TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 32
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH tập I
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH
 

VI. CHAKKANIPĀTO - NHÓM SÁU KỆ NGÔN

 

1. PHẨM GÃ CHÈO ĐÒ

 

848. “Tâu vị chúa tể của trái đất, xin bệ hạ chớ nóng giận. Tâu đấng thủ lãnh xa binh, xin bệ hạ chớ nóng giận. Trong khi không nóng giận lại với kẻ đã nổi nóng, đức vua được xứ sở tôn vinh.

 

849. Dầu ở làng hoặc ở rừng, dầu ở đất trũng hoặc ở đất bằng, ở tất cả mọi nơi, thần khuyên bảo rằng, tâu đấng thủ lãnh xa binh, xin bệ hạ chớ nóng giận.”

 

850. “Người cha của nàng Avāriyā đã là người chèo đò ở sông Gaṅgā.

Gã đưa người qua sông trước, sau đó mới đòi hỏi tiền công.

Vì thế, có sự cãi lộn dành cho gã, và gã không làm gia tăng các của cải.

 

851. Này người chèo đò thân mến, ông hãy đòi hỏi khi người ta còn chưa qua đến bờ bên kia. Bởi vì, người đã qua sông có ý nghĩ khác, người tầm cầu sự qua sông có ý nghĩ khác.

 

852. Dầu ở làng hoặc ở rừng, dầu ở đất trũng hoặc ở đất bằng, ở tất cả mọi nơi, ta khuyên bảo rằng, này người chèo đò, xin ông chớ nóng giận.”

 

853. “Chỉ với lời khuyên bảo, đức vua đã ban cho ân huệ một ngôi làng, với chính lời khuyên bảo ấy, người chèo đò đã đánh vào mặt.

 

854. Bữa ăn bị vỡ tan, người vợ bị đánh, và bào thai bị sẩy rơi ở mặt đất. Tựa như con thú với khổi vàng, gã chèo đò không làm tăng trưởng lợi ích với lời khuyên bảo ấy.”

 

1. Bổn sanh Gã Chèo Đò.

 

855. “Này con, chớ nóng giận bởi vì sự giận dữ là không tốt,

cũng có nhiều việc con chưa được thấy và chưa được nghe.

Này Setaketu, mẹ cha là phương hướng,

các bậc xuất chúng đã nói thầy dạy học là phương hướng.

 

856. Các gia chủ, những người cho cơm ăn, cho nước uống và vải mặc,

các bậc Thánh nhân nói hạng người ấy cũng là phương hướng.

Này Setaketu, phương hướng kia là tuyệt đối (Niết Bàn),

sau khi đạt đến nơi ấy, những kẻ khổ đau trở nên an lạc.”

 

857. “Có y da dê thô cứng, tóc bện, có răng bị đóng bợn, có bộ dạng lấm lem dơ bẩn, các vị này lẩm nhẩm các chú thuật, phải chăng các vị ấy, trong sự rèn luyện thuộc về nhân gian, là những vị hiểu biết thế gian này, và đã được hoàn toàn thoát khỏi các đọa xứ?"

 

858. “Tâu bệ hạ, sau khi làm các hành động xấu xa, người có nhiều kiến thức còn có thể không thực hành thiện pháp. Người đã không đạt được sự thực hành, dầu có một ngàn sự hiểu biết, không vì điều ấy mà có thể thoát khỏi khổ đau.”

 

859. “Người đã không đạt được sự thực hành, dầu có một ngàn sự hiểu biết, không vì điều ấy mà có thể thoát khỏi khổ đau. Ta nghĩ rằng các sự hiểu biết là không có kết quả, chính sự thực hành với sự tự chế ngự là chân lý.

 

860. “Các sự hiểu biết không hẳn là không có kết quả, chính sự thực hành với sự tự chế ngự là chân lý. Bởi vì người sau khi học tập các sự hiểu biết thì đạt được danh tiếng, còn với sự thực hành, người đã được huấn luyện đạt đến sự an tịnh.”

 

2. Bổn sanh Bà-la-môn Setaketu.

 

861. “Các dục là bùn nhơ, và các dục là bãi lầy,

và sự sợ hãi với ba gốc rễ này đã được ta nói đến,

bụi bặm và khói mù đã được ta giảng giải,

sau khi từ bỏ, này Brahmadatta, xin đức vua hãy xuất gia.”

 

862. “Này Bà-la-môn, trẫm bị vướng mắc, bị luyến ái, bị mê đắm trong các dục. Là người tầm cầu mạng sống, trẫm không thể dứt bỏ dục có dáng vẻ hung tợn ấy. Trẫm sẽ làm không ít các phước thiện.”

 

863. “Trong khi được giáo huấn bởi người có lòng thương tưởng đến điều lợi ích, bởi người có lòng mong muốn sự tiến bộ, kẻ nào không làm theo lời giáo huấn, trong khi nghĩ rằng: ‘Chính điều này là tốt hơn,’ kẻ ngu muội đi đến thai bào lần này đến lần khác.

