, vua của loài thú cũng sẽ lắng nghe.”
226. “Loài có cánh đẹp đàm luận với loài có cánh đẹp, thiên thần đàm luận với thiên thần, ngươi có được điều gì trong số bốn điều làm say đắm[1]? Này chó rừng, ngươi hãy đi vào hang.”
7. Bổn sanh Bốn Điều Làm Say Đắm.
227. “Có ngón chân sư tử, có móng chân sư tử, đứng lên với các bàn chân sư tử, nó là con sư tử trong bầy sư tử, một mình nó gầm rú một cách khác.”
228. “Này con trai của chúa rừng, con chớ gầm rú. Con hãy sống ở rừng, ít phát âm. Chúng có thể nhận biết con nhờ vào âm giọng, bởi vì giọng của con không phải là giọng của cha.”
8. Bổn sanh Chó Rừng Lai Sư Tử.
229. “Tiếng kêu này không phải là của con sư tử, không phải của con cọp, không phải của con báo. Được trùm lên với tấm da sư tử, con lừa hạ tiện kêu lên (tiếng hí của con lừa).
230. Cũng đã thời gian dài, con lừa có thể nhai ăn rau xanh, lúa mạch. Được trùm lên với tấm da sư tử, ngay khi đang hí lên, nó đã làm hại nó.”
9. Bổn sanh Tấm Da Sư Tử.
231. “Hãy nhìn quả báu này của đức tin, của giới, và của sự xả thí: con rồng với hình dáng của chiếc thuyền chở người cận sự nam có đức tin.
232. Nên cộng sự với những người tốt, nên tạo sự thân thiết với những người tốt, bởi vì nhờ vào việc cư ngụ chung với những người tốt, gã thợ cạo đi đến sự an ổn.”
10. Bổn sanh Lợi Ích Của Giới.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Bậc cung thủ, con voi, ít chất tinh túy,
mã phu Giridatta, chuyện tâm không bị vẩn đục,
vua Dadhivāhana, con chó rừng, móng chân sư tử,
rau xanh, lúa mạch, với chuyện con rồng, là mười.
--ooOoo—
233. “Này khanh Ruhaka, dây cung mặc dầu bị đứt cũng nối lại được. Khanh hãy hàn gắn với người vợ cũ, chớ rơi vào quyền lực của sự giận dữ.”
234. “Khi những sợi gai còn được tìm thấy, khi những người thợ còn được tìm thấy, thần sẽ làm dây cung khác; quá đủ rồi với người vợ cũ!”
1. Bổn sanh Quan Tế Tự Ruhaka.
235. “Giả sử một người nữ có sắc đẹp, và nàng ấy có đức hạnh, người nam lại không ước muốn nàng ấy, này Mahosadha, khanh có tin không?”
236. “Tâu đại vương, thần tin (điều ấy) nếu người nam có phần phước kém. Người may mắn và kẻ bất hạnh không bao giờ kết hợp với nhau.”
2. Bổn sanh May Mắn và Bất Hạnh.
237. “Người này chính là nàng ấy, còn trẫm là người ấy, không là người khác. Người này chính là gã ấy, (kẻ cướp) bị chặt tay, không là người khác, là người mà nàng đã nói rằng: ‘Người chồng lúc trẻ của thiếp.’ Các người nữ đáng bị xử chết, không có sự chân thật ở các người nữ.
238. Các khanh hãy dùng cái chày giết chết gã này, là kẻ đê tiện, dữ tợn, hèn kém, có sự ve vãn vợ người khác, và các khanh hãy xẻo đứt tai và mũi của người vợ trung thành độc ác này trong khi ả còn sống.”
3. Bổn sanh Vua Cullapaduma.
239. “Có lẽ chư Thiên không có mặt, có lẽ các ngài ngự nơi xa,
có lẽ các vị hộ trì thế gian cũng không có ở chốn này!
Đối với những kẻ đang hành động hung bạo, không tự kìm chế,
có lẽ những người ngăn cản chúng cũng không có!”
240. “Đối với gã (vua độc ác) ấy, mưa rơi không đúng thời; đối với gã (vua độc ác) ấy, đúng thời không có mưa. Gã (vua độc ác) ấy từ địa vị cõi trời đọa xuống, đương nhiên gã (vua độc ác) ấy đã đến lúc bị giết chết.”
4. Bổn sanh Kẻ Cướp Ngọc Ma-ni.
241. “Tại khu vực xinh xắn ở chân núi, có một hồ nước bình yên được hình thành. Con chó rừng đã uống nước hồ ấy, trong khi biết rằng hồ được bảo vệ bởi con sư tử.”
242. “Tâu đại vương, các loài thú có chân đương nhiên uống nước ở sông lớn, không vì điều ấy mà không còn là sông nữa. Xin đại vương tha thứ, nếu nàng là đáng yêu đối với ngài.”
