TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 32
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH tập I
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
TẠNG KINH - TIỂU BỘ
JĀTAKAPĀLI - BỔN SANH
1242. “Con đường ở đỉnh núi Kên Kên gọi là lối đi phải chống gậy đã có từ xa xưa. Nơi ấy, có con chim kên kên đã nuôi dưỡng cha mẹ già yếu.
1243. Nó đã mang về cho cha mẹ nhiều mỡ của những con trăn. Biết được chim con đạt được cặp cánh, có lông dày, có năng lực, có sự du hành khoảng cách xa, có sự bay lượn cao, chim cha đã nói với chim con rằng:
1244. ‘Này con yêu, khi nào con nhận thấy trái đất được bao quanh bởi biển cả đang nổi lên, tựa như quả cầu hình tròn, này con yêu, từ nơi ấy, con hãy quay trở về, con chớ du hành quá giới hạn ấy.’
1245. Là loài có cánh, có sức mạnh, đứng hàng đầu của loài lưỡng sanh, con chim đã đạt đến tầng bên trên bằng sức lực, rồi nhìn xuống các ngọn núi và các khu rừng.
1246. Con chim kên kên đã nhìn thấy trái đất được bao quanh bởi biển cả, tựa như quả cầu hình tròn, giống như điều đã được nghe người cha chỉ dạy.
1247. Sau khi hoàn toàn vượt quá nơi ấy, nó đã tiến vào khu vực khác hẳn. Và có luồng gió dữ dội, sắc bén, đã xé tan xác con chim có sức mạnh ấy.
1248. Khi đã đi quá lố, con người không thể quay trở lại được nữa. Khi đã đi vào vùng tác động của các luồng gió Veramba, con chim đã gánh chịu điều bất hạnh.
1249. Các chim con, các con chim mái, và những những con chim khác sống phụ thuộc vào nó, tất cả đều gánh chịu điều bất hạnh khi con chim kên kên không làm theo lời giáo huấn (của chim cha).
1250. Cũng y như vậy, ở đây người nào không nhận chân được lời nói của các bậc trưởng thượng, kẻ ấy có sự hành xử vượt quá giới hạn, cao ngạo, tựa như con chim kên kên đã vượt qua lời chỉ dạy. Thật vậy, nó nhận lãnh điều bất hạnh sau khi không thực hành lời chỉ dạy của bậc trưởng thượng.”
1. Bổn sanh Chim Kên Kên.
1251. “Có tiếng động ồn ào, người người đều ngang bằng, không một ai đã nghĩ là mình ngu. Khi hội chúng bị chia rẽ, chúng đã không suy nghĩ điều gì khác hơn.
1252. Chúng hoàn toàn quên lãng, chúng tỏ ra vẻ sáng suốt, chúng có những lời nói thuộc phạm vi đấu khẩu, chúng mong muốn mỗi việc khua môi múa mỏ, chúng không biết đã bị cái gì dẫn dắt.
1253. Nó đã sỉ vả tôi, nó đã đánh đập tôi, nó đã chế ngự tôi, nó đã tước đoạt của tôi. Những người nào ấp ủ điều ấy, sự thù hận của những người ấy không được lặng yên.
1254. Nó đã sỉ vả tôi, nó đã đánh đập tôi, nó đã chế ngự tôi, nó đã tước đoạt của tôi. Những người nào không ấp ủ điều ấy, sự thù hận ở những người ấy được lặng yên.
1255. Ở thế gian này, các sự thù hận không bao giờ được lặng yên bởi sự hận thù, và chúng được lặng yên bởi sự không thù hận; điều này là quy luật cổ xưa.
1256. Và những kẻ khác không nhận thức được, ở đây chúng ta nên tự kiềm chế. Còn những ai tại nơi ấy nhận thức được (điều ấy), nhờ thế các sự tranh chấp được lặng yên.
1257. Những kẻ chuyên bẻ gãy xương, có sự giết hại mạng sống, có sự đoạt lấy bò, ngựa, và tài sản, đối với những kẻ đang cướp bóc xứ sở, chúng còn có sự kết hợp, tại sao đối với các ngươi lại không được?
1258. Nếu có thể đạt được người bạn khôn ngoan,
làm người đồng hành, có cách cư xử tốt đẹp, sáng trí,
sau khi vượt qua mọi hiểm nạn
nên đi với người ấy, hoan hỷ, có niệm.