 

864. Kẻ ấy đi đến bào thai, ví như địa ngục, có dáng vẻ ghê rợn, nơi không đẹp đẽ đối với những người tốt lành, bị ngập tràn bởi nước tiểu và phân. Những kẻ nào có sự luyến ái chưa được xa lìa khỏi các dục, những kẻ ấy bị dính mắc, bị thèm khát, chúng không từ bỏ bụng mẹ.

 

865. Chúng chào đời, bị lấm lem bởi phẩn, bị bôi trét bởi máu, bị lấm lem bởi đàm. Vào khi ấy, bất cứ cái gì chúng chạm đến bằng thân, tất cả đều không có khoái lạc, toàn bộ chỉ là khổ đau.”

 

866. “Ta nói, sau khi nhìn thấy, không phải trong khi nghe từ người khác.

Ta nhớ lại vô số kiếp sống trước đây.

Với những kệ ngôn phong phú đã được khéo nói,

đức Phật Độc Giác Darīmukha đã giúp cho vị vua khôn ngoan thấu hiểu.”

 

3. Bổn sanh Bà-la-môn Darīmukha.

 

867. “Các con quạ đen, các bầy quạ thường, và chúng ta là cao quý trong số các loài có cánh; toàn bộ tất cả chúng ta trở nên giống nhau về màu sắc sau khi đi đến ngọn núi này.

 

868. Ở nơi này, các con sư tử, các con hổ, và các con chó rừng là thấp kém trong số các loài thú; toàn bộ tất cả chúng ta trở nên giống nhau về màu sắc. Ngọn núi này có tên là gì?”

 

869. “Mọi người đều biết ngọn núi tên Neru này là ngọn núi hạng nhất. Tất cả các sinh vật sống ở nơi này đều có màu sắc vàng.”

 

870. “Nơi nào có sự không kính trọng hoặc có sự xem thường đối với những người tốt, hoặc thậm chí có sự kính nể đối với những kẻ hạ liệt, không nên sống ở nơi ấy.

 

871. Nơi nào kẻ lười biếng và người khôn khéo, bậc dũng cảm và kẻ nhút nhát đều được tôn vinh, những người tốt không sống nơi đó, ở ngọn núi có sự hành xử không phân biệt.

 

872. Núi Neru này không phân loại hạ liệt, ưu tú, hay trung bình. Núi Neru có sự hành xử không phân biệt. Nào, chúng ta nên lìa bỏ núi Neru.”

 

4. Bổn sanh Núi Neru.

 

873. “Dây leo tên āsāvatī mọc ở khu vườn Cittalatāvana (thuộc cõi trời), một ngàn năm, nó chỉ sanh ra một trái. Chư Thiên trông chừng cây ấy cho đến khi có được trái cây lâu năm (mới ra quả ấy).

 

874. Tâu bệ hạ, bệ hạ hãy luôn ước nguyện. Niềm ao ước có được sự kết trái là hạnh phúc. Loài chim ấy cũng luôn ước nguyện, loài lưỡng sanh ấy cũng luôn ước nguyện.

 

875. Và niềm ao ước của con chim đã được thành tựu dầu cho đã đi đến nơi xa xôi. Tâu bệ hạ, bệ hạ hãy luôn ước nguyện. Niềm ao ước có được sự kết trái là hạnh phúc.”

 

876. “Nàng quả thật đã làm ta hài lòng với lời nói, nhưng chưa làm hài lòng bằng hành động, tựa như tràng hoa sereyyaka có sắc không hương.

 

877. Người nào bày tỏ lời nói ngọt ngào với các bạn bè nhưng không có kết quả, không bố thí, không ban phát của cải, sự liên kết về tình bạn với người ấy bị phai nhạt.

 

878. Có thể làm điều gì thì nên nói điều ấy, không thể làm điều gì thì không nên nói điều ấy. Các bậc sáng suốt biết rõ người nói mà không làm.

 

879. Thật sự sức lực của trẫm bị cạn kiệt, và lương thực dự trữ không còn, trẫm hoài nghi về sự tiêu tùng của mạng sống. Nào, giờ đây, trẫm ra đi.”

 

880. “Tâu đấng thủ lãnh xa binh, chính tiếng ấy đúng là tên của thiếp, thiếp có tên ấy. Tâu đại vương, xin bệ hạ hãy đi dến gặp cha, thiếp xin thỉnh mời.”

 

5. Bổn sanh Nàng Āsaṅkā.

 

881. “Này Migālopa, đường bay của con như thế ấy không làm cho cha ưa thích. Này con, con bay quá cao. Này con, con lai vãng vùng ở ngoài địa phận.

