TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 32
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH tập I
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH
358. “Mũi tên ấy đã được tưới nước luyến ái cùng với sự tư duy (về dục), và đã được nương vào sự suy tầm, không được trau chuốt, tốt đẹp, và không được tạo ra bởi người thợ làm tên.
359. Nó không được bắn ra sau khi kéo căng đến tận lỗ tai, cũng không được thực hiện với lông chim công. Ta đã bị mũi tên (ái dục) ấy đâm vào trái tim cùng với sự nóng nảy của toàn bộ thân thể.
360. Và ta không nhìn thấy chỗ bị đâm, từ đó máu có thể chảy ra. Chừng nào tâm còn hoạt động không đúng đường lối, ta còn đem đến khổ đau cho chính mình.”
1. Bổn sanh Tư Duy.
361. “Hôm nay, trẫm cũng nghĩ đến điều ấy, là việc khanh phạt trẫm vì nắm hạt mè; khanh đã nắm lấy trẫm ở cánh tay và đã đánh trẫm bằng cây gậy.
362. Chẳng phải khanh không vui thích mạng sống sao? Vì việc ấy, vị Bà-la- môn đã đi đến, là việc sau khi nắm lấy cánh tay trẫm, khanh đã đánh trẫm ba lần.”
363. “Vị thánh thiện, trong lúc làm việc không thánh thiện, là vị cấm đoán bằng gậy gộc với mục đích chỉ dạy, việc ấy không phải là thù hận, các bậc sáng suốt hiểu rõ điều ấy.”
2. Bổn sanh Nắm Hạt Mè.
364. “Cơm và nước của ta được dồi dào, tuyệt hảo,
được sanh lên do nhân của viên ngọc ma-ni này.
Ngươi là kẻ xin quá lố, ta không cho vật ấy,
và ta cũng sẽ không đến khu ẩn cư của ngươi nữa.
365. Như là những đứa trẻ tay cầm dao mài bén,
ngươi làm ta run rẩy trong khi cầu xin viên ngọc.
Ngươi là kẻ xin quá lố, ta không cho vật ấy,
và ta cũng sẽ không đến khu ẩn cư của ngươi nữa.”
366. “Dầu mong được vật yêu quý của người, chớ van xin vật ấy.
Do cầu xin quá đáng trở thành bị ghét bỏ.
Con rồng bị người Bà-la-môn cầu xin ngọc ma-ni,
từ khi ấy, nó đã không còn xuất hiện nữa.”
3. Bổn sanh Rồng Chúa Maṇikaṇṭha.
367. “Ngươi đã ăn thức ăn chính là cỏ, ngươi đã ăn cháo cám gạo đỏ. Vật này đã là thức ăn của ngươi, vì sao giờ đây ngươi không ăn?”
368. “Ở nơi nào số đông không nhận biết một người về sanh chủng hoặc kỹ năng, ở nơi ấy, thưa tôn ông, thậm chí cháo cám gạo đỏ cũng là nhiều.
369. Và ngài quả thật biết rõ về tôi rằng: ‘Ngựa như thế này là ngựa hạng nhất.’ Tôi biết, bởi vì biết thế nên tôi sẽ không ăn cám gạo đỏ của ngài.”
4. Bổn sanh Ngựa Nòi Với Bụng Cám Gạo Đỏ.
370. “Cho đến chừng nào con chim ấy còn biết chừng mực về vật thực, cho đến khi ấy nó còn đạt được tuổi thọ và còn cung phụng người mẹ.
371. Và thật vậy, vào lúc nó đã thu nạp vật thực nhiều hơn trước, sau đó, nó đã bị chìm xuống ngay tại chỗ ấy, bởi vì nó đã không biết chừng mực.
372. Do đó, thật tốt đẹp thay sự biết chừng mực, sự không thèm khát về vật thực. Chính những người không biết chừng mực chìm xuống, còn những người biết chừng mực không chìm xuống.”
5. Bổn sanh Con Két.
373. “Những người thương buôn có nhu cầu về nước, trong khi đào bới cái giếng cũ, các thương buôn đã đạt được nhiều sắt, đồng, thiếc và chì, bạc và vàng, ngọc trai, ngọc bích.
374. Và bọn họ, không vừa lòng với chừng ấy, đã đào thêm, thêm nữa. Họ đã bị con rắn độc ghê rợn, có uy lực, giết chết tại nơi ấy bằng uy lực.
375. Vì thế, nên đào, không nên đào quá, bởi vì đào bới quá lố là xấu xa. Và do đào bới, tài sản đã đạt được; do đã đào bới quá lố, tài sản bị tiêu tán.”
6. Bổn sanh Cái Giếng Cũ.
376. “Gã này không thiện xảo về nhà cửa. Gã này buông lung, có khuôn mặt nhăn nhó. Nó có thể phá hỏng việc này việc khác đã làm xong, dòng dõi này có bản tính như vậy.
377. Gã có lông này không thuộc loài có trí, gã là con thú không đáng tin. Kiến thức do cha tôi Janasandha dạy rằng: ‘Gã này không biết bất cứ điều gì.’