1259. Nếu không thể đạt được người bạn khôn ngoan,
làm người đồng hành, có cách cư xử tốt đẹp, sáng trí,
ví như vị vua đã từ bỏ vương quốc thâu phục được,
nên sống một mình như là voi Mātaṅga ở trong rừng.
1260. Sống một mình là tốt hơn,
không có tình bằng hữu ở kẻ ngu.
Nên sống một mình và không nên làm các điều ác,
ít ham muốn, như là voi Mātaṅga ở trong rừng.
2. Bổn sanh Kosambī.
1261. “Vào lúc cây trổ quả,
các con chim lượn quanh nó ăn trái cây.
Sau khi biết được cây đã kiệt, hết trái,
các con chim từ đó bay đi các phương.
1262. Này chim mỏ đỏ, hãy đi du hành, chớ luẩn quẩn.
Này chim két, tại sao ngươi lại trầm tư ở thân cây khô?
Này loài chim của mùa xuân, nào, hãy nói điều ấy với ta.
Này chim két, vì sao ngươi không lìa bỏ thân cây khô?”
1263. “Những ai thật sự là bạn trong số bạn bè,
lúc sống hoặc chết, lúc sướng hoặc khổ, này chim thiên nga,
họ không từ bỏ bạn ấy dầu bạn bị khánh kiệt hay không khánh kiệt;
những người tốt luôn ghi nhớ đạo lý của những người tốt.
1264. Này chim thiên nga, tôi đây là một trong số những người tốt.
Cây là thân quyến và là bạn của tôi.
Vì mục đích nuôi mạng sống, tôi không thể nào lìa bỏ cây ấy,
sau khi biết rằng cây đã kiệt; bởi vì việc ấy không phải là đạo lý.
1265. “Lành thay tình bạn, tình thân hữu, sự thân thiết ở hội chúng đã được thiết lập! Nếu ngươi ưa thích đạo lý này, ngươi xứng đáng được khen ngợi bởi những người có sự hiểu biết.
1266. Này chim két, này loài di chuyển bằng cặp cánh, này loài đi lại ở không trung, ta đây sẽ ban cho ngươi một ân huệ. Này chim, ngươi hãy chọn một ân huệ về bất cứ điều gì ngươi mong muốn ở trong tâm.”
1267. “Này chim thiên nga, nếu ông có thể ban cho tôi một ân huệ, xin ông hãy khiến cho chính cây này đạt lại được sức sống. Hãy khiến cho cây ấy đứng vững, có cành lá, có trái cây, được tăng trưởng, có mật ngọt, và tỏa sáng.”
1268. “Này bạn hiền, hãy nhìn xem cây ấy có trái cây, và cao quý. Hãy để cho nó sống chung cùng với cây sung của bạn. Cây ấy hãy đứng vững, có cành lá, có trái cây, được tăng trưởng, có mật ngọt, và tỏa sáng.”
1269. “Tương tự như vậy, thưa Thiên Chủ Sakka, mong ngài được hạnh phúc cùng với tất cả thân quyến, giống như tôi hôm nay được hạnh phúc, sau khi nhìn thấy cây được kết trái.”
1270. “Sau khi ban cho con chim két ân huệ, và sau khi làm cho cây có trái, ta cùng với người vợ ra đi về khu rừng Nandana của chư Thiên.”
3. Bổn sanh Chim Két Lớn.
1271. “Có những cây xanh lá, có nhiều cây lắm trái. Tại sao tâm trí của chim két lại ưa thích cái cây khô, hết nhựa sống?”
1272. “Chúng tôi đã ăn trái của cây này trong nhiều năm vô số kể. Dẫu biết rằng cây không còn trái, tình bạn ấy cũng vẫn như trước kia.”
1273. “Khi cây khô và hết nhựa sống, không còn lá, không còn trái, các con chim lìa bỏ và ra đi, này chim, ngươi nhìn thấy tội lỗi gì?”
1274. “Những con chim thân cận vì mục đích trái cây, khi biết cây đã hết trái liền từ bỏ, chúng là những kẻ chỉ biết lợi ích của bản thân, ngu muội, không theo tập thể.”
1275. “Lành thay tình bạn, tình thân hữu, sự thân thiết ở hội chúng đã được thiết lập! Nếu ngươi ưa thích đạo lý này, ngươi xứng đáng được khen ngợi bởi những người có sự hiểu biết.