 

882. Khi nào đối với con, quả đất trở thành tựa như khoảnh đất hình vuông, này con, từ nơi ấy con nên quay trở lại, chớ bay cao hơn nơi ấy.

 

883. Cũng có những loài chim khác có sự di chuyển bằng cặp cánh, có sự đi lại ở không trung, bị cuốn đi bởi sức mạnh của gió; chúng bị bỏ mạng, trong lúc nghĩ rằng mình là trường cửu.”

 

884. “Chim kên kên Migālopa đã không làm theo lời dạy của con chim cha già cả tên Aparaṇṇa. Nó đã vượt quá làn gió đen và đã đi vào vùng tác động của các luồng gió Veramba.

 

885. Các chim con, các con chim mái, và những những con chim khác sống phụ thuộc vào nó, tất cả đều gánh chịu điều bất hạnh khi con chim kên kên Migālopa không làm theo lời giáo huấn (của chim cha).

 

886. Cũng y như vậy, ở đây người nào không nhận chân được lời nói của các bậc trưởng thượng, kẻ ấy có sự hành xử vượt quá giới hạn, cao ngạo, tựa như con chim kên kên đã vượt qua lời chỉ dạy. Sau khi không thực hành lời dạy của đức Phật, tất cả không đạt được sự hiểu biết.”

 

6. Bổn sanh Kên Kên Migālopa.

 

887. “Nàng nào có màu da đen, và không có vẻ đáng mến? Nàng là ai, hoặc là con gái của ai, làm thế nào chúng tôi có thể biết về nàng?”

 

888. “Thiếp là con gái của đại vương Virūpakkha có tánh dữ tợn. Thiếp là Kāḷī, là người nữ bất hạnh. Người ta biết rõ thiếp là Kāḷakaṇṇī. Được yêu cầu về chỗ ngụ, xin ngài hãy ban cho. Hãy để cho bọn thiếp cư ngụ bên cạnh ngài.”

 

889. “Nàng để ý đến người nam có giới đức gì, có tánh hạnh gì? Này Kāḷī, được tôi hỏi, xin nàng hãy giải thích cho chúng tôi có thể biết về nàng.”

 

890. “Người nam nào có sự gièm pha, ác ý, hung hăng, ganh tỵ, bỏn xẻn, lường gạt, kẻ ấy, đối với thiếp, là người nam đáng yêu; (thiếp sẽ làm cho) phần tài sản của cải đã đạt được của kẻ ấy bị tiêu hoại.”

 

891. “Người nam nào giận dữ, thù hằn, đâm thọc, và là kẻ ly gián, có lời nói xóc xỉa, thô lỗ, kẻ ấy, đối với thiếp, là người nam đáng yêu hơn người kia.

 

892. Người nam không nhận chân được việc có lợi ích (nghĩ rằng): ‘Việc hôm nay, hãy để đến ngày mai,’ là kẻ bị bực tức trong khi được giáo huấn, khi dể người vượt trội mình.

 

893. Người nam bị dính mắc vào các thú vui, bị các bạn bè ruồng bỏ, kẻ ấy, đối với thiếp, là người nam đáng yêu; thiếp không phải sầu khổ với kẻ ấy.”

 

894. “Này Kāḷī, nàng hãy đi khỏi đây, các điều ấy không tìm thấy ở chúng tôi. Nàng hãy đi đến xứ sở khác, đến các thị trấn, đến các kinh thành.”

 

895. “Quả thật, thiếp cũng biết được chàng, các điều ấy không tìm thấy ở chàng. Ở thế gian có những kẻ không may mắn, họ tom góp được nhiều tài sản, thiếp và vị Thiên nhân anh trai của thiếp, cả hai người thiếp có thể làm tiêu tan tài sản ấy.”

 

896. “Nàng nào đã khéo hiện ra ở trái đất với màu sắc thuộc cõi Trời? Nàng là ai, hoặc là con gái của ai, làm thế nào chúng tôi có thể biết về nàng?”

 

897. “Thiếp là con gái của đại vương Dhataraṭṭha có sự vinh quang. Thiếp là Sirī, và là người nữ may mắn. Người ta biết rõ thiếp là Bhūripaññā. Được yêu cầu về chỗ ngụ, xin ngài hãy ban cho. Hãy để cho chúng tôi cư ngụ bên cạnh ngài.”

 

898. “Nàng để ý đến người nam có giới đức gì, có tánh hạnh gì? Này người nữ may mắn, được tôi hỏi, xin nàng hãy giải thích cho chúng tôi có thể biết về nàng.”

 

899. “Người nam nào chịu đựng tất cả các sự lạnh hoặc là nóng, gió và nắng, ruồi và các loài bò sát, đói, khát, người nam nào đêm ngày thường xuyên gắn bó (với bổn phận), và không bê trễ việc lợi ích khi thời điểm đến, người ấy là ưng ý đối với thiếp; thiếp để ý đến người ấy.