378. Cha tôi Dasaratha đã dạy rằng: ‘Người như thế ấy không giúp đỡ mẹ hay cha, anh em trai, chị em gái, hay bạn bè.’”
7. Bổn sanh Người Hầu Gāmaṇicaṇḍa.
379. “Những sanh mạng nào nương tựa vào trái đất, cho đến mặt trăng và mặt trời bảo hộ (núi Sineru), các tia sáng chiếu sáng các phương, toàn bộ tất cả là nô lệ của Chuyển Luân Vương Mandhātu.
380. Không phải do trận mưa tiền vàng mà sự thỏa mãn ở các dục được tìm thấy. Bậc sáng suốt đã biết rằng: ‘Các dục là khổ đau, có ít khoái lạc.’
381. Thậm chí vị ấy cũng không đạt đến sự vui thích trong các dục thuộc cõi Trời. Vị Thinh Văn đệ tử của đấng Chánh Đẳng Giác vui thích ở sự cạn kiệt tham ái.”
8. Bổn sanh Vua Chuyển Luân Mandhātu.
382. “Người này không có bất cứ sự hiểu biết nào,
không là thân quyến, hơn nữa không phải là bạn bè của bệ hạ.
Vậy thì bởi lý do gì mà Tirīṭavaccha,
kẻ có ba cây gậy, thọ dụng thực phẩm cao quý?”
383. Khi trẫm bị thua trận, ở vào các cảnh hiểm nghèo,
chỉ còn một mình, trẫm đã ở trong khu rừng ghê rợn,
Vị này đã đưa bàn tay ra cho trẫm, kẻ bị lâm cảnh khó khăn.
Nhờ vào vị ấy, trẫm đã vượt lên, dầu bị dày vò đau khổ.
384. Với sự giúp đỡ của vị này, trẫm đã đạt đến nơi đây,
ở thế giới của sống còn, khỏi phạm vi của Thần Chết.
Này con, vị Tirīṭavaccha là xứng đáng với bổng lộc,
hãy ban tặng của cải và hãy cống hiến phẩm vật đến vị này.”
9. Bổn sanh Ẩn Sĩ Tirīṭavaccha.
385. “Vì nhu cầu của cái bụng, người ta đi đến nơi xa xôi để cầu xin ngay cả kẻ thù. Tâu đấng thủ lãnh xa binh, thần là sứ giả của cái bụng. Xin ngài chớ giận dữ với thần.
386. Ngày và đêm, các chàng thanh niên đi theo quyền lực của cái bụng. Tâu đấng thủ lãnh xa binh, thần là sứ giả của cái bụng. Xin ngài chớ giận dữ với thần.”
387. Này Bà-la-môn, trẫm ban cho khanh một ngàn bò cái màu hung đỏ với một con bò mộng. Bởi vì là người sứ giả, tại sao trẫm lại không ban tặng cho người sứ giả? Chúng ta cũng đều là sứ giả của chính cái bụng.”
10. Bổn sanh Sứ Giả.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Chuyện người thợ làm tên, nắm hạt mè, và ngọc ma-ni,
con ngựa đầu đàn, con chim, con rắn độc,
cha tôi Janasandha, thêm trận mưa tiền vàng,
thêm ẩn sĩ Tirīṭavaccha, với chuyện sứ giả, là mười.
--ooOoo--
388. “Giống như tóc và râu mỗi lần được cắt thì sẽ mọc lên, tương tự như vậy, cầu cho mũi của ông hãy mọc lại. Đã được thỉnh cầu, xin ông hãy cho hoa sen.”
389. “Giống như vào mùa thu, hạt giống được gieo ở ruộng thì sẽ mọc lên, tương tự như vậy, cầu cho mũi của ông hãy mọc lại. Đã được thỉnh cầu, xin ông hãy cho hoa sen.”
390. “Cả hai người này đều nói nhảm (nghĩ rằng): ‘Ông ta sẽ cho các hoa sen.’ Dầu họ đã nói hay không nói, không có việc mọc lại của cái mũi. Này bạn, tôi cầu xin các hoa sen. Đã được thỉnh cầu, xin ông hãy cho.”
1. Bổn sanh Hoa Sen.
391. “Nếu có được bàn tay mềm mại, và có được con voi đã khéo được huấn luyện, trời tối, và có thể mưa, như vậy chắc chắc khi ấy là có thể.”
392. “Các nàng ấy có lối nói mềm mỏng, không hề biết đủ, tựa như dòng sông, khó làm cho tràn đầy, các nàng ấy (sẽ) đọa (địa ngục); sau khi biết được điều ấy, nên lánh xa các nàng.
393. Các nàng hầu hạ người nào, dầu do sự mong muốn hay vì tài sản, các nàng thiêu hủy người ấy một cách mau chóng, tựa như ngọn lữa đốt cháy nhiên liệu.”
2. Bổn sanh Bàn Tay Mềm Mại.
394. “Sau khi tự mình đi đến bằng thần thông ở mặt nước không bị xao động, sau khi đi đến sự giao tiếp với phụ nữ, ngài chìm xuống đại dương.
395. Có sức quyến rũ, có nhiều xảo trá, có sự làm tổn hại Phạm hạnh, các nàng ấy (sẽ) đọa (địa ngục); sau khi biết được điều ấy, nên lánh xa các nàng.