1276. Này chim két, này loài di chuyển bằng cặp cánh, này loài đi lại ở không trung, ta đây sẽ ban cho ngươi một ân huệ. Này chim, ngươi hãy chọn một ân huệ về bất cứ điều gì ngươi mong muốn ở trong tâm.”
1277. “Nếu tôi thật sự có thể nhìn thấy cây ấy có lá, có trái trở lại, tựa như kẻ nghèo khổ đã đạt được của cải chôn giấu, tôi sẽ vui mừng khôn xiết.”
1278. Sau đó, Thiên Chủ Sakka đã lấy thuốc bất tử rưới lên cây ấy. Các cành của nó đã phát triển, có bóng mát, làm thích ý.
1279. “Tương tự như vậy, thưa Thiên Chủ Sakka, mong ngài được hạnh phúc cùng với tất cả thân quyến, giống như tôi hôm nay được hạnh phúc, sau khi nhìn thấy cây được kết trái.”
1280. “Sau khi ban cho con chim két ân huệ, và sau khi làm cho cây có trái, ta cùng với người vợ ra đi về khu rừng Nandana của chư Thiên.”
4. Bổn sanh Chim Két Nhỏ.
1281. “Thưa bậc đại Phạm hạnh, có điều này trẫm đã được nghe là: Hārita thọ hưởng dục. Có phải điều ấy là không đúng? Có phải ngài còn trong sạch?”
1282. “Tâu đại vương, điều ấy là như vậy, giống như lời nói đã được bệ hạ nghe. Thần đã đi vào con đường xấu xa, đã bị lầm lạc trong các pháp dẫn đến si mê.”
1283. “Vậy trí tuệ khôn khéo với sự suy nghĩ tốt đẹp có lợi ích gì? Tâm gì không thể xua đuổi sự luyến ái một khi nó đã được sanh khởi?”
1284. “Tâu đại vương, bốn pháp này là mạnh mẽ, có năng lực vượt trội ở thế gian: luyến ái, sân hận, say đắm, si mê; ở nơi ấy, trí tuệ không đứng vững.”
1285. “‘Hārita là bậc A-la-hán, đầy đủ về giới, sống trong sạch, thông minh, và sáng suốt nữa,’ ngài được chúng tôi tôn vinh như thế.”
1286. “Tâu bệ hạ, các ý nghĩ xấu xa, vẻ đẹp kết hợp với sự luyến ái, chúng hãm hại vị ẩn sĩ thông minh, ưa thích giáo pháp và đức hạnh.”
1287. “Điều này được sanh lên từ cơ thể,
sự luyến ái làm hư hoại nét rạng rỡ của ngài.
Ngài hãy dứt bỏ việc ấy. Mong rằng sự tốt lành hãy có cho ngài.
Ngài được nhiều người công nhận là thông minh.”
1288. “Các dục ấy tạo ra sự tăm tối, là các chất độc dữ dội có nhiều khổ đau, thần sẽ tìm kiếm gốc rễ của chúng, sẽ cắt đứt sự luyến ái luôn cả sự trói buộc.”
1289. “Sau khi nói điều này, vị ẩn sĩ Hārita, với sự nỗ lực về pháp chân thật, sau khi dứt trừ sự luyến ái ở các dục, đã là vị đạt đến thế giới Phạm Thiên.”
5. Bổn sanh Ẩn Sĩ Hārita.
1290. “Sông Gaṅgā cuốn trôi Pāṭala, nhà thuyết giảng tài hoa, có kiến thức rộng. Tướng công ơi, hỡi người đang bị cuốn trôi, xin chàng hãy ban cho thiếp một bài kệ ngắn.”
1291. “Chúng rưới rắc vật nào cho người bị khổ sở, chúng rưới rắc vật nào cho người bị bệnh, ta sẽ bị chết ở giữa vật ấy; sự nguy hiểm sanh lên từ nơi nương tựa.”
1292. “Các hạt giống mọc lên ở chỗ nào, các chúng sanh đứng vững ở chỗ nào, cái vật ấy giáng xuống đầu của ta; sự nguy hiểm sanh lên từ nơi nương tựa.”
1293. “Nhờ vật nào các bữa ăn được nấu chín, nhờ vật nào cái lạnh được tiêu diệt, cái vật ấy đốt cháy các tay chân của ta; sự nguy hiểm sanh lên từ nơi nương tựa.”