 

900. Người nam nào không giận dữ, có sự thân thiện, và có sự xả thí,

có giới hạnh, không lường gạt, có bản tính ngay thẳng,

là người hào phóng, nói năng tử tế, có lời nói mềm mỏng,

dầu đạt được địa vị lớn lao, cũng vẫn có thái độ khiêm tốn.

 

901. 902. Vì thế, ở nơi người nam ấy, thiếp trở nên không còn nhỏ bé, cũng giống như đối với những người đang quan sát màu sắc của biển cả, thì các làn sóng đang tiến đến chồng lên nhau đường như có vẻ đồ sộ. Và người nam nào, đối với bạn hay thù, đối với người xuất sắc, tương đương, hoặc kém cỏi, trong lúc thực hành điều lợi ích hay là không lợi ích, có thể vận hành sự tiếp độ trực tiếp hay gián tiếp, không nói lời thô lỗ bất cứ lúc nào, thiếp là thuộc về người nam ấy, dầu đã chết hay còn sống.

 

903. Người nam nào đã đạt được một đức tính nào đó trong số các đức tính này, là kẻ thiểu trí (nghĩ rẵng): ‘Nàng Sirī đáng yêu say mê ta,’ thiếp tránh xa kẻ có bản chất ngạo mạn, đang hành xử không nhất quán ấy, tựa như tránh xa đống phân.

 

904. Mỗi người tự bản thân tạo ra sự may mắn, tự bản thân tạo ra sự bất hạnh, bởi vì không ai là người tạo ra may mắn hay bất hạnh cho người khác.”

 

7. Bổn sanh Tiên Nữ Sirī và Kālakaṇṇī.

 

905. “Hỡi loài chim có lớp vỏ bọc bằng lông với màu sắc sặc sỡ, có mồng đỏ chói, từ nơi cành cây chàng hãy đáp xuống, thiếp sẽ là người vợ không sính lễ của chàng.”

 

906. “Này người đẹp, nàng có bốn chân. Này cô nàng quyến rũ, ta có hai chân. Loài thú và loài chim không kết hợp được, nàng hãy tìm kẻ khác làm chồng.”

 

907. “Thiếp sẽ là người vợ trinh nguyên của chàng, có giọng nói ngọt ngào, có lời nói đáng yêu. Chàng hãy tiếp nhận thiếp với niềm vui thánh thiện, nếu chàng muốn chàng có thể tuyên bố thiếp là nữ tỳ.”

 

908. “Này cô nàng hút máu các loài chim, này nữ tặc, này cô nàng sát hại gà trống, nàng muốn ta làm chồng không vì niềm vui thánh thiện.”

 

909. “Cũng tương tự như vậy, những người nữ khôn lanh, sau khi nhìn thấy người nam cao quý, thì dụ dỗ bằng những lời nói mềm mỏng, ví như con mèo cái dụ dỗ con gà trống.

 

910. Thật vậy, người nào không mau chóng nhận biết sự việc đã nảy sanh, rồi đi theo sự khống chế của kẻ thù, về sau sẽ hối tiếc.

 

911. Và người nào nhận chân sự việc đã nảy sanh thật mau chóng, người ấy thoát khỏi sự ngược đãi của kẻ thù, tựa như con gà trống với con mèo cái vậy.”

 

8. Bổn sanh Con Gà Trống.

 

912. “Hãy thực hành đạo đức, này các bà con. Hãy thực hành đạo đức, điều tốt lành sẽ đến với quý vị. Người thực hành đạo đức nằm ngủ thoài mái ở đời này và đời sau.”

 

913. “Con chim này quả thật là bậc hiền thiện, loài lưỡng sanh, bậc đạo đức cao tột. Trong khi đứng bằng một chân, gã chỉ dạy thuần đạo đức.”

 

914. “Các người không nhận biết bản tính của con thú này, đã không biết các ngươi lại ca ngợi. Sau khi ăn trứng và các chim con, nó luôn nói: ‘Đạo đức, đạo đức.’

 

915. Nó nói điều khác bằng lời nói, nó làm bằng thân điều khác. Bằng lời nói chứ không bằng thân, nó không đứng vững ở đạo đức ấy.

 

916. Nó có sự tử tế về lời nói, có sự khúc mắc về tâm ý,

tựa như con rắn độc màu đen ẩn nấp ở trong hang hốc,

có biểu hiện đạo đức, là người tốt lành ở trong làng và thị trấn,

được công nhận là khó có thể biết được bởi người thiểu trí.

 

917. Hãy tấn công con chim này với các mỏ, với các cánh, và bắng các bàn chân. Hãy tiêu diệt loài tệ hại này. Hạng này không xứng đáng sống chung với chúng ta.”