393. Các nàng hầu hạ người nào, dầu do sự mong muốn hay vì tài sản, các nàng thiêu hủy người ấy một cách mau chóng, tựa như ngọn lữa đốt cháy nhiên liệu.”
3. Bổn sanh Sự Cám Dỗ Nhỏ.
398. “Vị vua ấy tên là Paṇāda, tòa lâu đài của vị ấy có nhiều màu sắc đẹp, chiều ngang 16 tầm tên bắn, chiều cao đã là 16 phần.
398. Một trăm tầng lầu gồm một ngàn đơn vị, được trang hoàng cờ xí và làm bằng ngọc lục. Tại nơi ấy, sáu ngàn vũ công đã nhảy múa ở bảy địa điểm.
399. Khi ấy, điều này đã là như vậy, giống như Bhaddaji nói. Khi ấy, ta đã là Thiên Chủ Sakka, người làm công việc phục dịch cho ngươi.”
4. Bổn sanh Vua Mahāpanāda.
400. “Sau khi nhìn thấy những mũi tên đã được bắn ra bằng lực đẩy của những cây cung,
và những thanh gươm sắc bén có bôi dầu đã được nắm chặt,
trong sự hiểm nguy khi thần chết hiện diện ấy,
tại sao ông đã không có trạng thái khiếp đảm?”
401. “Sau khi nhìn thấy những mũi tên đã được bắn ra bằng lực đẩy của những cây cung,
và những thanh gươm sắc bén có bôi dầu đã được nắm chặt,
trong sự hiểm nguy khi thần chết hiện diện ấy,
tôi đã có được sự hân hoan bao la và cao cả.
402. Với niềm hân hoan sanh khởi, tôi đây đã khuất phục những kẻ thù.
Ngay trước đó, mạng sống đã được tôi buông bỏ.
Bởi vì trong khi không thể hiện sự bám víu vào mạng sống,
người dũng sĩ có thể thực hiện phận sự dũng sĩ bất cứ lúc nào.”
5. Bổn sanh Mũi Tên.
403. “Người tình khiến mẹ ốm o, vàng vọt, lý do khiến thức ăn không còn được ưa thích, người tình ấy đã đi đến, vì sao giờ đây mẹ lại thoái lui?”
404. “Vả lại, nếu ngay từ lúc đầu, điều gọi là sự thân mật sanh khởi, thì danh dự của hàng phụ nữ bị mất mát, này con, vì thế mẹ đã thoái lui.”
405. “Người nữ nào không ưa thích người nam sanh ở gia tộc của những người có danh tiếng đã đi đến (với mình), thì sẽ sầu muộn thời gian dài, tựa như con lừa cái Kundalī và con ngựa Vātagga.”
6. Bổn sanh Con Ngựa Vātagga.
406. “Con thú có màu vàng sẫm, có cặp mắt lồi ra,
có lớp vỏ bằng xương, sống trong nước, không có lông.
Bị nó chế ngự, tôi khóc lóc một cách thảm thương,
Nàng chớ bao giờ từ bỏ tôi, người sánh bằng mạng sống của nàng.”
407. “Chàng ơi, thiếp sẽ không từ bỏ chàng, hỡi chàng voi với sự suy nhược ở tuổi sáu mươi. Khắp bốn phương ở trên trái đất, chàng là người vô cùng yêu quý của thiếp.”
408. “Trong số các con cua ở biển cả, ở sông Gaṅgā, và sông Nammadā, ngài là loài thủy tộc hạng nhất, xin ngài hãy phóng thích người chồng của thiếp, kẻ đang khóc lóc (van xin cho chồng).”
7. Bổn sanh Con Cua.
409. “Gã này hẳn nhiên đã được công nhận là hạng nhất trong tất cả bọn này. Trí tuệ của gã là như thế này, còn các gã khác sẽ là cái gì nữa đây?”
410. “Thưa Bà-la-môn, ngài không biết rõ nên mới chê bai như vậy. Không nhìn thấy cái rễ, làm thế nào có thể biết được cây đã phát triển như thế nào?”
411. “Ta không chê bai ngươi và những con khỉ khác ở trong rừng. Chính đức vua Vissasena mới đáng chê trách, vì ngài sử dụng những kẻ trồng cây (như các ngươi).”
8. Bổn sanh Kẻ Làm Hỏng Khu Vườn.
412. “Người được thành tựu sắc đẹp, có giọng nói du dương, có dáng vẻ đáng yêu, nhưng có lời nói thô lỗ thì không được yêu mến ở đời này và đời khác.
413. Chẳng phải mẹ nhìn thấy con chim cu cu đen đủi, có màu sắc xấu xí, lốm đốm các chấm hạt mè, được yêu mến bởi nhiều sinh vật nhờ vào tiếng kêu êm dịu.
414. Vì thế, nên có lời nói tử tế, có cách nói khôn khéo, không cao ngạo, làm sáng tỏ ý nghĩa và Giáo Pháp; lời nói của vị ấy là ngọt ngào.”
9. Bổn sanh Nàng Sujātā.
415. “Nghe nói chim cú được các bà con lập làm chúa tể, nếu được bà con cho phép, tôi xin phát biểu một lời.”