1294. “Đông đảo các Bà-la-môn và Sát-đế-lỵ được nuôi sống nhờ vật nào khi được ăn vào, vật ấy khi được ăn vào gây tai họa cho tôi; sự nguy hiểm sanh lên từ nơi nương tựa.”
1295. “Vào tháng cuối của mùa nóng, các bậc sáng suốt mong mỏi làn gió, gió ấy bẻ gãy các tay chân của tôi; sự nguy hiểm sanh lên từ nơi nương tựa.”
1296. Các con chim nương nhờ cây nào, chính cây này phát ra ngọn lửa, các con chim phân tán các phương; sự nguy hiểm sanh lên từ nơi nương tựa.”
1297. “Cô gái nào có sự vui vẻ, có tràng hoa, có thoa trầm hương mà tôi đã đưa về, cô gái ấy đuổi tôi ra khỏi nhà; sự nguy hiểm sanh lên từ nơi nương tựa.”
1298. Tôi đã vui mừng khi người nào được sanh ra, và tôi đã mong mỏi sự hiện hữu của người nào, người ấy tống tôi ra khỏi nhà; sự nguy hiểm sanh lên từ nơi nương tựa.”
1299. “Hỡi các dân chúng và các thị dân đã tụ tập lại, xin hãy lắng nghe tôi. Cái nào là nước, cái ấy là lửa cháy; từ nơi nào có sự an toàn, từ nơi ấy có sự nguy hiểm.
1300. Đức vua và viên quan tế tự Bà-la- môn bóc lột đất nước, các vị hãy bảo vệ lấy bản thân; sự nguy hiểm sanh lên từ nơi nương tựa.”
6. Bổn sanh Chàng Trai Xem Xét Vết Bàn Chân.
1301. “Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ có thể khiến cho vị ẩn sĩ Lomasakassapa hiến cúng cuộc lễ tế thần, bệ hạ có thể sánh bằng Thiên Chủ Inda, vĩnh viễn không già không chết.”
1302. “Ta không mong muốn phần đất đai có biển cả bao quanh, có vòng đai là đại dương, cùng với sự chê bai, này Sayha, ông hãy nhận biết như vậy.
1303. Này Bà-la- môn, thật xấu hổ thay việc đạt được danh tiếng và việc đạt được tài sản là việc mưu sinh với nghiệp đọa vào địa ngục, hoặc với việc thực hành phi pháp!
1304. Nếu có thể là người không nhà, cầm lấy bình bát và sống hạnh du sĩ, chính sự nuôi mạng ấy là tốt hơn là việc tầm cầu phi pháp.
1305. Nếu có thể là người không nhà, cầm lấy bình bát và sống hạnh du sĩ, trong khi không hãm hại kẻ khác ở thế gian, việc ấy còn cao quý hơn cả vương quốc.”
1306. “Mặt trăng là có năng lực, mặt trời là có năng lực, các vị Sa-môn và Bà-la-môn là có năng lực, thủy triều của biển cả là có năng lực, các phụ nữ là có năng lực vượt trội trong số các loại năng lực.
1307. Giống như nàng Candavatī, vì mục đích của vua cha, đã khiến cho vị ẩn sĩ an tịnh, có sự khổ hạnh cao tột Lomasakassapa hiến cúng cuộc lễ tế thần Vājapeyya.”
1308. “Việc làm ấy được tạo ra do tham, (có quả) cay đắng, có nhân là dục vọng, ta sẽ tìm kiếm gốc rễ của nó, ta sẽ cắt đứt sự luyến ái luôn cả sự trói buộc.”
1309. “Thật xấu hổ thay các dục là quá nhiều ở thế gian!
Tâu bệ hạ, khổ hạnh quả nhiên tốt hơn các loại dục.
Thần sẽ thực hành khổ hạnh sau khi dứt bỏ các dục,
vương quốc và công chúa Candavatī hãy thuộc về bệ hạ.”
7. Bổn sanh Ẩn Sĩ Lomasakassapa.
1310. “Ta nói với các con chim có bộ lông màu vàng cam, từng đôi, từng cặp, với tâm ý vui vẻ, đang du ngoạn rằng: ‘Này các bạn chim, thiên hạ ca ngợi loài chim nào, dòng dõi nào ở giữa loài người,? Vậy, xin các bạn hãy nói về điều ấy.’”