 

9. Bổn sanh Biểu Hiện Đạo Đức.

 

918. “Này Bà-la-môn, nếu ngài đi đến khu rừng Añjanā ở Sāketa,

xin ngài nói với con trai ruột của chúng tôi tên là Nandiya rằng:

‘Mẹ và cha của ngươi đã già, các vị ấy mong muốn được gặp ngươi.’”

 

919. “Tôi đã thọ dụng các vật nuôi dưỡng, nước uống và thức ăn của đức vua, này Bà-la-môn, tôi không thể ăn không vật thực ấy của đức vua mà không đền đáp.

 

920. Tôi sẽ phô bày phần bên hông về phía cung tên của đức vua, khi ấy tôi được tự do, thoải mái, và tôi có thể gặp gỡ mẹ của tôi.”

 

921. “Trước đây, ta đã là con nai chúa ở Niketava thuộc xứ Kosala, tên là Nandiya, là loài bốn chân có vóc dáng xinh đẹp.

 

922. Vị vua xứ Kosala đã đi đến để giết chết chính ta ở vườn nai thuộc khu rừng Añjanā. Vị vua đã kéo căng dây cung và kết hợp với mũi tên.

 

923. Ta đã phô bày phần bên hông về phía cung tên của vị vua ấy, khi ấy ta được tự do, thoải mái, ta đã đi đến gặp gỡ mẹ của ta.”

 

10. Bổn sanh Con Nai Nandiyamiga.

 

Phẩm Gã Chèo Đò là thứ nhất.

 

*****

 

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

 

Giờ chuyện đấng thủ lãnh xa binh nóng giận, chuyện Setaketu,

Bà-la-môn Darīmukha, và núi Neru lần nữa,

niềm ao ước, không hoan hỷ, tiên nữ Sirī, và chuyện màu sắc sặc sỡ,

rồi bậc đạo đức cao tột, với con nai Nandiya, là mười.

 

--ooOoo--

 

2. PHẨM VUA SENAKA

 

924. “Nghe nói sự thật là như vầy: Các bậc sáng suốt đã nói rằng: ‘Loài dê là ngu dốt.’ Hãy nhìn xem kẻ ngu dốt không biết rằng mình đang làm một cách lộ liễu cái việc phải làm kín đáo.”

 

925. “Này bạn, bạn thật là ngu si. Này lừa, bạn hãy biết thế. Bởi vì bạn bị buộc quanh bởi sợi dây thừng, cái hàm bị vặn vẹo, cái miệng bị bịt lại.

 

926. Này bạn, bạn còn có sự ngu dốt khác nữa là bạn không tẩu thoát khi được tự do. Và này bạn, gã Senaka mà bạn chở đi còn ngu dốt hơn bạn nữa.”

 

927. “Này bạn, việc tôi là ngu dốt, này dê chúa, bạn biết rồi. Còn vì sao vua Senaka là ngu dốt? Được hỏi, xin bạn hãy giải thích về điều ấy cho tôi.”

 

928. “Sau khi nhận được chú thuật có lợi ích tối cao, vua Senaka sẽ ban tặng cho vợ. Vì thế, vua sẽ mất mạng sống, còn hoàng hậu sẽ không thuộc về vua nữa.”

 

929. “Tâu chúa thượng, thật sự người như bệ hạ đây không thể nghĩ rằng: ‘Đây là vật yêu quý của ta,’ rồi xem nhẹ bản thân và phục vụ các vật yêu quý ấy. Chính bản thân là tốt hơn, và tốt hơn vật yêu quý khác, bởi vì vật yêu quý là có thể đạt được sau này bằng cách tuyển chọn.”

 

1. Bổn sanh Con Lừa.

 

930. “Người nào muốn mua cây kim không sần sùi, không thô, được mài với đá mài, có thể xuyên thủng dễ dàng, mảnh mai, và có mũi nhọn hoắt?

 

931. Người nào muốn mua cây kim khéo được mài bóng, và có sự xuyên thủng suôn sẻ, được di chuyển nhẹ nhàng theo tuần tự, đâm thủng được vật cứng, và rắn chắc?”

 

932. “Hiện nay, các loại kim và các loại lưỡi câu đều được bán ra từ nơi này. Người này là ai mà muốn bán kim ở ngôi làng của các thợ rèn?

 

933. Từ nơi này, sản xuất ra các vũ khí, các dụng cụ nhiều loại khác nhau. Người này là ai mà muốn bán kim ở ngôi làng của các thợ rèn?”

 

934. “Người có tài trí nên bán kim ở ngôi làng của các thợ rèn. Chính các bậc thầy biết được sản phẩm đã được làm tốt hay làm vụng.

 

935. Này cô nương, và nếu cha của nàng biết được cây kim này đã được tôi làm, ông sẽ gã nàng cho tôi cùng với các tài sản khác có ở trong nhà.”

 

2. Bổn sanh Cây Kim.

 

936. “Giờ đây, được cho ăn cách thức mới,

cái máng thức ăn thì đầy ắp, bà chủ thì đứng gần,

có nhiều người với bẫy thú ở bàn tay,

và em thật sự không có hứng thú để ăn.