416. “Này bạn, hãy nói, bạn được phép nói lời có ý nghĩa và thật sự hợp lý lẽ, bởi vì còn có những con chim còn trẻ, có trí tuệ, sáng láng.”
417. “Sự việc trọng đại của các vị không làm tôi vui thích, là việc phong vương cho chim cú. Hãy nhìn xem khuôn mặt của gã khi không giận dữ, khi giận dữ gã sẽ làm thế nào?”
10. Bổn sanh Con Chim Cú.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Hoa sen tối thượng, con voi có tên may mắn,
với đại dương, tòa lâu đài, và chuyện mũi tên,
rồi lừa cái Kundalī, con voi đực, lại cây cối nữa,
lời nói thô lỗ, với chuyện chim cú, là mười.
--ooOoo--
418. “Giếng nước đẫ được thực hiện một cách khó khăn dành cho các vị ấn sĩ tu trong rừng và các đạo sĩ trường kỳ khổ hạnh, này bạn, tại sao bạn lại làm nhơ bẩn?”
419. “Điều ấy là tập quán của các con chó rừng, chúng tôi đại tiện sau khi uống nước, là thói quen của cha ông, bạn không xứng đáng để lên án điều ấy.”
420. Việc như thế này đối với các bạn đây là điều hợp pháp, thế thì việc như thế nào là điều phi pháp? Chớ để chúng tôi nhìn thấy điều hợp pháp hay phi pháp của các bạn vào bất cứ lúc nào.”
1. Phẩm Kẻ Làm Bẩn Giếng Nước.
421. “Do sự tiếp xúc với người bạn nào khiến sự an toàn đối với các trói buộc bị tổn giảm, thì nên duy trì sự khống chế đối với kẻ ấy giống như trước đây, tựa như người sáng suốt bảo vệ cặp mắt.
422. Do sự tiếp xúc với người bạn nào khiến sự an toàn đối với các trói buộc được tăng trưởng, người sáng suốt nên thực hiện sự đối xử bình đẳng như là đối với bản thân trong tất cả các công việc.”
423. “Này các ông hổ, xin các ông hãy đi đến, xin các ông hãy quay lại, xin các ông hãy trở về khu rừng lớn. Chớ để người ta chặt phá khu rừng không có cọp. Mong rằng các ông hổ chớ lìa khỏi khu rừng.”
2. Bổn sanh Con Cọp.
424. “Ai giống như là người có bữa ăn thịnh soạn, ai tựa như vị Bà-la-môn với hai tay được chất đầy? Vậy đã đi khất thực nơi đâu, đã đi đến tín đồ nào?”
425. “Tôi là con khỉ ngu muội. Tôi đã sờ vào những chỗ không nên sờ đến. Xin ngài hãy cứu thoát tôi. Cầu mong sự tốt đẹp đến ngài. Được tự do, tôi sẽ đi đến ngọn núi.”
426. “Loài rùa là dòng họ Kassapa, loài khỉ là dòng họ Koṇḍañña. Này Kassapa, hãy phóng thích Koṇḍañña. Ngươi đã làm việc có tính chất đôi lứa.”
3. Bổn sanh Con Rùa.
427. “Con hạc nâu có chỏm lông này, kẻ trộm cướp, tổ tiên của cơn dông, là ai? Này hạc nâu, hãy đi đến nơi khác, con quạ bạn của tôi là dữ tợn.”
428. “Tôi không phải là con hạc nâu có chỏm lông, tôi là con quạ tham lam. Sau khi không làm theo lời nói của bạn, bạn hãy nhìn xem tôi đã đi đến tình trạng bị vặt trụi lông.”
429. “Này bạn, bạn lại phạm vào điều ác, bởi vì bản chất của bạn là như thế ấy, bởi vì của cải thuộc con người là không dễ gì thọ dụng bởi loài chim.”
4. Bổn sanh Con Chim Tham Lam.
430. “Con hạc nâu xinh xắn này là ai mà ngụ ở trong ổ của con quạ? Con quạ bạn của tôi là dữ tợn, và cái tổ này là của nó.”
431. “Này bạn, chẳng lẽ bạn không biết tôi? Này chim (bồ câu), này loài có thức ăn là hạt kê, sau khi không làm theo lời nói của bạn, bạn hãy nhìn xem tôi đã đi đến tình trạng bị vặt trụi lông.”
432. “Này bạn, bạn lại phạm vào điều ác, bởi vì bản chất của bạn là như thế ấy, bởi vì của cải thuộc con người là không dễ gì thọ dụng bởi loài chim.”
5. Bổn sanh Con Chim Xinh Xắn.
433. “Tâu quân vương, biết được đức tin và giới hạnh của ngài, chúng tôi, thay mặt vua xứ Kāliṅga, xin trao đổi vàng bạc lấy con voi Añjanavaṇṇa.”
434. “Người nào đi đến nơi này liên quan đến việc phục dịch kiếm ăn và không phục dịch, tất cả bọn họ đều không bị xua đuổi; điều này là lời dạy của các bậc cha mẹ (vị thầy đầu tiên).”