5. Bổn sanh Khu Vực Ở Chân Núi.
243. “Những người nào không làm theo lời giáo huấn đã được đức Phật thuyết giảng, những kẻ ấy sẽ đi đến bất hạnh, ví như các thương buôn (bị quyến rũ) bởi các nữ quỷ.
244. Còn những người nào làm theo lời giáo huấn đã được đức Phật thuyết giảng, những người ấy sẽ đi đến bờ kia an toàn, ví như các thương buôn (được mang đi) bởi con ngựa bay.”
6. Bổn sanh Con Ngựa Bay.
245. “Sau khi gặp, không cười với người ấy, không tỏ vẻ vui mừng với người ấy, không đưa cặp mắt nhìn người ấy, và tiến hành điều ngược lại.
246. Những biểu hiện này là được thiết lập ở kẻ thù. Nhờ vào những điều ấy, sau khi thấy và nghe, bậc sáng suốt có thể biết được kẻ thù.”
7. Bổn sanh Bạn và Thù.
247. “Này con, cha đã đi về từ nơi xứ lạ, Giờ đây, cha vừa mới đi về không lâu. Này con, có phải mẹ của con không gần gũi với người đàn ông khác?”
248. “Vả lại, trong khi không khéo nói điều này, dầu là lời nói liên quan đến sự thật, tựa như con vẹt Poṭṭhapāda, nằm dài ở lò than, bị đốt cháy.”
8. Bổn sanh Con Vẹt Rādha.
249. “Ta không tha thứ cho hai người, ta không ưa thích hai người. Nàng này đã đi xuống vựa lúa, nói rằng: ‘Thiếp không thấy (còn lúa).’
250. Này trưởng làng, về việc ấy ta nói với ngươi rằng: ‘Khi cuộc sống khổ cực, khan hiếm, sau khi thỏa thuận hai tháng về con bò già gầy ốm là thịt để ăn, giờ ngươi đòi nợ lúc thời điểm chưa đến, ta cũng không ưa thích điều ấy.”
9. Bổn sanh Chủ Nhà.
251. “Người thành tựu về vóc dáng, người lớn tuổi chững chạc, người dòng dõi cao sang, người giới hạnh tốt lành, chúng tôi hỏi vị Bà-la-môn về những người ấy, chúng tôi nên chọn người nào trong số những người ấy?”
252. “Có lợi ích ở vóc dáng, đối với người lớn tuổi thì nên kính lễ, có lợi ích ở dòng dõi cao sang, còn chúng tôi ưa thích giới hạnh.”
10. Bổn sanh Giới Hạnh Tốt Lành.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Này khanh Ruhaka, người nữ có sắc đẹp, và cái chày,
các ngài ngự nơi xa, với hồ nước là thứ năm,
rồi các thương buôn được cứu thoát, cười ra tiếng,
vừa mới đi về không lâu, vựa lúa, và vóc dáng, là mười.
--ooOoo—
253. “Các bậc sáng trí đã nói sự trói buộc ấy không chắc chắn, là sự trói buộc bằng xích sắt, bằng cùm gỗ, và bằng dây thừng, còn sự mong muốn, bị luyến ái, bị dính mắc ở các bông tai bằng ngọc ma-ni, ở các con, và ở những người vợ,–
254. –các bậc sáng trí đã nói sự trói buộc này là chắc chắn,
có sự trì xuống, dẻo dai, khó tháo gỡ.
Sau khi cắt đứt luôn cả sự trói buộc này, các bậc sáng trí ra đi,
không có mong cầu, sau khi đã dứt bỏ khoái lạc của các dục.”
1. Bổn sanh Trói Buộc Tại Gia.
255. “Các chim thiên nga, các con cò, và các con công, các con voi, các con nai đốm, tất cả đều sợ con sư tử, dù không có sự tương đương về thân thể.
256. Tương tự y như thế, ở giữa loài người, mặc dầu trẻ tuổi nhưng có trí tuệ, chính vị ấy là to lớn ở nơi ấy, không phải kẻ có thân xác nhưng ngu si.”
2. Bổn sanh Thói Quen Đùa Giỡn.
257. ‘Tôi có tâm từ đối với các Virūpakkha, tôi có tâm từ đối với các Erāpatha, tôi có tâm từ đối với các Chabyāputta, và tôi có tâm từ đối với các Kaṇhāgotamaka.
258. Tôi có tâm từ đối với các loài không chân, tôi có tâm từ đối với các loài hai chân, tôi có tâm từ đối với các loài bốn chân, tôi có tâm từ đối với các loài nhiều chân.
259. Loài không chân đừng hãm hại tôi, loài hai chân đừng hãm hại tôi, loài bốn chân đừng hãm hại tôi, loài nhiều chân đừng hãm hại tôi.
260. Hỡi tất cả chúng sanh, tất cả các sinh vật, tất cả các sanh linh và toàn thể, xin tất cả hãy nhìn thấy các điều lành, điều xấu xa chớ có xảy đến bất cứ ai.