 

937. “Em run rẩy, em đi loanh quanh, em tìm nơi trú ẩn,

em không có sự nương tựa, vậy em sẽ đi đâu?

Này heo Tuṇḍila, em hãy vô tư lự, em hãy ăn đi,

chúng ta được nuôi dưỡng chỉ vì mục đích lấy thịt.

 

938. Em hãy lội xuống hồ nước không có bùn.

Em hãy tẩy sạch tất cả mồ hôi và cáu bẩn.

Em hãy lấy dầu thoa mới,

loại dầu có mùi thơm không bao giờ bị phai nhạt.”

 

939. “Hồ nước nào là không có bùn?

Cái gì được gọi là mồ hôi và cáu bẩn?

Và dầu thoa mới loại nào,

mùi thơm của cái gì không bao giờ bị phai nhạt?”

 

940. “Giáo Pháp là hồ nước không có bùn.

Việc xấu xa nói đến mồ hôi và cáu bẩn.

Và giới hạnh là dầu thoa mới,

mùi thơm của giới hạnh không bao giờ bị phai nhạt.

 

941. Những kẻ có sự hủy hoại mạng sống vui mừng, và những kẻ có sự duy trì mạng sống không vui mừng. Những người thật sự vui thích với sự đầy đủ về giới hạnh buông bỏ mạng sống vào những ngày trai giới.”

 

3. Bổn sanh Con Heo Tuṇḍila.

 

942. “Con vật có càng, có mắt lồi,

có lớp vỏ cứng, sống ở trong nước, không có lông.

Bị nó chế ngự, tôi khóc lóc thảm thương.

Nè, này bạn, tại sao bạn lại bỏ rơi tôi?”

 

943. “Là bạn bè đang bảo vệ bạn bè, con rắn ấy, trong lúc thở phì phì bằng cái mang lớn, đã lao đến con cua. Con cua đã kẹp lấy con rắn.”

 

944. “Con cua đã kẹp lấy con quạ và luôn cả con rắn chúa không phải vì mục đích thức ăn. Này con thú có mắt lồi, ta hỏi ông rằng: Vì nguyên nhân gì mà cả hai chúng tôi bị ông kìm kẹp?”

 

945. “Người này có sự mong muốn điều lợi ích cho tôi;

vị này đã vớt tôi lên và đưa ra khỏi hồ nước.

Nếu vị ấy chết đi, khổ đau sẽ có cho tôi không phải là ít.

Tôi và vị này không phải là hai người.

 

946. Và sau khi nhìn thấy tôi có thân thể phát triển,

tất cả mọi người đều mong muốn giết chết tôi ngay,

(nghĩ rằng) thịt con cua này ngọt, béo, và mềm mại.

Các con quạ cũng vậy, sau khi nhìn thấy, cũng sẽ hãm hại tôi.”

 

947. “Nếu cả hai chúng tôi bị ông kìm kẹp vì nguyên nhân người ấy,

thì hãy giải độc cho người ấy, tôi sẽ hút ra chất độc.

Và hãy lập tức phóng thích tôi và con quạ,

trước khi chất độc ngấm sâu vào trong người ấy.”

 

948. “Tôi sẽ phóng thích con rắn, nhưng con quạ thì chưa;

hãy để con quạ là vật được giữ lại làm con tin.

Và sau khi nhìn thấy người ấy khỏe khoắn, không bệnh,

tôi sẽ phóng thích con quạ, giống y như con rắn vậy.”

 

949. “Khi ấy, con quạ đã là Devadatta,

còn Ma Vương đã là con rắn độc màu đen,

Ānanda hiền thiện đã là con cua,

khi ấy, ta đã là vị đạo sư Bà-la-môn.”

 

4. Bổn sanh Con Cua Vàng.

 

950. “Loài chim tên Mayhaka có sự sinh sống ở hang động của đồi núi. Nó đậu ở cây pipphalī có trái chín và kêu khóc ‘mayhaṃ, mayhaṃ.’[1]

 

951. Trong khi nó đang kêu than như vậy, có bầy chim đã tụ tập lại. Sau khi ăn xong, chúng bay đến cây pipphalī khác. Con chim ấy chỉ có kêu than.

 

952. Tương tự y như vậy, ở đây, một người nào đó, sau khi gom góp được nhiều tài sản, nhưng đối với bản thân cũng như đối với các thân quyến lại không phân chia theo từng phần phù hợp để sử dụng.

 

953. Người ấy không một lần hưởng thụ bất cứ vật gì về y phục, vật thực, tràng hoa, dầu thoa, và cũng không giúp đỡ cho các thân quyến.