435. “Này các Bà-la-môn, trẫm sẽ ban cho các khanh con voi ấy,
(là con voi) có danh tiếng, xứng đáng với vua, thuộc sở hữu của vua,
(con voi) đã được trang điểm, đã được choàng lên bằng tấm lưới vàng,
cùng với viên quản tượng. Các khanh hãy ra đi theo như ý thích.”
6. Bổn sanh Tập Quán Xứ Kuru.
436. “Sánh bằng hoặc hơn năm mươi năm,
chúng ta đã sống ở hang đá, này Romaka.
Trong khi không nghi ngờ, có trạng thái tĩnh lặng,
trước đây, các con chim (bồ câu) đi đến với ta trong khoảng tầm tay.”
437. Này Vakkaṅga, giờ đây, chúng vì lý do gì mà có vẻ chộn rộn?
Các con chim rủ nhau đi đến hang núi khác,
phải chăng chúng nghĩ rằng ta không còn giống như trước đây,
hay những con này không phải là chúng, khi sống xa cách đã lâu?”
438. “Chúng tôi biết ông, chúng tôi không phải là khờ dại,
ông vẫn y như thế, chúng tôi cũng vậy, không phải những ai khác,
nhưng tâm của ông là độc ác với lũ chim chúng tôi.
Này gã tu khổ hạnh, vì thế chúng tôi khiếp sợ ông.”
7. Bổn sanh Bồ Câu Romaka.
439. “Đối với con khỉ, kẻ có tâm khinh suất, bội bạc, có thái độ như là của người ban cho mọi điều mong muốn (có thái độ như là của chủ nhân), liên quan đến lợi ích gì gì mà ngài chịu đựng khổ đau này?
440. Bạn hãy quật ngã con thú này bằng sừng và hãy dẫm đạp nó bằng bàn chân. Và nếu không có người ngăn chặn, những kẻ ngu dốt có thể quậy phá nhiều hơn nữa.”
441. “Nó cũng sẽ làm như vậy với kẻ khác trong khi nghĩ rằng kẻ này chính là ta. Trong trường hợp ấy, chúng sẽ giết chết nó, sự giải thoát (khỏi việc) ấy sẽ có cho ta.”
8. Bổn sanh Con Trâu.
442. “Giống như chàng trai trẻ trên đường đi nghĩ rằng con chó rừng cái–đi kiếm ăn ở khu rừng, có ý định tốt, đang (tìm cách) thông báo (tai họa)–là ‘kẻ có ý định không tốt,’ và nghĩ rằng con chim gõ kiến–có ý định không tốt– là ‘kẻ có ý định tốt.’”
443. Tương tự y như vậy, một người nào đó, ở đây, là thuộc hạng người như vậy, khi được nói lời nói với những điều lợi ích, thì tiếp thu ngược lại.
444. Và thật vậy, những người nào khen ngợi và tán dương kẻ ấy do sự sợ hãi, kẻ ấy nghĩ rằng chính người kia là bạn bè, tựa như chàng trai trẻ nghĩ về con chim gõ kiến.”
9. Bổn sanh Con Chim Gõ Kiến.
445. “Có lẽ vua loài thú đương nhiên là rành rẽ về việc làm giỏ. Bởi vì, gã làm hỏng cái giỏ như thế này, có lẽ gã sẽ làm cái khác.”
446. “Cha tôi hoặc mẹ tôi là không rành rẽ về việc làm giỏ. Chúng tôi quả thật làm hỏng từng cái giỏ đã được làm ra; gia tộc có tập quán này như vậy.”
447. “Việc như thế này đối với các bạn đây là tập quán, thế thì việc như thế nào là phi tập quán? Chớ để chúng tôi nhìn thấy tập quán hay phi tập quán các bạn vào bất cứ lúc nào.”
10. Bổn sanh Kẻ Làm Hỏng Cái Giỏ.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Chuyện giếng nước, khu rừng và con cọp, con khỉ,
và con hạc nâu có chỏm lông, chuyện con chim xinh xắn,
vị vua tốt, bồ câu Romaka, thêm nữa kẻ làm hại,
chuyện con chim gõ kiến, công việc làm giỏ, là mười.
--ooOoo—
448. “Có loại cây tên là Chính Giữa, trái của nó thuộc về cõi trời. Sau khi ăn vào, người đàn bà ốm nghén (sẽ) hạ sanh vị vua chuyển luân.
449. Tâu lệnh bà, lệnh bà là chánh cung hoàng hậu. Và lệnh bà đây được chồng yêu quý; đức vua sẽ mang lại trái Chính Giữa này cho lệnh bà.”
450. “Quyền lợi nào mà người dũng sĩ đạt được trong lúc nỗ lực cho những mục đích của chủ nhân, trong khi nhận lãnh (thứ ấy), tôi là người dũng sĩ, có sự buông bỏ bản thân.”
1. Bổn sanh Chính Giữa.
451. “Người thân cận với người tốt là tốt hơn, là tốt hơn một phần. Sau khi tạo sự kết giao với một người (bằng tâm từ ái), ta đã cứu thoát một trăm người khỏi phải chết.
452. Vì thế, này các cư dân xứ Kāsi, các người hãy lắng nghe điều này. Sau khi tạo sự kết giao với tất cả thế gian (bằng tâm từ ái), mỗi một cá nhân có thể sanh về cõi trời sau khi chết.”