261. Đức Phật là vô lượng, Giáo Pháp là vô lượng, Hội Chúng là vô lượng. Các loài bò sát (như là) các loài rắn, bọ cạp, rết, nhện, thằn lằn, chuột là có hạn lượng.
262. Tôi đã thực hiện các sự bảo vệ, tôi đã thực hiện sự hộ trì, xin các sanh linh hãy tránh xa. Tôi đây kính lễ đức Thế Tôn, kính lễ bảy vị Chánh Đẳng Giác.”
3. Bổn sanh Phận Sự Tổng Hợp.
263. “Thưa ngài Vīraka, ngài có nhìn thấy chồng Saviṭṭhaka của tôi, là con chim có giọng nói dịu dàng, (có màu lông) tương tự cổ của chim công?”
264. “Trong khi bắt chước tôi đây, – là loài chim di chuyển ở trong nước và đất liền, thường xuyên có thức ăn là cá tươi, – Saviṭṭhaka bị vướng vào rong rêu và bị chết.”
4. Bổn sanh Con Quạ Vīraka.
265. “Con cá sông Gaṅgā xinh đẹp, con cá sông Yamunā cũng xinh đẹp, con người bốn chân này, tròn trịa như cây đa, và có cổ vươn dài như cán cày nhỏ, chói sáng hơn tất cả.”
266. “Được hỏi điều nào, không trả lời điều ấy. Khi được hỏi, lại nói về điều khác. Là kẻ ca ngợi bản thân, (con rùa) này không được chúng tôi ưa thích.”
5. Bổn sanh Con Cá Sông Gaṅgā.
267. “Nào, bạn rùa. Bạn hãy dùng các răng cắn đứt cái bẫy thú làm bằng da. Con tôi sẽ làm như thế nào đó để người thợ săn không đi đến.”
268. “Con rùa đã đi vào trong nước, con sơn dương đã đi vào khu rừng, con chim gõ kiến đã đưa các con đi xa rời khỏi ngọn cây.”
6. Bổn sanh Con Sơn Dương.
269. “Khu vườn này đã được vua Assaka đi dạo chơi với ta, (bây giờ) cùng với người chồng đáng yêu đang ham muốn ta và được ta ham muốn lại.
270. Lạc và khổ cũ bị che đậy bởi lạc và khổ mới. Vì thế, đối với ta, con sâu là đáng yêu hơn cả đức vua Assaka.”
7. Bổn sanh Vua Assaka.
271. “Đã quá đủ cho ta với những xoài, những mận, và những mít, các thứ ấy là ở bên bờ kia của đại dương; cái quý giá đối với ta là cây sung.
272. Quả thật, thân thể của ngươi là to lớn, nhưng trí tuệ thì không tương xứng với nó. Này cá sấu, ngươi đã bị ta lừa. Giờ đây, ngươi hãy đi thoải mái.”
8. Bổn sanh Con Cá Sấu.
273. “Ta đã nhìn thấy các cây long thọ và các cây đuốt núi ở trong rừng, những cây ấy không di chuyển như là ngươi di chuyển giữa các cây rừng.”
274. “Con gà rừng già này đã bẻ gãy cái lồng rồi đi đến. Thiện xảo về các bẫy sập bằng lông thú, nó nói xong rồi bỏ đi.”
9. Bổn sanh Con Gà Rừng.
275. “Này bạn, cây này có tên là gì? Nó có lá mềm, có gai nhọn. Với một cái mổ vào nơi ấy, cái đầu bị hư hoại.”
276. “Con chim này đi lại ở các khu rừng, mổ vào
các thân cây có gỗ xốp, không có lõi,
rồi nó đã chạm vào cây nhục quế, có lõi đã được hình thành,
tại nơi ấy, con linh điểu đã làm vỡ cái đầu.”
10. Bổn sanh Chim Kandagaḷaka.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Sự trói buộc chắc chắn, và thêm vào chuyện chim thiên nga,
(xà vương) Virūpakkha, chim Saviṭṭhaka, và chuyện hai con cá,
với chuyện con sơn dương, vua Assaka, và các cây xoài,
thêm vào con gà rừng, với con linh điểu, là mười.
--ooOoo—
277. “Cha đã thực hiện sự tập luyện thường xuyên, không xao lãng, ở đám cỏ bīraṇa một năm. Sau khi đi vào cuộc hội họp, cha đã rối loạn tư tưởng; cha không bảo vệ được trí tuệ ít ỏi là điều chắc chắn.”
278. “Này con Somadatta, người cầu xin đạt đến (một trong) hai điều: không nhận được hoặc nhận được tài sản; việc cầu xin có bản chất là như vậy.”
1. Bổn sanh Somadatta.
279. “Phần ở trên có trạng thái khác, phần ở dưới lại có trạng thái khác. Này nữ Bà-la-môn, ta hỏi nàng: ‘Vì sao phần dưới nguội và phần trên nóng?’”