1311. “Này con chim gây hại cho loài người, thiên hạ ca ngợi loài hồng hạc chúng tôi là xứng đáng. Chúng tôi được công nhận là có bản thể tốt đẹp trong số các loài chim. Với dáng vóc không bị kinh sợ, chúng tôi du ngoạn ở trong hồ nước.”
1312. “Các bạn ăn các loại trái cây gì ở hồ nước? Này các chim hồng hạc, các bạn nhai thịt của những sinh vật nào? Này loài thú thượng đẳng, các bạn thọ dụng thức ăn gì mà các bạn có sức mạnh, sắc đẹp, và không phải là không có vóc dáng?”
1313. “Không phải các loại trái cây có ở hồ nước, này chim quạ, do đâu mà có việc nhai thịt đối với loài chim hồng hạc? Chúng tôi có thực phẩm là rong rêu, có thức ăn là vật không có vỏ cứng. Chúng tôi không tạo ra việc ác vì nguyên nhân vật thực.”
1314. “Việc này của loài chim hồng hạc không làm ta thích thú, là thức ăn và vóc dáng ở đời sống này. Thức ăn của của ta giờ đây phải đổi khác so với thức ăn của ta đã có trước đây, sự hoài nghi của ta về điều này đã được sanh lên y như thế ấy.
1315. Ta cũng ăn các loại thịt, các loại trái cây, các loại cơm có muối và dầu ăn. Ta nhận lãnh để thọ dụng thức ăn có khẩu vị của loài người, tựa như người dũng sĩ chiến thắng ở tuyến đầu của trận đánh. Này chim hồng hạc, vóc dáng như thế ấy của ta không giống như là của bạn được.”
1316. “Ngươi có thức ăn không trong sạch, có sự đeo đuổi cơ hội,
thức ăn nước uống của ngươi đạt được một cách khó khăn.
Này quạ, ngươi không vui thích với các trái cây,
hoặc các loại thịt ở giữa bãi tha ma.
1317. Kẻ nào đạt được các của cải bằng bạo lực, rồi thọ dụng, này quạ, là kẻ có sự đeo đuổi cơ hội. Về sau, tự bản thân (kẻ ấy) khiển trách kẻ ấy. Bị khiển trách, kẻ ấy đánh rơi sắc đẹp và sức mạnh.
1318. Nếu chỉ có chút ít (thức ăn), nếu thọ hưởng sự bình yên, không do bạo lực, không có sự hãm hại người khác, khi ấy sắc đẹp và sức mạnh sẽ có cho người này, bởi vì không phải toàn bộ sắc đẹp chi do mỗi vật thực tạo thành.”
8. Bổn sanh Chim Hồng Hạc.
1319. “Sự bền chí tốt đẹp là ở trong rừng, ở nơi trú ngụ thanh vắng. Còn những người nào bền chí ở xóm làng, những người ấy là cao cả hơn chàng.”
1320. “Thưa cha, sau khi từ rừng đi vào làng, con nên thân cận người có giới thế nào, có sự hành trì thế nào? Được hỏi, xin cha hãy giải thích điều ấy cho con.”
1321. “Này con, người nào có thể tin tưởng con và có thể đạt được sự tin tưởng của con, có sự lắng nghe và có sự nhẫn nhịn (lời nói của con), con hãy thân cận người ấy khi con ra đi khỏi nơi này.
1322. Đối với người nào không có việc làm sai trái bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, con hãy thân cận người ấy khi con ra đi khỏi nơi này, tựa như (đứa bé trai) nằm yên ở trên ngực (người mẹ).
1323. Người nào cư xử đúng pháp và không có vẻ tự cao trong khi cư xử, người có hành vi trong sạch, có trí tuệ, con hãy thân cận người ấy khi con ra đi khỏi nơi này.
1324. Này con, với người có tâm chao đảo như loài khỉ, mau chóng thay đổi, con chớ phục vụ người như thế ấy, dẫu cho không có người nào khác.
1325. Con hãy lánh xa (người ấy) tựa như lánh xa con rắn có nọc độc đã nổi giận, lánh xa con đường lớn bị phân lem luốc, ví như người đi xe lánh xa con đường không bằng phẳng.
1326. Này con, các sự bất lợi tăng trưởng cho người thân cận mật thiết với kẻ ngu. Vậy chớ có đi chung với kẻ ngu, cũng như với kẻ thù, vào mọi lúc.