453. “Đại vương Kaṃsa, người cai trị thành Bārāṇasī, đã nói lời này: ‘Sau khi quăng bỏ cây cung và túi tên, ta đã đạt đến sự tự chế ngự (thiền chứng).’”
2. Bổn sanh Tốt Hơn Một Phần.
454. “Trước đây, sau khi đã khuất phục các con heo rừng ở khu vực này, ông đã thực hiện việc giết chết con heo nào mập nhất, ngon nhất. Bây giờ, ông đây chỉ một mình phải trốn chạy và bực bội. Này ông cọp, phải chăng hôm nay sức mạnh của ông không hiện hữu?”
455. “Trước đây, những con heo này chạy tứ tán. Bị khốn khổ vì sợ hãi, chúng tìm kiếm nơi nương náu một cách riêng rẽ. Giờ đây, chúng kết hợp lại, cùng nhau gào thét. Hôm nay, ta khó áp chế được chúng ở nơi chúng sinh sống.”
456. “Hãy tỏ sự kính nể đến các hội chúng đã được tập hợp lại, ta nói về tình bằng hữu kỳ diệu sau khi tự thân nhìn thấy. Nơi ấy, những con thú có răng nanh đã chiến thắng con cọp. Do sự hợp nhất giữa các con heo rừng mà chúng được tự do.”
3. Bổn sanh Con Heo Rừng Của Người Thợ Mộc.
457. “Những người siêng năng gom góp được nhiều tài sản không do vận may, còn những người có nghề nghiệp hoặc không có nghề nghiệp có vận may thọ hưởng chúng.
458. Ở tất cả các nơi, nhiều của cải sanh lên cho người đã có tạo phước (trước đây) vượt trội những chúng sinh khác, thậm chí ở một số ít trường hợp không phải là đối tượng thích hợp.”
459. “Con gà trống, các viên ngọc ma-ni, các cây gậy, và những người phụ nữ có phước tướng sanh lên cho người không ác độc, đã có tạo phước (trước đây).”
4. Bổn sanh Sự May Mắn.
460. “Chúng tôi gồm ba mươi mạng sống ở hang được bảy năm. ‘Chúng ta hãy hủy ánh sáng của ngọc ma-ni,’ chúng tôi đã có suy nghĩ như thế.
461. Chúng tôi càng chà xát chừng nào thì ngọc ma-ni càng trong sáng thêm. Vậy giờ đây, chúng tôi hỏi điều này: ‘Ở đây, ông nghĩ việc nên làm là việc gì?’”
462. “Ngọc ma-ni này là ngọc bích, không tì vết, không vết nhơ, chói sáng, các ngươi không thể nào hủy được sự chói sáng, các heo rừng hãy lánh xa.”
5. Bổn sanh Ngọc Ma-ni Và Heo Rừng.
463. “Chớ mong cầu (cuộc sống) của Sāluka, nó ăn thức ăn (vỗ béo) của kẻ sắp bị giết. Em hãy ít đòi hỏi, hãy nhai rơm rạ; điều ấy là dấu hiệu của cuộc sống thọ.
464. Giờ đây, người khách ấy, sau khi đi đến nơi này, là người phục vụ đã được giao phó. Rồi em sẽ nhìn thấy Sāluka (bị giết chết) nằm dài với phần môi phía trên.”
465. “Sau khi nhìn thấy con heo bị xẻ banh, nằm dài với phần môi phía trên, hai con bò già đã cân nhắc rằng: ‘Chỉ có rơm rạ là tuyệt vời cho chúng ta.’”
6. Bổn sanh Con Heo Sāluka.
466. “Trong số những người bị mê mờ, kẻ nhận được lợi lộc không phải là kẻ không bị điên, không phải là kẻ không nói đâm thọc, không phải là kẻ không nhảy múa, không phải là kẻ không nói lung tung; sự giáo huấn này là dành cho ngươi.”
467. “Thưa Bà-la-môn, thật xấu hổ thay việc đạt được danh vọng và đạt được tài sản theo lối hành xử với sự hủy hoại hoặc với việc làm sai pháp.
468. Và hơn nữa, vị (xuất gia) không nhà nên cầm lấy bình bát hành hạnh du sĩ, chính sự nuôi mạng ấy là tốt hơn việc tầm cầu sai pháp.”
7. Bổn sanh Chê Trách Lợi Lộc.
469. “Những con cá trị giá hơn một ngàn,
không có người nào có thể tin chuyện này.
Còn đối với tôi, ở đây đã là bảy xu,
tôi cũng đã mua phần cá dành riêng ấy.”
470. “Sau khi cho thức ăn đến những con cá, ngài đã đề cập đến việc cúng dường đến ta. Trong khi ta nhớ lại sự cúng dường ấy, sự nể vì đã được ta thực hiện.
471. Không có sự hưng thịnh dành cho kẻ có tâm xấu xa,
và các Thiên thần cũng không cúng dường kẻ ấy,
kẻ đã lừa gạt, đã làm hành động sái quấy
đối với người anh trai về tài sản (thừa kế) của cha.”