280. “Thưa ngài, tôi là vũ công. Là người ăn xin, tôi đã đi đến đây. Kẻ đã đi vào trong kho lúa chính là kẻ mà ngài tìm kiếm.”
2. Bổn sanh Bữa Ăn Còn Thừa.
281. “Ta đã được nghe rằng: Đức vua Bharu, sau khi tạo ra sự sứt mẻ giữa các vị ẩn sĩ, đã bị sụp đổ cùng với vương quốc; vị vua ấy đã đi đến diệt vong.
282. Chính vì thế, các bậc sáng suốt không khen ngợi việc đi theo sự ham muốn. Người có tâm không xấu xa nên nói lời nói liên quan đến sự thật.”
3. Bổn sanh Vua Bharu.
283. “Họ đã nói con sông đầy nước khiến con vật gì có thể uống được,
họ đã nói lúa mạch đã sanh trưởng khiến con vật gì có thể ẩn náu,
họ kêu gọi người đã đi xa nhờ vào con vật gì,
(thịt) con vật ấy đã đến với khanh. Nào, này Bà-la-môn, hãy ăn đi.”
284. “Bởi vì nhớ đến ta, đức vua đã gởi đến dầu là (thịt) quạ, (rồi sẽ gởi) chim thiên nga, chim cò, và chim công. Nếu không có sự nhớ đến, quả là điều tồi tệ.”
4. Bổn sanh Con Sông Đầy Nước.
285. “Quả thật, trong khi nói ra lời, con rùa đã hại chết bản thân. Khi khúc cây được giữ chặt (ở miệng), vì lời nói con rùa đã giết chết chính mình.
286. Tâu bậc tinh tấn hạng nhất ở loài người, sau khi nhìn thấy việc ấy,
nên thốt ra lời nói tốt lành, không chiếm quá nhiều thời gian.
Bệ hạ hãy nhìn xem, do việc nói nhiều,
con rùa đã đi đến sự bất hạnh.”
5. Bổn sanh Con Rùa.
287. “Ngọn lửa này không gây bực bội, cọc nhọn đã được vót nhọn cũng không; mà là việc con cá cái nghĩ về tôi: ‘Gã đi hoan lạc với con cá cái khác.’
288. Ngọn lửa luyến ái ấy thiêu đốt tôi và khuấy rối tâm tôi. Này các ngư phủ, các ngài hãy thả tôi ra; không có trường hợp nào vì dục tình mà bị chết.”
6. Bổn sanh Con Cá.
287. “Tất cả thế gian đều đã được vui sướng,
(con gái ta) Seggu không rành rẽ pháp lứa đôi.
Bản thể con hôm nay có còn gọi là trinh nữ,
là khi bị cha nắm lấy ở trong rừng, con liền òa khóc?”
290. “Người nào là nơi nương tựa của tôi khi tôi bị xúc chạm khổ đau,
người ấy là cha của tôi, kẻ lập kế hãm hại tôi ở trong khu rừng.
Tôi đây khóc lóc cho ai ở giữa khu rừng?
Người bảo vệ tôi lại là người làm điều bạo lực (đối với tôi).”
7. Bổn sanh Thôn Nữ Seggu.
291. “Sự lường gạt đáp trả kẻ lường gạt, điều này khéo được suy nghĩ,
sự xảo trá đáp trả kẻ xảo trá là cách được lập ra để đối trị.
Nếu các con chuột có thể ăn được lưỡi cày,
vì sao các con diều hâu lại không thể tha đi đứa bé trai?
292. Bởi vì đối với sự xảo trá, có những sự xảo trá dành cho xảo trá,
và cũng có sự lừa đảo đáp trả sự lừa đảo.
Này kẻ bị mất con, ngươi hãy trả lưỡi cày cho người bị mất lưỡi cày,
chớ để người bị mất lưỡi cày mang đi đứa con trai của ngươi.”
8. Bổn sanh Thương Buôn Xảo Trá.
293. “Vàng thô của tôi, vàng ròng của tôi, điều ấy là lời nói ban đêm và ban ngày của những người ngu muội không nhìn thấy pháp của bậc Thánh.
294. Trong nhà có đến hai người chủ, ở đó một người không có râu,
có vú lòng thòng, tóc được buộc lại, rồi lỗ tai được xuyên lỗ,
được mua về bằng nhiều tài sản, kẻ ấy đay nghiến đám gia nhân ấy.”
9. Bổn sanh Bị Chê Trách.
295. “Với dáng vẻ được sống sung sướng, ngài đã lìa xứ sở đi vào rừng. Ngài đây, một mình trong khu rừng, ở gốc cây, trầm tư như là người khổ sở.”
296. “Với dáng vẻ được sống sung sướng, ta đã lìa xứ sở đi vào rừng.