 

954. Tương tự như vậy đối với người ấy, trong lúc gìn giữ và đang kêu than ‘của tôi, của tôi,’ các vị vua hoặc các kẻ trộm cướp, ngay cả những người thừa kế không được yêu mến đã đoạt lấy tài sản rồi ra đi. Người ấy chỉ có kêu than.

 

955. Và bậc sáng trí, sau khi thành tựu các của cải, thì giúp đỡ cho các thân quyến, nhờ thế, vị ấy đạt được danh tiếng, và vui sướng ở cõi trời sau khi chết đi.”

 

5. Bổn sanh Loài Chim Mayhaka.

 

956. “Ngài là người có vóc dáng cao cả, và ngài tôn vinh, chắp tay lại, lễ bái đến vị có bề ngoài xấu xí. Vị ấy là tốt hơn hay là tương đương với ngài? Xin ngài hãy nói tên của vị ấy và luôn cà tên của bản thân ngài.”

 

957. “Tâu bệ hạ, chư Thiên trong số các vị đã đi đúng đường lối hoặc đã đi theo con đường ngay thẳng thì không nắm giữ danh xưng và dòng họ. Và tôi nói cho bệ hạ tên gọi của tôi. Tôi là Thiên Chủ Sakka, chúa của chư Thiên cõi Tam Thập.

 

958. “Người nào sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu thành tựu về giới hạnh,

thì tôn vinh, chắp tay lại, lễ bái.

thưa Thiên Vương, trẫm hỏi ngài về ý nghĩ của việc này,

người ấy nhận được hạnh phúc gì sau khi từ nơi này chết đi?”

 

959. “Người nào sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu thành tựu về giới hạnh,

thì tôn vinh, chắp tay lại, lễ bái,

ngay trong kiếp hiện tại này, nhận được sự khen ngợi,

và người ấy đi đến cõi trời khi cơ thể rã tan.”

 

960. “May mắn quả thật đã sanh khởi đến trẫm hôm nay,

là việc chúng tôi đã nhìn thấy vị Thiên Chủ, chúa của các Thiên thần.

Và thưa Sakka, hôm nay sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu của ngài,

trẫm sẽ làm các việc phước thiện không phải là ít.”

 

961. “Quả thật, đúng vậy, nên thân cận các bậc có trí tuệ,

các bậc đa văn, là những vị có những suy nghĩ bao quát.

Và tâu bệ hạ, sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu của ta,

bệ hạ hãy làm các việc phước thiện không phải là ít.”

 

962. “Thưa vị Chúa của chư Thiên, sau khi lắng nghe những lời khéo nói,

trẫm sẽ không có sự giận dữ, thường xuyên có tâm tịnh tín,

sau khi đáp ứng sự yêu cầu của tất cả những người khách lạ,

trẫm sẽ dẹp bỏ sự ngã mạn, và sẽ chí thành đảnh lễ.

 

6. Bổn sanh Phá Hủy Biểu Tượng.

 

963. “Ông hít ngửi đóa hoa sen này còn chưa được cho đến ông. Việc này là một tội trộm cắp. Này ông, ông là kẻ trộm cắp hương thơm.”

 

964. “Tôi không lấy đi, không bẻ gãy, tôi hít ngửi bông hoa từ xa, vậy thì với lý do gì mà gọi là ‘kẻ trộm cắp hương thơm’?

 

965. Người đào bới các củ sen, bẻ gãy các bông hoa sen là kẻ có việc làm vung vãi như vậy, tạo sao kẻ ấy lại không bị nói đến?”

 

966. “Người tàn bạo dẫy đầy tội lỗi bị hoen ố tựa như vải che thân của người vú em. Ta không có lời nói nào cho kẻ ấy, và ta dành để nói cho ông.

 

967. Đối với người không có ô nhiễm, thường xuyên tầm cầu sự thanh tịnh, thì việc xấu xa bằng đầu cọng lông được xem như là đám mây đen lớn.”

 

968. “Thật vậy, này Dạ-xoa, ngài hiểu biết về tôi, vậy xin ngài hãy thương xót đến tôi. Thêm nữa, này Dạ-xoa, khi nào ngài nhìn thấy việc như thế này, xin ngài hãy lên tiếng.”

 

969. “Chúng tôi không sống gần ông, và cũng không phải là người làm thuê cho ông. Này tỳ khưu, chính ông nên biết lối nào có thể đi đến chốn an vui.”

 

7. Bổn sanh Củ Sen và Hoa Sen.

 

970. “Những người nào là những người ăn vật thực còn thừa thật sự sống vô cùng thoài mái, họ được sự khen ngợi ngay trong thời hiện tại và chốn an vui trong thời vị lai.”

 

971. “Các vị sáng suốt không để tâm đến con két đang nói tiếng người. Này các anh em, hãy lắng nghe con chim này. Nó khen ngợi chúng ta đấy.”