8. Bổn sanh Phần Cá Dành Riêng.
472. “Tâu đại vương, chúng tôi sống trong một ngôi nhà với những mong muốn khác nhau, tôi thích ân huệ là ngôi làng, còn người vợ Bà-la-môn thích một trăm bò sữa.
473. Con trai thích cỗ xe kéo bởi ngựa thuần chủng, con gái thích bông tai ngọc ma-ni, còn đứa tớ gái hèn hạ ấy mong mỏi cái cối giã.”
474. “Trẫm ban cho người Bà-la-môn ân huệ là ngôi làng, cho người vợ Bà-la-môn một trăm bò sữa, cho người con trai cỗ xe kéo bởi ngựa thuần chủng, cho người con gái bông tai ngọc ma-ni, và trẫm thí cho đứa tớ gái hèn hạ ấy cái cối giã.”
9. Bổn sanh Các Mong Muốn Khác Nhau.
475. “Nghe nói giới là tốt lành, giới là vô thượng ở thế gian. Hãy nhìn xem con rồng dữ tợn, có nọc độc, không bị giết chết vì ‘có giới hạnh.’
476. Tôi đây sẽ thọ trì giới, sự an toàn đã được chứng thực ở thế gian. Người có sự thực hành lối sống của bậc Thánh được gọi là ‘người có giới.’
477. Người có giới được các thân nhân yêu quý, và chói sáng trong số những bạn bè, khi thân này bị tan rã sẽ tái sanh vào chốn an vui.”
10. Bổn sanh Suy Xét Về Giới.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Cây cối, chuyện vua Kaṃsa hay nhất, cọp và thú (có nanh),
các viên ngọc ma-ni, ngọc ma-ni, con heo tên Sāluka,
các lời giáo huấn và chuyện các con cá,
với bông tai ngọc ma-ni, với việc nghe nói, là mười.
--ooOoo—
478. “Gã vô lại đã nhận được cái chậu, cái hũ ban cho mọi điều ước muốn. Ngày nào gã còn gìn giữ cái hũ thì ngày ấy gã còn thành tựu hạnh phúc.
479. Vào lúc bị say sưa và kiêu ngạo, do xao lãng gã đã làm vỡ cái hũ. Từ đó, gã sống lõa lồ và rách rưới. Về sau, gã ngu si lâm cảnh khốn cùng.
480. Tương tự y như vậy, người nào sau khi đạt được tài sản rồi thọ dụng không chừng mực, về sau kẻ ngu muội bị sầu muộn, tựa như gã vô lại đã làm vỡ cái chậu.”
1. Bổn sanh Cái Bình Tốt Lành.
481. “Tâu đại vương, quạ vương tên Supatta thường trú ở Bārāṇasī là được tùy tùng bởi tám mươi ngàn con quạ.
482. Vợ của quạ vương là Suphassā bị ốm nghén, và muốn ăn cá là món ăn đắt giá của vua, được nấu ở bếp của nhà vua.
483. Được bọn họ phái đi, tôi là sứ giả của đức vua, và tôi đã đi đến nơi này. Tôi thể hiện sự kính nể đến chủ nhân, tôi đã gây nên vết thương ở mũi.”
2. Bổn sanh Quạ Vương Supatta.
484. “Lúc tôi bị tác động bởi một cơn bệnh nào đó,
tôi bị khổ sở, bị hành hạ một cách dữ dội bởi sự ốm đau,
thân xác này của tôi bị tàn tạ một cách nhanh chóng,
giống như bông hoa được đặt trên mặt đất ở nơi nắng nóng, bị héo úa.
485. Đối với người không nhìn thấy sắc thân mỹ miều chứa đầy các vật ghê tởm khác loại, thì vật không mỹ miều được xem là mỹ miều, vật không trong sạch được gọi là trong sạch.
486. Thật xấu hổ thay cái thân xác hôi thối ốm đau, đáng ghê tởm, không trong sạch, có bản chất bệnh hoạn ấy! Bị say đắm, bị mê mẫn thân xác này, chúng sanh bỏ quên đạo lộ đưa đến việc tái sanh ở cảnh giới an vui.”
3. Bổn sanh Không Còn Mong Muốn Ở Thân.
487. “Người này là ai mà có giọng hót tròn trịa, có âm thanh ngọt ngào, hạng nhất trong số những loài có tiếng hót, đang đậu ở cành cây đào đỏ, tựa như con công trẻ kêu líu lo?”
488. “Chỉ con nhà danh giá mới biết ca ngợi những người con nhà danh giá. Này bạn, với vóc dáng tựa như cọp con, bạn hãy ăn đi, ta tặng cho bạn.”
489. “Thật vậy, cuối cùng ta nhìn thấy những kẻ nói lời dối trá gặp gỡ nhau, con quạ chuyên ăn vật ói mửa và con chó rừng ăn thịt xác chết, những kẻ ca ngợi lẫn nhau.”
4. Bổn sanh Kẻ Nhai Trái Đào Đỏ.
490. “Thân hình của ngài tựa như con bò mộng, sự vươn vai của ngài tựa như loài sư tử. Thưa vị vua của loài thú, xin kính lễ ngài! Chúng ta có nhận được một vật gì đó không?”