Ta đây, một mình trong khu rừng,
ở gốc cây, ta trầm tư như là người khổ sở,
trong khi nhớ lại đạo đức của những người tốt.”
10. Bổn sanh Ngọn Cờ Đạo Đức.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Giờ là chuyện đám cỏ bīraṇa, và người vũ công,
câu chuyện hay nhất về vua Bharu, con sông đầy nước,
việc nói nhiều, ngọn lửa, ở trong rừng, các con chuột,
với người có vú thòng, với người khổ sở, là mười.
--ooOoo--
297. “Kẻ nào có uế trược chưa lìa, sẽ khoác lên tấm vải ca-sa, (mà) bỏ bê việc rèn luyện và sự chân thật, kẻ ấy không xứng với y ca-sa.
298. Còn vị nào có uế trược đã được tẩy trừ, khéo định tĩnh trong các giới, gắn bó với việc rèn luyện và chân thật, vị ấy quả nhiên xứng với y ca-sa.”
1. Bổn sanh y ca-sa.
299. “Điều này là lời nói của vị thầy, Pārāsariya đã nói rằng: ‘Ngươi chớ có làm điều ác. Sau này, ngươi sẽ nóng nảy về điều ngươi đã làm.’
300. Con người làm những việc nào, thì sẽ thấy những việc ấy ở bản thân.
Người làm lành thấy điều lành, và người làm ác thấy điều ác.
Gieo hạt giống như thế nào thì mang lại kết quả như thế ấy.”
2. Bổn sanh Con Khỉ Cūḷanandiya.
301. “Nên kính lễ người kính lễ (bản thân), nên hợp tác với người hợp tác,
nên thực hành bổn phận với người thực hành theo bổn phận,
không nên làm điều lợi ích đối với người không mong muốn điều lợi ích,
không nên gắn bó với người không gắn bó.
302. Nên từ bỏ người đang từ bỏ, không nên thể hiện sự tham đắm,
không nên gắn bó bằng tâm không chân thành.
Loài chim, sau khi biết cây hết trái,
còn trông ngóng cây khác, bởi vì thế gian là to lớn.”
3. Bổn sanh Gói Cơm.
303. “Này khỉ chúa, người nào có bốn đức tính này, giống như ngài đã có là: chân thật, trí xét đoán, nghị lực, và xả thí, người ấy vượt trội đối thủ.
304. Và người nào không có được các đức tính tốt đẹp tối thắng này là: chân thật, trí xét đoán, nghị lực, và xả thí, người ấy không vượt qua đối thủ.”
4. Bổn sanh Con Cá Sấu.
305. “Tâu bệ hạ, thần có một người giỏi giang về mọi công việc. Và người ấy có một lỗi lầm, trong việc này, bệ hạ nghĩ nên xử lý thế nào?”
306. “Đối với chúng tôi, cũng có một người như vậy được tìm thấy ở đây. Người đầy đủ các yếu tố là khó đạt được, sự kham nhẫn được chúng tôi ưa thích.”
5. Bổn sanh Ca Ngợi Sự Kham Nhẫn.
307. “Việc ra đi lúc hợp thời là tốt đẹp, việc ra đi lúc phi thời là không tốt đẹp, bởi vì kẻ ra đi lúc phi thời không đem lại bất cứ lợi ích gì. Đám đông người sẽ bao vây một người, ví như bầy quạ vây đánh con chim cú.
308. Và bậc sáng trí, biết được sự xếp đặt của quy luật, khai thác điểm yếu của những kẻ khác, tựa như con chim cú có thể chế ngự mọi kẻ thù và có được sự an lạc.”
6. Bổn sanh Con Chim Cú.
309. “Dũng sĩ gặp gỡ với dũng sĩ bằng sức lực, bằng cú đấm.
Này voi, hãy đến, hãy quay lại. Chẳng lẽ ngươi bỏ chạy vì khiếp sợ?
Hãy cho người dân xứ Aṅga và Magadha xem sức lực của ta và của ngươi.”
310. “Ta sẽ giết chết ngươi không bằng bàn chân, không bằng hai ngà, không bằng cái vòi, ta sẽ giết chết ngươi bằng phân. Này kẻ hôi thối, ngươi hãy bị giết chết bởi vật hôi thối.”
7. Bổn sanh Bọ Rầy Uống Phân.
311. “Trẫm ham muốn ba quốc độ ở trên núi:
Pañcālā, Kuruyo, và Kekaka.
Này Bà-la-môn, trẫm còn ham muốn hơn thế nữa.
Này Bà-la-môn, trẫm đã bị cuốn theo dục vọng, hãy chữa trị cho trẫm.”
312. “Một số thầy thuốc chữa trị cho người bị rắn cắn,
các bậc sáng suốt chữa trị cho người bị phi nhân hãm hại,
không ai chữa trị cho người đã bị cuốn theo dục vọng,
phương thức chữa trị nào dành cho kẻ đã bỏ rơi thiện pháp?”