1327. Này con, cha cầu xin con về điều ấy, con hãy làm theo lời nói của cha. Vậy chớ có đi chung với kẻ ngu. Sự kết hợp với những kẻ ngu là khổ.”
9. Bổn sanh Tâm Chao Đảo.
1328. “Thưa ông, ba người quý vị từ đâu đi đến vậy?
Nơi đây xin hoan nghênh. Mời quý vị ngồi xuống ở ghế.
Thưa quý vị, có lẽ quý vị đều được tốt lành, mạnh khỏe?
Bởi vì, lâu lắm rồi, mới có sự quang lâm của quý vị ở nơi này.”
1329. “Chỉ có một mình tôi đã ngự đến nơi này,
và cùng với tôi, cũng không có người thứ hai nào.
Thưa ẩn sĩ, liên quan đến điều gì, mà ngài đã nói:
‘Thưa ông, ba người quý vị từ đâu đi đến vậy?’”
1330. “Ông là một và người vợ yêu dấu của ông
đã được đặt vào và dấu kín ở bên trong cái hộp.
Nàng ấy luôn luôn được ông gìn giữ và còn được để vào trong bụng,
ở nơi ấy, nàng vui thích cùng với người con trai của Vāyu.”
1331. “Được vị ẩn sĩ giải thích, với dáng vẻ bị chấn động,
gã khổng lồ ấy đã ói ra cái hộp ở tại nơi ấy,
và đã nhìn thấy người vợ có mang tràng hoa tinh khiết,
ở nơi ấy, nàng vui thích cùng với người con trai của Vāyu.”
1332. “Sự việc được nhìn thấy rõ ràng nhờ vào việc vận dụng khổ hạnh cao tột (của ngài). Những gã đàn ông hạ liệt là những kẻ bị rơi vào quyền lực của sự xao lãng. Thật vậy, giống như ở đây, được ta gìn giữ tựa như sinh mạng, nàng ấy đã phản bội ta và vui thú với người đàn ông khác.
1333. Ngày và đêm nàng được ta hầu cận, tương tự như ngọn lửa được thờ phụng bởi vị đạo sĩ khổ hạnh trong lúc sống ở trong rừng. Cô ấy, sau khi xem thường đạo đức, đã thực hành việc phi đạo đức. Sự thân thiết với những người phụ nữ là hình thức không nên làm.
1334. Tôi đã nghĩ về một người phụ nữ không đoan chính, không tự kiềm chế rằng: ‘Nàng ở bên trong cơ thể của ta. Nàng là của ta.’ Cô ấy, sau khi xem thường đạo đức, đã thực hành việc phi đạo đức. Sự thân thiết với những người phụ nữ là hình thức không nên làm.
1335. Làm sao có thể tin rằng nàng đã được khéo gìn giữ bởi ta?
Bởi vì không có sự gìn giữ ở đây, ở người phụ nữ có nhiều tâm tánh.
Chính những người nữ này giống như khe sâu và vực thẳm,
người nam bị xao lãng ở đây sẽ đọa vào cảnh bất hạnh.
1336. Chính vì thế, những người nào sống cách ly với những người phụ nữ, nhừng người ấy có sự an lạc, có sự sầu muộn được xa lìa. Trong khi ước nguyện sự an toàn tối thượng, không nên tạo ra sự thân thiết với những người phụ nữ.”
10. Bổn sanh Cái Hộp.
1337. “Này cô bạn, cái ngước nhìn của Pūtimaṃsa không được tôi ưa thích. Tôi nên lánh xa người bạn gái như thế ấy.”
1338. “Veṇī này điên khùng, cô ả ca ngợi bạn gái với chồng. Giờ than phiền về việc Meḷamātu đã đến rồi bỏ đi.”
1339. “Này chồng à, ông quả thật điên khùng, ngu muội, không có sự khôn khéo, ông đây đã giả vờ chết mà còn ngước nhìn không đúng lúc.”
1340. “Người sáng suốt không nên ngước nhìn không đúng lúc, và nên ngước nhìn đúng lúc, tựa như Pūtimaṃsa, là kẻ ngước nhìn không đúng lúc, lại còn than phiền.”
1341. “Này cô bạn, sự yêu quý hãy dành cho tôi. Bạn hãy ban cho tôi tặng phẩm. Chồng của tôi đã được hồi sinh. Bạn hãy đến, này người thăm hỏi yêu quý.”