 

972. “Tôi không khen ngợi các người, này những kẻ ăn thịt xác chết, hãy lắng nghe tôi. Các người là những kẻ ăn thức ăn bị bỏ đi, các người không phải là những người ăn vật thực còn thừa.”

 

973. “Là những người đã xuất gia bảy năm, ở giữa rừng, có để chỏm tóc, đang nuôi sống chỉ bằng vật thực còn thừa, nếu chúng tôi đáng bị chê trách đối với ngài, vậy thì đối với ngài, những ai đáng được khen ngợi?”

 

974. “Các người ăn vật còn sót lại của các con sư tử, của các con hổ, và của các loài thú dữ, trong khi nuôi sống chỉ bằng thức ăn bị bỏ đi, các người tưởng rằng mình là những người ăn vật thực còn thừa.”

 

975. “Những người nào sau khi cho đến vị Bà-la-môn, đến vị Sa-môn, và đến người ăn xin khác rồi ăn phần còn lại, những người ấy là những người ăn vật thực còn thừa.”

 

8. Bổn sanh Vật Thực Còn Thừa.

 

976. “Thưa cậu, cậu ăn thức ăn hảo hạng là bơ lỏng và dầu ăn; vậy thì thưa cậu quạ, vì lý do gì mà cậu lại gầy ốm?”

 

977. “Làm sao loài quạ có được sự mạnh khỏe khi đang sống ở giữa những kẻ thù, đang kiếm ăn ở nơi chúng nó, có tâm thường xuyên bị hoảng hốt?

 

978. Loài quạ thường xuyên chịu sự kích động, bị ám ảnh bởi ác nghiệp. Thức ăn kiếm được không đủ cho nhu cầu; này chim cút, vì thế ta bị gầy ốm.

 

979. Này chim cút, ngươi ăn cỏ và các hạt giống thô cứng, có ít chất béo, vậy thì vì lý do gì ngươi lại mập bự?”

 

980. “Do ít ham muốn, d0 ít suy nghĩ, và do việc không phải đi xa, trong khi nuôi sống với bất cứ vật gì đã kiếm được, thưa cậu quạ, vì thế, tôi mập bự.

 

981. Bởi vì đối với người có ít ham muốn và có sự an lạc do ít suy nghĩ, đối với người có sự chừng mực đã khéo được duy trì, sinh kế của người ấy là dễ dàng đạt được.”

 

9. Bổn sanh Chim Cút.

 

982. “Quả thật lâu lắm rồi chúng ta mới nhìn thấy bạn bè mang ngọc ma-ni. Quả thật bạn của tôi sáng ngời với chòm râu khéo tỉa.

 

983. “Các móng và lông đã mọc dài. Ta bị bận rộn về nhiều công việc. Cuối cùng, sau khi có được người thợ cạo, ta đã cho cạo sạch lông ấy.”

 

984. “Sau khi đạt được người thợ cạo, là việc khó đạt được, bạn đã bảo người ấy cạo lông. Còn bây giờ, này bạn, cái gì kêu leng keng ở cổ của bạn?”

 

985. “Ngọc ma-ni được đeo ở cổ của những người thanh lịch. Ta học theo bọn họ. Bạn chớ nghĩ rằng việc đã làm là việc đùa giỡn.

 

986. Nếu bạn cũng thích chòm râu khéo tỉa này, này bạn, ta sẽ bảo làm cho bạn, và ta cũng sẽ cho bạn ngọc ma-ni nữa.”

 

987. “Chính bạn mới phù hợp với ngọc ma-ni và với chòm râu khéo tỉa. Sau khi trình bày với bạn thì ta ra đi. Ta ưa thích việc không nhìn thấy bạn.”

 

10. Bổn sanh Con Quạ.

 

Phẩm Vua Senaka là thứ nhì.

 

*****

 

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

 

Giờ hãy nhìn xem, với cây kim, và con heo Tuṇḍila,

con thú (cua vàng), chim Mayhaka là thứ năm, chuyện Sakka,

rồi chắp tay lại, và đóa hoa sen, thêm nữa ở giữa rừng,

rồi chim cút, với chuyện chim bồ câu, là mười.

 

Nhóm Sáu Kệ Ngôn được chấm dứt.

 

*****

 

TÓM LƯỢC CÁC PHẨM Ở NHÓM NÀY LÀ

 

Giờ tôi đã thuật lại các phẩm ở Nhóm Sáu cao quý tối thượng,

hai phẩm, Avāriya và Senaka, được nói đến với văn tự hoàn hảo.

 

--ooOoo--



[1] Loài chim này có tiếng kêu là ‘mayhaṃ, mayhaṃ’ nên được đặt tên là Mayhaka (JaA. iii, 302). Từ Pāḷi ‘mayhaṃ’ có nghĩa là ‘của tôi.’


[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14]


[Thư Mục Tổng Quát][Thư mục Bổn Sanh I][Thư mục Bổn Sanh II][Thư mục Bổn Sanh III]