8. Bổn sanh Bị Cuốn Theo Dục Vọng.
313. “Thành Takkasilā bị bao vây xung quanh bởi những đám mây gồm các con voi tuyệt hảo, bởi những tràng hoa của những con ngựa tuyệt hảo, bởi những cỗ xe trào lên như làn sóng, bởi những cơn mưa tên, bởi những cú chém mạnh bạo xoay tròn của các chiến binh giơ cao thanh kiếm.
314. Các khanh hãy xông lên và hãy lao xuống,
và nhe răng gào thét bằng nhiều cách.
Hôm nay, âm thanh náo động hãy vận hành,
giống như những tia chớp của cơn mưa đang gào thét.”
9. Bổn sanh Kẻ Đào Thoát.
315. “Với vô số cờ hiệu không có giới hạn ở phía đối diện,
tựa như biển cả là khó vượt qua bởi những con quạ,
tựa như ngọn núi là khó lay động bởi cơn gió,
với binh lực như thế ấy, hôm nay ta khó bị khuất phục.”
316. “Chớ lải nhải điều ngu dốt, bởi vì binh lực của ngươi không là như thế ấy.
Ngươi nóng nảy bởi vì ngươi không đạt được thế thượng phong.
Ngươi được ví như đang đối đầu với con voi độc hành,
nó sẽ dùng bàn chân dẫm đạp ngươi như là dẫm đạp cây sậy.”
10. Bổn sanh Kẻ Đào Thoát thứ nhì.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Tấm vải cao quý, lời nói (của vị thầy), cây hết trái,
bốn đức tính cao quý, hỡi con người tối thượng,
bầy quạ, những người xứ Magadha, và ba tên gọi các ngọn núi,
chuyện những con voi tuyệt hảo, với chuyện cờ hiệu, là mười.
--ooOoo--
317. “Cũng giống như đôi giày của một người đã được mua về
có thể xóa đi sự đau đớn (của bàn chân) nhằm mục đích thoải mái.
Bị cháy bỏng bởi sức nóng, bị cọ xát với lòng bàn chân,
đôi giày gây thương tích hai bàn chân của chính người ấy.
318. Tương tự y như thế, kẻ không cao thượng, thuộc gia tộc thấp kém,
sau khi tiếp thu học nghệ và kiến thức của người thầy,
kẻ ấy, tại nơi ấy, gây tổn hại cho chính mình bởi kiến thức (kém cỏi);
kẻ không cao thượng được gọi là tựa như đôi giày xấu.”
1. Bổn sanh Đôi Giày.
319. “Ý nghĩa này chỉ một mình con nghĩ thế, kẻ ngu si không thể là chồng, bởi vì với kẻ gù và thấp bé, này cô nương, con không phù hợp để kết hôn.”
320. “Trong khi nghĩ rằng người nam như bò mộng, con đã ham muốn kẻ bị gù. Kẻ này đây nằm co quắp, giống như cây đàn bị đứt dây.”
2. Bổn sanh Cây Đàn vīṇā.
321. “Ngươi thích nơi nào, ngươi hãy đi đến nơi ấy như mong muốn.
Ngươi đã bị mũi tên đâm vào chỗ nhược.
Ngươi bị chết vì bữa ăn có kèm theo tiếng trống,
và là kẻ tham lam trong khi bám theo bầy cá.”
322. “Cũng vậy, trong khi bị sa vào vật chất của thế gian,
kẻ nuông chiều theo mãnh lực của tâm (dục vọng) bị khổ sở.
Kẻ ấy bị giết chết giữa bà con và thân hữu,
tựa như con cá sấu ấy với việc đuổi theo đàn cá.”
3. Bổn sanh Mũi Tên.
323. “Giờ đây, dục vọng (của thiếp) ở chàng đã tiêu tan, chính chàng đã tạo nên việc ấy. Điều này đây là không còn nối lại được, tựa như ngà voi đã bị cắt đứt bởi lưỡi cưa.”
324. “Kẻ có sự ưa thích này nọ do tham lam quá độ, và do sự tham lam say đắm quá độ như vậy thì bỏ rơi điều lợi ích, tựa như ta bỏ rơi nàng Asitābhū.”
4. Bổn sanh Nàng Asitābhū.
325. “Này Vacchanakha, đời sống gia đình là sung sướng, có vàng bạc, có thức ăn, tại đó, sau khi ăn và uống, bạn có thể nằm dài, không phải nỗ lực.”
326. “Đời sống gia đình không dành cho người không năng nỗ, đời sống gia đình không dành cho người không nói láo, đời sống gia đình không dành cho người không trộm cắp, không gậy gộc, không gạt gẫm những người khác; sự khiếm khuyết như vậy là khó khắc phục, ai sẽ chọn lấy đời sống gia đình?”