1342. “Này cô bạn, sự yêu quý hãy dành cho bạn. Tôi sẽ ban cho bạn tặng phẩm. Tôi sẽ đến cùng với đoàn tùy tùy đông đảo. Bạn cần phải làm thức ăn.”
1343. “Đoàn tùy tùy của bạn là những loại nào để tôi sẽ làm thức ăn cho họ? Và tất cả bọn họ có tên gọi là gì? Được hỏi, xin bạn hãy giải thích điều ấy cho tôi.”
1344. “Là bốn giống chó tên Māliya, Caturakkha, và Piṅgala, rồi Jambuka, đoàn tùy tùy của tôi là như thế ấy, bạn cần phải làm thức ăn cho họ.”
1345. “Trong lúc bạn rời khỏi nhà, đồ đạc cũng bị mất mát. Tôi sẽ nói cho chồng về sự khỏe mạnh của bạn. Bạn hãy sống ngay tại đây, chớ đi đến.”
11. Bổn sanh Chó Rừng Pūtimaṃsa.
1346. “Kẻ nào đã ăn thịt hai đứa con nhỏ vô tội của ngươi, mặc dầu đã được ngươi ban cho bữa ăn, ngươi hãy cắm sâu răng nanh vào kẻ ấy. Chớ để mạng sống của kẻ ấy được thoát khỏi nanh vuốt của ngươi.”
1347. “Gã đàn ông là kẻ sát nhân tàn nhẫn, bị lem luốc, tựa mảnh khăn của người vú em. Tôi không nhìn thấy phần cơ thể nào của gã mà tôi có thể cắm sâu răng nanh vào.
1348. Đối với con người không biết ơn nghĩa, thường xuyên soi mói lỗi lầm, dầu ban cho toàn thể trái đất, cũng không bao giờ làm kẻ ấy vừa lòng.”
1349. “Này bạn Cọp Subāhu, tại sao bạn có vẻ vội vã quay trở lại cùng với người thanh niên? Có công việc gì, mục đích gì ở nơi này cho bạn? Được tôi hỏi, xin bạn hãy giải thích về mục đích ấy.”
1350. “Hôm nay, tôi hoài nghi về cái chết của bạn gà gô, bạn ấy có vóc dáng tốt đẹp và là thân hữu của bạn. Sau khi nghe được các phạm vi hoạt động của con người, tôi nghĩ rằng hôm nay bạn gà gô không có được sự an lành.”
1351. “Bạn đã nhìn thấy các phạm vi hoạt động gì của gã này có liên quan đến tính chất chung về hành vi của con người? Hoặc sau khi nghe được điều thú nhận gì của con người khiến bạn hoài nghi gà gô đã bị giết chết bởi gã thanh niên?”
1352. “Gã đã đi lại ở xứ sở Kaliṅga, đã hành nghề buôn bán. Với cây gậy chống, gã đã đi lại ở con đường gồ ghề khó đi. Gã đã du hành cùng với những người nhảy múa và những người ca hát. Gã cũng đã tham gia cuộc chiến đấu bằng gậy gộc ở giữa các lễ hội.
1353. Gã đã đánh bắt những con chim, đã làm việc cân đong thóc gạo, đã thắng trò chơi xúc xắc, đã vi phạm sự thu thúc về giới, đã ngăn lại dòng máu chảy lúc nửa đêm, hai bàn tay gã đã bị phỏng vì chứa đựng thức ăn.
1354. Tôi đã nhìn thấy các phạm vi hoạt động ấy của gã này có liên quan đến tính chất chung về hành vi của con người. Giống như mảnh lông này được nhìn thấy và hai con bò đã bị giết, vậy thì còn việc gì với bạn gà gô nữa?”
12. Bổn sanh Con Gà Gô.
Chim kên kên cao quý, người người như nhau, chuyện chim thiên nga,
được gọi là của cải chôn giấu, ẩn sĩ Hārita, vị thuyết giảng Pāṭala,
sự không già không chết, chim quạ, sự chịu đựng, từ đâu (đi đến),
rồi sự ngước nhìn, và con gà gô là mười hai.
[Mục lục][01][02][03][04][05][06][07][08][09][10][11][12][13][14]
[Thư Mục Tổng Quát][Thư mục Bổn Sanh I][Thư mục Bổn Sanh II][Thư mục Bổn Sanh III]