491. “Chỉ con nhà danh giá mới biết ca ngợi những người con nhà danh giá. Này quạ, kẻ (có cái cổ) giống như cổ của chim công, bạn hãy đi loanh quanh ở nơi đây (để ăn thịt xác chết).”
492. “Chó rừng là hạng chót trong số các loài thú, thêm nữa, con quạ là hạng chót trong số các loài chim, cây eraṇḍa là hạng chót trong số các giống cây, ba kẻ hạng chót gặp gỡ nhau.”
5. Bổn sanh Hạng Chót.
493. “Kẻ này là ai mà chạy loanh quanh khắp các nơi ở vùng nước mặn, ngăn cản các loài cá và các cá đao, rồi bị khốn khổ về những làn sóng?”
494. “Tôi được nổi tiếng khắp bốn phương là ‘con chim không được thỏa mãn tên Anantapāyī (uống không giới hạn).’ Tôi muốn uống cạn biển lớn, biển cả, chúa tể của các con sông.”
495. “Đại dương này đây tự cạn xuống và đầy lên (thủy triều lên xuống). Không nhận ra mức nước đã được uống của biển cả; nghe nói biển cả không thể bị uống cạn.”
6. Bổn sanh Biển Cả.
496. “Này chim, trong khi di chuyển ở trên cao, này loài di chuyển bằng đôi cánh, này loài đi lại ở hư không, bạn có thể nói cho người vợ có cặp đùi xinh đẹp của tôi không? Đã quá lâu, nàng ấy sẽ thể hiện sự giận dữ!
497. Nàng ấy thật sự không biết điều này, là việc gươm và giáo đã được dựng lên. Nàng ấy tàn nhẫn, sẽ thể hiện sự giận dữ; điều ấy làm tôi bực bội, không phải sự việc (tôi bị hành hạ) ở đây.
498. Chiếc áo giáo màu xanh ấy, chiếc cà rá được đặt ở gối, và loại vải mềm mại của xứ Kāsi, hãy làm thỏa mãn cô nàng mong muốn tài sản.”
7. Bổn sanh Lời Than Vãn Về Điều Mong Muốn.
499. “Các cây sung, các cây đa, và các cây vú sữa này đã chín tới. Này bạn hãy đến, hãy đi ra ngoài, hãy ăn, việc gì bạn phải chết vì đói?”
500. “Như vậy, người nào tôn kính bậc trưởng thượng, người ấy được lợi ích tốt đẹp, giống như tôi hôm nay, được lợi ích tốt đẹp, được ăn những trái cây chín.”
501. “Việc một con khi sanh ra ở rừng lường gạt một con khỉ khác cũng sanh ra ở rừng, ngay cả con khỉ nhỏ còn không thể tin vào điều ấy, thì con khỉ già cả, lão niên, càng không thể tin.”
8. Bổn sanh Cây Sung.
502. “Trước đây, khi ngươi ở gần các vị có giới hạnh,
ngươi thường xuyên giỡn hớt ở khu ẩn cư.
Ồ, này khỉ, ngươi hãy làm các trò khỉ,
chúng ta không vui thích giới và phận sự ấy.”
503. “Bởi vì tôi đã được nghe về sự thanh tịnh tuyệt đối
của vị đa văn tên Komāyaputta.
Giờ đây, xin ông chớ nghĩ về tôi giống như trước đây,
chúng tôi sống gắn bó với việc tham thiền, thưa đạo hữu.”
504. “Nếu có thể gieo hạt giống ở trên đá,
và Trời có thể đổ mưa, nhưng hạt ấy chẳng bao giờ có thể mọc lên.
Dầu ngươi đã được nghe về sự thanh tịnh tuyệt đối ấy,
này khỉ, ngươi vẫn cách xa lĩnh vực của thiền.”
9. Bổn sanh Ẩn Sĩ Komāyaputta.
505. “Trong khi sống nhờ vào sự giết hại mạng sống kẻ khác, có thức ăn là thịt và máu tươi, con chó sói đã thọ trì phận sự và đã thực hành ngày Trai giới.
506. Biết được sự thọ trì của nó, Thiên Chủ Sakka đã đi đến với hình dáng con dê. Lìa bỏ khổ hạnh, con chó sói đã lao vào (con dê); kẻ uống máu tươi đã phá vỡ sự khổ hạnh.
507. Tương tự y như vậy, ở đây, một số người xem nhẹ bản thân do có năng lực yếu đuối trong việc thọ trì, tựa như con chó sói với chuyện con dê.”
10. Bổn sanh Con Chó Sói.
*****
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
Chuyện cái hũ, tên gọi tốt lành Supatta,
được gọi là trong sạch, chuyện giọng hót tròn trịa, và như con bò mộng,
chúa tể của các con sông, tàn nhẫn, với con khỉ già cả,
rồi các trò khỉ, với con chó sói, là mười.
Nhóm Ba Kệ Ngôn được chấm dứt.
*****
Phẩm tư duy, và hoa sen nữa, với giếng nước là thứ ba,
phẩm chính giữa, làm bể cái chậu, đã được tô điểm ở nhóm ba kệ ngôn.
--ooOoo—
[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14]
[Thư Mục Tổng Quát][Thư mục Bổn Sanh I][Thư mục Bổn Sanh II][Thư mục Bổn Sanh III]