5. Bổn sanh Ẩn Sĩ Vacchanakha.
327. “Con chim này quả thật xinh đẹp, nó là loài lưỡng sanh, giống như hoa súng trắng, với hai cánh lặng yên, vô cùng chậm chạp, như đang tham thiền.”
328. “Các người không nhận biết bản tính của con vật này; không biết rõ mà các người lại ca ngợi. Con thú lưỡng sanh (này) không bảo vệ chúng ta; vì thế, con thú có cánh (này) không lay động.”
6. Bổn sanh Con Cò (236).
329. “Bạch đức Thế Tôn, nguyên nhân nào mà trái tim lại vô cùng nguội lạnh đối với một số người ở nơi này, tuy nhiên tâm lại tin tưởng một số người khác?”
330. “Do việc sống chung trong quá khứ, hoặc do sự lợi ích trong hiện tại, như vậy sự yêu thương ấy sanh lên, giống như loài sen mọc lên ở trong nước.”
7. Bổn sanh Tại Sāketa.
331. “Nào, thưa cha, bằng cách tổng hợp nào đó, xin cha hãy nói một từ được bao gồm với nhiều ý nghĩa, nhờ đó chúng ta có thể đạt thành mục đích.”
332. “Này con, sự khéo léo (tinh tấn) là một từ được bao gồm với nhiều ý nghĩa, và điều ấy được kết hợp với giới hạnh, được thực hiện với nhẫn nại, là có thể đem lại hạnh phúc cho bạn bè và khổ đau cho các kẻ thù.”
8. Bổn sanh Một Chữ.
333. “Này bạn ếch xanh, trong khi ta là con rắn độc, đã đi vào miệng lưới cá, việc các con cá gặm nhấm ta có làm bạn vui thích?”
334. “Con người cướp đoạt cho đến khi nào (quyền lực) còn thuộc về kẻ ấy. Và đến khi những kẻ khác cướp đoạt (sau khi có được quyền lực), thì kẻ đã cướp đoạt bị cướp đoạt lại.”
9. Bổn sanh Con Ếch Xanh.
335. “Tất cả dân chúng đều bị vua Piṅgala hãm hại,
khi vua ấy chết, mọi người cảm thấy hân hoan.
Chẳng lẽ vị vua có mắt vàng nâu đã được ngươi yêu mến?
Này người giữ cổng, tại sao ngươi lại khóc lóc?”
336. Vị vua có mắt vàng nâu đã không được tôi yêu mến.
Tôi sợ hãi việc quay lại của vua ấy.
Từ đây ra đi, vua có thể hãm hại Thần Chết,
Thần chết, bị hãm hại, có thể đưa vua về lại nơi này.”
337. “Vua ấy đã bị đốt cháy bởi một ngàn xe (củi), đã bị rưới ướt bởi một trăm chậu nước, và khu đất ấy đã bị đào vòng quanh; chớ sợ hãi, vua sẽ không trở lại.”
10. Bổn sanh Vua Mahāpiṅgala.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Chuyện đôi giày, kẻ bị gù, và mũi tên,
với nàng Asitābhū, ẩn sĩ Vacchanakha là thứ năm,
loài lưỡng sanh, sự yêu thương là chuyện hay nhất, một chữ,
miệng lưới cá, với vua Piṅgala, là mười.
--ooOoo--
338. Con chó rừng, kẻ tầm cầu về đồ chúng, ương ngạnh vì ngã mạn, đã chiếm được vùng đất rộng lớn, đã trở thành vị vua của tất cả các loài thú có răng nanh.
339. Tương tự như vậy, người nào có đồ chúng trong số loài người, chính người ấy là vĩ đại ở nơi ấy, ví như con chó rừng đối với các loài thú có nanh.
1. Bổn sanh Mọi Loài Thú Có Nanh.
340. “Quả thật con chó này ngu thật, nó không nhai đứt sợi dây da! Nó có thể thoát khỏi sự trói buộc, và không bị giữ lại, nó có thể chạy về nhà.”
341. “Điều đã được tôi quyết định ở ý của tôi, rồi đã được thực hiện ở tâm của tôi, và tôi chờ đợi thời điểm cho đến khi mọi người đã đi ngủ.”
2. Bổn sanh Con Chó.
342. “Tôi đã dạy về đàn bảy dây vô cùng du dương, làm cho vui thích. Gã (học trò) ấy thách thức tôi về việc trình diễn. Này Kosiya, ngài hãy là nơi nương nhờ của tôi.”
343. “Này bạn, ta là nơi nương nhờ của bạn, ta là người phụng sự vị thầy. Gã học trò sẽ không thắng bạn. Này vị thầy, bạn sẽ thắng gã học trò.”
3. Bổn sanh Nhạc Sĩ Guttila.
344. “Cái mà gã nhìn thấy thì gã không ước muốn cái ấy,
và cái mà gã không nhìn thấy, nghe nói gã ước muốn cái ấy.
Ta nghĩ rằng gã sẽ du hành dài lâu,
bởi vì gã sẽ không đạt được cái mà gã ước muốn.
345. Cái mà nó đạt được, thì sẽ không được nó vui thích,
cái mà nó ước nguyện, khi đã đạt được thì nó lại khinh bỉ,
bởi vì ước muốn có hành xứ là không giới hạn.
Tôi xin bày tỏ sự kính lễ đến các vị đã xa lìa sự ước muốn.”
4. Bổn sanh Xa Lìa Ước Muốn.
346. “Thời gian gặm nhấm các chúng sanh, toàn bộ tất cả cùng với bản thân. Và kẻ nào có sự gặm nhấm thời gian là bản thể, kẻ ấy đã nung nấu sự nung nấu chúng sanh.
347. Nhiều cái đầu của loài người là có tóc mọc và to lớn, được gắn vào ở những cái cổ, ở đây, ai là người có lỗ tai (trí tuệ)?”
5. Bổn sanh Phương Pháp Căn Bản.
348. “Kẻ không tự chế ngự (không giữ giới) đánh đập, đốt cháy, giết chết (sinh mạng), rồi bố thí vật thí (bữa ăn). (Người nào) trong lúc thọ dụng thức ăn như thế này, người ấy bị uế nhiễm bởi tội ác.”
349. “Nếu kẻ không tự chế ngự (không giữ giới) giết chết thậm chí vợ và con, rồi bố thí vật thí (bữa ăn). Bậc có trí tuệ, mặc dầu thọ dụng thức ăn, cũng không bị uế nhiễm bởi tội ác.”
6. Bổn sanh Giáo Giới Về Dầu Ăn.
350. “Chắc chắn hoàng tử Pādañjali chói sáng hơn tất cả về trí tuệ, bởi vì theo như cách ngài bĩu môi, phải chăng ngài nhìn thấy nhiều hơn?”
351. “Người này không nhận chân là đúng pháp hay là phi pháp, luôn cả việc có lợi ích hay không có lợi ích, ngoại trừ việc bĩu môi; người này không biết bất cứ điều gì!”
7. Bổn sanh Hoàng Tử Pādañjali.
352. “Cây kiṃsuka đã được nhìn thấy bởi tất cả các con, các con hoài nghi gì ở đây? Chính vì người đánh xe đã không được hỏi rõ về mọi trường hợp.”
53. “Tương tự như vậy với tất cả các trí, đối với những người nào các pháp không được nhận biết, đương nhiên, họ nghi hoặc về các pháp, tựa như các anh em trai nghi hoặc về cây kiṃsuka.”
8. Bổn sanh Ví Dụ Về Cây Kiṃsuka.
354. “Con sẽ là con trai độc nhất,
và con sẽ trở thành chủ nhân ở gia đình chúng ta.
Này Sālaka, từ trên cây con hãy leo xuống,
hãy đến, giờ đây chúng ta nên đi về nhà.”
355. “Hiển nhiên là ông khi dễ tôi về tâm tánh,
và thêm việc ông đánh tôi bằng cây gậy tre?
Chúng tôi sẽ vui thích ở khu rừng xoài chín,
còn ông hãy đi về nhà một cách thoải mái.”
9. Bổn sanh Con Khỉ Sālaka.
356. “Vị ẩn sĩ này thích thú sự an tịnh và thu thúc,
ông ta đứng yên, bị phiền muộn do nỗi sợ hãi mùa đông.
Nào, hãy cho ông này đi vào nhà,
hãy giúp ông ta xua đi sự lạnh lẽo và mọi nỗi khổ nhọc.”
357. “Gã này không phải là ẩn sĩ thích thú sự an tịnh và thu thúc,
gã này là con khỉ, có hành xứ là các cành cây.
Nó là kẻ tồi bại, khuấy rối, và đáng khinh bỉ,
nếu nó đi vào, nó cũng sẽ làm nhơ bẩn căn nhà này.”
10. Bổn sanh Con Khỉ.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Giờ là chuyện chó rừng làm vua, chuyện con chó,
tương tự vị Trời Kosiya, ước muốn, sự gặm nhấm thời gian,
rồi chuyện bố thí, bĩu môi, với người đánh xe,
và khu rừng lần nữa, con khỉ vào mùa đông, là mười.
Nhóm Hai Kệ Ngôn được chấm dứt.
*****
Phẩm cứng rắn, và sự thân thiết khác nữa,
phẩm tốt lành, sự so sánh, và quan tế tự Ruhaka,
việc ấy không chắc chắn, đám cỏ bīraṇa lần nữa,
y ca-sa, đôi giày, với chó rừng, là mười.
--ooOoo--
***
[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14]
[Thư Mục Tổng Quát][Thư mục Bổn Sanh I][Thư mục Bổn Sanh II][Thư mục Bổn Sanh III]